Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Tản mạn về chữ Duyên



Trong những cuộc gặp gỡ, hay những lúc cùng ngồi bên nhau ôn kỷ niệm, chắc chắn ai cũng thường nói với nhau hai câu thơ vốn rất nổi tiếng:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên diện kiến bất tương phùng …

Nhưng có mấy ai biết được xuất xứ hay truyền thuyết về nguyên nhân có những câu thơ ấy …Hôm nay, nhân tiết đông trên quê hương, xuân sắp về, người viết xin được chia sẻ cùng các bạn về câu chuyện đã từ rất lâu ấy, nay kể lại bằng ký ức …

Ngày xưa … lâu lắm rồi… ở một thủ phủ thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), có một viên ngoại giàu có .Vợ mất sớm, để lại cho ông cô con gái xinh đẹp. Viên ngoại rất mực thương yêu và chăm sóc cô kỹ lưỡng. Đến tuổi cập kê, cô gái đã cầm, kỳ, thi, họa… đủ cả. Viên ngoại cũng bắt đầu kén rể nhưng chưa có một chàng trai nào khả dĩ có thể làm cho ông hài lòng để có thể giao cô con gái rượu của mình …
Một hôm, trong sân nhà viên ngoại xuất hiện cùng lúc 3 chàng trai, người nào cũng khôi ngô tuấn tú. Đặc biệt, mỗi chàng đều có một biệt tài khó ai sánh bằng: Chàng trai thứ nhất có đôi chân thiên lý mã, có thể chạy cả ngàn dặm không biết mỏi. Chàng trai thứ hai có tài bắn cung bách phát bách trúng, đến Dương Bá Đương đời Đường cũng thua xa. Chàng trai thứ 3 có tài làm thơ, chàng có thể làm một lúc cả ngàn bài thơ hay với nét chữ rồng bay phượng múa…
Viên ngoại phân vân lắm… khi con gái chỉ có một. Ông hẹn cùng 3 chàng trai, sáng mai, phải có mặt ở sân nhà ông từ sớm để đua tài.
Sáng sớm hôm sau, khi ánh bình minh chưa lan hết sân nhà viên ngoại, thì 3 chàng trai đã có mặt, sẵn sàng chờ đợi. Trong sân, cả đêm hôm qua, gia nhân nhà viên ngoại gần như không ngủ, để vót cho xong bó cung tên lớn, và mài cho đầy một nghiên mực tàu thật to…
Viên ngoại ra lệnh: Chàng trai thứ nhất, phải chạy đến kinh thành Tràng An, mượn cho bằng được chiếc trống Tràng An về cho ông. Chàng trai thứ 2, phải bắn cho rụng hết lá của 2 cây ngô đồng trước ngõ nhà ông. Chàng trai thứ 3, phải viết cho xong 3.000 bài thơ trên giấy hoa tiên, không được trùng ý. Ai báo công trước nhất sẽ được ông chọn làm nghĩa tế.
Sau tiếng trống lệnh, loáng một cái, chàng trai có đôi chân thiên lý mã đã mất hút, không để lại dù một dấu bụi hồng. Thế rồi, người ta chỉ còn nghe từng âm thanh… vút… tách của cung tên tra vào nỏ... bắn đi... lá ngô đồng rụng lả tả…
Riêng chàng trai thứ 3, được mời đến dưới giàn hoa thiên lý, nơi đã để sẵn bút nghiên cho chàng làm thơ. Bên hiên, giai nhân đang e ấp mỉm cười, nghiêng đầu thêu cặp gối rồng phụng cho ngày vu quy… Chàng trai cắm cúi múa bút, từng tờ giấy hoa tiên bay xuống như bướm lượn, gia nhân nhà viên ngoại cũng sẵn sàng đón lấy, xếp lại ngay ngắn …
Trời đã quá trưa, chàng thi sĩ vươn vai đứng dậy… Chàng vừa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. Nhìn ra ngoài ngõ, lá ngô đồng mới rụng hơn một nửa, bóng dáng người có đôi chân thiên lý vẫn mịt mù…
Cô gái cũng vừa nghỉ tay, nhẹ nhàng đến bên giàn hoa lý, mỉm cười cúi xuống rót trà mời chàng trai. Trước khung cảnh thơ mộng cùng nụ cười đẹp như thơ kia, chàng trai đã viết (nguyên văn thì người viết không nhớ ,nhưng có thể tạm dịch):
Ung dung trời đã xế trưa
Thơ ba ngàn bản cũng vừa viết xong
Ngoài kia xa dấu bụi hồng ,
Bên hiên cành lá ngô đồng chưa vơi
Dấu yêu nhẹ mỉm môi cười
Ta nghe đồng vọng một lời phu thê!
Chàng thi sĩ tính ngâm tặng nàng, người mà chàng nghĩ chắc chắn sẽ là vợ mình. Thì... chao ôi… đất trời như sụp lở dưới chân…, bên tai chàng ầm vang tiếng trống cùng tiếng hét lên vui mừng của chàng trai có đôi chân ngàn dặm:
-Thưa nhạc gia, con đã đem được trống Tràng An về đây rồi!
Cô gái nhìn chàng thi sĩ, ngậm ngùi, người mà mới vài phút trước thôi, cô cũng nghĩ sẽ là phu quân của mình. Để an ủi chàng trai, cô đã tặng chàng 4 câu thơ:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên diện kiến bất tương phùng

Ẩm thị ngã trà hoàn ngã trản
Tràng An chi cổ dĩ bồng bồng.

Xin được tạm dịch:

Ngàn năm duyên may tình vẫn gặp
Vô duyên đối mặt sự không thành
Chàng uống trà xong, xin trả chén
Tràng An đã giục trống liên thanh!

Thế đấy, chén trà cũng xin chàng trả lại, vì… người ngọc đã thuộc về người nhanh nhất, thực tế nhất…
Từ đó, 2 câu thơ đầu luôn thấm thía với từng cuộc gặp gỡ trong nhân gian, người ta dần quên hai câu cuối cũng là kết cấu của truyền thuyết đã lâu …
DUYÊN khởi tất duyên thành…
DUYÊN tụ rồi duyên tán…
DUYÊN tán tất duyên sinh…
Tất cả do DUYÊN!



TƯƠNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét