Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

QUÊN NHAU



cucvang832002




Tháng 4 bỏ đi mất tích
Ai ngồi ngốc nghếch bên đường
Biết làm sao tìm lại
Huệ tàn, đến chẳng còn hương…

Cà phê bỏ đi mất tích
Một chiều ngồi khuấy lên trời
Chỉ thấy mây tan rất nhẹ
Thờ ơ đắng một làn môi

Thành phố bỏ đi mất tích
Để lại phố cũ thành dòng
Người người đi qua xa lạ
Cười cười một nụ quên trong

Thanh xuân bỏ đi mất tích
Ga xép rối những đường tàu
Ở một quãng đường xa nọ
Có người thực sự quên nhau…

Bàn Về Chữ Không Trong Phật Giáo Nguyên Thủy




Thích Nữ Nhuận Bình






Chúng ta thấy thời Phật giáo Nguyên thủy đã đề cập đến vấn đề “không” một cách rất thâm thúy, với các tầng bậc ý nghĩa giá trị, phục vụ cho đời sống tu tập của hai bộ đại tăng. Tuy nhiên, khái niệm không này không chỉ dừng lại ở thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, mà đến thời kỳ Bộ phái, tư tưởng này cũng được đem ra bàn luận, mổ xẻ và có lẽ đỉnh cao của khái niệm không, chính là thời kỳ của Phật giáo Đại thừa.



I. ĐẶT VẤN ĐỀ

“Như tuyết rơi trên sa mạc, tan rất nhanh sau đó và chẳng lưu lại dấu vết nào”. Trạng thái tuyết rơi, tan nhanh sau đó và không lưu lại dấu vết nào là một ám hiệu chỉ cho sự rỗng không, trống không của vạn pháp. Nhiều người cứ lầm tưởng, những gì hiện hữu trước mặt ta, bên cạnh ta và xung quanh chúng ta là những thứ thật có và tồn tại mãi với thời gian. Từ đó, con người cố chấp, bám víu vào nó, thậm chí, suốt một hành trình cứ đi tìm thứ hạnh phúc tạm bợ, mong manh, tìm mãi, tìm hoài mà chẳng bao giờ thấy được hạnh phúc chân như. Vì theo thời gian, vạn vật quay theo dòng xoáy của sinh, trụ, dị, diệt, từ không trở thành có và từ có lại trở về không.

Hiểu được như thế chúng ta mới thấy giáo lý không của đạo Phật thâm thúy, thật thâm thúy biết dường nào, chẳng những nó đáp ứng cho nhu cầu giải thích sự hình thành và biến thiên của vạn pháp, mà còn giúp cho những người chưa giác ngộ, những người đang vướng kẹt vào tự ngã tháo gỡ được mọi gút mắc, tìm cho mình lối đi thanh thản, hạnh phúc chân thật giữa cuộc đời.

Nhiều người lầm tưởng cho “không” là giáo lý phổ quát, đặc trưng của Phật giáo Đại thừa do Bồ tát Long Thọ (Nàgàrjuna) khởi xướng, nhưng kỳ thật, giáo lý này được chính đức Phật đã dạy cho chúng đệ tử ứng dụng tu tập khi Ngài còn tại thế. Điều đáng nói ở đây, giáo lý này theo thời gian rất phát triển và ứng dụng. Chẳng những Bộ phái đã bàn nhiều về vấn đề này, mà Long Thọ còn làm cho nó phát triển đến tột bậc.

Lịch sử nghiên cứu về giáo lý không đã được rất nhiều học giả bàn luận. Nguồn tài liệu chủ yếu mà chúng tôi sử dụng vẫn là những bản kinh trong văn tạng Nikaya và Agama. Bên cạnh đó, rất nhiều học giả đã nói về vấn đề này như cố HT. Thích Minh Châu với cuốn “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, Thích Hạnh Bình với cuốn “Triết học có và không của Phật giáo Ấn Độ” và còn rất nhiều những tác phẩm khác nói đến vấn đề này. Thu thập từ những nguồn tài liệu trên, chúng tôi đã tiếp nhận, nắm bắt, học hỏi và ứng dụng vào bài viết của mình bằng cách hiểu của riêng cá nhân.

II. CHỮ “KHÔNG” TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Để phân tích về chữ “không” tức “Sùnyatà” trong Phật giáo Nguyên thủy, chúng tôi sẽ dựa trên những bản kinh của Pàli và Hán để trình bày, phân tích, chứng minh cho bài Nghiên cứu này.

1. “Không” là sự chấm dứt các phiền não của tâm

Không là một khái niệm xuất hiện khá sớm trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, trải dài đến Phật giáo Đại thừa, tư tưởng không này cũng được Long Thọ xiển dương một cách triệt để. Tuy nhiên, tùy theo tiến trình của dòng chảy lịch sử mà khái niệm không này cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Đọc qua các bản kinh Hán tạng và Pàli chúng ta đều thấy rất rõ, khái niệm không trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy mang những ý nghĩa giản đơn, mô tả đời sống thực của hàng xuất gia. Không lúc này của chúng đệ tử Phật chính là từ bỏ những ràng buộc của đời sống thế tục, sống đời sống không nhà cửa, ruộng vườn, vợ con, tài sản. Đức Phật cũng nhấn mạnh với chúng đệ tử rằng: Ngài vì an trú, không nên an trú rất nhiều. Trongkinh Tiểu Không theo văn bản Pàli và Hán tạng đã đề cập đến vấn đề này như sau:

“Này Ànanda, Ta nhờ an trú không nên nay an trú rất nhiều”[1] (Suññatāvihārenāhaṁ, Ānanda, etarahi bahulaṁ viharāmīti)[2]. Và “Này Anan, những lời của Ta nói, Thầy thật sự biết rõ, nhận rõ và nhớ kỹ. Vì sao? Vì từ trước đến nay, ta phần nhiều an trú nơi không”[3]. Mục đích đức Phật nói bài kinh này để khuyến tấn, khích lệ chúng Tỳ kheo nên hành trì không tánh một cách thiết thực. Vì chỉ có an trú vào tánh không, đệ tử Phật mới thật sự toàn tâm toàn ý cho vấn đề tu tập. Tục ngữ Việt Nam có câu nói rất hay: “Thứ nhất tu gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Ý câu này thì tu ở nhà là khó nhất, khó thứ hai là tu ở chợ và cuối cùng dễ nhất là tu ở chùa. Điều này rất dễ hiểu, vì chùa là môi trường sống dành riêng cho người xuất gia. Môi trường này tách biệt hoàn toàn với đời sống thế tục. Những người ở đây đều chuyên tâm tu niệm, không vướng bận chuyện gia đình, tài sản, lợi danh. Nếu có chút tà tâm nào móng khởi, lập tức sẽ có những bậc phạm hạnh đồng tu nhắc nhở, thức tỉnh. Người tại gia khó có thể thực hiện được điều này vì họ còn vướng bận nợ trần, hằng ngày đối diện với đời sống ngũ dục, cơ hội học tập và thực hành chánh pháp của họ là một điều rất khó. Đó cũng là lý do mà chúng ta nhận thấy thời Phật còn tại thế, chỉ có người xuất gia mới chứng quả A La Hán, còn người tại gia thì không thấy đề cập đến.

Do đó, đức Phật nhắc các Tỳ kheo phải an trú vào không là vậy. An trú vào không ở đây chính là đời sống tu tập không vướng bận. Ngài đã lấy một ví dụ để minh họa cho điều này: “Này Anan, ví như giảng đường Lộc Mẫu này trống không, không có voi, ngựa, trâu, dê, tài vật, lúa, thóc, nô tỳ, nhưng có cái trống không, đó là chỉ có chúng tỳ kheo. Cho nên, này Anan, nếu những gì không có ở trong giảng đường này, thì vì thế ta thấy là không; nếu những thứ khác mà có, thì ta thấy thật sự là có. Này Anan, đấy gọi là chơn thật an trú tánh không, không điên đảo”[4].

Đức Phật dạy chúng Tỳ kheo phải an trú vào chơn thật không, tức cái gì không thì cứ quán là không có, cái gì có thì cứ thấy nó là có. Nhìn sự vật ở trạng thái đang là của nó. Ở đây, điều mà chúng ta thấy đức Phật đang khuyên các Tỳ kheo nên sống trong thực tại, chánh niệm tỉnh giác ngay đây và bây giờ. Đây là sự thực tập buông bỏ. Xem tất cả là không để thấy cuộc đời là giả tạm, xem tất cả là không để dẹp bỏ sự đam mê về vật chất, tiền tài, danh vọng, dẹp bỏ mọi hưởng thụ dục lạc, dẹp bỏ những ước mơ có đời sống sung túc. Đây mới chính là tâm nguyện của những người xuất gia chơn chánh.

“Cũng vậy, này Ànanda, Tỳ kheo không tác ý thôn trưởng, không tác ý nhơn trưởng, chỉ tác ý sự nhất trí do duyên lâm tưởng, tâm của vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng. Vị ấy tuệ tri như sau: “Các ưu phiền do duyên thông trưởng không có mặt ở đây, các ưu phiền do duyên nhân tưởng không có mặt ở đây, và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng”. Vị ấy tuệ tri: Loại tưởng này không có thôn trưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có nhân tưởng, và chỉ có một cái này, không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam) do duyên lâm tưởng”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: “Cái kia có, cái này có”. Như vậy, này Ànanda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh”[5].

Qua đoạn dẫn ở trên, chúng ta thấy người xuất gia là người đang tìm cầu con đường giác ngộ, buông bỏ mọi phiền não của trần tục để có được đời sống phạm hạnh thanh cao, giải thoát mọi khổ đau, tìm về chân thiện mỹ. Đối với họ, nhu cầu sống hàng ngày rất đỗi bình dị, giản đơn, ba tấm y vàng che thân, chiếc bát dùng để khất thực, sàn tọa ngồi thiền và ít thuốc men để duy trì mạng sống. Một cuộc sống nói không với tất cả tài, sắc, danh, thực, thùy. So sánh với ngày nay, đời sống xuất gia của một số Tăng Ni không còn giữ được phạm hạnh như thế, ngày đầu bước vào đạo với tâm hoan hỷ bao nhiêu, buông bỏ bao nhiêu, thành kính đối với ba ngôi Tam bảo bao nhiêu, giữ giới hạnh bao nhiêu, sơ tâm xuất gia mạnh mẽ là thế, chân thành là thế, nhưng rồi khi đã thấm tương chao thì nghiệp cũ quay đầu. Chẳng những không buông bỏ mà còn muốn giữ thật nhiều, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để mua ghế, mua chức, chưa nói đến khi đụng chuyện là nỗi đóa sân si, giới hạnh lung lay vì không còn sơ tâm tịnh khiết. Thế mới thấm thía lời của cổ đức đã dạy: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật” là thế. Đau lòng hơn nữa chính những người xuất gia lại nhúng tay vào những điều không phải là việc làm và hạnh nguyện của một kẻ xuất gia, đi ngược lại với tôn chỉ của Phật là “thượng cầu hạ hóa”. Có lẽ hơn ai hết đức Phật đã quá hiểu những đứa con không được ngoan sau này của mình nên đã cảnh tỉnh bằng những bài kinh thiết thực như thế. “Ngài đã giảng kinh này để khích lệ các vị Tỳ kheo nên hành trì không tánh một cách chơn thực không điên đảo”[6]. Vì chỉ có thấy mọi thứ là không, người xuất gia mới trọn vẹn tâm nguyện của một người đang tìm cầu sự giác ngộ, giải thoát. Mới thật sự buông bỏ những cái mà cuộc sống của những người trần tục có và nắm giữ, trở về trạng thái không của ban đầu là mới sanh ra, lúc mới hai bàn tay trắng đến với cuộc đời này. Từ đó đức Phật mới dạy: “Trong lâu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, và chỉ có một cái không duy nhất”[7].

Khi đã ý thức được điều này, “....cũng vậy, này Ānanda, Tỷ Kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhơn tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí, do duyên lâm tưởng; tâm của vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng”[8]. Lâm tưởng ở đây là khung cảnh Già lam thanh tịnh, là khu rừng thanh vắng chỉ dành cho những bậc chân nhân tu hành, hoàn toàn không có của cải, vợ con, cha mẹ, không có tiền tài, danh vọng, địa vị,... Tất cả mọi thứ đều không. Vị ấy như người đã đặt gánh nặng xuống và chỉ chuyên tâm tu hành, không còn các phiền lụy quấy nhiễu tâm thức. Tâm thanh tịnh và chính nơi ấy là Thiền định: “Này các Tỷ Kheo, ở đây, Tỷ Kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống (suññatāgāra-gato), ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt”[9], đó chính là vị thế của thiền định.

2. “Không” là trạng thái của Thiền

Ý nghĩa lời dạy của đức Phật rất thâm thúy, rất sâu sắc, không chỉ hiểu một chiều, một tầng bậc mà nó bao hàm rất nhiều tầng bậc ý nghĩa khác nhau. Ngoài những gì đã phân tích ở trên, ý nghĩa chữ “không” sâu sắc hơn trong kinh Tiểu Không liên quan đến các trạng thái thiền định. Có bốn bậc thiền mà một vị Tỳ kheo nên đạt để làm rõ khái niệm “không” và an hưởng Niết-bàn: “Các phiền não do duyên lâm tưởng, địa tưởng không có mặt ở đây và chỉ có một phiền não tức là sự an tĩnh của Không vô biên xứ tưởng”[10]. Không vô biên xứ chính là tầng thiền thứ năm, và Kinh Tiểu Không đức Phật không chỉ dạy giới hạn ở tầng thiền này mà còn bao gồm tất cả các tầng thiền: Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Hành giả “vượt qua các thiền chứng về vô sắc giới, vị ấy không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng không có tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chỉ tác ý sự nhất trí do vô tướng tâm định. Nghĩa là vị này chứng được tâm định nhờ dùng một đối tượng không có tướng nên gọi là vô tướng tâm định”[11].

Trong luận Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), Ngài Long Thọ (Buddhaghosa) viết vào thế kỷ thứ năm, đã có nêu ẩn dụ phù hợp với bốn tầng thiền định đầu tiên như sau: “Một kẻ lữ hành đi trong sa mạc, không mang theo nước, và càng lúc thì càng khát. Cuối cùng, anh ta nhìn thấy một hồ nước ở đàng xa, anh ta tràn đầy hân hoan, vui sướng”. Kẻ lữ hành lang thang trong sa mạc càng đi càng thấy khát, ước mơ duy nhất của họ lúc này chính là tìm ra nước để giải thoát cơn khổ về khát. Như vậy, cơn khát này tượng trưng cho sự khát khao về một nội tâm an tĩnh và hạnh phúc của tâm hồn mà thế giới trần tục bên ngoài không làm sao đáp ứng được. Đây là trạng thái của thiền định lạc trú khi đã buông xả, đã chào thua với những thứ tạm bợ của cuộc đời, tức là lúc nói không với tất cả. Hạnh phúc của người lữ thứ chính là khi đã nhìn thầy hồ nước ở đằng xa. Đó là lý do vì sao, đức Phật bảo với ngài Anan: “Này Anan, nhờ an trú vào (khái niệm) “không” mà bây giờ ta được an trú viên mãn nhất”. Do đó, cần hiểu một điều rằng, nghĩa không ở kinh Tiểu Không chính là tùy thuộc vào các cấp bậc thiền chứng, những gì thật không có thời quán là không có, còn những gì thực có thời quán là thực có, nhìn sự vật như lúc đang là của nó thì Thiền cũng chính là không. Cho nên trong kinh mới mô tả rằng: “Trong cung điện của Lộc mẫu (Migāra) này không có voi, bò, ngựa và lừa cái, không có vàng, bạc, không có sự tập hợp của đàn ông, đàn bà, mà chỉ có tăng chúng Tỳ-kheo yên tĩnh”[12].

(Seyyathāpi ayaṃ. Migāramātu pāsādo suñño hatthigavāssavaḷavena, suñño jātarūparajatena, suñño itthipurisasannipātena; atthi c”ev” idaṁ asuññataṁ yadidaṁ bhikkhusaṁghaṁ paṭicca ekattaṁ.)[13]

Bước lên tầng bậc cao hơn của Không chính là Thiền định để đạt đến nội không và ngoại không mà trong kinh Đại không, đức Phật dạy một Tỳ Kheo muốn an tịnh vào bên trong Đại không, cần phải: “Ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú trong thiền thứ nhất…, thứ hai…, thứ ba…, thứ tư…. Ngay cả như vậy, A-nan, vị Tỳ Kheo vững vàng, trầm tĩnh, nhất tâm và an định nội không”[14]. Ở đây chúng tôi không trích dẫn hết nguyên đoạn kinh dài, nhưng ứng vào chữ nghĩa, chúng ta có thể hiểu một cách ngắn gọn như sau: hành giả muốn an định vào nội không thì trước tiên cần phải “ly dục”, đó là xa lìa hay dứt bỏ những ham muốn của đời sống trần tục. Khi không dứt được lòng dục, lập tức các tập nhiễm phiền não sẽ dấy khởi trong tâm. Chỉ một niệm bất giác thôi, mãi mãi vị ấy không bao giờ tìm được niềm an lạc vĩnh cửu của tâm hồn. Nhưng muốn lìa dục, vị ấy cần phải xem tất cả là không, chỉ như thế vị ấy mới thật sự buông bỏ, thật sự ly dục và ly các bất thiện pháp. Chỉ khi chúng ta thật sự sống trong trạng thái không tĩnh lặng, thì cơ hội chứng và an trú vào các cấp độ thiền định từ thứ nhất đến thứ tư mới thật sự thành công. Ngay lúc này chính là đã an trú vào nội không. Chúng ta sẽ thẩm thấu hơn về điều này trong lời dạy của đức Phật:

“Và này Ānanda, như thế nào Tỷ kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm? Ở đây, này Ānanda, Tỷ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm... chứng và trú Tam thiền… chứng và trú Tứ thiền. Như vậy, này Ānanda, Tỷ kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm.

Vị ấy tác ý nội không... Vị ấy tác ý ngoại không… Vị ấy tác ý nội ngoại không… Vị ấy tác ý bất động”[15], làm cho tâm đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Cao hơn một bậc về cách quán nội không và ngoại không, đức Phật còn dạy về sự quán sát cả nội ngoại đều không. Trong kinh Đại Không, đức Phật đã dạy về việc quán và diệt trừ năm thủ uẩn, vì chính năm thủ uẩn này mà chúng sanh bị rối ren, bị đọa xứ, bị khổ đau. Cho nên phải xem nó là không, là không có “Này Ānanda, có năm thủ uẩn. Ở đây, Tỷ kheo cần phải đoạn tận chúng khi vị ấy tùy quán sự sanh diệt. Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự đoạn diệt của sắc. Đây là thọ, đây là sự tập khởi của thọ, đây là sự đoạn diệt của thọ. Đây là tưởng... Đây là hành... Đây là thức, đây là sự tập khởi của thức, đây là sự đoạn diệt của thức. Trong khi vị ấy an trú, tùy quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, nếu có ngã mạn nào (asmiṃmāno) (khởi lên) đối với năm thủ uẩn, ngã mạn ấy được đoạn tận. Sự kiện là như vậy, này Ānanda, Tỷ-kheo tuệ tri như sau: “Phàm có ngã mạn nào đối với năm thủ uẩn (khởi lên) nơi ta, ta đã đoạn tận ngã mạn ấy.” Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Những pháp này, này Ānanda, thuần nhất liên hệ đến thiện, đều thuộc Hiền Thánh, siêu thế, vượt ngoài tầm của Ác ma”[16]. Đến đây, hành giả đã hoàn thiện được nội không, ngoại không và nội ngoại đều không. Nhờ đó, hành giả sẽ đạt được giác ngộ, giải thoát.

Có thể nói, Thiền là phương pháp tu tập phổ quát được hầu hết các nhà tư tưởng Ấn Độ thực tập. Nếu bảo rằng Thiền định do đức Bổn Sư khai sáng là một điều rất sai lầm. Trước khi đức Thích Tôn xuất thế, Thiền định đã có mặt tại Ấn Độ. Minh chứng rõ ràng nhất là khi bắt đầu trên con đường tìm đạo, Thái tử Tất Đạt Đa đã từng đến tu tập với trưởng lão Alara Kalama. Đây là một vị tu hành khá nổi tiếng thời bấy giờ. Vì thông qua con đường Thiền định, Ông đã đạt đến tầng thiền thứ 7, tức Vô sở hữu xứ định. Nhưng vì không bằng lòng với quả vị tu chứng này mà Tất Đạt Đa đã từ giã thầy của mình sau khi cũng tu tập để chứng đến cấp độ này. Ngài tiếp tục tìm đến vị đạo sư nổi tiếng hơn với công năng tu tập uyên thâm hơn, đó là Uddaka Ramaputta. Vị này được xem là người giỏi nhất lúc bấy giờ vì chứng đến quả thiền thứ 8, tức Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Thái tử Tất Đạt Đa đã thực tập và chứng ngang hàng với thầy mình. Không bằng lòng với quả vị đang có, dù được thầy Uddaka Ramaputta mời ở lại để cùng làm giáo chủ của phái, nhưng Thải tử vẫn từ chối và ra đi vì vẫn chưa thỏa chí mong cầu. Trải qua sáu năm tu khổ hạnh, Ngài quyết định tìm đến con đường Trung đạo. Chỉ trong vòng thiền định 49 ngày đêm, Ngài đã tìm thấy ánh sáng chân lý dưới cái nhìn của tuệ giác. Mở một lối đi mới cho chúng sanh, mở một lối đi mới, rất riêng so với các tôn giáo đương thời.

Như thế, Thiền định của đức Phật chính là Ngài đã thừa hưởng tinh hoa từ những người đi trước, nhưng Ngài đã làm cho nó toàn mỹ hơn, sáng hơn, đẹp hơn, hoàn thiện hơn nhờ sự thực tập, tu chứng và trí tuệ thâm sâu của Ngài. Do đó, Đại Không Kinh mà Ngài giảng dạy chủ yếu thức tỉnh các vị Tỳ kheo nên an trú vào thiền quán của nội không, ngoại không và nội ngoại không để tu tập trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Đó là cách duy nhất để tìm ra con đường và lối đi phù hợp trên lộ trình tìm hạnh phúc nội tại của tự tâm.

Thế nhưng, để các đệ tử của mình chấp nhận buông bỏ cái “có” (tài, sắc, danh, thực, thùy,...) để chấp nhận cái “không” của cuộc đời áo vải khất sĩ, đức Phật đã dạy về nghĩa “không” chính là sự vô thường, biến đổi của vạn pháp.

3. “Không” là sự vô thường, biến đổi, không thật

Vạn pháp trên thế gian luôn đi theo quy luật thành, trụ, hoại và không. Do đó, tuổi thọ của các pháp dù là người hay vật đều rất ngắn ngủi, tạm bợ và mong manh. Các pháp đến rồi đi, sinh rồi diệt, hợp rồi tan. Ôn Như Hầu đã từng thẩm thấu sự biến đổi này mà thốt lên những câu thơ nghe chua chát trong Cung Oán Ngâm Khúc:

“Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”. (Câu số 73 - 76)

Hay:

“Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tuồng huyễn hóa khéo bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau”. (Câu 99 - 102)

Sự thay đổi của vạn pháp, sự mong manh tạm bợ đó đã làm cho con người đau khổ. Thế nhưng, khi nhìn sâu vào sự vật trên thế gian, chúng ta phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên rằng; các pháp vốn từ cái không mà sinh ra thành có, và rồi từ cái có thay đồi biến hoại và lại trở về không. Khoảng thời gian thay đổi biến hoại ấy, Phật giáo tạm gọi nó là vô thường, tức chỉ cho trạng thái biến đổi, không thường nhiên của vạn pháp. Không đợi đến Phật giáo Đại thừa, ngay khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã chỉ ra thực tướng, thực tánh của vạn pháp để chúng Tỳ kheo lấy đó mà tu tập. Thế nên, nói về “Không” cũng còn là cách để đức Phật thức tỉnh hàng Tỳ kheo tinh tấn tu hành, bởi cuộc sống này vốn là vô thường tạm bợ, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh. Trong Kinh Tương Ưngđức Phật dạy:

“Ví như, này các Tỳ kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được? Cũng vậy, này các Tỳ kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, vị Tỳ kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỳ kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?...Ví như, này các Tỳ kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng... Làm sao, này các Tỳ kheo, lại có lõi cứng trong ráng mặt trời được?”[17].

Cách đây gần 3.000 năm, đức Phật đã nhìn rõ cuộc đời là không có cái gì thường nhiên thực tại, tất cả đang trong vòng biến đổi, sanh diệt, diệt sanh. Ngài đã lấy bọt nước trôi lững lờ trên sông Hằng để làm ví dụ thực tiễn, chỉ cho chúng Tỳ kheo lấy đó mà tu tập. Vạn pháp trên cõi đời có khác nào bọt nước trôi nổi trên sông, phút trước nhìn thấy là thật có, nhưng như lý quán sát một thời gian rất ngắn, từ cái có nó chuyển thành cái không, nó mong manh, tạm bợ đến chẳng ai ngờ. Mặt trời, mặt trăng và các vì sao cũng thế, nhìn chúng hiện hữu đó cứ ngỡ rằng thật có, nhưng kỳ thật chúng di chuyển từng phút từng giây, rồi từ có thành không và từ không thành có.

Từ sự thay đổi của vạn sự vạn vật, chúng ta suy ra được thân phận con người trên cuộc đời này cũng thế, cũng không tồn tại vĩnh cữu mãi với thời gian. Đức Phật lấy kiếp sống của chùm bọt nước trên sông Hằng để ví cho thọ mạng ngắn ngủi của tất cả chúng sanh. Ngỡ rằng thân này sẽ tồn tại vĩnh cữu, nhưng nào ai hay sự sống chết thật vô thường. Sở dĩ thân này có là vì năm uẩn hòa hợp nên có, nhưng đến khi tứ đại bất hòa, lập tức nó từ cái có chuyển thành cái không. Đã bao lần ta đau khổ trước sự mất mát chia li, đã bao lần ta thức trắng đêm tiếc nuối cho tuổi thanh xuân đi qua cuộc đời một cách vô vọng. Ta khổ đau, ta vật vã khi xa người mình yêu, khi thương mà người vẫn chết. Sự vô thường, làm cho vạn pháp rỗng không đã chi phối toàn bộ đời sống của con người, chính nó làm cho con người vui và cũng chính nó làm cho con người đau khổ.

Sự vô thường, trống không, đến và đi không báo trước, và nó cũng không chỉ dành riêng cho người thế gian mà ngay cả các bậc xuất gia tu hành cũng không thoát khỏi quy luật này. Đức Phật đã từng cảm thương sự ra đi của các đệ tử mình như sau: “Ta nhìn đại chúng, thấy đã trống không, vì Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã vào Niết-bàn”[18]. Đây là thâm tình của một người thầy dành cho đệ tử, của một người cha dành cho con. Bởi lẽ khi còn tại thế, Xá Lợi Phật và Mục Kiền Liên chính là hai vị để tử thượng thủ, đắc lực của Phật, được ví như cánh tay phải, tay trái của Ngài. Mỗi lần đức Phật thuyết pháp, bao giờ Phật cũng nhìn thấy hai vị ấy ngồi ở hàng đâu tiên, vì đó là những vị để tử lớn trong tăng đoàn, lại là hai vị có trí tuệ đệ nhất và thần thông đệ nhất trong chúng Tỳ kheo. Do đó, sự vắng bóng của hai vị chính một mất mát lớn của tăng đoàn. Đức Phật là một con người, Ngài không phải là gỗ đá vô tri, chính vì không phải gỗ đá vô tri nên Ngài thẩm thấu được sự mất mát, nỗi đau của tất cả chúng sanh. Nếu Ngài không có lòng cảm thương như thế, làm sao Ngài ôm trọn chúng sanh vào trái tim mình. Chính sự cảm thương này đã nuôi lớn lòng từ bi của Phật để xem tất cả chúng sanh như con.

Thế nhưng, khi nhắc đến hai vị để tử đã ra đi, cũng chính là nhắc nhở hàng Tỳ kheo phải ý thức được sự rỗng không của vạn pháp. “Hãy quán một cách đúng đắn rằng năm thủ uẩn là vô thường, đau khổ, bịnh tật, thay đổi, phiền muộn, không và vô ngã...”. Và dù cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là những vị tu hành đã chứng thánh quả, nhưng các Ngài còn mang tấm thân vật lý, nghĩa là còn phải chịu sự chi phối của nghiệp lực và sự vô thường biến đổi của thời gian. Tấm thân huyễn mộng của các Ngài đã ra đi, nhưng pháp thân bất diệt về trí tuệ và đức hạnh thì mãi còn ở lại, soi sáng cho bao thế hệ của ngàn sau. Qua đây để biết rằng, người xuất gia không phải là người đã thoát khỏi sự chi phối của vô thường, trống không, mà chính là những người đã giác ngộ, nhờ công năng tu tập mà thấu rõ được quy luật vô thường, trống không này để vượt ra ngoài tam giới của sinh, già, bệnh và chết. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, tập III đức Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, sắc là vô thường. Cái gì vô thường cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái đó không có tự ngã. Cái gì không có tự ngã, “Cái đó không phải là của ta, ta không phải là nó, nó không phải là tự ngã của ta”. Đó là với trí tuệ quán sát thực tại như nó là. Cảm thọ là vô thường…, giống như tưởng…, hành…Thức là vô thường. Cái gì vô thường cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái đó không có tự ngã. Cái gì không có tự ngã, “Cái đó không phải là của ta, ta không phải là nó, nó không phải là tự ngã của ta”. Đó là với trí tuệ quán sát thực tại như nó là”[19].

(Rūpam bhikkhave aniccaṁ, yad aniccam taṁ dukkhaṁ yaṁ dukkhaṁ tadanattā, yad anattā taṁ netam mama neso ham asmi na meso attā ti. Evam etaṁ yathabhūtaṁ sammappaññāya daṭṭhabbaṁ. Vedanā, aniccā yad aniccaṁ taṁ dukkhaṁ yam dukkhaṁ tad anattā Yad anattā taṁ netam mama neso ham asmi na meso attātii Evam etaṁ yathābhūtaṁ sammappaññāya daṭṭhabbaṁ Saññā aniccā, Saṇkhārā aniccā Viññāṇam aniccam yad aniccaṁ taṁ dukkhaṁ, yaṁ dukkhaṁ tad anattā, Yad anattā tam netam mama nesoham asmi na me so attā ti. Evam etaṁ yathābhūtaṁ sammappaññāya daṭṭhabbaṁ. Evam passaṁ, la, nāparam itthattāyāti pajānātīti)[20].

Chỉ có cách này, chỉ có quán tất cả các pháp là vô thường, là vô ngã, là không có một thực thể tồn tại thường nhiên mới mong tìm được chân hạnh phúc trong cuộc đời. Nếu cứ chấp thân này là của tôi, là tự ngã của tôi thì đường sanh tử mở lối thênh thang, sáu nẻo luân hồi đắm chìm trong tam giới. Với trí tuệ siêu việt, đức Phật dạy các vị Tỳ kheo nên dùng tuệ giác quán chiếu, biết rõ cái khổ không có tự ngã, nó không phải là ta, ta không phải là nó và nó cũng không phải là tự ngã của ta. Sự rỗng không trả về cho rỗng không, vì thế giới này là thế giới của sự rỗng không. “Trống rỗng là thế giới! Trống rỗng là thế giới!” Đức Phật đã dạy như vậy. Bạch Đức Thế Tôn vì sao câu nói này được tuyên bố như vậy? Này A-nan, bởi vì thế giới này là không có tự ngã hoặc những gì thuộc về tự ngã, cho nên nói thế giới này trống rỗng”.[21]

(Suñño loko suñño loko ti bhante vuccati. Kittāvata nu kho bhante suñño loko ti vuccati ? Yasmā ca kho Ānanda suññam attena vā attaniyena vā. Tasmā suñño loko ti vuccati)[22].

Việc đến hay đi trên cuộc đời này tất cả đều do duyên. Duyên hợp thì vạn pháp hội tụ, duyên hết thì các pháp ly tan, nhưng dù hội ngộ hay chia ly thì tất cả cũng bắt đầu cho một chữ không. Vì từ không mới chuyển thành có và cũng từ có biến chuyển thành không. Như vậy, không cũng chính là trùng trùng duyên khởi.

4. “Không” là trùng trùng duyên khởi

Nếu như những nhà tư tưởng của Ấn Độ cho rằng “nước là khởi nguyên của vạn vật” hay Thượng đế là đấng sáng thế. Trong khi đó Phương Tây lại có rất nhiều quan điểm cho vấn đề này. Ví dụ: Ông Thales cho rằng khởi nguyên của Vũ trụ là nước, Anacimen lại cho là khí, Heraclite thì cho là lửa, Pythagora thì cho là những con số, Empedocle thì chủ trương nước, đất, khí và lửa cấu thành vạn vật, Platon đưa ra thuyết nhị nguyên, Aristote thì đưa ra thuyết siêu hình học và thiên nhiên học,... và còn rất nhiều những quan điểm về sự hình thành của thế giới. Riêng Phật giáo lại cho rằng, vũ trụ luận của thế giới quan không tách rời nhân sinh quan. Danh từ chung để chỉ cho cả nhân sinh và thế giới được gọi là Pháp. Đức Phật đã từng nói rằng: “Tất cả pháp hòa hợp mà sinh nên Như Lai gọi là nhân duyên” (ye dhamma hetuppabhava tesam hetum tathagats – Assaji). Nói như thế, con người và vạn pháp do nhân duyên hòa hợp mà có, tức tất cả đều bắt đầu từ không, rồi mọi thứ làm nhân, làm duyên cho nhau, hòa hợp lại mà hình thành con người và thế giới. Như vậy, nói đến duyên khởi, cũng chính là nói đến không, ngược lại, khi phân tích về không, tức là đã nói về giáo lý trùng trùng duyên khởi.

Trong kinh Tương Ưng bộ, đức Phật đã dạy về giáo lý duyên khởi được biểu hiện qua 12 chi phần như sau:

“Do vô minh (avidyā) duyên hành (saṁskāras); hành duyên thức (vijñāna); thức duyên danh sắc (nāma-rūpa); danh sắc duyên lục nhập (sad-ayatana); lục nhập duyên xúc (sparsa), xúc duyên thọ (vedanā); thọ duyên ái (tṛṣṇā); ái duyên thủ, thủ duyên hữu (upādāna); hữu duyên sanh (bhava); sanh duyên già, bịnh, chết (jāti), sầu, bi, khổ, ưu, não. Đó là sự sanh khởi của toàn bộ tiến trình. Này các Tỳ kheo, đây gọi là sự sanh khởi toàn bộ khổ uẩn”[23].

(Avijjāpaccayā bhikkhave saṇkhārā, saṇkhārāpaccayā viññanaṁ, viññaṇapaccayā nāmarūpaṁ, nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṁ, saḷāyatanapaccayā phasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, taṇhapaccayā upādānaṁ, upādānnpaccayā bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarāmaraṇaṁ soka-parideva-dukkbadoiuanassupāyasā sambhavanti. Evam etassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti. Ayaṁ vuccati bbikkhave samuppādo)[24]

Qua lời dạy trên của đức Phật, chúng ta có thể nhận thấy 12 chi phần duyên khởi hòa hợp mắc xích với nhau không thể tách rời. Thế nên, cái nguyên nhân đâu tiên để sanh ra vô minh hoàn toàn không có thực thể, không có khởi đầu, hoàn toàn do nhân duyên sinh khởi. Cả hành, thức, danh sắc,... cũng thế. Chúng xuất hiện, hỗ tương nhân quả cùng nhau. Ví như do vô minh mà có hành, do hành mà có thức, do có thức nên danh sắc hiện hữu, từ danh sắc phát sinh lục nhập, rồi xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh và lão tử. Đã thế thì nó không thực có, mà nó ở dạng không, trống rỗng, chỉ hòa hợp hội tụ, rồi ly tan.

Từ đó, ta suy ngược lại của 12 chi phần nhân duyên: Nếu “không có sinh thì khổ đau không có mặt, không có hữu thì không có sinh. Không có thủ thì không có hữu, không có ái thì không có thủ. Không có thọ thì không có ái, không có xúc thì không có thọ. Không có lục nhập thì không có xúc, không có danh sắc thì không có lục nhập. Không có hành thì không có danh sắc, không có vô minh thì không có hành”[25].

Qua đoạn trích trên, chúng ta có thể hiểu được không cũng chính là trùng trùng duyên khởi. Do nó không có cái này thì cũng không có cái kia, ngược lại có sự xuất hiện của chi phần này, lập tức chi phần khác hiện hữu. Cũng giống như: khổ đau được chấm dứt do vì không có sinh, và muốn không có sinh thì nên chấm dứt hữu, vì hữu chính là sự hình thành của năm uẩn, của vạn pháp. Cứ như thế, bất kỳ một chi phần nào trả về không, thì kéo theo sau đó những chi phần còn lại sẽ trở về không. Và trong 12 chi phần ấy, nếu một chi phần nào đó bị cắt đứt, lập tức 11 chi phần kia biến mất, trả về trạng thái không ban đầu của con người và thế giới. Trong kinh tạng Pāli, 12 nhân duyên được tóm tắt bằng công thức đơn giản như sau:

“Do đây sanh, kia sanh; do sanh đây, kia sanh; Do đây không sanh, kia không sanh; do diệt đây, kia diệt”.[26]

(Iti imasmiṁ sati idaṁ hoti imassuppādā idam uppajjatill imasmiṁ asati idaṁ na hoti imassa nirodhā idaṁ nirujjhati)[27].

Lời dạy trên đã chứng minh rất cụ thể, 12 chi phần nhân duyên chính là nguyên nhân của sự hình thành, tập khởi của con người và thế giới, cũng chính 12 móc xích này lại là nguyên nhân để đưa đến sự hủy diệt, trống không của vạn pháp và nhân sinh. Về ý nghĩa này, đức Phật đã từng giải thích rất rõ ràng trong kinh Tương Ưng như sau:

“Này các Tỳ kheo, nay ta sẽ dạy cho các ngươi sự sanh khởi và tiêu diệt thế giới. Đó là cái gì?

Do mắt duyên sắc khởi nhãn thức. Ba pháp này họp lại nên có xúc. Do xúc có thọ. Do thọ có ái. Do ái có hữu. Do hữu có sanh. Do sanh có già, bịnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Đây là sự sanh khởi thế giới”.

Do tai duyên âm thanh khởi nhĩ thức…, Do mũi duyên hương…, Do lưỡi duyên vị…, Do thân duyên xúc…, Do ý căn duyên pháp trần…, Ba pháp này họp lại nên có xúc. Do xúc có thọ. Do thọ có ái. Do ái có hữu. Do hữu có sanh. Do sanh có già, bịnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Đây là sự sanh khởi thế giới. Và này các Tỳ kheo, cái gì đưa đến sự tiêu diệt thế giới?

Do mắt duyên sắc… Do thọ có ái. Do ly tham, đoạn diệt khát ái hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt hữu diệt. Do hữu diệt sanh diệt. Do sanh diệt già, bịnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Đây là sự tiêu diệt của toàn bộ tiến trình. Này các Tỳ kheo, đây là sự tiêu diệt thế giới”.[28]

(Lokassa bhikkhave samudayañca atthagamañ ca desissāmi, taṁ suṇātha, Katamo ca bhikkhave lokassa samudayo. Cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṁ, tiṇṇam saṇgati phasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, taṇhāpaccayā upādānaṁ, upādānapaccayā bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarāmaraṇaṁ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti ayam lokassa samudayo. Sotañ ca paṭicca. Ghānañ ca paṭicca. Jivhañ ca paṭicca|. Kāyañ ca paṭicca. Manañ ca paṭicca dhamme ca uppajjati manoviññāṇaṁ, tiṇṇaṁ saṇgatiphasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, tanhāpaccayā upādānaṁ upādānapaccayā bhavo, bhavapaccayā jāti jātipaccayā jarāmaraṇaṁ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti, ayaṁ kho bhikkhave lokaesa samudayo. Katamo ca bhikkhave lokassa atthagamo.

Cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññānaṁ tiṇṇaṁ saṇgatiphasso phassapaccayā vedanā vedanāpaccayā ṭaṇhā tassāyeva taṇhāya asesavirāganirodhā upādānanirodho pe. Evam etassa kevalasaa dukkhakkhandhassa nirodho hoti. Ayaṁ kho bhikkhave lokassa atthagamotill)[29].

Đoạn kinh trên đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng: “Tất cả các pháp sanh và diệt đều có nguyên nhân”, cho nên “Do đây sanh, nên kia sanh”[30]. Tư tưởng này đã đánh đổ khái niệm tự ngã, cho rằng bản ngã thật sự tồn tại, hiện hữu, hay tất cả hiện tượng của con người và thế giới đều do thượng đế sáng tạo nên. Giáo lý duyên khởi đã chứng minh rõ vạn pháp là giai không, nên nó không có một thực thể tồn tại nào của ngã. Liễu ngộ được điều này chính là ranh giới để bước lên bậc thềm giải thoát mọi triền phược nhiễm ô. Cũng chính sự thậm thâm, vi diệu của giáo lý không – Duyên khởi, mà ngài Anan (Ānanda) và đức Phật đã tán thán thế này:

“Sâu sắc là giáo lý Duyên khởi! Thậm thâm là giáo lý Duyên khởi! Vì không giác ngộ và thâm nhập giáo lý này mà chúng sanh hiện tại giống như ổ kén lộn xộn, cuộn chỉ rối ren, giống như cỏ munja và cây bấc lao xao, không thể nào vượt qua khỏi cảnh khổ, ác thú, đoạ xứ, luân hồi”[31].

(Gambhīro cayaṁ Ānanda paticca-samuppādo gainbhīrāvabhāso ca. Etassa Ānanda dhammassa ananubodhā appaṭivedhā evam ayaṁ pajā tantākulaka-jātā gulā-guṇṭhika-jātā muñja-babbaja-bhūtā apāyaṁ duggatiṁ vinipātaṁ saṁsāraṁ nativattati)[32].

Bàn về khái niệm “Không” (空) và 12 nhân duyên (因 緣 生 起), trong Tiểu Nghĩa Thích Kinh (Cūla Niddesa) thuộc Kinh tập của Tiểu bộ đã phân tích rất rõ ràng về sự sanh khởi của các pháp. Đó là do nhãn căn tiếp xúc với sắc trần nên nhãn thức sanh khởi; nhĩ căn tiếp xúc với âm thanh nên nhĩ thức sanh khởi…Tương tự như thế mà vạn pháp từ rỗng không bắt đầu sanh khởi thành giả có. Cũng vậy, từ sáu căn (āyatana, 處) nên sáu trần (phassa, 觸) sanh khởi, tùy thuộc vào sáu trần mà thọ (vedanā, 受) sanh khởi, từ thọ mà ái (Tanha, 愛) sanh khởi, rồi từ ái mà thủ (upàdànac, 取) sanh khởi, từ thủ mà hữu (bhava, 有) sanh khởi… cứ thế vạn pháp sanh khởi theo 12 chi phân nhân duyên.

Để hiểu thêm về ý nghĩa của không, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong kinh Tạp A Hàm, số 335 có ghi lại như sau: “Thế nào là đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy, mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không có tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số. Pháp tục số tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô mình duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ thành một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt”[33].

Từ ý nghĩa này chúng ta có thể quán chiếu: “Không là nhãn thức, không cũng là nhĩ thức,…”. Tất cả mọi hiện tượng căn, trần và thức đều trả về không. Chúng ta dễ nhận thấy giáo lý Duyên khởi và cũng dễ dàng nhận ra “không” khi quán chiếu, thực nghiệm tất cả các pháp: Vì “Không” (Suññatā, 空) là chân lý của vũ trụ, là quyết định căn bản của giáo lý Duyên khởi. Tuệ tri về “không” là tuệ tri về vô thực thể: “Suññatānupassanā ti anattānupassanā va”[34]. Cũng vậy, vạn pháp “… Chúng là vô ngã, vô thường, không có bản thể, không có bản chất của thường hằng, hạnh phúc hoặc ngã”. Cho nên, nói về không cũng chính là bàn luận về vạn pháp là trùng trùng duyên khởi.

III. KẾT LUẬN

Qua tất cả những đề mục mà chúng tôi đã chứng minh ở trên, chúng ta thấy thời Phật giáo Nguyên thủy đã đề cập đến vấn đề “không” một cách rất thâm thúy, với các tầng bậc ý nghĩa giá trị, phục vụ cho đời sống tu tập của hai bộ đại tăng. Tuy nhiên, khái niệm không này không chỉ dừng lại ở thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, mà đến thời kỳ Bộ phái, tư tưởng này cũng được đem ra bàn luận, mổ xẻ và có lẽ đỉnh cao của khái niệm không, chính là thời kỳ của Phật giáo Đại thừa. Hay nói khác hơn, Đại thừa đã làm cho “không” trở nên vi diệu, tuyệt vời, trở thành giáo lý nền tảng của Phật giáo sau này. Như vậy, xuyên suốt từ thời Phật giáo Nguyên thủy đến Đại thừa, khái niệm này chưa bao giờ chấm dứt, mà nó phát triển một cách rầm rộ. Để mọi người cùng hiểu rằng, sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, giáo lý của Ngài đã phát triển tột bậc. Từ đó có thể chứng minh, không chính là một trong những tư tưởng căn bản, cốt lõi của giáo lý đạo Phật, từ Nguyên thủy, Bộ phái đến Đại thừa.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Kinh điển

- Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung A Hàm, tập IV, kinh Tiểu Không, số 190, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992.

- Kinh Tương Ưng, tập II, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993.

- Trung Bộ II, Thích Minh Châu dịch, Tiểu Không Kinh, số 121, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2012.

- Trung Bộ III, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN ấn hành 2001.

- Kinh Trung Bộ II, Kinh Đại Không, số 122, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2012.

- Kinh Tương Ưng, tập 3, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1993.

- Kinh Tạp A Hàm, kinh số 639, Thích Đức Thắng dịch, Hội văn hóa Giác dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, 2000.

II. Sách nghiên cứu

- Edward Conze’s Buddhist Thought in India, Ann Arbor: University of Michigan Press, 1967.

- Hạnh Bình – Quán Như (dịch), Lược giảng Luận Trung Quán (của HT. Ấn Thuận), NXB Phương Đông, 2010.

- Huyền Trang (dịch), Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, (T05, No. 0220, p. 687a-b).

- 三 藏 鳩 摩 羅 什 譯: 《金 剛 般 若 波 羅 蜜 經》卷1:「凡 所 有 相,皆 是 虛 妄。若 見 諸 相 非 相,則 見 如 來。」(ĐCT, tập 08, No. 235, tr. 749, a24-25).

- Quảng Liên (dịch), Trung Quán Luận, viện Quảng Đức, 1994

- Shohei Ichimura, Buddhist Critical Spirituality: Prajñā and Śūnyatā, Delhi: Motilal Banarsidass, 2001.

-《般 若 波 羅 蜜 多 心 經》卷1 (ĐCT, tập 08, no. 251, p. 848, c7-8)

- Thích Pháp Hiển (dịch), Đại Niết Bàn Kinh, CBETA, T 12, no. 374, P. 516, b 16 – c2.

-《中 論》卷4〈24 觀 四 諦 品〉(ĐCT, T30, No. 1564, p. 33, b11-12).

- Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2012.

- Thích Hạnh Bình, Triết học có và không của Phật giáo Ấn Độ, NXB Phương Đông, 2008.

- Thích Thiện Siêu dịch và tóm tắt, Trung luận, NXB. TP. HCM, 2001

- Tuệ Sĩ, Thiền và Bát Nhã, NXB Phương Đông, 2010.

[1]. Trung Bộ II (2012): 433.

[2]. M, III, trang 104.

[3]. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung A Hàm, tập IV (1992): 226.

[4]. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung A Hàm, tập IV (1992): 226.

[5]. Trung Bộ II, Tiểu Không Kinh, số 121 (2012): 434.

[6]. Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi (2012):173.

[7]. Trung Bộ II, Tiểu Không Kinh, số 121 (2012): 433

[8]. Trung Bộ II, Tiểu Không Kinh, số 121 (2012): 433.

[9]. Trung Bộ III (2001): 291- 293.

[10]. Minh Châu dịch, Trung Bộ III, (Tiểu không kinh), số 121.

[11]. Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi (2012): 174.

[12]. Minh Châu dịch, Trung Bộ III, (Tiểu không kinh), số 121.

[13]. Majjhima-Nikāya, III, số 121.

[14]. Kinh Trung Bộ II, Kinh Đại Không, số 122 (2012): 440 - 441.

[15]. Kinh Trung Bộ II, Kinh Đại Không, số 122 (2012): 441.

[16]. Kinh Trung Bộ II, Kinh Đại Không, số 122 (2012): 444.

[17]. Kinh Tương Ưng, tập 3 (1993): 252 - 253.

[18]. Kinh Tạp A Hàm, kinh số 639 (2000): 335.

[19]. BKS, III, I. Tương Ưng Uẩn, I. Phẩm Nakulapita, IV. Cái gì vô thường, tr. 21.

[20]. S, III, trang 22.

[21]. Minh Châu dịch, Tương Ưng IV, Tương ưng sáu xứ.

[22]. Saṃyutta Nikāya V.

[23]. BKS, II, tr. 2; IV, 53-4; DB, II, tr. 52.

[24]. S, II, tr. 1.

[25]. Duyên Khởi, http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=3&ved=0CDYQFjAC&url=http%3A%2F%2Fwww.vbu.edu.vn%2Fapplication%2Fuploads%2Fsubjects%2Fmedia%2520khoa2-hk1%2FPhat%2520hoc%2520khai%2520luan%2Fpractiya.sam.doc&ei=1SqzUa_pGYiuiAfJmYDYCw&usg=AFQjCNFrCH709dD9pD1djCeV31RBmWyGGg&sig2=yShmNGz64ZO41HJyBkYdUA&bvm=bv.47534661,d.aGc,

[26]. KS, II, tr. 23.

[27]. S, II, tr. 28.

[28]. BKS, IV, I. Tương ưng sáu xứ (d), 107. IV. Thế giới, tr. 53-4.

[29]. S, IV, tr. 87.

[30]. MLS, III, tr. 151-2.

[31]. DB, II, số 15. Kinh Đại duyên (Mahanidana sutta), tr. 50-51.

[32]. D, II, tr. 55.

[33]. Kinh Tạp A Hàm, kinh số 335 (2000): 995 – 996.

[34]. Vi, II, tr. 695.

Khi đất nước tôi bị nói xấu




TTO giới thiệu câu chuyện của du học sinh Nguyễn Hữu Công từ New Zealand.

Trà đá Việt Nam


Chuyện xảy ra trong lớp học Quản trị đa văn hóa của chúng tôi. Xin được gọi là thầy - như cách tôn trọng người làm giáo dục của người Việt mình - đang trong chuyến về thăm trường sau hai năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam với vai trò tuyển sinh quốc tế và dạy tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM.

Thầy được mời chia sẻ những kinh nghiệm đối phó với khác biệt văn hóa khi từ New Zealand sang Việt Nam sinh sống, lúc chúng tôi đang học về Cultural Intelligence (viết tắt là CI - am hiểu văn hóa).

Trước khi mở đầu câu chuyện, thầy giới thiệu mình đã đặt chân đến hơn 40 quốc gia khác nhau nên tự tin về chỉ số am hiểu văn hóa CI của mình.

Thầy mang một Việt Nam còn khá xa xôi trong mắt bạn bè tôi ở xứ sở Chúa Nhẫn qua những câu chuyện của mình, mà mỗi một câu chuyện là một lần tôi nhói tim, bẽ bàng.

“Thật là “horrible” (tởm lợm) khi người Việt cho đá vào mọi thứ nước uống. Người ta có thể phán vào mặt bạn rằng “mày giống siêu mẫu đấy, nhưng mày mập quá”. Ở Việt Nam, người ta quăng rác ngoài đường để tạo công ăn việc làm cho người khác, hay vỉa hè là nơi để chạy xe…”.

Tôi không thể chịu đựng cách nói chuyện này và đứng dậy thưa với thầy: “Em nghĩ thầy cần nhiều thời gian hơn để am hiểu văn hóa Việt Nam. Mỗi quốc gia đều đối mặt với vấn đề xã hội của riêng mình và em tin rằng thầy chia sẻ những điều này ở một lớp học Quản trị đa văn hóa là không phù hợp”.

Lòng tự tôn của tôi cần một lời xin lỗi.

Tôi viết email cho cô hiệu phó trường, đại ý rằng: “Gần hai năm sống ở New Zealand, em hiểu rằng mỗi quốc gia đều có những vấn nạn xã hội riêng. Không có nơi đâu là hoàn hảo. Tuy nhiên, khách mời được mời đến để chia sẻ kinh nghiệm đối mặt với đa văn hóa thì chỉ tập trung vào chỉ trích vấn nạn xã hội của quốc gia ấy, nơi thầy đã sinh sống, kết hôn với người Việt và thậm chí là kiếm tiền từ chính người dân địa phương. Chúng ta không có quyền đánh giá văn hóa của một quốc gia bởi nó “không giống” với mình, và ở trường hợp này thầy dùng tính từ “horrible” (tởm lợm) càng không phù hợp. Và chẳng có gì khó hiểu khi người dân ở một xứ nhiệt đới như Việt Nam thích cho đá vào đồ uống để làm mát thân nhiệt của họ”.

Tôi nhận được sự đồng cảm từ cô hiệu phó, và một buổi gặp mặt trực tiếp để nói lời xin lỗi từ thầy. Thầy giải thích rằng ông không cố ý xúc phạm tôi và ông yêu Việt Nam rất nhiều. “Tôi lẽ ra nên dùng từ “surprising” (ngạc nhiên) để diễn tả tâm trạng của tôi lúc ấy thay vì “horrible” (tởm lợm)” – ông nói.

Dẫu lời xin lỗi ấy chân thành nhưng những tổn thương, bẽ bàng thì không thể xóa nhòa. Tôi sẽ chẳng thể nào gỡ bỏ hết ấn tượng đầu tiên về hình ảnh một Việt Nam xấu xí trong mắt bạn bè bản xứ và du học sinh trong lớp qua những câu chuyện có phần định kiến của thầy.

Hai nhà nhân loại học người Mỹ Kevin Avruch và Peter W. Black đã chỉ ra rằng khi đối mặt với một sự tương tác mà chúng ta không am hiểu, con người có khuynh hướng tự giải nghĩa rằng những người kia là “bất thường”, “lạ đời”, hay “sai biệt”. Khuynh hướng này, nếu được nuông chiều, sẽ càng làm gia tăng mức độ cá nhân về các định kiến.

Như thế để thấy rằng khi nhìn nhận văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia khác, hãy giữ cho mình đôi mắt trẻ thơ và một tâm hồn trong trẻo, để mọi sự khác biệt kia khi đến với người tiếp nhận, sẽ trở thành cảm hứng sáng tạo hơn là bó hẹp trong góc nhìn thiển cận rằng đó là bất bình thường hay ngược đời.

Và ở nam Thái Bình Dương xa xôi, tôi hay chạnh lòng nghĩ về quê nhà, trời nóng gần 40 độ C, má tôi ngoài Trung cũng như bao nhiêu người Việt khác, cho thêm ít đá vào nước chanh uống cho mát trước khi ra đồng thu mua lúa thì có gì là xấu xa chăng?

Dù đã nhận được lời xin lỗi, tôi không giấu được câu chuyện này đã để lại trong lòng tôi một nỗi buồn khó tả.

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

BÊN KHUNG CỬA SỔ




Có những hạnh phúc vô biên khi mang lại hạnh phúc cho người khác bất chấp hoàn cảnh của riêng mình. Nỗi khổ được sẻ chia sẽ vơi nửa , nhưng hạnh phúc được sẻ chia sẽ nhân đôi.

Hai ngưòi đàn ông đều bệnh nặng, được xếp chung một phòng tại bệnh viện. Một người được phép ngồi dậy mỗi ngày một tiếng vào buổi chiếu để thông khí trong phổi . Giường ông ta nằm cạnh cửa sổ duy nhất trong phòng. Người kia phải nằm suốt ngày. Hai người đã nói với nhau rất nhiều. Họ nói về vợ con, gia đình , nhà cửa , công việc, những năm tháng trong quân đội và cả những kỳ nghỉ đã trải qua.


Một chiều, khi được ngồi dậy , người đàn ông cạnh cửa sổ dành hết thời gian để tả lại cho bạn cùng phòng những gì ông thấy được ngoài cửa sổ. Người kia , mỗi chiều lại chờ đợi được sống trong cái thời khắc một tiếng đó - cái thời gian mà thế giới của ông được mở ra sống động bởi những hoạt động và màu sắc bên ngoài.


Cửa sổ nhìn ra một công viên với một hồ nhỏ xinh xắn. Vịt , ngỗng đùa giỡn trên mặt hồ trong khi bọn trẻ thả những chiếc thuyền giấy. Những cặp tình nhân tay trong tay đi dạo giữa ngàn hoa và ráng chiều rực rỡ. Những cây cổ thụ xum xuê toả bóng mát , và xa xa là đường chân trời của thành phố ẩn hiện.

Khi người đàn ông bên cửa sổ mô tả bằng những chi tiết tinh tế , người kia có thể nhắm mắt và tưởng tượng ra cho riêng mình một bức tranh sống động. Một chiều, người đàn ông bên cửa sổ mô tả một đoàn diễu hành đi ngang qua. Dù không nghe được tiếng nhạc, người kia vẫn như nhìn thấy được trong tưởng tượng qua lời kể của người bạn cùng phòng.

Ngày và đêm dần trôi.....

Một sáng , khi mang nước tắm đến phòng cho họ , cô y tá phát giác người đàn ông bên cửa sổ đã qua đời êm ái trong giấc ngủ. Cô báo cho người nhà đến mang ông ta về.

Một ngày kia , người đàn ông còn lại yêu cầu được chuyển đến cạnh cửa sổ. Cô y tá đồng ý để ông được yên tĩnh một mình. Chậm chạp gắng sức, ông nhổm dậy bằng hai cùi chỏ và ngắm nhìn thế giới bên ngoài. Ông căng thẳng nhìn ra cửa sổ. Đối diện với cửa sổ chỉ là một bức tường xám xịt. Ông hỏi cô y tá cái gì khiến cho người bạn khốn khổ cùng phòng của ông đã mô tả cho ông nghe những điều tuyệt diệu qua cửa sổ. Cô y tá cho biết rằng người đàn ông đó bị mù và thậm chí ông ta cũng không thấy được bức tường nữa. Cô nói:" Nhưng có lẽ ông ta muốn khuyến khích ông can đảm hơn.”
Heart Spk

Chủ nghĩa tượng trưng sắc tộc và dân tộc Việt Nam


Chủ nghĩa tượng trưng sắc tộc và dân tộc Việt Nam


Tác giả: Lê Minh Khải
Người dịch: Hoa Quốc Văn

Nghiên cứu về các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc là một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn và phức tạp, nhưng có thể chỉ ra 3 hướng tiếp cận chính đã được áp dụng trong việc nghiên cứu này.
1) Có cái nhìn theo hướng vĩnh cửu chủ nghĩa cho rằng các dân tộc ít hay nhiều luôn luôn tồn tại (một cái nhìn giờ đây hầu như đã bị nghi ngờ).
2) Có cái nhìn theo hướng hiện đại chủ nghĩa cho rằng các dân tộc xuất hiện ở thế kỉ XIX và XX cùng với quá trình hiện đại hóa.
3) Có cái nhìn theo hướng chủ nghĩa tượng trưng-chủng tộc nhất trí với các nhà hiện đại chủ nghĩa rằng các dân tộc đương đại được đúc ra ở thời hiện đại, nhưng còn lập luận xa hơn rằng người ta có thể tìm thấy những gốc rễ của nhiều dân tộc ở thời tiền hiện đại trong hình thức của những cộng đồng sắc tộc hay những “tộc người”.

Ngày nay một trong những người đề xướng hướng tiếp cận tượng trưng-chủng tộc này là Anthony Smith. Smith đã viết nhiều về chủ đề này, và dễ dàng nhận thấy rằng lịch sử dân tộc Việt Nam rất hợp với những ý tưởng của ông.
Trong công trình gần đây của mình: Chủ nghĩa tượng trưng-chủng tộc và Chủ nghĩa dân tộc: Một hướng tiếp cận văn hóa (2009), Smith định nghĩa một “tộc người” như sau:

“… một cộng đồng người có tên gọi và tự xác định, trong đó các thành viên có một huyền thoại về tổ tiên chung, kí ức chung, một hoặc nhiều nhân tố văn hóa chung, bao gồm sự kết nối với lãnh thổ, và một tiêu chuẩn về sự thống nhất, chí ít là trong tầng lớp trên” (27).

Vậy là, đối với Smith, một cộng đồng sắc tộc có thể tồn tại ở “tầng lớp trên”, giữa những thành viên của giới tinh hoa. Ông gọi kiểu “tộc người” này là “tộc người bên trên” (một cộng đồng sắc tộc bao trùm đỉnh của một xã hội). Cách thức những dân tộc được hình thành từ “tộc người bên trên như thế” là thông qua sự mở rộng của nhà nước quan liêu” (mà tộc người bên kiểm soát).

Smith bàn về việc làm thế nào hiện tượng này xảy ra ở trường hợp các dân tộc châu Âu trong công trình năm 1991 của ông, Căn cước dân tộc, như sau: “Ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và ở một mức độ nào đó là Ba Lan và Nga, tộc người bên chính, cái cấu thành nên hạt nhân sắc tộc của nhà nước, dần dần có thể sáp nhập tầng lớp trung lưu và các khu vực viễn tâm vào nền văn hóa sắc tộc chủ lưu. Trung gian hàng đầu của sự sáp nhập đó là một nhà nước quan liêu mới.
“Thông qua công cụ quân sự, hành chính, tài chính và luật pháp, nó có thể quy định và phổ biến nguồn giá trị, biểu tượng, huyền thoại, truyền thống và kí ức những thứ cấu thành di sản văn hóa của hạt nhân quý tộc chủ lưu” (55).
Trong khi những ý tưởng của Smith được phát triển thông qua nghiên cứu của ông về lịch sử châu Âu thì tôi cho rằng Việt Nam rất hợp với khuôn mẫu này.
Ở thời trung đại (khoảng thế kỉ X đến XV) có một giới tinh hoa ở đồng bằng sông Hồng duy trì một hệ giá trị giúp phân biệt họ với phần cư dân còn lại (chẳng hạn các giá trị Nho giáo), hệ giá trị cấu thành khác với phần dân cư còn lại, cái viết bằng một ngôn ngữ ngoại lai (tiếng Hán cổ), và cái tạo nên các truyện kể/huyền thoại về quá khứ bằng ngôn ngữ ngoại lai đó và bằng các thể loại trước thuật không phải là bản địa ở Đồng bằng sông Hồng. Nói khác đi, giới tinh hoa Việt trung đại là một ví dụ kinh điển về “tộc người bên”. Và sẽ dễ dàng chứng chính được việc nền văn hóa của tộc người bên này dần dần đã truyền bá ra các thành viên khác của cả khối cư dân như thế nào qua các thế kỉ tiếp theo song hành với sự mở rộng của nhà nước quan liêu.

Cuối cùng, có 2 luận điểm quan trọng nữa về các ý tưởng của Smith và hướng tiếp cận theo chủ nghĩa tượng trưng-sắc tộc có liên quan đến Việt Nam. Thứ nhất, trong khi Smith cho rằng các dân tộc hiện đại có các cội rễ tiền hiện đại, ông chỉ thấy những cội rễ này tỏa ngược về đến thời cận đại hoặc trung đại, không đến thời cổ đại. Chẳng hạn, ông không cho rằng dân tộc Ý có thể được kết nối với một tộc người ở đế chế La Mã. Thứ hai, Smith thừa nhận rằng một số huyền thoại và tín ngưỡng mà các tộc người và các dân tộc sử dụng đã được sáng tạo ra.
Đối với ông, không có vấn đề gì khi mà một tộc người bên thời trung đại đã sáng tạo ra các huyền thoại về quá khứ hay các huyền thoại tương tự đã được biến đổi ở thời hiện đại.

Trên thực tế, đây là một trong những đóng góp chính của hướng tiếp cận sắc tộc-tượng trưng chủ nghĩa, khi nó chỉ ra việc làm thế nào các ý tưởng được sáng tạo/kiến tạo, truyền bá và rồi bị biến đổi ở thời hiện đại đến nỗi chúng dần có vẻ giống với một phần “tự nhiên” của một dân tộc “tự nhiên”.
Cụ thể, cái nhìn sắc tộc-tượng trưng chủ nghĩa khá hoàn hảo cho việc hiểu cách thức một giới tinh hoa thời trung đại đã tạo ra ra các ý tưởng và tín ngưỡng dần dần được các thành viên khác của cả khối dân cư chấp nhận, và sau đó chúng bị biến đổi và trở thành trung tâm trong quá trình xây dựng dân tộc Việt hiện đại ở thế kỉ XX.

KẺ TRỘM LƯƠNG THIỆN




Tác giả: Dương Hán Quang
Người dịch Phạm Thanh Cải


Ông thợ cả Trương trúng xổ số 500 vạn tệ, vì hưng phấn quá độ, lập tức bị hôn mê bất tỉnh ngã lăn quay ra đất. Anh con trai Trương Hán Minh nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện. Ông ta bị xuất huyết não, nhưng may mắn cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống nhưng bị liệt nửa người. Ông Trương nằm ở trên giường, gọi con trai vào dặn phải nhanh chóng mang 50 vạn tệ đến ngôi làng dưới chân núi đưa cho chú có vết sẹo.

– “50 vạn cơ à!”. Trương Hán Minh kêu lên với một chút tiếc rẻ. “Như thế có quá nhiều không? Chúng ta chẳng qua là gánh đi của ông ấy một gánh khoai lang mang mà thôi.”

Ông Trương giận tím mặt nói: “Không phải là gánh đi, mà là ăn cắp. Cuộc đời này của bố vậy mà đã làm một thằng ăn cắp. Dù đó là bao nhiêu tiền cũng không bao giờ có thể chuộc lại lỗi đó. Bố chỉ cầu gửi lại được 50 vạn tệ, trong lòng bố mới thanh thản được phần nào.”

Nghe lời nói của cha, Trương Hán Minh nhớ lại trong ký ức tuổi thơ. Đó là một năm đói kém, nhà Trương không có gạo ăn, Trương Hán Minh đã cùng với cha rời khỏi nhà đi kiếm ăn tránh nạn đói. Bà nội đi đứng không được đành phải ở nhà.

Ra đường đi ăn xin cũng không khá hơn ở nhà bao nhiêu. Đôi khi cả ngày cũng không có miếng nào bỏ vào miệng, không thể chịu được đành phải ra đường đào rau dại ăn cho đỡ đói lòng. Có một lần, Trương Hán Minh và cha ăn rau dại đã mấy ngày liền, đến một ngôi làng nhỏ dưới chân núi, được một “chú có vết sẹo” giữ họ ở lại. Hai bố con được đãi một bữa cháo khoai lang thật ngọt ngào. Đêm ấy họ ở lại nhà của chú có vết sẹo. Trương Hán Minh và cha ở trong nhà, tại đó có một gánh khoai lang, góc nhà còn dựng một chiếc đòn gánh.

Gánh khoai lang thật quá hấp dẫn, nếu mang số khoai lang này về, một gia đình sẽ có thể chống chọi qua nạn đói. Cha của Trương Hán Minh cả đêm không chợp mắt, mấy lần nâng gánh khoai lang lên rồi lại đặt xuống. Trời tang tảng sáng, ông đã quyết định như một kẻ ăn trộm, vừa gánh khoai lang vừa dắt con trai, rời khỏi ngôi làng nhỏ dưới chân núi.

Hai bố con Trương Hán Minh về đến nhà, bà nội gần như kiệt sức, dù nhìn thấy khoai lang, bà cũng không nói được câu nào. Gia đình họ Trương dùng gánh khoai lang ấy, ăn độn cùng rau dại, đã qua được những ngày gian nan đói kém nhất. Có thể nói, gánh khoai lang đã cứu sinh mạng của một gia đình.

Ông thợ cả Trương vì trót một lần ăn trộm mà hổ thẹn cả đời. Ông luôn luôn mong có ngày trở về xóm núi để chuộc tội, nói rằng sẽ biếu chú có vết sẹo một khoản tiền. Đã nhiều năm trôi qua, ngày ngày gia đình họ Trương làm lụng và ky cóp mãi mà cũng chẳng có nổi mấy đồng. Ông Trời cuối cùng cũng mở mắt, khiến cho ông Trương trúng một giải thưởng xổ số. Nhưng thật không may là ông lại bị liệt chỉ nằm một chỗ, chỉ có thể bảo con trai lên núi mà chuộc tội.

Trương Hán Minh mang theo mấy ngàn tệ và và thẻ một ngân hàng lên đường. Anh ta đi theo dọc con đường mà trước đây đã từng lang thang đi ăn xin, khó khăn lắm mới tìm thấy ngôi làng nhỏ dưới chân núi. Lúc đến ngôi làng, trời cũng vừa nhá nhem tối, đã quá nhiều năm không quay trở lại, Trương Hán Minh đã quên mất nhà “chú có vết sẹo” ở chỗ nào. Anh ta đang muốn tìm gặp một ai đó để hỏi thăm nhà, thì trong một bụi cây có một bóng đen nhảy xổ ra, vung gậy gỗ đánh vào đầu của anh ta.

Trương Hán Minh đã từng học võ thuật, người bình thường không mấy ai là đối thủ của anh. Anh nghiêng người tránh chiếc gậy gỗ đang đập xuống, tận dụng lợi thế tung một quyền cước, bóng đen rơi vào một rãnh nước ven đường. Trương Hán Minh kéo thằng cha từ rãnh nước ném trên đường. Đó là một chàng trai gầy và đen, hắn ta quỳ trên mặt đất rên rỉ :“ Xin hảo hán tha mạng”.

Trương Hán Minh hỏi anh ta là người thế nào, tại sao lại xuống tay độc ác với mình như vậy. Chàng trai cho biết, anh ta tình cờ phát hiện trong người Trương Hán Minh có hàng ngàn tệ, liền nảy ra ý định ăn cướp, nên lặng lẽ theo dõi, nhưng tiếc là đã không có cơ hội để ra tay. Vào đến chân núi, chàng trai nói thẳng là muốn lấy một chiếc gậy cứng để đánh, làm cho Trương Hán Minh bất tỉnh và cướp lấy tiền của anh. Nhưng không ngờ chỉ mới ra tay, đã không đánh bại được Trương Hán Minh mà mình thì đã bị ngã nhào xuống rãnh nước.

Trương Hán Minh hỏi những chàng trai ở đâu, tên của anh ta là gì, anh ta bảo dù có chết cũng không dám nói. Trương Hán Minh nghĩ bụng, chẳng thà đưa anh ta đến nhà của chú có vết sẹo, có lẽ chú ấy sẽ biết thằng cha này.

Nào ai biết được, lúc đi vào trong làng, chàng trai hoảng sợ, và vội vã nói: “ Thưa hảo hán, không cần ông hỏi nữa, tôi chính là người trong làng này, cầu xin ông giữ cho tôi một chút thể diện, đừng nói tôi đã làm chuyện vừa rồi”

Trương Hán Minh nói: “Anh phải nói tên anh cho tôi biết, được không?”

Chàng trai cúi đầu và im lặng một lúc rồi thì thầm: “Lưu Gia Phát…”

Thấy Lưu Gia Phát là người cùng thôn với “chú có vết sẹo”, Trương Hán Minh trả lời là sẽ giữ thể diện cho anh ta. Lưu Gia Phát thở phào nhẹ nhõm, bảo Trương Hán Minh thả ra để cho anh ta về nhà. Trương Hán Minh nói: “ Được thôi, nhưng trước tiên anh đưa tôi tìm một người đã”.

Lưu Gia Phát hỏi Trương Hán Minh cần tìm ai? Trương Hán Minh thực sự không thể trả lời được. Năm xưa cùng với cha mình đi ăn xin, không biết “chú có vết sẹo” có tên là gì, ngay cả bây giờ dù có biết thì cũng đã quên từ lâu rồi. Trương Hán Minh suy nghĩ một chút rồi nói: “Tôi đang tìm một người trên sáu mươi tuổi và trên mặt có một vết sẹo dài .”

Lưu Gia Phát mau mắn nói: “ Nào thì đi, tôi sẽ đưa anh đi”.

Trương Hán Minh theo Lưu Gia Phát, đường ngõ trong làng nhỏ bé quanh co, và sau đó đến trước một ngôi nhà đắp bằng bùn. Ngôi nhà này thì Trương Hán Minh quá đỗi quen thuộc vì chính là nhà của chú có vết sẹo. Không thể nghĩ rằng sau rất nhiều năm, chú vết sẹo vẫn còn sống trong ngôi nhà đắp bằng bùn đã đổ nát ấy.

Nghe thấy một tiếng ồn ào bên ngoài, một ông già bước ra khỏi nhà, nhờ ánh đèn chiếu qua cửa, Trương Hán Minh nhìn thấy khuôn mặt của ông già có một vết sẹo dài đến ba thốn.

Lưu Gia Phát giới thiệu: “Bố ơi, ông chủ này đang đến tìm bố đấy”.

Trương Hán Minh sững sờ: “Anh… anh và ông đây là bố con phải không?”

Lưu Gia Phát nói: “Đúng đấy, ông tìm cha tôi có việc gì đấy?”

Trương Hán Minh thành thật nói: “Tôi là người tìm đến để chuộc tội, cách đây 31 năm, cha tôi và tôi đã ăn cắp một gánh khoai lang trong nhà của ông. Chính gánh khoai lang ấy đã cứu mạng cả nhà tôi.”

Trương Hán Minh lấy ra một thẻ ngân hàng, cầm hai tay đưa cho chú có vết sẹo, nói với ông là thẻ này có trị giá 50 vạn tệ. Gánh khoai lang đổi lấy 50 vạn tệ, cứ tưởng là chú có vết sẹo sẽ sung sướng vô cùng, không ngờ ông ấy bật khóc nước mắt đầm đìa trên mặt. Trương Hán Minh hỏi tại sao ông lại buồn thảm đến như vậy. Chú có vết sẹo nói: “Lúc đó, cả nhà tôi chỉ còn có gánh khoai lang, sau khi các người lấy đi không lâu, vợ tôi đã chết vì đói”.

Trương Hán Minh không bao giờ nghĩ rằng anh ta và cha mình đã đánh cắp một thứ mà thứ đó là thức ăn cứu mạng của cả nhà người ta. Anh ta bỗng cảm thấy, 50 vạn tệ là quá nhỏ bé.

Đêm đó, Trương Hán Minh và bố con “chú có vết sẹo” nói chuyện suốt đêm, cả ba người đều xúc động vô cùng. Trong câu chuyện, Trương Hán Minh được biết thêm, sau khi gánh khoai lang đã bị đánh cắp đi ấy, không chỉ vợ chú có vết sẹo bị chết đói, thậm chí còn đáng sợ hơn là lòng người trong nhà đều thay đổi. Họ không còn cứu trợ những người những người cơ nhỡ nữa, mà còn thích chiếm lợi từ người khác, thậm chí đôi khi còn ăn trộm vặt đuổi gà bắt chó nữa. Lưu Gia Phát lớn lên, tự nhiên cũng làm những điều xấu.

Ngày hôm sau, Trương Hán Minh bảo “chú có vết sẹo” đưa anh ra mộ của thím để cúng bái, tỏ lòng ăn năn sâu sắc tới người đàn bà tội nghiệp.

Sau khi châm mấy nén nhang, chú có vết sẹo nói: “ Bà nó ơi, người lấy trộm khoai lang nhà mình đã về đây, nhận lỗi rồi, mong bà tha thứ cho họ nhé, họ là một kẻ trộm lương thiện.”

Trương Hán Minh lần đầu tiên nghe mấy chữ“ kẻ trộm lương thiện”. Nghe cái tên gọi này, trong thâm tâm anh không biết nói thế nào.


(*) Nhà văn Dương Hán Quang, sinh năm 1945, Hội Nhà văn Quảng Tây (Trung Quốc), Phó Hội trưởng Hội truyện ngắn Quảng Tây. Ông có hơn một ngàn bài báo, tiểu thuyết, tiểu luận, truyện, tạp văn và các tác phẩm khác đã được đăng tải ở “ Tuyển tập truyện ngắn”, “ Tuyển tập truyện cực ngắn”, “ Độc giả”, “Thanh niên văn trích”. Tác phẩm “Cầu mục nát” đã đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tỉnh Quảng Tây lần thứ II.


Chi Lạ Rứa



 Nguyễn Thị Hoàng





Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn !

Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi !

Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi ?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau !
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái !

Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời ?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.

Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.

Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy,
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều.
Đau chi mô có lẽ hận cô liêu,
Mà chi lạ rưá hè, ai hiểu nỗi !

Tui không điên cũng không hề bối rối,
Ngó làm chi thêm tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường,
Không hương sắc, lạ rứa hè, người hỉ ?

Tui cũng muốn có một người tri kỷ,
Nhưng đường đời như rứa biết mần răng !
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng:
Chờ tui với ! A, cười chi lạ rứa

Tui không buồn sao mắt mờ lệ ứa,
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô !
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ,
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc.

Hội Nhà văn ngâm khúc





 Nguyễn Duy 



Thuở trời đất lên cơn đại hội
dân làng văn lắm nỗi truân chuyên
xanh kia thăm thẳm tầng trên
vì ai xa cách cho nên nỗi này

Trống Hà Thành lung lay bóng nguyệt
sương Ba Đình mờ mịt thức mây
mấy lần nghị quyết trao tay
đêm đêm bàn bạc định ngày khai trương

Phút khởi sự hội trường ngơ ngác
bác Đông Hoài giảng Mác – Lê Nin
nhà văn phải có niềm tin
đổi mới dân chủ lại thêm kết đoàn


Hội bảo thọ tràng giang hùng biện
tới Bắc Kinh bàn chuyện Xô Nga
chập trùng tư tưởng gần xa
đứt thôi lại nối thấp đà lại cao

Tao ngộ chiến ào ào sấm nổ
tưởng cơ đồ sụp đổ tới nơi
ối giời ơi bác Sáu ơi
nhà ta nó phá tan rồi còn đâu

Trang giấy trắng một màu quan ải
oan khiên này biết giãi cùng ai
chỉ vì mấy đứa đơn sai
văn đàn bỗng hoá văn đài phải chăng?

Nguyễn Khải lặn mất tăm đâu đó
Chính Hữu chờ sóng gió qua mau
Bùi Bình Thi rút ván cầu
PhạmTiến Duật lủi đi đâu mất rồi

Chàng Hữu Thỉnh dở cười dở khóc
Ngọc Tú nàng bứt tóc vò tai
Đỗ Chu tế ngựa vòng ngoài
gặp ai cũng hỏi rằng ai nhớ mình

Mặt Anh Đức vênh vênh vẹo vẹo
mắt đăm đăm liếc xéo hội trường
Phạm Tường Hạnh vứt văn chương
vọt lên đánh hụt một đường đại đao

Trần Độ biến nơi nào chẳng thấy
thấy phất phơ có mấy tờ thư
phấp pha phấp phới ngôn từ
đoàn chủ tịch cứ ậm ừ mần thinh

Lương Qui Nhân ngồi im thin thít
ghế cao cao nóng đít Tiến Lê
Chu Văn thủ thỉ Ý Nhi
lâu lâu lại lé mắt về Lê Minh

Nguyễn Văn Hạnh một mình một ngựa
phá trùng vây ở giữa sa tràng
quyết lòng mở ruột phơi gan
đã vì đồng đội gian nan sá gì
Biết cứu nạn lắm khi mắc nạn
tâm huyết nhiều mất mạng như không
Thùy Mai nước mắt lưng tròng
cõng Bùi Minh Quốc qua vòng hiểm nguy

Tô Nhuận Vĩ tức thì gượng dậy
Sông Hương vừa bị gãy xương hông
Ngọc Tường đối trọng khoảng không
Khoa Điềm tấm tức tấc lòng băn khoăn

Mai Ngữ sử dao găm súng lục
Mắt Liên Nam đùng đục điên điên
quay cuồng một trận Quốc Liên
Thu Bồn nộ khí xung thiên tung hoành

Trần Mạnh Hảo ành ành hỏa pháo
Diệp Minh Tuyền Vũ Bão xuất chiêu
Võ Huy Tâm tuổi về chiều
chấn hưng phong hoá cũng liều tấm thân

Phong Lê nổi rần rần lửa giận
đốt túp lều lý luận con buôn
thình lình hiện một Thu Hương
phăm phăm thân gái dặm trường xông pha

Câu thơ luống đắn đo chẳng viết
viết cho ai, ai biết mình đây ?
Nguyễn Duy líu lưỡi chau mày
một phen sống sót là may lắm rồi

Ngoảnh cổ lại ngùi ngùi nhỏ lệ
thảm thương thay huynh đệ tương tàn
chỉ vì mấy mống bút gian
mà nên tao tác cả làng văn ta

Quần hùng bỗng chia ra hai phái
phái vui tươi và phái hằm hằm
phái hằm hằm mặt nhăn nhăn
chỉ thêm khốn khổ nhọc nhằn mà thôi

Phái vui tươi nói cười hể hả
mặc bia hơi đóng giả bia chai
rằng chai thì thật là chai
rót ra ấm ấm khai khai cũng tình

Mẹ và em đều xinh đẹp cả
Mây mỡ gà, Mỹ Dạ thướt tha
Khánh Linh đỏ tựa ráng pha
Anh Thơ áo trắng như là tuyết in

Xuân Cang cứ im lìm gang thép
Nguyên Ngọc cười toe tóet rất tươi
Hồ Phương tới tới lui lui
đầu đội mũ cối mình ngồi Pơ – giô

Bằng Việt khéo ngơ ngơ ngác ngác
Lê lựu nhìn nhớn nhác không yên
Hữu Mai thắc thỏm đứng tim
khấn Ông Cố Vấn ở trên lưng trời

Sân khấu chuyển sang hồi bầu cử
vận động ngầm, ấm ứ nhỏ to
nhà văn thì cứ tự do
thằng nào xứng đáng ta cho vào hòm

Hòm phiếu đỏ niêm son đã mở
có Hữu Tòng đả hổ trưởng ban
giáo gươm xếp lại hai hàng
phiếu bầu cao nhất về Quang Sáng rồi
Phút ngờ nghệch bồi hồi cởi mở
thở đánh phào hớn hở tin yêu
dẹp đi cái cuộc liêu xiêu
tiếng gươm khua tiếng thơ kêu xé lòng

Đại hội đã thành công tốt đẹp
ban chấp hành đứng xếp hàng ra
Tổng thư ký của hội ta
tướng công vốn có hiệu là Văn Ngan
Lời chia biệt hàng hàng châu ngọc
tiếng cười chen tiếng khóc lâm li
nghẹn ngào kẻ ở người đi
lặng nghe bác Nguyễn Đình Thi tiễn mình…

1989
( Đại hội 4)

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Chương 7. Những hậu quả của quan niệm Thái Cực





A. Hậu quả Triết Lý

Quan niệm Thái Cực rất quan trọng vì đã đề cập đến Bản Thể vũ trụ.

Theo quan niệm này, thì Bản Thể vũ trụ là Thái Cực vô thanh, vô xú, có khả năng biến hóa vô cùng, sinh xuất vạn sự, vạn vật mà chẳng hề có tăng, có giảm. Vạn vật hữu hình biến thiên, Thái Cực bất biến. Vạn vật hữu hình có hoại, có thịnh có suy; Thái Cực muôn đời như nhất.

Thái Cực không phải là tinh thần, cũng không phải là vật chất. Thái Cực bao quát cả tinh thần lẫn vật chất, lại siêu xuất trên tinh thần lẫn vật chất.

Thái Cực sinh hóa vạn vật theo định luật tuần hoàn, vãng lai, phản phúc.

Thái Cực sinh Thần, Thần sinh Khí, Khí sinh Tinh hay Chất, Bộ ba Thần, Khí, Chất hỗ giao, hỗ hoán, tương hợp, tương phân, để sinh xuất vạn vật. Ngược lại, Tinh có thể hóa Khí, Khí có thể hóa Thần, Thần có thể trở về Thái Cực; như vậy là tuần hoàn, thủy chung như nhất.

Quan niệm sinh hóa này vô cùng biến ảo, bao quát được cả mọi môn phái Triết học vì nó không duy tâm cũng chẳng duy vật, mà vượt hẳn lên trên cặp mâu thuẫn tương đối này. Nó bao quát được hết mọi lớp lang biến dịch trong hoàn võ, và trong nhân quần vì đã định được vòng tuần hoàn vãng lai, phản phục của vũ trụ, và Vạn Hữu. Nó cho chúng ta một tầm nhìn bao quát, chẳng những về cơ cấu vạn vật, từ cơ cấu tế vi ra cho đến những cơ cấu hữu hình; cho ta thấy chiều hướng biến hóa của Vạn Hữu, bất quá chỉ có là từ vi đến trứ từ vô hình đến hữu hình rồi lại từ hữu hình trở về vô hình. Hơn nữa nó còn cho ta một cái nhìn bao quát về vòng thời gian toàn bích, vãng lai, phản phục của trời đất và của lịch sử.

Suy ra, vũ trụ có tán, tất nhiên phải có tụ. Lịch sử diễn biến từ các giá trị tinh thần xuống dần tới các giá trị xác thân, vật chất ngoại cảnh, rồi có hồi lại quay trở ngược lại, diễn biến từ các giá trị vật chất, xác thân ngoại cảnh tiến dần về các giá trị tinh thần cao thượng.

Vạn vật sinh từ Thái Cực, biến hóa muôn vàn rồi lại quay trở về Thái Cực. Thế là thủy chung như nhất. Vạn vật khác nhau bằng hình tướng bên ngoài, nhưng đều cũng có một căn nguyên cốt cách là Thái Cực. Mà Thái Cực chính là Đạo,là Trời. Nói vậy có nghĩa là vũ trụ Vạn Hữu là biểu dương của một Thực thể duy nhất: Đó là Thái Cực hay Thượng Đế [1]

Để rộng đường khảo sát chúng ta hãy lược khảo các quan niệm về Căn nguyên vũ trụ

1) Của các Triết gia Hi Lạp, từ thời Thalès (640 548) cho đến hết thời Aristote (322)

2) Của các nhà Huyền học Âu Á, và Teilhard de Chardin.

1) Quan niệm Thái Cực và quan niệm Nguyên Thể vũ trụ của các Triết gia Hi Lạp

Các Triết gia Hi Lạp có nhiều ý kiến dị đồng về Nguyên Thể vũ trụ:

Có người cho rằng vật chất sinh ra vũ trụ.

a) Nguyên Thể vũ trụ là một đơn chất: hoặc là thái hư vô định (Anaximandre 611-547), hoặc là nước (Thalès 640 - 548), hoặc là khí (Anaximène 545 - 522), hoặc là lửa (Héraclite 540 - 475)

b) Nguyên Thể vũ trụ có thể đa đoan phiền tạp: hoặc là 4 chất: đất, nước, lửa, khí (Empédocle 500 - 400), hoặc là 5 chất: Đất, nước, lửa, khí và thái hư (hyle) (Aristole 384 - 322), hoặc là những con số (Pythgore 580 - 500), hoặc là vô số nguyên chất có hình thù khác nhau (Anaxagore 500 - 428), hoặc là vô số nguyên tử (Leucippe de Millet (thế kỷ IV) và Democrite 470 - 400).

Có phái cho rằng tinh thần sinh xuất vũ trụ.

Chỉ có tinh thần mới là thực thể, còn hình tướng bên ngoài chỉ là giả tướng (Xénophane - cuối thế kỷ VI), Parménide (?540 - ?50), Platon (429 - 347) [2]

Đem các quan niệm trên đây sánh với quan niệm Thái Cực, ta thấy quan niệm Thái Cực vẫn cao siêu hơn, bao quát hơn, vì Thái Cực tuy là thực thể duy nhất của Vạn Hữu, nhưng bao quát các động tĩnh, Âm Dương, nên có một khả năng biến hóa vô cùng hùng hậu. Hơn nữa Thái Cực siêu xuất trên các quan niệm Âm Dương, tinh thần, vật chất, siêu xuất trên toán số. Quan niệm Thái Cực có thể nói là cao siêu hơn các quan niệm Triết học Hi Lạp về vũ trụ khởi nguyên vì Thái Cực chẳng những là Bản Thể của vũ trụ mà còn là Đạo, là Logos, là Thượng Đế.

Thái Cực là căn nguyên vũ trụ, là một thực thể nhưng lưỡng diện vì động tĩnh, tụ tán khôn lường; là một thực thể nhưng vạn thù: nhờ cơ vi Âm Dương biến hóa, có thể sinh ra muôn muôn, ngàn ngàn biến thiên, biến động; là một thực thể biến ảo muôn ngàn, nhưng sau trước vẫn thủy chung như nhất nhờ ở vòng Dịch: Âm biến Dương, Dương biến Âm, tuần hoàn, phản phục...

2. Quan niệm Thái Cực với quan niệm của các nhà Huyền học Âu Á và Teilhard de Chardin

Quan niệm Thái Cực của Dịch Kinh thực ra cũng là quan niệm của các nhà Huyền học Đông Tây, kim cổ. Nó không được phổ cập vào quần chúng, nhưng ngược lại, đã được những bậc thượng trí, thượng nhân mọi nơi mọi đời, bất phân đạo giáo chủ trương. Ta thấy chủ trương này, nơi các nhà Huyền học Âu châu thượng cổ, các thánh Paul, Jean[3], các nhà Huyền học Bà La Môn, Phật giáo, Lão giáo, các tác giả Zohar và Kaballe v.v.. và gần đây đã được Teilhard de Chardin làm sống động lại. Chủ trương này đại khái như sau:

*Trời đất vạn vật chẳng qua là thiên hình, vạn trạng của một thực thể duy nhất, của Tuyệt Đối Thể.

*Tuyệt Đối Thể này là hiện thân của Thượng Đế siêu việt bất khả tư nghị.

*Tuyệt Đối Thể này mọi nơi mọi đời đều kêu bằng một danh hiệu, hoặc là Đạo, là Chân Tâm, là Thái Cực, là Logos. Tuyệt Đối Thể này là một Thực thể duy nhất bao quát cả hai phương diện tinh thần, vật chất [4]

Teilhard gọi Tuyệt Đối Thể này là Nguyên Thể vũ trụ. Nguyên Thể này có hai phương diện vật chất và tinh thần.

Nhất thể ấy sinh xuất quần sinh; quần sinh lại qui hướng tiến hóa về nhất thể [5]

Nhất tiến ra vạn, rồi vạn lại qui về nhất, theo nhịp điệu của thời gian. Cho nên trong trời đất, đâu đâu cũng tràn đầy lẽ biến dịch. Sự biến dịch theo hai chiều hướng: một là phân tán đào thải; hai là súc tích để tiến tới tinh hoa, trở về Nguyên bản [6]

Tóm lại, Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản đều quan niệm vũ trụ là Nhất Thể, vì căn nguyên vũ trụ là Thái Cực duy nhất. Quan niệm này chủ trương Vạn Hữu đều có đồng một Bản Thể như nhau. Muốn lãnh hội Chân lý này, tuệ giác cần được khải ngộ; muốn được khải ngộ cần tốn công phu, tiềm tâm suy cứu, nội quan quán chiếu [7]

Vì nhận chân rằng: Vũ trụ = Thái Cực, quan niệm này coi Thái Cực là Toàn thể, toàn bích, còn vạn vật chẳng qua là phân bộ, phân thể của Thái Cực.

Quan niệm này thực là một quan niệm siêu việt về Thượng Đế. Nó vừa là nền tảng, vừa trở thành mục đích tu luyện của các bậc Thánh Hiền xưa nay.

Mục đích ấy là từ bỏ tiểu tiết, phân bộ, tư tà, địa

phương, thời gian, giai đoạn, thiên kiến để đạt tới chân lý toàn bích, đại đồng...

B. Hậu quả luân lý

Thái Cực là toàn thể vũ trụ; Vạn Hữu là phân thể Thái Cực. Từ quan niệm vạn vật nhất thể này các Triết gia suy diễn ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể trở nên giống Thái Cực, nên giống Thượng Đế. Hậu quả luân lý này đã được Cha Ricci ghi nhận như sau: «Trào lưu tư tưởng mà nhiều người theo hiện nay, theo tôi, có lẽ đã vay mượn ở một giáo phái tà thần (?) từ 500 năm nay (Tống Nho). Quan niệm ấy là: Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể, người, vật, cỏ cây, tứ tượng đều họp thành một cơ thể duy nhất mà vạn vật là những phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy họ rút ra nhiệm vụ bác ái, đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể nên giống Thượng Đế.» [8]

Thái Cực chính là Thiên Lý; mà Thiên Lý thì phổ quát đại đồng, chí công, chí chính, và cũng đã được ghi tạc ngay trong tâm khảm ta.

Cho nên, người quân tử luôn luôn phải chiến thắng tư tà, tư dục sống hợp Thiên Lý, hợp với lương tâm, để lúc nào cũng chí công, chí chính, khiết tịnh, tinh vi.

C. Hậu quả đạo giáo

Quan niệm Thái Cực và công cuộc đi tìm Trường sinh và Chân Lý

Quan niệm này đã xây nền đắp tảng cho công cuộc tu thân của người xưa. Vì tin rằng Thái Cực là Bản Thể vũ trụ, là Vạn Hữu [9] là Đạo [10], là Chân, là Lý, là Căn nguyên, Cốt cách con người, vì tin rằng Thái Cực vĩnh cửu trường tồn [11], vô thanh, vô xú nhưng lại tiềm ẩn ngay trong đáy lòng con người [12], nên các bậc chính nhân, quân tử sau khi thấu hiểu Dịch Kinh, đã hồi tâm phản tỉnh, trở vào tâm thần mình mà tìm đạo, tìm trời.

Thái Cực là Đạo[13], là Căn Bản [14], Bản Lai Diện Mục[15], Chân Như Bản Thể, Kim Cương Thân[16], Kim Đơn.[17] Cho nên tìm ra được Thái Cực trong tâm hồn mình là Đắc đạo, Qui căn, phản bản, tìm lại được Bản Lai Diện Mục, tìm lại được Chân Như Bản Thể, tìm lại được Kim Cương Thân, luyện được Kim Đơn.

Vì Thái Cực tiềm ẩn ngay trong đáy lòng con người, nên Thánh nhân tẩy rửa lòng mình cho sạch trần ai tục lụy và rút lui vào chốn ẩn áo huyền vi của tâm hồn để sống phối hợp với đấng Tối cao [18]

Dịch Kinh khuyên người quân tử hãy hiểu thấu lẽ Trung Hoàng Thái Cực đừng để cho lòng bị vật dục, ngoại cảnh khiến dẫn mê hoặc, trở về với Thái Cực, tìm ra ngôi vị Chính Trung trong hoàn võ để làm chỗ nương thân [19]làm nơi dừng chân, đứng lại. [20] Tất cả công phu học hỏi suy tư là cốt để tìm ra Thái Cực, Căn nguyên, Cốt cách con người [21]

Muốn Viên minh, Diệu giác, phải thực hiện được Bản Thể Thái Cực.[22] Muốn luyện đơn, trước hết phải tìm cho ra Thái Cực tiềm ẩn trong lòng mình [23]

Khi đã minh định rằng Thái Cực vừa là Căn nguyên, vừa là cùng đích của Vạn Hữu, các bậc Thánh Hiền xưa đã suy ra được 2 chiều biến hóa của hoàn võ và của con người.

Chiều thuận: từ tinh thần, tiến dần mãi ra vật chất.

Chiều ngược: từ vật chất biến hóa dần mãi để phục hồi lại trạng thái tinh thần.

Đi theo chiều thuận, thì y như trôi theo giòng nước, chẳng phải suy nghĩ, tốn công phu, nhưng kết quả chỉ thành phàm phu tục tử.

Đi theo chiều nghịch, thì y như bơi ngược giòng sông, luôn luôn phải tranh đấu, phải cố gắng, nhưng kết quả sẽ thành Tiên, thành Thánh. [24]

Ta có thể hình dung 2 chiều biến hóa ấy như sau



Các Hiền Triết Ấn Độ cũng cho rằng vũ trụ, cũng như người có 2 chiều hai hướng. Từ tâm điểm ra bên ngoài, là biến hóa theo chiều sinh sinh vô cùng, từ nhất sinh ra vạn; từ ngoài trở về tâm điểm, là chiều hóa hóa bất tận, từ vạn quay trở về nhất [25]



Đi tìm Thái Cực, tức là đi tìm con người chân thực nơi ta. Trong ta đã tiềm ẩn sẵn một nguồn năng lực vô biên, mặc tình ta khai thác. Ta đừng nên bỏ qua kho tàng vô giá nội tâm, mà chạy theo ngoại cảnh, ngõ hầu thêm được đôi chút tiện nghi...[26]

Khi đã thể hiện được Thái Cực được Tuyệt đối, con người sẽ được giải thoát.

Lúc ấy sẽ có một thần lực vô biên, và làm được nhiều kỳ công, đại sự; cái đó không có lạ gì vì con người lúc ấy đã nhập được vào nguồn sinh lực, nguồn năng lực vô biên của vũ trụ...[27]

Tóm lại, Thái Cực là Thiên Tâm, là Viên Giác, là Kim Đơn [28]

Tìm ra được Thái Cực, thấy được Thiên Tâm trong lòng mình, là Thần Minh đã đến với mình vậy [29]

CHÚ THÍCH

[1] La période que nous allons étudier commence avec Thalès (640-548) et la Grèce ionienne, elle s'étend sur les différentes écoles philosophiques), qui firent la renommée intellectuelle des Grecs et s'achève avec la conquête de la Grèce par Alexandre (332) et la mort d'Aristote (322). — Edition René Kester - Les Secrets de l'Atomepage 12.

[2] Phỏng theo tài liệu trong cuốn Les Secrets de l'Atome (Editions René Kister, trang 12 - 15)

... Xem thêm: S.E. Frost, Jr., Basic Teachings of the Great Philosophers. Chương 1: The Nature of the Universe, trang 1 - 16.

[3] Si tout effort de connaissance est tentative pour se placer au point de vue de Dieu, la connaissance absolue consiste à l'avoir atteint, ce qu'apercoivent le stoicisme que citait Saint Paul aux philosophes d'Athènes: in ipso vivimus, et movemur et sumus - Plotin, Spinoza aussi bien que, d'autre part, Hege, c'est que pour Dieu la matière n'a pas d'existence indépendante, car l'esprit absolu se reconnaÛt soi - même en tout...

Science et Matérialisme page 31. Cf. Actes des Apôtres 17; 24 - 30. Evangile de Sainte Jean - Prologue.

[4] Il y a d'abord la croyance en un Principe unique, duquel tout est issu. Quels que soient les noms qui lui aient été donnés durant les différentes époques et sous les différents ciels ou la forme du culte extérieur qui lui soit rendu, ce Principe est de tout temps, le Dieu de l'Univers manifesté comme Unité, celui qui a engendré le ciel et la Terre, le créateur et la créature, le contenant et le contenu, l'Essence et la Forme, l'Esprit et la Matière, l'Espace et le Temps, l'Infini et le Fini.

Ce Principe Unique est un prodigieux aimant qui attire à lui toutes les âmes, de même que le Terre attire tous les corps vers son centre. — Le Religon Essentielle - page 11.

[5] Etoffe cosmique: matière et Esprit, écrit le P. Teilhard en 1950, non point deux choses mais deux états, deux faces d'une même étoffe cosmique suivant qu'on la regarde ou qu'on la prolonge dans le sens où elle se fait ou au contraire dans le sens suivant lequel, elle se défait.

Teilhard de Chardin (Plon) page 81.

...Teilhard gọi Thực thể ấy là «Chúa Cơ đốc vũ trụ». Ông viết: «Le Christ n'est pas un accessoire surajouté au monde, un ornement, un roi comme nous en faisons, un propriétaire. Il est l'Alpha et l'Oméga, le principe et la fin, la pierre du fondement et la clé de voȗte, la plénitude et le plénifiant.» — Ib. page 114.

[6] Au lien d'opposer deux termes matières et esprit, il faut opposer deux directions l'une qui descend vers la poussière du multiple et se perd ainsi dans le néant, l'autre qui s'élève avec toute la nature vers des types d'union plus complexes et mieux centrés... — Jean Onimus - Teilhard de Chardin (Plon), p. 84.

[7] L’Inde, la Chine et la Japon ont en commun un principe unique sur lequel repose leur science et leur philosophie...

Ce Principe affirme l'identité d'essence de tous les êtres et de toutes choses. Pour saisir cette vérité, il faut une ouverture de la conscience supérieure de l'homme, ouverture qui ne peut d'obtenir que par l'effort personnel et l'analyse de soi même. — Robert Lasserre - Etranges Pouvoirs, page 20.

[8] «Mais l'opinion la plus suivie actuellement et qui me paraÛt (pare), empruntée à la secte des idoles depuis 500 ans (philosophie des Song), c'est que tout ce monde est fait d'une seule substance et que la création du monde avec le ciel et la terre, les hommes et les animaux, les arbres et les végétaux, et les quatre éléments, forment un corps continu dont les divers êtres sont les membres. C'est de cette unicité de substance que l'on déduit le devoir de la charité envers les hommes et la possibilité pour tous de devenir semblables à Dieu.» (Cf. Henri Bernard -Maître - Sagesse Chinoise et Philosphie Chrétienne, page 108)

[9] Khổng tử tắc viết: Thiên Lý, Lão tử tắc viết: Cốc Thần, Dịch đạo tắc viết: Thái Cực. Danh tuy hữu dị: kỳ thực đồng nhất Chân Như bản tính dã. 孔 子 則 曰 天 理, 老 子 則 曰 谷 神, 易 道 則 曰 太 極 . 名 雖 有 異, 其 實 同 一 真 如 本 性 也. — Qui Nguyên Trực Chỉ, quyển Trung, trang 360.

[10] Đạo vi Thái Cực 道 為 太 極. — Tạ vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng, trang 14.

[11] Hữu vật Tiên Thiên địa 有 物 先 天 地

Vô hình bản tịch liêu 無 形 本 寂 寥

Năng vi vạn tượng chủ 能 為 萬 象 主

Bất trục tứ thời điêu 不 逐 四 時 凋

Qui Nguyên Trực Chỉ, quyển Trung, trang 370.

[12] Đan giả hà dã, nhân trung chi Thái Cực dã. 丹 者 何 也. 人 中 之 太 極 也. — Xướng Đạo Chân Ngôn, trang 8a.

[13] Đạo vi Thái Cực 道 為 太 極. — Tạ vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng, trang 14.

[14] Căn bản do tòng Thái Cực tầm 根 本 由 從 太 極 尋. — Đại Đỗng Chân Kinh, Quyển thượng, trang 4b.

[15] Chân Như bản tánh giả, phụ mẫu vị sanh tiền, nhứt chân vô vọng chi thể, vị chi bổn lai diện mục. Thiền tông tắc viết: Chánh pháp nhãn tạng. Liên tông tắc viết: Bổn tánh Di Đà. Khổng tử tắc viết: Thiên Lý. Lão tử tắc viết: Cốc Thần. Dịch đạo tắc viết: Thái Cực. Danh tuy hữu dị: Kỳ thực đồng nhất Chân Như bản tính dã. 真 如 本 性 者, 父 母 未 生 前, 一 真 無 妄 之 體, 謂 之 本 來 面 目. 禪 宗 則 曰 正 法 眼 藏. 蓮 宗 則 曰 本 性 彌 陀. 孔 子 則 曰 天 理, 老 子 則 曰 谷 神, 易 道 則 曰 太 極 . 名 雖 有 異, 其 實 同 一 真 如 本 性 也.— Qui Nguyên Trưc Chỉ, quyển Trung, trang 369.

[16] Thị pháp giả chỉ kỳ bản tính dã. Bản tính dụ hồ Kim Cương. Ngôn kỳ kiên cố bất hoại dã. 是 法 者 指 其 本 性 也. 本 性 喻 乎 金 剛. 言 其 堅 固 不 壞 也. — Ib. 371

[17] Đan giả hà dã, nhân trung chi Thái Cực dã. — Xướng Đạo Chân Ngôn, trang 8a.

[18] Thánh nhân dĩ thử tẩy tâm, thoái tàng ư mật. — Dịch Kinh - Hệ Từ thượng, chương 11.

[19] Quân tử Hoàng Trung thông Lý, chính vị cư thể. — Dịch Kinh - Khôn Quải.

[20] Chỉ ư chí thiện 止 於 至 善. — Đại học.

[21] Thái Cực không giả dã... Không giả vạn vật chi tổ dã. Học giả yếu kiến chân không. 太 極 空 者 也. ... 空 者 萬 物 之 祖 也. 學 者 要 見 真 空. — Xướng Đạo Chân Ngôn quyển I trang 2.

[22] Phù viên minh diệu giác, nguyên Thái Cực chi thể dã. 夫 圓 明 妙 覺 元 太 極 之 體 也.

[23] Tiên gia kết đan, tiên cầu thân trung chi Thái Cực 仙 家 結 丹 先 求 身 中 之 太 極. — Ib. trang 9.

[24] Nhất chân vị tạc, vị chi hỗn độn; nhất nguyên phương triệu, vị chi nhân uân. Thần sinh khí, khí sinh tinh, Thái Cực chi sở dĩ thuận nhi sinh dã. Tinh hóa khí, khí hóa thần, nhân dĩ nghịch nhi vi tiên, phản bản hoàn nguyên chi nghĩa dã. 一 真 未 鑿, 謂 之 混 沌; 一 元 方 兆, 謂 之 氤 氳. 神 生 氣, 氣 生 精, 太 極 之 所 以 順 而 生 也. 精 化 氣 氣 化 神 人 以 逆 為 仙 返 本 還 元 之 義 也. — Xướng Đạo Chân Ngôn, trang 9.

[25] A la causalité vitaliste, celle de l'expansion du germe et qui va du germe concentré vers un épanouissement sans fin, du centre à la périphérie, s'oppose la causalité formelle, rituelle qui est mensuration et construction, oeuvre savante des prêtres et qui elle, va de la périphérie vers le centre, du tout éparpillé au tout concentré, intégral, continue. Après avoir entouré et consolidé le sacrifice année, l'activité rituelle s'achemine vers le centre de l'autel, vers le jour central (visuvat) de l'année, vers la personne interne (Atman) de Prajapati, l'ensemble des actes sacrés. Alors que dans le courant vitaliste, la densité maxima se trouve au départ, dans le courant ritualiste, elles culminent au point d'arrivée. Instant et Cause, page 56.

[26] Cf. Robert Lasserre - Etranges Pouvoirs, page 32:

En fait, c'est à la découverte de l'homme réel que nous partons. «Une énergie infinie est à la disposition de chacun de nous, si nous savons seulement la saisir”, mais l'homme moderne, submergé par les progrès des sciences, s'est éloigné de plus en plus de la voie de l'évolution intérieure. Tourné vers les conquêtes extérieures, qui produisent l'amélioration des conditions de vie, c'est à dire la diminution de l'effort, il a perdu le goôt de celui ci, et cela entraîne la dégénerescence de l'individu. La seule voie de salut doit tendre à placer l'homme dans l'atmosphère psychophysiologique la mieux adaptée à la maintenir en pleine activité physique et mentale.

[27] Lorsque l'adepte parvient d'une facon parfaite à cette réalisation de l'absolu, qui est plus une conscience et une identification qu'une compréhension, il est libéré; sa force est celle qui anime le tonnerre et les éclairs, la puissance de la vague comme celle du feu... en contact étroit avec la source où tous les phénomènes puisent leur énergie, de l'atome à l'étoile, du souffle de la tempête à la déflagration de la poudre, il peut y puiser infi niment et réaliser des prodiges. — Robert Lasserre, Etranges Pouvoirs, page 20

[28] Thái Cực giả, ngô tâm chi thiên tâm dã. Thích thị viết: viên giác. Đạo viết Kim đan. Nhu viết Thái Cực... 太 極 者 吾 心 之 天 心 也. 釋 氏 曰 圓 覺. 道 曰 金 丹. 儒 曰 太 極.— Liêu Dương Điện vấn đáp thiên Thiên nhất trang 2b.

[29] Thiên tâm kiến nhi thần minh chí hĩ. — Đại Đỗng chân kinh quyển thượng trang 5b.

Đừng yêu ai trên mạng, anh nhé!






Ngày em biết anh
Em nhắc nhở rằng
Đừng yêu ai trên mạng, anh nhé!
Kẻo đau thương chữa mãi không lành

Bởi đa tình nên anh tập tành
Yêu dăm ba cô trên mạng hiền lành
Rồi chia tay như lá bỏ cành
Nhớ quên, quên nhớ cứ dùng dằng.

Thời đại bản năng
Sinh tồn nhọc nhằn
Tình ảo lăng quăng
Cô đơn già khằn

Yêu thương mòn mỏi chiếu chăn
Vết thương cũ cũng dài ngoằn thời gian
Thì thôi, ôm mộng để dành
Gối đêm ,há miệng đợi trăng rớt vào...