Chủ nghĩa tượng trưng sắc tộc và dân tộc Việt Nam
Tác giả: Lê Minh Khải
Người dịch: Hoa Quốc Văn
Nghiên cứu về các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc là một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn và phức tạp, nhưng có thể chỉ ra 3 hướng tiếp cận chính đã được áp dụng trong việc nghiên cứu này.
1) Có cái nhìn theo hướng vĩnh cửu chủ nghĩa cho rằng các dân tộc ít hay nhiều luôn luôn tồn tại (một cái nhìn giờ đây hầu như đã bị nghi ngờ).
2) Có cái nhìn theo hướng hiện đại chủ nghĩa cho rằng các dân tộc xuất hiện ở thế kỉ XIX và XX cùng với quá trình hiện đại hóa.
3) Có cái nhìn theo hướng chủ nghĩa tượng trưng-chủng tộc nhất trí với các nhà hiện đại chủ nghĩa rằng các dân tộc đương đại được đúc ra ở thời hiện đại, nhưng còn lập luận xa hơn rằng người ta có thể tìm thấy những gốc rễ của nhiều dân tộc ở thời tiền hiện đại trong hình thức của những cộng đồng sắc tộc hay những “tộc người”.
Ngày nay một trong những người đề xướng hướng tiếp cận tượng trưng-chủng tộc này là Anthony Smith. Smith đã viết nhiều về chủ đề này, và dễ dàng nhận thấy rằng lịch sử dân tộc Việt Nam rất hợp với những ý tưởng của ông.
Trong công trình gần đây của mình: Chủ nghĩa tượng trưng-chủng tộc và Chủ nghĩa dân tộc: Một hướng tiếp cận văn hóa (2009), Smith định nghĩa một “tộc người” như sau:
“… một cộng đồng người có tên gọi và tự xác định, trong đó các thành viên có một huyền thoại về tổ tiên chung, kí ức chung, một hoặc nhiều nhân tố văn hóa chung, bao gồm sự kết nối với lãnh thổ, và một tiêu chuẩn về sự thống nhất, chí ít là trong tầng lớp trên” (27).
Vậy là, đối với Smith, một cộng đồng sắc tộc có thể tồn tại ở “tầng lớp trên”, giữa những thành viên của giới tinh hoa. Ông gọi kiểu “tộc người” này là “tộc người bên trên” (một cộng đồng sắc tộc bao trùm đỉnh của một xã hội). Cách thức những dân tộc được hình thành từ “tộc người bên trên như thế” là thông qua sự mở rộng của nhà nước quan liêu” (mà tộc người bên kiểm soát).
Smith bàn về việc làm thế nào hiện tượng này xảy ra ở trường hợp các dân tộc châu Âu trong công trình năm 1991 của ông, Căn cước dân tộc, như sau: “Ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và ở một mức độ nào đó là Ba Lan và Nga, tộc người bên chính, cái cấu thành nên hạt nhân sắc tộc của nhà nước, dần dần có thể sáp nhập tầng lớp trung lưu và các khu vực viễn tâm vào nền văn hóa sắc tộc chủ lưu. Trung gian hàng đầu của sự sáp nhập đó là một nhà nước quan liêu mới.
“Thông qua công cụ quân sự, hành chính, tài chính và luật pháp, nó có thể quy định và phổ biến nguồn giá trị, biểu tượng, huyền thoại, truyền thống và kí ức những thứ cấu thành di sản văn hóa của hạt nhân quý tộc chủ lưu” (55).
Trong khi những ý tưởng của Smith được phát triển thông qua nghiên cứu của ông về lịch sử châu Âu thì tôi cho rằng Việt Nam rất hợp với khuôn mẫu này.
Ở thời trung đại (khoảng thế kỉ X đến XV) có một giới tinh hoa ở đồng bằng sông Hồng duy trì một hệ giá trị giúp phân biệt họ với phần cư dân còn lại (chẳng hạn các giá trị Nho giáo), hệ giá trị cấu thành khác với phần dân cư còn lại, cái viết bằng một ngôn ngữ ngoại lai (tiếng Hán cổ), và cái tạo nên các truyện kể/huyền thoại về quá khứ bằng ngôn ngữ ngoại lai đó và bằng các thể loại trước thuật không phải là bản địa ở Đồng bằng sông Hồng. Nói khác đi, giới tinh hoa Việt trung đại là một ví dụ kinh điển về “tộc người bên”. Và sẽ dễ dàng chứng chính được việc nền văn hóa của tộc người bên này dần dần đã truyền bá ra các thành viên khác của cả khối cư dân như thế nào qua các thế kỉ tiếp theo song hành với sự mở rộng của nhà nước quan liêu.
Cuối cùng, có 2 luận điểm quan trọng nữa về các ý tưởng của Smith và hướng tiếp cận theo chủ nghĩa tượng trưng-sắc tộc có liên quan đến Việt Nam. Thứ nhất, trong khi Smith cho rằng các dân tộc hiện đại có các cội rễ tiền hiện đại, ông chỉ thấy những cội rễ này tỏa ngược về đến thời cận đại hoặc trung đại, không đến thời cổ đại. Chẳng hạn, ông không cho rằng dân tộc Ý có thể được kết nối với một tộc người ở đế chế La Mã. Thứ hai, Smith thừa nhận rằng một số huyền thoại và tín ngưỡng mà các tộc người và các dân tộc sử dụng đã được sáng tạo ra.
Đối với ông, không có vấn đề gì khi mà một tộc người bên thời trung đại đã sáng tạo ra các huyền thoại về quá khứ hay các huyền thoại tương tự đã được biến đổi ở thời hiện đại.
Trên thực tế, đây là một trong những đóng góp chính của hướng tiếp cận sắc tộc-tượng trưng chủ nghĩa, khi nó chỉ ra việc làm thế nào các ý tưởng được sáng tạo/kiến tạo, truyền bá và rồi bị biến đổi ở thời hiện đại đến nỗi chúng dần có vẻ giống với một phần “tự nhiên” của một dân tộc “tự nhiên”.
Cụ thể, cái nhìn sắc tộc-tượng trưng chủ nghĩa khá hoàn hảo cho việc hiểu cách thức một giới tinh hoa thời trung đại đã tạo ra ra các ý tưởng và tín ngưỡng dần dần được các thành viên khác của cả khối dân cư chấp nhận, và sau đó chúng bị biến đổi và trở thành trung tâm trong quá trình xây dựng dân tộc Việt hiện đại ở thế kỉ XX.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét