Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

12 quan chức Bộ Tài chính nộp lại quà tặng



Tác giả: Anh Đào
.


.

Năm 2014, có 32 trường hợp nộp lại quà tặng. Ảnh minh họa

“Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”- nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước Quốc hội sáng nay 20.10.2014.


Khẳng định quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, báo cáo Chính phủ do Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh trình bày sáng nay đã nhìn nhận Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn được nhìn nhận là diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Sau 8.000 cuộc thanh tra hành chính và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phát hiện gần 32.000 tỷ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.000 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỷ đồng. Về trách nhiệm, Thanh tra các cấp cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với khoảng 1.700 tập thể, gần 3.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 61 vụ. Tỷ lệ thu hồi tài sản đạt gần 65% (tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng). Thanh tra cũng phát hiện 54 vụ việc với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng tổng số tiền gần 69 tỷ đồng.



Năm 2014 có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.

Năm 2014, có 32 trường hợp nộp lại quà tặng. Riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 118 triệu đồng.

Tổng Thanh tra cũng nhìn nhận việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng vẫn còn hình thức.
Những tồn tại, theo báo cáo Chính phủ, là việc rà soát các văn bản thực thi pháp luật còn thấp, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời, công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập…

———–

http://laodong.com.vn/chinh-tri/12-quan-chuc-bo-tai-chinh-nop-lai-qua-tang-258968.bld

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Chính phủ: Nên cho phép tự vận động bầu cử



Chính phủ góp ý dự án luật bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân... “Chính phủ đề nghị dự luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử, như cho phép người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử”, văn bản góp ý đề ngày 8/10 của Chính phủ nêu rõ - Ảnh: AFP.



Đổi mới quy trình hiệp thương, mở rộng các hình thức vận động bầu cử là đề nghị của Chính phủ khi tham gia ý kiến với dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân. Đây là một dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 20/10 tới, nằm trong số ít dự án luật không phải do Chính phủ trình.

Cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo luật, song Chính phủ cũng đưa ra nhiều đề nghị liên quan đến các quy định cụ thể.

Như, đề nghị không quy định hồ sơ ứng cử phải bao gồm giấy khám sức khỏe của tổ chức y tế có thẩm quyền, lý lịch tư pháp đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Trong điều kiện tinh gọn thủ tục hành chính, cần loại bỏ những thủ tục không thực sự cần thiết đối với công dân, đặc biệt đối với việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử là những quyền chính trị cơ bản nhất của công dân đã được Hiến pháp quy định, Chính phủ nêu rõ chính kiến.

Đề nghị tiếp theo được gửi đến ban soạn thảo dự án luật từ Chính phủ là đổi mới quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Theo Chính phủ, hiện nay nhiều địa phương kiến nghị quy định hiện hành về tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở các cấp bầu cử hội đồng nhân dân chưa đảm bảo tính công bằng trong lựa chon, giới thiệu người ứng cử.

Có nhiều người ứng cử, đặc biệt là người tự ứng cử, đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn và được sự tín nhiệm của cử tri song đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba lại không được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử, văn bản góp ý nêu rõ.

Liên quan đến vận động bầu cử, luật hiện hành quy định hai hình thức là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quá trình góp ý hoàn thiện dự án luật mới, có ý kiến cho rằng nên quy định việc người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri.

Tuy nhiên, quan điểm của ban soạn thảo dự án luật là để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử.

Và quy định tại dự thảo luật mới nhất không có thay đổi gì về hình thức vận động bầu cử.

“Chính phủ đề nghị dự luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử, như cho phép người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử”, văn bản góp ý đề ngày 8/10 của Chính phủ nêu rõ.

Như vậy, nếu đề nghị của Chính phủ được Quốc hội chấp nhận thì cử tri có thêm cơ hội để hiểu rõ hơn những người ứng cử trước khi bỏ phiếu bầu ra những người đại diện cho mình.

Nguyễn Lễ
http://vneconomy.vn/thoi-su/chinh-phu-nen-cho-phep-tu-van-dong-bau-cu-tai-viet-nam-20141014084839213.htm

Văn tế thập loại giáo ...sư



Khuyết Danh






Tiết quý Thu gió mưa vuồn vuột
Dân quê miềng lạnh buốt xương da
Lập đàn đèn nến hương hoa
Lạy ông tiến sĩ, lạy bà giáo sư.

Bể học vấn hư hư thực thực
Lối quan trường bắc bực gai chông
Vênh vênh một lũ Hội đồng
Phiếu bầu thì có, đầu không có gì.

Không có gì mà gì cũng có
Sự học hàm ngấp ngó đua tranh
Đua tranh thì có giá thành
Mua danh ba vạn, bán danh ba hào.

Nào những kẻ mũ cao áo rộng
Chốn Tam đình ngong ngóng vào ra
Thanh binh chính thị nghiệp nhà
Ô hô mồm giải mép loa cũng tài.

Nào những kẻ miệt mài đèn sách
Đạo văn người chắp nhặt nên câu
Sách người làm mọt làm sâu
Ô hô nhai lại kiếp trâu kiếp bò.

Nào những kẻ tò vò nuôi nhện
Bụng nhện tròn nó quện luôn ông
Ô hô mông quạnh đồng không
Có hương có khói nhưng không bàn thờ.

Nào những kẻ lập lờ đục nước
Hội Tâm linh mưu chước sắp bày
Dị nhân đuổi gió hô mây
Quái nhân múa mép, múa tay, múa tiền.

Nào những kẻ điên điên dại dại
Nay quốc ca mai lại quốc hoa
Ô hô vỏ lựu mào gà
Nước nôi man mác biết là còn không.

Nào những kẻ lưu vong thất thổ
Cõi Tây phương mặt rỗ kỳ khu
Học đòi lí lẽ ba xu
Chõ về đàn gảy tai tru mà rầu.

Nào những kẻ Đông Âu tu luyện
Trợ cấp còm tằn tiện từng khâu
Gái xinh chẳng dám nhìn lâu
Áo phông son Thái khấu đầu bán buôn.

Nào những kẻ cúi luồn thân phận
Tay bút gươm lòng lận bút lông
Ô hô trời đất thấu không
Đô Long hạ bệ, đốc Đông thượng tòa.

Nào những kẻ ghen gà tiếng gáy
Hám vinh danh tháu xoáy công trình
Chưa thôi tranh luận rập rình
Đã lôi nhau đến pháp đình… tội chưa.

Cũng có kẻ thân lừa ưa nặng
Cũng có cha lẵng nhẵng oán ân
Cuốc Liên điện thoại Ma Lân
Đánh rơi thằng nọ, xí phần đứa kia…

Phận bèo bọt thia lia mặt nước
Giang sơn này độc dược tràn lan
Bán buôn sông biển non ngàn
Hồn hề hồn hỡi hồn tan hay còn…

Ebola đang làm chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh




Long Đoàn Hữu

Ebola đang làm stocks Mỹ sụt mạnh. Nay DJ đã sụt 1.5% cho năm nay.

Tin tôi có, đã có thêm 3 người tại Mỹ bị nhiễm Ebola, ngoài cô Nina Phạm. 2 người tại Texas, 1 tại Kansas. Tin tối hôm qua là họ chỉ bị nhẹ.

CP Mỹ đang chần chừ việc thông tin, do sợ hoảng loạn. Đang hy vọng chữa hết rồi mới tung tin ra, hoặc ém luôn như chưa từng có chuyện gì. Nhưng nếu các người này không hết bệnh, mà bị nặng thêm, thì phải tung tin ra, vì nếu đợi tới chết mới nói thì dân chúng sẽ quậy to.

"Ebola was the most obvious fear factor and the worst bout of selling came in the final hour of the market."

http://money.cnn.com/2014/10/13/investing/stocks-market-extreme-fear-columbus-day/index.html?iid=HP_LN

Theo tôi biết, có thể trong 3 ngày nữa các người này sẽ được chữa hết hoặc nặng thêm. Nếu họ hết thì không nói làm gì, nhưng nếu họ bị nặng thêm thì phải công bố, và khi đó thì CK Mỹ lại 1 phen sụt mạnh, có thể đến 3-5%.

Họ hoặc cô Nina Phạm mà chết, thì lại càng khốn khó cho Mỹ.

Các hãng máy bay đang lo rầu, vì chỉ cần 1 người trên đó bị nhiễm, thì lây cho cả trăm, rồi trăm người lây cho cả ngàn. Các chuyến bay có thể bị ngưng, và chỉ cần ngưng 1 tuần thì thiệt hại cả chục tỷ đô. Ngưng 1 tháng thì nguy to, ngưng 2, 3 tháng thì toàn bộ cả hệ thống hàng không sụp đổ, trừ khi có cứu nạn từ các CP.

ISIS, rồi KT Âu châu cũng thêm vào mối lo ngại. Vào lúc này mà chiến tranh Iraq, Ukraine lại xảy ra, rồi trừng phạt KT lẫn nhau giữa Nga và Liên Âu, rồi Nga ngưng/giảm cung cấp khí đốt cho Ukraine, Liên Âu, v.v...

Giá dầu giảm là tốt, nhưng giảm QUÁ MẠNH như hiện nay thì thành ra 1 mối họa. Nhiều quốc gia thiếu tiền, đang TĂNG số bán ra, càng làm giá giảm mạnh.

Nga nghèo do giảm thu nhập dầu, nay tăng bán vũ khí lậu và chính thức.

Các con buôn lậu dầu khí nay chuyển qua buôn lậu các thứ khác, lời nhất là xì ke ma túy, vũ khí, kế đó là buôn người.

Các CP Trung đông thu nhập kém 20% do giá dầu giảm, nay hục hặc với nhau, chuyện lớn khi có tiền thành chuyện nhỏ, nhưng chuyện nhỏ khi không có tiền thì thành chuyện lớn. ISIS bị đánh vào các mỏ dầu, nay thiếu tiền, càng liều mạng, hăng máu, có thể chiếm hết Baghdad, thảm sát CP thân Mỹ.
-----------------------

Thiệt là, không ngày nào yên ổn. Tôi chạy khỏi stocks từ lâu, ai chưa chạy thì nên chạy, vì quá nhiều thành tố có thể BẤT NGỜ làm stocks sụt không phanh.

Nguồn: https://www.facebook.com/dudoankinhte
Ngày đăng 15/10/2014 [ebola-dang-lam-chung-khoan-my-sut-manh]

Sống thời đại và tinh thần đức Phật



Tác giả: BS Bùi Mộng Hùng
.



Chính vào những giai đoạn xáo trộn biến động như hiện nay, con người phân vân trước cuộc sống bao nhiêu thì nhu cầu xét lại gốc rễ nguồn căn làm cơ sở cho hành vi ứng xử của mình, của xã hội lại càng bức thiết bấy nhiêu.



Phật giáo là một trong số không nhiều lắm truyền thống đã làm gốc làm rễ văn hoá cho nảy nở nhiều nền văn minh của một bộ phận rộng lớn nhân loại. Trong chính lúc dân tộc Việt Nam ta bước vào một giai đoạn quyết định cho vận mạng của mình, xét lại một yếu tố căn bản của truyền thống dân tộc như Phật giáo trước thách thức của thời đại là một việc không tránh né được.

Bài này (I) phác hoạ nét trội của cuộc khủng hoảng văn hoá thời đại, (II) xét vài điểm đặc trưng của giáo lý nhà Phật đặc biệt thích nghi với xu hướng đòi hỏi của thời đại. Và cuối cùng (III) nêu lên vài điều căn bản để cho Phật giáo khai triển trí tuệ và tri thức tích lũy suốt hai nghìn năm, góp phần vào công cuộc xây dựng một nền văn hoá cho hiện đại.

I. Thời đại con người trơ vơ thân phận làm người

Các hệ tri thức, xưa nay vững tin rằng mình nắm chân lý, truyền bá niềm tin của mình tự bao đời. Và cũng tự bao đời đã là những ngọn đuốc soi đường cho con người hết thế hệ này đến thế hệ khác trông theo mà an tâm sống với mình, với người, với thiên nhiên. Những niềm tin ấy bấy lâu nay tưởng đâu là chân lý vĩnh hằng, đến khi vấp vào hiện đại bỗng nhiên lung lay đến tận gốc rễ, nếu không là hoàn toàn sụp đổ.

Khởi điểm không phải mới gần đây. Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ thời Phục hưng, thế kỷ thứ XV, XVI, đưa dần tới sự hình thành của khoa học, của tư duy ngày nay.

Có người cho rằng là phát minh này hay phát minh nọ làm cho khoa học mâu thuẫn với các hệ tôn giáo, với tư tưởng cổ truyền. Không hẳn như vậy. Vì lẽ rằng không một phát minh khoa học nào có khả năng giải đáp các câu hỏi căn bản của tôn giáo nêu lên, mà ngược lại tín ngưỡng có thể tiếp thu chẳng mấy gì khó khăn bất cứ phát minh khoa học nào vào trong hệ tư tưởng của mình.

Sự xung khắc cơ bản thật ra nằm trong tinh thần nghi ngờ có hệ thống, không tin theo một thuyết nào nếu nó chưa trải qua thẩm định của thực nghiệm. Theo tinh thần thực nghiệm này thì không có giáo lý nào, hệ tư tưởng nào nắm chân lý vĩnh hằng. Chúng chỉ có giá trị của những giả thuyết, nghĩa là giá trị còn khi chúng còn vận hành còn biểu thị được các hiện tượng, các dữ kiện theo tiến trình mà giả thuyết đề ra. Gặp trường hợp ngược lại, một khi đã không phù hợp nổi với dữ kiện được quan sát nghiêm túc và có phương pháp thì chính giả thuyết phải tự đặt lại vấn đề và chuyển đổi sao cho phù hợp được với dữ kiện.

Quan điểm đổi thay vì suốt nhiều thế kỷ vừa qua, các xã hội loài người không ngừng chuyển biến mạnh. Đến gốc rễ. Đảo lộn cả nhận thức. Các vấn đề thời đại không ngớt nổi lên, cật vấn tri thức con người. Riêng một cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ thứ 19 cũng đã đủ thay đổi hoàn toàn bộ mặt hoàn cầu.

Truyền thống bao lâu tin rằng chính là tri thức, đạo lý soi sáng và điều khiển hoạt động của con người. Nhưng hiện thực đã chẳng giản đơn một chiều theo lối nhìn đó, vì thế mà làm lung lay cơ sở các niềm tin truyền thống : Tư duy và đạo lý hướng dẫn hoạt động của con người thật, nhưng ngược lại hoạt động sản xuất chính là một nhân tố quy định tư duy, đạo lý trong xã hội loài người.

Từ địa vị đứng trên cao siêu mà hướng dẫn, đạo lý rơi xuống ngang tầm với con người, giữa xã hội. Các giá trị “chân”, “thiện”, “mỹ” không còn được quy định do uy tín của một Chân lý bên ngoài, một cá nhân vĩ đại nào, mà thực ra là bởi xã hội, như một tổng thể trong vận động không ngừng chuyển biến của nó.

Dù muốn dù không, con người buộc phải tìm quy tắc hướng dẫn đời sống của mình không đâu ngoài cộng đồng con người, ngoài xã hội.

Trong chiều hướng đó, nhà tư tưởng lớn thế kỷ thứ 19 Hegel quay lại nhìn lịch sử như một giòng tiến hoá. Ý nghĩa của sự tiến triển, của vận động lịch sử chỉ sẽ biểu lộ tại nơi điểm tận cùng của lịch sử.

Marx tiếp nối theo, tin rằng đấu tranh giai cấp là động cơ của giòng lịch sử ấy và cho đó là một phát hiện căn bản của mình tìm ra. Con người làm ra lịch sử, và có khả năng gia tốc lịch sử bằng cách tác động theo chiều hướng của động cơ. Cách nhìn của Marx là một yếu tố gây niềm hy vọng lớn cho một phần nhân loại: lịch sử có ý nghĩa và sẽ tất nhiên đi đến điểm tận cùng của nó. Hành động trong hướng đi của lịch sử là hành động vô cùng ý nghĩa của những con người ý thức được sự thật lịch sử.

Rồi, trong vòng mấy thập kỷ của thế kỷ hai mươi này, con người bừng mắt phát hiện ra rằng những tiến trình do chính mình phát động có tác động gần như không giới hạn vào thế giới thiên nhiên, vào thế giới con người: Làm chủ được nguyên tử lực, con người có thừa năng lực làm nổ tung quả địa cầu.

Uy lực tác động của con người vào thế giới loài người, vào thế giới thiên nhiên chưa bao giờ đạt mức độ khủng khiếp như hiện nay.

Trong khi đó, khoa học càng hiểu thiên nhiên thêm sâu sắc bao nhiêu thì con người lại càng ý thức rõ rệt rằng giải đáp khoa học chỉ là đáp từ cho những câu hỏi của chính mình đặt ra và những giải đáp đó lệ thuộc vào cách đặt câu hỏi. Đi tìm hiểu thiên nhiên – không phải là mình mà cũng chẳng phải do mình tạo ra – rốt cuộc con người gặp lại những cấu trúc, những mô hình do mình tạo nên, nghĩa là gặp lại chính mình.

Và cũng bắt đầu nhận ra rằng không thể giáo điều tin vào tính tất định của khoa học mà không xét kỹ độ chính xác trong mỗi trường hợp cá biệt. Khoa dự đoán khí tượng đã nghiêm túc chứng minh rằng bướm vỗ cánh ở Bắc Kinh hôm nay có thể gây giông tố tại Nữu Ước tháng sau. Các sự kiện gần đây lại càng cho thấm thía tính tất định lịch sử thật ra chẳng nghiêm ngặt gì hơn chuyện nắng mưa.

Tất định lịch sử không còn, tự do của cá nhân bỗng nới rộng ra thêm. Mỗi người có thể tự nhủ rằng cánh bướm mình vỗ lên có khả năng lái lịch sử chệch qua hướng khác. Nhưng khi ấy chợt nổi lên, không giải đáp, câu hỏi ý nghĩa hướng đi lịch sử là gì ?

Dù muốn dù không, một lúc nào đó trong đời sống, con người thời đại cũng bị thực tại xô đẩy, buộc quay về đối diện với thân phận làm người của mình. Và lúc ấy rùng mình nhận ra rằng, về căn bản, cung cách ứng xử của mình chẳng mấy khác người thời trung cổ. Bạo tàn man rợ khác nào khi xưa.

Chỉ có điều khác là con người thời đại nắm trong tay những phương tiện sinh sát sánh tày Thượng đế. Đem các phương tiện ấy ra sử dụng lại có phương pháp tổ chức theo kiểu đại công nghiệp – máy móc lạnh lùng – nhưng hữu hiệu biết là chừng nào.

Trong khắc khoải tự vấn trước mênh mang cuộc sống, con người thời đại thấy mình nhỏ bé, chẳng khác gì con người trung cổ. Nhưng, quay đi quay lại chỉ mình với mình. Không nơi nương tựa, thiếu ngọn đuốc soi đường mà người trung cổ sẵn có, chỉ việc tuân theo.

II. Con đường Như Lai

1. Một giáo lý nhân bản, một quan điểm “ động ” trong nhận định

Đối tượng của lời Phật dạy không ai khác là con người, trần trụi với thân phận làm người. Câu hỏi trung tâm của giáo lý nhà Phật là một vấn nạn thẳng thừng không chút nhân nhượng: “Con người kia ! anh là gì?”

Con người không khỏi cũng có lúc trầm ngâm trước giòng sông, nước luân lưu chảy để ngậm ngùi rằng ta đứng đấy mà mọi việc trước mắt biến chuyển không ngừng. Điều mà ai ai cũng nhận ra dễ dàng. Nhưng thường không suy xét xa hơn, và, nếu có thì cũng ngừng ở nhận định: ta nhìn, ta tư duy vậy ta hiện hữu (je pense, donc je suis).

Cách nhìn theo đức Phật không phủ định tính hiện hữu của “cái ta”, trong phút giây quan sát giòng sông. Chỉ nhắc nhở rằng, nếu không ngừng nước chảy qua cầu thì nào có khác chi giòng nước, người đứng trên cầu ngắm giòng sông cũng bao ý niệm nổi lên, trôi đi, dư âm vang vọng, tâm tư không ngừng chuyển đổi…

Nhà Phật quan niệm giòng sông, người đứng ngắm là những nhân tố ứng tác qua lại với nhau trong một quan hệ động. Một tiến trình trong đó các ứng tác không ngừng miên man chuyển biến. Thuật ngữ nhà Phật gọi đó là “vô ngã”, “vạn pháp vô ngã” mọi sự việc đều vô ngã. Và dùng thuật ngữ “không” để chỉ bản tính không ngừng biến chuyển của sự vật, “vạn pháp giai không”. Đem cái nghĩa thông thường của từ “không” gán cho thuật ngữ đồng âm làm sai lạc ý nghĩa quan điểm nhà Phật. Hiện thực luôn luôn biến động, nhưng nào phải vì vậy mà hư không!

Cảm nhận trung thực từng giây từng phút tiến trình của các quan hệ không ngừng chuyển đổi, tiếp theo đó mà liên tục đáp ứng, hồn nhiên và hài hoà, không bị lăng kính ảo tưởng làm cho méo mó lệch lạc, đó là một đặc tính của Phật. Và vì thế Phật còn có danh hiệu là Như Lai.

Tiến trình chuyển biến của sự việc, Phật giáo quan niệm là không do ngẫu nhiên. Nó có nguyên nhân và điều kiện. Nguyên nhân như là hạt giống, nảy nở ra được hay bị thui chột đi còn tuỳ ảnh hưởng điều biến của những điều kiện kèm theo. Thuật ngữ gọi đó là “nhân duyên”.

2. Một giáo lý cho hành động, nơi đây và ngay bây giờ
Là một nhân tố ứng tác có ý thức, con người trong giây phút hiện thực là một điểm động cuốn theo giòng thác tiến trình mà khởi điểm bắt đầu khi nào chẳng rõ, bao giờ tới điểm tận cùng cũng chẳng hay. Lặn hụp trong giòng đời, dù cho thu mình với thái độ thụ động hay tích cực xông xáo, con người bề gì cũng ý thức tiếp thu ảnh hưởng cùng tác động vào tiến trình cuộc sống, nghĩa là hành động, là gieo nhân, tạo nên duyên.

Nói cho đúng, ý thức của con người có ban cho hắn được chút phần tự do. Trong chọn lựa hành động và khởi điểm của nó. Nhưng trong một tiến trình, khi đã phát động rồi, hành động tác động vào môi trường như thế nào, phản hồi lại ra sao phần lớn vượt ngoài ý chí của con người cá nhân. Con người ấy, trong giây phút hiện thực là một điểm động, là hệ quả của hành động bản thân, của tác động môi trường bao quanh, của các thế hệ sinh trước. Ngược lại, với hành động do mình khởi xướng, cá nhân ấy cũng tác động vào thế giới này, vào thế hệ mai sau…

Thuật ngữ “nghiệp” của nhà Phật dùng để chỉ tác động và hệ quả của hành động có ý thức của con người. Con người cá nhân tạo ra “biệt nghiệp” riêng của chính mình, nhưng cũng tác động vào và chịu ảnh hưởng “cộng nghiệp” chung của cả xã hội của loài người. Khái niệm “nghiệp” đặt vai trò và vị trí của mỗi cá nhân trong vũ trụ, trong giòng tiến hoá của sinh vật, trong nhân loại hôm qua, ngày nay và mai sau.

Qua hành động – mà không ai tránh né được – cái “nghiệp” ràng buộc theo quy luật nhân duyên mỗi cá nhân với toàn thể loài người, toàn thể sinh vật. Từ mối liên đới đó, hệ giáo lý Bắc tông khai triển ra khái niệm “bồ tát nguyện”. Còn sinh vật trôi nổi trong vòng khổ đau thì bồ tát còn nguyện theo nâng đỡ. Vì nghĩ cho cùng, liên đới nhân duyên ràng buộc với nhau, làm sao có thể quan niệm một mình một chốn niết bàn thảnh thơi được.

Con người là ứng tác có ý thức trong tiến trình không ngừng chuyển biến, hành động của hắn nếu mà liên tục hài hoà được với cuộc sống chỉ có thể là hành động thích ứng nơi đây và ngay bây giờ, nghĩa là một sáng tạo không ngừng

Chính vì vậy mà giáo lý Phật giáo không thể không là lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật cho hành động trong hướng đó.

Chính căn cứ vào hành động, vào “nghiệp” mà đạo Phật đưa con người từ tối tăm trật vuột nắm bắt ảo ảnh – thuật ngữ gọi là “vô minh” – đến trí tuệ hoà hợp hồn nhiên con người vào tiến trình cuộc sống, vào vũ trụ. Chính vì vậy mà cho rằng đạo Phật yếm thế, trốn đời là lầm to.

3. Một con đường giải phóng trí tuệ soi sáng hành động

Chính vì có ý thức mà con người khó hồn nhiên ứng tác hoà hợp theo nhịp biến đổi của tiến trình cuộc sống. Lúc thì phản ứng bất cập, khi thì lại thái quá. Hoặc bo bo ôm cái khối kinh nghiệm quá khứ quên mất rằng bản chất hiện tại là một trạng thái mới lạ, vì vậy mà hành động trong hiện tại luôn luôn là một sáng tạo. Hoặc không muốn nhìn vào hiện tại, quay hết tâm trí phóng vào một cái chưa có mà mình gọi là tương lai, để rồi dập mặt dập mũi vào cái hiện tại không sao tránh né được. Nhà thơ than :

Yêu là chết trong lòng một ít
Cho thì nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu…


Yêu nhau thắm thiết, niềm vui lớn. Nhưng chính vì yêu mà kẻ cho, người nhận, cả hai người yêu nhau không bao giờ được hoàn toàn vừa lòng. Nhà Phật không phủ nhận những niềm vui trong cuộc sống, chỉ nhắc nhở rằng bên cái vui, quan hệ trong tiến trình cuộc sống, các ứng tác có ý thức luôn luôn vấp vào những điều làm cho họ chẳng bao giờ được hoàn toàn mãn nguyện. Thuật ngữ nhà Phật gọi những khổ đau, những tiềm lực làm cho con người bất mãn trong cuộc sống là “khổ”. Đó chỉ là một nhận định duy thực.

Nhận định thế, để khẳng định ngay rằng có con đường vượt “khổ”, đem lại an lành. Con đường bỏ rơi ảo tưởng, hài hoà quan hệ ứng tác của con người trong tiến trình không ngừng biến động của cuộc sống. Đó là “đạo” mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bản thân thể nghiệm. Và khẳng định rằng đã là người, thì không phân biệt trai gái, sang hèn, màu da sắc tộc, bất cứ ai ai cũng đều tiềm tàng đầy đủ khả năng của đức Phật, con người đã rốt ráo thể hiện “đạo” ấy.

Phật chỉ nhắn nhủ mỗi người chúng ta chính mình thể nghiệm. Không một ai có thể làm thay mình được, đức Phật cũng chỉ là người chỉ đường.

Mỗi cá nhân là một trường hợp duy nhất, con đường cũng phải thích nghi với tính duy nhất của mỗi người. Nhà Phật hằng hà phương tiện.

Nguyên tắc chung, chúng ta gặp ngay trong câu Phật tử thường chúc nhau được “thân tâm an lạc”. Phương pháp nhà Phật chú trọng cả thể xác lẫn tâm thần, đến tác động qua lại vòng tròn của chúng. Thân an lặng thì lòng cũng yên, tâm yên tĩnh thì thân thêm thư dãn thoải mái. Cứ thế mà thân tâm liên tục ảnh hưởng lẫn nhau đưa đến trạng thái tĩnh lặng, thuận lợi để quán xét, ý thức tinh tường những gì đang sảy ra trong mình, xung quanh mình.

Chính sự ý thức rõ rệt những gò bó trong thân xác, những thể thức dục vọng nổi lên rồi tan đi trong thâm tâm là cơ sở để chủ động thư dãn toàn thân, để cho dục vọng không bị đè nén mà nhạt thưa dần. Lửa lụi tàn vì củi không còn. Cứ như thế mà các nhân tố tạo thiên kiến, thành kiến rơi rụng. Mâu thuẫn tan dần, tự do nội tâm phát triển. Thân và tâm ung dung tự tại sẵn sàng tập trung vào hiện tượng bên trong, bên ngoài, để tiếp nhận và phản ứng hồn nhiên, thích nghi, không lệch lạc.

Khi ảo tưởng hoàn toàn rơi rụng hết, sự thích ứng lúc ấy hài hoà với tiến trình cuộc sống. Một trạng thái siêu việt các cặp đối lập ta – người, chủ – khách, tri thức – hành động, thiện – ác, luân hồi – niết bàn… thời gian trong đó là hiện tại, vĩnh hằng.

Đó là ý nghĩa lời Long Thọ bồ tát (150? – 250?) khẳng định “Niết bàn là luân hồi, luân hồi là niết bàn ” (Nagarjuna, Madhyamika – Karika, XXV, 19). Đó là lý do nhà Nho thấm nhuần tinh thần Thiền tông Vương Dương Minh (1472 – 1529) xướng thuyết “tri hành hợp nhất”.

Chỉ có bậc hoàn toàn giác ngộ mới hợp nhất được tri và hành, siêu việt được đối lập biết và làm. Nhưng, cuộc sống luôn luôn đặt chúng ta trước một chọn lựa để hành động. Thế nào cho phải, đó là vấn đề. Giáo lý nhà Phật đề nghị các phương thức giúp cho mỗi người chúng ta sáng suốt nhận thức và hành động. Mấy câu kinh Pháp Cú rất nhiều người thuộc nằm lòng nhắc nhở điều ấy :

Chư ác mạc tác
Chư thiện phụng hành
Thanh tịnh kỳ ý
Thị chư Phật ngôn


(Không làm điều ác, Làm mọi việc lành, Thanh tịnh tâm ý, Ấy lời chư Phật)

Phân biệt phải, quấy, đạo Phật không đặt nơi một uy quyền ngoài con người. Lúc chọn lựa hành động bao giờ chẳng chỉ có mình với mình. Cái “lương tr ” do tâm ý thanh tịnh trong sáng là bảo đảm duy nhất cho tính đúng đắn của chọn lựa ấy. Tất cả giáo lý nhà Phật, lý thuyết, và thực hành chỉ nhằm sao cho tâm ý người hành đạo tĩnh lặng trong sáng trong sóng gió bão lửa của cuộc sống.

Con người thời đại đã đạt tri thức vô cùng cao xa, nhưng lương tri không tương xứng. Tạo một “lương tri khác” là tiềm năng quý báu mà giáo lý nhà Phật có khả năng góp vào công cuộc xây dựng nền văn hoá một thời đại khắc khoải đi tìm lương tri cho chính mình. Với vốn liếng Phật giáo tích lũy trên hai mươi thế kỷ tri thức lý thuyết và thực hành.
Phần hai:


III. Chí khí ngất trời xanh
1. Xác định chức năng
Sức sống của một giáo lý tuỳ thuộc những người đang sống và thể hiện nó. Phật giáo phát huy được tiềm năng của minh khi nào những người đang sống lời Phật dạy xác định được chức năng xã hội của giáo lý mình thể hiện.

Trên căn bản giáo lý nhà Phật không có gì đối chọi với tinh thần khoa học. Nhưng Phật giáo không phải là khoa học. Chức năng khác, cách chứng thực cũng khác. Sự thực khoa học chứng qua thực nghiệm. Hoàn toàn khác từ tinh thần, lý thuyết, đến thực hiện với thể nghiệm “đạo”. Sự thực thể nghiệm là một sự thực chủ quan, bản chất khác với sự thực khoa học.

Khoa học thay đổi bộ mặt toàn cầu. Tuy nhiên, trong hiện trạng ngày nay khoa học không thể và cũng không có tham vọng đề nghị một cái nhìn tổng hợp toàn diện cuộc sống.

Giáo lý nhà Phật đề nghị một nhận thức tổng thể cuộc sống, là một triết học. Chính vì không phải là khoa học mà Phật giáo làm được cái việc ngoài chức năng của khoa học: đem lại ý nghĩa cho hoạt động thường ngày, cho cuộc sống mỗi con người.

Có triết lý của mình, nhưng khác với các hệ triết học nhà Phật còn một kho kinh nghiệm phong phú về phương thức, kỹ thuật sử dụng những động tác thân xác đơn giản, hô hấp, đi, đứng, ngồi, nằm… để thể hiện triết lý của mình trong thân xác, trong cuộc sống hàng ngày, trong mỗi người. Đề nghị một hành trình thể hiện chứ không chỉ duy nhất là một hệ tư tưởng thuần lý, một bộ phận giáo lý nhà Phật có những nét hấp dẫn đối với tinh thần thời đại.

Là một tôn giáo, có đầy đủ nghi lễ, nhưng người Phật tử không phải đặt lòng tin vào một uy lực cao siêu nào ngoài con người, ngoài bản thân mình.

Có biết mình, biết người, cộng đồng Phật tử mới bỏ rơi được mặc cảm tự ti và tự tôn, không hao tổn tâm thần năng lực vào những cuộc tranh biện sân si, xác định vị trí và chức năng của giáo lý nhà Phật so với khoa học, với các hệ triết học, các tôn giáo khác. Khi ấy mới an nhiên đem tinh thần Như Lai thể hiện ra trong nếp sống hàng ngày, trong muôn mặt của cuộc sống. Và góp phần vào công cuộc chuyển hoá nền văn hoá thời đại.

2. Sống thời đại

Muốn được vậy phải đau cái đau thời đại, khổ cái khổ thời đại, dằn vặt với các vấn đề thời đại. Tóm lại phải sống thời đại.

Truyền thống hai mươi lăm thế kỷ của đạo Phật là một ốc đảo để ẩn náu, an tâm cho những ai mệt mỏi, khiếp sợ trước các chấn động của một thời đại đang oằn oại chuyển tiếp. Cái nguy lớn của Phật giáo chính là đó: mặt quay về quá khứ, day lưng với thời đại, mãn nguyện với việc làm nơi ẩn náu cho những người trốn sống thời đại. Và chỉ có thế mà thôi, ngoài ra không còn chi khác.

Nay chính là lúc cần chí khí ngất trời xanh của những người đem đạo vào đời trong những thời điểm khác thường. Khi tinh thần Phật thấm nhuần vào Trung quốc, nở ra Thiền tông, các tổ như ngài Lâm Tế (? – 867 ?) nói đạo bằng câu chữ hàng ngày của người nông dân cho người thời đại bừng mắt nhận ra đâu là tinh thần Như Lai.

Khi văn hoá đất Việt hưng lên với một dân tộc độc lập, đời Lý thiền sư Quảng Nghiêm (1121- 1190) nhắn nhủ “Nam nhi tự hữu xung thiên khí , Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Làm trai chí khí xông trời thẳm, Thôi đi, bỏ lối học đòi Như Lai).

Đời Trần, ta gặp thần thái thanh thoát ấy nơi Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (1230 – 1291), thầy của tổ sáng lập ra phái thiền Việt Nam Trúc Lâm, Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308). Trong một bữa tiệc của thái hậu mà cũng là em ruột thượng sĩ thiết đãi, Tuệ Trung gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi : “Anh tu thiền mà ăn thịt thành Phật sao được?” Thượng sĩ cười đáp : “Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật, Phật chả cần làm anh.”

Thời Phật, thời tổ, thời Lý – Trần đã qua, và không bao giờ trở lại, thời đại là của bây giờ. Tinh thần đức Phật chỉ có giá trị qua cọ sát với thực tại. Có lăn vào giải quyết những vấn đề cụ thể đang đặt ra cho con người, mới nảy ra cái nhìn “như lai” sự việc hôm nay. Mới bật ra lời lẽ đi vào con tim người đang mò mẫm tìm đường.

Phải thông giáo lý nhà Phật, đã đành. Công trình xuất bản kinh tạng Pali dịch qua tiếng Việt của hoà thượng Minh Châu, dự án dịch và xuất bản hệ tam tạng sanskrit của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một bước tiến cho ai ai cũng có thể tiếp cận những tư liệu gốc một cách trực tiếp. Nhưng, có soi qua gương mặt người mới nhận rõ ra mặt mình, có đem tư tưởng nhiều ít sáo mòn của mình đọ với các luồng tư tưởng hiện hành mới sáng lên sức sống của tư tưởng Phật, nơi đây và ngay bây giờ.

Công cuộc ấy còn bỏ ngỏ.

Thời nào cũng phải thích nghi phương pháp tu dưỡng cho thời đại mình. Không biết tự bao giờ phật tử Việt Nam chào nhau bằng câu “A Di Đà Phật”. Chỉ biết chắc chắn rằng chẳng phải do ngẫu nhiên. Có gì khắc khoải cho con người bằng khi phải mặt đối mặt với thân phận làm người. Cái ý phải tin vào sức mình, không ai, kể cả đức Phật có thể làm thay cho được tiềm tàng trong lời Phật dạy. Nhưng cũng ý đó bắt con người phải đối diện với chính mình. Tịnh độ tông khéo léo tránh né điểm khó này bằng thuyết “tha lực”, nhờ sức của người khác, nhờ Phật A Di Đà dẫn vào đất an lành.

Phương tiện phần nào dễ dãi ấy có còn thích nghi với tinh thần nghi ngờ thành hệ thống của con người ngày nay hay chăng ? Dù muốn dù không, vấn đề phương cách “hành đạo” cho con người hiện đại cũng đặt ra.

Những phương tiện hay nhất thường tìm thấy không đâu ngoài đời sống hàng ngày, ngoài nghề nghiệp. Người võ sĩ Nhật samourai, kè kè lưỡi kiếm, theo nghề chém giết. Phật giáo nhập sâu vào văn hoá thì người samourai học và thể hiện Thiền không đâu ngoài đường kiếm. Khi đó người ấy đi vào giữa lằn đao, mưa đạn với cái an nhiên của kẻ siêu việt cái sống và cái chết, lưỡi kiếm uy lực như sấm sét.

Phương pháp hành đạo ngày nay là những gì ? Để cho con người tất bật của thời đại thể hiện được tinh thần Như Lai, hồn nhiên mà thích nghi vào tiến trình cuộc sống ?

Những tầm nhìn thanh thoát về các vấn đề thời đại đang đặt ra, một nghệ thuật sống an lành đi vào muôn mặt của cuộc sống thường ngày, những phương pháp tu dưỡng thích nghi với mọi lớp người trong xã hội hiện đại, đó là thách thức mà thực tại đặt ra cho trí tuệ cộng đồng Phật tử. Giải đáp chính là phần Phật giáo góp vào nền văn hoá thời đại.
————

Bình luận (7)

Hiểu sai Mác. Quá đề cáo Phật

Thứ bảy, 21/02/2009 08:49′ AM – Hồ Bá Thâm hobatham@…
“Marx tiếp nối theo, tin rằng đấu tranh giai cấp là động cơ của giòng lịch sử ấy và cho đó là một phát hiện căn bản của mình tìm ra. Con người làm ra lịch sử, và có khả năng gia tốc lịch sử bằng cách tác động theo chiều hướng của động cơ.” Nhận định này không chính xác, không đúng về phát hiện căn bản của chủ nghĩa Mác. Trong một bức thư, khi trả lời Mác đã nói rằng phát hiện về đấu tranh giaí cấp là của các nhà tư tưởng tư sản. Phát hiện căn bản của Mác là về vai trò của nền sản xuất xã hội và quy luật khách quan của lịch sử cũng như vai trò của con người trong quá trình đó. Vấn đề gíai cấp cũng là từ đó mà ra chứ không phải ngược lại. Hiểu khác đi là xuyên tạc Mác. “Con người làm ra lịch sử, và có khả năng gia tốc lịch sử bằng cách tác động theo chiều hướng của động cơ. Cách nhìn của Marx là một yếu tố gây niềm hy vọng lớn cho một phần nhân loại: lịch sử có ý nghĩa và sẽ tất nhiên đi đến điểm tận cùng của nó. Hành động trong hướng đi của lịch sử là hành động vô cùng ý nghĩa của những con người ý thức được sự thật lịch sử. Rồi, trong vòng mấy thập kỷ của thế kỷ hai mươi này, con người bừng mắt phát hiện ra rằng những tiến trình do chính mình phát động có tác động gần như không giới hạn vào thế giới thiên nhiên, vào thế giới con người: Làm chủ được nguyên tử lực, con người có thừa năng lực làm nổ tung quả địa cầu”. Hơn nữa đoạn tiếp theo này mà tác giả bài viết trên với ý nói rằng con người chỉ làm theo động cơ (lờ đi việc PHẢI TUÂN THEO quy luật) và quy hậu quả lịch sử ngày nay cho lý thưyết của Mác là càng không đúng, KHÔNG CÓ CÁI NHÌN TOÀN DIỆN SỰ THẬT LỊCH SỬ và xuyên tạc nốt.

Chính tôi thấy rõ tác dụng tích cực nhất định của tư tưởng Phật giáo. Nhưng việc quá tuyệt đối hóa tư tưởng Phật giáo như tác giả bài viết trên trên thì, như PHẬT DẠY LÀ KHÔNG TỰ BIẾT (GIỚI HẠN) CỦA MÌNH.

Chúng ta bình tĩnh và xem lại
Thứ hai, 02/03/2009 06:17′ AM – Đạo Trường hoahongblackrose@…

Qua bài của Bs Bùi Mạnh Hùng và phần tham luận của Ts Thâm tôi xin tham gia một số ý kiến sau : 1/ Bs Bùi Mộng Hùng không xuyên tạc, Mà chỉ là có thể chưa hiểu Triết Mác như Ts Hồ Bá Thâm đã hiểu mà thôi.

Nhưng trong cuộc sống tôi lại thấy có nhiều cảm nhận phong phú như vậy đó. Có nhiều cảm nhận về triết Phật của Bs Hùng cũng không giống tôi. Và rất nhiều người ( nếu nói chính xác thì đa số người ) hiểu về Triết Mác như vậy.

Một ví dụ tôi thấy nhiều người hiểu như sau : Triết Mác cho rằng Vật chất có trước ý thức có sau, kinh tế quyết định chính trị tư tưởng và suy luận cuối cùng là Cộng sản là những người có quan điểm sống tiền bạc quyết định đạo đức !. Tôi biết Ts Thâm nghe chuyện này sẽ rất không vui chút nào, thật là quá đáng phải không ? Nhưng thôi, cuộc sống là như vậy đó ! Hãy cẩn thận khi chỉ có vài người hiểu Triết Mác đúng đắn như Ts Thâm, dù rằng đó là hiểu biết đúng đắn nhất. Một triết lý đúng đắn sẽ là vô nghĩa khi không được số đông hiểu đúng và chấp nhận.

2/ Bài của Bs Hùng có mục đích là bàn luận về Triết Phật và Phật giáo. Cho nên chúng ta sẽ không lạ khi thấy đa số nội dung là dành cho Phật giáo. Những triết lý và những tư tưởng khác đương nhiên là sẽ chỉ phớt qua. Nhất là Triết học Mác thì rất phổ biến tại VN, người ta đã nghe và hiểu nhiều hơn nhiều triết khác trong đó có triết Phật. Bài luận của Bs Hùng nêu ra những tư tưởng trong triết Phật và những ý nghĩa thực tiễn của nó. Khối lượng kiến thức khá phong phú , qua đó người đọc tự thấy cái sâu rộng và hay đẹp của nó chứ không phải là ca ngợi xuông Triết Phật. Cho nên tôi thấy Ts Thâm dùng từ ” Quá đề cao Phật ” là không đúng. Tôi thấy bài của Bs Hùng chỉ toát ra được phần nào về năng lực của triết Phật mà thôi. Nếu Ts Thâm muốn cho mọi người hiểu đúng và hiểu đẹp về triết Mác thì xin Ts có bài viết về Triết Mác cho phong phú, ý nghĩa, dễ hiểu.

3/ Phật dạy là ” PHẢI BIẾT GIỚI HẠN CỦA MÌNH ” . cho nên Bs Hùng đã biết giới hạn của Bs Hùng rồi đấy chứ. Bs Hùng đâu có khoe là ” Tôi sáng suốt nhất, Tôi Trí tuệ nhất, tôi nhân bản nhất, tôi dũng cảm nhất …. tôi.. tôi … ” ? mà Bs Hùng chỉ nêu ra được những tư tưởng của đức Phật và người đọc cảm nhận cái hay của triết Phật mà thôi. Triết Phật là một phương tiện, cho nên giá trị và chức năng, hiệu quả của phương tiện phụ thuộc vào trình độ và khả năng áp dụng của người sử dụng nó . ” Phải biết giới hạn của mình” là câu dạy người sử dụng công cụ chứ không phải câu đánh giá hiệu quả và chức năng của công cụ.

Tiến sỹ Thâm đang quen sử dụng triết Mác, Mọi người từ trước đến nay không thấy có công trình sử dụng triết Phật trong Quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Từ đó Chúng ta nhận định là triết Phật không có vai trò về kinh tế và xã hội LÀ LẦM TO. Tôi xin nhấn mạnh một nhận định của Bs Hùng ở đây. Điều đó có nghĩa Bs Hùng cũng như tôi tham luận để mọi người thấy thêm vai trò to lớn của triết Phật trong cuộc sống. Hiện tại tôi thấy TS Thâm đánh giá vai trò của triết Phật về kinh tế xã hội cũng giống như các nhà khoa học tự nhiên đánh giá về triết này 20 năm về trước. Tôi tin rằng nếu Ts Thâm tạm gác triết Mác ra khỏi tư tưởng để toàn tâm toàn ý nghiên cứu về triết Phật thì đã có cái nhìn về triết Phật như những nhà khoa học tự nhiên hiện nay. Hoặc, Ts Thâm và những nhà triết gia Mácxít làm hoàn thiện triết Mác thì sẽ thành triết Phật dưới dạng trình bày hiện đại mà không hay, rồi đặt cho nó cái tên khác như ” phương pháp luận duy vật nhân văn ” chẳng hạn. Đối với tôi thì không sao, Tôi là người đạt ý quên lời.

4/ Có lẽ Ts Thâm thấy lạ là tại sao Tôi lại Vừa dùng triết Mác vừa dùng triết Phật ?

Vài dòng tâm sự ở đây : khi nghiên cứu về triết Mác tôi thấy bản chất của triết Mác không mâu thuẫn với triết Phật mà chỉ là cụ thể và đơn giản hoá triết Phật mà thôi. Triết Mác sẽ có nhiều điều dễ hiểu hơn , nhưng lại có nhiều điều dễ hiểu sai hơn triết Phật. Như thế, trước một vấn đề cần giải quyết thì đầu tiên tôi dùng triết Mác để xác định cho nhanh những vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Khi tìm biện pháp và thực hiện giải quyết những trọng tâm thì tôi lại dùng triết Phật để suy nghĩ chi li tỉ mỉ và toàn cảnh hơn, bảo đảm vấn đề kỹ thuật và đạo đức .
bình lặng và suy ngẫm
Thứ hai, 02/03/2009 10:58′ PM – Ngọc Chung svcoltech@…
Chung đồng ý với ý kiến bác Đạo Trường. Và Chung cũng có ý kiến bản thân thế này.Thưa Tiến sỹ Thâm, đối với tiến sỹ và những người nghiên cứu lý luận Mác, tiến sỹ có những sự hiểu đúng đắn, sâu sắc lý luận Mác. Nhưng đối với những người khác, đại bộ phận dân chúng mấy người hiểu được cho đúng, cho sâu như tiến sỹ. Ngược lại, giáo lý nhà phật (rộng hơn cả lý luận Mác – cảm nghĩ riêng của Chung thôi) lại dễ dàng truyền tải, dễ thấm nhuần trong dân chúng.

Đạo Phật hướng con người ta thoát khỏi vô minh, mê muội (nghĩa đen là ngu dốt, kém hiểu biết), cũng giống giống lý luận Mác. Đạo phật cũng có cả một kho lý luận làm cột chống, không những vậy đạo phật còn rất cụ thể trong đời sống, cái gì nên, không nên rất rõ ràng. Với lý luận Mác, Chung và rất nhiều người khác khó tìm được cái cụ thể đó.

Tiến sỹ nghiên cứu lý luận Mác rất sâu. Vậy sao vội kết luận BS Hùng xuyên tạc, tuyệt đối hóa tư tưởng Phật. Một kết luận không nên chút nào. Liệu rằng Tiến sỹ đã thấu đáo.

*********************************


Có phải quá ít người hiểu Mác hay không?
Thứ hai, 23/03/2009 09:35′ AM – Hồ Bá Thâm hobatham@…

Trao đổi trên tinh thần xây dựng là quá trình cùng nhau tăng thêm hiểu biết va càng học hỏi để càng đúng hơn. Cho nên tôi rất cảm ơn Đạo Trường và bạn đọc đặt ra nhiều điều cần trao đổi lại để nhiểu nhau hơn. Tất nhiên, có 2 cách trình bày: một là trình bày phổ cập để mọi người hiểu, để vận dụng ngay; hai là trình bày để xây dựng học thuyết mới, thì khái quát hơn, như là một cách đặt vấn đề thôi. Hơn nữa mỗi học thuyết có một miền phát sáng riêng, chỉ so sánh được khi trên cùng một vấn đề, một miền đối tượng.Sau đây chỉ xin cung cấp một thông tin sốt dẻo, liên quan tới cách một và vấn đề có phải quá ít người hiểu Mác hay không?

Hiện nay thử hỏi có một học thuyết nào làm rõ một cách sâu sắc, hệ thống, triệt để quá trình tiến hóa của xã hội loài người, phân tích về sự vận đồng, biến đổi, phát triển, thay thế nhau của các chế độ kinh tế xã hội hay hình thái kinh tế -xã hội, nhất là về hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa, như chủ nghĩa Mác?. Đó cũng là phát hiện lý luận quan trọng nhất và rất thực tế của Mác (Marx). Nhận xét này không riêng gì từ phía các nhà mácxít.

Không nói đâu xa, gần đây khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ chủ nghĩa tư bản phát triển nhất thì hầu như cả phương Tậy lại đổ xô đi đọc bộ tư bản của Mác. Chỉ xin lấy một vài ví dụ.

Dưới đầu đề trên, báo “Nhân đạo” (Le Humanite) của Pháp vừa đăng bài viết khẳng định những bài học của Karl Marx về “Tư bản” đang trở nên hữu ích cho thế giới trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Với tư cách một nhà sử học Anh, Eric Hobsbawn nhận xét một cách hài hước: “Chính là những người tư bản, chứ không phải ai khác, đã tái phát hiện Marx”. Cũng như George Soros, một nhà tài chính và nhà chính trị ủng hộ kinh tế thị trường mới đây thừa nhận: Tôi đang đọc Marx. Có nhiều điều thú vị trong những gì ông đã nói”. Có vẻ như việc tư tưởng Marx đang trở lại là điều nghịch lý chăng? Điều đó có lạ lùng không? “Không, nó hoàn toàn không có gì gây ngạc nhiên khi các nhà tư bản thông minh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính toàn cầu nghiên cứu lại tư tưởng của Marx kể từ khi họ nhận ra một cách đau đớn về một thực tế rằng bản chất và sự bất ổn định của nền kinh tế tư bản nằm ở chỗ họ điều hành nó”.

Hobsbawn khẳng định. Đó là quy luật của hệ thống, là sự chi phối của giai cấp tư sản mà Marx và Angel đã miêu tả trong “Tuyên ngôn Cộng sản” năm 1848, khá lâu trước khi Marx viết bộ “Tư bản”. Bộ “Tư bản” ra đời vào thời điểm được đánh dấu bằng một cuộc cách mạng trong sản xuất, một hệ thống xã hội đầy những biến động và bất ổn không ngừng. Marx có thể giúp chúng ta tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng không? Như nhà kinh tế Jean-Marie Harribey quan sát, nếu một ai đó có thể đưa ra danh sách ấn tượng những ấn phẩm phục vụ cho lợi ích của tư bản thì chắc chắn họ sẽ rút ra những phê phán của Marx về chủ nghĩa tư bản để tìm lối ra xuyên qua hệ thống của họ. Vì vậy Harribey chú thích thêm rằng: Từ “Thời báo tài chính” (The Financial Times) đến “Tạp chí Phố Wall” (Wall Street Journal) và cả “Nhà kinh tế” (The Economist), “Điện tín” (Daily Telegraph) của Luân Đôn đều tuyên bố rằng ngày 13-10-2008 sẽ được ghi vào lịch sử như là một ngày mà hệ thống tư bản nước Anh thừa nhận đang thất bại, những nhà bình luận buộc phải thừa nhận rằng “luật bất khả xâm phạm của thị trường đã chứng minh rằng nó không thể đảm bảo sự cân bằng, ổn định, thịnh vượng và bình đẳng” và rằng “trên tất cả, Marx đã rất sáng suốt”. “Cần nhanh chóng nghiên cứu lại tư tưởng của Marx, những tư tưởng đôi khi chỉ trích dẫn bằng những câu nói nổi tiếng”, nhà báo Patrice Bolton, người đã tập hợp tư liệu của Marx cho tờ Le Magazine Litteraire, nhấn mạnh.

Tư tưởng của Marx có giá trị còn hơn cả một nguồn tư liệu để giải mã tiến trình toàn cầu hóa, “tiến trình có một phần trách nhiệm trong việc thất nghiệp hàng loạt, tăng bất công giữa các quốc gia cũng như bất công giữa các giai cấp xã hội bên trong mỗi quốc gia”. Đừng quên sự nối tiếp nhau của những bong bóng đầu cơ đã và đang tạo ra sự bần cùng hóa. Trong bối cảnh như vậy, bỏ qua những điểm khác nhau trong lịch sử thường cho rằng thật viễn vông khi áp đặt trực tiếp bối cảnh lịch sử của thế kỷ này vào thế kỷ tiếp theo, Karl Marx đang hồi sinh.

Marx đã thật sự nỗ lực giải mã lịch sử, kinh tế, sản xuất, sự tiêu thụ, giá trị, tư bản, lực lượng lao động, đấu tranh giai cấp, và cũng như sự khai thác, sự chuyển nhượng, tư nhân hóa, khả năng giải phóng và vượt lên sự thống trị vào nhiều thời điểm khác nhau trong một chuỗi những mâu thuẫn phát sinh liên tục để khắc họa chính xác bản chất đặc trưng của một phương thức sản xuất ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại. Bằng cách tiếp cận mâu thuẫn có thể giúp dễ hiểu tại sao tư bản tài chính toàn cầu hiện nay đang đẩy lập luận về lợi nhuận đi đến chỗ bùng nổ và tại sao chủ nghĩa tư bản, như nhà kinh tế chủ nghĩa cộng sản Paul Boccara nhận định, là chủ nghĩa tư bản theo luật số mũ, một hệ thống mà đặt tiền bạc lên trên hết để làm ra nhiều tiền hơn cho dù tổn hại đến cuộc sống của nhân dân, một hệ thống không thể đảo ngược, nó cũng không được mong đợi trở lại “chủ nghĩa tư bản thời cũ”.

Trong một bài báo đăng trên Le Monde Diplomatique, nhà triết học Lucien Seve nhấn mạnh rằng, nếu cuộc khủng hoảng bùng nổ trong quả cầu tín dụng thì khả năng tàn phá của nó nằm ở chỗ sự phân phối giá trị thặng dư không công bằng giữa tư bản và người lao động đang ngày càng tăng lên. Và ông cũng nhắc nhở sự sáng suốt của Marx đang rọi sáng cho chúng ta rằng: “Tất cả các phương tiện nhằm mục đích phát triển sản xuất đã được chuyển thành những công cụ của sự thống trị và khai thác của các nhà sản xuất”, và rằng “sự tích lũy của những người giàu có ở một cực là sự tích lũy tỷ lệ thuận với sự nghèo đói ở một cực khác”. Từ đó, Seve nhận định: Những giả thuyết về các cuộc khủng hoảng tài chính và thương mại đều bắt nguồn từ đó. (www.tuyengiao.vn).

Đáng chú ý nhất là những cảnh báo
Thứ hai, 23/03/2009 03:58′ PM – Hồ Bá Thâm hobatham@…

Trong nhận xét trao đổi trước, tôi chỉ lưu ý một điểm BS Bùi Mộng Hùng mà hiểu không đúng Mác và gây hiểu lầm từ đó. Còn lần này xin thu họach, bình luận một vài điểm chính yêu của bài viết: 1- Không thể không thấy bài viết của BS Bùi Mộng Hùng về nội dung nhân văn của Phật giáo mà tôi cho là cần phát huy: “ Con người là ứng tác có ý thức trong tiến trình không ngừng chuyển biến, hành động của hắn nếu mà liên tục hài hoà được với cuộc sống chỉ có thể là hành động thích ứng nơi đây và ngay bây giờ, nghĩa là một sáng tạo không ngừng”. “Nguyên tắc chung, chúng ta gặp ngay trong câu Phật tử thường chúc nhau được “thân tâm an lạc”. Phương pháp nhà Phật chú trọng cả thể xác lẫn tâm thần, đến tác động qua lại vòng tròn của chúng. Thân an lặng thì lòng cũng yên, tâm yên tĩnh thì thân thêm thư dãn thoải mái. Cứ thế mà thân tâm liên tục ảnh hưởng lẫn nhau đưa đến trạng thái tĩnh lặng, thuận lợi để quán xét, ý thức tinh tường những gì đang sảy ra trong mình, xung quanh mình”. Và cũng rátt đúng khi nhận xét rằng: “Truyền thống bao lâu tin rằng chính là tri thức, đạo lý soi sáng và điều khiển hoạt động của con người. Nhưng hiện thực đã chẳng giản đơn một chiều theo lối nhìn đó, vì thế mà làm lung lay cơ sở các niềm tin truyền thống: Tư duy và đạo lý hướng dẫn hoạt động của con người thật, nhưng ngược lại hoạt động sản xuất chính là một nhân tố quy định tư duy, đạo lý trong xã hội loài người. Dù muốn dù không, con người buộc phải tìm quy tắc hướng dẫn đời sống của mình không đâu ngoài cộng đồng con người, ngoài xã hội. ”

2-Nhưng quan trọng hơn là BS Bùi Mộng Hùng cảnh báo Phật giáo phải tư thay đổi để cùng vói thời đại ngày càng nhập thế hữu ích.

2.1. Trước hết tránh hiểu sai lạc: “Nhà Phật quan niệm dòng sông, người đứng ngắm là những nhân tố ứng tác qua lại với nhau trong một quan hệ động. Một tiến trình trong đó các ứng tác không ngừng miên man chuyển biến. Thuật ngữ nhà Phật gọi đó là “vô ngã”, “vạn pháp vô ngã” mọi sự việc đều vô ngã. Và dùng thuật ngữ “không” để chỉ bản tính không ngừng biến chuyển của sự vật, “vạn pháp giai không”. Đem cái nghĩa thông thường của từ “không” gán cho thuật ngữ đồng âm làm sai lạc ý nghĩa quan điểm nhà Phật. Hiện thực luôn luôn biến động, nhưng nào phải vì vậy mà hư không!”

2.2. Tránh cái nguy lớn là đừng chui vào ốc đảo, quay lưng lại hiện tại và thế gian:”Truyền thống hai mươi lăm thế kỷ của đạo Phật là một ốc đảo để ẩn náu, an tâm cho những ai mệt mỏi, khiếp sợ trước các chấn động của một thời đại đang oằn oại chuyển tiếp.Cái nguy lớn của Phật giáo chính là đó: mặt quay về quá khứ, day lưng với thời đại, mãn nguyện với việc làm nơi ẩn náu cho những người trốn sống thời đại. Và chỉ có thế mà thôi, ngoài ra không còn chi khác…y chính là lúc cần chí khí ngất trời xanh của những người đem đạo vào đời trong những thời điểm khác thường. Thời Phật, thời tổ, thời Lý – Trần đã qua, và không bao giờ trở lại, thời đại là của bây giờ.

2.3. Công cuộc ấy còn bỏ ngỏ. “Tinh thần đức Phật chỉ có giá trị qua cọ sát với thực tại. Có lăn vào giải quyết những vấn đề cụ thể đang đặt ra cho con người, mới nảy ra cái nhìn “như lai” sự việc hôm nay. Mới bật ra lời lẽ đi vào con tim người đang mò mẫm tìm đường. Có gì khắc khoải cho con người bằng khi phải mặt đối mặt với thân phận làm người. Cái ý phải tin vào sức mình, không ai, kể cả đức Phật có thể làm thay cho được tiềm tàng trong lời Phật dạy. Nhưng cũng ý đó bắt con người phải đối diện với chính mình…Nhưng, có soi qua gương mặt người mới nhận rõ ra mặt mình, có đem tư tưởng nhiều ít sáo mòn của mình đọ với các luồng tư tưởng hiện hành mới sáng lên sức sống của tư tưởng Phật, nơi đây và ngay bây giờ. Công cuộc ấy còn bỏ ngỏ. Phương pháp hành đạo ngày nay là những gì ? Để cho con người tất bật của thời đại thể hiện được tinh thần Như Lai, hồn nhiên mà thích nghi vào tiến trình cuộc sống ?

2.4. Cần một lương tri khác. Nhưng làm sao để có lương trí ấy? phải chăng chỉ cần tu dưỡng?
Những tầm nhìn thanh thoát về các vấn đề thời đại đang đặt ra, một nghệ thuật sống an lành đi vào muôn mặt của cuộc sống thường ngày, những phương pháp tu dưỡng thích nghi với mọi lớp người trong xã hội hiện đại, đó là thách thức mà thực tại đặt ra cho trí tuệ cộng đồng Phật tử. Giải đáp chính là phần Phật giáo góp vào nền văn hoá thời đại…Phân biệt phải, quấy, đạo Phật không đặt nơi một uy quyền ngoài con người. Lúc chọn lựa hành động bao giờ chẳng chỉ có mình với mình. Cái “lương tri do tâm ý thanh tịnh trong sáng là bảo đảm duy nhất cho tính đúng đắn của chọn lựa ấy. Tất cả giáo lý nhà Phật, lý thuyết, và thực hành chỉ nhằm sao cho tâm ý người hành đạo tĩnh lặng trong sáng trong sóng gió bão lửa của cuộc sống… Con người thời đại đã đạt tri thức vô cùng cao xa, nhưng lương tri không tương xứng. Tạo một “lương tri khác” là tiềm năng quý báu mà giáo lý nhà Phật có khả năng góp vào công cuộc xây dựng nền văn hoá một thời đại khắc khoải đi tìm lương tri cho chính mình. Với vốn liếng Phật giáo tích lũy trên hai mươi thế kỷ tri thức lý thuyết và thực hành”..

Đúng, nhưng phải chăng chỉ như thế 1à đủ cho MỘT LƯƠNG TRI của thời đại? Và là đúng, đủ, thuyết phục khi cho rằng: “không một phát minh khoa học nào có khả năng giải đáp các câu hỏi căn bản của tôn giáo nêu lên, mà ngược lại tín ngưỡng có thể tiếp thu chẳng mấy gì khó khăn bất cứ phát minh khoa học nào vào trong hệ tư tưởng của mình”?

Cuối cùng xin cảm ơn BS Bùi Mộng Hùng!

Có phải quá ít người hiểu Mác hay không?- Đúng, Chắc chắn là như thế
Thứ sáu, 27/03/2009 12:59′ PM – Đạo Trường hoahongblackrose@…

Có quá ít người hiểu Triết Mác, cũng như cũng còn quá ít người hiểu triết Phật. Mặc dù trong thực tế ta thấy rất nhiều người đã đọc và đã phải học Triết Mác. Và hậu quả là sụp đổ hệ thống XHCN và ngày nay khủng hoảng xảy ra thì mới có những ý kiến cần xem lại Triết Mác từ phía các nhà trí thức tư sản. Nhiều Phật tử, nhiều chùa và nhiều nhà triết học cũng không hiểu triết Phật dù họ đọc kinh Phật hàng ngày hoặc họ có đầu tư nghiên cứu. Nhưng Đạo Phật bao trùm trong nó đạo học và khoa học – rất phức tạp . Muốn hiểu triết Phật không thể chỉ ngồi đọc và suy lý mà phải trải nghiệm, còn phải tu theo đạo. TS Thâm chắc chắn không hiểu triết Phật, do ông chỉ đọc mà suy nghĩ mà thôi, và ông cũng đang tưởng là mình đã hiểu. Do Đó chúng tôi mới có những ý kiến thêm về triết Phật và đạo Phật. Nhưng những ý kiến của chúng tôi đã trình bày chỉ đạt mức tương đối và nhắm vào những người chưa hiểu triết Phật chứ không phải là những người theo đạo Phật . Nhiều khi chúng tôi loay hoay không biết trình bày ra sao vì một ý niệm phát ra được cấu tạo bởi rất nhiều quan hệ , nhiều kiến thức và rất mới lạ cho những người chưa biết.

Nhìn vào thực tế VN thì càng thấy rõ : quá ít người hiểu triết Mác. Chính vì vậy mọi chuyện cứ rối tinh lên : các nhà giáo dục thì không hiểu giáo dục là gì, các nhà văn hoá cũng lúng túng vấn đề văn hoá, các nhà kinh tế cũng vậy. Đe dọa Khủng hoảng nhiều mặt, đủ hội nghị, dư bàn bạc mà không thấy được một hướng thoát nào cho sáng sủa.

Tôi thấy nguyên nhân mọi người không hiểu triết Mác vì họ đã đọc và học Triết Mác rất thụ động. Không ai dám lật lại xem các tiền đề của triết Mác thực sự đúng hay sai mà là chấp nhận mặc khải. Tôi có đọc nhiều bài nghiên cứu triết Mác thì thấy rằng đó không phải là công trình nghiên cứu mà là bài viết ca ngợi sáo mòn mà thôi.Triết Mác bị biến thành tôn giáo ( Bởi vậy tôi biết Mác buồn lắm). Nhiều người vỗ ngực là triết gia Mác-xit và tham gia giải quyết vấn đề cụ thể nóng bỏng trong xã hội kém cỏi và không hiệu quả – làm giảm giá trị triết Mác. Phê bình triết Mác cũng khó khăn, rất dễ bị không cho đăng bởi vậy ít những lời đóng góp tâm huyết.

Nhiều người dạy triết Phật hoặc phê bình triết Phật quá ấu trĩ, ấu trĩ đến mức chúng tôi không buồn tham luận nữa. Nói ra như vậy để Ts Thâm thấy rằng chúng tôi rất tôn trọng TS.

Mến gửi Ts Thâm lời chào trân trọng.
—————–
http://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/song_thoi_dai_va_tinh_than_duc_phat/2/default.aspx

Con đường của sự suy tư




Featured image: Unmotivating



16 năm trước chính là lúc tôi thấy mình chật vật nhất, yêu cô lớp trưởng mà không dám bày tỏ. Nó giống như trước đó ta chỉ toàn ngủ mê trong cái thế giới của mình thì chợt tỉnh giấc, ta thấy thế giới của ta không còn mang nhiều ý nghĩa nữa, những gì ta muốn là cái thế giới của con người xa lạ kia, cái thế giới mà ta chưa từng tìm hiểu và tiếp xúc. Những cảm giác lạ lẫm khiến ta run sợ và háo hức, ta thấy không còn điều khiển được suy nghĩ và cảm xúc của mình nữa. Tình yêu xâm chiếm tâm hồn ta nên khi không được đáp lại thì bỗng thấy như bị ngắt kết nối, bị chia lìa với những gì ta vẫn tưởng là của ta. Thì ra ta và thế giới là hai phần riêng biệt.

Cũng từ lúc ấy tôi bỗng biết suy tư, tôi nghĩ về chính tôi, tôi nghĩ về thế giới, về những gì đang diễn ra quanh mình. Tôi là ai trong cuộc đời này? tại sao cái thế giới kia không chịu sự chi phối của tôi? Làm sao để tôi đạt được điều tôi muốn? Và quan trọng hơn hết là làm cách nào để thấy mình hòa làm một với thế giới như trước chứ không phải là sự chia cách và cô đơn.

Tôi đã đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Nhưng tiếc thay, ở cha mẹ, thầy cô, những người quen biết lại không có những điều mà tôi tìm, hay có lẽ những lời giải đáp của họ không đủ để tôi thỏa mãn. Tôi muốn tìm những câu trả lời gần gũi hơn, sâu sắc hơn và chính xác hơn. Và chúng ở trong những quyển sách.

Cho đến lúc này tôi cũng hiểu được một số điều quan trọng. Đó là:

– Thế giới thực thì không đẹp như truyện cổ tích
– Tính cách và tầm nhìn mỗi người được hình thành từ hoàn cảnh sống của họ
– Chân lý vẫn có thể bẻ cong bằng cách chỉ nhìn vào một mặt trong nhiều mặt của sự việc
– Con người nếu không có những lý tưởng siêu việt vượt lên trên những đòi hỏi của sinh tồn thì chưa phải là con người chân chính
– Tinh thần thì nhận ra những gì là tốt đẹp nhưng thân xác cứ trơ ỳ và yếu đuối
– Con người tới với thế gian để học hỏi và vươn lên đến gần thượng đế dù điều đó là bất khả
– Chỉ có tình yêu vô bờ bến mới giúp ta cảm thấy không bị chia cắt và phân ly với thế giới.
– …
Nhưng hiểu là hiểu còn để làm, để sống theo những gì mình hiểu lại không dễ tí nào, vì ta vẫn là con người, ta bị sự chi phối của sự tham lam ích kỷ, của bản năng , của quy luật sinh tồn, của xã hội ta sống. Chính vì thế sự cố gắng vượt qua là điều hết sức quan trọng.

Có nhiều cách giúp ta tiến lên sự hiểu biết, là học hỏi từ nền giáo dục (nếu nó có mang các bài học về cuộc sống), là đọc sách, là viết ra những gì mình nghĩ, là lao vào cuộc sống để cảm nghiệm về nó.
Vì sao chúng ta phải đọc sách?

Có nhiều lý do để đọc sách, nhưng lý do lớn nhất là để có thêm tri thức và hiểu cuộc sống. Để trưởng thành từ một đứa trẻ, mỗi người chúng ta cần phải học hỏi từ cuộc sống, mà điều đó cần rất nhiều thứ, là thời gian, là hoàn cảnh sống với gia đình và xã hội. Nhưng ta cũng thấy, có những người sống rất lâu mà tâm trí chẳng tiến được bao nhiêu, tất cả chỉ là sự ngu muội và cổ hủ. Chính không gian sống giới hạn con người phát triển tư duy , trong khi đó sách là nơi truyền tải kinh nghiệm sống của tác giả trong một cuộc sống khác, bằng sự phân tích hay thông qua một câu chuyện, tác giả phơi bày những gì tinh túy nhất của đời mình. Với vài ngày đọc sách ta có thể có được một phần những cảm nghiệm đó.

Bạn chỉ có một cuộc đời, nhưng nếu đọc sách bạn có nhiều cuộc đời. Với tuổi thọ của bạn, nếu không đọc sách thì thông thường bạn chỉ nắm được một lượng kiến thức tương đối của thời đại bạn. Nhưng nếu bạn chăm đọc sách, bạn giống như sống qua hàng bao thế kỷ trong sự phát triển của nhân loại. Mỗi cuốn sách là một đời người thu gọn, đọc càng nhiều nghĩa là bạn đã sống càng nhiều ,kinh nghiệm càng phong phú và từ đó bạn thấy được nhiều quy luật của cuộc sống, ý nghĩa tình yêu, điều gì mới được gọi là quý giá. Một cuốn sách giá trị có thể rút ngắn một chặn đường dài có khi là 5-10 năm để hiểu được chân lý. Tiếc là người ta tham sống lâu để hưởng thụ chứ không phải cho mình thêm nhiều quãng đời nhỏ để tâm trí phát triển.

Vì sao phải viết ra những gì ta nghĩ?
Thường thì những hiểu biết của bạn chỉ tồn tại dưới dạng ý niệm, để định hình chúng thì cần viết ra một cách rõ ràng, từ những gì viết ra ta mới có thể quan sát – chỉnh sửa – xây dựng cho tốt hơn. Huống hồ lúc bạn viết ra cũng chính là lúc bạn tập trung vào nó, ôn lại những kinh nghiệm sống từng trải qua. Khi cảm thấy những tư tưởng của mình khá chặt chẽ thì bước tiếp theo là chia sẻ cùng những người khác để hoàn thiện nó, sức của nhiều người thì luôn hơn một người. Đó cũng chính là lý do tôi viết bài và thường bình luận rất dài, có hằng hà sa số ý niệm trước đó chưa rõ ràng bỗng trở nên thông suốt khi tôi viết chúng.

Tôi rất thường khi dạo quanh các trang cá nhân, muốn tìm những bài viết giá trị để đọc nhưng thấy ít quá. Viết bài, tôi luôn mong được những bình luận nói lên suy nghĩ của người đọc để tham khảo nhưng cũng quá ít. Tôi tự hỏi là người ta đã nghĩ gì sau khi đọc một bài viết. Lười nói lên quan điểm của mình? hay sợ viết ra mà nó chưa hay thì sẽ bị chê cười? hay cảm thấy những gì đang đọc không đáng giá để bình luận? Có rất nhiều người đọc bài chỉ để mà đọc, đọc nhưng không xem trọng nó nên chọn cách đơn giản nhất là bấm “thích” nếu thấy hợp lý. Tất nhiên với những bài mà bản thân thấy chưa hay thì không cần bình luận, nhưng nếu bạn thấy đúng hoặc sai thì hãy dừng lại một tí để nói cho mọi người biết mình đang nghĩ gì, biết đâu sẽ có những bình luận khác giúp bạn nhận ra những gì mình còn thiếu.

Vì sao phải trải nghiệm cuộc sống?

Tầm quan trọng của việc trải nghiệm thì chắc không nói mọi người cũng hiểu. Trải nghiệm giúp ta nhìn rõ hiện thực cuộc sống và hiểu nó sâu sắc hơn. Không khó để thấy có 2 loại quan niệm trái ngược về vấn đề này, một phía là đề cao những trải nghiệm thực tế, phía khác thì cho rằng chỉ cần chăm đọc cũng có thể biết chuyện thiên hạ. thật ra thì cái nào đúng cái nào sai? Nhiều người chắc nhận ra rằng cả 2 đều quan trọng như nhau và thúc đẩy lẫn nhau. Nếu chỉ có trải nghiệm trong khi bản thân không có một sự hiểu biết nhất định thì để tìm ra chân lý cần một thời gian rất dài. Nếu chỉ cảm nhận cuộc sống chỉ qua những gì ta đọc thì những cảm nhận đó trở nên méo mó và có rất ít sự sâu sắc. Vì sao định luật hấp dẫn vẫn chưa được tìm ra dù táo – nho – xoài – sầu riêng – măng cụt… đã rơi hàng ngàn năm trước Newton? Hàng triệu triệu người thấy chúng rơi nhưng vì thiếu một lượng kiến thức nào đó mà nó rơi cứ rơi họ nhìn cứ nhìn. Nếu Newton chỉ ngồi trong phòng ôm mớ kiến thức mà không ra bên ngoài thì có là thần ông mới tìm ra định luật ấy.

Học và hành cần phải đi đôi. Tình yêu không phải thế sao? Hãy nhìn những người yêu đơn phương, nhìn những người tuổi tác nhiều mà chưa thật sự qua cuộc tình nào. Đa số suy nghĩ của họ về tình yêu đều bị méo mó, hoặc nó rực rỡ vô cùng hoặc nó tàn tạ đến không chịu nổi.

Đọc cho ta những kinh nghiệm sơ khởi, cho ta biết đâu là trọng tâm của cuộc nhân sinh. Trải nghiệm giúp chứng thực những gì ta nghĩ và giúp ta hiểu sâu hơn. Nhưng tâm trí thì luôn đi trước thân xác và có tính chủ động, nên học hỏi kiến thức qua việc đọc cần sự ưu tiên. Ví dụ như để đi đến mặt trăng, bằng suy nghĩ ta có thể tính toán ra chính xác thời gian đi bao lâu, bằng trí tưởng tượng chúng ta sẽ hình dung ra cảm xúc mình sẽ ra sao trên con đường đi đến đó.

Những điều trí óc đang làm diễn ra tích tắc so với thời gian phải đi từ trái đất lên mặt trăng để cảm nhận thực tế. Thành ra với những người đã đạt đỉnh cao của trí tuệ thì hầu hết thời gian của họ là suy tư, là đọc những kinh nghiệm của nhân loại. Vì những điều họ nghĩ vượt qua giới hạn của sự chứng minh thực tế. Vì vậy khi nghe một điều gì đó khác xa với những gì ta biết, ta nghĩ thì đừng vội mà chê cười, nên tìm hiểu điều đó do ai nói, nếu là một kẻ điên thì cho qua, còn của một vị tên tuổi tầm cỡ thế giới thì cần phải xem lại một cách cẩn thận.

Về nền giáo dục? cái này thì tôi xin cho qua vì những gì tôi học được từ nó trong quá khứ chỉ là một mớ kiến thức vô cảm dành cho thân xác, còn về tinh thần, về cuộc sống thì ít ỏi vô cùng
Bài khá dài nên xin cảm ơn những ai đã cố gắng dành thời gian để đọc hết.

22h50 15/10/2014
Mắt Đời

Giải “Nobel” Kinh tế 2014: Làm sao kìm cương Google?


Nguyễn Vạn Phú 


 Không phải Tirole chủ trương kiểm soát các tập đoàn kinh tế lớn - ông chỉ đề ra những mô hình, dựa vào lý thuyết trò chơi, để các doanh nghiệp lớn phải tự điều tiết sao cho có lợi nhất cho xã hội - tức cân bằng giữa kiểm soát quá chặt, triệt tiêu động lực phát triển và kiểm soát quá lỏng, có hại cho người tiêu dùng. Điều thú vị là cả hai năm gần đây nhất, giải Nobel Kinh tế được trao cho những công trình xem kinh tế thị trường là không hoàn hảo, có lẽ là do dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.


GS. Jean Tirole.

(TBKTSG) - Với những ai chủ trương nhà nước phải đóng vai trò lớn hơn, điều tiết mạnh hơn để các tập đoàn kinh tế lớn không mặc sức tung hoành trên thị trường, ắt họ sẽ hoan nghênh Jean Tirole, người vừa được trao giải “Nobel” Kinh tế năm nay.

Năm nay 61 tuổi, vị giáo sư người Pháp của trường Đại học Toulouse này lấy bằng tiến sĩ kinh tế từ trường MIT danh tiếng của Mỹ. Các nghiên cứu của ông từ thập niên 1980 đến nay đã giúp chính phủ nhiều nước, nhất là ở châu Âu và Mỹ kiểm soát các ngành trong đó chỉ có một số “ông lớn” hoạt động như điện lực, viễn thông, truyền hình cáp, thẻ tín dụng, ngân hàng, đường sắt...

Tuy nhiên, phải nói cho rõ không phải Tirole chủ trương kiểm soát các tập đoàn kinh tế lớn - ông chỉ đề ra những mô hình, dựa vào lý thuyết trò chơi, để các doanh nghiệp lớn phải tự điều tiết sao cho có lợi nhất cho xã hội - tức cân bằng giữa kiểm soát quá chặt, triệt tiêu động lực phát triển và kiểm soát quá lỏng, có hại cho người tiêu dùng. (Có thể đọc thêm “Nobel Kinh tế 2014: “thuần hóa” các tập đoàn mạnh” trên TBKTSG Online). Điều thú vị là cả hai năm gần đây nhất, giải Nobel Kinh tế được trao cho những công trình xem kinh tế thị trường là không hoàn hảo, có lẽ là do dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Ở đây chúng ta hãy nhìn sâu vào một công trình gần đây hơn của Jean Tirole (“Cạnh tranh trong thị trường lưỡng diện” - 2002) hiện đang ảnh hưởng lên các chính sách kiểm soát các loại hình doanh nghiệp đặc biệt, nhất là trên Internet.

Khi nói đến kinh doanh, chúng ta thường nghĩ đến quan hệ “đơn diện” - tức nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ và khách hàng. Nhưng thực tế loại hình doanh nghiệp “lưỡng diện” hay thị trường “lưỡng diện” xuất hiện ngày càng nhiều. Bài viết của Jean Tirole đưa ra ví dụ các doanh nghiệp như Sony vừa sản xuất máy chơi game để bán nhưng đồng thời còn thu tiền bản quyền từ phía các nhà lập trình viết game. Với suy nghĩ bình thường, có lẽ ai cũng nghĩ Sony sẽ nâng giá cả hai đầu để “tối đa hóa lợi nhuận”. Nhưng thực tế không phải vậy. Số lượng người chơi Play Station là một trong những yếu tố để nhà lập trình quyết định có bỏ công sức ra viết game hay làm việc khác. Đồng thời, số lượng game cho Play Station cũng góp phần tác động lên quyết định của người tiêu dùng mua máy chơi game này hay mua máy của Nintendo.

Tirole đưa ra nhiều loại hình “lưỡng diện” như thế: Nhà phát hành thẻ tín dụng và bên chấp nhận thẻ, báo chí với độc giả và nhà quảng cáo, thậm chí các quán bar còn để các cô chân dài vào cửa miễn phí để thu hút thêm các ông... nói chung là tình trạng “con gà-quả trứng”, xây cái nào trước, chìu cái nào trước cho có lợi nhất!

Như vậy, nếu từ bỏ doanh thu của một bên mà tối đa hóa doanh thu của bên kia thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thực hiện ngay. Công trình của Tirole (cùng viết với Jean-Charles Rochet) đưa ra lý giải về mô hình “lưỡng diện” này để giải thích vì sao những doanh nghiệp lớn như Google hay Facebook luôn duy trì dịch vụ miễn phí cho người tiêu dùng hay vì sao Sony và Microsoft bán máy chơi game dưới giá thành.

Trong mô hình của Google hay Facebook, chi phí ban đầu để vận hành Facebook hay để tạo chỉ mục cho mọi thông tin trên Internet là rất lớn nhưng phục vụ thêm một người dùng Facebook hay cung cấp thêm dịch vụ tìm thông tin cho người dùng Google thì chi phí hầu như bằng không. Vậy là Google hay Facebook miễn phí góc bên này rồi tính phí quảng cáo ở góc bên kia - hay nói cách khác Google và Facebook đang biến người dùng thành sản phẩm của họ để bán cho bên thứ ba.

Vấn đề đặt ra là làm sao điều tiết loại thị trường “lưỡng diện” này, một vấn đề châu Âu hiện đang rất quan tâm vì áp dụng các quy luật về giá, độc quyền giá trong trường hợp này là không ổn. Trong quá khứ Microsoft bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện ra tòa cũng bởi cách tặng không của Microsoft bắt người dùng Windows phải dùng kèm trình duyệt của họ đã bóp chết Netscape và triệt tiêu sáng tạo. Hiện nay Amazon đang bị cáo buộc là lợi dụng vị thế của mình để ép các nhà xuất bản, chẳng hạn. Những lập luận chung quanh các vụ này đều sử dụng nghiên cứu của Tirole và nhiều người khác trong lãnh vực điều tiết độc quyền nhóm.

Trong buổi họp báo sau khi được thông báo về giải Nobel, khi được hỏi có thể dùng công trình nghiên cứu của ông như thế nào để kìm cương những doanh nghiệp Internet khổng lồ như Google, Jean Tirole cho rằng các nhà làm chính sách cần chú ý đến việc doanh nghiệp như Google hay Facebook - có xu hướng trở thành doanh nghiệp độc quyền tự nhiên trong lãnh vực của họ - không dựng lên các rào cản để ngăn ngừa đối thủ mới gia nhập thị trường, thay thế họ bằng các sản phẩm năng động hơn.

Thông thường khó thấy mối liên quan giữa các công trình kinh tế được trao giải Nobel với cuộc sống thực nhưng năm nay các công trình của Jean Tirole có tính ứng dụng rất cao.Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, Christian Noyer, cho biết các công trình của Tirole là một công cụ hữu ích trong suốt thời gian chống chọi với khủng hoảng tài chính, giúp tìm ra giải pháp điều tiết các tập đoàn tài chính.

Từ công trình về mô hình thị trường “lưỡng diện” nói trên Tirole đề ra một phép thử để xem phí mà các công ty phát hành thẻ tín dụng tính trên người dùng là có lợi cho họ hay mang tính lạm dụng vị thế độc quyền. Ủy ban châu Âu vừa mới sử dụng phương pháp đó trong các vụ chống độc quyền đối với MasterCard và Visa Europe.

Nobel Kinh tế ắt cũng đành chịu thua

Câu hỏi nhiều người đặt ra khi nghe tường thuật nội dung các công trình nghiên cứu của GS. Jean Tirole vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay là liệu có thể áp dụng chúng để chế ngự các “ông lớn” bất kham của Việt Nam như các ngành điện lực, xăng dầu...

Dù gì đi nữa, phần giới thiệu của Viện Hàm lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã chẩn đoán đúng y một phần căn bệnh của các ông lớn này: mỗi ngành chỉ có vài ba doanh nghiệp nên ảnh hưởng lớn lên giá cả, khối lượng và chất lượng sản phẩm; nhà nước muốn quản cũng đành bó tay vì thiếu thông tin về giá thành sản phẩm cũng như các chi phí nội bộ khác.

Trước khi có những nghiên cứu của Tirole, các nhà làm chính sách chỉ có thể điều tiết các dạng độc quyền tự nhiên này bằng cách ấn định giá bán, cấm hợp tác cùng ngành để bắt tay làm giá. Ở Việt Nam dường như chỉ mới dừng ở mức này như ấn định giá điện, giá xăng dầu; trong ngành viễn thông thì cấm bắt tay nhau cùng khuyến mãi...

Nghiên cứu của Tirole cho thấy các chính sách điều tiết theo kiểu cũ có lúc tốt, có khi lại xấu. Ví dụ, ấn định giá bán thì buộc các doanh nghiệp này phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí (khổ nỗi điều tốt này thì các doanh nghiệp độc quyền ở Việt Nam chưa thấy áp dụng mà chỉ than lỗ để đòi tăng giá) và dẫn tới hệ lụy doanh nghiệp lãi quá mức, có hại cho xã hội.

Mô hình Jean Tirole đưa ra để điều tiết doanh nghiệp độc quyền nhóm dựa vào lý thuyết trò chơi và lý thuyết hợp đồng, đại khái đưa ra nhiều kịch bản, nhiều cách dẫn dụ sao cho nhà làm chính sách khắc phục được tình trạng bất đối xứng thông tin so với doanh nghiệp bằng cách để doanh nghiệp tự chọn cách hành xử sao cho có lợi cho bản thân doanh nghiệp nhất nhưng mọi sự chọn lựa đi kèm chuyện phải trả giá bằng sản phẩm tốt hơn, giá hợp lý hơn.

Tất cả những kịch bản khác nhau này áp dụng cho các ngành khác nhau được Tirole và đồng nghiệp là Jean-Jacques Laffont (đã mất) tập hợp thành sách, xuất bản năm 1993, được cho là có ảnh hưởng rất lớn lên chính sách điều tiết của nhiều nước. Nếu trông đợi đọc qua công trình của Tirole để tìm lời khuyên của ông là nên làm gì để tránh tình trạng lạm dụng thị trường thì sẽ thất vọng vì ông từng nhấn mạnh không hề có một giải pháp dùng chung cho mọi ngành mà mỗi ngành, mỗi lãnh vực phải được điều tiết theo cấu trúc đặc trưng của chính nó.

Chính nhà kinh tế học nổi tiếng Tyler Cowen viết trên blog của ông ngay sau khi có tin Tirole đoạt giải: “Nhiều công trình của ông cho thấy “vấn đề là phức tạp lắm” chứ không phải có thể trình bày thành những giải pháp dễ tóm tắt để đăng blog cho hấp dẫn. Đó là lý do tại sao ý tưởng của ông ít khi lên báo đại chúng nhưng chúng lại rất có ảnh hưởng trong giới kinh tế học”.

Ngay tại buổi họp báo qua điện thoại sau khi công bố giải, Jean Tirole cho biết điều tiết là chuyện khó bởi quy định phải nhẹ để tránh không đẩy doanh nghiệp vào chỗ bị đè bẹp trong khi đồng thời phải có một nhà nước mạnh để thực thi các quy định đó nữa.

Đến đây có lẽ chúng ta có thể kết luận nếu mời Jean Tirole vào để “lập quy” cho EVN, vị giáo sư này có lẽ cũng đành bó tay khi biết tập đoàn này từng được Thanh tra Nhà nước kết luận lỗ là do đầu tư ngoài ngành quá lớn (đến 121.000 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 77.000 tỉ đồng) lại tính luôn chi phí xây biệt thự, chung cư, sân tennis vào giá bán điện... “Lập quy” nếu có là để tránh các tập đoàn độc quyền lãi quá nhiều, gây thiệt hại cho xã hội, còn đằng này tự mình quản lý yếu kém, bỏ chuyện chính nhảy vào chuyện phụ thì Nobel Kinh tế cũng đành bó tay.
http://www.thesaigontimes.vn/121377/giai-%E2%80%9Cnobel%E2%80%9D-kinh-te-2014-lam-sao-kim-cuong-google?.html

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Cái Dũng của Thánh Nhân Chương 5 Ảnh Hưởng Của Hoàn Cảnh





Thu Giang Nguyễn Duy Cần



A. Ảnh Hưởng Của Hoàn Cảnh

Bản tánh loài người, ham bắt chước cái chi mình tôn kính. Những điều tra mục đích chung quanh ta là những tấm gương khuyến lệ, kích thích lòng hâm mộ, phấn khởi của ta. Khi còn nhỏ, ta đi xem hát, thấy Quan Công đánh cờ, Hoa Đà múa tên... tôi hết sức cảm phục cái thái độ điềm tĩnh của Quan Công, đến lập nguyện trong tâm, về sau không chịu rên khóc khi phải bị vấp ngã hay thương tổn... Lớn lên, chung quanh tôi, trong phòng văn, thường hay treo những hình ảnh các bậc anh hùng dũng sĩ, những kẻ biết xem thường những náo động vô ích, những tình cảm nhỏ nhen của bản ngã.
Tạo cho mình một hoàn cảnh, một không khí đầy sức mạnh thiêng liêng, giúp cho mình rất nhiều trong bước đường đầu tiên trên con đường siêu thoát. Bởi vậy, hãy tránh xa những bạn ác, những kẻ nhút nhát, rụt rè, những kẻ háo thắng, nóng nảy, hay nói, khoe khoang; trái lại, tìm mà làm bạn hay gần gũi với những kẻ điềm đạm, quả quyết, cử chỉ thuần hậu, ôn hoà. Lâu ngày, gần mực đen gần đ èn sáng. Nhất định xa lánh những bạn ác, có tính vụt chạc, lẳng lơ, náo động nhất thời, lao chao liến khỉ. Nếu hoàn cảnh bắt buộc phải sống chung hay gần gũi với người ấy thì hãy xem họ như cái gương xấu phải giữ mình.

B. Tiết Điệu Điều Hòa

Trong xã hội văn minh này, người ta thường gọi "thời giờ là tiền bạc", đó là một trong nhiều nguyên nhân làm cho ta mất cả sự điềm tĩnh.
Khéo tiên liệu một cách chu đáo những công việc làm hằng ngày của ta, định cho mỗi công việc một thời giờ riêng và thi hành theo đó một cách quả quyết không sai chạy, ấy là những cử chỉ đầu tiên phải lo nghĩ hơn hết, nếu ta muốn sống trong một tiết điệu điều hoà...
Được vậy ta trừ được ba nguyên nhân của sự náo động vô ích.

1. Trễ nải, làm cho ta phải hấp tấp, hối hả, vụt chạc.
2. Quên, làm cho ta hối hận, bức rứt.
3. Áy náy vì phải bận nghĩ về những điều sẽ làm sau này...

Khéo tổ chức thời giờ làm việc như thế, đem lại rất nhiều cái hay cho sự điềm tĩnh của ta. Thật vậy, kẻ náo động nhất thời rất ghét sự kềm thúc ấy. Họ tưởng làm vậy là bị nô lệ trong thời giờ. Trái lại, làm thế là mình làm chủ lấy nó vì mình không để nó bắt chẹt mình được chút nào cả; mình không vì nó phải bị hối hả, mất cả sự điềm tĩnh trong cử chỉ, trong tư tưởng... Khéo tổ chức thời giờ, giúp ta làm việc được thư thả, có tiết điệu, có quy tắc, không phải có sự nhọc nhằn.
Không phải bảo ta làm một cái biểu dùng thời giờ làm việc trong một năm hay một tháng. Nếu vì công việc của mình bắt buộc mà không thể nhất định trước được trong một tuần, thì cũng ít ra, phải làm một cái biểu cho mỗi ngày. Trước khi đi ngủ, hoặc sáng sớm, lúc mới thức dậy, phải tiên liệu cho một chương trình làm việc trong ngày... Làm như thế, không phải là công việc dễ dàng gì, bởi nó sẽ gặp rất nhiều trở ngại đủ mọi phương diện, trong và ngoài: tâm tính lười biếng, cẩu thả của mình là một, sự quyến rũ cầu cạnh của kẻ khác quấy rối mình là hai... Bởi vậy, ta phải thận trọng nhắc nhở lấy mình và đem hết ý chí mà thừa hành chương trình của mình đã lập sẵn đó.
Bạn hãy thí nghiệm trong một tháng, sẽ thấy đời bạn có tiết điệu điều hoà, tâm tánh bạn có chiều thư thả hơn xưa rất nhiều vậy.

. Lo-gic là Nghiên Cứu về Tranh Luận





Lo-gic là nghiên cứu về tranh luận. Với cách dùng theo nghĩa này, từ này không có

nghĩa là cãi nhau (như khi chúng ta “vướng mắc vào một vụ cãi lộn”) mà là một phần của

lập luận theo đó một hay nhiều mệnh đề được đưa ra để hỗ trợ cho các mệnh đề khác.

Mệnh đề được hỗ trợ là kết luận của tranh luận. Những lập luận được đưa ra để hỗ trợ kết

luận được gọi là tiền đề. Chúng ta có thể nói rằng “Có cái này (kết luận) bởi vì có cái kia

(tiền đề)” hoặc “Đây là cái này (tiền đề) vì thế có cái kia (kết luận)”. Tiền đề nói chung

được đưa ra trước bằng những từ ngữ như là bởi vì, do, từ khi, trên cơ sở này, tương tự,

giống như là. Mặt khác, kết luận thường được đưa ra bằng những từ như vì lý do đó, từ lúc

này, kết quả là, nó phải theo là, theo cách đó, vì vậy, chúng ta có thể suy ra rằng, và chúng

ta có thể kết luận rằng.

Vì thế, bước đầu tiên để tiến tới thông hiểu về tranh luận là học phân biệt tiền đề và

kết luận. Để làm điều này, hãy tìm những từ chỉ dẫn, như chúng đã được nêu ra, và liệt kê.

Trong những tranh luận mà những từ chỉ dẫn chỉ như thế bị thiếu, hãy cố gắng tìm kết luận

bằng cách xem đâu là chủ đề của tranh luận: điều mà tranh luận đang cố gắng thiết lập. Đó

sẽ là kết luận của nó; phần có lại là những ý nền tảng để hỗ trợ hoặc là tiền đề .

Phân biệt kết luận với tiền đề trong hai lập luận dưới đây khá đơn giản. Trong

trường hợp thứ nhất, một trong những mệnh đề của nó được đưa ra bằng từ “bởi vì” (nó

cho chúng ta biết cái gì theo sau là tiền đề và phần còn lại chắc chắn là kết luận của nó).

Trong trường hợp thứ hai, một trong những mệnh đề của nó được giới thiệu bởi từ “vì lý do

này” (nó cho chúng ta biết cái gì theo sau là một kết luận và phần còn lại đương nhiên là

tiền đề của nó):

a. Jones sẽ không học tập tốt trong khoá học này bởi vì anh ấy có ít thời gian để

tập trung vào công việc trường lớp và hầu như không tham gia vào lớp học nào.

b. Cô ta xung khắc với hầu hết mọi người trong văn phòng, vì lý do này mà

dường như cô ta sẽ không được nâng đỡ để phát triển. Nature and Scope of Logic Vũ Thắng dịch

4

Tuy nhiên, trong hai ví dụ dưới đây lại không có những từ chỉ dẫn bổ ích:

c. Chẳng có con cáo nào ở vùng này. Cả ngày, chúng tôi chẳng nhìn thấy con

nào.

d. Tất cả những người Đảng bảo thủ phản đối việc xây dựng nhà công cộng.

Thượng nghị sĩ Smith phản đối việc này, ông ta nhất định phải là một người Đảng

bảo thủ.

Để phân biệt tiền để với kết luận của nó trong những trường hợp loại này phải tự

đặt ra các câu hỏi như: cái gì đang được tranh cãi và người ta đang cố gắng thuyết phục

chúng ta cái gì? Hoặc trong trường hợp tình huống (c), điều được tranh cãi không phải là

“cả ngày chúng tôi không nhìn thấy con cáo nào” -- bởi vì người khác đã chắc chắn biết

điều này và chẳng qua là nhắc lại nó mà thôi -- nhưng quan trọng hơn là với sự thật đã biết

đó, chắc chắn là không có con cáo nào trong khu vực này. Đấy chính là kết luận của tranh

luận.

Tương tự như với ví dụ (d), điều được tranh luận không phải là “tất cả người Đảng

Bảo thủ phản đối việc xây dựng nhà công cộng” -- đối với tranh luận này, những giả thiết

là những mệnh đề về thực tế được chia xẻ -- và quan trọng là với những thực tế đó, Smith

là một người của Đảng Bảo thủ.

Việc tìm ra kết luận của một tranh luận không được chỉ dẫn rõ ràng như trên không

phải luôn luôn dễ dàng và chắc chắn. Sự giúp đỡ tốt nhất của chúng ta là chú tâm cẩn thận

vào nội dung và lối diễn đạt của tranh luận và chỉ dẫn của những lập luận.

• Một tranh luận là một phần của việc lập luận mà trong đấy một hay nhiều mệnh

đề được đưa ra để hỗ trợ cho các mệnh đề khác.

• Một mệnh đề được hỗ trợ được gọi là kết luận của tranh luận; những lập luận

được đưa ra để hỗ trỡ được gọi là các tiền đề.

• Những từ chỉ dẫn như là từ đó, bởi vì, vì thông thường đưa ra những tiền đề;

những từ do đó, vì vậy, và kết quả là nói chung là đưa ra những kết luận.

• Trong những tranh luận thiếu những từ chỉ dẫn như vậy, hãy cố gắng tìm ra kết

luận bằng cách xác định chính xác quan điểm mà tranh luận đang cố gắng thiết

lập. Đó sẽ là kết luận, phần còn lại chính là nền tảng hỗ trợ hay là các tiền đề.

Trích "Với Lý Luận Giỏi 
Giới Thiệu Những 
Ngụy Biện Thông Thường"
Morris S. Engel

CHO EM ĐƯỢC QUYỀN LÀM NGƯỜI


*Bùi Công Thuấn


Chúng ta đang sống ở thời điểm 37 năm chiến tranh đã qua đi, quá khứ đã khép lại, tương lai đang mở ra để những ước mơ đang biến thành hiện thực. Thế nhưng nỗi đau vẫn cón đó. Bàn thờ vẫn nghi ngút khói hương tưởng nhớ những người đã hy sinh. Không biết bao nhiêu nạn nhân đã bị mưa bom bão đạn vùi dập, bao nhiêu dân lành thây phơi máu đổ trong những cuộc thảm sát man rợ của kẻ thù. Người chết đãyên phận nhưng người sống hàng ngày hàng giờ vẫn phải chịu đựng nỗi đau không xoa dịu được, đã 4 thế hệ phải chịu đựng nỗi đau ấy.

Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam là nạn nhân của chất dioxin, hơn 5 vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, quái thai và tạo ra những biến đổi nội tại gây tác hại về mặt di truyền nhiều thế hệ. Hiện nay, tỷ lệ dị tật bẩm sinh, sinh quái thai đã phát triển gấp 3 lần so với thời gian trứơc. Đối diện với những em bé nạn nhân chất độc da cam, không ai trong chúng ta có thể cầm lòng được vì những bất hạnh mà các em phải chịu.
Nhà thơ Thu Yên nói gì với các em trong thẳm sâu lòng mình?
Em có nghe thấy không?
Tiếng chim hót líu lo chào bình minh buổi sớm
Em có thấy ngàn tia nắng lung linh
Khi mặt trời thức dậy
Và cả những đêm trăng huyền ảo
Ánh trăng nhẹ nhàng tràn qua kẽ lá
Qua giàn thiên lý mẹ em trồng
Em có cảm nhận được không
Hương thơm đang lan tỏa ?
Em vẫn ngồi lặng yên bất động
Chất độc DIOXIN
Đã biến em thành người không cảm nhận
Nếu em giống cha
Em đã là chàng trai đầy nghị lực
Nếu em giống mẹ
Em đã là cô gái đẹp nết na
Em không giống ai
Chất độc DIOXIN đã hủy hại hình hài
Em có tội gì đâu ?
Mỗi nét chữ tôi viết về em
Như cứa vào vết thương đang nhức nhối
Nhưng vì một ngày mai trên trái đất này
Sẽ không còn nỗi đau như em đang gánh chịu
Nỗi đau này có thức tỉnh lương tri ???
(THU YÊN-
“Vì một ngày mai trên trái đất này”)

Người thơ hỏi em những câu tưởng như vu vơ: Em có nghe tiếng chim hót líu lo buổi sớm / Em có nhìn thấy nghìn tia nắng đón bình minh / có nhìn thấy ánh trăng huyền ảo trong đêm và có cảm nhận được hương thơm đang lan tỏa trên giàn thiên lý mẹ trồng?...
Em không trả lời. “Em vẫn ngồi lặng yên bất động/Chất độc DIOXIN / Đã biến em thành người không cảm nhận”. Em không còn nghe được tiếng chim vui mỗi buổi sáng, em không còn nhìn thấy tia nắng rực rỡ sắc màu mỗi bình minh và không còn được ngắm ánh trăng dát vàn con đường em đi mỗi ngày. Em không còn cảm thấy mùi thơm giàn hoa thiên lý mẹ trồng. Em đã bị cướp mất mọi giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, cảm giác, tri giác), cũng đồng nghĩa bị tước đoạt mọi niềm vui, niềm hạnh phúc trong từng phút sống của đời người. Thế cũng có nghĩa là em đang
sống đấy nhưng giá trị sống địch thực của đời người là quyền được sống hạnh phúc em đã bị tước đoạt.
Tuyên ngôn Độc lập Mỹ khẳng định: ”Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tổ tiên người Mỹ đã nói như vậy, nhưng con cháu họ lại gây bao nhiêu tội ác trên đất nước này, bởi họ đã chà đạp dã man lên quyền con người của người Việt Nam. Em có tội gì đâu ? Một câu hỏi ngắn nhưng đủ nói lên tất cả tính phi nhân, phi nghĩa và tội ác của những kẻ đã phun chất độ da cam xuống đất nước này. Nếu em giống cha / Em đã là chàng trai đầy nghị lực / Nếu em giống mẹ / Em đã là cô gái đẹp nết na Em không giống ai / Chất độc DIOXIN đã hủy hại hình hài…
Những câu thơ bắt đầu bằng từ “nếu” bộc lộ một sự tiếc xót vô bờ, bởi không thể đảo ngược được cái điều kiện ấy. Tiếc xót bởi em không còn được sống, được nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của dân tộc này, những vẻ đẹp mẹ cha trực tiếp truyền cho em, như một mạch sống bất tận, một bản lĩnh vững bền gìn giữ đất nước này. Nếu em giống cha / Em đã là chàng trai đầy nghị lực, là thánh Gióng, là Ngô Quyền, là Trần Quốc Toản, là Trần Hưng Đạo, là Nguyễn Trãi, là Quang Trung, là anh Giải Phóng Quân “sống hiên ngang bất khuất trên đời”(Tố Hữu) . Nếu em giống mẹ /Em đã là cô gái đẹp nết na, là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, là o du kích nhỏ, là “cô dân quân vai súng tay cày”(Tố Hữu), là “cô gái Sài gòn đi tải đạn”, là những thế hệ như Đặng Thùy Trâm. Em đã không còn được sống những năm tháng hào hùng, vinh quang của thế hệ mình, không được tắm mình trong dòng sông yêu thương của mẹ cha, của bạn bè quê hương mình. Dân tộc này mất đi một thế hệ những anh hùng, mà biết đâu trong các em không xuất hiện những anh tài làm cho đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Cái giá của sự mất mát là không thể bù đắp được: Mỗi nét chữ tôi viết về em / Như cứa vào vết thương đang nhức nhối..Vâng, vết thương tâm không thể lành được, và dân tộc này vẫn không thôi nhức nhối trước những bất hạnh của những em bé nạn nhân chất độc da cam. Cuộc đấu tranh với nhà cầm quyền Mỹ về trách nhiệm của họ đối với nạn nhân do tội ác của họ đã gây ra đã thất bại. Lương tri nhân loại bị che lấp, tiếng nói công lý không thấu trời. Nhưng vì một ngày mai trên trái đất này / Sẽ không còn nỗi đau như em đang gánh chịu/ Nỗi đau này có thức tỉnh lương tri?Dù thế nào, chúng ta vẫn tiếp tục lên tiếng nói như người thơ, để thức tỉnh lương tri nhân lọai, và để may ra, làm dịu êm được chút nào những nỗi bất hạnh của các em.

Ở bài thơ này, Thu Yên đã khám phá những chiều kích rất sâu về nỗi bất hạnh của các em nạn nhân chất độc da cam. Phần đầu bài thơ là hình ảnh thiên nhiên đẹp, tươi sáng, sống động và ngập tràn hạnh phúc. Hình ảnh ấy tương phản với sự vô tri, vô giác của các em. Từ đó là lộ ra sự bất hạnh sâu thẳm của thân phận làm người, đó là, các em không được hưởng hạnh phúc mà lẽ ra em phải được hưởng, không được sống yêu thương trong bàn tay chăm sóc của mẹ. Hình ảnh giàn thiên lý mẹ trồng tỏa hương
thơm là hình ảnh tuyệt hay và xúc động. Bởi hương thơm là cái hồn thanh khiết của hoa, của sự vật, là hạnh phúc ngào ngạt của cuộc sống này. Hương thơm ấy do tay mẹ trồng, thế nên trong hương thơm ấy có tình mẹ, có công mẹ vun trồng, hay chính các em là hoa thơm tình yêu cha mẹ. Nếu “trên giàn thiên lý bóng xuân sang” của Hàn Mặc Tử (Mùa xuân chín) có sức làm hiện thân mùa xuân tuyệt diệu thì giàn thiên lý mẹ trồng đang tỏa hương cũng có sức gợi ra hình ảnh một gia đình Việt Nam, có giàn thiên lý trước nhà, bàn tay mẹ chăm sóc vun trồng. Gia đình ấy bình dị nhưng xiết bao hạnh phúc. Nhưng thật là bất hạnh cho một kiếp người, các em không được hưởng những thanh sắc của đời cũng chẳng cảm nhận được tình yêu thương ngọt ngào của cha mẹ. Phần giữa bài thơ, Thu Yên đặt nỗi bất hạnh của các em trong truyền thống của dân tộc và trong chiều kích của thời đại anh hùng:

Nếu em giống cha
Em đã là chàng trai đầy nghị lực
Nếu em giống mẹ
Em đã là cô gái đẹp nết na.

Soi chiếu nỗi bất hạnh của các em trong chiều kích này mới thấy được nỗi bất hạnh lớn lao của các em. Đó không chỉ của riêng các em mà của cả dân tộc , và của cả thời đại vẻ vang, thế hệ những chàng trai nghị lực, những cô gái nết na. Bởi mai sau, nhân loại sẽ ghi nhớ thế kỷ 20, nhất định người ta sẽ nhắc đến Việt Nam, một dân tộc có “những chàng trai chân đất / sống hiên ngang bất khuất trên đời”(Tố Hữu), nhắc đến trái tim Việt Nam, “là trái tim cũng là lẽ phải”. Các em đã không được sống, không được tham gia vào để làm nên thời đại kỳ tích ấy như cha mẹ các em. Phần cuối bài thơ, Thu Yên đặt nỗi đau của các em trước lương tri nhân loại, một chiều kích rất rộng trong không gian và thời gian.
Đã 50 năm lính Mỹ rải chất độc da cam ở VN, cũng đã 50 năm dân tộc này phải chịu những hậu quả thảm khốc về mội trường, về nhân sinh, mà hiện thân là các em. Khi nhân loại chưa trả lại tuổi thơ cho các em, trả lại quyến sống, quyền hạnh phúc cho các em, thì lương tri nhân lọai chưa thể yên ổn dù là một giờ. Bởi tội ác vẫn sờ sỡ ra đó, vẫn thách thức công lý, thách thức sự tồn vong của trái đất này, và vết thương do tội ác gây ra vẫn hành hạ từng giờ.
Đã 4 thế hệ con người VN phải chịu đựng, và không biết bao nhiêu thế hệ nữa, do di truyện, tiếp tục bị tước đoạt quyền được làm người. Bài thơ đọng lại ở tấm lòng tác giả dành cho các em. Đó là tấm lòng yêu thương có chiều sâu tư tưởng nhân văn. Em có tội gì đâu ? Mỗi nét chữ tôi viết về em Như cứa vào vết thương đang nhức nhối Giọng thơ nhẹ nhàng, như nâng niu trân trọng. Nâng niu trân trọng những gía trị quý giá của tuổi thơ, niềm hạnh phúc hồn nhiên mà lẽ ra các em được hưởng. Và có lẽ , nâng niu đểlàm nhẹ đi nỗi đau đang hành hạ các em. Bởi nếu không tinh tế, chỉ một chút tình cảm thương hại, tác giả có thể sẽ làm cho các em đau thêm, mặc cảm hơn, oán trách và xa lánh loài người hơn.
Tôi yêu những hình ảnh thiên nhiên rất đẹp mở đầu bài thơ, tôi ngưỡng mộ những chàng trai nghị lực và những cô gái nết na của dân tộc này. Tôi chia sẽ nỗi thao thức, và những trăn trở khôn nguôi của tác giả. Tôi nghĩ, tất cả chúng ta, cùng lên tiếng với tác giả để thức tỉnh lương tri nhân loại về những nỗi đau mà dân tộc ta vẫn đang phải chịu, dù tiếng súng chiến tranh đã tắt 37 năm qua. Xin chia sẻ với người thơ một tấm lòng trong vạn tấm lòng yêu thương.