Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Con đường của sự suy tư




Featured image: Unmotivating



16 năm trước chính là lúc tôi thấy mình chật vật nhất, yêu cô lớp trưởng mà không dám bày tỏ. Nó giống như trước đó ta chỉ toàn ngủ mê trong cái thế giới của mình thì chợt tỉnh giấc, ta thấy thế giới của ta không còn mang nhiều ý nghĩa nữa, những gì ta muốn là cái thế giới của con người xa lạ kia, cái thế giới mà ta chưa từng tìm hiểu và tiếp xúc. Những cảm giác lạ lẫm khiến ta run sợ và háo hức, ta thấy không còn điều khiển được suy nghĩ và cảm xúc của mình nữa. Tình yêu xâm chiếm tâm hồn ta nên khi không được đáp lại thì bỗng thấy như bị ngắt kết nối, bị chia lìa với những gì ta vẫn tưởng là của ta. Thì ra ta và thế giới là hai phần riêng biệt.

Cũng từ lúc ấy tôi bỗng biết suy tư, tôi nghĩ về chính tôi, tôi nghĩ về thế giới, về những gì đang diễn ra quanh mình. Tôi là ai trong cuộc đời này? tại sao cái thế giới kia không chịu sự chi phối của tôi? Làm sao để tôi đạt được điều tôi muốn? Và quan trọng hơn hết là làm cách nào để thấy mình hòa làm một với thế giới như trước chứ không phải là sự chia cách và cô đơn.

Tôi đã đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Nhưng tiếc thay, ở cha mẹ, thầy cô, những người quen biết lại không có những điều mà tôi tìm, hay có lẽ những lời giải đáp của họ không đủ để tôi thỏa mãn. Tôi muốn tìm những câu trả lời gần gũi hơn, sâu sắc hơn và chính xác hơn. Và chúng ở trong những quyển sách.

Cho đến lúc này tôi cũng hiểu được một số điều quan trọng. Đó là:

– Thế giới thực thì không đẹp như truyện cổ tích
– Tính cách và tầm nhìn mỗi người được hình thành từ hoàn cảnh sống của họ
– Chân lý vẫn có thể bẻ cong bằng cách chỉ nhìn vào một mặt trong nhiều mặt của sự việc
– Con người nếu không có những lý tưởng siêu việt vượt lên trên những đòi hỏi của sinh tồn thì chưa phải là con người chân chính
– Tinh thần thì nhận ra những gì là tốt đẹp nhưng thân xác cứ trơ ỳ và yếu đuối
– Con người tới với thế gian để học hỏi và vươn lên đến gần thượng đế dù điều đó là bất khả
– Chỉ có tình yêu vô bờ bến mới giúp ta cảm thấy không bị chia cắt và phân ly với thế giới.
– …
Nhưng hiểu là hiểu còn để làm, để sống theo những gì mình hiểu lại không dễ tí nào, vì ta vẫn là con người, ta bị sự chi phối của sự tham lam ích kỷ, của bản năng , của quy luật sinh tồn, của xã hội ta sống. Chính vì thế sự cố gắng vượt qua là điều hết sức quan trọng.

Có nhiều cách giúp ta tiến lên sự hiểu biết, là học hỏi từ nền giáo dục (nếu nó có mang các bài học về cuộc sống), là đọc sách, là viết ra những gì mình nghĩ, là lao vào cuộc sống để cảm nghiệm về nó.
Vì sao chúng ta phải đọc sách?

Có nhiều lý do để đọc sách, nhưng lý do lớn nhất là để có thêm tri thức và hiểu cuộc sống. Để trưởng thành từ một đứa trẻ, mỗi người chúng ta cần phải học hỏi từ cuộc sống, mà điều đó cần rất nhiều thứ, là thời gian, là hoàn cảnh sống với gia đình và xã hội. Nhưng ta cũng thấy, có những người sống rất lâu mà tâm trí chẳng tiến được bao nhiêu, tất cả chỉ là sự ngu muội và cổ hủ. Chính không gian sống giới hạn con người phát triển tư duy , trong khi đó sách là nơi truyền tải kinh nghiệm sống của tác giả trong một cuộc sống khác, bằng sự phân tích hay thông qua một câu chuyện, tác giả phơi bày những gì tinh túy nhất của đời mình. Với vài ngày đọc sách ta có thể có được một phần những cảm nghiệm đó.

Bạn chỉ có một cuộc đời, nhưng nếu đọc sách bạn có nhiều cuộc đời. Với tuổi thọ của bạn, nếu không đọc sách thì thông thường bạn chỉ nắm được một lượng kiến thức tương đối của thời đại bạn. Nhưng nếu bạn chăm đọc sách, bạn giống như sống qua hàng bao thế kỷ trong sự phát triển của nhân loại. Mỗi cuốn sách là một đời người thu gọn, đọc càng nhiều nghĩa là bạn đã sống càng nhiều ,kinh nghiệm càng phong phú và từ đó bạn thấy được nhiều quy luật của cuộc sống, ý nghĩa tình yêu, điều gì mới được gọi là quý giá. Một cuốn sách giá trị có thể rút ngắn một chặn đường dài có khi là 5-10 năm để hiểu được chân lý. Tiếc là người ta tham sống lâu để hưởng thụ chứ không phải cho mình thêm nhiều quãng đời nhỏ để tâm trí phát triển.

Vì sao phải viết ra những gì ta nghĩ?
Thường thì những hiểu biết của bạn chỉ tồn tại dưới dạng ý niệm, để định hình chúng thì cần viết ra một cách rõ ràng, từ những gì viết ra ta mới có thể quan sát – chỉnh sửa – xây dựng cho tốt hơn. Huống hồ lúc bạn viết ra cũng chính là lúc bạn tập trung vào nó, ôn lại những kinh nghiệm sống từng trải qua. Khi cảm thấy những tư tưởng của mình khá chặt chẽ thì bước tiếp theo là chia sẻ cùng những người khác để hoàn thiện nó, sức của nhiều người thì luôn hơn một người. Đó cũng chính là lý do tôi viết bài và thường bình luận rất dài, có hằng hà sa số ý niệm trước đó chưa rõ ràng bỗng trở nên thông suốt khi tôi viết chúng.

Tôi rất thường khi dạo quanh các trang cá nhân, muốn tìm những bài viết giá trị để đọc nhưng thấy ít quá. Viết bài, tôi luôn mong được những bình luận nói lên suy nghĩ của người đọc để tham khảo nhưng cũng quá ít. Tôi tự hỏi là người ta đã nghĩ gì sau khi đọc một bài viết. Lười nói lên quan điểm của mình? hay sợ viết ra mà nó chưa hay thì sẽ bị chê cười? hay cảm thấy những gì đang đọc không đáng giá để bình luận? Có rất nhiều người đọc bài chỉ để mà đọc, đọc nhưng không xem trọng nó nên chọn cách đơn giản nhất là bấm “thích” nếu thấy hợp lý. Tất nhiên với những bài mà bản thân thấy chưa hay thì không cần bình luận, nhưng nếu bạn thấy đúng hoặc sai thì hãy dừng lại một tí để nói cho mọi người biết mình đang nghĩ gì, biết đâu sẽ có những bình luận khác giúp bạn nhận ra những gì mình còn thiếu.

Vì sao phải trải nghiệm cuộc sống?

Tầm quan trọng của việc trải nghiệm thì chắc không nói mọi người cũng hiểu. Trải nghiệm giúp ta nhìn rõ hiện thực cuộc sống và hiểu nó sâu sắc hơn. Không khó để thấy có 2 loại quan niệm trái ngược về vấn đề này, một phía là đề cao những trải nghiệm thực tế, phía khác thì cho rằng chỉ cần chăm đọc cũng có thể biết chuyện thiên hạ. thật ra thì cái nào đúng cái nào sai? Nhiều người chắc nhận ra rằng cả 2 đều quan trọng như nhau và thúc đẩy lẫn nhau. Nếu chỉ có trải nghiệm trong khi bản thân không có một sự hiểu biết nhất định thì để tìm ra chân lý cần một thời gian rất dài. Nếu chỉ cảm nhận cuộc sống chỉ qua những gì ta đọc thì những cảm nhận đó trở nên méo mó và có rất ít sự sâu sắc. Vì sao định luật hấp dẫn vẫn chưa được tìm ra dù táo – nho – xoài – sầu riêng – măng cụt… đã rơi hàng ngàn năm trước Newton? Hàng triệu triệu người thấy chúng rơi nhưng vì thiếu một lượng kiến thức nào đó mà nó rơi cứ rơi họ nhìn cứ nhìn. Nếu Newton chỉ ngồi trong phòng ôm mớ kiến thức mà không ra bên ngoài thì có là thần ông mới tìm ra định luật ấy.

Học và hành cần phải đi đôi. Tình yêu không phải thế sao? Hãy nhìn những người yêu đơn phương, nhìn những người tuổi tác nhiều mà chưa thật sự qua cuộc tình nào. Đa số suy nghĩ của họ về tình yêu đều bị méo mó, hoặc nó rực rỡ vô cùng hoặc nó tàn tạ đến không chịu nổi.

Đọc cho ta những kinh nghiệm sơ khởi, cho ta biết đâu là trọng tâm của cuộc nhân sinh. Trải nghiệm giúp chứng thực những gì ta nghĩ và giúp ta hiểu sâu hơn. Nhưng tâm trí thì luôn đi trước thân xác và có tính chủ động, nên học hỏi kiến thức qua việc đọc cần sự ưu tiên. Ví dụ như để đi đến mặt trăng, bằng suy nghĩ ta có thể tính toán ra chính xác thời gian đi bao lâu, bằng trí tưởng tượng chúng ta sẽ hình dung ra cảm xúc mình sẽ ra sao trên con đường đi đến đó.

Những điều trí óc đang làm diễn ra tích tắc so với thời gian phải đi từ trái đất lên mặt trăng để cảm nhận thực tế. Thành ra với những người đã đạt đỉnh cao của trí tuệ thì hầu hết thời gian của họ là suy tư, là đọc những kinh nghiệm của nhân loại. Vì những điều họ nghĩ vượt qua giới hạn của sự chứng minh thực tế. Vì vậy khi nghe một điều gì đó khác xa với những gì ta biết, ta nghĩ thì đừng vội mà chê cười, nên tìm hiểu điều đó do ai nói, nếu là một kẻ điên thì cho qua, còn của một vị tên tuổi tầm cỡ thế giới thì cần phải xem lại một cách cẩn thận.

Về nền giáo dục? cái này thì tôi xin cho qua vì những gì tôi học được từ nó trong quá khứ chỉ là một mớ kiến thức vô cảm dành cho thân xác, còn về tinh thần, về cuộc sống thì ít ỏi vô cùng
Bài khá dài nên xin cảm ơn những ai đã cố gắng dành thời gian để đọc hết.

22h50 15/10/2014
Mắt Đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét