Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Sự thật bên ngoài", "sự thật bên trong"


HOÀNG Hồng-Minh




Tôi cầm một chiếc đũa "thẳng", đem nhúng nó vào cốc nước: tôi thấy nó "bị bẻ quặt" đi.
Tôi yên tâm nói: chiếc đũa này "thẳng", khẳng định sự thông minh của mình.

***

Cái gì đã xảy ra?

Hình ảnh chiếc đũa bị bẻ quặt qua cốc nước thực tế đã thách thức sự hiểu biết của tôi, làm tự ái và đe dọa cái "biết rồi" của tôi. Tôi tìm cách đốt cháy, thủ tiêu sự thách thức này đi, để bảo tồn lòng kiêu hãnh vô thức của mình, để yên tâm mà sống. Tôi đã phát biểu ra được phần nào cái "sự thật bên ngoài" qua kinh nghiệm của riêng mình, chiếc đũa này "thẳng". Mặt khác, tôi đã cố gắng xóa sổ đi cái "sự thật bên trong" của tinh thần của mình, xóa sổ một vấn đề mà bản thân tôi chưa có giải pháp tường tận.

Thực ra, ngay cả ví như tôi đã có được "giải pháp tường tận" cho câu chuyện này đi chăng nữa, thì cái “sự thật bên trong” kia vẫn phải tồn tại. "Sự thật bên trong" ấy là, “tôi nhìn thấy chiếc đũa bị bẻ quặt trong cốc nước”. Tôi phải ghi nhận, phải phát biểu được tường minh sựt hật này, trước khi, cùng với, và ngay cả sau khi đã tìm cách lý giải nó.

***

Câu chuyện trên đây có vẻ như đáng để thủ tiêu đi, vì ai cũng "biết rồi". Nhưng nó chính là một đầu mối quan trọng về "sự thật bên trong" của tinh thần.

Cuộc sống của con người bị - được chìm nhúng trong một bể vữa hồ "tập tục trộn luận lý".

Anh chàng thanh niên lớn lên ở Pháp từ lúc hai tuổi mới đây khoe với tôi tấm thẻ căn cước mới được làm ở xứ Việt. Tấm thẻ ghi "nguyên quán" của anh chàng ở một làng quê hẻo lánh miền trung. "Sao anh biết nguyên quán này?" "Nguyên quán này được ghi trong giấy tờ cũ của bố tôi." "Bố anh đã có dịp về làng quê hẻo lánh ấy chưa?" "Dạ, chưa. Nhưng mà giấy tờ cũ của bố của bố tôi ghi làng quê ấy là nguyên quán ạ." "Thế nguyên quán của bố của ông nội anh có ở đấy không?” “Dạ, chịu ạ". “Bao nhiêu đời thì là nguyên quán ?” “Dạ, chịu ạ". "Thế nguyên quán của mẹ của bố anh có ở đấy không?” “Dạ, chịu ạ". "Thế nguyên quán của mẹ anh có ở đấy không?” “Dạ, chịu ạ"…“Thế ghi cái thông tin nửa chừng, không đầy đủ, và không chắc chắn ấy vào giấy căn cước để mà làm gì?” “Dạ, hỏi khó quá ạ.”… Nếu bỏ công đi tìm và vẽ lại con đường tổ tiên, vật chất và văn hóa, của anh chàng thanh niên này, cái làng nọ, nếu đúng, cũng sẽ chỉ là một ngọn suối nhỏ xíu, và chưa chắc đã là quan trọng nhất, dẫn đến anh ta, trong một số lớn hơn rất nhiều các ngọn suối khác. Nhưng như vậy đó, con người ta say sưa bấu bám vào tập tục luận lý hóa, khỏi phải suy nghĩ, đến mức coi điều đón hư một “chân lý tuyệt đối”, "quan trọng hết mực", để mà nhất nhất phải in ép điều đó vào tấm thẻ căn cước của anh chàng kia. Và người ta đã yên tâm đốt cháy bao nhiêu là các "sự thật bên trong" khác đi,một cách ngây ngô đường bệ, để được tự yên tâm là thông thái.

Món vữa hồ "tập tục trộn luận lý" vừa là một của nả, vừa là một thứ thuốc mê ngự trị con người. Yên tâm đến mức nghiện, con người và cộng đồng mất dần khả năng nhìn ra, nhìn lại, kiểm kê các “sự thật bên trong” khác nữa của mình. Hơn thế nữa, con người và cộng đồng có xu thế phủ nhận nhiều "sự thật bên trong" khác như một cơ chế dị ứng, nhất quyết phải đốt đi các "sự thật bên trong" đó nếu như chúng thuộc diện gây khó, gây phiền phức cho cái sự thật bên ngoài đã yên vị nằm ườn trên tấm tranh lụa phẳng phiu của tâm khảm mình.

***

Cuộc sống của mỗi người, của mỗi cộng đồng thường vẫn êm ả trên những đoạn đường đời… cho đến lúc gặp phải những ngã ba ngã bảy. Đấy là lúc người ta bị buộc phải tự vấn, tự kiểm, tự quyết, xem mình từ đâu đến, muốn đi về đâu, chọn con đường nào, thậm chí phải mở những con đường mới… hoặc, mặc kệ, đến đâu thì đến.

Đó là lúc mà các món vữa hồ "tập tục trộn luận lý" đã đóng cứng không đủ tính “vạn năng-tưởng như” cho người ta nữa. Phải rà lại, làm hiện hình tường minh lại những "chiếc đũa bị bẻ quặt", phải đối diện lại với tất cả những "sự thật bên trong" của mình, vượt qua sự lười trây và lòng sợ hãi món vữa hồ tập tục luận lý hóa đáng phải bị - được vượt qua. Để tìm ra những sự thật trong – ngoài lớn lao hơn, đầy đủ hơn, căn bản hơn, để vững đi tiếp được trên đường đời… Hoặc, mặc kệ, đến đâu thì đến.

***

Rốt cuộc, điều mà mỗi người, mỗi cộng đồng thờ phụng, mới là cái máy đẩy thực sự.
Tại sao lại cứ phải suy nghĩ phức tạp như thế này mà làm gì.

Quyền sống: những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ


TS. Nguyễn Minh Tuấn




Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đề cập đến quyền sống (right to life) với tính chất là một quyền riêng biệt tại Điều 19: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Nhưng nội dung, phạm vi của quyền sống và trách nhiệm của nhà nước đến đâu trong việc bảo vệ quyền sống của con người đến nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận.

Bảo vệ quyền sống từ thời điểm nào?

Quyền sống qui định trong Hiến pháp đặt ra nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo vệ sự sống của con người trong mọi trường hợp. Lời nói đầu của Công ước về quyền trẻ em năm 1989 nêu rõ “Trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời.” Vậy “trước khi ra đời” tính từ khi nào? Hiện nay có ba luồng quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng quyền sống bắt đầu từ thời điểm quá trình thụ tinh thành công (không phân biệt tự nhiên hay nhân tạo). Quan điểm thứ hai cho rằng quyền sống bắt đầu khi đã hình thành phôi thai (embryo). Quan điểm thứ ba cho rằng quyền sống bắt đầu từ khi đứa trẻ sinh ra và còn sống. Sở dĩ có nhiều quan điểm như vậy vì vấn đề này liên quan đến bài toán pháp lý: có cho phép hay không việc nạo phá thai (abortion). Pháp luật nhiều nước qui định người mẹ không có quyền loại bỏ quyền sống của thai nhi, việc nạo phá thai là bất hợp pháp, trừ một số trường hợp đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ tính mạng người mẹ. Ở Việt Nam, vấn đề này hiện đang có rất nhiều ý kiến tranh luận. Chúng tôi cho rằng nếu ủng hộ quyền sống, ủng hộ quan điểm cho rằng phôi thai cũng có quyền được sống, thì chắc chắn cần phải có những ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn để hạn chế việc nạo phá thai một cách tùy tiện như hiện nay ở Việt Nam.

Quyền được chết?

Có quan điểm cho rằng quyền sống không bao gồm quyền được chết. Nếu một cá nhân tự nguyện tước bỏ mạng sống của mình, nhà nước sẽ không can thiệp. Nghĩa vụ của nhà nước là bảo vệ quyền sống chứ không bảo vệ việc tự tước bỏ quyền sống. Nhưng vấn đề đặt ra là tự sát có nhiều loại. Trách nhiệm của nhà nước đến đâu trong trường hợp như: (1) cá nhân tự sát trước hoặc cùng thời điểm giết chết một hoặc nhiều người khác (tự sát giết người) hoặc tự sát nhằm tấn công các mục tiêu quân sự, chính trị (tự sát khủng bố); (2) khi thanh thiếu niên tự tử hàng loạt (tự sát tập thể); (3) tự sát để phản đối (tự thiêu, tuyệt thực); (4) tự sát để thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật; (5) tự sát để thoát khỏi bệnh hiểm nghèo…? Ở Việt Nam, những vấn đề pháp lý như thế cũng chưa được qui định thực sự rõ ràng trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật.

Về quyền được chết một cách nhẹ nhàng (hay còn gọi là quyền an tử - euthanasia), trên thế giới có nhiều nước đã hợp pháp hóa quyền này như Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ và cũng nhiều nước hợp pháp hóa hành vi hỗ trợ an tử với những bệnh nan y như Đức, Albania, Colombia, Nhật bản, Đan Mạch, Thụy Điển, Vương quốc Anh, và một số bang của Mỹ. Ở Việt Nam, đây vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và chưa được qui định trong bất kỳ văn bản pháp lý quan trọng nào. Thiết nghĩ, trong dịp sửa đổi Bộ luật dân sự sắp tới vấn đề này cần được nghiên cứu, trao đổi kĩ lưỡng để tạo cơ hội cho nhiều người đang chịu sự đau đớn kéo dài do bệnh tật hoặc tai nạn có thêm sự lựa chọn.

Duy trì hay bỏ hình phạt tử hình?

Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nêu rõ chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện. Như vậy luật pháp quốc tế không cấm các quốc gia sử dụng hình phạt tử hình (death penalty), nhưng khuyến khích hạn chế và hướng tới bãi bỏ hình phạt này.

Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành qui định hình phạt tử hình với 22/272 tội danh. Phạm vi áp dụng hình phạt này theo luật Việt Nam còn khá rộng so với các qui định của pháp luật quốc tế. Chúng tôi cho rằng không nên duy trì hình phạt tử hình vì những lý do sau: (1) Các cơ quan tư pháp sẽ không có khả năng khắc phục sai lầm, nếu người bị tử hình bị kết án oan; (2) Duy trì hình phạt tử hình sẽ không tạo ra điều kiện để giáo dục hay cải tạo người phạm tội. Hình phạt tử hình hướng tới ý nghĩa “trả thù” hơn là mong muốn thực thi công lý và bảo vệ con người thực sự; (3) Áp dụng hình phạt tử hình sẽ hạn chế việc mở rộng tìm kiếm chứng cứ xác định sự thật đích thực của vụ việc; (4) Tử hình không chỉ là việc tước đoạt mạng sống của người phạm tội, mà còn gây tổn thương cho người thân của họ; (5) Những người trực tiếp thực hiện lệnh thi hành án tử hình bị stress và ám ảnh trong thời gian dài; (6) Tử hình cũng không làm giảm những bất ổn trong xã hội mà có thể còn là mầm mống tạo ra sự chống đối và bất ổn xã hội; (7) Bỏ tử hình là một xu hướng chung. Trên thế giới hiện nay đã có 99 nước bãi bỏ hình phạt tử hình.

Có thể “nhân danh” lợi ích công cộng để tước đoạt quyền sống của người vô tội?

Giả sử máy bay dân sự đang có nhiều hành khách lại được kẻ khủng bố sử dụng là công cụ tấn công vào các mục tiêu quân sự, chính trị hay kinh tế. Liệu chính quyền có thể bắn thẳng vào máy bay đó để tự vệ không?

Ở CHLB Đức, cũng đã từng có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Điều 14 Khoản 3 Luật an toàn hàng không CHLB Đức năm 2005 cho phép công quyền được tấn công vào máy bay được sử dụng làm công cụ khủng bố. Qui định này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng. Vào ngày 15/2/2006, Tòa án Hiến pháp liên bang đã tuyên bố rằng điều khoản này trong Luật an toàn hàng không là vi hiến, vì vi phạm Câu 1 Khoản 2 Điều 2 về quyền sống và Điều 1 Khoản 1 Luật cơ bản Đức về bảo vệ phẩm giá con người (BverfG, NJW 2006, 751 ff.). Phán quyết của Tòa án hiến pháp liên bang Đức được sự ủng hộ của nhân dân Đức và cộng đồng quốc tế vì đã vượt ra khỏi cách quan niệm thông thường công quyền có thể nhân danh “lợi ích công cộng” để tước đoạt mạng sống của những con người vô tội, và phán quyết này cũng chứng tỏ vấn đề quyền con người đã thực sự được tôn trọng. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng nên được thảo luận, trao đổi kĩ trong các văn bản pháp luật cụ thể hóa quyền sống trong Hiến pháp.
***

Trong thời gian tới, ở Việt Nam cần tiếp tục cụ thể hóa vấn đề quyền sống trong các văn bản pháp luật cụ thể, sao cho những qui định đó tương thích hơn với các chuẩn mực quốc tế, thể hiện xu thế bảo vệ con người và những giá trị cao nhất của con người.
Quyền sống là quyền thiêng liêng, là đòi hỏi chính đáng của con người mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ. Quyền sống không giản đơn là bảo đảm sự tồn tại của con người, mà còn là đòi hỏi nhà nước phải chủ động bảo đảm cuộc sống an toàn và chất lượng cho con người. Tuy vậy, quyền sống không phải là quyền tuyệt đối (absolute right), một số trường hợp quyền này cũng có thể bị giới hạn, nhưng giới hạn nào cũng có những nguyên tắc, ràng buộc để không làm mất đi bản chất của quyền này. Trong thời gian tới, ở Việt Nam cần tiếp tục cụ thể hóa vấn đề quyền sống trong các văn bản pháp luật cụ thể, sao cho những qui định đó tương thích hơn với các chuẩn mực quốc tế, thể hiện xu thế bảo vệ con người và những giá trị cao nhất của con người.

Tác giả Pháp Patrick Modiano giành giải Nobel Văn học




Nhà văn Patrick Modiano

Tác giả người Pháp Patrick Modiano đã vượt qua tác giả người Nhật được nhiều người yêu thích Haruki Murakami và tác giả - nhà thơ - nhà viết kịch người Kenya Ngugi wa Thiong’o để giành giải Nobel Văn học 2014.

Nhà văn 69 tuổi Patrick Modiano đã được Viện Hàn lâm Nobel miêu tả là “Marchel Proust của thời chúng ta”.

Các tác phẩm của ông thường dội lại âm hưởng của nhau, trăn trở với các đề tài về ký ức, mất mát, nhận dạng của cá nhân, khát vọng. Cốt truyện của Modiano thường xoay quanh nhân vật chính là những người đàn ông trẻ trôi dạt giữa thế giới của những kẻ lừa đảo hạng sang ở Paris những năm 1960.

Nhưng cốt truyện trong các tác phẩm của Modiano không quan trọng bằng những cảm giác được gợi lên từ lối viết văn dễ tưởng lầm là đơn giản của ông. Ký ức bị xóa nhòa đóng vai trò quan trọng: người tường thuật trong truyện của Modiano thường cố gắng cắt nghĩa những sự kiện thời trẻ mà họ đã lãng quên một nửa, cố gắng nhìn lại quá khứ qua một tấm kính tối mịt.

Là một báu vật văn học của Pháp nhưng Patrick Modiano đến giờ, mới chỉ có một vài trong hơn 25 tiểu thuyết của ông được dịch ra tiếng Anh. Ở Việt Nam, độc giả biết đến Modiano qua các tác phẩm như “Những đại lộ ngoại vi”, “Quảng trường ngôi sao”, “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” hay “Phố những cửa hiệu u tối”, trong đó “Phố những cửa hiệu u tối” - tiểu thuyết thứ sáu của ông - đã giành giải Goncourt vào năm 1978. Các giải thưởng khác mà ông đã được trao bao gồm Grand prix du roman de l'Academie francaise (1972), Prix Mondial Cino Del Duca (2010), Austrian State Prize for European Literature (2012).

Tiểu thuyết gần đây nhất của ông là Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier (2014).

Nobel Kinh tế cho nghiên cứu biện pháp chế ngự các công ty độc quyền







Jean Tirole, nhà kinh tế học chỉ biết vùi đầu vào công việc, không hề quan tâm tới danh vị, người từng nói “sự tiếp xúc quá gần gũi với chính trường sẽ làm chúng ta đánh mất cái thước đo khoa học đang sử dụng”, đã giành giải Nobel Kinh tế năm nay, đúng như lời tiên đoán cách đây bảy năm.


Ngày 13/10 tại Stockholm, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố: Giải Nobel Kinh tế học năm nay thuộc về Jean Tirole ở trường Đại học Toulouse 1 Capitole nước Pháp “vì những phân tích của ông về sức mạnh và quy luật thị trường”.

Giáo sư Staffan Normark, Thư ký thường trực Viện này, nhận xét: Jean Tirole đã có nhiều cống hiến quan trọng về nghiên cứu lý thuyết trong một số lĩnh vực, nhất là đã làm rõ cách hiểu biết và cách điều chỉnh các ngành bị thống trị bởi một số ít các công ty mạnh. Nói cách khác, ông đã phát minh ra “khoa học chế ngự thuần phục các công ty độc quyền”. Nhờ áp dụng lý thuyết của Tirole, Chính phủ có thể khích lệ các công ty độc quyền nâng cao năng suất đồng thời ngăn cản họ gây ra thiệt hại cho sự cạnh tranh và cho người tiêu dùng.

GS Tore Ellingsen, Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Kinh tế học, giải thích thành tựu nghiên cứu của Tirole như sau: có nhiều ngành bị thao túng bởi một số ít công ty hoặc một tập đoàn độc quyền. Trong tình trạng không được giám sát, quản lý, các thị trường thường nảy sinh những kết quả khiến người dân không mong muốn, như giá sản phẩm cao, năng suất thấp nhưng lại ngăn cản các công ty mới nhảy vào kinh doanh lĩnh vực đó. Từ giữa thập niên 80, Tirole đã bắt đầu nghiên cứu các bài học của những thị trường thất bại do bị một số ít công ty lớn thao túng. Các phân tích của ông đã giúp chính phủ có biện pháp xử lý vấn đề mua bán sáp nhập công ty và đối phó với nạn độc quyền.

Hãng thông tấn AFP cho biết: không phải ngẫu nhiên mà Jean Tirole giành giải Nobel kinh tế. Tuy rằng khi nhận tin được trao giải ông có nói “vô cùng ngạc nhiên và rất vui mừng”, nhưng bản tuyên bố của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển nói rõ: Jean Tirole “là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay”. Cho tới nay ông đã công bố khoảng 200 bài báo và xuất bản 10 cuốn sách viết về kinh tế, tài chính. Báo Le Monde (Pháp) tháng 9/2007 từng đăng một chuyên đề giới thiệu về nhà kinh tế học khiêm tốn này và cho rằng Tirole nhất định sẽ có ngày được tặng giải Nobel kinh tế.

Báo Le Figaro viết: Jean Tirole là một nhà nghiên cứu chỉ biết vùi đầu vào công việc, không hề quan tâm tới danh vị, ông luôn lo ngại cách đưa tin câu khách của giới nhà báo có thể làm người ta hiểu một cách đơn giản về các lý thuyết kinh tế học. Khác với những nhà kinh tế tham gia làm chính trị, Tirole từng nói “sự tiếp xúc quá gần gũi với chính trường sẽ làm chúng ta đánh mất cái thước đo khoa học đang sử dụng”.

Một bài trên báo Le Monde năm 2007 có nêu ra nghi vấn: Trên thực tế, một loạt chủ trương của Tirole thường được các nhà chính trị đề cập tới, như vấn đề thuế sa thải người lao động (firing taxes), hợp nhất hợp đồng làm việc ngắn ngày với hợp đồng làm việc dài ngày. Tirole trả lời: thông thường giới chính trị hay thực thi một cách không tự giác các chủ trương của những chủ nhân giải Nobel kinh tế đã qua đời – ở đây ông muốn ám chỉ John M. Keynes. Báo Le Monde còn nhấn mạnh: Tirole có cha là bác sĩ y khoa, mẹ là nhà giáo dạy văn, lẽ ra lớn lên trong hoàn cảnh gia đình như vậy, Tirole sẽ không hào hứng với môn kinh tế học. Nhưng khi học tập tại trường Đại học Bách khoa danh tiếng nhất nước Pháp, ông bỗng dưng rất thích sử dụng toán học để giải quyết các vấn đề phức tạp, từ đó ông chuyển sang học ngành kinh tế với ý định “muốn làm cho thế giới tốt đẹp hơn”.

Nhiều năm nay, giải Nobel kinh tế hầu như bị người Mỹ chiếm lĩnh. Maurice Allais là người Pháp gần đây nhất được trao giải năm 1988 do cống hiến về lý thuyết thị trường và sử dụng hữu hiệu các nguồn tài nguyên. Năm 1983 Gerard Debreau có hai quốc tịch Pháp-Mỹ cũng được trao giải này. Như vậy Jean Tirole là người Pháp thứ ba nhận giải Nobel Kinh tế.

Hôm 13/10, Phủ Tổng thống Pháp gửi lời chúc mừng Tirole trên tài khoản Twitter, ca ngợi ông lại là “một người Pháp nữa lên tới đỉnh vinh quang” tiếp sau Patrick Modiano giành giải Nobel Văn học năm nay.

Jean Marcel Tirole sinh năm 1953 tại thị trấn nhỏ Troyes (Pháp), năm 1976 tốt nghiệp Đại học Bách khoa (École Polytechnique, ở Paris), năm 1981 nhận học vị Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ). Năm 1991 tham gia sáng lập Học viện Công nghiệp Kinh tế Toulouse thuộc Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole (Pháp), và hiện là Giám đốc Khoa học của Học viện này. Năm 2007 Tirole từng được Ủy ban Nghiên cứu khoa học nhà nước Pháp tặng giải vàng.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

ISIS tổng tấn công thủ đô Bagdad của Irag




CẬP NHẬT TÌNH HÌNH IRAQ - MỸ KHẨN CẤP ĐƯA TRỰC THĂNG CHIẾN ĐẤU APACHE VÀO BAGDAD.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, tướng Martin Dempsey vừa họp báo cách đây 3 giờ là ông đã ra lệnh KHẨN CẤP gửi nhiều trực thăng chiến đấu Apache vào chống giữ thủ đô Bagdad trong ngày hôm nay.

Tướng Martin Dempsey vừa trả lời một cuộc phỏng vấn trên đài ABC là ISIS đang tới gần phi trường Bagdad, chỉ có trực thăng chiến đấu Apache mới có thể đánh chặn bộ binh của ISIS được vì trực thăng có thể bay thấp và có tầm quan sát chi tiết hơn. Tướng Dempsey còn cho biết là ông không để tình trạng "nước tới chân mới nhảy" - Trực thăng được gửi tới nhanh chóng trước khi ISIS tấn công Bagdad.

Theo tin mới nhất thì ISIS đang chuẩn bị tổng tấn công vào Bagdad. Ba kẻ đánh bom tự sát đã tấn công một trung tâm của chính phủ hôm Chủ Nhật ở tỉnh Diyala, phía đông bắc thủ đô Baghdad, giết chết 60 người và làm bị thương hơn 120 người khác.


*Ghi chú thêm: Tướng Dempsey nói câu: "You're not going to wait until they're climbing over the wall," dịch sát nghĩa là "chúng ta sẽ không chờ chúng nó trèo qua tường", Thùy Trang dịch theo nghĩa của người VN là: " không để tình trạng "nước tới chân mới nhảy". Mong các bạn thông cảm vì dịch theo sát nghĩa của thành ngữ Mỹ thì sẽ khó hiểu.
________________________

ISIS TỔNG TẤN CÔNG VÀO THỦ ĐÔ BAGHDAD CỦA IRAQ

Các quan chức Iraq đã đưa ra một lời kêu gọi tuyệt vọng tối thứ bảy, yêu cầu Mỹ gửi Bộ Binh để giữ thủ đô Baghdad. Phiến quân ISIS đã tiến tới gần, chỉ cách Baghdad có 30 cây số.



Thông tin cho biết là ISIS và lực lượng Al-Sham đã tiến gần Abu Ghraib, một thị trấn thuộc vùng ngoại ô của thủ đô Baghdad. Một thống đốc địa phương ước lượng con số phiến quân kéo tới vùng nầy là khoảng 10.000 ISIS và họ đang sẵn sàng để tấn công thủ đô.

Lời cảnh báo đến từ Sabah Al-Karhout, Chủ tịch Hội đồng lâm thời của tỉnh Anbar, vùng sa mạc rộng lớn ở phía tây Baghdad đã bị ISIS đánh chiếm một phần lớn khu vực nầy.

Hai thành phố chính của tỉnh, Fallujah và Ramadi, là những tỉnh đã rơi hoàn toàn vào tay ISIS, hai tỉnh nầy là một bàn đạp tuyệt vời để kết hợp một cuộc tấn công toàn lực vào Baghdad, nơi đây đang có một nhóm khoảng 1.500 lính Mỹ đóng vai trò cố vấn cho quân đội Iraq.

Các quan chức chính phủ Iraq cho rằng, trong những tuần gần đây, sự chú ý của quốc tế đã tập trung về thị trấn của Syria Kobani trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - nơi các chiến binh người Kurd vẫn đang chiến đấu để chặn bước tiến của ISIS, thì một thành phố lớn khác của Iraq là Ramadi đang bị ISIS tấn công.

Các lực lượng quân sự Iraq và Kurds đang nắm giữ phòng tuyến chống lại các đợt tấn công của ISIS vào Ramadi. Các quan chức Mỹ hôm qua cảnh báo rằng thành phố Ramadi đang ở một vị trí rất "mong manh".

Máy bay Mỹ đã yểm trợ không kích và thả thực phẩm cũng như đạn dược từ trên không xuống cho quân Iraq và Kurds đang cố chống đỡ để giữ Ramadi không bị thất thủ.
Nhiều nguồn tin suy đoán, cho rằng cuộc tấn công của ISIS vào thị trấn Kobani chỉ là một cái bẫy để ISIS tấn công vào các mặt trận khác, vì có chiếm được Kobani thì sẽ không giúp ích gì về sức mạnh quân sự của ISIS, mà mục tiêu chính của ISIS sẽ là BAGHDAD.

Theo Alastair Beach, Robert Tait, The Telegraph, AP, Reuters.

Phản biện xã hội



Tác giả: TS. Trần Đăng Tuấn
.


Hãy nhìn xung quanh, ta sẽ thấy đâu cũng có sự phản biện. Một cánh đồng lúa xanh êm đềm chứng minh có một vẻ đẹp khác ngoài vẻ đẹp của núi non hùng vĩ. Người chơi bonsai bậc thượng thừa giật mình trước một thế cây tự nhiên trong mé núi không ai để ý.


TS. Trần Đăng Tuấn
Phó Tổng Giám Đốc Đài truyền hình Việt Nam

Hãy quan sát cuộc sống tập thể: mỗi ngày làm việc, mỗi cuộc họp, thậm chí chỉ hai người tán gẫu với nhau là muôn lần cọ xát các ý kiến khác nhau, góc nhìn khác nhau. Bằng cách đó tập thể chọn lựa phương án tối ưu cho từng công việc lớn nhỏ. Hãy nhìn vào bản thân mình. Từ sáng đến chiều mỗi người luôn tự phản biện để rà soát, sửa đổi hình dung, suy nghĩ, quan niệm, phương pháp trước đó của bản thân, để rồi hoàn chỉnh cách nghĩ, cách làm cũ hoặc thay bằng cách mới.

Phản biện, tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện, sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát – mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội.
Nhưng áp dụng điều tự nhiên ấy vào cuộc sống xã hội, vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản. Ít nhất có ba vật cản với phản biện xã hội.Vật cản thứ nhất là sự khó chịu thường tình với ai “trái ý”. Người ta vẫn hay ca ngợi “Người hay cãi” nói chung, và vẫn ác cảm với “Người hay cãi” cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình.Vật cản thứ hai là ngại sẽ nảy sinh cái gì đó “bất ổn”, ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Thực ra phản biện xã hội nghiêm túc, đúng đắn khác hẳn với phản bác, mặc dù nó có thể bao gồm phản bác trong những trường hợp đặc biệt, nhưng điểm quan trọng nhất: Phản biện nhằm rà soát, khẳng định, bổ sung, đề xuất giải pháp đúng để thực hiện các mục tiêu xã hội thống nhất. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực. Mà căn bệnh ích kỷ ấy cũng lại… rất tự nhiên, rất khó tránh.



Vật cản chủ quan thứ ba là: Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc (một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là tốn kém, không thể làm tràn lan được). Ai đó ngầm nghĩ trong bụng “Rách việc! Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết”. Những người đó không hiểu một điều là: thực hành dân chủ bao giờ cũng mất thời gian, mất công sức hơn là quyết định một chiều. Cái hay duy nhất của dân chủ là tránh được sự độc đoán, quan liêu. Mà độc đoán, quan liêu sớm muộn đem lại những khốc hại khôn lường.
Cách diễn đạt, khái niệm có thể khác, nhưng tinh thần và cội rễ của vấn đề đâu có khác với những yêu cầu Bác Hồ đã đòi hỏi rất sớm, khi chính quyền công nông của ta chỉ 1 – 2 tuổi đời – đó là phê bình, tự phê bình, tự chỉ trích để tiến bộ. Còn trước đó, Lênin đã kêu gọi công nhân dùng tổ chức công đoàn để đấu tranh với chính Nhà nước xô viết của mình, nhằm giữ cho nhà nước ấy khỏi mắc căn bệnh quan liêu. Vậy mà giờ đây còn có sự rụt rè khi đề cập đến phản biện xã hội, còn có sự né tránh với khái niệm xã hội dân sự (thiếu cái thứ hai này phản biện xã hội sẽ rất nghèo nàn), thì thật không nên.

Đã biết bao lần do có sự “rò rỉ” nào đó mà báo giới biết có một dự thảo chính sách, trong đó có những điều bất hợp lý, đang ở giai đoạn sắp thông qua. Dự thảo đó được mổ xẻ trên công luận. Cuối cùng, rất may là ở dạng ban đầu nó… không được thông qua nữa. Cũng có nhiều ví dụ khác, khi có những quyết định được đưa ra một cách rất bất ngờ (do quá trình chuẩn bị được giữ kín, không rò rỉ). Tiếc thay sự trôi chảy về hành chính lại không đem lại sự suôn sẻ lúc thực hiện. Bao nhiêu bất hợp lý nảy sinh, cuối cùng quyết định dẫu có hiệu lực hành chính vẫn chết yểu.Rõ ràng, đã đến lúc phản biện xã hội phải thành nguyên tắc trong quá trình chuẩn bị và thông qua các quyết định liên quan đến cuộc sống, quyền lợi của đông đảo mọi người. Người xưa nói “Một người lo bằng kho người làm”, ý nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của người nắm quyền quản lý, lãnh đạo. Nhưng người xưa cũng nói “Ba ông thợ bằng một ông Gia Cát”, để khẳng định việc nghĩ, việc lo không phải đặc quyền của một số ít người.


————-
Nguồn Tuổi trẻ

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

THƠ BÌNH ĐỊA MỘC



01.- CÁI KHUÔNG GIÓ
Anh có vợ rồi, em đừng yêu nữa
Ồ mà không, nếu lỡ cũng chẳng sao
Bởi vợ anh như cánh cửa ra vào
Cứ đóng mở suốt ngày xoành xoạch

Còn người yêu, ví như khuông gió thoảng
Làm mát căn nhà nâng đỡ không gian
Gắn kế bên đôi cánh cửa ngang tàng
Thông qua đó bầu trời luôn rạng rỡ

Anh có vợ rồi, ngỡ gì mà ngỡ
Ồ nhưng không, cửa đóng sẽ mở ra
Mỗi khuông gió lặng lẽ trước hiên nhà
Đợi mai lên vỡ oà cùng nắng biếc

Anh chỉ sợ mỗi khi buồn thao thiết
Khuông gió à, thay thế cửa anh đi
Ồ mà không, như vậy chẳng ích gì
Cửa nếu đóng, anh trì tay khuông gió

Anh có vợ rồi, chẳng cần to nhỏ
Một gia đình vốn ước lệ nhân duyên
Hạnh phúc nôm na là bản phân quyền
Vợ ở dưới, chồng nằm trên non nỉ

Cửa khép lại, dại khôn lời thủ thỉ
Ồ mà không, đấy chuyện của đúng sai
Còn hành trang về đổ bến tương lai
Cái khuông gió, bờ vai em, trĩu nặng ...




02.- CÕI TẠM
Thọc bàn tay chiếc túi rỗng trăm năm
Mua gói mì tôm dùng dằng đắt rẽ
Nhưng vẫn sống suốt đời tôi, dâu bể
Chỉ hơi buồn và chống chếnh chút thôi

Giở mũ ra, hỏi tóc gió đâu rồi
Sao lại thế, trên đầu toàn sợi bạc
Bỗng giật mình loay hoay như trẻ lạc
Đây là đâu, phải cõi tạm không nào ?





03.- CHẠM

chạm li rượu đổ sạch trơn
mới hay mình đã run hơn mọi lần

chạm đôi đũa lệch tần ngần
thì ra mồi cũng hết dần đĩa tôi

chạm chân ai đối diện ngồi
định xin lỗi bạn, lại thôi, nhầm mà

chạm con mắt liếc ngang qua
giã vờ cúi xuống gắp ba sợi mì

chạm môi em cắn thầm thì
nghe sau lưng quạt chậm rì cánh quay

chạm vai tiếp thị loay hoay
rót bia như nước mắt cay xé chiều

chạm người khách bước liêu xiêu
hình như buồn quá uống nhiều rượu chăng

chạm kia bác bảo vệ rằng
kìa nơi thải thứ người ăn uống thừa

chạm hoá đơn tính tiền vừa
hai trăm ngàn chẵn xin thưa, rẽ à

chạm tay tiễn bạn về nhà
dắt xe khỏi quán tôi quà quạng tôi

đường đời vạn nẻo xa xôi
còn cơn bỉ cực chạm rồi thái lai ...

Sài Gòn, kỉ niệm lần họp mặt facebook Sài Gòn 19.5.2014


04.- ĐỢI YÊU

cỏ mềm đợi giọt sương đêm
nắng lên lá nõn nà thêm một ngày

giếng trong đợi mảnh trăng gầy
cau hai hàng cúi đầu say đắm nhìn

hoang đồng nứt nẻ chân chim
đợi cơn mưa đất lặng im thầm thào

dây tơ hồng quấn quanh rào
đợi duyên thắm lẳng lặng bào nhẵn trưa

yêu em tôi khắp nơi thưa
rằng xin đợi dẫu tuổi vừa năm mươi

tình già đôi lúc bập bươi
quờ tay đâu cũng đụng người năm xưa ...


TRỊNH CÔNG SƠN- CANADA DU KÝ


CANADA DU KÝ (6)

Trịnh Công Sơn, báo Phụ Nữ số 65, 29.08.1992.


6- LÀM VIỆC KHÔNG NGỪNG VÀ SỐNG THANH THẢN ...



Tôi gặp Đặng Thái Sơn sau lúc Sơn trình diễn ở Brasil về. Sơn ở một mình. Mẹ Sơn cũng ở một căn nhà khác. Đời sống nhìn chung có vẻ lặng lẽ và không có gì vui lắm. Qua một người bạn của Sơn tôi được biết Sơn sống gần như cô lập mình với thế giới bên ngoài. Tôi hỏi Sơn có định về lại Việt Nam không . Sơn chỉ cười cười.

"Ở đây phố xá hiền như cỏ
Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người"


Đời sống của người Việt Nam ở Canada nói chung là ổn định nhưng dưới con mắt nhìn của tôi thì nguồn vui sống của họ hoàn toàn xa lạ với bản thân tôi. Thành phần giàu có nhất có lẽ thuộc về giới bác sĩ. Có một điều hơi khác giữa bác sĩ ở Canada và Mỹ là bác sĩ ở Mỹ thì tha hồ kiếm tiền còn ở Canada thì bị nhà nước qui định đến một giới hạn nào đó thì không có quyền được hưởng thêm. Họ gọi là plafonner.

Tôi thực sự ngạc nhiên và thất vọng khi biết có một số đông người Việt sau mười mấy năm vẫn không chịu đi làm và vẫn cứ tiếp tục thản nhiên lãnh tiền trợ cấp xã hội ! Những người này cũng có nhà có xe hơi như tất cả mọi người nhưng đời sống đối với xã hội nói chung là thấp. Họ đâm ra lười biếng vì những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống như ăn uống, đau ốm thì đã có nhà nước lo cả rồi. Chế độ nuôi sữa cho trẻ con thì được cấp dưỡng cho đến mười tám tuổi mới ngừng. Tôi có gia đình người em có ba con dưới mười bốn tuổi. Hai vợ chồng xin đi học thêm Pháp văn. Học không tốn tiền mà nhà nước phải phụ cấp thêm mỗi tuần hai trăm bảy mươi lăm đô la để thuê người giữ nhà và trẻ con.

Người bạn thân nhất của tôi ở đường Grosvenor, biên giới giữa Montréal và Wesmount, khu vực của người Anh. Căn nhà có hai chủ. Phía dưới là người bạn giáo sư thực thụ ở đại học Montréal, bạn thân của giáo sư Đặng Đình Áng ở Việt Nam ta ; từng trên là một người Canadien làm nghề đào huyệt. Khu nhà này khá đắt tiền. Daniel, tên của người đào huyệt, đang trong thời kỳ thất nghiệp vì đình công đòi nâng lương.

Trẻ con ở xứ sở này được giáo dục cái đức tính không bao giờ ỷ lại . Mùa hè đến, dù ở trong gia đình sung túc, con cái ở tuổi mười sáu trở lên đều đi xin việc làm để lấy tiền đi du lịch hoặc để sử dụng trong những nhu cầu riêng. Đa số sinh viên, học sinh nữ đều có đi làm thêm trong những quán hàng đủ loại. Phụ nữ trẻ, già đều làm đủ thứ việc trong đời. Nhìn những cô sinh viên vừa cạo những lớp sơn cũ trên những cánh cửa ở đường phố vừa sơn quét mới lại mà thấy quá sức thương và kính trọng nữa... Ai cũng làm việc và làm việc cật lực không hề ngừng nghỉ.

Những người bếp và bồi người Việt trong những quán hàng ăn uống Việt Nam cũng có một đời sống tương đối tốt. Hết giờ, khách ra về hết, họ cũng lên những chiếc xe hơi bóng loáng về nhà hoặc đến những tiệm ăn quen thuộc. Ở đây không có vấn đề chủ và bồi bếp. Họ sống nhờ vả lẫn nhau để cùng tồn tại. Không ai có quyền nặng lời với ai. Cảm giác như không có một thứ ranh giới nào giữa người với người. Không có bất cứ một thứ uy quyền hão huyền nào buộc con người phải phụ thuộc hoặc sợ hãi. Mỗi người cứ làm tròn bổn phận của mình trong cuộc sống và yên tâm ăn ngon ngủ kỹ.

Đời sống ở đây theo tôi tốt lành hơn ở Pháp và Mỹ(*). Không ai tự thấy mình quan trọng hơn người khác. Tôi quen khá nhiều những văn nghệ sĩ Québécois. Họ khiêm nhường và quá hồn nhiên. Tôi cố gắng học ở họ cái tính khiêm nhường gần gũi với thiền đó. Chính cuộc sống tử tế và chân thật đó đã giúp tôi có thêm nguồn cảm hứng để vẽ nhiều tranh, nhiều chân dung và làm nhiều bài thơ ca tụng cuộc sống và con người.Ở đây phố xá hiền như cỏ
Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người

Đi qua một thành phố mà mọi người không biết gây gỗ, nóng giận với nhau nhiều khi cũng muốn làm người đàng hoàng, tử tế hơn. Có lẽ chẳng nên quên điều đơn giản vô cùng của cuộc sống là chúng ta được sinh ra trong cuộc đời này là để yêu thương nhau chứ không phải để thù ghét nhau.

Sống và cứ mãi mãi có một tấm lòng nhân hậu sẵn sàng biết tha thứ và độ lượng thì cuộc đời không thể nào không đẹp hơn lên được.

Trịnh Công Sơn, (1992)

NHẬN DẠNG NGỤY TRÍ THỨC



Sách Trang Tử tinh hoa có chép '' Đời sở dĩ loạn không phải vì không có người lo cho đời mà là vì có quá nhiều người lo cho đời'.

Hay như Einstein từng nói '' Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”

Người lo cho đời, những người chỉ biết đứng nhìn ...hơn ai hết có thể nói là giới được mệnh danh là tinh hoa của xã hội loài người " Trí thức"

Trí thức phải chăng là người có trí và luôn dùng cái trí của mình để góp phần thức tỉnh xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp?

Như vậy phải chăng người trí thức là người có sự hiểu biết- dùng sự hiểu biết của mình thức tỉnh xã hội và hướng xã hội đến cái đúng, cái đẹp, hướng xã hột đến cái Chân - Thiện- Mỹ. Hay nói một cách nôm na, trí thức là người “có Trí”, “có Thức” và “có Tâm” 

Nói vui, đại khái người “có trí” (sự hiểu biết) nhưng lại “không thức” (không thức tỉnh xã hội) mà để cho xã hội “ngủ” thì nên gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Nếu ai đó thích làm cái việc của trí thức là “đánh thức xã hội” nhưng lại “thiểu trí”, “lệch trí” hay “vô trí” thì gọi là “trí dỏm” (cũng có học hàm, học vị nhưng đầu óc lại trống rỗng, hoặc cũng có chút hiểu biết nhưng hiểu biết đó lại thể hiện sự lệch lạc và ẫu trĩ). Và nếu ai đó “có trí”, “có thức”, nhưng “thiếu tâm” (thiếu động cơ trong sáng) thì gọi là “trí gian” (gian manh, xu thời, cơ hội). Cả 2 loại “trí dỏm” và “trí gian” xứng danh là '' Ngụy trí thức " vậy.

Quá nhiều người lo cho đời ở đây cũng chính là quá nhiều Ngụy trí thức lo cho đời. Ngụy trí thức lo cho đời sẽ sanh loạn.

Câu nói của Einstein đặt vấn đề rất rõ về Trách nhiệm xã hội . Trách nhiệm “làm người” của một người bình thường đối với cái xã hội hay cái cộng đồng mà mình đang sống. Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội này còn lớn hơn. Trách nhiệm của người được xem là trí thức sẽ lớn hơn một người được xem là người bình thường.

giáo sư Ngô bảo Châu đã phát biểu  " trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”



Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã đặt một vấn đề rất hay "Khi bàn về trí thức thì người ta thường bàn về vai trò, trách nhiệm, công việc, sứ mệnh, thiên chức của trí thức. Tuy nhiên, cũng cần phải bàn về “điểm mù” của trí thức, dù trí thức có cái trí hơn người. Bởi lẽ, trí thức cũng là con người, mà đã là con người thì cũng sẽ có cái nhầm, có lúc sai mà mình không hề biết; Bởi lẽ, trí thức cho dù có trí thế nào đi nữa thì sự hiểu biết vẫn chỉ là hữu hạn. Điểm mù ở đây được hiểu là “mình không biết cái mà mình không biết” hay “mình cứ tưởng mình hiểu rất rõ một thứ nhưng thực ra mình chẳng hiểu gì cả hay hiểu một cách lệch lạc”. Khi chia sẻ, tranh luận hay góp ý sẽ giúp mỗi người nhìn thấy điểm mù của người và của mình. Khi nhận ra điểm mù của mình cũng là lúc “mình biết rõ cái mà mình không biết”; và khi nhận ra những “cái mà mình không biết” cũng là lúc cảm thấy mình thực sự hiểu biết. Đó cũng là điều kiện để mình có thể hiểu biết thực sự và là cơ hội để đẩy nhận thức và hiểu biết của mình đi xa hơn.
Do vậy, cùng với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình. Nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay thậm chí là “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò “thức tỉnh xã hội” vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.

Định nghĩa của giáo sư Ngô Bảo Châu bị không ít phản ứng khi ông phủ định vai trò phản biện của trí thức. Vai trò phản biện này cũng không được đề cập đến trong Khái niệm về Trí thức của đảng Cộng sản Việt Nam
Vai trò phản biện- phản tỉnh- xã hội nào cũng cần.
Thế nhưng nếu một trí thức không nhận ra " điểm mù" của bản thân thì họ có còn là trí thức không hay biến thành " ngụy trí thức"?
Blogger Bs Ngọc đưa ra 6 tiêu chí để nhận dạng một trí thức chân chính để phân biệt với Ngụy trí thức  rất hợp lý như sau



1.Vượt tầm: 


Người trí thức chân chính không chỉ là người có chuyên môn cao, mà còn phải có những đóng góp ngoài chuyên ngành của mình. Có chuyên môn cao là một intellectual worker (có lẽ dịch là người lao động trí óc)  Người trí thức đi ra ngoài phạm vi chuyên môn của một intellectual worker, bằng cách đóng góp ý kiến, phản biện những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị, triết học … GS Trần Ngọc Ninh, BS Nguyễn Khắc Viện là những người của ngành y, nhưng các bậc đàn anh đó còn là những nhà văn hoá có tiếng. Họ xứng đáng là những intellectual – nhà trí thức. Người trí thức chân chính không chỉ có tầm mà còn có tâm. Họ đau đáu lo chuyện quốc gia đại sự dù họ không có quyền.


2.Khiêm tốn

Người trí thức là những người khiêm tốn, vì họ ý thức được rằng kiến thức của mình còn hạn chế. Khiêm tốn tri thức còn có nghĩa người trí thức không khẳng định những gì mình chưa biết hay chưa có chứng cứ. Dĩ nhiên, khiêm tốn ở đây cũng có nghĩa là người trí thức không nên tự phụ, kiêu căng, khoác lác, kiêu ngạo, mà phải sử dụng logic và chứng cứ để phát biểu một cách hợp lý. Việt Nam không thiếu những người cũng mang danh giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhưng kỳ thực là họ không có kiến thức uyên bác về lĩnh vực họ phát biểu. Thay vào đó là những khoa ngôn, rừng chữ cầu kỳ, màu mè, mà chính họ cũng không hiểu họ nói gì. Những kẻ đó tôi gọi là nguỵ trí thức. Giới báo chí thường hay bị lừa bởi những nguỵ trí thức. Mới đây đã xảy ra trường hợp một ông bác sĩ hay dùng những từ ngữ triết học cao siêu được mời viết bài và giảng ở Đại học quốc gia TPHCM, nhưng chỉ vài ngày thì người ta phát hiện ông ta chỉ là loại nguỵ trí thức.


3.Can đảm, dấn thân:

 Người trí thức thật sự khác với trí thức trùm chăn. Trí thức trùm chăn là những kẻ cũng có bằng cấp cao, cũng danh xưng đầy mình, cũng lao động trí óc, nhưng không có khả năng hình thành một quan điểm độc lập. Họ có thể nhận ra những gì  là sai, nhưng họ không dám nói ra, chỉ “trùm chăn” hay đóng vai 3 con khỉ không muốn nghe, không muốn thấy, và không muốn nói. Loại này thì có nhiều ở Việt Nam. Ở bàn nhậu họ phát biểu rất hăng, nhưng khi họp chi bộ thì họ là những con mèo đáng thương hại. Ngược lại với loại trí thức dỏm (trùm chăn) đó là trí thức thật, những người không khi nào chấp nhận lý lẽ của người khác một cách dễ dãi, không bao giờ chấp nhận giáo điều, không bao giờ khuất phục trước những kẻ quyền thế. Đặc tính can đảm đặt người trí thức ở tình thế có khi nguy hiểm. 


4.Thấu cảm: 

Người trí thức chân chính lúc nào cũng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu họ. Đặc tính này có tương quan với khả năng hình thành quan điểm và lý trí của người khác, và lý giải từ những giả định, tiền đề và ý tưởng của chính mình. Thấu cảm còn có nghĩa là người trí thức sẵn sàng chấp nhận mình sai cho dù mình tin tưởng rằng mình đúng. Những loại trí thức dỏm không có đặc tính thấu cảm, bởi họ không bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Họ có thể là những người ở nước ngoài, không chịu sự chi phối của các nhóm quyền lực chính trị, nhưng họ sẵn sàng lớn tiếng lên tiếng lên lớp đồng môn trong nước là “phản biện trung thành” và lấy làm hài lòng sự lên lớp của mình.


5.Liêm chính: 

Người trí thức chân chính là người áp dụng những quy chuẩn khoa học để đánh giá những lý giải và chứng cứ của mình, chứ không phải dễ dãi với những gì mình tin tưởng. Nói cách khác, người trí thức dùng quy chuẩn khoa học chẳng những cho người khác mà còn cho chính mình. Điều này đòi hỏi người trí thức phải thành thật chấp nhận những quan điểm khác với mình. Đặc tính này tương phải với nguỵ trí thức, những kẻ không có khả năng lắng nghe quan điểm của người khác, không đủ can đảm để ghi nhận phê bình của người khác. Nguỵ trí thức cũng là loại trùm chăn, vì đầu óc họ (cũng lao động trí óc) chỉ biết có một quan điểm, chỉ tin vào một thần tượng. Bất cứ ai phê bình thần tượng của họ, họ nổi nóng và lảm nhảm. Một loại nguỵ trí thức khác là lên giọng dạy người khác rằng khi phản biện phải có am hiểu vấn đề nhưng bản thân họ thì chẳng có bất cứ một kiến thức nào về vấn đề họ phản biện. Đó là loại nguỵ trí thức tiền hậu bất nhất, một tiêu chuẩn cho mình, một tiêu chuẩn cho người khác.


6.Kiên trì và trung thành: 

Người trí thức chân chính là người trung thành với lý tưởng của mình, tin rằng lý tưởng đó sẽ làm cho xã hội tốt hơn. Họ kiên trì theo đuổi những sự thật hay nguyên lý mà họ tin tưởng, bất chấp những khó khăn, cản trở, và đe doạ. Khác với trí thức chân chính, nguỵ trí thức thay đổi quan điểm khi có điều kiện. 

Xem ra, với 6 tiêu chí này thì quả thật không dễ dàng trở thành một người trí thức chân chính.nhưng cốt lõi để trở thành một trí thức chân chính, theo tôi là phải nhận thức được " điểm mù" của bản thân để có thể phản tỉnh chính mình. Một khi không phản tỉnh được mình thì sẽ không thực hiện được vai trò phản biện, phản tỉnh xã hội của người trí thức chân chính.

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa: Một đời vì nghĩa





Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa.






Chính ông cũng không biết mình sinh ngày nào, chỉ biết, được sinh ra vào năm 1928. Cha mẹ ông thuộc hạng bần cố nông ở vùng Hiệp Thạnh, Trảng Bàng (nay là Gò Dầu), tỉnh Tây Ninh. Ông là con thứ 9. Các anh chị của ông, khi trưởng thành đều chấp nhận cuộc sống khổ cực của nông dân. Không ai khai ngộ cách mạng cho ông cả mà chính ông đã tự khai ngộ cho mình.


Đi làm cách mạng vì thần tượng Cộng sản

Không có khai sinh, cái tên cha mẹ đặt là Ngô Văn Thập chỉ là cái tên cúng cơm chứ không có văn tự. Để được cắp sách đến trường tiểu học, ông phải mượn giấy khai sinh của người anh con bác mang tên Ngô Văn Chừng.

Năm 1943, học xong tiểu học, ông trả giấy khai sinh cho người anh rồi đi làm công nhân cao su ở đồn điền Vên Vên (Gò Dầu - Tây Ninh). Khoác áo công nhân, ông có dịp nghe về phong trào khởi nghĩa Nam Kỳ của những người Cộng sản, về lá cờ đỏ búa liềm. Trong ông, người Cộng sản không sợ chết, không sợ tù đày. Người Cộng sản xuất quỷ nhập thần, thoắt ẩn thoắt hiện. Người Cộng sản rất quân tử...

Một lần, ông đi bộ từ Gò Dầu về Trảng Bàng thăm người chị. Băng qua ruộng dưa hấu sắp thu hoạch, ông bắt gặp dấu vết của ai đó đã ngồi tại chỗ thưởng thức quả dưa cắt trộm, vỏ còn vương vãi. Tuy nhiên, nơi dấu dưa bị mất trộm có một đồng bạc. Ông kể cho chị nghe. Chị bảo: "Cộng sản làm vậy đó. Ăn dưa của dân là họ trả tiền sòng phẳng".

Lần khác, tên Tây ác ôn có tên là Ạc Nô (Arnold) - Cai quản công nhân cao su vùng Gò Dầu - cùng tài xế đi nhận tiền lương của công nhân, lúc trở về bị nghĩa quân Cộng sản đón đường giết chết. Nhưng họ không cướp tiền mà tha cho tài xế mang tiền về để phát cho công nhân.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, Pháp tăng cường lùng sục lực lượng kháng chiến. Ông chứng kiến cảnh lính mã tà bắt được hai thiếu niên Cộng sản chỉ trạc tuổi ông. Bị đánh đập, tra tấn rất dã man nhưng hai người Cộng sản trẻ tuổi một mực không khai báo địa điểm ẩn náu của nghĩa quân. Họ chết dũng cảm.

Hình tượng người Cộng sản trở nên thiêng liêng, thần thánh. Ông tự tìm hiểu và nhận ra rằng, Cộng sản là người đòi lại quyền dân tộc, đòi lại đất nước cho tổ quốc, đồng bào. Ông nung nấu ý định đi theo Cộng sản và chờ dịp. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông bỏ xưởng cao su về nhà làm nông dân.

Ông Chín Nghĩa (thứ 2 từ phải qua) họp mặt cùng đồng đội trong Ban An ninh Trung ương Cục, năm 2009.


Vất mạ cấy theo cách mạng

Ông có một người chú họ tên là Trần Văn Đề. Là Hương bộ nhưng lòng ông Đề hướng theo Cách mạng. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Hương bộ Đề giữ chức trưởng Công an xã Hiệp Thạnh.

Một ngày cuối thu năm 1947, anh nông dân Chín Nghĩa đang vận xà lỏn cấy lúa ngoài đồng thì có 2 người thanh niên đến gặp bảo: "Ông Út Đề gọi mày lên xã gặp ổng". Vất bó mạ đang cấy dở, Chín Nghĩa rửa tay chân qua loa theo 2 người thanh niên trên. Vừa gặp, ông Đề nói đơn giản: "Chữ mày đẹp, theo tao làm thư ký Công an". Vậy là Chín Nghĩa trở thành người của cách mạng. Lúc đó, ông 19 tuổi.

Nhiệm vụ của ông là ghi chép sổ sách và ghi khẩu cung những người bị bắt. Ông nghĩ, làm Công an Cách mạng không chỉ bảo vệ Cách mạng mà còn bảo vệ người dân. Ông đã tìm cách cứu thoát án tử cho nhiều người bị nghi oan là Việt gian. Cấp trên chú ý đến ông nhờ khả năng khai thác lời khai. Năm 1948, ông được điều động về làm thư ký cho Trưởng Công an khu Ba Nam Bộ và được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1949. Ông đã giúp ngành Công an nhận diện rõ nội vụ nhiều vụ án.

Cũng có lúc, ông được phân công về tổ Tuyên huấn cùng với Ba Mực (sau này là nhạc sĩ Xuân Hồng), Nguyễn Văn Tiền (sau này là tiến sĩ âm nhạc). Giai đoạn khó khăn nhất, ông lại được điều động xây dựng phong trào Đảng tại 3 xã Ninh Điền, Phụm Xoài, Long Vĩnh của huyện Châu Thành, Tây Ninh. Ba xã này bị địch bố ráp, xóa trắng, không có chi bộ. Ông đã len lỏi giữa những cuộc truy lùng của địch để tạo dựng cơ sở và xây dựng 3 chi bộ Đảng cho 3 xã này. Ba đơn vị này sau đó đã trở thành "3 mũi tên Cách mạng" của huyện Châu Thành.

Chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng luật 10/59, khắp nơi, lực lượng kháng chiến bị tắm máu. Lực lượng đảng viên mỏng dần. Ông ngồi giữa rừng sâu, đọc bức thư của Trung ương Đảng gửi cho lực lượng đảng viên miền Nam. Ông đã khóc mùi mẫn. Ông xúc động vì biết được Trung ương vẫn quan tâm đến những người nằm gai, nếm mật như ông. Nhờ bức thư đó, sức chiến đấu trong ông trỗi dậy mãnh liệt.

Trước trận đánh Tua Hai lịch sử, ông được điều về Ban Địch tình của Xứ ủy Nam Bộ để chuẩn bị cài cắm vào hàng ngũ địch. Tuy nhiên, sau đó ông được giữ lại để làm nhiệm vụ huấn luyện đào tạo lực lượng Công an cho Cách mạng miền Nam. Năm 1961, ông cùng với đồng chí Tư Thắng (Huỳnh Việt Thắng - sau này là Phó Chánh án TAND tối cao) mở lớp huấn luyện đào tạo Công an đầu tiên cho 40 cán bộ An ninh T4 và tỉnh Tây Ninh. Đó là thế hệ Công an được đào tạo đầu tiên tại Trung ương Cục miền Nam. Kiến thức nghiệp vụ Công an thuở sơ khai chủ yếu dựa vào tài liệu khoa học nghiệp vụ của Công an nước ngoài. Ông và ông Tư Thắng phải mày mò chỉnh sửa từng bài học cho phù hợp với tình hình chiến trường miền Nam.

Có lần, ông Mười Ngón - cán bộ Công an khu vực Bình Tân (tức Bình Chánh và Tân Bình) thuộc Sài Gòn Gia Định báo bắt được một tên "gián điệp đội lốt"… người thiến heo dạo vào khu vực Cách mạng. Mười Ngón phát hiện tên thiến heo "có sử dụng một chiếc hộp quẹt đặc biệt dùng để đánh morse" nên bắt giữ. Mỗi lần gã thiến heo bật quẹt đốt thuốc là chiếc hộp quẹt cháy đèn nhấp nháy. Chiếc hộp quẹt được gửi đến Ban An ninh Trung ương Cục. Vừa trông thấy chiếc hộp quẹt, đồng chí Mai Chí Thọ đã la hoảng: "Bắt lầm người rồi". Thì ra, đó chỉ là chiếc hộp quẹt bình thường có trang trí thêm đèn nhấp nháy, chứ chẳng có "mọt, mẹc" gì cả - Chín Nghĩa nhớ lại bài học nghiệp vụ của ngành Công an miền Nam thuở sơ khai như vậy. Câu chuyện đó là dấu ấn khiến sau này, Chín Nghĩa luôn thận trọng trong từng vụ án. Và ông đã giải oan cho rất nhiều trường hợp ly kỳ.

Năm 1961, do yêu cầu chiến trường, Ban Địch tình được chuyển giao về cho Bộ Quốc phòng, ông cùng với 20 đồng đội khác được phân công ở lại Xứ ủy lập Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam do các ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm lãnh đạo trực tiếp. Năm 1962, Chín Nghĩa được phân công làm Chánh văn phòng Ban An ninh Trung ương Cục cho đến ngày đất nước giải phóng.

Ông Ngô Quang Nghĩa (bìa phải) và các đồng chí trong Ban An ninh Trung ương Cục, năm 1970.


"Ông giải oan"

Đất nước thống nhất, nhiều người xin về Trung ương, ông xin về địa phương. 11 năm làm Giám đốc Sở Công an Tây Ninh, ông đã chỉ huy trực tiếp phá nhiều vụ án mà người khác "không dám đụng tới".

Khi nhắc đến ông, nhiều người thường nhắc kèm vụ ông cương quyết phản đối bầu một Tỉnh ủy viên dù người này được đánh giá là cán bộ có năng lực. Một số vị lãnh đạo khó chịu cho rằng ông tư thù cá nhân. Một số người đã "méc" với Trung ương sự ngang ngạnh của ông. Tuy nhiên, ông có cái lý của mình. Bởi vì, từ lâu ông đã có trong tay chân dung lý lịch của người này. Ông ta đã từng là sĩ quan tình báo quân đội hoạt động ở Huế cho chế độ Ngô Đình Diệm. Diệm bị lật đổ, ông ta vào Nam sinh sống để che giấu lý lịch. Hòa bình, ông ta có lý lịch công dân bình thường và phấn đấu vào Đảng, leo dần lên và được giới thiệu vào Tỉnh ủy. Chín Nghĩa nắm được hết.

Sau này, bị chất vấn vì sao không công bố cho Tỉnh ủy biết sớm điều này, Chín Nghĩa trầm ngâm bảo: "Trước khi bắt một người, lòng còn phân vân rằng, bắt cũng được, tha cũng được thì không nên bắt. Ông ta giấu lý lịch để làm việc, cống hiến cho xã hội thì cứ để ông ta cống hiến. Nếu tôi công bố điều này, ông ta sẽ không còn điều kiện cống hiến trí lực. Nhưng việc ngăn cản không cho ông ta vào hàng ngũ Tỉnh ủy là việc cần phải làm để bảo vệ Đảng".

Ông phá án vụ Công ty Xuất nhập khẩu, vụ buôn lậu xăng dầu qua biên giới có đụng chạm đến một vài vị lãnh đạo. Biết nhưng ông vẫn cứ làm. Và điều xấu luôn bị ông khuất phục.

Ông là người đã chỉ huy lực lượng An ninh đeo bám địch suốt 10 năm (1975 - 1985) để phá một nhánh trong vụ án CM 12, phần "phản động đội lốt tôn giáo" tại Tây Ninh. Nhờ vậy, môi trường tín ngưỡng tôn giáo Cao Đài được bình yên.

Hồi năm 1976, ông nhận thấy một số anh em trong ngành có biểu hiện "kiêu binh" nên ông rất thận trọng khi xem báo cáo vụ án. Tết năm 1976, một số người dân bị Công an huyện bắt vì tội "phản động". Họ kêu oan đến ông. Ông đích thân đi xác minh vụ việc. Thì ra, mấy tay Công an đi nhậu về khuya bị té xe do con nít giăng dây ngang đường. Chỉ vậy thôi, thế mà mấy tay Công an này xuống lùa dân cư ngụ gần đó đem về giam và điều tra. Ông kỷ luật ngay mấy cán bộ Công an sau khi xác minh chính xác mọi chuyện, đồng thời tổ chức công khai để xin lỗi dân.

Một hôm, ông nhận được báo cáo của trinh sát cho biết, giờ G, ngày G, một phụ nữ sẽ đánh mìn khủng bố một vài cơ quan trọng yếu của tỉnh. Ông lập tức bố trí lực lượng phục kích đón lõng nhân vật này. Bắt xong, ông mới biết mình bắt oan một cán bộ phụ nữ xã. Thì ra, do ẩu và cũng do "kiêu binh", trinh sát đã báo cáo sai. Không chần chừ, ông tổ chức ngay cuộc xin lỗi công khai trước dân. Có lẽ đó là vụ Công an xin lỗi trước dân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất mà nhà Cách mạng - nhà báo Trần Bạch Đằng từng nhắc đến nhiều lần trong các bài báo về đạo đức Cách mạng trong thời kỳ đổi mới.

Năm 1987, ông nhận nhiệm vụ làm Phó trưởng đoàn thứ nhất Đoàn Chuyên gia Bộ Nội vụ Việt Nam tại Campuchia. Đến năm 1989, ông được rút về Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) làm Phó trưởng Ban nghiên cứu lịch sử ngành Công an chuyên trách phía Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 1997 với quân hàm Thiếu tướng.

Trong giai đoạn nghiên cứu lịch sử Lực lượng Công an, ông đã phát hiện nhiều vụ án oan xảy ra trong thời kháng chiến chống Mỹ. Với lương tâm của một người Cộng sản chân chính, ông đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo giải oan nhiều vụ. Chính thời điểm được giao nhiệm vụ "nhận diện lịch sử" đó, ông là người đầu tiên trong cả nước đề xuất đi tìm hài cốt đồng đội. Ông được phân công làm trưởng ban chỉ đạo quy tập hài cốt liệt sĩ. Bản thân ông lội suối băng rừng truy tìm hơn 600 bộ hài cốt đồng đội nằm rải rác ở các cánh rừng Tây Nam.

Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quân Công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng nhất…

Ông là "thần tượng" của 3 người con. Con trai đầu của ông hiện là Giám đốc Sở Công an Tây Ninh, người con gái kế là giám đốc một công ty sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh và người con trai út là cán bộ kinh tế cho một đơn vị cổ phần.

Khi về hưu, ông mới có dịp về sống cùng và chăm sóc vợ là bà Trần Thị Muối tại một ngôi nhà nhỏ trong một con hẻm tại thị xã Tây Ninh.

Lúc sinh thời, Đại tướng Mai Chí Thọ thường nói về ông: "Phải gọi Chín Nghĩa là Chính Nghĩa mới đúng với cái chất của anh ấy"



Nông Huyền Sơn