Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa.
Chính ông cũng không biết mình sinh ngày nào, chỉ biết, được sinh ra vào năm 1928. Cha mẹ ông thuộc hạng bần cố nông ở vùng Hiệp Thạnh, Trảng Bàng (nay là Gò Dầu), tỉnh Tây Ninh. Ông là con thứ 9. Các anh chị của ông, khi trưởng thành đều chấp nhận cuộc sống khổ cực của nông dân. Không ai khai ngộ cách mạng cho ông cả mà chính ông đã tự khai ngộ cho mình.
Đi làm cách mạng vì thần tượng Cộng sản
Không có khai sinh, cái tên cha mẹ đặt là Ngô Văn Thập chỉ là cái tên cúng cơm chứ không có văn tự. Để được cắp sách đến trường tiểu học, ông phải mượn giấy khai sinh của người anh con bác mang tên Ngô Văn Chừng.
Năm 1943, học xong tiểu học, ông trả giấy khai sinh cho người anh rồi đi làm công nhân cao su ở đồn điền Vên Vên (Gò Dầu - Tây Ninh). Khoác áo công nhân, ông có dịp nghe về phong trào khởi nghĩa Nam Kỳ của những người Cộng sản, về lá cờ đỏ búa liềm. Trong ông, người Cộng sản không sợ chết, không sợ tù đày. Người Cộng sản xuất quỷ nhập thần, thoắt ẩn thoắt hiện. Người Cộng sản rất quân tử...
Một lần, ông đi bộ từ Gò Dầu về Trảng Bàng thăm người chị. Băng qua ruộng dưa hấu sắp thu hoạch, ông bắt gặp dấu vết của ai đó đã ngồi tại chỗ thưởng thức quả dưa cắt trộm, vỏ còn vương vãi. Tuy nhiên, nơi dấu dưa bị mất trộm có một đồng bạc. Ông kể cho chị nghe. Chị bảo: "Cộng sản làm vậy đó. Ăn dưa của dân là họ trả tiền sòng phẳng".
Lần khác, tên Tây ác ôn có tên là Ạc Nô (Arnold) - Cai quản công nhân cao su vùng Gò Dầu - cùng tài xế đi nhận tiền lương của công nhân, lúc trở về bị nghĩa quân Cộng sản đón đường giết chết. Nhưng họ không cướp tiền mà tha cho tài xế mang tiền về để phát cho công nhân.
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, Pháp tăng cường lùng sục lực lượng kháng chiến. Ông chứng kiến cảnh lính mã tà bắt được hai thiếu niên Cộng sản chỉ trạc tuổi ông. Bị đánh đập, tra tấn rất dã man nhưng hai người Cộng sản trẻ tuổi một mực không khai báo địa điểm ẩn náu của nghĩa quân. Họ chết dũng cảm.
Hình tượng người Cộng sản trở nên thiêng liêng, thần thánh. Ông tự tìm hiểu và nhận ra rằng, Cộng sản là người đòi lại quyền dân tộc, đòi lại đất nước cho tổ quốc, đồng bào. Ông nung nấu ý định đi theo Cộng sản và chờ dịp. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông bỏ xưởng cao su về nhà làm nông dân.
Ông Chín Nghĩa (thứ 2 từ phải qua) họp mặt cùng đồng đội trong Ban An ninh Trung ương Cục, năm 2009.
Vất mạ cấy theo cách mạng
Ông có một người chú họ tên là Trần Văn Đề. Là Hương bộ nhưng lòng ông Đề hướng theo Cách mạng. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Hương bộ Đề giữ chức trưởng Công an xã Hiệp Thạnh.
Một ngày cuối thu năm 1947, anh nông dân Chín Nghĩa đang vận xà lỏn cấy lúa ngoài đồng thì có 2 người thanh niên đến gặp bảo: "Ông Út Đề gọi mày lên xã gặp ổng". Vất bó mạ đang cấy dở, Chín Nghĩa rửa tay chân qua loa theo 2 người thanh niên trên. Vừa gặp, ông Đề nói đơn giản: "Chữ mày đẹp, theo tao làm thư ký Công an". Vậy là Chín Nghĩa trở thành người của cách mạng. Lúc đó, ông 19 tuổi.
Nhiệm vụ của ông là ghi chép sổ sách và ghi khẩu cung những người bị bắt. Ông nghĩ, làm Công an Cách mạng không chỉ bảo vệ Cách mạng mà còn bảo vệ người dân. Ông đã tìm cách cứu thoát án tử cho nhiều người bị nghi oan là Việt gian. Cấp trên chú ý đến ông nhờ khả năng khai thác lời khai. Năm 1948, ông được điều động về làm thư ký cho Trưởng Công an khu Ba Nam Bộ và được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1949. Ông đã giúp ngành Công an nhận diện rõ nội vụ nhiều vụ án.
Cũng có lúc, ông được phân công về tổ Tuyên huấn cùng với Ba Mực (sau này là nhạc sĩ Xuân Hồng), Nguyễn Văn Tiền (sau này là tiến sĩ âm nhạc). Giai đoạn khó khăn nhất, ông lại được điều động xây dựng phong trào Đảng tại 3 xã Ninh Điền, Phụm Xoài, Long Vĩnh của huyện Châu Thành, Tây Ninh. Ba xã này bị địch bố ráp, xóa trắng, không có chi bộ. Ông đã len lỏi giữa những cuộc truy lùng của địch để tạo dựng cơ sở và xây dựng 3 chi bộ Đảng cho 3 xã này. Ba đơn vị này sau đó đã trở thành "3 mũi tên Cách mạng" của huyện Châu Thành.
Chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng luật 10/59, khắp nơi, lực lượng kháng chiến bị tắm máu. Lực lượng đảng viên mỏng dần. Ông ngồi giữa rừng sâu, đọc bức thư của Trung ương Đảng gửi cho lực lượng đảng viên miền Nam. Ông đã khóc mùi mẫn. Ông xúc động vì biết được Trung ương vẫn quan tâm đến những người nằm gai, nếm mật như ông. Nhờ bức thư đó, sức chiến đấu trong ông trỗi dậy mãnh liệt.
Trước trận đánh Tua Hai lịch sử, ông được điều về Ban Địch tình của Xứ ủy Nam Bộ để chuẩn bị cài cắm vào hàng ngũ địch. Tuy nhiên, sau đó ông được giữ lại để làm nhiệm vụ huấn luyện đào tạo lực lượng Công an cho Cách mạng miền Nam. Năm 1961, ông cùng với đồng chí Tư Thắng (Huỳnh Việt Thắng - sau này là Phó Chánh án TAND tối cao) mở lớp huấn luyện đào tạo Công an đầu tiên cho 40 cán bộ An ninh T4 và tỉnh Tây Ninh. Đó là thế hệ Công an được đào tạo đầu tiên tại Trung ương Cục miền Nam. Kiến thức nghiệp vụ Công an thuở sơ khai chủ yếu dựa vào tài liệu khoa học nghiệp vụ của Công an nước ngoài. Ông và ông Tư Thắng phải mày mò chỉnh sửa từng bài học cho phù hợp với tình hình chiến trường miền Nam.
Có lần, ông Mười Ngón - cán bộ Công an khu vực Bình Tân (tức Bình Chánh và Tân Bình) thuộc Sài Gòn Gia Định báo bắt được một tên "gián điệp đội lốt"… người thiến heo dạo vào khu vực Cách mạng. Mười Ngón phát hiện tên thiến heo "có sử dụng một chiếc hộp quẹt đặc biệt dùng để đánh morse" nên bắt giữ. Mỗi lần gã thiến heo bật quẹt đốt thuốc là chiếc hộp quẹt cháy đèn nhấp nháy. Chiếc hộp quẹt được gửi đến Ban An ninh Trung ương Cục. Vừa trông thấy chiếc hộp quẹt, đồng chí Mai Chí Thọ đã la hoảng: "Bắt lầm người rồi". Thì ra, đó chỉ là chiếc hộp quẹt bình thường có trang trí thêm đèn nhấp nháy, chứ chẳng có "mọt, mẹc" gì cả - Chín Nghĩa nhớ lại bài học nghiệp vụ của ngành Công an miền Nam thuở sơ khai như vậy. Câu chuyện đó là dấu ấn khiến sau này, Chín Nghĩa luôn thận trọng trong từng vụ án. Và ông đã giải oan cho rất nhiều trường hợp ly kỳ.
Năm 1961, do yêu cầu chiến trường, Ban Địch tình được chuyển giao về cho Bộ Quốc phòng, ông cùng với 20 đồng đội khác được phân công ở lại Xứ ủy lập Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam do các ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm lãnh đạo trực tiếp. Năm 1962, Chín Nghĩa được phân công làm Chánh văn phòng Ban An ninh Trung ương Cục cho đến ngày đất nước giải phóng.
Ông Ngô Quang Nghĩa (bìa phải) và các đồng chí trong Ban An ninh Trung ương Cục, năm 1970.
"Ông giải oan"
Đất nước thống nhất, nhiều người xin về Trung ương, ông xin về địa phương. 11 năm làm Giám đốc Sở Công an Tây Ninh, ông đã chỉ huy trực tiếp phá nhiều vụ án mà người khác "không dám đụng tới".
Khi nhắc đến ông, nhiều người thường nhắc kèm vụ ông cương quyết phản đối bầu một Tỉnh ủy viên dù người này được đánh giá là cán bộ có năng lực. Một số vị lãnh đạo khó chịu cho rằng ông tư thù cá nhân. Một số người đã "méc" với Trung ương sự ngang ngạnh của ông. Tuy nhiên, ông có cái lý của mình. Bởi vì, từ lâu ông đã có trong tay chân dung lý lịch của người này. Ông ta đã từng là sĩ quan tình báo quân đội hoạt động ở Huế cho chế độ Ngô Đình Diệm. Diệm bị lật đổ, ông ta vào Nam sinh sống để che giấu lý lịch. Hòa bình, ông ta có lý lịch công dân bình thường và phấn đấu vào Đảng, leo dần lên và được giới thiệu vào Tỉnh ủy. Chín Nghĩa nắm được hết.
Sau này, bị chất vấn vì sao không công bố cho Tỉnh ủy biết sớm điều này, Chín Nghĩa trầm ngâm bảo: "Trước khi bắt một người, lòng còn phân vân rằng, bắt cũng được, tha cũng được thì không nên bắt. Ông ta giấu lý lịch để làm việc, cống hiến cho xã hội thì cứ để ông ta cống hiến. Nếu tôi công bố điều này, ông ta sẽ không còn điều kiện cống hiến trí lực. Nhưng việc ngăn cản không cho ông ta vào hàng ngũ Tỉnh ủy là việc cần phải làm để bảo vệ Đảng".
Ông phá án vụ Công ty Xuất nhập khẩu, vụ buôn lậu xăng dầu qua biên giới có đụng chạm đến một vài vị lãnh đạo. Biết nhưng ông vẫn cứ làm. Và điều xấu luôn bị ông khuất phục.
Ông là người đã chỉ huy lực lượng An ninh đeo bám địch suốt 10 năm (1975 - 1985) để phá một nhánh trong vụ án CM 12, phần "phản động đội lốt tôn giáo" tại Tây Ninh. Nhờ vậy, môi trường tín ngưỡng tôn giáo Cao Đài được bình yên.
Hồi năm 1976, ông nhận thấy một số anh em trong ngành có biểu hiện "kiêu binh" nên ông rất thận trọng khi xem báo cáo vụ án. Tết năm 1976, một số người dân bị Công an huyện bắt vì tội "phản động". Họ kêu oan đến ông. Ông đích thân đi xác minh vụ việc. Thì ra, mấy tay Công an đi nhậu về khuya bị té xe do con nít giăng dây ngang đường. Chỉ vậy thôi, thế mà mấy tay Công an này xuống lùa dân cư ngụ gần đó đem về giam và điều tra. Ông kỷ luật ngay mấy cán bộ Công an sau khi xác minh chính xác mọi chuyện, đồng thời tổ chức công khai để xin lỗi dân.
Một hôm, ông nhận được báo cáo của trinh sát cho biết, giờ G, ngày G, một phụ nữ sẽ đánh mìn khủng bố một vài cơ quan trọng yếu của tỉnh. Ông lập tức bố trí lực lượng phục kích đón lõng nhân vật này. Bắt xong, ông mới biết mình bắt oan một cán bộ phụ nữ xã. Thì ra, do ẩu và cũng do "kiêu binh", trinh sát đã báo cáo sai. Không chần chừ, ông tổ chức ngay cuộc xin lỗi công khai trước dân. Có lẽ đó là vụ Công an xin lỗi trước dân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất mà nhà Cách mạng - nhà báo Trần Bạch Đằng từng nhắc đến nhiều lần trong các bài báo về đạo đức Cách mạng trong thời kỳ đổi mới.
Năm 1987, ông nhận nhiệm vụ làm Phó trưởng đoàn thứ nhất Đoàn Chuyên gia Bộ Nội vụ Việt Nam tại Campuchia. Đến năm 1989, ông được rút về Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) làm Phó trưởng Ban nghiên cứu lịch sử ngành Công an chuyên trách phía Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 1997 với quân hàm Thiếu tướng.
Trong giai đoạn nghiên cứu lịch sử Lực lượng Công an, ông đã phát hiện nhiều vụ án oan xảy ra trong thời kháng chiến chống Mỹ. Với lương tâm của một người Cộng sản chân chính, ông đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo giải oan nhiều vụ. Chính thời điểm được giao nhiệm vụ "nhận diện lịch sử" đó, ông là người đầu tiên trong cả nước đề xuất đi tìm hài cốt đồng đội. Ông được phân công làm trưởng ban chỉ đạo quy tập hài cốt liệt sĩ. Bản thân ông lội suối băng rừng truy tìm hơn 600 bộ hài cốt đồng đội nằm rải rác ở các cánh rừng Tây Nam.
Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quân Công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng nhất…
Ông là "thần tượng" của 3 người con. Con trai đầu của ông hiện là Giám đốc Sở Công an Tây Ninh, người con gái kế là giám đốc một công ty sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh và người con trai út là cán bộ kinh tế cho một đơn vị cổ phần.
Khi về hưu, ông mới có dịp về sống cùng và chăm sóc vợ là bà Trần Thị Muối tại một ngôi nhà nhỏ trong một con hẻm tại thị xã Tây Ninh.
Lúc sinh thời, Đại tướng Mai Chí Thọ thường nói về ông: "Phải gọi Chín Nghĩa là Chính Nghĩa mới đúng với cái chất của anh ấy"
Nông Huyền Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét