Sách Trang Tử tinh hoa có chép '' Đời sở dĩ loạn không phải vì không có người lo cho đời mà là vì có quá nhiều người lo cho đời'.
Hay như Einstein từng nói '' Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”
Người lo cho đời, những người chỉ biết đứng nhìn ...hơn ai hết có thể nói là giới được mệnh danh là tinh hoa của xã hội loài người " Trí thức"
Trí thức phải chăng là người có trí và luôn dùng cái trí của mình để góp phần thức tỉnh xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp?
Như vậy phải chăng người trí thức là người có sự hiểu biết- dùng sự hiểu biết của mình thức tỉnh xã hội và hướng xã hội đến cái đúng, cái đẹp, hướng xã hột đến cái Chân - Thiện- Mỹ. Hay nói một cách nôm na, trí thức là người “có Trí”, “có Thức” và “có Tâm”
Nói vui, đại khái người “có trí” (sự hiểu biết) nhưng lại “không thức” (không thức tỉnh xã hội) mà để cho xã hội “ngủ” thì nên gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Nếu ai đó thích làm cái việc của trí thức là “đánh thức xã hội” nhưng lại “thiểu trí”, “lệch trí” hay “vô trí” thì gọi là “trí dỏm” (cũng có học hàm, học vị nhưng đầu óc lại trống rỗng, hoặc cũng có chút hiểu biết nhưng hiểu biết đó lại thể hiện sự lệch lạc và ẫu trĩ). Và nếu ai đó “có trí”, “có thức”, nhưng “thiếu tâm” (thiếu động cơ trong sáng) thì gọi là “trí gian” (gian manh, xu thời, cơ hội). Cả 2 loại “trí dỏm” và “trí gian” xứng danh là '' Ngụy trí thức " vậy.
Quá nhiều người lo cho đời ở đây cũng chính là quá nhiều Ngụy trí thức lo cho đời. Ngụy trí thức lo cho đời sẽ sanh loạn.
Câu nói của Einstein đặt vấn đề rất rõ về Trách nhiệm xã hội . Trách nhiệm “làm người” của một người bình thường đối với cái xã hội hay cái cộng đồng mà mình đang sống. Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội này còn lớn hơn. Trách nhiệm của người được xem là trí thức sẽ lớn hơn một người được xem là người bình thường.
giáo sư Ngô bảo Châu đã phát biểu " trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã đặt một vấn đề rất hay "Khi bàn về trí thức thì người ta thường bàn về vai trò, trách nhiệm, công việc, sứ mệnh, thiên chức của trí thức. Tuy nhiên, cũng cần phải bàn về “điểm mù” của trí thức, dù trí thức có cái trí hơn người. Bởi lẽ, trí thức cũng là con người, mà đã là con người thì cũng sẽ có cái nhầm, có lúc sai mà mình không hề biết; Bởi lẽ, trí thức cho dù có trí thế nào đi nữa thì sự hiểu biết vẫn chỉ là hữu hạn. Điểm mù ở đây được hiểu là “mình không biết cái mà mình không biết” hay “mình cứ tưởng mình hiểu rất rõ một thứ nhưng thực ra mình chẳng hiểu gì cả hay hiểu một cách lệch lạc”. Khi chia sẻ, tranh luận hay góp ý sẽ giúp mỗi người nhìn thấy điểm mù của người và của mình. Khi nhận ra điểm mù của mình cũng là lúc “mình biết rõ cái mà mình không biết”; và khi nhận ra những “cái mà mình không biết” cũng là lúc cảm thấy mình thực sự hiểu biết. Đó cũng là điều kiện để mình có thể hiểu biết thực sự và là cơ hội để đẩy nhận thức và hiểu biết của mình đi xa hơn.
Do vậy, cùng với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình. Nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay thậm chí là “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò “thức tỉnh xã hội” vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.
Định nghĩa của giáo sư Ngô Bảo Châu bị không ít phản ứng khi ông phủ định vai trò phản biện của trí thức. Vai trò phản biện này cũng không được đề cập đến trong Khái niệm về Trí thức của đảng Cộng sản Việt Nam
Vai trò phản biện- phản tỉnh- xã hội nào cũng cần.
Thế nhưng nếu một trí thức không nhận ra " điểm mù" của bản thân thì họ có còn là trí thức không hay biến thành " ngụy trí thức"?
Blogger Bs Ngọc đưa ra 6 tiêu chí để nhận dạng một trí thức chân chính để phân biệt với Ngụy trí thức rất hợp lý như sau
1.Vượt tầm:
Người trí thức chân chính không chỉ là người có chuyên môn cao, mà còn phải có những đóng góp ngoài chuyên ngành của mình. Có chuyên môn cao là một intellectual worker (có lẽ dịch là người lao động trí óc) Người trí thức đi ra ngoài phạm vi chuyên môn của một intellectual worker, bằng cách đóng góp ý kiến, phản biện những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị, triết học … GS Trần Ngọc Ninh, BS Nguyễn Khắc Viện là những người của ngành y, nhưng các bậc đàn anh đó còn là những nhà văn hoá có tiếng. Họ xứng đáng là những intellectual – nhà trí thức. Người trí thức chân chính không chỉ có tầm mà còn có tâm. Họ đau đáu lo chuyện quốc gia đại sự dù họ không có quyền.
2.Khiêm tốn:
Người trí thức là những người khiêm tốn, vì họ ý thức được rằng kiến thức của mình còn hạn chế. Khiêm tốn tri thức còn có nghĩa người trí thức không khẳng định những gì mình chưa biết hay chưa có chứng cứ. Dĩ nhiên, khiêm tốn ở đây cũng có nghĩa là người trí thức không nên tự phụ, kiêu căng, khoác lác, kiêu ngạo, mà phải sử dụng logic và chứng cứ để phát biểu một cách hợp lý. Việt Nam không thiếu những người cũng mang danh giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhưng kỳ thực là họ không có kiến thức uyên bác về lĩnh vực họ phát biểu. Thay vào đó là những khoa ngôn, rừng chữ cầu kỳ, màu mè, mà chính họ cũng không hiểu họ nói gì. Những kẻ đó tôi gọi là nguỵ trí thức. Giới báo chí thường hay bị lừa bởi những nguỵ trí thức. Mới đây đã xảy ra trường hợp một ông bác sĩ hay dùng những từ ngữ triết học cao siêu được mời viết bài và giảng ở Đại học quốc gia TPHCM, nhưng chỉ vài ngày thì người ta phát hiện ông ta chỉ là loại nguỵ trí thức.
3.Can đảm, dấn thân:
Người trí thức thật sự khác với trí thức trùm chăn. Trí thức trùm chăn là những kẻ cũng có bằng cấp cao, cũng danh xưng đầy mình, cũng lao động trí óc, nhưng không có khả năng hình thành một quan điểm độc lập. Họ có thể nhận ra những gì là sai, nhưng họ không dám nói ra, chỉ “trùm chăn” hay đóng vai 3 con khỉ không muốn nghe, không muốn thấy, và không muốn nói. Loại này thì có nhiều ở Việt Nam. Ở bàn nhậu họ phát biểu rất hăng, nhưng khi họp chi bộ thì họ là những con mèo đáng thương hại. Ngược lại với loại trí thức dỏm (trùm chăn) đó là trí thức thật, những người không khi nào chấp nhận lý lẽ của người khác một cách dễ dãi, không bao giờ chấp nhận giáo điều, không bao giờ khuất phục trước những kẻ quyền thế. Đặc tính can đảm đặt người trí thức ở tình thế có khi nguy hiểm.
4.Thấu cảm:
Người trí thức chân chính lúc nào cũng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu họ. Đặc tính này có tương quan với khả năng hình thành quan điểm và lý trí của người khác, và lý giải từ những giả định, tiền đề và ý tưởng của chính mình. Thấu cảm còn có nghĩa là người trí thức sẵn sàng chấp nhận mình sai cho dù mình tin tưởng rằng mình đúng. Những loại trí thức dỏm không có đặc tính thấu cảm, bởi họ không bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Họ có thể là những người ở nước ngoài, không chịu sự chi phối của các nhóm quyền lực chính trị, nhưng họ sẵn sàng lớn tiếng lên tiếng lên lớp đồng môn trong nước là “phản biện trung thành” và lấy làm hài lòng sự lên lớp của mình.
5.Liêm chính:
Người trí thức chân chính là người áp dụng những quy chuẩn khoa học để đánh giá những lý giải và chứng cứ của mình, chứ không phải dễ dãi với những gì mình tin tưởng. Nói cách khác, người trí thức dùng quy chuẩn khoa học chẳng những cho người khác mà còn cho chính mình. Điều này đòi hỏi người trí thức phải thành thật chấp nhận những quan điểm khác với mình. Đặc tính này tương phải với nguỵ trí thức, những kẻ không có khả năng lắng nghe quan điểm của người khác, không đủ can đảm để ghi nhận phê bình của người khác. Nguỵ trí thức cũng là loại trùm chăn, vì đầu óc họ (cũng lao động trí óc) chỉ biết có một quan điểm, chỉ tin vào một thần tượng. Bất cứ ai phê bình thần tượng của họ, họ nổi nóng và lảm nhảm. Một loại nguỵ trí thức khác là lên giọng dạy người khác rằng khi phản biện phải có am hiểu vấn đề nhưng bản thân họ thì chẳng có bất cứ một kiến thức nào về vấn đề họ phản biện. Đó là loại nguỵ trí thức tiền hậu bất nhất, một tiêu chuẩn cho mình, một tiêu chuẩn cho người khác.
6.Kiên trì và trung thành:
Người trí thức chân chính là người trung thành với lý tưởng của mình, tin rằng lý tưởng đó sẽ làm cho xã hội tốt hơn. Họ kiên trì theo đuổi những sự thật hay nguyên lý mà họ tin tưởng, bất chấp những khó khăn, cản trở, và đe doạ. Khác với trí thức chân chính, nguỵ trí thức thay đổi quan điểm khi có điều kiện.
Xem ra, với 6 tiêu chí này thì quả thật không dễ dàng trở thành một người trí thức chân chính.nhưng cốt lõi để trở thành một trí thức chân chính, theo tôi là phải nhận thức được " điểm mù" của bản thân để có thể phản tỉnh chính mình. Một khi không phản tỉnh được mình thì sẽ không thực hiện được vai trò phản biện, phản tỉnh xã hội của người trí thức chân chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét