Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Sự thật bên ngoài", "sự thật bên trong"


HOÀNG Hồng-Minh




Tôi cầm một chiếc đũa "thẳng", đem nhúng nó vào cốc nước: tôi thấy nó "bị bẻ quặt" đi.
Tôi yên tâm nói: chiếc đũa này "thẳng", khẳng định sự thông minh của mình.

***

Cái gì đã xảy ra?

Hình ảnh chiếc đũa bị bẻ quặt qua cốc nước thực tế đã thách thức sự hiểu biết của tôi, làm tự ái và đe dọa cái "biết rồi" của tôi. Tôi tìm cách đốt cháy, thủ tiêu sự thách thức này đi, để bảo tồn lòng kiêu hãnh vô thức của mình, để yên tâm mà sống. Tôi đã phát biểu ra được phần nào cái "sự thật bên ngoài" qua kinh nghiệm của riêng mình, chiếc đũa này "thẳng". Mặt khác, tôi đã cố gắng xóa sổ đi cái "sự thật bên trong" của tinh thần của mình, xóa sổ một vấn đề mà bản thân tôi chưa có giải pháp tường tận.

Thực ra, ngay cả ví như tôi đã có được "giải pháp tường tận" cho câu chuyện này đi chăng nữa, thì cái “sự thật bên trong” kia vẫn phải tồn tại. "Sự thật bên trong" ấy là, “tôi nhìn thấy chiếc đũa bị bẻ quặt trong cốc nước”. Tôi phải ghi nhận, phải phát biểu được tường minh sựt hật này, trước khi, cùng với, và ngay cả sau khi đã tìm cách lý giải nó.

***

Câu chuyện trên đây có vẻ như đáng để thủ tiêu đi, vì ai cũng "biết rồi". Nhưng nó chính là một đầu mối quan trọng về "sự thật bên trong" của tinh thần.

Cuộc sống của con người bị - được chìm nhúng trong một bể vữa hồ "tập tục trộn luận lý".

Anh chàng thanh niên lớn lên ở Pháp từ lúc hai tuổi mới đây khoe với tôi tấm thẻ căn cước mới được làm ở xứ Việt. Tấm thẻ ghi "nguyên quán" của anh chàng ở một làng quê hẻo lánh miền trung. "Sao anh biết nguyên quán này?" "Nguyên quán này được ghi trong giấy tờ cũ của bố tôi." "Bố anh đã có dịp về làng quê hẻo lánh ấy chưa?" "Dạ, chưa. Nhưng mà giấy tờ cũ của bố của bố tôi ghi làng quê ấy là nguyên quán ạ." "Thế nguyên quán của bố của ông nội anh có ở đấy không?” “Dạ, chịu ạ". “Bao nhiêu đời thì là nguyên quán ?” “Dạ, chịu ạ". "Thế nguyên quán của mẹ của bố anh có ở đấy không?” “Dạ, chịu ạ". "Thế nguyên quán của mẹ anh có ở đấy không?” “Dạ, chịu ạ"…“Thế ghi cái thông tin nửa chừng, không đầy đủ, và không chắc chắn ấy vào giấy căn cước để mà làm gì?” “Dạ, hỏi khó quá ạ.”… Nếu bỏ công đi tìm và vẽ lại con đường tổ tiên, vật chất và văn hóa, của anh chàng thanh niên này, cái làng nọ, nếu đúng, cũng sẽ chỉ là một ngọn suối nhỏ xíu, và chưa chắc đã là quan trọng nhất, dẫn đến anh ta, trong một số lớn hơn rất nhiều các ngọn suối khác. Nhưng như vậy đó, con người ta say sưa bấu bám vào tập tục luận lý hóa, khỏi phải suy nghĩ, đến mức coi điều đón hư một “chân lý tuyệt đối”, "quan trọng hết mực", để mà nhất nhất phải in ép điều đó vào tấm thẻ căn cước của anh chàng kia. Và người ta đã yên tâm đốt cháy bao nhiêu là các "sự thật bên trong" khác đi,một cách ngây ngô đường bệ, để được tự yên tâm là thông thái.

Món vữa hồ "tập tục trộn luận lý" vừa là một của nả, vừa là một thứ thuốc mê ngự trị con người. Yên tâm đến mức nghiện, con người và cộng đồng mất dần khả năng nhìn ra, nhìn lại, kiểm kê các “sự thật bên trong” khác nữa của mình. Hơn thế nữa, con người và cộng đồng có xu thế phủ nhận nhiều "sự thật bên trong" khác như một cơ chế dị ứng, nhất quyết phải đốt đi các "sự thật bên trong" đó nếu như chúng thuộc diện gây khó, gây phiền phức cho cái sự thật bên ngoài đã yên vị nằm ườn trên tấm tranh lụa phẳng phiu của tâm khảm mình.

***

Cuộc sống của mỗi người, của mỗi cộng đồng thường vẫn êm ả trên những đoạn đường đời… cho đến lúc gặp phải những ngã ba ngã bảy. Đấy là lúc người ta bị buộc phải tự vấn, tự kiểm, tự quyết, xem mình từ đâu đến, muốn đi về đâu, chọn con đường nào, thậm chí phải mở những con đường mới… hoặc, mặc kệ, đến đâu thì đến.

Đó là lúc mà các món vữa hồ "tập tục trộn luận lý" đã đóng cứng không đủ tính “vạn năng-tưởng như” cho người ta nữa. Phải rà lại, làm hiện hình tường minh lại những "chiếc đũa bị bẻ quặt", phải đối diện lại với tất cả những "sự thật bên trong" của mình, vượt qua sự lười trây và lòng sợ hãi món vữa hồ tập tục luận lý hóa đáng phải bị - được vượt qua. Để tìm ra những sự thật trong – ngoài lớn lao hơn, đầy đủ hơn, căn bản hơn, để vững đi tiếp được trên đường đời… Hoặc, mặc kệ, đến đâu thì đến.

***

Rốt cuộc, điều mà mỗi người, mỗi cộng đồng thờ phụng, mới là cái máy đẩy thực sự.
Tại sao lại cứ phải suy nghĩ phức tạp như thế này mà làm gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét