Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Tin tức rất có hại – Từ bỏ thói quen đọc tin tức bạn sẽ hạnh phúc hơn







Trong vài thập kỷ qua, những người có cuộc sống khá giả trong xã hội phương Tây đã bắt đầu nhận ra sự nguy hại của việc tiêu thụ thực phẩm bừa bãi: Chúng gây ra các bệnh béo phì, tiểu đường… Riêng ở Mỹ, hơn 1/3 dân số mắc bệnh béo phì. Nó đã trở thành vấn nạn nhức nhối với những người dân không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước phát triển nói chung. Họ đã bắt đầu khắt khe hơn với vấn đề thực phẩm và cố gắng thay đổi chế độ ăn uống của mình: Quan tâm xem hàng ngày mình ăn gì, loại thức ăn đó chứa nhiều đường không, chứa bao nhiêu kcal…

Ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng đang sống ở trong thời kỳ quá dư thừa về thông tin, nhưng hầu hết chúng ta chưa hiểu về hệ quả của việc dư thừa đó với tâm trí của mình. Thực sự thì ảnh hưởng của tin tức đối với tư duy cũng tương đồng với ảnh hưởng của chất đường đối với cơ thể. Chúng đều dễ “tiêu hóa”. Truyền thông cho chúng ta ăn từng mẩu “tin tức bọc đường” nho nhỏ, chẳng gây ra ảnh hưởng nguy hại gì nhãn tiền để ta có thể ngay lập tức nhận ra, và ta dễ dàng phớt lờ và tiếp tục nuốt chúng. Tiêu hóa từng mẩu nhỏ một, ta sẽ chẳng có cảm giác chán ăn hay bội thực. Điều đó khác xa với việc đọc những cuốn sách hoặc các bài viết dài trên tạp chí, nơi hàm lượng thông tin đậm đặc. Chúng ta có thể tiêu thụ một số lượng vô hạn của các mẩu tin vắn, và đó giống như là những viên kẹo dành cho trí não. Hôm nay, chúng ta đã đạt đến kết quả tương đồng với cái chúng ta đã đến cách đây 20 năm trong lĩnh vực thực phẩm. Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng tiêu thụ thông tin không đúng cách có thể độc hại thế nào.
Tin tức gây lệch lạc

Lấy ví dụ sự kiện sau đây (mượn từ Nassim Taleb). Một chiếc xe lái qua một cây cầu, và cây cầu sập. Giới truyền thông tập trung vào điều gì? Xe. Người trong xe. Nơi ông ta đến. Nơi ông dự định đi . Trải nghiệm ông đã phải trải qua trong vụ tai nạn (nếu còn sống). Nhưng tất cả chúng chẳng đáng để chúng ta phải bận tâm nhiều. Thế thì cái gì đáng để bận tâm? Đó là tại sao câu cầy sập, đó mới chính là mối nguy hiểm tiềm tàng, có thể đang ẩn nấp trong các cây cầu khác nữa. Chiếc xe ấy hào nhoáng, nó gây ấn tượng cảm xúc mạnh, và nhân vật chính là một con người chứ không phải một vật vô tri khác. Thế nhưng điều quan trọng nhất đó chính là việc khai thác khía cạnh đó để đưa tin nhàn và tốn ít chi phí hơn nhiều so với việc đi phân tích các cây cầu.

Tin tức làm chúng ta bị lệch lạc hoàn toàn trong việc đánh giá cái gì là nguy hại và cái gì thì không. Chủ nghĩa khủng bố bị phóng đại thái quá. Stress do làm việc quá sức thì bị xem nhẹ. Ảnh hưởng của sự sụp đổ của các ngân hàng lớn thì bị thổi phồng. Trách nhiệm của những nhà dự báo kinh tế thì bị chẳng được nhắc đến. Người ta xem trọng phi hành gia quá mức. Còn y tá thì bị đánh giá thấp. Danh sách cứ tiếp diễn mãi như vậy. Bạn có nghĩ ra trong những tin tức mà giới truyền thông Việt Nam khai thác và mổ xẻ thời gian gần đây, cái gì bị thổi phồng quá mức mà những thông tin quan trọng khác bị phớt lờ không? Cứu nạn máy bay Malaysia gặp nạn? Vụ Huyền Chip? Hôi của?

Chúng ta thường thiếu lý trí, sự bình tâm và dễ dàng bị truyền thông dắt mũi. Chứng kiến trực tiếp một vụ tai nạn máy bay trên truyền hình sẽ thay đổi thái độ của bạn đối với chính rủi ro đó, bất kể một thực tế đã được chứng mình rằng xác suất thực sự của việc rơi máy bay là cực nhỏ, và nó là phương tiện giao thông an toàn hơn ô tô, tàu hỏa rất nhiều. Nếu bạn đang nghĩ rằng ý tưởng tin tức có thể ảnh hưởng đến tư duy và thái độ của mình thật buồn cười, rằng mình hoàn toàn có thể đọc nó mà không bị nó tác động hay làm cho mình bị lệch lạc đi thì bạn đã lầm to. Những ông chủ ngân hàng và các nhà kinh tế học, những người mà đáng lý quyết định của mình phải dựa trên lý trí và các bằng chứng thực tế thay vì xu hướng của đám đông hay sự nhảy nhót nhất thời của giá cả đã cho thấy rằng con người hành động dựa trên cảm tính nhiều thế nào và ít dùng lý trí ra sao.

Aristoteles từng nói rằng: “Để một tâm trí có thể ngắm nghía, thưởng ngoạn một ý kiến, một quan điểm mà không phải chấp nhận, không phải tin vào nó đòi hỏi một sự giáo dục rất lớn.” Vậy nếu bạn không có khả năng nhìn được tổng thể, đa chiều ở một sự kiện mình chưa hiểu thực sự rõ và không muốn để truyền thông dắt mũi, bạn phải làm gì?

Giải pháp đơn giản nhất đó chính là cắt bỏ hoàn toàn khỏi việc tiêu thụ tin tức.
Tin tức ít có giá trị

Trong số 10 nghìn tin tức bạn đã đọc trong vòng 12 tháng trở lại đây, hãy thử kể tên điều gì đã thực sự giúp bạn tư duy tốt hơn, ra quyết định khiến cho cuộc sống của bạn tốt hơn, sự nghiệp của bạn tốt hơn? “Có đọc có hơn” là một sự lừa mị to lớn. Nếu bạn là một người thực tế, hãy để kết quả ngoài cuộc sống là câu trả lời chính xác nhất, chứ đừng là một tư duy đầy cảm tính và phổ biến sau đây: “Đọc báo không có lợi ở mặt này thì có lợi ở mặt khác, chưa phải bây giờ thì là sau này.” Như đã nói, con người không lý trí như mình nghĩ, và thực sự ít người có thể giỏi trong kiểu tư duy được-mất đó. Phần lớn bạn sẽ rơi vào nhóm những người bị mất hơn là được.

Mọi người càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm ra cái gì thực sự phù hợp cho bản thân mình, hay lớn hơn là kiểu tư duy của mình có còn phù hợp với xã hội ngày nay, với thời đại hiện giờ nữa hay không? Các tập đoàn truyền thông đưa cho bạn một giải pháp giản đơn cho câu hỏi đó : càng cập nhật những thông tin mới nhất, hiểu biết mới nhất về thế giới sẽ tạo cho bạn một lợi thế cạnh tranh to lớn so với người khác. Thế nhưng thực sự thì điều gì phù hợp với con người bạn mới giúp bạn đi đúng hướng, những điều mới nhất nhưng khiến cho bạn đi lệch khỏi bản chất của bạn chỉ tổ khiến cho bạn tốn thời gian vô ích. Tin tức không phù hợp chỉ tăng thêm tính bất lợi cho bạn mà thôi. Càng ít tiêu thụ chúng càng tốt cho bạn hơn.
Tin tức không cho bạn biết được điều gì đang thực sự diễn ra

Các mẩu tin là những cái bong bóng nhỏ nổ trên bề mặt chứ không cho bạn biết được điều gì đang tạo ra những bong bóng kia ở sâu bên dưới những gì bạn có thể nhìn thấy. Thu thập những mẩu dữ kiện đó có thể giúp bạn hiểu cách thế giới vận hành? Đáng buồn là không phải vậy. Những điều đang vận hành thế giới hay thay đổi thế giới này là những trào lưu, là những vận động ở dạng ngầm ẩn mà các nhà báo khó mà có thể phát hiện ra được.

Hãy nghĩ về những phát minh đã làm thay đổi thế giới. Trước khi chúng trở thành sự thật, trở thành một thế lực khiến giới truyền thông quan tâm đến là cả một thời kỳ dài tích lũy, nghiên cứu và phát triển trong âm thầm. Bill Gates bắt đầu được báo chí để mắt khi ông ở tầm tuổi 30, nhưng thực sự ông đã bắt đầu lập trình từ khi ông 13 tuổi. Nói cách khác một tài năng được thành hình trong lặng lẽ trong hai chục năm. Sẽ phải đòi hỏi một năng lực siêu phàm thì các nhà báo mới có thể phát hiện ra được những tài năng, những trào lưu đột phá đang âm thầm phát triển xung quanh họ. Thêm nữa, đó cũng chẳng phải việc nhà báo được trả lương phải làm. Báo chí và tin tức sẽ chỉ cho bạn biết thêm thông tin về những ai đã nổi tiếng, đã thành công mà thôi.


“Không có tiềng kèn nào được cất lên khi những quyết định quan trọng được tạo ra. Định mệnh được tạo nên trong âm thầm.” - Agnes de Mille

Bạn càng tiêu hóa nhiều mẩu tin tức vụn vặt kiểu đó, bạn càng có ít hiểu biết về bức tranh toàn cảnh của vấn đề. Nếu như nhiều thông tin hơn sẽ dẫn đến thành công cao hơn trong cuộc sống thì chắc hẳn những nhà báo, những học giả hay những người giao dịch chứng khoán hay những người đọc tin tức nhiều nói chung sẽ là những người giàu có và quyền lực nhất trong xã hội. Thực tế thì khác xa như vậy.
Tin tức độc hại đối với cơ thể của bạn

Nó liên tục kích hoạt hệ viền (limbic system) thuộc não bộ . Những câu chuyện đáng sợ thúc đẩy việc phát tán của các dòng của glucocorticoid (cortisol). Điều này làm nhiễu loạn hệ thống miễn dịch của bạn và ức chế sự phát tán của các hormone tăng trưởng. Nói cách khác, cơ thể sẽ gặp phải tình trạng căng thẳng mãn tính (chronic stress). Các mức độ glucocorticoid cao khiến cho tiêu hóa trục trặc, xương và tóc gặp trục trặc trong khả năng phát triển và tình trạng mẫn cảm với bệnh truyền nhiễm. Các tác dụng phụ có thể bao gồm sợ hãi, hung hăng, và thiếu nhạy cảm.
Tin tức làm tăng nhận thức lỗi

Tin tức nuôi dưỡng mầm mống của một loại lỗi nhận thức phổ biến: Sự củng cố thành kiến (confirmation bias). Nói như Warren Buffett: “Những gì con người làm tốt nhất là giải thích tất cả các thông tin mới làm sao cho các kết luận trước đó của họ vẫn chính xác.” Tin tức chỉ liên tục khiến bạn tin thêm vào những gì bạn đã biết trước đó. Điều đó khiến cho bạn trở nên tự tin thái quá, chấp nhận những rủi ro ngu ngốc và đánh giá sai lệch các cơ hội.

Hiện nay trên báo chí đầy rẫy những suy luận, gán ghép hết sức chủ quan và sai lệch. Nó đôi khi còn được ngụy trang bằng những gợi ý nho nhỏ, bạn nên suy nghĩ thế này, nên suy luận thế kia. Các bạn có quen thuộc với những câu chữ suy luận dạng: “Công ty phá sản vì X…” “Thế giới được thay đổi bởi Y…” Trong khi hoàn toàn thiếu những chứng cứ thuyết phục. Tôi đã thực sự chán ngấy khi đọc những bài báo đưa tin về một sự kiện diễn ra ngắn ngủn đi kèm với một nhận định đầy chủ quan và nguy hiểm ở cuối bài rồi. Các bạn chắc hẳn cũng chẳng xa lạ gì với điều kể trên, vậy tại sao vẫn tiếp tay cho chúng bằng việc tiếp tục đọc những tin tức kiểu đó, những tờ báo kiểu đó?
Tin tức ức chế suy nghĩ

Suy nghĩ đòi hỏi sự tập trung. Muốn tập trung được bạn cần thời gian không bị gián đoạn. Tin tức được thiết kế đặc biệt để gây sao nhãng, cản trở việc tư duy của bạn. Tin tức làm cho tư tưởng của chúng ta trở nên nông cạn.

Nhưng tin tức còn tồi tệ hơn cho khả năng ghi nhớ của bạn. Có hai loại bộ nhớ: Ngắn hạn và dài hạn. Khả năng của bộ nhớ dài hạn (long-range memory) là gần như vô hạn, nhưng bộ nhớ ngắn hạn (working memory) có giới hạn rất nhỏ. Đường đi từ trí nhớ ngắn hạn đến trí nhớ dài hạn là một nút thắt cổ chai của quá trình tư duy, nhưng bất cứ điều gì bạn muốn hiểu và ghi nhớ đều phải đi qua. Bởi vì tin tức nhồi vào trí nhớ ngắn hạn quá nhiều thông tin, khiến nó trở nên quá tải, ta sẽ chẳng nhớ và hiểu nổi thông tin nào một cách đầy đủ và tường tận.

Tin tức trực tuyến thậm chí còn tệ hơn. Trong một nghiên cứu năm 2001, hai học giả Canada cho thấy khả năng hiểu giảm khi số lượng các siêu liên kết (hyperlink) trong một tài liệu tăng lên. Tại sao vậy? Bởi vì bất cứ khi nào một liên kết xuất hiện, bộ não của bạn phải chia sẻ một ít trí năng của mình để phán đoán xem có click hay không. Nói cách khác báo chí và tin tức là một hệ thống được tạo nên với mục đích làm phân mảnh và rời rạc sự tập trung cũng như tư duy của bạn: Đọc mỗi thứ một tí, chỗ này một ít, chỗ kia một tẹo.

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về cách trí nhớ ngắn hạn và dài hạn hoạt động, có thể tham khảo bài viết này, ở chương 7,8,9 : Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta
Tin tức thay đổi cấu trúc bộ não

Khi đã theo dõi một chủ đề nào đó, ta sẽ có xu hướng tìm đọc và cập nhật những diễn biến mới của câu chuyện đó. Hình ảnh một người đăng một post lên Facebook và refresh liên tục để xem có ai like hay bình luận gì không có quen thuộc với bạn không? Cảm giác chờ đợi thứ đó gì đó mới kiểu vậy không khác mấy cảm giác khi chúng ta nghiện thứ gì đó : thuốc lá, rượu, cờ bạc, ma túy…

Trước kia các nhà khoa học nghĩ rằng cấu trúc vật lý của bộ não từ lúc trưởng thành cho tới lúc chết là không thay đổi , tuy nhiên điều này đã được khẳng định là không đúng. Bộ não người, kể cả những người trưởng thành đều rất mềm dẻo và dễ thay đổi. Nơron liên tục cắt đứt các kết nối cũ để hình thành nên các kết nối với nơron mới và cấu trúc vật lý của bộ não cũng như thói quen tư duy của chúng ta sẽ thay đổi theo. Càng nghiện thứ gì, thứ đó lại càng trở thành thói quen ưa thích, cách tư duy ưa thích của chúng ta. Ngày nay một vấn nạn dễ thấy đó là khả năng mất tập trung và khó tiêu hóa nổi những bài viết dài. Chỉ sau 5-10 phút đọc là chúng ta không thể tập trung để đọc tiếp được nữa, trong số đó có cả những người trước kia đã từng là độc giả trung thành của những quyển sách dày. Cấu trúc bộ não của họ đơn giản là đã bị thay đổi vì thói quen đọc báo.
Tin tức làm tốn thời gian vô ích

Nếu bạn đọc báo 15 phút mỗi buổi sáng, bạn sẽ lại tiếp tục tìm kiếm những tờ báo trong 15 phút buổi trưa, và chốc chốc mỗi 5 phút bạn lại thấy mình lên các tờ báo để tìm kiếm những thông tin mới. Cuối cùng bạn mất cả đống thời gian để tìm xem có gì mới hơn trên các tờ báo nữa hay không.

Thời đại ngày nay, thông tin không còn là một thứ thiếu thốn nữa, nhưng sự tập trung thì có. Thông tin là vô hạn, nhưng thời gian của bạn thì luôn luôn là hữu hạn. Bạn sẽ chẳng bao giờ tiêu tốn một cách vô trách nhiệm với những thứ quan trọng khác như tiền bạc, sức khỏe hay danh tiếng của mình. Vậy tại sao lại hành xử thiếu trách nhiệm như vậy với thời gian và tâm trí đến vậy?
Tin tức giết chết sự sáng tạo

Cuối cùng, những điều chúng ta đã biết hạn chế sự sáng tạo của chúng ta. Đây là một lý do khiến các nhà toán học, nhà văn, nhà soạn nhạc và doanh nhân thường tạo ra các tác phẩm sáng tạo nhất của họ khi còn trẻ. Bộ não của họ được hưởng một không gian rộng rãi và không bị chiếm chật ních bởi những thứ vô bổ, điều chẳng giúp ích gì trong việc kích thích họ sản xuất những ý tưởng mới lạ. Tôi không biết một tâm trí thật sự sáng tạo nào như nhà văn, nhà soạn nhạc, nhà toán học, bác sĩ, nhà khoa học, nhạc sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư hoặc họa sĩ mà lại là một người nghiện tin tức. Mặt khác, tôi biết một loạt các tâm trí độc ác không sáng tạo, những người tiêu thụ tin tức như thuốc phiện. Nếu bạn muốn đưa ra các giải pháp cũ, hãy đọc tin tức. Nếu bạn đang tìm kiếm những giải pháp mới, đừng đọc.

Xã hội cần báo chí – nhưng theo một cách khác. Báo chí điều tra luôn luôn là cần thiết, để phơi bày những sự thật được che dấu mà chúng ta chưa được biết. Nó cũng đưa cho chúng ta biết về các chính sách mà các tổ chức, định chế quan trọng của xã hội đang thực thi. Nhưng các mẩu tin ngắn sẽ chẳng có giá trị gì. Các bài phân tích dài và các cuốn sách chi tiết là đủ cho chúng ta và một xã hội dân chủ có thể vận hành tốt.

Tôi (tác giả) đã trải qua bốn năm mà không có tin tức, vì vậy tôi có thể nhìn thấy, cảm nhận và tường thuật những tác động của nó một cách trực tiếp và chân thực. Tâm trí cũng như cuộc sống của tôi ít gián đoạn hơn, ít lo lắng hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn, nhiều thời gian hơn, nhiều hiểu biết thực tế hơn. Từ bỏ việc đọc tin tức không phải dễ dàng, nhưng nó đáng giá.



Nguồn: News is bad for you – and giving up reading it will make you happier
Bản dịch của Elnino tại Book Hunter

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Câu thơ tôi, cúi nhặt



Viên Dung



a.
Thơ cặp tình đi
có khi
tôi không kịp thở
lúc em rướn người thở bên tai
nhịp một nhịp hai
thơ cặp tình say
dứt bỏ an bày

Sự nhẫn nhục
muồi
phút cuối
hơi thở bất trung
dòng thơ bung mạch
từng thớ thịt run
giữa ban ngày ban mặt
chuyện ấy, kín một lòng sâu
có khi áo chưa kịp nhầu
tiếc lên câu

Thành sầu dạo khúc
thơ buồn nước đục
tợp rượu đong đưa
nghe
lòng xưa thổ lộ
cập nhật, ô hô,
khắc buồn cuối mộ

b.
Thơ cặp tình tôi say cổ mộ
tôi cúi nhặt
những câu thơ lòng thòng, im bặt
rồi bật khóc
tiên hiền thớ đất mạch hương
thà thịt chẳng còn
trắng xương khô khốc

Người tình qua đời tôi
không kềm được hơi thở dốc
thì thào như khóc sau lưng
khi nhẫm đọc
mấy chữ dính nọc thơ tôi:
“ta, gìn giữ gì, hy sinh xương máu?
nghĩ xem, đất rặt mùi ta, kho báu”

Tôi lau mau nước mắt cũ
dính dáng mấy câu thơ
nhập nhoè chữ Nôm khó đọc
mà hằn hộc âm thanh
hồn xưa thánh vấn:
“Thừa tự bất trung, bán đứng
con cháu Tiên Rồng mai đứng nơi đâu?”

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Chuyện giàu




Featured Image: Chris Morley




“Là người giàu nhất trong nghĩa trang không quan trọng với tôi… Khi đi ngủ và nghĩ rằng mình đã làm điều gì đó tuyệt vời… đây mới là điều tôi quan trọng.” – Steve Jobs

Tuần trước tôi và một người bạn được vinh hạnh tham gia một hội thảo của một tổ chức xin được phép dấu tên, khoảng 2700 người đến từ nhiều nơi, mời một diễn giả nghe đâu là triệu phú bên Mỹ, từng làm HR cho nhiều hãng xe khủng trên thế giới, nhưng sau đó tìm được công việc này, thế là về hưu cùng lúc với bố mình, năm 30 tuổi. Sau đó ông ta sống cuộc sống an nhàn, hưởng thụ đến tận bây giờ. Ông chia sẻ là ngay cả con của ông cũng hỏi: “Ủa, bố không phải đi làm à?”

Nơi đây người ta vẽ ra một viễn cảnh, nơi mà tất cả mọi người lấy tiền làm đam mê, lấy sự giàu có về vật chất, sống an nhàn, lười biếng trong một căn biệt thư xa hoa, với những trang thiết bị đỉnh nhất thế giới làm viễn cảnh tương lai cho mình.
Họ… thật nhàm chán!

Chúng tôi cố nán lại chừng 20 phút, thì cả hai đứa đều không thể chịu nổi cái không khí ngột ngạt nơi đây, toàn bộ đều diện quần tây, áo sơ mi, mặc vest chỉnh chu, mặc dù nhiều kẻ còn đang đi học, hay bắt đầu đi làm. Mặc dù lắm người còn rất trẻ, đúng ra họ phải khoác cho mình những bộ đồ thoải mái hơn, năng động hơn, nhưng họ lại sợ người ngoài “quánh giá” mình chưa thành công, mình không thành đạt, mình không lịch sự, không chuẩn nên phải tự quăng mình vào một cái nhà tù như vậy.
Chúng tôi tìm cách chuồn êm khỏi đây! Tự do muôn năm!

Trong quyển sách “The Millionaire Next Door” (có tên là Bẻ Khóa Bí Mật Triệu Phú, do First News phát hành), khi Thomas J. Stanley, William D. Danko cùng các đồng nghiệp bắt tay vào “săn lùng” những kẻ triệu phú bí ẩn, họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi biết rằng những người thực sự giàu có mà họ muốn tìm kiếm không nằm trong những căn nhà xa hoa nhất khu phố hay diện những bộ đồ bảnh bao nhất, đi chiếc xe hiệu nhất, mà có thể là tên hàng xóm kế bên, ở trong một các nhà bình thường, mặc những bộ đồ sell off, đi những chiếc xe cũ kỹ từ đời nào cơ.


“Cứ 7 người mua một bộ đồ trị giá trên 1000 USD thì chỉ có 1 người là triệu phú.” – The Millionaire Next Door

Vẫn biết là cơm áo gạo tiền, lo cho người này người kia nên đồng tiền đi liền khúc ruột, chẳng thể thiếu được trong cuộc sống mỗi người, nhưng ta có thực sự cần quá nhiều tiền, và hưởng thụ cho đến chết không?

Sau khi về hươu được 2 năm, chỉ quanh quẩn ở nhà, lo cơm nước, đốc thúc học hành của em tôi, ba tôi già đi hẳn, sức khỏe dần rút xuống, tinh thần cũng chẳng còn mạnh mẽ như trước, chỉ đến khi ông xắn tay lên, phụ giúp mẹ tôi thì mọi thứ ổn lại, ổng mạnh khỏe hơn, vui vẻ và đầy sức sống hơn.

Ngay trong những định nghĩa, chia sẻ qua boardgame Cashflow nổi tiếng của mình, Robert Kiyosaki cũng chia sẻ, mục đích lớn nhất để ta thoát khỏi vòng Rat Race, bước vào cuộc chơi của những người thực sự thành công là đi chinh phục. Khi đạt được tự do tài chính cũng chính là lúc chúng ta chúng ta dồn mọi thời gian, nỗ lực vào theo đuổi những giấc mơ của mình, chứ không phải biến thành một cái xác vô hồn, theo đuổi những thứ phù phiếm xa hoa, vô độ.
GIÀU CÓ là gì?

Với tôi, giàu có không chỉ là tiền bạc (tức là có nha, hông phải không có tiền bạc đâu), nó còn là sự thăng hoa về tinh thần khi trong quá trình giàu có đó, ta được làm thứ mình thích, chiến đấu mỗi ngày để thỏa mãn cái sự đam mê của mình, để lại một cái gì đó có giá trị, một hình ảnh khó phai cho những người chung quanh, một tấm gương cho những người đi sau.

Có một ai đó nói câu này:


“Nếu đi đến cuối cuộc đời, mà thân thể ta chẳng có mấy vết sẹo, tức là ta chẳng trải nghiệm được gì từ cuộc sống.”

Hay có một câu khác hay hơn:


“Phần lớn mọi người đã chết ở tuổi 25, chỉ có điểu đến 75 tuổi mới chôn mà thôi.” – Benjamin Franklin

“Thành công là một cuộc hành trình, chứ không phải điểm đến.” – A. Moravia

Lảm nhảm xíu thôi, tại cảm thấy buồn cho những người ngồi đăng kia và đâu đó có những người giống họ. Thật đáng tiếc nếu mục tiêu của ai đó là nghỉ hưu thật sớm, kiếm được đủ tiền để hưởng thụ và rồi biến mất như chưa vào giờ tồn tại. Được làm thứ mình thích là cả một niềm hạnh phúc bự chảng. Có điều vì áp lực xã hội, vì chưa đủ giỏi, vì không chịu rèn luyện kỹ năng, tiếp thu kiến thức, tạo dựng những mối quan hệ mà lắm người phải quăng mình vào những cuộc chơi mà họ chẳng hề muốn chơi để rồi bị cơm áo gạo tiền cuốn phăng đi, để rồi họ chỉ đơn thuần là tồn tại, chứ không còn là sống nữa…



- Ưng Đen -

Cuối cùng là màu trắng




Minh họa của Trung Dũng


HỒ TRUNG LIÊN





Chiếc giường có nhiều thanh gỗ nẹp ở các dấu nối, người vợ ngồi trên đó. Tôi nhìn rõ từng nếp nhăn khô quắt trên khuôn mặt chị. Mâm cơm đặt giữa nhà. Chị chưa ăn. Có ăn cũng không nuốt nổi. Dưới trăng, chị đợi chồng - người đang cùng bè bạn vây quanh bàn nhậu, để dấn thêm một bước về phía cánh cửa màu đỏ.

Chuyện 5 năm về trước:

Anh đau. Nhà có bãi gạch, mỗi ngày riêng anh có thể đúc tới hơn trăm viên. Làm việc nặng đau là thường, chắc xoa dầu gió là ổn. Nhưng, sau tuần rượu với mấy người thợ, đêm ấy anh ôm bụng quằn quại trên giường.

Đến phòng mạch tư, người ta khẳng định anh bị ruột thừa. Phải kiêng việc nặng, vậy là bãi gạch của anh vắng chủ, chỉ có người làm công. Sau hai ngày uống thuốc, anh phải trắng đêm với cơn đau cuộn lên dữ dội. Vợ con chở anh lên viện. Bệnh án ghi: “Ruột thừa”. Mổ gấp!

Để gom được số tiền bệnh viện định giá, anh chị phải đóng gần hai vạn viên gạch. Bác sĩ bảo mổ khoảng tiếng là xong. Cả nhà không ai ngồi được. Đồng hồ báo hai tiếng rưỡi, cửa phòng mổ vẫn kín mít, chút khe hở lùa ra hơi lạnh dễ sợ. Mãi. Một ông bác sĩ bước ra. Chị mặt cắt không ra máu. “Ai là người nhà bệnh nhân”. “Dạ, tui là vợ anh”. Bác sĩ vẻ hối lỗi: “Thưa chị, khi chúng tôi mổ cho anh mới phát hiện… anh nhà không bị ruột thừa”. “Trời!” - chị như không còn kêu lên được. “Anh nhà u đại tràng! Phải… mổ lại”.

Không đủ tỉnh táo trách móc, chị “trăm lạy nhờ bác sĩ”, rồi giục con về gom tiền. Chúng kéo chị ra phía hành lang. “Cái này do bệnh viện. Chụp phim, bệnh án ghi rồi, giấy trắng mực đen còn đó. Giờ mổ lại ai chịu?”. Chị lạy cả con mình: “Cha đang nằm trên bàn mổ chết sống chưa biết con ơi…”.

Chị lắc đầu với tôi, nói chậm, như không muốn xoáy vào đoạn kết: “Mấy đứa con, họ hàng làng xóm trách chị sao không đâm đơn lên giám đốc bệnh viện. Nhưng anh không cho, nói: Người ta lỡ rồi…”.

Đường mổ vừa vạch ra… Cũng không thể chờ vết mổ kia lành lặn, dao lại lạnh lùng xẻ vào thịt da anh.

Nhìn từ khe cửa kính, chị thấy ruột anh đầy máu me... Chị bỏ chạy, thẳng về ngôi nhà phía trước mặt có nhiều ngôi mộ.

Hai mươi ngày anh nằm trên giường bệnh có trải tấm vải trắng toát. Bác sĩ cắt đoạn ruột khá dài; đồng nghĩa với việc tuổi thọ của anh phải rút lại, rất ngắn.

Con người với dáng đi khật khưởng, ngủng ngẳng, chuyên đời mặc quần đùi, ở trần và thỉnh thoảng phét tay vào bụng; cùng với điệu cười dòn, tôi không tin ông đang bước dần vào sương khói…

“Bác sĩ khuyên anh kiêng cử, nhất là bia rượu. Nhưng anh bảo, để tao vui với bạn bè chút… Anh vui thật. Nhưng chị lo lắm. Làng xóm ai cũng hùa, bảo ngó anh khỏe mạnh vậy, lo chi dữ! Sao không lo được. Bác sĩ của bệnh viện lớn, người ta ăn hết cơm gạo rồi mà nói sai”.

“Bác sĩ nói sao chị?”

“Ngày ra viện họ mới cho chị biết: nếu anh cự tuyệt bia rượu… cũng chỉ sống được dăm sáu năm!”.

Tính từ thời điểm anh nhập viện, vậy là còn… có thể một năm, có thể mấy tháng.

“Nhiều người thấy chị hay tìm anh cứ nhăn nhó trách móc”.

Ờ, thông cảm! Người ta quên anh với hai vết mổ. Vết mổ cũ, bác sĩ rút ống thông ruột lúc thịt non đã bám… Đau! Anh gồng lên khiến đường khâu ở vết thương bung ra phun máu! Chị lại một lần nữa chạy về với những ngôi mộ trước mặt nhà, uy nghiêm, sừng sững.

Nhập vào bàn rượu không ai kể lể bệnh tình, không ai được phép tính ngày giờ tồn tại. Uống rượu là chuyến viễn du vào không gian ảo. Y không được sống với hiện tại, ngoại trừ vợ, người thân - những người không thể nhường bớt thời gian cho y.

Chị đã khóc. Dưới trăng, nước mắt chị như sương u huyền rồi thành vệt dài óng ánh.

Tôi quay mặt, nhìn vào ngôi nhà trệt. Mấy đứa cháu ngủ lăn giữa nền, ánh điện vàng quạch. Những đứa cháu chưa bao giờ bị ông đánh; chưa bao giờ ông của chúng nạt nộ. Dưới ánh trăng mỡ màng, đâu đó, chúng vẫn thường trèo lên từng ngôi mộ chơi trốn tìm. Chúng không nghĩ nhiều lắm đến ma cũng như ai đó sắp thành ma… Chúng yên giấc tuổi thơ trong khi ông của chúng thầm lặng mà đau; và chị thắt ruột trong bóng tối miên man.

Phận người không thể tính bằng thời gian chồng trên những lóng tay. Nút thắt phận người định sẵn trên sợi dây vô hình giăng qua thềm cực lạc.

Mỗi sáng mở mắt, chị xuống ngay bãi gạch… Chị sợ tới nơi, lúc sương mù còn giăng… phủ lên một xác chết!

Thường đêm anh nằm một mình trong gian nhà trệt giữa bãi gạch. Vẫn cái dáng ấy: khật khưởng, ngủng ngẳng, chuyên đời ở trần và thỉnh thoảng… phét tay vào bụng. Mỗi ngày, quãng đường chỉ vài trăm mét từ nhà đến bãi anh đi về không biết bao bận. Đêm nay tôi cũng trên quãng đường ngắn ấy đến với anh.

Tôi gọi anh bằng ông, không vì anh chị đã có cháu nội, cũng không phải anh sắp đi hết vòng đời theo quy luật sinh-lão-bệnh… Ông nằm trên chiếc giường đặt ở hiên, không mùng màn. Thẳng cẳng! Có thể chưa ngủ. Tôi gọi. “Xác chết” dựng dậy: “A! Đến chơi à?” Tôi giật thót. Té ra ông còn… Ông cười khà, đánh phét tay vào vết mổ rồi bước vào phía trong mang ra cốc nước pha ánh trăng vàng nhợt.

“Ta làm vài ly hè”.

Tôi nhớ đến khuôn mặt chị...

Tôi bắt đầu câu chuyện với ông về những ngôi mộ nằm rải rác trong các khu vườn. Xa hơn, phía sau chốn thường đêm ông ngủ, mênh mang là mộ rỡ ràng dưới trăng.

Ông nâng rượu. Tôi cung kính ông một ly nhỏ, sánh trăng. Ngoài kia những ngọn gió từ muôn kiếp trùng dương chợt lùa về giữa biển sương vàng xuộm. Mấy mươi ngàn ngôi mộ âm khí bốc ngùn ngụt. Tôi lại nghĩ về chị. Về một kiếp sống lắt lay trong trầm luân bể khổ. Hẳn đến mai sau, lúc chị đã không còn tồn tại trên cõi này nữa, tôi vẫn bị ám ảnh bởi dáng chị bó gối ngồi trên chiếc giường cũ nhìn ra những ngôi mộ trước hiên nhà.

*

Rằm tháng 7 trăng sáng lạnh lùng. Ánh trăng đẫm ướt phủ lên vùng quê còn nhiều lùm cây rập rịt. Tôi đến ngụ cư nơi này cũng hơn mười năm. Quen ông dẫu ít ngồi trò chuyện. Tôi hiểu ông quá ít... Hôm nay cũng là một đêm trăng sáng, sau một năm, trên nấm mồ của ông đã vươn lên thật nhiều những ngọn cỏ. Tôi mang theo chai rượu ngon đến mời. Cái đêm năm trước ấy, nếu gia đình chị biết tôi có mời ông uống rượu (dẫu là rượu thuốc thượng hạng), và nửa đêm ông đã thực hành giấc ngủ ngàn thu, hẳn tôi sẽ ân hận lắm. Đêm nay thì tôi có thể công khai nâng rượu cùng ông. Tôi tưới rượu lên mộ ông, đẫm bia mộ. Tôi cụng ly vào dòng tên ông và uống. Ánh trăng soi rõ từng chi tiết chạm khắc khuôn mặt ông. Thứ ánh sáng tinh khiết huyền ảo và dường như có cả mùi hương nồng nã. Tôi còn nợ ông một lời hứa.

Ông khen rượu ngon. Tôi bảo rượu ngâm nấm linh chi đậm đặc đó. Ông nhấp thêm nửa ly, gật gù. Ông hỏi chết đi có thật theo được Phật lên cõi Cực Lạc? Mình có thằng cậu tháng trước đưa về một số đĩa giảng pháp, có mấy cái dành cho người sắp lâm chung. Ý nó muốn mình xem những đĩa đó lại giả bộ mua lẫn lộn vào nhiều đĩa hát hò vui tươi. Ở nhà mình thử mở xem, mới hay tội lỗi tích từ nhỏ giờ quá lớn. Đâu biết. Mình tin nhân quả. Nên sợ...

Tôi im lặng quan sát ông. Đúng là tôi biết ông quá ít. Ông lại bảo sống như chú khó quá. Hành theo Phật khó quá. Mẫu mực khuôn phép quá mình không theo nổi, nhưng mình vẫn muốn như vậy, tiếc là muộn rồi... Hồi còn thanh niên chưa vợ, vườn mình cây cối hoang vu mồ mả dày đặc. Có một ngôi mộ to đùng, đen sì. Mộ cổ. Ngày ấy đây đó vẫn dấy lên những vụ đào mộ lấy của. Mình cũng liều. Giả bộ bảo dời mộ lên chỗ cao ráo sạch sẽ hơn. Người ta vẫn biết mình ân mưu tìm vàng. Mà có vàng thật...

Trăng dát vàng mênh mang lên ngôi mộ cổ to đùng trước mặt nhà chị. Nhuốm màu tâm linh. Con người đang sống đã thêu dệt nên nỗi kinh hoàng từ những ngôi mộ. Từ hồi gia đình chị tới ngụ nơi đây chưa hề thấy một hiện tượng ma quái. Mộ, ở đây là chốn thiêng huyền diệu, là những ông già trường cửu nhìn dòng người ưu tư qua màn hư ảnh. Những ngôi mộ trước mặt nhà chị, dưới trăng, khiến mắt tôi dịu lại.

Tôi lại nhìn ông qua ánh trăng đặc sánh trong ly rượu. Khuôn mặt ông bình thản lạ lùng. Mình đào hố dưới bàn thờ cất vàng rồi làm lại nền nhà. Không ai biết. Tính đợi mươi năm mới đưa ra dùng. Nhưng cuộc sống ổn định dần, con cái sớm có công ăn việt làm, đứa nào cũng giàu có. Chỗ vàng chôn giấu còn nguyên dưới nền nhà, dưới bàn thờ đức Quán Thế Âm. Định bụng đưa ra một bất ngờ lớn nhất cho gia đình. Bây giờ nghe Phật pháp, biết nghiệp quả nặng hơn núi, mình tính...

Đó là những phút giây đặc tả con người ông. Những phút giây được chắt lọc qua bao thăng trầm cuộc đời một người đàn ông sớm bất lực trước thời gian. Tôi cũng không thể ngờ cuộc sống vốn bình lặng của mình lại lọt vào tầm mắt ông một cách chi tiết. Quá hiểu tôi, hơn cả những đứa con ruột rà; ông đã gieo một hạt giống thiện lành và nhờ tôi săn sóc để nó có cơ hội nhú khỏi mặt đất đón ánh nắng mặt trời.

Tôi rót thêm một ly và cụng vào bia mộ. Ông không biết nhờ ai mới đặt niềm tin vào tôi. Thực tình quá khó. Tôi biết về chị và những đứa con của ông, đều là những người mê tiền bạc. Một số vàng lớn như vậy, trong mắt họ tờ di chúc của ông chắc không nhiều giá trị. Họ tốt, nhưng để chi ra vài đồng từ thiện quả khó. Vô tình tôi từng thấy chị từ chối mua những búp hương do ni sư của chùa mang đến mời. Hình ảnh đó khiến tôi như có lỗi với chị. Giá tôi không nhìn thấy cảnh ấy để hình ảnh của chị tròn đầy... Nhưng rồi nó cũng được xóa nhòa từ ngày ông lâm trọng bệnh. Cái dáng ngồi trên chiếc giường một nhìn ra những ngôi mộ hoang dưới trăng có sức hút ma mị. Một dáng hình được tạc vào sâu thẳm cõi hồn tôi một cách lặng lẽ và, đau đớn!

Ông ra đi quá đột ngột. Tôi và ông lẽ ra cần nhiều thời gian hơn nữa để vạch phương án khả thi nhất cho việc dùng trọn số tiền đó làm từ thiện.

Mỗi buổi đi làm về tôi đều ngó vào nhà ông, nhìn cái tủ thờ phía trên là tượng Quán Thế Âm với nụ cười đầy bao dung. Và tôi có nhìn xuống nền nhà dưới cái tủ thờ, phía dưới là một gia tài lớn ngoài sức tưởng tượng. Nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực khi nhìn vào ngôi nhà của ông. Sao ông không trao trách nhiệm đó cho chị và những đứa con? Mỗi đêm bước dạo quanh xóm tôi thường thấy chị ngồi trên chiếc giường cũ ấy nhìn về phía những ngôi mộ hoang. Tôi muốn tới bên, ngồi xuống và nhẹ nhàng nói về nguyện ước lớn nhất trong đời ông, để ông bớt nghiệp lực siêu thăng lên cõi lành. Đã có lần ngồi bên chị, đã định vào đề rốt cuộc tôi lại nhìn trăng rồi lặng lẽ ra về. Thoáng nghĩ đến viễn cảnh mua lại ngôi nhà của ông, hỡi ôi, có lẽ đến cuối đời tôi cũng chưa đủ tiền.

Tôi đang dần quen với cuộc sống nơi đây. Một vùng đất mà trong vườn ai cũng có mộ phần. Tôi cũng đã làm bạn được với những linh hồn, có lẽ. Những đêm khuya trăng ứa tràn mặt đất, tôi vẫn dạo quanh xóm, quanh những ngôi mộ thấp thoáng soi mình vào khoảng không vô tận miên man nghĩ về lớp thời gian đang lạnh lùng nhuốm trắng mái tóc xanh.

Và rồi… Một hôm tôi đi làm về, thấy trong nhà ông đông đúc lạ. Tôi tạt ngay vào xem. Trời! Tôi nghĩ mình sẽ thốt gọi tên ông. Người ta đang đào dưới bàn thờ!

Sự việc khởi nguồn từ việc chị nhập viện. Tốn tiền lại không nhiều hy vọng, mấy đứa con cả tin đi xem bói. Thầy phán dưới bàn thờ có hài cốt… Ngay chiều đó những người chuyên bốc mộ được thuê về. Sâu khoảng nửa mét, lộ ra một cái tiểu sành, cho thấy đây đã là “mộ” cải táng. Cái tiểu sành nắp được gắn chặt bởi xi măng. Mắt tôi căng lên, hồi hộp. Muốn lập tức truyền lại di ngôn của ông, bỗng run sợ điều gì bất ổn... May thay, người ta thống nhất để nguyên như vậy, bọc lại trong một tấm vải đỏ và đưa thẳng ra đồi cất cho nó một ngôi mộ mới.

Đêm ấy tôi đặt bàn giữa sân pha trà một mình nhâm nhi. Ngước nhìn vầng trăng u ám. Ông còn ngoài mộ hay đã siêu thăng lên cõi thánh? Hay ông đang quanh quẩn bên tôi, nhét vào đầu tôi cái ý nghĩ: hãy phát tâm cúng cho “nó” một tấm bia, lấy họ gì cũng được nhưng tên phải là Vàng, Nguyễn Thị Vàng chẳng hạn. Tôi cười mỉa: Nguyễn Thị Hư Danh chứ. Ông bỏ đi, chân dẫm lên bóng mình. Ánh trăng nhợt nhạt khiến cái bóng ấy liêu xiêu mờ nhòa, rồi tan vào sương lạnh.

Em chắc rằng



CHÂU THU HÀ


Minh họa: Nhím


Ô cửa phòng anh giờ này vẫn sáng đèn
(thành phố đang rộn ràng mùa lễ hội)
Công việc cứ cuốn ta đi
Mình gặp nhau lúc nào cũng vội

Nhớ anh dài hơn thế kỷ
Dữ liệu về anh mỗi lúc một đầy
Em chắc rằng trong ngôi nhà ấy
Có một người chờ anh về đêm nay

Đừng nói thêm gì những chuyện xa xôi
Xin anh đừng nói về cuộc tình này thêm nữa
Em đã từng ước mình như người nghệ sỹ De Steltenlopers
van Merchtem đi đôi cà kheo trên phố
Vẫn giữ thăng bằng ngay khi không anh

Như khối rubic tình yêu, em sắp đặt cuộc đời mình
Bên những mảnh ghép mang tên anh vụn vỡ
Chưa kịp ghép vào đã sợ bung ra bởi gió
Nên những muộn phiền em giấu ở trong tim

Ô cửa phòng anh giờ vẫn sáng đèn
Nơi em dường như thân thuộc
Chỉ có chiếc giường kia biết là em thường khóc
Khi quay về trên những bước chân, từng bậc thang đơn độc
Làm sao để giữ được một người
Làm sao em chắc rằng anh chỉ có em thôi?

Siêu giàu Việt nam



Thế giới soi người giàu Việt

Ngân hàng ANZ hôm 11/7 vừa đưa ra một thông tin đáng chú ý: Tầng lớp trung lưu Việt Nam phát triển nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc. Và Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 triệu người trung lưu mỗi năm.

Thông tin trên khá bất ngờ, nhưng là điều đáng mừng bởi nó phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ qua. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và có hiệu suất lao động được cải thiện mạnh mẽ. Số doanh nghiệp Việt Nam đã lên tới 600.000-700.000 đơn vị và đây là nơi sản sinh ra hàng chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.



Tuy nhiên, điều mà nhiều người ngạc nhiên nhất về những báo cáo về tình hình tài chính của người dân Việt Nam gần đây chính là con số công bố về lượng người siêu giàu.



Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần qua tại Hà Nội, Việt Nam có khoảng 110 người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD/người (khoảng 630 tỷ đồng/người). Số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng 3 lần trong một thập kỷ.

WB đánh giá con số này cũng bình thường so với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của ngân hàng này, nhiều người lại tỏ ra hoài nghi về cách làm giàu hiện nay của các đại gia. Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhận định khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người VIệt Nam cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội là điều đáng lo ngại.

Trước đó, hồi tháng 9/2013, một ngân hàng của Thụy Sĩ cũng đưa ra báo cáo cho rằng Việt Nam có gần 200 người siêu giàu với tài sản trị giá 30 triệu USD trở lên và số người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng với tốc độ cao nhất thế giới trong 10 năm tới.

Nếu theo báo cáo này, với mức tăng được dự báo lên tới gần 170%, số người siêu giàu Việt sẽ lên tới gần 300 – con số gây bất ngờ với nhiều người bởi tầm vóc và thực trạng kinh tế chưa tương xứng của Việt Nam hiện nay. Nó cũng gấp cả chục lần so với số lượng những người siêu giàu được thống kê qua thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung.

Mặc dù vậy, thật trái ngược khi những con số này lại được coi là chưa phản ánh hết số người siêu giàu thực sự tại Việt Nam. Dưới con mắt của nhiều người, số người giàu được các tổ chức thống kê qua TTCK, qua các doanh nghiệp tư nhân lớn chưa lên sàn… chỉ là bề nổi, chủ yếu dựa trên tài sản công khai, còn thực tế có thể lớn hơn nhiều. Những vụ phát lộ tài sản trị giá rất lớn gần đây cho thấy điều này.

Siêu giàu: Khó chỉ mặt đặt tên

Sự thật về số người siêu giàu, gồm những ai… rất ít người biết. Trong báo cáo của các tổ chức trên, không một đơn vị nào công bố danh sách tên tuổi, tài sản mà họ sở hữu.

Nếu xét trên sàn chứng khoán – nơi được coi là công khai và minh bạch nhất trong các kênh đầu tư và cất giữ tài sản, số người có tài sản trị giá từ 600 tỷ đồng trở lên, tương đương khoảng 30 triệu USD để lọt tốp siêu giàu rất ít, chỉ khoảng 20 người.

Ngoài những gương mặt quen thuộc được nhắc đến nhiều trên, còn những người siêu giàu nào ở Việt Nam chưa lộ diện?


Trong đó, ngoài những cái tên nghe quen tai như tỷ phú đô-la duy nhất Phạm Nhật Vượng với đế chế Vingroup, ông trùm BĐS – cao su Đoàn Nguyên Đức (HAG), hai đại gia sắt thép Trần Đình Long (HPG), Lê Phước Vũ (HSG), ông lớn ngân hàng – BĐS – bán lẻ Hà Văn Thắm (OGC), doanh nhân – chính trị gia Đặng Thành Tâm (KBC, ITA), “vua cá tra” Dương Ngọc Minh (HVG), “ông lớn” công nghệ Trương Gia Bình (FPT), đại gia bánh kẹo Trần Kim Thành (KDC), Nguyễn Đăng Quang (MSN), Hồ Hùng Anh (Techcombank)… và vợ con, thì còn có những ai thuộc tốp siêu giàu chưa lộ diện?

Như vậy, số đại gia ẩn danh siêu giàu vẫn chiếm đến 90%.

Trên thực tế, các bảng xếp hạng của các tổ chức có thể bao gồm cả các doanh nhân có doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn như Lê Viết Lam (SunGroup), Đặng Khắc Vỹ (VIB), Nguyễn Thanh Hùng (Sovico), Trịnh Thanh Huy (BĐS Bình Thiên An), Nguyễn Cảnh Sơn (Eurowindow Holding), bà Nguyễn Thị Nga (BRG, SeABank), ông Vũ Văn Tiền (Geleximco), “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển (Tuần Châu), vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn (IPP), Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát), ông Huỳnh Uy Dũng (Sóng Thần), ông Đỗ Minh Phú (DOJI), ông Võ Quốc Thắng (DTG), ông Đoàn Quốc Việt (BIM Group), ông Trầm Bê (STB), ông Vũ Quang Hội (Bitexco)…

Với đa số các nhà đầu tư, rất khó để có thể thống kê ra được khoảng 100 người siêu giàu Việt thông qua TTCK và kiểu đoán mò dựa trên các thương hiệu doanh nghiệp nổi tiếng như vừa kể trên. Sự tò mò, do vậy, là rất lớn, nhất là khi các tổ chức liên tiếp công bố số lượng những người siêu giàu nhưng không bố tên tuổi cụ thể.

Vậy, tại sao các tổ chức lại không thể công bố danh tính những người siêu giàu? Vì những người trong cuộc không muốn công bố, muốn yên ổn làm ăn trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, hay do tài sản họ làm ra có nhiều khuất tất, không hợp pháp; hay những người mà sự giàu có của họ không thể được công bố?

Một điều cũng đáng suy nghĩ là tốc độ gia tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam theo những thống kê nói trên là quá nhanh. Giàu có, sung túc là tốt nhưng giàu quá nhanh và không tương đồng với những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội, hoặc/và giàu có dựa trên những cơ hội, thời cơ, cơ chế; giàu có không minh bạch hợp pháp… là điều đáng ngại.

Những con số về người siêu giàu nhiều khi không thể nói lên sự phát triển chung của nền kinh tế hay sự giàu có của đa số người dân.

Mạnh Hà

Hai nhóm chính trong cộng đồng người Việt hải ngoại



 Tôi có vài người quen vượt biên sang Úc định cư mấy chục năm nay. Họ thuộc loại thành công, công ăn việc làm ổn định, tính tình rộng rãi và vui vẻ. Họ chỉ có một vấn đề là: rất không ưa các du học sinh cũng như những người mới từ Việt Nam sang.

Chưa bao giờ tôi hỏi họ lý do tại sao có tâm lý ấy. Nhưng tôi đoán là, dưới mắt họ, những người du học hoặc di dân mới ấy đều là con cháu tầng lớp cán bộ chuyên tham nhũng hoặc những người mới giàu xổi sau này, chỉ biết vơ vét tiền bạc từ bất cứ nơi nào có thể rồi ăn chơi trác táng, không biết quan tâm đến đồng bào và đất nước, dửng dưng trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, v.v…

Ngược lại, tôi cũng gặp không ít các du học sinh và những người mới di dân sang Úc có cái nhìn khá thiếu thiện cảm đối với lớp người tị nạn. Theo lời họ, phần lớn người tị nạn lớp trước thường có tâm lý bảo thủ, khư khư ôm chặt quá khứ chiến tranh trong lòng, hay nói về chính trị, mà chủ yếu là chính trị theo kiểu đối kháng, không theo kịp với những sự thay đổi chóng mặt ở Việt Nam, v.v…

Xin nhấn mạnh: Cả hai trường hợp trên, tôi nghe thấy khá nhiều, nhưng không phải là tất cả, thậm chí, cũng khó nói được là số đông, bởi lý do đơn giản: chúng ta chưa có một cuộc điều tra hay thống kê nào cả. Ở đây, tôi chỉ bàn vấn đề từ kinh nghiệm của một người có nhiều cơ hội tiếp xúc với cả hai nhóm tị nạn và du học cũng như di dân.

Loại trừ những thành kiến hay tâm lý nghi kỵ nhau về phương diện xã hội, trong lãnh vực chính trị, chúng ta cũng dễ dàng phát hiện những khác biệt giữa hai nhóm. Rõ nhất là qua vụ biểu tình chống Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam. Ở các thành phố lớn tại Úc, thường có hai cuộc biểu tình vào hai ngày khác nhau: Một, của cộng đồng người tị nạn với cờ vàng ba sọc đỏ và một, của các sinh viên sang Úc du học, trong đó, có không ít người đã học xong và ở lại làm việc tại Úc, với cờ đỏ sao vàng. Cả hai đều chống Trung Quốc. Nhưng hai bên lại không thể nhập làm một chỉ vì lá cờ.

Tuy không thể biết chính xác mức độ khác biệt giữa hai nhóm tị nạn và di dân/du học ấy phổ biến đến độ nào nhưng, chỉ bằng kinh nghiệm và quan sát, chúng ta cũng có thể biết được mấy điều: Một, nó có thật; hai, nó có ảnh hưởng khá lớn trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.


Ảnh hưởng ấy có thể nhận ra ở nhiều phương diện. Về phương diện xã hội, cộng đồng thường chia thành các nhóm nhỏ, hiếm khi có được sự hòa đồng và đoàn kết chặt chẽ. Về phương diện tâm lý, nó gây phân hóa, thậm chí, nghi kỵ giữa người Việt Nam với nhau. Về phương diện chính trị, chắc chắn nó làm suy yếu, hơn nữa, có thể vô hiệu hóa những nỗ lực tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam hoặc cho chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Đứng về phương diện nghiên cứu lưu vong học hay di dân học, thật ra, người ta không thấy có gì đáng ngạc nhiên cả. Những sự phân hóa và chia rẽ như vậy hiện diện trong mọi cộng đồng xa xứ. Chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Có điều, từ góc độ chuyên môn, chúng ta dễ thấy vấn đề một cách sáng rõ hơn, do đó, cũng tránh được những cách nhìn mang định kiến vốn dễ làm trầm trọng hóa vấn đề.

Từ góc nhìn học thuật, chúng ta có thể chia cộng đồng lưu vong thành hai nhóm chính: nhóm lưu vong (diaspora) và nhóm xuyên-quốc gia (transnationalism).

Hai khái niệm này, hiện nay khá phổ biến trong lãnh vực nghiên cứu về di dân hay sắc tộc, vừa có điểm giống vừa có điểm khác nhau.

Giống: Cả hai đều sống ngoài quê hương, đều bị ám ảnh về gốc gác và quá khứ, đều băn khoăn về vấn đề bản sắc, đều, với những mức độ nhiều ít khác nhau, bị kỳ thị và lạc lõng ở xứ người.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai khái niệm này cũng không nhỏ.

Khác, trước hết, ở lịch sử của từ: Trong khi lưu vong có gốc rễ tận thời cổ đại, với việc người Do Thái bị trục xuất khỏi quê hương của chính họ, hoặc gần hơn, với hiện tượng người Phi châu bị bắt bán làm nô lệ ở châu Âu trong mấy thế kỷ trước, từ xuyên quốc gia mới hơn, chỉ xuất hiện từ vài thập niên gần đây.

Khác, ở lý do tha hương: Với người lưu vong, lý do chính là vì chính trị, và phần khác, ít hơn, kinh tế; nhưng dù là vì chính trị hay vì kinh tế, việc quyết định ra đi của họ bao giờ cũng được xem như một thảm kịch, gắn liền với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản hoặc chiến tranh khốc liệt, trong khi đó, xuyên quốc gia được hình thành chủ yếu từ lý do nghề nghiệp và kỹ thuật, gắn liền với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô.

Khác, ở tính chất: Lưu vong bao giờ cũng nặng màu sắc chính trị, trong khi đó, tính chất chính trị ở những người xuyên quốc gia, nếu có, cũng nhẹ nhàng hơn nhiều, không đủ trở thành một ám ảnh lớn, từ đó, định nghĩa bản sắc của họ.

Khác, ở quan hệ, thứ nhất, quan hệ với quê gốc: trong khi, với những người lưu vong, quan hệ ấy ít nhiều cay đắng, có khi thù hận; với những người xuyên quốc gia, quan hệ ấy hoặc bình thường hoặc ở mức có thể hòa giải được. Thứ hai, quan hệ với quê gốc ấy ảnh hưởng đến quan hệ với quê mới: với người lưu vong, bị đè nặng bởi ký ức tập thể, trong đó có khá nhiều ký ức đau đớn, người ta khó thoát khỏi quá khứ, và vì khó thoát khỏi quá khứ nên việc hội nhập có nhiều trắc trở và trăn trở, trong khi đó, những người xuyên quốc gia, do tâm lý ít nhiều thanh thản, có thể về lại quê cũ bất cứ lúc nào nên quan hệ với quê mới cũng ít bị day dứt hơn.

Nói một cách đơn giản hơn, trong khi những người tị nạn là lưu vong (dispora); những người sống ở hải ngoại với tư cách du học sinh hoặc di dân vì lý do nghề nghiệp sau này là xuyên quốc gia (transnationalism).

Hiểu và chấp nhận những cái khác ở trên sẽ có nhiều cái lợi: Thứ nhất, chúng ta sẽ thông cảm những người có tâm lý và cách nhìn vấn đề khác mình. Thứ hai, chúng ta sẽ không đòi hỏi nhau một cách quá đáng, thậm chí, phi lý để vừa không vượt qua mâu thuẫn mà còn làm cho mâu thuẫn ngày càng trầm trọng thêm. Thứ ba, chúng ta sẽ trở nên khoan dung hơn, và khi mọi người đều khoan dung, cộng đồng sẽ trở thành mạnh mẽ hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Cây



này cây chớ rên la
mặc đời bảo tố phong ba
ta vẫn là ta
cây hãy cùng ta nở hoa
















Đất



đất- niềm khao khát
đừng hỏi vì sao tôi nhìn thấy niềm khao khát của đất từ trong sâu thẳm mắt em
niềm khao khát chỉ có thể nhìn thấy qua ánh mắt em nếu không có một ngày lũ ong nâu bay vào làng nói với người làng tôi rằng hãy từ bỏ những bài ca cũ kỹ về đất, những bài ca nói về tình bằng hữu nơi mặt đất

con cháu loài homo sapiens không thể là bằng hữu với con cháu lũ khủng long tàn bạo, vào một ngày không xa, đám bò sát, cháu chít lũ khủng long còn sót lại sẽ nghĩ ra cách khôi phục quyền bá chủ mặt đất của cha ông chúng bằng cách giả dạng con người
lũ ong nâu nói

như thế thì chẳng có tình bằng hữu nơi mặt đất hay sao
em nói


nhưng chỉ giữa con người với con người
và giữa con người với những loài giống khác không phải là cháu con của lũ khủng long tàn bạo
lũ ong nâu nói

tôi nói ngàn lần biết ơn loài ong nâu
nếu các bạn không nói
người làng tôi vẫn còn giữ mãi những bài ca cũ kỹ về đất

nhưng làm sao cho mặt đất trong lành
không còn lũ rắn sống lẫn giữa con người
một cuộc cách mạng về loài nơi mặt đất
em nói với tôi
rằng em sinh ra nơi mặt đất
nên niềm khao khát của em là niềm khao khát của đất



đất- sự giận dữ

làm sao con cháu lũ khủng long lại dám gỉả dạng con người buông những lời kiêu căng hiếu sát giữa buổi văn minh lũ hổ trên rừng cũng từ bỏ thói hung hăng man rợ
vào một sáng tháng bảy tôi nghe đất gào lên giữa màu nắng buổi chớm thu
và lập tức sau đó những âm vang giận dữ của đất dội lại từ những cành cây kẽ lá những lời bi tráng
một bài hịch ca kỳ dị của thế kỷ

em chín cửa con sông phù sa bát ngát
ngực trần nghìn năm khoả hương sắc dậy thì
xôn xao lau lách
bờ bến bãi ngồi đứng không yên
ngọn sóng ba đào vỗ nên miền sử thi lộng lẫy
lũ quỉ ở bên kia bờ cõi luân thường nghìn năm rình rập

em nền văn hoá trầm tích nghìn năm
phủ niềm cảm hứng vô biên những dấu vết một thời hương sắc còn nguyên trong đất
kẻ hậu thế nhìn ra vào một ngày cả thế giới không tiếc lời ngợi ca
ở bên kia bờ cõi luân thường
lũ ngông cuồng của thế kỷ nhảy lồng lên vì ghen tức

là gò mun hay gò sành hay óc eo hay đồng đậu hay sa huỳnh hay đông sơn
hết thảy đều là những vẻ châu ngọc của em kiêu sa nghìn năm văn hiến dấu tích của những cuộc đá cũ đá mới vô tiền khoáng hậu những cuộc đổi thịt thay da bỗng hoá thành hình hài chim hồng chim lạc bay suốt cõi vô thường
ở bên kia bờ cõi luân thường
lũ mặt đen nghiến răng hậm hực

là cày bằng đao trồng bằng lửa
hay cày bằng trâu bằng máy trồng bằng những hạt giống buổi văn minh
hết thảy là thuộc về một dòng sử lịch nối liền rừng biển
con chim hồng chim lạc bay suốt chiều dài lập đất giữ đất

vào một hôm
lâu lắm
chỉ mới vừa nghe đám cháu chít lũ khủng long ở bên kia bờ cõi luân thường ậm oẹ chuyện lấn đất
lũ chim hồng chim lạc suốt ngày đêm bay suốt dòng lịch sử để báo cho đất biết tham vọng của lũ tham tàn
một ngày sử lịch chép bằng những tiếng thét dậy trời làm bàng hoàng thế kỷ

(trích trường ca Cổ Tích Của Đất của Nguyễn Thanh Hiện)

Dracula thời @



Như lệ thường, chàng lại thức giấc khi đêm xuống, bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm của riêng mình.

Chàng lao về phía những dải thiên hà xa xăm đang toả sáng lấp lánh, nơi có biết bao nhiêu loài chim lạ đang cất cao giai điệu ngợi ca tình yêu và cái đẹp vĩnh hằng.

Nhiều thế kỷ đã trôi qua. Cây cọc nhọn xuyên qua trái tim chàng năm xưa như một phép nhiệm màu đã đâm chồi và vươn dài những nhánh thường xuân xanh biếc.

Chàng không còn hút máu loài người nữa. Máu của loài người giờ đây khiến chàng có cảm giác tanh lợm.

Để tồn tại, chàng đã phải tự hút lấy sinh lực của chính mình.


Đinh Hồng Nghi