Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Điều đơn giản - Thơ Lê thị Thu Hiền




Lê Thị Thu Hiền
- Ngày tháng năm sinh: 1/9/1989
- Quê quán: Phú Nham- Phù Ninh- Phú Thọ
- Địa chỉ liên hệ: khu 14- xã Phú Nham- huyện Phù Ninh- tỉnh Phú Thọ



ĐIỀU ĐƠN GIẢN


Con dốc thườn thượt quay lưng về quá khứ
Sương mai
Tôi gào lên trước con kiến lửa
Cụ chuồn ngô cắn đỏ rốn lồi

Tuổi thơ mọc lên từ chân nắng
Ngày tiếp ngày tiếp những điều đơn giản
Chứa trong mình day dứt
Giọt trong trẻo nhất
Vẫn quay vòng trong khoảng cô đơn

Con ước sẽ bấm đôi hạt mưa bằng môi non
Để biết nước mắt mẹ bao muối mặn
Điều đơm giảm khi nào cũng quặn thắt
Con luôn là hạt mặn của mẹ con.





 NGÀY CHIA ĐÔI



Anh đã chọn ngày không em
Con phố chạy đi
Mua hình cuộc sống
Nẻo đường vỗ mặt
Em chấm mùa thu ở cuối hàng cây
Khi chăn gối ru ngày thật khác
Căn phòng dốc cạn không thấy tình yêu
Khi đôi mắt trong phòng khẽ hát
Anh ở đâu?

Hai mùa thu rệu rã mưa ngâu
Em nghĩ biển nhạt đi nhiều lắm
Vị biển mặn như nước mắt
Mà mùa thu không khóc được bao giờ.





Bài thơ trong chiếc lá


Chiếc lá cuối cùng lìa cành
Tôi nhìn thấy trong đó
Tuổi thơ mình ngập nắng trong
Bên bức tường lở gạch
Tôi nghịch đất cát
Tôi chơi với chú nhện con và muôn hạt nắng li ti
Bố mẹ không biết
Má tôi hồng hồng trong nắng sớm
Và chú nhện bò lên chân tôi cắn bằng hai cái răng
Hai vết sẹo nhỏ vẫn in ở ngón chân cái tôi đến tận bây giờ
Bây giờ
Tơ nhện trên cây kia óng ánh
Còn chiếc lá
Vẫn lửng lơ
Lửng lơ
Bay trong trời nắng...



Cách dùng chữ của báo chí ?




Quelques remarques à propos d’un article de la presse vietnamienne, article consacré aux “Trois femmes brûlantes du Président français Hollande” .

.

Vài dòng nhân đọc bài báo có tựa đề:

«Ngắm vẻ đẹp hớp hồn của ba người tình nóng bỏng của Tổng thống Pháp Hollande»

http://laodong.com.vn/the-gioi/ngam-ve-dep-hop-hon-ba-nguoi-tinh-nong-bong-cua-tong-thong-phap-hollande-190598.bld

.
Xin nói trước rằng những phân tích dưới đây không nhằm duy nhất bài báo này mà nhắm hầu hết các báo trên mạng, với «tập quán» đặt những tựa bài câu khách – cách thường dùng nhất là nhấn mạnh trên vấn đề giới tính – . Bài báo dẫn trên chỉ là một thí dụ cụ thể.

Vẻ đẹp hớp hồn ? Đây là một cách dùng ngôn từ quá đáng – tiếng Pháp gọi là superlatif – Thế nào là đẹp và thế nào là hớp hồn ? Bản thân tác giả những phân tích này đã nhiều lần bàn về sắc đẹp của phụ nữ và đã dẫn chứng rằng phụ nữ nào cũng đẹp, tùy theo ánh mắt của người đối diện. Báo chí hay văn hóa đám đông nếu có cho ra những tiêu chí – chân dài, da trắng, mũi cao, ngực to, … – thì đó chỉ là những tiêu chí nhất thời. Với lại còn phải xem ai đưa ra những tiêu chí ấy và với mục đích gì. Dân tình dễ bị lung lạc và dân tình dễ đi theo – như những con cừu của Panurge.

Phải nói là trong xã hội Pháp hiện thời, dư luận không đánh giá ba người phụ nữ của bài báo (bà Ségolène Royal, bà Valérie Trierweiler và nữ tài tử điện ảnh Julie Gayet) là những phụ nữ có sắc đẹp nghiêng thành đổ nước. Họ đẹp, thanh nhã, mỗi người một vẻ, … cũng như bất cứ phụ nữ nào biết tự trọng, có khả năng chi tiền để ăn mặc và trang điểm. Nữ tài tử Julie Gayet phải tự chăm sóc vì đó là một bắt buộc của nghề nghiệp. Bà Royal hay bà Trierweiler thì phải làm thế nào cho thích hợp với thể diện của vai trò đệ nhất phu nhân hay vai trò của tầm cở một chính trị gia cao cấp.

Họ đẹp thanh cao tao nhã. Tiếng Pháp dùng từ la distinction – Nhà xã hội học Pierre Bourdieu định nghĩa từ này rất rõ ràng. Chứ không phải đẹp hớp hồn !

Nóng bỏng là từ thứ nhì được dùng bởi bài báo. Hai chữ này gợi ý đến giới tính như kiểu một con thỏ hay con mèo cái, lúc hoóc môn giới tính lên cao (tiếng Pháp dùng chữ «en chaleur») thì chạy đi tìm thỏ hay mèo đực sẳn sàng giao hợp.

.Với con người, dùng chữ «nóng bỏng» không khác nào xem con người như con vật.

Như vậy là quên rằng con người sống trong xã hội, được giáo dục - chuyện giao cấu giữa hai giới không còn là một chuyện thuần sinh lý. Xã hội nào cũng tổ chức «sinh hoạt sinh lý» này, cho nó vào khuôn khổ, để bảo vệ thuần phong mỹ tục và bảo vệ các liên hệ huyết thống hay bảo vệ cấu trúc gia đình. Gia đình vốn là nền tảng của xã hội.

Dùng chữ «nóng bỏng» khi nói về những phụ nữ hàng đệ nhất phu nhân của một quốc gia là phạm thượng. Và những phụ nữ này có quyền kiện tờ báo ra tòa. Họ sẽ thắng kiện trong trường hợp này, nếu họ kiện.

Tổng thống Pháp đào hoa cũng là chữ bài báo dùng để nói về Tổng thống François Hollande. Dù không hoàn toàn là một vị nguyên thủ lý tưởng cho dân Pháp hiện thời, ít nhất ông Hollande là người có ý thức hệ tiến bộ và cố gắng tạo công bằng xã hội cơm no áo ấm cho mọi người. Dĩ nhiên ông ấy lo việc nước chứ không phải lo chạy theo các bóng hồng – courreur de jupon – . Nói ông ấy đào hoa cũng là một cách nhục mạ, tức là quên vài trò chính trị của ông.

.
Vị nguyên thủ Pháp đã sống nhiều năm không kết hôn với bà Royal, hay với bà Trierweiler, đó là chuyện đời tư của Tổng thống. Với lại xin đừng «suy bụng ta ra bụng người», không kết hôn bên này là chuyện thường, là tự do của cá nhân. Hơn 70 năm trước, Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre cũng chung sống không hôn thú mà có ai dám đưa điều đó như cái gì trái luân thường đạo lý đâu !

.Các ảnh đưa ra bởi bài báo hoàn toàn không đề xuất xứ. Tại sao ta không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ? Trong các ảnh, có một hí họa vẽ bà Royal mặc áo ngủ, dưới cái áo manteau. Đem hình này ra khỏi hoàn cảnh để có ảnh «với áo ren mỏng manh» của nhân vật để minh chứng cho cái «nóng bỏng» của bà Royal ? Một cách làm hơi …rẻ tiền.

.Peoplelisation là cách đưa chuyện riêng tư của các nhân vật, khai thác những chi tiết vụn vặt và đưa lên mặt báo kiểu tin … giật gân của những người nổi tiếng. Đó là cách hành sự của các báo lá cải. Nếu các báo Việt Nam đều là báo lá cải hết thì thật đáng buồn và đáng lo cho xã hội và văn hóa Việt Nam.

Không phải chỉ riêng y đức có vấn đề ở bên ta. Đạo đức của nhà báo xem ra có vẻ như cũng có vấn đề …

.

Nguyễn Huỳnh Mai

http://huynhmai.org/2014/04/03/cach-dung-chu-cua-bao-chi/

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Mưa đầu mùa







Cơn mưa đầu mùa vừa kịp đến
vỡ trên gương mặt em nụ cười hiền lành
không còn những ngày chạy quanh tìm nơi trú ẩn
bầy khát khao chực chờ thiêu rụi đơn côi

Em xõa tóc dầm mình trong cơn mưa hằng mong đợi
nghe làn da hưng hức đón từng hạt tình khơi
mùi phố chợ lụi dần theo nhịp thở
đất hóa trong lành hoa nắng cũng vừa lên

Cơn mưa đầu mùa đưa tình đầu trở lại
nỗi nhớ em thêm một cành xanh ...

cánh rừng vô tâm





Đinh Phương








Tiếng hót thống thiết của chim chưa đủ sức để đánh thức cánh rừng
đám lá ban ngày vẫn xào xạc vô thức
và đêm về với những âm thanh gặm nhấm
của côn trùng
của mối

Đất sực mùi ẩm mốc
nước tanh mùi bùn
lác đác những cành gỗ mục rụng
rào một âm thanh
rồi tắt ngúm

Cánh rừng vẫn vô tâm bao trùm sự sống
không khí ngày càng độc
nén lại thành cục
chẳng có gì lục đục
ngoài nấm

Các mầm sinh vừa kịp ngoi lên khỏi mặt đất
rồi tàn lụi
chỉ cỏ dại
và dây leo
lơ phơ trong hạnh phúc
theo sự bảo bọc
của cánh rừng

Cánh rừng mang vẻ huyền ảo
của một thế giới mùi dã sử
cánh rừng khoác áo quyền uy
lấy được của tiền trào
cánh rừng đeo linh hồn
túm được của tiền nhân

Sự sống thật u minh
vạn vật khó có thể khước từ
ngoại trừ
một đám cháy.



người ngồi



Hoàng Xuân Sơn




một



nơi khoảng tối bưng cằm
người ngồi nghe trăng mọc
tiếng của rừng xa xăm
im như là tiếng khóc

chớp lóe hằn trên không
lăn qua vùng địa tuyệt
một cuộc đất không nồng
nuôi sầu cuồng da diết

vỡ hạt làm sao đếm
khúc chiêu niệm phiêu bồng
nhỏ nhoi và biến hiện
một buổi về không không

một lần đi không tới
muôn trùng và xương da
qua sông mùa kể tội
xin ngọn tóc la đà





hai

chủ nhật trèo tường ra gặp nắng
đầu ngày. nhặt một cánh mây xa
tự mây khuất nắng trời mưa vội
ướt hết thanh xuân. đẹp mấy. già

người ngồi như thể cười với nắng
nghe ra cũng đỡ nhạt cô hồn
những con đường thẳng đi đi miết
chẳng nhớ khi nào trở lại thăm

bụi phố vẫn nồng rừng ngăn ngắt
cánh chim rớt tiếng ở sau nhà
quán chiều ngất lịm không gian túy
một đóa không vàng của nhụy hoa

một ngày nhặt nhạnh từng góc kín
màu rêu. sắc thổ áo giang trần
nắng đã chui vô tường giấu lại
đời thếp buồn nơi một vết nhăn


16 mars 2014







.

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Con đường lạnh giá






Dường như đã có quá nhiều bài viết về mục Suy Ngẫm và Tâm Sự cho nên phải suy nghĩ rất lâu tôi mới dám viết thêm một bài, vì mấy bài tôi viết nó cũng chỉ quanh quẩn ở hai mục trên. Thực sự khi có ý định viết tôi vẫn mong rằng bài viết của mình cụ thể, thực tế để bạn đọc rút ra được điều gì đó có ích nhưng kiến thức tôi quá ít, không đủ để viết bài nào mang tính chất Giáo Dục. Cho nên tôi dự định sẽ ngưng viết những chuyện vu vơ về mình, để dành thời gian nghiên cứu nhiều hơn một chút, cho ra bài viết chất lượng hơn một chút nhưng chỉ được có một ngày tôi đã thấy nhớ. Tôi viết trong khi còn cả đống bài tập về nhà chưa làm vì nếu không viết thì tôi cũng không có hứng muốn làm những việc khác.

Tôi thường hay thả đầu óc phiêu diêu, đôi khi nó đi đâu tôi cũng không biết, đôi khi nó phát nhạc, đôi khi nó đi từ về quá khứ rồi đi đến tương lai, đôi khi nó tưởng tượng đủ các thứ, đôi khi nó cũng trống không. Và tôi phát hiện ra là những lúc đầu óc tôi trống rỗng là những lúc tôi dễ dàng tìm về vô thức của mình nhất, tìm về cái đẹp của mình, tìm về cái đáng sợ của mình, tìm về những tổn thương, những mơ ước. Tôi nghĩ ra cách viết ngay lập tức tất cả các từ khóa vừa mới xuất hiện trong đầu ra giấy. Tôi làm trò một chút với kĩ thuật ấy cho nó đỡ khô khan, tôi vẽ thanh công cụ như trên giao diện máy tính, có vài mục như Hobby hay Core, sau đó xổ xuống ở mỗi mục vài ô trống và tôi tìm các từ ngẫu nhiên để điền vào miễn là phù hợp với tiêu chuẩn của Hobby hay Core là được.

Mở đầu với các từ ở mục Hobby rất suôn sẻ, tiếp theo là các từ ở mục Core, bắt đầu là True, Shy, Fear sau đó là một loạt các từ với chữ “L”xuất hiện” như Love, Life, Live, Laugh, Lie, Lonely. Tôi thấy tức cười, tự đùa với chính mình thật là thú vị, nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi đó tắt ngúm thay vào là cảm giác gợn gợn, tôi cảm thấy hơi bối rối và dừng lại. Trí nhớ của tôi hoạt động nhanh nhạy chưa từng thấy, nó lật lại những điều xấu hổ tôi vẫn đang cố không muốn nghĩ đến, những điều tôi tự lừa dối mình rằng đã ổn rồi, những việc tôi tự nhủ không thấy có thể được xem như là không có. Xấu hổ, đó là cái giá đầu tiên mà bạn thực sự mở mắt ra để “thấy”, ý của tôi nói “thấy” tức là thấy cái mà rõ ràng là bạn không muốn thấy đâu, nó làm tim bạn vỡ làm đôi. Những biết là sao khác được bởi nó là sự thật, đành phải chiều theo sự thật thôi.

Con đường đến với sự thật là con đường cô quạnh, con đường mà bạn phải tự đi một mình và thậm chí là không có ai đi cùng với mình. Đó là con đường đòi hỏi bạn dám chịu trách nhiệm, dám chấp nhận, dám từ bỏ, dám đương đầu, dám suy nghĩ, dám khác biệt, toàn những điều khó khăn. Đó là con đường lạnh giá vì nó vắng bóng người. Nhưng đổi lại, bạn sẽ không phải chịu sự giày vò giữa việc phải lựa chọn, tình cảm hay lí trí, mạnh mẽ hay yếu đuối cũng không còn ý nghĩa gì nữa, bạn không còn quan tâm xem có ai ghét bạn hay không (mà thường là sẽ có), bạn không do dự cho đi yêu thương và thể hiện cảm xúc. Lợi ích của nó dĩ nhiên rất nhiều mà tôi cũng thực sự không có cách nào nói ra cho thỏa đáng bởi vì đó là con đường gắn liền với hành động, nếu bạn dấn thân vào hành động thì lời nói sẽ dần trở nên vô nghĩa. Ngôn ngữ có sức mạnh của nó và cũng có giới hạn của nó. Người ta có thể dùng ẩn dụ để diễn tả cho bạn hiểu nhưng hiện tại tôi không có ẩn dụ nào ở đây cả (hoặc chưa đủ trình độ để sử dụng ẩn dụ).

Có lần tôi nói chuyện với chị mình về việc chị tôi sẽ cho con vào học ở trường nào, tôi bảo rằng trường nào cũng tốt vì sự thực là nền giáo dục Việt Nam quá rập khuôn, trường nào mà chẳng như nhau. Tôi còn nói rằng tôi gặp nhiều người cũng học trường làng nhàng thôi mà vẫn rất xuất sắc, chị tôi trả miếng bằng câu nó như thế nào mới vào thi trường mày đang học. Tôi đành im, thực sự trong lòng tôi nghĩ rằng giáo dục tốt hay không đều do gia đình, mà cha mẹ mới chính là cái gốc tốt. Nhưng tôi im. Có một số người họ cố tình không muốn hiểu thì nói cũng vô ích, chỉ làm họ chướng lỗ tai. Họ đã tự bịt tai bịt mắt của mình rồi thì tôi còn làm gì được? Đánh giá một con người đơn giản thế thôi sao?

Trường mày đang học là gì? Nhà mày có máy điều hòa không? Mày đi làm kiếm được bao nhiêu tiền? Hãy hỏi tôi biết có leo cây không luôn đi. Rất nhiều người cứ nghĩ tiền có thể mua được kiến thức nên đẻ ra đủ các loại khóa học kĩ năng mềm, tìm lại chính mình, vượt qua bản thân… Ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu, khi tôi biết trên đời này có cái khóa học tìm lại chính mình, đó là chúng ta đã bị lợi dụng quá nhiều. Chúng ta bị lợi dụng vì đã quá hạ thấp bản thân để tâng bốc đồng tiền. Lúc ban đầu tiền được in ra chỉ được xem là vật trung gian để trao đổi hàng hóa, rồi bỗng dưng tiền có thể giúp bạn “tìm lại chính mình” thì lố bịch quá rồi. Sự thật là bạn chỉ có thể xuất sắc cái việc bạn tự học hỏi mà thôi.

Nếu bạn thành thật với chính mình, không ai có thể lừa dối bạn được nữa, chỉ sợ bạn tự lừa dối bản thân.



Quyên Quyên

Ngủ gật


Nửa đêm thức giấc
con Cặc cứng đờ
nào phải tại tôi mơ nhìn thấy em cởi truồng
ngược lại
trong giấc mơ tôi thấy tôi buồn
niệm A di đà sám hối
ăn năn

thì ra con Cặc cứng đờ
là do hôm chiều tối uống quá nhiều nước lã
khi ngồi đọc luận văn cô Nhã
mà quên cả đi tè

hè hè...

Chán bỏ bè


Tuavit

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Cho tháng ngày chúng ta đã chọn


Em muốn nhắc nhớ. Muốn gợi lại. Để tất cả sống động quanh em. Tình yêu kỳ lạ này. Có bao nhiêu người sẽ như chúng ta? Không. Chắc chắn không thể. Họ sẽ yêu nhau theo cách khác. Bởi chúng ta là duy nhất. Không trùng lắp.

Em nghe anh. Và hiểu anh nghĩ gì. Sống với nhau. Đó là cảm giác rất thực. Hơi thở anh và em. Những thì thầm chuyện trò đứt quãng. Những đêm dài. Những chiều. Và những ban mai sương sớm. Chúng ta nghĩ về nhau. Chúng ta bên nhau. Cảm nhận làn da và tiếng máu chảy.

Từ hôm đó em thấy em đủ đầy. Em quên cảm giác bất an. Em biết vắng mặt không có nghĩa là không có. Cảm giác yên bình đã ngày càng vững vàng dầy dặn lên. Em biết anh đã yêu em thật lòng. Em biết và cảm tạ anh. Cảm tạ cuộc đời này. Em cũng vậy. Anh. Em thuộc về anh. Như thuộc về một ký ức xa xưa mà bền bỉ.

Đêm qua em lại mơ thấy anh. Anh rạng rỡ và luôn đi bên em. Anh choàng tay qua hông em. Âu yếm. Thân thiết. Gần gũi.

Anh đã nghĩ về em. Đúng không? Anh đã đi tìm. Và đã đến được bên em khi thân xác anh còn trong giấc ngủ. Em thật hạnh phúc vì điều đó.

Chỉ riêng điều đó thôi. Là ngày mới đã đến với em thật dịu dàng.





 Đinh Thị Như Thúy
 

Ô cửa mù loà





mặt trời nhàu đáy mắt em nằm cỏ
sương ngủ mê kể chuyện muôn trùng
tôi xoè tay ngửa xin thăm thẳm
những giỏ hoa trời về đậu bàn tay

giờ này kim chỉ số không
thân rêu đã hoá thành cổ thụ
giữa nương dâu sừng sững u linh
ô cửa ấy lãng quên ánh sáng
cơn tỉnh thức giữa biển mù loà
tôi với tay qua bức tường trước mặt
những con mèo mọc tóc đi qua
nỗi hờ tĩnh mịch
niệm niệm xanh xao
buồn trong lòng bàn tay buông xuống
vùi bãi bồi màu mỡ chiêm bao



Lê Vũ Trường Giang

RỒI SẼ CÓ NGÀY

Bản dịch của Mai Sơn





GABRIEL CARCÍA MÁRQUEZ
(1927~)




Ngày thứ hai bắt đầu ấm áp và không mưa. Aurelio Escovar, một nha công không có bằng cấp, và là người thường dậy rất sớm, mở phòng mạch của ông lúc sáu giờ. Ông lấy mấy cái răng giả vẫn còn gắn trong cái khuôn bằng chất dẻo ra khỏi cái ly thủy tinh rồi rải lên bàn một mớ dụng cụ theo trật tự kích cỡ, như thể để trưng bày. Ông mặc chiếc áo sơ-mi sọc không có cổ áo, một cái khuy bằng vàng thắt ở cổ, và cái quần dây đeo. Ông thẳng đuột và gầy nhom, có vẻ hiếm khi ăn nhập với hoàn cảnh, như cách những người điếc nhìn ngó.

Khi mọi thứ đã được xếp hết lên bàn, ông kéo cái máy khoan tới chiếc ghế khám và ngồi xuống đánh bóng hàm răng giả. Tuy dường như không để tâm trí vào công việc đang làm, ông vẫn cứ thao tác liên tục, dùng chân bơm cái máy khoan, ngay cả khi ông không cần đến nó.

Sau tám giờ ông ngừng tay một lát để nhìn ra bầu trời qua cửa sổ, và ông thấy hai con chim ó đang trầm ngâm phơi nắng trên cây sào của căn nhà bên cạnh. Ông tiếp tục công việc, nghĩ rằng trước buổi trưa trời sẽ lại mưa. Tiếng kêu nheo nhéo của thằng con trai mười một tuổi cắt đứt sự tập trung của ông.

“Bố ơi.”

“Cái gì?”

“Ông thị trưởng hỏi bố có thể nhổ răng cho ổng không?”

“Nói với ổng là bố không có nhà.”

Ông đang đánh bóng một cái răng vàng. Ông đặt nó trên cánh tay duỗi hết cỡ, nheo mắt xem xét. Từ phòng khách nhỏ, thằng con trai ông lại gào lên:

“Ổng nói bố có ở nhà kìa, vì ổng nghe tiếng bố.”

Ông nha công vẫn ngắm nghía cái răng. Chỉ khi thấy ổn, đặt nó lên bàn ông mới nói:

“Càng tốt.”

Ông lại khởi động máy khoan. Ông lấy mấy mẩu vụn của một cái răng giả từ cái hộp giấy bồi đựng mọi thứ ông còn phải làm và bắt đầu đánh bóng cái răng vàng.

“Bố.”

“Sao?”

Nét mặt ông vẫn không thay đổi.

“Ổng nói nếu bố không nhổ răng cho ổng, ổng sẽ bắn bố đấy.”

Không hề vội vàng, với một cử động hết sức điềm tĩnh, ông ngừng đạp pê-đan máy khoan, đẩy nó xa khỏi ghế, rồi kéo hết cái hộc bàn dưới ra. Có một khẩu súng lục. “Ô-kê”, ông nói. “Kêu ổng tới bắn tao đi.”

Ông vần cái ghế tới trước cửa, tay đặt lên mép hộc bàn. Ông thị trưởng xuất hiện nơi cửa. Nửa trái khuôn mặt được cạo nhẵn, nửa kia, sưng phồng và có vẻ đau đớn, còn nguyên râu ria năm ngày chưa cạo. Ông nha công nhìn thấy trong cặp mắt thẫn thờ của ông ta nhiều đêm tuyệt vọng. Ông đóng hộc bàn bằng mấy đầu ngón tay, nói khẽ:

“Ngồi xuống đi.”

“Chào ông,” ngài thị trưởng lên tiếng.

“Chào,” ông nha công đáp.

Trong khi dụng cụ được đun sôi, ngài thị trưởng dựa đầu vào ghế và cảm thấy dễ chịu. Hơi thở ngài lạnh băng. Phòng mạch sơ sài: một cái ghế gỗ cũ, một máy khoan đạp pê-đan, một hộp kính đựng các lọ gốm. Trước cái ghế là khung cửa sổ với tấm màn vải cao ngang vai. Nghe chừng ông nha công đến gần, ngài thị trưởng ấn gót chân xuống và há miệng ra.

Aurelio Escovar vặn đầu ông về phía ngọn đèn. Sau khi kiểm tra cái răng sâu, ông dùng mấy ngón tay cẩn thận ép hàm ngài thị trưởng lại.

“Phải làm không có thuốc tê mới được.”

“Sao vậy?”

“Vì ngài bị áp-xe rồi.”

Ngài thị trưởng nhìn thẳng vào mắt ông nha công. “Không sao,” ngài nói, và gượng cười. Ông nha công không cười lại. Ông bưng chậu dụng cụ đã khử trùng đến bàn làm việc và cứ thủng thẳng dùng kẹp vớt ra từng cái. Sau đó ông lấy mũi giày đẩy cái ống nhổ, rồi đi rửa tay trong chậu rửa. Ông làm mọi thứ này mà không nhìn ngài thị trưởng. Nhưng ngài thị trưởng không rời mắt khỏi ông.

Đó là cái răng khôn ở hàm dưới. Ông nha công đứng chàng hảng và chộp cái răng bằng cái kìm nóng. Ngài thị trưởng bấu tay vào ghế, cố trụ chân, và cảm thấy một khoảng không lạnh buốt trong lưng, nhưng không rên lên. Ông nha công chỉ vặn vẹo cổ tay. Không tỏ ra oán giận, mà chỉ là chút dịu nhẹ cay đắng, ông nói:

“Bây giờ ngài sẽ trả giá cho hai chục người đã chết của chúng tôi.”

Ngài thị trưởng cảm thấy xương kêu lạo xạo trong hàm, và nước mắt trào ra. Nhưng ngài nín thở cho đến khi cảm thấy cái răng được bứng đi. Rồi ngài thấy nó qua màn nước mắt. Nó có vẻ xa lạ đối với cái đau của ngài đến độ ngài chẳng hiểu vì sao mình lại bị nó tra tấn suốt năm đêm vừa rồi.

Gập người xuống cái ống nhổ, mồ hôi mồ kê, hổn hển thở, ngài mở áo vét, thò tay lấy cái khăn trong túi quần. Ông nha công đưa cho ngài miếng vải lau.

“Lau nước mắt đi,” ông nói.

Ngài thị trưởng lau nước mắt. Ngài run lẩy bẩy. Trong khi ông nha công rửa tay, ông thấy cái trần nhà vụn vỡ và một cái mạng nhện bẩn thỉu đầy những trứng nhện và côn trùng chết. Ông nha công quay lại, lau khô tay. “Về nằm đi,” ông nói, “rồi súc miệng bằng nước muối.” Ngài thị trưởng đứng dậy, chào tạm biệt bằng kiểu chào quân sự xuội lơ, rồi xoạc cẳng bước ra cửa, không cài lại áo vét.

“Gởi hoá đơn nghe,” ngài nói.

“Cho ngài hay cho thành phố?”

Ngài thị trưởng không nhìn ông. Ngài khép cửa, và nói qua tấm màn:

“Có khác mẹ gì đâu.”




---------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “One of these days”, của J.S. Bernstein, trong Gabriel García Márquez, No One Writes to the Colonel and Other Stories (New York: Harper & Row, 1968) 73-76.