Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Người treo cổ Võ Công Liêm




                                                                              ’Concentrate on sex. Leave out the poetry’*
                                                                                                                                    (‘Erotica’. Anais Nin)
1.
      Chiều xuống biển vắng người, rải rác một vài đôi nhân tình ôm nhau hôn với gió, mặt biển héo không tươi như những lúc trời trong, sóng táp vào bãi không dữ lắm, thỉnh thoảng ngọn gió ngoài khơi quất vô bờ có vị mặn, cát đuổi theo gió hòa với mây xám đậu giữa lưng trời khiến biển buồn thêm, người ta lần lượt kéo nhau về, trả lại nỗi riêng cho biển. Có một người đàn ông tuổi ngoài 40, hình thể trung bình, tóc bềnh bồng, mặc đồ Tây, quần vấn lên cao gần gối, chân trần bước trên cát ướt, tay cầm nhánh cây khô, tay kia cầm giày, đầu cúi xuống, có khi ngước nhìn trời cao rồi lại đi chẳng hiểu người đi về đâu giữa lúc biển muốn động. Không gian chiều có ráng vàng lợt, ướm lạnh, nhìn bao la chỉ thấy toàn là cát trắng tợ như giữa sa mạc hoang vu.
 
Người đàn ông đi chậm rồi lại đứng nhìn trời, miệng lẫm bẩm ’la pluye nous a buez et lavez’1 chẳng hiểu lý do gì mà buộc miệng nói lên như thế hay nhớ tới một câu thơ hay thuở nào, hắn thì thào ’et le soleil desschez et noircis’2 cũng có thể là lời than thở tận đáy lòng, khó mà nhận ra hoàn cảnh của người đàn ông lúc này. Một đám thanh niên đi ngang qua, vói miệng nói trổng và cười khúc khích bên nhau.
-   Trời sắp chuyền mưa. Bớt đi cơn nóng khô trong ngày. Tiếng thiếu nữ nói.
 
Hắn chẳng buồn nghe và chẳng ngại chuyện mưa gió, e chừng đợi trời đổ mưa mới chịu về. Về đâu bây giờ; rời bãi cát hướng lên rặng dương liễu, gió réo nghe như tiếng gảy của đàn thập lục, dáng người thất thế và nghe bên tai tiếng rên ngất ngây của đôi trẻ đang hành lạc trong bụi rậm, hắn tỏ ra chán chường thứ hạnh phúc trốn tránh đó, - Thà chơi theo kiểu Henry Miller mà hiện thực. Hắn nói. Không hiểu hắn nghĩ gì hơn giữa lúc nầy. Mưa bắt đầu rớt, hắn nghe mưa nhảy trên đầu, trên vai. Hắn nhập theo mưa trên biển vắng, lao vào bóng đêm.
 
2.
 
Mùa hè năm 1978 hắn mất việc làm lý do thặng dư nhân lực. Lãnh đồng lương cuối và nghỉ việc từ đó. Nói trên lý thuyết chứ thực ra một lý do nào khác của công ty; có thể là dự mưu để che lấp; hắn biết cuộc đời là thế, có không, không có là chuyện thường tình. Đời là ’tiếng than từ huyết lệ’3 lời của một triết gia đã nói. Hắn lặng câm đi trong đêm.
 
Đẩy cửa phòng, ghé mắt vào giường ngủ. Người đàn bà nằm nghiêng người, hai chân thon dài, xếp cong như thai nhi; mặt trên mình chiếc áo ngủ lụa trắng ngả màu đục, tóc nàng đổ tràn lên gối, dưới bóng mờ không biết ngủ hay thức. Hắn rón rén đền gần, đưa mắt nhìn, định cúi xuống hôn như thói quen. Căn phòng mờ ảo, mọi thứ ngổng ngang khác như trước đây, lọ hoa giấy cũng muốn nhảy vào thùng rác cho xong chuyện ngắm nhìn, hoạt cảnh bù rối khắp căn nhà, làm cho mọi thứ xuống cấp thấy rõ. Quay người khép nhẹ lá cửa. Vói tay lấy rượu rót vào ly và uống trầm ngâm. Ngồi ở ngoài hàng hiên, ngắm cảnh đêm, trăng vô tư, diệu vợi gây trong lòng một cảm nhận sâu xa: ’tôi đầy nỗi nhớ tàn phai về những bông hoa mà đôi ta cùng yêu đến cả đóa hoa vô sắc tội nghiệp nầy’có phải lời thơ của một thi sĩ nào đã nói một lần đó không?4 Hắn quay đầu nhìn lui, không nghe tiếng động nào hơn.
 
-   Sương đã rơi lên anh. Vào đi. Em đợi anh về. Huệ Nhiên nói.
Căn nhà chìm vào đêm gần như không còn nhận ra giữa không gian, chỉ còn nghe tiếng côn trùng rì rào lẫn vào tiếng thở dài từ trong căn phòng dội ra. Một âm thanh não nuột. Hắn không chớp mắt, miên man trong nỗi nhớ qua từng giai đoạn cuộc đời...
3.
 
Ánh mặt trời đột nhập vào nhà xé ra nhiều tia sáng. Soi rõ mọi thứ, căn nhà không có chủ trông lạnh, vật dụng ngổn ngang, biến cảnh nhà trở nên đìu hiu, hoang phế, bốn bức tường độc thoại. Im lặng và sâu thẳm trong thế diện bích của Bồ-Đề-Đạt-Ma. Bên ngoài chỉ còn lại mây gió, cỏ cây, màn sương tản dần để lộ những mái nhà ốm, buồn tanh nằm trong thế bất động đợi chờ... Trời bừng sáng.
-   Ông là nhà giáo? Chủ quán trà nói.
-   Không! tôi là dân thường. Đoạn ôm chén trà uống chừng mực. Người đàn ông nói.
-   Ông bà được mấy con? Sao lâu nay tôi không gặp; chắc mới chuyển đến. Quán tôi mở khá lâu và nhiều văn nhân đua tài ở đây. Chủ quán trà nói.
Cả hai nhìn nhau cười, không nói, nhưng câu hỏi đó không còn lạ. –chúng tôi không muốn trả nợ tiếp. Khách mỗi lúc mỗi đông. Quán trà nằm sâu, chung quanh là rừng thông già cho nên vị trí nầy hợp cho những người thất chí như Huệ Nhiên và Uông. Ở ngoài xa người thanh niên mang dáng tuyệt vọng, kê lên môi thổi tiêu; điệu buồn.
-   Em hiểu tiếng tiêu đang thổi ca khúc gì đó không? Uông nói.
Huệ Nhiên đưa chén trà lên môi nhắp với thế trầm ngâm, Uông biết nàng chưa lãnh hội chu đáo nhưng tỏ ra thông thái. Uông biết đó là trạng huống con người thường có cái ’ogoism’ nhiều hơn cái ngã, bởi họ không chịu nhận ra mình. Người thổi và người nghe là hai vũ trụ khác biệt. Một đằng thuộc vũ trụ khát vọng và một đằng vũ trụ dự cuộc. Uông cúi đầu im lặng, nghẹn họng và trở nên vô ngôn. Không buồn giải thích dài.
-   Hình như em có nghe qua. Phải ’Bài Hát Thu Về’ của nhà thơ Pháp? Huệ Nhiên nói.
...
Mùa thu
Làm đau đớn con tim
Bằng điệu buồn
Vời vợi... 5
Uông vui khi nghe Huệ Nhiên lưu loát về điều nầy, nàng cảm nhận sâu sắc từ thể đến điệu của tiếng tiêu; khi trùng trùng, khi thánh thót, tiếng tiêu nghe trong vắt, tươi trong từng luồng hơi thổi, luyến láy như thể có một giàn hòa âm. Uông lắng nghe quả nhiên như thế; phóng mắt qua từng nhịp bấm trên đầu ngón tay của khách nhân ngoài kia. Người chơi tiêu có tài xử dụng ngón nghề với kiểu cách khác; nghệ sĩ tiêu ngồi dưới cội cây già, gương mặt điềm nhiên, nhập hồn. Khó mà tìm cho ra người thổi tiêu như thế. Có lẽ; trong người Uông có phần thay đổi. Uông rời khỏi bàn, lát sau trở lại với khách nhân tiêu. Họ gần bên nhau tương đắc, tương phùng nghĩa cử huynh đệ. Gọi chủ quán thêm trà –cho đậm hương trà hôm nay bằng ấm đất giả dạng đời Tống, trà hạng nhứt; xin chủ quán nhớ cho đây là buổi trà trong sạch không vướng bụi trần.
-   Mời bạn một chén trà ưu đãi người tài nghệ. Uông nói.
Cả ba nâng chén trà chào mừng tương ngộ, cười nói thân quen như đã gặp nhau ở chốn nào. Họ cùng đưa chén trà lên môi từ tốn nhắm trà, riêng khách nhân không vội uống trà bằng miệng mà cho mũi ’uống’ trước mấy lược để nghe tiếng trà lấy từ nguồn nước sương hay nước lã và kê khai lý lịch, trà thuộc dòng nào, quê quán nơi đâu rồi mới chịu điểm trà; đoạn hạ chén xuống tách. Mỗi người uống trà trong tư thế khác nhau của kẻ sành điệu, gục gặc đầu mới vào câu chuyện. Trời bên ngoài ngả về chiều; hình như gương mặt họ hiện nét vui mừng như gặp được cố nhân. Mà bấy lâu họ sống trong cảnh đời tợ như đang đứng trên chiếc ghế không biết rớt khi nào. Giờ đây cả ba được tháo gỡ để thấy mình không còn lẻ loi mà đồng cảm.
 
-   Có dịp tôi thổi những khúc trong Đoạn Trường Tân Thanh. Một tác phẩm thơ vĩ đại. Cũng nhờ đó mà tiếng tiêu tôi thanh thoát hơn xưa. Khách nhân tiêu nói.
Buổi giao tình hôm ấy họ trở nên bạn tri kỷ. Nỗi tuyệt vọng của Uông, Huệ Nhiên và khách nhân đã đưa họ vượt qua những chặng đường thê thảm còn lại trong đời.
 
Vài năm sau không còn nghe, thấy tiếng tiêu ngày nào của nghệ nhân... Uông xuống biển và đi với gió, tay cầm nhánh cây khô, tay cầm giày và đi theo mưa cho tới khi trời sập tối. Huệ Nhiên nằm lẽ loi một mình chờ thổn thức cùng người yêu, nơi mà họ phải chịu đựng để sống và hy vọng sẽ được chết bình yên giữa cõi đời hỗn mang nầy./.
 

Ghi Chú: Truyện xây dựng từ cảm hứng qua bài thơ 6 câu ’The Hanging Man’ của Sylvia Plath (1932-1963).
 
* ’ Để tâm vào mà làm tình. Quên đi chuyện thi tứ’ (Anais Nin.)
1. ’Mưa rải ướt và tắm cho chúng ta’
2. ’Và mặt trời ran cháy chúng ta và làm cho chúng ta hóa đen’
3. ’The voice of the blood’ (Nietzsche)
4. ‘I’m filled with the fading memory of those flowers that we both loved even to this poor colorless thing’ (William Carlos Williams).
5.     … De l’Automme
           Blessent mon Coeur
           D’une languer
          Monotonne… (La Chanson d’Automme) Paul Verlaine.
 
Võ Công Liêm

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Bijoux Về Hưu








Nguyễn Thị Hải Hà




Mang hộp cơm vào trong nhà bếp để hâm nóng tôi thấy Jean Đi Bộ đứng giữa cái microwave và cái vending machine. Cái bếp bình thường hai ba người đứng trò chuyện vẫn đủ chỗ thế nhưng hôm nay vì bà mà cái bếp dường như bé lại. Tôi định rút lui và sẽ lên tầng trên dùng cái bếp trên ấy hay là vào căng tin để hấp nóng phần ăn trưa của tôi. Chín tầng lầu, mỗi tầng đều có một cái bếp riêng với đồ dùng giống hệt nhau. Jean ngăn tôi:

- Bà đi đâu thế? Tôi sắp xong rồi chỉ còn bốn mươi lăm giây nữa thôi.

- Thế à? Tôi đứng ở cửa bếp. Trong khi chờ đợi tôi hỏi:

- Bà sẽ đi dự tiệc về hưu của Bijoux chứ?

- No way. Ain’t give him no shit! (Không bao giờ. Tôi không cho thằng cha ấy cái quái gì cả!)

Tôi giật mình vì giọng điệu hằn học của bà.

- Sao thế? Bà không ưa ông ta à?

- Ai mà ưa cho được cái gã mặt chuột ấy chứ.

Giọng bà chua như giấm. Bijoux gốc Ấn Độ, làm việc bên ban Điện. Cao chừng thước rưỡi, bụng bự, răng cửa vừa vẩu vừa xếu xáo, bộ ria mép lơ thơ, đôi mắt lấm lét thường nhìn xuống đất, mặt nhọn, quả thật trông Bijoux giống một con chuột buồn ngủ.

- Hắn chẳng bao giờ nói một lời chúc mừng hay tặng tôi một tấm thiệp trong ngày Thư Ký lại thường hay lên giọng hách dịch sai bảo tôi mỗi khi nhờ tôi đánh máy tài liệu. Jean Đi Bộ hỏi ngược lại tôi.

- Còn bà thì sao? Bà làm chung nhiều đồ án với hắn, thế có đi dự không?

- Dunno. Chưa biết, để xem.

Microwave kêu bíp bíp. Jean bưng thức ăn ra, nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói tiếp.

- Bijoux có lần ném thức ăn trưa của tôi vào thùng rác.

-Hử? Hắn dám làm như thế à? Evil man! Nhưng mà đầu đuôi ra làm sao? Jean Đi bộ nhìn tôi, đôi mắt dường như lồi ra trắng hơn vì chờ đợi. Tôi nhỏ giọng.

- Để lúc khác tôi kể bà nghe đầu đuôi. Nói ở đây sợ người khác nghe được.

- Ai nghe? Cái microwave và cái vending machine? Hay cái tủ lạnh và cái máy bán sô đa?

***

Hai người đàn bà đi ra khỏi bếp. Microwave nói nhỏ với vending machine đang đứng đối diện với nó.

- Loài người không biết là chúng ta chứng kiến nhiều điều bí mật về họ. Cái bà người Việt Nam ăn nhiều mà không cao đó, có lần bị sếp mắng chạy vào đây khóc rấm rứt.

- Bà Hai-hí-tà đó. Ngó khờ khờ vậy chứ hổng phải vậy đâu. Cũng móng vuốt đá đít thúc cùi chỏ tranh giành không thua gì bà kia. Ngó bộ thân mật nhưng thật ra hai bà này chẳng ưa nhau. Vending machine nói.

- Oy oy, office politics mà. Chuyện tranh giành đấu đá nhau trong chỗ làm việc ở đâu cũng vậy.

***

Lúc ấy, tôi làm việc dưới quyền Ôn Sân. Cha này là kỹ sư trưởng của ban Công Chánh, hai mươi năm kinh nghiệm trong Hải quân, cai trị nhân viên dân sự như cai trị lính của thằng chả, khắc nghiệt chịu không nổi. Chả mắng nhân viên chan chát, bắt phục tùng vô điều kiện, và có cách làm nhục nhân viên rất tinh vi. Cái mặt của chả vừa hẹp vừa dài, trông giống như gã phù thủy Jafar trong Aladin và cây đèn thần. Nhiều lần tôi muốn bỏ việc nhưng “job” là nguồn sống làm sao dám bỏ. Tôi tìm cách đổi sang các ban khác nhưng mỗi ban đòi hỏi chuyên môn đặc biệt nên việc này không dễ dàng. Tôi lại có tham vọng muốn vừa chuyển ban vừa tăng chức để không có vẻ chạy trốn hay đốt cầu sau khi vượt sông.

Một hôm tôi gặp ông Xao trong bếp, ông nhìn vào cửa kính tủ bán thức ăn vặt, chọn lựa. Tôi chào và ông hỏi:

- Bà làm gì trong ban Công chánh?

- Tôi quản lý đồ án. Tôi chịu trách nhiệm chọn và thuê các hãng kỹ thuật thiết kế xây cất và sửa chữa cầu.

- Thế công việc của bà chỉ là một hình thức cạo giấy thôi. Ông Xao cười chế nhạo tôi.

- Vâng, tuy nhiên phải hiểu biết chút ít về kỹ thuật thì mới cạo giấy được. Tôi trả lời.

Xao bảo:

- Tôi đang tìm người thế chỗ của Pat Patel nhưng chưa công bố. Công việc của bà tương tự công việc của Pat, chỉ khác ở chỗ thay vì sửa chữa cầu thì chúng tôi xây cất sửa chữa những cơ cấu dùng điện để phục vụ cầu. Bà hãy mang lý lịch đến gặp Pravin. Pravin là kỹ sư trưởng của ông Xao.

Tôi mừng rơn. Chuyển qua làm công việc tương tự được tăng chức tăng lương, lại thoát khỏi gọng kềm của Ôn Sân thật là lý tưởng quá. Chắc là kiếp trước tôi tu hành chăm chỉ. Pravin không muốn thu nhận tôi.

- Bà không có kinh nghiệm chuyên môn về Điện. Nếu bà không cáng đáng được công việc thì kẹt cho tôi lắm vì chúng tôi bị giới hạn số nhân viên nên không thể thuê thêm ai khác. Tôi sẽ bàn lại với ông Xao.

Tôi thất vọng và giận lắm, nhưng không thể để lộ cơn giận của mình. Ông Xao thật là một ông sếp nhu nhược. Nhân viên của ông ta có thể từ chối lệnh của sếp chứ với Ôn Sân thì chuyện này hầu như không bao giờ có thể xảy ra. Tôi dấu nhẹm chuyện xin việc với ban Điện vì nếu Ôn Sân biết thì lão sẽ hành hạ tôi nhiều hơn. Coi như chỉ có ba người, Xao, Pravin và tôi biết.

Độ một tuần sau khi tôi đưa lý lịch cho Pravin, Ôn Sân gọi tôi lên văn phòng giao cho tôi một đồ án mới.

- Đây là đồ án bên ban điện lực Bà sẽ giúp Bijoux chạy dây cáp fiber optics băng qua cửa biển. Tôi nghĩ bà sẽ rất thích công việc này.

Ôn Sân giải thích đồ án này đang cần làm cấp tốc và ông Xao thiếu nhân viên nên Ôn Sân cho mượn tôi. Đây là dịp may cho tôi. Tôi sẽ hết lòng với công việc và có thể Pravin sẽ thuê tôi. Tôi chẳng từ chối công việc gì, ra công trường, lái xe tải, vẽ đồ án, đánh máy văn thư. Tôi muốn chứng minh là tôi có thể làm công việc giỏi hơn những người như Bijoux.

Tưởng tượng khi tôi được lên chức lên lương, ra vào gặp tôi chắc Ôn Sân sẽ lộn tiết.

Được vài tháng công việc chưa mấy trôi chảy thì Ôn Sân đột ngột ra lệnh tôi bỏ cái đồ án đó và làm công việc khác. Tất cả mọi giấy tờ, sổ sách, bản vẽ tôi phải giao cho Bijoux. Bijoux lúc nào cũng có vẻ buồn ngủ có vẻ chẳng để ý gì đến công việc. Ôn Sân quấy nhiễu tôi suốt ngày với những chuyện linh tinh. Lão bắt tôi đi tìm số điện thoại của một người làm việc ở nhóm khác thay vì gọi bà thư ký. Chính Jean Đi Bộ mách cho tôi biết là lão ta cười hí hửng khi đì tôi làm những chuyện bà từ chối không làm. Lão mắng tôi chan chát trước mặt những nhà thầu vì lão biết những nhà thầu này bao giờ cũng về phe của lão. Những lần như thế tôi lại nghẹn ngào nhịn nhục.

Ôn Sân gọi tôi lên văn phòng chưa kịp nói gì thì Bijoux xông vào. Khi hắn nổi giận bộ râu và những cái răng vẩu càng làm mặt hắn giống mặt chuột hơn. Bijoux mắng tôi:

- Bà không làm xong đồ án dây cáp. Bà vô dụng, và không có đạo đức của người làm việc.

Ông Sân làm thinh. Tôi ngỡ ngàng. Bijoux mắng cả Ôn Sân:

- Còn ông là chỉ huy tồi, không biết điều hành công việc, không biết kềm chế nhân viên.

Mắng xong Bijoux quày quả bỏ đi tôi không kịp nói lời nào.

Trước đó, Bijoux đòi những văn thư quan trọng tôi đã đưa cho hắn từ trước nhưng Bijoux không giữ văn thư, hắn quan niệm tôi là người giúp việc cho hắn như một thứ thư ký chuyên về kỹ thuật. Tôi vẫn còn giữ bản chính, vẫn nuôi hy vọng được chuyển ban, vẫn muốn mọi người nhìn thấy Bijoux là người lười biếng bất tài, tôi là người biết công việc từ A đến Z, và tôi không phải là thư ký của Bijoux, nên không đưa ra.

Tôi nhận công việc và bỏ công việc đều theo lệnh của Ôn Sân thế mà khi Bijoux mắng tôi Ôn Sân không nói một lời nào để bào chữa.

Sau đó Bijoux tìm tôi giả lả hỏi thêm về công việc và những văn thư tôi cất giữ nhưng tôi vốn đã lạnh lùng với hắn nay càng lạnh lùng hơn. Tôi trở thành người ba không, không có, không biết, và không cất giữ.

***

Jean Đi Bộ chờ tôi kể tiếp.

- Trưa hôm ấy, tôi mang thức ăn vào bếp, cho vào microwave để hai phút. Bijoux bước vào. Tôi muốn tránh mặt hắn nên bước ra khỏi bếp vào nhà tắm rửa tay. Khi tôi trở ra thì lò đã ngưng nhưng tôi không tìm thấy phần ăn trưa của tôi. Ngó quanh quất tôi thấy phần ăn của tôi nằm trong thùng rác. Chỉ có Bijoux vào bếp và tôi đi rửa tay nên nếu không phải hắn thì ai vào đây.

Jean Đi Bộ cười khẩy.

- Và vì bà không bắt được tận tay nên bà không thể nói gì với hắn.

- Đúng vậy.

- Thế thì chắc bà chẳng phí tiền và thì giờ mà đi dự buổi tiệc về hưu của hắn.

- Có lẽ.

***

Khi hai người đàn bà ra khỏi bếp, microwave nói với vending machine.

- Loài người, họ chỉ nói tốt cho bản thân của họ chứ không bao giờ nói hết sự thật. Cái bà Hai-hí-tà chỉ nói cái xấu của người ta mà không nhận cái xấu của mình.

- Chỗ này mật ít ruồi nhiều nên họ sát phạt nhau chẳng nương tay. Vending machine nói rề rà qua tiếng máy rung nhè nhẹ.

- Bà ấy khờ quá nên không biết. Ôn Sân biết bà ấy muốn chạy sang nhóm của Xao. Lão cho Xao mượn nhân viên rồi bắt nhân viên làm công việc khác để công việc của Xao bị đình trệ. Vì công việc không tiến triển kịp thời Xao bị mất ngân sách. Phần ngân sách ấy lọt vào tay Ôn Sân. Ông Xao có tiếng dễ dãi nhưng vì thế mà công việc trì trệ. Con trai lớn của Xao mới vừa tự tử chết, con trai thứ nhì bị bệnh ung thư. Xao đang dan díu với cô phụ tá trẻ đẹp. Nếu người ta phát giác vụ tình ái này Xao mất chức như chơi. Ôn Xân chỉ một viên đá đả thương hai con chim. Vừa trị tội nhân viên của lão vừa chơi khăm đồng nghiệp. Microwave thầm thì với vending machine.

- Tôi nghĩ bà Hai-hí-tà nên đi dự tiệc về hưu của Bijoux để chứng tỏ là bà rộng lượng bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Vending machine nói.

- Rộng lượng gì cái bà ấy. Tâm địa bà hẹp hòi như bụng tép. Sau khi bị Bijoux mắng bà ấy ném thức ăn của Bijoux vào thùng rác trước nên Bijoux mới trả thù bằng cách ném lại thức ăn. May cho Bijoux là bà ta không phun nước miếng vào thức ăn của hắn thay vì ném nó đi. Tôi thì đoán là bà ấy sẽ đi dự tiệc về hưu của Bijoux không phải vì hảo ý mà vì ở tiệc này bà sẽ có cơ hội móc nối để tìm chỗ làm khác vì bà cần phải thoát gọng kềm của Ôn Sân.

Nói xong microwave lim dim ngủ.


Vũ Nữ Đám Ma



Gcina Mhlophe

Đây là bài thơ bất ngờ làm người đọc bồi hồi. Thi sĩ Gcina Mhlophe, Nam Phi, "trình tấu" bài thơ hấp dẫn từ đầu. Đưa người đọc từ trạng thái êm dịu, bình an chuyển gấp sang đoạn cuối đầy sửng sốt.

Bài thơ Vũ Nữ, vẽ ra đường ranh giới mong manh giữa thái bình và ly loạn, giữa một thời thanh nhàn an vui và một thời dưới bạo lực. Tuyệt nhiên, bài thơ rất nhẹ nhàng, không có chết chóc, không có đàn áp, không có biểu tình, không có kỳ thị mà vẫn thổi làn hơi mạnh mẽ bênh vực nhân quyền. Không có nhà cách mạng, không có cảnh sát, chỉ có vũ nữ. Một vai trò nhỏ nhoi trong xã hội, lại tài tình chưng bày lý do khác biệt giữa đám ma và đám cưới.

Đặc điểm của bài thơ là tình cảm dọc suốt chữ nghĩa và ý tứ là tình cảm trong sáng. Làm người đọc lâng lâng cảm được một thời bình yên của Nam Phi. Lời lẽ ngây thơ của đứa con gái mất mẹ, nghe kể về mẹ, thì thầm với mẹ, một người mẹ vũ nữ thần tượng được bao người yêu mến. Khiến lòng người cảm động. Vẫn tình cảm nhẹ nhàng, lời lẽ ngây thơ, lại làm cho người đọc giật mình. Cảm giác vừa hụt hẫng vừa ngưỡng mộ tài hoa của thi sĩ.


Mẹ ơi,
họ nói với con mẹ là vũ nữ
kể rằng mẹ có đôi chân
dài rất đẹp xứng với thân hình kiều diễm
họ nói mẹ là vũ nữ

Mẹ ơi,
họ nói mẹ hát đơn ca tuyệt vời
kể rằng mẹ nhắm mắt lại
khi cảm xúc từ bài ca
rung động, rồi mẹ ngẩn mặt lên cao
họ nói mẹ là vũ nữ hấp dẫn

Mẹ ơi
họ kể lúc nào mẹ cũng dịu dàng
như tả về nhành cây Dương Liễu
phất phơ yểu điệu trên dòng nước trong veo
vào đầu xuân ấm khi nói về mẹ
họ nói mẹ là vũ nữ khoan thai

Mẹ ơi,
họ nói mẹ là vũ nữ múa đám cưới
họ kể mẹ lim dim miệng nở nụ cười
đôi tay hơi cong đưa ra phía trước
và đôi chân như tung lướt cát mềm;
tshi tshi tshitshitshitha, tshitshi tshitshitshiha
Hay quá! Ước gì lúc đó con có mặt để xem
họ nói nhìn mẹ trình diễn rất thích thú



Mẹ ơi,
họ nói con cũng là vũ nữ
nhưng con không hiểu...
con không biết rõ vũ nữ đám cưới là gì
nhưng không còn đám cưới nữa
có rất nhiều, rất nhiều đám ma
nơi chúng con hát và múa
rất nhanh bên cạnh quan tài
bên người-giả-cô-dâu hoặc người-giả-chú-rễ
nụ cười lạ kỳ thay dòng lệ rơi
mắt chúng con long lanh nỗi báo thù, mẹ ạ.

Mẹ yêu, mẹ yêu dấu
họ nói con là vũ nữ đám ma




The Dancer



Mama,
they tell me you were a dancer
they tell me you had long
beautiful legs to carry your graceful body
they tell me you were a dancer

Mama,
they tell me you sang beautiful solos
they tell me you closed your eyes
always when the feeling of the song
was right, and lifted your face up to the sky
they tell me you were an enchanting dancer

Mama,
they tell me you were always so gentle
they talk of a willow tree
swaying lovingly over clear running water
in early Spring when they talk of you
they tell me you were a slow dancer

Mama,
they tell me you were a wedding dancer
they tell me you smiled and closed your eyes
your arms curving outward just a little
and your feet shuffling in the sand;
tshi tshi tshitshitshitha, tshitshi tshishitshitha
O hee! How I wish I was there to see you
they tell me you were a pleasure to watch

Mama,
they tell me I am a dancer too
but I don’t know . . .
I don’t know for sure what a wedding dancer is
there are no more weddings
but many, many funerals
where we sing and dance
running fast with the coffin
of a would-be bride or a would-be groom
strange smiles have replaced our tears
our eyes are full of vengeance, Mama

Dear, dear Mama,
they tell me I am a funeral dancer

(http://www.poetryinternationalweb.net/pi/site/poem/item/19047)



Gcina Mhlophe (1958)

Thi sĩ thế hệ thứ ba tại Nam Phi. Sáng tác bằng Anh ngữ. Hoạt động nhân quyền. Ngoài ra, còn là diễn viên và đạo diễn kịch nghệ . Giải thi ca Obie.

Ngu Yên

CHỐN CƯU MANG









ĐOÀN-MINH-ĐẠO



Nắng rất nhẹ bờ tường trắng mốc
Ngồi bên biển và cây
Quá khứ đập nhịp hủy họai
Chốn cưu mang
Nắng mãi leo qua bao lơn căn phòng người thơ đó
Granada nhạt nhòa phố hát quanh năm
Tinh khôi mây vô xứ
Khi giả dụ chưa là huyễn sự
Và em cứ đến với tóc và tay với trời và nắng
Ngọn lửa lò bánh men đứa bé đứng nhìn mê sảng
Tôi hút dấu em vượt vạt đất nung
Mơ tưởng những hạt máu trên áo mình là cánh bướm
Đừng tra vấn tôi bằng từng khái niệm
Khi trái tim vô cố
Lơ lửng những vách ngăn
Từng bịa những bài tình thơ lỗi nhịp
Như vỡ đất hoang
Người ta vẫn ăn những quả trám muối ngâm
Diễn tiến bất công chẳng màng
Những tấm vé hạnh phúc đâu cần đóng dấu
Dù bài tình ca vẫn cứ dễ thương
Vượt trên bao lời phù phiếm
Ngôn ngữ vựng tập rơi
Ngang nhiên đánh thức tội lỗi

Đêm bịp bợm lẩn
Không kịp phơi ra ngoài hành lang ánh sáng
Họ hứa hẹn ta chịu đói chờ ngày chúng dãy chết
Lá ủ mục dưới chân kẻ chăn đàn thú
Bao lơn nắng thu có thực
Giấc mơ của chàng chưa bao giờ là hiện thực
Trước con sóng biển Thủy Nguyên
Mộng về những thiếu nữ khuất mặt trên đồng gió cát
Ôi tiếng hát bay qua tàng cây từng đồi và lũng
Trôi lơ lửng trên mây Thánh Địa Đức Bà
Đừng lay động tôi một bài thánh ca
Từng nốt chuông vang ngân xa mãi.




CON NHỆN Ở MIẾU QUAN ÂM




Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.

Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.

Phật dừng lại, hỏi nhện: “Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?”

Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: “Thế gian cái gì quý giá nhất?”

Nhện suy ngẫm, rồi đáp: “Thế gian quý nhất là những gì ta không bao giờ có được và những gì đã mất đi vĩnh viễn!”. Phật chỉ gật đầu, rồi Ngài đi khỏi.

Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.

Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: “Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?”

Nhện nói: “Con vẫn tin rằng trong nhân gian quý nhất vẫn là “không có được” và “đã mất đi” ạ!”

Phật nói: “Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi.”



Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.

Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: “Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?”

Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: “Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không bao giờ ta có được và cái đã mất đi vĩnh viễn.”

Phật nói: “Nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người!”

Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.

Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng nghĩ rằng, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.

Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.

Châu Nhi nói với Cam Lộc: “Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, người gặp con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?”

Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: “Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?”. Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.

Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.

Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.

Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: “Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi.” Nói đoạn rút gươm tự sát.

Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.

Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?”

Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”

Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…

Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?

“Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”

Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.

Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ.

Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.

Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.

Vậy khi bạn đi kiếm người ở đầu kia dây, hãy cân nhắc. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu để đi tìm một tình yêu mới nữa.

Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một người không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ.

Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu?

Bởi bạn còn cơ hội, một lần nữa, gặp người biết rằng bạn quý giá.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

VÀ NHIỀU NĂM SAU NỮA...


Nguyễn Thị Hậu




“… Về sau, và nhiều năm sau nữa…”
Bài không tên sô 8, Vũ Thành An.



1. Nó ngồi trong quán cà phê trên một con phố nhỏ của một thành phố cũng nhỏ.

Thành phố này (tạm gọi là X.) khá hiếm quán cà phê, đi mỏi chân cũng chỉ thấy những tiệm ăn. Quán cà phê này buổi sáng khá vắng nhưng đến trưa trở thành quán ăn nhanh cho công chức văn phòng, dân buôn bán trong các cửa hàng quanh đấy đến mua những phần thức ăn có kèm ly nước ngọt hay cà phê. Nó ngồi ở cái bàn sát cửa sổ, đôi mắt to với hàng mi dài như bị hút vào những giọt nước mưa bám trên tấm kính, những giọt nước to tròn, lăn từ từ rồi chạy ngoằn nghèo nhanh dần tan ra khi chạm khung cửa. Khi người phục vụ hỏi nó muốn uống gì, nó giật mình ngơ ngác một lúc rồi kêu cà phê đá. Ly cà phê khá lớn và loãng nhách, chỉ có chút mùi vị quen quen. Lơ đãng khuấy ly cà phê nó nghĩ mãi, nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao mình lại có mấy ngày rảnh rỗi ở thành phố xa lạ này?

Nó ngồi đó từ sáng đến trưa, rồi đến quá chiều. Rồi quán đóng cửa, nó đi, quay về khách sạn. Ngồi quán, hay đi lang thang, hay bây giờ bó gối nhìn xuống con đường xe chạy miên man dưới kia, ở đâu, lúc nào nó cũng thấy rõ ràng cảm giác cô đơn vì bị - người – lớn – bỏ - rơi y như ngày còn bé. Nó bất lực vì không thể thoát ra khỏi ý nghĩ: mình là một người thừa ở thành phố này, không ai cần nó. Nó cũng không cần chính mình trong tình trạng trống rỗng này.

Thời gian cứ chậm chậm trôi, trên đường chỉ còn những ngọn đèn kiên nhẫn đứng trong đêm. Những chuyến xe taxi cuối cùng vội vã lao đi. Ai cũng mong được về nhà, đã qua nửa đêm rồi.

Nhưng căn phòng này không phải là ngôi nhà, không phải là ngôi nhà của nó, không là ngôi nhà của ai cả. Có lẽ vì vậy chẳng có ai phải vội vã trở về.

Nó biết, nhiều năm về sau nữa chắc chắn nó không thể quên những ngày này.

Nó nghĩ, đã đến lúc phải từ biệt giấc mơ về hạnh phúc…

….

Mở cửa, anh nhìn quanh. Ngọn đèn ngủ đầu giường vẫn sáng, TV vẫn loang lóang hình ảnh chiến tranh một nơi nào đó. Ấm nước trên bàn còn nóng. Giường gọn gàng chăn nệm phẳng phiu. Không thấy nó trong phòng. Trái tim nhói đau, anh biết, hạnh phúc vừa tuột khỏi tầm tay.

Anh đứng bên khung cửa nhìn xuống con đường loáng nước dưới kia mà tưởng như thấy bóng nó chìm vào màn đêm. Anh biết khỏanh khắc này sẽ đi theo anh suốt đời.






2. Ánh sáng chói chang ùa vào căn phòng. Anh tỉnh giấc, nheo mắt nhìn sang bên, cô vẫn ngủ say, mắt khép hờ chỉ thấy một vệt tròng trắng, bất giác anh ngoảnh mặt đi. Vươn vai đứng dậy anh kéo rèm cửa số. Tiếng động làm cô cựa mình, càu nhàu:nắng quá, để cho người ta ngủ! Anh lầu bầu: ngủ cho lắm mơ mộng gì cả đêm sụt sịt… Cô gắt lại giọng tỉnh như sáo: ai mơ? Sao cứ trở mình thở dài thượt thượt không cho ai ngủ?

Anh im lặng nhìn xuống con đường dưới kia. Vẫn như nhiều năm trước, dòng xe chạy không dứt, hình như có gì đó hơi là lạ… à, xe đi theo chiều tay trái. Hồi đó khi qua đường nó cứ quen nhìn về bên phải, anh nắm tay nó nhắc bên này cơ mà, nó lại cười… nụ cười làm anh lặng người khi nhìn thấy lần đầu tiên. Lúc đó anh đang làm việc ở X. và có người yêu là cô bạn đồng nghiệp. Thế rồi trên một chuyến xe bus tình cờ anh gặp nhóm bạn trẻ đi du lịch. Khi nghe chúng ngơ ngác hỏi nhau sẽ xuống bến nào, nhận ra tiếng nói quê mình, anh làm quen rồi chỉ đường đi cho cả nhóm. Nó cám ơn anh và mỉm cười. Anh chợt nhận ra nụ cười này quen thuộc lắm, dường như mình đã chờ đợi từ rất lâu rồi…

Vài ngày cũng đủ để anh và nó quyết định đến với nhau. Khi bạn bè về, nó ở lại thêm mấy ngày nữa. Ngày cuối cùng của nó, anh quyết định sẽ gặp cô bạn đồng nghiệp để nói lời chia tay. Để nó ở lại khách sạn anh hứa chiều về sớm đưa nó ra bãi biển đẹp nhất thành phố… Nhưng rồi cuộc trò chuyện không thể kết thúc sớm như anh muốn. Đến khi anh đón được taxi về khách sạn thì đã quá nửa đêm. Trong phòng, nó ngồi bó gối nhìn xuống đường, đôi mắt mọng nước.

…..

Thời gian trôi qua. Họ đã có 2 đứa con, cuộc sống ngày càng đầy đủ nhưng hiếm khi cô nghe thấy giọng nói ấm áp của anh như ngày nào gặp nhau trên xe bus, còn anh cũng quên mất không biết nụ cười tươi tắn trước kia của cô như thế nào. Thỉnh thỏang họ đi du lịch nơi này nơi kia như những gia đình phong lưu khác. Lần này theo tour họ đến X hôm qua. Cả ngày đi theo cô shopping anh mệt rã rời, còn cô lại hí hửng vì mua được bao nhiêu đồ sale off. Lúc ngồi taxi từ khu trung tâm về khách sạn, anh nhận ra con đường cũ, quay sang định nói với cô thì nghe cô nhắc: mai anh chuyển thêm tiền vào thẻ cho em, hết rồi.

Thấy anh cau mặt quay đi, cô nhìn ra con đường có dải phân cách trồng đầy bông giấy tím ngát, bỗng nhớ quá chừng cảm giác bình yên ngày trước khi anh nắm tay cô dẫn qua con đường có dòng xe chạy về bên trái. Cả ngày hôm nay cô luôn giật mình hỏang hốt khi qua đường dù anh đi ngay bên cạnh.

Về đến khách sạn họ đi ngủ, và mơ.

Một bệnh nghiêm trọng (A grave disease)



Phạm Việt Hưng





Abstract: Despite Sylvester Medal awarded to George Cantor in 1904 by British Royal Society, and although David Hilbert declared that Cantor had created a Paradise of Mathematics, Cantor’s ideas were actually a “grave disease” of Mathematics (as Henri Poincaré noted) and “pernicious idioms” for Mathematics (as Ludwig Wittgenstein lamented). Unfortunately, this disease has been infecting the education for many years. What to do with it? That is a question for the education.

Bất chấp Huân chương Sylvester do Hội Hoàng gia Anh trao tặng cho George Cantor năm 1904, và mặc dù David Hilbert tuyên bố Cantor đã tạo ra một Thiên đường Toán học, tư tưởng của Cantor thực ra là một “bệnh tật nghiêm trọng”của Toán học (như Henri Poincaré nhận xét) và là “những trình bầy độc hại” đối với toán học (như Ludwig Wittgenstein than phiền). Không may, căn bệnh này đã và đang nhiễm độc nền giáo dục trong nhiều năm. Phải làm gì với căn bệnh đó? Đó là một câu hỏi đối với nền giáo dục.




Có một độc giả trẻ, một giáo viên Toán, gửi thư cho tôi, nói đại ý rằng bao lâu nay bạn ấy nghĩ Toán là một khoa học chặt chẽ, chính xác, không có chỗ cho mâu thuẫn. Toán học là một chân lý tuyệt đối, như 2 cộng 3 phải bằng 5 vậy.

Nhưng khi đọc những bài trên PhamVietHung’s Home, bạn ấy ngạc nhiên khi thấy Toán học rốt cuộc cũng chỉ là một khoa học dựa trên kinh nghiệm như các khoa học khác. Và đã là kinh nghiệm thì có thể đúng, có thể sai, chứ không phải là một chân lý tuyệt đối như bạn ấy nghĩ.

Bạn ấy còn thắc mắc tại sao nhà trường, từ phổ thông tới đại học, không hề cho bạn ấy biết những sự thật như trang mạng nói trên.
Tôi suy nghĩ mãi không biết nên trả lời thế nào. Cuối cùng, tôi quyết định kể một chuyện vui.



Theo cách đó, bạn có thể rút ra vô số những kết quả khác nhau của S, và do đó bạn sẽ đi tới kết luận: mọi số đều bằng nhau!
Đó là một nghịch lý. Nghịch lý ấy từ đâu mà ra?
Câu trả lời: Từ khái niệm vô hạn (S là một tổng vô hạn của các số hạng).
Nhưng chẳng phải toán học vẫn từng xử lý các bài toán vô hạn đó sao?
Vâng, đúng như vậy. Nhưng Toán học không tự hiểu mình.
Toán học là một bộ phận của lý trí dựa trên lý lẽ, mà lý trí thì hữu hạn. Lấy cái hữu hạn để xử lý cái vô hạn thì tránh sao khỏi sai lầm? Có thể có trường hợp đúng, nhưng cũng có nhiều trường hợp sai. Thậm chí có những trường hợp không biết đúng hay sai. Những trường hợp ấy được gọi là “bất khả quyết định” (undecidable).

Nhân loại vốn có tham vọng vô hạn nên rất thích tìm hiểu cái vô hạn. Nhưng không hiểu rằng lý trí hữu hạn không thể nắm bắt cái vô hạn được.

Blaise Pascal, ngay từ thế kỷ 17 đã băn khoăn đặt câu hỏi:
“Comment se pourrait-il qu’une partie connut le tout?” (Làm thế nào một bộ phận có thể hiểu được cái toàn thể?). Cái bộ phận là hữu hạn, cái toàn thể là vô hạn.

Đáng tiếc là nhiều người không quan tâm tới những nghĩa lý sâu xa đó, nên dễ bị shock khi gặp nghịch lý trong toán học (như bạn trẻ nói trên chẳng hạn).

Thậm chí vì không hiểu sự thật đó, nên có một xu hướng dạy Toán rất phi lý trong nhà trường hiện nay, bắt trẻ em phải tiêu hóa những khái niệm “chặt chẽ”, “trừu tượng”, “chính xác” của toán học, mà thực ra là của một thứ Toán học sai lầm.

Xu hướng này hình thành trong Toán học thế kỷ 20, gây nên sự chia rẽ lớn trong đường lối nghiên cứu và giảng dạy Toán học.

Mầm mống dẫn tới sự chia rẽ đó là lý thuyết của Cantor về cái gọi là “Transfinite Numbers” (số siêu hạn), ra đời vào cuối thế kỷ 19. Bất chấp sự công kích từ nhiều nhà toán học lớn thời đó, David Hilbert, người được tôn sùng là một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của mọi thời đại, đã bênh vực Cantor. Ông tuyên bố: “Không ai có thể trục xuất chúng ta khỏi cái Thiên đường mà Cantor đã tạo dựng” (No one shall expel us from the Paradise that Cantor had created). Nghe mà kinh hãi.

Buồn thay, tiếc thay, trường phái Hilbert đã tạm thời chiến thắng, khuynh đảo đường lối Toán học thế kỷ 20. Đó là lý do vì sao ta thấy lối dạy Toán đề cao logic hình thức bây giờ vẫn được tôn sùng trong nhà trường. Nào là tập hợp, nào là ánh xạ,… Rất vớ vẩn, không cần thiết một chút nào với đại đa số người học, chưa nói đến những tai hại làm méo mó nhận thức của trẻ em. Họ cứ tưởng đó mới là thứ Toán học sang trọng, Toán học thứ thiệt. Họ không biết rằng Thế giới đã tỉnh ngộ. Những khái niệm suông ấy đã lùi vào dĩ vãng. Nếu còn được sử dụng thì cũng chỉ trong một phạm vi rất hẹp của một bộ phận trong giới Toán học mà thôi. Nhiều người đã chế giễu kiểu toán học này là trò “tự sướng” của mấy vị toán học “chùm trăn”. Toán học đó không giống chút nào với Toán học như một thứ văn hóa sinh động dành cho xã hội, dành cho tất cả mọi người.

Đại bộ phận nhân loại không cần cái toán học “tự sướng” ấy.

Ngay từ đầu thế kỷ 20, tư tưởng của Cantor thực ra đã bị chống đối mạnh mẽ từ một loạt các nhà toán học lỗi lạc đương thời như Leopold Kronecker, Henri Poincaré, rồi sau này là Hermann Weyl, L. E. J. Brouwer, và đặc biệt là nhà logic học và triết học Ludwig Wittgenstein.

Poincaré coi tư tưởng của Cantor là “bệnh tật nghiêm trọng” làm nhiễm độc nguyên tắc của toán học (“grave disease” infecting the discipline of mathematics).

Còn Kronecker, cả trên những chống đối công khai lẫn tấn công cá nhân, đều mô tả Cantor như một “gã lang băm khoa học” (a “scientific charlatan”, chữ charlatan cũng có nghĩa là một kẻ bất tài hay lòe bịp), một “kẻ phản trắc” (a renegade), và một “kẻ đồi bại của tuổi trẻ” (a corrupter of youth).

Nhiều năm sau này (khi Cantor đã mất), Wittgenstein kêu trời lên rằng toán học đã bị “đè nặng bởi những cách diễn đạt độc hại (pernicious idioms) của lý thuyết tập hợp”, một lý thuyết mà Wittgenstein xem như “hoàn toàn vô nghĩa” (utter nonsense) đến mức “đáng buồn cười” (laughable) và “sai lầm” (wrong).

Nhưng thưa độc giả. Cái thứ toán học vô nghĩa và sai lầm ấy đang chiếm ưu thế ở nhà trường đấy. Đó là lý do vì sao rất nhiều học sinh vừa chán vừa sợ môn Toán.

Khi chia sẻ điều đó với bạn bè, có người chất vấn tôi:

- Nếu đường lối Toán học của Cantor là sai lầm thì tại sao năm 1904, Hội Hoàng gia Anh lại trao tặng Cantor Huân chương Sylvester, một phần thưởng cao nhất thời đó dành cho các công trình Toán học; và tại sao một nhà toán học tài giỏi như Hilbert lại ủng hộ Cantor; và tại sao đường lối Toán học ấy lại thắng thế trong thời gian dài như thế?

Tôi trả lời:

- Khi bạn hỏi tôi câu đó, có lẽ bạn không dựa trên cái trực giác của chính bạn để phân biệt cái hay, cái dở. Hoặc bạn không có đủ trực giác nhạy bén để nhận ra cái “bệnh tật nghiêm trọng” ấy như Poincaré đã phán xét. Nếu Hilbert giỏi giang thì Poincaré là ai, có phải đó là “Mozart của toán học” không? Có phải là nhà “đại quảng bác cuối cùng” (the last Universalist) không? Vậy không nên căn cứ vào ai cả, nên dựa vào chính cái trực giác của bản thân mình mách bảo. Còn tôi, khi tôi coi Cantor và đường lối toán học của Hilbert là sai lầm, ấy là tôi nói theo suy nghĩ của chính bản thân tôi. Chính tôi không thể chấp nhận cái tư tưởng quái gở đó, và tôi càng không thể chấp nhận được cái đám đông hùa theo cái sai lầm ấy. Trước chân lý, đám đông là vô nghĩa. Nếu quả thật Hội Hoàng gia Anh tặng Huân chương cho Cantor thì điều đó trước sau cũng sẽ tổn hại tới uy tín của hội này. Vả lại, có lẽ bạn chưa biết Hilbert ngoan cố như thế nào khi Định lý Bất toàn của Kurt Godel công bố năm 1931. Hilbert trong thâm tâm muốn phủ nhận định lý này lắm, nhưng ông không có cách nào để phủ nhận nó. Ông đã rời khỏi thế giới trong nỗi buồn phiền rằng định lý này đã phủ nhận toàn bộ chương trình của ông, một chương trình vĩ đại được lịch sử đặt tên là Chương trình Hilbert. Định lý Bất toàn đã chỉ ra rằng Chương trình Hilbert là vô vọng, không tưởng, và do đó tham vọng “siêu thoát” của Cantor, Hilbert quả thật là một căn bệnh nghiêm trọng như Poincaré mô tả. Hơn thế nữa, nó vô nghĩa và độc hại như Wittgenstein đã nói.

Bài viết này là một ngẫu hứng nẩy sinh từ một thắc mắc của một bạn trẻ. Tôi viết nhanh để chia sẻ với bất kỳ ai quan tâm tới toán học và giáo dục. Rộng hơn, với bất kỳ ai quan tâm tới nhận thức và bản chất của nhận thức.

Nguồn: http://viethungpham.wordpress.com/

Tiếng cười trên facebook



Phan Trang Hy



Tôi có dịp vào Sài Gòn. Được gặp lại Tuấn, bạn thân hồi đại học. Được gặp lại bạn thân ở xứ người là quý vô cùng. Vả lại, chân ướt chân ráo từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, không thể không nhờ Tuấn khi tôi không biết đường biết sá ở cái thành phố này, cái thành phố chỉ nghe tên cũng thấy sự năng động, náo nhiệt, không ngủ, cái thành phố vang bóng một thời mang tên Hòn Ngọc Viễn Đông.

Tôi định sẽ thăm anh Nguyên Minh, anh Trương Văn Dân, chị Elena Pucillo Truong, Nguyễn Hòa vcv, Phan Hoàng cùng một số bạn văn. Dự tính, không bằng trời tính. Tôi bỏ lỡ dịp may vì Tuấn đang có sự cố về tình duyên. Tôi vì Tuấn nên không gặp anh chị em văn chương được. Thôi thì, hẹn lại dịp khác. Chỉ xin các anh chị em thông cảm.

Điện thoại rung. Có tin nhắn. Tôi vội mở đọc. Tuấn, bạn tôi, mời tôi uống cà phê. Tôi trả lời là sẽ đến.

Gọi tắc xi. Tôi đứng đợi. Sài Gòn dưới mắt tôi có phần giống ở Đà Nẵng, nhưng có chỗ khác là, ở Sài Gòn có vẻ khoáng đạt và lãng mạn, hào phóng và nhân ái bởi những hàng cây lâu năm, bởi những không gian thoáng đãng, bởi những con người dễ tính, thực tế... Không biết những cảm nhận đó có đúng không. Đang nghĩ vẩn vơ về thành phố hoa lệ này, tôi nghe tiếng còi. Quay lại, chiếc tắc xi đã dừng bên lề, tôi vội mở cửa. Người lái xe còn trẻ, cười lịch sự rồi hỏi:

- Chú đi đâu?

Tôi vội đáp:

- Cho tôi đến quán cà phê Hương Xưa, đường Trần Cao Vân.

- Dạ!

Ngồi trên xe, tôi nhìn hai bên đường. Phố xá nhộn nhịp, người xe nườm nượp qua lại. Xe chạy một lúc rồi quẹo đến ngã tư. Bảng hiệu quán Hương Xưa hiện ra trước mắt tôi. Tài xế cho xe dừng lại. Rồi xuống xe mở cửa để tôi xuống.

Trả tiền cho tài xế xong, tôi bỏ xếp vào túi sau, vuốt lại mái tóc, rồi bước vào quán. Hôm nay, chủ nhật, quán đông thật. Nhìn quanh, cuối cùng, tôi cũng tìm được Tuấn.

Ngồi bên nhau, chúng tôi im lặng. Bản nhạc không lời dịu nhẹ. Hợp với không gian hơi se lạnh. Cái lạnh có lẽ hiếm có ở Sài Gòn nhưng có chút dễ chịu. Tôi lại nhớ cái thời sinh viên. Thèm cà phê vào những ngày cuối tháng mười một. Khi ấy, tôi học ở Huế. Thèm ngồi một mình trong quán. Thèm một hơi thuốc cho ấm lòng. Tôi lại nhớ vu vơ, nhớ cô bạn học cùng lớp thời trung học. Cô ấy tên là Kim Chi. Một thời hoa khôi của lòng tôi. Cô ấy khéo tay lắm. Nào là làm bánh, đủ các loại bánh, từ bánh quê, dân dã, đến các thứ bánh theo công thức của nước ngoài. Tôi cũng được biết cô ấy nấu ăn rất ngon. Cô cũng hát hay nữa. Còn đôi mắt của cô ấy đúng là đôi mắt của người thông minh. Đôi mắt ấy, dù tôi nhắm mắt cũng biết chắc chỉ có cô ấy mới có đôi mắt ấy. Tôi bần thần nhớ tất cả. Rồi, tôi lại quay về với thực tại. Tôi nhìn Tuấn. Quan sát hắn. Tôi thấy hôm nay, hắn có vẻ lạ. Tôi rít một hơi thuốc, rồi nhẹ nói với hắn:

- Cớ sao hôm nay tau thấy mi có vẻ sao sao ấy. Có chuyện gì lạ không?

Hắn cười buồn, rồi xoa xoa bàn tay, miệng lí nhí:

- Chẳng có chuyện chi đâu. Mà thôi, tau đề nghị đừng nói chuyện chi cả! Chúng mình yên để nghe nhạc là được rồi. Mi chiều tau đi.

Tôi gật đầu, nhìn thẳng vào mắt hắn dò xét, nói:

- Được thôi.

Rồi, chúng tôi ngồi im như thế. Thời gian trôi qua theo từng giai điệu của những bản nhạc không lời. Chúng tôi quen như thế từ lâu rồi. Có khi cả buổi, ngồi bên nhau không cần một lời trao đổi, không cần tranh cãi, chỉ có sự im lặng là cũng thú vị rồi. Nhiều người thấy chúng tôi thân thiết như cặp bài trùng, họ thường chọc chúng tôi là đồng tính. Biết họ đùa, nên chúng tôi chẳng lấy làm khó chịu. Chỉ có niềm vui được có bạn là quý lắm rồi.

Chợt điệu nhạc phát ra từ điện thoại của Tuấn. Rồi im bặt. Tôi đoán chắc là tin nhắn. Quả không sai. Lấy điện thoại ra khỏi túi quần, Tuấn làu bàu:

- Chắc quảng cáo nữa đây! – Rồi Tuấn nói tiếp có vẻ bực dọc – Cứ quảng cáo đủ thứ, làm như khách hàng rảnh rỗi và lắm tiền!

Tôi cười ba phải:

- Thôi kệ họ! Hơi mất công chút mà, chẳng chết ai đâu mà sợ! – Tôi nói tiếp – Rứa có tin quảng cáo khuyến mãi mobi không?

- Chẳng phải quảng cáo. Chỉ là tin nhắn của cô bạn.

- Mi có bạn gái? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

Chỉ có cái gật đầu của Tuấn. Tôi nhìn kỹ hắn, xem kỹ hắn có bạn gái hồi nào vậy? Chả là trước đây, hắn rất nhát gái. Thấy gái như thấy cọp. Cũng may tại cái tính nhát gái ấy mà hắn được vợ. Cách đây 25 năm, nhiều lần bị bạn bè khích là đã 33, 34 rồi mà chẳng có người yêu. Tôi biết điều ấy và đã khuyên hắn cứ mạnh bạo lên, cứ chai mặt một phen thử coi. Hắn ừ ừ, rồi đâu lại vào đấy, chẳng có tiến triển gì trong chuyện tìm gái gú. Tôi tìm mọi cách để cho hắn có bạn gái. Tôi đã bàn với vợ tôi tìm cách giới thiệu cô bạn thân chưa có người yêu cho hắn. Vợ chồng tôi bàn đi bàn lại, rồi quyết định làm một bữa cơm, rủ hắn và cô bạn ăn cơm tại nhà tôi. Thực lòng, vợ chồng chúng tôi mong làm chim xanh cho hắn và cô bạn của vợ tôi. Cũng may cho chúng tôi, không biết cớ sao hắn lại bén duyên cùng cô bạn. Vợ tôi lên giọng kể công với tôi, nào là vợ biết cách làm mai, nào là vợ khéo xếp đặt cho hắn, chớ mười người như hắn, với cái tính ít nói, dễ gì có bồ, nói chi tới vợ. Tôi chỉ cười, rồi cũng kể công của mình, rồi phân tích chi li cho vợ tôi biết là cô bạn cũng qua tuổi thanh xuân nên họ bén duyên là thường tình của những đôi trai gái đã quá tuổi rạo rực. Thói đời, khi quá lứa, người ta thường chọn người bạn đời hơn là chọn người yêu. Bởi vì thời gian như trêu chọc họ. Họ không có thời gian để mà hẹn hò, để mà quan tâm, lo lắng cho nhau khi sự háo hức đã bắt đầu quay đầu đi xuống. Vả lại, nếu có quan tâm, săn sóc cho nhau thì cũng chỉ vì cái đích là thành vợ thành chồng nên họ vội vội vàng vàng, có khi chưa hiểu hết đối tượng. Đùng một cái, họ đính hôn. Họ cũng được mọi người vui mừng, cùng dự buổi lễ ăn hỏi, hoặc họ bỏ giai đoạn lễ hỏi, chỉ làm lễ cưới. Chỉ có niềm vui của mọi người trong các buổi lễ ấy. Gia đình đằng trai mừng vì thằng con trai dù qua tuổi thanh niên mà được thoát cảnh ế vợ. Cũng thế, nhà gái và người thân, bạn bè của cô ta hí hửng như trúng số độc đắc vì cô gái tránh được kiếp không chồng.

Từ ngày có vợ, Tuấn ít có thời giờ rủ tôi uống cà phê. Nhiều lần, tôi gọi điện, mời hắn, nhưng hắn từ chối. Tôi chỉ thầm trách hắn. Nhưng rồi nghĩ đi, nghĩ lại cần thông cảm cho hắn. Hắn phải đánh nhanh, đánh mạnh để có con chứ! Từ đó, tôi chỉ gọi nói chuyện khi thấy nhớ hắn.

Rồi vì công việc, hắn và vợ phải vào Sài Gòn sinh sống. Tôi nhớ lại hôm tiễn đưa, tôi cầm tay hắn lắc lắc:

- Mi nhớ gọi điện cho tau nghe! Nhớ là khi sinh con phải báo cho tau biết đó.

Hắn cười, tiếng cười pha chút buồn của kẻ sắp phải xa quê:

- Tau sẽ gọi điện mà!

Tôi bắt chặt tay hắn như sợ không còn bắt được nữa.

Tàu chuyển bánh, hai vợ chồng tôi vẫy tay tạm biệt vợ chồng Tuấn…

Đột nhiên, giai điệu của “Love Story” vang lên, kéo tôi về thực tại. Nhìn Tuấn, tôi thấy hắn có vẻ buồn buồn.

Ngày hôm sau, tôi tạm biệt vợ chồng hắn, về lại Đà Nẵng. Chúng tôi hẹn ngày gặp lại. Và chúng tôi đã gặp nhau thường xuyên trên mạng khi facebook phát triển. Chúng tôi thường gửi tin cho nhau qua mạng. Cũng nhờ internet, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều chuyện. Kể cả những chuyện riêng tư.

Một hôm, tôi nhận tin nhắn của Tuấn. Hắn tin cho tôi biết hắn viết về chuyện có thực của hắn để dự thi trên tuần báo Gia Đình. Biết tôi có khiếu viết truyện, hắn muốn nhờ tôi xem chuyện hắn viết có được không. Tôi nhận lời xem bài viết của hắn. Hắn lấy làm mừng và gửi bài cho tôi xem để góp ý.

Rồi tôi nhận được bài hắn gửi. Tôi xin ghi ra đây để các bạn cùng tôi góp ý cho hắn.



Khi nghe tin tôi có người yêu chắc mọi người bàng hoàng, sửng sốt. Có vợ, có con sống hạnh phúc, thế mà có thêm người yêu thì quả là họa đến nơi chớ chẳng chơi. Nhưng, có ai hiểu cho tôi? Đến giờ, tôi vẫn không hiểu, sao đã có vợ con rồi mà tôi vẫn yêu thêm. Có phải bản năng thằng đàn ông trong tôi trổi dậy lòng tham lam trong tình yêu? Hay ở người tôi yêu có nét gì đó quyến rủ? Nhiều lúc ngồi một mình nghĩ về cô ấy, tôi cảm thấy sao lòng mình không tự chủ được chính mình?

Có phải tôi là kẻ ngoại tình? Có phải tôi phản bội tình yêu của vợ? Tôi tự nhủ lòng mình đâu dám thế! Trăm ngàn lần không thể!

Ban đầu, hình ảnh cô ấy cũng chỉ là hình ảnh của những lượt đàn bà trên đường sinh tử mà tôi đang qua. Rồi bạn bè chọc ghẹo, cặp đôi, rồi tôi với cô ấy như từ trong sâu thẳm ở cõi mơ hồ nào đó cảm thông nhau. Biết cô ấy có chồng con, thế mà tôi vẫn cứ nghĩ về cô ấy. Còn cô ấy, biết tôi có vợ, vẫn nghĩ về tôi. Dù tâm tưởng như là tri âm, tri kỷ, thế nhưng, chúng tôi vẫn không làm điều xúc phạm đến nhân phẩm của nhau. Cứ y như là cổ tích ấy.

“Thanh ơi! Anh nhớ em quá! Anh mong thấy em. Giờ, em có nhớ anh không? Sao Em nói với anh một lời đi!”. Nằm bên vợ mà tôi vẫn nghĩ về ánh mắt của cô ấy. Tôi có cảm giác mơ hồ hối tiếc sao không gặp cô ấy trước khi tôi có vợ, sao tôi chẳng cùng cô ấy chung sống với nhau? Mỗi lần nghĩ vậy, tôi như thấy một bóng người đang cười chế nhạo tôi: “NàyTuấn, ngươi tiếc điều gì? Sao ngươi không nghĩ mình đang hạnh phúc mà nghĩ đến ảo ảnh của tình yêu ở tận đâu đâu? Ngươi không biết con người ở đời này thường tiếc rẻ những thứ đáng lẽ họ không thể có hay sao? Ta biết cả tim đen của ngươi rồi. Ngươi muốn chứng tỏ ngươi là người đào hoa chứ gì? Ngươi muốn chứng tỏ là kẻ ngon hơn những đàn ông khác chứ gì? Ngươi muốn thả bản ngã của ngươi chạy rông như con chó động đực chứ gì? Ngươi hãy coi chừng những thứ ngươi đang tạo dần bi kịch của đời ngươi dó! Tội nghiệp cho ngươi quá! Giờ ngươi tính thế nào? Ngươi yêu vợ ngươi hay yêu cô ấy? Ngươi trả lời đi!”.

Tôi chỉ thở dài. Tôi đa đoan, tôi chuốc khổ. Tôi biết làm sao đây?

“Tôi già rồi! Tôi biết phận tôi mà! Anh đâu còn thương tôi. Giờ anh có nó rồi. Anh có đoái hoài gì đến tôi. Anh không cần tôi thì anh đi cho khuất mắt tôi. Nếu anh không đi thì để tôi đi. Anh đi đi! Đi cho khuất mắt tôi!”.

Vợ tôi đang hờn giận. Vợ tôi đay nghiến trong cơn ghen tức. Tôi bước ra khỏi nhà. Đường phố đã lên đèn. Tôi bị cuốn vào dòng người đêm. May mà không ai nhìn rõ tôi. May mà tôi không bị chỉ trỏ, làm trò cười cho thiên hạ. Đại khái, nào là tôi là cái thằng dại gái, bị vợ đuổi; nào là có vợ con rồi mà còn ham hố… Nhưng tôi không ngờ có một thằng người khác đang tìm tôi. Đích thị hắn, chồng của cô ấy. Hắn nhếch bộ râu cười vào mũi tôi: “Mày muốn cướp vợ tao à? Mày muốn phá vỡ hạnh phúc của gia đình tao à? – Hắn nắm cổ áo tôi, mắt trừng như muốn nuốt chững tôi – Đâu dễ thế hở? Tao cho mày nếm mùi lễ độ!”. Những cú đấm tới tấp trên mặt tôi. Máu từ miệng tôi; hình như răng tôi gãy thì phải. Tôi gắng gượng, lườm lại hắn. Tôi sợ hắn ư? Hắn cấm tôi yêu cô ấy được ư? Tôi muốn nói điều gí đó với hắn để hắn hiểu, nhưng tôi bị đánh tới tấp. Cơn đau làm tôi lóe lên cái ý nghĩ: Như kẻ lượm được tiền của kẻ khác đánh rơi, mình vui, thì có người khác buồn. Mình có chút hạnh phúc này thì người khác mất chút hạnh phúc khác. Và nếu mình mất của quý, có ai đó lượm được thì họ vui, còn mình buồn. Mình buồn khi có người khác vui. Cái lẽ đời là thế ư? Tôi tự hỏi trong cơn đau. Ý nghĩ đó cứ quay cuồng như muốn làm đầu tôi nứt, tôi hét lên. Mồ hôi ra như tắm. Tôi nghe rõ tiếng vợ tôi: “Anh! Anh sao thế? Em đây mà!”. Tôi mở to mắt. Chỉ màn đêm. Chỉ có bàn tay của vợ nắm tay tôi: “Anh mớ ngủ, làm em hết hồn”.

Tôi thường chở vợ đi sắm hàng vào ngày chủ nhật. Mua sắm hàng trở thành thú vui của vợ tôi. Mỗi lần mua được món hàng gì như thể gia đình tôi được một món hời. Có lần đi mua con dao, không biết nghe quảng cáo thế nào, vợ tôi lại mua thêm cái kéo, dù ở nhà có cả hai cái.Tính phụ nữ hay hay là thế! Dù không cần, nhưng cũng sắm, âu đó cũng là đức tính lo xa của phụ nữ.

Tay xách hàng, vợ tôi cười như được của: “Hôm nay, em sẽ làm món đặc biệt cho cha con anh ăn. Anh thích không?”.

Tôi cười, gật đầu…

Trên đường về, tôi gặp cô ấy đi cùng chồng con. Tôi nghe rõ tiếng cười của gia đình họ.



Đọc những lời Tuấn tâm sự, tôi chỉ biết cười trừ. Tôi chợt nhớ tới cô bạn ngày xưa. Tôi vội lên facebook tìm nụ cười của cô bạn tôi hồi ấy.

Trên facebook, tôi gặp lại đôi mắt ngày xưa. Tôi cũng thấy những hoa, những bánh, những thức ăn cô làm. Thấy cả ba, mợ của cô ấy. Tôi cũng nghe cả tiếng cười của cô ấy trên facebook.

Tiếng cười trên facebook. Tiếng cười của ngày xưa hiển hiện trong tôi.

Ngày Nào Cũng Là Ngày Noel



Trần Vấn Lệ





Ít khi thấy ngày mùa Đông có nắng. 
Nhưng hôm nay, thành phố rộn ràng sao!
Mặt trời không mọc ở trên cao. 
Mỗi người đi bộ ôm mặt trời trước ngực. 

Tôi thấy những đóa hoa bật khóc…
và nụ cười đứng cạnh nụ hoa. 
Tôi nghĩ tới một người xa…

Tôi tưởng tượng mặt trời ở đó. 
Tóc của người tôi yêu phất phơ trong gió. 
Mặt của người tôi yêu hồng như mặt trời, bao nhiêu đóa hoa đua nở vì ai, chắc chắn có vì người tôi yêu đang đi bộ!

Sáng mùa Đông, đường đi trong phố là đường hoa thơm ngát bình minh. 
Có nhiều người đi một mình nhưng không ai nói mình là người đôc-hành-cô-lữ! 
Mặt trời mùa Đông không phải là mặt trời rực rỡ mà lòng người rực rỡ như hoa…
Tôi nghĩ tới một ngày không xa, lễ Noel mừng ngày sinh của Chúa…mặt trời mọc cả lúc nửa đêm! 
Tôi nghĩ tới em – ngày nào cũng Noel của người tôi thương nhớ…

Sáng hôm nay tôi cũng đi trong phố, ôm mặt trời, thỉnh thoảng tôi hôn…
Những ngọn gió bay qua, những sợi róc em vờn. 
Tôi nhớ lại những ngày mùa Đông hành quân lạnh buốt, nghĩ về em, tôi có những mùa Xuân!
Nếu có câu thơ nào em thấy thật ngon, em cắn nhé – trái hồng giòn Đà Lạt…

Tôi nhớ lại thời còn đi học, sáng mùa Đông tôi hôn từng trang vở của tôi. 
Ai ở dãy bàn bên kia nhoẻn miệng xinh cười. 
Tôi nhìn sang rồi nhìn lên: thấy mặt trời hiện trên bảng phấn…
Nếu không có những năm tình lận đận, mình làm sao trong buổi sáng hôm nay?
Cho anh nắm lấy đôi bàn tay, cho anh chỉ cho em thấy, đây này những đường gân đứt đoạn!

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013