I. Châu Á và phương Tây trong quan niệm của Mahathir Mohamad
Mahathir Mohamad, nguyên Thủ tướng Malaysia, người được các chính khách và đông đảo các nhà nghiên cứu chú ý vì những bài viết và ý tưởng độc đáo của ông về giá trị Châu Á. Tư tưởng của ông được trình bày trong nhiều ấn phẩm và tại nhiều Hội nghị, hội thảo quốc tế Năm 2000, Nhà xuất bản Pelanduk, Malaysia đã tập hợp và in thành hai chuyên khảo gồm 21 tham luận đã được trình bày tại các Hội thảo khoa học (xem: 4 & 5). Nội dung của tất cả các tham luận này đều trục tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến vấn đề giá trị Châu Á. Có thể điểm lại những tư tưởng chính của ông như sau:
1- Mahathir phê phán tình trạng nhiều người phương Tây thành thực tin rằng chỉ tồn tại một loại giá trị là giá trị toàn cầu. Mahathir lưu ý, không phải việc đề cao một thứ giá trị nào khác ngoài phương Tây đều chỉ là biện giải cho sự áp bức, độc tài và thiếu văn minh. Đã đến lúc cần phải loại bỏ quan niệm này. Ông viết: “Tôi tin rằng có sự khác biệt tự nhiên về giá trị. Những ai không thừa nhận sự khác biệt đó thì chẳng khác gì một kẻ mù màu – chỉ nhìn thấy màu xám mà không thấy được các sắc của cầu vồng – nên họ cho rằng làm gì có sự khác biệt”. Nên sẵn sàng chấp nhận những khác biệt về giá trị và cũng nên tin rằng có những giá trị và lối sống khác hay hơn, hiệu quả hơn và có thể văn minh hơn lối sống của mình.
2- Theo Mahathir, không thể lập luận, thế giới này chỉ có giá trị toàn cầu. Những người đấu tranh cho quan điểm toàn cầu hoá về giá trị đã đi lạc đường. Nếu người châu âu thành tâm tin rằng giá trị của họ toàn cầu hơn các giá trị Mỹ, thì cũng y như thế, người Châu Á với số dân hàng tỷ người cũng có đủ cơ sở để nói giá trị của mình còn toàn cầu hơn cả giá trị Mỹ và Âu Tranh cãi về điều này quả thực là khó. Vì vậy, “tôi cầu nguyện sẽ không bao giờ có một người Châu Á nào lại đứng lên tự nhận chỉ có giá trị châu Á là giá trị duy nhất mang tính toàn cầu, hay lấy các giá trị Mỹ, Âu và phương Tây chỉ để chứng minh cho những điều xấu xa, tội lỗi đang xảy ra đâu đó”.
3- Trong nhiều thế kỷ, người Châu Á tin rằng lối sống của mình là thứ cấp. Bởi vậy, “nếu như hôm nay người Châu Á đã phát hiện ra lối sống và giá trị Châu Á không hề thấp kém chỉ vì nó là Châu Á, mà thường còn cao hơn phương Tây cũng chỉ vì nó là Châu Á, thì điều đó cũng dễ tha thứ”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người phương Tây cũng bị lôi cuốn và có ấn tượng tốt về những điều kỳ diệu và lối sống Châu Á.
4- Lối sống và giá trị Châu Á khác biệt so với Mỹ và phương Tây. Điều này không phải là tưởng tượng mà là kết quả nghiên cứu của chính các học giả phương Tây. Sự khác nhau đó về cơ bản chỉ làm cho thế giới tốt hơn.
5- Những khuyết tật của Châu Á như tình trạng độc đoán và vi phạm dân chủ, nạn bóc lột lao động phụ nữ và trẻ em, tập quán mê tín và thói tham nhũng… là có thật và cũng như những tệ nạn có thật đang diễn ra ở phương Tây, chúng phải bị trừng phạt. Giá trị Châu Á không che đậy cho những xấu xa đó. Nhưng “không phải tất cả các hình thức dân chủ đều có hiệu quả. Có hình thức dân chủ tất và có hiệu quả, nhưng cũng có hình thức dân chủ xấu, mang tính phá hoại. Tự do dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm dân chủ. Có hệ thống thị trường tốt và có hiệu quả, nhưng cũng có hệ thống thị trường không hiệu quả như ở quận Orange của Mỹ. Có những phương thức tất và có hiệu quả để nâng cao nhân cách và đời sống nhân dân, nhưng cũng có những phương thức ý nghĩa thì tất song lại vô nghĩa vì lãng mạn, ngớ ngẩn và không có hiệu quả”.
Dễ thấy là, với vị thế và tầm nhìn của một chính khách hiểu rõ và dám nói trực ngôn về cái hay và cái dở của cả phương Đông lẫn phương Tây, Mahathir Mohamađ là một tác giả có uy tín để giới học thuật tham khảo, bình luận và phát triển những ý tưởng về vấn đề so sánh giá trị.
II – So sánh giá trị trong quan niệm của David I.Hitchcock
David I. Hitchcock, cựu Giám đốc Phòng Đông Á – Thái Bình Dương, thuộc cơ quan thông tin Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (USA), hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington. Năm 1994, D.I.Hitchcock đã tiến hành cuộc nghiên cứu so sánh quan niệm sống qua các thang giá trị giữa người Mỹ và người Châu Á. Ông thực hiện cuộc điều tra này ở Nhật Bản, Thailand, Singapore, Maiaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Mỹ. Đây là cuộc thăm dò gây tiếng vang đáng kể trong giới học thuật và chính trị, xã hội. Năm 1996, D. I.Hitchcock làm lại cuộc điều tra này với ý đồ so sánh hai kết quả và kiểm tra lại những kết luận năm 1994. Trên thực tế, kết luận năm 1996 của ông có phần khác trước. Mặc dù vẫn xác nhận Châu Á có bảng giá trị đặc thù với các thang giá trị riêng biệt của mình, như kết quả thu được năm 1994. Song ông lưu ý giới chính trị và học thuật rằng, giữa người Mỹ và người Châu Á, cái chung, cái giống nhau vẫn là điểm căn bản hơn, sau đó mới là tất cả những cái khác biệt. Cái chung lớn nhất mà D.I.Hitchcock đã được giữa người Mỹ và người Châu Á là quan niệm về những vấn đề quan trọng nhất đối với đời sống: tăng trưởng kinh tế và nạn nghèo đói, cuộc sống đô thị và tình trạng thiếu việc làm, tỷ lệ li hôn cao và nạn tham nhũng… Dễ thấy là có thể đồng ý được với D.I.Hitchcock về điểm này. Tuy nhiên, về Châu Á, vấn đề là ở chỗ, Hitchcock một lần nữa khẳng định những nét đặc thù và khác biệt trong quan niệm về giá trị giữa người Mỹ và người Châu Á. Đây là điểm yết hầu trong công trình của D.I.Hitchcock.
D.I.Hitchcock chia các giá trị có ý nghĩa định hướng hành vi con người thành “các giá trị xã hội” và “các giá trị cá nhân”. Trong tài liệu “Giá trị Châu Á và giá trị Mỹ xung đột với nhau như thế nào”? công bố sau cuộc điều tra 1994, D.I.Hitchcock cho biết 5 giá trị cá nhân và 6 giá trị xã hội giữ vị trí hàng đầu trong quan niệm của người Châu Á và người Mỹ như sau:
5 giá trị cá nhân quan trọng nhất:
Người Đông Á
Người Mỹ
1. Cần cù 1. Tự lực cánh sinh
2. Hiếu học 2. Thành đạt cá nhân
3. Trung thực 3. Cần cù
4. Tự lực cánh sinh 4.Thành công trong cuộc sống
5. Kỷ luật 5. Giúp đỡ mọi người
6 giá trị xã hội quan trọng nhất:
Người Đông Á
Người Mỹ
- Một xã hội trật tự - Tự do ngôn luận
- Sự hòa hợp xã hội - Sự hòa hợp xã hội
- Các quan chức có trách nhiệm - Quyền cá nhân
- Cởi mở đón nhận tư tưởng mới - Tự do tranh luận
- Tự do ngôn luận - Suy nghĩ về bản thân
Ngoài sự khác biệt về những giá trị cá nhân và giá trị xã hội chiếm vị trí hàng đầu trong bảng giá trị của người Mỹ và người Châu Á được so, sánh như trên, D.IHitchcock chỉ ra sự khác biệt giữa hai bảng giá trị còn thể hiện ở hầu hết các giá trị khác: tỷ lệ người Mỹ và người châu A tán thành mỗi giá trị cụ thể thường khác nhau khá nhiều. Dưới đây là những so sánh của D.I.Hitchcock về một số giá trị cá nhân khác trong quan niệm của người Đông Á và trong quan niệm của người Mỹ.
Những quan niệm khác về một số giá trị cá nhân
Giá trị
Người Đông Á
Người Mỹ
- Thực hiện nghĩa vụ với người khác
39%
19%
- Thành công trong cuộc sống
50%
59%
- Thành đạt cá nhân
33%
59%
- Hiếu học
69%
15%
- Kỷ luật cá nhân
48%
22%
Như vậy, theo truyền thống phương Tây, D.I.Hitchcock đã phân biệt khá rạch ròi giá trị cá nhân với giá trị xã hội. Điều thú vị là ở chỗ, giá trị cá nhân ở đây là những giá trị được số đông thừa nhận, về thực chất, cũng là giá trị xã hội, giá trị xã hội về phẩm cách cá nhân. Theo đo đạc của D.I.Hitchcock, ở người Mỹ, hiếu học không phải là một giá trị hàng đầu và cần cù cũng chỉ là giá trị đứng sau tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân. Trong khi đó, ở người Châu Á, cần cù là giá trị được đề cao nhất, sau đó là hiếu học. Tuy tự lực cánh sinh không bị xem nhẹ, song cũng không phải là giá trị đầu bảng. Có lẽ, chẳng những với người Mỹ mà với hầu hết những người phương Tây nói chung, tự lực cánh sinh là phẩm chất chiếm vị trí cao nhất trong bảng giá trị. Điều này thể hiện tâm lý khát khao khẳng định vị thế cá nhân trong khuôn thước văn hoá Tây phương. Còn với người Châu Á, vị trí cao nhất lại là giá trị cần cù, yêu lao động. Không nhất thiết phải khẳng định tính thần tự lực cánh sinh trong mọi trường hợp, con người được ưa chuộng là người cần cù, đây rõ ràng là một chuẩn mực định hướng có thể dùng để cắt nghĩa những bước thăng trầm trong sự phát triển của Châu Á hôm qua và hôm nay.
III – Giá trị Châu Á theo Tommy Koh
Tommy Koh, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Singapore, nguyên Đại sứ Singapore tại Mỹ cho rằng, trong các xã hội Đông Á, sự thành đạt thường được nâng đỡ bởi “10 giá trị nền tảng”, “hợp thành một khuôn khổ giúp cho các xã hội Đông Á đạt được phồn vinh về kinh tế, ổn định và hài hoà về xã hội”:
10 giá trị ưu trội Đông Á theo Tommy Koh:
1. Không tán thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan
2. Coi trọng gia đình
3. Coi trọng việc học hành
4. Cần kiệm và thanh đạm
5. Cần cù
6. Coi trọng cộng đồng
7. Đề cao quan hệ bổn phận giữa Chính phủ và công dân
8. Ở một số nước chính phủ tạo điều kiện cho công dân có cổ phần
9. Coi trọng xã hội có đạo đức
10. Tán thành nền báo chí tự do nhưng không tuyệt đối.
Đây là 10 giá trị xã hội nền tảng, kết quả thăm dò dư luận trong các cộng đồng đạt tới độ thịnh vượng nhất định với những cá nhân thành đạt mà Tommy Koh rút ra được từ các xã hội Đông Á. Theo Tommy Koh, tất cả các xã hội Đông Á đều không ưa chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Người Đông Á cũng không thích tự do báo chí theo kiểu thổi phồng nhu cầu công luận, mặc cho báo chí thoả mãn cả những thị hiếu tầm thường, lảng tránh hoặc xem nhẹ chức năng định hướng cần thiết đối với dư luận xã hội. Dĩ nhiên, không phải Đông Á phản đối tự do báo chí, song nếu báo chí được phép tự do đến mức phá vỡ những ranh giới của đạo đức và lẽ phải, trở thành diễn đàn của những kẻ bất lương… thì không thể nhân danh nhân quyền mà chấp nhận được. Thái độ này nằm trong logic chung của các giá trị gia đình, cộng đồng, đạo đức và trách nhiệm. Nói chung văn hoá Nho giáo, Hồi giáo và Phật giáo đều không “hiểu” được lý lẽ của việc con cái kiện tụng cha mẹ, trừ những trường hợp hãn hữu khi cha mẹ không còn xứng đáng là cha là mẹ. Với các nền văn hoá này, mọi chuyện thuộc quan hệ cha mẹ – con cái đều có thể (và cần phải) xử lý trong khuôn khổ giá trị huyết thống. Vượt ra ngoài khuôn khổ này, quan hệ cha con sẽ không còn là cha con. Thực tế cho thấy, trong các xã hội Đông Á, một khi quan hệ huyết thống đã bị đưa ra Tòa án để xét xử, thì dẫu mọi chuyện có được giải quyết ổn thoả, tình nghĩa cũng chẳng còn hoặc chẳng còn là bao. Điều này khác với phương Tây duy lý và pháp quyền. Ở Châu Âu, sau khi mâu thuẫn với nhau, thậm chí xúc phạm đến nhau, người ta vẫn có thể tiếp tục hợp tác nếu yêu cầu của công việc đòi hỏi. Còn Châu Á thì chỉ một trong muôn vàn trường hợp mới được như thế. Người ta rất khó hợp tác với người đã xúc phạm đến mình (Xem thêm 1 & 11).
IV – Giá trị Châu Á trong sự phân tích của Francis Fukuyama
Francis Fukuyama, hiện là Giáo sư kinh tế học chính trị quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ), nổi tiếng với “Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng” (1992) và nhiều tác phẩm khác. Trong hầu hết các ấn phẩm của mình, Fukuyama luôn đặt ra những vấn đề nóng bỏng đối với nhân loại trên đường phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Về giá trị Châu Á, đáng kể nhất trong số các ấn phẩm của Fukuyama là bài “Các giá trị Châu Á và cuộc khủng hoảng Châu Á“, đăng trên tờ Commentary tháng 2/1998 (xem: 6). Ở đây, Fukuyama trình bày quan điểm của mình và bình luận, phê phán một số quan niệm khác xung quanh vấn đề giá trị Châu Á. Theo Fukuyama, các giá trị châu á thường được nói đến là:
Các giá trị Châu Á phổ biến theo Francis Fukuyama:
Đề cao giáo dục
Tôn trọng kỷ luật lao động
Tôn trọng cộng đồng
Tôn trọng quyền lực
Đề cao chính quyền “độc đoán
Là nhà nghiên cứu quan tâm đến quyền lực chính trị, Francis Fukuyama đặc biệt chú ý đến thái độ mà ông gọi là “độc đoán” của chính quyền ở những xã hội đạt tới tăng trưởng kinh tế cao như Hàn Quốc và Singapore. Trong nhiều bài viết của mình, Fukuyama không bác bỏ, mà thẳng thắn thừa nhận có mối liên hệ nào đó giữa tăng trưởng kinh tế với bàn tay cứng rắn của chính phủ. ông cũng thấy người dân ở các xã hội Châu Á tôn trọng quyền lực hơn so với phương Tây, và thái độ này cũng có thể có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển tích cực. Tuy nhiên, Fukuyama không coi đây là quan hệ tất yếu, nghĩa là không thừa nhận, ở các quốc gia có chính phủ độc đoán thì đứt khoát nền kinh tế sẽ đạt tới tăng trưởng cao. Ông lấy ví dụ một số nước Mỹ Latinh như Brazil và Peru trong những năm 70 (thế kỷ XX) để chứng minh rằng sự điều tiết vĩ mô độc đoán không có quan hệ nhân quả với khả năng tích cực trong tăng trưởng kinh tế. Bài học kinh nghiệm của mấy con hổ Châu Á, theo Fukuyama, không phải là bài học về sự độc đoán. Fukuyama nhận xét, trên thực tế, các Nhà nước độc đoán được sự lãnh đạo của giới quân sự ở Châu Á, rõ ràng, có năng lực hơn và trung thực hơn so với các Nhà nước độc đoán ở Mỹ Latin. Ở Mỹ, nhiều nhà kinh tế thường suy nghĩ một cách giáo điều rằng, nhà nước càng can thiệp vào kinh tế thì nền kinh tế càng kém hiệu quả Nhưng điều đó không đúng với Châu Á. Trong những năm 50 – 90 (thế kỷ XX), sự can thiệp như vậy ở Châu Á đã tạo ra những bứt phá chưa từng có trong lịch sử so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Những người chống đối Fukuyama cũng tìm ra lý lẽ phản bác: nếu nhà nước không can thiệp, Châu Á có thể còn phát triển hơn. Fukuyama cho rằng đó là một lý lẽ chỉ có trong tưởng tượng.
Nhìn chung, về giá trị Châu Á, Fukuyama thường mâu thuẫn với chính mình. Một mặt, ông phân tích các giá trị Châu Á với cái nhìn thiện cảm và khách quan, song mặt khác, ông lại hoài nghi đó không phải là nguyên nhân của một Châu Á năng động và phát triển.
V – Giá trị Châu Á trong quan niệm của Richard Robison
Richard Robison, học giả người Australia, hiện là Giáo sư kinh tế học chính trị Viện nghiên cứu xã hội Hague, Hà Lan. Richard Robison là tác giả và đồng tác giả của hơn 10 cuốn sách có tiếng vang nhất định về các vấn đề quốc tế, trong đó có những tác phẩm đáng chú ý về Châu Á (xem: 10).
Về giá trị Châu Á, Richard Robison thể hiện tư tưởng của mình trong hầu hết các ấn phẩm, song tập trung hơn cả là ở bài “Chính trị của các giá trị Châu Á”, 1999. Bài báo này được nhiều người biết đến và trích dẫn như một ấn phẩm quan trọng. Ở đây, Richard Robison nhấn mạnh đặc thù của các giá trị Châu Á với những điểm sau:
Đặc thù giá trị Châu Á theo Richard Robison:
Gia đình là cất lõi của tổ chức xã hội .
Lợi ích của cộng đồng được đặt trấn những lợi ích cá nhân. Do đó, trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng được đặt trên quyền lợi của cá nhân.
Các quyết định chính được thông qua bằng sự đồng thuận chứ không phải bằng sự đối đầu thông qua các tổ chức chính trị.
Một chính phủ mạnh và sự gắn kết xã hội luôn luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế.
Coi trọng sự gắn kết và hài hoà xã hội. Sự gắn kết và hài hoà đó đạt được thông qua các nguyên tắc đạo đức và một Chính phủ mạnh.
Là người thừa nhận sự tồn tại đặc thù của các giá trị Châu Á, song Richard Robison nhìn nhận tính đặc thù của hệ thống giá trị khu vực này với hàm ý tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Tuy nhiên, dẫu nhìn nhận thế nào, người ta vẫn thấy Richard Robison có cảm tình khá rõ với các giá trị lợi ích cộng đồng, sự hoà hợp xã hội, đề cao gia đình và sức mạnh của Chính phủ. Theo Robison, các giá trị này đã thể hiện được vai trò của chúng trong sự phát triển đặc thù của Châu Á giai đoạn vừa qua. Điều này, một vài chính khách phương Tây không muốn chấp nhận vì nó mâu thuẫn ít nhiều với các giá trị dân chủ phương Tây.
Dĩ nhiên, ở Châu Á hiện nay, các giá trị này, nhất là cộng đồng và gia đình đang bị mai một trước sự tấn công của thị trường và toàn cầu hoá. Song theo Robison, Châu Á sẽ không còn là Châu Á và quan trọng hơn, không thể phát triển được, nếu trật tự gia đình và tâm lý cộng đồng vào một ngày nào đó sẽ giống hệt như người phương Tây. Cho đến nay, người Châu Á vẫn rất khó hình dung, nếu rồi đây, xã hội phát triển cao lại là một xã hội thiếu trật tự và gia đình trở thành một thiết chế lỏng lẻo. Phần đông người Châu Á muốn và tin rằng, giữa xã hội văn minh với thiết chế gia đình và trật tư công cộng luôn có quan hệ tỷ lệ thuận. Thiết chế gia đình có thể bớt cứng nhắc hơn, cách thức của trật tự xã hội có thể đổi khác, song dẫu sao vân phải là gia đình và trật tự xã hội. Đời sống xã hội sẽ không thể tất đẹp và văn minh hơn, nếu đa số trẻ em sinh ra và lớn lên không được hưởng môi trường gia đình, dù là gia đình hạt nhân, vợ chồng và con, hay gia đình truyền thống gồm nhiều thế hệ. Và sẽ nguy hiểm hơn nếu phần đông gia đình trong xã hội trở thành thiết chế tập thể của nhũng người cô đơn và độc thân, và trình độ trật tự xã hội giống như không khí cuồng nhiệt của một diễn đàn vô Chính phủ.
VI – Giá trị Châu Á trong sự phân tích của Chen Fenglin
Chen Fenglin (Trần Phong Lâm), nhà nghiên cứu Trung Quốc là một trong những người tin tưởng và khẳng định mạnh mẽ nhất vai trò tích cực của các giá trị Châu Á đối với sụ phát triển của các xã hội ở khu vục này. Trong bài viết đăng trên tạp chí “Waiguo wenti yanjiu”, số 4, năm 1998, Trần Phong Lâm cho rằng, các nước thuộc khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam… và cả những nước thuộc Đông Nam Á, dưới ảnh hưởng của văn minh nông nghiệp và văn hoá Nho giáo đã hình thành nên một kiểu đời sống tinh thần của riêng mình, bao gồm phương thức tư duy, đời sống tín ngưỡng, lề thói phong tục, đặc trưng tâm thế, và đặc biệt, hệ giá trị riêng biệt. “Ngày nay, một số quan niệm giá trị và mệnh đề triết học của Đông Á vẫn có ý nghĩa tích cực và giá trị bất hủ. Nó có khả năng gợi mở và tham khảo rất lớn đối với việc uốn nắn các tệ nạn xã hội, xác lập mối quan hệ kiểu mới giữa con người với nhau, giữa con người với xã hội và với tự nhiên”.Trần Phong Lâm đã tổng hợp các quan niệm về giá trị Đông Á thành những nội dung chính như sau:
Quan niệm giá trị Đông Á theo Trần Phong Lâm:
Định hướng giá trị lấy giá trị cộng đồng làm bản vị.
Đề cao ý chí tự cường (Lấy mệnh đề “Thiên hành kiện, quân từ dĩ tự cường bất tức” làm tín điều nhân sinh).
Đồng thời quan tâm đến cả “nghĩa” và “lợi”
Để cao cần kiệm.
Theo Trần Phong Lâm, sự gắn bó đến mức “ba ngôi nhập một” giữa Nhà nước, dân tộc và xã hội đã bắt rễ sâu trong đời sống tinh thần Đông Á và trở thành giá trị lấy cộng đồng làm bản vị (cơ bản, chính yếu). Chủ nghĩa tập trung gia tộc trong làm ăn kinh tế ở Hàn Quốc, Singapore, HongKong, Đài Loan là biểu hiện của giá trị này. “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” là quẻ Càn trong Chu dịch, cũng là tín điều nhân sinh của người Đông Á, nghĩa là, người quân tử phải phấn đấu không mệt mỏi vì ý chí tự cường thì mới hợp đạo trời. Theo Trần Phong Lâm, tất cả những người thành đạt cũng như các nhà cầm quyền thành công ở Đông Á đều có ý chí tự cường rất cao. Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, HongKong những năm 70 (thế kỷ XX), Trung Quốc thời gian gần đây là những ví dụ tiêu biểu.
So sánh với phương Tây, Trần Phong Lâm cho rằng, các nhà doanh nghiệp Đông và Tây đều giống nhau ở chỗ chạy theo lợi nhuận, nhưng nhà doanh nghiệp có văn hoá Nho giáo thì vẫn chạy theo lợi nhưng không được (hoặc không dám) bỏ nghĩa, bởi “Quân thị thần như thủ túc, tác thần sự quân như phúc tâm”, nghĩa là nếu vua coi bầy tôi như tay chân thì bầy tôi coi vua như tâm phúc, làm trái điều ấy, xã hội lên án hoặc coi thường, lợi chắc cũng khó đạt.
Về đức tính cần cù yêu lao động, Trần Phong Lâm viết: “Tinh thần cần cù của người Đông Á là nổi tiếng khắp thế giới. Thời gian lao động mỗi năm của người Nhật không chỉ nhiều hơn người Âu – Mỹ gần 600 giờ, mà ngay cả ngày nghỉ, ngày lễ, họ cũng nghỉ rất ít, vẫn làm tăng ca, làm tới đêm khuya. Các phương tiện truyền thông đại chúng Nhật Bản thường đưa tin về karoshi (chết vì mệt nhọc), người ta đùa gọi người Nhật là Robot, là con người kinh tế cũng không có gì lạ. Người Hàn Quốc trong giai đoạn kinh tế cất cánh cũng làm việc trên 10 giờ mỗi ngày”.
Có thể dễ dàng nhận thấy, Trần Phong Lâm cũng như khá đông học giả Trung Quốc khác đều khẳng định mạnh mẽ và tôn vinh rất cao các giá trị Đông Á mà trong đó giá trị văn hoá Nho giáo là trụ cột. Trần Phong Lâm viết: “Trước sự tha hoá và lộn xộn của quan niệm giá trị toàn cầu, quan niệm giá trị Đông Á cần đảm đương lấy trách nhiệm nặng nề của thời đại là vực dậy sự băng hoại của tinh thần loài người… Nhân dân Đông Á chiếm khoảng một phần ba nhân loại đã tạo ra cho loài người những di sản vô cùng quý giá trong mọi lĩnh vực, làm cho tương lai loài người tràn đầy hy vọng. Đông Á nhất định sẽ bước vào hàng ngũ những người quyết định số phận chung của loài người… Nếu trong thời kỳ tới đây văn hoá phương Tây không tạo ra được một cuộc phục hưng văn nghệ mới thì hoàn toàn có thể sẽ xuất hiện một thế kỷ mới, trong đó văn hoá phương Đông sẽ thống lĩnh trào lưu văn hoá thế giới”.
Sự tôn vinh giá trị Đông Á như vậy có thể là hơi quá. Lập trường của người viết thể hiện qua khẩu khí cũng có thể là hơi thiên lệch. Nhưng, về phương diện khoa học, vấn đề đặt ra, rõ ràng không phải là không có cơ sở khách quan.
VII- Giá trị Châu Á trong sự phân tích của Phan Ngọc
Ở Việt Nam, vấn đề giá trị Đông Á được quan tâm khá sôi nổi ở thập niên trước trong không khí chung của việc hưởng ứng Thập kỷ quốc tế về văn hoá trong phát triển do UNESCO phát động (1986-1997). Hầu hết giới học thuật và chính trị – xã hội, nhất là những người có tri thức Nho học và Đông phương học đều tán thành và tin rằng Châu Á có đặc thù văn hoá, trong đó có hệ thống giá trị của riêng mình và đó là di sản tất cho sự phát triển của mỗi xã hội Châu Á trước thách thức của toàn cầu hoá. Các giá trị đặc thù Châu Á đó tồn tại đậm nét ở Việt Nam, bởi bề dày văn hoá Việt Nam là rất đáng tự hào nếu so với một số nền văn hoá trẻ khác trong khu vực và trên thế giới. Do tính đặc thù về văn hoá quy định nên bảng giá trị của người Việt chắc chắn có những nét khác biệt so với phương Tây và đó là cơ sở để Việt Nam có tiếng nói riêng của mình, thậm chí không chấp nhận một số giá trị về dân chủ và nhân quyền phương Tây cực đoan.
Về đại thể, một quan niệm như thế được số đông tán thành. Tuy nhiên, đi vào chi tiết thì vấn đề có thể nói còn khá tản mạn. Giới nghiên cứu chưa hề thống nhất được với nhau: hệ thống giá trị đặc thù của văn hoá Việt Nam gồm những giá trị nào? Đâu là cái đặc thù về văn hoá được sinh ra ở người Việt và chỉ riêng người Việt mới có? Ngoài các giá trị thuộc văn hoá Nho giáo, các giá trị khác như Phật giáo, các giá trị bản địa, một số giá trị ngoại sinh nhưng đã được Việt hoá… có thuộc thành phần của bảng giá trị đặc thù Việt Nam hay không? Văn hoá Nho giáo nếu có tác đụng tích cực đối với mấy con rồng Châu Á thì tại sao ở Việt Nam nó lại chưa thể hiện được tính tích cực như thế…
Các cuộc Hội thảo và những bài viết đã công bố, nói chung, đều ít nhiều vướng ở những câu hỏi này. Lý do? Có lẽ ngoài tính phức tạp của bản thân học thuật thì vấn đề còn vì ở Việt Nam, dù giới trí thức rất quan tâm, nhưng số người chuyên sâu nghiên cứu, lý giải những vấn đề này không nhiều. Nói không hề quá, chưa ai có được một hệ thống thật bài bản những công trình nghiên cứu về giá trị Châu Á ở Việt Nam và của Việt Nam.
Theo dõi những bàn luận lâu nay về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các nhà nghiên cứu đầu ngành về Nho học, Đông phương học, văn hoá học, sử học, văn học… đều ít nhiều đã tham gia bàn luận về giá trị Châu Á. Một số tên tuổi cũng có thể coi là tiêu biểu cho những bàn luận này như Trần Đình Hượu, Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc… Tuy nhiên, xin lỗi những tác giả đáng kính khác, trong bài này, chúng tôi xin chỉ bàn tới quan điểm của Phan Ngọc. Vì theo chúng tôi, ông là người có nhiều công trình hơn cả bàn đến ưu thế của các giá trị Châu Á trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Hơn thế nữa, quan điểm của ông về vấn đề này khá nhất quán: trước sau ông đều đề cao giá trị Nho giáo, giá trị văn hoá dân tộc và tin tưởng vào ảnh hưởng tích cực của nó trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Phan Ngọc viết: “Khổng học tồn tại được hai nghìn năm ở một phần ba nhân loại, dù có bị xuyên tạc, cũng là một giá trị của Châu Á. Không những thế, nó không chỉ là một giá trị của Châu Á mà của cả nhân loại trong giai đoạn mới này khi thế giới cần phải hiểu những giá trị của Châu Á cũng như Châu Á cần phải hiểu những giá trị của thế giới”.
Về những giá trị Châu Á cụ thể, trong “Bản sắc văn hoá Việt Nam” Phan Ngọc coi những giá trị ưu trội của văn hóa Châu Á là:
Giá trị Châu Á theo phân tích của Phan Ngọc
Ham học, thông minh và tháo vát, nhạy bén với mọi thay đổi.
Cần cù, chịu khó, thích nghi với hoàn cảnh.
Gắn bó với tổ quốc, họ hàng, bà con.
Thích sống một cuộc sống giản dị, không bị những đòi hỏi vật chất dày vò, lo cho con cháu còn hơn lo cho chính mình.
Phan Ngọc coi những phẩm chất nói trên là ưu thế của văn hoá Khổng giáo trong thời đại ngày nay. Khái quát từ thực tế các quốc gia có văn hoá Nho giáo, viện dẫn chính Khổng tử và những bậc minh triết như Hồ Chí Minh, Tôn Dật Tiên… nói về ưu thế của Nho giáo, Phan Ngọc đã trình bày rất ấn tượng về những phẩm chất này. Chẳng hạn, về hiếu học, ông viết: “Tâm thức là cái không cần học cũng biết. Việt kiều hầu như không biết gì tới Nho giáo, ngoài miệng đả kích Nho giáo kịch liệt, nhưng họ vẫn vươn lên từ những địa vị thấp kém nhất để trở thành những người làm chủ kinh tế, khoa học kỹ thuật chính nhờ truyền thống ham học mà Khổng tử đề xướng. Số ngoại kiều ở các nước hết sức đông đảo, nhưng ngoài các nước theo văn hoá này, chỉ thấy có người Do Thái là sánh được với họ mà thôi”.
Theo Phan Ngọc, văn hoá phương Tây có chỗ mạnh của nó, nhờ thế, “từ thế kỷ XVIII đến nay, phương Tây làm bá chủ thế giới. Đó là nền văn hoá lấy cá nhân làm nền tảng. Nó đề cao cá nhân, tôn trọng tự do của những cá nhân có nhiều tiền, cái nó gọi là quyền con người thực ra chỉ là quyền của cá nhân… Đó là nền văn hoá xem con người là một “động vật kinh tế”. Nó là văn hoá thúc đẩy cá nhân làm chủ thiên nhiên và xã hội và trong ba thế kỷ qua chính nó thay đổi thế giới dựa trên ba khái niệm chủ đạo là tiến bộ, khoa học và nhân quyền. Trong phân tích của mình, thực ra, Phan Ngọc có cường điệu cái hay của phương Đông và cái dở của phương Tây. Dẫu vậy, người đọc vẫn nhận thấy, đâu là thực tế khách quan, tính hợp lý không chối cãi được của giá trị phương Tây và giá trị Châu Á, còn đâu là thái độ của người viết do tâm huyết với vấn đề mà có thể hơi quá lời. Khi so sánh Nho giáo với đạo Tin Lành, Phan Ngọc viết: “Nghiên cứu đạo Tin Lành, Weber nhận thấy đạo này thích hợp với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, vì nó dạy cho con người tiết kiệm, biết sống kham khổ để tích lũy vốn và chấp nhận một cuộc sống khó khăn. Ta cũng có thể nói như vậy về Khổng học. Những người theo Khổng giáo thích sống một cuộc sống giản dị, không bị những đòi hỏi vật chất dày vò, trái lại tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hài hoà với mọi người chung quanh, đặc biệt họ gắn bó với gia đình, lo cho con cháu còn hơn lo cho chính mình”.
Cũng cần nói thêm rằng, thời gian gần đây ở Việt Nam, trong xu hướng chung của việc thực hiện tư tưởng giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, nhiều yếu tố văn hoá Nho giáo đã được khôi phục và đề cao, thậm chí trong các trường học, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã được coi như một phương châm ứng xừ nền tảng của giáo dục. Mặc dù thực hiện thì chưa được bao nhiêu, nhưng trong tư tưởng, cả xã hội đều thấy các giá trị văn hoá truyền thống mà trong đó những nét tích cực của văn hoá Nho giáo là một bộ phận, đang cần phải được tôn vinh và khôi phục như là một trong các phương thức để ứng xử với các dạng văn hoá ngoại sinh, ngoại lai đang du nhập từ làn sóng toàn cầu hoá. Những giá trị mà Phan Ngọc khái quát, trên những nét lớn là phù hợp với tâm lý chung của cả cộng đồng trên con đường tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
VIII – Kết luận: vấn đề giá trị quan Châu Á
Bằng việc dẫn ra những quan niệm điển hình về giá trị Châu Á ở trên, chúng tôi muốn lưu ý rằng, mặc dù ở từng nhà nghiên cứu, bức tranh cụ thể về các giá trị Châu Á có thể là không giống nhau, song nếu chọn ra những điểm giống nhau có trong mọi quan niệm, thì ở tất cả những người đã từng suy nghĩ về sự khác biệt giá trị giữa Châu Á và phương Tây ít nhất đều có những ý tưởng chung là:
Ở các xã hội Châu Á chắc chắn có những giá trị đặc thù so với phương Tây.
Trong xã hội hiện đại, chúng có thể ưu trội hơn so với các giá trị phương Tây.
Cần phải đề cao giá trị Châu Á trong sự phát triển của xã hội hiện đại.
Nói một cách khác, chính xác hơn, hiện đang có một quan niệm khá phổ biến cho rằng, người Châu Á đã, đang và sẽ sống theo giá trị quan Châu Á. Giá trị quan này khác với phương Tây và trong xã hội hiện đại, giá trị quan này có thể sẽ tạo điều kiện cho các xã hội Châu Á phát triển thuận lợi hơn so với phương Tây. Đây là quan niệm hiện đang có mặt sau cả ở phương Đông và phương Tây.
Đặt vấn đề về giá trị quan Châu Á, chúng tôi cho rằng, sự khác biệt đáng phải bàn luận, trước hết, là khác biệt về giá trị quan chứ không nhất thiết phải là khác biệt giữa các giá trị. Nói đến giá trị đặc thù Châu Á, thực chất, là nói tới sự khác biệt về giá trị quan, thể hiện trong bảng giá trị hoặc hệ thông giá trị. Nghĩa là, với các nền văn hoá khác nhau, thông thường, bảng giá trị hay hệ thống giá trị cũng khác nhau. Tuy nhiên, các giá trị cụ thể trong mỗi hệ thống giá trị phần nhiều lại thường giống nhau. Rất hiếm có giá trị đặc thù về tính cách con người chỉ riêng biệt thuộc về một dân tộc nào đó. Lâu nay, khi bàn tới các giá trị ưu trội Châu Á, nhà nghiên cứu nào cũng bị phản bác bởi lập luận: chẳng có giá trị nào là “phẩm chất riêng” của người Châu Á, điều gì Châu Á tôn vinh thì vế đại thể ở nơi khác người ta cũng tôn vinh. Cần cù, hiếu học, tôn trọng gia đình, đề cao trách nhiệm cộng đồng… là những đức tính chung của toàn nhân loại. Chẳng lẽ chỉ có người Châu Á là hiếu học và yêu lao động còn ở những nơi khác tính cách con người lại kém cỏi hơn hay sao. Vấn đề là ở chỗ, cái khác nhau giữa các bảng giá trị, trước hết là khác nhau về vị trí của từng giá trị. Người Châu Á coi cần cù, yêu lao động là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi tinh thần tự lực cánh sinh mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân. Nói rằng người Đông Á cần cù, người Do Thái khôn ngoan, hay người Đức ưa chính xác… nếu đúng, cũng chỉ có nghĩa là các giá trị đó được tôn trọng hơn, được xếp vào vị trí ưu tiên hơn so với các giá trị khác. Tuyệt nhiên không có nghĩa là chỉ có người Đông Á mới cẩn cù còn người nơi khác lười biếng, chỉ có người Do Thái là khôn quan này khác với phương Tây và trong ngoan còn lại là ngốc nghếch hay kém thông minh…
Vậy, giá trị quan là gì? Có thể tạm nêu định nghĩa về khái niệm này như sau:
Giá trị quan – đó là hệ thống các giá trị cá nhân và giá trị xã hội đã định hình và tạo thành quan điểm, quan niệm, tâm thế, có ý nghĩa nhìn nhận, đánh giá và định hướng đối với con người và cộng đồng trong quá trình điều chỉnh cách sống, lối sống và hành vi. Giá trị quan của mỗi cộng đồng được thể hiện trong tương quan vị trí của từng giá trị trong bảng giá trị, tương quan đó thường là sản phẩm lâu dài của lịch sử sinh tồn và phát triển của mỗi nền văn hoá. Giá trị quan của mỗi cộng đồng tồn tại một cách tự nhiên trong mỗi thành viên cộng đồng, nó chi phối việc xác định ý nghĩa của cuộc sống và ý nghĩa của sự làm người đối với mỗi thành viên cộng đồng.
Với quan niệm như trên, chúng tôi cho rằng, mặc dù giá trị truyền thống Châu Á không phải “chỉ toàn là những điều tốt đẹp khiến cho phương Tây phải thán phục, ngưỡng mộ”, như một vài tác giả vì quá yêu Châu Á đã nhấn mạnh một cách cường điệu. Song những nét ưu trội của giá trị quan Châu Á là có thật. Sẽ là sai lầm nếu không chú ý thỏa đáng đến sự khác biệt này trong nghiên cứu so sánh giữa các nền văn hoá, đặc biệt, trong việc hoạch định các kế hoạch phát triển tiếp theo của các xã hội châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Thông tin khoa học xã hội