Hoàng Mai Đạt
Đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn. Ở góc phòng nơi tôi làm việc, cửa sổ là đôi mắt, thỉnh thoảng giúp tôi bay thoát mấy bức tường tù túng, giam hãm tâm hồn hơn tám tiếng đồng hồ mỗi ngày. Không có khung kiếng ấy, tôi chắc không có gì khác ngoài một ngày làm việc mù mịt dưới giông bão của tin thời sự, của những tranh chấp chính trị, những tai họa, những buồn vui của đời thường từ nơi xa xăm vướng mắc về tôi ở chốn này. Có khi tôi thầm nghĩ, đời tôi trong cõi vũ trụ vô biên, biến đổi vùn vụt theo từng sát na, thật sự chỉ nằm ở khung cửa sổ, ở bên này và ở bên kia, cách nhau có mấy thước.
Trong một ngày làm việc, đôi mắt cận thị của tôi nhìn màn ảnh của máy điện toán nhiều nhất. Màn ảnh nằm chình ình ngay trước mặt ở trên bàn, muốn tránh cũng không được, chờ tôi bước vào mỗi buổi sáng, bắt đầu một ngày chạy theo gió lốc. Từ màn ảnh dài hai gang tay, tôi có thể lùng kiếm khắp mọi nơi trên trái đất, thu lượm những tin tức cần thiết cho thính giả. Cũng trên màn ảnh quen thuộc ấy, tôi viết những dòng tin, gạn lọc mấy chi tiết, xào nấu với một chút hương vị thích hợp cho người nghe ở phố Little Saigon. Phòng làm việc cũng có hai màn ảnh truyền hình, giúp cho tôi cập nhật tin tức, xem tận mắt những hình ảnh thời sự mà thường là giật gân, chấn động – nhà cháy, bom nổ, bão lụt, động đất, án mạng, cảnh sát rượt kẻ gian trên xa lộ. Nhờ phát minh tân tiến của con người, tôi có thể biết nhiều thông tin, liên lạc đến mọi nơi, nhìn thấy hình ảnh từ khắp chốn có dấu chân của nhân loại mà không cần đi đâu xa, chỉ ngồi trong một phòng chật hẹp, dán mắt vào màn ảnh, dự phần trong ngôi làng hoàn cầu.
Bên cạnh màn ảnh máy điện toán và hai màn ảnh máy truyền hình, khung cửa sổ là nơi tôi thường đưa mắt nhìn, quan sát một cuộc sống gần tôi nhất, nhiều lúc phẳng lặng, đôi ba lần xôn xao, và hầu như không thể chia sẻ với ai như tin tức trên màn truyền hình. Từ ngày tị nạn ở Mỹ hơn 30 năm trước, cửa sổ là nơi tôi thường dành thời giờ tĩnh lặng, tạm quên những bôn ba đời thường đang bủa vây ở chung quanh. Tôi từng nhìn ra khung cửa tại nhà của một gia đình Mỹ bảo trợ gần Pittsburgh, xem mưa tuyết rơi trên những mái nhà thấp thoáng ở xa, phủ lấp một bãi cỏ ở gần đó. Lúc bấy giờ gia đình bảo trợ không muốn cưu mang ba mẹ con tị nạn thêm nữa, không thể giấu những món tiền xã hội, cần bàn giao chúng tôi cho một nhà thờ Tin Lành. Tôi đã nhiều lần ngồi bên cửa sổ, nhìn hoàng hôn thấm dần xuống những xưởng thép sét rỉ ở West Homestead. Từ trên căn cao nhất của một khu chung cư tồi tàn, tôi xem những tia nắng đang cố gắng rọi sáng trên một phố nghèo, tiêu điều sau những đợt suy thoái kinh tế. Đêm xuống, tôi không thể thấy xa hơn, không biết bên kia dãy đồi là một vùng ánh sáng của đô thị. Tiếng ho vẳng lại từ dưới lầu thường giật tôi về thực tại, nhắc tôi biết mẹ đang đi từng bước trên những bậc thang, một tay cầm hộp đựng thức ăn trưa, một tay vịn thành sắt gỗ hoen màu, vừa trở về sau một ca chiều làm việc ở xưởng chế tạo. Trong mấy năm ngắn ở trường Penn State, tôi gồng gánh trách nhiệm của người duy nhất trong gia đình được vào đại học. Bên cạnh bàn học, khung cửa sổ mang đến cho tôi những giây phút êm đềm, thơ mộng như những đồi cỏ, núi rừng chung quanh thung lũng Happy Valley.
Khác với mấy sở làm lúc trước, đài Little Saigon Radio có cửa sổ bên cạnh bàn viết tin của tôi. Tại một địa chỉ cũ của đài ở Santa Ana, cửa sổ của tôi nằm trên tầng lầu thứ nhì, núp bóng một tàn cây. Mỗi khi có những nhân vật quan trọng đến đài, như một ông chính trị gia từ bên Pháp, một nhà báo từ vùng Hoa Thịnh Đốn, hay một cô ca sĩ hàng đầu tại Bolsa, tôi thường có dịp quan sát họ đứng nói chuyện, hút thuốc, trang điểm bên ngoài cửa đài. Ở địa chỉ hiện nay tại Westminster, ngay trong khu Bolsa, tôi cũng có dịp nhìn ngắm thiên hạ mỗi khi có chương trình văn nghệ, hội họp, hay thảo luận gì đó bên cạnh đài. Cửa sổ của tôi nhìn ra bãi đậu xe phía sau những văn phòng.
Khung cửa sổ có dán một lớp nhựa chống nắng. Nhờ lớp nhựa dán kiếng, vào ban ngày, nhất là những lúc nắng gắt, tôi có thể nhìn ngắm thiên hạ ở bên ngoài mà thiên hạ không thể thấy tôi ngồi ở trong phòng. Ngược lại, vào ban đêm người ta có thể thấy hết mọi sự việc ở bên trong, biết tôi đang đánh máy, đọc báo hay bận xem hình bậy bạ trên Internet, trong khi tôi hoàn toàn không biết có ai ở bên ngoài.
Cũng nhờ lớp nhựa chống nắng, thỉnh thoảng tôi có dịp được “rửa mắt” bất đắc dĩ. Cửa sổ nằm bên cạnh hội quán của đài phát thanh. Mỗi khi có hội họp, thảo luận, nhất là nếu có thêm phần văn nghệ, nhiều người thường đứng bên ngoài cửa sổ của tôi, ngắm nghía, trang điểm như đang đứng rọi kiếng ở nhà. Nhờ lớp nhựa màu đen, cửa sổ trở thành một tấm gương cho thiên hạ. Có mấy ông đứng tuổi hoặc mấy cụ cao niên đến đứng trước gương, kéo quần lên, bỏ áo vào quần, kéo giây zipper, sửa ca-vát, vuốt lại mái tóc thật chỉnh tề trước khi bước vào hội quán. Có mấy chàng thanh niên, cũng sờ lại mái tóc dợn cứng chất kem, nghiêng đầu qua bên này, xong lại nghiêng qua bên kia, nhe răng cười hoặc nhếch mép xem thử mình đẹp trai cỡ nào. Tôi từng thấy mấy nam ca sĩ, hài sĩ đứng rọi kiếng. Họ điệu còn hơn con gái, đứng hơi lâu trước cửa sổ. Một anh ca sĩ khá nổi tiếng hiện nay từng gây chú ý cho tôi. Anh cũng vuốt tóc như mấy ông bình thường khác, cắm điếu thuốc chưa châm lửa ở trên môi. Anh dùng môi xoay điếu thuốc, tìm một vị thế mà điếu thuốc sẽ giúp cho mặt anh được “cool” nhất. Anh chàng “mát” và ngầu này đã làm cho tôi mất mấy phút, xao lãng chuyện viết tin, vì anh có một hành động mà tôi cho là anh thường làm ở nhà. Sau khi tìm được nơi cắm điếu thuốc thật ngon lành trên môi, anh nheo mắt như ra vẻ khinh mạn cuộc đời, xong dùng một bàn tay nâng đẩy “chỗ ấy” vài lần như muốn khoe hết phần nam tính của anh. Buổi hôm đó tôi nghe người ta vỗ tay rất lớn, không biết vì anh hát điêu luyện hay vì “chỗ ấy” nhìn “đã” quá xá cỡ thợ mộc.
Đối với tôi, “đã” nhất là thấy mấy bà, mấy cô đứng trang điểm, sửa lại mấy đường cong một cách tự nhiên, không hề biết tôi đang ngồi trố mắt ở bên kia lớp kiếng. Mấy phụ nữ thường đưa hai tay lên thắt lưng, xoay lại quần lót cho ngay ngắn hơn ở bên trong quần hoặc trong váy. Có bà thò tay xuống ngực, kéo dại dây xú-cheng cho bớt xệ xuống dưới. Cũng có bà đưa bàn tay đẩy ép hai bên ngực, giúp hai ngọn đồi được vào khuôn cao như núi... giả. Thường thì các cô đánh thêm phấn trên má, kẽ đậm hơn đôi chân mày, thoa thêm chút son trên môi. Mỗi khi cần thoa son trên môi, họ đưa mặt sát vào kiếng để nhìn rõ hơn nét son, khiến cho tôi giật mình và “đành” trở lại bản tin đang viết dở dang. Tôi sợ họ nhìn quá kỹ vào bên trong, thấy bóng dáng của một “thằng cha” kỳ cục, đeo kính cận đang nhìn chăm chăm vào họ. Cũng có phụ nữ đứng châm thuốc hút, đeo kính mát, dựa lưng vào thành vịn tay, mơ màng xem khói thuốc và khuôn mặt của họ phản chiếu trên kiếng. Tuy ngồi bên cạnh cửa sổ này hơn năm năm, tôi chưa thấy một nữ ca sĩ nào “chỉnh đốn hàng ngũ” ở bên dưới như chàng ca sĩ nọ.
Bình thường bãi đậu xe chỉ có... xe. Mấy nhân viên đến mau chóng, xách cặp táp trong tay hay đeo bóp trên vai, lẩn biến vào các văn phòng. Họ cũng rời gấp rút, lái xe đi mất sau mấy giờ làm việc. Cũng có lần tôi thấy một cặp nam nữ trung niên da trắng đến đây vào giờ ăn trưa. Mỗi người lái một chiếc xe. Họ đậu bên cạnh nhau trong một góc riêng, bước ra ngoài, ôm hôn trước khi nói chuyện với nhau. Buổi gặp gỡ kéo dài chừng nửa tiếng. Họ hôn nhau một lần nữa trước khi trở về trên xe riêng. Cặp này hẹn hò được hai tuần thì không thấy trở lại. Có lẽ họ tìm được một nơi khác trong giờ ăn trưa. Mấy nam nhân viên trong đài của tôi thường rủ nhau ra ngoài bãi đậu, tụ tập hút thuốc, gật gù, cười ha hả, tán dóc chừng mười lăm phút dưới bóng cây, xong trở vào bàn làm việc. Mấy nữ nhân viên ít khi rủ rê ra ngoài. Họ ra riêng từng người, để nói chuyện điện thoại, hoặc le te đi tới đi lui như tập thể dục, giúp cho mấy phần quan trọng trên cơ thể được rắn chắc, nở nang hơn.
Mặc dù được chiêm ngưỡng người lạ, tôi ít ngóng cổ chờ xem một ai đó ở bên ngoài. Bầu trời xanh biếc không một áng mây của California, những tàn cây xanh lá bên kia khung kiếng mới thật sự cho tôi những giây phút lắng đọng, càng yên bình hơn trong những buổi sáng vắng xe như trong ngày lễ, ít người đến sở làm. Bãi đậu phía sau dài chừng một trăm thước, rộng gấp đôi sân banh tennis. Chung quanh tường người ta trồng mấy cây bottlebrush – xuất phát từ bên Úc, lá có mùi khuynh diệp với chùm bông đỏ như cọ lau chai – tên tiếng Anh của cây. Ở giữa sân là hai cây xanh xum xuê, cần được cắt tỉa ở trên tàn. Giữa những bản tin vừa viết xong, tôi thường dành vài giây nhìn ra bãi sau, tìm bóng cây bên trên những mui xe, lấy lại tâm trí, chuẩn bị cho bản tin kế tiếp.
Mấy năm trước, vào một sáng sớm mùa thu, khung cảnh bên kia cửa kiếng của tôi bỗng có chút thay đổi. Một người đàn ông đến đậu xe ngủ suốt đêm. Đến sáng hôm sau ông lái đi mất trước khi bãi có nhiều xe. Trong khoảng thời gian đó tôi đạp xe đến sở làm mỗi ngày, không dùng xe hơi như bình thường. Tôi đạp xe đến sở trước 7 giờ sáng, ít khi thấy một chiếc xe nào ở bãi sau. Thế nên khi thấy xe lạ đậu mỗi buổi sáng sát bức tường, trong ngày thứ nhì hoặc thứ ba gì đó, tôi bắt đầu chú ý. Vào trong phòng làm việc, tôi liền kéo màn nhìn ra ngoài. Giữa những lúc xem tin trên mạng điện toán, tôi quay đầu quan sát chiếc Honda màu xám đen bên kia cửa sổ. Chiếc xe này cũ, chắc đời 86. Tôi nghĩ vậy vì tôi có một chiếc như thế. Chiếc Honda của người đàn ông trông tệ hơn, chất đầy đồ ở trong xe. Ông đắp mền ngủ ở ghế sau. Khoảng nửa tiếng từ lúc tôi đến sở, ông thức dậy, bước ra ngoài tập thể dục, vuốt lại tóc, thay chiếc áo trên người, xong lái xe đi nơi khác.
Tôi đoán ông ta là người Việt Nam, trẻ hơn tôi vài tuổi. Có lẽ ông sa cơ thất thế, đang trong tình trạng “giữa hai việc làm” theo lối nói lịch sự của người Mỹ, nên cần ngủ ở trong xe, chờ một dịp khá hơn. Ở chốn Bolsa phồn thịnh này, người Việt vô gia cư cũng nhiều. Mỗi buổi sáng lái xe qua phố, tôi vẫn thấy dăm ba người Việt da đen sậm, tóc tai bù xù, vừa đi vừa nói một mình, có khi đẩy một xe chất đầy đồ cũ, đàn ông cũng như đàn bà. Họ chui ra từ trong những bụi cây hoặc từ một góc tường kín gió, đằng sau những nhà hàng tỏa mùi xào nấu mạnh vô cùng, khiến kẻ no ăn còn thèm muốn, huống hồ người đói bụng mấy ngày không có một miếng cơm lót lòng. Tôi không nghĩ người đàn ông ngủ trong xe sắp rơi xuống hoàn cảnh ngủ bờ ngủ bụi. Có lẽ ông đang phấn đấu giữa một trận chiến khá gay go, mà nếu cố thêm một chút dịp may sẽ đến với ông. Tôi tin như vậy vì tôi từng ngủ trong xe như ông, cũng sống còn trong một chiếc xe chất quần áo, sách vở và giấy tờ tùy thân.
Vào cuối thập niên 1980, tôi từng rơi vào tình trạng “giữa hai việc làm” trong mấy tháng. Lúc bấy giờ tôi lái xe lên Sacramento, hy vọng tìm được việc tại sở xã hội. Ban ngày tôi lái xe đến các văn phòng hạt khắp miền bắc California, điền đơn chờ ngày thi vào sở xã hội. Ban đêm tôi lái xe về đường Stockton Boulevard, nơi mà phố Việt đang hình thành trong vùng Sacramento. Gần phố Việt, tiền ăn cũng rẻ. Một ổ bánh mì có thể cắt làm hai, ăn được một ngày. Mì gói rẻ hơn nhưng thiếu nước nóng. Với không tới một ngàn đồng trong túi, tôi cần kiếm chỗ ngủ qua đêm để tiết kiệm tiền thuê phòng ngủ, cầm cự chừng hai hoặc ba tháng nếu cần. Tìm chỗ ngủ mỗi đêm cũng khó. Ngủ ở công viên thường gặp mấy nhóm thanh niên. Ngủ trong khu gia cư dễ gây chú ý với mấy người trong xóm. Ngủ trong bãi đậu xe của thương xá nghe hợp lý hơn, ban đầu tôi tưởng vậy. Đêm xuống chưa thể ngủ liền, phải đợi đến gần nửa đêm thì phố xá mới yên tịnh, bớt tiếng xe để có thể nhắm mắt mấy tiếng đồng hồ.
Tôi ngủ ở dăm ba địa điểm chung quanh vùng Sacramento, kể cả một nơi gần nghĩa trang, và một lần bị cảnh sát đến “hỏi thăm sức khỏe” trong bãi đậu của chợ Target. Sau gần một tiếng đồng hồ xem số xe, xét thẻ căn cước, dò hỏi lý lịch và bắt đợi trong xe, cuối cùng mấy ông cảnh sát khuyên tôi thuê khách sạn, đừng ngủ trong bãi đậu nữa. Tôi cũng ừ, gật đầu đồng ý cho qua chuyện. Chưa có việc làm, đâu dám phí tiền thuê thuê khách sạn. Tôi tiếp tục ngủ xe, tìm được một chỗ kín đáo đằng sau một trung tâm y khoa được mấy đêm. Khi nắng ban mai bắt đầu chiếu sáng trên các ngọn cây, tôi bò dậy và mau chóng nổ máy xe “dọt” đi nơi khác. Sau những đêm phập phồng như vậy, cuối cùng tôi đành lấy nửa phần tiền giấu trong túi và thuê một phòng chung cư rẻ nhất mà tôi tìm được trên báo. Tôi ký giấy thuê một tháng, sống chung với mấy người Lào trong một khu phố gần sông Sacramento. Rất may, gần hết tháng thì sở xã hội tại Hạt Sutter “mời” tôi đến làm.
Mỗi buổi sáng quan sát người đàn ông bước ra khỏi xe và tập thể dục, tôi thầm phục sự chịu đựng bền bỉ của ông trong thân hình gầy yếu. Có một lần tôi thấy ông vội vã lái xe đi nơi khác sau khi có vài nhân viên rời xe, đứng nói chuyện và nhìn về hướng của ông. Chiếc Honda xám biến mất vài ngày, sau lại xuất hiện. Từ tháng 10 qua tháng 11, trời bắt đầu lạnh hơn. Đạp xe mỗi buổi sáng, tôi bị lạnh cóng hai bàn tay cho dù cơ thể được ấm hơn nhờ mấy lớp áo. Phóng xe ngang chiếc Honda, tôi thấy người đàn ông nằm co ro trong mền, vừa thương hại mà vừa không biết phải giúp như thế nào.
Trong khoảng thời gian đó đài Little Saigon Radio vừa tuyển một nữ xướng ngôn viên. Cô ta có giọng nói khỏe, tươi vui, biết chơi đàn guitar, biết hát tình ca, có “ngoại hình” rất đáng sợ cho mấy ông chồng chung thủy, và hình như cô cũng có nhiều tiền. Tôi đoán vậy. Lương xướng ngôn viên của đài phát thanh không là bao nhiêu. Vậy mà sáng nào cô cũng mua thức ăn mang vào sở cho mọi người. Sáng nào cũng vậy. Khi thì mấy ổ bánh mì, khi thì mấy gói xôi, bánh patechaud, bánh croissant, nem, trái cây và có khi mấy tô phở, mọi thứ bày trên một mặt bàn như bày hàng, với đầy đủ khăn giấy và muỗng nĩa. Mấy người làm ca sáng đều hưởng ứng lời mời của cô. Riêng tôi, vì không thích ăn vặt với lại có mang theo thức ăn, ngày nào tôi cũng từ chối, khiến có lúc cô giận, cho rằng tôi chê cô ấy chứ không phải chê thức ăn. Có lần tôi tính nói đùa rằng tôi chỉ thích ăn điểm tâm với tôm hùm, nhưng lại thôi không dám nói, sợ cô ta mua thật thì phiền chết. Sau một buổi sáng nhìn người đàn ông thức giấc và tập thể dục như mọi lần, tôi liền nảy ý định giúp, không thể làm ngơ như không biết có ông ở bên kia khung cửa. Buổi sáng hôm sau tôi mau chóng rời bàn làm việc khi biết cô bạn đồng nghiệp đang có mặt ở “gian hàng” ăn sáng của cô.
Thấy tôi cầm một gói xôi gấc, cô vui vẻ hẳn, nói ngay, “Anh Đạt hôm nay không chê đồ ăn của em. Đổi ý rồi phải không? Cầm luôn hai gói đi, ăn cho no.”
Tôi cười mỉm chi, không biết nói sao trong khi mọi người đang nhìn tôi cầm gói xôi ở trong tay. “Bữa nay cũng hơi đói bụng. Cám ơn,” tôi chỉ biết nói vậy và khen xôi trông rất ngon. Xong tôi lĩnh về bàn, chờ gian hàng bớt khách, rồi lại rời phòng và phóng ra ngoài bãi sau. Tôi mừng khi thấy người đàn ông chưa thức giấc, nhanh chân chạy đến gần và đặt gói xôi trên mui xe. Vừa trở lại bàn làm việc tôi thấy ông bước ra ngoài, vươn vai như mọi lần. Khi thấy gói xôi ông liền cầm lấy, ngó dáo dác chung quanh bãi đậu. Ông nắn gói xôi, để xôi vào bên trong xe gần tay lái. Ông nhìn quanh thêm vài giây, khiến tôi phải quay lưng ghế trước khi ánh mắt của ông hướng về cửa sổ của tôi. Mấy phút sau tôi nghe tiếng nổ của máy xe. Kể từ hôm đó tôi thấy hình như ông rời bãi đậu sớm hơn, không cho tôi có dịp lấy cho ông bánh mì, trái cây, hoặc những món ăn mà cô bạn mang vào cho mọi người.
Một buổi chiều tôi ở lại sở làm lâu hơn bình thường. Đến khi ra ngoài đạp xe về nhà thì trời đã tối, lạnh buốt như một chiều mùa đông mặc dù mới gần ngày lễ Tạ Ơn, chưa hết mùa thu. Chiều hôm ấy người đàn ông đã đậu chiếc Honda gần bức tường, chuẩn bị cho một đêm ngủ trong bãi tối om. Tôi đeo túi trên lưng, đạp xe đến gần mới nhận ra chiếc xe. Ông đang đứng bên ngoài với hai tay choàng thêm áo lạnh trùm xuống đầu. Tôi nhìn ông đúng lúc chiếc áo vừa được kéo xuống, cho chúng tôi chạm mặt cách nhau vài thước. Chúng tôi không nói gì trong mấy giây nhìn mắt nhau. Mắt ông sáng, không yếu như thân hình tiều tụy, xạm nắng. Thấy tôi đẩy gọng kiếng trên sóng mũi và mỉm cười, ông cũng mỉm cười. Xong tôi đưa tay lên chào, như muốn chúc ông một đêm ngủ bình an.
Đêm ấy là một đêm trong vắt, có thể thấy rõ những vì sao cách xa trái đất hàng tỉ năm ánh sáng. Đối với những ai sống ở miền hàn đới, một đêm trong, không một áng mây giữa mùa đông như vậy là một đêm kinh khiếp, hơi lạnh từ trên không trung có thể xuyên thấu qua mấy bức tường, ăn sâu vào xương tủy bên trong chăn ấm. Tuy Bolsa không nằm ở miền bắc, một đêm trong vắt cũng lạnh buốt, lạnh xuyên qua lớp sắt bọc xe. Những ai từng ngủ trong xe, từng bị khí lạnh cắn mấy ngón chân, bị cào xé những lớp da hở bên ngoài tấm mền, sẽ hiểu cái lạnh của một đêm không nhà, không nơi nương tựa. Người đàn ông đã ngủ thêm nhiều đêm như vậy, đến gần lễ Giáng Sinh thì ông biến mất. Ban đầu tôi ngóng chờ. Sau tôi hy vọng ông không trở lại bãi đậu xe vì ông tìm được một việc làm, một nơi nương tựa, một mái ấm gia đình. Đôi lúc tôi mong gặp lại người đàn ông đó, chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho ông trong mấy năm qua.
Khung cửa sổ, đôi mắt của tâm hồn tôi. Đời tôi có lúc tưởng như tù hãm, mà không thật sự như vậy. Có lẽ tôi may mắn, còn có thể nhìn ra tâm hồn qua khung cửa của đời mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét