Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

VÁY THIẾU NỮ BAY



Váy thiếu nữ bay để ngỏ
Một khoảng trời nghiêng ngửa bên trong
Gió réo rắt, nắng bồn chồn hơi thở
Tìm vào chỗ ấy của em...

Bờ bãi con người em trổ hoa trái ngọt
Đến đế vương cũng khum gối cầu mong
Váy thiếu nữ bay lộ một lâu đài, điện ngọc
Nơi sự sống nhân quần tiến hoá muôn năm...

Váy thiếu nữ bay mang cả hồn thời đại
Mênh mông bàu trời, say đắm thế gian
Có phải đó khúc quân hành nhân loại?
Em giữ trong mình nguyên thuỷ lẫn văn minh.

Váy thiếu nữ bay để thấy đời còn có lý!
Sự sống anh cùng nhân thế tồn sinh
Dù dung tục vẫn thánh tiên bậc nhất
Khởi điểm cho các luồng chính trị toả hào quang...

Trích tập "Hồ Xuân Hương tái lai" tr.372
Phạm Ngọc Thái


Có nhà thơ nào đã ví "cái" của người thiếu nữ như một cổng trời, qua cổng trời đó là vào một động thiên thai. Hay như cách tả của bà Hồ Xuân Hương về của quí của chị em mới thật là trăm hình vạn trạng, nhiều bài làm ta phải sởn gai óc. Thí dụ trong bài "Động Hương Tích":

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom

Khi thì bà mượn cái quạt để tả về "chỗ ấy":

Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa...


Giờ ta đến với thơ của Phạm Ngọc Thái ở bài "váy thiếu nữ bay", anh đã ví cái của em như:

Một khoảng trời nghiêng ngửa bên trong
Đến thiên nhiên cũng phải ngưỡng mộ mà run rẩy:

Gió réo rắt, nắng bồn chồn hơi thở
Tìm vào chỗ ấy của em...

Cũng đúng thôi, ngay cả trái tim người khi cảm xúc còn rung động huống hồ thiên nhiên? Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây, viết ra câu thơ như thế quả là tác giả đã mạnh bạo. Từ câu trước dùng hình tượng rất gợi cảm "gió réo rắt, nắng bồn chồn", đến câu sau chuyển ngay sang cách nói có hơi hướngtrần tục: Tìm vào chỗ ấy của em.../- đọc lên ta thấy gai gai giật mình, nhưng ngẫm kỹ lại thì sướng thơ. Chính viết thế đã tạo thêm sự hấp dẫn, dần dần thấy hay. Có phải chăng đó cũng là một thi pháp trong thơ hiện đại để sáng tác thơ vào lòng bạn đọc? Riêng tôi cho rằng viết thế là thích.

Sang đến khổ thứ hai thì thơ bắt đầu mang theo tính triết lý:

Bờ bãi con người em trổ hoa, trái ngọt
Đế
n đế vương cũng khum gối cầu mong

Trong nhân sinh quan ta thấy rõ ràng nhà thơ đứng về phía nhân gian, ca ngợi tình yêu sự sống ở chốn cộng đồng. Câu thơ: Bờ bãi con người em trổ hoa trái ngọt/- Nghĩa là vậy. Ta thường nói, sở dĩ tác phẩm của Nguyễn du sâu sắc, bất hủ... bởi Người đã có hàng chục năm phải sống lăn lộn nơi dân dã, thấu hiểu nỗi tình kiếp chúng sinh mà viết nên... Kiều! Tôi nghĩ một quan điểm rất cơ bản trong thi ca chính là thái độ nhân sinh và thế giới quan của nhà thơ như thế nào? nó có ý nghĩa rất quyết định tới tấm vóc của một bài thơ hay cũng như các tác phẩm văn học nói chung.

Xin trở lại bài Váy Thiếu Nữ Bay. Câu thơ vừa nói trên ý rằng, ở nơi "bờ bãi con người..." đó em như hoa trái của sự sống. Sự sống mà không có hoa trái thì chẳng có gì hết, sẽ chỉ như là cái xác chết. Sau đó để làm rõ hơn về giá trị bất hủ, nhà thơ viết: Đến đế vương cũng khum gối cầu mong/- Vậy là hơn một lần nữa tác giả lại bộc lộ quan điểm: cái ấy của em còn cao hơn, đáng giá hơn hàng bậc đế vương kia!

Sau đó nhà thơ vẫn tiếp tục miêu tả nhưng ở mức độ rộng cao hơn:

Váy thiếu nữ bay lộ một lâu đài. điện ngọc
Nơi sự sống nhân quần tiến hoá muôn năm...

Dùng hình tượng ví như "lâu đài, điện ngọc" ta cũng dễ hiểu. Cụ Nguyễn Du cũng đã chẳng từng ví của Kiều:

Dày dày sắn đúc một toà thiên nhiên

Còn về ý nghĩa tiến hoá vạn vật trong vũ trụ hay của thế giới nhân quần, khởi thuỷ và muôn năm cũng là ở trong cái ấy mà ra cả. Sự sống của nhân loại cũng như văn minh, tiến bộ thế giới... đều phải bắt đầu từ đấy, về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Còn tác giả muốn mượn cách nói như thế để hàm ý những gì nữa thuộc trong lĩnh vực chính trị xã hội... thì có lẽ rồiđây đời cũng còn cần phải bàn thêm?

Nghĩa là câu thơ: Nơi sự sống nhân quần tiến hoá muôn năm/- đã mang theo cả ý nghĩa xã hội và tính vũ trụ của thi ca. Sang khổ thơ thứ ba:

Váy thiếu nữ bay mang cả hồn thời đại
Mênh mông bàu trời, say đắm thế gian


Cái mà đã dấu trong chiếc váy bay của người thiếu nữ lại bao trùm lên cả hồn thời đại, làm say đắm thế gian... không phải chỉ bây giờ, mà từ xa xưa đến mai sau vẫn thế. Rồi tác giả buông ra một câu hỏi:

Có phải đó khúc quân hành nhân loại?

Để anh chốt lại trong câu thơ kết đoạn:

Em giữ trong mình nguyên thuỷ lẫn văn minh
Thì từ thuở thiên thai khi mà người đàn bà còn chưa biết mặc váy, cái đó đã có rồi. Tất nhiên nó mãi mãi là một bích phẩm bất hủ nhất của cả tạo hoá lẫn xã hội con người. Cho dù tác giả không dụng ý nhưng thơ đã mang màu triết học, nghĩa những câu thơ kết vào nhau rất chặt chẽ.

Sang khổ thơ cuối cùng của bài tác giả đã tung ra một lời phán quyết, dĩ nhiên bằng ngôn ngữ thi ca:

Váy thiếu nữ bay để thấy đời còn có lý!
Sự sống anh cùng nhân thế tồn sinh

Dù dung tục vẫn thánh tiên bậc nhất
Khởi điểm cho các luồng chính trị toả hào quang...

Câu thơ cuối đã khoá lại toàn bộ bài thơ. Chính nó mang theo một lời triết lý có ý nghĩa xã hội, hàm ý về một phủ định nào đó? Nhà thơ phản ứng lại những tà đạo hoặc giả tạo về mặt chính trị còn đang ẩn trong thể chế xã hội mà viết như thế chăng? Xin lần lượt phân tích đôi nét. Bước đầu tác giả đưa ra một sự lý giải về sự sống:

Sự sống anh cùng nhân thế tồn sinh
Nghĩa là từ cá nhân tới xã hội phải nhờ có "cái ấy" mới có thể tồn tại và phát triển. Tất nhiên cách nói trong thi ca cũng chỉ có ý nghĩa biểu tượng. Như tôi đã nói trên, hàm ý thi caPhạm Ngọc Thái trong bài thơ này luôn luôn mang theo tính phản biện có ý nghĩa xã hội. Cũng có số người cho rằng: "Phạm Ngọc Thái hơi cực đoan" - Tôi không biết quan niệm về anh như thế đã đúng chưa?... Nhưng có lẽ đó cũng là một điểm xuất phát để tạo nên ý nghĩa tột đỉnh trong tình thơ này của anh! Tác giả đã phát triển sự biện luận ấy thế nào: Dù dung tục vẫn thánh tiên bậc nhất/- Nói là phàm tục, cũng là phàm tục. Nhưng nếu nói "cái đó" thiêng? thì rõ ràng cũng có ý nghĩa thiêng. Chẳng thế mà nhà thơ Nga M.Lermôntốp đã viết những câu thơ bất hủ về tình yêu với người đàn bà:

Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ.

Bởi vì với ý tưởng chân chính lòng ham muốn cái đó là đỉnh cao của sự thăng hoa tột cùng trong tình yêu con người. Cái hạnh phúc vô giá, niềm đam mê vô tận, nó vừa tạo nênnhững sướng vui đồng thời cũng là nguồn gốc của nỗi đau khổ. Nó mang đến ý nghĩa thánh thiện, đức nhân ái và bao dung. Nó chính là hạt nhân của tình lứa đôi. Cho nên Puskin đã nói một câu nổi tiếng, rằng: "Chỉ có tình yêu mới đẩy lùi tội ác"! Ý nghĩa đều nằm trong câu thơ Phạm Ngọc Thái đã viết:

Dù dung tục vẫn thánh tiên bậc nhất

Ở đây tác giả cũng chỉ nhấn mạnh về tình yêu gái trai nơi nhân gian, mà anh gọi là "bờ bãi con người...". Như trên đã nói, câu cuối cùng đã chốt lại cả bài thơ:

Khởi điểm cho các luồng chính trị toả hào quang...

Đó là ngòi bộc phá nổ để bảo vệ cho toàn bộ ý tưởng, sự biện luận đến các hình tượng của bài. Nào là: Váy thiếu nữ bay mang cả hồn thời đại, Nơi sự sống nhân quần tiến hoá muôn năm, Mênh mông bàu trời say đắm thế gian, Một khoảng trời nghiêng ngửa hoặc Váy thiếu nữ bay lộ một lâu đài điện ngọc - Chỉ để bảo vệ một chủ thuyết của tác giả là ca ngợi cái kiệt tác mà tạo hoá hay thượng đế đã sinh ra trên người đàn bà!

Thì từ khi có vũ trụ cùng thế giới con người đến nay, đã có cái gì được coi là cao hơn, vĩ đại hơn cái của đàn bà ấy đâu? Dù nhân loại có tiến triển đến hàng triệu năm nữa, nó vẫn vĩđại nhất! Cho nên một bài thơ hoàn hảo, đầy đủ phẩm bích để ca ngợi về cái kiệt tác của thượng đế ấy, hẳn đó phải là một tuyệt phẩm hay một tuyệt tác thi ca!

"Váy thiếu nữ bay" xứng đáng là một đài thơ. Tôi tin nó sẽ trở thành một thi phẩm không kém phần bất hủ trong thế giới thi ca của văn đàn.



Nguyễn Đình Chúc

Dùng dằng gió giữa hai bờ cỏ


Thạch Thảo


bạt ngàn gió hương
rừng cỏ dại
mênh mông chiều khát
cháy môi thơm
mây trắng bay chim ngàn cánh mỏi
mỏi mê đời tay trắng
trống trơn

ốc biển dán mình hôn lên cát
mơ nhánh sông bát ngát
ruộng đồng
chú cá lòng tong đuôi quẫy u mê
góc bồi góc lỡ
long nhong còng con ngơ ngác mắt
ta níu đời nhau chênh vênh thác
mong manh ngọn tóc trăng thề

chiều
dùng dằng gió giữa hai bờ cỏ
cũng đành để anh xanh

Cho tình-cho đời-và cho ta !



Hồ Chí Bửu


1.

Ta tĩnh lại sau cơn say quá đỗi
Nỗi nhọc nhằn còn lại có bấy nhiêu
Chia tay nhau từ khi em hờn dỗi
Ta cảm ơn trời đất vốn chơi liều

Đêm mửa máu cho đã đời thế sự
Ta cỡi đồ đứng tắm dưới mưa đêm
Thật hạnh phúc và đê mê thật dữ
Cảm ơn ta trong cơn rượu say mềm

Đêm chưa hẳn màu đen như ta nghĩ
Thực thực hư hư ai biết đâu ngờ
Mãi ngu dốt tưởng mình là thi sĩ
Nên đi cầu mà cũng ráng làm thơ

Quá buồn nôn trước cái trò chữ nghĩa
Kẻ hứng người tưng trông thật tức cười
Ôi ngưỡng mộ với mấy con trâu đĩa
Giữa rừng già mà giở thói đười ươi

2.

Ta yêu em nên đâu cần chữ nghĩa
Lẫm liệt – uy nghi – kiêu bạc – hồn nhiên
Ôm trọn gói một sát na mầu nhiệm
Hai tiếng yêu người ngang cả thiêng liêng

Nắng huyễn mộng – cô liêu và ly biệt
Đêm hình thành từ một buổi chiều phai
Ta hụp lặn dưới dòng sông chảy xiết
Hạnh phúc rơi trôi dạt suốt sông dài

Đêm cổ tự loé lên vầng trăng khuyết
Em bên rèm dạo khúc Hậu Đình Hoa
Quá lãng mạn nên trở thành hủy diệt
Em yêu ơi – hoa trắng rụng sân nhà

Ta chay lạt để đời mình bớt tục
Em muộn màng mang tiếng hát ru ta
Sao chối bỏ trước trái tim sùng sục
Lửa yêu đương âm ĩ cháy thịt da

3.

Đừng đạo đức tưởng mình là cao cả
Là ngôi sao đang loé sáng soi đời
Vẽ nghiêm túc của dòng người danh giá
Che không tròn mấy con khỉ ló đuôi

Sàn giao dịch giống như sàn chứng khoán
Công ty cổ phần hay hữu hạn như nhau
Thôi ngôn ngữ đã đến hồi tháo khoán
Ta trở về ru lại giấc chiêm bao

Điểm bức phá thản nhiên mà ngoạn mục
Ta cù lần nên đứng vỗ tay chơi
Em ngớ ngẫn hỏi ta rằng tri thức
Được bao nhiêu mà dám tự xưng đời ?

Trong sáng thế và em ngu ngơ thế
Ta nhủ rằng mai mốt sẽ yêu thêm
Phật đã phán : tự sinh thì tự diệt
Em yêu ơi, trăng sáng rụng bên thềm!

4.

Em thục nữ dùm ta thêm chút nữa
Dữ dằn chi- đàn ông thích ngọt ngào
Đừng chợt nghĩ mình cao hơn thiên hạ
Khinh người nầy chửi người khác tào lao

Bản lĩnh hay không lăn ra đời sẽ biết
Vốn sống có khi đổi bằng cái chết đó em
Bản ngã bản thể vẫn không bằng bản mặt
Dầy và lỳ là chua chắc như nem !

Kiến thức là nằm trong khung vốn sống
Tri thức nằm trong bản thể trời cho
Kiến thức tri thức hợp nhau thành ngu thức
Cũng như em mỗi tháng nhảy cò cò..

Sẽ có ngày em không còn nhảy nữa
Khô khan hơn và cay độc nhiều hơn
Lúc đó đâu còn chỗ nào để dựa
Là đến hồi tóc gió thôi mơn

5.

Bị sốc tình rồi nhập vào phật pháp
Cũng tốt thôi vì hướng thiện cho đời
Đừng tưởng ngộ rồi cứ ngồi ngáp ngáp
Coi trên đời chỉ có một mình thôi

Ta vốn muốn vị tha cho em đó
Thiền ở đâu thì cũng vậy thôi mà
Mây theo mây và gió về hướng gió
Chuyện trăm năm, em đâu phải không già ?

Thôi tạm biệt em yêu thời mở cửa
Ta trở về đi bán vé số rong
Biết đâu có ngày trời mưa-ta ôm vé
Chiều sổ ra trúng được mấy tỷ đồng

Tiền nhiều quá chắc đi làm từ thiện
Có lên chùa thì cũng gặp em thôi
Quay đầu là bờ – tri tâm hơn tri diện
Quanh quẩn sân đời vẫn một cuộc chơi..

Nơi tôi sinh ngày đó






Vũ Miên Thảo


Tháng mười
Lúa trời vẫy đuôi chào tôi khai cuộc
Mồ côi đi biển
Mẹ tôi buồn
Nhà Ngoaị xa . Cò sợ súng Tây tin không tới được
Cha vô bưng chiến đấu bặt tin mừng


Tháng mười
Gò Tháp giày đinh nhão đất
Đì đùng!
Giật mình súng giặc bắn thinh không
“Đỏ hỏn môi cười”
Bà tôi kể lại
“Thằng gan lì! Ba tháng tuổi dễ ai hơn!”


Tháng mười
Năm tháng đi qua tôi xanh đời
lúa xanh cành trong bom đạn giặc
Những dòng kinh ngay ngáy giọt phù sa
Những mùa Thu thiêng liêng hồn dân tộc
Mùa Thu – Gò tháp sinh ra tôi
Ôi! tha thiết đất quê nhà


Tháng mười
Giữa trời cũ, cảnh xưa. Đồng lúa mới
Chưa vàng bông – tình đã chín trong hồn
Quê cũ lâu năm xa
Về lại
Thấy mặt trời rực đo khắp đồng bưng !

Dảo tiên sinh




Trần Nhương




Muộn đã ngoài ba mươi tuổi. Ba mươi tuổi ở vùng ven nội này coi như gái già. Trai tân mới lớn thì chúng nó đang chờ mấy đứa còn học phổ thông, vừa dậy thì, vú nây nẩy sau lần áo sơ mi trông đầy gợi cảm. Bắt đầu biết làm dáng, má lúc nào cũng như vừa ở trong bếp ra, hồng dậy lên. Những anh tầm bốn mươi thì nhõn mấy đứa mười tám, đôi mươi hơ hớ đứa nào đứa ấy đều mắc bệnh dài tim . Những ông tầm năm mươi thì mấy người còn đơn lẻ, các vị này chỉ “vui là chính”, có điều kiện là tợp một cái rồi chạy mất dép. Chỉ còn mấy ông số phận không may vợ bỏ hoặc vợ chết là để ý đến Muộn. Nhưng khổ nỗi họ con đàn cháu đống, vốn ham vui cứ đẻ thả phanh nên bây giờ chúng nó rống lên đứa đòi nhà, đứa đòi cưới vợ, đứa đòi xe máy. Ngữ ấy thì có các vàng Muộn cũng không thèm. ở vậy cho nó mát, cho nó nhẹ mình.



Muộn đã có lần biết mùi đàn ông. Những tưởng người đàn ông mình biết đầu tiên sẽ là người đàn ông gắn bó suốt đời. Nào ngờ đổ vỡ tan tành. Và từ đó Muộn rất sợ đàn ông, rất ghét đàn ông. Muộn nhìn họ như có gắn kính hồng ngoại, cô thấy hết lòng trong dạ đục của các đấng tu mi nam tử, của các đấng gọi là danh gia vọng tộc. Trông hào hoa phong nhã thế thôi nhưng tên đàn ông nào bên trong cũng ẩn chứa một con dê cụ, một con quỷ…Bạn bè bảo Muộn là quá cực đoan, còn ối người đàn ông tốt. Muộn chả tin. Muộn nghĩ thế làm gì được cô, đã qua cái thời người ta nghĩ hộ mình, nói hộ mình theo ý tưởng của họ. Gái già thì bảo thủ là phải rồi. Cho nên đến bây giờ Muộn chẳng có ai để ý đến cô.



Vào những đêm se se lạnh, trời lấn phấn mưa phùn, một mình cuốn cái chăn đơn, Muộn cứ thấy hai bên mình trông trống, lành lạnh. Cô trở mình liên tục mà cái cảm giác đó không qua đi. Bản năng giống cái của cô thức dậy. Một chút thèm khát, một chút muốn được bàn tay đàn ông ve vuốt…Cô hồi tưởng lại cái thời cô yêu Dảo. Cái gương mặt trắng trẻo hiền lành của hắn hiện ra. Hắn đẹp trai, khuôn mặt rất dễ gần. Hắn có khoa nói, trên trời dưới biển gì hắn cũng biết. Hắn biết cách nói để người nghe sướng cái lỗ tai và tin hắn. Tin hắn như tin Chúa, tin Phật vậy. Hắn chỉ có cái tội hắn không làm được gì. Hình như ông trời đã ban cho hắn nói hay thì làm dở. Ngoài ra hắn còn có thói quen khá kỳ cục, ấy là hắn quý những tờ giấy bạc bất kể mệnh giá là bao nhiêu. Hắn quý tiền hơi bệnh hoạn. Hắn nâng niu, hắn vuốt từng nếp răn cho kỳ phẳng mới thôi. Hắn vuốt đến nỗi tờ giấy bạc căng ra dãn hết cả thớ giấy, như quá sức chịu đựng. Có khi hắn còn ngậm một ít nước phun nhẹ lên đồng tiền rồi dùng bàn là đưa qua cho phẳng lừ. Hắn khoái trá gấp đôi tờ giấy bạc lại thật ngay ngắn rồi mới cất vào ví. Hắn dây dây người, săn lẳn . Hắn khoẻ như trâu mộng. Hắn làm tình không biết mệt. Hắn vừa rú lên sung sướng lăn đùng ra ngáy như sấm, vậy mà một lúc sau hắn đã đòi Muộn cho hắn lần nữa, lần nữa. Hắn thô bạo nhưng hắn để lại dấu ấn không thể phai trong trí nhớ người đàn bà mà hắn đã ăn nằm. Muộn nghĩ thế vì chính cô lúc này cũng không sao quên được cái cảm giác mà hắn để lại trong đời con gái của cô. Hắn biết chiều phụ nữ, hắn vuốt ve mơn trớn, hắn hôn hít khắp nơi khiến cô nổi da gà. Hắn mút mát, hắn choằm choặp như nghiến ngấu da thịt người đàn bà. Hắn rên ư ử, hắn nói những lời tục tĩu như rót vào tai âm thanh gợi tình. Hắn biết đốt lửa làm sôi sùng sục những giác quan, những bản năng tình dục vốn bị mặc cảm, e dè, xấu hổ của người phụ nữ. Hắn như một thầy phù thuỷ cao tay khi thấy đối tác đã lâng lâng, đã thoát bỏ ý thức thì hắn làm cái việc đẩy tới đỉnh núi vời vợi của đam mê. Chỉ còn biết vồ vập đón nhận một cách tự nguyện, dâng hiến. Muộn bị hắn chài như thế. Cô không sao cưỡng nổi cái tiểu sảo ma thuật của hắn. Và cô đã đánh mất tất cả tuổi xuân, mất tất cả sự trong trắng của mình. Cô cứ tưởng hắn yêu cô đắm đuối như thế thì con giữ gìn làm gì. Nhưng sau những lần như thế Muộn càng nhận bộ mặt đích thực của hắn…



Một lần hắn và Muộn về quê hắn bên Văn Giang. Hắn bị lên cái nhọt to ở nách, dân gian thường gọi là lên ổ gà, nên không thể đi xe được.Muộn phải đèo hắn. Thôi cũng được, mấy chục cây số cũng chẳng mệt mỏi gì. Dọc đường bàn tay của hắn cứ luồn vào trong áo Muộn lần mò khắp thắt lưng, hắn luồn tay vào cạp quần cứ thọc xuống dưới. Muộn phải gắt lên đập vào tay hắn và mặt đỏ tấy khi những người qua đường nhìn thấy. Cũng chỉ được một lúc hắn lại thế, hình như hắn lên cơn như người nghiện không còn biết trời đất là gì nữa. Đến một nơi hơi vắng vẻ, hắn bảo nghỉ một tý vì nách hắn đau quá. Muộn dừng xe. Hắn vào khu vườn có cây rơm. Hắn kéo ít sợi rơm lót ra nền đất lổn nhổn những gạch vỡ. Hắn ngồi dựa vào cây rơm và vạch áo để Muộn xem cái nhọt ở nách. Cái nhọt to như quả trứng gà nằm giữa hõm nách vừa đỏ tím vừa trắng như một quả gì đang thối. Hắn không quan tâm đến cái nhọt bọc, hắn nhìn Muộn như con sói. Rồi hắn kéo cô đè sấn xuống. Nền đất lổn nhổn những gạch vỡ khiến lưng cô đau điếng. Hắn tụt quần cô ra và hành sự giữa mảnh vườn trống hơ trống hoác. Cô vùng vằng không nổi. Hắn nghiến ngấu, hắn hùng hục thoả mãn dục vọng. Rồi bỗng hắn rú lên. Tiếng kêu của hắn mới rùng rợn làm sao, vừa sắc lẻm như một lưỡi dao vừa đau đớn tuyệt vọng. Cái nhọt bọc ở nách hắn đã vỡ. Những động tác cuồng bạo của hắn đã bóp nát cái nhọt vốn đã chín mũm. Mủ và máu túa ra chảy xuống ngực cô, xuống lườn hắn. Một mùi tanh lợm giọng khiến Muộn nôn nao. Hắn vục dậy kẹp sát cánh tay vào nách. Cùng lúc những hòn đá từ trong mấy bụi cây bay tới tấp về phía hai người. Có lẽ trẻ con trong xóm nhìn cái cảnh đồi bại ấy tức mình cho một trận củ đậu bay. Hắn kéo Muội chạy vọt ra ngoài đường. Cô lấy mùi xoa lau cho hắn lau cho mình mà lòng uất lên đến nghẹt thở. Một con người không còn biết đâu là giới hạn, đâu là sự ô trọc của thú tính. Muộn như người bị hẫng bước, cô không thể ngờ cái con người trông thánh thiện nhường kia, đẹp đẽ nhường kia lại mang tính nết của con thú cuồng dục. Cô hoàn toàn thất vọng về người đàn ông mà cô ký thác cả cuộc đời mình . Cô quyết định quay về, không còn lòng bụng nào về quê hắn nữa. Nhưng rồi hắn van nài, hắn quỳ xuống xin lỗi cô và thề thốt rằng sẽ không bao giờ như thế nữa. Lòng người đàn bà mềm lại. Cô nhìn hắn thiểu não như con chiên ăn năn trước Chúa, cô lại quên hết sự bỉ ổi của hắn. Và nói cho cùng vì hắn quá yêu cô nên thèm khát sự chung chạ. Thế là cô lại nguôi ngoai. Trời sinh ra người đàn bà với chức phận làm mẹ, mang nặng đẻ đau nên tấm lòng bao giờ cũng bao dung, dễ mềm yếu. Mà hắn lại khéo nói, hắn biết làm mềm lòng cô. Chả thế mà các cụ ngày xưa đã bảo đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu…



Rồi ngày tháng cứ trôi đi cô không rứt bỏ được hắn và hắn cũng không để xảy ra những việc quá tồi tệ nữa. Chỉ có điều hắn thích ăn ngon, mặc đẹp, thích rao giảng, thích đao to búa lớn. Hắn rất hay đọc báo xem tin tức thế giới, xem ti vi và bình luận về thời cuộc.



Hôm ti vi đưa tin quân đội Mỹ ồ ạt nhảy vào Apganistan đánh quân Taliban, hắn bị sốc. Thế giới bây giờ hình như chỉ có Mỹ, nơi nào Mỹ thấy không có nhân quyền, có chủ nghĩa khủng bố là ngang nhiên mang quân đến đánh bất biết quốc gia đó là một đất nước độc lập có chủ quyền. Mỹ nói người ta khủng bố nhưng chính Mỹ vẫn mang quân khủng bố nước khác. Mỹ đang áp dụng luật rừng, luật đại dương cá lớn nuốt cá bé. Thế giới bây giờ không có đối trọng. Liên xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ hình như đã tạo cho Mỹ thế độc tôn. Điều này vào thập kỷ trước không bao giờ xảy ra được, bố bảo Mỹ không dám ngang ngạnh như thế. Đau thật, cả thế giới giương mắt lên mà nhìn, tuyên bố ú ớ dăm câu thì làm nước mẹ gì. Giá như còn Liên xô thì đập cho Mỹ một đòn nhừ tử. Thằng nào cũng sợ Mỹ, cũng vì quyền lợi, vì miếng cơm manh áo của mình mà quay lưng lại cả. Đau thật. Phải chi Chính phủ mình cho hắn sang chi viện thì một mình hắn cũng chơi tay bo với Mỹ.



Hắn đến chơi nhà Muộn với khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi, mất hết vẻ tươi tắn thường ngày. Hắn nói với anh trai Muộn :



Không thể tưởng tượng được anh ạ. Một thế giới vẫn gọi là văn minh tiến bộ mà im thin thít như thịt nấu đông trước hành động xâm lược của Mỹ. Chính Mỹ mới là tên sen đầm quốc tế…

Chú cứ lo chuyện đâu đâu. Tớ đang lo nộp tiền học cho mấy đứa. Thế quái nào phổ cập giáo dục mà cái gì cũng tiền.



Anh chả quan tâm gì đến tình hình thế giới. Cái kiểu này thằng Mỹ nó chơi tuốt. Cứ phải nện cho hắn một trận như Việt Nam mình mới hết vi tính !



Đúng, tớ chả quan tâm mấy. Đang cháy ruột vì cái gì cũng tăng giá từ xăng dầu đến điện, nước, đến cái tem cũng lên. Họ giải thích với Nhà nước cái gì cũng lỗ, thế là họ móc túi dân bù lỗ. Nghe chướng tai bỏ mẹ. Mà mấy ông chuyên gia, chuyên viên, tham mưu cái gì cũng gật. Tớ mà có quyền là cách chức thằng làm ăn thua lỗ chứ không cho thu của dân…Ông ấy không biết mỗi lần tăng giá chỉ chết thảo dân, còn các vị ấy có mà muỗi đốt gỗ.

Đau thật anh ạ, thế giới chỉ còn một cực. Anh chỉ nhìn ngay trước mũi. Chuyện nước mình thì nói cả ngày…



Ông anh Muộn tỏ vẻ khó chịu với thằng em rể tương lai, chỉ được cái bẻm mép. Anh sỏ ngọt :

- Lo bò trắng răng làm gì cho mệt. Chú cứ lo cho mình giầu có, kiếm cái xe máy mà đi, có đồng ra đồng vào rồi mà cưới vợ. Hay để vợ nuôi.



Như người khác thấy anh vợ tương lai nói thế thì đùng đùng tự ái nhưng với hắn thì nói thế chứ nói nữa cũng chả hà hấn gì.

Nhưng mà chết đứt đi được. Thế giới như không còn người để thằng Mỹ làm trời làm biển gì cũng được. Ước gì cụ Stalin sống lại – Hắn vẫn lải nhải về tình hình thế giới…



Ông anh Muộn không bắt chuyện nữa nên hắn ngồi một lúc rồi lẳng lặng ra về.



Hôm giỗ bố Muộn hắn đến rõ sớm. Hắn xách theo thẻ hương và mấy quả cam. Chị dâu Muộn đặt lên bàn thờ. Mặc dù cỗ bàn chưa xong, chưa cúng bái gì nhưng hắn cứ thắp hương và lầm rầm khấn vái. Mọi người nhìn thấy thế cũng mừng cho Muộn kiếm được người biết lễ nghĩa. Tuy hắn không biết làm gì nhưng chả nhẽ con rể tương lai đến giỗ bố vợ lại ngồi xơi nước nên hắn mó vài việc như lau bàn, xúc ấm trà rồi đi ra đi vào hỏi han chuyện trò vài câu để ai cũng thấy hắn xăng xái. Đúng là mồm miệng đỡ chân tay.



Cúng bái xong đến lúc thụ lộc , hắn ngồi mâm với mấy ông chú bà bác. Hắn lại giở khoa nói ra. Thôi thì chuyện ta chuyện tây, chuyện si đa, chuyện nghiện hút, chuyện vụ án liên chi hồ điệp. Bia cứ rót và hắn cứ uống. Chưa bao giờ được bữa bia xả láng như hôm nay. Nâng lên cạch một cái với các cụ là dốc cạn. Hắn lè nhè :



- Mời các chú bắc cạn đi. Cháu xin dẫn đường. ấy chú thái nguyên thế này. Mời chú, mời chú để thằng cháu được hầu chú…

Bọn tôi tửu lượng kém lắm, anh cứ tự nhiên

- Bia là thứ nước giải khát. Cháu còn chơi cả chai lúa mới cũng không nhằm nhò gì.



Hắn nói thế nhưng hắn đã chuếng choáng. Mấy miếng xương để ở góc mâm hắn lại gắp lên :

- Rơi miếng thịt phí quá. Dân ta hay thật, rơi thổi phù cái coi như sạch, chén luôn. Ông tây có mà dám.

- ấy xương đấy anh ạ- ông chú Muộn can hắn.

Chú nhìn nhầm thế nào, miếng đùi gà ngon quá.



Một lúc sau hắn đã leo lên gác xép. Nhà Muộn chật, chỉ có mười mấy mét vuông. Vợ chồng con cái ông anh Muộn cả thảy 4 người, Muộn nữa là 5. Anh Muộn làm thêm gác xép chiếm gần hết diện tích nhà mới đủ chỗ ở. Hắn chui lên gác rồi mấy ông chú bà bác lè lưỡi nhìn nhau khiếp cho ông cháu rể tương lai. Một lúc sau tiếng ngáy từ trên gác xép dội xuống như máy khoan bê tông. Tiếng ngáy của hắn mới khiếp làm sao, ngáy như nôn ruột ra lại nuốt ruột vào , có cái gì vừa dữ dằn vừa đau đớn thoát từ lồng ngực hắn ra.



Họ hàng đang ngồi uống nước dưới nhà thì thấy trên gác xép có tiếng chị dâu Muộn : Đồ khốn nạn. Xin lỗi chị…em tưởng Muộn. Muộn biết có chuyện liền leo lên gác xép. Chị dâu Muộn ghé vào tai em gái nói : Chị lên lấy cái áo, chú Dảo lại ôm lấy chị có láo không chứ. Không phải ngày giỗ bố chị tát cho nó mấy cái… Muộn ngượng chín cả mặt. Đến thế là cùng. Người như thế sẽ là chồng Muộn ư ? Muộn thầm khấn bố : Bố có thương con gái bố thì bố cho con một thằng đàn ông tử tế, nếu như thế này thì con thà ở vậy còn hơn…Chồng con gì cái ngữ ấy chỉ ăn tục nói phét…Bố ơi là bố, bố có thương con gái bố không….



Một lúc sau từ trên gác xép nước tí tách rỏ xuống giữa bàn uống nước. Ông chú kêu lên :

Con ơi xem chai gì đổ trên gác xép.



Lần này thì anh trai Muộn leo lên. Trời đất, mùi khai nồng nặc. Cái thứ nước tiểu của người vừa uống bia rượu tuôn ra thì không sao lẫn được. Máu trong người anh trai Muộn như bị đun sôi sùng sục. Anh lật tung tấm chăn lên thì thấy ướt sũng. Hắn đái vào chăn. Cái thằng mất dạy này nó lười đi xuống nhà vệ sinh. Cái chăn bông loại 4 kg thấm sũng nước đái, nó không thể hút được hơn nữa, chảy loang ra sàn gỗ nhỏ tong tong xuống nhà. Con rể tương lai như thế này đây, ngày giỗ bố vợ của mình mà đái cả ra chăn. Anh trai Muộn không thể kìm nén được nữa, túm áo lôi Dảo dậy. Anh dang tay tát đánh đốp một cái như trời giáng vào bộ mặt xanh xám sũng nước của Dảo.

Cút ngay khỏi nhà tao. Em tao có ở vậy tao cũng không gả cho mày ! Từ nay tao cấm cửa !



Dảo bò dậy, loạng choạng xuống gác. Hắn ngượng. Hắn chắp hai tay làm động tác như vái lậy mọi người :

- Con xin lỗi ! Con xin lỗi !



Muộn nhìn theo bóng Dảo đi ra cổng. Hắn hơi loạng choạng một chút rồi như định thần lại chạy vút ra ngoài đường. Lòng Muộn tê tái. Một cảm giác chua sót ngấm vào toàn thân cô. Cô cảm thấy cơ thể mình như một miếng bánh đa thả vào trong bình rượu, nó ngấm cái vị sót xa vào từng ngõ ngách. Đồng thời cô cũng có cảm giác vơi đi, tháo cởi một cái gì lâu nay bám chặt trong lòng cô. Cô như người cắt bỏ được một khối thịt thừa vẫn đeo bám đâu đó trên cơ thể .



Cô chia tay với Dảo như thế. Sau lần ấy hắn có hẹn gặp cô nhưng cô không thể. Cuộc chia tay vừa ê chề vừa nhẹ nhàng mà cô không hề nuối tiếc. Chỉ có điều cô ân hận vì sự cả tin của mình. Cô bị những lời đường mật của hắn làm cho mụ mỵ mà tin tưởng vào hắn như tin một tôn giáo, mà trao gửi cho hắn tất cả những gì quý giá của người con gái…Điều thầm kín ấy không ai biết. Cô giữ trong lòng như một vết sẹo đã liền miệng nhưng không bao giờ trả lại sự mịn màng của làn da được nữa. Cô ân hận một điều là dâng hiến cho một tên giả rối, một tên đểu cáng mang bộ mặt thánh thiện. Nếu hắn là một người chân thành, một người nói sao làm vậy thì dù không lấy được nhau cô cũng không đau sót mấy. Chưa có chồng đã biết mùi đàn ông cũng là sự thường của các cô gái thời hiện đại. Từ thời Nguyễn Du cũng đã quan niệm chữ trinh cũng có năm ba bẩy đường kia mà.



@

Cho đến bây giờ Muộn vẫn đơn lẻ như thế. Cái sự chồng con đối với cô càng lúc càng xa vời, nó như con tầu rời ga bươn bả chạy về phía trước. Muộn cứ âm thầm chịu đựng. Cô lấy việc chăm sóc các cháu con anh trai mình làm vui. Cô có buồn đôi chút nhưng bù lại cô có tự do, không bị ràng buộc câu thúc vì chồng, vì con, về đối đáp ứng xử bên nội, bên ngoại. Cô được tuỳ ý, nói theo điều mình nghĩ, làm theo điều mình thích.



Lâu lắm hôm nay Muộn vui bạn bè rủ nhau đi Phủ Tây hồ. ừ thì đi. Đi lễ Phật cho lòng thanh thản. Mấy cô bạn đã đề huề chồng con thì đùa đi cầu cho Muộn lấy chồng. Muộn chả tin. Đức Phật vẫn khuyên người ta diệt dục, càng bỏ nhiều ham muốn càng tịnh tâm. Khổ một nỗi kiếp người sinh ra đã có sẵn tính tham lam ích kỷ. Họ không biết đâu là điểm dừng, đã có lại muốn có nữa, đã giầu lại muốn giầu nữa. Họ đến cửa Phật cầu xin để ăn cắp, buôn lậu, tham nhũng được nhiều hơn. Nếu Đức Phật linh thiêng thật thì ngài vật chết những kẻ tham lam, đạo đức giả ấy. Thế thì Muộn có cầu Đức Phật cũng không thể ban cho cô một tấm chồng như ý. Đi chùa cho lòng thanh thản chứ chẳng cầu xin gì, mà có cầu cũng chẳng được.



Suốt từ bãi gửi xe vào đến Phủ hai bên là hàng quán ăn uống, ốc luộc ốc nướng, cá tươi, hải sản và các lều viết sớ, xem tướng số. Mấy ông thày không biết có biết chữ nho, chữ nôm gì không mà ngồi cứ như các vị túc nho, thầy đồ ngày xưa. Sớ thì in sẵn, lằng nhằng triện đỏ chỉ cần điền tên, tuổi, địa chỉ của tín chủ là có dăm ba ngàn. Trời ơi cái thứ giấy này đốt đi mà thần Phật thấu hiểu được lời khẩn cầu của chúng sinh thì có phép thần thông. Tất cả là đòn chơi tâm lý. Cái tâm lý khiến con người mê muội, ù lỳ không còn biết thật giả là gì nữa. Tiền giả, văn tự giả, bạc giả chỉ có tiền thật chui vào túi những kẻ buôn thần bán thánh. Cái trò tâm lý nó quan trọng lắm nên chế độ Sài Gòn hồi nào nâng lên thành “ Chiến tranh tâm lý “.



Mấy cô bạn rủ Muộn làm tờ sớ cầu ngài giải cho tình duyên phần âm. Các cô giải thích cho Muộn là dưới âm có vị nào yêu mày lắm nên không muốn mày đi lấy chồng. Phải làm sớ , thậm chí phải sửa cái lễ cầu xin ngài buông tha cho thì mới lấy được chồng. Tất cả những lời giải thích ấm ớ ấy chả làm cho Muộn tin vào sự linh hiển của thần Phật. Thôi cứ cầu mong cho bằng an là được rồi. Nể bạn, Muộn cũng dừng lại ở một quán viết sớ. Từ xa Muộn đã thấy ông thày trắng trẻo thư sinh khiến cô hơi chột dạ. Ông thày đeo kính dâm, đội khăn xếp nhưng có nét gì đấy khiến Muộn có cảm giác cô đã gặp ở đâu đó. Ông ta vừa thu 10.000 đồng của một tín chủ, ông ta đưa tờ 10.000 đồng lên soi soi xem cái hình chìm có nét không để phân biệt tiền thật tiền giả rồi sau đó cẩn thận vuốt từng góc tờ giấy bạc cho phẳng phiu. Ông cẩn trọng với một động tác rất nhẹ nhàng, thành kính như động tác làm nghi lễ trước vị thần tối cao nào đó, ông gấp bốn góc tờ giấy 10.000 đồng chồng khít vào nhau, không lệch một tý ti nào. Sau động tác ấy, ông rút từ trong túi ra một bìa ny lông, khẽ khàng xếp đồng tiền vào đó. Xong, ông tìm dây chun cẩn thận cuốn ra ngoài rồi đút vào túi ngực.



Cái động tác ấy khiến Muộn giật mình. Đúng là Dảo rồi. Không ai trên đời này có động tác gấp tiền tỷ mẩn như hắn. Muộn ù té chạy. Chạy như chân không chạm đất. Cô chạy như sợ hắn phát hiện ra cô. Cô chạy theo bản năng sợ hãi, như gặp lại nỗi kinh hoàng ngày nào. Muộn chạy quáng quàng va ngay vào tấm biển treo trước lều, tấm biển rơi nằm chềnh ềnh trên đất, Muộn kịp đọc dòng chữ dán bằng đề-can “ Dảo tiên sinh . Viết sớ cầu tài lộc, cầu phúc đức, cầu bình an. Xem tướng, đoán vận hạn…”

Mấy cô bạn bất ngờ không hiểu ra sao. Một lúc sau định thần lại các cô cũng chạy như bay và giọng thất thanh:

- Muộn ơi ! Muộn ơi !

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Tôi Vẫn Nợ Em Một Lời Xin Lỗi






Tôi vẫn nợ em một lời xin lỗi
Dấu trong lòng từ buổi bước lên xe
Thơ tôi viết bao lần không dám gởi
Chuyện tình buồn năm tháng lớn khôn theo

Em tội nghiệp như cành me trụi lá
Hạt sương khuya nuôi ngọn cỏ sân trường
Đêm tháng sáu, mưa có làm em nhớ
Đêm mưa nào, tôi bỏ trốn quê hương

Em ở lại sắc hương tàn phấn rũ
Thời xuân xanh qua rất đổi vô tình
Em có khóc khi mỗi mùa thu tới
Lá thu vàng rơi xuống tuổi điêu linh

Giờ tạm biệt tôi ngại ngùng không nói
Không dám nhìn đôi mắt nhỏ thơ ngây
Em đâu biết giữa cuộc đời giông tố
Tôi chỉ là một chiếc lá khô bay

Đau nhức chảy theo dòng thơ tôi viết
Thu Bồn ơi, trăng nước có còn chăng
Tôi lận đận sớm chiều lo cơm áo
Ngoảnh mặt nhìn bến cũ gió mưa giăng

Tôi vẫn nợ em một lời xin lỗi
Nợ quê hương một chỗ đất chôn nhau
Nợ cha mẹ nỗi nhọc nhằn khuya sớm
Tôi nợ tôi mộng ước thuở ban đầu.

Trần Trung Ðạo

Không đội trời chung



Khánh Hòa
Ai mà không biết chỉ có mỗi một ông trời trên quả đất này, và ai mà không biết, dù muốn, dù không, chúng ta cũng phải mang ông trên đầu.

Vậy mà, mỗi khi hai đứa giận nhau tóe lửa, tóe khói, nó hay đem câu thề, vẫn biết là vô thưởng vô phạt ra hù nhát,“Tao, nhất định không đội trời chung với mày.” Tôi tỉnh bơ, chọc tức nó “Vậy thì mày trốn đi đâu để không phải đội chung ông trời với tao?” Những lần như vậy, nó biết là nó thua, nó hố. Vì biết có giận tôi đến tối lửa tắt đèn nó cũng phải đi cùng tôi, đến những nơi bắt buộc phải đi cùng.

“Nó và tôi”, hai đứa bạn thân nhau từ những năm chập chững vào tiểu học, lên trung, lên đại. Ra cổng trường, lấy chồng, sinh con đẻ cái, thành danh sự nghiệp, ổn định tài chánh... vẫn còn tiếp tục thân nhau. Thân trong lúc thuận thảo hòa bình, đã đành, “thân” luôn cả lúc hai đứa bất đồng quan điểm, chính kiến. Hai cái đầu bướng bự, nhất định không ai chịu thua ai về lập luận, lập trường, Đỏ?, Đen? Nó nói nó trúng. Tôi bảo tôi không trật. Những lúc như vậy, nó đem câu bùa chú, “Tao nhất định...”, “...không đội trời chung...”Tôi cướp lời, trước khi nó lải nhải cái câu tôi thuộc đến phát ngấy.

Vậy mà rồi, hai đứa vẫn hụ họe, hè phụ nhau đội chung ông trời, nặng, mấy chục năm nay, mà không bỏ.

Tôi, dù không lộ ra mặt để nó “lừng” nhưng tận đáy thâm tâm tôi rất nể phục. Nhịn nó, chìu nó, chẳng phải tôi ươn hèn, kém cỏi. Nhưng bởi nó vừa tài giỏi, thông minh, thông thái mọi vấn đề, lại còn sống rất thẳng thắng cương trực, đúng mẫu mực của một người, dám ăn, dám nói. Dám để mất lòng bạn mình, chứ nhất định không để mất bản lãnh, chí khí.

Tôi, nói thẳng ra, chẳng những thua xa nó nhiều mặt, còn kém sau nhiều đức tính. Tôi lại dở thêm ở nhiều chỗ nữa. Cái tội hay cả nể, cái tội sợ làm mất lòng người (dù những tấm lòng này, nó khẳng định, có mất cũng không tiếc!). Nó phê bình, chỉ trích tôi sống nhu nhược, cầu an, thụ động. Đó là những yếu điểm đã làm nó bực tức, phát giận để rồi dẫn đến chỗ, “Không đội trời chung...” mỗi khi có bất đồng.

Xét cho cùng, bạn tôi nói đúng trăm chuyện và làm đúng vạn điều...

Bạn tôi, đứa bạn quen nhau từ thuở chân trơn, da trần, tóc cháy nắng. Đến nay gần nửa thế kỷ vẫn còn thân cận. Tôi cũng biết chắc một điều, là đến cuối cuộc đời này, chúng tôi sẽ còn dâu biển mặn nhạt có nhau. Nó và tôi cùng trưởng thành với hoàn cảnh có nhiều điểm tương đồng, thì làm sao mà không hiểu nhau, thấu, đáo.

Nên dù có đội hay không đội trời chung, có khác nhau tánh nết, có bất đồng quan điểm, cuối ngày, chúng tôi vẫn là bạn, theo đúng nghĩa “bạn hiền”.

Thì nghiệt ngã, nặng nhẹ nhau làm gì! 

TAY CỰ PHÁCH



Sidney Sheldon
Lương Thị Thận dịch


Hai người bàn với nhau về chuyện ấy vào buổi tối trong một căn phòng ở phía sau cửa hiệu, nơi ăn ở của Van Der Merwe. Đó là một phòng nhỏ làm phòng ăn, vừa là nhà bếp, vừa là phòng ngủ, với một chiếc màn phân chia hai chiếc giường bố. Phần dưới các bức tường xây bằng đá và bùn, còn phần trên là các hộp bằng cáctông trước kia đựng các loại thực phẩm. Một lỗ hình vuông được xẻ ra trên một bức tường được dùng làm cửa sổ. Về mùa mưa, lỗ này được bít lại bằng một tấm gỗ gán ở phía trước. Bàn ăn là một tấm ván dài, đặt ngang trên hai thùng gỗ. Một chiếc thùng gỗ, được đặt lại ở bên hông, dùng làm tủ đựng bát đĩa. Jamie đoán rằng Van Der Merwe không phải là một người chịu rời xa đồng tiền của ông ta một cách dễ dàng.

Cô con gái của Van Der Merwe yên lặng đi qua đi lại để chuẩn bị bữa ăn. Thỉnh thoảng cô đưa mắt thật nhanh nhìn về phía ông bố nhưng không nhìn Jamie một lần nào. Tại sao cô ấy có vẻ khiếp hãi thế nhỉ? Jamie tự hỏi.

Khi mọi người đã vào bàn ăn, ông Van Der Merwe mở lời: “Chúng ta hãy đọc một bài kinh nào. Lạy Chúa, chúng con cám ơn ngài về những ân thưởng rộng rãi mà chúng con đã nhận được từ Ngài. Chúng con cảm ơn ngài đã tha thứ các tội lỗi của chúng con và chỉ ra cho chúng con con đường chính đáng và giải thoát chúng con khỏi các cám dỗ. Chúng con cảm ơn Ngài đã cho chúng con cuộc sống lâu dài, nhiều lợi lộc và đã đập chết tất cả những kẻ nào xúc phạm đến Ngài. Amen” Rồi ngay tiếp đó, luôn một hơi thở, ông ta nói với con gái, “Chuyển đĩa thịt lại đây cho bố.”

Bữa ăn thật thanh đạm: một miếng thịt rán nhỏ, ba củ khoai tây và một đĩa rau cải. Các phần dọn cho Jamie thật ít ỏi. Hai người nói chuyện với nhau rất ít trong bữa ăn còn Margaret thì không nói gì cả.

Ăn xong, Van Der Merwe mới nói: “Thật là ngon, con gái ạ.” Giọng nói của ông pha lẫn một chút hãnh diện. Rồi ông quay về phía Jamie.

“Chúng ta bàn về công việc chứ?”

“Vâng, thưa ông.”

Van Der Merwe nhặt lên một ống điếu từ mặt tủ gỗ con, lấy thuốc lá thơm từ một chiếc túi con nhét vào ống điếu. Ông châm thuốc. Đôi mắt ông nhìn chăm chú vào mặt Jamie qua làn khói thuốc cuồn cuộn.

“Những bọn đào kim cương ở vùng Klipdrift đều khùng cả. Có quá ít kim cương nhưng lại quá nhiều. Người ta có thể làm gãy xương sống suốt cả năm trời mà chẳng tìm ra được cái gì ngoài “schlenter.” Đó là loại kim cương vô giá trị ấy mà. Anh có hiểu tôi nói không?”

“Vâng, tôi hiểu. Vậy thì phải làm thế nào?”

“Bọn Griquas!”

Jamie ngơ ngác. “Đó là một bộ lạc Châu Phi ở mạn Bắc. Họ tìm thấy kim cương – những viên kim cương thật lớn – rồi đôi khi họ mang đến cho tôi. Sau đó tôi bán lại để mua hàng hoá.” Người Hà Lan ấy hạ thấp giọng xuống thì thầm một cách bí mật, “Tôi biết họ tìm thấy kim cương ở đâu rồi.”

“Thế nhưng tại sao ông không tự mình đi tìm lấy ông Van Der Merwe?”

Van Der Merwe thở dài: “Không, tôi không thể rời cửa hiệu này được. Chúng nó sẽ ăn cắp mà mình không biết được. Tôi cần một người nào đủ tin cậy để đi đến nơi ấy, rồi đưa kim cương về cho tôi. Khi nào tìm được đúng người, tôi sẽ cung cấp cho hắn đủ mọi dụng cụ cần thiết.” Ông dừng lại một lát để kéo hơi thuốc “Rồi tôi sẽ bảo cho hắn kim cương ấy ở đâu.”

Jamie vụt đứng dậy, tim đập thình thình: “Ông Van Der Merwe ạ, tôi chính là người mà ông đang tìm kiếm. Hãy tin tôi đi, tôi xin ông, tôi sẽ làm việc cả ngày đêm.” Giọng anh sôi nổi, đầy nhiệt tình “Tôi sẽ mang kim cương về cho ông, nhiều không thể đếm nổi.”

Van Der Merwe lặng lẽ nhìn anh một lát nhưng anh thấy nó lâu như cả thế kỷ. Cuối cùng, khi Van Der Merwe thốt lời, ông chỉ nói gọn một chữ “Ja.”

Jamie ký hợp đồng vào sáng hôm sau. Hợp đồng ấy viết bằng tiếng Africaner (Nam Phi).

“Để tôi giải thích cho anh”, Van Der Merwe nói, “hợp đồng đó ghi rằng, chúng ta hợp tác kinh doanh với nhau, tôi bỏ vốn, anh bỏ công sức. Chúng ta chia nhau đồng đều tất cả mọi thứ.”

Jamie nhìn vào bản hợp đồng trong tay Van Der Merwe. Giữa những hàng chữ khó hiểu, anh chỉ nhận ra một dòng chữ: tổng số hai bảng Anh.

Jamie lấy tay chỉ chữ ấy và hỏi: “Cái này để làm gì thưa ông Van Der Merwe?”

“Cái đó có nghĩa là thêm vào một nửa số kim cương thuộc về phần anh, anh sẽ nhận được hai bảng Anh một tuần lễ làm việc. Dù tôi biết rằng ở đó có kim cương, cũng có thể xảy ra trường hợp anh sẽ không tìm được cái gì cả, anh bạn ạ. Nhưng như vậy, ít nhất anh cũng nhận được chút ít gì đó do công lao anh đã bỏ ra.”

Một người như thế thật quá ư sòng phẳng, “Cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều lắm.” Jamie tưởng chừng như muốn chồm lên mà hôn ông.

Van Der Merwe nói: “Bây giờ ta hãy lo việc trang bị mọi thứ cho anh đã.”

Phải mất hai giờ đồng hồ mới chọn được mọi thứ cho Jamie mang theo: một lều vải nhỏ, dụng cụ nấu ăn, hai cái sàng, một cái đãi đá, một cái cuốc chim, hai cái xẻng, ba xô nước, tất và áo lót. Có một cái rìu, một cây đèn và dầu garrafin, diêm và xà phòng arsenic. Ngoài ra còn có những hộp thiếc thức ăn, thỏi thịt, đường, cà phê và muối. Cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng, đầy đủ. Tên đầy tớ da đen, Banda, lặng lẽ giúp Jamie xếp gọn ghẽ mọi thứ trong những túi đeo trên lưng. Anh chàng to lớn ấy không bao giờ đưa mắt nhìn Jamie và cũng chẳng nói một lời nào. Hắn không nói được tiếng Anh, chắc vậy. Margaret ở trong cửa hiệu, chờ đợi khách hàng, nhưng nếu cô ta biết rằng Jamie đang có mặt ở đấy cô ta cũng chẳng tỏ ra một dấu hiệu nào cả.

Van Der Merwe bước lại gần Jamie: “Con la của anh đã đợi ở trước nhà”, ông nói, “Banda sẽ giúp anh chất đồ đạc lên.”
“Cám ơn ông Van Der Merwe”, Jamie nói, “Tôi...”

Van Der Merwe xem xét một mảnh giấy đặc sệt những con số và nói, “Tất cả một trăm hai mươi bảng Anh.”

Jamie nhìn ông ngơ ngác: “S... sao? Cái này nằm trong điều khoản đã được thoả thuận giữa chúng ta mà. Chúng ta...”

Khuôn mặt gầy choắt của Van Der Merwe sụm lại vì giận dữ: “Anh tưởng rằng tôi tặng anh tất cả các thứ này, thêm vào một con la thật tốt, rồi cho phép anh hợp tác kinh doanh với tôi, ngoài ra lại còn cho anh thêm hai bảng một tuần hay sao? Nếu anh mong tìm một cái gì đó mà không muốn bỏ ra một chút nào hết thì anh tìm lầm chỗ rồi.” Nói xong ông ta liền dỡ một túi xách xuống.

Jamie vội vàng nói: “Đừng, xin ông đừng làm thế, ông Van Der Merwe. Ấy chỉ vì tôi không hiểu thôi. Ông muốn như thế thì cũng được, tôi có sẵn tiền ở đây.” Anh thọc tay vào túi da, trút tất cả số tiền dành dụm của anh cho đến đồng xu cuối cùng lên mặt bàn.

Van Der Merwe do dự, “Thôi được rồi”, ông ta nói với vẻ miễn cưỡng, “Có lẽ đó là một sự hiểu lầm, thật đấy. Thị trấn này toàn những tên lừa đảo. Tôi phải thận trọng khi giao thiệp buôn bán với ai.”

“Vâng, ông làm thế là phải”, Jamie ngỏ ý tán thành. Trong lúc quá sôi nổi, anh đã hiểu sai các điều thoả thuận với nhau. Mình thật may mắn, vì ông ta còn cho mình một cơ hội sửa chữa sai lầm, Jamie thầm nghĩ.

Van Der Merwe thọc tay vào túi, rút ra một tấm bản đồ vẽ tay nhỏ nhăn nhúm: “Anh sẽ tìm thấy mooi kliper ở chỗ này. Phía Bắc nơi này, ở Magerdam trên bờ sông phía Tây của con sông Vaal.”

Jamie quan sát bản đồ, tim anh bắt đầu đập nhanh, “Nơi ấy xa bao nhiêu dặm?”

“Ở đây chúng tôi đo khoảng cách bằng thời gian. Với con la này, anh sẽ đi mất khoảng 4, 5 ngày. Lúc trở về sẽ chậm hơn vì trọng lượng của kim cương.”

Jamie mỉm cười: “Ja.”

Khi Jamie trở lại đường phố của Klipdrift, anh không còn là một du khách nữa. Anh là một nhà thăm dò, một người đào kim cương đang tiến gần đến sự giàu có. Banda đã chất xong đồ đạc lên lưng con la mảnh khảnh, yếu đuối bị cột chặt vào trước cửa hịêu.

“Cảm ơn”, Jamie mỉm cười nói.

Banda quay lại, nhìn vào mắt anh rồi lặng lẽ quay đi nơi khác. Jamie tháo sợi dây cương và nói với con la: “Đi nào anh bạn, đã đến giờ chúng ta đi tìm mooi kliper rồi.”

Người và la cùng tiến về phía Bắc. Jamie dựng lều vải bên cạnh con suối vào lúc đêm xuống, anh tháo la ra, cho nó uống nước và ăn cỏ. Anh soạn ra cho mình ăn một ít thịt bò khô, mơ khô và cà phê. Đêm tối vang lên những tiếng động kỳ lạ, anh nghe thấy tiếng rú, tiếng ụt ịt của những con thú đang đi xuống uống nước. Anh không có gì để tự bảo vệ cả, giữa những con thú nguy hiểm vây xung quanh, trên một mảnh đất hoang sơ, xa lạ. Một tiếng động khiến anh giật thót người, lúc nào anh cũng lo sợ móng vuốt của các thú rừng nhảy chồm ra từ bóng tối tấn công anh. Trí óc anh bắt đầu nghĩ miên man. Anh nghĩ đến chiếc giường khô ở quê hương, đến cuộc sống an toàn, tiện nghi mà anh chấp nhận như là điều đương nhiên. Anh ngủ từng chập, thấy trong mơ sư tử và voi tấn công anh, những người to lớn, râu ria xồm xoàm đang cố gắng giật khỏi tay anh những viên kim cương thật lớn.

Lúc rạng đông, khi anh thức dậy, con la đã chết.

Chương 2

Anh không thể tin vào mắt mình được nữa. Anh cố tìm ra một vết thương trên mình con vật vì nghĩ rằng nó đã bị một con thú dữ nào tấn công đêm hôm qua, nhưng không thấy gì cả. Con la đã chết trong giấc ngủ. Ông Van Der Merwe sẽ buộc mình phải chịu trách nhiệm về việc này. Jamie nghĩ thầm, nhưng khi mình đem kim cương về cho ông thì vấn đề này không còn quan trọng gì nữa.

Không còn cách nào quay lại. Anh sẽ tiếp tục đi đến Magerdan mà không cần có con la. Anh nghe có tiếng động trong không khí và vội ngẩng lên nhìn. Những con kên kên đen to lớn đã bắt đầu bay vòng tròn quanh đầu, Jamie rùng mình. Anh vội vã xếp lại đồ đạc thật nhanh, quyết định xem nên bỏ lại những gì rồi nhét tất cả mọi thứ có thể mang theo trong một chiếc túi đeo lưng, anh bắt đầu lên đường. Năm phút sau, quay đầu nhìn lại, anh thấy những con kên kên khổng lồ ấy đã phủ kín xác chết của con la. Chỉ còn thấy một cái tai dài của nó nhô lên mà thôi. Jamie cố rảo bước đi thật nhanh.

Lúc ấy là vào tháng mười hai, mùa hè ở Nam Phi. Con đường mòn băng qua thảo nguyên dưới mặt trời to lớn đỏ như cam trông thật là khủng khiếp. Lúc mới khởi hành từ Klipdrift, Jamie bước đi thoăn thoắt, tâm hồn thật vô tư, những phút trôi qua thành giờ, rồi giờ trở thành ngày, bước chân anh cứ chậm dần, trái tim anh thêm nặng trĩu. Xa tít chân trời, thảo nguyên đơn điệu sáng lung linh, bằng phẳng, ghê rợn dưới ánh nắng cháy bỏng, những cánh đồng xám xịt, đầy sỏi đá, cô quạnh dường như trải dài vô tận.

Mỗi khi đi đến một nơi có nước, anh dừng lại, cắm lều trại rồi lăn ra ngủ giữa những âm thanh kỳ lạ trong đêm tối của những con vật xung quanh mình. Các âm thanh ấy không còn làm anh phải bận tâm nữa. Nó chứng tỏ rằng có sự sống tại nơi địa ngục khô cằn này, và anh cảm thấy mình bớt cô đơn. Một buổi sáng, vào lúc rạng đông, anh gặp một bầy sư tử. Anh nhìn chúng từ phía xa, trong khi con sư tử cái đang tiến về phía con sư tử đực và các con của chúng, mang theo một con linh dương con giữa hai hàm răng to khoẻ của chúng. Nó thả con vật trước mặt con sư tử đực rồi bỏ đi, để mặc con này ăn con mồi. Một con sư tử liều lĩnh nhảy chồm lên phía trước, cắn vào thịt con linh dương. Bằng một cử động, con sư tử đực giơ cao một bàn chân, tát một cái thật mạnh lên mặt con sư tử con, làm nó chết tức thì, sau đó nó trở lại tiếp tục ăn con mồi. Nó ăn xong thì các con khác mới tiến lại ăn phần còn lại. Jaie chậm rãi lùi lại, rời xa quang cảnh ấy rồi tiếp tục đi.

Phải mất gần hai tuần lễ Jamie mới vượt qua vùng Karroo. Có nhiều lúc anh tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Anh không chắc rằng mình có thể hoàn tất cuộc hành trình này hay không. Mình là một thằng khùng. Lẽ ra mình phải trở về Klipdrift và van xin ông Van Der Merwe một con la khác. Nhưng nếu ông Van Der Merwe huỷ bỏ hợp đồng thì sao? Không, mình làm như thế là phải.

Vì vậy Jamie tiếp tục lê bước. Một hôm anh thấy có bốn người ở phía xa xa đang tiến về phía anh. Mình mê sảng rồi, Jamie thầm nghĩ, đó là một ảo tưởng. Nhưng các hình người ấy vẫn tiến lại gần hơn nữa. Tim Jamie đập thình thịch một cách đáng lo ngại. Người! Có người nơi này. Anh tự hỏi không bíêt mình đã quên tiếng nói chưa. Anh thử nói to lên trong không khí, nghe như thể tiếng nói đấy là của một người nào khác, chết đã lâu rồi. Bốn người ấy đi tới chỗ anh, đó là những người thăm dò trở về Klipdrift, thất bại và mệt mỏi.

“Chào”, Jamie nói.

Họ gật đầu và chào lại. Một người trong bọn họ nói: “Ở phía trước chẳng có gì đâu, anh bạn ạ. Chúng tôi tìm rồi. Anh chỉ mất thì giờ thôi. Trở lại đi.”

Nói xong họ đi thẳng.

Jamie cố quên tất cả mọi sự mà chỉ nghĩ đến khoảng đồng không mông quạnh, không có đường mòn trải dài trước mặt. Nắng và ruồi là những thứ không thể nào chịu nổi nhưng chẳng có nơi nào để ẩn nấp cả. Có những cây gai nhưng các cành cây đã bị đàn voi phá trụi. Mắt Jamie gần như đã bị mù đi vì mặt trời. Da anh cháy bỏng và lúc nào anh cũng thấy choáng váng. Mỗi lần hít không khí, phổi anh như muốn vỡ toang ra. Anh không còn bước đi nữa, anh loạng choạng, vấp ngã; bàn chân này đặt trước bàn chân kia, anh lảo đảo tiến về phía trước không còn biết gì nữa cả. Một buổi trưa nọ, ánh nắng giữa trưa đập xuống người anh, anh thả tuột chiếc túi đeo, ngã lăn ra đất vì quá mệt không còn bước được nữa. Anh nhắm mắt lại, mơ màng thấy mình đang ở trong chiếc lò nấu kim khí khổng lồ và mặt trời là một viên kim cương to lớn, chói lọi đang đốt cháy anh, khiến anh tan ra thành nước. Anh thức dậy vào lúc nửa đêm, run lên cầm cập vì rét. Anh cố ăn miếng thịt bò khô và uống một hợp nước nhạt nhẽo. Anh biết rằng anh phải đứng dậy lên đường trước khi mặt trời mọc, trong khi đất và trời đang còn mát. Anh cố hết sức nhưng sự cố gắng của anh quá lớn lao. Thật là dễ dàng biết bao nếu mình nằm vĩnh viễn ở đó, không bước thêm một bước nào nữa. Mình chỉ ngủ thêm một chút nữa, Jamie nghĩ thầm, nhưng có một tiếng nói nào đó bên trong bảo anh rằng anh sẽ không bao giờ thức dậy nữa. Người ta sẽ tìm thấy xác anh nằm đó như hàng trăm xác chết khác. Anh nhớ đến những con kên kên rồi suy nghĩ – không, không phải xác tôi mà bộ xương của tôi. Chậm rãi và đau đớn, anh cố đứng dậy. Chiếc túi đeo nặng quá, anh không nhấc nổi nó nữa. Jamie bắt đầu bước đi, kéo lê cái túi ở phía sau. Anh không nhớ bao nhiêu lần anh ngã xuống cát rồi lại đứng dậy. Một lần, vào lúc trời chưa sáng, anh kêu to lên, “Tôi là Jamie McGregor, tôi sắp thành công rồi! Tôi sẽ sống! Chúa ơi, có nghe tôi nói không? Tôi sẽ sống...” Tiếng anh như nổ ran trong đầu.

“Con sắp đi tìm kim cương phải không? Con điên rồi con ạ. Đó là một câu chuyện thần tiên – một sự dụ dỗ của quỷ sa tăng, ngăn cản người ta làm ăn lương thiện.”

“Tại sao con không nói cho ta biết con kiếm đâu ra tiền để đi? Đi hết nửa vòng thế giới đó, con ạ. Con lấy đâu ra tiền để đi?”

“Ông Van Der Merwe ạ, tôi chính là người ông đang tìm kiếm. Hãy tin tôi đi, thưa ông. Tôi sẽ làm việc ngày đêm. Tôi sẽ mang kim cương về cho ông, nhiều không đếm xuể.”
Ấy thế mà cuộc đời của anh phải chấm dứt trước khi bắt đầu. Mình có hai lựa chọn, Jamie tự nhủ. Mình tiếp tục đi, hay mình có thể ở lại đây rồi chết... rồi chết... rồi chết.
Những tiếng nói ấy vang lên không ngừng trong đầu. Mình có thể bước thêm một bước nữa, Jamie tự nhủ. Cố gắng lên, Jamie, một bước nữa thôi, một bước nữa...

“Thằng bị vợ bỏ!”


Tác giả : Đoàn Vi Hương

Không biết tự bao giờ ở cái xóm này người ta đã gọi hắn là“Thằng bị vợ bỏ”. Hắn có một cái tên rất kiêu: Trung Kiên. Nhưng tên cúng cơm này của bố mẹ hắn đặt,đã bị quên lãng từ ngày vợ hắn bỏ đi. Hắn cóc cần, có tên thì sao chứ ? Vợ bỏ hay bỏ vợ thì cũng vậy! Hắn đang sống trong cô đơn, ray rức... nhưng nào có phải là lỗi của hắn.

Ngày xưa,thời sinh viên hắn có rất nhiều cô yêu thầm trộm nhớ vì hắn đẹp trai, cao ráo, đàn Guitar hay, học giỏi, con nhà giàu... lại thêm tính lầm lì ít nói, tạo cho hắn một cái gì đó rất Trung kiên, đôi lúc hắn tỏ ra cao ngạo và bất cần, chả bao giờ hắn tán tỉnh cô gái gái nào, hầu hết là các cô tỏ tình và ra mặt thích hắn trước.

Cho đến một ngày, hắn bị hớp hồn bởi một cô gái tên Kiều, khi hắn bước vào thang máy để đi lên tầng bảy, nơi hắn làm việc trong một bilding lớn. Kiều đã ở trong thang máy trước hắn, và không mảy may nhìn hắn, coi như không có sự hiện diện của hắn. Đến tầng Năm thì Kiều đi ra, để lại một mùi thơm thoang thoảng của tóc và chút gì đó mùi đàn bà, hắn hơi bị dao động. Nhưng lại tức vì Kiều đã không thèm nhìn và chào hắn một lời. Trong công ty này, hắn cũng có giá lắm. Vẫn như thời sinh viên, bao nhiêu nữ đồng nghiệp thích được đi ăn trưa với hắn, hắn cũng hào hoa phong nhã, galăng cho tất cả, nhưng chẳng để mắt đến ai.

Từ ngày đó, lúc nào hắn cũng mơ màng đến dáng mảnh khảnh, dong dỏng và rất là đàn bà của Kiều, đêm ngủ hắn ngửi được mùi thơm mà hắn đã bị mê hoặc trong thang máy hôm nọ. Hắn quyết tâm phải có được Kiều. Lâu nay, hắn cao ngạo bao nhiêu thì Kiều lại là người phụ nử cao ngạo hơn cả hắn, Hắn đã bằng mọi cách, dùng đủ chiêu nhưng không có một chút Hy Vọng.

Trong hai năm đeo đuổi Kiều, hắn mời Kiều đi ăn được hai lần, lần nào hắn cũng bị Kiều hỏi về công việc và gia đình bố mẹ, thân thế... như đang bị hỏi cung. Lần nào về nhà hắn cũng rất bực bội, dù gì mình cũng là Trung Kiên mà! Không, hắn nhất định không để mất Kiều. Hắn biết Kiều cũng có quá nhiều đàn ông đeo đuổi trong đó có cả “boss” của hắn.

Như một định mệnh, hắn nhận được cú phone của Kiều mời đi ăn chiều, địa điểm là một quán ăn bình dân, nhưng không sao, được đi với nàng là thích rồi. Trong bữa ăn cũng như mọi lần, là những câu hỏi về thân thế của hắn. Khi buông đũa, thì Kiều hỏi một câu chắc nịch: “Anh có muốn cưới tôi không?” Hắn như người từ trên trời rớt xuống, nhưng cũng kịp bình tĩnh để hỏi lại: “Kiều có yêu tôi không?” Kiều phá lên cười thật lâu: “Có, có yêu. Nhưng nếu không yêu thì sẽ yêu thôi. Tôi với anh rất đẹp đôi, phải không?” Lần đầu tiên hắn thấy Kiều cười, hắn cũng cười theo. Thế là hắn đưa Kiều về gặp gia đình. Đám cưới của hắn rất lớn, đãi nhà hàng sang, cô dâu chú rể thật đẹp, bà con hai họ trầm trồ khen ngợi, nhưng vài người thì rất ái ngại cho cuộc hôn nhân của hắn.

Cũng như nhiều người, có vợ sanh con. Đôi lúc hắn tự hỏi: “Mình có thật sự hạnh phúc không?” Kiều ít nói, chỉ làm đúng bổn phận của người vợ, ngay cả chuyện trên giường cũng coi như là bổn phận. Những năm đầu, hắn không để ý, nhưng dần dần hắn rất khó chịu vì lối sống như một cái máy của Kiều. Hắn thương thằng con trai, thằng Cường con hắn ngoan, đẹp trai, thông minh. Chiều nào hắn đi làm về, thằng Cường cũng đợi trước nhà và la toáng lên: “Bố về, bố về rồi!” và ôm hắn hôn lên má, lên mắt, lên tóc... hai cha con hắn quấn quít lấy nhau. Hắn yêu thằng Cường lắm. Nhiều lúc hắn cảm thấy Kiều không mặn nồng với hắn, nhưng hắn thầm cám ơn nàng đã cho hắn một đứa con, và hắn cũng có một Gia Đình như người ta, thôi thì cũng được, còn hơn nhiều người lấy xong rồi lại bỏ nhau ngay.

Năm nay, hắn định ăn Tết lớn. Phải sửa nhà lại và dọn dẹp cho sạch sẽ, hắn hì hục khiêng vác quăng đi những vật dụng không xài, phòng ngủ của hắn phải sơn lại, phải thay giường mới, tám năm chung sống với Kiều, hắn muốn làm gì đó để tạo cảm giác yêu đương cho hai người, hắn cần được tình yêu của Kiều, chứ không phải chỉ có bổn phận mà thôi.

Hắn vừa suy nghĩ vừa dọn dẹp, thì thấy một phong bì cứng màu vàng rơi xuống từ đống đồ của Kiều. Một thoáng tò mò trong đầu, hắn mở ra xem. Tất cả là vài bài viết cắt từ báo cũ và hình ảnh từ thời đi học Kiều đã chụp chung với bạn, duy chỉ có một tấm hình làm cho hắn để ý đến, một người thanh niên ngồi trong căn phòng, khung cảnh chẳng có gì đặc biệt nhưng anh chàng này rất quen, hắn cố gắng suy nghĩ và nhớ tên của người này... chắc chắn hắn đã gặp rất nhiều lần, mặt sau của tấm hình ghi: 01/01/ 2002- Yêu mãi!

Hắn cất tấm hình này và nghĩ ngợi, người đó là ai? Kiều đã giữ tấm hình này tám năm! Có phải người này làm chung cùng building với hắn và Kiều? Hắn có cảm giác đã găp người này nhiều lần. Hắn ngồi thừ trên sofa và lấy tấm hình ra nhìn xăm xoi. Người thanh niên trong hình cũng mở cặp mắt to nhìn hắn, đôi mắt thật đẹp và có thể là quyến rũ lắm.

Năm nay hắn phải ăn Tết ta thật to, còn tết Tây thì hắn và Kiều phải đi đến nhà bạn. Năm nào cũng vậy, từ ngày cưới nhau mỗi năm hắn đều dẫn Kiều đi đến Nhóm bạn vào tối 31 để cùng nhau count down. Nhưng năm nào cũng vậy, sáng hôm sau là Kiều lại dậy sớm, đem thằng Cường đi gởi và đi cho đến tối mới về. Kiều nói 1/1 là ngày cả nhóm bạn gái cũ năm xưa gặp nhau hàng năm, hắn tin và không thắc mắc.

Bây giờ thì hắn thắc mắc, ngày ghi trong tấm hình 1/1 và ngày họp bạn của Kiều có liên quan đến nhau không? Hắn lại lôi tấm hình ra xem, cũng là đôi mắt đó, mở to và rất quen... Hắn bực bội và hồi hộp, hắn sẽ hỏi Kiều cho ra lẽ, nhưng tối nay phải đi count donw, thôi thì nhịn cho đến ngày mai.

Tiếng xe Kiều về trước nhà, hắn cất tấm hình vào túi, thằng Cường lại la toáng ngoài sân: “Bố ơi, con về rồi!” Hắn lững thững đi ra đón thằng Cường nhưng không vui vẻ như mọi lần. Thằng Cường ngạc nhiên, mặt xìu xuống nhìn hắn, cặp mắt thằng Cường mở lớn nhìn hắn, tự nhiên hắn thấy đầu óc quay cuồng. Đúng rồi, cặp mắt đó, nhìn hắn y hệt. Thằng Cường nhìn hắn nhưng hắn cảm tưởng như người thanh niên trong hình đang nhìn hắn...

Năm đó hắn đi count down một mình, uống thật nhiều và say bí tỉ, sáng hôm sau hắn về nhà thì không thấy Kiều và thằng Cường, từ đó và những năm kế tiếp mọi người đã gọi hắn: “Thằng bị vợ bỏ!” (dvh)

Thu nhập người Việt đạt 1960 USD?




Tác giả: Nam Nguyên




Ý nghĩa thực như thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vẽ ra một bức tranh kinh tế màu hồng khi ông phát biểu trước Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) ngày 5/12 tại Hà Nội. Theo đó, quy mô kinh tế hiện đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD tăng gần 23% so với năm 2012.

Báo mạng lề phải, tờ Sống Mới SM Online ngày 3 tháng 12 có bài ‘Tự Sướng’ với con số tăng trưởng ‘ảo.’ Bài báo dẫn nhập, “Sự chênh lệch quá lớn giữa GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) và GNI (Tổng thu nhập quốc dân) trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng: Tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp nội phần nhiều đã suy kiệt.”


Con số thu nhập bình quân đầu người 1960 USD/năm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tương đương 41,3 triệu đồng một năm hay 3,4 triệu đồng/người một tháng. Con số này có thể thích hợp với các thành thị lớn, nhưng ở nông thôn nơi 70% dân số Việt Nam sinh sống thì ngay như các tỉnh miền Tây Nam bộ trù phú, nhiều vị Chủ tịch Tỉnh cũng lắc đầu. Nghiên cứu chung giữa tổ chức phi chính phủ Oxfam và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn công bố ngày 17/10 ở Hà Nội cho thấy thu nhập trung bình của người nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 535.000 đ/ người/tháng. Mức thu nhập bình quân đầu người này kém con số Thủ tướng đưa ra tới 8-9 lần và cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam là rất lớn.


Báo mạng Sống Mới có trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM cho rằng Việt Nam mải say sưa với con số GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) vẫn tăng trưởng qua các năm mà quên một điều cốt yếu rằng: GDP không loại bỏ số tiền mà người Việt Nam phải dành ra để trả nợ, và khoản lợi nhuận doanh nghiệp nước ngoài chuyển về nước họ. Trong khi đó, GNI (Tổng thu nhập quốc dân) chỉ tính theo hoạt động sản xuất kinh doanh của công dân hay pháp nhân một nước, bất kể họ đang ở đâu-phản ánh chân thực hơn nền kinh tế Việt Nam thực sự đã làm được những gì-lại thường xuyên bị bỏ quên trong báo cáo.

Tờ báo mạng, trích số liệu Ngân hàng Thế giới cho biết GDP năm 2012 của Việt Nam đạt 141,7 tỷ USD thì GNI lại chỉ đạt 134,2 tỷ USD chênh lệch 7,5 tỷ USD. Trước kia vào năm 2003 chênh lệch giữa GDP và GNP của Việt Nam chỉ có 0,6 tỷ USD. Như vậy mức chênh lệch đã tăng 16 lần từ 2003 tới 2012 và trong tương lai có thể mở rộng hơn nữa, khi Việt Nam phải trả lãi nợ nước ngoài ngày một nhiều hoặc doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam phát triển hơn hiện nay.

Kinh tế sáng sủa?

Tường thuật Diễn đàn Hà Nội 5/12/2013, báo mạng VnExpress trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng: “từ một quốc gia nhận tài trợ trong 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia đối tác phát triển. Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, do đó thay vì tổ chức các hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) để công bố cam kết vốn tài trợ phát triển của nước ngoài (ODA), thì nay lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói tại Diễn đàn VDPF rằng, sẽ kiểm soát chặt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Một tuần trước khi Diễn đàn VDPF diễn ra, trong dịp trả lời chúng tôi TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định là, Thủ tướng công bố con số nợ công trong ngưỡng an toàn là theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong đó chỉ tính đến những số nợ nước ngoài và nợ trái phiếu chính phủ ở trong nước, chứ không xem xét đến những khoản nợ của các Doanh nghiệp Nhà nước mà các khoản nợ này thì ít nhiều đều có liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước. TS Lê Đăng Doanh tiếp lời:

“Một số chuyên gia kinh tế đã đi đến một con số nợ đó là cộng nợ của Doanh nghiệp Nhà nước với nợ của chính phủ thì tất cả đã đi lên tới 95% GDP tức là vượt qua giới hạn an toàn mà Ngân hàng Thế giới đã đề ra cho các nước là 65% GDP. Ngoài ra, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia của Cơ quan Thống kê Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra một con số thì số nợ đó có thể lên tới 105% GDP. Đấy là những con số mà chúng ta cần tham khảo cho những cách tính và cách tiếp cận khác nhau.”

Ngày 4/12 tại Hà Nội cũng diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), theo báo mạng VnEconomy giới đầu tư kêu gọi thúc nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tờ báo trích lời ông Alain Cany, đồng chủ tịch VBF nói rằng: “Để thực hiện, khuyến khích tăng trưởng kinh tế lành mạnh, các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ các qui luật thị trường và phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhà nước làm thương mại được hưởng các ưu đãi, đối xử đặc biệt của nhà nước thì những doanh nghiệp này sẽ có khả năng kiểm soát, chi phối thị trường, từ đó ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân.”

Vẫn theo VnEconomy, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu lên mối quan tâm chính của các nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Tại Diễn đàn VDPF Hà Nội ngày 5/12, Theo VnExpress Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 7%. Tuy bội chi ngân sách năm 2013-2014 được nâng lên 5,3% nhưng sẽ điều chỉnh giảm dần từ năm 2015. Ngoài ra Thủ tướng Việt Nam hứa hẹn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng hứa hẹn xử lý tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu và sử dụng cơ chế Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC để mua từ 130.000 tới 180.000 tỷ đồng nợ xấu trong hai năm 2013-2014.

Phải chăng tình hình kinh tế Việt Nam có vẻ sáng sủa như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chúng tôi xin trích lại nhận định của TS Lê Đăng Doanh:

“Những khó khăn và những vấn đề của kinh tế Việt Nam thì vẫn đang còn ở phía trước chưa giải quyết được. Thí dụ như vấn đề tái cấu trúc đầu tư công cũng chưa giải quyết được, rồi vấn đề tái cấu trúc các Tập đoàn và Doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa giải quyết được. Con số gần đây cho thấy là các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước có món nợ tổng cộng lên đến một triệu năm trăm tám mươi tám ngàn tỷ đồng (1.588.000.000 đ), tức là một con số cực lớn và chưa biết số nợ đó sẽ được giải quyết như thế nào.

Ngoài ra về bất động sản, chúng ta được biết gói 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết bất động sản nhưng sau 6 tháng mới giải ngân được có 1,1%. Như vậy để giải ngân hết số tiền đó thì chúng ta cần 100 lần của 6 tháng, tức là cần 30 năm. Đó là một viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với việc giải quyết bất động sản đó. Ngoài ra ngân sách Nhà nước cũng gặp khó khăn rất lớn và có lẽ cũng phải điều chỉnh lại. Và Nông nghiệp Nông dân Nông thôn Việt Nam cũng đang rất cần cuộc cải tổ và điều chỉnh để bơm thêm tín dụng vào cho nông nghiệp và nông dân có thể phát triển được mạnh mẽ hơn.”

Những tín hiệu từ Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam 2013 cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có sự ổn định mang tính bền vững. Giám đốc quốc gia Việt Nam của Ngân hàng Thế giới bà Victoria Kwakwa khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục tài chính ngân hàng, cải cách kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân cũng như đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tài chính, tạo sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhân định là tất cả những vấn đề vừa nêu thật ra không có gì mới, vì những khuyến nghị như thế được liên tiếp đưa ra tại các Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam(CG) những năm vừa qua.