Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Đôi điều về báo chí và trách nhiệm của người cầm bút



Nói về nghề làm báo người ta nghĩ ngay tới hình ảnh những người phóng viên báo chí, những thợ máy, người làm chương trình là những người chiến sĩ trên mặt trận làm báo hàng ngày truyền tải, cung cấp thông tin toàn cảnh về văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh với tốc độ nhanh chóng, đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Nghề làm báo là một nghề vất vả với rất nhiều yêu cầu và đòi hỏi khắt khe từ nhu cầu của phía người đọc cũng như là phản ánh hiện thực xã hội. Mỗi nghề lao động đều vinh quang, nghề làm báo ngoài việc cung cấp thông tin cho người đọc, người nghe, người xem một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan còn là một kênh định hướng dư luận xã hội nhạy cảm, nhanh chóng ảnh hưởng tới tâm lý xã hội chung khi đưa và đặt vấn đề nhạy cảm nào đó lên mặt báo. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của xã hội cả về giáo dục, văn hóa, cộng với sự phát triển như vũ báo của công nghệ thông tin và truyền thông, có thể thấy rằng tầm quan trọng của các trang báo càng có tầm ảnh hưởng hơn bao giờ hết. Với xã hội hàng ngày, việc cập nhật thông tin là thường xuyên và liên tục, đôi khi nó còn là nhu cầu thiết yếu của tất cả người dân. Nghề làm báo, viết báo lại càng quan trọng hơn khi đưa đến cho người đọc, người nghe những thông tin chính xác nhất về thực tế xã hội đang diễn ra từng ngày từng giờ. Chẳng thế mà chỉ cần sau vài phút là một sự kiện xã hội sẽ nhanh chóng được cập nhật và phản hồi trên các trang mạng online, các trang mạng trực tuyến cập nhật 24/24. Với tính nhạy cảm như vậy, nghề báo thật sự cần có sự định hướng sâu sắc theo quan điểm của Đảng, tuân thủ pháp luật và tôn trọng sự thật khách quan.

Trong xã hội hiện nay, trách nhiệm của nhà báo càng phải cao
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận của công tác báo chí về việc phản ánh hiện thực xã hội, đem lại cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống thường ngày, có thể chỉ là đưa tin bài về các sự kiện vấn đề xã hội thường nhật, có thể là thông báo, phổ biến, tuyên truyền giáo dục về một chính sách mới, quan điểm mới, chủ trương mới, cũng có thể là tố cáo, phản hồi những tiêu cực trong xã hội,… tất cả đem lại một ví trí quan trọng và nhạy cảm của môi trường báo chí. Thực tế cho thấy, ngoài những mặt tích cực của thông tin báo chí, thì có những vấn đề mà cần phải xem xét lại khi những thông tin báo chí đưa ra mang tính chộp giật, câu sự chú ý của người đọc, đó là thổi phồng sự thật, đưa tin không chính xác, đưa thông tin mang tính thiếu khách quan, cố tình làm quan trọng hóa, hoặc làm sai lệch hoàn toàn sự thật đã diễn ra. Đúng là báo chí thì đem lại thông tin, nhưng thông tin khi đến người đọc cần là những thông tin chính xác nhất, khách quan nhất, đầy đủ nhất. Ảnh hưởng của báo chí với xã hội là vô cùng nhanh chóng, dạo qua các trang báo hiện nay thì chính mỗi con người chúng ta cũng phải giật mình, vì sự thay đổi quá lớn về xã hội diễn ra từng ngày, không biết có phải do yêu cầu đòi hỏi về tính thu hút người đọc hay không, nhưng rõ ràng chính những người đọc có thể nhận thấy ngay là các báo hiện nay chỉ đưa những thông tin giật gân nhất, nóng nhất, kích thích người đọc nhất, là chính những vụ giết người, vụ hỏa hoạn, vụ án nghiêm trọng. Người nghe chưa thể xác định mức độ tin cậy của thông tin đến đâu nhưng tất cả những thông tin này dường như kể 1 cách chi tiết, tỉ mỉ đến mức ghê người, ngày hôm qua, ngày hôm nay, ngày mai, mỗi ngày đều có một lượng thông tin khổng lồ về các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật diễn ra được đăng tin lên các trang báo, chẳng lẽ xã hội bây giờ mà lại tiêu cực đến như vậy, nguy hiểm đến như vậy, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh bình yên và hòa bình mà mỗi chúng ta đang sống và làm việc. Ngày nào cũng vậy, báo nào cũng cố gắng giật tít và tiêu đề kích thích sự tò mò của người đọc nhất, có khi nói đi nói lại mấy số liền, chỉ một tình tiết nhỏ chưa biết đúng sai cũng nói ngay và luôn, hôm sau lại đưa thông tin khác trái ngược hoàn toàn với thông tin hôm trước mà không hề có lời xin lỗi nào đến người đọc. Dù rằng xã hội có cả 2 mặt tích cực và tiêu cực, nhưng không phải đến mức ngày nào cũng toàn tiêu cực với tiêu cự như vậy, hay có sự thổi phồng, có sự gian dối, có sự đánh lừa thông tin từ các trang báo. Gần đây là 2 vụ việc có vẻ được xem là nóng trong xã hội là vụ án oan 10 năm của ông Chấn và vụ bác sĩ Cát Tường giết người, vụ các nhà ngoại cảm gian dối, các báo đua nhau viết và viết, báo nào cũng muốn đưa thông tin mới nhất, nóng nhất, không trùng với báo khác, nhiều khi đưa cả những tin đồn, những thông tin chưa được kiểm chứng làm cho người đọc bị nhiễu thông tin, không biết đâu là thật, đâu là giả.
Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong định hướng tâm lý xã hội. Mỗi trang báo, tên báo chính là tên gọi, là đặc trưng riêng của trang báo ấy, người đọc có thể bước đầu hình dung ra nội dung của trang báo nói về vấn đề gì, nhưng bây giờ thì khác, báo nào cũng chứa đầy ắp thông tin mà đôi khi là dứa dứa nhau, gần giống nhau, có khi là đưa tin lại của nhau những vấn đề đang nóng. Có phải báo Tuổi trẻ là đưa tin về thế hệ tuổi trẻ hiện nay, báo Thanh niên là đưa tin về những phong trào của thanh niên, ….không, tất cả đều giật tít nóng hết về tất cả vấn đề xã hội, về các vụ giết người bố giết con, vợ giết chồng, …, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vụ việc vi phạm pháp luật….. Đã xuất hiện sự phai nhạt về đặc trưng riêng của từng tờ báo, người nghe, người đọc thấy nhiễu thông tin và đôi khi là nhàm chán khi đọc những tờ báo mà thông tin quá ư là giống nhau. Có lẽ các trang báo cần xem lại bản sắc của chính mình, và xem lại cách đưa tin của mình.
Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay thì tất cả mọi người đều có thể làm báo, làm báo mọi nơi, mọi lúc, đưa tin mọi nơi mọi lúc, chỉ cần có kiến thức về công nghệ thông tin và thiết bị mạng. Hiện nay mỗi người đều hoàn toàn có thể lập cho mình một trang mạng cá nhân, một blog riêng để chia sẻ, viết, đăng những thông tin mà mình muốn đăng, phản ảnh những vấn đề cảm thấy tự hào, thấy vui hoặc cũng có thể là bức xúc….và có thể chia sẻ với mạng xã hội, với bạn bè như Facebook, blog, … chính sự đa dạng và phong phú, một lượng thông tin khổng lồ trên mạng toàn cầu, không biết rõ nguồn gốc, không được xác minh đúng sai, nếu người đọc không có sự cảnh giác, sự tìm hiểu kĩ càng có thể bị mắc vào một mớ bòng bong thông tin mà không biết là đúng là sai, có thể có cái nhìn sai hoàn toàn về một vấn đề nào đó, có thể chỉ biết được một mặt của thông tin mà không biết được sự thật toàn diện của nó là gì. Đặc biệt là âm mưu của thế lực phản động, những kẻ luôn chống phá, đưa tin sai sự thật, bóp méo sự thật, rất nhiều người vì tin lầm vào những thông tin mà các đối tượng phản động đưa ra trở thành nạn nhân của việc bị lôi kéo, kích động. Nhất là những người ít có điều kiện tiếp xúc với những thông tin chính thống, khoa học và uy tín. Mỗi một người đọc cần được trang bị về cách tiếp cận và xử lý thông tin, đó chính là do các nhà làm báo phản hồi, phản ánh trên những bài viết, những thông tin được đăng lên. Mỗi nhà làm báo cần có trách nhiệm với chính nội dung của mình chứ không phải chỉ vì chỉ tiêu đăng bài, hay câu khách đọc. Báo chí không chỉ là có mỗi việc phản ánh những tiêu cực trong xã hội mà còn là nơi tôn vinh, nơi động viên, phổ biến, giáo dục những tấm gương, những nét đẹp văn hóa trong xã hội, những điều tốt đẹp diễn ra hàng ngày trong xã hội, đem lại cái nhìn toàn diện về cuộc sống, chứ không phải lúc nào cũng chỉ là vi phạm pháp luật và các tội ác, mặt trái xã hội.

Bố Ku Hải

Đi tìm niềm tin




Trong lớp mẫu giáo, cô giáo giơ các đồ vật lên để hỏi các cháu về tác dụng của nó, khi cô giơ một chiếc phong bì lên thì cả lớp ngơ ngác không biết tác dụng để làm gì thì một em giơ tay phát biểu: “đó là để giành cho cô ạ!” – Một câu trả lời ngây thơ nhưng tự nhiên khiến tôi giật mình. Lý do em trả lời vậy là bởi hôm đó gần ngày 20/11, buổi sáng mẹ em đã đưa nó cho cô thay bó hoa. Từ bao giờ con người chúng ta đã bóp méo những sự vật hiện, tượng như vậy? và nó đang khiến chúng ta không còn tin tưởng vào điều gì nữa, cái gì cũng nghi ngờ. Đó là lỗi của ai? Có lẽ đầu tiên từ hệ thống giáo dục của chúng ta. Chúng ta đã và đang để hệ thống giáo dục chịu tác động quá mạnh của nền kinh tế thị trường thêm vào đó là sự thiếu minh bạch.

Các cháu muốn học trường tốt, trường điểm tuy có qua thi cử nhưng hỏi có bao nhiêu phần trăm là do xin, cho, chạy chọt? Các cháu muốn điểm cao, học giỏi bây giờ bao nhiêu là do tự mình? Để rồi sau này khi ra đời các em sẽ làm gì? Các em lại quay lại làm chính những việc mà những người đi trước đã làm với mình? Ra sức “kiếm chác” những người đi sau. Nhưng rất hay ai cũng biết nhưng ai cũng chấp nhận không dám phản đối.

Ra đường gặp Công an thì việc đầu tiên nghĩ sẽ là phải đưa tiền để tránh được bỏ qua vi phạm, vào bệnh viện thì nghĩ đưa phong bì cho bác sỹ… Nói chung làm cái gì cũng phải “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Các con đường vừa xây xong chưa được một tuần đã thấy có sự cố nhưng chả thấy ai kiểm tra, chả thấy ai chịu trách nhiệm hoặc nếu có thì chỉ đứng trước tập thể mặt hơi buồn buồn một tí nói “Tôi xin nhận trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm” sau lại đâu vào đó. Chả thấy một người nào dám xin từ chức, người Việt Nam không có văn hóa từ chức vì sao vì để lên được họ đã phải bỏ ra một khoản vốn không nhỏ để ngoi lên, giờ chưa bù lỗ hoặc kiếm chưa đủ mà nghỉ thì “thiên hạ cười chê”.hì. Nghĩ mà buồn.

Chính những điều này khiến cho rất rất nhiều văn bản vớ vẩn ban hành nhưng người kêu thì cứ kêu kệ mày tai tao điếc vì đã có headphone. Giờ người làm thì ít mà người ngồi không thì nhiều, thừa thầy thiếu thợ. Mọi người chỉ ngồi một chỗ vẽ ra dự án này, dự án nọ mà không biết sẽ làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Không có lộ trình đi cụ thể như thế nào? Thế nên mới có tình trạng bao nhiêu dự án dở dang, bao nhiêu công trình “đắp chiếu”. Do đó mới sinh ra những người bất mãn, những người lợi dụng vấn đề sai trái để chống đối…

Ngồi tĩnh tâm lại thấy buồn! không biết lần mò tìm kiếm niềm tin bắt đầu từ đâu?

Thế Thôi

Thư gửi: Catherine Ashton






Thưa bà, vì sự bất đồng ngôn ngữ tôi đành phải gửi cho bà một bức thư viết bằng tiếng Việt. Tôi không biết bà có đủ “thông minh” để đọc và hiểu hết những điều tôi đang viết cho bà hay không?. Nhưng với sự bao dung của một người dân Việt Nam, tôi mong muốn rằng, ở một mức nào đó, bà có thể đọc được để có thể “khai sáng” cho cái suy nghĩ tối tăm và bẩn thỉu của bà. Dù có thể bà sẽ rất ít có cơ hội và thời gian để tìm kiếm tên bà trên mạng, nhưng nếu bà bỏ ra một chút ít thời gian để làm việc đó, thì tôi tin rằng sự lãng phí thời gian của bà được trả công bằng một bài học nhớ đời, một bài học của sự thay đổi, trưởng thành và tốt đẹp hơn. Và tôi còn nghĩ rằng, nếu bà không có đủ thời gian để tìm kiếm tên mình trên mạng thì với sự quan tâm nhưng “thiếu hiểu biết” về Việt Nam của bà, biết đâu sẽ có ai đó tốt bụng gửi đến bà lá thư của tôi.

Với sự kính trọng tối thiểu và phép lịch sự của người Việt Nam, tôi gửi tới bà Catherine Ashton – Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu lời chia buồn sâu sắc về sự thiển cận và nghèo nàn trong nhận thức về Việt Nam của bà. Khi rãnh rỗi, tôi thường lên mạng để tìm kiếm những bài viết hay của những học giả, những nhà nghiên cứu, phân tích hay những nguyên thủ quốc gia. Tôi đã rất hạnh phúc khi được nghiêng mình kính nể trước những nhà hoạt động chính trị có mục đích tốt đẹp đối với Việt Nam. Là một công dân Việt Nam, tôi cũng vui mừng trước sự tăng cường các mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nga… và có những nước nằm trong Liên minh châu Âu nơi bà đang công tác.

Ấy thế mà, khi đọc bài viết của bà, kêu gọi trả tự do cho những kẻ chống đối chính quyền như Hải “điếu cày”, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Trần… Tôi thấy buồn và thương hại cho sự mù mờ chính trị và thiếu hiểu biết của bà về số đối tượng xấu này, những kẻ mà bà và không ít những người khác cũng có trình độ hiểu biết về Việt Nam như bà ảo tưởng là những “nhà báo dân chủ” hay “nhà hoạt động nhân quyền”…

Bà có thể rất giỏi, rất hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, bởi nếu không như vậy, chắc bà sẽ không bao giờ có thể mơ đến việc giữ chức vụ là Cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu. Tiếc rằng, sự hiểu biết về Việt Nam lần này, hay nói cụ thể hơn là chính sách của Nhà nước Việt Nam và hoạt động của số đối tượng vi phạm pháp luật xem ra còn quá hạn chế. Bà nói Việt Nam vi phạm nhân quyền khi bắt và xử lý những đối tượng này, nhưng bà lại không chịu đọc báo, nghe đài để mở mang hiểu biết về việc Việt Nam đã là thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền với số phiếu cao nhất trong số những quốc gia được lựa chọn. Hẳn các nước khác và dự luận quốc tế đã nhầm sao???

Bà cho rằng, những đối tượng kể trên là những nhà báo, nhưng bà không biết rằng, mọi công dân trong xã hội đều phải sống và làm việc theo pháp luật và chỉ có sống và làm việc theo pháp luật, một trật tự xã hội mới được giữ vững, một cuộc sống hạnh phúc thực sự cho nhân dân mới được vun đắp. Những đối tượng trên, tiến hành nhiều hoạt động vi phạm pháp luật và khi đưa ra xét xử đều công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bà nói Nhà nước Việt Nam xét xử họ oan sai, sao trong phiên xét xử họ lại thành khẩn nhận tội và cầu mong chính sách khoan hồng của Nhà nước. Bà nói họ hoạt động dân chủ nhân quyền, sao khi họ bị bắt và xét xử, dư luận trong nước lại bày tỏ sự đồng tình vào hoạt động xét xử của nhà nước, thậm chí không ít người còn cho rằng, cần phải có bản án đích đáng hơn đối với số đối tượng xấu như vậy. Bà nói họ hoạt động vì lợi ích của nhân dân, tại sao cả dân tộc lại lên án họ…

Nói ra một số điều như vậy, không biết với sự “chậm tiến bộ” của mình, bà có thể nhận thức ra được vấn đề. Bà nên nhớ rằng, Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mọi hoạt động của Nhà nước đều nhằm mục đích đem lại cuộc sống tự do hạnh phúc cho người dân. Và Nhà nước Việt Nam sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có những hoạt động làm phương hại đến ANQG, xâm hại đến cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Người Việt Nam chúng tôi có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Tôi mong muốn rằng, bà sẽ có những sự thay đổi, để hoàn thiện hơn về nhận thức về những vấn đề này. Và mong muốn trên cương vị hoạt động của mình, bà sẽ có những hoạt động vì mục đích tốt đẹp để tăng cường mối quan hệ đối ngoại truyền thống của Việt Nam và EU. Đề nghị bà hãy suy xét lại những lời phát biểu vừa qua, và hãy xem đó là “tai nạn nghề nghiệp” để lần sau không còn mắc phải, tránh bị các thế lực thù địch, các đối tượng xấu lợi dụng vào các hoạt động chống phá Việt Nam, phục vụ cho mưu toan chính trị của chúng.

Minh Ngọc

Tản mạn về gái một con






Nó chơi với Huyền từ nhỏ, Nó hiểu Huyền và Huyền hình như cũng hiểu Nó... Thời gian dài theo tình bạn...

Trôi nổi với bao mối tình, Huyền đến với Sinh, khi cả hai quyết định đi đến hôn nhân. Huyền hỏi Nó thấy thế nào?
Nó nói: "Mày suy nghĩ kỉ chưa, tao thấy có gì không ổn"...

Đám cưới. Huyền sinh cho Sinh một thằng cu, mọi người ai cũng mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Nhưng chuyện đời không như mình mơ ước, cái chất đàn ông ở Sinh là "thuốc gây nghiện" của bao cô gái trẻ, chức Kế toán trưởng một công ty nhà nước khiến Sinh không thể thiếu trong các phi vụ làm ăn, tiệc tùng và gái...

Ăn bánh trả tiền là cách ăn nói của những thằng đàn ông bất tài. Đối với Sinh, để con gái lao đầu vào mình một cách không vụ lợi là sở trường. Vụng trộm, chăn chiếu là chuyện như cơm bữa.., nhưng bất hạnh ở chổ, Sinh lại rung động...

Ly dị là cứu cánh, Huyền nhận nuôi con, đôi khi "mèo mỡ" một tí cho có hơi... Nhìn thằng bé 3 tuổi vô tư nói cười, lúc bên ba, lúc bên mẹ, lúc bên ngoại, lúc bên nội... mà phảng phất nổi chua chát tương lai.
...
Bất quá, bất hiện, bất tương.
Nó chôn vùi cuộc đời Nó trong điên loạn, lấy men làm bạn, lấy say làm vui, lấy bản năng làm lẻ sống.., Nó gặp Xin và Dung trong một quá bar nhạc sống...

Mặc cho cái bọn Phi-líp-pin đang hô hố trên sân khấu, bọn tiếp viên lăng xăng chờ tiền bo... Nó không quan tâm, Nó đéo thích âm nhạc và chẳng cần âm nhạc, Nó chỉ nghĩ đến bia và ngắm gái, Nó ngắm Xin và Dung, hai khuôn mặt xinh xắn nhưng tướng lý thì có vẻ không được ổn lắm!

...
Xin có một đôi mắt đẹp và khuôn mặt thiên thần, nhưng đôi gò má cao và thân hình nhỏ là một điều không công bằng. Bất hạnh từ đó chăng?

Xin sinh ra ở chợ, lớn lên ở chợ, và chợ dạy Xin mọi thứ... Ca dao nói: " Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân", ở cái thời bình này, " chốn ba quân" thì khó chứ " chợ " thì nhiều. Chồng của Xin là một người may mắn như thế!

Chồng Xin lái xe đường dài. Cũng không biết từ bao giờ đã thành lệ, lái xe đường dài thường "lắm vợ", người ta bảo con rơi, con rớt dọc đường là vậy... Chồng Xin không phải là bất quy tắc, " vũ trường đó có em đây " đã phá vỡ hạnh phúc của Xin. Thu nhập của chồng Xin chia làm hai tài khoản, một cho mẹ con Xin, một cho ả ca ve đó...

Xin ly dị chồng được hai năm, thằng con trai đã được bốn tuổi. Ngày ngày bán buôn ở chợ, tối tối thỉnh thoảng gặp gỡ tâm tình với bạn bè. Nổi cô đơn đượm buồn trên nét mặt, còn chuyện ấy thì Nó chưa tìm hiểu! Đứa trẻ thỉnh thoảng cũng được gặp cha, nó chưa đến tuổi để phải hiểu bất hạnh là gì!

...
Dung thì khác, cao ráo, trắng trẻo, cặp kính tri thức thổn thức bao đấng mày râu... nhưng lại có thói quen hay nhíu mày, giọng nói khàn phá cách. Bất hạnh từ đó chăng?

Từ phố núi cao, phố núi đầy sương xuống thành thị học đại học. Như bao sinh viên nghèo khác, kiếm thêm thu nhập là điều luôn cần thiết. Dạy thêm, làm văn phòng.., là một môi trường tương đối thuần khiết và bình dị, đằng này, Dung chọn công việc đứng quầy ở sàn nhảy...

Đèn mờ vũ trường luôn là con dao hai lưỡi, chốn ăn chơi kia không có chổ cho những kẻ yếu tim, mà cái xấu bao giờ cũng dễ thẫm thấu hơn là điều tốt, phút chóc hình thức bề ngoài che hết mọi thú tính bên trong...

Chồng Dung là một anh thợ làm nhôm, tập đoàn bún thịt nướng đầy " thương hiệu" của gia đình đủ trang bị cho anh ta thành một tay phong lưu sát gái thứ thiệt. Săn sinh viên chưa đã, anh ta săn luôn cả gái làm uốn tóc gội đầu, săn người ta thì người ta săn lại...

Dung bắt tại trận chồng ngoại tình. Thế là tan cửa nát nhà, ra toà chia tay. Dung nhận nuôi đứa con gái duy nhất của cuộc hôn nhân này!

Thuê nhà ở riêng, làm tạm ở tại một shop áo quần, chờ vận may mới... Đã lâu không gặp con, bé được gởi lên ông bà ngoại trên Tây Nguyên, nhìn khuôn mặt con gái qua chiếc điện thoại cầm tay, Dung nỗi niềm chan chứa...

Cô con gái bốn tuổi cứ tưởng bố mẹ mình đi công tác xa, nó cười đùa với ông bà ngoại ở phố núi đầy sương, sương lại mờ nụ cười cô bé.

...
Gái một con trông mòn con mắt.., mòn con mắt của những thằng "thèm gái" như Nó và... cũng mỏi mòn con mắt của những cô gái bất hạnh kia, mỏi mòn trông chờ hạnh phúc. Người tốt đâu phải dể tìm.

Trước khi làm đám cưới, các cô gái kia đã cẩn thận đi xem ngày giờ để tránh những điều bất hạnh. Khi điều bất hạnh xảy ra, các cô lại đi xem bói, cúng chùa... để mong tai qua nạn khỏi. Sự đời cứ thế tiếp diễn, buồn cười cho cái gốc sân si...

Sống bản năng khác với thích gì làm nấy...
Nếu đến lúc hết thích thì... đạp đổ à! Khốn nạn lắm thay...


MP

Khôn khéo ngụy biện lấn át thiện tâm



Đạo Phật là một trong những tôn giáo lâu đời nhất và có nhiều tín đồ nhất trên thế giới. Đến với Phật giáo, người ta tìm đến sự bình an nơi tâm hồn, hướng về chân thiện mỹ, loại dần dục tà sân si...

Nó chưa bao giờ biết Đức Phật đã báo hiếu cha mẹ như thế nào? đã chăm sóc vợ con ra sao?.. Nhưng ngẫm những điều Ngài dạy, Nó rất tâm đắc và hiểu vì sao tín đồ Phật giáo đông đến như vậy. Ở nước Việt Nam đất chật hẹp người đông đúc này, Phật giáo có tầm ảnh hưởng rất quan trọng và Phật tử góp rất nhiều công sức trong việc lập nước và giữ nước, tinh thần tương thân tương trợ cứu khổ cứu nạn mọi lúc mọi nơi, kêu gọi tấm lòng bác ái thúc giục đồng bào cả nước vượt cái khó cái nghèo từng bước đi lên...

Cũng như vận mệnh một con người, lúc thịnh lúc suy, Phật giáo ngày nay đã và đang tham gia tích cực vào các vấn đề gai góc của toàn cầu: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chiến tranh và hòa bình, mâu thuẫn sắc tộc, tệ nạn buôn bán trẻ em & phụ nữ...

Việt Nam, truyền thống văn hóa Á đông, thờ cúng ông bà cha mẹ khiến tinh thân đạo Phật càng thêm gắn chặt. Chiến tranh đã qua, nước nhà độc lập, cái chủ nghĩa duy vật biện chứng kia cũng trở nên mù mờ trước tôn giáo. Kinh tế thị trường nên người giàu kẻ nghèo phân hóa rõ rệt, mở cửa hội nhập đồng nghĩa với tự do tín ngưỡng được đôi phần công nhận. Các thầy tu đã có ghế ngồi trong quốc hội, chùa chiền được xây dựng to đẹp rầm rộ khắp các tỉnh thành trong cả nước, thùng Phước Sương chật kín tiền cúng dường, bố thí trong những dịp viếng chùa lễ hội, khuôn viên chùa mở rộng tráng lệ nguy nga...
Nhưng Phật ơi...

Nó nhìn thấy những vị Thượng Tọa (trong Tam Bảo gọi là Tăng Bảo) ngồi trong những chiếc xe sang trọng đắt tiền vào loại nhất nhì thế giới kia có khiến thế gian bớt khổ hơn không? Hay hình ảnh các vị sư đáng kính bước ra từ chuyên cơ, mím môi cười oai trên những chiếc xe nhà giàu là một minh chứng cho sự cứu khổ cứu nạn. Hơn 87 triệu dân Việt Nam mấy ai hiểu được hai chữ Niết Bàn.



Nó nhìn thấy những chiếc xe biển số xanh đâu đó đậu trước cổng chùa, những cái bụng to cùng dáng đi oai vệ bước vội cả ngàn bậc đá thành tâm cúng vái, hương khói nghi ngút mịt mù, duy vật biện chứng chỉ để người lấn át người, còn công danh chức vụ bỗng lộc phải xin xỏ và trông nhờ vào thần may mắn. Xác người la liệt trong các nghĩa trang liệt sĩ với mục tiêu độc lập, còn công bằng, dân chủ xin tiếp tục phấn đấu thiên thu.



Nó nhìn thấy đêm ba mươi, đêm rằm âm lịch, người dân thắp hương cầu an, cầu vượng. Vàng mã đốt cháy thấy bao nhiêu như thiêu tiền thật, gạo muối quăng ra đường thương xót bấy nhiêu mồ hôi người làm ra. Đừng cho điều đó là nhỏ, chịu khó làm một bài toán thống kê sẽ thấy một con số nổi da gà. Sân si ở đâu xa, chính những điều nhỏ nhặt ấy mà ra.
Nó nhìn thấy những con chim bị cắt cánh bán đi bán lại nhiều lần cho ngàn người vạn người phóng sinh. Chim bay không được, mỏi mệt, chim chết cả ngàn cả vạn con. Thả chim trên trời chưa đủ, người ta còn ném tiền thật xuống núi, những tờ polime rơi lơ lững như thách thức những người kẻ túng tiền, những đứa trẻ liều mạng lao xuống nhặt.

Phật sinh ra từ Ấn Độ, đi đến đâu lại thấy khan khác một tí, người đời thường nói tam sao thất bản mà.
Phật tứ phương bốn biển. Trong Tâm có Phật.
Phật pháp vô biên, luật nhân quả tuyệt đối khiến mọi điều trở nên tương đối.

Cao siêu mà làm gì?Nó chỉ cần những vị Hòa thượng đáng kính lánh xa những thứ xa hoa phù phiếm gỉa tạo kia để cái chân cái thiện cái mỹ có chôn nương nhờ;

Nó chỉ cần những vị quan chức không dùng xe công, tiền thuế dân để lo chuyện riêng tư;
Nó chỉ cần người dân đừng đốt vàng mã, quăng gạo muối ra đường, cắt cánh chim, ném tiền thật... thì đất nước này đã tốt đẹp hơn lắm lắm rồi.

Mà buồn cười, Nó cần thì Nó lại phạm điều Tham.
Cuối cùng thì... mà... là... cũng khôn khéo ngụy biện lấn át thiện tâm. Chánh tà hư ảo.

MP

Chợ đời nhốn nháo nói leo





Muốn xem, muốn nghe, muốn biết điều gì, hãy ra chợ...

Nhiều lúc trên ti vi, phim ảnh... không gian và bối cảnh, ngôn ngữ đã được các đạo diễn hư cấu theo ý đồ riêng của mình. Và có thời, chúng ta đã bị nhiễm phim Hông Kông, bây giờ là Hàn Quốc... từ cách ăn mặc cho đến lời ăn tiếng nói, dáng đi điệu bộ. Sự bắt chước bao giờ cũng là con dao hai lưỡi và nền điện ảnh Việt Nam vốn đã yếu, lại thiếu bản lĩnh nên cách photocopy thường thiên về tầm tiêu cực...


VTV3 dành thời lượng giờ Vàng để chiếu phim Việt Nam và quảng cáo, nhưng, nhìn lối sống của các cô bé, cậu bé trong phim Vàng Anh chiếu trước kia hay những phim đang phát gần đây... ta tưởng Việt Nam đã bắt kịp với sự phồn vinh của thế giới. Thực tế, Việt Nam còn nghèo, đa số nhân dân Việt Nam rất nghèo.., không biết những đứa trẻ miền núi, nông thôn có mặc cảm không khi xem những bộ phim đầy vật chất đấy? Có thể VTV3 là độc lập chủ động về thu chi tài chính nên họ có quyền làm điều gì họ muốn, nhưng họ vẫn là một đơn vị nhà nước, đi lên từ thuế dân... và chắc cũng hiểu dân còn nghèo lắm!

Khuyên, hướng dẫn mọi người "Hãy chọn giá đúng", nhưng đòi hỏi cái giá của mình thì mãi tận mây xanh. Thói đời, mắt to hơn bụng!



Đời người như cảnh chợ. Mọi thành phần, mọi tính cách, mọi thiện ác lưu manh.. đều có ở chợ. Dân thành phố giờ đây đã biết đến siêu thị và chập chững hòa nhập cùng nó. Văn minh đấy! Nhưng nếu cúp điện ( nước mình xãy ra thường xuyên )... nó sẽ khốn nạn hơn cái chợ rất nhiều. Quan sát hết mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế thị trường định hướng cùng nền chính trị tham nhũng khủng khiếp, luật pháp mù mờ đã khiến mọi người văng tục, đốn mạt... May còn có cái để mà ganh đua, bầu không khí vẫn còn đủ thở và nước chưa đến mức cằn khô!

Mở cửa, lùa ngọn gió mát giao thương khiến sự phân hóa giàu nghèo nước ta đã đậm nhạt lên theo từng đường nét. Vui hay buồn cũng tùy cách luận. Tìm sự công bằng là điều vô lí, bản chất bán buôn nhưng yếu luật, lấp liếm bằng cách lấy mạnh hiếp yếu, lấy điếm thắng ngay.., nó phảng phất đến tất tần tật đời sống. Ngộ trong cái đầu mình nhiều lúc cũng quá cân đo.
\


Trong một đêm hoang tưởng, giá như tiền trên trái đất đột ngột biến mất đi, loài người sẽ mặc cả với nhau bằng gì nhĩ ? Khi một thế giới cúp điện, hết xăng... thú và người sẽ cảm thấy gần nhau hơn chăng? Anh Lại Văn Sâm sẽ chẳng còn hô hố sáng tạo sáng tác trên truyền hình mà đổ mồ hôi cuốc đất trồng rau bảo toàn sự sống. Và cô siêu người mẫu Phi Thanh Vân kia vẫn cứ mãi là Lọ Lem mũi tẹt về quê lấm la lấm lết trên đồng. Rồi cậu ấm Cường đô la sẽ hết cơ hội cùng Tăng Thanh Hà hay Hồ Ngọc Hà nói lời yêu thương. Còn nhiều lắm.., cái lí của đời và sự vô lí sẽ triệt tiêu chấm dứt những giá như.

Tín đồ cực đoan luôn luôn giữ vững niềm tin ngày tận thế và loài khủng long vẫn vô tư gặm cỏ, nhai xương cho đến lúc tuyệt chủng trên quả đất này. Chỉ mong mỗi cái đầu điều khiển cái miệng không được bắt chước nói leo!

Ghét siêu thị, ghét chợ, chẳng bao giờ thích mua sắm cái gì. Nhưng khi muốn tự tay cải thiện bữa ăn hay lai rai với bạn bè, nó thường tìm đến chợ. Cảnh, người nhốn nháo thật hơn.., và cũng Việt Nam hơn!

MP

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Quẹo trái hay quẹo phải ?



Ba vị lãnh tụ tối cao của đất nước Bạch Dương, Tùng Bách và Tre Xanh cùng nhau đi tìm con đường vận mênh cho dân tộc. Họ đi , đi mãi cuối cùng cũng đến ngã ba vận mệnh. tại ngã ba có tấm biển ghi : quẹo phải đường đi đến Tự Do, quẹo trái là đường đi đến Thiên Đường.




Tài xế của vị lãnh xứ sở Bạch Dương lên tiếng hỏi :

_ Thưa ngài E., quẹo trái hay quẹo phải ạ

_ Quẹo trái- vị lãnh tụ xứ bạch Dương không chút do dự

_ Nhưng thưa ngài..._tài xế do dự lên tiếng _ theo lời đồn thì cuối đường sẽ đụng vực thẳm ạ

_ Ta muốn đến đích, thà đụng vực thẳm vậy. Ngươi nghĩ quẹo phải có đi được đến cuối con đường không?

_ Dạ...hình như là vô tận ạ.

Vậy là ngài lãnh tụ Bạch Dương mạnh dạn quẹo trái.

....

_ Thưa Bác Đ., quẹo trái hay quẹo phải ạ? _ Tài xế của vị lãnh tụ xứ sở Tùng bách lên tiếng hỏi

_ Ngươi cứ bật đèn xi-nhan quẹo phải nhưng quẹo trái cho ta

...

_ Thưa cụ M.chúng ta quẹo trái hay quẹo phải a?_ Tài xế của vị lãnh tụ xứ Tre xanh lên tiếng hỏi

...

_ Thưa cụ M. chúng ta quẹo trái hay quẹo phải a?_ Tài xế của vị lãnh tụ xứ Tre xanh lên tiếng hỏi lần nữa

Vị lãnh tụ xứ Tre Xanh móc túi lấy khăn lau mồ hôi trán, rồi cụ từ tốn bảo :

_ Thôi, chú cứ bỏ tôi xuống rồi chú quẹo trái hay quẹo phải gì tùy chú vậy .

_ ???

Vô ngôn sư



Vũ Ngọc Anh



Như thường lệ, hay đó cũng là mực thước của ông; sau giờ cuối ở giảng đường là ông đi thẳng đến câu lạc bộ thể dục để hồi phục cả tâm sinh lý mà ông đã thải ra sau một ngày căng thẳng. Thường lệ, cũng là thói quen; ông đi đi về về từ nhà đến trường, đến câu lạc bộ chỉ trên đôi chân không mấy khỏe ấy. Cũng chính vì, chẳng những đôi chân mà cả thân thể ông hình như có dấu hiệu cũ mòn, nên ông vận dụng con đường đi để biến thành con đường dưỡng sinh. Để thực hiện mục tiêu, ông dời ngôi biệt thự ở Thủ Đức về thành phố - ở gần trường - bằng một căn nhà nhỏ nhưng khá tiện nghi trong khu yên tĩnh đường Nguyễn văn Thủ, Q.I. Kế hoạch này đã tỏ ra có hiệu lực, vì cả chục năm nay sức khỏe của ông dù có tuân thủ qui luật của thời gian nhưng hết sức tiệm tiến chứ không như một vài đồng liêu cùng tuổi như ông, cái tuổi lai rai đó.

Cũng theo lệ thường, sau buổi tập ở câu lạc bộ; ông về nhà và ôn lại các thao tác một cách nhẹ nhàng với mục đích cho ráo mồ hôi để tắm hơn là để nhớ vì mỗi bài tập ở câu lạc bộ không phải là bài học mới mà là những động tác quen thuộc vì tới lui cũng chỉ có dăm ba bài quyền mẫu mực thế thôi. Thế nhưng ông vẫn cần đến câu lạc bộ, vì ông cảm thấy hình như họ và ông có một mối đồng cảm nên ông tìm đến họ để trao đổi, chia xẻ cùng cái mục đích dưỡng sinh ấy.

Và một hôm, ông trược chân ngã trong phòng tắm; nhưng may thay, cũng nằm trong kế hoạch dự trù, tức sự cảnh giác cao của gia đình: mỗi khi ông hay bà tắm thì người giúp việc luôn luôn túc trực bên ngoài để nghe ngóng động tĩnh…nên hôm ấy ông được phát hiện kịp thời và đưa đi bệnh viện. Ông bị tai biến mạch máu não. Được chính người bạn thân, trưởng khoa tim mạch và thần kinh của bệnh viện trực tiếp điều trị hết sức tận tình nên ông qua khỏi điều đáng tiếc. Thế nhưng việc đáng tiếc còn sót lại là từ đó ông bị liệt nữa người bên trái.

Với ông, con người của ý chí, đâu phải chỉ vì một chút xíu tai họa như thế mà ông chịu đầu hàng với số phận dễ dàng! Người bạn bác sĩ trưởng khoa ấy chọn cho ông một nữ y tá vật lý trị liệu về nhà tiếp tục điều dưỡng cho ông, cùng với sự chăm sóc chu đáo của vợ con mà chính họ cũng được bổ sung kiến thức trị liệu thông qua tài liệu và do chính lời hướng dẫn của bác sĩ mỗi lần đến chữa trị. Tổng hợp cả vật lý trị liệu, xoa bóp, châm cứu và luôn cả pháp môn khí công trong các bài thể dục dưỡng sinh nên việc chữa trị của bác sĩ gần như nhiều thuận lợi. Và một hôm, trong số các học trò đến thăm đã mách cho ông còn một phương pháp nữa, đó là nhân điện. Theo người học trò này thì chính người bác ruột của cô cũng bị bán thân bất toại mà chữa trị ở đây chỉ trong vòng ba tháng đã phục hồi hoàn toàn như cũ. Cô học trò đưa ra tất cả những khẳng định đáng tin cậy. Tất cả các loạt bài báo nói về ông thầy ấy: sự kiểm tra của viện y học dân tộc, hai tay ông nắm vào hai đầu dây điện làm sáng bóng đèn v.v…ông ấy học châm cứu tại viện y học dân tộc và có thời gian chữa trị tại đó. Có thể đó là tin mừng thực sự. Nhân điện thì ông nghe nói nhiều và nghi ngờ cũng nhiều vì có một lần ông thử để tìm hiểu và ông đã hiểu chẳng có tí nhân nào, chẳng có tí điện nào, chỉ toàn lũ điên; còn hiệu quả thì ông để cho mối nghi ngờ của ông khẳng định.

Nhưng lần này thì ông tin hơn là thử. Gia đình bị thuyết phục và ông quyết định đi thử một lần xem sao. …Trong lúc chờ tới phiên mình, ông nhìn người bệnh nằm trên chiếc giường sắt co rút và tránh né bàn tay ông thầy, có người năn nỉ xin thầy nhè nhẹ cho; cũng có người nhát thì nhảy thoát khỏi giường, kể như đầu hàng. Ông vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc…họ bị xung động và phản ứng thật chăng? Chờ đến lúc tay ông thầy thật sự chạm vào các huyệt đạo trên thân thể và luồng điện xung kích vào cơ thể thì mọi nghi ngờ về nhân điện [nhân điện này] không còn hiện hữu trong ý nghỉ của ông nữa. Điện mà không có điện thì sao gọi là điện? Khi ông thầy chích vào khuyểu chân sau đầu gối thì ông tưởng chân ông là cái đùi ếch bị chích điện vậy. Điện thế mới là điện! Bàn tay ông thầy nắm từng ngón tay ông thì ông thốt lên như vô thức chứ ông không chủ ý nói xin thầy nhè nhẹ cho. Thế đấy, ông cứ cách nhật đến điều trị tại thầy Tư Ngang, xã Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn này hơn bốn tháng thì ông đi lại bình thường và mọi sinh hoạt thường ngày trước đây cũng được phục hồi trở lại như thân thể của ông vậy.

Thế nhưng chỉ hơn một năm sau lại chính các học trò của ông đưa ông đi cứu cấp từ ngay trên bục giảng. Lần này thì mọi nổ lực của tình thương, của y học, của khí công, của bàn tay thầy Tư Ngang cũng đều lộ ra sự bất lực của mình. Ông cũng bị chấn thương động mạch não nhưng không bị liệt cơ như lần trước mà lần này là mất chức ngôn ngữ. Theo bác sĩ chuyên khoa điều trị là do sinh mạch trên não của ông bị gián đoạn làm cho trung khu ngôn ngữ trong thùy chẩm trái của não không nhận được thông tin nên mất khả năng viết và nói. Trong chuyên môn người ta gọi căn bệnh ấy là mất chức ngôn ngữ. Bác sĩ cho biết ông bị chứng thất ngữ lĩnh hội và cả chứng thất ngữ phát biểu.

Người bạn bác sĩ điều trị cho ông, giải thích: khúc cuộn thứ hai thùy chẩm bên trái của ông bị hỏng, nghĩa là mất liên lạc với điện trường trong não bộ nên không hiểu được ý nghĩa của chữ mặc dù vẫn viết chữ đựợc, gọi là chứng ngôn manh (mù chữ=cécité verbale) khiến người bệnh không thể diễn tả tư tưởng bằng chữ viết, cũng còn gọi là chứng thất thư(agraphie). Và không chỉ ông mất khả năng lãnh hội đó, mà ông còn mất cả khả năng phát biểu nữa là vì cả khúc cuộn thứ ba cũng trong thùy chẩm trái ấy cũng mất liên lạc điện trường nên dù vẫn nghe được nhưng không hiểu được ý nghĩa tiếng nói, chứng này được gọi là chứng ngôn lung (điếc chữ=surdité verbale) khiến người bệnh không thể diễn tả được tư tưởng bằng lời nói mặc dù cơ quan phát âm ở cổ ông vẫn nguyên vẹn, cũng được gọi là chứng thất ngôn (anarthrie).

Liệu ông có chịu bó tay trước hoàn cảnh mới này không. Quả thật ông không ra lệnh được, ông không diễn tả được. Gần như ông nghe mà không hiểu. Kể cả ông không thể làm điệu bộ cho người khác hiểu. Có lần vợ ông vô ý đưa đĩa cơm cho ông mà quên chiếc muỗng, ông chỉ ngồi mà ngó hết người này đến người kia và mọi người nhìn ông như thể chờ đợi ông ra hiệu để yêu cầu việc gì, nhưng ông không làm được cách gì hơn. Đứa con gái út nhìn ngay vào đĩa cơm và nhận ra thiếu chiếc muỗng, cô ta liền đưa đến cho ông chiếc muỗng, ông cười và gật đầu. Không đơn thuần như người câm không phát âm được thì dùng ngôn ngữ điệu bộ; còn ở đây, người mắc chứng mất ngôn ngữ không có khả năng định danh sự vật; vì thế, khả năng diễn tả cũng không còn.

Vợ ông nhờ người bạn dạy thanh nhạc ở viện âm nhạc đến tập cho ông phát âm để mong phục hồi khả năng phát âm của ông. Vâng, khả năng phát âm của ông rất tốt, ông có thể lên xuống cách quãng một octave rất khỏe. Vấn đề không phải ở hệ thanh quản, cũng không phải ở bộ phát âm lưỡi hay môi răng. Cũng không phải bộ nhớ bị trục trặc, vì lấy một cuốn sách ra và làm thao tác viết tựa đề cuốn sách ấy rồi đưa cho ông để ông viết lại thì ông hiểu và viết lại không sai. Thế mà ông không thể bút đàm được. Bạn bè ông, học trò ông, vợ con ông thử nghiệm qua nhiều phương pháp mà chưa rút ra được kết quả nào.

Trong đám môn sinh của ông có cô học trò rắn mắc đề nghị với các bạn, từ nay gọi thầy mình là vô ngôn sư. Không dè sự tinh nghịch ấy đã làm chết danh ông. Và từ đó, không phải chỉ trong đám môn sinh của ông mà cả trường – kể cả hàng giáo sư, thậm chí đến cả hàng xóm nữa, hể khi nhắc đến ông, người ta gọi là vô ngôn sư chứ không còn gọi tên ông nữa.

Chứng bệnh quả thật là lắc léo. Cơ thể khỏe mạnh. Từ điện tâm đồ đến điện não đồ và cả siêu âm nội tạng đều cho kết quả tốt và ổn định. Duy chỉ có trung khu ngôn ngữ trong não bộ ấy bị mất liên lạc với nhau mà con người đành bất lực. Ông mất đi tính năng động vốn là tư chất của ông, và có vẻ hơi ngơ ngát cũng vốn trái nghịch với cung cách trầm tư của ông nữa.

Là một nhà ngôn ngữ học mà giờ đây lại là người vô ngôn, chắc gì ông chịu đựng nổi tình cảnh ấy. Gia đình, bạn hữu, môn sinh của ông đều lo lắng về việc ấy. Thế nhưng riêng ông, mọi người đều không nhận ra dấu hiệu gì chứng tỏ ông có vẻ buồn rầu cả. Ông vui vẻ, hay cười. Thậm chí ông hay đùa với các cháu của ông. Ra đường ông vui vẻ, niềm nở với mọi người như xưa vậy. Thật khó nhận xét ông có mất đi sự mặc cảm không, nhưng sự lanh lợi thì không còn được như xưa nữa.

Mất chức ngôn ngữ, con người mất luôn cả khả năng suy tư – điều đó được y học xác nhận.

Và ngôn ngữ có mối liên hệ hữu cơ tất yếu với tư tưởng. Condillaccho rằng: “ta không thể nói mà không phân tích tư tưởng thành những yếu tố để có thể diễn đạt chúng lần lượt và lời nói chính là dụng cụ duy nhất cho phép ta tư tưởng”. Chính ngôn ngữ là phương tiện truyền thông chuyển đạt tư tưởng từ người này sang người khác, từ thời đại này sang thời đại khác. Ngôn ngữ còn nhiệm vụ lưu giữ tư tưởng phòng khi tư tưởng như bóng câu qua cửa sổ. Nhất là ngôn ngữ chữ viết là công cụ bảo lưu tư tưởng hiệu quả hơn cả. Chính vì thế mà Hamilton cho rằng: “ngôn ngữ là pháo đài của tư tưởng”. Ngôn ngữ cũng đóng góp vào việc phong phú hóa tư tưởng mà Burloud ghi nhận: “chính những chữ mà ta tìm kiếm để phát biểu tư tưởng đã thêm cho tư tưởng sự chính xác cần thiết”.

Và ngược lại, tư tưởng cũng ảnh hưởng đến ngôn ngữ, chắc là vậy, vì đương nhiên tư tưởng có trước ngôn ngữ, cho nên tư tưởng mới cần đến ngôn ngữ để biểu thị, để phát biểu, để chuyển tải. Do đó sự tiến bộ của tư tưởng kéo theo sự tiến bộ của ngôn ngữ. Mỗi khi có một tư tưởng mới phải cần có ngôn ngữ thích ứng như trong trường hợp Vương Dương Minh muốn nói đến “cái lương tri” mà ông khám phá ra, ông chỉ biết ú ớ “cái ấy” chứ biết dùng từ gì cho ổn; sau ông mới tìm ra từ “lương tri” thế cho “cái ấy”. Và người Ấn Độ cũng lúng túng như cụ Vương khi mô tả hay diễn đạt Đấng Cao Cả là “Ấy”(Tat) rồi sau mới có tên là Brahma. Đó là trường hợp mà Ferdinand de Saussure cho rằng: “Ở trước, ở ngoài ngôn ngữ, tư duy chỉ là một khối hổn loạn, vô hình thức, một đám mây u ám.”(1)

Muốn diễn tả tư tưởng mới thì người ta phải tạo ra ngôn ngữ mới để biểu đạt chúng. Như thế tư tưởng đóng cái vai trò kiện toàn ngôn ngữ và tăng bổ cho ngôn ngữ càng ngày thêm phong phú hơn để con người biết cách lột tả trung thực hơn. Và cái mối quan hệ hữu cơ mật thiết đó không thể khẳng định tính ưu thế về bên nào. Nó bổ sung cho nhau. Nó sống trong nhau. Từ “lương tri” của Vương Dương Minh chính là “tư tưởng lương tri” của Vương Dương Minh. Chính tính hữu cơ này giữa tư tưởng và ngôn ngữ cho phép Delacroix phát biểu: “ ngôn ngữ vừa là hậu quả vừa là điều kiện của tư tưởng luận lý”. Vì thế, một khi con người mất khả năng ngôn ngữ hay ngôn ngữ bị hạn chế thì khả năng suy tưởng cũng hỏng theo hoặc bị thu hẹp lại.

Tình cảnh vô ngôn là tình cảnh tối tăm tâm thức, là tình cảnh bi đát của con người, là tình cảnh thoái bộ của nhân loại, là tình trạng mất nhân tính, là trạng huống xuống cấp trở về nguyên bản sinh vật chưa tiến hóa – thôi rồi cái văn hóa mà mình đã bao thế hệ từ: “ Con Vật là Con Người giả trang dưới bộ lông lá và đi bốn chân. Con Sâu là Con Người đang bò vặn vẹo và trườn về sự triển khai nhân tính của mình.”[Shri Aurobindo-“Apercus et Pensées”-tr.27-Adyar-Paris,1950-]

Thơ: cách tân hay cách điệu?



Nguyễn Khôi






Thơ là hồn Dân tộc.
Thơ là chúa tể của văn chương 
(Trang Thế Hy).

Dân tộc Việt Nam ta là một Dân tộc Thơ (còn ai đó nói : Việt Nam là một cường quốc thơ... là nói quá, là mắc cái thói tự khen ,tự thưởng, tự sướng, thiên hạ họ cười mũi cho đấy).

Thơ là sản phẩm tinh hoa của thời đại...

Thơ cũ : từ đời Lý- Trần tới 1932 với tư tưởng Nho giáo "thi ngôn chí "- thơ chở Đạo.

Mẫu người : Tiểu nhân / Quân tử. Thể loại : luật Đường, lục bát, song thất lục bát...

Thơ mới :Nếu tính khởi từ Phan Khôi (1932) đến 1945, với tư tưởng tự do (cái "tôi" cá nhân) các Nhà thơ đã tự thân thoát khỏi chữ "ta" (thơ cũ) để tâm hồn họ chỉ vừa thu trong khuôn khổ chữ "tôi" (theo Hoài Thanh) làm nên một cuộc cách mạng trong thơ, tạo ra nền thơ mới với các Thi sĩ lừng danh : Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu , Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên...

Thời Cách mạng (từ 19/8/1945) là thời kỳ giải phóng dân tộc gắn với xây dựng Chủ nghĩa xã hội, một luồng gió mới (gió Đông thổi bạt gió Tây) thồi vào hồn thi nhân ta - "Nay ở trong thơ nên có thép" , với mẫu người Chiến sĩ cách mạng luôn hiến dâng, xả thân vì sự nghiêp cao cả của toàn dân tộc ...đã cho thơ Tố Hữu, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Tế Hanh... cất cánh lên phơi phới, đăc biệt là Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Quang Dũng với lối viết "cách tân" gây ấn tượng mạnh trên thi đàn; tiếp theo thời Chống Mỹ cứu nước là 2 đỉnh cao cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật thơ ( 2 tiếng kèn xung trận ) là Bùi Minh Quốc và Phạm Tiến Duật.

Đó là thời lý tưởng (màu hồng) : cái TÔI (cá nhân) được hòa vào cái ta (tập thể- đồng chí, đồng bào) sống học tập, làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Còn hôm nay, thời kỳ Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa thì : mặt phải là xã hội giầu lên, đời sống nói chung được nâng cao rõ rệt, sinh hoạt được cởi mở , tự do dân chủ hơn trước nhiều; Tuy nhiên mặt trái của cơ chế thị trường là cuốn hút mọi người trong xã hội cứ như tất cả quay cuồng vì "tiền" (nói theo Vương Trí Nhàn) ? Góc tâm hồn Việt do mở cửa hòa nhập nên đang bị lối sống gấp phương Tây thâm nhập ,chạy theo lối sống hưởng thụ dã man :đớp, hít, Sex, cờ bạc, lừa đảo... làm tha hóa một bộ phận không ít Cán bộ, dân cư...Đảng phải ra Nghị quyết "chỉnh đốn" là thế.

Trên thi đàn hôm nay : phần lớn vẫn là sáng tác theo lối truyền thống (nền thơ mới 1932-1945 kéo dài) , nhiều "Câu lạc bộ thơ Đường", thơ phường xã được khuyến khích thành phong trào, cái "được" của thơ phong trào (mà Nghệ sĩ Bành Thông làm chủ soái) là không đặt vấn đề "nghệ thuật thơ ca" lên hàng đầu (như các Hội VHNT) mà là tạo sân chơi cho những ai yêu thơ, thích làm thơ hội tụ kết dính với nhau nên các bạn thơ chia sẻ bao điều tâm tư tình cảm, ít có tổ chức nào hôm nay làm được như vậy. ? Còn giới các Nhà thơ có nghề thì đang có một số đi tiên phong "cách tân"- đổi mới thơ đương đại... Trước có Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng...về tư tưởng là muốn có "tự do, dân chủ" hơn nữa , mà đỉnh cao là "phu chữ" Lê Đạt, gây được tiếng vang trên thi đàn một thời...Rồi khi các vị quá cố thì cũng tắt lịm !. Gần đây có Nhóm Bùi Chát (Tp Hồ Chí Minh) làm thơ theo lối "Tân hình thức" với những câu thơ "vắt dòng", rất khó đọc theo mạch suy nghĩ của người Việt ta, hình thức thì khó "chơi", còn ngôn ngữ thì thô tục một cách cố tình để chửi bới chế độ đương thời .

Ở Hà Nội có Nguyễn Đình Chính với tập "Chẹc Chẹc" có cách viết mới đầy sáng tạo cả về hình thức lẫn nội dung, đọc rất vào; ở Huế có Trần Vàng Sao thơ viết rất gan ruột, câu thơ khá độc đáo, đáng học tập.

Gần đây nữa ,một hiện tượng thơ Hậu hiện đại khá nồi bật là Mai Văn Phấn ở Hải Phòng (quê Ninh Bình) "đã quyết liệt, nhẫn nại đưa thơ vào những ngóc ngách tâm hồn mình và những thế trận,ma trận chữ" : thi pháp hiện đại, giấu hiện thực và lãng mạn nằm nghỉ nơi tầng dưới của ngôn ngữ, hiện đại hóa chất Chân quê."...

Rồi nữa , có nhóm "Thơ làng Chùa ", cùng một số Nhà thơ trẻ vừa được giải thưởng Hội Nhà Văn...đang được "bốc thơm" thái quá cho cách viết kiểu gọi là Hậu hiện đại (thực thì đi sau nhiều so với một số Thi sĩ Sài Gòn ...) đó là "Sự mất ngủ của lửa" (mà cái đầu ít lửa ở bên trong, ngôn từ rườm rà tối tăm ,hồn thơ nguội , ít truyền cảm ) của Nguyễn Quang Thiều " -.đó là lối thơ

"văn xuôi hóa thơ"., nhiều câu như "dịch thơ Tây..(nhiều câu mở đầu bằng chữ "và"...)

Sự khác biệt giữa hệ thống thơ truyền thống "cũ" và thơ "cách tân" hôm nay ở chỗ : thơ truyền thống tập trung vào Ý mới, Tứ lạ (điểm chói sáng ) để tạo ra các câu thơ HAY để đời; còn thơ "cách tân" (mới) chủ yếu là thiết lập TỪ TRƯỜNG THƠ, đưa vào các ngõ ngách tâm hồn "đa tâm điểm" với ý muốn đặt độc giả vào một vị trí khách quan và tỉnh táo để nhìn thấy toàn bộ văn bản đúng nghĩa, mà nghệ thuật hư cấu như một trò chơi tự trình bày cách chơi của nó và mời độc giả tham dự vào trò chơi ấy. Văn chương (thơ) hậu hiện đại là trò chơi ngôn ngữ mang tính dân chủ tối đa...

Đôi lời kết : Theo thiển ý của NK thì Cách tân (đổi mới ) thơ ca là cần thiết, nhưng trước tiên phải là cách tân cái Hồn thơ (Luyện Tâm) rồi mới thay đổi cách trình bày (lối viết- luyện chữ)Nếu thơ "rất ít thời thế, càng không có các chủ đề chính trị, sự kiện thời sự (chạy vào thơ tình"anh anh/em em"), tránh né làm Nhà thơ Công dân, "mắc kê nô" tránh xa nơi thân phận con người đang chim đắm trong dục vọng tiền tài danh vọng- ), bỏ thơ chở Đạo, vây thơ viết cho ai, viết để làm gì ? không khéo cũng chỉ để làm thỏa mãn một trò chơi con chữ mà thôi, sẽ là vô bổ với thiên hạ (đại chúng).

Nói tóm lại :"Cách tân thơ" nếu không có nội dung tư tưởng mới lạ, có tính tiên phong của thời đại (chứ không phải đi tắt đón đầu), được xã hội tự giác chấp nhận (chứ không phải là cưỡng bức áp đặt), mà chỉ nặng về phô bày chữ nghĩa theo những cách diễn đạt khác lạ với truyền thống thì cũng mới chỉ là CÁCH ĐIỆU mà thôi .

Mùa Đông Mùa Đông Ơi




Mùa Đông. Lạnh vô cùng là gió.
Mùa Đông. Buồn vô cùng là nhớ.
Nhớ về một bến sông…

Mùa Đông. Mênh mông tuyết. Bầu trời trắng như bông. Những nhánh cây chịu rét / buồn đến nỗi cong, cong…

Mùa Đông.
Người bản xứ / áo mặc trùm kín đầu.
Những người là khách trọ / mười ngón tay đan nhau…

Những con chim bồ câu / ở lại cùng thành phố. Chúng nói gì, nho nhỏ .Chúng nói gì, hả em?

Tôi là người lữ thứ, nhìn trời bông tuyết bay.
Nhớ quá hà, nhớ ai?
Bến sông và…mùa Hạ.

Nhớ em thôi! Tất cả…Một Quê Hương xa vời.
Một Quê Hương, bầu trời, mây trôi không phải tuyết!

Bên chữ Yêu là Ghét. Tôi không hề ghét em.
Nhưng yêu không yêu thêm – một mình em.
Duy nhất!

Em ơi anh nói thật, kìa mùa Đông tuyết bay.
Anh đi Bắc về Tây, mười ngón tay đan mãi…

Lạnh đến lòng tê tái. Buồn chắc tim tái tê?
Đường xa mất hướng về…
Tóc thề em, sao nhỉ?…

Đôi bồ câu thủ thỉ. Chúng nói gì hả em?
Em có đang cười duyên trong lòng gương ý lược?

Trần Vấn Lệ