Vũ Ngọc Anh
Như thường lệ, hay đó cũng là mực thước của ông; sau giờ cuối ở giảng đường là ông đi thẳng đến câu lạc bộ thể dục để hồi phục cả tâm sinh lý mà ông đã thải ra sau một ngày căng thẳng. Thường lệ, cũng là thói quen; ông đi đi về về từ nhà đến trường, đến câu lạc bộ chỉ trên đôi chân không mấy khỏe ấy. Cũng chính vì, chẳng những đôi chân mà cả thân thể ông hình như có dấu hiệu cũ mòn, nên ông vận dụng con đường đi để biến thành con đường dưỡng sinh. Để thực hiện mục tiêu, ông dời ngôi biệt thự ở Thủ Đức về thành phố - ở gần trường - bằng một căn nhà nhỏ nhưng khá tiện nghi trong khu yên tĩnh đường Nguyễn văn Thủ, Q.I. Kế hoạch này đã tỏ ra có hiệu lực, vì cả chục năm nay sức khỏe của ông dù có tuân thủ qui luật của thời gian nhưng hết sức tiệm tiến chứ không như một vài đồng liêu cùng tuổi như ông, cái tuổi lai rai đó.
Cũng theo lệ thường, sau buổi tập ở câu lạc bộ; ông về nhà và ôn lại các thao tác một cách nhẹ nhàng với mục đích cho ráo mồ hôi để tắm hơn là để nhớ vì mỗi bài tập ở câu lạc bộ không phải là bài học mới mà là những động tác quen thuộc vì tới lui cũng chỉ có dăm ba bài quyền mẫu mực thế thôi. Thế nhưng ông vẫn cần đến câu lạc bộ, vì ông cảm thấy hình như họ và ông có một mối đồng cảm nên ông tìm đến họ để trao đổi, chia xẻ cùng cái mục đích dưỡng sinh ấy.
Và một hôm, ông trược chân ngã trong phòng tắm; nhưng may thay, cũng nằm trong kế hoạch dự trù, tức sự cảnh giác cao của gia đình: mỗi khi ông hay bà tắm thì người giúp việc luôn luôn túc trực bên ngoài để nghe ngóng động tĩnh…nên hôm ấy ông được phát hiện kịp thời và đưa đi bệnh viện. Ông bị tai biến mạch máu não. Được chính người bạn thân, trưởng khoa tim mạch và thần kinh của bệnh viện trực tiếp điều trị hết sức tận tình nên ông qua khỏi điều đáng tiếc. Thế nhưng việc đáng tiếc còn sót lại là từ đó ông bị liệt nữa người bên trái.
Với ông, con người của ý chí, đâu phải chỉ vì một chút xíu tai họa như thế mà ông chịu đầu hàng với số phận dễ dàng! Người bạn bác sĩ trưởng khoa ấy chọn cho ông một nữ y tá vật lý trị liệu về nhà tiếp tục điều dưỡng cho ông, cùng với sự chăm sóc chu đáo của vợ con mà chính họ cũng được bổ sung kiến thức trị liệu thông qua tài liệu và do chính lời hướng dẫn của bác sĩ mỗi lần đến chữa trị. Tổng hợp cả vật lý trị liệu, xoa bóp, châm cứu và luôn cả pháp môn khí công trong các bài thể dục dưỡng sinh nên việc chữa trị của bác sĩ gần như nhiều thuận lợi. Và một hôm, trong số các học trò đến thăm đã mách cho ông còn một phương pháp nữa, đó là nhân điện. Theo người học trò này thì chính người bác ruột của cô cũng bị bán thân bất toại mà chữa trị ở đây chỉ trong vòng ba tháng đã phục hồi hoàn toàn như cũ. Cô học trò đưa ra tất cả những khẳng định đáng tin cậy. Tất cả các loạt bài báo nói về ông thầy ấy: sự kiểm tra của viện y học dân tộc, hai tay ông nắm vào hai đầu dây điện làm sáng bóng đèn v.v…ông ấy học châm cứu tại viện y học dân tộc và có thời gian chữa trị tại đó. Có thể đó là tin mừng thực sự. Nhân điện thì ông nghe nói nhiều và nghi ngờ cũng nhiều vì có một lần ông thử để tìm hiểu và ông đã hiểu chẳng có tí nhân nào, chẳng có tí điện nào, chỉ toàn lũ điên; còn hiệu quả thì ông để cho mối nghi ngờ của ông khẳng định.
Nhưng lần này thì ông tin hơn là thử. Gia đình bị thuyết phục và ông quyết định đi thử một lần xem sao. …Trong lúc chờ tới phiên mình, ông nhìn người bệnh nằm trên chiếc giường sắt co rút và tránh né bàn tay ông thầy, có người năn nỉ xin thầy nhè nhẹ cho; cũng có người nhát thì nhảy thoát khỏi giường, kể như đầu hàng. Ông vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc…họ bị xung động và phản ứng thật chăng? Chờ đến lúc tay ông thầy thật sự chạm vào các huyệt đạo trên thân thể và luồng điện xung kích vào cơ thể thì mọi nghi ngờ về nhân điện [nhân điện này] không còn hiện hữu trong ý nghỉ của ông nữa. Điện mà không có điện thì sao gọi là điện? Khi ông thầy chích vào khuyểu chân sau đầu gối thì ông tưởng chân ông là cái đùi ếch bị chích điện vậy. Điện thế mới là điện! Bàn tay ông thầy nắm từng ngón tay ông thì ông thốt lên như vô thức chứ ông không chủ ý nói xin thầy nhè nhẹ cho. Thế đấy, ông cứ cách nhật đến điều trị tại thầy Tư Ngang, xã Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn này hơn bốn tháng thì ông đi lại bình thường và mọi sinh hoạt thường ngày trước đây cũng được phục hồi trở lại như thân thể của ông vậy.
Thế nhưng chỉ hơn một năm sau lại chính các học trò của ông đưa ông đi cứu cấp từ ngay trên bục giảng. Lần này thì mọi nổ lực của tình thương, của y học, của khí công, của bàn tay thầy Tư Ngang cũng đều lộ ra sự bất lực của mình. Ông cũng bị chấn thương động mạch não nhưng không bị liệt cơ như lần trước mà lần này là mất chức ngôn ngữ. Theo bác sĩ chuyên khoa điều trị là do sinh mạch trên não của ông bị gián đoạn làm cho trung khu ngôn ngữ trong thùy chẩm trái của não không nhận được thông tin nên mất khả năng viết và nói. Trong chuyên môn người ta gọi căn bệnh ấy là mất chức ngôn ngữ. Bác sĩ cho biết ông bị chứng thất ngữ lĩnh hội và cả chứng thất ngữ phát biểu.
Người bạn bác sĩ điều trị cho ông, giải thích: khúc cuộn thứ hai thùy chẩm bên trái của ông bị hỏng, nghĩa là mất liên lạc với điện trường trong não bộ nên không hiểu được ý nghĩa của chữ mặc dù vẫn viết chữ đựợc, gọi là chứng ngôn manh (mù chữ=cécité verbale) khiến người bệnh không thể diễn tả tư tưởng bằng chữ viết, cũng còn gọi là chứng thất thư(agraphie). Và không chỉ ông mất khả năng lãnh hội đó, mà ông còn mất cả khả năng phát biểu nữa là vì cả khúc cuộn thứ ba cũng trong thùy chẩm trái ấy cũng mất liên lạc điện trường nên dù vẫn nghe được nhưng không hiểu được ý nghĩa tiếng nói, chứng này được gọi là chứng ngôn lung (điếc chữ=surdité verbale) khiến người bệnh không thể diễn tả được tư tưởng bằng lời nói mặc dù cơ quan phát âm ở cổ ông vẫn nguyên vẹn, cũng được gọi là chứng thất ngôn (anarthrie).
Liệu ông có chịu bó tay trước hoàn cảnh mới này không. Quả thật ông không ra lệnh được, ông không diễn tả được. Gần như ông nghe mà không hiểu. Kể cả ông không thể làm điệu bộ cho người khác hiểu. Có lần vợ ông vô ý đưa đĩa cơm cho ông mà quên chiếc muỗng, ông chỉ ngồi mà ngó hết người này đến người kia và mọi người nhìn ông như thể chờ đợi ông ra hiệu để yêu cầu việc gì, nhưng ông không làm được cách gì hơn. Đứa con gái út nhìn ngay vào đĩa cơm và nhận ra thiếu chiếc muỗng, cô ta liền đưa đến cho ông chiếc muỗng, ông cười và gật đầu. Không đơn thuần như người câm không phát âm được thì dùng ngôn ngữ điệu bộ; còn ở đây, người mắc chứng mất ngôn ngữ không có khả năng định danh sự vật; vì thế, khả năng diễn tả cũng không còn.
Vợ ông nhờ người bạn dạy thanh nhạc ở viện âm nhạc đến tập cho ông phát âm để mong phục hồi khả năng phát âm của ông. Vâng, khả năng phát âm của ông rất tốt, ông có thể lên xuống cách quãng một octave rất khỏe. Vấn đề không phải ở hệ thanh quản, cũng không phải ở bộ phát âm lưỡi hay môi răng. Cũng không phải bộ nhớ bị trục trặc, vì lấy một cuốn sách ra và làm thao tác viết tựa đề cuốn sách ấy rồi đưa cho ông để ông viết lại thì ông hiểu và viết lại không sai. Thế mà ông không thể bút đàm được. Bạn bè ông, học trò ông, vợ con ông thử nghiệm qua nhiều phương pháp mà chưa rút ra được kết quả nào.
Trong đám môn sinh của ông có cô học trò rắn mắc đề nghị với các bạn, từ nay gọi thầy mình là vô ngôn sư. Không dè sự tinh nghịch ấy đã làm chết danh ông. Và từ đó, không phải chỉ trong đám môn sinh của ông mà cả trường – kể cả hàng giáo sư, thậm chí đến cả hàng xóm nữa, hể khi nhắc đến ông, người ta gọi là vô ngôn sư chứ không còn gọi tên ông nữa.
Chứng bệnh quả thật là lắc léo. Cơ thể khỏe mạnh. Từ điện tâm đồ đến điện não đồ và cả siêu âm nội tạng đều cho kết quả tốt và ổn định. Duy chỉ có trung khu ngôn ngữ trong não bộ ấy bị mất liên lạc với nhau mà con người đành bất lực. Ông mất đi tính năng động vốn là tư chất của ông, và có vẻ hơi ngơ ngát cũng vốn trái nghịch với cung cách trầm tư của ông nữa.
Là một nhà ngôn ngữ học mà giờ đây lại là người vô ngôn, chắc gì ông chịu đựng nổi tình cảnh ấy. Gia đình, bạn hữu, môn sinh của ông đều lo lắng về việc ấy. Thế nhưng riêng ông, mọi người đều không nhận ra dấu hiệu gì chứng tỏ ông có vẻ buồn rầu cả. Ông vui vẻ, hay cười. Thậm chí ông hay đùa với các cháu của ông. Ra đường ông vui vẻ, niềm nở với mọi người như xưa vậy. Thật khó nhận xét ông có mất đi sự mặc cảm không, nhưng sự lanh lợi thì không còn được như xưa nữa.
Mất chức ngôn ngữ, con người mất luôn cả khả năng suy tư – điều đó được y học xác nhận.
Và ngôn ngữ có mối liên hệ hữu cơ tất yếu với tư tưởng. Condillaccho rằng: “ta không thể nói mà không phân tích tư tưởng thành những yếu tố để có thể diễn đạt chúng lần lượt và lời nói chính là dụng cụ duy nhất cho phép ta tư tưởng”. Chính ngôn ngữ là phương tiện truyền thông chuyển đạt tư tưởng từ người này sang người khác, từ thời đại này sang thời đại khác. Ngôn ngữ còn nhiệm vụ lưu giữ tư tưởng phòng khi tư tưởng như bóng câu qua cửa sổ. Nhất là ngôn ngữ chữ viết là công cụ bảo lưu tư tưởng hiệu quả hơn cả. Chính vì thế mà Hamilton cho rằng: “ngôn ngữ là pháo đài của tư tưởng”. Ngôn ngữ cũng đóng góp vào việc phong phú hóa tư tưởng mà Burloud ghi nhận: “chính những chữ mà ta tìm kiếm để phát biểu tư tưởng đã thêm cho tư tưởng sự chính xác cần thiết”.
Và ngược lại, tư tưởng cũng ảnh hưởng đến ngôn ngữ, chắc là vậy, vì đương nhiên tư tưởng có trước ngôn ngữ, cho nên tư tưởng mới cần đến ngôn ngữ để biểu thị, để phát biểu, để chuyển tải. Do đó sự tiến bộ của tư tưởng kéo theo sự tiến bộ của ngôn ngữ. Mỗi khi có một tư tưởng mới phải cần có ngôn ngữ thích ứng như trong trường hợp Vương Dương Minh muốn nói đến “cái lương tri” mà ông khám phá ra, ông chỉ biết ú ớ “cái ấy” chứ biết dùng từ gì cho ổn; sau ông mới tìm ra từ “lương tri” thế cho “cái ấy”. Và người Ấn Độ cũng lúng túng như cụ Vương khi mô tả hay diễn đạt Đấng Cao Cả là “Ấy”(Tat) rồi sau mới có tên là Brahma. Đó là trường hợp mà Ferdinand de Saussure cho rằng: “Ở trước, ở ngoài ngôn ngữ, tư duy chỉ là một khối hổn loạn, vô hình thức, một đám mây u ám.”(1)
Muốn diễn tả tư tưởng mới thì người ta phải tạo ra ngôn ngữ mới để biểu đạt chúng. Như thế tư tưởng đóng cái vai trò kiện toàn ngôn ngữ và tăng bổ cho ngôn ngữ càng ngày thêm phong phú hơn để con người biết cách lột tả trung thực hơn. Và cái mối quan hệ hữu cơ mật thiết đó không thể khẳng định tính ưu thế về bên nào. Nó bổ sung cho nhau. Nó sống trong nhau. Từ “lương tri” của Vương Dương Minh chính là “tư tưởng lương tri” của Vương Dương Minh. Chính tính hữu cơ này giữa tư tưởng và ngôn ngữ cho phép Delacroix phát biểu: “ ngôn ngữ vừa là hậu quả vừa là điều kiện của tư tưởng luận lý”. Vì thế, một khi con người mất khả năng ngôn ngữ hay ngôn ngữ bị hạn chế thì khả năng suy tưởng cũng hỏng theo hoặc bị thu hẹp lại.
Tình cảnh vô ngôn là tình cảnh tối tăm tâm thức, là tình cảnh bi đát của con người, là tình cảnh thoái bộ của nhân loại, là tình trạng mất nhân tính, là trạng huống xuống cấp trở về nguyên bản sinh vật chưa tiến hóa – thôi rồi cái văn hóa mà mình đã bao thế hệ từ: “ Con Vật là Con Người giả trang dưới bộ lông lá và đi bốn chân. Con Sâu là Con Người đang bò vặn vẹo và trườn về sự triển khai nhân tính của mình.”[Shri Aurobindo-“Apercus et Pensées”-tr.27-Adyar-Paris,1950-]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét