Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Hai người đàn bà trong cái quán buổi trưa



Âu Thị Phục An


Cái quán màu đỏ mờ.
Ghế dựa rộng.
Người ta trang trí nhiều chậu hoa tươi màu đỏ màu hồng và màu gì là lạ không biết. Nó nửa hồng nửa tím sậm.
Bụi nước được phun ra mát rượi.
Có lẽ là hoa Đổ Quyên.

Ngồi đã lâu cũng mỏi.
Nhạc xập xình nghe đã chán mà người hẹn vẫn chưa tới.

Nhưng rồi cái di động cũng reo vang.
Cô nàng mảnh khảnh lướt tới với y phục trắng.

Vân Lam luôn trễ hẹn.
Nàng chạy từ đâu tới khó mà biết được vì bao giờ cũng là nói dối cả.
Gạn hỏi chỉ là thừa. Miễn có mặt là coi như đã gặp được trong ngày hôm nay (và những lần đã qua)
Hai ly kem chocolate mát rượi được đưa tới. Bốn con mắt thèm khát nhấp nháy. Hai cái lưỡi le ra liếm môi. Rồi môi cười toe tóet. Rồi môi ngọam lấy từng muỗng mát ngọt. Nuốt. Thỏa mãn cái trưa nắng hực hỡ của mùa xuân. Và cái cổ khô khát nảy giờ.

- Chờ tui có lâu không?
- Còn phải hỏi? ta ra khỏi bệnh viện là gọi liền và chờ mỏi cổ. Có mua bánh mì không?
- Có, trong giỏ.
- Tí nữa đói hãy ăn.
-

Nàng xơi kem xong thở hắt ra. Ui, cái tự do mỏng tang của tui… Nàng than thở.

- Tuyệt, hôm nay trời nắng lạ thường bồ nhỉ?
- Ừ.
- Ngồi một tí là tui phải về nha.
- Ê, đừng xem đồng hồ kiểu đó trước mặt ta mãi. Dẹp đi. Quên thời gian đi. Khi tụi mình ở với nhau đừng để trần thế xen vào.
- Bồ ơi, thông cảm, tui đâu có tự do như bồ.
-

Trán nàng còn lấm tấm mồ hôi. 11 giờ trưa không phải là thời điểm tốt cho mọi cuộc hẹn hò. Má nàng xanh tái. Môi thâm xì. Một phụ nữ không kịp trang điểm gì cả hoặc không hề còn biết trang điểm khi ra đường thì tội lỗi cho tên chồng kia quá. Tên đó bó rọ nàng vào cái chuồng củi ngang 3 m, dài 10m cả ngày lẫn đêm. Tên đó bó luôn trí não nàng không cho đi lang thang dù là trên internet.

Nàng ít ăn nên gầy gò. Muốn ra đường nàng phải trốn. Thường là nàng chạy chứ không đi. Chạy từ nhà ra chợ. Chạy từ điểm internet về nhà. Nàng luôn liếc nhìn đồng hồ đeo tay để canh giờ về. Và nàng luôn phải về đúng giờ nàng phải dọn cơm.

- Vân Lam ơi, bây giờ là thế kỷ nào rồi?? ngó bộ dạng bồ ta chán chết được. Một tháng mới gặp bồ một lần, tự do thỏai mái đi cưng.
- Rồi, bồ nói gì đi.
- Một bầu tâm sự đây, thôi qua đây cho ta ôm một cái rồi nói chuyện sau.

Tôi nắm bàn tay gầy gò của nàng. Ngực áo Vân Lam phập phồng theo nhịp đập trái tim.Có khi một con người chỉ tồn tại vì vô số nghĩa vụ quanh mình, trong khi họ muốn tự do sống theo ý thích thì hòan tòan không thể được. Trái tim nàng luôn mang nhiều món nợ ân tình. Và vì thế, Vân Lam luôn khát khao tự do,và chỉ có thể thỏa mãn khi cùng tôi trò chuyện.

- Vân Lam là gì nhỉ?
- Đám mây màu lam buồn
- Cũng còn đở hơn đám mây màu đen
- Mây màu đen cũng tuyệt chứ
- Vì sao?
- Nó sẽ thành mưa, làm mát cả trái đất đang nóng dần lên
- Nhưng người buôn bán vĩa hè rất ghét mưa
- Ừ nhỉ

Rồi chúng tôi nói về tự do. Vân Lam thèm được như tôi vì tôi thật sự đang sống rất tự do. Muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi. Nhưng tôi lại còn thèm một thứ tự do đích thực khác. Tôi vẫn chưa thấy thỏa mãn. Vân Lam mơ màng.

- Bồ có biết khi đạt khóai cảm là lúc tui thấy mình thật sự tồn tại không? Ngòai ra tui thấy cuộc đời tui chán ngắt.
- Ta thì thấy lúc đó mình mới thật sự tự do.
- Tự do đen và bóng, tụi mình luôn khát khao và huyển hoặc.
- Có khi tự do nhất chính là cái chết
- Đi tu cũng chưa hết ràng buộc
- Hai đứa mình ra đảo hoang sống đi
- Hì hì…, trở lại thời hái lượm à
- Ôi, nào chồng nào con nào nghĩa vụ
- Kể cái hôm gặp người ấy đi
- Vẫn thế
- Vẫn thế à, có gì mới không
- Có, chàng nồng nàn âu yếm hơn trước
- Sao ngần ấy năm chung đụng xác thịt mà mới nồng nàn thôi sao ? có tiến bộ!
- Ừ, đã biết hôn lên môi ta chứ không né như xưa
- Có thể chàng yêu bồ rồi, yêu nhưng không nói ra
- Có lẽ, nhưng tình bạn vẫn là trên hết…
-
- …Thường là làm được mấy cái ?
- Hai…, có khi chỉ một rưỡi
- Ha ha…

Tôi duỗi dài chân ra, ngữa đầu ngắm hàng hoa Đổ Quyên dọc trên bậu cửa, thanh thản như khi cùng chàng gác chân nằm ngủ những buổi trưa sau khi làm tình.

Vân Lam hớp nhẹ những hớp nước trong ly cà phê sữa, lọai năng lượng của nàng.

Tôi yêu Vân Lam vì trái tim bốc lửa nhiệt tình của nàng và nàng thì luôn khát khao uống từ tôi những giây phút của tự do mà nàng không có được. Chúng tôi chia sẻ nhau tất tần tật mọi thứ cảm xúc có được. Một người tình ở một chốn rất xa xôi – rất rất xa xôi- mà nàng biết là không thể nào với tới. Có những cuộc tình rõ ràng là quá xa xăm khi chúng không được lòai người công nhận. Vân Lam luôn thấy mình tội lỗi. Cái thân xác quặt quẹo kia luôn chờ nàng từ 10 giờ của mỗi trưa để nghe tiếng nói của nàng. Để nghe nàng đọc thơ. Để nghe tiếng nàng thở và tiếng nàng rít sâu trong cơn bồi hồi của nhịp đập trái tim.Hàng ngày, trừ thứ bảy và chúa nhật, Vân Lam chạy từ nhà ra chợ, rồi từ chợ về nhà lúi húi vội vàng nấu nướng, rồi từ nhà nàng chạy ra internet với linh hồn kia … Xem đồng hồ … Rồi lại chạy về làm người vợ ngoan dọn cơm sẳn chờ chồng. Vân Lam thấy mỏi mệt. Nhưng cùng lúc thấy thỏa cơn khát mãnh liệt bởi những dòng thơ chảy ra từ môi thân xác ấy. Vân Lam run rẩy đến tận cùng và vỡ òa từng tế bào đam mê hối hả. Một thứ khóai cảm để nàng tồn tại.

- Hôm nay có hẹn với chàng không?
- Vẫn thế, sau khi gặp bồ cho thỏa cái phần hồn, ta vẫn phải hẹn hò cho thân xác.
- Vậy chúc mừng nha.

Gần năm năm cho một cuộc hẹn hò. Gắn bó, thầm lặng, thiếu nồng nàn nhưng đầy tình thân bạn bè.
Tuổi trẻ trong sáng của thời sinh viên khi mà những lần gặp nhau tay còn chưa dám chạm, nhưng bây giờ thì hai thân phận bỗng đụng vào nhau đầy xúc động nhưng không có tình yêu.
Tình yêu mà làm gì khi không ai cần chiếm hữu ai?
Đem lại khóai cảm cho nhau là đủ.
Để thấy mình tồn tại.
Để biết mình tự do.

Buổi trưa như vỡ ra thành từng mảng vàng rực phía bên ngòai khung cửa.
Nhạc lướt nhẹ một bài hát u hòai thong dong chạm vào dòng xúc cảm vẫn phập phồng trên bờ ngực.

Hai ổ bánh mì được lôi ra.
Hai người đàn bà ngồi nhai bữa ăn trưa.

Chậm chạp và thích thú.

Một lần là đã thấy trăm năm




 
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ
Thơ: Tuyền Linh
Tiếng hát: Quỳnh Lan

Cái giá của trò ngạo mạn




Đặng Châu Long



trên những sợi tơ đời
vô số gã đu dây
chơi trò thăng bằng tung hứng
những lưỡi hái lại qua
đong đưa đời chao đảo
giữa thanh thiên nửa mắt cúi nhìn

dưới mạng nhện chùng theo gió buốt
vạn vạn người ngửa mắt dõi trông
trò hề đen công diễn lẫy lừng
xứng anh hùng guinness ghi danh

miền sáng tối sẽ có lần gió dậy
nương lời than khuấy lộng khí xung thiên
ém nộ phong xoắn nghìn cơn lốc xoáy
đẩy ngạo cuồng vào tận đáy âm cung

hoa xuyên tuyết cuối cùng bừng nở
giữa giá băng một nụ ấm vô cùng


17-11-2012

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Một gương mặt đàn ông





Nhà văn Ma Văn Kháng
TRUYỆN NGẮN


 Khoan đã, anh! Thật tình là người đàn ông có bị bất ngờ vì tiếng kêu riết róng của người phụ nữ. Đó là lúc cuộc giao tình của họ vừa mới vào khúc dạo đầu. Đưa tay nâng thiếu phụ dậy, người đàn ông vẫn chưa ra khỏi cơn mơ mòng, trong khi người tình của anh thì cuống quýt xỏ tay vào ống tay áo, vội vã che đậy phần ngực nở nang vừa phô ra trong ánh sáng một chiều mùa thu trong căn buồng.

Cơn lốc lắng dịu dần. Phía tầng nhà dưới vừa có tiếng người ho. Người đàn ông hiểu, ở chỗ chiếu nghỉ giữa chừng thang gác từ tầng một đi lên trổ ra một cái gác lửng. Ở đó hiện nằm lệt bệt chán chường con trai Diệu, người phụ nữ yêu dấu của anh. Nó, một nạn nhân của tai họa ma tuý mới trở về sau hai năm ở trại cai nghiện.

***

- Anh Đạt ơi! Kiếp người em không ra gì, anh à - Trở lại bên bàn nước, vuốt lại mấy sợi tóc mai rối bù, hai con mắt đẹp mưng đỏ, người thiếu phụ nấc nghẹn trong thì thầm - Tử vi em bên văn bên võ đều có sao đẹp, nhưng khập khiễng, nên em rất vất vả trong nghề cô giáo dạy họa. Cung phu em tệ hơn, có cả hung tinh Tướng quân lẫn Kiếp xác. Chồng em khi sống thì quậy phá, hành hạ em đủ điều. Mất đi, anh ấy để lại cho em một đứa con trai với bao cực nhọc và buồn phiền. May mà thằng Nguyên con em ở cung mùi có sao Văn Xương, Văn Khúc, có năng khiếu hội họa, nên em xin được cho nó vào trường Mỹ thuật. Nghệ thuật sẽ làm đẹp ngay chính người nghệ sĩ. Em nghĩ vậy và hy vọng. Bất ngờ, vào năm cuối, khi làm bài thi, nó giúp một thằng bạn con nhà giàu nhưng học kém làm bài tốt nghiệp. Thằng nọ đỗ với số điểm rất cao, cảm ơn nó bằng một buổi chiêu đãi lớn ở nhà hàng. Và thế là từ đó nó bắt đầu...

Bây giờ thì may mà còn lại cái xác nhà mười sáu mét vuông diện tích mặt sàn hai tầng này. Còn thì khánh kiệt, khánh kiệt hết rồi! Hết cả rồi, toàn bộ gia sản đã tích cóp được. Kể cả bốn mươi mét vuông đất vườn và căn nhà gỗ kiểu cổ ở làng Kim Liên ngoại thành thừa kế của Diệu đáng giá cả tỷ đồng. Kể cả những đồ đạc quý giá và đồ nữ trang, tư trang của Diệu cùng những đồng tiền dành dụm phòng khi cơ nhỡ, được coi như phương kế thoát hiểm cuối cùng. Toàn bộ, tất tật, dần dà từng tý một, khi Nguyên dấn sâu vào cơn nghiện ngập vô phương cứu chữa, lần lần tiêu mòn. Tiêu mòn một cách lặng lẽ và đau đớn một cách lặng lẽ. Nói thế là bởi vì Diệu rất thương Nguyên. Và thằng bé khi mắc vòng nghiện ngập thì lạ thay, bỗng như một kẻ tuẫn nạn, nó âm thầm chịu đựng cơn nghiện ngập cắn xé, rỉa róc và trở nên đáng thương vô cùng. Mẹ ơi, mẹ cho con cái áo da của mẹ đi! Mẹ ơi, mẹ cho con cái tivi của mẹ nhé! Nó xin, nó nói năng rất tử tế đàng hoàng. Nó không lén lút lấy trộm của gia đình đồ đạc đem đi bán. Nó xin từ cái tủ lạnh, cái lò vi sóng đến cái máy sấy tóc và có bận, đang đèo Diệu đến giữa phố Hàng Đào thì nó dừng lại, mặt tái mét, môi lập bập, nuốt khan liên tục và khẩn khoản xin Diệu sợi dây chuyền vàng mặt ngọc Diệu đang đeo ở trên cổ. Mẹ ơi, cả ngàn con dòi con bọ đang rúc rỉa trong xương tủy con, con chết mất, mẹ ơi. Nó rên rỉ và ứa nước mắt ròng ròng. Thằng bé cũng đau khổ lắm!

Đưa mắt nhìn căn nhà trống trơn như một thể xác không linh hồn, cái giá vẽ từ hồi Nguyên mắc nghiện trống trơ mặt toile gai, Diệu cất tiếng nặng nhọc:

- Anh Đạt! Anh nghe rõ em nói và thấy rõ thực trạng sống bi đát của em rồi chứ. Và hãy nghe em nói thực lòng đây. Đã có vài ba người đàn ông đến với ý định yêu em rồi lại bỏ đi rồi đấy. Em xấu hổ vô cùng với họ! Còn anh thế nào, em không dám đòi hỏi. Em không dám trách anh đâu, nếu như từ mai anh không đến với em nữa, không gọi điện cho em nữa. Và như thế thì em cũng không còn đủ sĩ diện để theo học hết khóa tin học anh đang dạy cho em nữa đâu, anh ạ.

***

Cuối cùng thì Đạt, người đàn ông yêu Diệu đã gọi điện cho chị. Và tiếp đó anh đã đối mặt với thằng Nguyên. Đối mặt với thằng con trai nghiện ngập lần đầu tiên, anh không thể ngờ cái thân xác cao lêu đêu và gầy gùa một cách thảm hại ấy lại là nó. Gầy lắm! Dường như chỉ rặt xương là xương. Và bọc bên ngoài cái khung xương ấy là một lớp da xanh mướt. Nhìn nó, hình dung ra những phút nó lên cơn, những con dòi con bọ đã rúc rỉa đục khoét đến tận xương tuỷ nó mà rùng mình. Và mặc dầu đã cố tỏ ra vô cảm, nỗi kinh sợ của Đạt vẫn không qua được con mắt to rờ rỡ sáng, in hệt đôi mắt mẹ với ánh nhìn thiếu nữ vô cùng trong trẻo của nó, một cái nhìn của nhà hội họa đang cố nắm bắt thần thái của đối tượng.

- Này ông, trông ông cân quắc cũng ra vẻ một tư cách nam nhi hùng tâm tráng khí đấy. Nhưng trước hết xin ông hãy bỏ ngay cái lối nhìn người thương hại đi! Xin lỗi, ông là cái thá gì mà lại có thế thượng phong ấy! Là gì? Hừ! Là người tình của mẹ tôi à?

Cố nén cái sốc bất ngờ trong một ánh cười nhạt, Đạt lắc đầu:

- Ta hãy nói chuyện với nhau như hai người đàn ông bất chợt gặp nhau, nhưng phần nào đã hiểu hoàn cảnh sống của nhau. Về phần tôi thì thế này: Tôi, bốn mươi tuổi. Kỹ sư tin học. Tôi đã từng yêu một phụ nữ, nhưng hôn nhân không thành, mười năm nay tôi sống độc thân. Năm rồi gặp mẹ cậu trong lớp học của tôi và chúng tôi quyết định tạo dựng cuộc sống mới với nhau. Còn cậu...

- Là một thằng con trai bạc nhược, bỏ đi!

- Không phải thế đâu!




Đạt xua tay, lắc đầu và cất tiếng cười thật tự nhiên. Dẫu sao thì cũng đã qua cái hàng rào ngăn cách đầu tiên, đã mở được mật khẩu trên computeur và bây giờ thì có thể công khai mà trò chuyện theo chủ đề đặt ra của mình rồi.

Tuy nhiên, Đạt hiểu ngay rằng, mình đã chủ quan, mọi việc diễn ra sẽ không dễ dàng như anh tưởng. Nghiện ngập đã quá lâu, tiêm nhiễm đủ thói tật xấu xa của một con nghiện thâm niên từ những ngày sống ở trại cai nghiện, lại vốn là một kẻ cao ngạo, giờ đây cậu con trai của Diệu thật sự là một gã trai vừa trâng tráo vừa chai lỳ, lại phảng phất nỗi u sầu không phương cứu chữa. Chưa kể, nguy hiểm hơn, qua kẽ nứt lương tâm của nó, đã thấy thấp thoáng thói vị kỷ và căn bệnh bất cần đời đang lên tới đỉnh điểm.

- Ông Đạt! Xin ông nhớ cho. Tôi, hai mươi hai tuổi, thì có đến mười lăm năm phải nghe những lời giáo huấn của các người rồi!

- Nếu vậy thì tôi đã gấp đôi cậu về sự chịu đựng đó. Nhưng cậu nên nhớ, nhân loại từ khi hình thành đã lập tức được giao phó ngay một trách nhiệm lớn lao là... truyền đạt cho nhau kinh nghiệm sống!

- Cũ quá!

- Chẳng cũ đâu! Nếu biết rằng, người ta luôn phải ôn tập.

Liền một tháng trời, thằng Nguyên cố tình tránh mặt Đạt. Có hôm Đạt chủ động tạo cơ hội: Sắp xếp một bữa ăn nhẹ với nó, đem về cho nó một băng hình, một cuốn phim, tặng nó một cuốn sách hay, nó cũng tìm cách hoặc ừ hữ cho qua chuyện, hoặc khước từ bằng cách nói sỗ sàng vỗ mặt Đạt: "Bác định làm cái trò gì thế? Tậu trâu được cả nghé hả?". Có lần, rất hãn hữu, có được chút không khí vui vẻ, anh hỏi han, nó đáp trả tử tế, rồi anh nói về những điều tốt đẹp này tốt đẹp nọ, thì nó cười gằn: "Bác nói với cháu như thế để làm gì! Không thấy là nói vào khoảng không à?".



Minh họa: Lê Trí Dũng



Còn hôm nay, sau một tuần đi công tác xa trở về, Đạt rủ Nguyên ngồi chơi ở một quán giải khát bên cạnh Hồ Tây, nhưng vừa đẩy cốc nước cam về phía cậu con trai, không nhớ mình vừa nói gì, thì đã thấy nó vụt đứng dậy, bất thần nổi cơn khùng nộ, gay gắt:

- Bác vừa nói lăng nhăng cái gì thế! Nhân cách với tài năng. Toàn những chuyện nghe chán cả tai rồi.

- Thì cậu cứ bình tĩnh, ngồi xuống đi! Tôi có nói điều gì là bịa tạc đâu!

Nhún nhường, quay ra nhìn mặt hồ buổi chiều đang mơ màng một làn sương lam và lăn tăn sóng gợn, Đạt khẽ khàng, nhưng rành rẽ:

- Thì chẳng lẽ cậu đã quên mình là một năng khiếu hội họa, như mẹ cậu nói là ở cung mùi cậu có sao Văn Xương và sao Văn Khúc, và đã từng làm bài vẽ hộ cho một đứa bạn con nhà giàu học kém để nó đỗ tốt nghiệp đó ư? Một tài năng đã không biết giữ gìn, vun đắp, bảo vệ, lại tự hủy diệt. Đó là sự ngu xuẩn hai lần không thể tha thứ được!

- Cái gì? Ông bảo ai là ngu xuẩn?

Chạm nọc, cậu con trai của Diệu đứng phắt dậy, quát to. Và, trong một phản ứng tức thời, thoạt đầu Đạt cũng bật ngay lên, nhưng sau đó anh trấn tĩnh ngay, từ từ ngồi xuống, nhếch mép cười, và lắc đầu nhè nhẹ:

- Nguyên, là người đàn ông cậu phải có lòng tự trọng chứ!

Mặt bỗng rắn đanh lại, Nguyên nhe những chiếc răng nhọn ám khói gầm ghè:

- Là người đàn ông phải có lòng tự trọng! Nghe hay hớm nhỉ. Nhưng mà này, đừng có tưởng bở! Định thuyết phục thằng này, hả?

- Đúng đấy!

- Hừ! Ông tưởng là tôi sẽ thành vật hiến tế cho thần ái tình của mình, hở? Hơi ảo tưởng đấy, ông kỹ sư tin học giàu trí tưởng tượng.

- Tôi không giàu trí tưởng tượng. Nhưng được rồi, cậu cứ rủa xả tôi đi. Tôi là tấm bia, sẵn sàng đón nhận mọi làn đạn bắn tới.

- Hay là định đóng vai người hùng trước mặt mỹ nhân đây, ông diễn viên tập sự bất đắc dĩ?

- Cậu nói thế là xúc phạm tôi quá đáng rồi đấy. Nhưng nói thế để cậu biết thôi. Tôi là kẻ biết cắn răng chịu đựng. Tôi không bao giờ nao núng đâu.

- Tôi thành thật khuyên ông: Đừng có cố đấm ăn xôi. Vô ích!

- Không vô ích đâu! Tôi là kẻ gan lì. Đã định làm việc gì là tôi làm tới cùng.

- Để làm gì?

- Để làm cái điều cậu hiện nay chưa hiểu. Và tôi sẽ làm cho cậu hiểu ngay bây giờ.

- Sì! Nghe rắc rối và kiêu ngạo dữ a? Nhưng hôm nay thì tôi đâu có muốn nghe - Nghe cái giọng bắt chước ngữ điệu Sài Gòn nhiễm đầy vẻ giễu nhại, chàng kỹ sư tin học liền cười cười:

- Vậy thì để một hôm khác. Vì tôi sẽ còn gặp cậu nhiều nhiều mà.

***

Thời gian qua đi chậm chạp đến lê thê.

Mùa thu đã vào sâu với những ngày vòm trời ủ dột ứ đọng từng tảng mây xám nặng nề. Mưa chợt buông màn, rồi lại chợt ngưng, để lại những khoảng không trống trải, không xác định thời điểm. Và con người thì lúc nào cũng như kẻ mắc nợ, bồn chồn ngồi đứng không yên. "Anh Đạt, anh đến em ngay!". Cuối cùng thì không sao dự đoán được việc gì đã xảy ra, một sáng chủ nhật nọ trên máy điện thoại đã có một cuộc gọi vô cùng gấp gáp của Diệu.

Sững lại trước căn phòng quen thuộc của người thiếu phụ, anh kỹ sư tin học ngơ ngác đưa mắt nhìn. Điều gì đã xảy ra? Điều gì đang xảy ra mà cặp mắt đẹp của cô giáo dạy họa bừng dậy ánh thần quang?

Khắp nơi, trên các mảng tường, trên các cánh cửa tủ, trên mặt bàn, trên khung cửa sổ, cửa ra vào... gần như không còn một khoảng trống nào. Tất cả, tất tất cả đều chen chúc hình cây cối, chim muông, mặt trời, ngôi sao, dòng sông, chóp núi cùng hàng đoàn ngũ con người trong một lễ hội tưng bừng được vẽ bằng phấn trắng, bằng mực mầu.

- Anh ơi, thằng Nguyên con em nó vẽ đấy! Nó bảo, mẹ có biết nhà ông Picasso danh hoạ thế giới không? Khắp nhà ông không còn một khoảng nào trống mà không có hình vẽ. Từ khuôn cửa sổ đến vỏ bao diêm, hộp thuốc lá. Nó vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp. Một họa sĩ chuyên nghiệp thì chỉ có mỗi một việc là: Hãy cầm lấy bút mà vẽ đi! Nó vẽ trong một cảm xúc thăng hoa. Vẽ như là tài năng phải tìm mọi cách để bộc lộ, chứ không thể để phí phạm! - Nuốt nghẹn, Diệu tiếp tiếng nói lấp trong hơi thở - Anh ơi, đó là cái gì vậy, anh? Có phải là như em hy vọng, chính là nghệ thuật, là cái đẹp đã dắt dìu nó qua bước đường khốn khó này? Hay đó chỉ là cơn ngẫu hứng nhất thời của một tâm hồn ốm yếu đang trong cơn rối loạn?

Xúc động dâng tràn, không ai bảo ai, hai người liền ôm chầm lấy nhau trong mừng rỡ.

Trớ trêu, cả anh và chị, cặp tình nhân muộn màng đã mừng vui quá sớm! Một hồi chuông điện thoại vừa rung. Nhấc ống nghe, chị nhận ra tiếng nói của người phụ trách công an phường sở tại báo tin: Họ vừa bắt được Nguyên đang tụ bạ cùng đồng bọn ở một tụ điểm buôn bán và hút chích ma túy.

***

Mùa hè ấy là những ngày oi nồng bức bối nối tiếp những cơn mưa xối xả. Một buổi trưa, đang thiếp đi trong buồn nản và lo âu, Diệu bỗng thức tỉnh vì nghe thấy tiếng chân từ ngoài cửa bước vào nhà của con trai mình.

- Nguyên! Con đi đâu về thế?

Chán nản, chị buông lửng câu hỏi. Vì thực tình chính chị cũng không hiểu điều gì đang xảy ra. Cuộc sống chẳng dễ dàng gì! Chiến tuyến đã phân đôi. Và như vậy thì xem chừng cuộc đối đầu giữa Nguyên và Đạt sẽ rất khó phân thắng bại. Vì cả hai đối thủ trong cuộc đấu này đều tỏ ra ngang tài ngang sức. Với Nguyên, thì đó là sức mạnh của bản năng nguyên thuỷ được đánh thức bởi thứ độc dược có khả năng hủy diệt nhân tính và nuôi dưỡng thói chai lỳ, cố kiết của tuổi trẻ. Còn với Đạt, chàng kỹ sư tin học, thì đó là một tính cách kiên cường của người đàn ông trưởng thành, đang mạnh mẽ và tráng lệ thêm do năng lượng nảy sinh từ tình yêu với chị và cuộc đời.

Tuy vậy, nằm yên một lúc, nghe thấy tiếng động ở góc nhà, Diệu liền chống tay ngồi dậy. Và ngay lập tức, chị đứng phắt lên, sửng sốt đến mức chỉ suýt nữa thì kêu to một tiếng. Nguyên đang vẽ.

Trời! Nguyên đang vẽ! Nguyên đang vẽ có nghĩa là một lần nữa, như cái lần trong một ngẫu sự bất thần rất khó hiểu, nó dùng phấn và màu vẽ linh tinh đủ các hình tướng khắp các khoảng trống trong nhà và nhắc đến danh họa Picasso, cái gọi là tài năng hội họa tiềm ẩn ở trong nó đang bộc phát do được cảm hứng xuất thần đánh thức? Nguyên đang vẽ có nghĩa là nghệ thuật với toàn bộ sức hấp dẫn mê hoặc đã cất tiếng gọi nó đang chìm trong mê muội trở về với lương tri?

Nhổm lên, lần này thì cơn sửng sốt đã lên tới đỉnh điểm, trên tấm toile căng ở giá vẽ, chị đã nhìn thấy một phác thảo chì gương mặt một người đàn ông. Gương mặt một người đàn ông! Một gương mặt vuông vức, cân phân, với cặp mày rậm đen, cái gò mũi dọc dừa và hai con mắt gườm gườm, sâu trầm và ngay thẳng. Một gương mặt mang đầy đủ thuộc tính đặc hữu của cánh nam nhi, nghĩa là tràn đầy ý chí, ánh ỏi niềm tin tưởng sắt đá không gì lay chuyển nổi. Gương mặt của Đạt, người đàn ông đang yêu chị!

- Nguyên, con vẽ...

Phấp phỏng, Diệu ôm hai bờ má, run rẩy và bồi hồi không sao có thể nói tiếp được. Vả chăng, chị cũng hiểu lúc này nếu chị có nói thì con trai cũng không thể tiếp nhận được một tiếng nói nào của chị. Trên vầng trán xanh xao lấm tấm những giọt mồ hôi lạnh, Nguyên trong trạng thái bồng bột của cảm xúc hòa trộn với niềm say mê sâu lắng vì đã trải nghiệm, đang đắm mình, đang dồn toàn bộ tâm lực vào bức chân dung đang vẽ dở. Giữa hai mẹ con là một khoảng không mênh mông và nghẹt thở.

Cho tới lúc bức chân dung gần như đã hoàn thành, cậu mới thõng tay, quay lại nhìn mẹ, giọng hạ xuống một nấc trầm, khe khẽ như kẻ đã kiệt sức:

- Mẹ! Con đang diễn đạt bằng hình ảnh lời bác Đạt nói với con.

- Bác Đạt đã nói gì với con?

-Tôi đã là anh bộ đội trong mười năm - Bác ấy nói - Đánh giặc ở biên giới, tôi còn một mảnh đạn găm ở trong phổi đây. Tôi đã chứng kiến cái chết đến từ từ từng khắc một của sáu đồng đội tôi chỉ vì vết thương quá nặng và không có cách gì cứu chữa được. Tôi đã hai năm liền túc trực bên giường bệnh của một người bạn gái mắc trọng bệnh mà bó tay. Tôi đã ngập chìm trong đớn đau cay đắng và ân hận!

- Trời!

- Và sau đó, tôi hiểu rằng, phải cắn răng lại để làm bằng được cái điều cần phải làm. Cắn răng lại! Dù cho có thế nào. Dù cho phương hại đến sự sống của bản thân. Dù cho phải nhẫn nại phải làm đi làm lại đến nghìn lần! Cũng không được lui bước. Tôi không cao xa đâu. Sao Thiên Khôi, sao Thiên Việt ở tử vi tôi nói rằng: Tôi là kẻ có ý chí ganh đua, đắc thời, không dễ bị khuất phục và quyết liệt đến cùng! Tôi là kẻ gan góc, là kẻ có ý chí quyết liệt đến cùng! Tôi không chấp nhận thất bại! Tôi sẽ đối đầu đến cùng để thực hiện mục đích là làm được những việc tốt đẹp nhất cho con người. Đến cùng! Đến kỳ cùng!

Bàng hoàng và não nùng, một lần nữa, Diệu lại cất tiếng kêu. Và tiến lại gần bức tranh, lúc này khi đã thu vào tâm tưởng trọn vẹn gương mặt một người đàn ông thần thái cân quắc, quyết đoán, đẹp bi hùng hiển hiện trên mặt toile trắng mịn, Diệu liền bật khóc nức nở. Manh nha, chị bắt đầu nhận ra, cuộc đấu tay đôi giữa con trai chị với người yêu của chị sắp vào hồi kết thúc và không phải chỉ là nghệ thuật, hay nói đúng ra là cùng với sự góp sức của nghệ thuật, Nguyên, con trai chị và chị sẽ được cứu vớt, được đỡ nâng nhờ ở cái đẹp bắt nguồn từ sức mạnh lớn lao của tình yêu đắm đuối của con người với con người.

PHÁC THẢO NHÂN GIAN







PHÁC THẢO NHÂN GIAN



Anh lại về dốc cạn tháng năm
Ở cuối mùa sinh thảo thơm vần vũ
Cộng hưởng của thứ âm thanh rùm ròa cô đặc
Gối lên đủ đầy những thấm tháp thực hư.

Chẳng dại gì em quăng mình vào mục rữa hình dung
Với rất nhiều những ngoại hàm tan chảy
Chẳng dại gì em ướp những nấc nghẹn bổn phận
Để cằn cỗi một phần tư sự kiên nhẫn mặc nhiên

Anh đừng quen thuộc với góc nhớ gọi tên
Sự vá víu xưa nay đâu tị nạn góc chai lì giăng mắc
Chiếc ổ khóa đen lầm lì khô khốc
Tình yêu có tội tình gì sau bức phác thảo nhân gian

Anh đừng lấp đầy những ao ước trong tay
Giọt rượu tràn ly bức tử những nếp nhăn trên cát
Niềm tin em cô đọng dưới đáy chảo ràn rạt
Nghĩa trang của đời người lại ầng ậc tả tơi…



Nhà thơ Phạm Thuý Nga





NGHĨ TRONG GIẤC NGỦ



Phố dài như nỗi nhớ

Tận cùng của mênh mông

Anh xa như vừa tới

Giấu mùa vào hanh hao.



Hun hút ngày sông rộng

Thấp thỏm lời ru nhau

Một cơn giông vô tận

Thổi nụ cười quá chiều.



Giờ như là sắp đặt

Giờ như là vỡ đôi

Chập chờn giấc trưa vay

Úp rạc rời ý nghĩ.



Tiếng trở mình nhói vội

Thức cả phía trống tênh

Nghẹn lời như dấu hỏi

Biết ngày nào quên nhau?



BỐN NGƯỜI PHỤ NỮ



Nhà mình bốn người phụ nữ
Ông Trời đưa lạc tháng năm

Mẹ quẩy bụi ngày trên tóc
Cuộc người đeo trộn thắt ngang
Nghiêng theo bão vấp lo toan
Thầm lặng một đời con trẻ

Chị gầy như chim non thiếu mẹ
Bước chị đi nắng gió tái tê
Bây giờ lời thề giăng mắc
Chìm nổi khoan nhặt bồng bênh

Mình thương lời thương buộc chặt
Gom từ bông dại bông lau
Ngày qua không đợi không cầu
Chạm vào bao nhiêu dấu hỏi

Em về từ bao mong đợi
Nhặt nhạnh cả vết bùa yêu
Thương lời dịu dàng đánh đổi
Quê người dâu bể bạc đầu

Nhà mình Ông Trời để lạc
Người đi chẳng biết có về
Tháng năm hong ngày trên mắt
Nụ cười hanh cả cuộc chơi…

(Viết sau Bốn người đàn ông đi lạc)

PHẠM THUÝ NGA

BÓNG DÁNG THẦY TÔI…





Kính dâng thầy



Thưa thầy! Con là học trò cũ của thầy…
Đứa học trò mê văn, giấu truyện ở trên cây



Mỗi áng thơ văn, có dáng dấp bóng hình thầy
Đôi mắt sáng, nụ cười bình dị
Giọng bình văn tri âm, tri kỷ
Nhận… thiếu hiểu biết về mình. Khuyên cố gắng từ đây!

Con học sử nhận ra lời thầy dạy
Nên sửa mình, dáng thẳng lưng ngay
Biết phân biệt người trung kẻ nịnh
Yêu quê hương từ chính những dân cày!

Con giỏi toán, nhưng không tính điều hơn thiệt
Trong yêu mẹ, cha, anh chị em, cô bác xóm giềng…
Biết cao thấp, không cào bằng tất cả
Cộng là thêm, trừ là bớt. Công bằng.

Thầy chưa chỉ đường đời… gió bụi
Bài tập làm văn xưa hỏi mơ ước điều gì?
“Miếng khi đói” và…”Trông nồi… trông hướng”
Biết sẻ chia, và giúp chỉ đường đi…

Có ai hỏi công danh? Thầy cười “Dân vạn đại”
“Phụ mẫu chi dân”, sợ khó vuông tròn
Ba bốn chục mái đầu xanh. Đạo thầy gìn giữ
Trang giấy đầu đời, khuyên những điểm son!

Bài khoa học, bài công dân, địa lý…
Thầy gom trong: Mở mang dân trí nước nhà
Không đóng cửa học điều hay, mới lạ
Dân tộc tự cường tổ quốc gấm hoa.

Ngày mỗi ngày con bước đi xa
Cứ thấy bóng thầy trong từng công việc
Nhỏ nhặt nhất, và điều to lớn nhất
Có bóng dáng thầy như bóng dáng cha…

Mỗi việc con làm, mỗi điều con nói
Cân phân đạo lý, nghĩa tình
Cứ nghĩ mọi người như ruột thịt
Không chia bè, kết nhóm bất minh.

Nên cứ mỗi khi muốn dối gian, hiểm ác
Hoặc làm điều gì trái với lương tâm
Bóng dáng thầy gợn qua, cơn gió mát
Xóa sạch trong con mọi suy nghĩ lỗi lầm…

Cũng có lúc gặp người bỏ tiền, treo danh lợi
Cần ở con một chút xíu… lơ là…
Chợt bóng thầy thổi vào con bão dữ
Con lại quay về… sợ làm bạn quỹ ma…

Thầy trên cao, chìm khuất giữa hương hoa
Gửi thơm cho học trò mỗi người một ít
Dạ thưa thầy,… Con vẫn là con nít
Gữa bóng thầy hư ảo khói nhang xa…



Tháng 11.2013
TRẦN HOÀNG VY

Văn học khoái lạc và buồn đau







BÍCH ĐÀO



 Trong những năm của thập niên 90 của thế kỷ XX, hầu hết các khu vực đời sống xã hội Trung Quốc đã trải qua cơn chuyển rung của “quá trình thị trường hóa tăng cường”, khiến bối cảnh và môi trường văn học đổi thay toàn diện, như nhà tiểu thuyết Chu Uẩn đã nhận xét, rằng Trung Hoa nay không còn là nước nghèo nhất thế giới nữa, nhưng người Trung Quốc thì chắc chắn là những người phát cuồng nhất về tình trạng nghèo đói - tức phát cuồng vì lòng tham và vì theo đuổi sự giàu có. Theo đuổi giàu có đã trở thành nhân sinh quan mới, “giấc mơ Trung Hoa” mới. Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng khổng lồ về kinh tế, với vai trò thế giới của nước Trung Hoa hiện đại ngày càng tăng, thì cũng tăng nhu cầu làm cho thế giới hiểu hơn về văn hóa Trung Quốc; và văn kiện Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012) đã xác định đường lối chiến lược xây dựng Trung Quốc thành “một cường quốc văn hóa”, phát triển văn hóa thành sức mạnh mềm - quyền lực mềm; trong đó có nỗ lực đưa văn chương Trung Quốc ra với thế giới.

Văn học Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đã cho thấy những dấu hiệu vượt qua thời văn học thương mại hóa những năm thập kỷ 80 và 90 - Gs. Martin Woesler, một nhà Trung Quốc học và là dịch giả văn học Trung Quốc tại Đại học Ngôn ngữ ứng dụng Munich (Đức), nhận xét trong dịp Hội chợ Sách Frankfurk 2009. Trung Quốc là khách danh dự của Hội chợ này năm đó; cũng là năm nhà văn mới Hàn Hàn đứng số 1 danh sách bán chạy nhất Trung Quốc với cuốn tiểu thuyết Ta de guo (tạm dịch: Đất nước của người). Martin Woesler thấy ở phong cách siêu thực-phê phán của Hàn Hàn một tín hiệu xu hướng phê phán mới trong văn học đương đại Trung Quốc.

Danh mục “10 cuốn tiểu thuyết hay nhất về Trung Hoa Hiện đại” mới đây trên địa chỉ China Whisper cũng đem lại ấn tượng đó. Đứng đầu danh sách này là cuốn Tửu quốc của Mạc Ngôn; kế tiếp ngay là cuốn Sổ tay Công chức của Vương Hiểu Phương, một tác phẩm gây sốt đương thời, được dịch ra tiếng Anh và tiếng Đức, bởi trình thuật của một người trong cuộc về những chuyện tham nhũng, hối lộ, những kế hoạch và thủ đoạn xảo quyệt trong tranh giành quyền chức của giới quan liêu cao cấp; rồi những cuốn Tôi yêu Đô-la của Chu Uẩn kể câu chuyện phúng dụ về một xã hội kim tiền mới, Thây ma đi bộ của Liệu Diệc Vũ đặc tả những cuộc đời dưới đáy xã hội Trung Quốc hiện thời; cuốn Đừng coi tớ là người rất nổi tiếng của Vương Sóc với giọng điệu châm biếm phê phán văn hóa đặc biệt của tác giả này, thông minh, sử dụng sự thô tục trực diện; và Búp bê Thượng Hải của Vệ Tuệ, được coi là học theo phong cách phê phán rất mạnh mẽ và sâu sắc của nhà viết kịch vĩ đại Henry Miller, phơi lộ không kiêng dè một thực tại của giới nữ trẻ, hiện đại, suy đồi.

Theo Gs.Zhang Qinghua, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, những biểu hiện như thế cho thấy văn chương Trung Quốc đương đại đang trở nên chín chắn sau những cuộc chuyển đổi giữa hai thế kỷ. Chuyên gia về trào lưu văn học tiền phong và đương đại Trung Quốc này nhận định, văn học đầu thế kỷ ở Hoa lục gây hai ấn tượng chủ yếu: về chất phồn tạp-lễ hội (carnival) và về nỗi buồn đau; hai ấn tượng lớn đó dẫn chiếu hai hình mẫu tự sự mâu thuẫn – tính chất carnival có nguồn đa văn hóa hiện đại (internet-based), còn chất đau buồn có nguồn gốc văn hóa bình dân. Và hai ấn tượng đó là bởi những quan sát bén nhạy của các nhà văn Trung Quốc về các vấn đề của một xã hội thay đổi quá nhanh, bùng nổ tăng trưởng đi đôi với tích tụ của cải, khiến đời sống và dân cư bị phân cực sâu sắc.

Quá trình xã hội đó đem đến hai lựa chọn phong cách văn chương khác biệt, một loại thoải mái vui thích với khoái lạc chủ nghĩa và lối sống tiêu dùng, một loại buồn đau và phẫn nộ bởi những đổ vỡ của đạo lý xã hội. Theo đó có hai luồng ý tưởng và khuynh hướng hầu như đồng thời hiện diện: văn học phồn tạp - lễ hội, không hướng thượng, giải ảo tưởng, giải cấu trúc, hoàn toàn có tính đảo lộn và kỹ trị, tính hình ảnh giải trí và đa văn hóa, mặt khác là văn học lấy đạo lý xã hội làm trung tâm, lo âu và giận dữ chống phân cực xã hội, mang tính bình dân truyền thống.

Cả hai luồng phong cách văn chương đó, rất khác biệt nhưng cùng tồn tại và kết nối nhau sâu sắc, cùng đem giá trị tri thức và quyền năng đạo lý của chúng tái tạo lịch sử và truyền thống theo những lối riêng mình.

Tiêu biểu trong xu hướng “carnival” phải kể đến lớp nhà văn được gọi là “hậu -1980”, trong đó nổi bật như Quách Kính Minh và Hàn Hàn. Hầu hết văn chương của họ nổi tiếng trong thế giới ảo trước khi bước vào “đời sống văn học”. Văn chương đó ám ảnh bởi một lối sống và suy nghĩ khác, tưởng tượng khác, mang tính thay thế và chống truyền thống. Họ đạt được thành công lớn trong thu hút giới trẻ, tạo những nhóm độc giả riêng của mình, có những bảo trợ riêng của các nhà xuất bản, có thu nhập cao.

Giáo sư Zhang thấy trong đặc tính của xu hướng văn học này các nguồn ảnh hưởng từ ứng xử của thế giới ảo, như mức độ thô tục và phản ứng với thẩm quyền xã hội – điều mà Bakhtin đã chỉ ra về đặc tính “carnival” chối bỏ trật tự quyền lực, tự do chủ nghĩa về trí tuệ và lý tính.

Xu hướng có tính phồn tạp - lễ hội cũng hiện diện trong văn học nghiêm túc, trở nên phong cách được ưa chuộng, như trong các tác phẩm của Mạc Ngôn (sinh năm 1955), hay Dư Hoa (sinh năm 1960). Không phải ngẫu nhiên như vậy, mà bởi bắt nguồn từ thực tại Trung Hoa hiện đại đã trải qua những biến động hết sức kịch tính, to lớn, như các biến động của thập niên 70 tiếp liền đến cuộc tăng trưởng kinh tế quá nhanh chóng những năm 80. Tâm hồn Trung Quốc đã nếm trải một hành trình mà người bên ngoài không tưởng tượng nổi. Trong những biến chuyển khổng lồ cả về vật chất và tinh thần đó, rất nhiều cuộc đời bị cuốn vào xoáy lốc của bi kịch và khổ nạn mang tầm vóc huyền thoại, bị văng ra một không gian hoang hóa; và những tâm hồn sống sót lại kịp bị quyền lực thị trường và kim tiền quy phục.

Sự biến chuyển hai kỷ nguyên, từ bao cấp tập trung hóa sang “kinh tế thị trường” là quá nhanh và quá lớn, như Dư Hoa viết rằng: “Những khác biệt lớn giữa hai thời đại mà người phương Tây có bốn trăm năm kinh qua thì người Trung Quốc đã chứng kiến trong bốn mươi năm. Những biến cải và bão tố của bốn trăm năm đã bị cô đúc lại cho bốn mươi năm”.

Về xu hướng văn học đau buồn, Giáo sư Zhang thấy nguồn cội của nó từ trong truyền thống, nhưng nền tảng trực tiếp của nó là trong những biến chuyển kinh tế - xã hội đương đại. Biến chuyển kinh tế xã hội lớn như vậy luôn gây khủng hoảng sâu sắc trong đạo lý và cuộc đời. Những người tin tưởng vào tính đúng đắn đạo lý sẽ không thể coi tình trạng thất nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo cực đoan, những thảm họa môi trường... như là “cái giá phải trả cho sự phát triển xã hội” và tăng trưởng khổng lồ về kinh tế. Đằng sau “cái giá” ấy không chỉ có những tòa nhà chọc trời và đô thị mở rộng, mà còn có những cuộc khai thác lạnh lùng tài sản của nhân dân và của quốc gia. Cho nên văn chương đã phải dùng đến những thủ pháp truyền thống về kịch tính để phản ánh và suy ngẫm.

Xu hướng buồn đau thực ra có thể thấy trong hầu hết các chủ đề văn học được nói đến, và không nghi ngờ gì đó là một nét truyền thống trong văn học Trung Quốc hiện đại xuyên thế kỷ.

(Tổng hợp từ: Enghlish Pen. www; China Daily; CCTV;
Hội đồng Anh; Hội chợ sách London 2012;
Chinese Literature Today; China Classic International)


XỨ SỞ VỌNG PHU…


Alan Phan


Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng, lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng… (Lê Thương – Hòn Vọng Phu)





Hôm qua xe tôi tình cờ bị kẹt trước một giao lộ gần khu Little Saigon của Quận Cam. Một tai nạn nhỏ đang được cảnh sát giao thông xử lý. Ở lane cạnh xe tôi là một người phụ nữ lớn tuổi, đang quay kính xe xuống và để một bài hát Việt hơi ồn ào qua phóng thanh trong xe. Cũng may đó là một bài hát ngày xưa tôi thích, nên nó cũng làm dịu đi chút nắng nóng và sốt ruột của mình. Bài “Mưa Trên Phố Huế”.

Tôi yêu Huế và nhũng người con gái Huế. Có lẽ vì đây là hai sự thể mà tôi không bao giờ hiểu nổi?

Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than…

Dù quê cha là Quảng Trị và tôi có dịp ghé thăm Huế nhiều lần, tôi chưa bao giờ ở Huế hơn 5 ngày liên tục. Do đó, ấn tượng của tôi về dòng sông Hương, về cầu Tràng Tiền, về Thiên Mụ, về Quốc Học hay Đồng Khánh…chỉ là những nét đẹp thoáng qua như bức tranh thuỷ mạc, không có gì sâu đậm. Nhưng chính cái đơn giản mộc mạc đó đã cuốn hút lòng người?

Thực ra, cảm nhận làm tôi yêu thành phố này là một nỗi buồn câm nín, chịu đựng và man mác lan tỏa trong khắp môi trường. Nỗi buồn đó thể hiện qua nụ cười e ấp của nhũng tà áo màu tím, qua đôi mắt vời vợi của những đứa trẻ lang thang, qua giọng nói trọ trẹ khó nghe của các bạn hàng, qua những đền đài cung điện đã tan phế…Tôi đã đi qua rất nhiều thành phố khắp thế giới, và tôi chắc chắn là không đâu “buồn” bằng Huế. Ngay cả Sarajevo đổ nát tang thương cũng không làm tôi rưng rưng như khi đọc vài đoạn văn “Giải Khăn Sô cho Huế” của nhà văn Nhã Ca. Cái buồn kỳ lạ, se sắt dù nhẹ nhàng.

Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai …

Rồi những người con gái Huế. Dù họ tíu tít như chim đầu ngày hay lãng mạn mông lung nhìn đất trời, cái nỗi buồn câm nín, chịu đựng và man mác đó vẫn thể hiện quanh họ. Bạn bè thường nói đàn ông Huế “thâm hiểm” và “khép kín” lắm; nhưng qua lớp bọc mỏng manh, họ vẫn là những con người hết sức bình thường, tốt với bà con bạn bè thân thuộc. Riêng đàn bà Huế, họ tràn đầy những bí mật không ai biết giải mã. Họ thông minh, khôn khéo, phức tạp, phi lý, theo mùa (moody?) và hoàn toàn sống theo cảm giác. Yêu một người con gái Huế là phiêu lưu bên bờ vực của núi cao, khi lên đỉnh với trăng sao, khi rớt xuống vực với thú dữ.

Có thể tôi diễn tả hơi quá, nhưng các bạn tự làm cuộc thử nghiệm nhé.

Thực ra, dù không có cường độ cao vút như gái Huế, phần lớn những người con gái Việt, không nhiều thì ít, đều chia sẻ cái “nỗi buồn câm nín” này. Câu hát “mong đợi một người biền biệt nơi mô” trong những chiều mưa rơi vẫn làm những cô gái khắp đất nước rơi lệ và thông cảm. Có một thời gian mà bài trường ca “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương là một bài hát được nhiều người thích nhất.

Ôi Quê Hương Xứ Dân Gầy …

Trên thế giới, ngoại trừ Đan Mạch tạc tượng một mỹ nhân cá ngóng đợi một chàng thủy thủ (hay hoàng tử?), tôi chưa nghe một huyền thoại nào về một phụ nữ ôm con đứng đợi chồng về, rồi hóa đá. Tình yêu và sự chung thủy mà người đàn bà Việt dành cho gia đình, nhất là chồng, đã được nhiều bạn bè nước ngoài của tôi xác nhận. Dù đây là nét đặc trung của nền văn hóa Khổng Phu Tử khắp Á Đông, nhưng người đàn bà Việt đảm đương, bươn chải, chăm sóc…chồng con nhiều hơn cả người Tàu hay người Hàn (OK, có lẽ thua đàn bà Nhật một chút, và thế hệ mới của dân Việt đang lưu đày tứ xứ hay đã hưởng nền giáo dục XHCN có thể không còn mang nhiều truyền thống này…). Trong khi đó, tôi nghĩ đàn ông Việt gần như …”hư” nhất thế giới trong khía cạnh lo lắng cho gia đình. Alan tôi cũng không là ngoại lệ.

Lý do chính là trai Việt thích làm…anh hùng hơn. Nền văn hóa 4 nghìn năm của chúng ta đầy những huyền thoại về chiến công hiển hách, vang động đất trời…của những chàng trai đất Việt, lúc thì chống ngoại xâm giữ gìn quê hương, khi thì đi mở mang bờ cõi…Hồi còn nhỏ, khi học sừ, có lần tôi hỏi ông thầy là tại sao Tây, Tàu, Mỹ …là bọn thực dân xâm lược, còn Chiêm Thành, Chơn Lạp, Khmer…lại là bọn man di mọi rợ cần dẹp tan để khuếch trương…giang sơn đế chế Việt hào hùng? Ông cho tôi một cái đá đít đau điếng và đuổi ra ngoài lớp.

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất quân…
Vì đàn ông Việt phải băng rừng lội suối sống kiếp chinh nhân, tạo thành tích cho lịch sử ngàn sau…cho nên chúng ta không còn nhiều thì giờ để quan tâm đến những chuyện lẻ tẻ? như một công trình dấu ấn trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật hay khoa học…có thể sánh với các nền văn minh thế giới? Sao chép Tây, Tàu, Mỹ…cho nó tiện? Nhưng tệ nhất là bỏ bê gia đình lại cho người đàn bà Việt quản lý…để họ biến thành những hòn đá vọng phu?

Gần đây, thế giới thay đổi nhanh chóng và những …chinh nhân Việt không còn nhiều cơ hội để vung tay mài dao múa kiếm. Ngay cả mấy thằng đồ đệ như Lào, Kampuchia…cũng không còn ngoan ngoãn. Thay vì những cuộc viễn chinh…chúng ta đi “xuất khẩu lao động”, thay vì những trấn lột công khai của bên thắng cuộc, chúng ta đi xin viện trợ và FDI. Chúng ta vẫn nghĩ mình là…rồng, nhưng không ai quan tâm.

Sinh ra làm gái Việt, có lẽ các chị cũng biết về cái “định mệnh buồn muôn thuở” của mình. Và nỗi buồn man mác do đó vẫn thể hiện ngay cả trong những môi cười, trong những tiệc cưới. Nhưng nếu có chút an ủi, các chị phải biết rằng nhũng chàng trai Việt cũng đang..hóa đá trong lúc đợi chờ một thời kỳ vàng son mới. Anh hùng phải làm anh hùng…nghĩa là phải mang trong người một dũng khí để trực diện bất công và nô lệ.

Thực ra, họ chỉ cần làm một con người đúng nghĩa…và chăm sóc gia đình.



Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

điếu văn của người quét chợ




Lúc này người ta đang làm thủ tục nhập quan. Người quá cố được bọc trong lần vải xô, lòng khòng như chiếc lá héo bị vặn theo chiều dọc, trông có vẻ dài hơn lúc còn sống. Lão thầy cúng nửa mùa, một tay bắt quyết, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú, một tay cầm con dao chém lung tung bốn phương tám hướng. Sau một hồi nhảy thách lên như con choi choi, lão băm bảy nhát dao vào phía trong quan tài trừ quỷ nhập tràng rồi khoát tay ra hiệu cho hai ông già đưa người chết vào cỗ ván gỗ tạp bọc giấy đỏ.

Phải nói, không có gì thê thảm, não nề bằng tiếng kèn đám ma. Khi mà những hợp âm năm cung của điệu Lâm khốc được nâng đỡ bởi tiếng nhị réo rắt, hoà với chuỗi âm thanh đơn độc của cây đàn bầu vuốt dài đến vô tận, nghẹn ngào như nấc lên từng nhịp, thì đến người ngoài cuộc cũng rơi nước mắt. Người thổi kèn là một thợ chuyên nghiệp có hạng. Khi thổi, mái đầu bạc của ông rung rung, đôi lúc đảo qua đảo lại như các bà đồng đội bát nhang. Cùng với tiếng kèn là dàn đồng ca nức nở với đủ các cung bậc của đám con cháu nội ngoại. Ông có sáu con, bốn trai, hai gái. Cái gia đình đông đúc ấy, đã lâu lắm rồi, hôm nay mớ có dịp gặp mặt đông đủ.

Người con trai thứ hai, một trung uý hải quân, đội mũ mấn, áo xô, tay chống cây gậy bằng tre tươi, khẽ cúi đầu chào tôi. Anh ta đứng ngay phía đầu quan tài, mặt hốc hác, mắt có quầng thâm vì thức đêm.Tôi cúi đầu trước vong linh ông, chắp tay vái ba vái rồi vào góc rạp, ngồi xuống chiếc ghế đẩu, khuất sau linh sàng. Ở đây ít người qua lại, tôi muốn giành chút thời gian yên tĩnh để nghĩ về ông.

*

* *

Cách đây ít lâu, có một lần ông bảo tôi :

- Đêm qua mình gặp giấc mơ rất kỳ lạ.

Tôi nói đùa:

- Bác bị chèo đò (*), mặc quần cộc về nhà, chắc là lũ cá chép đỏ (**) đến đón xuống thủy cung chứ gì ...

Ông nheo cặp mắt hấp háy:

- Không phải xuống thủy cung mà ở ngay trên dương gian mới lạ. Đến bây giờ mình vẫn còn thấy lạnh sống lưng.

- Chắc lại chuyện ma quỷ ?

- Cậu đoán không sai .

- Chuyện thế nào ?

- Tầm ba giờ sáng, có tiếng gọi cửa, mình quáng quàng chồm dậy trong tình trạng thái như bị thôi miên. Một cái bóng trông chẳng khác gì thằng bù nhìn giữ dưa, khoác chiếc áo thụng đen dài quét đất lẳng lặng ra hiệu cho mình đi theo. Chừng nửa canh giờ, hắn ta dẫn mình đến nghĩa địa khu dân cư. Tay mặc đồ đen biến mất để lại phía sau đám lân tinh chập chờn của loại tử thi đang phân huỷ cùng với một trận âm phong lạnh thấu xương. Từ các ngôi mộ, những bóng đen bí hiểm lần lượt xuất hiện. Mặc dù mắt kém, và nhất là đêm mưa phùn, bóng tối dày đặc, mình vẫn nhận ra thấp thoáng vài người quen. Một ông già gầy giơ xương, cái bụng lép kẹp gá trên đôi chân khẳng khiu, giống hệt thằng đánh gậy, đứng gần nhất, bỗng giật phắt mảnh khăn che đầu, nhe răng cười :

- Tôi đây. Ông còn nhận được không ?

Đó là Cả Tuynh, chuyên nghề mổ lợn, chết vì cảm đột ngột sau một cuộc "độc ẩm" lít rưỡi "cuốc lủi" (***) với lòng lợn tiết canh say bí tỉ. Mình gật đầu bảo :

- Ông Uống nhiều quá, vỡ động mạch não. Lẽ ra không nên...

Cả Tuynh nhăn mặt:

-Ông chớ tin bọn lang băm ở cái bệnh viện sát nhân ấy. Người ta sống chết có số, không cưỡng lại được.

Ngẫm nghĩ một lúc, lão trách :

- Ông soạn điếu văn cho tôi sơ sài quá. Hồi còn sống, tôi biết có những thằng ăn ở vô cùng đểu giả, thế mà lúc chết lại được người ta xưng tụng bằng đủ thứ ngôn từ hay ho. Ông khinh cái nghề ba toa của tôi nên xuống dưới này bị lép vế. Giận ông lắm.

Mình chưa kịp thanh minh thì lại một bóng đen khác, trông có vẻ như vừa mới được diện kiến Diêm Vương, chân cà nhắc nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn, từ ngoài chen vào, giọng thì thầm :

- Tôi suốt đười chỉ trộm cắp kiếm ăn, chẳng may bị bệnh hiểm nghèo bỏ mạng. Ông không ghét bỏ lại đọc cho bài điếu văn đầy lòng vị tha. Giờ tôi đã cải tà quy chính, được Thành Hoàng trọng dụng cho ra cai quản khu mộ địa.

Thú thật với cậu, lúc ấy mình thật sự hoảng. Sống lưng lạnh toát, hai thái dương co giật như sắp sửa lên cơn động kinh. Thì ra đó là lão Nghinh, trước làm công nhân đường dây, về hưu non, bị thủng dạ dày, chết chưa đầy năm. Tay này hồi còn làm việc đã có tiền án vì bán trộm dây thông tin. Nhà đông con, lão túng quẫn đâm liều. Hôm lão qua đời bà vợ sang năn nỉ :

-Lúc ông ấy còn sống có gì không nên không phải xin làng xóm thứ lỗi, giờ thành người thiên cổ rồi, trăm sự nhờ bác, viết cho nhà em bài điếu...

Trước khi lẩn đi, bóng ma lão Nghinh chắp tay vái mình ba vái rồi nói trong tiếng thở phều phào, chẳng biết thật hay bỡn :

- Biết thế này tôi xuống âm phủ trước đây mấy năm cho đỡ nhếch nhác.

Lại một người quen.Tất nhiên là mình nhận ra người đàn ông có dáng thấp đậm, bộ mặt nhẵn thín như thoa mỡ này chết cách đây hai năm. Đó là ngài phó bí thư tỉnh uỷ, vừa nghỉ hưu, bị nhồi máu cơ tim. Lão ta về xứ khỉ ho cò gáy này thăm bà vợ bé không chính thức vẫn giấu vợ cả và các con từ nhiều năm nay. Số chẳng ra gì. Chính hôm ông ấy hấp hối thì có trận mưa nguồn đổ về, cuốn phăng cây cầu Xi Măng dài hơn tám chục thước. Nước đục ngầu, chảy băng băng, mở rộng mặt suối đến mức không một phương tiện vận tải nào có thể qua được. Tất cả xe cộ từ tỉnh về đều đỗ lại bờ bên kia. Các quan chức đồng sự với ông cựu phó bí thư, vị nào cũng complét, cravate, giầy da bóng loáng, nhìn mặt nước đỏ lừ, gầm réo cuốn theo cả những cây gỗ lớn bị bật rễ mà lắc đầu ngao ngán. Đó là trận lũ thế kỷ, một trăm hai mươi bảy năm mới có một lần. Chẳng biết đến bao giờ nước mới rút. Ác một nỗi là sáng ngày hôm sau đã bắt đầu Đại hội trù bị, trong đó có nội dung bầu nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Tất nhiên, những kẻ khôn ngoan chẳng ai muốn vắng mặt vào thời điểm cực kỳ quan trọng ấy chỉ vì những lý do thứ yếu, đại loại như dự lễ cưới hoặc viếng đám ma. Vậy là, khách không chờ được đành lên ô tô về tỉnh.

Đám tang bên này còn thiếu bài điếu văn. Không còn cách nào hơn, bà vợ hai ông phó bí thư lại phải đến nhờ. Mình định chối nhưng bà ta không chịu :

- Ai ở khu dân cư này chết cũng có điếu văn. Bác mà không giúp thì em nhục với hàng xóm làng giềng. Chẳng gì ông ấy cũng là quan chức đầu tỉnh. Chỉ tại cái số vất vả.

Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng mình lấy cuốn vở học trò của thằng cháu, tìm được chiếc bút chì trong ngăn kéo rồi bảo bà quả phụ :

- Chị phải nói rõ ngày tháng năm sinh, quê quán cũng như những việc làm của ông ấy lúc còn sống tôi mới viết được. Có điều phải nói thực. Ông ấy nằm xuống rồi, coi như đã trả hết nợ đời, đừng quanh co, dối trá để vong hồn ra đi được thanh thản.

Bà ta khóc nấc lên :

- Từ khi nghỉ hưu đến giờ hết lộc, vợ con ông ấy ăn ở bạc lắm, chỉ có mẹ con em là thương thật lòng. Thôi thì cũng chẳng dấu làm gì...

Thế là bà vợ bé kể. Thì ra tay phó bí thư này cũng là một kẻ rách giời rơi xuống hạ giới. Ông ta chưa học hết cấp hai nhưng lại có bằng thạc sỹ Quản lý kinh tế. Vụ bằng giả của một số quan chức đầu tỉnh đã ầm ĩ lên một hồi, kéo hơn chục tờ báo vào cuộc nhưng cuối cùng, chẳng biết bằng cách nào, ông ta dẹp êm ru . Rồi vụ com măng với công ty xúc tiến việc làm lừa hơn hai trăm nữ thanh niên đi lao động ở Đài Loan bị trục xuất, vụ nhập khẩu ô tô rởm ăn chênh lệch giá và trốn thuế, vụ tịch thu đất của nông dân xã K cho doanh nghiệp nước ngoài thuê khống... cũng đều trót lọt mặc cho hàng trăm đơn kiện vượt cấp bay như bướm bướm lên Hà Nội.

Nể người đàn bà, mình vắt óc tưởng tượng ra những công tích làm "đầy tớ" dân của ông cựu phó bí thư để bài điếu lâm ly, hùng hồn. Nhưng cố mãi vẫn không được. Hình như có một sức mạnh huyền bí nào đó tác động đến cân não làm đầu óc mình lộn xộn, khiến những câu chữ cứ chuội đi. Cuối cùng, đành nghĩ ra một hạ sách là kết hợp điếu văn của lão hàng thịt với điếu văn của lão Nghinh, xào xáo đôi chút cho hợp với gia cảnh của người vừa quy tiên rồi chép lại thật nắn nót trên tờ giấy khổ rộng không có dòng kẻ.

Lúc sắp đưa ma, mình mới sang. Ngừng tiếng kèn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư trịnh trọng đọc. Lão này có giọng tốt, chuyên nghề đọc điếu văn, lên bổng, xuống trầm, rất có ngữ cảm. Cũng may đám tang hôm ấy vô cùng nhốn nháo. Những người đến viếng toàn là khách giời ơi nên chẳng ai phát hiện ra cái trò đánh tráo trắng trợn đó, trừ kẻ nằm trong quan tài. Bây giờ người ấy đang đứng trước mặt mình với bộ mặt nhẵn thín, cặp mắt lồi, trắng dã long lên sòng sọc :

- Ông soạn cho tôi bài điếu văn hổ lốn. Phần đầu của lão hàng thịt, phần giữa là của tay Nghinh chuyên nghề trộm cắp. Phần cuối mới là của tôi nhưng lại xỏ xiên cạnh khoé. Ông là thằng đểu. Tôi thật sai lầm là chết ở cái xó này. Đáng lẽ ra đám ma của tôi phải linh đình nhất tỉnh, tiền phúng viếng nhẹ ra cũng vài ba tỷ...

*

* *

Sau bữa ấy, ông Viển ốm nặng, nói năng lảm nhảm như bị ma làm, tưởng khó qua được. Ông bảo, cứ mỗi khi nghĩ đến cái khuôn mặt nhẵn thín thuôn thuôn hình quả dưa của lão phó bí thư lại muốn ói ra mật xanh mật vàng. Từ đấy ông dứt khoát không viết điếu văn cho ai nữa. Bây giờ ông nằm đây, yên lặng, để rồi chỉ chốc nữa thôi vĩnh viễn về với đất.

Những năm tám mươi, ông là nhân viên hành chính của xí nghiệp Chế biến thức ăn gia súc. Đơn vị này làm ăn theo kiểu gạo chợ nước sông, sản phẩm toàn loại thứ cấp, nợ cũ chồng lên nợ mới có nguy cơ giải thể. Cũng vào dịp ấy, những nhà hoạch định chính sách kinh tế nghĩ ra sáng kiến nhập những xí nghiệp nhỏ thành xí nghiệp lớn theo mô hình "công nông nghiệp hiện đại", thành ra ông thuộc diện dôi dư. Người ta động viên ông về hưu non vì đã đủ năm công tác, tuổi quá năm mươi. Vậy là ông về. Nhà đông con, cuộc sống khá chật vật. Ông san sẻ tình thương cho các con giống như bà mẹ nghèo chia bánh đa vừng mỗi khi đi chợ về. Ông nhịn ăn, nhịn mặc nuôi con đi học. Lương hưu không đủ sống, ông nhận thêm chân quét chợ. Một tháng được tám mươi ngàn. Chợ Bồng họp suốt ngày, ít người mà lắm rác. Quét mãi không hết, có hôm ông phải làm đến nửa đêm. Cứ mỗi lúc nhìn chiếc áo bạc phếch dán trên tấm lưng còng nhấp nhô theo nhịp chổi, tôi lại động lòng trắc ẩn. Nghĩ về ông bao giờ tôi cũng hình dung ra cặp chân ống đồng khẳng khiu với hai bàn chân thô tháp bước đi theo kiểu vạt tép nhưng nhanh một cách lạ thường. Lúc vắng người, bà Ngấn hàng thịt giúi cho ông mấy ngàn "để uống rượu". Ông dừng tay quét, đưa trả lại, bảo :

- Cảm ơn bà. Tôi còn tự kiếm được. Khi nào hết tiền uống rượu, tôi xin.

Người đàn bà phốp pháp, mặt vuông chữ điền, cặp mắt lá răm lúng liếng, không dám nguýt dài mà chỉ thở dài lẩm bẩm :

- Rõ khổ. Đúng là trời bắt tội.

Bà hàng thịt thương ông già quét chợ không phải bằng tình thương vay mượn mà đó là thứ tình thương rất thực thà xuất phát từ lòng căm ghét vợ ông, một người phụ nữ mắn đẻ, già mà vẫn còn duyên nhưng làm biếng và vô tâm.

Buổi trưa ông thường đi mò. Suối gần nhà, nước xanh trong nhưng cũng sẵn tôm,cua, ốc lẫn giữa đám rong đuôi chó. Chỗ nước sâu quá tầm tay, ông hít một hơi dài rồi lặn xuống. Mỗi lần như thế, cũng lôi được từ đám rong ra một vài con cua hoặc chú tôm càng. Những thứ mò được bao giờ ông cũng chia làm hai phần. Phần nhiều, cho tất cả vào nồi , thêm vài quả cà, nêm muối, đun kỹ cả nhà ăn. Phần ít hơn, ông nướng trên than hồng hay rang nhạt nhắm rượu.

Ông có sở trường trong việc soạn điếu văn. Lời điếu của ông khúc chiết, đâu ra đấy, hợp với từng cảnh ngộ của mỗi người khi nằm xuống. Văn ông mộc mạc, chân chất, nhưng chính vì thế mà khi đọc lên nghe thật bi thiết não nùng. Nghe ông kể lại giấc mơ gặp toàn ma quỷ ngoài nghĩa địa, tôi cũng thấy chờn chợn. Không ít người cho ma quỷ chẳng qua là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng xét đến cùng, biết đâu đấy, con người ta chết rồi vẫn còn lưu lại trên cõi đời một chút linh hồn. Ai chứng minh được điều đó ? Chắc chỉ có những người đã đi khỏi thế gian này. Nhưng tìm họ ở đâu ? Gần đây, nghe khẩu khí của ông, tôi có linh cảm những điều chẳng lành nhưng vẫn nói đùa để xua đi cái không khí nặng nề :

- Sao bác lại lấy điếu văn của lão Cả Tuynh thay cho ông phó bí thư ?
Ông nhếch mép cười nhạt :

- Cũng thế cả. Cái khác nhau là ở chỗ, một đằng bán thịt lợn cho người còn một đằng bán linh hồn cho ma quỷ.

Tôi không hiểu ông muốn nói gì.

*

* *

Hơn một năm sau. Hôm ấy tôi đang chẻ lạt rào vườn thì vợ tôi từ chợ Bồng về bảo : "Bác Viển chết rồi". Tôi không tin, quẳng dao chạy vội ra cổng. Đúng là ông đã chết, một cái chết không bình thường. Nguyên nhân vẫn tại con suối Cả. Suối Cả chảy vòng vèo uốn khúc giữa hai bờ mọc toàn sung ngái hoặc những cây cơi cổ thụ tán sum sê. Đứng trên sườn núi trông con suối giống như dải khăn xanh da trời phản chiếu ánh chiều vàng nhạt, đẹp một cách khiêm nhường của một vùng sơn cước. Nhưng về mùa hè thì nó trở nên khá dữ dằn. Chỉ sau một trận mưa ngàn, mặt nước trong khoảnh khắc nở phình ra, đục ngầu sủi bọt, chồm lên dữ dội như có hàng ngàn bờm ngựa chen nhau phi nước đại.

Hôm ấy ông đi câu chạch chấu. Suối Cả có nhiều chạch nhưng chạch chỉ cắn câu vào những ngày mưa lũ. Đã thành thói quen, ông chọn mỏm đá bằng phẳng nhô hẳn ra ngoài suối rồi mắc mồi, buông câu. Chạch chấu kho khô với tương thì thật tuyệt. Canh dấm chua cũng tốt. Còn nếu đem nấu cháo, thêm ít gia vị và rắc hồ tiêu rồi vừa húp và thổi phù phù, thì có lẽ, trên đời này không món cao lương mỹ vị nào hấp dẫn bằng. Ở phía trên ông chừng vài chục bước có một thằng bé cũng đang câu. Nó chỉ độ mười hai mười ba, con bà vợ bé ông phó bí thư quá cố. Cậu ta đã làm được một xiên đến sáu bảy con vừa chạch vừa cá. Đúng vào lúc nó ngửa người, tay giật mạnh cần câu thì bị mất đà trượt chân khỏi tảng đá trơn đầy rêu. Là người nhìn thấy đầu tiên, ông Viển chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi vứt cần câu, để nguyên cả quần áo lao xuống nước. Cũng may, ông nhảy đón đầu, túm ngay được chân thằng bé. Bằng một cố gắng phi thường, ông dìu nó bơi cắt chéo dòng lũ vào vùng nước nông phía bờ đối diện. Bên ấy dòng chảy đã yếu nhưng do bị va đập quá mạnh, ông đuối sức, không tấp được vào bờ. Ba hôm sau người ta mới tìm thấy ông bị kẹt giữa đám rễ cây ở một cánh bãi gần cửa sông Bía, người lép kẹp, chẳng có biểu hiện gì của cái xác chết trôi.

Trong cảnh tang gia bối rối, tôi nghe thấy ông Trưởng khu dân cư kiêm Trưởng ban tang lễ hỏi đám thanh niên choai choai vừa đi đào huyệt về:

- Gia đình đã cử ai viết điếu văn chưa ?

Thằng Lộc gọi ông Viển bằng chú bảo :

- Chúng cháu không biết. Tối qua thím cháu có nhờ ông Túc nhưng ông ấy không dám nhận lời.

- Chà ! Gay nhỉ. - Ông Trưởng ban chép miệng, mắt lơ đễnh nhìn hàng cờ phướn ướt sũng nước mưa hồi đêm đang uể oải lay theo chiều gió. - Ông ấy viết điếu văn cho bao nhiêu người, giờ đến lượt mình lại không có...

Tôi chợt nhớ ra. Cách đây đã lâu, khoảng hai ba năm gì đó, sau mấy hội tổ tôm ở nhà Ba Thống, ông Viển rủ tôi sang uống rượu lạc rang. Lúc tôi sắp về, ông rút từ ngăn tủ ra chiếc phong bì bằng giấy học trò trịnh trọng đưa bằng cả hai tay, giọng có vẻ xúc động :

- Tôi gửi chú cái này. Đây là vật ký thác. Khi nào tôi nhắm mắt, người ta nhập quan rồi hãy mở. Số tôi có lẽ không được chết thanh thản nên có mấy lời dặn lại. Chú có dám hứa danh dự với tôi không?

Tôi mỉm cười hoài nghi :

- Tôi hứa...Mà làm sao bác nghĩ đến chuyện viết di chúc sớm thế ?

Ông hấp háy cặp mắt đã thấm hơi men nhưng giọng lại bình thản, trang trọng như một nhà tiên tri :

- Trong cõi đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Viết gửi chú trước, sợ đến lúc lâm sự trở tay không kịp.

Tôi lẳng lặng ra về bằng lối cổng sau. Tìm được cái hộp nhỏ bằng gỗ vàng tâm trong góc tủ, tôi lật giở những thứ giấy tờ lưu trữ của gia đình, và cũng chẳng mấy khó khăn tìm ra cái phong bì xếp lẫn vào giữa đám giấy má đã ố vàng. Tôi bóc phong bì không được bình tĩnh lắm vì hồi hộp và cả tò mò nữa .Tôi thầm dự đoán, biết đâu ông Viển có vàng, lúc sinh thời, sợ các con ỷ lại, lười làm nên dấu một chỗ, lúc chết, sợ chúng tranh nhau nên phải nhờ tôi, là người ông tuyệt đối tin tưởng, đứng ra phân xử...

Từ trong phong bì rơi ra tờ giấy gấp tư viết bằng bút bi màu tím. Tôi lật giở cả hai mặt và bỗng nhiên sững cả người. Đó không phải chúc thư mà mà là... điếu văn của chính ông.

Đặng Văn Sinh


(*) Một hình tức xử phạt khi người chơi tổ tôm phạm luật
(**) Quân bài tổ tôm có tên "bát vạn"
(***) Tiếng lóng chỉ loại rượu ngang tự cất ở nhà



linh thị








tôi, một bóng ma mắc chứng tự kỷ
thức dậy từ đáy biển sâu
bên dưới bầu trời rắn cắn

những đêm tôi giấu trong màu xám
mắt trắng câm
miệng núi lửa

ngày nóng yên tĩnh khó thở
im lặng là con mồi
bơi vào hàm cá mập

mặt trời nuốt tôi
trong cái họng khổng lồ hoang dã
tiếng kêu của tôi lớn lên như bụi nấm hoang
không chịu chết



nguyễn man nhiên