BÍCH ĐÀO
Trong những năm của thập niên 90 của thế kỷ XX, hầu hết các khu vực đời sống xã hội Trung Quốc đã trải qua cơn chuyển rung của “quá trình thị trường hóa tăng cường”, khiến bối cảnh và môi trường văn học đổi thay toàn diện, như nhà tiểu thuyết Chu Uẩn đã nhận xét, rằng Trung Hoa nay không còn là nước nghèo nhất thế giới nữa, nhưng người Trung Quốc thì chắc chắn là những người phát cuồng nhất về tình trạng nghèo đói - tức phát cuồng vì lòng tham và vì theo đuổi sự giàu có. Theo đuổi giàu có đã trở thành nhân sinh quan mới, “giấc mơ Trung Hoa” mới. Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng khổng lồ về kinh tế, với vai trò thế giới của nước Trung Hoa hiện đại ngày càng tăng, thì cũng tăng nhu cầu làm cho thế giới hiểu hơn về văn hóa Trung Quốc; và văn kiện Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012) đã xác định đường lối chiến lược xây dựng Trung Quốc thành “một cường quốc văn hóa”, phát triển văn hóa thành sức mạnh mềm - quyền lực mềm; trong đó có nỗ lực đưa văn chương Trung Quốc ra với thế giới.
Văn học Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đã cho thấy những dấu hiệu vượt qua thời văn học thương mại hóa những năm thập kỷ 80 và 90 - Gs. Martin Woesler, một nhà Trung Quốc học và là dịch giả văn học Trung Quốc tại Đại học Ngôn ngữ ứng dụng Munich (Đức), nhận xét trong dịp Hội chợ Sách Frankfurk 2009. Trung Quốc là khách danh dự của Hội chợ này năm đó; cũng là năm nhà văn mới Hàn Hàn đứng số 1 danh sách bán chạy nhất Trung Quốc với cuốn tiểu thuyết Ta de guo (tạm dịch: Đất nước của người). Martin Woesler thấy ở phong cách siêu thực-phê phán của Hàn Hàn một tín hiệu xu hướng phê phán mới trong văn học đương đại Trung Quốc.
Danh mục “10 cuốn tiểu thuyết hay nhất về Trung Hoa Hiện đại” mới đây trên địa chỉ China Whisper cũng đem lại ấn tượng đó. Đứng đầu danh sách này là cuốn Tửu quốc của Mạc Ngôn; kế tiếp ngay là cuốn Sổ tay Công chức của Vương Hiểu Phương, một tác phẩm gây sốt đương thời, được dịch ra tiếng Anh và tiếng Đức, bởi trình thuật của một người trong cuộc về những chuyện tham nhũng, hối lộ, những kế hoạch và thủ đoạn xảo quyệt trong tranh giành quyền chức của giới quan liêu cao cấp; rồi những cuốn Tôi yêu Đô-la của Chu Uẩn kể câu chuyện phúng dụ về một xã hội kim tiền mới, Thây ma đi bộ của Liệu Diệc Vũ đặc tả những cuộc đời dưới đáy xã hội Trung Quốc hiện thời; cuốn Đừng coi tớ là người rất nổi tiếng của Vương Sóc với giọng điệu châm biếm phê phán văn hóa đặc biệt của tác giả này, thông minh, sử dụng sự thô tục trực diện; và Búp bê Thượng Hải của Vệ Tuệ, được coi là học theo phong cách phê phán rất mạnh mẽ và sâu sắc của nhà viết kịch vĩ đại Henry Miller, phơi lộ không kiêng dè một thực tại của giới nữ trẻ, hiện đại, suy đồi.
Theo Gs.Zhang Qinghua, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, những biểu hiện như thế cho thấy văn chương Trung Quốc đương đại đang trở nên chín chắn sau những cuộc chuyển đổi giữa hai thế kỷ. Chuyên gia về trào lưu văn học tiền phong và đương đại Trung Quốc này nhận định, văn học đầu thế kỷ ở Hoa lục gây hai ấn tượng chủ yếu: về chất phồn tạp-lễ hội (carnival) và về nỗi buồn đau; hai ấn tượng lớn đó dẫn chiếu hai hình mẫu tự sự mâu thuẫn – tính chất carnival có nguồn đa văn hóa hiện đại (internet-based), còn chất đau buồn có nguồn gốc văn hóa bình dân. Và hai ấn tượng đó là bởi những quan sát bén nhạy của các nhà văn Trung Quốc về các vấn đề của một xã hội thay đổi quá nhanh, bùng nổ tăng trưởng đi đôi với tích tụ của cải, khiến đời sống và dân cư bị phân cực sâu sắc.
Quá trình xã hội đó đem đến hai lựa chọn phong cách văn chương khác biệt, một loại thoải mái vui thích với khoái lạc chủ nghĩa và lối sống tiêu dùng, một loại buồn đau và phẫn nộ bởi những đổ vỡ của đạo lý xã hội. Theo đó có hai luồng ý tưởng và khuynh hướng hầu như đồng thời hiện diện: văn học phồn tạp - lễ hội, không hướng thượng, giải ảo tưởng, giải cấu trúc, hoàn toàn có tính đảo lộn và kỹ trị, tính hình ảnh giải trí và đa văn hóa, mặt khác là văn học lấy đạo lý xã hội làm trung tâm, lo âu và giận dữ chống phân cực xã hội, mang tính bình dân truyền thống.
Cả hai luồng phong cách văn chương đó, rất khác biệt nhưng cùng tồn tại và kết nối nhau sâu sắc, cùng đem giá trị tri thức và quyền năng đạo lý của chúng tái tạo lịch sử và truyền thống theo những lối riêng mình.
Tiêu biểu trong xu hướng “carnival” phải kể đến lớp nhà văn được gọi là “hậu -1980”, trong đó nổi bật như Quách Kính Minh và Hàn Hàn. Hầu hết văn chương của họ nổi tiếng trong thế giới ảo trước khi bước vào “đời sống văn học”. Văn chương đó ám ảnh bởi một lối sống và suy nghĩ khác, tưởng tượng khác, mang tính thay thế và chống truyền thống. Họ đạt được thành công lớn trong thu hút giới trẻ, tạo những nhóm độc giả riêng của mình, có những bảo trợ riêng của các nhà xuất bản, có thu nhập cao.
Giáo sư Zhang thấy trong đặc tính của xu hướng văn học này các nguồn ảnh hưởng từ ứng xử của thế giới ảo, như mức độ thô tục và phản ứng với thẩm quyền xã hội – điều mà Bakhtin đã chỉ ra về đặc tính “carnival” chối bỏ trật tự quyền lực, tự do chủ nghĩa về trí tuệ và lý tính.
Xu hướng có tính phồn tạp - lễ hội cũng hiện diện trong văn học nghiêm túc, trở nên phong cách được ưa chuộng, như trong các tác phẩm của Mạc Ngôn (sinh năm 1955), hay Dư Hoa (sinh năm 1960). Không phải ngẫu nhiên như vậy, mà bởi bắt nguồn từ thực tại Trung Hoa hiện đại đã trải qua những biến động hết sức kịch tính, to lớn, như các biến động của thập niên 70 tiếp liền đến cuộc tăng trưởng kinh tế quá nhanh chóng những năm 80. Tâm hồn Trung Quốc đã nếm trải một hành trình mà người bên ngoài không tưởng tượng nổi. Trong những biến chuyển khổng lồ cả về vật chất và tinh thần đó, rất nhiều cuộc đời bị cuốn vào xoáy lốc của bi kịch và khổ nạn mang tầm vóc huyền thoại, bị văng ra một không gian hoang hóa; và những tâm hồn sống sót lại kịp bị quyền lực thị trường và kim tiền quy phục.
Sự biến chuyển hai kỷ nguyên, từ bao cấp tập trung hóa sang “kinh tế thị trường” là quá nhanh và quá lớn, như Dư Hoa viết rằng: “Những khác biệt lớn giữa hai thời đại mà người phương Tây có bốn trăm năm kinh qua thì người Trung Quốc đã chứng kiến trong bốn mươi năm. Những biến cải và bão tố của bốn trăm năm đã bị cô đúc lại cho bốn mươi năm”.
Về xu hướng văn học đau buồn, Giáo sư Zhang thấy nguồn cội của nó từ trong truyền thống, nhưng nền tảng trực tiếp của nó là trong những biến chuyển kinh tế - xã hội đương đại. Biến chuyển kinh tế xã hội lớn như vậy luôn gây khủng hoảng sâu sắc trong đạo lý và cuộc đời. Những người tin tưởng vào tính đúng đắn đạo lý sẽ không thể coi tình trạng thất nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo cực đoan, những thảm họa môi trường... như là “cái giá phải trả cho sự phát triển xã hội” và tăng trưởng khổng lồ về kinh tế. Đằng sau “cái giá” ấy không chỉ có những tòa nhà chọc trời và đô thị mở rộng, mà còn có những cuộc khai thác lạnh lùng tài sản của nhân dân và của quốc gia. Cho nên văn chương đã phải dùng đến những thủ pháp truyền thống về kịch tính để phản ánh và suy ngẫm.
Xu hướng buồn đau thực ra có thể thấy trong hầu hết các chủ đề văn học được nói đến, và không nghi ngờ gì đó là một nét truyền thống trong văn học Trung Quốc hiện đại xuyên thế kỷ.
(Tổng hợp từ: Enghlish Pen. www; China Daily; CCTV;
Hội đồng Anh; Hội chợ sách London 2012;
Chinese Literature Today; China Classic International)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét