Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Nhét một căn phòng vào hạt cát







Người đàn bà đó kể rằng bà đã ăn trứng kiến, trong chuyến du lịch những thành phố Mễ. “Họ dùng trứng kiến làm nhân bánh pa-tê-sô”, bà ta nói, “Nó ngon, nó ngon, ngon hết cái mặt.” Vừa nói bà ta vừa lấy tay xoa xoa hai gò má, xoa từ miệng lên thái dương, để diễn tả cái ngon hết biết, hết xiết đó. Trông bà ta thật hạnh phúc, vui sướng khi gợi nhớ lại cảm giác khoái khẩu. Cảm giác ngon ấy, ngon từ trong miệng ngon ra “hết cái mặt” hẳn là tuyệt vời, tôi chưa bao giờ biết đến cái ngon đó, cũng chưa bao giờ nghe nói về cái ngon với vẻ nồng nhiệt như thế. Trong nhiều năm tôi tò mò muốn thử một lần cho biết nhưng lùng không ra món pa-tê-sô trứng kiến đặc sản ấy. Hỏi những người bạn cũng không ai biết món này, tuy họ sinh trưởng ở Acapulco, Tabasco, Chihuahua, Mazatlan… Có người còn ngạc nhiên quá đỗi vì không nghĩ đến chuyện kiến đẻ trứng và không biết kiến có thể dùng làm thức ăn. Trứng kiến, chắc là nhỏ lắm, làm sao nhìn thấy được, để mà đủ một bữa? Họ nói vậy. Rồi họ hỏi cha mẹ họ và cũng chẳng ai biết món ăn này.

Lần nói chuyện đó tôi cứ tưởng ở Mễ đầy dẫy những nhà hàng bán món trứng kiến, cũng như ở Mỹ mỗi góc đường đều có tiệm bán hamburger. Giá như lần đó tôi chịu khó hỏi kỹ hơn, tên thành phố, tên quán ăn, địa chỉ và số điện thoại, hay email hay website. Bây giờ thì chịu! Người đàn bà kể câu chuyện ăn trứng kiến thì đã biến mất từ đó.

Vì vậy khi cơ hội đến một cách tình cờ nhất, hãy hình dung tôi phấn khích ra sao.

Những con kiến, vào những ngày mưa bão, chui vào nhà tôi. Chúng chui từ cống rãnh lên và xuất hiện đầy bồn tắm. Tôi hiểu rằng chúng đi lánh nạn và thường tôi để yên chúng vì tôi có cảm tình với những sinh vật nhỏ bé chăm chỉ và tôi khâm phục cách chúng tổ chức một mô hình xã hội ưu việt hơn hẳn loài người. Chỉ khi tắm gội thì bắt buộc tôi phải làm chúng kinh hoảng, thậm chí sát hại chúng ngoài ý muốn.

Chiều hôm đó tôi vào phòng tắm và thấy chúng đẻ trứng. Từ khoang bụng của những con kiến tuồn ra những viên trứng tròn. Những hạt trứng đen, tất nhiên, đen như kiến. Trứng khá to so với kiến mẹ. Thì ra cái mà tôi thấy là những cục dính chùm, không phải một mà cả trăm cái trứng, đùm vào nhau nhờ nước miếng của kiến mẹ. Một chùm trứng có kích cỡ bằng hạt cát, tương đương với thân thể một con kiến thợ. Thật kinh hoàng khả năng chứa đựng cưu mang của chúng.







Chúng đẻ liên miên trong bồn tắm của tôi. Đẻ trong bồn, trên vách tường, giữa khe cửa kéo… Tôi đứng im rất lâu nhìn chúng đẻ. Từ những chùm trứng nở ra những ấu trùng, những ấu trùng biến ra kén, rồi kén nở ra những con kiến li ti, như chúng chui ra từ hạt cát đen. Những con kiến nhỏ này lớn dần, tăng trưởng, mang thai, rồi chúng lại đẻ ra trứng nữa.

Mình phải ăn những cái trứng này trước khi chúng nở thành kiến và bò ngập tường. Tôi tự nhủ. Tôi bắt đầu gom trứng lại. Ngoài trời mưa bão và hệ thống cống rãnh có vấn đề. Nước trong bồn dâng ngược lên và tôi chỉ việc vớt những bọt trứng lềnh dềnh trên mặt. Tôi cũng cẩn thận gỡ chúng từ vách tường. Cũng có khi chúng rơi xuống nước và tôi khoắng tay vớt tiếp.

Trong khi tôi gom trứng thì kiến cũng tiếp tục đẻ tiếp.

Tôi nghĩ đến món bánh pa-tê-sô của người đàn bà kia, lời nói bà ta, hành động xoa xoa tay trên má của bà ta, miệng bà ta lúc đó ứa nước bọt ra sao, vẻ rạng rỡ ra sao, cái ngon lan ra hết mặt ra sao… Tôi ứa nước miếng. Tôi thèm cảm giác ngon của bà ta. Tôi không biết làm pa-tê-sô, tôi nghĩ mình có thể chế nó ra món nhậu gì đó để lai rai với rượu. Ăn sống như sushi trứng cá hoặc trộn vào cơm như chirashi của Nhật. Hay như caviar đen muối uống với champagne thì sang. Hay lăn bột như món dòi lúc nhúc chiên của Pháp? Nhưng chiên thì e mất đi mùi vị thật của trứng kiến, chỉ còn vị béo của dầu rán. Thật không gì bằng ăn sống, nhưng tôi không có saké ở đây, sẽ mất ngon đi. Nhưng gì thì gì, phải quyết định nhanh vì kiến không ngừng đẻ trứng và trứng không ngừng nở thành kiến. Đến độ tôi chóng mặt giữa kiến và trứng, không biết nên chọn, nên bắt, nên vớt cái nào.

Tôi khởi sự bắt tay vào việc: xắn tay áo, cho dầu ăn vào chảo, hành ta và tỏi bằm nhuyễn, chảo thật nóng, thả trứng kiến vào. Tôi đang làm món gì đây? Tôi cũng không biết. Chỉ làm theo linh cảm và quán tính. Đảo thật nhanh, trộn đều trứng kiến và tỏi bằm, mùi thơm bốc lên, mỡ bắn vào tay tôi. Có lẽ tôi đang rang muối? Vì vậy nên tôi rắc thêm muối tỏi lên, nêm chút bột ngọt. Trứng từ màu đen giờ chuyển sang vàng rộm. Đổ nhanh ra đĩa, cho vài giọt bơ dậy mùi, rắc thêm hành lá, ngò tiêu. Voilà. Một món nhậu nhanh, tân kỳ, hiện đại, trân quý, giàu chất đạm. Tôi sẽ nhậu với bia. Tôi tìm một trái ớt hiểm và nghĩ giá mà có cà cuống thì tuyệt vì côn trùng đi với côn trùng rất hợp.

Tôi ngồi xuống và chuẩn bị ăn.

Bây giờ tôi mới để ý đến nơi tôi đang ngồi ăn. Luôn luôn không gian quanh bữa ăn rất quan trọng đối với tôi. Thường trước khi ăn, tôi vẫn sắp xếp cho mình một góc ngồi ấm cúng, ngăn nắp, và thoải mái. Bàn ăn luôn phải có hoa tươi, dù chỉ là hoa dại hái ngoài đường, hoặc những nhánh lá xanh ngắt từ vườn. Ngoài bình hoa và thức ăn thức uống, tuyệt nhiên không vương vãi một vật gì khác. Trước khi ăn mà còn một cây bút, một tờ giấy, tôi cũng phải cất ngay. Trên bàn còn dính một vệt ố, một giọt nước thì cũng phải lau đi rồi mới dọn đồ ăn ra. Tôi thừa hưởng cái tính này từ gia đình. Trong nhà, chúng tôi coi việc ăn bằng mắt cũng quan trong không kém ăn bằng miệng. Có những nguyên tắc về cách trình bày một bữa ăn, như hình thức của một nội dung, mà mình không thể nào bỏ qua. Chẳng hạn như: ăn thức nào thì phải dùng đúng loại đĩa chén phù hợp; các thứ gia vị muối, tiêu, mù tạt, tương ớt dùng xong phải để lại ngay vào cái khay gỗ trên bàn, y như ngoài tiệm. Nếu có nhiều món, hễ ăn thứ nào xong thì phải mang ngay đĩa chén ấy vào bếp, để bàn ăn lúc nào trông cũng như mới dọn. Cha mẹ tôi còn kỹ tính đến độ, khi ăn mà lỡ tay nhểu một giọt nước mắm lên bàn, là phải đứng dậy lấy giấy thấm đi, vứt vào thùng rác, rửa tay, rồi mới ngồi ăn trở lại được. Nếu mà có phải nhằn xương, hay bỏ vỏ, thì xương ấy vỏ ấy phải bỏ ngay vào một cái chén, rồi lấy nắp úp đậy lại, thì mới nuốt trôi bữa ăn. Vì cái tính đó nên chúng tôi rất sợ cảnh tượng ăn uống trong các nhà hàng Việt Nam. Các loại tiệm bò bảy món thì khỏi nói: thực khách miệng nhai nhồm nhoàm; tay bốc lia lịa rồi thì nhúng, cuốn, chấm, chùi…; bàn ăn ngổn ngang các thức rau sống, nước, bánh tráng, và các loại nước chấm, mắm nêm, mắm me vương vãi; sàn nhà thì đầy rác và mỗi bước đi đều rin rít mỡ nơi gót giày. Vì vậy sau này chúng tôi chỉ thích ăn ở nhà, và thậm chí mỗi người ăn một mình, để mọi thứ chu đáo theo ý muốn, vì mỗi người lại khó theo một kiểu khác. Tôi nếu có mời ai đến ăn, thì cũng phải cố xuề xòa đi, để người ta đừng để ý hay cho là mình khó quá. Những lúc đó trong lòng tôi rất khổ tâm, vì chỉ ăn một mình thì mới thấy ngon, vừa ăn vừa nghe nhạc êm dịu, đọc một đoạn sách, thỉnh thoảng nhấp một ngụm rượu, ngắm hoa trong bình, và ngẫm nghĩ về toàn thể bữa ăn đang có. Địa điểm ăn và không khí ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong chuyện ăn của tôi, có lẽ cũng quan trọng như không gian viết của nhiều người viết chuyên nghiệp vậy.

Chính vì thế mà tình huống hiện nay làm tôi ngạc nhiên. Cái bàn tôi ngồi, cái phòng tôi ăn, cái bếp tôi nấu, tất cả đều không đạt tiêu chuẩn.

Tôi đang ăn trong một căn phòng rộng, rất rộng, và trơ trọi nữa. Sao lúc này tôi mới để ý. Hay là mãi sau này tôi mới để ý. Tường màu vàng xỉn, tôi tối, kiểu như những căn phòng trong cơ quan, hay trường học. Nói chung, khung cảnh này không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc tôi đã rang trứng kiến, đã xào nấu trong đó, như nó là cái bếp- quả là một hành động thiếu suy nghĩ trong một công sở làm việc. Nó gần với không khí công sở hành chánh vì trần cao, tường trống trơn, có cửa lớn hai cánh mở toang ra ban công và hai cửa sổ cân xứng hai bên. Mọi thứ rất cân đối, và quen thuộc, như sự lập lại của những không gian đồng dạng, như tôi đang ngồi ngay chính giữa phòng, với đĩa thức ăn ngay chính giữa bàn, có món trứng kiến ngay chính giữa cái đĩa, và nhúm rau thơm nằm ngay tâm điểm của trứng kiến. Điều khó chấp nhận là tôi đã nấu nướng tại cái bàn này, với cái lò điện trên bàn. Chung quanh đó còn những giọt dầu ăn bắn lấm tấm, những lát tỏi vụn, những giọt nước mắm, vài vệt bơ chảy, và những viên trứng đen vụn vãi nữa chứ. Cảnh tượng ăn uống này thật là bừa bãi, xấu hổ, thiếu nghệ thuật biết mấy. Nó không xứng đáng với món ăn có một không hai này; và hơn nữa, nó không xứng đáng với chính tôi. Cứ như là ai khác chứ không phải tôi đang ngồi ăn ở đây. Tôi chỉ vô tình mà ghé vào ngồi ở cái bàn này. Chính vì thế mà tôi tưởng mình đang ăn.

Nhưng giải thích sao về cái bọng trứng đang tan chảy trong miệng tôi đây, đang trôi tuột vào bụng tôi cồn cào đây. Giải thích sao về chuyện tôi cắn một miếng ớt xé lưỡi và ngẫm nghĩ: Có phải khi chúng ta ăn một món gì mới lạ thì chúng ta hay liên tưởng đến một thứ khác đã ăn, đã quen thuộc, và làm một so sánh để xác định vị giác? Ví dụ như khi ăn thịt nai lần đầu chúng ta sẽ nghĩ đến thịt bò, ăn thịt chuột và nghĩ đến thịt gà, ăn thịt mèo và nghĩ đến thịt thỏ, ăn rắn độc và nghĩ là cá trê. Tôi đang nhai trứng kiến và tưởng đến các loại trứng cá, trứng cút, trứng ngỗng, trứng con cầu gai, trứng rắn, trứng rùa… Lúc món trứng kiến này còn nằm trong tưởng tượng, nhớ lời người đàn bà nói, ngon hết cái mặt, tôi đoán nó như cảm giác nhột ngứa lan tỏa từ một điểm sang những vùng khác. Nó như một thứ khoái cảm dục tính. Vị giác bùng vỡ rồi túa đi mê man khắp môi, mồm, lợi, và vòm miệng. Ngon lịm chân răng, tê điếng lưỡi, ngon bừng lên nơi cổ họng lúc nuốt xuống và chạy ran theo thực quản. Bất cứ chỗ nào chạm được vào trứng kiến thì chỗ đó đều cảm thấy ngon. Cái ngon sẽ còn đọng lại rất lâu, nó bám vào lớp cơ nhầy hai vách má, nó đóng vào thành ruột, nó chạy lên đầu làm rung động toàn bộ hệ thần kinh. Nó sẽ ghi trong bộ nhớ. Mỗi lần muốn cảm thấy ngon thì chỉ cần nghĩ đến lúc này đây, cái ngon sẽ quay trở lại.

Nhưng đó là chuyện của về sau, còn bây giờ tôi sẽ khó nói về mùi vị của nó. Nó có thể bùi bùi như lòng đỏ, tê ngầy ngậy như trứng bắc thảo, ngọt lịm như nước hột vịt lộn, vỡ tan giữa răng như hạt lựu, nổ lách tách trên lưỡi như những hạt trứng cá mọng nước li ti… Không hẳn, có thể là tất cả mà không là gì, cứ như tôi đang nhai bất cứ một thứ gì, vì quai hàm tôi đang chuyển động, lưỡi tôi lên xuống chạm vào răng, vòm họng tiết nước bọt. Vậy đó, và chỉ vậy thôi, chỉ đơn thuần là vận động cơ hàm, như một con bò ăn cỏ vì nó sinh ra chỉ biết ăn cỏ. Chuyện ăn là một hành vi lạ lùng trong một hoàn cảnh lạ lùng. Tôi hoàn toàn không thể nói thêm về hệ quả của hành động này trong khi có thể miêu tả tất cả mọi thứ chung quanh, mọi thứ dẫn đến hành động ấy.

Và ngay cả mọi thứ sau đó.

Một điều không diễn tả được nằm trong mọi điều hiển nhiên rành mạch khác. Một giọng nói cất lên.

“Ăn thật chậm nhé, nhai thật kỹ, càng lâu càng tốt, kéo dài thời gian thưởng thức đi, để còn nhớ suốt đời.”

Có ai ở trong phòng với tôi không nhỉ. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện này. Hình như họ bắt đầu xuất hiện lúc tôi đang rang bơ món trứng kiến. Họ đến từ cửa sau, đối diện với ban công là nơi tôi đang nhìn ra. Giọng nói nghe rất quen, của kẻ tâm tính vui nhộn, ưa hưởng thụ, biết sống. Giọng nói ngay sau lưng tôi, nồng nhiệt bình phẩm gì đó về cách tôi ngồi ăn uống, đúng là nói với tôi, trong tâm trạng của tôi. Qua âm lượng có thể đo lường khoảng cách giữa tôi đến họ. Người đó nói thêm một câu nữa:

“Kiến vẫn còn đẻ trong kia kìa, chỉ sợ ăn không kịp, ăn gấp gấp lên, kẻo chúng nở thành kiến mất.”

Chỉ trong chưa đầy một phút mà người này đã nói hai câu hoàn toàn trái ngược, phản nghĩa nhau, làm tôi không biết nên trả lời ra sao, phải có thái độ gì. Họ muốn phá đám chuyện ăn ngon của tôi chăng. Tôi tự nhủ, mình nên phớt lờ, cứ tiếp tục nghe tiếng nói mà không thèm quay lại xem kẻ đang nói hình dung ra sao. Như chuyện đương nhiên là chúng ta đã quá biết nhau, không cần ngoái lại nhìn, không cần nhận diện.

Bây giờ việc cần thiết là làm hai điều tương phản nhau, cùng lúc. Không phải do giọng nói đề nghị mà do mệnh lệnh của thời gian và hoàn cảnh, cùng lúc trùng hợp với đề nghị của họ. Bạn sẽ bảo điều này bất khả. Không đâu, nó hoàn toàn có thể thực hiện. Tôi đang làm đây. Tôi vừa ăn chậm rãi, nhai kỹ đến tan thành nước, rút mọi chất béo bổ vào người; vừa ăn nhanh trong tất cả khả năng tiêu thụ. Trứng đẻ đến đâu tôi ăn đến đó. Chỉ cần nhớ là kiến đang đẻ. Trước khi đẻ chúng mang thai. Trước khi mang thai chúng làm tình. Trong căn phòng này, tôi sẽ vừa ăn vừa nhìn chúng trong chu trình đó. Những con kiến đực rụng cánh lả tả. Những con kiến chúa bụng to ễnh lên, phềnh trương. Rồi chúng ì ạch quay vào bồn tắm để sinh nở tiếp. Chuyện ăn của tôi kích thích sinh sản của lũ kiến, làm chúng cật lực đẻ thêm, đẻ thêm nữa. Nhưng cũng không cần thiết phải thế. Ăn hối hả cho kịp tốc độ đẻ thì món này mất ngon. Ăn như thế hết còn là hưởng thụ mà biến ra nhiệm vụ. Đã đành rằng con người cứ phải tiếp tục ăn để chờ chết, nhưng tôi muốn chuyện ăn này có sự chấm dứt ẩn chứa đằng sau khoái lạc, biết rằng sẽ có cái chết của cảm giác, để cảm giác được kích thích hết mức.

“Ngon hết cái mặt chưa?”

Giọng nói đã quay trở lại và hỏi tôi liên tục.

“Ngon hết cái mặt chưa? Ngon hết cái mặt chưa? Ngon hết cái mặt chưa?”

Ôi. Ngon. Ngon lắm. Quá ngon. Tôi rên lên. Rên rỉ hết cỡ vì cái ngon hết xiết này. Muốn thét lên không kềm chế được. Cái ngon đã khống chế tôi, toàn bộ. Tôi bị khuất phục, tôi đầu hàng, tôi bật khóc. Ở ngay cực điểm của ngon.



Câu chuyện này có thể xảy ra với tất cả mọi người. Kiến đã có từ lâu, và chúng vẫn đẻ trứng, và chúng ta đều biết ăn, và chúng ta sẽ ăn món trứng kiến.

Theo các phương pháp định nghĩa sự thật, thì đây là sự thật từ các quan sát dữ kiện, từ sự cố-kết các mối liên hệ tự nhiên. Như sau khi đọc truyện Trailhead của E.O. Wilson, tôi biết một con kiến chúa sẽ sản xuất mười ngàn con kiến thợ trong vòng hai năm, và tốc độ đẻ trứng của nó là mười lăm phút một cái trứng, và nó sẽ đẻ trong suốt thời gian nó sống là hai mươi năm ròng. Sau này tôi còn biết Lào và Thái có món xúp trứng kiến, Mễ có món escamole là trứng kiến ăn với bánh tráng chiên dòn và sốt trái bơ. Người Lào và Thái lấy trứng kiến từ những chạc cây trong rừng, người Mễ lấy từ rễ cây agave là loại xương rồng dùng làm rượu tequila. Trứng kiến của họ màu trắng ngà, khi đang chuyển tiếp từ ấu trùng sang côn trùng, dưới dạng như kén nhộng. Và phải là loại kiến lửa to tướng, hung dữ, có nọc độc.

Không ai lấy trứng kiến từ phòng tắm như tôi. Từ những con kiến tầm thường trong cống rãnh.

Những ngày mưa, phòng tắm của tôi đen kịt màu kiến, màu trứng kiến. Câu chuyện là thế. Sẽ ngon hết cái mặt. Trứng sẽ đầy trong mồm. Kiến sẽ từ não bò xuống miệng và đẻ trứng trong đó. Và mình chỉ có việc nhai và nuốt, ăn sống, nuốt tươi, thưởng thức cho đến chán thì thôi.

Câu chuyện có thật như căn phòng này. Đừng nói rằng tôi đã nhét căn phòng này vào giấc mơ trong đầu.

Đặng Thơ Thơ

ẨN DỤ VÀ THƠ



Những nhà chủ trương ngữ học nhận thức thẳng thừng bài bác quan điểm cho rằng nguồn suối “thật sự” của ẩn dụ xuất phát từ trong văn chương và nghệ thuật. Theo họ, những thiên tài sáng tạo của giới nghệ sĩ không tạo ra hầu hết các ẩn dụ.

Trong lời tựa của cuốn More than Cool Reason: A Field Guide to Poetic Metaphor[1] tập trung bàn về thơ, hai tác giả Lakoff và Turner quả quyết: Dù ngôn ngữ thi ca là những gì hết sức đặc biệt với những thủ pháp và kỹ thuật ẩn dụ, hoán dụ, tuy khác biệt và vượt ra ngoài ngôn ngữ thường ngày, nhưng những nhà thơ lớn, về căn bản, cũng sử dụng cùng một thứ thủ pháp như mọi người. Do đó, ẩn dụ không chỉ dành cho các nhà thơ. Nó nằm ngay trong ngôn ngữ thông thường và là phương cách chính yếu mà chúng ta có để ý-niệm-hóa những ý niệm trừu tượng như cuộc đời, cái chết, thời gian, tình yêu, vân vân.

Hầu hết những ẩn dụ ý niệm căn bản mà ta tìm thấy làm nền tảng cho những bài thơ cũng làm nền tảng cho các diễn đạt bình thường hàng ngày. Chúng vốn sẵn ở đó, nằm rải rác trong nền văn hóa, trong những tư tưởng hàng ngày, ngay cả ở trong những người ít học nhất cho đến những người thông thái. Chúng không phải là sáng tạo độc đáo của cá nhân nhà thơ mà dự phần vào cái mà những thành viên của một nền văn hóa đã ý niệm hóa kinh nghiệm của họ. Nhà thơ, như là một thành viên của cộng đồng văn hóa, tự nhiên sử dụng chúng để truyền đạt đến những thành viên khác. Đó là lý do tại sao người ta có thể hiểu một cách dễ dàng và tự nhiên ý nghĩa của một bài thơ. Cái khác biệt là tài năng và kỹ năng vận dụng chúng. Nhà thơ mở rộng, sáng tạo và cô đọng những ẩn dụ thông thường bằng những phương cách khác thường. Do đó, khác với cách sử dụng ẩn dụ một cách tự động và vô thức như những người bình thuờng, nhà thơ sử dụng ẩn dụ một cách có ý thức và đầy nỗ lực.[2] Mặt khác, do ẩn dụ là vấn đề tư tưởng, nằm ở trong tư tưởng chứ không nằm trong chữ, nên khi phân tích một bài thơ, Lakoff và Turner không quan tâm nhiều đến cách dùng chữ, ý nghĩa của từng câu, từng chữ mà chủ yếu đi tìm những ẩn dụ căn bản chứa đựng trong các câu thơ.

Nếu có một cái gì sai lầm trong truyền thống triết học Tây phương thì cái đó là Lý Thuyết Nghĩa Đen, theo hai ông. Trong hai thiên niên kỷ, lý thuyết đó làm mưa làm gió, định nghĩa ý nghĩa, định nghĩa chân lý, định nghĩa lý trí và loại trừ ẩn dụ và các khía cạnh khác ra khỏi cái mà Mark Johnson gọi là “lý tính tưởng tượng” (imaginative rationality). Nó biến ẩn dụ thành ra một cái gì chỉ để trang hoàng, chỉ thuộc về những nhà thơ và do đó, tác phẩm của các nhà thơ, ngoài việc giải trí, chỉ là một loại trốn chạy, vong thân khỏi đời sống bên ngoài.

Thơ hay ẩn dụ thơ (poetic metaphors), theo hai ông, không hề là một cái gì để trang hoàng mà liên hệ đến những khía cạnh quan trọng và cần thiết của hệ thống ý niệm. Xuyên qua cách sử dụng tài hoa những ẩn dụ, trên đó những hệ thống ý niệm được kiến tạo, nhà thơ chuyển đến những vấn đề sống động nhất của cuộc sống, bằng cách mở rộng, sáng tạo và ngay cả phê phán những ý niệm căn bản mà qua đó, chúng ta hiểu hiện thực. Họ soi sáng thêm những kinh nghiệm mà chúng ta vốn có, thách đố cách chúng ta suy nghĩ về đời sống.

Nhà thơ vừa tưởng tượng lại vừa chân thực, Lakoff và Turner kết luận.[3]



Một số ẩn dụ về Chết, Sống và Thời Gian trong thơ



Có nhiều ẩn dụ diễn tả ý niệm về cái chết và đời sống dựa theo nhiều ý niệm khác nhau: du hành, trò chơi, ngày tháng, cây cỏ, giấc ngủ… đưa ta đến nhiều nhiều hình ảnh, kiến thức, đặc tính, tương quan phức tạp. Sự khác biệt này có thể nhiều hơn, gợi ra rằng dường như bất cứ điều gì cũng có thể hiểu một cách ẩn dụ theo bất cứ điều gì.

Theo Lakoff, không phải vậy. Mặc dầu trí tưởng tượng con người rất phong phú, tưởng chừng như có thể tạo nên và hiểu được cả những kết hợp kỳ quặc nhất, thực ra, chỉ có những ẩn dụ tương đối căn bản về cái sống và cái chết như là một phần trong nền văn hóa. Và có những hạn chế nghiêm ngặt. Ví dụ ẩn dụ “NGƯỜI LÀ CÂY CỎ” (People Are Plants) cho ta biết cái chết có thể nhân cách hóa như cây, nhưng không phải tất cả những gì liên hệ đến cây đều có thể sử dụng được. Ta cứ tưởng là có đến hàng trăm cách khác nhau để làm nên ẩn dụ, nhưng con số những ý niệm ẩn dụ căn bản rất giới hạn. Điều này cho ta một nhận định quan trọng về bản chất của sự sáng tạo: nhà thơ phải sử dụng những nguồn ý niệm và ngôn ngữ họ được ban cho. Họ có thể sáng tác, diễn tả bằng những cách mới, nhưng họ phải sử dụng những gì có sẵn trong nền văn hóa. Nếu không như thế, họ không thể truyền đạt được, vì người đọc không hiểu.[4]

Sau đây là một số ẩn dụ căn bản về Chết, Sống và Thời Gian được tìm thấy trong một số câu thơ:



· CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH (Life Is A Journey)

In the middle of life’s road/I found myself in a dark wood (Dante)

(Tạm dịch: Ở giữa con đường đời/Tôi thấy mình ở trong một rừng tối)

· CHẾT LÀ RA ĐI (Death Is Departure)

You know how little while we have to say/And, once departed, may return no more. (Edward Fitzgerald)

(Bạn biết là chúng ta chẳng còn bao lâu nữa để nói/Và, một khi đã ra đi, có lẽ không còn trở lại)

· MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NGÀY (A Lifetime Is A Day)

Suns can set and return again,/But when our brief light goes out,/There’s one perpetual night to be slept through (Catullus)

(Mặt có thể trời lặn rồi mọc lại/Nhưng khi ánh sáng ngắn ngủi của chúng ta tắt đi/Là ngủ một đêm dài vĩnh cửu)

· CHẾT LÀ ĐI ĐẾN TRẠM CUỐI CÙNG (Death Is Going To A Final Destination)

How gladly would I meet/Mortality, my sentence, and be earth/Insensible! How glad would lay me down/As in my mother’s lap (John Milton)

(Thú biết bao tôi được gặp/Bản án Chết của tôi, và về với đất/

Mê man! Thú biết bao được nằm xuống/Như đã từng nằm trong lòng mẹ)

· ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NĂM; CHẾT LÀ MÙA ĐÔNG (A Lifeyime Is A Year; Death Is Winter)

When the snows begin, and the blasts denote/I am nearing the place. (Robert Browning)

(Khi tuyết bắt đầu, và gió trổi lên/Là lúc tôi gần đến nơi)

· CHẾT LÀ NGỦ (Death Is Sleep)

For what is Death but an eternal sleep? (Aristophanes)

(Chết là gì nếu chẳng là một giấc ngủ vĩnh cửu?)

· SỐNG LÀ CÒN CHẤT LỎNG TRONG CƠ THỂ; CHẾT LÀ MẤT CHẤT LỎNG (Life Is Fluid In The Body; Death Is Loss Of Fluid)

In headaches and in worry/Vaguely life leaks away (W.H. Auden)

(Trong những cơn đau đầu và trong nỗi lo/Đời âm thầm rò rỉ)

· ĐỜI LÀ MỘT VỞ KỊCH (Life Is A Play)

All the world’s a stage/And all the men and women merely players/They have their exits and their entrances/And one man in his time plays many parts.

(Shakespeare)

(Cả thế gian chỉ là một sân khấu/Và mọi người chỉ là những kịch sĩ/Họ ra họ vào/Và trong đời mình một người đóng nhiều vai)

· ĐỜI LÀ TÙ TỘI, CHẾT LÀ GIẢI THOÁT (Life Is Bondage; Death Is Deliverance)

Then, with no throbs of fiery pain/No cold gradations of decay/Death broke at once the vital chain/And freed his soul the nearest way (Johnson)

(Rồi chẳng còn những cơn đau buốt/Chẳng còn những đổi thay lạnh lùng của tàn tạ/Cái Chết phá tan ngay xiềng xích sống/Và giải thoát linh hồn hắn bằng lối đi gần nhất)

· THỜI GIAN LÀ THẰNG ĂN CẮP (Time Is A Thief)

Time bears away all things, even the mind (Virgil)

(Thời gian cuốn đi mọi thứ, kể cả linh hồn)

· THỜI GIAN LÀ TÊN PHÁ HOẠI (Time Is A Destroyer)

Does it really exist, Time, the destroyer?/When will it crush the fortress on the peaceful height? (Rainer Maris Rilke)

(Thời gian, tên phá hoại, có thực sự hiện hữu?/Khi nào thì hắn sẽ đè bẹp chiếc pháo đài trên đỉnh bình yên?)

· THỜI GIAN LÀ NGƯỜI ĐUỔI BẮT (Time Is A Pursuer)

But at my back I always hear/Time’s winged chariot hurrying near (Marvell)

(Nhưng tôi luôn nghe sau lưng tôi/Chiếc xe thời gian có cánh vội vã đến gần)

Để hiểu rõ hơn tài năng vận dụng những ẩn dụ thông thường về Chết và Sống vào thơ, Lakoff và Turner giới thiệu bài Sonnet 73 (ở đây chỉ xin trích hai khổ đầu gồm tám câu) và đi tìm những ẩn dụ căn bản chứa đựng trong đó.[5]



SONNET 73

That time of year thou mayst in me behold
When yellow leaves, or none, or few, do hang
Upon those boughs which shake against the cold,
Bare ruin’d choirs, where late the sweet birds sang.
In me thou seest the twilight of such day
As after sunset fadeth in the west,
Which by and by black night doth take away,
Death’s second self, that seals up all in rest. (Shakespeare)

(Tạm dịch: Trong tôi, bạn có thể nhìn thấy thời gian một năm/Khi chỉ còn ít lá vàng hay chẳng còn gì /Trên những cành cây, run rẩy vì giá lạnh/Nơi mới đây vang lên những tiếng hát ngọt ngào của dàn hợp xướng nhà thờ mà bây giờ chỉ là những đổ nát điêu tàn/Trong tôi, bạn có thể nhìn thấy chỉ còn sót lại chút ánh sáng tờ mờ/Sau khi mặt trời đã lặn phía trời tây/Bóng đêm đen đã mang đi tất cả/Bóng dáng của cái chết phủ kín mọi vật nằm yên bất động.)

Bốn câu thơ đầu gợi ra ẩn dụ NGƯỜI LÀ CÂY CỎ (People Are Plants): lá vàng và cành cây là ý niệm về “Cây”; “trong tôi” (in me) gợi ý niệm về Người.

Ý tưởng “Bare ruined choirs” (những dàn hợp xướng tàn tạ trơ trụi) để diễn tả cành cây gợi lên sự chồng hình ảnh của ban hợp xướng nhà thờ lên hình ảnh của cành cây; các hàng người đứng hát tương ứng với những cành cây và những người ca sĩ tương ứng với những con chim. Đồ chiếu ban hợp xướng lên cái cây và qua đó, lên người đàn ông khiến cho người đàn ông được nhìn xuyên qua ban hợp xướng: ban hợp xướng một thời đầy tiếng hát, sinh động thì bây giờ trở nên đổ nát, tàn tạ như người đàn ông đã từng mạnh khỏe, cường tráng bây giờ già yếu, gầy gò. Hình ảnh đó gợi nên ẩn dụ MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NĂM (A Lifetime Is A Year).

Hai câu năm và sáu chỉ rõ ẩn dụ MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NGÀY (A Lifetime Is A Day).

Hai câu bảy và tám là một tổng hợp đồng thời của nhiều ý niệm ẩn dụ về ánh sáng, đời sống, cái chết và đêm tối, được phân tích như sau:

Ánh sáng được hiểu như một thứ vật chất (substance) có mặt rồi biến mất vào buổi chiều như bị một tác nhân (agent) nào đó lấy đi; đó là ẩn dụ ÁNH SÁNG LÀ MỘT CHẤT CÓ THỂ BỊ LẤY ĐI (Light Is A Substance That Can Be Taken Away).

Mặt khác, đời sống thường được nhìn một cách ẩn dụ như ánh sáng, đồng thời cũng như một tài sản, nên ta có ẩn dụ: ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT TÀI SẢN QUÝ GIÁ (Life Is A Precious Possession). Vì đời sống là một tài sản nên cái chết được hiểu như mất tài sản. Nếu hiểu chết như là một hành vi (action), thì cái chết là một tác nhân lấy đi ánh sáng, tức là lấy đi tài sản, lấy đi đời sống.

Ban đêm được hiểu một cách ẩn dụ như cái gì che dấu, bao phủ và vì bao phủ nên khiến cho không nhìn thấy sự vật. Bao phủ một cái gì cũng là đóng kín lại (seal), đậy lại như người chết thì được đóng kín trong hòm, và chôn cất. Vì thế ta có ẩn dụ: ĐÊM LÀ MỘT TẤM MÀN CHE (Night Is A Cover).

Nói đến đêm cũng là nói đến nghỉ ngơi, tức là trạng thái nghỉ ngơi (state of rest), mà trạng thái là một cái gì ta có thể vào bên trong, y như vào một chỗ để nghỉ. Vì thế ta có ẩn dụ: TRẠNG THÁI LÀ NƠI CHỐN (States Are Locations).

Ngoài ra, chết còn được hiểu như là một cách yên nghỉ, yên nghĩ trong cõi vĩnh hằng, nên ở đây còn bao gồm thêm một ẩn dụ nữa: CHẾT LÀ YÊN NGHỈ (Death Is Rest).

Chỉ trong tám câu của “Sonnet 73”, với cách phân tích rất đặc thù theo quan điểm ẩn dụ ý niệm, Lakoff và Turner tìm thấy đến tám ẩn dụ ý niệm đan xen nhau. Tóm lại, qua các câu thơ trích dẫn, Lakoff và Turner tìm ra từ trong chúng những ẩn dụ ý niệm căn bản, những ẩn dụ vốn không xa lạ gì với cách nói bình thường. Thơ chỉ là một cách tái cấu trúc những ẩn dụ căn bản hàng ngày như thế.

Ẩn dụ hình ảnh

Tuy nhiên, khác với cách nói khẳng định ngay từ lúc đầu trong Metaphors We Live By (cho rằng ẩn dụ là ý niệm trong bản chất), trong khi bàn về thơ, Lakoff (cùng với Turner) tìm thấy rằng, ngoài những ẩn dụ ý niệm, còn có những “ẩn dụ thoáng qua” (fleeting metaphors), chỉ giới hạn trong một lần đồ chiếu (one-shot). Những ẩn dụ này “không đồ chiếu ý niệm mà đồ chiếu hình ảnh” và được mệnh danh là “ẩn dụ hình ảnh” (image metaphors).[6] Đồ chiếu hình ảnh dựa trên sự tương tự về mặt vật lý, đó là một sự phóng rọi về mặt hình thể của sự vật này trên sự vật khác.

Lakoff và Turner đưa ra một bài dân ca của thổ dân để minh họa cho ẩn dụ hình ảnh:[7]

Now women rivers/belted with silver fish/move unhurried as women in love/at dawn after a night with their lovers

(Tạm dịch: Những giòng sông nữ/thắt quanh lưng bằng bầy cá bạc/lững lờ trôi như những phụ nữ đang yêu/thức dậy lúc bình minh sau một đêm dài ân ái)

Trong đoạn thơ này, người ta không tìm thấy một ý niệm nào, mà chỉ tìm thấy hình ảnh. Đó là hình ảnh của một phụ nữ thổ dân chầm chậm bước đi được đồ chiếu vào hình ảnh lờ đờ của một giòng sông phản chiếu ánh sáng vào lúc rạng đông. Hình ảnh lấp lánh của bầy cá bơi lượn trên sông được hình dung như một cái thắt lưng.

Đồ chiếu hình ảnh hoạt động cùng một quy cách như đồ chiếu ý niệm, nghĩa là bằng cách đồ chiếu cơ cấu của một lãnh vực này (nguồn) vào cơ cấu của một lãnh vực khác (đích). Nhưng thế nào gọi là hình ảnh? Hình ảnh ở đây, theo Lakoff và Turner là hình ảnh tinh thần. Có hai loại cấu trúc hình ảnh tinh thần: cấu trúc “thành phần-toàn thể” và “cấu trúc đặc trưng” (attribute structure). Cấu trúc thành phần-toàn thể là cấu trúc trong đó có sự tương quan giữa thành phần và toàn thể chẳng hạn như giữa mái nhà và nhà, hay giữa tấm bia mộ và ngôi mộ. Cấu trúc đặc trưng bao gồm những “sự vật” như màu sắc, cường độ ánh sáng, hình thể…Sự hiện hữu của những cấu trúc như thế trong hình ảnh ý niệm của chúng ta cho phép một hình ảnh này có thể đồ chiếu vào hình ảnh khác dựa theo cấu trúc của chúng.

Một đoạn khác từ bài dân ca nói trên:

Slowly slowly rivers in autumn show/sand banks/bashful in first love woman/showing thighs (tạm dịch: Những giòng sông mùa thu dần dần bày ra/những bờ cát/bẽn lẽn như người đàn bà lần đầu biết yêu/để lộ cặp đùi mình).

Ở đây, có sự đồ chiếu giữa con sông và người phụ nữ trong đó những nét đặc trưng cũng được đồ chiếu: màu cát/màu da; độ ánh sáng trên cát ướt/độ sáng của nước da; ánh sáng lướt qua trên mặt nước đang rút xuống/ánh sáng lướt qua trên áo quần. Ngoài ra, cấu trúc thành phần-toàn thể cũng được đồ chiếu: nước phủ phần bờ sông đồ chiếu vào phần áo quần che phủ thân thể người phụ nữ.

Ẩn dụ hình ảnh dồi dào về chi tiết nhưng không giàu kiến thức và giàu cơ cấu để suy ra như trong ẩn dụ ý niệm. Vì thế, trong lúc đồ chiếu ý niệm được sử dụng một cách vô thức nhiều lần trong đời sống hàng ngày, thì đồ chiếu hình ảnh ngược lại, không dính dáng đến đời sống hàng ngày, nghĩa là không có tính cách quy ước. Chúng chỉ được tìm thấy trong thơ. Nhưng Lakoff và Turner cho rằng ẩn dụ hình ảnh giúp thúc đẩy và tăng cường ẩn dụ ý niệm. Vì đồ chiếu hình ảnh này vào hình ảnh khác hướng dẫn ta đồ chiếu “kiến thức quy ước về hình ảnh đầu tiên” vào “kiến thức về hình ảnh thứ hai”. Cũng như trong ẩn dụ ý niệm, ở đây, chữ không đóng một vai trò nào. Chúng chỉ “thúc đẩy” người đọc đồ chiếu hình ảnh này đến hình ảnh khác “ở tầm mức ý niệm”, theo hai ông.

Tuy nhiên, cũng theo hai ông, nhà thơ có thể phá vỡ sự liên hệ đó bằng cách xáo trộn cách đồ chiếu. Điều này được tìm thấy trong những bài thơ siêu thực. Sau đây là đoạn mở đâu của bài thơ “Union libre” (1931) được xem như là một trong những bài mở đầu cho trào lưu siêu thực trong thơ, do David Antin dịch sang tiếng Anh:

My wife whose hair is a brush fire
Whose thoughts are summer lightning
Whose waist is an hour-glass
Whose waist is the waist of an otter caught in the teeth of a tiger


(Tạm dịch: Vợ tôi mà tóc nàng là một đám cháy bụi bờ/những ý nghĩ nàng là tia chớp mùa hè/ eo nàng là một chiếc đồng hồ cát/eo nàng là eo con rái cá nằm giữa răng một con cọp)

(André Breton/Free Union)[8]

Những con chữ trong bài thơ thúc đẩy ta thực hiện những đồ chiếu hình ảnh, tuy nhiên những đồ chiếu này không phải là những đồ chiếu quy ước. Rất khó tìm thấy ngay đồ chiếu giữa hình ảnh của mái tóc (hair) và hình ảnh của một đám cháy nhỏ (brush fire) hay đồ chiếu giữa hình ảnh của tia chớp (lightning) và hình ảnh của tư tưởng (thoughts). Theo hai ông, vì những đồ chiếu này không quy ước, nên cùng một bài thơ siêu thực, mỗi độc giả có thể có những cách đọc và cách giải thích khác nhau với mục đích làm cho chúng ta thăm dò từ đầu những cách nhìn và cách suy nghĩ mới. Chẳng hạn có thể nhìn thấy những sợi tóc tương tự như những chóp ngọn lửa lung linh; cũng có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời lấp lánh trên mái tóc tương tự như hình ảnh nhấp nháy của ngọn lửa trên bụi cây, vân vân. Do nhìn thấy cái tương tự mà người ta có thể đồ chiếu hình ảnh này vào hình ảnh kia. Phần quan trọng của thơ siêu thực là giúp độc giải kinh qua một quá trình kiến tạo tưởng tượng. Một bài thơ siêu thực có thể bắt đầu bằng một đồ chiếu hình ảnh quy ước nhưng rồi sẽ vượt ra ngoài quy ước, theo hai ông.[9]

Ngoài ẩn dụ hình ảnh, Lakoff và Turner còn đề cập đến một loại ẩn dụ khác được gọi là ẩn dụ “sơ đồ hình ảnh” (image schema metaphors). Khác với hình ảnh, sơ đồ hình ảnh, như tên gọi, là những sơ đồ, nghĩa là những cơ cấu có tính cách tổng quát, ví dụ như các khoảng không gian có biên giới, các lối đi, những tiếp điểm, hay những định hướng như lên-xuống, trước-sau, trung tâm, ngoại biên…Để chỉ định những sơ đồ như vậy, người ta sử dụng những giới từ như in, out, to, from, along trong tiếng Anh (hay trong tiếng Việt như: trong, ngoài, từ, dọc theo…). Thỉnh thoảng, ta có thể đồ chiếu loại hình ảnh sơ đồ này vào những hình ảnh khác chẳng hạn như hình ảnh của một ngôi nhà, một nhà để xe, hay đường viền của một vùng đất trên bản đồ. Nhưng ta cũng có thể đồ chiếu nó vào những lãnh vực đích trừu tượng như tình yêu, quyền hành và do đó, tạo ra những ẩn dụ sơ đồ hình ảnh: fall in love, out of power, out of order…(tiếng Anh) hoặc: sống tronghạnh phúc, ra khỏi quyền hành, lên đài danh vọng, đi trong tăm tối, đường vào tình yêu…(tiếng Việt)

Ẩn dụ hình ảnh khác ẩn dụ sơ đồ hình ảnh. Những ẩn dụ hình ảnh đồ chiếu những hình ảnh tinh thần phong phú vào những hình ảnh khác. Ẩn dụ sơ đồ hình ảnh không phong phú, Trong lãnh vực vật lý, nhưng sơ đồ hình ảnh có hai vai trò: Một là, chúng cung cấp cấu trúc cho những hình ảnh tinh thần. Chẳng hạn như giòng nước chảy ra từ một cốc nước có thể đồ chiếu vào một lối đi đến vùng đất chết vì chúng chia xẻ cấu trúc sơ đồ hình ảnh của một lối đi xuất phát từ một không gian có biên giới. Hai là, sơ đồ hình ảnh có một cơ cấu nội tại cho phép lý luận về không gian: nếu x ở trong A, mà A ở trong B, vậy x ở trong B.

Dù đồ chiều hình ảnh cũng như đồ chiếu sơ đồ hình ảnh chiếm một phần nhỏ và không được nhấn mạnh nhiều, nhưng đóng một vai trò quan trọng trong việc phân tích và tìm hiểu ẩn dụ trong thơ của các tác giả chủ trương ẩn dụ ý niệm. Có thể nói, đưa thêm ẩn dụ hình ảnh vào trong việc phân tích thơ đã giúp cho những nhà chủ trương khỏi lâm vào bế tắc (nếu chỉ sử dụng ẩn dụ ý niệm) khi đối diện với tính sáng tạo vô cùng phong phú trong thơ.

Cơ cấu ẩn dụ trong một bài thơ
Để hiều rõ hơn ẩn dụ ý niệm và ẩn dụ hình ảnh chứa đựng trong một bài thơ, ta hãy theo dõi cách phân tích của Lakoff và Turner qua bài thơ The Jasmine Lightness of the Moon của William Carlos Williams sau đây.[10] Trong phần trình bày sau, tôi kèm theo một đồ hình minh họa cách diễn tả chứa đựng trong bài thơ.[11]

The Jasmine Lightness of the Moon
( To A Solitary Disciple)
Rather notice, mon cher,
that the moon is
tilted above
the point of the steeple
than that its color
is shell-pink.

Rather observe
that it is early morning
than that the sky
is smooth
as a turquoise.

Rather grasp
how the dark
converging lines
of the steeple

meet at a pinnacle—
perceive how
its little ornament
tries to stop them—

See how it fails!
See how the converging lines
of the hexagonal spire
escape upward—
receding, dividing!
—sepals (như những lá đài
that guard and contain

Observe
how motionless
the eaten moon
lies in the protective lines.
It is true:
in the light colors
of the morning

brown-stone and slate
shine orange and dark blue

But observe
the oppressive weight
of the squat edifice!
Observe
the jasmine lightness
of the moon.

(Tạm dịch: Này bạn, hãy đển ý đến ánh trăng chênh chếch trên nóc tháp chuông hơn là màu hồng nhạt của nó/Hãy nhận thấy buổi sáng tinh sương hơn là bầu trời trơn nhẵn như hòn đá màu lam ngọc/Hãy nắm bắt cách mà những đường hội tụ sẫm màu giao nhau tại đỉnh tháp – hãy nhận biết cách mà vật trang hoàng nhỏ cố chận chúng lại – Thấy nó thất bại như thế nào! – Hãy nhìn những đường hội tụ của cái chóp nhọn hình lục giác vượt thoát lên trên – rồi xa dần, tách ra!- những lá đài canh giữ và bao bọc bông hoa!/ Hãy nhìn xem mảnh trăng khuyết nằm bất động trong những đường hộ vệ. Sự thật là: trong màu sắc nhợt nhạt của buổi sáng/đá nâu và đá phiến/lóe lên màu cam và xanh thẫm/Nhưng hãy nhìn xem cái nặng nề ngột ngạt của ngôi nhà thờ thô tháp! Hãy nhìn xem cái nhẹ nhàng thơm tho của ánh trăng.)



Mới thoạt nhìn, bài thơ dường như chẳng có nhiều ẩn dụ. Nhưng đọc kỹ, Lakoff và Turner nhận thấy ẩn dụ nằm ngay ở những câu thơ đơn giản nhất. Cần đọc kỹ, vì một số ẩn dụ vốn là ẩn dụ quy ước căn bản mà người ta thường sử dụng một cách tự động, vô thức.[12]

Đoạn 2: the sky/is smooth/as a turquoise. (Bầu trời trơn nhẵn như một (hòn đá) lam ngọc). Ở đây, có một ẩn dụ căn bản: NHÌN LÀ TIẾP XÚC (Seeing Is Touching = thị giác là xúc giác), nghĩa là đôi mắt được hiểu như là tay chân tiếp xúc và tri giác được cái mà chúng ta đụng chạm, sờ mó, chẳng hạn như trong những cách nói: Đôi mắt nàng phân biệt được từng chi tiết trang trí trong căn nhà mới của nàng/Anh ta không thể nào rời mắt khỏi khuôn mặt đẹp đẽ của nàng/Đôi mắt họ gặp nhau…

Ẩn dụ NHÌN LÀ TIẾP XÚC đồ chiếu bề mặt sờ mó được của hòn đá phẳng phiu (turquoise) vào bề mặt liên tục đều đặn của bầu trời không mây. Ẩn dụ này là chiếc cầu nối cho phép ta nối kết giữa bề mặt sờ mó được (xúc giác) của màu lam ngọc (của hòn đá) với bề mặt nhìn thấy của bầu trời một cách tự động, không cần một cố gắng nào. Khi chúng ta đưa ngón tay sờ lên một cái gì đó nhẵn như trên mặt một hòn đá lam ngọc, không có gì ngăn cản chuyển động liên tục. Tương tự như thế, khi chúng ta nhìn một bầu trời xanh không mây, không có gì ngăn cản cái nhìn của mình.

Đoạn 3: …the dark / converging lines / of the steeple / meet at the pinnacle (những đường nét hội tụ tối của cái tháp chuông gặp nhau tại đỉnh cao chót vót). Đây là cách nói thông thường của hai đường thẳng “gặp nhau”, “hội tụ” khi chúng di chuyển. Chẳng hạn như người ta nói: con đường chạy một đoạn rồi tách ra làm hai/hàng rào hạ thấp xuống rồi lại nhô lên song song với khu đất/mái nhà nghiêng xuống…Đây thuộc loại ẩn dụ quy ước: HÌNH THỂ LÀ CHUYỂN ĐỘNG (Form Is Motion). Ẩn dụ chuyển một sơ đồ tĩnh sang một sơ đồ động, trong đó một hình thể được hiểu theo chuyển động vạch ra hình thể đó. Khi một vật thể chuyển động, nó có một xung động và có thể tạo ra một lực trên bất cứ vật gì nó đi qua.





Trong đoạn 3, nhà thơ mô tả các đường nét không chỉ chuyển động mà cố vượt thoát lên phía bầu trời (converging lines…escape upward) trong lúc vật trang hoàng trên đỉnh tháp cố chận lại (little ornement tries to stop them), nhưng không được, cuối cùng các đường nét tiếp tục chuyển động và rồi xa dần và tách ra hai ngả.

Trong những đoạn thơ kế tiếp, tác giả sử dụng nhiều ẩn dụ hình ảnh.

Đoạn 4: hình ảnh của bông hoa được đồ chiếu vào hình ảnh của mặt trăng, với những đài hoa được đồ chiếu vào những đường nét vượt thoát khỏi tháp chuông nhà thờ.

Đoạn 5: đồ chiếu hình ảnh mặt trăng bị “ăn bớt” (eaten moon); đó là hình dáng của một vật gì bị ai cắn mất một miếng.

Đoạn 6: hình ảnh màu đá nâu (brown-stone) và xám đen (slate)của kiến trúc nhà thờ được đồ chiếu vào màu da cam của mặt trời (orange) và màu xanh đậm của bầu trời (dark blue) buổi sáng.

Đoạn 7: tương phản giữa hình ảnh nặng nề (oppressive weight) của nhà thờ và mặt trăng nhẹ nhàng trôi lơ lửng trong bầu trời (jasmine lightness of the moon). Đoạn này vừa là hoán dụ “thành phần thay cho toàn thể” TÒA NHÀ THAY CHO ĐỊNH CHẾ (The Building Stands For The Institution) vừa là ẩn dụ KHÓ KHĂN LÀ GÁNH NẶNG (Difficulties Are Burdens). Ẩn dụ này gắn liền với một vài ẩn dụ khác như: MỤC ĐÍCH LÀ NƠI ĐẾN (Purposes Are Destinations), KIỂM SOÁT LÀ Ở TRÊN (Control Is Up) và BỊ KIỂM SOÁT LÀ BỊ ĐÈ XUỐNG DƯỚI (Being Controlled Is Being Kept Down).

Như thế, bài thơ chứa nhiều ẩn dụ ý niệm và ẩn dụ hình ảnh khác nhau. Nhìn bài thơ như một toàn thể, nó có một lãnh vực nguồn và một lãnh vực đích. Lãnh vực nguồn liên quan đến hình dạng bên ngoài của một ngôi nhà thờ; lãnh vực đích liên quan đến yếu tính của tôn giáo. Người môn đệ phải hiểu yếu tính của tôn giáo (đích) một cách ẩn dụ theo cách nhìn vào một ngôi nhà thờ đặc thù trong một khung cảnh đặc thù (nguồn). Yếu tính đó là cái thiêng liêng, cái cao cả. Cái thiêng nằm trên cái tục. Chỉ nhìn vào định chế của giáo hội (qua hình ảnh vững chắc của ngôi nhà thờ) mà không chú ý đến ánh trăng ở trên bầu trời là một điều sai lầm. Mặt trăng ở đây tượng trưng cho sự tự do, không gì có thể kéo nó xuống được.

*

Đó là cách lý giải điển hình một bài thơ theo quan điểm của ẩn dụ ý niệm. Phân tích một bài thơ, như thế, không phải là đi tìm ý nghĩa toát lên từ bài thơ qua cách sử dụng câu, chữ trong một cấu trúc nghệ thuật, cũng không phải là vần điệu, cũng không phải là vấn đề cảm xúc…mà là đi tìm những ý niệm chung ẩn chứa đàng sau những con chữ. Ngôn ngữ chỉ là vỏ bên ngoài của những ý niệm quy ước vốn là nên tảng của mọi nhận thức và hành động của con người nói chung.

Thơ, rốt cuộc, chỉ là một hình thức thể hiện ý niệm có sẵn, điều mà ta có thể tìm thấy ở bất cứ hình thức diễn đạt ngôn ngữ nào. Các khái niệm như “nên thơ”, “sáng tạo”…không có chỗ đứng trong quan điểm “ẩn dụ ý niệm”.

Trần Hữu Thục



[1]George Lakoff và Mark Turner, More than Cool Reason: A Field Guide to Poetic Metaphor, (MTCR) The Universiy of Chicago Press, Chicago 1989, Lời Tựa

[2] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 52,53

[3] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 215

[4] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 26

[5] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 26-30

[6] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 89 (xem phần “Image Metaphors”, tr. 89-96)

[7] MTCR, Phần đã dẫn, tr. 91

[8] MTCR, pđd, tr. 93. Bài thơ này do David Antin dịch sang Anh văn từ bài thơ “Union libre” (1931) của André Breton. Phần tiếng Pháp đoạn trên như sau: Ma femme à la chevelure de feu de bois/Aux pensées d’éclairs de chaleur/A la taille de sablier/
Ma femme à la taille de loutre entre les dents du tigre …(xem ở: http://www.bacdefrancais.net/union-libre-breton.php)

[9] MTCR, tr. 94, 95

[10] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 140-159. Lưu ý: các con số 1,2,3…ghi trong bài thơ là do tôi thêm vào để phân biệt các khổ thơ, thay vì để các khoảng trống (space).

[11] Đồ hình minh họa lấy ở: http://bbs.chinadaily.com.cn/thread-597023-1-1.html

[12] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 141

Huyền thoại cây sồi già và người đàn ông duy nhất





Trịnh Cung, Cây sồi (bức #10)


LTS: Trong những ngày lang thang ở thành phố Arcadia, California vừa qua, họa sĩ Trịnh Cung đã phát hiện những cây Sồi ở đây mang dáng dấp con người một cách kỳ bí. Chúng đã gây ám ảnh và xúc cảm mạnh khiến ông đã vẽ và viết về chúng. Một trong những bức vẽ bằng chì than ấy, có bức số 9, Trịnh Cung đã dành riêng tặng cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khi biết bạn mình đang lâm bệnh ngặt nghèo như một lời cầu nguyện tốt đẹp cho nhà văn. Và với “Huyền Thoại Cây Sồi Già và Người Ðàn Ông Duy Nhất,” dùng hình thức của chuyện cổ tích, Trịnh Cung mô tả cây Sồi như một biểu tượng của sự sinh tồn bất diệt, của tự do và yêu thương thủy chung dù trong bão tố, trong địa chấn hay trong khốn cùng. Với chúng ta, cây Sồi cũng là văn chương và nghệ thuật, luôn đưa chúng ta vượt thoát như cây Sồi già kia đã đưa gã đàn ông duy nhất sống sót đến một Arcadia khác. Nguyễn Xuân Hoàng chẳng phải là gã đàn ông đó hay sao?


Truyền thuyết rằng, thủa xa xưa, hằng ngàn năm, Arcadia là một địa đàng bên xứ Hy Lạp, đã trở nên hoang vắng khi chỉ sau một đêm, ngay lúc thức dậy, bọn đàn ông phát hiện những người đàn bà và trẻ con của họ đã đồng loạt biến đi đâu mất. Hoảng loạn, họ bỏ mọi công việc, túa ra khắp nơi đi tìm. Nhiều ngày sau, chỉ còn một ít trở về trong rách rưới tuyệt vọng. Ngôi làng xinh đẹp của họ cũng không còn lại gì kể cả ngọn núi San Gabriel luôn xanh mầu ngọc lục bảo với đỉnh nhọn quanh năm phủ tuyết, ngoại trừ vật duy nhất còn lại là một cây Sồi già trưởng lão giúp họ nhận ra chốn quê nhà trước kia.

Bọn họ thật hoang mang, không biết mình sẽ tiếp tục cuộc sống quanh gốc Sồi già này hay lại ra đi tìm nơi cư trú mới. Chưa kịp định thần, bất ngờ, một trận cuồng phong ập đến, cây Sồi già run lên bần bật, lá bị tuốt sạch chỉ còn lại cành nhánh như hàng trăm cánh tay chơi vơi cầu cứu vô vọng. Tất nhiên, những gã đàn ông khốn khổ kia cũng bị chung số phận của những chiếc lá Sồi đáng thương ấy. Và may mắn thay, trên thân những cành nhánh ấy của cây Sồi còn sót lại một gã trai trẻ đang bị đu đưa như một con sóc, là kẻ sống sót duy nhất vì nhờ không chịu nổi cơn đói, hắn đã lặng lẽ leo lên để phỗng tay trên những quả Sồi ít ỏi trong lúc đồng bọn đang còn bùm xúm bàn tán tìm cách nào để sống cho những ngày mai rất mù mịt.

Nhưng, sau khi trận cuồng phong đi qua, hắn chưa kịp tuột xuống tới chân gốc Sồi, đất chung quanh bỗng nứt từng vệt dài và sâu, rồi lan đi thật nhanh khắp vùng. Chỉ ít phút sau, từ những khe đen hun hút sâu ấy, nước vụt bắn lên như hằng trăm vòi phun vừa kỳ ảo vừa hãi hùng. Hắn lại leo lên trở lại và leo lên thật cao vì nước đã dâng, càng lúc càng cao, tràn ngập mênh mông.

Cuối cùng cây Sồi già kia cũng đổ xuống như một con voi Mammoth đột quỵ vì kiệt sức. Nhưng lại không nằm chết một chỗ như con vật đến giờ tận số kia, cây Sồi lại nổi lên như một con tàu và trôi đi, trôi đi về phía biển xa mang theo chàng thanh niên sống sót duy nhất của địa đàng Arcadia.

Từ đó, hàng ngàn năm sau, ở nước Mỹ xa xôi, trước khi Christopher Columbus tìm đến miền đất tân thế giới này, cây Sồi đã xuất hiện bên dòng sông Mississippi vĩ đại, giữa những cánh đồng mênh mông vùng Iowa và trên những ngọn núi chạy dài như vộ tận ở California… Cũng từ đầu năm 1863 là năm Tổng thống Lincoln của Mỹ ra lời tuyên bố Giải Phóng Nô Lệ, dưới gốc cây Sồi già 800 năm ở Virginia, cộng đồng người da đen đã quây quần hân hoan đón mừng số phận mới. Rồi ngày nay ở đây, cây Sồi đã trở thành biểu tượng của Tự Do, của sự sinh tồn bất diệt giữa con người và thiên nhiên.

Và cũng từ đó, dưới bóng những cây Sồi kia, luôn là điểm hẹn của tình yêu nồng cháy, thủy chung và câu chuyện về người đàn ông trôi dạt cùng cây Sồi già năm xưa đi tìm lại người đàn bà của mình hay đi tìm một quê hương mới cũng đã được viết từ một trong những gốc Sồi ấy.

Trịnh Cung

CUỘC TRẦN AI

Henri-Matisse-The-Piano-Lesson1
Henri Matisse, Bài học đàn piano



ngày kế ngày trờ tới
khề khà một vài chai
ừ có gì để đấy
chẳng chết một thằng tây

cuộn chiếu. nằm một góc
khò khè nghe rất buồn
trăm năm. Còn, chiếc bóng
chênh chếch vừng trăng non

ngồi lâu. chắc cũng mỏi
mòn cả kiếp phù sinh
vai gầy đôi sợi tóc
bạc thếch tự ngàn sau

chiếc xe chiều đi qua
quán café. Một bóng
hoàng hôn tự bao giờ
đưa tay chàng úp mặt

góc chiều. và em nhỏ
sóng sánh giọt mưa rơi
ôm một vừng nhật nguyệt
trắng cả một đời nhau

vui chi một cõi tạm
buồn gì một đời trôi
trăng tròn hay trăng khuyết
đù ỏa cuộc trần ai

Triều hoa đại

QUY TẮC PERMA CÂN BẰNG CUỘC SỐNG




Ai cũng mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Khi hạnh phúc, bạn làm việc hiệu quả hơn, mối quan hệ với mọi người xung quanh tốt đẹp hơn, và bạn cảm thấy mọi thứ thật tuyệt! Quy tắc PERMA chỉ ra cho bạn 5 yếu tố cần thiết để sống tích cực, cân bằng từ đó bạn sẽ hạnh phúc và thành công hơn trong công việc lẫn cuộc sống.

Quy tắc này được Martin Sligman, một nhà tâm lý học rất có uy tín công bố rộng rãi trong quyển “Flourish” (Thành đạt) của ông – một quyển sách có tầm ảnh hường lớn xuất bản năm 2011. PERMA gồm 5 yếu tố sau:

1. Những cảm xúc tích cực (P – Positive Emotions)

Những cảm xúc tích cực có thể kế đến như cảm giác hài lòng, hạnh phúc, thỏa mãn, bình yên, vui vẻ, tràn đầy hứng khởi… Những cảm xúc này mang đến cho bạn một nguồn năng lượng tràn trề cho công việc lẫn cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn thấy mình vẫn chưa nếm trải đủ những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, hãy ngừng lại và tự hỏi tại sao.

Trước tiên, xét về khía cạnh nghề nghiệp. Bạn đã thực sự phát huy hết tài năng và thế mạnh của mình trong vai trò hiện tại chưa? Bạn chỉ có thể hài lòng và hạnh phúc với công việc khi làm đúng việc yêu thích và phù hợp. Đồng thời, hãy dành đôi chút thời gian để xác định ai hay điều gì có thể đem lại niềm vui cho bạn. Ví dụ bạn thích được ở ngoài trời và hòa mình vào thiên nhiên. Vậy sao bạn không thử mang một chút mảnh xanh vào văn phòng hay góc làm việc của mình để cảm nhận được sự bình yên? Đơn giản là để thổi vào nếp sống thường nhật của bạn những luồng cảm xúc tích cực và những nguồn vui mới. Đừng trì hoãn những việc mang lại cho bạn khoảnh khắc hạnh phúc!

2. Sự gắn kết (E - Engagement)
Chỉ khi gắn kết thật sự với những việc đang làm, bạn mới đạt được kết quả tốt nhất. Cách tốt nhất để thật sự gắn kết với công việc là hãy yêu thích công việc đó. Hãy tìm những khía cạnh trong công việc mà bạn yêu thích như những dự án phù hợp, những người đồng nghiệp thân thiện, môi trường làm việc hay những điều bạn có thể học hỏi được. Nếu bạn không thể trả lời được câu hỏi “Bạn thích gì ở công việc hiện tại?”, đã đến lúc bạn tìm cho mình công việc mới thích hợp hơn.

Tiếp đó, hãy gắn kết bản thân với những điều bạn yêu thích trong cuộc sống. Chẳng hạn như đọc sách, xem phim, đi dạo, gặp gỡ bạn bè hay chơi thể thao… Chính những sở thích này sẽ giúp bạn giảm stress, lấy lại cân bằng.

3. Những mối quan hệ tích cực (R – Positive Relationships)

Con người là “những thực thể xã hội”, và những mối quan hệ tốt chính là cốt lõi của sự thành công. Thông thường, những người có mối quan hệ tích cực và nhiều ý nghĩa thường hạnh phúc hơn những ai không có được điều đó.
Bạn có những mối quan hệ tích cực trong cuộc sống không? Đó có thể là mối quan hệ gia đình, bạn bè, hay đồng nghiệp. Phần lớn thời gian của bạn tại nơi làm việc, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ hỗ trợ bạn đắc lực trong công việc và giúp cân bằng cuộc sống nơi công sở. Xem bài 7 cách đắc nhân tâm nơi công sở để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.

Tiếp đến, hãy nhìn lại cuộc sống cá nhân của bạn. Đã bao lâu rồi bạn chưa gặp người bạn thân? Sinh nhật của cha/mẹ bạn là ngày nào và bạn đã chuẩn bị gì chưa? Đôi khi cuộc sống bận rộn làm bạn xao lãng những mối quan hệ gia đình, bạn bè, những người luôn ở bên bạn dù bạn thành công hay thất bại. Hãy cam kết sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và duy trì điều này thật đều đặn. Bạn không thể hạnh phúc khi không có họ trong cuộc đời này!

4. Ý nghĩa cuộc sống (M – Meaning)

Ý nghĩa cuộc sống đến từ việc phục vụ cho một mục đích lớn lao hơn chính bản thân mình. Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về ý nghĩa cuộc sống, đó có thể xuất phát từ tôn giáo hay từ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Hãy tìm kiếm ý nghĩa trong từng việc bạn làm để nuôi dưỡng cho mình cảm xúc vui sống. Ví dụ, công việc bạn đang làm phục vụ cho ai, và mang lại cho họ những gì? Đây chính là động lực giúp bạn làm tốt công việc với niềm tự hào. Ngoài ra hãy dành thời gian bên gia đình, tham gia các hoạt động từ thiện… tất cả điều này giúp bạn sống có ý nghĩa hơn, khi đó bạn sẽ cảm thấy thật sự hài lòng.

5. Thành tích (A - Accomplishments/Achievement) 

Nhiều người trong chúng ta luôn phấn đấu để hoàn thiện bản thân theo một cách nào đó – có thể là phát triển một kĩ năng, thăng tiến trong công việc hay chiến thắng ở một cuộc thi. Không lời nào có thể diễn tả được niềm vui và niềm tự hào khi đạt được những thành tích trên.

Thành tích chính là những mục tiêu bạn luôn cố hết sức để đạt được trong công việc lẫn cuộc sống. Xác định điều bạn thực sự muốn và đạt được những điều này sẽ giúp cuộc sống thăng hoa. Vậy đâu là những điều bạn muốn? Trả lời một số câu hỏi sau sẽ giúp bạn:
- 5 giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn là gì?
- 3 mục tiêu quan trong nhất trong đời bạn, ngay lúc này là gì?
- Nếu hôm nay bạn biết rằng mình chỉ còn sống trong 6 tháng, bạn sẽ làm gì với khoảng thời gian còn lại?
- Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn trúng 1 triệu đô la tiền mặt?
- Bạn đã luôn muốn làm gì, nhưng lại ngại thử sức?
- Bạn thích làm gì nhất? Điều gì đem lại cho bạn cảm giác tự hào và hài lòng về bản thân nhất?
- Giả sử bạn biết mình sẽ không thất bại, thì điều vĩ đại nhất bạn từng dám ước mơ là gì?

Tuy nhiên, nếu quá thúc ép bản thân đạt được nhiều thành tích hơn, bạn sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi dẫn đến mất cân bằng trong công việc và cuộc sống. Nếu bạn đang rơi vào trạng thái này thì đây có lẽ là thời điểm để nhìn lại và tập trung vào những yếu tố khác của quy tắc PERMA.

Chúc bạn tìm được cân bằng trong cuộc sống!

Lược dịch theo Mindtools

Quán thời gian



Dường như ai vừa bán
khúc nhạc xưa đắt hàng
dường như ta vừa trả giá
cánh đồng hoa rạp gió khóc trong mưa

Mặc cả với mình bán tháng ngày qua
giữ cái ghế loay hoay ăn mày dĩ vãng
ngang cửa ai rao bán chân dài thời hoa nắng
ai lên trời ngã giá ngày mai
rồi sẽ quay về quá khứ ở tương lai
rồi lại gặp tương lai nơi quá khứ?
Những phiên chợ lãi thua
Những tượng đài nguyên khôi và mảnh vỡ
Những miếng ngày vá vào đêm vàng võ
chiều mua sương
trưa bán nắng
sáng nụ cười nợ đọng
những cái tên trượt giá vẫn còn mang…
Ngã ba một quán thời gian
dại khờ buôn bán gánh buồn phôi phai

Hà Linh


Những nét tương đồng và dị biệt của ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát



Nguyễn Thị Bích Hải

Ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát đều là thể thơ cách luật ngắn nhất trong văn học dân tộc của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.Hẳn là không chỉ ba dân tộc này mới có thể thơ ngắn của mình nhưng ở đây chỉ giới hạn trong phạm vi ba thể thơ này mà thôi.

Trước hết, nói về những điểm tương đồng.

Ngoài cái dấu hiệu quy mô nhỏ đến kinh ngạc của chúng ra, ba thể thơ này còn có nhiều điểm giống hoặc gần gũi nhau.

Về sự hình thành, có thể thấy chúng đều có nguồn gốc từ thơ ca dân gian, được các nhà thơ sống gần gũi với nhân dân tiếp thu và phát triển để rồi đạt đến đỉnh cao ở các nhà thơ lớn thời trung đại của mỗi dân tộc. Đó là Lý Bạch và Đỗ Phủ ở Trung Quốc, Bashô ở Nhật Bản và Nguyễn Du ở Việt Nam. Đương nhiên đó là nhìn đại thể, còn con đường hình thành và phát triển của chúng cũng có những sự khác biệt sẽ đề cập đến sau.

Về mặt tính chất, nếu chúng ta chỉ xét lục bát ở cấp độ một đơn vị chỉnh thể tối thiểu, tức là một chu kỳ 6+8, đủ để làm nên một bài lục bát đơn giản nhất, thì cả ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát đều chủ yếu là thể thơ trữ tình. Nói “chủ yếu” là vì trong quá trình phát triển chúng đều có thể thích dụng với trào phúng, triết lý…

Cả ba thể thơ này đều có một đặc trưng cơ bản giống nhau: hàm súc cao độ. Điều này như một lẽ đương nhiên và là lý do tồn tại của thể thơ. Bởi vì chúng rất ngắn, nếu chúng không có khả năng ngụ ý và gợi ý thì chúng đã chẳng có sức sống lâu bền đến thế. Tiền đề của sự hàm súc là sự ngắn gọn. Trong ba thể thơ, dài nhất là tuyệt cú cũng chỉ 4 câu với 28 âm (nếu là thất ngôn tuyệt cú) hoặc 20 âm (nếu là ngũ ngôn tuyệt cú) thứ đến là haikư với 17 âm; ngắn nhất là lục bát với 14 âm. Không rõ trên thế giới có thể thơ nào ngắn hơn lục bát nữa không. Quy mô rất nhỏ, nếu không nói là cực nhỏ, mà điều gửi gắm trong đó, gợi lên từ đó lại rất phong phú, sâu xa.

“Bên đê cổ tha thướt,
Liễu như vòm khói xanh.
Giá mà tơ chẳng đứt,
Níu giữ buộc thuyền anh”.
(Ung Dụ Chi - Liễu ven sông )

“Dù tan đi vỡ lại
Vầng trăng nơi đáy nước
Còn mãi”.
(Shiki)

“Qua cầu rút ván tháo đinh.
Đó đà ở bạc với mình thì thôi”.
(Ca dao)

Có lẽ không nên phân tích, bởi vì mọi sự phân tích sẽ “cố định hóa” nội dung thâm hậu và sức gợi của tác phẩm theo chủ quan của người phân tích, làm giảm đi sự huyền diệu linh lung và khả năng gợi mở vào tâm hồn người đọc của những thế giới tinh tế đến vậy.

Một điều cũng đương nhiên do tính hàm súc của thể thơ đưa lại, khiến chúng gặp nhau ở một điểm có tính quy luật: ở cả ba thể thơ, trọng tâm ý nghĩa đều ở cuối. (Có lẽ đây cũng là đặc điểm chung của các tác phẩm có quy mô nhỏ?)

Thơ haikư là thế:

“A sa gao
Chiếc gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên”.
(Chiyô)

Hai câu trước chỉ là nền, chỉ là giới thiệu bối cảnh để câu cuối thể hiện niềm trân trọng thiên nhiên và cái đẹp.

“Mưa đông giăng đầy trời
Một chú khỉ đơn độc
Cũng mong chiếc áo tơi”.
(Bashô)

Có ba câu ngắn ngủi thôi mà tấm lòng nhân cùng dành cho câu cuối. Câu một là bối cảnh lạnh lùng mênh mông. Câu hai Bashô nhìn thấy chú khỉ ? Câu ba là chú khỉ nhìn Bashô mà “mong chiếc áo tơi”. Chú khỉ cô đơn, chú khỉ lạnh lùng, chú khỉ không nói. Sao Bashô nhận ra? Nhà thơ đã đặt mình vào cảnh ngộ trần trụi giữa mưa đông, co ro vì lạnh của chú khỉ mà ngộ ra và “phát biểu” cái mong ước nhỏ nhoi tội nghiệp của sinh linh bé bỏng ấy. Tiếng nói nhỏ nhẹ của haikư đã chở tiếng nói của lòng nhân hậu bao la đến với mọi tấm lòng “tri âm”.

Thơ tuyệt cú là thế:

Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ quê hương.
(Lý Bạch - Tứ đêm lặng)

Đến nỗi có nhà nghiên cứu tinh thâm về thơ Đường đã nói: “Muốn làm một bài thơ tuyệt cú hay là phải bắt đầu từ câu… cuối”. Cũng có thể nói như vậy với haikư và lục bát.

Đành rằng mọi quy luật đều có ngoại lệ. Thi thoảng cũng có trường hợp phần cuối của bài thơ không hay bằng phần đầu. Chẳng hạn:

Hồ xanh từ thuở chưa hoàn kiếm,
Mượn một nơi mà trả một nơi.
Cầm tay mới biết xa Hà Nội,
Biết mượn gì đây để ngỏ lời.
(Khuyết danh - Không đề )

Trong trường hợp này, đối với tác giả thì điều muốn nói là ở hai câu sau, mà chủ yếu là câu cuối. Còn đối với người đọc thì hai câu đầu, đặc biệt là câu thứ hai là rất hay mà hai câu sau khó lòng theo được. Nhưng những trường hợp phần đầu hay hơn là rất hiếm. Nghĩa là, nhìn tổng thể thì thơ tuyệt cú gieo nặng trọng tâm ý nghĩa ở cuối bài. Điều này ta có thể kiểm chứng ở thể thơ tuyệt cú của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, kể cả thơ cổ và kim. Xin ví dụ một bài tuyệt cú chữ Hán của một nhà thơ người Nhật:

“Ngọn bút có thần giục sấm vang,
Quanh đỉnh Hương Lô khói tía tràn.
Ông trời chẳng tiếc ngân hà nữa,
Vì trích tiên trút xuống trần gian”
(Thanh Sơn Diên Quang - Lý Thái Bạch ngắm thác núi Lư)(1)

Và trong thơ hiện đại Việt Nam:

“Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Sương,
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm.
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm,
Thương một đời đâu phải Tạm Thương”.
(Chế Lan Viên - Chơi chữ về ngõ Tạm Sương tức Tạm Thương )

Xin không nêu dẫn chứng nữa vì vô số bài thơ có thể chứng minh cho luận điểm này.

Vậy còn thơ lục bát ?

Cứ thử lấy ra bất kỳ cặp câu lục bát nào trong hàng ngàn “bài” ca dao mà toàn bài chỉ vẻn vẹn có một câu sáu và một câu tám, từ trong một bài thơ gồm nhiều chu kỳ sáu tám, thậm chí chúng ta rút ra bài học cặp sáu tám nào từ một truyện thơ gồm hàng ngàn cặp sáu tám, thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể nhận thấy: trọng tâm ý nghĩa bao giờ cũng ở câu tám (tức câu cuối của chu kỳ).

Câu sáu thường chỉ là bước chuẩn bị cho câu tám. Câu sáu là “đề” câu tám là “thuyết”:

“Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”.
(Ca dao)

“Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
(Nguyễn Bính - Tương tư )

“Măng non là búp măng non,
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre”.
(Nguyễn Duy - Tre Việt Nam )

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều )

Như vậy, trọng tâm ý nghĩa được dồn vào phần cuối là một đặc trưng thể loại của cả ba thể thơ.

Còn một điểm tương đồng nữa là trong nền thơ ca của mỗi dân tộc, các thể thơ này có thể nói là dễ làm nhưng khó làm được cho thật hay.

Nhà tiểu thuyết lớn nhất của thời Êđô ở Nhật Bản Ihara Saikaku được gọi là Nimanô (Nhị vạn ông) vì tài làm thơ nhanh. Trong một cuộc thi thơ ông đã đọc hầu như liên tục hơn hai vạn bài haikư trong khoảng thời gian 24 giờ đồng hồ. Dù con số hai vạn có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng chắc là Saikaku đã ứng tác rất nhiều bài haikư liên tục. Có thể do ông có tài ứng tác nhanh nhưng cũng vì thể thơ cho phép người ta có thể sáng tác nhanh, nhiều. Đành rằng đôi khi vì quá nhanh quá nhiều nên có thể là cũng… khó đắt.

Thể thơ tuyệt cú cũng để lại những chùm rất sai quả. Chẳng hạn như với một chuyến đường sông, Tiền Hử (thời vãn Đường) hái được một “chùm” Giang hành vô đề nhất bách thủ. Sau một chuyến hành trình, Củng Tự Trân (đời Thanh) có thể cho khắc in một tập thơ 315 bài tuyệt cú Kỷ Hợi tạp thi. Trong những chùm thơ hàng trăm bài ấy số bài hay không nhiều.

Còn ở Việt Nam, lục bát xuất hiện khắp nơi – trong lời ru, trên cánh đồng, trên báo tường, trên đường phố (Tất nhiên cũng có nhà thơ chẳng bao giờ “hạ cố” đến lục bát). Gặp trường hợp nào người ta cũng có thể làm lục bát được cả (mà “Bút Tre” là một ví dụ). Nhưng sáng tác được một bài lục bát hay thật là khó. ở đây chúng ta tạm chưa giải thích nguyên nhân của hiện tượng này.

Mặt khác, ba thể thơ này cũng có nhiều điểm khác nhau, trong đó có sự khác nhau ngay trong những điểm tương đồng.

Về nguồn gốc, điểm chung của chúng là bắt nguồn từ trong thơ ca dân gian những con đường định hình của chúng lại khác nhau. (Có ý kiến cho rằng có lẽ ở Việt Nam thể thơ lục bát có được từ kết quả giao lưu văn hóa với dân tộc Chăm. Nhưng ở đây tạm thời chưa đủ điểu kiện để thảo luận). Tên gọi của các thể thơ này cũng xuất hiện sau trước khác nhau. Cái tên “tuyệt cú” đã được xuất hiện từ đời Lương (502-557) cách đây 1500 năm. Thể thơ lục bát được định danh muộn hơn, khoảng đời Hậu Lê. Còn ở Nhật Bản, thể thơ 3 dòng 5-7-5 đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ XVII với Bashô nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX mới được nhà thơ Shiki định danh là haikư. Thực ra, nguồn gốc, con đường phát triển, định hình và định danh rồi lại phát triển của ba thể này cần những công trình nghiên cứu công phu tường tận. Chẳng hạn như thể thơ lục bát ở ta quá chừng quen thuộc nhưng nguồn gốc của nó cũng còn nhiều ý kiến tranh luận.

Nguồn gốc, con đường phát triển khác nhau của ba thể thơ này cũng phản ảnh vị trí, số phận của chúng trên văn đàn của mỗi dân tộc cũng như ảnh hưởng của chúng đến văn học các dân tộc khác.

Trong thơ ca của ba dân tộc Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam ba thể thơ này đều có vị trí quan trọng nhưng ảnh hưởng của chúng đối với thơ ca các nước ngoài thì rất khác nhau.

Hình thành từ rất sớm (thế kỷ VI), lại theo con đường ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến các nước láng giềng “đồng văn”, thơ tuyệt cú được các nhà thơ Nhật Bản, Việt Nam tiếp thu từ rất sớm (cả ở Triều Tiên nữa nhưng hiện tại chúng tôi chưa có tài liệu nên chưa tìm hiểu được thời điểm), có thể nói là ngay từ buổi đầu xây dựng nền thơ ca dân tộc. Nhật Bản, từ thế kỷ thứ VII đã xuất hiện thơ tuyệt cú bằng chữ Hán và cho đến thế kỷ XIX, thơ tuyệt cú vẫn chiếm tỉ lệ rất cao trong thơ chữ Hán của người Nhật. (Chẳng hạn trong cuốn Nhật Bản Hán thi hiệt anh có 1451 bài thơ thì thơ tuyệt cú có đến 906 bài, chiếm tỉ lệ 61%. Đành rằng đây chỉ là tuyển tập nên tỉ lệ có thể chưa hoàn toàn trùng với tỉ lệ trong thực tế, nhưng tuyển tập thường vẫn có tính chất tiêu biểu nên chắc cũng phản ánh gần đúng thực tế). ở Việt Nam, trong văn học viết, thơ tuyệt cú cũng rất phổ biến. Trong thơ Lý – Trần tức là thơ chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán, thơ tuyệt cú chiếm tỉ lệ rất cao (nếu không nói là áp đảo). Đến các thời kỳ sau, tỉ lệ luật thi và thơ cổ thể có thể tăng lên nên tỉ lệ thơ tuyệt cú không cao như ở thời kỳ đầu. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, khi mà ảnh hưởng của thơ Trung Quốc ở Việt Nam giảm đi thì thơ tuyệt cú lại là thể được các nhà thơ Việt Nam thường sử dụng nhất trong các thể thơ ngoại lai. Hầu như các nhà thơ lớn đều có sáng tác thơ tuyệt cú. Đặc biệt tỉ lệ thơ tuyệt cú rất cao trong thơ Hồ Chí Minh, cả trong Nhật ký trong tù và trong sáng tác trong hai cuộc kháng chiến. Người Việt Nam cũng thường làm thơ tuyệt cú bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Ngay cả trong nhiều bài thơ dài được chia làm nhiều khổ 4 câu, thì từng khổ ấy cũng mang dáng dấp của bài thơ tuyệt cú. (Chẳng hạn Đây mùa thu tới, Thơ Duyên, Tràng giang, Đây thôn Vĩ Dạ, Theo chân Bác v.v.). Điều này ít gặp trong thơ trường thiên Trung Quốc.

Thơ haikư thì cho đến thế kỷ XIX, trước Minh Trị duy tân, chủ yếu chỉ được lưu hành trên đảo quốc Phù Tang. Nhưng cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, theo đà phát triển của kinh tế xã hội Nhật Bản, cùng với sự tiêu thụ hàng hóa Nhật Bản, thể thơ haikư cũng được nhiều nhà thơ nước ngoài biết đến và nhiều người đã tiếp thu thể thơ này. Ngày nay ảnh hưởng của thể thơ haikư đã vươn đến nhiều nơi trên thế giới. Có lẽ chưa có thể thơ nào có cái vinh dự được phổ biến rộng rãi ở nhiều kinh tuyến như thơ haikư.

“Nằm bệnh giữa cuộc lãng du
Mộng hồn còn phiêu bạt
Những cánh đồng hoang vu”.

Đây là bài thơ Bashô làm trước khi qua đời. Có lẽ vì nhà thơ quá yêu cuộc đời, quá yêu đất nước và con người nên muốn đong đầy tâm hồn mình mọi hình ảnh của xứ sở Phù Tang. Có lẽ trong lần “Nằm bệnh giữa cuộc lãng du” này Bashô đã linh cảm được rằng bước chân mình không còn lãng du được nữa nên gửi đến “những cánh đồng hoang vu” mà mình chưa kịp đến tấm “mộng hồn phiêu bạt” của mình chăng? Như vậy, dù Bashô không thể đến nhưng nhà thơ đã gửi hồn mình, gửi thơ haikư đến với muôn nơi, đến với muôn đời.

Đành rằng, do đặc điểm ngôn ngữ của từng dân tộc, thơ haikư khi bước vào thi đàn các nước đã có sự biến đổi đáng kể, có thể không còn là 17 âm như trên quê hương của nó, nhưng sự kiệm lời và kiểu cấu tứ thì vẫn được tôn trọng.

Trong khi thơ tuyệt cú chỉ lan toả đến những nước “đồng văn”, tức là những nước đã có thời dùng chữ Hán và ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính, thì thơ haikư lan toả xa rộng hơn nhiều; còn thơ lục bát vẫn chưa vượt được lũy tre xanh Việt Nam. Sự khác biệt về khả năng và phạm vi ảnh hưởng của ba thể thơ này là do nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân về sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản vẫn là do đặc điểm về cách luật của ba thể thơ này và đặc điểm ngôn ngữ dân tộc. Tuy cùng là thơ cách luật nhưng trong ba thể thơ này mức độ chặt chẽ của cách luật có khác nhau. Có lẽ cách luật của thơ lục bát là chặt chẽ nhất, cách gieo vần cũng phức tạp hơn. Mặc dù có chấp nhận biến thể nhưng về cơ bản là cặp câu lục bát đòi hỏi gieo cả vần chân và vần lưng và chỉ gieo vần bằng, gần như là thuần âm. Điều này khiến lục bát không thể “vào” được các nền thơ của ngôn ngữ đa âm và không có thanh điệu. Thơ tuyệt cú có nhiều dạng (10 dạng) trong đó loại “cổ tuyệt cú” tương đối tự do hơn, nhưng dù là ở dạng nào cũng phải gieo vần. Còn haikư với ngôn ngữ liên âm, không có thanh điệu dễ được tiếp nhận hơn ở các ngôn ngữ ấn Âu, và điều quan trọng hơn là nó có thể gieo vần hoặc không. Với đặc điểm “dễ dãi” về hình thức ấy, thơ haikư dễ “nhập cảnh” hơn nhiều so với tuyệt cú và lục bát.

Một nhà phê bình người Pháp đã nhận xét về thơ haikư rằng:

“Sự ngắn gọn của haikư không phải là vấn đề hình thức. Haikư không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”. (Chuyển dẫn từ: Nhật Chiêu - Thế giới thơ Haikư. Tạp chí Kiến thức ngày naysố 1).

Vậy là, ở đâu có một “sự tình vắn tắt” cần tìm cho mình một “hình thức vừa vặn” thì người ta có thể tìm đến haikư từ chính thình thức ngôn ngữ của mình. Có nghĩa là haikư đã truyền đi xa cái “thần” của hình thức (chứ không phải bản thân hình thức cố định của nó); nó có thể “vừa vặn” với những ngôn ngữ khác. Ngay ở Trung Quốc, Việt Nam nơi đã có tuyệt cú và lục bát thì haikư vẫn được hoan nghênh. Có người nghĩ rằng người Trung Quốc có tính tự đại e rằng không chịu tiếp thu. Không phải thế. Người Trung Quốc rất chịu khó tiếp thu văn hóa ngoại lai. Ngay cả thể thơ Sounnet của Châu Âu cũng được người Trung Quốc học tập. Không ít nhà thơ Trung Quốc đã làm thơ theo kiểu haikư (như Hồ Thích, Băng Tâm…). Thơ haikư đến Việt Nam khá muộn nhưng ai đã tiếp xúc với haikư cũng trọng nể thể thơ này. Có người Việt đã làm thơ ba câu lục bát lục (vị chi là 20 âm – hiện tượng này trong ca dao trước kia đã có nhưng rất hiếm). Phải chăng đây là một hiện tượng tiếp thu tự phát haikư trên cái nền lục bát ?

Có một sự khác biệt khá rõ nữa giữa hai thể thơ tuyệt cú, haikư với thể lục bát. ở điểm này thì ưu thế lại thuộc về lục bát. Lục bát, ở hình thức tối thiểu của nó chỉ là một cặp hai câu 14 âm vẫn hoàn toàn có thể tự thành một đơn vị tác phẩm như hàng ngàn “bài” ca dao chúng ta thường gặp. Nhưng do đặc điểm vừa gieo vần chân vừa gieo vần lưng của nó, lục bát còn có khả năng “lắp ghép” để thành một bài thơ trường thiên như Lỡ bước sang ngang hoặc lắp ghép với thể thơ song thất lục bát, rồi các chu kỳ song thất lục bát lại được lắp ghép, làm thành những khúc ngâm trường thiên như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Ba mươi năm đời ta có Đảng … Đặc biệt người ta có thể viết truyện thơ bằng cách lắp ghép hàng ngàn (hoặc vô số) cặp câu lục bát lại. Khả năng “sinh nở”, lắp ghép này không thấy có ở tuyệt cú và haikư. Người ta có thể sáng tác liền một hơi hai vạn bài haikư nhưng không thành một truyện thơ. Người ta có thể sáng tác từng chùm tuyệt cú xoay quanh một chủ đề như Hí vi lục tuyệt cú của Đỗ Phủ, Luận thi thi của Triệu Dực, chùm 100 bài Giang hành vô đề nhất bách thủ,chùm 315 bài Kỷ Hợi tạp thi của Củng Tự Trân, nhưng cũng không phải là truyện thơ. Nghĩa là thơ haikư và tuyệt cú không lắp ghép được. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lắp ghép các chu kỳ lục bát thành truyện thơ, mà trong phạm vi bài này tạm chưa giải thích nhưng chúng tôi nêu hai nguyên nhân có thể coi là cơ bản: một là khả năng “sinh nở” bằng cách lắp ghép của thể thơ lục bát (người Việt có năng khiếu “lắp ghép”); một nữa là nhu cầu sáng tác những câu chuyện (tiểu thuyết) trường thiên, nhưng ở thời trung đại trong văn học Việt Nam thể tài văn xuôi tự sự chưa kịp phát triển. Người ta bèn dùng hình thức văn vần để sáng tác truyện. Một điều thú vị là những truyện thơ đầu tiên của người Việt lại không phải bằng thơ lục bát mà bằng thể thơ Đường luật, như Truyện Vương Tường, Tô Công phụng sứ. Nhưng những thử nghiệm ấy đã không thành công. Chứng cớ là sau đó không ai làm theo lối ấy nữa và những tác phẩm ấy chỉ được các nhà nghiên cứu nhắc đến trong văn học sử chứ không được lưu truyền rộng rãi về sau. Lục bát được thử nghiệm trong diễn ca lịch sử, trong truyện Nôm bình dân thành công, rồi các nhà thơ lớn cũng dùng nó để viết truyện thơ.

Trong ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát, chỉ có lục bát được dùng để sáng tác tác phẩm tự sự trường thiên. Đó là cái năng lực kỳ diệu khả đoản khả trường, khả thân khả xúc, co giãn tùy nhu cầu của thể lục bát. Thế rồi, đôi khi người ta rút từng cặp sáu tám ra nó vẫn có thể đứng độc lập có nghĩa được.

Chẳng hạn:

“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”.
“Mấy người bạc ác tinh ma
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương”
( Truyện Kiều )

hoặc:

“Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình”
(Nguyễn Đình Chiểu - Lục Vân Tiên )

“Khắc xuất khắc nhập” được thế kể cùng kỳ diệu thật. Có so ra mới thấy cái sở trường kỳ diệu của lục bát, xin đừng vì nó quá gần gũi, quá quen thuộc mà coi thường.

Phải chăng khả năng này có quan hệ họ hàng với truyền thống “câu thơ đôi” trong văn học Nam Á và Đông Nam Á? Câu trả lời xin đợi các nhà chuyên môn. Và phải chăng truyện thơ Nôm là một hợp thể giữa hai truyền thống văn hóa Đông Nam Á và Đông Á trên cơ tầng văn hóa Việt Nam? Chứng minh và giải thích giả thiết này có lẽ không phải là công việc của một công trình hay của một người. Rất mong lời giải đáp của các chuyên gia.

Ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát với tư cách là ba thể thơ ngắn nhất của ba dân tộc láng giềng. Chúng đã và đang có vị trí quan trọng trong nền thơ ca của mỗi dân tộc. Mỗi thể có ưu điểm và lý do tồn tại, phát triển của mình. Nhưng chúng có ảnh hưởng qua lại gì với nhau không? Nếu có thì ở những điểm nào? và tương tác như thế nào? Đó cũng là vấn đề còn để ngỏ cần được nghiên cứu thêm.

Cuối cùng, xin lại nói về một điểm tương đồng của ba thể thơ này, cái điểm tương đồng đã là điểm xuất phát để chúng tôi nhận thấy cần có bài viết mang tính phác thảo này. Đó là: ba thể thơ này đều đã có vị trí quan trọng trong nền thơ ca của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam mà chúng vẫn đang dồi dào sức sống và chúng tôi tin rằng chúng cũng sẽ là những thể thơ quan trọng đối với nền thơ ca của ba dân tộc trong tương lai. Tất nhiên chúng sẽ có những bước phát triển và biến đổi ít nhiều. Biến đổi chứ không biến mất. Điều này do nhiều lẽ những có mấy lẽ cơ bản: trong nền văn minh hiện đại, văn chương càng cần sự hàm súc. Những áng thơ văn trường thiên tất nhiên có vị trí quan trọng nhưng những thể tài có quy mô nhỏ mà lại đầy sức gợi hẳn vẫn được ưa chuộng vì nó đáp ứng được nhu cầu của nhiều lớp người, ở nhiều trình độ khác nhau và tất cả đều hoạt động với tốc độ cao.

Điều này cũng diễn ra ở các thể tài tự sự. Những cuộc thi truyện ngắn và cực ngắn ở một số nước trên thế giới trong đó có Trung Quốc, Việt Nam nhắc ta nhớ đến những tác phẩm “chí quái” “chí nhân” thời Lục Triều hay truyện ngắn bằng “nắm tay” của Nhật Bản. Cho đến thế kỷ XX rồi XXI người Nhật vẫn tổ chức thi và bình thơ haikư. ở Trung Quốc từ những bài ca hai ba câu vươn dài đến Ly Tao, Khổng Tước Đông Nam Phi lại trở về những bài thơ chỉ 13 hay 15 âm, thơ Trung Quốc tìm được thể tuyệt cú 20 âm. Từ một cặp lục bát 14 âm người ta lắp ghép để thành truyện thơ hàng ngàn câu. Rồi truyện thơ nhường bước cho văn xuôi hiện đại, lục bát được các nhà thơ dùng để thể hiện những nỗi “tương tư”, những nỗi “ngậm ngùi”. Rồi nó lại co lại, trở về với dạng nguyên thủy tối thiểu trong thơ dân gian hiện đại mà thơ “Bút Tre” là một hiện tượng đáng chú ý. Chắc người sẽ buồn cười vì nhắc đến “Bút Tre” sau khi nhắc đến những Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy… Nhưng có lẽ hiện tượng “Bút Tre” cũng cần được nghiên cứu. Nó là một hiện tượng “nhại” lục bát. Nhưng nếu như với Đôn-Ki-Hô-Tê, Xec-van-tec đã “nhại” đồng thời khai tử cho tiểu thuyết kỵ sĩ, thì “Bút Tre” “nhại” lục bát lại thôi thúc lục bát đổi mới để tìm đường. Nguyễn Duy chẳng xuất hiện sau “Bút Tre” sao? mà rồi lục bát kiểu “Bút Tre” cũng không bị diệt chủng. Thể thơ ấy khả đoản, khả trường, co giãn thoải mái, thâm thúy cao sang cũng được mà dí dỏm tinh nghịch cũng được. Nó nghiêm cẩn trang nhã mà cũng dễ dãi bao dung.

Sự vận hành của các thể loại xem ra cũng mang ít nhiều ý vị “chu nhi phục thủy” của dịch đạo.

Những thế giới nghệ thuật nhỏ xinh tinh tế, chứa đựng những điều ngụ ý và gợi ý sâu xa của tuyệt cú, haikư và lục bát không chỉ là kỳ diệu trong quá khứ mà có lẽ vẫn là những thế giới linh lung mời gọi ở tương lai.



CHÚ THÍCH:

(1) Người viết tạm dịch từ bài thơ chữ Hán của một nhà thơ Nhật Bản. Bài tuyệt cú này in trong sách Nhật Bản Hán thị hiệt anh, do Vương Phúc Tường, Uông Ngọc Lâm, Ngô Hán Anh tuyển biên. Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã Bắc Kinh 1995, tr.501.

Thanh Sơn Diên Quang (1808 – 1871) là một nhà thơ Nhật Bản, tác giả của nhiều sách, từng làm Giáo sư Đại học thời vua Minh Trị.

Nguyên văn bài thơ chữ Hán, phiên âm Hán Việt như sau:

Lý Thái Bạch quan Lư Sơn bộc bố đồ
Bút hạ hữu thần khu tấn lôi,
Hương Lô phong bạn tử yên khai.
Thiên công bất tích ngân hà thủy,
Trực vị thi tiên khuynh tả lai./.

Nguồn: Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 5 (66) năm 2004

Bất ngờ những con số



Khi đọc tin trên các báo, rằng Việt Nam có trên 5 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, có lẽ ít người có ấn tượng gì. Nhưng nếu đọc kỹ báo cáo về kết quả chính thức cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, có thể rút ra những kết luận đáng ngạc nhiên.


Ví dụ, lâu nay, rất nhiều nghiên cứu khi nói về doanh nghiệp nhà nước đều cho rằng sau một quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu thì số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, còn khoảng 1.300 đơn vị.


Tuy nhiên, theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2012 là 3.308, đang sử dụng 1,66 triệu lao động. Đó là chưa kể hơn 8.000 “cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội”. Thế mà nhiều nghiên cứu cứ nói, năm 1990, cả nước có 12.000 doanh nghiệp nhà nước, đến năm 2000, còn khoảng 6.000 và 2011 chỉ còn hơn 1.300 doanh nghiệp. Đáng tiếc là báo cáo không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là doanh nghiệp nhà nước nên khó lý giải sự chênh nhau này. Có thể báo cáo tính riêng các công ty con hạch toán độc lập của các tập đoàn, tổng công ty… Nhưng dù sao điều rõ nhất là, trên cùng một báo cáo, con số doanh nghiệp nhà nước không giảm bao nhiêu so với 5 năm trước đó (năm 2007 có 3.706 doanh nghiệp). Nếu tính luôn hơn 8.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mang tính nhà nước thì quá trình cải cách khối doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được kết quả bao nhiêu, vẫn còn đó những lỗ đen hút hết vốn đầu tư nhà nước, tín dụng ưu đãi, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản công cho hoạt động kinh doanh.


Điều thứ ngạc nhiên thứ nhì là quy mô của các đơn vị sự nghiệp. Nếu như cả nước có 34.803 cơ quan hành chính thì số đơn vị sự nghiệp cao gấp đôi, lên đến 69.735 đơn vị. Nếu loại trừ các cơ sở y tế (13.682) và cơ sở giáo dục (44.712) thì vẫn còn 11.341 đơn vị sự nghiệp có thể chuyển đổi mô hình hoạt động để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước. Đó là những đơn vị như thế nào? Trong văn hóa thể thao, đó có thể là nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện… Trong sự nghiệp kinh tế, đó có thể là chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng, ban quản lý bến xe…


Năm 2009, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần” nhưng do chưa có sự chuẩn bị kỹ, dư luận hiểu nhầm đây là chủ trương cổ phần hóa các trường đại học nên phản đối và cuối cùng Bộ Tài chính phải rút lui dự thảo này. Lẽ ra cần phải mạnh dạn cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp này bởi đa số là loại hình hoạt động có thể chuyển giao cho tư nhân làm mà không ảnh hưởng gì đến xã hội. Ở những đơn vị sự nghiệp nào còn nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì khi chuyển đổi, khoản ngân sách sẽ trở thành các khoản tài trợ mà bên nhận tài trợ phải chứng minh hiệu quả hoạt động trước khi được giao.


Thật ra, trong nhiều văn bản, Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến chủ trương khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập và đi kèm là nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, tài sản… nhưng kết quả không như chủ trương. Thực tế số lượng các đơn vị sự nghiệp ngày càng tăng, từ 63.054 đơn vị năm 2007 lên đến 69.735 đơn vị năm 2012, theo báo cáo (loại trừ mức tăng của ngành y tế và giáo dục thì con số đơn vị sự nghiệp khác vẫn tăng mạnh từ 8.770 lên 11.341 đơn vị).


Số lượng các đơn vị thuộc dạng tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội cũng là con số rất lớn, lên đến 33.897 đơn vị, xem như gần bằng các cơ quan hành chính của cả nước. Điều đáng nói hơn là so với năm 2007, trong khi các cơ quan hành chính giảm 0,4% thì các tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội lại tăng 9,3%. Rõ ràng đây là một khu vực có thể cải tổ, theo hướng tinh gọn, sao cho vừa tránh được sự trùng lắp trong bộ máy hành chính, bộ máy điều hành, vừa là cơ sở để cải cách tiền lương trên cơ sở giảm biên chế.


Đã đến lúc phải cân nhắc, xem thử ngân sách nhà nước có phải cán đáng các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Luật gia, Hội Làm vườn… Lúc đó cụm từ “xã hội hóa” mới mang ý nghĩa thật sự đối với xã hội và nền kinh tế.

NVP

MẪU SỐ NHÂN VĂN



Florian Znaniecki, Lê Hải dịch[1]

Đặc tính tổng quát quan trọng nhất của các vật thể và sự kiện được nhà khoa học nhân văn nghiên cứu chính là việc chúng là “của ai đó”, tức là tồn tại trong hoạt động và trải nghiệm của những người nhất định, và sở hữu những tính chất mà con người trong quá trình hoạt động và trải nghiệm đã tạo ra qua những tác động và nhận biết của mình. Đặc tính quan trọng đó được gọi là mẫu số nhân văn của các vật thể và sự kiện mà nhà khoa học nhân văn nghiên cứu.

Nếu chúng ta loại bỏ mẫu số nhân văn ra khỏi bất kỳ khu vực nào được ngành nhân văn nghiên cứu thì khu vực đó cũng không còn tồn tại với ngành đó nữa. Ví dụ như là “tiếng Pháp” tồn tại trong hoạt động và trải nghiệm của những người đang sử dụng nó. Trong kết cấu của ngôn ngữ này có các câu và cụm từ mang đặc tính đó đối với người nghiên cứu tức là nhà ngôn ngữ học, đã được những người nói chuyện và viết bằng tiếng Pháp đóng góp và nhận diện. Giả sử chúng ta loại trừ hết những gì là tiếng Pháp cho những người đang sử dụng nó thì cũng tự động biến mất thứ ngôn ngữ mà nhà ngôn ngữ nghiên cứu. Lúc đó cùng lắm chỉ còn lại những gì có thể tạm gọi là “cơ sở” dưới dạng các sóng âm khác nhau hay lặp lại, nối tiếp nhau do chuyển động của thanh quản, lưỡi và môi của vô số vật thể hữu cơ đang sống trên một khu vực lãnh thổ nhất định. […]

Mẫu số nhân văn được hình thành qua hoạt động và trải nghiệm của con người. Câu nói tồn tại ở dạng như chúng ta đã tạo ra, được chủ động nói ra và lắng nghe qua trải nghiệm (gồm cả nhận biết một số thể hiện của các cơ) cũng như thông hiểu. Bức tranh tồn tại như là đã được vẽ ra cũng như là được giới thiệu để người xem trải nghiệm. Việc đóng móng ngựa tồn tại như là đã được thợ rèn thực hiện cũng như trải nghiệm của anh ta và những người đứng xem. Hành động của bà mẹ đánh con tồn tại đúng như người mẹ đã làm và bà mẹ cùng đứa con trải nghiệm.

Nhưng ngay chính các ví dụ vừa rồi cũng cho thấy mọi sự không đơn giản như vậy. Người nói ra câu nói sẽ trải nghiệm âm thanh câu nói và hiểu khác hơn là người nghe cùng câu nói do người khác nói ra. Bức tranh sẽ thể hiện ra với chính người họa sĩ khác với người bán tranh, hay người xem không phải là dân thưởng ngoạn mỹ thuật chuyên nghiệp. Người thợ rèn sẽ trải nghiệm việc đóng móng ngựa khác hơn là người đứng xem. Việc bị mẹ đánh sẽ được đứa bé trải nghiệm hoàn toàn khác với người mẹ. Tóm lại, cùng một vật thể hay cùng một sự kiện sẽ có thuộc tính khác nhau phụ thuộc vào việc đứng nhìn từ góc độ nào. Vậy thuộc tính nào trong số đó được coi là quan trọng đối với nhà nghiên cứu nhân văn?

Trước hết cần phải xác định là với nhà nghiên cứu nhân văn thì từ các góc nhìn khác nhau, một cách nguyên tắc (ceteris paribus) thì quan trọng nhất là nơi mà cả hai thành phần của mẫu số nhân văn cùng xuất hiện trong mối quan hệ không tách rời: góc nhìn của chủ thể hoạt động và cũng là là trải nghiệm của vật thể và sự kiện đồng thời chi phối hoạt động đó. Khi nghiên cứu tiếng nói thì ceteris paribus quan trọng nhất là góc nhìn của người đã tạo ra, tức là người nói ra câu đó, trải nghiệm các bộ phận phát ra tiếng nói trên cơ thể, điều phối chuyển động của các cơ quan đó trong quá trình nói, âm thanh và ý nghĩa của các câu được nói ra, cũng như nội dung của câu nói như là một mục tiêu của việc phát âm và phối hợp các câu chữ. Khi nghiên cứu công việc của anh thợ rèn thì chúng ta cần phải đầu tiên là cân nhắc góc nhìn của chính anh ta, khi anh làm ra chiếc móng ngựa từ cục sắt nung đỏ bằng sức lực của chính bản thân, đặc biệt là tay, rồi kìm, lửa, và búa, nung sắt trong lựa lên rồi đập bằng búa trên đe, đồng thời phối hợp trải nghiệm sắt, lửa, kìm, đe, cơ thể của mình, và các sự kiện đặc biệt diễn ra trong quá trình thực hiện (nung sắt, quai búa v.v) cùng với mục tiêu muốn đến - chiếc móng ngựa bằng sắt – và quá trình từng bước thực hiện. Đối tượng vật thể của nhà nghiên cứu nhân văn trước hết và chắc chắn là những gì mà đối với con người là vật liệu hay dụng cụ được sử dụng, hoặc được làm ra như mục tiêu của một hành động nhất định. Còn đối tượng sự kiện là những gì đối với con người đó là đã tạo ra, hoặc để thực hiện một mục tiêu đã định, hoặc tác động ngược lại nếu trong trường hợp bị cản phá. […]

Trải nghiệm của chủ thể bằng chính mắt mình là trải nghiệm về thực tại khách quan. Hoạt động của anh ta là sự biến đổi thực tại khách quan đó. Và thực tại khách quan đó là của chung cho anh ta và nhiều chủ thể hoạt động khác. Mỗi người trong số họ coi trải nghiệm của riêng mình như là trải nghiệm về các vật thể đang tồn tại và các sự kiện thực tế., còn hoạt động riêng như là sự thay đổi khách quan đối với các vật thể đó và tạo ra hoặc ngăn lại các sự kiện đó. Mỗi người tìm thấy ít nhất một phần xác nhận cho quan điểm riêng, cho rằng các vật thể và sự kiện mặc định đó cũng được những người khác coi như như là vật thể và sự kiện khách qua (mặc dù có thể được cân nhắc khác một chút, tùy thuộc vào mối quan tâm nhất thời), và rằng các hoạt động của anh ta thường xuyên biến đổi – không phụ thuộc vào những người khác - các vật thể và sự kiện, được những người khác trải nghiệm, và những hoạt động của họ cũng đồng thời biến đổi các vật thể và sự kiện đó, được anh ta trải nghiệm, và không phụ thuộc vào anh ta. Các cụm từ và câu trong ngôn ngữ tồn tại khách quan với tất cả những người nói thứ tiếng này, và mỗi người đều biết rằng ngôn ngữ đó là thực tại khách quan không chỉ đối với anh ta mà cả với những người khác nữa, bất kể khác biệt trong phát âm và thông hiểu một số cụm từ và câu nói đặc biệt, và những người khác nghe, hiểu và trả lời câu nói của anh ta, cũng như anh ta nghe, hiểu và đáp lại câu nói của những người khác.

Thực tại khách quan này cũng tồn tại với nhà nghiên cứu nhân văn không phụ thuộc gì vào trải nghiệm và hoạt động của mỗi người cụ thể, bởi vì tồn tại với bất kỳ ai như trên. Nhưng lại không tồn tại mà không lệ thuộc vào trải nghiệm và hoạt động xét theo toàn bộ của những người đang hoạt động và trải nghiệm trong đó. Tiếng nói, văn chương, nghệ thuật, kiến thức, tôn giáo, kiến thức xã hội, tất cả đều là những lĩnh vực tồn tại khách quan, nhưng toàn bộ thực tại đó đều nhờ vào hoạt động của tất cả những người đã và đang tích cực thamgia. Khu vực nghiên cứu của nhà nhân văn - kết thúc ở nơi biến mất dấu vết vai trò tích cực của con người trong tạo ra và gìn giữ thực tại - tức là nơi mà thực tại được trình bày ra với nhà nghiên cứu, được tạo ra không nhờ sự tham gia hoạt động của con người và tồn tại không phụ thuộc vào con người.

Sự tồn tại của thực tại nhân văn khách quan và chung cho nhiều người đó - được thành lập thông qua hoạt động và trải nghiệm của mỗi người – cho phép và thậm chí buộc nhà nghiên cứu phải lấp đầy hay chính xác hơn là mở rộng góc nhìn của chủ thể hoạt động và trải nghiệm trong quá trình thực hiện hoạt động, cân nhắc góc nhìn của các chủ thể khác, và ngay cả của bản thân trong lúc thực hiện các hoạt động khác. Bởi vì hoạt động này trên thực tế sẽ sử dụng các thành phần của thực tại khách quan và biến đổi các thành phần đó và trong trải nghiệm chính chủ thể của mình và những người khác cũng đã nhận biết biến đổi các thành phần đó, cho nên hoạt động của anh ta không chỉ là điều mà anh ta chủ quan thực hiện và trải nghiệm, mà còn là là điều mà anh ta đã khách quan đi vào phạm vi thực tại chung của anh ta và những người khác. Cho nên người nghiên cứu có thể quan sát thực tại đó trong quá trình khách quan và trong các kết quả như là mặc định, được nâng lên cao hơn góc nhìn cá nhân của mỗi người cụ thể đang hoạt động và trải nghiệm – nhưng không phải của tất cả nói chung.

Từ quan điểm mở rộng như vừa mô tả về thực tại nhân văn khách quan, trải nghiệm của nhà nghiên cứu trong lúc quan sát hoạt động của con người tất nhiên sẽ có giá trị hơn là trải nghiệm của chính con người đang hoạt động đó. Ngoài trải nghiệm của người đó nhà nghiên cứu còn gộp cả trải nghiệm của những người khác nữa, cùng nhìn vào thực tại nhân văn đó. Góc nhìn của chủ thể hoạt động trong lúc thực hiện công việc chỉ là một trong số nhiều cơ sở mà nhà nghiên cứu đặt góc nhìn cao hơn của mình lên. Bức tranh mà chủ thể hoạt động nhìn thấy trong quá trình thực hiện chỉ là một thành phần của bức tranh rộng hơn mà nhà nghiên cứu nhìn vào. Nhà nghiên cứu cũng nhận định xác đáng, rằng nếu chủ thể hoạt động nâng mình lên cao hơn giới hạn tầm nhìn thực tế của bản thân, trên quan điểm thực tại nhân văn khách quan, thì hành động của chính anh ta được trình bày với anh ta cũng giống như là nhà nghiên cứu nhận biết trong lúc đó. Tính xác đáng của nhận định này thể hiện ra trong mọi bước khi con người hoạt động thường xuyên tự mình hay qua ảnh hưởng của những người khác nâng cao mình lên, trên quan điểm thực tại nhân văn khách quan, và trong khả năng hoạt động thì nhận biết của họ về hoạt động của bản thân cũng gần giống với nhận biết của nhà nghiên cứu, và trở nên không phải là “không-theo-chiều-nào” mà là “đa chiều”.

Tất nhiên là giữa quan điểm của nhà nghiên cứu và góc nhìn của chủ thể hoạt động không phải là không có bất đồng, vì nếu vậy tức là không có khác biệt giữa trải nghiệm của các chủ thể hoạt động khác nhau cũng như ở cùng một chủ thể đó khi thực hiện các hoạt động khác nhau. Cho nên, vì sự bất đồng đó tồn tại và thường không thể loại trừ, nhà nghiên cứu phải cân nhắc giá trị tương đối của trải nghiệm của mỗi chủ thể cụ thể khi thực hiện hoạt động cụ thể, đặt trên nền chung của thực tại nhân văn khách quan và kiểm chứng bằng vai trò thực tế mà hoạt động mặc định đó giữ trong thực tại, khi liên kết và biến đổi các thành phần của thực tại đó và một cách tương đối tạo ra các thành phần mới.


[1] Từ đoạn mở đầu của tác phẩm của nhà xã hội học người Ba Lan Florian Znaniecki Socjologia wychowania [Xã hội học giáo dưỡng], xuất bản năm 1930, in lại trong giáo trình ngành Nhân học văn hóa Đại học tổng hợp Warszawa, Andrzej Mencwell chủ biên 2001, chương XIV Rozumienie kultury [Thông hiểu văn hóa] trang 561-564.