Florian Znaniecki, Lê Hải dịch[1]
Đặc tính tổng quát quan trọng nhất của các vật thể và sự kiện được nhà khoa học nhân văn nghiên cứu chính là việc chúng là “của ai đó”, tức là tồn tại trong hoạt động và trải nghiệm của những người nhất định, và sở hữu những tính chất mà con người trong quá trình hoạt động và trải nghiệm đã tạo ra qua những tác động và nhận biết của mình. Đặc tính quan trọng đó được gọi là mẫu số nhân văn của các vật thể và sự kiện mà nhà khoa học nhân văn nghiên cứu.
Nếu chúng ta loại bỏ mẫu số nhân văn ra khỏi bất kỳ khu vực nào được ngành nhân văn nghiên cứu thì khu vực đó cũng không còn tồn tại với ngành đó nữa. Ví dụ như là “tiếng Pháp” tồn tại trong hoạt động và trải nghiệm của những người đang sử dụng nó. Trong kết cấu của ngôn ngữ này có các câu và cụm từ mang đặc tính đó đối với người nghiên cứu tức là nhà ngôn ngữ học, đã được những người nói chuyện và viết bằng tiếng Pháp đóng góp và nhận diện. Giả sử chúng ta loại trừ hết những gì là tiếng Pháp cho những người đang sử dụng nó thì cũng tự động biến mất thứ ngôn ngữ mà nhà ngôn ngữ nghiên cứu. Lúc đó cùng lắm chỉ còn lại những gì có thể tạm gọi là “cơ sở” dưới dạng các sóng âm khác nhau hay lặp lại, nối tiếp nhau do chuyển động của thanh quản, lưỡi và môi của vô số vật thể hữu cơ đang sống trên một khu vực lãnh thổ nhất định. […]
Mẫu số nhân văn được hình thành qua hoạt động và trải nghiệm của con người. Câu nói tồn tại ở dạng như chúng ta đã tạo ra, được chủ động nói ra và lắng nghe qua trải nghiệm (gồm cả nhận biết một số thể hiện của các cơ) cũng như thông hiểu. Bức tranh tồn tại như là đã được vẽ ra cũng như là được giới thiệu để người xem trải nghiệm. Việc đóng móng ngựa tồn tại như là đã được thợ rèn thực hiện cũng như trải nghiệm của anh ta và những người đứng xem. Hành động của bà mẹ đánh con tồn tại đúng như người mẹ đã làm và bà mẹ cùng đứa con trải nghiệm.
Nhưng ngay chính các ví dụ vừa rồi cũng cho thấy mọi sự không đơn giản như vậy. Người nói ra câu nói sẽ trải nghiệm âm thanh câu nói và hiểu khác hơn là người nghe cùng câu nói do người khác nói ra. Bức tranh sẽ thể hiện ra với chính người họa sĩ khác với người bán tranh, hay người xem không phải là dân thưởng ngoạn mỹ thuật chuyên nghiệp. Người thợ rèn sẽ trải nghiệm việc đóng móng ngựa khác hơn là người đứng xem. Việc bị mẹ đánh sẽ được đứa bé trải nghiệm hoàn toàn khác với người mẹ. Tóm lại, cùng một vật thể hay cùng một sự kiện sẽ có thuộc tính khác nhau phụ thuộc vào việc đứng nhìn từ góc độ nào. Vậy thuộc tính nào trong số đó được coi là quan trọng đối với nhà nghiên cứu nhân văn?
Trước hết cần phải xác định là với nhà nghiên cứu nhân văn thì từ các góc nhìn khác nhau, một cách nguyên tắc (ceteris paribus) thì quan trọng nhất là nơi mà cả hai thành phần của mẫu số nhân văn cùng xuất hiện trong mối quan hệ không tách rời: góc nhìn của chủ thể hoạt động và cũng là là trải nghiệm của vật thể và sự kiện đồng thời chi phối hoạt động đó. Khi nghiên cứu tiếng nói thì ceteris paribus quan trọng nhất là góc nhìn của người đã tạo ra, tức là người nói ra câu đó, trải nghiệm các bộ phận phát ra tiếng nói trên cơ thể, điều phối chuyển động của các cơ quan đó trong quá trình nói, âm thanh và ý nghĩa của các câu được nói ra, cũng như nội dung của câu nói như là một mục tiêu của việc phát âm và phối hợp các câu chữ. Khi nghiên cứu công việc của anh thợ rèn thì chúng ta cần phải đầu tiên là cân nhắc góc nhìn của chính anh ta, khi anh làm ra chiếc móng ngựa từ cục sắt nung đỏ bằng sức lực của chính bản thân, đặc biệt là tay, rồi kìm, lửa, và búa, nung sắt trong lựa lên rồi đập bằng búa trên đe, đồng thời phối hợp trải nghiệm sắt, lửa, kìm, đe, cơ thể của mình, và các sự kiện đặc biệt diễn ra trong quá trình thực hiện (nung sắt, quai búa v.v) cùng với mục tiêu muốn đến - chiếc móng ngựa bằng sắt – và quá trình từng bước thực hiện. Đối tượng vật thể của nhà nghiên cứu nhân văn trước hết và chắc chắn là những gì mà đối với con người là vật liệu hay dụng cụ được sử dụng, hoặc được làm ra như mục tiêu của một hành động nhất định. Còn đối tượng sự kiện là những gì đối với con người đó là đã tạo ra, hoặc để thực hiện một mục tiêu đã định, hoặc tác động ngược lại nếu trong trường hợp bị cản phá. […]
Trải nghiệm của chủ thể bằng chính mắt mình là trải nghiệm về thực tại khách quan. Hoạt động của anh ta là sự biến đổi thực tại khách quan đó. Và thực tại khách quan đó là của chung cho anh ta và nhiều chủ thể hoạt động khác. Mỗi người trong số họ coi trải nghiệm của riêng mình như là trải nghiệm về các vật thể đang tồn tại và các sự kiện thực tế., còn hoạt động riêng như là sự thay đổi khách quan đối với các vật thể đó và tạo ra hoặc ngăn lại các sự kiện đó. Mỗi người tìm thấy ít nhất một phần xác nhận cho quan điểm riêng, cho rằng các vật thể và sự kiện mặc định đó cũng được những người khác coi như như là vật thể và sự kiện khách qua (mặc dù có thể được cân nhắc khác một chút, tùy thuộc vào mối quan tâm nhất thời), và rằng các hoạt động của anh ta thường xuyên biến đổi – không phụ thuộc vào những người khác - các vật thể và sự kiện, được những người khác trải nghiệm, và những hoạt động của họ cũng đồng thời biến đổi các vật thể và sự kiện đó, được anh ta trải nghiệm, và không phụ thuộc vào anh ta. Các cụm từ và câu trong ngôn ngữ tồn tại khách quan với tất cả những người nói thứ tiếng này, và mỗi người đều biết rằng ngôn ngữ đó là thực tại khách quan không chỉ đối với anh ta mà cả với những người khác nữa, bất kể khác biệt trong phát âm và thông hiểu một số cụm từ và câu nói đặc biệt, và những người khác nghe, hiểu và trả lời câu nói của anh ta, cũng như anh ta nghe, hiểu và đáp lại câu nói của những người khác.
Thực tại khách quan này cũng tồn tại với nhà nghiên cứu nhân văn không phụ thuộc gì vào trải nghiệm và hoạt động của mỗi người cụ thể, bởi vì tồn tại với bất kỳ ai như trên. Nhưng lại không tồn tại mà không lệ thuộc vào trải nghiệm và hoạt động xét theo toàn bộ của những người đang hoạt động và trải nghiệm trong đó. Tiếng nói, văn chương, nghệ thuật, kiến thức, tôn giáo, kiến thức xã hội, tất cả đều là những lĩnh vực tồn tại khách quan, nhưng toàn bộ thực tại đó đều nhờ vào hoạt động của tất cả những người đã và đang tích cực thamgia. Khu vực nghiên cứu của nhà nhân văn - kết thúc ở nơi biến mất dấu vết vai trò tích cực của con người trong tạo ra và gìn giữ thực tại - tức là nơi mà thực tại được trình bày ra với nhà nghiên cứu, được tạo ra không nhờ sự tham gia hoạt động của con người và tồn tại không phụ thuộc vào con người.
Sự tồn tại của thực tại nhân văn khách quan và chung cho nhiều người đó - được thành lập thông qua hoạt động và trải nghiệm của mỗi người – cho phép và thậm chí buộc nhà nghiên cứu phải lấp đầy hay chính xác hơn là mở rộng góc nhìn của chủ thể hoạt động và trải nghiệm trong quá trình thực hiện hoạt động, cân nhắc góc nhìn của các chủ thể khác, và ngay cả của bản thân trong lúc thực hiện các hoạt động khác. Bởi vì hoạt động này trên thực tế sẽ sử dụng các thành phần của thực tại khách quan và biến đổi các thành phần đó và trong trải nghiệm chính chủ thể của mình và những người khác cũng đã nhận biết biến đổi các thành phần đó, cho nên hoạt động của anh ta không chỉ là điều mà anh ta chủ quan thực hiện và trải nghiệm, mà còn là là điều mà anh ta đã khách quan đi vào phạm vi thực tại chung của anh ta và những người khác. Cho nên người nghiên cứu có thể quan sát thực tại đó trong quá trình khách quan và trong các kết quả như là mặc định, được nâng lên cao hơn góc nhìn cá nhân của mỗi người cụ thể đang hoạt động và trải nghiệm – nhưng không phải của tất cả nói chung.
Từ quan điểm mở rộng như vừa mô tả về thực tại nhân văn khách quan, trải nghiệm của nhà nghiên cứu trong lúc quan sát hoạt động của con người tất nhiên sẽ có giá trị hơn là trải nghiệm của chính con người đang hoạt động đó. Ngoài trải nghiệm của người đó nhà nghiên cứu còn gộp cả trải nghiệm của những người khác nữa, cùng nhìn vào thực tại nhân văn đó. Góc nhìn của chủ thể hoạt động trong lúc thực hiện công việc chỉ là một trong số nhiều cơ sở mà nhà nghiên cứu đặt góc nhìn cao hơn của mình lên. Bức tranh mà chủ thể hoạt động nhìn thấy trong quá trình thực hiện chỉ là một thành phần của bức tranh rộng hơn mà nhà nghiên cứu nhìn vào. Nhà nghiên cứu cũng nhận định xác đáng, rằng nếu chủ thể hoạt động nâng mình lên cao hơn giới hạn tầm nhìn thực tế của bản thân, trên quan điểm thực tại nhân văn khách quan, thì hành động của chính anh ta được trình bày với anh ta cũng giống như là nhà nghiên cứu nhận biết trong lúc đó. Tính xác đáng của nhận định này thể hiện ra trong mọi bước khi con người hoạt động thường xuyên tự mình hay qua ảnh hưởng của những người khác nâng cao mình lên, trên quan điểm thực tại nhân văn khách quan, và trong khả năng hoạt động thì nhận biết của họ về hoạt động của bản thân cũng gần giống với nhận biết của nhà nghiên cứu, và trở nên không phải là “không-theo-chiều-nào” mà là “đa chiều”.
Tất nhiên là giữa quan điểm của nhà nghiên cứu và góc nhìn của chủ thể hoạt động không phải là không có bất đồng, vì nếu vậy tức là không có khác biệt giữa trải nghiệm của các chủ thể hoạt động khác nhau cũng như ở cùng một chủ thể đó khi thực hiện các hoạt động khác nhau. Cho nên, vì sự bất đồng đó tồn tại và thường không thể loại trừ, nhà nghiên cứu phải cân nhắc giá trị tương đối của trải nghiệm của mỗi chủ thể cụ thể khi thực hiện hoạt động cụ thể, đặt trên nền chung của thực tại nhân văn khách quan và kiểm chứng bằng vai trò thực tế mà hoạt động mặc định đó giữ trong thực tại, khi liên kết và biến đổi các thành phần của thực tại đó và một cách tương đối tạo ra các thành phần mới.
[1] Từ đoạn mở đầu của tác phẩm của nhà xã hội học người Ba Lan Florian Znaniecki Socjologia wychowania [Xã hội học giáo dưỡng], xuất bản năm 1930, in lại trong giáo trình ngành Nhân học văn hóa Đại học tổng hợp Warszawa, Andrzej Mencwell chủ biên 2001, chương XIV Rozumienie kultury [Thông hiểu văn hóa] trang 561-564.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét