Trịnh Cung, Cây sồi (bức #10)
LTS: Trong những ngày lang thang ở thành phố Arcadia, California vừa qua, họa sĩ Trịnh Cung đã phát hiện những cây Sồi ở đây mang dáng dấp con người một cách kỳ bí. Chúng đã gây ám ảnh và xúc cảm mạnh khiến ông đã vẽ và viết về chúng. Một trong những bức vẽ bằng chì than ấy, có bức số 9, Trịnh Cung đã dành riêng tặng cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khi biết bạn mình đang lâm bệnh ngặt nghèo như một lời cầu nguyện tốt đẹp cho nhà văn. Và với “Huyền Thoại Cây Sồi Già và Người Ðàn Ông Duy Nhất,” dùng hình thức của chuyện cổ tích, Trịnh Cung mô tả cây Sồi như một biểu tượng của sự sinh tồn bất diệt, của tự do và yêu thương thủy chung dù trong bão tố, trong địa chấn hay trong khốn cùng. Với chúng ta, cây Sồi cũng là văn chương và nghệ thuật, luôn đưa chúng ta vượt thoát như cây Sồi già kia đã đưa gã đàn ông duy nhất sống sót đến một Arcadia khác. Nguyễn Xuân Hoàng chẳng phải là gã đàn ông đó hay sao?
Truyền thuyết rằng, thủa xa xưa, hằng ngàn năm, Arcadia là một địa đàng bên xứ Hy Lạp, đã trở nên hoang vắng khi chỉ sau một đêm, ngay lúc thức dậy, bọn đàn ông phát hiện những người đàn bà và trẻ con của họ đã đồng loạt biến đi đâu mất. Hoảng loạn, họ bỏ mọi công việc, túa ra khắp nơi đi tìm. Nhiều ngày sau, chỉ còn một ít trở về trong rách rưới tuyệt vọng. Ngôi làng xinh đẹp của họ cũng không còn lại gì kể cả ngọn núi San Gabriel luôn xanh mầu ngọc lục bảo với đỉnh nhọn quanh năm phủ tuyết, ngoại trừ vật duy nhất còn lại là một cây Sồi già trưởng lão giúp họ nhận ra chốn quê nhà trước kia.
Bọn họ thật hoang mang, không biết mình sẽ tiếp tục cuộc sống quanh gốc Sồi già này hay lại ra đi tìm nơi cư trú mới. Chưa kịp định thần, bất ngờ, một trận cuồng phong ập đến, cây Sồi già run lên bần bật, lá bị tuốt sạch chỉ còn lại cành nhánh như hàng trăm cánh tay chơi vơi cầu cứu vô vọng. Tất nhiên, những gã đàn ông khốn khổ kia cũng bị chung số phận của những chiếc lá Sồi đáng thương ấy. Và may mắn thay, trên thân những cành nhánh ấy của cây Sồi còn sót lại một gã trai trẻ đang bị đu đưa như một con sóc, là kẻ sống sót duy nhất vì nhờ không chịu nổi cơn đói, hắn đã lặng lẽ leo lên để phỗng tay trên những quả Sồi ít ỏi trong lúc đồng bọn đang còn bùm xúm bàn tán tìm cách nào để sống cho những ngày mai rất mù mịt.
Nhưng, sau khi trận cuồng phong đi qua, hắn chưa kịp tuột xuống tới chân gốc Sồi, đất chung quanh bỗng nứt từng vệt dài và sâu, rồi lan đi thật nhanh khắp vùng. Chỉ ít phút sau, từ những khe đen hun hút sâu ấy, nước vụt bắn lên như hằng trăm vòi phun vừa kỳ ảo vừa hãi hùng. Hắn lại leo lên trở lại và leo lên thật cao vì nước đã dâng, càng lúc càng cao, tràn ngập mênh mông.
Cuối cùng cây Sồi già kia cũng đổ xuống như một con voi Mammoth đột quỵ vì kiệt sức. Nhưng lại không nằm chết một chỗ như con vật đến giờ tận số kia, cây Sồi lại nổi lên như một con tàu và trôi đi, trôi đi về phía biển xa mang theo chàng thanh niên sống sót duy nhất của địa đàng Arcadia.
Từ đó, hàng ngàn năm sau, ở nước Mỹ xa xôi, trước khi Christopher Columbus tìm đến miền đất tân thế giới này, cây Sồi đã xuất hiện bên dòng sông Mississippi vĩ đại, giữa những cánh đồng mênh mông vùng Iowa và trên những ngọn núi chạy dài như vộ tận ở California… Cũng từ đầu năm 1863 là năm Tổng thống Lincoln của Mỹ ra lời tuyên bố Giải Phóng Nô Lệ, dưới gốc cây Sồi già 800 năm ở Virginia, cộng đồng người da đen đã quây quần hân hoan đón mừng số phận mới. Rồi ngày nay ở đây, cây Sồi đã trở thành biểu tượng của Tự Do, của sự sinh tồn bất diệt giữa con người và thiên nhiên.
Và cũng từ đó, dưới bóng những cây Sồi kia, luôn là điểm hẹn của tình yêu nồng cháy, thủy chung và câu chuyện về người đàn ông trôi dạt cùng cây Sồi già năm xưa đi tìm lại người đàn bà của mình hay đi tìm một quê hương mới cũng đã được viết từ một trong những gốc Sồi ấy.
Trịnh Cung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét