" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015
40 Năm Được Mất Những Gì - Nhìn Lại Quãng Thời Gian Qua
TP Thanh Tâm
Nhân 40 năm kể từ khi lãnh thổ được thống nhất, Bắc Nam đoàn tụ một nhà, điểm lại một số sự kiện chính yếu trước và sau ngày 30-4-1975, một vài nhận định về đất nước dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN và những đóng góp của người Việt ở nước ngoài cho Quê Hương.
1. Điểm lại một số sự kiện quan trọng trước và sau năm 1975.
Từ khi quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam vào năm 1965, chiến sự ngày càng thêm quyết liệt và lan rộng. Những trận đội bom miền Bắc của không quân Hoa Kỳ, khởi đầu là chiến dịch Sấm Rền (Operartion Rolling Thunder) bắt đầu từ tháng 3/1965 đến tháng 11/1968. Tiếp theo là chiến dịch dội bom linebacket II từ tháng 5 đến tháng 10/1972 với chủ lực là B-52. Giai đoạn dội bom này cũng trùng với thời kỳ mà hội đàm Paris đang bị bế tắc. Đây là cuộc dội bom dữ dội nhất không những trong chiến tranh Việt Nam mà cả thế giới từ trước, được gọi là cuộc “ném bom rải thảm hủy diệt” chủ yếu xuống 3 vùng quan trọng là Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Liên tục trong 12 ngày đêm Mỹ đã thả xuống 36,000 tấn bom.
Chiến dịch tổng công kích Mậu Thân (năm 1968) là cuộc tổng nổi dậy tấn công ở nhiều địa điểm khác nhau trong lãnh thổ phía NamViệt Nam của quân Giải Phóng Miền Nam (GPMN) được sự ủng hộ toàn diện của Việt Nam Đân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), với phương châm “đồng loạt tấn công bất ngờ vào các trung tâm đầu não ở các thành thị”. Trọng điểm tấn công là Sài Gòn, Gia Định, Huế, Đà Nẵng và Khe Sanh. Chiến dịch được khởi đầu bằng cuộc tổng tấn công vào ngày tết năm Mậu Thân, sau đó quân GPMN tiếp tục tấn công nhiều đợt trong suốt năm 1968, trong đó có 3 đợi tấn công lớn là đợt 1(30/1-28/3), đợt 2(5/5-15/6) và đợt 3(17/8-30/9).
Sau cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, trận chiến Quảng Trị, được gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, bắt đầu vào tháng 3/1972 là một trong những trận chiếc ác liệt với thiệt hại vô cùng lớn lao cho cả hai bên. Trận chiến kéo dài liên tục 81 ngày đêm, với những cuộc tấn công và phản công của 2 bên để giành cho bằng được vị trí chiến lược quan trọng này. Đến giữa tháng 6, quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã chiếm lại được thành cổ Quảng Trị.
Hiệp định Paris đã bắt đầu được đàm phán từ tháng 5/1968, sau cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968. Trong thời gian đầu chỉ có phía VNDCCH và Hoa Kỳ, giai đoạn sau thì có thêm VNCH và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời (CPCMLT) tham gia. Sau thời gian dài đàm phán với những giai đoạn bế tắc, Hiệp định Paris đã được ký kết vào ngày 27/1/1973 tại Paris, với mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Một số hạng mục được thoả thuận, trong đó có: Hoa Kỳ rút hết quân Mỹ và đồng minh khỏi Việt Nam; Cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Nhân dân Việt Nam tự quyết định tương lai của mình thông qua cuộc tổng quyển cử tự do; Hai bên trao trả tù binh và tù chính trị. Trong Hiệp Định, gồm có bốn bên đại diện chính thức ký kết là Hoa Kỳ, VNDCCH, VNCH và CPCMLT.
Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, chiến sự vẫn không hề thuyên giảm, mà ngược lại mỗi ngày thêm khốc liệt. Chiến trường lan rộng ra nhiều nơi. Cho đến năm cuối 1974, tại nhiều nơi quân VNCH đã bị dồn vào thế thụ động, chống đỡ rút lui để giữ vùng đô thị và những con đường huyết mạch chính. Từ đầu tháng 3/1975, quân VNDCCH bắt đầu cuộc tổng tấn công với tên gọi là “Chiến Dịch Mùa Xuân”, tiến đánh Pleiku và Komtum, sau đó tiến chiếm Buôn Mê Thuộc. TT Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút toàn quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung. Sau khi chiếm được toàn bộ Tây nguyên, quân VNDCCH tiếp tục tiến về hướng Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ và Quảng Ngãi. Từ cuối tháng 3, các tỉnh miền Trung tiếp tục bị quân VNDCCH đánh chiếm.
Ngày 21 tháng 4, TT Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Ngày 28 tháng 4 Dương Văn Minh lên thay thế. Sáng ngày 30 tháng 4, chiếc xe tăng và bộ binh của quân đội VNDCCH tiến vào dinh Độc Lập. Cùng ngày, TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài 30 năm, mở ra vận hội mới: đất nước được thống nhất và độc lập.
Ngay sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đang trong tình trạng vô cùng khó khăn thì lại phải đương đầu với cuộc tấn công qua biên giới của quân Khờ Me Đỏ, Kampuchea với sự hỗ trợ mạnh mẽ bên sau của Trung Quốc. Từ năm 1977 xung đột đã xảy ra liên tục, Khờ Me Đỏ chiếm đảo Phú Quốc và sau đó tiến chiếm và giết nhiều thường dân ở đảo Thổ Chu. Tiếp theo, Khờ Me Đỏ tấn công vùng biên giới, tiến sâu vào các vùng tỉnh An Giang, Tây Ninh và giết hại nhiều thường dân. Ngày 31/12/1977 quân đội Việt Nam đã phản công, đẩy lui quân xâm lăng trở về lãnh thổ Kampuchea. Nhưng sau đó, họ lại tấn công vùng biên giới, tàn sát người Việt Nam không phân biệt. Tháng 12/1978, quân đội Việt Nam đã phản công đẩy quân Khờ Me Đỏ lùi về biên giới, sau đó tấn công toàn diện vào lãnh thổ Kampuchea, đánh chiếm Phnomphenh và truy lùng tiêu diệt những lực lượng còn lại lực lượng này.
Ngày 5/1/1979, đảng Nhân Dân Cách Mạng Kampuchea được thành lập, tiếp đó Hội Đồng Cách Mạng được ra đời do Heng Samrin làm chủ tịch. Thế lực Khờ Me Đỏ tan rã và chiến tranh biên giới Tây Nam chấm dứt.
Ngay sau chiến tranh biên giới Tây Nam là chiến tranh biên giới phía Bắc với nhiều đợt tấn công của quân đội Trung Hoa khởi đầu từ năm 1979. Cuộc chiến kéo dài cho đến năm 1990. Trong thời gian này, nhiều đợt tấn công qui mô của địch vượt biên giới đều bị dân quân (chính qui và địa phương)Việt Nam chống trả kịch liệt. Cuộc chiến này đã làm lộ rõ tâm địa xấu của nước láng giềng, tạo cho nhân dân Việt Nam thêm sự bất tín và lòng căm hận giặc Tàu. Đồng thời cũng là cơ hội cho người dân trong nước và thế giới thấy rõ quyết tâm bảo vệ đất nước của Việt Nam dù trong hoàn cảnh rất thiếu thốn vật chất.
Giữa thập niên 1980, để thoát ra khỏi những khó khăn về kinh tế và chính trị, ĐCSVN tuyên bố áp dụng chính sách Đổi Mới, với những giải pháp chính là cải cách kinh tế. Tiếp theo là cải cách xã hội, văn hoá, cơ chế nhà nước, quốc hội, v.v…Chính sách Đổi Mới được chính thức tuyên bố thực hiện vào năm 1986, trong đại hội đại biểu ĐCSVN lần thứ VI. Qua quá trình Đổi Mới, những cải cách về kinh tế được thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả vực nền kinh tế yếu kém vươn lên. Tiếp theo đó, những cải cách về xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá cũng phát triển theo. Cải cách về chính trị được coi là ít ỏi so với cải cách kinh tế, xã hội.
Ngày 3/2/1994, Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức thông báo Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Đây là thành quả sau một chuỗi đàm phán hoặc kín hoặc công khai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ sau năm 1975. Sau khi lệnh cấm vận được bãi bỏ, liên hệ kinh tế, ngoại giao và chính trị giữa hai nước được cải thiện nhanh chóng. Đầu tư từ các nước Tây Phương, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, v.v…vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
Ngày nay, hợp tác giữa Việt Nam và các nước Tây Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ được trải sâu rộng trên mọi lãnh vực từ kinh tế, xã hội, đến chính trị và cả quốc phòng. Đây là mối quan hệ rất quan trọng trong ngoại giao, trong tiến trình bảo vệ và phát triển đất nước.
2. Vài nhận định Đất Nước dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN
Để có nhận định về đất nước do ĐCSVN lãnh đạo, cần đề cập đến người lãnh đạo cuộc cách mạng là Hồ Chí Minh và tư tưởng Mác áp dụng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, là cơ sở lý luận của cuộc cách mạng.
2.1 Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh đã xuống chiếc tàu buôn từ bến Nhà Rồng, Sài Gòn qua Pháp năm 1911. Trên thuyền, Ông xin làm nghề phụ bếp. Sau khi đến Pháp, Ông đã bôn ba đi nhiều nơi như Hoa Kỳ, Anh, rồi sau đó trở lại Pháp vào năm 1917. Ở đây Ông đã gia nhập đảng Xã Hội Pháp vào năm 1919, sau đó Ông là một thành viên sáng lập đảng Cộng Sản Pháp và tách khỏi đảng Xã Hội Pháp vào năm 1921. Năm 1922, Ông qua Liên Sô tham dự đại hội lần thứ 4 Cộng sản Quốc Tế và đã gia nhập vào tổ chức này. Tại đây, Ông được học về chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng vũ trang. Tại đại hội lần thứ 5 Đệ Tam Quốc tế năm 1923, ông đã được bầu làm ủy viên Ban Phương Đông. Cuối năm 1924, Ông qua Quảng Châu, khởi đầu thời gian ở Trung quốc cho đến năm 1927. Vào năm 1930, hội nghị các tổ chức cộng sản như Đảng Đông Dương Cộng Sản, Đảng An Nam Cộng Sản và Liên Đoàn Đông Dương Cộng Sản nhóm họp ở Hương Cảng, và chính thức hợp nhất lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) vào ngày 3 tháng 2 năm 1930. Từ đó, ĐCSVN lấy tư tưởng kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và tinh thần dân tộc độc lập Việt Nam làm cơ sở, đặt dưới sự chỉ đạo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, với mục tiêu là thống nhất và mang lại nền độc lập của đất nước. Ông là người soạn và đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập Việt Nam tại Quảng Trường Ba Đình năm 1945, tuyên bố khai sinh nướcViệt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Ông mất năm 1969. Ông đã được tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có ành hưởng nhất trong thế kỷ 20.
Ông chủ trương kết hợp chủ nghĩa Cộng Sản với chủ nghĩa Dân Tộc để giành độc lập từ các thế lực nước ngoài. Điều đặc biệt là trong suốt quá trình đấu tranh ông luôn cảnh giác dã tâm xâm lăng lãnh thổ của Trung Quốc, mặc dù Ông nhận được nhiều trợ giúp từ nước này. Theo Hồ Chí Minh, ý nghĩa của Độc Lập là giành độc lập từ thực dân Pháp, tiếp theo là Hoa Kỳ, và cả Trung Quốc. Độc lập còn có nghĩa không chỉ độc lập về lãnh thổ, chính trị mà còn là gìn giữ văn hoá, truyền thống có bản sắc riêng của dân tộc. Độc lập có hàm ý xa hơn là xây dựng một đất nước có nền tảng dân chủ, cộng hoà, tự chủ, có bản sắc riêng mà không cần mô phỏng hệ thống chính trị, xã hội của Trung Quốc hoặc nước nào khác. Lòng yêu nước, sự thông minh, tinh tế trong ngoại giao và tầm nhìn xa rộng của Ông trong vai trò lãnh đạo đã đưa cách mạng đến thành công.
Qua quá trình hoạt động cách mạng, đặc biệt trong thời gian hoạt động tại Liên Xô, Ông đã học tập và chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mác-Lênin áp dụng vào vận động cách mạng. Bên cạnh đó, Ông cũng chịu ảnh hưởng của nền tự do, cộng hoà của phương Tây. Ông thường nhắc đến tự do, hạnh phúc. Tự do của dân tộc trên trường quốc tế, quyền được tự do mưu cầu hạnh phúc của người dân trong xã hội được xây dựng trên nền tảng cộng hoà và dân chủ.
2.2 Tư tưởng Mác và Tư Bản
Đối với những người sống và lớn lên trong các nước theo chủ nghĩa Tư Bản hoặc từ miền Nam Việt Nam, thường có định kiến về Chủ Nghĩa Xã Hội lấy tư tưởng Mác làm nền tảng. Họ cho rằng Chủ Nghĩa Xã Hội với cơ chế chính trị Cộng Sản độc tài thì những quyền căn bản của người dân như quyền tự do buôn bán, truyền thông, giáo dục, sở hữu tài sản, v.v… sẽ bị chính quyền tước đoạt hoặc giới hạn. Từ đó sẽ đưa đất nước đến sự nghèo đói lạc hậu, không có dân chủ. Một xã hội bất công, chỉ những thành phần cán bộ Đảng CS mới được hưởng những đặc ân về quyền và lợi.
Tư tưởng Mác là cơ sở lý luận của Chủ Nghĩa Xã Hội, nhấn mạnh về những điểm vượt trội-hay sự khác biệt- trong lý luận duy vật biện chứng nhằm xóa bỏ những tiêu cực trong xã hội Tư Bản. Theo Mác, lý luận duy vật biện chứng triệt để không chỉ trong lãnh vực tự nhiên, mà còn trong xã hội và tiến trình phát triển lịch sử, giải phóng con người từ những áp bức, bóc lột của giới chủ nhân, phát triển và nâng cao phẩm giá và năng lực con người qua hoạt động sản xuất. Từ đó con người sẽ có cuộc sống xứng đáng, có bình đẳng và tự do. Trong kinh tế Mác, nhà nước cần tham gia chủ động và điều khiển lèo lái kinh tế đất nước, sử dụng sức lao động và phân phối bình đẳng lợi tức cho toàn dân. Một khuyết điểm lớn khi áp dụng Mác vào xã hội là để duy trì xã hội an định và phát triển theo hướng Xã Hội Chủ Nghĩa thì chỉ Đảng Cộng Sản được phép nắm quyền. Điều này dễ tạo ra một nhà nước độc tài, là nhân tố phát sinh những tiêu cực của xã hội như lạm quyền, thiếu dân chủ, v.v…nếu nhà nước không quản lý triệt để và có hiệu quả.
Mặt khác, cho đến nay, trong xã hội loài người, ngoài tư tưởng duy vật biện chứng của Mác, còn có nhiều tư tưởng khác cũng được coi là tinh hoa của nhân loại, như kinh tế thị trường, kinh tế hàng hoá đã có lịch sử phát triển từ lâu…Tại các nước theo chủ nghĩa tư bản thì kinh tế hàng hoá là mạch sống chủ yếu. Tự do sở hữu cá nhân là động lực chính cho kinh tế hàng hoá phát triển nhanh chóng. Cạnh tranh và phát triển thị trường tăng lên theo nhu cầu tiêu thụ ngày càng phát triển và phức tạp. Sự phát triển này đã nhanh chóng lan rộng trên qui mô toàn thế giới. Các học giả kinh tế tư bản chủ trương rằng chính phủ chỉ cần quản lý quốc phòng, an ninh quốc gia, và chỉ nên tham gia vào hoạt động kinh tế có giới hạn như qui định và thực thi luật pháp, thuế má, giải quyết thất nghiệp, điều chỉnh tài chánh, phân phối thu nhập, v.v…Ngoài ra, hoạt động kinh tế chính yếu do tư nhân và thị trường tự điều tiết. Tuy nhiên, những tiêu cực của nó cũng đã xảy ra, và càng ngày càng lộ rõ hơn như khủng hoảng kinh tế, lạm phát, đình trệ đưa đến thất nghiệp, phá sản, v.v…Thêm một khuyết điểm quan trọng của chủ nghĩa Tư Bản là trong quá trình kinh tế phát triển sẽ hình thành một tầng lớp thiểu số thống trị kinh tế quốc gia. Khi thống trị kinh tế thì họ cũng chi phối quyền lực bằng sức mạnh kinh tế.
Một vài nhận định về đất nước dưới lãnh đạo của ĐCSVN
Chủ trương của ĐCSVN là đi theo mô hình “Kinh Tế Thị Trường Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Ở đây, tạm giải thích một cách đơn giản là hoạt động kinh tế theo nguyên lý kinh tế thị trường, cho phép cạnh tranh kinh doanh và sinh lợi, nhưng nhà nước quản lý, điều tiết, kế hoạch hoạt động kinh tế để hướng xã hội theo mô hình Chủ Nghĩa Xã Hội. Trong mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa, nhà nước nhấn mạnh đến điểm kế thừa những tinh hoa của tư tưởng độc lập, tự chủ và nề nếp xây dựng xã hội Việt Nam từ ngàn xưa, lấy nhân nghĩa, tương trợ làng xóm làm nền tảng xã hội. Theo ĐCSVN, kinh tế thị trường được coi là giai đoạn quá độ để tiến lên mô hình Chủ Nghĩa Xã Hội thích ứng với truyển thống Việt Nam.
Ngày nay, khi đất nước được thống nhất và độc lập, người dân sống trong môi trường hội nhập, giao tiếp quốc tế rộng lớn với những nền văn hoá, chế độ xã hội khác nhau, thì không nhất thiết cần phải theo đuổi một chủ nghĩa nào. Con đường thích hợp và hài hoà có lẽ là lấy những tinh hoa của tư tưởng truyền thống dân tộc làm nền tảng thay vì lấy một chủ nghĩa nào làm lý tưởng. Chủ nghĩa nên coi là phương tiện chứ không là cứu cánh. (Có thể ĐCSVN có quan tâm đến vấn đề này, nhưng cần thời gian cũng như thời điểm thích hợp vì “bứt dây động rừng”).
Từ cơ bản là hệ tư tưởng của Dân Tộc, sẽ kết hợp, dung hòa uyển chuyển những tinh hoa về tư tưởng, hệ thống kinh tế, xã hội của loài người-đặc biệt là hai tư tưởng được coi là đối nghịch nhau là chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác và chủ nghĩa kinh tế thị trường. Ngoài ra, mô hình kinh tế xã hội của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, trong đó “phúc lợi và bình đẳng xã hội, chính sách minh bạch và phản ảnh ý dân” được coi trọng, có giá trị tham khảo.
Tinh hoa của tư tường dân tộc có thể tìm thấy và tinh lọc từ chuỗi dài lịch sử đấu tranh và xây dựng xã hội của Cha Ông, và gần nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh. Lịch sử Việt Nam, trong hơn một nghìn năm chịu sự đô hộ phương Bắc, dân Việt đã không bị đồng hóa, mà luôn tìm mọi cơ hội để vùng lên khởi nghĩa đánh đuổi giặcTàu chứ không chịu khuất phục. Năm 938, với tài trí và sự dũng cảm, Ngô Quyền với trận Bạch Đằng Giang, đã giành lại nền độc lập tự chủ của đất nước, dựng nên triều đại nhà Ngô (938-967) với một đất nước thanh bình, kiến tạo. Tiếp đến là các triều đại Đinh (968-980), tiền Lê (980-1009), Lý (1009-1025), Trần (1225-1400) và hậu Trần (1400-1407) là một chuỗi lịch sử về giữ nước và gầy dựng nên nề nếp của xã hội Việt Nam. Đặc biệt trong 2 triều đại Lý và Trần lả thời kỳ vàng son của dân tộc.Vàng son cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Hai thời đại này là thời kỳ đất nước được thống nhất và độc lập. Văn hoá truyền thống và đạo đức dân tộc đã được chú trọng. Về xã hội, tuy là xã hội phong kiến, nhưng tinh thần nhân bản, nhân từ, đạo đức, và dân chủ được đề cao.
Hiện nay ĐCSVN độc quyền nắm giữ guồng máy chính quyền và không chấp nhận đa đảng. Điều này đúng đắn và cần thiết -ít nhất trong thời điểm hiện tại-, vì nếu đa đảng theo kiểu Âu Mỹ trong bối cảnh đất nước chưa hội đủ điều kiện cần thiết về an ninh quốc phòng, an định xã hội, phát triển kinh tế và ý thức của người dân, thì đất nước sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng hỗn loạn, một điều mà bằng mọi giá phải tránh, đặc biệt trong lúc Tổ Quốc đang đứng trước nguy cơ của giặc Tàu từng bước xâm lấn biển đảo. Có lẽ hầu hết người dân trong nước đều có chung nhận thức, ngoại trừ một thiểu số hô hào đòi đa đảng nhằm chống phá nhà nước.
Về khả năng bảo vệ và phát triển đất nước của ĐCSVN và nhà nước đang được người dân tin tưởng và nhiều nước trên thế giới đánh giá cao.
Từ cuộc chiến biên giới Tây Nam, tiếp theo là biên giới phía Bắc, chiến lược bảo vệ quần đảo Trường Sa, và gần đây nhất là phản ứng của Chính Phủ Việt Nam đối với vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tiến vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với chiến lược thâm hiểm có tính toán kỹ trước, đã chứng tỏ khả năng và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của nhà nước. Trước hành vi xâm lăng trắng trợn của giặc Tàu, Việt Nam đã khôn khéo, tích cực vận động các nước trên thế giới và Liên Hiệp Quốc hiểu rõ sự thật của diễn tiến để họ đứng về phía mình. Tại hiện trường, Trung Quốc đã điều 80 đến 100 tàu thuyền trong đó có 7 tàu quân sự, 33 tàu hải cảnh, bao quanh bảo vệ giàn khoan. Đối lại, Việt Nam đã huy động 29 tàu hải giám đến gần khu vực giàn khoan, ra sức tuyên truyền và ngăn cản hoạt động của giàn khoan. Đối với động thái hung hãn, khiêu khích như xịt nước vòi rồng, đâm húc phá hoại những con tàu của Việt Nam, tàu thuyền Việt Nam chỉ tránh né, không đáp lại bằng bạo lực để tránh xảy ra xung đột.
Cũng nhân sự kiện này, người Việt trong và ngoài nước đã thể hiện lòng yêu nước, đoàn kết ủng hộ ĐCSVN và chính phủ, chống đối quyết liệt hành vi xâm lăng trắng trợn của giặcTàu.
Trước chống đối của người Việt khắp nơi trên thế giới và chính quyền Việt Nam, cũng như sự phản đối mỗi ngày một mạnh mẽ của dư luận quốc tế, ngày 16 tháng 7, Trung Quốc đã tự kéo giàn khoan phi pháp của họ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau 75 ngày gây sóng gió không những chỉ cho Việt Nam mà cả thế giới.
Ngược lại, cũng không thể phủ nhận những tiêu cực trong xã hội, khi mà quyền lực tập trung vào đảng viên ĐCSVN, từ đó dễ phát sinh những tệ hại như lạm dụng chức quyền, lãng phí tài sản công, chính sách tùy tiện không phản ảnh ý dân, hối lộ, bao che thân nhân, bà con họ hàng, phe nhóm, làm việc không hiệu quả, v.v…Lãnh đạo ĐCSVN cũng như chính phủ biết rất rõ tai hại của những điều tiêu cực này. Nó không những là cản trở lớn cho phát triển đất nước mà còn có ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân đối với chính quyền và ĐCSVN, là một điều tối quan trọng để duy trì ĐCSVN. Vì vậy, lãnh đạo nhà nước đưa ra những biện pháp và bày tỏ sự quyết tâm bài trừ những tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng, lạm dụng chức quyền trong đảng viên, cán bộ.
Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp cho thấy có những hạn chế. Điều này có thể giải thích là vì chính người đưa ra biện pháp, người áp dụng biện pháp và đối tượng phòng chống tiêu cực cũng đều là đảng viên, cán bộ của ĐCSVN.
Vậy thì trước mắt, có giải pháp nào có thể hóa giải phần nào mâu thuẫn trên không?. Sau đây là khái niệm (có thể là viễn mơ không thực tế) về một số giải pháp được một số người gợi ý.
Giải pháp trước tiên là song hành với cải cách nội bộ ĐCSVN và cơ chế chính phủ, nhà nước nên thực thi những chế độ ưu đãi nhằm thu hút rộng rãi nhân tài không là đảng viên ĐCSVN tham gia vào các sở, bộ, ngành của cơ quan chính phủ. Không những chỉ về văn hoá, khoa học, công nghệ mà còn trong những lãnh vực khác như kinh tế tài chánh, y tế, giáo dục, và cả tư pháp như toà án, hoặc trong những ban ngành có tính tham vấn hay giám sát chính sách nhà nước. Tại địa phương xã, quận, tỉnh cũng nên tạo cơ hội cho người có tài đức ngoài ĐCSVN tham gia vào cơ quan hành chánh. Những cán bộ này cần được đối đãi ngang bằng với cán bộ của ĐCSVN, họ có cơ hội lên cấp lãnh đạo nếu xét thấy có khả năng và đạo đức. Những người này sẽ đồng hành với cán bộ ĐCSVN trong tiến trình xây dựng đất nước. Nhà nước tích cực tạo cơ hội cho người dân tham gia chính trị thông qua bầu cử (trung ương và địa phương) và trưng cầu dân ý.
Giải pháp thứ hai, là tăng tỉ số đại biểu Quốc Hội không là đảng viên ĐCSVN. Nhà nước cần qui định và thực hiện giới hạn tỉ số này. (một thí dụ: tối thiểu 15%, tối đa 30%). Giải pháp này sẽ tạo sinh động và sáng tạo hơn trong sinh hoạt chính trị của Quốc Hội nói riêng, của đất nước nói chung. Ngoài ra, trong Mặt Trân Tổ Quốc (MTTQ) cũng có thể mời gọi những người Việt ngoài đảng viên ĐCSVN ở trong và ngoài nước có quốc tịch Việt Nam, có tài đức tham gia. Qua thời gian, MTTQ sẽ trở thành một lực lượng có sự tham gia rộng rãi của nhiều thành phần dân tộc, sẽ hỗ trợ và song hành với ĐCSVN trong sứ mệnh lèo lái đất nước.
Giải pháp thứ 3, là giải pháp trong tương lai khi đất nước đạt được mức ổn định cần thiết trong các lãnh vực quốc phòng, xã hội, kinh tế và giáo dục, khi Quốc Hội đồng thuận sự cần thiết và chấp nhận hình thành một đảng phái chính trị thứ hai. Đảng này phải được khai sinh từ lòng dân tộc, khởi từ cá nhân hoặc đoàn thể đã và đang đồng hành với dân tộc, không bị lèo lái bởi bất cứ thế lực ngoại quốc nào, dù dưới danh nghĩa gì -chính trị, xã hội hay tôn giáo- chủ yếu là những thành phần trong nước được đa số người dân ủng hộ. Tính cách của thế lực chính trị thứ hai này không phải để đối nghịch với ĐCSVN, mà cùng với ĐCSVN, kiểm soát, kiềm chế và hỗ trợ lẫn nhau đưa đất nước phát triển trong an định, hướng theo nguyện vọng của người dân. (Để duy trì xã hội an định và phát triển bền vững thì sau khi chính đảng thứ hai hình thành, ĐCSVN vẫn nắm giữ chủ đạo chính trị và lãnh đạo quân đội, công an cho đến khi sinh hoạt chính trị trưởng thành chín chắn và được Quốc Hội phê chuẩn).
3. Những đóng góp của người Việt ở nước ngoài.
Từ sau tháng 4 năm 1975, những con thuyền chở người tị nạn liên tục cập bến ở những nước như Phi luật Tân, Mã Lai, Hồng Kông, Indonesia, Singapore hay Thái lan để tạm trú tại trại tị nan, chờ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc sắp xếp đi định cư tại nước thứ ba. Từ khi làn sóng người tị nạn đầu tiên định cư ở các nước Hoà Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản, v.v.., đến nay đã được 40 năm. Trong thời gian này, ngoài những người Việt đã ở nước ngoài trước năm 1975, thì có thêm số người tị nạn (được gọi là thuyền nhân), tiếp đó là những người qua Mỹ với diện HO được gia đình bảo lãnh, những sinh viên du học và những người Việt đi làm ở nước ngoài, v.v… Hiện nay tổng số người Việt ở nước ngoài có khoảng 4.5 triệu người, trải rộng ra nhiều quốc gia, nhiều nhất là Hoa Kỳ (khoảng 2 triệu), tiếp đến là Pháp, Úc, Canada (mỗi nước khoảng 250-300 ngàn người). Sau thời gian đầu cố gắng vượt qua những khó khăn nơi miền đất mới, phần nhiều người Việt đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, tham gia tích cực vào xã hội họ đang sinh sống, đặc biệt lớp trẻ của thế hệ thứ hai đã có những thành đạt nhất định về giáo dục cũng như địa vị xã hội.
Lực lượng Việt Kiều đã và đang đóng góp đáng kể cho quê hương, sau chính sách đổi mới kinh tế và hội nhập được chính thức phát động vào năm 1986, tiếp theo là lệnh gỡ bỏ cấm vận thương mãi của Hoa Kỳ vào năm 1994. Theo thống kê của Viện Quản Lý Kinh tế trung Ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, lượng kiều hối gởi về Việt Nam mỗi năm mỗi tăng. Trong năm 2014 khoảng 12-13 tỉ USD lượng kiều hối gởi về, tăng gần 10% so với năm trước. Đây là nguồn vốn đứng hàng thứ 2 sau vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, là phần quan trọng trong phát triển đất nước. Những năm gần đây, có nhiều dự án do người nước ngoài gốc Việt đầu tư. Có khoảng 3,600 doanh nghiệp của Việt Kiều trải rộng trên 51 tỉnh trên toàn nước, với tổng số vốn đầu tư lên khoảng 8.6 tỉ USD. Đây là con số còn khiêm nhượng, nhưng có chiều hướng gia tăng. Hàng năm có khoảng 300 người Việt đã thành đạt tại nước ngoài như Hoa Kỳ, các nướcChâu Âu, Nhật Bản… trở về nước làm việc tại các viện nghiên cứu, giảng dạy tại đại học, hoặc tham gia kinh doanh. Những lãnh vực cũng đa dạng như kinh tế, toán học, công nghệ thông tin, hạt nhân, xây dựng, giáo dục, nông nghiệp, v.v…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn kiều bào ngày 8/4/2011 nhân dịp đoàn kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương 2011. Ảnh http://quehuongonline.vn
Trong năm 2014 đã có khoảng 750,000 lần Việt Kiều về Quê hương qua cửa khẩu phi trường Tân Sơn Nhất, trong đó có một số xin được hồi hương định cư trên quê hương mình. Ngoài ra, không ít cá nhân hoặc đoàn thể trở về Việt Nam làm việc thiện như giúp đỡ các gia đình, trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, mở trường học, xây dựng cầu đường ở những vùng xa, v.v…
Song song với thuận lợi do chính sách thu hút đầu tư từ Việt Kiều ngày càng cải thiện, thông thoáng hơn thì trên thực tế vẫn còn nhiều trở ngại. Thủ tục hành chánh vẫn còn nhiều phức tạp, thêm vào đó, tệ nạn tham những, quan liêu vẫn còn. Ví dụ khi triển khai dự án tại địa phương thì sự giải thích của chính quyền địa phương về điều luật lại khác, gây ra thêm những nhiễu nhương khiến người đầu tư dễ mất niềm tin.
Bên cạnh những đóng góp tích cực của Việt Kiều cho đất nước, thì vẫn có những động thái phản đối, chống phá nhà nước, từ hải ngoại cho đến trong nước. Tại hải ngoại, tiêu biểu là Hoà kỳ với số người gốc Việt tập trung đông đảo, đã và đang có khá nhiều tổ chức chính trị, hội đoàn có chủ trương chống cộng triệt để. Họ tụ tập người Việt tại địa phương, tổ chức biểu tình, làm báo, kêu gào chống đối nhà nước Việt Nam, v.v… Một số đoàn thể thể hiện chống cộng cực đoan, không hề quan tâm đến lợi ích của người dân trong nước cũng như sự an nguy của đất nước. Họ luôn tìm cách chống phá quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia họ đang sinh sống. Họ tìm sự hỗ trợ của những thế lực nước ngoài và vui mừng khi nhận được sự trợ giúp (hiển nhiên có điều kiện), sẵn sàng đặt mình dưới sự chỉ đạo của thế lực nước ngoài.
Trong những tổ chức, đảng phái chính trị “chống cộng” thì đảng Việt Tân được cho là đảng có hoạt động khá lâu đời tại hải ngoại, là hậu thân của Mặt Trận QGTNGPVN do Hoàng Cơ Minh khởi xướng. Tuy nhiên, qua nhiều tai tiếng về lừa đảo, uy hiếp… ngày nay không còn được sự ủng hộ của đồng hương. Họ “đấu tranh” không vì lý tưởng, không từ lòng yêu nước mà chỉ mưu cầu lợi, danh riêng. Nhiều hội đoàn của cộng đồng địa phương hay những hội nhóm do cựu quân nhân VNCH thành lập cũng hoạt động đấu tranh loay hoay quanh việc biểu tình, trình diễn văn nghệ, phô trương thế lực, rồi quay ra chống đối nhau… nên sau 40 năm nhìn lại, không có thành quả nào đáng kể, chỉ thấy láo nháo những khuôn mặt “chống cộng” quen thuộc, tìm danh tiếng và miếng cơm manh áo.
Tương ứng với những thế lực chống cộng tại nước ngoài, ở trong nước cũng xuất hiện khá nhiều cá nhân và đoàn thể dưới lớp vỏ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Họ thành lập những trang mạng, hội đoàn “xã hội dân sự” như Hội Nhà Báo Độc Lập, Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền, Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo, Diễn đàn Xã hội Dân Sự, v.v… Ngoài ra còn có những đoàn nhóm như No-U, Bauxite Việt Nam, Dòng Chúa Cứu Thế, và nhiều cá nhân, đoàn thể khác. Những cá nhân, đoàn thể này tìm mọi cơ hội để chống phá nhà nước, cho dù hành vi chống phá của họ chỉ gây xáo trộn xã hội, trong khi đất nước đang trong tình huống muôn vàn khó khăn trước hành vi xâm lăng xảo quyệt của giặc Tàu và tương quan quốc tế đầy phức tạp.
Không thể phủ nhận sự cần thiết và hữu ích của những tổ chức xã hội dân sự, cũng như những cá nhân, đoàn thể dân sự có thiện ý, muốn đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn. Họ đưa ra những đề án và ý kiến hữu ích đối với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, của chính quyền với tinh thần xây dựng. Nhưng ngược lại, những cá nhân, tổ chức nêu trên không tỏ ra thiện chí xây dựng, mà luôn tìm mọi cơ hội chống phá ĐCSVN và chính phủ. Những cá nhân, đoàn thể này là ai? Họ thuộc tổ chức nào? Phiá sau họ còn có thế lực nước ngoài, dưới danh nghĩa văn hoá, xã hội hoặc tôn giáo, nào không? Nếu theo dõi hành vi hay những bài viết của họ, không ít người sẽ nghi ngờ rằng phần nhiều những thành phần này đều có tư duy “vong nô, vọng ngoại”, sẵn sàng làm thân phận tay sai phục dịch thế lực nước ngoài dù những thế lực đó không có thiện chí với VN, muốn chống phá hoặc kiềm chế Việt Nam vì mưu đồ riêng.
Đất nước đã phải trải qua giai đoạn dài đấu tranh với rất nhiều hy sinh, gian khổ để giành được Độc Lập và Thống Nhất lãnh thổ, một tài sản thiêng liêng cao quí của Dân Tộc. Tất cả chúng ta và con cháu mai sau cần trân trọng, quyết tâm gìn giữ và phát huy trong tiến trình kiện toàn xã hội, hội nhập và phát triển Quê Hương.
Xứ Chùa, 4/2015
TP Thanh Tâm.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét