Những nhà chủ trương ngữ học nhận thức thẳng thừng bài bác quan điểm cho rằng nguồn suối “thật sự” của ẩn dụ xuất phát từ trong văn chương và nghệ thuật. Theo họ, những thiên tài sáng tạo của giới nghệ sĩ không tạo ra hầu hết các ẩn dụ.
Trong lời tựa của cuốn More than Cool Reason: A Field Guide to Poetic Metaphor[1] tập trung bàn về thơ, hai tác giả Lakoff và Turner quả quyết: Dù ngôn ngữ thi ca là những gì hết sức đặc biệt với những thủ pháp và kỹ thuật ẩn dụ, hoán dụ, tuy khác biệt và vượt ra ngoài ngôn ngữ thường ngày, nhưng những nhà thơ lớn, về căn bản, cũng sử dụng cùng một thứ thủ pháp như mọi người. Do đó, ẩn dụ không chỉ dành cho các nhà thơ. Nó nằm ngay trong ngôn ngữ thông thường và là phương cách chính yếu mà chúng ta có để ý-niệm-hóa những ý niệm trừu tượng như cuộc đời, cái chết, thời gian, tình yêu, vân vân.
Hầu hết những ẩn dụ ý niệm căn bản mà ta tìm thấy làm nền tảng cho những bài thơ cũng làm nền tảng cho các diễn đạt bình thường hàng ngày. Chúng vốn sẵn ở đó, nằm rải rác trong nền văn hóa, trong những tư tưởng hàng ngày, ngay cả ở trong những người ít học nhất cho đến những người thông thái. Chúng không phải là sáng tạo độc đáo của cá nhân nhà thơ mà dự phần vào cái mà những thành viên của một nền văn hóa đã ý niệm hóa kinh nghiệm của họ. Nhà thơ, như là một thành viên của cộng đồng văn hóa, tự nhiên sử dụng chúng để truyền đạt đến những thành viên khác. Đó là lý do tại sao người ta có thể hiểu một cách dễ dàng và tự nhiên ý nghĩa của một bài thơ. Cái khác biệt là tài năng và kỹ năng vận dụng chúng. Nhà thơ mở rộng, sáng tạo và cô đọng những ẩn dụ thông thường bằng những phương cách khác thường. Do đó, khác với cách sử dụng ẩn dụ một cách tự động và vô thức như những người bình thuờng, nhà thơ sử dụng ẩn dụ một cách có ý thức và đầy nỗ lực.[2] Mặt khác, do ẩn dụ là vấn đề tư tưởng, nằm ở trong tư tưởng chứ không nằm trong chữ, nên khi phân tích một bài thơ, Lakoff và Turner không quan tâm nhiều đến cách dùng chữ, ý nghĩa của từng câu, từng chữ mà chủ yếu đi tìm những ẩn dụ căn bản chứa đựng trong các câu thơ.
Nếu có một cái gì sai lầm trong truyền thống triết học Tây phương thì cái đó là Lý Thuyết Nghĩa Đen, theo hai ông. Trong hai thiên niên kỷ, lý thuyết đó làm mưa làm gió, định nghĩa ý nghĩa, định nghĩa chân lý, định nghĩa lý trí và loại trừ ẩn dụ và các khía cạnh khác ra khỏi cái mà Mark Johnson gọi là “lý tính tưởng tượng” (imaginative rationality). Nó biến ẩn dụ thành ra một cái gì chỉ để trang hoàng, chỉ thuộc về những nhà thơ và do đó, tác phẩm của các nhà thơ, ngoài việc giải trí, chỉ là một loại trốn chạy, vong thân khỏi đời sống bên ngoài.
Thơ hay ẩn dụ thơ (poetic metaphors), theo hai ông, không hề là một cái gì để trang hoàng mà liên hệ đến những khía cạnh quan trọng và cần thiết của hệ thống ý niệm. Xuyên qua cách sử dụng tài hoa những ẩn dụ, trên đó những hệ thống ý niệm được kiến tạo, nhà thơ chuyển đến những vấn đề sống động nhất của cuộc sống, bằng cách mở rộng, sáng tạo và ngay cả phê phán những ý niệm căn bản mà qua đó, chúng ta hiểu hiện thực. Họ soi sáng thêm những kinh nghiệm mà chúng ta vốn có, thách đố cách chúng ta suy nghĩ về đời sống.
Nhà thơ vừa tưởng tượng lại vừa chân thực, Lakoff và Turner kết luận.[3]
Một số ẩn dụ về Chết, Sống và Thời Gian trong thơ
Có nhiều ẩn dụ diễn tả ý niệm về cái chết và đời sống dựa theo nhiều ý niệm khác nhau: du hành, trò chơi, ngày tháng, cây cỏ, giấc ngủ… đưa ta đến nhiều nhiều hình ảnh, kiến thức, đặc tính, tương quan phức tạp. Sự khác biệt này có thể nhiều hơn, gợi ra rằng dường như bất cứ điều gì cũng có thể hiểu một cách ẩn dụ theo bất cứ điều gì.
Theo Lakoff, không phải vậy. Mặc dầu trí tưởng tượng con người rất phong phú, tưởng chừng như có thể tạo nên và hiểu được cả những kết hợp kỳ quặc nhất, thực ra, chỉ có những ẩn dụ tương đối căn bản về cái sống và cái chết như là một phần trong nền văn hóa. Và có những hạn chế nghiêm ngặt. Ví dụ ẩn dụ “NGƯỜI LÀ CÂY CỎ” (People Are Plants) cho ta biết cái chết có thể nhân cách hóa như cây, nhưng không phải tất cả những gì liên hệ đến cây đều có thể sử dụng được. Ta cứ tưởng là có đến hàng trăm cách khác nhau để làm nên ẩn dụ, nhưng con số những ý niệm ẩn dụ căn bản rất giới hạn. Điều này cho ta một nhận định quan trọng về bản chất của sự sáng tạo: nhà thơ phải sử dụng những nguồn ý niệm và ngôn ngữ họ được ban cho. Họ có thể sáng tác, diễn tả bằng những cách mới, nhưng họ phải sử dụng những gì có sẵn trong nền văn hóa. Nếu không như thế, họ không thể truyền đạt được, vì người đọc không hiểu.[4]
Sau đây là một số ẩn dụ căn bản về Chết, Sống và Thời Gian được tìm thấy trong một số câu thơ:
· CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH (Life Is A Journey)
In the middle of life’s road/I found myself in a dark wood (Dante)
(Tạm dịch: Ở giữa con đường đời/Tôi thấy mình ở trong một rừng tối)
· CHẾT LÀ RA ĐI (Death Is Departure)
You know how little while we have to say/And, once departed, may return no more. (Edward Fitzgerald)
(Bạn biết là chúng ta chẳng còn bao lâu nữa để nói/Và, một khi đã ra đi, có lẽ không còn trở lại)
· MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NGÀY (A Lifetime Is A Day)
Suns can set and return again,/But when our brief light goes out,/There’s one perpetual night to be slept through (Catullus)
(Mặt có thể trời lặn rồi mọc lại/Nhưng khi ánh sáng ngắn ngủi của chúng ta tắt đi/Là ngủ một đêm dài vĩnh cửu)
· CHẾT LÀ ĐI ĐẾN TRẠM CUỐI CÙNG (Death Is Going To A Final Destination)
How gladly would I meet/Mortality, my sentence, and be earth/Insensible! How glad would lay me down/As in my mother’s lap (John Milton)
(Thú biết bao tôi được gặp/Bản án Chết của tôi, và về với đất/
Mê man! Thú biết bao được nằm xuống/Như đã từng nằm trong lòng mẹ)
· ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NĂM; CHẾT LÀ MÙA ĐÔNG (A Lifeyime Is A Year; Death Is Winter)
When the snows begin, and the blasts denote/I am nearing the place. (Robert Browning)
(Khi tuyết bắt đầu, và gió trổi lên/Là lúc tôi gần đến nơi)
· CHẾT LÀ NGỦ (Death Is Sleep)
For what is Death but an eternal sleep? (Aristophanes)
(Chết là gì nếu chẳng là một giấc ngủ vĩnh cửu?)
· SỐNG LÀ CÒN CHẤT LỎNG TRONG CƠ THỂ; CHẾT LÀ MẤT CHẤT LỎNG (Life Is Fluid In The Body; Death Is Loss Of Fluid)
In headaches and in worry/Vaguely life leaks away (W.H. Auden)
(Trong những cơn đau đầu và trong nỗi lo/Đời âm thầm rò rỉ)
· ĐỜI LÀ MỘT VỞ KỊCH (Life Is A Play)
All the world’s a stage/And all the men and women merely players/They have their exits and their entrances/And one man in his time plays many parts.
(Shakespeare)
(Cả thế gian chỉ là một sân khấu/Và mọi người chỉ là những kịch sĩ/Họ ra họ vào/Và trong đời mình một người đóng nhiều vai)
· ĐỜI LÀ TÙ TỘI, CHẾT LÀ GIẢI THOÁT (Life Is Bondage; Death Is Deliverance)
Then, with no throbs of fiery pain/No cold gradations of decay/Death broke at once the vital chain/And freed his soul the nearest way (Johnson)
(Rồi chẳng còn những cơn đau buốt/Chẳng còn những đổi thay lạnh lùng của tàn tạ/Cái Chết phá tan ngay xiềng xích sống/Và giải thoát linh hồn hắn bằng lối đi gần nhất)
· THỜI GIAN LÀ THẰNG ĂN CẮP (Time Is A Thief)
Time bears away all things, even the mind (Virgil)
(Thời gian cuốn đi mọi thứ, kể cả linh hồn)
· THỜI GIAN LÀ TÊN PHÁ HOẠI (Time Is A Destroyer)
Does it really exist, Time, the destroyer?/When will it crush the fortress on the peaceful height? (Rainer Maris Rilke)
(Thời gian, tên phá hoại, có thực sự hiện hữu?/Khi nào thì hắn sẽ đè bẹp chiếc pháo đài trên đỉnh bình yên?)
· THỜI GIAN LÀ NGƯỜI ĐUỔI BẮT (Time Is A Pursuer)
But at my back I always hear/Time’s winged chariot hurrying near (Marvell)
(Nhưng tôi luôn nghe sau lưng tôi/Chiếc xe thời gian có cánh vội vã đến gần)
Để hiểu rõ hơn tài năng vận dụng những ẩn dụ thông thường về Chết và Sống vào thơ, Lakoff và Turner giới thiệu bài Sonnet 73 (ở đây chỉ xin trích hai khổ đầu gồm tám câu) và đi tìm những ẩn dụ căn bản chứa đựng trong đó.[5]
SONNET 73
That time of year thou mayst in me behold
When yellow leaves, or none, or few, do hang
Upon those boughs which shake against the cold,
Bare ruin’d choirs, where late the sweet birds sang.
In me thou seest the twilight of such day
As after sunset fadeth in the west,
Which by and by black night doth take away,
Death’s second self, that seals up all in rest. (Shakespeare)
(Tạm dịch: Trong tôi, bạn có thể nhìn thấy thời gian một năm/Khi chỉ còn ít lá vàng hay chẳng còn gì /Trên những cành cây, run rẩy vì giá lạnh/Nơi mới đây vang lên những tiếng hát ngọt ngào của dàn hợp xướng nhà thờ mà bây giờ chỉ là những đổ nát điêu tàn/Trong tôi, bạn có thể nhìn thấy chỉ còn sót lại chút ánh sáng tờ mờ/Sau khi mặt trời đã lặn phía trời tây/Bóng đêm đen đã mang đi tất cả/Bóng dáng của cái chết phủ kín mọi vật nằm yên bất động.)
Bốn câu thơ đầu gợi ra ẩn dụ NGƯỜI LÀ CÂY CỎ (People Are Plants): lá vàng và cành cây là ý niệm về “Cây”; “trong tôi” (in me) gợi ý niệm về Người.
Ý tưởng “Bare ruined choirs” (những dàn hợp xướng tàn tạ trơ trụi) để diễn tả cành cây gợi lên sự chồng hình ảnh của ban hợp xướng nhà thờ lên hình ảnh của cành cây; các hàng người đứng hát tương ứng với những cành cây và những người ca sĩ tương ứng với những con chim. Đồ chiếu ban hợp xướng lên cái cây và qua đó, lên người đàn ông khiến cho người đàn ông được nhìn xuyên qua ban hợp xướng: ban hợp xướng một thời đầy tiếng hát, sinh động thì bây giờ trở nên đổ nát, tàn tạ như người đàn ông đã từng mạnh khỏe, cường tráng bây giờ già yếu, gầy gò. Hình ảnh đó gợi nên ẩn dụ MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NĂM (A Lifetime Is A Year).
Hai câu năm và sáu chỉ rõ ẩn dụ MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NGÀY (A Lifetime Is A Day).
Hai câu bảy và tám là một tổng hợp đồng thời của nhiều ý niệm ẩn dụ về ánh sáng, đời sống, cái chết và đêm tối, được phân tích như sau:
Ánh sáng được hiểu như một thứ vật chất (substance) có mặt rồi biến mất vào buổi chiều như bị một tác nhân (agent) nào đó lấy đi; đó là ẩn dụ ÁNH SÁNG LÀ MỘT CHẤT CÓ THỂ BỊ LẤY ĐI (Light Is A Substance That Can Be Taken Away).
Mặt khác, đời sống thường được nhìn một cách ẩn dụ như ánh sáng, đồng thời cũng như một tài sản, nên ta có ẩn dụ: ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT TÀI SẢN QUÝ GIÁ (Life Is A Precious Possession). Vì đời sống là một tài sản nên cái chết được hiểu như mất tài sản. Nếu hiểu chết như là một hành vi (action), thì cái chết là một tác nhân lấy đi ánh sáng, tức là lấy đi tài sản, lấy đi đời sống.
Ban đêm được hiểu một cách ẩn dụ như cái gì che dấu, bao phủ và vì bao phủ nên khiến cho không nhìn thấy sự vật. Bao phủ một cái gì cũng là đóng kín lại (seal), đậy lại như người chết thì được đóng kín trong hòm, và chôn cất. Vì thế ta có ẩn dụ: ĐÊM LÀ MỘT TẤM MÀN CHE (Night Is A Cover).
Nói đến đêm cũng là nói đến nghỉ ngơi, tức là trạng thái nghỉ ngơi (state of rest), mà trạng thái là một cái gì ta có thể vào bên trong, y như vào một chỗ để nghỉ. Vì thế ta có ẩn dụ: TRẠNG THÁI LÀ NƠI CHỐN (States Are Locations).
Ngoài ra, chết còn được hiểu như là một cách yên nghỉ, yên nghĩ trong cõi vĩnh hằng, nên ở đây còn bao gồm thêm một ẩn dụ nữa: CHẾT LÀ YÊN NGHỈ (Death Is Rest).
Chỉ trong tám câu của “Sonnet 73”, với cách phân tích rất đặc thù theo quan điểm ẩn dụ ý niệm, Lakoff và Turner tìm thấy đến tám ẩn dụ ý niệm đan xen nhau. Tóm lại, qua các câu thơ trích dẫn, Lakoff và Turner tìm ra từ trong chúng những ẩn dụ ý niệm căn bản, những ẩn dụ vốn không xa lạ gì với cách nói bình thường. Thơ chỉ là một cách tái cấu trúc những ẩn dụ căn bản hàng ngày như thế.
Ẩn dụ hình ảnh
Tuy nhiên, khác với cách nói khẳng định ngay từ lúc đầu trong Metaphors We Live By (cho rằng ẩn dụ là ý niệm trong bản chất), trong khi bàn về thơ, Lakoff (cùng với Turner) tìm thấy rằng, ngoài những ẩn dụ ý niệm, còn có những “ẩn dụ thoáng qua” (fleeting metaphors), chỉ giới hạn trong một lần đồ chiếu (one-shot). Những ẩn dụ này “không đồ chiếu ý niệm mà đồ chiếu hình ảnh” và được mệnh danh là “ẩn dụ hình ảnh” (image metaphors).[6] Đồ chiếu hình ảnh dựa trên sự tương tự về mặt vật lý, đó là một sự phóng rọi về mặt hình thể của sự vật này trên sự vật khác.
Lakoff và Turner đưa ra một bài dân ca của thổ dân để minh họa cho ẩn dụ hình ảnh:[7]
Now women rivers/belted with silver fish/move unhurried as women in love/at dawn after a night with their lovers
(Tạm dịch: Những giòng sông nữ/thắt quanh lưng bằng bầy cá bạc/lững lờ trôi như những phụ nữ đang yêu/thức dậy lúc bình minh sau một đêm dài ân ái)
Trong đoạn thơ này, người ta không tìm thấy một ý niệm nào, mà chỉ tìm thấy hình ảnh. Đó là hình ảnh của một phụ nữ thổ dân chầm chậm bước đi được đồ chiếu vào hình ảnh lờ đờ của một giòng sông phản chiếu ánh sáng vào lúc rạng đông. Hình ảnh lấp lánh của bầy cá bơi lượn trên sông được hình dung như một cái thắt lưng.
Đồ chiếu hình ảnh hoạt động cùng một quy cách như đồ chiếu ý niệm, nghĩa là bằng cách đồ chiếu cơ cấu của một lãnh vực này (nguồn) vào cơ cấu của một lãnh vực khác (đích). Nhưng thế nào gọi là hình ảnh? Hình ảnh ở đây, theo Lakoff và Turner là hình ảnh tinh thần. Có hai loại cấu trúc hình ảnh tinh thần: cấu trúc “thành phần-toàn thể” và “cấu trúc đặc trưng” (attribute structure). Cấu trúc thành phần-toàn thể là cấu trúc trong đó có sự tương quan giữa thành phần và toàn thể chẳng hạn như giữa mái nhà và nhà, hay giữa tấm bia mộ và ngôi mộ. Cấu trúc đặc trưng bao gồm những “sự vật” như màu sắc, cường độ ánh sáng, hình thể…Sự hiện hữu của những cấu trúc như thế trong hình ảnh ý niệm của chúng ta cho phép một hình ảnh này có thể đồ chiếu vào hình ảnh khác dựa theo cấu trúc của chúng.
Một đoạn khác từ bài dân ca nói trên:
Slowly slowly rivers in autumn show/sand banks/bashful in first love woman/showing thighs (tạm dịch: Những giòng sông mùa thu dần dần bày ra/những bờ cát/bẽn lẽn như người đàn bà lần đầu biết yêu/để lộ cặp đùi mình).
Ở đây, có sự đồ chiếu giữa con sông và người phụ nữ trong đó những nét đặc trưng cũng được đồ chiếu: màu cát/màu da; độ ánh sáng trên cát ướt/độ sáng của nước da; ánh sáng lướt qua trên mặt nước đang rút xuống/ánh sáng lướt qua trên áo quần. Ngoài ra, cấu trúc thành phần-toàn thể cũng được đồ chiếu: nước phủ phần bờ sông đồ chiếu vào phần áo quần che phủ thân thể người phụ nữ.
Ẩn dụ hình ảnh dồi dào về chi tiết nhưng không giàu kiến thức và giàu cơ cấu để suy ra như trong ẩn dụ ý niệm. Vì thế, trong lúc đồ chiếu ý niệm được sử dụng một cách vô thức nhiều lần trong đời sống hàng ngày, thì đồ chiếu hình ảnh ngược lại, không dính dáng đến đời sống hàng ngày, nghĩa là không có tính cách quy ước. Chúng chỉ được tìm thấy trong thơ. Nhưng Lakoff và Turner cho rằng ẩn dụ hình ảnh giúp thúc đẩy và tăng cường ẩn dụ ý niệm. Vì đồ chiếu hình ảnh này vào hình ảnh khác hướng dẫn ta đồ chiếu “kiến thức quy ước về hình ảnh đầu tiên” vào “kiến thức về hình ảnh thứ hai”. Cũng như trong ẩn dụ ý niệm, ở đây, chữ không đóng một vai trò nào. Chúng chỉ “thúc đẩy” người đọc đồ chiếu hình ảnh này đến hình ảnh khác “ở tầm mức ý niệm”, theo hai ông.
Tuy nhiên, cũng theo hai ông, nhà thơ có thể phá vỡ sự liên hệ đó bằng cách xáo trộn cách đồ chiếu. Điều này được tìm thấy trong những bài thơ siêu thực. Sau đây là đoạn mở đâu của bài thơ “Union libre” (1931) được xem như là một trong những bài mở đầu cho trào lưu siêu thực trong thơ, do David Antin dịch sang tiếng Anh:
My wife whose hair is a brush fire
Whose thoughts are summer lightning
Whose waist is an hour-glass
Whose waist is the waist of an otter caught in the teeth of a tiger
…
(Tạm dịch: Vợ tôi mà tóc nàng là một đám cháy bụi bờ/những ý nghĩ nàng là tia chớp mùa hè/ eo nàng là một chiếc đồng hồ cát/eo nàng là eo con rái cá nằm giữa răng một con cọp)
(André Breton/Free Union)[8]
Những con chữ trong bài thơ thúc đẩy ta thực hiện những đồ chiếu hình ảnh, tuy nhiên những đồ chiếu này không phải là những đồ chiếu quy ước. Rất khó tìm thấy ngay đồ chiếu giữa hình ảnh của mái tóc (hair) và hình ảnh của một đám cháy nhỏ (brush fire) hay đồ chiếu giữa hình ảnh của tia chớp (lightning) và hình ảnh của tư tưởng (thoughts). Theo hai ông, vì những đồ chiếu này không quy ước, nên cùng một bài thơ siêu thực, mỗi độc giả có thể có những cách đọc và cách giải thích khác nhau với mục đích làm cho chúng ta thăm dò từ đầu những cách nhìn và cách suy nghĩ mới. Chẳng hạn có thể nhìn thấy những sợi tóc tương tự như những chóp ngọn lửa lung linh; cũng có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời lấp lánh trên mái tóc tương tự như hình ảnh nhấp nháy của ngọn lửa trên bụi cây, vân vân. Do nhìn thấy cái tương tự mà người ta có thể đồ chiếu hình ảnh này vào hình ảnh kia. Phần quan trọng của thơ siêu thực là giúp độc giải kinh qua một quá trình kiến tạo tưởng tượng. Một bài thơ siêu thực có thể bắt đầu bằng một đồ chiếu hình ảnh quy ước nhưng rồi sẽ vượt ra ngoài quy ước, theo hai ông.[9]
Ngoài ẩn dụ hình ảnh, Lakoff và Turner còn đề cập đến một loại ẩn dụ khác được gọi là ẩn dụ “sơ đồ hình ảnh” (image schema metaphors). Khác với hình ảnh, sơ đồ hình ảnh, như tên gọi, là những sơ đồ, nghĩa là những cơ cấu có tính cách tổng quát, ví dụ như các khoảng không gian có biên giới, các lối đi, những tiếp điểm, hay những định hướng như lên-xuống, trước-sau, trung tâm, ngoại biên…Để chỉ định những sơ đồ như vậy, người ta sử dụng những giới từ như in, out, to, from, along trong tiếng Anh (hay trong tiếng Việt như: trong, ngoài, từ, dọc theo…). Thỉnh thoảng, ta có thể đồ chiếu loại hình ảnh sơ đồ này vào những hình ảnh khác chẳng hạn như hình ảnh của một ngôi nhà, một nhà để xe, hay đường viền của một vùng đất trên bản đồ. Nhưng ta cũng có thể đồ chiếu nó vào những lãnh vực đích trừu tượng như tình yêu, quyền hành và do đó, tạo ra những ẩn dụ sơ đồ hình ảnh: fall in love, out of power, out of order…(tiếng Anh) hoặc: sống tronghạnh phúc, ra khỏi quyền hành, lên đài danh vọng, đi trong tăm tối, đường vào tình yêu…(tiếng Việt)
Ẩn dụ hình ảnh khác ẩn dụ sơ đồ hình ảnh. Những ẩn dụ hình ảnh đồ chiếu những hình ảnh tinh thần phong phú vào những hình ảnh khác. Ẩn dụ sơ đồ hình ảnh không phong phú, Trong lãnh vực vật lý, nhưng sơ đồ hình ảnh có hai vai trò: Một là, chúng cung cấp cấu trúc cho những hình ảnh tinh thần. Chẳng hạn như giòng nước chảy ra từ một cốc nước có thể đồ chiếu vào một lối đi đến vùng đất chết vì chúng chia xẻ cấu trúc sơ đồ hình ảnh của một lối đi xuất phát từ một không gian có biên giới. Hai là, sơ đồ hình ảnh có một cơ cấu nội tại cho phép lý luận về không gian: nếu x ở trong A, mà A ở trong B, vậy x ở trong B.
Dù đồ chiều hình ảnh cũng như đồ chiếu sơ đồ hình ảnh chiếm một phần nhỏ và không được nhấn mạnh nhiều, nhưng đóng một vai trò quan trọng trong việc phân tích và tìm hiểu ẩn dụ trong thơ của các tác giả chủ trương ẩn dụ ý niệm. Có thể nói, đưa thêm ẩn dụ hình ảnh vào trong việc phân tích thơ đã giúp cho những nhà chủ trương khỏi lâm vào bế tắc (nếu chỉ sử dụng ẩn dụ ý niệm) khi đối diện với tính sáng tạo vô cùng phong phú trong thơ.
Cơ cấu ẩn dụ trong một bài thơ
Để hiều rõ hơn ẩn dụ ý niệm và ẩn dụ hình ảnh chứa đựng trong một bài thơ, ta hãy theo dõi cách phân tích của Lakoff và Turner qua bài thơ The Jasmine Lightness of the Moon của William Carlos Williams sau đây.[10] Trong phần trình bày sau, tôi kèm theo một đồ hình minh họa cách diễn tả chứa đựng trong bài thơ.[11]
The Jasmine Lightness of the Moon
( To A Solitary Disciple)
Rather notice, mon cher,
that the moon is
tilted above
the point of the steeple
than that its color
is shell-pink.
Rather observe
that it is early morning
than that the sky
is smooth
as a turquoise.
Rather grasp
how the dark
converging lines
of the steeple
meet at a pinnacle—
perceive how
its little ornament
tries to stop them—
See how it fails!
See how the converging lines
of the hexagonal spire
escape upward—
receding, dividing!
—sepals (như những lá đài
that guard and contain
Observe
how motionless
the eaten moon
lies in the protective lines.
It is true:
in the light colors
of the morning
brown-stone and slate
shine orange and dark blue
But observe
the oppressive weight
of the squat edifice!
Observe
the jasmine lightness
of the moon.
(Tạm dịch: Này bạn, hãy đển ý đến ánh trăng chênh chếch trên nóc tháp chuông hơn là màu hồng nhạt của nó/Hãy nhận thấy buổi sáng tinh sương hơn là bầu trời trơn nhẵn như hòn đá màu lam ngọc/Hãy nắm bắt cách mà những đường hội tụ sẫm màu giao nhau tại đỉnh tháp – hãy nhận biết cách mà vật trang hoàng nhỏ cố chận chúng lại – Thấy nó thất bại như thế nào! – Hãy nhìn những đường hội tụ của cái chóp nhọn hình lục giác vượt thoát lên trên – rồi xa dần, tách ra!- những lá đài canh giữ và bao bọc bông hoa!/ Hãy nhìn xem mảnh trăng khuyết nằm bất động trong những đường hộ vệ. Sự thật là: trong màu sắc nhợt nhạt của buổi sáng/đá nâu và đá phiến/lóe lên màu cam và xanh thẫm/Nhưng hãy nhìn xem cái nặng nề ngột ngạt của ngôi nhà thờ thô tháp! Hãy nhìn xem cái nhẹ nhàng thơm tho của ánh trăng.)
Mới thoạt nhìn, bài thơ dường như chẳng có nhiều ẩn dụ. Nhưng đọc kỹ, Lakoff và Turner nhận thấy ẩn dụ nằm ngay ở những câu thơ đơn giản nhất. Cần đọc kỹ, vì một số ẩn dụ vốn là ẩn dụ quy ước căn bản mà người ta thường sử dụng một cách tự động, vô thức.[12]
Đoạn 2: the sky/is smooth/as a turquoise. (Bầu trời trơn nhẵn như một (hòn đá) lam ngọc). Ở đây, có một ẩn dụ căn bản: NHÌN LÀ TIẾP XÚC (Seeing Is Touching = thị giác là xúc giác), nghĩa là đôi mắt được hiểu như là tay chân tiếp xúc và tri giác được cái mà chúng ta đụng chạm, sờ mó, chẳng hạn như trong những cách nói: Đôi mắt nàng phân biệt được từng chi tiết trang trí trong căn nhà mới của nàng/Anh ta không thể nào rời mắt khỏi khuôn mặt đẹp đẽ của nàng/Đôi mắt họ gặp nhau…
Ẩn dụ NHÌN LÀ TIẾP XÚC đồ chiếu bề mặt sờ mó được của hòn đá phẳng phiu (turquoise) vào bề mặt liên tục đều đặn của bầu trời không mây. Ẩn dụ này là chiếc cầu nối cho phép ta nối kết giữa bề mặt sờ mó được (xúc giác) của màu lam ngọc (của hòn đá) với bề mặt nhìn thấy của bầu trời một cách tự động, không cần một cố gắng nào. Khi chúng ta đưa ngón tay sờ lên một cái gì đó nhẵn như trên mặt một hòn đá lam ngọc, không có gì ngăn cản chuyển động liên tục. Tương tự như thế, khi chúng ta nhìn một bầu trời xanh không mây, không có gì ngăn cản cái nhìn của mình.
Đoạn 3: …the dark / converging lines / of the steeple / meet at the pinnacle (những đường nét hội tụ tối của cái tháp chuông gặp nhau tại đỉnh cao chót vót). Đây là cách nói thông thường của hai đường thẳng “gặp nhau”, “hội tụ” khi chúng di chuyển. Chẳng hạn như người ta nói: con đường chạy một đoạn rồi tách ra làm hai/hàng rào hạ thấp xuống rồi lại nhô lên song song với khu đất/mái nhà nghiêng xuống…Đây thuộc loại ẩn dụ quy ước: HÌNH THỂ LÀ CHUYỂN ĐỘNG (Form Is Motion). Ẩn dụ chuyển một sơ đồ tĩnh sang một sơ đồ động, trong đó một hình thể được hiểu theo chuyển động vạch ra hình thể đó. Khi một vật thể chuyển động, nó có một xung động và có thể tạo ra một lực trên bất cứ vật gì nó đi qua.
Trong đoạn 3, nhà thơ mô tả các đường nét không chỉ chuyển động mà cố vượt thoát lên phía bầu trời (converging lines…escape upward) trong lúc vật trang hoàng trên đỉnh tháp cố chận lại (little ornement tries to stop them), nhưng không được, cuối cùng các đường nét tiếp tục chuyển động và rồi xa dần và tách ra hai ngả.
Trong những đoạn thơ kế tiếp, tác giả sử dụng nhiều ẩn dụ hình ảnh.
Đoạn 4: hình ảnh của bông hoa được đồ chiếu vào hình ảnh của mặt trăng, với những đài hoa được đồ chiếu vào những đường nét vượt thoát khỏi tháp chuông nhà thờ.
Đoạn 5: đồ chiếu hình ảnh mặt trăng bị “ăn bớt” (eaten moon); đó là hình dáng của một vật gì bị ai cắn mất một miếng.
Đoạn 6: hình ảnh màu đá nâu (brown-stone) và xám đen (slate)của kiến trúc nhà thờ được đồ chiếu vào màu da cam của mặt trời (orange) và màu xanh đậm của bầu trời (dark blue) buổi sáng.
Đoạn 7: tương phản giữa hình ảnh nặng nề (oppressive weight) của nhà thờ và mặt trăng nhẹ nhàng trôi lơ lửng trong bầu trời (jasmine lightness of the moon). Đoạn này vừa là hoán dụ “thành phần thay cho toàn thể” TÒA NHÀ THAY CHO ĐỊNH CHẾ (The Building Stands For The Institution) vừa là ẩn dụ KHÓ KHĂN LÀ GÁNH NẶNG (Difficulties Are Burdens). Ẩn dụ này gắn liền với một vài ẩn dụ khác như: MỤC ĐÍCH LÀ NƠI ĐẾN (Purposes Are Destinations), KIỂM SOÁT LÀ Ở TRÊN (Control Is Up) và BỊ KIỂM SOÁT LÀ BỊ ĐÈ XUỐNG DƯỚI (Being Controlled Is Being Kept Down).
Như thế, bài thơ chứa nhiều ẩn dụ ý niệm và ẩn dụ hình ảnh khác nhau. Nhìn bài thơ như một toàn thể, nó có một lãnh vực nguồn và một lãnh vực đích. Lãnh vực nguồn liên quan đến hình dạng bên ngoài của một ngôi nhà thờ; lãnh vực đích liên quan đến yếu tính của tôn giáo. Người môn đệ phải hiểu yếu tính của tôn giáo (đích) một cách ẩn dụ theo cách nhìn vào một ngôi nhà thờ đặc thù trong một khung cảnh đặc thù (nguồn). Yếu tính đó là cái thiêng liêng, cái cao cả. Cái thiêng nằm trên cái tục. Chỉ nhìn vào định chế của giáo hội (qua hình ảnh vững chắc của ngôi nhà thờ) mà không chú ý đến ánh trăng ở trên bầu trời là một điều sai lầm. Mặt trăng ở đây tượng trưng cho sự tự do, không gì có thể kéo nó xuống được.
*
Đó là cách lý giải điển hình một bài thơ theo quan điểm của ẩn dụ ý niệm. Phân tích một bài thơ, như thế, không phải là đi tìm ý nghĩa toát lên từ bài thơ qua cách sử dụng câu, chữ trong một cấu trúc nghệ thuật, cũng không phải là vần điệu, cũng không phải là vấn đề cảm xúc…mà là đi tìm những ý niệm chung ẩn chứa đàng sau những con chữ. Ngôn ngữ chỉ là vỏ bên ngoài của những ý niệm quy ước vốn là nên tảng của mọi nhận thức và hành động của con người nói chung.
Thơ, rốt cuộc, chỉ là một hình thức thể hiện ý niệm có sẵn, điều mà ta có thể tìm thấy ở bất cứ hình thức diễn đạt ngôn ngữ nào. Các khái niệm như “nên thơ”, “sáng tạo”…không có chỗ đứng trong quan điểm “ẩn dụ ý niệm”.
Trần Hữu Thục
[1]George Lakoff và Mark Turner, More than Cool Reason: A Field Guide to Poetic Metaphor, (MTCR) The Universiy of Chicago Press, Chicago 1989, Lời Tựa
[2] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 52,53
[3] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 215
[4] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 26
[5] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 26-30
[6] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 89 (xem phần “Image Metaphors”, tr. 89-96)
[7] MTCR, Phần đã dẫn, tr. 91
[8] MTCR, pđd, tr. 93. Bài thơ này do David Antin dịch sang Anh văn từ bài thơ “Union libre” (1931) của André Breton. Phần tiếng Pháp đoạn trên như sau: Ma femme à la chevelure de feu de bois/Aux pensées d’éclairs de chaleur/A la taille de sablier/
Ma femme à la taille de loutre entre les dents du tigre …(xem ở: http://www.bacdefrancais.net/union-libre-breton.php)
[9] MTCR, tr. 94, 95
[10] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 140-159. Lưu ý: các con số 1,2,3…ghi trong bài thơ là do tôi thêm vào để phân biệt các khổ thơ, thay vì để các khoảng trống (space).
[11] Đồ hình minh họa lấy ở: http://bbs.chinadaily.com.cn/thread-597023-1-1.html
[12] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 141
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét