Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Mật viên ca


Giáp Văn

Tôi thích nhạc không lời.
Thích theo kiểu mù quáng, điếc không sợ súng.
Nhưng suy cho cùng những thứ con người ta thích hoặc tôn thờ thì hầu hết đều là những thứ mù quáng cả. Nên bây giờ, nếu ai hỏi vì sao tôi thích nhạc không lời thì tôi sẽ rất lúng túng. Nếu ép quá chắc tôi sẽ buột miệng ra nói mấy chữ chẳng giống ai, đại loại như: vì nhạc không lời dồn nén, cô đơn, có cấu trúc, tỏa và chụm, đa nghĩa, có nhiều điểm tương đồng với những thứ khác mà tôi thích v.v.
Trong những thứ chẳng giống ai đó, nếu cố gắng chọn ra được một thứ được nhiều người đồng ý hơn cả, thì có lẽ đó là tính đa nghĩa. Vì thế bài này sẽ chỉ đề cập đến khía cạnh đa nghĩa của nhạc không lời.
Các cụ nói trăm nghe không bằng một thấy, nhưng trong trường hợp này thì ngược lại: trăm thấy không bằng một nghe. Nên trước khi vào chuyện, bạn nghe thử bản nhạc này: Song from a secret garden.
Tôi tạm dịch là Mật viên ca.

Hãy bỏ qua tiểu sử của bản nhạc và những chi tiết kĩ thuật đi, chỉ nghe thôi.
Chỉ nghe thôi.
Bạn thấy gì?
Có lẽ bạn sẽ thấy ban đầu là tiếng đàn piano buông chậm rãi. Sau đó là tiếng vĩ cầm cất lên. Nhẹ nhàng êm ái. Réo rắt. Rồi cao trào. Cũng có lúc trầm lắng. Như lời đối thoại: khi quyến luyến, khi rời xa, và cuối cùng trôi dần, nhỏ dần về cuối bản nhạc khi kết thúc.
Bạn còn thấy gì nữa? Tôi không biết, vì tôi không là bạn. Nhưng tôi biết mình thấy gì khi nghe bản nhạc này. Mỗi lần thấy là mỗi lần khác, tùy thuộc vào tâm trạng khi nghe.
Tôi sẽ nói những điều tôi đã thấy xem có giống những điều bạn đã thấy hay không nhé.
1. Tình yêu.
Cuộc sống tư lự trôi như đám mây hờ hững, như con sóng vỗ bờ, không luyến ái, không chủ đích. Rồi một ngày tình yêu đến, bắt đầu biết nhớ da diết. Giai điệu ban đầu nhẹ nhàng uốn lượn như dải lụa mềm, cao độ vừa phải, sau đó tăng dần lên đến cao trào, rồi lại hạ thấp như lời thủ thỉ: trên đời này chỉ có hai ta.
Cung bậc nhớ tăng dần đến mức quyện chặt không thể tách rời. Rồi sau đó là những cung trầm ấm hơn, như lời của chàng trai bên tai cô gái. Chàng nói gì chàng hứa hẹn gì? Không ai biết và không quan trọng. Nhưng chắc chắn cô gái hiểu được, vì họ đang có chung một ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ bí mật của hai người.
Ở đây không có sự ào ạt phóng khoáng hoang dã như hai kẻ trẻ tuổi phi ngựa trên thảo nguyên, mà chỉ có tiếng lòng rung lên thầm kín, kìm nén của một trắc trở. Nhưng chính vì kìm nén mà nó chạm vào được những góc tinh tế nhất của tâm hồn. Tay nắm chặt tay mắt nhìn đắm đuối cho thứ ngôn ngữ không lời tràn ra như trăng mật.
Trong ngôi vườn của hai người.
2. Bên thềm
Tiếng piano ban đầu như lời an ủi. Người ngồi bơ vơ bên thềm vắng. Người đã đi mà hình bóng vẫn còn đây. Không kìm nén được nên tiếng lòng trỗi dậy. Bao kỉ niệm da diết bỗng cựa quậy ùa về. Những ngọt ngào bỗng dưng tuôn trào thành nước mắt. Lúc cao trào thì ào ạt như hoa rơi ngày trở gió. Khi trầm buồn thì hiu quạnh tựa chiều đông.
Không trách móc, không giận hờn, không cay đắng. Nhưng đi rồi, đi mãi không hẹn ngày trở lại. Chỉ còn sóng lòng dội mãi khôn nguôi.
Dội mãi khôn nguôi.
3. Canh khuya
Đêm khuya thiếu phụ đan áo chờ chồng, con nhỏ nằm bên má hồng tóc ướt. Thoảng đâu tiếng gió lướt ngoài cửa sổ. Nhầm lẫn chi với một tiếng thở dài?
Dưới ánh đèn, tiếng piano từng giọt từng giọt rớt xuống mũi que đan. Bỗng xôn xao: ban đầu nhẹ nhàng như gió thoảng, sau da diết như cứa vào da thịt. Thiếu phụ dừng tay nghe lòng mình thổn thức. Đến cao trào thì quyện chặt lại. Bất giác nhìn con trẻ đang say giấc để tìm hình bóng kẻ đi xa, ôm con vào lòng mà thấm từng hơi ấm cũ.
Khung cảnh quá đỗi giản dị mà ai cũng đã từng bắt gặp. Nếu không tin, khi vợ đan áo chồng ôm con đọc sách bên cạnh mà bật bản này lên, bạn sẽ thấy những nhận xét trên đây là đúng.
4. Trong vườn nhà
Người đàn ông đi dạo một mình trong vườn buổi tối. Từng bước từng bước chậm rãi. Mỗi bước chân buông là mỗi bước đi về miền ký ức, tưởng rất xa xôi mà kì thực rất gần. Chỉ cần một chiếc lá rụng, một ánh sao khuya cũng đủ lay động cả một miền dĩ vãng.
Người đàn ông dừng bước, vểnh tai nghe gió thổi trong lòng. Đêm vắng, chỉ có quá khứ dội về. Một quá khứ đã từng rất ngọt ngào bay bổng. Nhưng khi tiếng vĩ cầm đổi cung thì người chìm trong suy tưởng.
Suy tưởng gì hỡi người đàn ông đi dạo? Một thời trai trẻ hay một hình bóng cũ? Không tiếng trả lời. Chỉ thấy trôi đi, trôi mãi mà không tài nào kìm giữ nổi.
Đêm khuya, chết lặng giữa vườn.
5. Mệt mỏi
Đôi khi người ta mệt mỏi đến mức không muốn gì cả.
Không muốn cả thở.
Buông thôi!
Buông để chìm vào miên viễn.
Buông để dập dềnh trôi nổi theo lời ca xưa cũ.
Lời ca nâng cánh bay bổng nhẹ nhàng.
Lời ca thủ thỉ bên tai trầm ấm.
Có tiếng trẻ con cãi cọ.
Có lời Mẹ tâm tình.
Buông để hòa mình vào vô định.
Không suy nghĩ.
Không lựa chọn.
Chỉ trôi thôi.
Trôi mãi.
Về phía cuối…
6. Đổ vỡ
Một đổ vỡ mang tính ép buộc, được báo trước, có chuẩn bị. Đối diện nhau mà không ai nói lời nào.
Là lần gặp cuối.
Là lần trò chuyện cuối.
Là những ngày qua tự ý tràn về.
Không nói.
Không hỏi.
Không nghe.
Chỉ có lòng người thổn thức.
Ai nắm chặt tay trước lúc buông xuôi?
7. Ngắm hoa
Người làm vườn già chậm rãi dừng chân bên khóm hoa mới nở.
Tiếng vĩ cầm bùng lên, bông hoa hé mắt cười.
Dịu dàng.
Nhẹ nhàng.
Say đắm.
Ngân nga.
Ai hiểu được niềm vui tri kỷ?
8. Đường vắng
Chiều hiu hắt.
Người hoang vắng.
-Đi về đâu hỡi cụ già?
-Không về đâu cả.
Có tiếng gió bên tai.
Tiếng sỏi dưới chân.
Tuổi trẻ vọng về từ xa thẳm.
Chập chờn...
Về nơi vô định.
9. Cố hương
Mở cánh cổng cũ, trở lại nhà xưa.
Lặng lẽ nhìn, lặng lẽ bước.
Đây góc sân, hàng cau, giếng nước.
Nắng chếch bên thềm.
Trăng sáng, đám trẻ tung tăng chạy nhảy.
Người đã trở về, người đã đi xa.
Còn gì ở lại?
Còn gì ở lại!
10. Cô đơn
Nỗi cô đơn hoan tịnh ngọt ngào.
Tôi đứng đây, cầm cây vĩ cầm. Và kéo…
Cho tim tôi nghe.
Cho mình tôi biết.
Cho đến và đi trong cuộc đời này.
Có gì để nói đâu?
Có gì không thể nói đâu?
Ngoài nỗi cô đơn sắc ngọt không lời.
11. Vô tâm
Những nhịp chậm rãi, tự nhiên như hơi thở.
Rồi ào đến như một cơn gió mát, nồng nhiệt cuộn xoắn cuốn phăng đi.
Không suy nghĩ mà không lạc bước.
Không đúng sai không tiếng thị phi.
Chỉ có khúc hoan ca bí mật.
Dẫn đường.
12. Bình an
Bỗng nhận thấy bình an ùa đến.
Khi nghe được lòng mình.
Khi có mật viên cho tâm hồn trú ngụ.
Mênh mông.
Không lời.
---

Một buổi học chuyện cổ tích Cô bé Lọ lem (Cinderella)



Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài chuyện Cô bé Lọ lem.
Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.


Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm !



Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !

HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế ?

HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi. Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?

HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ !

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?

HS: Không ạ !

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?

HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể ngăn cản Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ!

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?

HS: Đúng ạ, đúng ạ !

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?

Tất cả học sinh đều hứng thú vỗ tay reo hò.

 

LND :Đó là chuyện lớp học bên Mỹ, với những thầy cô yêu nghề, phân tích sâu sắc, phương pháp sống động, mang đầy nét sáng tạo và tích cực. 

Nguyễn Khắc Nhượng  dịch từ  "How an American teacher would tell the story of Cinderella".

NAM PHƯƠNG CA KHÚC VÀ BÀI THƠ HỒ TRƯỜNG

 
Báo Tuổi trẻ ở Việt Nam có bài viết của Phạm Hoàng Quân về bài ca Hồ Trường này:
[www.tuoitre.com.vn]

Có cả bản chụp nguyên bản Hán văn.


****************


TTO - LTS: Trong văn học VN đầu thế kỷ hai mươi có một bài thơ đăng trên Nam Phong tạp chí và ngay lập tức nổi tiếng trong giới chí sĩ lúc bấy giờ. Đó là bài Hồ trường của Nguyễn Bá Trác (1881-1945) đăng trên tạp chí Nam Phong.


Từ bấy đến nay, rất nhiều người đề cập đến bài Hồ trường như một tác phẩm của Nguyễn Bá Trác, có rất nhiều người vì yêu thơ rượu mà thích thú cái phong vị hào sảng trong bài thơ này.


Thế nhưng, kể cả các nhà nghiên cứu, ai cũng lầm rằng bài thơ trên do Nguyễn Bá Trác sáng tác. Cho đến năm 1998 trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật có đăng một bài của Đông Trình dẫn lời Nguyễn Văn Xuân cho biết bài Hồ Trường do Nguyễn Bá Trác dịch lại từ một ca khúc của Trung Quốc.


Tuy nhiên, về mặt văn bản học, do vì xuất xứ phức tạp của bài thơ (thực ra là lời ca) Hồ Trường, nên các bản đang lưu hành tại VN xưa nay có nhiều điểm khác biệt nhau.


Nay nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sưu lục được nguồn gốc xuất xứ của nguyên tác lời ca tiếng Trung Quốc (mà Nguyễn Bá Trác đã dịch thoát thành bài Hồ Trường), và dịch sát nghĩa lại để bạn đọc có dịp đối chiếu giữa nguyên tác, bản dịch nghĩa và lời thơ.


Xét về mặt tư liệu, đây là một đóng góp lớn cho việc minh định đâu là xuất xứ của Hồ Trường. Đồng thời, qua bài viết của tác giả Phạm Hoàng Quân, bạn đọc thấy hé mở một phần hành trạng của Nguyễn Bá Trác qua một trước tác khác là tập “Hạn mạn du ký”.


Cho đến nay, có ít nhất 5 bản in lời ca Hồ Trường (1) mà các bản có nhiều chỗ không giống nhau. Để góp một phần tài liệu cho sự tham khảo, đối chiếu được rộng rãi chúng tôi trích lục các văn bản bằng chữ Hán, chữ Việt đã in trên Nam Phong tạp chí - nơi xuất xứ của lời ca này - cách nay đã 86 năm đối với Nam phương ca khúc và 84 năm đối với Hồ Trường.


Trong bài viết này chúng tôi quy ước như sau: Gọi Hồ Trường đối với lời ca tiếng Việt đã lưu hành từ trước tới nay. Nam phương ca khúc là tên tạm đặt cho lời ca mà Nguyễn Bá Trác đã nghe được, chép lại và dịch thành lời ca Hồ Trường.


I. Nguồn gốc lời ca Hồ Trường


Nam phương ca khúc (NPCk) được đăng lần đầu tiên theo thiên ký sự Hạn mạn du ký (HMDK) của Nguyễn Bá Trác trên Nam Phong tạp chí phần chữ Hán số 30, trang 214 năm 1919.


HMDK trước tiên được viết bằng chữ Hán, đăng tải từ số 22 đến số 35 năm 1919, 1920; sau đó thiên ký sự này được chính tác giả dịch sang chữ Việt và đăng tải ở phần chữ Việt của Nam Phong từ số 38 đến số 43 năm 1920, 1921.


Hạn mạn du ký là thiên ký sự gồm 14 chương kể lại cuộc đông du của tác giả trong khoảng 6 năm (1909 - 1914) từ Sài Gòn sang Xiêm La - Hương Cảng - Nhật - Trung Hoa - rồi về VN.


Nam phương ca khúc nằm ở chương 10: “Tại Thượng Hải gặp người đồng hương”. Vào khoảng năm 1912, khi lưu lạc ở Thượng Hải, tác giả gặp một người đồng hương cùng chí hướng, người này có giọng hát hay (giọng Quảng Đông). Một đêm nọ, hai người đi uống rượu, “rượu ngà ngà, Nguyên quân đứng dậy mà hát” (lời Nam phương ca khúc), ở bàn bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương nam” (2), họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, nam phương mà có điệu hát đến thế ru?”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ xem.


Về mặt văn bản mà xét, thì bài ca ấy không rõ tựa đề, không biết tác giả, Nguyễn Bá Trác chép lại toàn vẹn Nam phương ca khúc. Và khi Hạn mạn du ký được sang chữ Việt thì lời ca này đã được dịch rất thoát, tuy nhiên nó vẫn là “lời ca” minh hoạ cho văn cảnh ấy chứ không phải “bài thơ hồ trường” như nhiều người từng gọi.


Cũng vì vậy, trong bài viết này, người viết xin gọi theo cách cũ là “Lời ca hồ trường” (3). Hồ trường so với Nam phương ca khúc có nhiều điểm khác biệt. Người dịch đã linh động nương theo âm điệu tiếng Việt và có chỗ thêm tứ có chỗ bớt lời, khéo giữ được cái thần thái hào sảng của nguyên tác.


Hồi ấy Hồ Trường được dịch thẳng từ lời ca chữ Hán sang lời ca chữ Việt mà không có bản dịch nghĩa, nay thấy cần có nguồn tài liệu để dựa vào mà đính chính một số điểm khác biệt của Hồ Trường, nên tôi chụp lại nguyên tác hán văn Nam phương ca khúc từ Nam Phong tạp chí, đồng thời phiên âm dịch nghĩa để bạn đọc tham khảo.


II. Nam phương ca khúc


Phiên âm:


Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường

Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ (4) hề, , thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử

Dịch nghĩa:


Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời

Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?
Quay đầu trông về nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắt
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều.
Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén rượu này
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng
Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây, mưa núi tây một trận sao lênh láng
Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khác
Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say tràn
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm
Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.

Qua bản phiên âm và dịch nghĩa NPCK, chúng tôi thấy cần dừng lại lưu ý một đôi chỗ. Số là trong HMDK đăng tải trên Nam Phong - ở cả phần chữ Hán và chữ Việt - không có phần chú thích các từ khó hiểu thuộc về điển tích đã dùng trong NPCK và Hồ Trường, nay xin nói thêm về các điển ấy.


Ở câu đầu tiên có cụm từ “xé gan bẻ cột”. Trong NPCK ta thấy viết là Bẻ cột - chiết hạm. (Có nhiều người lầm viết là bẻ cật). Theo các từ điển thông dụng Trung Quốc thì điển tích “bẻ cột” xuất phát từ sách Hán Thư – truyện Chu vân: Thời Hán thành Đế, Hòe Lý Lệnh (một chức quan trong hàng Tam Công) là Chu Vấn tâu với vua xin giết An Xương Hầu Trương Vũ, vua nổi giận sai chém Chu vân. Khi bị bắt lôi đi, Chu Vân uất ức bám tay vào vặn cột điện, cột cung điện bị gãy, nhơn lúc lộn xộn ấy, Tân Khánh Kỵ giải cứu Chu Vân. Sau đó Thành đế biết Chu Vân xin giết Trương Vũ là vì lòng trung, bèn tha tội.


Khi sửa cung điện, Thành đế lệnh phải giữ nguyên dạng phần cột bị gãy, lấy hình ảnh đó mà biểu dương lời nói ngay thẳng của Chu Vân. Đời sau thường dùng từ “chiết hạm – bẻ cột” để chỉ hành vi dũng cảm trong việc dùng lời lẽ để can gián vua. Thôi Đồ trong bài thơ Ký cữu (gởi cậu) có câu “trí quân kỳ chiết hạm” (hết lòng vì vua mà bẻ gãy cột).


Chữ “Thương” ở cuối câu thứ năm (được lặp lại nhiều lần trong lời ca) có thể đọc là “trường” hay “tràng” mà Nguyễn Bá Trác đổi thành “Hồ trường”, từ một chữ “thương” biến thành hai chữ “hồ trường” rồi thành hẳn tên bài ca, kể cũng kỳ thú!


Thương có ba nghĩa:


1. Là cái chén uống rượu giống như cái tước, làm bằng sừng, “thương” là chén rót đầy rượu, khi chưa rót rượu vào thì gọi là “chí”;


2. Mời rượu người khác một cách kính trọng gọi là “thương”. Sách Lã Thị Xuân Thu – thiên Đạt Úc có câu “Quản tử thương Hoàn Công” (Quản Từ kính cẩn mời rượu Tề Hoàn Công).


3. Tự uống rượu một mình gọi là “thương”, Phạm Thành Đại trong bài “Túc tư khẩu thỉ văn nhạn” có câu “bá tửu bất năng thương” (nâng ly khó uống một mình).


Khi dịch nghĩa NPCK, chúng tôi dùng nghĩa “thương là chén rượu đầy”. Còn từ “hồ trường” trong lời ca Hồ trường là sự sáng tạo của dịch giả Nguyễn Bá Trác, chúng tôi không dám lạm bàn.


Chữ “phần tử” mà chúng ta thấy ở cuối bài NPCK là một từ chỉ quê hương (mà dịch giả Hồ trường đổi thành “cỏ cây”). Phần và tử là tên hai loại cây. Cây phần là một loại Du trắng nên còn gọi là “Phần du”.


Trong Hán thư - Giao tự chí, quyển thượng có ghi lại rằng: “Trong buổi lễ tế Giao, Hán Cao tổ có khấn mình là người ấp Phong, làng Phần du (làng có trồng cây phần du làm đặc trưng, sau thành tên làng), người đời sau lấy chữ Phần du để chí cố hương. Cây Tử tức là cây Thị, gỗ dùng để đóng đàn, khắc bản in…


Quê cha đất tổ gọi là “tử lý” hay “tang tử”. Kinh thi có câu “duy tang dữ tử, tất cung kính chi” (cây do cha mẹ trồng, ắt phải cung kính vậy); Phạm Thành Đại có câu “thân tu tử lý cung” (cung kính quê nhà mà lo tu sửa thân); truyện Kiều có câu “có khi gốc tử đã vừa người ôm”. “Phần tử” là từ được ghép bởi “Phần du” và “Tử lý” (hoặc “Tang tử”). Nguyễn Du viết: “Đoái thương muôn dặm tử phần; hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (Kiều).


Các chú thích vừa nêu có thể là dài dòng nhưng qua đó, phần nào bạn đọc có thể thấy những điểm khác biệt giữa NPCK và Hồ Trường, đồng thời có thể xác định bản Hồ trường nào đã theo đúng bản gốc.


III. Lời ca Hồ trường


Nguyên bản trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Trang 400 – 401 (giữ nguyên các lỗi sai so với chính tả ngày nay)


1. Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường;

2. Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
3. Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương
4. Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
5. Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
6. Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
7. Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
8. Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
9. Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
10. Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
11. Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
12. Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

Qua lời ca Hồ trường này, chúng ta thấy các bản in lại có nhiều chỗ khác biệt. Các điểm sai lệch quan trọng có thể kể:


Ở câu 1: có vài bản in là bẻ cật (có lẽ do liện hệ gan - cật nên thành xé gan bẻ cật thay vì bẻ cột). Ở câu 2: nhầm thành tha phương (nguyên bản là “tha hương”).


Ở câu 4: hầu hết các bản in lại đều là “thân thế” (nguyên bản là “thân thể”), tuy nhiên, ở đây có lẽ bản gốc Nam Phong sai vì trong NPCK chữ Hán dùng chữ “thân thế”.


Ở câu 5 có vài bản in “vỗ gươm mà hát” (thay vì “vỗ tay”) và tiếp đó là “nghiêng bầu mà hỏi” (thay vì “nghiêng đầu”). Ở câu 9 hầu hết các bản đều in “ngọn bắc phong vi vút” (thay vì “vì vụt”)…


Như đã nói, bài viết này chỉ dựa vào bản Hạn mạn du ký in lần đầu trên Nam Phong, người viết chưa được đọc bản in thành sách sau đó, cũng có khả năng tác giả HMDK có điều chỉnh đôi chỗ về ý hoặc về lỗi kỹ thuật, đồng thời bản dịch NPCK của chúng tôi nếu có lầm lẫn, xin bạn đọc điều chỉnh giúp cho.


Bến Nghé - tháng 8 năm Ất Dậu


PHẠM HOÀNG QUÂN


Chú thích:


(1) Các bản được biết gồm: 1. Trong tập Hạn mạn du ký - Đông Kinh ấn quán - Hà Nội 1921 (tác giả in lại). 2. Phạm Thế Ngũ - Việt Nam văn học sử giản ước tân biên - Quốc học tùng thư - Sài Gòn - 1965 (bài ca Hồ trường in ở trang 327 - tập 3). 3. Lãng Nhân - Chơi chữ - Nam Chi tùng thư - Sài Gòn - 1960 (in lời ca Hồ Trường theo một giai thoại, trang 94). 4. Đông Trình - (bài báo) - Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 7-6-1998. 5. Vương Trùng Dương - Nguyễn Bá Trác và bài thơ Hồ Trường - võng trạm www.xuquang.com - in lại bản của cháu ngoại tác giả công bố.


(2) Phương nam ở đây chỉ miền Lãnh Nam - Trung Quốc


(3) Người sau gọi Hồ Trường là trích lấy chữ trong lời ca mà gọi chứ không phải tựa đề do tác giả Hạn Mạn du ký đặt ra.


(4) Chữ KỶ này ở nguyên bản hán văn in nhầm là chữ DĨ


(5) Các chú thích ở phần dịch nghĩa Nam phương ca khúc được tổng hợp từ các sách Từ Hải, Từ Nguyên, Cổ Hán ngữ từ điển, Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển.
Hồ Trường

Trượng phu đã không hay xé gan bẻ cột  phù cương thường,
Sao lại tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương? 
Trời Nam nghìn dặm thẳm;
Mây nước một màu sương.
Học không thành, công chẳng lập,
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc; trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:
Trời đất mang mang, ai là tri kỷ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ Trường! Hồ Trường! ta biết biết rót về đâu?
Rót về Đông Phương, nước bể Đông chẩy xiết, sinh cuồng lạn.
Rót về Tây Phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan;
Rót về Bắc Phương, ngọn bắc phong vi vút, đá chạy cát dương;
Rót về Nam Phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết lòng ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây!
 

Nhạc phổ thơ, thơ phổ nhạc


Bích Huyền



“Phổ nhạc một bài thơ là
mang đến cho bài thơ một đời sống khác.”


Bích Huyền: Rất vui được dịp chuyện trò với anh Lê Hữu trong “Câu chuyện âm nhạc” hôm nay về “nhạc phổ thơ”, đề tài mà Bích Huyền tin rằng được rất nhiều quý độc giả yêu chuộng.

– Lê Hữu: (cười) Thưa chị, nói chuyện về thơ và nhạc với người phụ trách “Chương trình thơ nhạc” quen thuộc của đài VOA từng được thính giả yêu thích từ bao nhiêu năm qua, e rằng nếu không phải “múa rìu qua mắt thợ” thì cũng là “dẫm chân” lên người có thẩm quyền hơn mình…
– Bích Huyền: Không hẳn như vậy đâu anh à. Mỗi người có thể ngắm nhìn sự vật dưới nhiều lăng kính khác nhau. Những bài khảo luận về thơ, về nhạc của anh được nhiều người đọc yêu thích, trong đó có những điều rất mới và lý thú, và cũng qua đó chúng ta có được với nhau cái duyên văn nghệ. Tuy nhiên, để anh không phải ngại chuyện “dẫm chân” như anh nói, hôm nay Bích Huyền chỉ xin nêu ra ít câu hỏi và muốn được nghe ý kiến của anh, như vậy được chứ anh Lê Hữu?…
Xin bắt đầu nhé, “nhạc phổ thơ” hay “thơ phổ nhạc”, cách gọi nào là đúng, thưa anh?
– Lê Hữu: Trước khi trả lời chị Bích Huyền, xin được mở cái dấu ngoặc. Những ý kiến, nhận xét của tôi chỉ là của một người nghe nhạc và yêu nhạc trong một cuộc chuyện trò văn nghệ nhẹ nhàng và có tính cách cá nhân, không hẳn là phù hợp với mọi người. Xin đóng ngoặc và xin được trả lời chị thế này:
Nói “nhạc phổ thơ” là nói về một bài nhạc có xuất xứ là một bài thơ. Nói “thơ phổ nhạc” là nói về một bài thơ được phổ nhạc. Theo tôi, nói “nhạc phổ thơ” thì đúng hơn và rõ nghĩa hơn là nói “thơ phổ nhạc”, nhất là khi nói chuyện về một đề tài âm nhạc. Lấy ví dụ, nói “‘Chiều’ là bài nhạc phổ thơ của Dương Thiệu Tước” thì chính xác hơn là nói “‘Chiều’ là bài thơ phổ nhạc của Dương Thiệu Tước”. Cách nói sau có thể gây ngộ nhận rằng tác giả bài thơ “Chiều” là Dương Thiệu Tước (trong lúc bài thơ tên là “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh, được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc thành bài nhạc “Chiều”).
Tuy nhiên, cách nói “thơ phổ nhạc” đã trở thành thói quen nên khi nghe/đọc vậy thì ta tự động hiểu là… “nhạc phổ thơ”. Cũng xin nói thêm, “thơ phổ nhạc” với cái nghĩa đem thơ phổ vào nhạc hay “lấy thơ ghép nhạc” thì tôi chưa gặp bài nào, nhiều lắm chỉ có những bài nhạc được các thi sĩ viết lời, gọi là “phổ lời” cho bài nhạc.
Về sau này người ta có những cách nói văn vẻ hơn để nói về “thơ phổ nhạc”, chẳng hạn “‘Áo lụa Hà Đông’, thơ Nguyên Sa, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc”.
Trong “câu chuyện âm nhạc” với chị Bích Huyền hôm nay, khi tôi nói “phổ nhạc” hay “phổ thơ” xin được hiểu là cách nói tắt của “phổ nhạc vào thơ”.
Bích Huyền: Theo anh Lê Hữu, vì sao các nhạc sĩ ưa chuộng việc phổ nhạc một bài thơ, và vì sao những năm về sau này có nhiều bài nhạc phổ thơ hơn là thời kỳ trước năm 1975?
– Lê Hữu: Thưa chị theo tôi thì có những lý do như thế này:
Thứ nhất, khi phổ nhạc một bài thơ hay, người nhạc sĩ có được lợi điểm là không phải lo việc tìm ý đặt lời, vì đã có sẵn lời hay, ý đẹp trong bài thơ ấy.
Xin nói thêm về chuyện “nhạc và lời” như thế này: người Việt mình lâu nay vẫn có “khuynh hướng” nghe nhạc là “nghe” xem bài nhạc ấy nói cái gì, có nghĩa là chú trọng đến phần lời ca hơn là nhạc điệu. Cái khuynh hướng ấy không chỉ ở người thưởng thức “món ăn âm nhạc” mà còn ở giới ca sĩ nữa. Lấy một ví dụ: ca sĩ Lệ Thu vẫn nói là “Tôi rất kỹ tính trong việc chọn lựa bài hát. Tôi đặc biệt chú ý đến ca từ trước, rồi sau đó mới đến giai điệu…” Khi một người nói “tôi thích bài hát ấy” thì nhiều phần có nghĩa là thích lời của bài hát ấy, và thường dẫn ra những câu hát mình yêu thích trong bài ấy.
Thứ hai, có những bài thơ đọc lên hoặc ngâm nga nghe giàu âm điệu, rất gần với nhạc, và rất dễ khơi nguồn nhạc hứng cho nhạc sĩ.
Thứ ba, nếu đấy là bài thơ hay, quen thuộc và được nhiều người yêu thích, bài nhạc có lợi thế là dễ được đón nhận, dễ đến được với người nghe nếu phổ nhạc sao cho khéo, dễ nghe, dễ hát và thể hiện được tình ý của bài thơ.
Hầu như trong mỗi ông nhạc sĩ người Việt đều có ít nhiều một ông thi sĩ. Tâm hồn người nhạc sĩ dễ nhạy bén với thơ, dễ bắt được những tần số rung động của thơ. Khi “bắt” được một bài thơ hay làm cho mình rung cảm, người nhạc sĩ cảm thấy hứng thú và muốn đưa bài thơ vào trong nhạc. Về phía các nhà thơ thì cũng tìm đến các nhạc sĩ để mong là nếu bài nhạc phổ thơ thành công thì bài thơ và tên tuổi mình cũng được phổ biến rộng rãi.
Ngày nay, ở trong và ngoài nước, chúng ta có nhiều nhà thơ hơn và nhiều nhạc sĩ hơn là thời kỳ trước năm 1975 nên các nhạc sĩ dễ có được những bài thơ hay để phổ nhạc hơn. Điều này giải thích vì sao ngày nay chúng ta có nhiều bài nhạc phổ thơ hơn là ngày trước.

“Thơ anh làm em hát…”

Bích Huyền: Chắc chắn là cả nhạc sĩ lẫn thi sĩ đều muốn bài nhạc phổ thơ được thành công. Theo anh Lê Hữu, như thế nào gọi là một bài nhạc phổ thơ thành công?
– Lê Hữu: Thưa chị mỗi người có thể hiểu sự “thành công” của bài nhạc phổ thơ theo những nghĩa khác nhau, chưa nói là thành công ở… mức độ nào. Một bài nhạc phổ thơ gọi là thành công, theo tôi, ít nhất cần đáp ứng được hai “tiêu chuẩn”: thứ nhất, được phổ biến rộng rãi; thứ hai, thể hiện được tình ý của bài thơ.
“Phổ biến rộng rãi”có nghĩa là bài nhạc được nhiều người nghe, nhiều người hát, nhiều người yêu thích. Đối với nhiều người, một bài nhạc phổ thơ được phổ biến rộng rãi xem như là thành công. Tuy nhiên, để có thể gọi là một bài nhạc hay cần có thêm yếu tố nữa là thể hiện được tình cảm của bài thơ, có nghĩa là âm điệu (tone), nhạc điệu (melody) và tiết tấu (rhymn) của bài nhạc phải thể hiện được sự hòa điệu giữa nhạc và thơ, chứ không phải “thơ một đàng, nhạc một nẻo”, hoặc “thơ đi đàng thơ, nhạc đi đàng nhạc”. Có thể kể ra được một, hai ví dụ về sự hài hòa “tình thơ ý nhạc” này, chẳng hạn: nghe bài “Thuyền viễn xứ” (Phạm Duy phổ thơ Huyền Chi), ta như nghe được những thanh âm dào dạt như tiếng sóng vỗ mạn thuyền, như “thấy” được con thuyền dập dềnh trên sóng, lướt lướt trên sông. Nghe “Còn chút gì để nhớ” (Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định), ta nghe được cái âm điệu hoang dã của người sắc tộc thiểu số ở núi rừng tây nguyên. Hoặc nghe những bài phổ ca dao như “Mười thương” của Phạm Đình Chương, “Đố ai” của Phạm Duy, ta nghe được những nét luyến láy uyển chuyển thật mềm mại thật tự nhiên mang âm hưởng dân ca Bắc bộ…
Có những cách định nghĩa và nhận biết sự thành công của một bài nhạc phổ thơ, như là:
- Một bài nhạc phổ thơ thành công là làm cho bài thơ “hay” hơn.
- Một bài nhạc phổ thơ thành công là làm cho người ta muốn nghe bài nhạc hơn là bài thơ, muốn hát bài nhạc hơn là ngâm nga bài thơ.
- Một bài nhạc phổ thơ thành công là một bài nhạc hay mà người nghe không biết hoặc “không cảm thấy đấy là bài thơ được phổ nhạc”, nói như nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn.
Nếu cần nói thêm, với riêng tôi, một bài nhạc phổ thơ thực sự gọi là thành công cần có thêm “tính thẩm mỹ nghệ thuật”.
Bích Huyền: Cám ơn anh Lê Hữu đã cho các định nghĩa về một bài nhạc phổ thơ thành công. Về “tính thẩm mỹ nghệ thuật” của một bài nhạc phổ thơ, anh có thể nói rõ hơn và cho một vài ví dụ?
– Lê Hữu: Thưa chị, tính thẩm mỹ về nghệ thuật nói chung, hoặc về âm nhạc và thi ca, là ý niệm mang tính trừu tượng tùy thuộc vào sự cảm thụ và thẩm định của người nghe nhạc về cái hay cái đẹp của bài thơ được phổ nhạc.
Khi nói rằng bài nhạc phổ thơ này có tính thẩm mỹ nghệ thuật hơn bài kia có nghĩa là đã làm một sự so sánh. Ở đây tôi chỉ đưa ra sự so sánh giữa các bài nhạc phổ thơ của cùng một nhạc sĩ. Chẳng hạn, trong số những bài phổ thơ lục bát thành công của Phạm Duy, theo tôi bài “Đưa em tìm động hoa vàng” (phổ thơ Phạm Thiên Thư) có tính thẩm mỹ nghệ thuật hơn bài “Ngậm ngùi” (phổ thơ Huy Cận), tuy rằng bài “Ngậm ngùi” có vẻ phổ biến hơn. Hoặc, trong số những bài phổ thơ của Phạm Đình Chương, tôi cho là bài “Đôi mắt người Sơn Tây” (phổ thơ Quang Dũng) có tính thẩm mỹ nghệ thuật hơn bài “Mộng dưới hoa” (phổ thơ Đinh Hùng). Hoặc, trong những bài phổ thơ Nguyên Sa của Ngô Thụy Miên, tôi cho là bài “Paris có gì lạ không em?” có tính thẩm mỹ nghệ thuật hơn bài “Áo lụa Hà Đông”. Ở những bài ấy, người nhạc sĩ không chỉ diễn đạt được tình ý của bài thơ mà còn đưa cả được cái “khí hậu” của bài thơ vào trong bài nhạc, khiến người nghe như chìm đắm vào cái tâm cảnh mênh mang của thơ và nhạc. Nghe bài “Tiễn em” của Phạm Duy (phổ thơ Cung Trầm Tưởng) chẳng hạn, ta tưởng như đắm mình vào không gian xám xịt của mùa đông băng giá với khung cảnh sân ga hắt hiu đèn vàng trong giờ phút tiễn đưa của đôi tình nhân.
Phổ nhạc một bài thơ là mang đến cho bài thơ một đời sống khác, là “nâng” thơ lên một tầm cao nghệ thuật, nói một cách văn vẻ là “chắp cho thơ đôi cánh nhạc”. Ngôn ngữ nhạc quyện lấy ngôn ngữ thơ làm cho bài thơ nghe “hay” hơn. Bài thơ hay đã bước ra khỏi những trang thơ để “hóa thân” thành bài nhạc hay.
Thực sự, không có cái thước đo nào để thẩm định tính thẩm mỹ nghệ thuật của một bài nhạc phổ thơ. Các nhận định vừa rồi có thể là chủ quan, và tôi cũng chỉ ngừng ở đây chứ không có ý định đi sâu thêm nữa để lạm bàn về “giá trị nghệ thuật” của một bài nhạc phổ thơ, hoặc là để nói về những bài phổ thơ gọi là “kén” người nghe, đôi lúc “kén” cả… người hát nữa.
Bích Huyền: Anh Lê Hữu có thể nào kể tên một số bài nhạc phổ thơ gọi là thành công theo các “tiêu chuẩn” mà anh nêu ra, trong số khá nhiều bài nhạc phổ thơ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam?
– Lê Hữu: Nhiều lắm thưa chị, khó mà kể ra hết được. Trong phạm vi cuộc nói chuyện, chỉ xin kể ra một ít bài nhạc phổ thơ khá quen thuộc và được nhiều người yêu thích vào thời kỳ trước năm 1975 ở miền Nam. Xin nhớ được đến đâu kể ra đến đó, không theo một thứ tự nào cả, và chắc chắn là thiếu sót nhiều bài:
Những bài khá thành công như: “Ghen”, Trọng Khương phổ thơ Nguyễn Bính; “Thoi tơ”, Đức Quỳnh phổ thơ Nguyễn Bính; “Gái xuân”, Từ Vũ phổ thơ Nguyễn Bính; “Chiều”, Dương Thiệu Tước phổ thơ Hồ Dzếnh; “Mộng ban đầu”, Hoàng Trọng phổ thơ Hồ Đình Phương; “Tình quê hương”, Đan Thọ phổ thơ Phan Lạc Tuyên; “Bên kia sông”, Nguyễn Đức Quang phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch; “Trên ngọn tình sầu”, Từ Công Phụng phổ thơ Du Tử Lê; “Em đến thăm anh đêm 30”, Vũ Thành An phổ thơ Nguyễn Đình Toàn; “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em?”, Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa…
- Những bài của Văn Phụng như “Trăng sáng vườn chè”, phổ thơ Nguyễn Bính; “Hôn nhau lần cuối”, phổ thơ Nguyễn Bính; “Các anh đi”, phổ thơ Hoàng Trung Thông…
- Những bài của Phạm Đình Chương như “Đôi mắt người Sơn Tây”, phổ thơ Quang Dũng; “Mộng dưới hoa”, phổ thơ Đinh Hùng; “Mắt buồn”, phổ thơ Lưu Trọng Lư; “Người đi qua đời tôi”, phổ thơ Trần Dạ Từ…
- Những bài của Y Vân như “Người em sầu mộng”, phổ thơ Lưu Trọng Lư; “Đêm giã từ”, phổ thơ Thể Vân; “Những bước chân âm thầm”, phổ thơ Kim Tuấn…
- Những bài của Nguyễn Hiền như “Người em nhỏ”, phổ thơ Thiệu Giang; “Lá thư gửi mẹ”, phổ thơ Thái Thủy; “Anh cho em mùa xuân”, phổ thơ Kim Tuấn…
- Những bài của Phạm Duy như “Hoa rụng ven sông”, phổ thơ Lưu Trọng Lư; “Tiếng sáo thiên thai”, phổ thơ Thế Lữ; “Thuyền viễn xứ”, phổ thơ Huyền Chi; “Tiễn em”, phổ thơ Cung Trầm Tưởng; “Còn chút gì để nhớ”, phổ thơ Vũ Hữu Định; “Em hiền như Ma Soeur”, phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên…
Và còn nhiều nhiều nữa…, chưa kể là sau năm 1975 có nhiều bài phổ thơ khá hay của các nhạc sĩ trong và ngoài nước, không tiện kể ra hết được.
Bích Huyền: Như thế thì số lượng những bài phổ thơ hay kể ra cũng khá nhiều, phải không anh Lê Hữu? Những bài phổ thơ… không thành công, theo anh, ít hơn hay nhiều hơn những bài thành công? Và một bài nhạc phổ thơ thế nào gọi là “không thành công”?
– Lê Hữu: Cám ơn chị Bích Huyền đã không đề nghị tôi kể ra những bài phổ thơ… không thành công. Theo sự ghi nhận của riêng tôi, ở thời nào cũng vậy, những bài nhạc phổ thơ không thành công luôn luôn… nhiều hơn những bài thành công. Một bài nhạc phổ thơ không thành công hiểu theo nghĩa không được phổ biến hoặc ít được phổ biến, vì ít người chịu nghe, ít ai chịu hát. Nói khác đi, những bài nhạc phổ thơ ấy không “sống” được.
Thường thì đấy là những bài nhạc nghe gượng ép và khó hát, là những bài “nhạc không ra nhạc, thơ không ra thơ” mà ta hay gọi là “kém nhạc tính”. Người nghe có cảm tưởng như là bài thơ được “gắn” vào những nốt nhạc, và khi hát lên nghe như là một lối hát thơ vậy, chưa nói là lối “hát” ấy không phải… dễ hát và nên thơ như là “Thơ anh làm em hát, tơ em dệt anh may” như lời của bài hát “Thoi tơ”, Đức Quỳnh phổ thơ Nguyễn Bính. Có khá nhiều bài nhạc phổ thơ rơi vào dạng “hát thơ” này,
Tôi từng được nghe không ít những bài nhạc phổ thơ giống như là một lối diễn ngâm mới với giọng ngân nga luyến láy trên nền nhạc. Nghe những bài nhạc như thế, người ta chỉ muốn quay về với bài thơ nếu đấy là bài thơ hay và quen thuộc.
Những bài nhạc phổ thơ như thế cũng gọi là “chắp cánh cho thơ”, thế nhưng thơ không bay lên được, nhạc cũng không bay lên được, hoặc chỉ bay… là đà. Nói cho vui, những bài nhạc phổ thơ ấy ví như là những con… chim cánh cụt, có cánh mà không bay được. Rốt cuộc thì thơ vẫn cứ là thơ, vẫn cứ nằm im lìm trong những trang thơ mà không thể nào cất cánh hoặc “hóa thân” thành bài nhạc được.
Nói gì thì nói, một bài nhạc phổ thơ ít người biết đến thì khó mà gọi là “thành công” được, hoặc chỉ thành công ở mức hạn chế. Và cũng khó mà nói được rằng bài phổ thơ ấy chỉ dành cho đối tượng nào đó “biết thưởng thức” hoặc “sành nhạc”. Một bài nhạc (nói chung chứ không riêng gì nhạc phổ thơ) được nhận xét rằng “chỉ để nghe hơn là hát”, trong một nghĩa nào đó được hiểu là… không thành công.
Nếu phải tìm một cách định nghĩa, một bài nhạc phổ thơ không thành công là bài nhạc nghe có vẻ là “thơ” hơn là “nhạc”, và không làm cho người ta muốn “hát” lên những lời thơ ấy.
Bích Huyền: Cám ơn anh Lê Hữu đã cho những nhận định về những bài nhạc phổ thơ không thành công. Trong một bài nhận định khá lý thú về nhạc Nguyễn Hiền trước đây, anh có đề cập đến tính “sáng tạo” trong nghệ thuật phổ thơ của tác giả “Anh cho em mùa xuân”, đặc biệt là việc thêm, bớt và thay đổi lời thơ. Xin hỏi anh Lê Hữu: người nhạc sĩ khi phổ nhạc một bài thơ có nhất thiết phải tôn trọng từng lời từng chữ theo nguyên tác bài thơ, hay được phép linh động thay đổi, và thay đổi ít nhiều thế nào thì chấp nhận được?
– Lê Hữu: Theo tôi hiểu thì không hề có lề luật hoặc quy định nào về việc này. Khi phổ nhạc một bài thơ người nhạc sĩ không buộc phải giữ nguyên vẹn bài thơ ấy, và không phải đưa hết những câu thơ vào bài nhạc. Nhạc sĩ có thể chọn lọc ra những câu thơ để phổ nhạc. Những câu không sử dụng được hoặc vì không được hay, hoặc vì lý do “kỹ thuật” như không phù hợp cấu trúc của một bài nhạc.
Khi cần thiết nhạc sĩ có thể thay đổi một vài chữ trong câu thơ để tương ứng với âm vực thấp cao trầm bổng của nốt nhạc. Những nhạc sĩ có “tay nghề cao” về phổ thơ thường cố gắng hạn chế việc thay đổi lời thơ. Hoặc, giữ được nguyên vẹn bài thơ, như bài “Tiếng thu”, Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của Lưu Trọng Lư. Hoặc, chỉ đổi có… một chữ trong toàn bài thơ, như bài “Chiều”, Dương Thiệu Tước phổ từ bài thơ “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh (chỉ đổi câu thơ cuối “khói xanh bay lên cây” thành “khói huyền bay lên cây”).
Những bài “Trăng sáng vườn chè” (Văn Phụng phổ bài thơ “Thời trước” của Nguyễn Bính), “Ghen” (Trọng Khương phổ bài thơ cùng tên của Nguyễn Bính), “Ngậm ngùi”, “Còn chút gì để nhớ”, “Con quỳ lạy Chúa trên trời” (Phạm Duy phổ các bài thơ “Ngậm ngùi” của Huy Cận, “Còn một chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định, “Cầu nguyện” của Nhất Tuấn)… là những bài nhạc phổ thơ chỉ thay đổi rất ít về lời thơ so với bài thơ nguyên tác.
Thường thì những câu thơ nào không giữ nguyên được vì lý do “kỹ thuật”, nhạc sĩ có thể thay đổi chút ít trong lúc cố gắng giữ được giữ ý chính của câu thơ. Nhạc sĩ sẽ phải cân nhắc việc thay đổi câu, chữ sao cho không đi ra ngoài ý thơ.
Có khi nhạc sĩ còn đi xa hơn, như phải đặt thêm lời để ghép vào bài thơ phổ nhạc (do bài thơ hoặc quá ngắn, hoặc thiếu cân đối, hoặc không đáp ứng cấu trúc bài nhạc…). Những “sáng tạo” này của nhạc sĩ phải chảy xuôi chiều với mạch thơ và phù hợp với tổng thể của bài thơ. Có thể kể ra một, hai ví dụ:
Bài “Gái xuân”, Từ Vũ phổ thơ Nguyễn Bính. Hai câu không có trong bài thơ được nhạc sĩ thêm vào trong bài nhạc là:
Xuân đi, xuân đến hãy còn xuân / Cô gái trông xuân đến bao lần
Hoặc bài “Anh cho em mùa xuân”, Nguyễn Hiền phổ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của Kim Tuấn. Những câu được thêm vào trong bài nhạc là:
Bầy chim lùa vạt nắng / Nhạc, thơ tràn muôn lối…
Hoặc bài “Những bước chân âm thầm”, Y Vân phổ bài thơ “Kỷ niệm” của Kim Tuấn. Những câu được thêm vào trong bài nhạc là:
Em yêu gì xa vắng / cho trời mây ướp buồn…/ Anh yêu tình nở muộn / Chiều tím mầu mến thương / Mắt biếc sầu lắng đọng / Đèn thắp mờ bóng đêm…
Tất cả những thay đổi ít hay nhiều này, với người nhạc sĩ có óc thẩm mỹ về thi ca và có bản lãnh về phổ thơ, đã làm cho bài thơ nghe… hay hơn.
Có thể kể thêm vài trường hợp khá đặc biệt, như nhạc sĩ Phạm Duy chỉ nhặt ra ít câu rải rác trong tập thơ “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư để phổ thành bài nhạc “Đưa em tìm động hoa vàng”, hoặc nhạc sĩ Phạm Đình Chương nhặt ra ít câu trong hai bài thơ “Tự tình dưới hoa” và “Xuôi dòng mộng ảo” của Đinh Hùng để phổ thành bài nhạc “Mộng dưới hoa” (như ông đã nhặt ra ít câu trong hai bài thơ “Đôi bờ” và “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng để phổ thành bài nhạc “Đôi mắt người Sơn Tây”)…

Một thời để phổ nhạc những bài thơ

Bích Huyền: Xin được hỏi anh Lê Hữu câu này, những bản nhạc mà bên cạnh tên người nhạc sĩ sáng tác có ghi thêm là “ý thơ” của ai đó có được xem là bài nhạc phổ thơ hay không?
– Lê Hữu: Tôi vẫn cho là “ý thơ”, hay “mượn ý thơ”, hay “phỏng theo ý thơ”, hay “phóng tác ý thơ”… thường không phải là nhạc phổ thơ vì lời ca trong bài nhạc không giống như lời thơ.
Xin lấy một ví dụ: bài nhạc “Áo anh sứt chỉ đường tà” là bài nhạc phổ thơ (Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan), vì lời nhạc theo sát lời thơ. Bài nhạc “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh không phải là bài nhạc phổ thơ vì lời nhạc khác với lời thơ. Người nhạc sĩ chỉ mượn ý của bài thơ là câu chuyện tình “màu tím hoa sim” để sáng tác nên bài nhạc, và ghi trên bản nhạc là “Nhạc Dzũng Chinh, ý thơ Hữu Loan”.
Bài “Nguyệt cầm” của nhạc sĩ Cung Tiến chẳng hạn, là “phỏng theo ý thơ” Xuân Diệu, không phải là phổ thơ Xuân Diệu.
Nếu lời nhạc đi khá xa lời thơ và cũng không hoàn toàn theo đúng ý thơ thì gọi là “phóng tác ý thơ” chứ không còn là “phổ thơ” hay “ý thơ” nữa, chẳng hạn những bài “Xa vắng” và “Tình chàng ý thiếp” của nhạc sĩ Y Vân là phóng tác ý thơ “Chinh phụ ngâm khúc”.
Bài “Trở về dĩ vãng” của Lâm Tuyền chẳng hạn, cũng là “phóng tác ý thơ” từ bài thơ “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư.
Nhạc sĩ Phạm Duy sau này có cách nói khác là “theo thơ”, dùng cho cả những bài nhạc phổ thơ và phỏng theo ý thơ. Và vì ông không giải thích “theo” là theo mấy phần, theo ít hay theo nhiều nên… tùy nghi ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Những bài nhạc phỏng theo ý thơ thường mang lại sự thoải mái và thuận tiện hơn cho người nhạc sĩ sáng tác trong việc phát triển giai điệu vì không bị gò ép theo nguyên tác bài thơ.
Thường thì một bản nhạc phổ thơ sẽ ghi tên người nhạc sĩ và thi sĩ, chẳng hạn “Ghen – Nhạc Trọng Khương, thơ Nguyễn Bính”, hoặc vắn tắt hơn, “Chiều – Hồ Dzếnh, Dương Thiệu Tước”, “Người Em Nhỏ – Nguyễn Hiền, Thiệu Giang”. Cách viết vắn tắt này đôi khi không được rõ ý và dễ gây những hiểu lầm. Chẳng hạn, bản nhạc ghi “Chiều Tím – Đan Thọ & Đinh Hùng” không có nghĩa nhạc sĩ Đan Thọ phổ bài thơ nào của Đinh Hùng mà là thi sĩ Đinh Hùng viết phần lời cho bài nhạc ấy. Tương tự, những bài nhạc như “Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội” (ghi “Phạm Đình Chương & Hoàng Anh Tuấn”), “Tình khúc thứ nhất” (ghi “Vũ Thành An & Nguyễn Đình Tòan”), “Lệ đá” (ghi “Trần Trịnh & Hà Huyền Chi”)… không phải là nhạc phổ thơ mà là được các nhà thơ viết phần lời cho bài nhạc. Nói cách khác, Đinh Hùng phổ lời vào nhạc Đan Thọ, Hoàng Anh Tuấn phổ lời vào nhạc Phạm Đình Chương, Nguyễn Đình Toàn phổ lời vào nhạc Vũ Thành An… Cách tốt nhất vẫn là ghi: “nhạc Đan Thọ, lời Đinh Hùng”, “nhạc Phạm Đình Chương, lời Hoàng Anh Tuấn”…
Bích Huyền: Trong kho tàng thi ca của người Việt mình có khá nhiều bài thơ hay, tuy nhiên anh Lê Hữu có nghĩ là có những bài thơ dễ phổ nhạc và có những bài thơ khó phổ nhạc?
– Lê Hữu: Xin cám ơn chị Bích Huyền về câu hỏi này. Theo tôi thì bài thơ nào cũng phổ nhạc được thưa chị, hiểu theo nghĩa soạn thành một bản nhạc, tuy nhiên những bản nhạc ấy có trình diễn, nghĩa là có đàn có hát được hay không (hoặc đàn, hát lên nghe như thế nào) mới thực sự gọi là một bài nhạc, vì nhạc là phải “động” chứ không “tĩnh” như là bài thơ hay bức tranh… Những bài nhạc phổ thơ nằm im lìm ở trong các thi tập như là các “phụ bản”, thường là “nhạc trang trí” hơn là nhạc để trình diễn.
Thường thì các nhạc sĩ vẫn nói rằng các thể thơ lục bát, ngũ ngôn và “tự do” dễ phổ nhạc hơn là các thể thơ khác. Với riêng tôi, trả lời câu hỏi của chị, trong một nghĩa nào đó tôi cho là có những bài thơ tương đối dễ phổ nhạc, và có những bài thơ không phải chỉ khó mà gần như là… không thể nào chuyển thể thành bài nhạc được. Nói cách khác, không phải là bài thơ nào cũng đem ra phổ nhạc được. “Trong thơ có nhạc”, nhiều người vẫn hay nói vậy, viện dẫn câu nói “thi trung hữu nhạc”. Thực sự, câu này chỉ nói lên cái ý là bài thơ hoặc câu thơ đọc lên nghe giàu âm điệu. “Nhạc” ở trong thơ nhiều lắm chỉ gợi hứng cho nhạc sĩ để phổ nhạc bài thơ ấy. Chuyện “trong thơ có nhạc” chỉ đúng một phần, và không đơn giản là bài thơ đã có sẵn “nhạc” rồi, ta chỉ việc “triển khai” thành một bài nhạc. Lối phổ nhạc đơn giản và dễ dãi này thường thấy ở những bài phổ thơ lục bát, kết quả thường cho ra những bài… nửa thơ nửa nhạc, nghe đơn điệu và không cho thấy nghệ thuật phổ thơ.
Thực tế, “nhạc ngữ” ở trong thơ và trong nhạc có khác nhau. Các bài thơ đầy khẩu khí như “Hồ trường” của Nguyễn Bá Trác, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, “Tây tiến” của Quang Dũng, “Hành phương nam” của Nguyễn Bính, “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ, “Bài ca man rợ” của Đinh Hùng… đều là những bài “thi trung hữu nhạc” cả, và “nhạc” ấy cũng réo rắt, cũng lên bổng xuống trầm, nhưng rất khó mà chuyển thể bài thơ thành bài nhạc. Âm điệu bi tráng và giọng thơ đầy hào khí ấy chỉ có ở trong thơ và chỉ để diễn đọc hoặc ngâm nga chứ không… hát thơ được, cho dù có được ký âm bằng những nốt nhạc. Những cố gắng để phổ nhạc những bài thơ ấy chỉ là sự cố gắng vô ích, dễ đánh mất cái hay của thơ và chỉ làm người ta quay về với bài thơ.
Những bài thơ của Thanh Tâm Tuyền hoặc những bài thơ tự do của Nguyên Sa chẳng hạn, cũng rất khó mà phổ nhạc vì có phổ thế nào cũng không làm người nghe cảm xúc như là khi đọc hoặc nghe bài thơ. Những câu thơ như “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm / Như con mèo ngái ngủ trên tay anh / Đôi mắt cá ươn…” vân vân… khó mà biến thành câu hát được, vì hát lên chỉ nghe… buồn cười và không diễn được cái hay của bài thơ. Nói điều này với cái ý là có những bài thơ hay nhưng không thể phổ nhạc được, hiểu theo nghĩa nếu có phổ là phổ cho… vui chứ không thể làm thành một bài nhạc hay. Tốt hơn hết là tránh đụng vào những bài thơ ấy để bài thơ mãi mãi là bài thơ hay.
Bích Huyền: Nói như anh Lê Hữu thì phổ nhạc một bài thơ có vẻ không đơn giản và dễ dàng chút nào phải không thưa anh?
– Lê Hữu: Đôi lúc tôi cũng tự hỏi như vậy thưa chị, và hơn thế nữa, tôi cũng từng đặt câu hỏi tương tự câu hỏi của chị với một vài nhạc sĩ: “Phổ nhạc một bài thơ dễ hay khó, vì sao?”
Nhạc sĩ Phan Ni Tấn, người phổ nhạc khá nhiều bài thơ của nhiều nhà thơ quen tên, trả lời: “Dễ mà khó, khó mà dễ. Ví dụ lục bát là một thể thơ dễ phổ nhạc mà cũng khó thành công. ‘Dễ’ là cứ trầm bổng theo âm điệu của ‘bằng bằng trắc trắc bằng bằng’ mà phổ là xong, ‘khó’ là làm sao phổ cho hay, và nhất là làm sao tránh để không bị rơi vào sự quen thuộc, nhàm chán của giai điệu và trùng lặp âm hưởng của các nhạc sĩ khác.”
Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, từng phổ nhạc hàng trăm bài thơ với nhiều thể điệu khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm: “So với sáng tác nhạc cả lời lẫn nhạc, tôi thấy nhạc phổ vào thơ có dễ hơn và cũng khó hơn. Dễ hơn là vì có sẵn thơ thành có sẵn ý và lời; hơn nữa, thường bài thơ tiếng Việt đã có tiếng nhạc trong thơ, khi đọc lên nhạc sĩ ‘nhìn’ thấy ngay tiếng nhạc. Khó hơn vì nhạc hay bị ‘phụ thuộc’ vào dòng thơ thành dễ bị gượng ép, tuy nhiên các nhạc sĩ có kinh nghiệm có thể thay đổi, thêm bớt để cho nhạc được tự nhiên hơn.”
Nhạc sĩ Thanh Trang, tác giả các bài nhạc quen thuộc được yêu thích trước năm 1975, nêu nhận xét: “Phổ nhạc cho một bài thơ không thể nào dễ như tự sáng tác lấy cả nhạc lẫn lời. Với riêng tôi, một bài hát cho dù lời có hay hơn cả thơ Nguyễn Du mà giai điệu èo uột thì chẳng còn giá trị gì hết. Khi mình sáng tác nhạc rồi kế đó viết lời thì phần nhạc của mình không bị gò bó bởi một cái khung nào hết. Ngược lại, phổ nhạc cho thơ thì chẳng khác gì có người ra đề cho mình viết phần nhạc. Đối với một nhạc sĩ tôi gọi là ‘thứ thiệt’, lại có tâm hồn về thơ phong phú thì phổ nhạc vào thơ là chuyện trở bàn tay, và hay rất đều, ví dụ các bài thơ do Phạm Duy phổ nhạc. Còn đối với những ai kém tài về nhạc và thơ thì… như ta vẫn thấy qua hàng nghìn bài thơ phổ nhạc từ trong nước ra đến hải ngoại sau năm 75!”
Nhạc sĩ Nghiêu Minh, từng viết cả trăm bài nhạc phổ thơ, phần lớn là thơ của anh, cho ý kiến: “Nhiều người cho rằng khó tránh được sự gò bó bởi âm vận của thơ khi phổ nhạc từ thơ, tôi không cho là như vậy, vì một khi đã quen rồi thì không còn là vấn đề nữa. Hơn nữa, thơ có vần điệu của thơ trong khi nhạc có luật của nhạc.” Anh cũng nói thêm: “Sáng tác nhạc bây giờ cũng như là làm thơ mới. Một dạng thơ phá thể cũng có một số kinh nghiệm riêng biệt để dòng nhạc cũng như thơ được liên tục.”
Bích Huyền: Anh có nghĩ rằng các nhạc sĩ phổ thơ thành công đều có những “bí quyết” riêng? Và anh có nắm được bí quyết nào để phổ biến đến những người yêu thích công việc phổ nhạc một bài thơ?
– Lê Hữu: Xin thưa với chị là, tôi chỉ nắm được bí quyết làm sao để phổ một bài thơ… không thành công (cười).
Nói đùa cho vui vậy, xin thưa rằng tôi không tin lắm vào cái gọi là “bí quyết” hay là “thủ pháp nghệ thuật” này nọ. Nói rõ hơn, những bí quyết ấy nếu có, không phải là lúc nào cũng mang lại sự thành công.
Tôi chưa hề nghe ai nói đến “bí quyết để phổ nhạc thành công một bài thơ”, hơn thế nữa, có những điều thật khó mà giải thích được về sự thành công và không thành công của một bài nhạc phổ thơ. Xin nói thêm ở chỗ này:
Cách đây ít năm tôi có “mách” cho một nhạc sĩ từng được xem là “có tay nghề về phổ thơ” một bài thơ tiền chiến khá hay chưa từng được phổ nhạc. Tiếc rằng sau đó tôi khá thất vọng vì ông đã phổ không thành công bài ấy, không rõ là vì nguồn nhạc hứng đã cạn hay là vì người nhạc sĩ nào cũng chỉ có “một thời để yêu và một thời để phổ nhạc những bài thơ”.
Có nhạc sĩ phổ nhạc rất thành công một bài thơ nhưng rồi… không thấy phổ thêm bài nào nữa. Có nhạc sĩ phổ bài thơ đầu tiên khá thành công, phổ những bài tiếp theo thì… không thành công nữa. Khi mà người ta không tìm được cách giải thích nào cho xuôi tai thì người ta bèn đi đến cách giải thích khác: đôi lúc cần phải có cái duyên gọi là “duyên thơ nhạc” giữa nhạc sĩ và thi sĩ hay giữa nhạc sĩ và bài thơ. Cái duyên ấy là cái duyên tri ngộ, là cái tình tri âm, là mối đồng cảm đồng điệu giữa người làm thơ và người soạn nhạc. Cái duyên ấy là cái duyên phổ nhạc thật “ngọt”, thật dễ dàng thật tự nhiên, như nguồn nhạc hứng dâng trào, như nhạc và thơ chảy tràn như suối… Nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng nhắc đến cái duyên thơ nhạc này giữa ông và nhà thơ Kim Tuấn. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng hay nói đến cái duyên thơ nhạc giữa ông và nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn được xem là “chuyên trị” nhạc phổ thơ, không có nghĩa là bài thơ nào vào tay ông cũng hóa thành bài nhạc phổ thơ hay cả, mà vì ông là người nhạc sĩ có số lượng nhạc phổ thơ nhiều nhất trong số các nhạc sĩ cùng thời, và trong số ấy có nhiều bài hay. Có thể ví ông như cầu thủ xuất sắc “ghi bàn” nhiều nhất, tuy rằng cũng có những… cú sút không thành công. Ghi nhận thêm một điều, không chỉ phổ thơ của các nhà thơ tên tuổi, ông còn phổ cả thơ của những người làm thơ ít tên tuổi và có thể biến những bài thơ ít được hoặc không được biết đến thành những bài nhạc phổ thơ hay.
Có khi một bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc nhưng chỉ có một bài gọi là thành công (như bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan), hoặc… chẳng có bài nào thành công cả (như bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của TTKH).
Có những cách để có thể biết được một bài nhạc phổ thơ có “sống” được hay không. Hoặc, thử tách rời phần nhạc và phần lời của bài nhạc phổ thơ: nếu người nghe chẳng muốn nghe “nhạc” thì nhiều phần cũng chẳng muốn nghe “thơ” trong bài nhạc ấy. Hoặc, bài nhạc nào (không riêng gì nhạc phổ thơ) được bạn bè, người quen bất chợt ngẫu hứng buột miệng hát… vu vơ ít câu thì bài ấy nhiều phần là “sống” được, theo nghĩa có người hát, có người nghe.
– Bích Huyền: Một câu hỏi nữa nhé, anh Lê Hữu. Anh có điều gì góp ý hoặc chia sẻ với các nhạc sĩ từng có những bài nhạc phổ thơ?
– Lê Hữu: Góp ý thì thiệt tình là tôi không dám, thưa chị. Tôi cho rằng các nhạc sĩ sáng tác ấy hẳn là có ít nhiều kinh nghiệm về chuyện phổ nhạc một bài thơ. Tuy nhiên, trong chỗ thân tình, thảng hoặc trong những lúc chuyện trò, tôi có chia sẻ với vài người bạn nhạc sĩ một vài ý thế này:
Thứ nhất, dù sao thì rất nên… xăn tay áo lên để phổ nhạc ít bài thơ cho vui khi “bắt” được bài thơ nào làm nẩy sinh nguồn nhạc hứng. Phổ nhạc một bài thơ là một sự “thách thức” dễ gây hứng thú cho người nhạc sĩ. Hơn nữa, phổ nhạc một bài thơ thì… không có gì để mất cả. Nếu không thành công thì cũng… chẳng sao cả, và cũng là chuyện thường tình, vì có biết bao người phổ thơ không thành công, kể cả các nhạc sĩ bậc thầy, có “tay nghề cao” về phổ thơ. Ngược lại, nếu thành công là một hạnh phúc, nhạc sĩ được xem là có… tài phổ thơ và cảm thấy tự tin hơn để… tiếp tục phổ thơ. Chưa nói là tác giả bài thơ (nếu còn sống) sẽ lấy làm cảm kích và biết ơn người phổ thơ mình lắm lắm.
Thứ hai, như tôi có nói khi nãy, bài nhạc phổ thơ cần phải nghe ra là một bài nhạc hơn là một bài thơ. Nói đơn giản, phải “hát” được. Người yêu nhạc muốn nghe nhạc chứ không phải nghe thơ, hoặc nghe hát thơ. Một bài nhạc muốn được phổ biến rộng rãi thường phải là bài nhạc dễ nghe và dễ hát (không phải là chỉ có… tác giả và ca sĩ chuyên nghiệp hát được). Người yêu nhạc không chỉ muốn nghe mà còn muốn hát nữa. Trong những buổi họp mặt văn nghệ có hát hò chẳng hạn, người hát thường ít ai chọn những bài khó hát.
Thứ ba, bài thơ được phổ nhạc trước hết phải là bài thơ hay, ít nhất cũng là “hay” đối với nhạc sĩ. Thật khó mà phổ nhạc cho hay một bài thơ mà nhạc sĩ không thấy gì hay ho hoặc có chút gì rung cảm. Khi mà nhạc sĩ không yêu bài thơ thì cũng khó làm người nghe yêu bài nhạc. Những bài nhạc phổ thơ miễn cưỡng hoặc “theo đơn đặt hàng” dễ nhận ra những gượng ép.
Một nhà thơ quen tên nói với tôi anh có nhiều bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Tôi nói, “Việc ấy chứng tỏ rằng các nhạc sĩ yêu thơ của anh và muốn được phổ nhạc những bài thơ ấy, tuy nhiên không có nghĩa là những bài nhạc phổ thơ của anh cũng… hay như là bài thơ.”
Sau cùng, nói gì thì nói, cách tốt nhất để biết một bài nhạc phổ thơ có thành công không là… hãy phổ nhạc một bài thơ. Người nghe nhạc sẽ nói cho nhạc sĩ biết bài nào là thành công và bài nào không thành công.
Nhạc sĩ nào cũng từng có những bài phổ thơ không thành công, tuy nhiên nếu phổ nhạc nhiều bài thơ mà vẫn… không thành công thì cần tìm hiểu… tại sao và nên xem lại quan niệm, phương thức và thói quen trong việc phổ thơ của mình. Nếu cần thì thay đổi, thử nghiệm phương cách khác cho đến khi tìm ra được “bí quyết” của riêng mình, thay vì “dẫm chân trên một lối mòn”.
Bích Huyền: Xin cám ơn anh Lê Hữu đã dành nhiều thì giờ cho “Câu chuyện âm nhạc” cũng như đã cho những ý kiến, những nhận định rất thành thực và lý thú về đề tài hôm nay. Bích Huyền chia sẻ và đồng tình với một số nhận định của anh, một số chứ không hẳn là trăm phần trăm đâu đấy nhé!
– Lê Hữu: Cám ơn chị. Tôi cũng mong là chỉ được chị chia sẻ phần nào thôi để còn được dịp lắng nghe ý kiến của chị về đề tài này nữa chứ, phải không chị Bích Huyền?


Bích Huyền thực hiện

MỘNG DƯỚI TRĂNG



Gọi ánh trăng vàng soi sáng đêm
Đưa sương lên lá uống môi mềm
Tay nâng bầu ngực trời xanh biếc
 Chân bước lên đồi đón gió êm.

Tình đến bên thềm khều nhẹ cửa.
Yêu về cạnh trướng thả buông rèm
Bướm hoa thức giấc lẳng lơ lơ lẳng
Ta em vào mộng đắm đuối đêm

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

BÃO



Cái buồn

Mưa cứ rơi cứ rơi
Mịt mờ giăng trắng trời
Gió còn chơi trò ác
Se mưa thành ngọn roi
Quất lên những chiếc lá
Tả tơi cành,rụng rơi
Lại còn vốc hạt giá
Ném vô căn phòng nhỏ
Ai quên , cửa khép hờ
Cái buồn cứ thơ thẩn
Nhìn trò đùa gió mưa
Thương cho từng chiếc lá
Xót  cho từng nụ hoa
Nở trong ngày dông bão
Cảnh mỏng manh nhạt nhòa!
Buồn đội mưa bê vội
Một chậu đưa hiên nhà
Nhưng lòng còn thổn thức
Kìa,còn cả vườn hoa!

nguyen Kim 
 


BÃO

 
Mây lững lững trôi trôi
Gió xoay xoay giữa trời
Chiều thả tia tím nhạt
Em buông nỗi buồn rơi

Mưa đè bẹp dí lá
Nỗi nhớ cong vành môi
Trái tim chưa kịp vá
Cúc áo ngực lại hở

Cửa nhớ quên khép hờ
Bước chân đời hụt hẫng
Tiếng chuông chùa đong đưa
Cây duyên nợ tơi tả

Nhặt trên đường cánh hoa
Nhàu trong ngày giông bão
Chút hương thơm vướng vào
Chuốc hồn say bê bối

Mộng đưa lối về nhà
Ngã lên vườn thổn thức
Trông về chân trời xa...
 

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

MEN RƯỢU TÌNH SAY

Uống môi em ngọt

Kìa!
Tháng bảy đã trôi
Trong một miền lạc loài
Ta
Thấy mình trăn trở
Trong ngổ ngáo tình si
Uống một giọt môi đi
Đời đã thôi chát đắng
Những câu kinh
Trưa vắng
Khôi hài
Rũ khát khao
Ta níu vào hư hao
Tìm môi nàng dịu ngọt
Những môi cười đỏ chót
Những môi hồng mộng mơ...
Nhưng
Có nghĩa gì
Nếu tất cả là mộng thôi
Người vẫn cách xa ta
Một trời nhung nhớ,
Ngàn ngày nhung nhớ?
Cửa vẫn mở
Gió lùa vào
Ta chống chếnh cơn mê
Thèm giấc say
Mùa tay ai
Bẽn lẽn
Những ngón đan tình
Đan đời nhau
Mê mải
Trượt dài
Trên những con dốc
Tuyệt vời
Hào hển đời nhau

( Uyển Di)

 



 MEN RƯỢU TÌNH SAY


Ôi!
Ngọt ngào đôi môi
Thơm men rượu tình say
Ta
Thức lòng hăm hở
Trong háo hức ngu si
Uống giọt lệ trên mi
Thấm mặn miền hoang vắng
Say sưa tình
Mưa nắng
Đời trai
Bỏ xanh xao
Lên men rượu má đào
Trên môi nàng thơm ngọt
Ta uống cạn từng giọt
Nuốt từng dòng bơ vơ...
Bừng
Lửa thiên đàng khêu gợi

Đốt cháy rụi  tim ta
Cửa lòng bung mở
Cô đơn tan vỡ
Trời sụp lở
Chôn ta vào
Vũng ngực trào đam mê
Cơn say dài
Mộng thiên thai
Trọn vẹn
Giọt tình nguyên trinh
Rực rỡ màu
Kết lại
Hình hài
Trên đài cô độc
Rạng ngời
Hạnh phúc vừa trao

CÀI ĐẶT TÌNH YÊU



Tư vấn: Chào bà, tôi có thể giúp gì cho bà?
Khách hàng: Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định cài đặt tình yêu. Tôi phải làm gì đây?

Tư vấn: Trước tiên bà phải mở rộng trái tim mình. Bà biết trái tim mình nằm ở đâu chứ?

Khách hàng: Tôi biết. Tuy nhiên trong trái tim tôi có một vài chương trình đang hoạt động. Để tôi xem nào ! Vết thương lòng này, tự ti này, rồi hận thù và oán giận nữa.

Tư vấn: Không sao, tình yêu sẽ xóa dần vết thương lòng. Thực ra chương trình cũ vẫn còn trong bộ nhớ của bà nhưng nó sẽ không cản trở hoạt động của các chương trình khác. Về phần tự ti xin bà đừng lo. tình yêu sẽ chép nội dung tự tin đè lên nó. Tuy nhiên, bà phải xóa đi hận thù và oán giận, bởi chúng cản trở tình yêu hoạt động bình thường. Bà đã tắt chúng rồi chứ?

Khách hàng: Có lẽ ông phải giúp tôi. Tôi không biết phải làm sao với chúng.

Tư vấn: Rất sẵn lòng. Bà khởi động chương trình tha thứ nhiều lần, cho tới khi hận thù và oán giận bị loại trừ hoàn toàn.

Khách hàng: ...Xong rồi, tình yêu sẽ tự động được cài đặt?

Tư vấn: Vâng, bà sẽ nhận được thông báo cho biết tình yêu sẽ mãi mãi nằm trong trái tim bà. Bà đã thấy thông báo đó chưa?

Khách hàng: Chắc sẽ có. Thế là xong hả?

Tư vấn: Chưa. Đấy mới chỉ là phiên bản khởi đầu. Bà cần phải giao tiếp với những trái tim khác để được cập nhật.

Khách hàng: Ồ! Tôi nhận được thông báo lỗi error 412.

Tư vấn: Đừng lo. Đấy là lỗi thường gặp. Nó cho thấy ở bà còn thiếu điều kiện để tình yêu có thể hoạt động.

Khách hàng: Tôi còn phải làm gì nữa?

Tư vấn: Xin bà mở thư mục tự hài lòng. Ở đó bà sẽ gặp các tập tin tự tha thứ, tự đánh giá, tự biết giới hạn. Bà chép chúng vào thư mục trái tim tôi. Hệ điều hành sẽ chép chúng đè lên những tập tin có nội dung trái ngược với chúng. Xin bà chớ quên tìm ra và xóa tập tin lắm lời và tự chỉ trích thái quá. Bà nên ra lệnh làm rỗng, thùng rác chứa các tập tin bị xóa sẽ hiện lên màn hình!

Khách hàng: Hòa thuận và hài lòng đang tự sao chép và lấp đầy bộ nhớ của tôi. Như vậy là bình thường phải không?

Tư vấn: Vâng. Tuy nhiên, tôi xin nhắc bà điều cuối cùng. tình yêu là phần mềm miễn phí, bà nên trao nó vào các chương trình bổ trợ cho mọi người mà bà gặp. Hãy chia sẻ tình yêu với mọi người và bà sẽ được đền đáp.


Sưu tầm 

Cặp truyện ngắn sinh đôi

 




1. Hắn và anh

“Anh từ đâu đến…” Tôi hỏi hắn. Có vẻ ban đầu tôi định nói “Anh từ đâu đến, hay chỉ tình cờ đi qua đời em”. Do ngôn từ xắp xếp vừa xong, tôi đã nhận ra độ “sến” hơi nặng nên bỏ lửng. Phần ngập ngừng nén lại ong ong trong đầu, như thể tôi đang tự hỏi mình.

“Anh từ biển” – Hắn nói với một chút trầm ngâm.

Biển chiều nhiều mây. Sóng bạc đầu đuổi nhau. Một chiếc thuyền đánh cá nhỏ cắm sào nghỉ ngơi cuối tầm mắt. Nó không quá bé để ta ví von như xác lá dật dờ trên mặt nước, không quá lớn để thành chiếc võng thư nhàn đang đong đưa giữa bầu trời.

“Em không tin?” – Hắn cười vang rồi giơ một bàn tay ra hiệu hãy chờ. Hắn đi về phía biển, đi sâu vào biển. Hắn biến mất khỏi ánh mắt tôi chừng bốn mươi lăm giây, bằng chiều dài hơi lặn của một người bình thường. Vọt khỏi mặt nước, hắn ào chạy đến tôi. Tôi bật ngửa ra cát vì bị hắn dụi cái đầu ướt mèm vào ngực, vào bụng. Tôi nhột nên kéo khuôn mặt hắn lên. Nụ hôn mằn mặn. Hắn thì thào “Anh yêu em biết chừng nào!”. Thế rồi hắn động cỡn, bế xốc tôi, vừa chạy dọc bãi biển vắng vừa gào thét “Anh yêu em… Anh yêu em…”.

Lúc ấy tôi tin đúng là hắn đến từ biển. Biển xa mà núi thì gần. Nghịch lý thị giác ấy tôi cũng biết. Tầm nhìn xa trên biển chỉ hơn mười cây số nhưng cách Vũng Tàu năm mươi kilomet bạn đã thấy núi ở bên cạnh.

***

Đêm xuống rất nhanh. Hàng dương sâm sẫm. Những chớp đèn ngoài khơi, xa hút như sao trời. Lâu lâu mới có một con tàu lớn băng ngang. Hắn chỉ cho tôi đèn mạn màu xanh và đỏ, đèn cột, đèn mũi… Hắn dẫn giải tỉ mỉ cách nhìn đèn để biết hướng tàu chạy.

Sương bắt đầu xuống, tôi ớn lạnh khi thì thầm với hắn rằng hắn sẽ bỏ chạy một mình nếu cướp xuất hiện chứ. Hắn cười toáng lên. Hắn bảo tôi đừng bao giờ đặt những câu hỏi đã có sẵn trả lời. Hắn kể đêm Noel nọ, đứa em út hắn bị dí dao trên cầu Sài Gòn. Chú chàng nhanh tay rút chìa khóa xe máy và ù té ngay, mặc cô bồ lóng ngóng chưa biết xử trí thế nào. Hiện nay cô gái kia đã là em dâu hắn. Hắn bồi thêm chuyện thứ hai: Bạn trai hắn dẫn người yêu vào rừng thông Đồ Sơn mùa đông. Chưa bi bô xong tình huống giả định múa võ cứu người đẹp thì ma cô đến. Cặp tình nhân đành líu ríu lộn hết túi áo túi quần mời chúng lấy tiền và năn nỉ xin lại giấy tờ tùy thân. Đôi ấy cuối cùng cũng hạnh phúc và thành đạt.

Mặc hắn tránh né, tôi vẫn muốn truy bằng được cách hắn định xử trí. Hắn bảo trong tình huống ấy tôi phải bình tĩnh, hắn sẽ lôi kéo sự chú ý của bọn lưu manh để tôi bỏ chạy trước. Nhất thiết mỗi người một phía, la hét cầu cứu liên tục…

Hắn tỉnh táo quá. Tỉnh táo như một triết gia. Tôi biết đêm nay nàng trinh nữ tôi không có gì để lo, dẫu phải dùng tay hắn làm gối trong ngôi nhà rông chúng tôi thuê cạnh biển.

Tôi rúc vào lòng hắn. Sóng ngoài kia rì rào mãi bản tình ca dang dở. Hắn cũng không ngủ. Gần sáng hắn đoán gió chắc đang đổi hướng. Biển êm. Hắn bảo hắn nghe được hạ âm tưng tức của sóng lừng sắp hình thành.

Tôi bất ngờ có cảm giác an toàn như từng ở bên anh. Tôi biết hắn hơn anh ở chỗ đã làm tôi rung động. Tôi trèo lên người hắn, hôn từ mắt xuống môi, xuống cổ. Hắn luồn tay qua áo ngủ xoa lưng tôi, thì thào những lời yêu lịm ngọt.

“Anh sẽ suốt đời cho em cảm giác an toàn như thế này nhé” – Tôi gần như van xin hắn.

“Anh không phải một vị thánh. Anh từng trải và kiềm chế được tính dục vì như em biết anh đã một lần đổ vỡ” – Giọng hắn đều đều – “Cái gì của anh sẽ là của anh. Khi đến với em, anh cũng đâu mong gặp được một người con gái hoàn hảo”.

***

Về nhà sau chuyến đi chơi biển xa ấy, tôi bắt đầu mơ về một đêm tân hôn huyền diệu. Tôi viết tay tặng hắn một đoạn Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Đã cho vào bậc bố kinh

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu

Ra tuồng trên bộc trong dâu

Những con người ấy ai cầu làm chi

Phải điều ăn xổi ở thì

Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày

Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay

Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi – Trương.

Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều trước đã chán chường yến anh.

Trong khi tựa cánh liền cành,

Mà lòng rẻ rúng đã trình một bên.

Mái tây để lạnh hương nguyền,

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Hắn cẩn thận kẹp tờ giấy học trò có kẻ ô ly nhạt vào giữa một quyển sách dầy chưng trong tủ. “Chính em sẽ làm khổ em thôi” – Tôi không hiểu hắn muốn nói gì.

Bên hắn tôi lại bất an. Càng bất an tôi càng muốn gần hắn. Tôi ngửi được và thích ngửi cái mùi đàn ông đặc trưng trên da thịt hắn. Nó chứa nam tính một cách rõ ràng, (lại) hơn anh. Nếu định nghĩa tình yêu là giá trị gì đó ngoài xác thịt thì tôi yêu anh chứ không hề yêu hắn. Anh đến với tôi khi tôi bắt đầu trở thành thiếu nữ. Bao nhiêu mùa xuân cứ trôi, anh vẫn chẳng vượt qua những nụ hôn thiếu lửa. Thiếu lửa, nhưng tôi chết cháy trong niềm khát khao trở thành đàn bà.

Rồi hắn xộc đến. Hắn là một con công trống lão luyện. Hắn biết tôi thích vũ điệu nào. Tôi kể về hắn cho anh nghe. Anh không chúc tôi hạnh phúc và cũng không muốn giật tôi trở lại vòng tay anh. Tôi cay đắng nhận ra anh là đàn ông nhưng không phải giống đực, ít nhất là ở ham muốn. Trong nền văn hóa của đất nước tôi, khi nói về giới tính, người ta nói về “giới tính xã hội” hơn là “giới tính sinh học”. Ngôn ngữ của chúng tôi rành mạch đến độ thiếu hụt, không có giống trung, không có giới tính thứ ba.

***

Một hôm tôi bảo với hắn từ nay thi thoảng tôi sẽ ngủ lại căn hộ độc thân một giường của hắn. Hắn mở tủ đưa tôi quyển sách dầy cộp kẹp giữ đoạn thơ Kiều. Hóa ra đây là tuyển tập các gương phụ nữ tiết liệt, nghĩa tháo, trung trinh, lay động muôn đời. Hơn nửa số truyện dịch từ sách Tàu. Có cả ảnh không ít miếu thờ, sắc phong triều đình nêu gương “trinh liệt nữ thần”. Hàng ngàn năm, biết bao nhiêu câu chuyện người ta cho là cảm động.

“Bây giờ em mới hiểu, không ít quyển sách nên bị đốt. Đốt sách chưa chắc là tội ác.” – Tôi cực đoan một cách độc địa.

Hắn bật nhạc. Dàn máy nhiều đèn chỉ thị, nút điều chỉnh nào cũng có đèn, bộ lọc tần số nhấp nháy hàng chục cột từ thấp đến cao. Căn phòng tối bỗng biến thành một góc trời đầy sao. Nhạc Văn Cao và Phạm Duy, những nét Đường thi đẹp mê hồn lấp lánh trong ca từ. Tôi không thích Trịnh Công Sơn của Sài Gòn ba trăm năm, dù hát thơ cũng là một nghệ thuật đáng trân trọng.

Tôi thực sự chưa hiểu tại sao mình chẳng chút e thẹn khi khỏa thân lần đầu tiên bên một người đàn ông. Vì màn đêm đồng lõa chăng? Tôi ôm hắn thật chặt. Chiếc linga căng đầy tự tôn, nóng rẫy áp vào đùi tôi. Ông Tứ Tượng từng lấy dương vật làm cầu tạm. Bà Nữ Oa đã sưởi ấm đoàn nhà trai rước dâu ướt lạnh bằng âm hộ của mình. Người Chăm xem sự hòa nhập giữa Yoni và Linga làm nên biểu tượng sáng tạo và sinh sôi của thần Siva, làm nên vẻ đẹp tôn giáo.

Hắn trốn chạy tôi và trốn chạy chính hắn. Hắn nghĩ chưa chắc chúng tôi sẽ gắn bó với nhau trọn đời. Hắn là người đốt lửa nhưng không muốn tôi biến thành thiêu thân? Hắn dùng một phạm trù đạo đức để chế ngự tự nhiên, trong khi tôi tự nhủ nếu hôm nay tôi không thành đàn bà thì hắn không phải người tôi tìm kiếm.

Đêm hẵng còn dài. Hơi thở của hắn không thể liền lạc. Nó ứa ra từ những kẽ nứt của thời gian và sự thinh lặng. Cẳng chân hắn giống cẳng chân tôi một cách kỳ lạ, như tôi và hắn là anh em ruột, như hắn chính là tôi và ngược lại.

Bỗng nhiên anh từ đâu nhảy xổ vào óc tôi. Anh nói hắn không phải là anh. Hắn chỉ là một phần mà tôi mong đợi ở anh. Muộn quá rồi. Hắn đã trườn lên người tôi. Vết đâm buốt óc. Bên dưới của kìm nén là cuồng nộ và mạnh bạo. Tôi cắn môi để khỏi bật khóc. Nước mắt rát đắng.

***

Và tất nhiên, cuối cùng tôi phải chia tay hắn. Tôi không thể lên giường với hắn và tưởng nhớ đến anh, mường tượng sự êm ái và nhẹ nhàng nếu anh là hắn.

Từ đó tôi thường tự giới thiệu với xã hội là tôi đã có một đời chồng. Tôi nhắc đến hắn làm gì. Tôi muốn nói về tôi. Tôi phát tín hiệu rõ ràng cho tất cả những quí ông mon men xung quanh mình. Có như vậy họ mới thôi suy già đoán non, ao ước, mong đợi nơi tôi một cô gái không khiếm khuyết, tối thiểu là ở khía cạnh bóng bẩy truyền thống.

Tôi không có lý do trách cứ hắn. Trong truyện ngắn này tôi bắt buộc phải gọi một trong hai nhân vật nam là hắn. Để tránh nhầm lẫn, đơn giản chỉ thế thôi. Bạn đọc đừng lần theo lối mòn, hãy thoát ra khỏi nhà tù khái niệm, hãy xem “hắn” là một danh từ chỉ ngôi thứ ba bình thường. Hoặc nếu không thích, bạn có thể thay “anh” bằng “hắn” và “hắn” bằng “anh” tại các ngữ cảnh gián tiếp, với vài thủ thuật vi tính văn bản. Tôi đã thử và thấy mạch truyện dịu đi rất nhiều. Ngôn ngữ đánh lừa chúng ta thâm sâu và hiểm độc như thế đấy.

2. Anh và hắn


“Anh từ đâu đến…” Tôi hỏi anh. Có vẻ ban đầu tôi định nói “Anh từ đâu đến, hay chỉ tình cờ đi qua đời em”. Do ngôn từ xắp xếp vừa xong, tôi đã nhận ra độ “sến” hơi nặng nên bỏ lửng. Phần ngập ngừng nén lại ong ong trong đầu, như thể tôi đang tự hỏi mình.

“Anh từ biển” – Anh nói với một chút trầm ngâm.

Biển chiều nhiều mây. Sóng bạc đầu đuổi nhau. Một chiếc thuyền đánh cá nhỏ cắm sào nghỉ ngơi cuối tầm mắt. Nó không quá bé để ta ví von như xác lá dật dờ trên mặt nước, không quá lớn để thành chiếc võng thư nhàn đang đong đưa giữa bầu trời.

“Em không tin?” – Anh cười vang rồi giơ một bàn tay ra hiệu hãy chờ. Anh đi về phía biển, đi sâu vào biển. Anh biến mất khỏi ánh mắt tôi chừng bốn mươi lăm giây, bằng chiều dài hơi lặn của một người bình thường. Vọt khỏi mặt nước, anh ào chạy đến tôi. Tôi bật ngửa ra cát vì bị anh dụi cái đầu ướt mèm vào ngực, vào bụng. Tôi nhột nên kéo khuôn mặt anh lên. Nụ hôn mằn mặn. Anh thì thào “Anh yêu em biết chừng nào!”. Thế rồi anh động cỡn, bế xốc tôi, vừa chạy dọc bãi biển vắng vừa gào thét “Anh yêu em… Anh yêu em…”.

Lúc ấy tôi tin đúng là anh đến từ biển. Biển xa mà núi thì gần. Nghịch lý thị giác ấy tôi cũng biết. Tầm nhìn xa trên biển chỉ hơn mười cây số nhưng cách Vũng Tàu năm mươi kilomet bạn đã thấy núi ở bên cạnh.

***

Đêm xuống rất nhanh. Hàng dương sâm sẫm. Những chớp đèn ngoài khơi, xa hút như sao trời. Lâu lâu mới có một con tàu lớn băng ngang. Anh chỉ cho tôi đèn mạn màu xanh và đỏ, đèn cột, đèn mũi… Anh dẫn giải tỉ mỉ cách nhìn đèn để biết hướng tàu chạy.

Sương bắt đầu xuống, tôi ớn lạnh khi thì thầm với anh rằng anh sẽ bỏ chạy một mình nếu cướp xuất hiện chứ. Anh cười toáng lên. Anh bảo tôi đừng bao giờ đặt những câu hỏi đã có sẵn trả lời. Anh kể đêm Noel nọ, đứa em út anh bị dí dao trên cầu Sài Gòn. Chú chàng nhanh tay rút chìa khóa xe máy và ù té ngay, mặc cô bồ lóng ngóng chưa biết xử trí thế nào. Hiện nay cô gái kia đã là em dâu anh. Anh bồi thêm chuyện thứ hai: Bạn trai anh dẫn người yêu vào rừng thông Đồ Sơn mùa đông. Chưa bi bô xong tình huống giả định múa võ cứu người đẹp thì ma cô đến. Cặp tình nhân đành líu ríu lộn hết túi áo túi quần mời chúng lấy tiền và năn nỉ xin lại giấy tờ tùy thân. Đôi ấy cuối cùng cũng hạnh phúc và thành đạt.

Mặc anh tránh né, tôi vẫn muốn truy bằng được cách anh định xử trí. Anh bảo trong tình huống ấy tôi phải bình tĩnh, anh sẽ lôi kéo sự chú ý của bọn lưu manh để tôi bỏ chạy trước. Nhất thiết mỗi người một phía, la hét cầu cứu liên tục…

Anh tỉnh táo quá. Tỉnh táo như một triết gia. Tôi biết đêm nay nàng trinh nữ tôi không có gì để lo, dẫu phải dùng tay anh làm gối trong ngôi nhà rông chúng tôi thuê cạnh biển.

Tôi rúc vào lòng anh. Sóng ngoài kia rì rào mãi bản tình ca dang dở. Anh cũng không ngủ. Gần sáng anh đoán gió chắc đang đổi hướng. Biển êm. Anh bảo anh nghe được hạ âm tưng tức của sóng lừng sắp hình thành.

Tôi bất ngờ có cảm giác an toàn như từng ở bên hắn. Tôi biết anh hơn hắn ở chỗ đã làm tôi rung động. Tôi trèo lên người anh, hôn từ mắt xuống môi, xuống cổ. Anh luồn tay qua áo ngủ xoa lưng tôi, thì thào những lời yêu lịm ngọt.

“Anh sẽ suốt đời cho em cảm giác an toàn như thế này nhé” – Tôi gần như van xin anh.

“Anh không phải một vị thánh. Anh từng trải và kiềm chế được tính dục vì như em biết anh đã một lần đổ vỡ” – Giọng anh đều đều – “Cái gì của anh sẽ là của anh. Khi đến với em, anh cũng đâu mong gặp được một người con gái hoàn hảo”.

***

Về nhà sau chuyến đi chơi biển xa ấy, tôi bắt đầu mơ về một đêm tân hôn huyền diệu. Tôi viết tay tặng anh một đoạn Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ra tuồng trên bộc trong dâu
Những con người ấy ai cầu làm chi
Phải điều ăn xổi ở thì
Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày
Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi – Trương.
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều trước đã chán chường yến anh.
Trong khi tựa cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã trình một bên.
Mái tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Anh cẩn thận kẹp tờ giấy học trò có kẻ ô ly nhạt vào giữa một quyển sách dầy chưng trong tủ. “Chính em sẽ làm khổ em thôi” – Tôi không hiểu anh muốn nói gì.

Bên anh tôi lại bất an. Càng bất an tôi càng muốn gần anh. Tôi ngửi được và thích ngửi cái mùi đàn ông đặc trưng trên da thịt anh. Nó chứa nam tính một cách rõ ràng, (lại) hơn hắn. Nếu định nghĩa tình yêu là giá trị gì đó ngoài xác thịt thì tôi yêu hắn chứ không hề yêu anh. Hắn đến với tôi khi tôi bắt đầu trở thành thiếu nữ. Bao nhiêu mùa xuân cứ trôi, hắn vẫn chẳng vượt qua những nụ hôn thiếu lửa. Thiếu lửa, nhưng tôi chết cháy trong niềm khát khao trở thành đàn bà.

Rồi anh xộc đến. Anh là một con công trống lão luyện. Anh biết tôi thích vũ điệu nào. Tôi kể về anh cho hắn nghe. Hắn không chúc tôi hạnh phúc và cũng không muốn giật tôi trở lại vòng tay hắn. Tôi cay đắng nhận ra hắn là đàn ông nhưng không phải giống đực, ít nhất là ở ham muốn. Trong nền văn hóa của đất nước tôi, khi nói về giới tính, người ta nói về “giới tính xã hội” hơn là “giới tính sinh học”. Ngôn ngữ của chúng tôi rành mạch đến độ thiếu hụt, không có giống trung, không có giới tính thứ ba.

***

Một hôm tôi bảo với anh từ nay thi thoảng tôi sẽ ngủ lại căn hộ độc thân một giường của anh. Anh mở tủ đưa tôi quyển sách dầy cộp kẹp giữ đoạn thơ Kiều. Hóa ra đây là tuyển tập các gương phụ nữ tiết liệt, nghĩa tháo, trung trinh, lay động muôn đời. Hơn nửa số truyện dịch từ sách Tàu. Có cả ảnh không ít miếu thờ, sắc phong triều đình nêu gương “trinh liệt nữ thần”. Hàng ngàn năm, biết bao nhiêu câu chuyện người ta cho là cảm động.

“Bây giờ em mới hiểu, không ít quyển sách nên bị đốt. Đốt sách chưa chắc là tội ác.” – Tôi cực đoan một cách độc địa.

Anh bật nhạc. Dàn máy nhiều đèn chỉ thị, nút điều chỉnh nào cũng có đèn, bộ lọc tần số nhấp nháy hàng chục cột từ thấp đến cao. Căn phòng tối bỗng biến thành một góc trời đầy sao. Nhạc Văn Cao và Phạm Duy, những nét Đường thi đẹp mê hồn lấp lánh trong ca từ. Tôi không thích Trịnh Công Sơn của Sài Gòn ba trăm năm, dù hát thơ cũng là một nghệ thuật đáng trân trọng.

Tôi thực sự chưa hiểu tại sao mình chẳng chút e thẹn khi khỏa thân lần đầu tiên bên một người đàn ông. Vì màn đêm đồng lõa chăng? Tôi ôm anh thật chặt. Chiếc linga căng đầy tự tôn, nóng rẫy áp vào đùi tôi. Ông Tứ Tượng từng lấy dương vật làm cầu tạm. Bà Nữ Oa đã sưởi ấm đoàn nhà trai rước dâu ướt lạnh bằng âm hộ của mình. Người Chăm xem sự hòa nhập giữa Yoni và Linga làm nên biểu tượng sáng tạo và sinh sôi của thần Siva, làm nên vẻ đẹp tôn giáo.

Anh trốn chạy tôi và trốn chạy chính anh. Anh nghĩ chưa chắc chúng tôi sẽ gắn bó với nhau trọn đời. Anh là người đốt lửa nhưng không muốn tôi biến thành thiêu thân? Anh dùng một phạm trù đạo đức để chế ngự tự nhiên, trong khi tôi tự nhủ nếu hôm nay tôi không thành đàn bà thì anh không phải người tôi tìm kiếm.

Đêm hẵng còn dài. Hơi thở của anh không thể liền lạc. Nó ứa ra từ những kẽ nứt của thời gian và sự thinh lặng. Cẳng chân anh giống cẳng chân tôi một cách kỳ lạ, như tôi và anh là anh em ruột, như anh chính là tôi và ngược lại.

Bỗng nhiên hắn từ đâu nhảy xổ vào óc tôi. Hắn nói anh không phải là hắn. Anh chỉ là một phần mà tôi mong đợi ở hắn. Muộn quá rồi. Anh đã trườn lên người tôi. Vết đâm buốt óc. Bên dưới của kìm nén là cuồng nộ và mạnh bạo. Tôi cắn môi để khỏi bật khóc. Nước mắt rát đắng.

***

Và tất nhiên, cuối cùng tôi phải chia tay anh. Tôi không thể lên giường với anh và tưởng nhớ đến hắn, mường tượng sự êm ái và nhẹ nhàng nếu hắn là anh.

Từ đó tôi thường tự giới thiệu với xã hội là tôi đã có một đời chồng. Tôi nhắc đến anh làm gì. Tôi muốn nói về tôi. Tôi phát tín hiệu rõ ràng cho tất cả những quí ông mon men xung quanh mình. Có như vậy họ mới thôi suy già đoán non, ao ước, mong đợi nơi tôi một cô gái không khiếm khuyết, tối thiểu là ở khía cạnh bóng bẩy truyền thống.

Tôi không có lý do trách cứ anh. Trong truyện ngắn này tôi bắt buộc phải gọi một trong hai nhân vật nam là hắn. Để tránh nhầm lẫn, đơn giản chỉ thế thôi. Bạn đọc đừng lần theo lối mòn, hãy thoát ra khỏi nhà tù khái niệm, hãy xem “hắn” là một danh từ chỉ ngôi thứ ba bình thường. Hoặc nếu không thích, bạn có thể thay “anh” bằng “hắn” và “hắn” bằng “anh” tại các ngữ cảnh gián tiếp, với vài thủ thuật vi tính văn bản. Bạn thấy không, mạch truyện đã dịu đi rất nhiều. Ngôn ngữ đánh lừa chúng ta thâm sâu và hiểm độc như thế đấy.

Thảo Điền

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

VĂN HÓA NÓI



L.phay-ghe – một học giả phương Tây cho rằng “Con người cần 2 năm để học nói và cần 60 năm để học cách giữ gìn lời ăn tiếng nói”. Người Việt Nam có nhiều câu tục ngữ nghĩa: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”...

Ở nước Pháp, người ta khuyên rằng “hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”
Mạnh Tử – nhà triết học cổ Trung Hoa đã viết: “Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huyênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ trái, nói giấu diếm rồi đến chỗ cùng”.

Người biết nói là người biết khi nào cần phải nói ( nói đúng nơi, đúng lúc, đúng vị trí vai trò của mình), nói cái gì, với mục đích gì, nói ra sao, nói với ai.và nói đúng sự thật( đúng với cái tai mình nghe, mắt mình nhìn thấy). Và đó là Văn Hóa nói của loài người, đặc biệt là với người Việt nam hết sức quan trọng, chỉ xếp sau “ văn hóa ăn”
Descartes, triết gia người Pháp, có câu nói nổi tiếng: Je pense donc je suis, nghĩa là Tôi tư duy vậy tôi tồn tại. Câu nói triết lý này tạm đặt trên bình diện đời sống mà ngẫm, thì lời nói thể hiện nếp tư duy của một người, ra nên là một trong những mặt "tồn tại" của người đó. Nó cùng cái "ăn" giúp người ta khẳng định phần "tôi" giữa "chúng ta".
Tiếng nói được phát ra từ miệng, được điều khiển từ lưỡi “người khôn thì cái lưỡi để trong bụng, kẻ ngốc thì bụng dạ để trên lưỡi”.