Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Còn không một chút tình phai


Trần Hữu Khả






Năm năm..mười năm..hai mươi năm
bóng thời gian cứ trôi qua lịm dần theo phôi pha quên lãng

Ta có còn nhớ nhau
giữa những cơn sóng đời áo cơm dồn đuổi

Ta có còn hồn nhiên ngồi hát
những lời ca một thời đôi mươi nông nổi
khi từng ngày giông gió vẫn lồng lộn qua đây
những sớm mai mệt nhoài thức dậy

Ta có còn vội vàng soi gương chải tóc
đón một niềm vui bồng bột vụt đến bất ngờ

Ta có còn nao nao chờ đợi
những đám hội hè đông vui mời gọi xiêm y phấn sáp
để được cùng bao người háo hức ngắm nhau...

Những năm tháng đã qua
những phút hạnh phúc đặt cược mong manh
những nỗi muộn phiền lặng thầm ngày ngày gặm nhấm
những toan tính một đời bao lần buông xuôi ra về lầm lủi

Cuộc đời
chiếc lồng kín vô biên quay đều nhào nặn

Em. Anh
đã từ lâu không còn là Ta nữa
và Ta
đã từ lâu không được là Em. Anh .nữa...

Một ngày nào đó
trong vòng xoáy vô thường run rủi
gặp nhau

Ta có còn bồi hồi được thấy
một thoáng nét Em. Anh. Si Mê. Ngày xưa phảng phất
từng cho Ta một thời nhớ thương ngây dại
sót lại trong nhau.

VĂN HỌC VIỆT NAM Ở HẢI NGOẠI, NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN







1. Lời mào đầu

Lịch sử di trú của người Việt Nam đến các nước khác, từ đó hình thành cộng đồng của người Việt Nam ở nước ngoài, đã được gần một thế kỷ. Cho đến nay chưa có sự thống kê chính xác về số lượng người Việt Nam hiện đang sống ở nước ngoài. Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang sinh sống trong gần 90 nước trên thế giới, hơn nữa, khoảng 80% tại các nước công nghiệp phát triển (1). Phần lớn Việt kiều chọn Mỹ và Canada làm nơi sinh sống, tiếp theo là các quốc gia Âu châu - Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Áo. Số còn lại tìm nơi định cư tại châu Á - ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, hay một số nước châu Phi và Nam Mỹ.

Việc người Việt Nam di trú trên thế giới đã diễn ra qua một số đợt và gắn liền với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trước năm 1975, người Việt Nam chỉ mới lẻ tẻ di trú ở một vài nước. Những di dân đầu tiên dời khỏi nước Việt Nam hồi đó còn là thuộc địa, họ chủ yếu sinh cơ lập nghiệp ở Pháp với số lượng không lớn. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ yếu vào những năm 1960-1970, các nhóm sinh viên từ miền Nam Việt Nam đến học ở Mỹ, Canada, Nhật, Ý... theo kế hoạch trao đổi, học bổng hoặc bằng tiền riêng của cá nhân. Một số sinh viên đã vĩnh viễn ở lại các nước đó.

Hiện nay một số lượng người Việt Nam đông nhất - gần 1 triệu người - đang sinh sống ở Mỹ. Xứ sở này được coi là một ví dụ về sự phát triển xã hội đa chủng tộc theo kiểu di trú. Trong số các nhóm tộc người ở Mỹ hiện nay, người Việt Nam là một trong số những nhóm tộc người trẻ nhất. Sự hình thành của nhóm này bắt đầu từ nửa sau những năm 70 TK XX, và gắn liền với một số đợt di trú chủ yếu từ các vùng ở miền Nam Việt Nam (2).

2. Điểm qua quá trình phát triển

Thời kỳ những năm 1975-1980 gắn liền với sự khởi đầu của việc gây dựng văn học của những người Việt Nam nơi đất khách quê người. Sau năm 1975, đa số các nhà văn miền Nam Việt Nam đã dần dần định cư ở Mỹ, Pháp, Úc, Canada... Đợt di trú đầu tiên gồm có những đại diện tiêu biểu của văn học miền Nam Việt Nam trước 1975. Đó là Mặc Đỗ, Nhật Tiến, Bình Nguyên Lộc, Nhã Ca, Duyên Anh, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác, Thanh Nam, Túy Hồng, Nguyễn Tường Bách, Thế Uyên, Linh Bảo Nguyễn Thị Vinh, Phan Lạc Phúc, Du Tử Lê, Viên Linh, Kiệt Tấn, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Duy (nhạc sĩ), Võ Đình (nhà văn và họa sĩ), Tạ Tỵ (họa sĩ và nhà phê bình), Đinh Cường (họa sĩ), Khánh Ly (ca sĩ)...

Những người Việt Nam đến Mỹ, ngoài gánh nặng tình cảm vốn gắn liền với quê hương xứ sở, còn phải trải nghiệm một cú sốc mạnh mẽ về văn hóa khi họ tiếp xúc với một hiện thực mới mẻ, xa lạ và khó hiểu. Mặc dầu có sự khởi động của đời sống văn học, không mấy ai trong số các Việt kiều tin tưởng vào sự thành công của sự nghiệp mà họ đã gây dựng. Võ Phiến, trong phần mở đầu cuốn Thư gửi bạn(1976), xác nhận cho những tâm trạng ấy: "Từ ngày bỏ nước ra đi, tôi đâu còn nghĩ đến chuyện nghệ thuật văn chương nữa... Ai lại nghĩ xây dựng một sự nghiệp văn nghệ trong vòng vài trăm ngàn người, tản mát khắp mặt địa cầu, mỗi ngày một xa lạc ngôn ngữ dân tộc, xa rời cuộc sống dân tộc"(3).

Thời kỳ thứ hai bắt đầu vào năm 1980 và trùng hợp với sự xây dựng của các thuyền nhân. Trên các trang của tờ tạp chí Văn, Vũ Khắc Khoan đã nhấn mạnh: "Những người này - những thuyền nhân tị nạn - bằng sự xây dựng của mình đã khuấy động văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại, đã thúc đẩy sự vận động của nó tới một giai đoạn mới trong sự hình thành và phát triển"(4).

Nếu phần lớn dân di trú thuộc đợt thứ nhất gồm những người có mối quan hệ nhất định với Mỹ thì những người ở đợt di trú thứ hai tự tìm cách dời Việt Nam. Sau khi đến một quốc gia ở Đông Nam Á, họ phải chờ đợi khá lâu để nước thứ ba cho phép chuyển đến. Và cái quy chế ấy đã gây ra ở họ một cú sốc tinh thần sâu sắc, điều này, lẽ tất nhiên, đã được phản ánh trong sáng tác văn học sau này của họ.

Thời kỳ thứ ba (1982-1990) đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương đối ổn định của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Số tác giả mới và số lượng sách được xuất bản gia tăng, những nhà xuất bản chuyên nghiệp ra đời, và đã xuất hiện một đời sống văn học thực thụ, phong phú và đa dạng. Có thể nói rằng đây là thời kỳ thuận lợi nhất và có kết quả nhất trong lịch sử văn học Việt Nam ở hải ngoại.

Vào những năm đó, số lượng tiểu thuyết được công bố còn ít. Tác phẩm đáng kể nhất là bộ tiểu thuyết sử thi 5 tập Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác. Truyền thống của tiểu thuyết trong văn học Việt Nam còn khá non trẻ. Để viết được những tác phẩm có quy mô như vậy cần phải có kinh nghiệm sống phong phú và tài năng, do đó, nhiều nhà văn lưu trú có thể bộc lộ mình rõ nét nhất trong các tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ. Truyện ngắn đã trở thành thể loại dẫn đầu trong văn học Việt Nam ở hải ngoại. Hầu như tất cả các nhà văn mới đều là những cây bút truyện ngắn, trong số đó tiêu biểu là Thế Giang, Trần Vũ, Vũ Quỳnh Hương...

Vào thời kỳ thứ tư (1990-1995), nhịp độ phát triển văn học Việt Nam ở Mỹ đã chậm lại và ngày càng ít tác giả mới xuất hiện, ít tác phẩm hay và có giá trị nghệ thuật được công bố.

Trong giới báo chí hải ngoại, tình trạng đình đốn trong đời sống văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt được bàn luận sôi nổi. Rất nhiều người đã đi đến nhận định rằng căn nguyên của nó là những biến đổi chính trị đã diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới. Sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự sụp đổ của Liên Xô, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ vào năm 1995, nước Việt Nam dần dần hòa nhập với thế giới đã buộc văn học Việt Nam ở hải ngoại phải thay đổi.

Thời kỳ thứ năm (1995 đến nay) gắn bó chủ yếu với những vấn đề: tiếp tục duy trì văn học Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ và bảo tồn những cơ sở văn hóa, văn học Việt Nam đã hình thành tại các nước cư trú; sự hòa nhập của tác giả Việt Nam vào đời sống văn học của nước mà họ đang sinh sống; sự hồi hương của các tác giả viết bằng tiếng Việt.

3. Những khuynh hướng phát triển
Hoài niệm và hội nhập

Nếu thử nêu lên vắn tắt tình hình văn học Việt Nam ở hải ngoại thì đó là sự phân chia rạch ròi hai khuynh hướng quá khứ hay hiện tại. Đối với các nhà văn thuộc khuynh hướng đầu là hoài niệm, còn đối với các nhà văn thuộc khuynh hướng thứ hai là hội nhập. Văn học Việt Nam ở hải ngoại được hình thành và tiếp tục tồn tại chính trong hệ tọa độ ấy.

Trong những năm đầu định cư trên đất Mỹ (1975-1979), hoài niệm đã trở thành chủ đề chính trong nhiều tác phẩm của các tác giả Việt Nam, mà nét nổi bật là nỗi đau ly tán quê hương xứ sở, sự cô đơn và vô vọng đối với tương lai. Những tình cảm ấy được thể hiện dễ dàng hơn trong thơ. Những sáng tác đầu tiên của các tác giả thuộc khuynh hướng này, như Thơ của Cao Tân và Đất khách của Thanh Nam, đã xác nhận điều đó.

Những tình cảm tương tự của những người xa xứ cũng được ghi lại trong văn xuôi - truyện ngắn và tùy bút của Võ Phiến (Thư gửi bạn, Nguyên vẹn), Túy Hồng, Trùng Dương, Thanh Nam. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan của những năm đầu lưu trú, khi việc ra báo định kỳ và việc xuất bản sách mới chỉ có những bước đi đầu tiên, thì chính thơ ca với hình thức thích hợp về mặt thể loại và hình tượng, cho phép thực hiện một cách kịp thời nhất một nhiệm vụ khó khăn là thông báo cho những người đồng hương xa xứ về nỗi đau khôn nguôi đối với cố hương.

Dần dần, nét lạc quan đã trở lại với thơ ca hải ngoại, phạm vi những vấn đề được mở rộng và trình độ tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm được nâng cao. Niềm tin vào sức mình đã trở lại với mọi người. Cuộc sống của họ ở xứ lạ bắt đầu có ý nghĩa, và điều đó đã được phản ánh trong văn học.

Những thay đổi ấy thể hiện rõ nét nhất trong truyện ngắn của Hồ Trường An, tiêu biểu là Hòa hợp. Tác giả mong muốn truyền đạt nhịp độ và tâm trạng của cuộc sống mới, ở đó xen kẽ nỗi buồn và tiếng cười, sự chiêm nghiệm trầm tư và sự hào hứng lao động vì hạnh phúc và sự phồn vinh tương lai. Nhờ những tác phẩm ấy, thái độ đối với quá khứ được ý thức một cách hợp lý hơn, còn thái độ đối với hiện tại và tương lai thì trở nên điềm tĩnh hơn.
Hiện thực dân tộc, hồi ký và tư liệu lịch sử

Ngay từ đợt di trú thứ nhất, trong văn học Việt Nam ở hải ngoại đã hình thành khá rõ ba dòng: dòng văn chương phong tục (một số nhà nghiên cứu đề nghị dùng các thuật ngữ hiện thực dân tộc hoặc văn hóa dân tộc), dòng hồi ký và dòng tư liệu lịch sử.

Dòng đầu tiên gồm đại đa số tác giả là người miền Nam, Việt Nam. Sáng tác của họ gắn liền với cuộc sống hàng ngày của tầng lớp dân nghèo và trung lưu trong những năm dưới chế độ thuộc địa của Pháp (Hồ Trường An, Xuân Vũ, Ngô Nguyên Dũng, Huyền Châu, Nguyễn Văn Ba), trong thời kỳ tồn tại của chế độ Việt Nam cộng hòa trước 30-4-1975 (Kiệt Tấn, Hồ Trường An, Nguyễn Tấn Hùng) cũng như trong chế độ mới sau khi nước Việt Nam thống nhất (Nguyễn Đức Lạp, Võ Kỳ Điện, Nguyễn Văn Sâm). Bên cạnh những chi tiết giàu hình ảnh của cuộc sống quá khứ ấy, họ đã sử dụng rộng rãi ngôn ngữ hội thoại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học Việt Nam ở hải ngoại, trước hết đối với việc giải quyết những nhiệm vụ sáng tác về mặt tư tưởng, nghệ thuật và triết học.

Dòng hồi ký trong văn học Việt Nam ở hải ngoại, được hình thành cùng với việc cuộc sống dần ổn định về mặt kinh tế, ghi lại quá khứ của nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền Sài Gòn: tướng lĩnh (Nguyễn Cao Kỳ, Đỗ Mậu, Nguyễn Chánh Thi, Huỳnh Văn Cao, Trần Ngọc Nhuận...), chính khách (Bùi Diễm, Nguyễn Tiến Hưng, Trần Huỳnh Châu) và văn nghệ sĩ (Phạm Duy, Duyên Anh, Nhã Ca). Những cuốn sách ấy chứa đựng tư liệu phong phú về các sự kiện và những đánh giá rất đáng chú ý đối với độc giả, nhất là đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội học, văn học... Các tác giả thường chỉ ghi hoặc kể lại các sự kiện, kinh nghiệm sống và sáng tác của họ chưa vươn tới tầm khái quát cao mang tính triết lý nghệ thuật cũng như chưa được tạo dựng để đưa họ trở thành các nghệ sĩ ngôn từ.

Có mối liên hệ trực tiếp với dòng hồi ký là những tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Cho đến nay, nội dung chủ yếu của văn học Việt Nam ở hải ngoại là quá khứ vốn có thể được lý giải và được phản ánh thông qua số phận cụ thể của từng con người cũng như dưới dạng sử thi đồ sộ.

Một cống hiến không thể phủ nhận vào văn học Việt Nam là những cuốn tiểu thuyết Mùa biển động và Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Người đi trên mây của Nguyễn Xuân Hoàng, Giấc mộng của Nguyễn Sa... Cũng phải nhắc tới những tác giả như Thích Nhất Hạnh và Nghiêm Xuân Hồng, những người viết về các vấn đề tôn giáo triết học. Sách của họ, mặc dầu mang tính chuyên biệt nhất định, có giá trị nghệ thuật cao và được phổ biến rộng rãi trong độc giả.

4. Những véc tơ của sự phát triển

Khác với các tác giả định hướng quan niệm và sáng tác vào những vấn đề của quá khứ, khuynh hướng hội nhập trong văn học Việt Nam ở hải ngoại dần dần chiếm vị trí đáng kể trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thế hệ đầu tiên của những người di trú vốn được định hướng vào những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam và trước hết vào tiếng Việt, ngày một già đi, trong khi đó các thế hệ tiếp theo ngày càng được Mỹ hóa và hầu như không gắn bó tương lai của mình với Việt Nam.

Đa số tác phẩm viết về kinh nghiệm hội nhập của người Việt Nam vào cuộc sống Mỹ là do phụ nữ viết. Đó là Vị Khê, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Phan Thị Trọng Tuyền, Vi Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Ngọc Nhung... Trong số các nhà văn nam giới viết về vấn đề này có Võ Phiến (Thư gửi bạn), Nguyễn Bá Trạc (Ngọn cỏ bồng, Chuyện một người di cư nhức đầu vừa phải) Võ Đình (Xứ sấm sét, Sao có tiếng sóng)... Các tác giả viết về những vấn đề thông thường đối với bất cứ một cộng đồng di trú nào, nhất là ở những giai đoạn đầu tiên. Đó là sự tan vỡ của cuộc sống yên ổn trước đây, những khó khăn của thế hệ những người di trú đầu tiên do sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, sự cô đơn của người già, sự suy thoái hóa về đạo đức, hiện tượng lớp trẻ rút khỏi cộng đồng người Việt, sự tan nát của gia đình, sự phân hóa xã hội sâu sắc trong nội bộ cộng đồng...

Mặc dầu trong đa số tác phẩm, sự thích nghi và hội nhập của người Việt được miêu tả với sắc thái bi quan, thông qua những dằn vặt lớn lao về đạo đức và những khó khăn vật chất, tuy thế vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, Hồ Trường An, trong thiên truyện ngắn Hòa hợp, đã lạc quan tiếp nhận cuộc sống mới mà ông ta và những người đồng hương đành phải bắt đầu ở Mỹ. Trong truyện ngắn Gió đêm, Trần Thị Kim Lan viết về sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người thuộc các dân tộc khác nhau. Mai Kim Ngọc thiên về việc đánh giá một cách tích cực đối với cuộc sống của người Việt trong những điều kiện xã hội, văn hóa mới.

Đa số những người di trú thuộc thế hệ đầu tiên không thể hòa nhập vào văn hóa của nước bản địa. Trong khi đó, thế hệ thứ hai hoặc thứ ba - những người dời khỏi Việt Nam từ hồi còn nhỏ hoặc đã sinh ra trên đất Mỹ, học trường bản địa - dễ dàng hòa nhập vào xã hội và nền văn hóa mới. Đã xuất hiện những tác giả trẻ chỉ viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Những cuốn sách của họ tái hiện các cốt truyện Việt Nam, có lẽ với chủ ý dành cho độc giả nước ngoài.

Kinh nghiệm hội nhập trở thành đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của các nhà văn thuộc thế hệ thứ hai viết bằng tiếng Việt và bây giờ đã từ 40 tuổi trở lên. Ở Mỹ là Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Hoàng Nam, Ngọc Khôi, Hoàng Mai Đạt, Dương Như Nguyện, Vũ Quỳnh N.H. Đỗ Kh., Bùi Diễm Âu, Võ Đình, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hương, Nguyễn Danh Bằng; ở Pháp là Thụy Khê, Trần Vũ, Mai Ninh, Thuận; ở Canada là Nam Giao; ở Úc là Hoàng Ngọc Tuân, Nguyễn Hưng Quốc; ở Đức là Lê Minh Hà... Trong tác phẩm của họ có ít cốt truyện về cuộc sống trước đây ở tổ quốc, bởi lẽ họ đã ra đi từ hồi còn nhỏ và đối với họ, Việt Nam không phải là cái cảm nhận được và cái mong muốn như đối với thế hệ cha anh. Bởi vậy, họ viết về cuộc sống hiện tại xuất phát từ tình hình thực tế của cái thế giới hiện đại bao quanh họ. Họ rất tự tin, thoải mái trong việc thể hiện tình cảm và bộc lộ nhận định. Khác với các nhà văn thuộc thế hệ đầu tiên, đối với nhiều người trong số họ, văn học chủ yếu là sự tiêu khiển, giải trí về mặt tinh thần mà không phải là nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Hơn nữa, họ đang ở trong một tình thế đặc biệt - họ cần phải đi tìm độc giả vốn thuộc về cái thế hệ mà họ có thể chia sẻ những suy nghĩ và tình cảm thông qua các tác phẩm viết bằng tiếng Việt.

Không phải tất cả các nhà văn nhất quán đi theo con đường viết bằng tiếng Việt. Một bộ phận không nhỏ đã hoặc sẽ nhanh chóng chuyển sang tiếng Anh, tiếng Pháp... với tư cách là công cụ sáng tác và giao tiếp, bởi lẽ sự lựa chọn này giúp họ hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học ở nước họ định cư và vào văn học thế giới. Nói một cách hình tượng, họ đang tìm sự cân bằng giữa hai thế hệ - thế hệ thứ nhất, lớn tuổi hơn và thế hệ tiếp theo sau họ, trẻ hơn, vốn hoàn toàn hướng tới sự hội nhập vào môi trường mới và ngôn ngữ mới. Cùng với thế hệ đầu tiên, họ sẻ chia lòng yêu mến tiếng Việt, nhưng không sẻ chia gánh nặng tình cảm đối với quá khứ. Cùng với thế hệ thanh niên, họ tiếp nhận một cách thực tế và thực dụng cuộc sống mà hiện nay họ phụ thuộc, tuy thế trong văn học họ bị ngăn cách bởi rào cản ngôn ngữ. Hiện ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam đã hình thành một đội ngũ nhà văn đồng thời thuộc về hai nền văn hóa - văn hóa Việt Nam và văn hóa của nước mà họ định cư. Đó là Andrew Lam - một nhà chính luận nổi tiếng và một cây bút chuyên viết truyện ngắn bằng tiếng Anh, cũng như Monich Trương, Aimee Phan, Lan Cao, Kien Nguyễn, Lê Thị Diễm Thúy, Dao Strom, Nguyễn Minh Bit, Mộng Lan... ở Mỹ; Kim Lefevr và Linda Le đã viết những áng văn xuôi rất hay bằng tiếng Pháp. Những tác giả thuộc khuynh hướng này đã thu hút được sự chú ý của những nhà xuất bản và giới phê bình, đã nhận được các giải thưởng quốc tế.

5. Tương lai thuộc về độc giả

Tác phẩm văn học còn sống khi nó được mọi người đọc. Nếu không có độc giả thì văn học ắt bị lãng quên. Để không bị quên lãng, nhiều nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đem tương lai tác phẩm văn học của mình gắn liền với độc giả ở Việt Nam, song điều đó không đơn giản. Hơn nữa, tác phẩm của các tác giả người Việt ở hải ngoại rất hãn hữu được xuất bản ở Việt Nam, và nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này trước hết là ý thức hệ.

Song vào những năm gần đây, tình hình trên thế giới đã thay đổi: đã xuất hiện internet vốn vượt qua những khoảng cách khổng lồ và những biên giới quốc gia. Hiện nay tồn tại không ít kiểu xuất bản internet, qua đó văn học Việt Nam ở hải ngoại đã tới được Việt Nam. Tất nhiên nó không thể thay thế được kiểu xuất bản in ấn; ngoài ra, ở Việt Nam còn có sự kiểm duyệt khắt khe đối với internet vốn có thể cung cấp thông tin và sự tiếp cận với các tác phẩm văn học.

Đường lối chính trị của các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay là tiếp tục phát triển sự hội nhập của nước này với cộng đồng thế giới. Những thay đổi diễn ra trong chính sách nhà nước đối với Việt kiều, vốn cần phải trở thành nhịp cầu vững chắc giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài, đã chứng tỏ điều đó. Ở Việt Nam hiện nay rõ ràng có sự chú ý tới sáng tác văn học của kiều bào đang sinh sống ở hải ngoại. Điều này được thể hiện trong một số bài viết hiếm hoi trên báo chí cũng như trong việc xuất bản sách của chính các Việt kiều... Gần đây, Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, các công ty Phương Nam và Nhã Nam, các nhà xuất bản của nhà nước, đã có những nỗ lực tích cực trong việc xuất bản ở Việt Nam tác phẩm của các tác giả Việt Nam ở hải ngoại. Trên con đường này cũng có những trở ngại nhất định. Tuy vậy, những ví dụ về việc công bố tác phẩm của các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại mỗi ngày một trở nên nhiều hơn.

Chẳng hạn, giáo sư Nam Dao hiện sống ở Canada, rất có uy tín trong giới khoa học và trong cộng đồng hải ngoại của ông. Trong những năm chiến tranh chống mỹ, ông đã tích cực giúp đỡ Việt Nam, sau năm 1975, ông thường xuyên về nước. Ông là tác giả của những tập thơ và những tập truyện ngắn cũng như của những cuốn tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết lịch sử. Vào những năm gần đây, ông có hai cuốn tiểu thuyết được in ở Việt Nam - Trăng nguyên sơ và Đất - trời.

Cây bút văn xuôi Đỗ Kh. thường xuyên sống ở Mỹ. Ở Việt Nam đã cho ra mắt độc giả cuốn Ký sự đi Tây. Cuốn sách này bán rất chạy và mới đây đã được tái bản.

Năm 1998, bộ tiểu thuyết sử thi gồm 4 tập Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác được xuất bản tại Việt Nam. Tác phẩm này kể về một thời oanh liệt khi nhà Tây Sơn và Nguyễn Huệ trị vì đất nước. Tác giả viết bộ sách này tại Việt Nam, trước khi sang Mỹ.

Vào những năm gần đây, tác phẩm văn học của các tác giả Việt Nam khác đang sống ở hải ngoại đã đến với bạn đọc trong nước: văn xuôi của Mai Ninh (Ảo đăng), khảo cứu triết học Tư duy tự do của Phan Huy Đường, khảo cứu lịch sửThần, người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường, chuyên luận khoa học Tôn giáo và xã hội hiện đại của Cao Huy Thuần. Tại TP.HCM có in tập thơ của nhà thơ nổi tiếng Du Tử Lê hiện đang sống ở Mỹ.

Cần phải nói riêng về thế hệ nhà văn trẻ. Phan Việt có nghề chính là xã hội học, hiện sống và làm việc ở Mỹ. Chị được trao giải nhì cho tập truyện ngắn Phù phiếm truyện tại cuộc thi Văn học tuổi 20 do báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản Trẻ(TP.HCM) tổ chức. Nữ văn sĩ Thuận hiện sống ở Paris. Cuốn sách đầu tiên của chị Made in Việt Nam được xuất bản ở Mỹ. Trong ba năm gần đây, chị cho in một số tiểu thuyết China town, Paris, 11 tháng 8, T. mất tích. Tác phẩm sau cùng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng vào năm 2005. Hai năm sau, một nữ văn sĩ Việt kiều khác là Đoàn Minh Phượng cũng nhận được giải thưởng tương tự về cuốn tiểu thuyết Và khi tro bụi. Ở tuổi 20, chị đã dời Việt Nam để sang Đức. Ngoài ra, chị còn là đạo diễn và nhà sản xuất những bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu, và Tết Nguyên tiêu.

Rõ ràng là văn học Việt Nam ở hải ngoại rất khó sống nếu thiếu công chúng độc giả ở Việt Nam. Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa, vốn càng ngày càng có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với nước Việt Nam, phải góp phần thúc đẩy việc bắc những nhịp cầu vững chắc giữa văn học ở trong nước và văn học ở ngoài nước, mà điều đó đến lượt nó, sẽ xúc tiến quá trình phục hồi sự công bằng lịch sử - trả lại cho các nhà văn Việt Nam và những tác phẩm của họ ở hải ngoại cho tổ quốc lịch sử của mình.


Nguồn: Đông Nam Á, những vấn đề cấp thiết của sự phát triển. Ý thức hệ, lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, tập XI, 2007-2008. M. Viện Đồng phương học - Viện Hàn lâm khoa học Nga, 2008, tr.233-254.

_______________

1. www.mofa.gov.vn, ngày 21-12-2008. Theo những tài liệu khác, số người Việt Nam ở hải ngoại là hơn 3 triệu người.

2. Xem: Một số khía cạnh kinh tế xã hội của việc hình thành cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ trong Nước Việt Nam truyền thống, tập 3, M. 2008,, tr.162-186.

3. Ở đây muốn nói đến những loại tị nạn được lập ra trên lãnh thổ Mỹ, tại các bang California, Arcanzas, Florida, Pensilvania.

4. Nguyễn Hưng Quốc, Sống và viết như người lưu vong, Văn học Việt Nam từ điểm nhìn hậu hiện đại,California, Văn nghệ, 2000, tr.222-234.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012


Tác giả: A.A.Sokolov (Lê Sơn dịch)

Nói dối và nói thật




*Featured Image: Giggie Larue



Có một câu chuyện như thế này: Có một nhà sư đi khất thực đến một gia đình giàu có nọ. Gia đình này có nuôi một bầy ngỗng. Khi chủ nhà mang lương thực ra cúng cho sư thì chiếc nhẫn vuột ra khỏi tay và rơi xuống đất, có một con ngỗng vô tình nuốt lấy. Nhà sư nhìn thấy cảnh đó và rất lấy làm khó xử: Nếu nói thật thì con ngỗng phải chịu chết (chủ nhà mổ bụng ra lấy nhẫn), còn nói dối thì vị phạm giới luật. Vậy nên nhà sư lựa chọn cách im lặng và chuẩn bị rời đi.

Trớ trêu thay ngay lúc này chủ nhà chợt phát hiện ra mình bị mất chiếc nhẫn nên mới hỏi nhà sư có thấy chiếc nhẫn của mình không. Chủ nhà hơi nghi hoặc vì thái độ khó xử kỳ lạ của nhà sự nên thái độ càng lúc càng hằn học (vì nghĩ rằng nhà sư tham lam trộm mất nhẫn của mình). Lúc này, nhà sư lại phải chịu thêm tiếng oan. Nếu nói thật thì được giải oan, nhưng con ngỗng phải chết. Còn nếu giải thích rằng “tôi không thấy chiếc nhẫn” thì hóa ra là nói dối. Và nhà sư lại lựa chọn im lặng. Được một lúc thì con ngỗng quay ra chết (do nuốt chiếc nhẫn to quá). Trong sự ngạc nhiên của người chủ nhà, nhà sư buồn bã nói: Con ngỗng chết là do nuốt chiếc nhẫn đó.

Nói thật hay nói dối không phải lúc nào cũng tốt hay lúc nào cũng xấu, điều quan trọng là mục đích hướng tới đàng sau lời nói, thời gian, địa điểm sử dụng lời nói và cách thức thể hiện lời nói. Nói dối và nói thật có thể phân chia thành những cấp độ như sau:

Nói dối

Nói dối để “lợi mình – hại người”: Đây là kiểu nói dối nghiêng về điều ác, không nên phạm.
Nói dối để lợi mình, chẳng hại ai: Kiểu nói dối này khá phổ biến, tuy nhiên cái lợi cũng chẳng thể lâu dài vì “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”
Nói dối để có lợi cho người khác: Đôi lúc muốn giúp bạn bè, không muốn họ tổn thương… ta lại chọn cách này. Thường thì cũng không hại gì, nhưng về lâu về dài cũng dễ biến tướng sang các kiểu dối gian khác. Đôi lúc khi người được ta “giúp” biết ra sự thật thì lại khiến họ đau khổ hơn nữa.

Nói thật

Nói thật để lợi mình, hại người: Có những sự thật mà khi nói ra, ta hoặc những người ta quan tâm có lợi, nhưng lại mang đến tiếng xấu hoặc tai họa cho người khác. Lúc này cũng nên quan tâm suy nghĩ chứ không phải sự thật nào cũng tùy tiện nói ra.
Nói thật để có lợi cho người khác: Đó là chỉ cho người con đường đúng đắn, chia sẻ kinh nghiệm mà mình đã từng trải qua… mang lại lợi ích cho mọi người.
Về phần “nói thật” này thì cái lợi, cái hại cũng phụ thuộc rất nhiều vào bản chất của “sự thật” trong lời nói của mình. Nên tập tính trung thực, nhưng phải biết sự thật nào nên nói, sự thật nào không nên nói. Nếu nói thật mà hại người thì cái tâm đó còn độc hơn tâm nói dối hại người!

Nên nói dối hay nói thật?


Nói dối đôi lúc có cũng có lợi, người ta gọi nó bằng cái tên “white lie” nghĩa là “lời nói dối thiện chí”. Tất nhiên chuyện nói dối hại người lợi mình thì không cần phải bàn thêm, đừng bao giờ làm điều đó vì nhân quả của việc nói dối hại người sẽ đến ngay trong kiếp này chứ không phải kiếp sau đâu. Những lời nói dối thiện chí cũng là không nên, vì nếu như lời nói dối đó bị phát hiện thì có khi lại phản tác dụng.

Chẳng có sự thật nào có thể được hay bị che dấu hoàn hảo hết đâu, nên tốt nhất là đừng bao giờ nói dối. Đặc biệt là nói dối với những người mình thương yêu vì “không muốn làm họ buồn, không muốn họ lo lắng…” Tin tôi đi, hậu quả của những lời nói dối nhỏ xíu như vậy đôi khi mang đến những tác hại mà bạn chẳng thể ngờ đâu.

Nói thật đôi lúc cũng có hại, chính vì vậy ta nên tập nói thật, và nên biết sự thật nào cần được nói ra. Mặt khác, không phải sự thật nào cũng tốt nên ta cần biết cách đối diện và xử lý thích đáng với những “sự thật” mà mình nhìn thấy, nghe thấy… Sự thật được ghép lại từ những điều dối trá thật đáng sợ, nhưng điều dối trá được ghép lại bằng những sự thật thì đáng sợ hơn nhiều.

Hãy tuyên truyền và cổ vũ cho điều tốt, lên án điều xấu một cách đúng đắn và mang tính xây dựng. Đừng vin vào việc bạn đang nói lên sự thật để gây hại cho người khác bởi vì sự thật nếu có thể hại người thì tác hại của nó lớn hơn nhiều so với lời nói dối. Tôi đang muốn nói đến những điều mà báo, tạp chí đang lan truyền đến bạn, những thứ sự thật được gọt dũa nguy hiểm vô cùng như: Giáo dục giới tính, tin pháp luật, tin cảnh giác, scandal, trào lưu mới… hay những thứ khác mà họ dán lên cái mác “cảnh báo” nhưng thật sự lại đang “phát tán”.

Để luyện tập khả năng không nói dối và nói thật đúng lúc, cách tốt nhất chính là học im lặng.


“The liar’s punishment is, not in the least that he is not believed, but that he cannot believe anyone else.” ― George Bernard Shaw

Tạm dịch: “Sự trừng phạt cho những kẻ nói dối, không phải chỉ đơn giản là hắn sẽ không được người khác tin tưởng, mà còn là việc hắn chẳng thể tin tưởng một ai.”

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Ngày mưa phùn



Nguyễn Nhựt Hùng








Cơn ho mỏi mệt của thời gian về quanh cửa
khi tháng Ba bắt đầu ăn từng lộc non trổ hồi hộp giữa giấc mơ thời tiết
câu chuyện em kể nở e ngại trên một đại dương bóng tối
dưới bụng con chim sẻ ngày bay đi đã biến mất
từng nỗi buồn về lau chùi đôi cánh mùa xuân
trong bài thơ anh chưa viết một ẩn dụ mang hình hài cơn mưa thổn thức

Ký ức người rỗng rạc trên phím ngày
bản intro khép lại lời tiên tri của khung cửa
nơi khu vườn u mê đã gẫy cong ảm đạm
em đã từng mộng mơ về cánh bướm có mùi hương của ngày hôm qua
mỗi búp lãng quên thơm từng hơi thở cũ
con đường phía xa nửa đêm mất ngủ
thả đôi mắt vào cơn gió đang ủ rũ mùa ngược mới

Anh đã không còn nhận ra buổi du mộng của chúng mình
hàng cây nhẹ dạ đón tổn thương từ đám mây âm u tàn tích
những cái bóng đôi tay cán vá
mọc rễ thì thầm trên bức tường đã lâu không gặp
giọng nói khàn lướt trên tấm chăn nhung
điều hối tiếc chẳng còn ai trì hoãn
một vết nứt thụ mầm vươn dài vào cổ họng

Từng dãy phố cùng trở về tỏa ra một rạng đông mộng mị
cơn mưa phùn úp mặt nức nở một sám hối xanh xao
buổi lễ của ánh sáng từ gót chân đầy máu
em chập chờn trong cơn mưa làm mặt đất yếu đuối
những ảo ảnh dắt ta lên phía trên đỉnh của rừng tóc
anh chải lại một im lặng còn mê man bóng đêm
rồi tức thở giữa đoàn viên được sinh nở
rỗng bàn tay mà đau một tràn đầy
những hơi người thăm thẳm bước vào anh.

влюбленность – yêu


Vladimir Nabokov




Ta quên rằng yêu không chỉ là ngoảnh mặt
nhìn nụ hồng cười nắng hắt say mê.
Yêu chính là chập chờn sóng bể
ngụp đêm sâu lặn thăm thẳm không đáy bờ.

Ngay lúc này dẫu chỉ là giấc mơ
nhưng đừng giết yêu bằng lời thức tỉnh.
Hãy cứ để những lấp lửng vô minh
hơn sáng rọi qua lăng hình lí trí.

Ta vẫn yêu dù biết là mộng mị,
dù bịa đặt, không đích tới nơi đâu,
dù ánh lửa tàn lụi đêm sâu
dù vườn yêu mang màu đen tối.


Trích từ tiểu thuyết Look at the Harlequins! (1973). Bản tiếng Nga có tại đây:http://overseaex.narod.ru/Poets/VladimirNabokov.html.


Влюбленность



Мы забываем, что влюбленность
не просто поворот лица,
а под купавами бездонность,
ночная паника пловца.

Покуда снится, снись, влюбленность,
но пробуждением не мучь,
ц лучше недоговоренность,
чем эта щель и этот луч.

Напоминаю, что влюбленность
не явь, что метины не те,
что, может быть, потусторонность
приотворилась в темноте.


Giữa đám chăn mây



1. Người đàn ông ngó sững vào di ảnh trước quan tài. Bức ảnh chụp gương mặt cô gái trẻ măng còn mịn lông tơ. Đôi mắt trong sáng như đang cười với ông. Chắc rằng trước lúc chụp ảnh vài giây, cô gái đang vui đùa với ai đó, nên trên mắt trên môi như còn đọng một nét cười. Người thợ chụp hình đã bấm máy thật đúng lúc. Tuy nhiên, cái thần thái ấy giờ đây như một tảng đá đè nặng trên ngực ông.

Từng tế bào trên người ông như đông cứng lại khi nhìn vào đôi mắt đó. Trong một thoáng, ông không còn nghe tiếng dàn kèn tây rền rĩ chát chúa ở ngoài rạp chen lẫn tiếng tụng kinh của những người mặc đồ trắng trong nhà. Chỉ nghe một tiếng cười trong vắt, lảnh lót rung lên trong tai như tiếng chuông ngân. Có ai đó dìu ông ngồi xuống ghế. Ông rút khăn tay lau mồ hôi rịn ướt trán, rồi run run rút trong túi ra một cái phong bì dày màu trắng được chuẩn bị trước. Ông bước tới trao tận tay cho người mẹ đang thẫn thờ dựa cột, khóc con bằng đôi mắt đỏ ngầu, không còn nước mắt. Không nói với ai một câu, cũng không uống ly trà ai đó đã rót đưa, ông đứng dậy, bước ra ngoài. Chiếc xe hơi chờ sẵn nổ máy lao đi trong đêm.



Tranh: sadec
2

Tôi nằm giữa đám chăn mây bồng bềnh trắng xốp đã nhiều ngày nay. Không hiểu bằng cách nào mà tôi đã được nằm ở đây. Cái cảm giác nằm ở đây thật dễ chịu, như hôm nào đó tôi đã từng vùi mình trong chăn nệm thơm tho, trắng muốt… Tôi nằm và thấy mẹ tôi, em tôi vây quanh giường mình. Ở đó, có một thân hình bé nhỏ, gầy ốm và dị dạng đến mức khó tin. Người nằm đó không còn nhìn rõ mặt. Ba khối u lớn, sưng đỏ choán hết gương mặt xanh xao. Nhìn xuyên qua lớp áo quần, tôi còn thấy người đó mang khá nhiều khối u trong phổi, trong xương đòn, trong khoang bụng. Sao mà nhiều quá vậy? Tôi biết mình chỉ mang trong người một khối u mà đã đau đớn cùng cực. Mẹ tôi lau rửa cho người đó, cho ăn, cho uống thuốc… và gọi tên tôi luôn miệng. Khá đông người đến thăm, thầm thì bàn tán, rồi ra về. Một tiếng nói vô hình cho tôi biết đó là… tôi.

****

Tôi sinh vào tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán vài hôm. Vì vậy mà cha tôi đặt tên Xuân. Dưới tôi là ba đứa em gái lấy tên hết ba mùa còn lại. Tôi thừa hưởng nhan sắc của bà ngoại, nên từ nhỏ đã rất xinh gái. Ai cũng nói vậy. Cũng vì nhan sắc đó mà tôi suýt chút nữa dở dang việc học. Cũng vì nhan sắc đó, tôi đã gặp được Hoàn, vào một ngày định mệnh.

Tôi vào đại học như một kỳ tích. Gánh xôi bắp buổi sáng của mẹ và tiệm sửa xe đạp của cha chỉ đủ giúp cả nhà sáu người có được ngày hai bữa cơm. Học tới hết lớp 9, mẹ bảo tôi nghỉ học, đi làm mướn phụ bà lo cho em. Tôi không sợ cực khổ. Tôi sợ mẹ bắt tôi ở nhà lấy chồng. Vì thế bằng mọi giá tôi phải đi học và học cho giỏi. Thêm một lớp, tôi càng háo hức muốn khám phá cả thế giới. Nhưng mẹ chỉ thấy, mỗi năm tôi đi học là thêm phần tốn kém. Phải cố gắng hết sức tôi mới có thể hoàn thành hết 12 năm học phổ thông.

Tôi đậu đại học với số điểm cao tuyệt đối, trong sự vui mừng của cha và nỗi lo thắt ruột của mẹ. Bà không biết sẽ lo cho tôi ăn học ra sao, tôi sẽ xoay xở cách nào để qua 5 năm đại học xa nhà.

Ngày nhận được kết quả đậu đại học, đám bạn trong lớp lần lượt làm tiệc ăn mừng. Tiệc ăn mừng của tôi là do mấy đứa bạn thân tổ chức. Hôm đó cả lũ kéo tới xin mẹ cho tôi đi chơi xả giàn một bữa. Từ nhỏ tới lớn, tôi mới biết mùi vị của những món ăn sang trọng ngoài tiệm. Lần đầu tiên tôi biết phòng karaoke và mùi bia rượu… Cô bạn thân của tôi còn rủ rê ông cậu Việt kiều Mỹ mới về nước đi theo chơi. Sau màn giới thiệu tên tuổi, thành tích học tập của tôi được chúng tán lên mây. Ông cậu chỉ ngồi nhìn, cười. Thỉnh thoảng ông gắp thức ăn cho tôi, hỏi han vài chuyện. Đêm đó, tôi say mèm dù uống chỉ hơn một lon bia.

Tôi tỉnh dậy lúc ba giờ sáng, theo thói quen, và thấy mình bềnh bồng trong chăn êm nệm ấm trắng muốt, thơm tho. Bên cạnh tôi là… Hoàn, chính là ông cậu của nhỏ bạn thân. Đêm đó, thấy tôi say, Hoàn đã đòi đưa tôi về trước. Nhưng thay vì về nhà, Hoàn lại đưa thẳng tới khách sạn. Hoàn nói, lúc đó cũng say, nhìn thấy tôi giống hệt cô người yêu cũ của mình, nên Hoàn đã không dừng được, và… Tôi ngỡ ngàng. Từ một đứa con gái có thể trở thành người đàn bà dễ dàng đến vậy sao? Hoàn đã chuộc lỗi bằng cách hứa hẹn sẽ bảo trợ cho tôi suốt thời gian học đại học. Mỗi lần Hoàn về nước, sẽ ghé thăm tôi. Nghĩ tới mẹ, tôi cắn môi gật đầu.

Tôi nói với gia đình, vì mình học giỏi nên có học bổng, có người lo cho ăn học không phải tốn kém. Thậm chí, hàng tháng tôi còn cắt giảm các chi phí không cần thiết, mua quà bánh, sách vở về cho các em. Mẹ vui lắm, tin là đã tới lúc tôi trả hiếu được cho cha mẹ.

****

Tôi mắc bệnh.

Ban đầu chỉ là những cơn ho dài. Phía sau lưng trước ngực đều đau tức. Chữa lâu lắm mới hết ho. Rồi cũng từ đó sức khỏe tôi yếu hẳn. Nhiều bữa, tay giở không lên. Tôi chật vật lắm mới qua được năm thứ hai đại học. Nhìn tôi xuất hiện trong webcam, Hoàn thảng thốt: “Sao em ốm và xanh quá!”. Tôi cười cho Hoàn yên lòng. Bệnh thì ai chẳng ốm và xanh. Nhưng từ đó, Hoàn đặc biệt quan tâm đến tôi và gửi rất nhiều tiền về khuyên tôi chữa bệnh cho đến nơi đến chốn. Hình như ông có điều gì đó chưa tiện nói.

Bạn tôi nói, bệnh của tôi phải phẫu thuật, phải được điều trị trong một thời gian dài. Tôi lo điếng người. Cha mẹ lo cơm gạo học hành cho mấy đứa nhỏ hàng ngày đã mệt lắm rồi, giờ còn lo chăm sóc tôi nữa, sao mà kham nổi. Tôi nhớ tới Hoàn. Nhớ tới cuộc trò chuyện cuối cùng trên Facebook với Hoàn trước ngày tôi đi bệnh viện. Không biết làm sao liên lạc với Hoàn. Liệu ông có thể giúp tôi không? Tôi còn muốn sống, muốn học hành. Tôi sẵn sàng trả mọi giá để khỏe lại. Cô bạn tôi, nghe lời Hoàn, mở một chiến dịch trên Facebook, kêu gọi mọi người ủng hộ tôi về tinh thần lẫn vật chất.

Tôi đã nằm nhà lâu lắm, hay tôi có cảm giác như vậy không biết. Nhà vắng. Những đứa em tôi đi học cả ngày. Thỉnh thoảng có người tới tiêm thuốc, truyền nước biển cho tôi. Lâu lâu, mẹ lại đút cơm cho tôi. Ăn những muỗng cơm canh rau do mẹ đút cho, đôi khi tôi thèm một chén xúp nóng thơm phức, nóng hổi, như tôi từng được ăn với Hoàn. Tôi nhớ là có nói với mẹ, nhưng sao bà không nghe gì cả. Tôi bất hiếu. Tôi không nghe lời mẹ. Tôi đã tự hủy hoại đời con gái của mình vì một cuộc vui không đáng như vậy, có gọi là tội không? Tôi đã “qua mặt” cha mẹ để trở thành người tình hờ của một người đàn ông, có đáng gọi là tội không?

****

Có ai đó gọi tên tôi. Tôi vẫn cứ nằm hoài giữa đám chăn mây, muốn nói mà không nói được. Cô bạn thân mang laptop đến nhà, chỉ cho mẹ tôi thấy những hoạt động của tôi hồi ở trường, thể hiện trên trang Facebook, cho bà thấy bạn bè khắp nơi yêu quý tôi và ủng hộ tôi hết lòng như thế nào. Tôi thấy mắt bà sáng lên mỗi khi nhìn thấy ai đó gửi tiền hỗ trợ tôi chữa bệnh. Tôi thấy Hoàn già sọm đi từng lúc. Hoàn đang hoàn tất các thủ tục để đưa tôi ra nước ngoài chữa trị với tư cách một người hảo tâm. Nhưng, tôi biết Hoàn đang bứt rứt, như thể ngày xưa vì Hoàn mà tôi bị bệnh. Ờ, mà khối u, cũng như cái mụt ghẻ thôi mà.

Mẹ bận rộn hơn với những chiếc phong bì mà những nhà hảo tâm mang tới. Hình như bà không bán xôi bắp nữa. Một phần tiền trong các phong bì đó được bà đưa cho dì tôi. Dường như khoản tiền đó giúp bà được nhiều việc.

Tôi biết có lúc rồi mình phải đi. Tiếng gọi thúc giục tôi ngày một lớn. Mấy hôm nay, tôi đâu còn nghe đau đớn nữa. Chắc là Trời Phật cũng chứng được cho lòng ăn năn hối cải của tôi?

Tôi gọi Hoàn, gấp rút: “Về gặp em đi. Em muốn nhìn thấy ông”.
3

Đám tang nhà nghèo, nhưng không chấp điếu. Họ đạo địa phương ghi tên người đã chết vào danh sách đám trợ táng. Buổi tối, những người tới viếng tang khá đông. Họ ngạc nhiên vì đám trợ táng mà đãi khách toàn những thứ bánh rất sang trọng. Lại có một dàn kèn Tây ai đó đã nhờ tới đám “cho đỡ hiu quạnh” dù đã có ban nhạc lễ của họ đạo tới hòa đờn, theo đúng nghi tiết lễ tang tại địa phương.

- Đây là khoản tiền cuối cùng bạn bè con đóng góp cho bạn Xuân. Lẽ ra, nó phải tới cách đây vài ngày, nhưng con bận học nên về không kịp. Cô đếm giúp con…

Người mẹ đỡ lấy chiếc phong bì từ tay cô gái trẻ. Cô đã chạy xe gắn máy từ rất xa về cho kịp tiễn bạn. Đủ thứ tiền đã được phân loại kỹ lưỡng, xếp ngay ngắn. Ánh đèn flash lóe lên. Bàn tay của người mẹ tự dưng run lẩy bẩy. Đôi mắt đỏ ráo hoảnh không còn nước mắt.
4

Người đàn ông lặng lẽ chờ người cuối cùng trong đám tang ra khỏi nghĩa trang mới chậm rãi đến đặt trên ngôi mộ mới đắp một cành hồng trắng. Ông nhìn vào bức ảnh gắn trên bia mộ. Đôi mắt ấy vẫn long lanh cười, như nói cám ơn ông đã giữ đúng lời hứa.

CẨM GIANG

THÓI HỌC ĐÒI VÀ NHỮNG ÂM MƯU ĐẰNG SAU VỤ VIỆC CỦA NHÃ THUYÊN




Cách đây nửa năm, sự việc bài luận văn về Nhóm thơ Mở Miệng của Nhã Thuyên bị chất vấn rồi đi đến kết quả bác bỏ đã gây ra một đợt sóng ầm ĩ trên báo chí. Kẻ bênh người phá, văn đàn nhộn nhạo như cái chợ vỡ mà chẳng quan tâm gì đến khổ chủ. Các báo chính thống thì lao vào chửi hội đồng, các trang lề trái thì lên gân đòi "Tự do tư tưởng". Nhưng tất cả những thứ ùm xum đó chỉ nói lên một điều rằng: Giới nhà văn Việt Nam bây giờ đúng là loài "chim ăn xác thối", hễ ở đâu có mùi thối là bay đầy đến và quang quác gọi nhau.



Chuyện này phải bắt đầu từ việc tại sao lại có bản Luận văn này và tại sao bản Luận văn này lại được người hướng dẫn cũng như Hội đồng chuyên môn công nhận. Bản luận văn "Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng" rõ ràng thể hiện bản tính bốc đồng của Nhã Thuyên. Thơ của nhóm Mở Miệng về bản chất không phải là thơ của "kẻ bên lề" như cô đã gọi. Đó là trò chơi chữ của lũ học trò tập tọe làm thơ , không có giá trị về mặt nghệ thuật. Tập tọe này, đúng như Nhã Thuyên gọi, là sự "thực hành". Nhưng một bản luận văn Thạc sĩ lại đi bàn về mấy kẻ tập tọe thì kể ra cũng đáng buồn cho nền văn học nước nhà! Chả khác nào nói Văn Học Việt Nam bây giờ không có gì đáng bàn hơn cái tập tọe. Đáng buồn hơn nữa là người hướng dẫn thuộc tầm cỡ giáo sư và Hội đồng chuyên môn toàn những người đã lão làng. Nhưng tại sao lại có hiện tượng này?

Cái này bắt đầu từ mốt "Văn học hậu hiện đại". Hậu hiện đại là một trào lưu văn học nổi tiếng ở Âu Mỹ từ những năm 1950 và mới được du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm lại đây. Do ảnh hưởng mốt từ thế giới nên Hậu hiện đại đã trở thành một thứ thời thượng ở Việt Nam mà các ông thày giáo mực thước ở trường Sư Phạm nếu không chạy theo thì sẽ bị coi là lạc hậu và kém hiểu biết. Nhưng Hậu hiện đại là gì thì chả ai biết, khen thì vẫn khen, không khen sợ bị bảo là không hiểu, y hệt như câu chuyện "Bộ quần áo mới của Hoàng đế", thấy Hoàng đế cởi trần cởi truồng nhưng vì sợ hãi mà vẫn tấm tắc khen chiếc áo đẹp. Tôi không phủ nhận văn học Hậu hiện đại trên thế giới, nhưng chắc chắn rằng Hậu hiện đại ở Việt Nam chỉ là một mớ hổ lốn của những kẻ kém cỏi về kỹ năng và cấu trúc, trốn chạy vào những hình thức phá cấu trúc đang được tôn vinh để đánh bóng tên tuổi cho bản thân. Bùi Chát, Lý Đợi với cái nhóm Mở Miệng là những kẻ như vậy. Sự đánh bóng này càng được bóng bẩy hơn khi Bùi Chát tham gia vào phong trào dân chủ và mở NXB Giấy Vụn. Thơ ca của Mở Miệng không đưa nhân vật này lên vị trí hàn lâm và có tiếng nói mà bị coi rẻ như đám nhà thơ dở hơi, vậy nên dân chủ là cái áo đẹp đẽ hơn, sang chảnh hơn mà Bùi Chát cần phải khoác trong sự nghiệp văn học của mình.

Việc xét lại bản luận văn này là hoàn toàn hợp lý, vì cho dù chuyên môn của Nhã Thuyên rất tốt, nhưng tôn vinh một thứ "thơ vụn" không có giá trị về nghệ thuật hay tư tưởng thì đó là sai lầm lớn nhất của Nhã Thuyên. Có lẽ cô chỉ nghĩ rằng đề tài này sẽ mang lại sự đột phá, thay đổi nhận thức của các ông giáo sư già nua của trường Sư Phạm, đồng thời muốn ghi danh như một nhà phê bình Hậu hiện đại Việt Nam. Cô không ngờ được rằng cô lại trở thành vật thí mạng cho các trò đấu đá chính trị khác.

Ngay khi bị "chửi hội đồng" thì Nhã Thuyên được nhà văn Nguyên Ngọc và một số học giả "cấp tiến" khác bênh vực. Mới đây, Văn đoàn độc lập lại khơi lại vụ việc này như một vụ điển hình để hô hào tự do tư tưởng. Họ nhầm lẫn một điều trầm trọng. Trường đại học, nhất là đại học Sư Phạm, là nơi xây dựng các chuẩn mực để hình thành nhân cách cho giới trẻ, bởi thế một số chuẩn mực về thẩm mỹ và sự lành mạnh cần được đảm bảo. Sự phá cách có thể tự do diễn ra ở văn đàn, báo chí, thậm chí một số trường đại học khác, nhưng khi đã là giảng viên của Sư Phạm thì phải tuân thủ các quy định của Sư Phạm. Giống như Văn đoàn Độc lập chắc chắn không chấp nhận những người tin tưởng Đảng Cộng Sản, vậy thì chẳng ai dại gì mà đi viết tác phẩm ca ngợi Đảng Cộng Sản hay các tiểu luận phê bình tôn vinh văn học Cách mạng ở đó cả.

Tự do tư tưởng không phải là yêu cầu một tổ chức hay cơ quan này phải chấp nhận cá nhân có tư tưởng khác mình có địa vị và quyền lợi ở trong đó. Tư tưởng vốn dĩ đã là thứ không thể trói buộc, mỗi người sẽ có một hướng tư tưởng khác nhau. Một xã hội có tự do tư tưởng là một xã hội cho phép những người có suy nghĩ khác biệt có những cơ hội khẳng định tư tưởng của mình. Ở Việt Nam hiện nay quá dễ dàng cho điều này! Nếu luận văn này Nhã Thuyên không gửi cho trường Sư Phạm mà cho các tổ chức khác thì có lẽ sự việc này đã không xảy ra. Bởi như đã nói ở trên, một khi tham gia và tổ chức hay cơ quan nào đó, nhận lợi ích từ đó, người ấy bắt buộc phải tuân thủ một số quy chế chung của nơi ấy.

Điều đáng nực cười trong vụ này là, một bên nhân danh tự do tư tưởng, một bên nhân danh gìn giữ chuẩn mực xã hội, các nhà văn chia bè chia cánh đánh nhau như mổ bò, chẳng khác nào cảnh thanh toán xã hội đen. Mâu thuẫn này hẳn phải có từ lâu, chủ yếu là ghen ăn tức ở, trâu buộc ghét trâu ăn. May sao xảy ra sự cố một cô nghiên cứu sinh trẻ tuổi, hám danh, hám đột phát mà hai phe cánh này có cớ đánh nhau. Kể ra cũng xôm tụ, bạn đọc có cái để xem! Chứ lâu lắm rồi không thấy có tác phẩm văn học nào đáng quan tâm (nếu có thì cũng bị hai phe to mồm này chiếm trang trên truyền thông, làm phân tán chú ý của độc giả), dần dần người ta đã quên mất rằng Việt Nam còn có các nhà văn. Ít ra thì sau vụ việc này, nhiều tên tuổi lớn lại một lần nữa được "ăn mày dĩ vãng"...

Trần Trung

Tháng tư kỉ niệm





Tháng tư đến rồi
bồi hồi kỉ niệm
nụ hôn ngọt lịm
đường xa...

Tình phôi pha
em nào có lỗi
nợ trả rồi
khoảng cách ngăn đôi.

Tình xa xôi
yêu thương trôi nổi
cô đơn đòi
hơi ấm trao thân.

Kỉ niệm về gần
tháng tư nóng hổi
em nào có lỗi
tình xa...







Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Trôi dạt




Tôi không chịu nổi cảm giác định-mệnh-an-bài
Càng không chịu đựng nổi trạng thái bị-thao-túng
cuốn xiết tôi trôi dạt khỏi mình
Dường như
tôi không có khả năng chịu đựng nổi Tình Yêu
Xin hãy là
dạt-trôi-chịu-đựng!

Chẳng thể hình dung ra nhau
Tình cứ như cơn say
chếnh choáng một ảo giác êm đềm
mướt đêm
Tôi trượt vào bóng tối

Anh
– đôi cánh sắc mềm
rạch lòng tôi quá ngọt
Tận sâu khát vọng yêu thương
phún trào
sủi bọt
Tôi bốc hơi trên vành môi
mòn mỏi gọi người

Ôi đôi cánh không tên
Anh trong tôi
– loài chim báo bão
Cơn bão muộn phiền

trôi dạt tôi vô biên . . . 






Hà Duy Phương



Chàng thi nhân đầu bạc




Truyện ngắn : Nguyễn Quang Thân

                                                                                         
Nguyễn đáp một con đò dọc chở gạo và cá khô từ bến thuyền đầu sông Luộc. Chàng đã đi bộ từ quê vợ ở Quỳnh Côi đến ngã ba sông Nhị Hà. Đoạn đường đáng ra chỉ đi mất nửa buổi mà chàng phải bỏ ra một ngày đêm vì bạn bè níu kéo. Khăn xếp, áo lương màu lam, vắt vai cái tay nải cũng màu lam, chàng lững thững trên đường làng như một thầy địa lý. Chàng nghĩ :” Giá làm thầy địa thì tóc mình đâu có bạc sớm thế này !”
Ông tú kép Sinh Từ cùng vợ đang quẩy con lợn nọc, bắt gặp chàng trên đường đến chợ Lĩnh. Thấy Nguyễn , ông quẳng con lợn xuống đất đánh thịch, chào hỏi rối rít. Không từ được lời mời, chàng đành rẽ vào nhà ông tú. Vậy mà lúc quyết định ra đi chàng tự bảo sẽ không báo cho ai. ở nhà ông tú Sinh Từ, chủ khách chỉ uống hết một nậm rượu quê nhưng Nguyễn đã kịp đọc cho ông nghe sáu bài thơ mới làm gần đây thay lời từ biệt Bắc hà. Vậy là một buổi sáng mất toi mà chàng chỉ mới rời nhà ông anh vợ được hai dặm đường. Ông tú tiễn chàng, gạt nước mắt bảo: “Bác ra đi chuyến này làm gì cũng được, chỉ xin đừng để người ta đánh què mà mất một người tài.” Nguyễn cười buồn nói : “Tài ăn khoai cả vỏ! Nếu không bị đánh què chắc chẳng đi hết kiếp văn chương!” Ông tú dậm chân, khóc nhìn theo. Tính ông vốn bộc bạch thế.
Gần tối, Nguyễn đến địa phận Duyên Hà. Chàng đã định bụng ghé thăm ông cử Nhạc, bèn rẽ vào cái ngõ trúc. Ngọn trúc kết thành vòm mát rượi trên đầu. Tháng tư, ong bay vo ve quanh chàng.
Đêm đó, hai người thức đến canh hai. Khi Nguyễn cởi khăn xếp ra, ông cử nhìn chàng, hốt hoảng :” Ba mươi tuổi mà đầu đã bạc thế ư ? Bọn nhà thơ thời nay nó hèn, tóc chúng nó không bạc như tóc chú đâu!“ Nguyễn không đáp. Bà cử Nhạc cũng là người hay chữ, tính nết lại thích đùa. Bà bảo: “Về kinh gặp nữ sĩ mà mang cái đầu bạc thế kia chắc là không xong rồi. Hay là để tôi nhuộm cho. Giã lá đắng cay mà nhuộm thì cứ là đen nhánh.” Nguyễn chua chát :” Khéo đầu cô ấy còn trắng hơn cả đầu tôi đấy, bà chị ạ. ” Chàng chợt buồn, nhớ tới mối tình của mình.
Bên nậm rượu và hai cái chén chũm cau đời Khang Hy, ông cử ngồi uống với khách. Khác với ông tú Sinh Từ đã một thời chít khăn đầu rìu đi học võ mưu đánh Tây Sơn, ông cử Nhạc không xuất, không xử mà chỉ ngồi đọc thơ biên tái đời Đường. Ông nói : “Tôi chỉ trung với vua Nghiêu. Phù nhi bất tranh, tôi không thi bơi với thuồng luồng. ”Mười năm lưu lạc quê người, Nguyễn chỉ kết thân với hai người đó. Một người muốn kéo chàng vào chỗ binh đao. Người kia khuyên chàng ẩn mình sau ngõ trúc. Chàng chơi vơi ở giữa. Mười năm! Làm thằng con trai “vô lại”, chẳng nên cơm cháo gì, chỉ chuốc lấy một cái đầu trắng toát giữa tuổi ba mươi. Một thân thể gầy còm vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Một tâm tư rối bời, lạc lối. Một bầu đoàn thê tử nheo nhóc. Và một mối tình như trăng non, gió thoảng. Ba mươi tuổi, chàng tưởng đã quỵ dưới gánh nợ đời. Nhưng chàng không ngã. Chàng lại ra đi, tay nải bên vai. Thư kiếm vô thành, sinh kế xúc, chàng rất đắc ý với câu thơ của mình.
Ông cử Nhạc  hỏi : “Lần này chú định đi đâu?” Nguyễn đáp: “Em về quê.” Ông cử nói: “Thế là phải. Vua Quang Trung chết được ba năm rồi.” Nguyễn ngẩng đầu: “Nhưng tiếng gươm đao còn loảng xoảng khắp nơi. Chưa ai chịu tra gươm vào vỏ.” Ông cử làm thinh một lúc. Rồi ông đặt tay lên vai Nguyễn : “Đó không phải là việc của chú. Núi Hồng Lĩnh đẹp, chết đói ở đó cũng thơm.” Nguyễn buồn rầu : “Trời cho em cái chân hạc, cắt ngắn đi làm sao được ?”Ông cử bảo: “Đời người có hai lần vui. Một lần đang ngạt trong bụng mẹ mà thoát ra khóc được một tiếng. Một lần được ngủ một giấc dài, không bị vợ con đánh thức. Thế là đời.” Nguyễn cười: “Tiếc là em chỉ mới được hưởng một lần.” Từ đó đến canh hai, mỗi người uống ba chén rượu nếp, nhìn nhau mà không nói câu nào nữa.
Bà cử dậy sớm thổi cơm nếp, gói cho Nguyễn một nắm. Hai ông bà tiễn chàng tận bến đò. Khác với vẻ mặt đăm chiêu của chồng, bà vui vẻ bảo: “Nhờ anh cho tôi gửi lời thăm cô Xuân Hương. Thơ anh thì phải đạo mà thơ cô ấy lại tục! Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. Khiếp! Bà nhìn ông cử thăm dò. Thấy ông không nói gì, bà tiếp : “Cứ nỗi nhớ với niềm thương nỉ non như bọn làm thơ hiện nay thì nghe êm tai thật. Nhưng dám đưa cái hỏm hòm hom ra mà giỡn mặt vua quan với bọn cơ hội, bọn đạo đức giả thì cũng sướng cho cánh đàn bà hèn mọn chúng tôi.” Nguyễn đỏ mặt, tuy trên cổ chàng nổi nhiều đường gân xanh. Chàng nói: “Bà chị ơi, đời này chỉ có tình người với cái ấy là thật, còn ra, cái gì cũng giả. ”
Đúng thế, Nguyễn tự nghĩ, chính chàng cũng có dám sống thật đâu? Miệng thương người nghèo mà trước đây chàng vẫn ung dung sống trong lầu son gác tía của cha mẹ. Cha chàng luôn nói thương dân mà vẫn gom từng miếng đất của đám dân nghèo Nghi Xuân vốn đã suốt đời kiết xác để vun quén cho con cháu. Chàng muốn mộng mơ mà vẫn giữ khẩu khí  trung quân, lòng tin cạn đến đáy mà cứ cố hướng về giấc mộng khôi phục thời hoàng kim của tiên triều. Chàng ăn chực ở độ mười năm mà chỉ biết than thân, chứ đâu có dám cầm giỏ đi mò ốc đỡ vợ được một bữa.
Chàng nhớ tới con rắn mối quen thuộc vẫn leo quanh bờ rào nơi quê vợ, tiếng ếch nhái kêu rên trong ao cạn, những con giun chui từ lỗ lên bò loằng ngoằng trên nền nhà ẩm ướt. Chàng đã làm gì ? Đã làm gì ? Chẳng làm gì hết. Chàng chỉ làm được mấy bài thơ tự thán. Lại còn rưng rưng cảm động khi được mời làm chủ buổi tế tư văn giữa đám hào mục thối nát ấy nữa chứ !
Bà cử đặt vào tay chàng một tờ hoa tiên viết chữ. Bà nói:”Cho tôi gửi Hồ nữ sĩ. Nói hộ là đừng cười lời thơ quê kệch. Ước sao được mấy búp sen tự tay cô ấy hái để ướp chè!” Nguyễn chua chát : “Hoa để tặng người mình sợ, e bà chị chẳng có phần đâu. ” Bà cử nói : “Cô ấy thì sợ ai !”
Thuyền đã vào sông Nhị Hà. Nguyễn vẫn nhìn thấy hai vợ chồng ông cử đứng nhìn theo. Tuy hai người không phải Uông Luân, nước sông Nhị không sâu ba ngàn trượng. Nhưng tình thương của hai người đối với chàng chẳng kém người xưa !
Nguyễn đưa tay cởi mối giây lạt, mở cánh cửa ngõ tre. Trên đầu chàng một khoảng trống cao vời, màu xanh không tận của thơ Lý Bạch. Bầu trời hiện ra giữa những tán cây vây quanh khu vườn và mấy gian nhà tranh. ở phường Khán Xuân mà chàng chỉ thấy hơi thu ngự trị. Đất ẩm ướt, cây mát lạnh, hồ Tây lãng đãng và buồn. Hay chính lòng chàng ẩm và lạnh ? Những ngày ở Thăng Long với anh và cha, đi học, đi thi, đi càn quấy “dẫm lên hoa rụng”, ôm mộng công hầu, say mê đèn sách và cả cung kiếm, tất cả buổi trưa đời, chàng đã để lại sau lưng
Chàng đang sống lại mùa hè năm đó, lúc đang là một ông quan võ ở Thái nguyên. Chàng ghé qua Thăng Long trên đường về Sơn Tây thăm anh là quan Tả thị lang bộ Binh, kiêm Hiệp Trấn xứ Đoài. Thăng Long đối với   chàng còn quen thuộc hơn cả núi Hồng Lĩnh và bến Giang Đình ở Nghi Xuân. Chàng cởi áo lãnh binh, thử làm lính một hôm. Như các chú lính, chàng lê la quán rượu. Cũng say sưa, cũng đập phá, cũng chọc ghẹo như ai. Không ai nhận ra chàng. Chàng đã xa kinh thành mấy năm. Cha chàng chỉ còn là một hào quang mờ dần, chỉ được người ta nhắc tới giữa những danh gia vọng tộc đang chia lìa, xâu xé và chán nản trước giông bão thời cuộc.
Nhưng rượu và thú vui tửu quán không an ủi được chàng, không trả lại cho chàng thời thơ trẻ, cái thời mê chơi giữa lũ “đồng du hiệp thiếu”! Chàng uể oải rời quán rượu, một mình trên con đường nhỏ ven hồ. Trước mặt chàng có ba chàng trai, nhìn qua lưng và vai cũng biết là học trò, đang lẽo đẽo theo sau một cô gái. Nắng chiếu lên vạt áo tứ thân và chiếc lưng ong. Cô gái không đẹp. Nhưng cô đang giận. Chàng cảm nhận được cơn giận ấy trong dáng đi của cô. Ba chàng học trò đang buông những lời chọc ghẹo cợt nhả và những câu thơ thối sau lưng cô gái. Như hết chịu nổi, nàng đứng lại, đọc to bằng giọng Nghệ trọ trẹ rất quen thuộc với chàng :”Này khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ !”... Xong câu đầu của bài tứ tuyệt, nàng đọc tiếp ba câu sau. Tim chàng se lại vì liên tài. Chàng vừa chạm phải ngọn lửa bỏng rát và hiếm hoi của tài năng. Chàng bước dấn lên, bảo ba cậu học trò cũng bằng cái giọng xứ Nghệ ít khi được chàng sử dụng: “Xéo đi, không nước hồ sẽ thối hoắc vì thơ của các ông đấy.” Rồi chàng phá lên cười, tiếng cười sảng khoái của một ông quan võ giữa đám lính. Ba chàng học trò bám tay nhau rẽ vào một lối nhỏ.
Đêm ấy, trong ba gian nhà tranh Cổ Nguyệt Đường, Nguyễn Du đã được ăn trầu của Hồ xuân Hương. Những miếng trầu têm theo kiểu Nghệ, hơi thô, không bay bướm như trầu cánh phượng nhưng  hạt cau đỏ thắm như son. Trong cơi trầu là một bài thơ nôm viết trên tờ hoa tiên làng Bưởi:

Quả.   Này          Có    Đừng
cau   của        phải      xanh
nho  Xuân               duyên   như
nhỏ  Hương     nhau lá
miếng  đã      thì         bạc
giầu quệt     thắm      như
hôi    rồi        lại vôi. . .
       
        Nhiều năm đã trôi qua, hôm nay Nguyễn phân vân đứng trước ngõ Cổ Nguyệt Đường. Hương hoa trong vườn không thoảng mùi hương ngày trước. Chàng tưởng mình đang lạc bước vào cổng chùa.
U già ra đón chàng. Bà vẫn nhận ra Nguyễn. Trước đây, khi chàng tới ngâm vịnh với nữ sĩ, việc đầu tiên bà làm là ra ngay đầu ngõ, kéo cánh cổng khoá lại, không cho khách đến sau vào nhà. Danh tiếng cô chủ lan xa, tài tử kinh kỳ đều ghé qua nhà nàng khi họ lên Hồ Tây vãn cảnh. Nhưng bà lão biết rõ mà cũng rất lấy làm lạ, không hiểu vì sao nàng chỉ thật chân tình với mỗi ông quan võ Nguyễn Du mà ông ta lại đã có vợ rồi!
Bà lão khóc :”Cô đi làm lẽ người ta rồi ông ơi !”
Nguyễn không nói gì. Chàng đứng im như một cây trúc trên mảnh sân mọc rêu vì ít người qua lại. Chàng gầy đến nỗi như lẫn vào cây cỏ quanh mình. Chàng đang cảm nhận được qua da thịt và sờ mó tận tay nỗi đau của đời người, Của chính đời chàng và người đàn bà tài hoa mệnh bạc. Chàng khóc. Có thể ba trăm năm nữa mới có người khóc chàng. Nhưng giờ đây chàng đang khóc cho một người đàn bà, cho một mối tình. Những giọt nước mắt chắt ra từ thân thể gầy còm của chàng. Chàng nhớ đã viết tặng nàng khi hai người cùng đi hái sen ven Hồ Tây: Hoa tặng người mình sợ - Gương tặng người mình yêu... Nhưng nàng đã tặng hoa cho chàng, người mình yêu. Còn gương sen tuổi xuân của mình, nàng đưa cho người lấy nàng làm lẽ ! Nàng đã không biết sợ.
Chàng không muốn nấn ná ở ngôi nhà tranh thân thiết có tên Cổ Nguyệt Đường nữa. Chàng cũng không muốn lưu lại Thăng Long. Chàng phải về! Về với Hồng Lĩnh, sông Lam của chàng. Để làm gì ư ? Để sống. Chàng phải sống như một con người có quyền được sống. Lần đầu tiên trong đời, chàng không nghĩ tới Vua, đến mộng trung quân mà nghĩ tới bản thân mình. Chàng muốn sống như một kẻ lê dân trong thập loại chúng sinh.
Nguyễn bước ra khỏi bóng những tán cây. Nhiều năm sau, khi đặt bút viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thêm một dòng lạc thảo đề tặng Xuân Hương, người đã dạy cho chàng không biết sợ. Nhưng rồi chàng lại xoá đi ã

Con người biến đổi



Dạ Ngân



Đến bây giờ thì chúng ta đã tự biết rằng nước mình không còn rừng vàng biển bạc, rằng nước mình thực sự đất chật người đông – hơn cả Trung Quốc tính theo mật độ và bình quân đất đai canh tác trên đầu người. Vậy đó! Ai còn mơ màng bài ca thiên nhiên ưu đãi thì hãy xem lại mình có ở trên mây hay không.

Nhìn vào các thành phố lớn mới thấy cái sự đông đúc làm cho mình cứ phải nghĩ ngợi. Những lý lẽ như đất chật người đông, kinh tế thị trường nhộm nhoạm, hay vì khó nhọc mưu sinh… xem ra không biện minh nổi cho những điều khiến mình xót xa. Một biển người trên sận động hay một đám đông bên dưới sân khấu ca nhạc không nói lên đặc điểm riêng của cộng đồng ấy, cũng bởi vì người ta đang vui, người ta được liên kết trong trạng thái thả lõng, thư giãn, thậm chí thăng hoa. Nhìn đám đông trên đường phố ở ta mới thấy xứ mình thật khác với xứ người. Cũng đi lại, cũng kiếm sống, cũng xê dịch mà sao chúng ta bon chen, bất chấp, hung tợn như vậy? Có vật gì đó bất an trên đường, có chuyện gì đó bất an ở nhà, có điều gì đó bất an trong lòng của mỗi người chăng? Ai cũng nóng nảy và hối hả, ai cũng muốn quát vào mặt người khác, ai cũng thủ sẵn tiếng còi để đối đáp với kẻ phía trước, ai cũng sợ tai nạn nhưng lại sẵn sàng bất cẩn.

Đơn cử một gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con sống trong một khu chung cư vừa vừa cũ, đại diện cho số đông của cư dân thành phố bây giờ. Họ bắt đầu những giây phút sum họp trong ngày bằng những nội dung quen thuộc: người chồng than phiền đường xá rồi đôi lần chửi đổng, văng tục; cô vợ kêu ca chuyện công sở nát tương như thể chiến trường; đứa con trai lớn hậm hực với đống bài tập trên bàn nói bố mẹ đừng có ồn ào con đang khùng lên đây; cô con nhỏ bệu bạo rằng cô giáo dọa nếu không đưa con đi học thêm thì cô không chịu trách nhiệm đâu đấy! Có tiếng chửi nhau ở nhà hàng xóm đối diện, lại cái đôi lúc nào tiền tiền, cửa sổ lập tức bị đóng lại, vợ nói may quá, tối nay chỉ bị mệt một bên tai, cái đôi già dưới đất mà choảng nhau như mọi khi thì khu phố thành dàn giao hưởng có cỡ! Tiếng hô Cháy cháy, thì ra gã nghiện của căn hộ đầu dãy đang đốt nilon trong phòng để dọa vì ông bố không chịu xì tiền. Không gian đang đầy kịch tính bỗng dưng bị nhà đèn cắt điện, không bao giờ cái gã quốc doanh khổng lồ này chịu báo trước hay có lời xin lỗi. Đám chửi nhau im bặt, cơm nước chưa kịp dọn lên, con cái không thể học bài, bốn thành viên trong nhà đành mỗi người một góc ngả vật ra, ngao ngán.

Tưởng rằng chỉ ở thành phố thì con người mới chịu phải sức ép có tên là cuộc sống công nghiệp. Sau đây là đơn cử của một gia đình nông dân cũng với bốn thành viên gọn ghẽ theo tinh thần: Mỗi nhà chỉ nên có hai con. Họ cũng chỉ có thể quây quần bên nhau vào lúc chạng vạng. Chồng hỏi vợ khóa chuồng gà chưa, độ rày ăn trộm như rươi; vợ gật đầu hỏi lại sao ống khóa cho chiếc vỏ lãi còn ở trên nhà, bộ lát nữa ông định phóng xuống Ngã ba sung sướng hả; đứa con trai lớn vùng vằng nói Ba cứ bài bạc hoài thì con bỏ học; cô con nhỏ nói má ơi đóng tiền mua sách, không phải sách giáo khoa chính khóa đâu mà là sách tham khảo! Người chồng gầm gừ ném chén vô mặt con trai; người vợ tru tréo ông làm quá tui bỏ tui đi ở đợ cho người ta tận bên Đài Loan; đứa con vị thành niên đứng dậy biến ra bóng tối; cô con nhỏ khóc nức lên dọa con sẽ bỏ học trước cả anh Hai! Người chủ gia đình không hiểu sao trồng gì nuôi gì cũng dập bầm thời giá, người vợ không hiểu sao thôn quê nát bét ra; đứa con trai không hiểu sao mình bơ vơ quá đỗi và cô con nhỏ thì không hiểu sao ngày nào ba mẹ cũng hục hặc với nhau.

Xã hội nào cũng có những bất trắc do con người đông đúc lên, ích kỷ hơn, buông thả đi và khí hậu thì đang biến đổi. Nhưng hãy xem người Lào họ hiền hòa như thế nào trong cách ăn và nết ở; hãy xem người Campuchia họ sáng tươi như thế nào trong cuộc hồi sinh thần kỳ của họ; hãy xem người Tàu họ kiêu hãnh như thế nào trong cách họ kiến tạo vị thế quốc gia; hãy xem Singapore họ vững chắc như thế nào trong quá khứ và tương lại của đảo quốc giàu sang ấy. Chúng ta có một lịch sử trận mạc dằng dặc, mấy cuộc chiến liền đã biến Việt Nam thành xã hội rất khó xác lập kỷ cương và con người hiền hòa với đời thường. Dám chắc sẽ có rất nhiều ý kiến phản bác nhận định này. Nhưng, như đã nói, hãy tách ra và quan sát một đám đông chúng ta trên đường phố vào giờ tan tầm đi đã. Có đúng là bặm trợn, bất cần và sẵn sàng giẫm đạp nhau không?

Chúng ta đã từng có thời Nghiêu Thuấn tuyệt đẹp từ cái mốc 1945. Nhà không khóa, người không dữ, kẻ cướp cũng bị cuốn vào công cuộc dựng xây hòa bình, củng cố nền độc lập non trẻ cho quốc gia. Chúng ta có chín năm hào sảng, không ai phủ nhận thời khắc huy hoàng ấy của lịch sử. Và rồi điều gì đã làm chấn thương chúng ta sau đó? Có phải là sự đứt gãy văn hóa làng xã để thay thế bằng một thứ văn hóa tập thể thô sơ, và những sai lầm ghê gớm khác làm đổ vỡ các mối quan hệ từng là sức mạnh của cả một dân tộc? Và chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, và hậu chiến kém hòa giải, và cuộc chiến với Pôn Pốt mà cả thế giới đều biết nước nào đã hậu thuẩn cho chúng? Liên tục đau thương, tổn thất và gồng mình, người Việt chúng ta chưa bao giờ được sống yên ổn như người dân của nước khác. Đạo đức hỗn loạn, xã hội bất an, lòng người khắc khoải, đó là mảnh đất phì nhiêu cho đủ thứ tội ác đang phát sinh, ngày càng nhiều hơn và càng bạo tàn hơn.

Bao giờ thì người Việt Nam được tự hào mình là con dân của đất nước hiền hòa, lành mạnh, văn minh và giàu có ? Làm sao cho mỗi người nhận thấy và cùng hành động để thay đổi, thiết nghĩ, đây là câu chuyện của các nhà vĩ mô, rất xa chỗ đứng của người mạn phép viết ra những suy nghĩ còn chắp vá này.

Luận văn, phê bình luận văn và…




 
Văn Giá




PGS. TS Ngô Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác – Lý luận- Phê bình Văn học, ĐH Văn hoá Hà Nội. 

Ngày mới rầm rộ vụ Nhã Thuyên (quãng tháng 6-7/2013), mình viết bài này, đã định công bố, nhưng rồi lại thôi. Nay thì vụ việc Nhã Thuyên đã dường như ngã ngũ (theo một cách nào đấy). Với một tâm trạng buồn rầu, xin chia sẻ cùng các bạn “phây” của mình nhé!
Tác giả

Thưa rằng, tôi là người có liên đới đến câu chuyện luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) đang gây nóng trên văn đàn hiện nay. Nói là liên đới vì: thứ nhất, tôi là thành viên trong Hội đồng chấm luận văn này; thứ hai, tôi được/bị một vài bài viết của người này người khác nhắc đến trực tiếp, hoặc gián tiếp (khi quy trách nhiệm cho Hội đồng). Cho nên tôi thấy có trách nhiệm phải nói đôi lời.

1. Tất cả các ý kiến phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hiện nay (như đang thấy trên một số tờ báo chính thống) đều là của những người hoạt động ngoài lĩnh vực học đường. Họ đọc luận văn này trong tâm thế của người ngoài cuộc. Nếu ai từng kinh qua hoạt động đào tạo ở nhà trường đều biết mỗi khi chấm khóa luận, luận văn, luận án của sinh viên/học viên/nghiên cứu sinh bao giờ cũng phải giải quyết hài hòa ba yêu cầu chủ yếu: (1) các phương pháp và thao tác nghiên cứu; (2) các kết quả nghiên cứu; và (3) triển vọng học thuật của người nghiên cứu được bộc lộ qua toàn bộ quá trình thực hiện đề tài. Với yêu cầu (1), các phương pháp và thao tác nghiên cứu nhằm trang bị cho người tập làm khoa học biết được với đối tượng ấy phải có phương pháp và thao tác nghiên cứu nào phù hợp và hiệu quả; mỗi phương pháp, thao tác ấy là gì và ứng dụng như thế nào. Với yêu cầu (2) chính là cách thức triển khai nội dung văn bản khoa học, logic của các chương tiết cùng những kết quả nghiên cứu đạt được. Còn yêu cầu (3) cũng hết sức quan trọng, nhằm đánh giá được năng lực tư duy, độ mẫn cảm khoa học, khả năng nghiên cứu độc lập hoặc hợp tác… của người nghiên cứu.

Như vậy, điểm số/thứ bậc của một bản luận văn/luận án không phải là sự chia đều của 3 yêu cầu đó, mà tùy từng trường hợp có sự phân lượng cần thiết. Làm thạc sĩ là bước đầu học cách nghiên cứu (làm xong tiến sĩ cũng mới chỉ được xét nhận là người có khả năng nghiên cứu độc lập). Nên không thể đòi hỏi những kết quả khoa học ở các luận văn của họ luôn luôn đúng. Nó cho phép độ dung sai nhất định, với điều kiện cái sai đó cho thấy nỗ lực tư duy của người làm khoa học. Đó là những cái sai lương thiện, có khả năng thúc đẩy tư duy để hướng tới cái đúng, cái khác. Nó ngược lại với những cái đúng nhạt nhẽo và vô ích. Ở đời không thiếu gì những cái đúng vô ích. Có thể trong luận văn của Đỗ Thị Thoan có những chỗ chưa kín kẽ, chưa thỏa đáng, nhưng đã thấy rõ một nội lực tư duy khoa học văn học đầy triển vọng.

2. Đỗ Thị Thoan là một người trẻ. Khi bảo vệ luận văn, cô ấy mới 24 tuổi. Cô ấy có một tài sản vô giá là tuổi trẻ mà chúng ta (gồm cả tôi và những người đang lên tiếng phê phán cô ấy) đã hết thời rồi. “Khi người ta trẻ” (tên một truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh) mà! Một người trẻ có cái say mê, háo hức, có cái khao khát khẳng định cá tính, bản ngã của mình. Đỗ Thị Thoan trong khi làm thạc sĩ, cô ấy đã/đang là người viết – người viết trẻ. Người viết nào cũng có cái khao khát mạnh mẽ và chính đáng khẳng định tiếng nói riêng của mình. Huống chi đây lại là người viết trẻ. Vì thế cái nhiệt tâm khẳng định tiếng nói của một chủ thể ý thức, chủ thể viết là một nhu cầu chính đáng và cần được tôn trọng.

Tôi thích tinh thần trẻ trong lao động khoa học, trong lao động viết. Họ đọc, học, viết với một tinh thần say mê vô tư, không vụ lợi, nhằm truy cầu học vấn và tri thức, nỗ lực xác lập tư cách trí thức của mình. Thế thôi. Nó ngược lại với không ít người trẻ (nhất là trong cơ quan công quyền) hiện nay: xa rời chuyên môn, lười đọc sách, không có khát vọng tri thức, chuyên tìm cách lấy lòng cấp trên hòng kiếm chác chức tước, địa vị, mau chóng biến thành một thứ công chức nô bộc hoặc thư lại. Thử hỏi, liệu xã hội có thể trông chờ được gì vào những người trẻ như vậy.

Đỗ Thị Thoan là một người có khao khát tri thức, dấn thân vào con đường chữ nghĩa, từ bé đến lớn chỉ biết có việc học và học, ngoài ra không biết làm gì khác. Một người như vậy bị quy cho cái tội phản động, chống đối chế độ. Hỡi ôi, làm kẻ phản động chống đối chế độ chả lẽ lại dễ đến thế được sao!?

Khích lệ những người trẻ tuổi lao động, học tập và sáng tạo mới khó, chứ quy kết họ thiết tưởng không khó lắm, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

3. Khi viết những dòng này, ngay từ đầu tôi tự dặn mình không để bị rơi vào những tranh cãi (dù là học thuật hay ý thức hệ) đang bị gây nhiễu. Tôi cứ nghĩ đến một luận bàn triết học của nhà triết học F. Jullien về Mạnh Tử, trong đó ông có phân tích một chiêm nghiệm của Mạnh Tử như sau: [“Người ta ai cũng có lòng thương xót, lòng chẳng nỡ đối với việc này hoặc việc khác”, từ đó Mạnh tử suy ra: đem tấm lòng chẳng nỡ ấy (đối với người khác) phổ cập đến những điều mình còn nỡ (còn đang tâm đối với người khác), đó là “nhân” vậy] (Xác lập cơ sở cho đạo đức của F. Jullien, Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu, NXB Đà Nẵng, 2000, tr12).

“Lòng chẳng nỡ” (ngược lại với “đang tâm”) không phải là một khái niệm triết học, mà là một kinh nghiệm tồn tại. Hay nói cách khác, nó là một ý niệm thuộc về minh triết. Mà minh triết sinh ra không để cãi lý. Nó để cảm thấu. Và một khi đã cảm thấu được, nó có khả năng “sàng lọc các lý lẽ” (F. Jullien).

Đến đây, tôi thấy mình nên dừng lại.

Người ta đã nói dối nhau như thế nào?



Tác giả: Cử Tạ


Trong cuộc đời con người, hầu như ai cũng đã từng nói dối hoặc đánh lừa người khác.



Con người từ bao đời nay luôn có nhu cầu lừa dối, nên người ta mới sinh ra ngày Cá Tháng Tư (Ngày 1 tháng 4 hàng năm) để mọi người được công khai lừa dối mà không sợ mang tiếng. Tuy nhiên nhu cầu lừa dối của con người là không giới hạn nên thay vì chỉ nói dối, đánh lừa trong ngày Cá Tháng Tư, người ta đã và đang nói dối đến tận 365 ngày trong một năm, thậm chí 366 ngày nếu đó là năm nhuận.



Ngày cá Tháng Tư có xuất xứ từ Pháp, rồi lan rộng ra cả thế giới. Trong ngày này người ta được thoải mái nói đùa cợt, lừa dối nhau, kể chuyện vui, phao tin vịt… Một trong những vụ “lừa dối” nổi tiếng nhất thế giới là vào ngày cá tháng tư (01 tháng 4 năm 1957), đài BBC phát sóng một phim tài liệu giả mạo, thuyết phục khán giả rằng Thụy Sĩ đã phát triển thành công cây spaghetti (mì ống ý). Chỉ cần trồng loại cây này và thu hoạch mỳ ống mà không cần thông qua bất kỳ một khâu chế biến nào. Rất người xem đã bị mắc lừa và sau đó họ đã đứng chờ hàng giờ để được nhận giống mì này.

Tiếp đó, trong một đoạn clip khác, hãng này cho thấy các chú chim cánh cụt đã… biết bay. Trò lừa bịp này giải thích rằng vùng đất chim cánh cụt biết bay đầu tiên đã được phát hiện và chúng bay di cư trong mùa đông để đến một khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ. Clip thiên nhiên đẹp mắt này trên thực tế là một quảng cáo do BBC lập trình trực tuyến và nó đã “xỏ mũi” được không ít khán giả truyền hình.

Một câu chuyện tương tự được cho xảy ra ở VN vài năm gần đây:

Ngày 1-4, một anh chàng vừa ngủ dậy mình quyết định nhắn tin cho bạn gái của mình:
“Anh xin lỗi, mình chia tay em nhé, anh bị đồng tính”
Anh chàng tủm tỉm cười chờ tin nhắn hoặc cuộc gọi lại của nàng, nhưng mãi chẳng thấy gì. 10 phút sau anh ta nhận được một tin nhắn, nhưng lại là của thằng bạn thân:
“Ê mày! Giúp tao đi đánh ghen nhé, vừa phát hiện con bồ vào nhà nghỉ với 1 thằng khác. Mặc quần áo đi, 5 phút nữa tao qua rồi cùng đi”.
Lúc đó anh chàng quá phẫn uất với chuyện của thằng bạn và quên luôn chuyện đùa với bạn gái trước đó. Anh ta nhanh chóng mặc quần áo xuống cổng đứng đợi. 5 phút sau anh ta cùng thằng bạn đến nhà nghỉ X, chui vào phòng đã biết trước và đánh ghen ra trò trong đó.
Sau chừng 30 phút, cả hai hớn hở ra về vì rất hả giận thì bất chợt anh chàng nói trên nhận được tin nhắn từ cô bạn gái:
“Anh à, lúc anh nhắn tin em đã không tin đó là sự thật và em đã lao ngay đến nhà anh nhưng cũng chỉ kịp nhìn thấy anh lên xe với người con trai ấy. Rồi em đã tận mắt chứng kiến bọn anh vào nhà nghỉ X. Cảm ơn anh đã cho em biết sự thật, dù nó rất đau lòng. Vĩnh biệt anh! Đừng bao giờ tìm em nữa. Chúc các anh hạnh phúc!”

Đúng là hậu quả quá đau lòng vì một phút đùa quá đà, anh ta đã mất bạn gái. Làm sao có thể thanh minh khi “tình ngay, lý gian” đến nhường ấy.

Ở đời, cái gì muốn giỏi cũng phải luyện tập thường xuyên. Lừa dối cũng vậy. Muốn lừa dối để người khác tin thì cần phải trau dồi liên tục để nó trở thành một kỹ năng. Nếu bạn là một tay lừa dối “nghiệp dư” thì bạn rất dễ bị lộ tẩy, chỉ cần nói vài câu người nghe đã thấy mâu thuẫn câu đầu với câu cuối.

Chuyện kể rằng có một anh chàng đi tán gái, anh ta “tóm tắt” sơ lược lý lịch của mình như sau: “Anh có rất nhiều ưu điểm như chẳng bao giờ hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất gây nghiện, cờ bạc, trai gái, anh rất giàu có, tài giỏi, khéo tay,… v.v. Anh chỉ có mỗi một khuyết điểm bé xíu là thỉnh thoảng còn… hay nói dối”.

Vậy đó, chỉ mỗi một câu cuối hớ hênh anh chàng nói trên đã “hiện nguyên hình”. Anh ta đúng là một tay nói dối khá “nghiệp dư”, nói nhanh hơn nghĩ!

Một câu chuyện khác, nhưng lần này người lừa dối là một phụ nữ:

Một cô buột miệng tâm sự với nữ đồng nghiệp:
“Hôm qua tớ tình cờ gặp ông xã bạn trên xe bus, anh ấy thật đẹp trai và nói chuyện thật hài hước. Anh ấy kể chuyện tiếu lâm làm tớ cười lăn lộn, cười đến độ ngã lăn từ trên… giường xuống đất.”

Vậy là đã rõ, giấu đầu hở đuôi, chỉ vì nói dối không chuyên nghiệp mà cô nàng đã tự khai ra tội lỗi của chính mình.

Nếu coi lừa dối là một “nghệ thuật” thì phụ nữ chính là một điển hình cho nghệ thuật này. Một cô gái kém xinh có thể dễ dàng đánh lừa, gây ảo giác cho đàn ông bởi khả năng… ngụy trang bằng son phấn, mỹ phẩm và lối ăn mặc. Tất nhiên những cô quá xấu thì ngụy trang không chưa đủ mà phải nâng nghệ thuật lừa dối lên một cấp độ cao hơn, đó là… hóa trang.

Và đó cũng chưa phải là tất cả, mới chỉ là lừa dối trên khuôn mặt, nhiều phụ nữ còn sử dụng các hình thức lừa dối khác mà đàn ông khó có thể nhận biết khi chưa đủ độ “thân thiết”. Hiệp hội các nhà sản xuất đồ lót toàn cầu công bố một số liệu thống kê khá sốc: Số lượng quần lót nâng mông và áo độn ngực của chị em mà họ sản xuất ra chiếm 1/3 tổng sản lượng hàng năm. Thế giới này có chừng 3 tỷ phụ nữ trẻ, vậy hàng năm sẽ có tới 1 tỷ vụ lừa dối, qua mặt đàn ông mà họ không hề hay biết. Tất cả trong số phụ nữ ấy đều có vòng một tràn đầy sức sống và vòng ba căng tròn như trái bóng. Thế mới biết, phụ nữ họ có khả năng lừa dối quy mô lớn ở cấp độ toàn cầu.

Tất nhiên cũng có một bộ phận không nhỏ đàn ông tham gia vào lực lượng “lừa dối” chị em, nhưng đa phần họ thường vụng về, thô thiển, kém tinh vi hơn rất nhiều. Có chuyện rằng:

Có anh chàng chuẩn bị đi tắm biển bèn hỏi lũ bạn:
- Làm thế nào để được các cô gái để ý trên bãi tắm?
Lũ bạn xúi:
- Đơn giản, mày cứ kiếm một củ khoai rồi nhét vào trong quần bơi ấy!
Anh chàng nghe lời làm theo, quả nhiên lúc đầu anh ta cũng được khá đông phụ nữ trên bãi tắm há hốc mồm nhìn ngắm, nhưng rồi sau đó tất cả trong số họ đều bò ra cười, làm anh chàng xấu hổ muốn độn thổ.
Hóa ra, thay vì nhét củ khoai phía trước, anh ta lại nhét nó ở phía mông.

Thế đấy, thích lừa dối mà kỹ năng lại vụng về thì chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ!

Nói như vậy không hẳn là đàn ông kém tài lừa dối và phụ nữ luôn luôn tỉnh táo trước những lời nói dối. Các nhà tâm lý ở ĐH Harvard, Hoa Kỳ chứng minh được rằng, câu nói có tính chất “lừa dối” nhất mà đàn ông thường xuyên sử dụng và phụ nữ lại thích nghe nhất đó là “Em đẹp quá!” hoặc một câu gì đại loại như vậy. Biết nói dối nhưng vẫn thích, có lẽ đối với phụ nữ thì hai bán cầu đại não của họ đều coi những câu như thế là một “lời nói dối chân thật!”.

Ngày nay, “lừa” được một ai đó thì người ta còn lấy làm tự hào, hãnh diện. Có nhiều người sau khi cưới được chồng (hoặc vợ) thì bất ngờ lên mạng xã hội mà khoe rằng: “Mới lừa được một anh (em)”. Tuy rằng chữ “lừa” ở đây có tính chất đùa cợt, hài hước nhưng nó cũng nói lên rằng, xã hội hiện đại những chuyện “lừa dối” này cũng không hiếm. Tất nhiên ở đời cũng chưa biết ai lừa ai, mà nhiều khi chỉ là có chịu để cho đối phương lừa hay không!

Đó là sự lừa dối mà ít nhiều được các cặp đôi công khai hoặc úp mở thừa nhận sau khi cưới. Còn tiếp theo đó thì sao? Chẳng có gì đảm bảo các cặp đôi ấy không tiếp tục lừa dối nhau thêm một cơ số lần nữa.

Có anh chàng than thở với bạn:
- Vợ tôi đã lừa dối tôi!
- Làm sao anh biết?
- Thì đêm hôm kia, cô ấy không về nhà. Tôi hỏi thì cô ấy nói là ngủ ở nhà Thủy – Bạn thân của cô ấy
- Nhưng rồi sao?
- Cô ấy lừa dối. Chính tôi mới là người ngủ ở nhà Thủy đêm đó!

Tất nhiên trong trường hợp này cả hai đều biết mình đã lừa dối đối phương nhưng chả ai dại gì mà “chưa khảo đã xưng”.

Chuyện lừa dối không chỉ dừng ở các cặp đôi, ở nước ngoài, các vị chính khách thường được xem là những đối tượng thường xuyên nói dối, vì vậy tại các cuộc thi nói dối cấp quốc gia hay quốc tế người ta thường không cho các thí sinh là chính trị gia tham dự bởi họ là dân nói dối… chuyên nghiệp.

Tại Mỹ, một chính trị gia đang trên đường đi vận động tranh cử thì bất chợt bắt gặp lũ trẻ đang vây quanh một con chó, chúng cãi nhau chí chóe. Ông liền dừng xe, lại gần hỏi chuyện.
Một cậu bé nói:
- Chúng cháu nhặt được con chó này, ai cũng muốn mang về nuôi nên chúng cháu quyết định là đứa nào lừa dối giỏi nhất sẽ được nuôi con chó.
- Các cháu không được thi lừa dối vì đó là điều tội lỗi – Chính trị gia khuyên nhủ – Khi ta ở tuổi các cháu, ta không bao giờ lừa dối và bây giờ cũng vậy…
Bọn trẻ con im lặng một phút rồi một cậu bé to con nhất thở dài:
- Thôi, đưa con chó cho ông ấy đi!

Vậy là chỉ với “năng khiếu” sẵn có, vị chính khách đó đã dễ dàng có được một món lợi. Nói dối cũng có lợi lắm chứ!

Lừa dối có nhiều biến thể, trong kinh doanh hàng hóa người ta lừa dối người tiêu dùng bằng hình thức đa cấp, bằng mẫu mã, bao bì, bằng sự ngon miệng… Trong quân sự, tình báo người ta lừa dối bằng nghệ thuật nghi binh, dương đông kích tây, gây nhiễu, tung hỏa mù… Hầu hết các vụ lừa dối thường chỉ có lợi cho người lừa dối, còn người bị lừa dối thì thiệt đơn thiệt kép. Chỉ rất ít trường hợp lừa dối là cần thiết và đáng trân trọng, ví như bác sỹ nói dối bệnh nhân về tình trạng bệnh tình nguy kịch của họ, và trong sinh tồn tự nhiên các loài vật thường phải lừa dối che mắt kẻ thù bằng những màu sắc, hoa văn hòa lẫn với môi trường sinh sống.

Các cụ thường nói “Thật thà là cha quỷ quái”, khi sự thật được phơi bày thì hậu quả của việc lừa dối rất tai hại. Vì vậy, hãy cố gắng nói thật khi có thể. Thế giới đã sinh ra ngày nói dối 1-4 hằng năm để con người thoải mái xả stress, cho những người thèm nói dối được vô tư thể hiện kỹ năng, để 364 ngày còn lại trong năm người ta sống thật với nhau, không phải đề phòng, đó có lẽ cũng là mong muốn của những người đã tạo ra ngày Nói Dối trên trái đất này!

" nhục hình" hay "cố ý giết người" ?







Sau phiên xử sáng 29-3, hai bị cáo Nguyễn Tấn Quang (ngồi, bên trái) và Đỗ Như Huy gặp gia đình anh Kiều xin lỗi, mong được tha thứ - Ảnh: Duy Thanh


Buồn cho hệ thống pháp luật Việt Nam. Hành vi của 5 công An đánh bắt người trái phép, đánh chết người thể hiện rất rõ sự "côn đồ" như kiểu " xã hội đen", chỉ khác họ khoác cái áo " đại diện pháp luật".
Một người dân bình thường như tôi cũng hiểu : "Phạm vi áp dụng tội danh nhục hình chỉ áp dụng khi người bị nhục hình còn sống". Người bị " nhục hình " tử vong thì rõ ràng rơi vào tội danh " giết người". Ở đây chỉ xem xét là " vô ý" hay "cố ý" mà thôi.
Việc sử dụng" vũ khí dùi cui" đánh vào đầu người bị " nhục hình" có được xem là hành vi cố ý hay không?
Bản thân 5 công an viên này là những người "thi hành nhiệm vụ" ( cho là như vậy), được đào tạo, huấn luyện để hiểu rất rõ " sát thương" của các loại vũ khí và cũng như các vùng "nguy hiểm" trên cơ thể con người có thể gây tử vong.
Dùng "dùi cui" ( vật cứng) tấn công vào đầu người " bị nhục hình" ( vùng nguy hiểm có thể gây tử vong) là hành vi thể hiện sự "cố ý".
Luật pháp của Việt Nam nghiêm cấm sử dụng nhục hình nhưng các Công An viên này biết nhưng vẫn " vi phạm". Đây là sự " cố ý".
Hiện trường xãy ra ở ngay trụ sở và cũng không có biểu hiện tác động nào của nạn nhân tác động dẫn đến sự " mất kiểm soát " của Công an viên đi đến hành động "dùng dùi cui" đánh vào đầu nạn nhân để gây ra vết thương dẫn đến "tử vong".

Trúc Lam



Các bài liên quan :

 *“Đánh chết người sao chỉ đề nghị án treo?” (30/03)
*4/5 công an dùng nhục hình được đề nghị án treo (28/03)
*5 CA dùng nhục hình: công bố lời khai phó trưởng CA Tuy Hòa (28/03)
*Nhiều công an thay phiên hỏi, đánh nghi can bằng dùi cui (26/03)
*Đề nghị truy tố 4 công an về tội “dùng nhục hình” (15/09)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Đá vọng phu


 Đào Dục Tú




Không biết còn có đất nước nào, như nước Việt , có đá đầu non tạo hình người phụ nữ bồng con chờ chồng, đá vọng phu ? Nàng Tô Thị xứ Lạng cũng như người đàn bà vô danh hóa đá đỉnh đèo trên một khúc ruột miền trung, từ xa xưa đã hóa thân trong những suy tưởng của người đời về lòng trung trinh của người phụ nữ Việt trong cảnh binh đao giặc dã và chia ly diễn ra triền miên dễ có đến ba phần tư lịch sử đất nước, kể từ thời vua Hùng lập quốc Văn Lang !





Bài thơ Vọng Phu của nhà thơ Chế Lan Viên chỉ là góp thêm một ” ý tưởng thơ” vào dòng suy tưởng hữu thủy vô chung của người Việt:

Đầu nươc đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng
Đâu chẳng sông Thương đâu chẳng Kỳ Cùng
Là tượng đá của những thời binh lửa
Nàng Vọng Phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông.

Quả là như vậy. Nàng Vọng Phu huyền thoại, nàng Vọng Phu dân gian, nàng Tô Thị xứ Lạng cùng cơ man người vợ chờ chồng trong cuộc đời thực, khi đất nước lâm vào vòng binh đao khói lửa, thù hận, chia lìa nào có khác gì nhau ở nỗi đau buồn vọng phu họ mang trong tâm suốt cả một đời người . Nàng Vọng Phu thời “Tùng tùng trống đánh ngũ liên- Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” không khác gì hàng triệu nàng Tô Thị thời “đêm nam ngày bắc” hay “đêm bắc ngày nam” đã trải nghiệm và chiêm nghiệm suốt một phần tư thế kỷ 20.

Nỗi đời , như không ít độc giả phụ nữ châu Âu đọc cuốn sách dịch “Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc” ra đời hơn nửa thế kỷ trước đã thốt lên kinh ngạc, kính phục đấy nhưng không sao hình dung được, không sao hiểu nổi chỉ riêng chi tiết “rất con người”: Người đàn bà sống “không chồng” mười mấy năm. . .

Nỗi đời thật “vô tiền khoáng hậu” đâu đã mất trong ký ức biết bao bà mẹ Việt anh hùng, biết bao người phụ nữ Việt trung hậu đảm đang việc nhà việc nước , dù thời gian “nước chẩy qua cầu” đã trên dưới nửa thế kỷ và biết bao nhiêu người trong số họ đã về cõi thiên thu! Chinh phụ ngâm không phải khúc ngâm mang nỗi sầu nhân thế của một thời nào ,” Nỗi khổ này đâu của riêng ai ” ! .




Hóa đá chờ chồng hay chờ chồng hóa đá không chỉ là cảm thức cổ xưa của người Việt từ thời ” Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt” “Bóng cờ tiếng trống xa xa- Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng” (Chinh Phụ Ngâm) mà dường như đã trở thành ý niệm nhân bản, một giá trị tinh thần siêu việt xuyên suốt thời gian:

Một mình với mây, một mình với gió
Mùa đông một mình, mùa xuân hay hạ, một mình
Người ra đi chắc gì quay lại nữa
Trên đầu non lòng đá vẫn kiên trinh
Chỉ có cánh chim khuya bay qua vai đá của nàng
Hàng vạn vành trăng hết tròn lại khuyết
Sóng gợi nhớ sóng xui quên nối tiếp
Mỗi một phút đợi chờ sâu một bể thời gian

Thơ tượng hình đá vọng phu trên mặt bể thời gian vô thủy vô chung không hình khối không mầu sắc; nhưng hình như cũng chính vì vậy mà ” tòa thiên nhiên” (chữ của cụ Nguyễn Du tả nàng Kiều. . . tắm tiên “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà- Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên “) trong tâm tưởng cứ mãi mãi ám ảnh người đời.

Trên mặt bể thời gian, những thăng trầm thế cuộc, những đổi dời bãi bể nương dâu dường như không vọng động tới nỗi cô đơn tuyệt đỉnh Vọng Phu vời vợi đầu non. Xưa và nay đời nào cũng vậy, bóng vút qua của cuộc đời trần thế, của sự sống hữu thể, hữu sinh, hữu hình là “Cánh chim khuya bay qua vai đá của nàng “. Tiếng va động cánh chim vào gió lộng trời cao như có như không, thảng thốt mơ hồ chỉ càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng tuyệt đối. Đá vọng phu, bức thông điệp tình yêu thủy chung tình yêu vĩnh cửu giữa bảo tàng thiên nhiên mới kỳ ảo làm sao ! Bức thông điệp tình yêu ấy đã được thi nhân truyền đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật:

Không hóa thạch kẻ ra đi hóa thạch kẻ đợi chờ
Xói mòn những non cao không xói mòn lòng chung thủy
Đá đứng đấy giữa mưa nguồn và chớp bể
Đợi một bóng hình trở lại giữa đơn côi

Lẽ thường kẻ ra đi là dấn thân vào thế cuộc phù trầm, chiến cuộc tử sinh đầy may rủi, trước mặt họ là thành bại khó lường. Cái bất trắc được mất nhục vinh thuộc về họ. Chỉ còn lại người thiếu phụ bồng con đi tìm chồng ,cũng có nghĩa đi tìm tình yêu và hạnh phúc trần thế, chỉ còn lòng chung thủy kiên trinh của con người hóa thạch trên đỉnh non kia là vĩnh viễn không thay đổi bất chấp thời gian dầu dãi nắng mưa cùng phong ba bão táp thừa sức bào mòn mọi hy vọng, kỳ vọng.

Thơ Chế Lan Viên ở bài này không sử dụng một thủ pháp nghệ thuật tân kỳ nào, ngoại trừ nghệ thuật đối sánh thường thấy , ví như ” Đầu nước đá ôm con cuối nước đá đợi chồng” hay “Không hóa thạch kẻ ra đi hóa thạch kẻ đợi chờ” chẳng hạn. Liên tưởng đối sánh cũng là một cách hữu hiệu làm nổi bật ý tưởng thơ ” Không hóa đá kẻ ra đi hóa đá kẻ đợi chờ” ” Xói mòn những non cao cao không xói mòn lòng chung thủy”. . .

Tứ thơ đá Vọng Phu về thân phận người vợ người mẹ người phụ nữ Việt trên quê hương xứ sở vốn hòa hiếu thanh bình vì “lịch sử chọn làm điểm tựa”, nên buộc phải gánh chịu quá nhiều cuộc trường chinh chống ngoại địch nội thù, xưa nay cũng có nhiều người viết. Nhưng quả là chỉ có đá Vọng Phu của Chế Lan Viên-người nổi tiếng thi đàn Việt từ tuổi mười sáu với tập thơ Điêu Tàn “kinh dị” (chữ Hoài Thanh chăng ? )mới thổi hồn vào đá và cho tòa thiên nhiên giữa trời một sức sống tâm linh huyền diệu như thế ,đến thế

Vọng Phu – bức thông điệp tình yêu kiên trinh thủy chung, cũng là thông điệp niềm tin hy vọng của con người ở một đất nước chinh chiến chia ly đã trở thành nỗi ám ảnh truyền kiếp suốt trường kỳ lịch sử . / .

ĐI TÌM





Trần Sỹ Tuấn




Đi tìm bóng đêm giữa ban ngày
Thấy bóng đêm trong mắt người

Đi tìm mặt trời trong đêm đen
Thấy mặt trời ở trong ngực em

Đi tìm tình yêu giữa cuộc đời
Thấy bóng mình trên vách ... !

Bông hồng duy nhất



Truyện ngắn : Võ Thị Xuân Hà




Hàng xóm hầu như đã quên khuấy rằng có thời bà đã là cô giáo. Một cô giáo xinh đẹp dịu dàng như nàng tiên đậu xuống một vùng trung du heo hút.
Bây giờ bà đã già với bệnh tê thấp ê ẩm mỗi khi trời trở. Sáng sớm bà xách xô ra cái máy nước đầu phố để hứng. Cái vòi nước trong nhà - rõ khổ - chả hiểu sao từ khi đóng tiền để mắc đến giờ chỉ ri rỉ chảy được vài bận. Sau đó bà đến đại lý xổ số để lấy một tập. Buổi chiều bà cầm tập vé đi rao khắp lượt hàng phố.
Bắt đầu là cái quán nước nhà bà Ngạn béo. Cái bà đến là mát tay, hôm nào gặp bà ấy "mở hàng" cho là tập vé bán hết nhẵn. Còn như gặp ông Ngạn - đàn ông mà hàm răng cứ xin xít thì trầy trật lắm mới bán nổi hơn nửa tập. Đã đành thế nhưng riêng đám khách ngồi đánh bạc quanh bàn nước nhà Ngạn cũng nhấc độ mươi vé rồi. Sau đó bà lượn qua hàng phở Bình. Rồi nhà Thanh tây với con chó béc-giê gầm gừ ở cổng. Nghe tiếng bà là chị ta cong cớn đi ra. Chị ta nhắm mắt lẩm nhẩm:
- Xê ri 78... 81... Thôi cứ rút đại một vé. à, lấy con 09.
Chị ta xỉa tiền ra đếm rồi cầm lấy mấy tấm vé số nhét tọt vào ngực áo con. Chả hiểu thế là thế nào. Chắc để cầu may.
Hết hè đến thu rồi lại đông, bà cứ đi lần lượt từ đầu phố đến cuối phố bên số lẻ, rồi lại đi ngược lại bên số chẵn. Mấy cô mậu dịch viên bên dãy số chẵn cũng xởi lởi, có cô cứ gọi bà là mẹ chồng hụt. Nhưng các cô mua chả được bao nhiêu. Phần lớn khách hàng của bà là đám kiếm ăn buôn bán lẻ mặt phố, những anh xích lô mặt đen nhẻm dầu dãi, những tay thanh niên cờ bạc, những chị nạ dòng sống bằng những đồng tiền bí ẩn. Đôi lúc họ gọi bà lại để chiêu đãi vì "vào cầu" bộ vé hôm trước. Nhưng bà đều từ chối. Thi thoảng, nhất là vào dịp lễ cũng có vài ba anh cán bộ rụt rè gọi bà dừng lại để mua một vé, hay một vài ông bà về hưu, một vài cậu bé con nhịn ăn quà sáng... Bà thường hỏi cặn kẽ lũ trẻ xem tiền chúng mua xổ số là tiền ở đâu. Đa phần chúng không trả lời. Cũng có đứa hách dịch:
- Tiền ở đâu thì việc gì đến bà. Mong bán được bỏ mẹ còn giả bộ.
Ôi, giá như những năm trước đây... Ừ, thì cứ cho là những năm trước đi, thì bà sẽ làm gì nào? Lúc đó bà quên cả bản thân, quên cả cơn khát sữa của con, thậm chí cố quên đi nỗi đau vò xé khi nhận được giấy báo tử của chồng để băng đồi đến từng nhà học sinh bảo ban thăm hỏi. Những tiết giảng, những lời nói dịu ngọt của bà có sức mạnh kỳ diệu khiến bao chàng trai cô gái lớn lên mạnh mẽ. Lúc đó mỗi lời nói, cử chỉ của bà đều là mẫu mực. Còn giờ đây bà chỉ là một bà già hàng ngày với tập vé số trên tay, lầm lũi trên hè phố vào ngày đông rét mướt hay những trưa hè nóng đỏ mắt.

Tuy nhiên mọi nỗi buồn bực đều tan biến khi bà dừng chân ở cuối phố bên số lẻ, nơi có cây bàng rợp mát. Cây bàng gợi cho bà biết bao kỉ niệm. Hình ảnh cây bàng gắn chặt với cuộc đời đi dạy của bà. Thường thường bên gốc bàng có một lũ trẻ ngồi đánh chắt hoặc chơi ô ăn quan hoặc nhảy dây. Có đứa đem tú ra đánh tiến lên. Có khi lại thấy chúng chơi đô mi nô. Chúng cãi nhau ầm ĩ rồi lại thủ thỉ kết bạn với nhau. Bà đến, chúng quây lấy bắt bà kể chuyện. Chúng vạch tóc bà tìm những sợi tóc sâu nhưng ngày càng nhiều sợi bạc chẳng còn phân biệt được sợi nào sâu, sợi nào bạc. Có một thằng bé tật nguyền ngồi lặng lẽ ở một góc. Nó vừa bị câm, vừa bị teo một bàn chân. Nó lấy viên gạch non vạch lên hè phố hình ảnh ông mặt trời méo mó có hai con mắt. Bà cầm tay nó dạy nó viết những chữ cái và bà đọc to những chữ ấy, cố gắng há mồm uốn lưỡi cho chính xác từng chữ từng âm. Thằng bé cũng há mồm nhưng từ họng nó chỉ phát ra được những âm thanh u... ơ... bất lực. Hôm sau lúc bà đến, nó rối rít vẫy bà rồi đưa cho bà một quyển vở và cây bút chì xanh đỏ. Từ hôm đó bà dạy cho nó vẽ và dạy cho nó một vài chữ cái. Nhưng mãi nó cũng chỉ viết được chữ a chữ o. Còn tranh thì nó vẽ có khá hơn.

Cuộc sống của bà cứ thế trôi qua. Vào ngày rằm mùng một hay ngày lễ tết, bà ra chợ mua thẻ hương nải chuối, vài bông hoa về để đặt lên bàn thờ chồng và con. Từ trên bàn thờ, hai người đau đáu nhìn bà như có lỗi vì đã để bà sống một mình. Nhất là đứa con, nó đã trốn bà để nhập ngũ. Bà thắp hương thì thầm an ủi lại họ. Dẫu sao người sống vẫn có hơn.
Vài ba năm gần đây, bà bỗng đổi tính. Nếu có con dâu, chắc nó sẽ cười bà lẩn thẩn. Cứ đến các ngày lễ của các thầy cô giáo là bà dậy từ sớm quét dọn nhà cửa, ăn bận thật lịch sự. Bà không đi bán vé số mà lững thững bước ra đường phố ngắm nhìn từng đoàn trẻ nhỏ tay ôm hoa hoặc những gói quà ríu rít rủ nhau đi rợp đường. Rồi đến chiều thể nào bà cũng quay về với cảm giác cô đơn và sượng sùng. Bao giờ bà cũng tránh nhìn lên bàn nơi đặt cái lọ hoa nhỏ xíu, phần thưởng giáo viên giỏi của thời xa xưa. Bao giờ cũng là cái bàn trống rỗng và lọ hoa trống rỗng. Không một lá thư. Không một nét chữ. Đâu rồi những cô bé cậu bé ngày xưa của bà? Bà tự an ủi mình: họ đã lần lượt ra trận từ cái bận ấy. Nhưng rồi bà lại rùng mình. Chả lẽ chúng không về cả hay sao? Cũng có đứa bà biết đã lên đến chức ông này bà nọ cơ đấy. Nhưng chúng bận trăm công nghìn việc, đến gia đình vợ con chúng còn chả để mắt đến được huống chi là một cô giáo dạy chúng từ hồi vắt mũi chưa sạch. Vả lại, cái miền trung du heo hút ấy cho đến giờ vẫn là xa xôi quá mịt mù quá đối với đô thị sôi động này. Bao nhiêu cô bé cậu bé mơ ước tày trời giờ vẫn phải cắm mặt xuống bùn với những bàn chân nứt nẻ. Thời giờ đâu...
Biết vậy nhưng bà vẫn có cảm giác buồn buồn thế nào. Sáng hôm sau thể nào bà cũng ra chợ sớm để mua một bông hồng thật tươi về cắm. Đó là ngày duy nhất trong năm bà mua hoa không phải để cắm lên bàn thờ chồng con, mà là cho mình.
Năm nay cũng thế, bà lại dậy thật sớm, dọn dẹp nhà cửa, đặt một tấm thảm chùi chân ngoài cửa, ngộ nhỡ cậu nào đi xe con tới chả nỡ bắt nó cởi giày. Bà đi ra đi vào bồn chồn. Cái nhà chị Hoa bên cạnh là giáo viên, gớm từ hôm kia những chiếc xe máy đã đỗ nườm nượp trước nhà. Chả là chị ấy dạy ở một trường trung tâm thành phố, toàn là con cán bộ cỡ với hiệu buôn lớn. Những là tiệm kim hoàn Á Đông, nhà may Tiến Lợi... Con nhà chị ấy ôm cam ra sân làm bóng. Đồng lương giáo viên mà vải vóc quần áo cứ là lượt. Còn nhà chị Ngân phía bên kia đường thì ít khách hơn. Chị ấy dạy ở một trường xa. Nhưng năm nào bà cũng thấy từng tốp trẻ ôm hoa đến tặng.
Ồ, giá như bà cũng có một bông hồng, một bông thôi để hiểu rằng lớp người ra đi năm ấy vẫn có người trở về... hoặc để hiểu rằng những đứa trẻ tội nghiệp ngày xưa của bà giờ đã là những ông bố bà mẹ, đã có thời gian để nhớ đến những điều khác ngoài đám ruộng của họ.
Chỉ một bông thôi...

Rồi cũng như mọi năm, bà không đủ can đảm ở trong nhà. Bà để ngỏ cửa, gửi nhà cho hàng xóm và bước ra phố. Bà ngắm nhìn những dòng người, dòng hoa trôi trên phố với niềm vui chung. Rồi bà nép mình vào một góc vườn hoa và lặng lẽ chờ mặt trời đổ xuống chân trời phía xa. Sau đó bà lủi thủi quay về và bước vào nhà.
Bà cố gắng trấn tĩnh để không nhìn lên chiếc bàn nơi đặt lọ hoa, nhưng ngay lập tức bà phát hiện ra hương thơm ngào ngạt của hoa hồng. Một bông hồng bạch được bao trang trọng trong giấy bóng kính cắm ngay ngắn trong chiếc bình sứ nhỏ. Cả căn phòng như được tỏa sáng. Mắt bà nhoè đi nên không nhìn thấy nét chữ nguệch ngoạc thiếu nét của một đứa bé mới tập viết.
Kính - Tặng - CÔ.
Mãi một lúc bà mới nhận ra là mình đang khóc.

Bà không biết rằng trước đó có một đôi chân tập tễnh bước vào nhà. Rồi đôi chân ấy đi như chạy loạng choạng trên hè phố, như muốn khoe cùng mọi người rằng nó cũng đã có cô giáo để được tặng cô một bông hoa như những đứa trẻ khác. Nó muốn hét váng lên vì niềm hạnh phúc bé nhỏ của mình. Nhưng chẳng ai hiểu nổi cái âm thanh u ...u... phát ra từ cuống họng của một đứa trẻ câm.
Chỉ có bầu trời xanh rộng lớn là đón nhận âm thanh ấy vào lòng.
...U...u...ơ...