Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Giữa đám chăn mây



1. Người đàn ông ngó sững vào di ảnh trước quan tài. Bức ảnh chụp gương mặt cô gái trẻ măng còn mịn lông tơ. Đôi mắt trong sáng như đang cười với ông. Chắc rằng trước lúc chụp ảnh vài giây, cô gái đang vui đùa với ai đó, nên trên mắt trên môi như còn đọng một nét cười. Người thợ chụp hình đã bấm máy thật đúng lúc. Tuy nhiên, cái thần thái ấy giờ đây như một tảng đá đè nặng trên ngực ông.

Từng tế bào trên người ông như đông cứng lại khi nhìn vào đôi mắt đó. Trong một thoáng, ông không còn nghe tiếng dàn kèn tây rền rĩ chát chúa ở ngoài rạp chen lẫn tiếng tụng kinh của những người mặc đồ trắng trong nhà. Chỉ nghe một tiếng cười trong vắt, lảnh lót rung lên trong tai như tiếng chuông ngân. Có ai đó dìu ông ngồi xuống ghế. Ông rút khăn tay lau mồ hôi rịn ướt trán, rồi run run rút trong túi ra một cái phong bì dày màu trắng được chuẩn bị trước. Ông bước tới trao tận tay cho người mẹ đang thẫn thờ dựa cột, khóc con bằng đôi mắt đỏ ngầu, không còn nước mắt. Không nói với ai một câu, cũng không uống ly trà ai đó đã rót đưa, ông đứng dậy, bước ra ngoài. Chiếc xe hơi chờ sẵn nổ máy lao đi trong đêm.



Tranh: sadec
2

Tôi nằm giữa đám chăn mây bồng bềnh trắng xốp đã nhiều ngày nay. Không hiểu bằng cách nào mà tôi đã được nằm ở đây. Cái cảm giác nằm ở đây thật dễ chịu, như hôm nào đó tôi đã từng vùi mình trong chăn nệm thơm tho, trắng muốt… Tôi nằm và thấy mẹ tôi, em tôi vây quanh giường mình. Ở đó, có một thân hình bé nhỏ, gầy ốm và dị dạng đến mức khó tin. Người nằm đó không còn nhìn rõ mặt. Ba khối u lớn, sưng đỏ choán hết gương mặt xanh xao. Nhìn xuyên qua lớp áo quần, tôi còn thấy người đó mang khá nhiều khối u trong phổi, trong xương đòn, trong khoang bụng. Sao mà nhiều quá vậy? Tôi biết mình chỉ mang trong người một khối u mà đã đau đớn cùng cực. Mẹ tôi lau rửa cho người đó, cho ăn, cho uống thuốc… và gọi tên tôi luôn miệng. Khá đông người đến thăm, thầm thì bàn tán, rồi ra về. Một tiếng nói vô hình cho tôi biết đó là… tôi.

****

Tôi sinh vào tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán vài hôm. Vì vậy mà cha tôi đặt tên Xuân. Dưới tôi là ba đứa em gái lấy tên hết ba mùa còn lại. Tôi thừa hưởng nhan sắc của bà ngoại, nên từ nhỏ đã rất xinh gái. Ai cũng nói vậy. Cũng vì nhan sắc đó mà tôi suýt chút nữa dở dang việc học. Cũng vì nhan sắc đó, tôi đã gặp được Hoàn, vào một ngày định mệnh.

Tôi vào đại học như một kỳ tích. Gánh xôi bắp buổi sáng của mẹ và tiệm sửa xe đạp của cha chỉ đủ giúp cả nhà sáu người có được ngày hai bữa cơm. Học tới hết lớp 9, mẹ bảo tôi nghỉ học, đi làm mướn phụ bà lo cho em. Tôi không sợ cực khổ. Tôi sợ mẹ bắt tôi ở nhà lấy chồng. Vì thế bằng mọi giá tôi phải đi học và học cho giỏi. Thêm một lớp, tôi càng háo hức muốn khám phá cả thế giới. Nhưng mẹ chỉ thấy, mỗi năm tôi đi học là thêm phần tốn kém. Phải cố gắng hết sức tôi mới có thể hoàn thành hết 12 năm học phổ thông.

Tôi đậu đại học với số điểm cao tuyệt đối, trong sự vui mừng của cha và nỗi lo thắt ruột của mẹ. Bà không biết sẽ lo cho tôi ăn học ra sao, tôi sẽ xoay xở cách nào để qua 5 năm đại học xa nhà.

Ngày nhận được kết quả đậu đại học, đám bạn trong lớp lần lượt làm tiệc ăn mừng. Tiệc ăn mừng của tôi là do mấy đứa bạn thân tổ chức. Hôm đó cả lũ kéo tới xin mẹ cho tôi đi chơi xả giàn một bữa. Từ nhỏ tới lớn, tôi mới biết mùi vị của những món ăn sang trọng ngoài tiệm. Lần đầu tiên tôi biết phòng karaoke và mùi bia rượu… Cô bạn thân của tôi còn rủ rê ông cậu Việt kiều Mỹ mới về nước đi theo chơi. Sau màn giới thiệu tên tuổi, thành tích học tập của tôi được chúng tán lên mây. Ông cậu chỉ ngồi nhìn, cười. Thỉnh thoảng ông gắp thức ăn cho tôi, hỏi han vài chuyện. Đêm đó, tôi say mèm dù uống chỉ hơn một lon bia.

Tôi tỉnh dậy lúc ba giờ sáng, theo thói quen, và thấy mình bềnh bồng trong chăn êm nệm ấm trắng muốt, thơm tho. Bên cạnh tôi là… Hoàn, chính là ông cậu của nhỏ bạn thân. Đêm đó, thấy tôi say, Hoàn đã đòi đưa tôi về trước. Nhưng thay vì về nhà, Hoàn lại đưa thẳng tới khách sạn. Hoàn nói, lúc đó cũng say, nhìn thấy tôi giống hệt cô người yêu cũ của mình, nên Hoàn đã không dừng được, và… Tôi ngỡ ngàng. Từ một đứa con gái có thể trở thành người đàn bà dễ dàng đến vậy sao? Hoàn đã chuộc lỗi bằng cách hứa hẹn sẽ bảo trợ cho tôi suốt thời gian học đại học. Mỗi lần Hoàn về nước, sẽ ghé thăm tôi. Nghĩ tới mẹ, tôi cắn môi gật đầu.

Tôi nói với gia đình, vì mình học giỏi nên có học bổng, có người lo cho ăn học không phải tốn kém. Thậm chí, hàng tháng tôi còn cắt giảm các chi phí không cần thiết, mua quà bánh, sách vở về cho các em. Mẹ vui lắm, tin là đã tới lúc tôi trả hiếu được cho cha mẹ.

****

Tôi mắc bệnh.

Ban đầu chỉ là những cơn ho dài. Phía sau lưng trước ngực đều đau tức. Chữa lâu lắm mới hết ho. Rồi cũng từ đó sức khỏe tôi yếu hẳn. Nhiều bữa, tay giở không lên. Tôi chật vật lắm mới qua được năm thứ hai đại học. Nhìn tôi xuất hiện trong webcam, Hoàn thảng thốt: “Sao em ốm và xanh quá!”. Tôi cười cho Hoàn yên lòng. Bệnh thì ai chẳng ốm và xanh. Nhưng từ đó, Hoàn đặc biệt quan tâm đến tôi và gửi rất nhiều tiền về khuyên tôi chữa bệnh cho đến nơi đến chốn. Hình như ông có điều gì đó chưa tiện nói.

Bạn tôi nói, bệnh của tôi phải phẫu thuật, phải được điều trị trong một thời gian dài. Tôi lo điếng người. Cha mẹ lo cơm gạo học hành cho mấy đứa nhỏ hàng ngày đã mệt lắm rồi, giờ còn lo chăm sóc tôi nữa, sao mà kham nổi. Tôi nhớ tới Hoàn. Nhớ tới cuộc trò chuyện cuối cùng trên Facebook với Hoàn trước ngày tôi đi bệnh viện. Không biết làm sao liên lạc với Hoàn. Liệu ông có thể giúp tôi không? Tôi còn muốn sống, muốn học hành. Tôi sẵn sàng trả mọi giá để khỏe lại. Cô bạn tôi, nghe lời Hoàn, mở một chiến dịch trên Facebook, kêu gọi mọi người ủng hộ tôi về tinh thần lẫn vật chất.

Tôi đã nằm nhà lâu lắm, hay tôi có cảm giác như vậy không biết. Nhà vắng. Những đứa em tôi đi học cả ngày. Thỉnh thoảng có người tới tiêm thuốc, truyền nước biển cho tôi. Lâu lâu, mẹ lại đút cơm cho tôi. Ăn những muỗng cơm canh rau do mẹ đút cho, đôi khi tôi thèm một chén xúp nóng thơm phức, nóng hổi, như tôi từng được ăn với Hoàn. Tôi nhớ là có nói với mẹ, nhưng sao bà không nghe gì cả. Tôi bất hiếu. Tôi không nghe lời mẹ. Tôi đã tự hủy hoại đời con gái của mình vì một cuộc vui không đáng như vậy, có gọi là tội không? Tôi đã “qua mặt” cha mẹ để trở thành người tình hờ của một người đàn ông, có đáng gọi là tội không?

****

Có ai đó gọi tên tôi. Tôi vẫn cứ nằm hoài giữa đám chăn mây, muốn nói mà không nói được. Cô bạn thân mang laptop đến nhà, chỉ cho mẹ tôi thấy những hoạt động của tôi hồi ở trường, thể hiện trên trang Facebook, cho bà thấy bạn bè khắp nơi yêu quý tôi và ủng hộ tôi hết lòng như thế nào. Tôi thấy mắt bà sáng lên mỗi khi nhìn thấy ai đó gửi tiền hỗ trợ tôi chữa bệnh. Tôi thấy Hoàn già sọm đi từng lúc. Hoàn đang hoàn tất các thủ tục để đưa tôi ra nước ngoài chữa trị với tư cách một người hảo tâm. Nhưng, tôi biết Hoàn đang bứt rứt, như thể ngày xưa vì Hoàn mà tôi bị bệnh. Ờ, mà khối u, cũng như cái mụt ghẻ thôi mà.

Mẹ bận rộn hơn với những chiếc phong bì mà những nhà hảo tâm mang tới. Hình như bà không bán xôi bắp nữa. Một phần tiền trong các phong bì đó được bà đưa cho dì tôi. Dường như khoản tiền đó giúp bà được nhiều việc.

Tôi biết có lúc rồi mình phải đi. Tiếng gọi thúc giục tôi ngày một lớn. Mấy hôm nay, tôi đâu còn nghe đau đớn nữa. Chắc là Trời Phật cũng chứng được cho lòng ăn năn hối cải của tôi?

Tôi gọi Hoàn, gấp rút: “Về gặp em đi. Em muốn nhìn thấy ông”.
3

Đám tang nhà nghèo, nhưng không chấp điếu. Họ đạo địa phương ghi tên người đã chết vào danh sách đám trợ táng. Buổi tối, những người tới viếng tang khá đông. Họ ngạc nhiên vì đám trợ táng mà đãi khách toàn những thứ bánh rất sang trọng. Lại có một dàn kèn Tây ai đó đã nhờ tới đám “cho đỡ hiu quạnh” dù đã có ban nhạc lễ của họ đạo tới hòa đờn, theo đúng nghi tiết lễ tang tại địa phương.

- Đây là khoản tiền cuối cùng bạn bè con đóng góp cho bạn Xuân. Lẽ ra, nó phải tới cách đây vài ngày, nhưng con bận học nên về không kịp. Cô đếm giúp con…

Người mẹ đỡ lấy chiếc phong bì từ tay cô gái trẻ. Cô đã chạy xe gắn máy từ rất xa về cho kịp tiễn bạn. Đủ thứ tiền đã được phân loại kỹ lưỡng, xếp ngay ngắn. Ánh đèn flash lóe lên. Bàn tay của người mẹ tự dưng run lẩy bẩy. Đôi mắt đỏ ráo hoảnh không còn nước mắt.
4

Người đàn ông lặng lẽ chờ người cuối cùng trong đám tang ra khỏi nghĩa trang mới chậm rãi đến đặt trên ngôi mộ mới đắp một cành hồng trắng. Ông nhìn vào bức ảnh gắn trên bia mộ. Đôi mắt ấy vẫn long lanh cười, như nói cám ơn ông đã giữ đúng lời hứa.

CẨM GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét