Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

THÓI HỌC ĐÒI VÀ NHỮNG ÂM MƯU ĐẰNG SAU VỤ VIỆC CỦA NHÃ THUYÊN




Cách đây nửa năm, sự việc bài luận văn về Nhóm thơ Mở Miệng của Nhã Thuyên bị chất vấn rồi đi đến kết quả bác bỏ đã gây ra một đợt sóng ầm ĩ trên báo chí. Kẻ bênh người phá, văn đàn nhộn nhạo như cái chợ vỡ mà chẳng quan tâm gì đến khổ chủ. Các báo chính thống thì lao vào chửi hội đồng, các trang lề trái thì lên gân đòi "Tự do tư tưởng". Nhưng tất cả những thứ ùm xum đó chỉ nói lên một điều rằng: Giới nhà văn Việt Nam bây giờ đúng là loài "chim ăn xác thối", hễ ở đâu có mùi thối là bay đầy đến và quang quác gọi nhau.



Chuyện này phải bắt đầu từ việc tại sao lại có bản Luận văn này và tại sao bản Luận văn này lại được người hướng dẫn cũng như Hội đồng chuyên môn công nhận. Bản luận văn "Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng" rõ ràng thể hiện bản tính bốc đồng của Nhã Thuyên. Thơ của nhóm Mở Miệng về bản chất không phải là thơ của "kẻ bên lề" như cô đã gọi. Đó là trò chơi chữ của lũ học trò tập tọe làm thơ , không có giá trị về mặt nghệ thuật. Tập tọe này, đúng như Nhã Thuyên gọi, là sự "thực hành". Nhưng một bản luận văn Thạc sĩ lại đi bàn về mấy kẻ tập tọe thì kể ra cũng đáng buồn cho nền văn học nước nhà! Chả khác nào nói Văn Học Việt Nam bây giờ không có gì đáng bàn hơn cái tập tọe. Đáng buồn hơn nữa là người hướng dẫn thuộc tầm cỡ giáo sư và Hội đồng chuyên môn toàn những người đã lão làng. Nhưng tại sao lại có hiện tượng này?

Cái này bắt đầu từ mốt "Văn học hậu hiện đại". Hậu hiện đại là một trào lưu văn học nổi tiếng ở Âu Mỹ từ những năm 1950 và mới được du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm lại đây. Do ảnh hưởng mốt từ thế giới nên Hậu hiện đại đã trở thành một thứ thời thượng ở Việt Nam mà các ông thày giáo mực thước ở trường Sư Phạm nếu không chạy theo thì sẽ bị coi là lạc hậu và kém hiểu biết. Nhưng Hậu hiện đại là gì thì chả ai biết, khen thì vẫn khen, không khen sợ bị bảo là không hiểu, y hệt như câu chuyện "Bộ quần áo mới của Hoàng đế", thấy Hoàng đế cởi trần cởi truồng nhưng vì sợ hãi mà vẫn tấm tắc khen chiếc áo đẹp. Tôi không phủ nhận văn học Hậu hiện đại trên thế giới, nhưng chắc chắn rằng Hậu hiện đại ở Việt Nam chỉ là một mớ hổ lốn của những kẻ kém cỏi về kỹ năng và cấu trúc, trốn chạy vào những hình thức phá cấu trúc đang được tôn vinh để đánh bóng tên tuổi cho bản thân. Bùi Chát, Lý Đợi với cái nhóm Mở Miệng là những kẻ như vậy. Sự đánh bóng này càng được bóng bẩy hơn khi Bùi Chát tham gia vào phong trào dân chủ và mở NXB Giấy Vụn. Thơ ca của Mở Miệng không đưa nhân vật này lên vị trí hàn lâm và có tiếng nói mà bị coi rẻ như đám nhà thơ dở hơi, vậy nên dân chủ là cái áo đẹp đẽ hơn, sang chảnh hơn mà Bùi Chát cần phải khoác trong sự nghiệp văn học của mình.

Việc xét lại bản luận văn này là hoàn toàn hợp lý, vì cho dù chuyên môn của Nhã Thuyên rất tốt, nhưng tôn vinh một thứ "thơ vụn" không có giá trị về nghệ thuật hay tư tưởng thì đó là sai lầm lớn nhất của Nhã Thuyên. Có lẽ cô chỉ nghĩ rằng đề tài này sẽ mang lại sự đột phá, thay đổi nhận thức của các ông giáo sư già nua của trường Sư Phạm, đồng thời muốn ghi danh như một nhà phê bình Hậu hiện đại Việt Nam. Cô không ngờ được rằng cô lại trở thành vật thí mạng cho các trò đấu đá chính trị khác.

Ngay khi bị "chửi hội đồng" thì Nhã Thuyên được nhà văn Nguyên Ngọc và một số học giả "cấp tiến" khác bênh vực. Mới đây, Văn đoàn độc lập lại khơi lại vụ việc này như một vụ điển hình để hô hào tự do tư tưởng. Họ nhầm lẫn một điều trầm trọng. Trường đại học, nhất là đại học Sư Phạm, là nơi xây dựng các chuẩn mực để hình thành nhân cách cho giới trẻ, bởi thế một số chuẩn mực về thẩm mỹ và sự lành mạnh cần được đảm bảo. Sự phá cách có thể tự do diễn ra ở văn đàn, báo chí, thậm chí một số trường đại học khác, nhưng khi đã là giảng viên của Sư Phạm thì phải tuân thủ các quy định của Sư Phạm. Giống như Văn đoàn Độc lập chắc chắn không chấp nhận những người tin tưởng Đảng Cộng Sản, vậy thì chẳng ai dại gì mà đi viết tác phẩm ca ngợi Đảng Cộng Sản hay các tiểu luận phê bình tôn vinh văn học Cách mạng ở đó cả.

Tự do tư tưởng không phải là yêu cầu một tổ chức hay cơ quan này phải chấp nhận cá nhân có tư tưởng khác mình có địa vị và quyền lợi ở trong đó. Tư tưởng vốn dĩ đã là thứ không thể trói buộc, mỗi người sẽ có một hướng tư tưởng khác nhau. Một xã hội có tự do tư tưởng là một xã hội cho phép những người có suy nghĩ khác biệt có những cơ hội khẳng định tư tưởng của mình. Ở Việt Nam hiện nay quá dễ dàng cho điều này! Nếu luận văn này Nhã Thuyên không gửi cho trường Sư Phạm mà cho các tổ chức khác thì có lẽ sự việc này đã không xảy ra. Bởi như đã nói ở trên, một khi tham gia và tổ chức hay cơ quan nào đó, nhận lợi ích từ đó, người ấy bắt buộc phải tuân thủ một số quy chế chung của nơi ấy.

Điều đáng nực cười trong vụ này là, một bên nhân danh tự do tư tưởng, một bên nhân danh gìn giữ chuẩn mực xã hội, các nhà văn chia bè chia cánh đánh nhau như mổ bò, chẳng khác nào cảnh thanh toán xã hội đen. Mâu thuẫn này hẳn phải có từ lâu, chủ yếu là ghen ăn tức ở, trâu buộc ghét trâu ăn. May sao xảy ra sự cố một cô nghiên cứu sinh trẻ tuổi, hám danh, hám đột phát mà hai phe cánh này có cớ đánh nhau. Kể ra cũng xôm tụ, bạn đọc có cái để xem! Chứ lâu lắm rồi không thấy có tác phẩm văn học nào đáng quan tâm (nếu có thì cũng bị hai phe to mồm này chiếm trang trên truyền thông, làm phân tán chú ý của độc giả), dần dần người ta đã quên mất rằng Việt Nam còn có các nhà văn. Ít ra thì sau vụ việc này, nhiều tên tuổi lớn lại một lần nữa được "ăn mày dĩ vãng"...

Trần Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét