Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Chàng thi nhân đầu bạc




Truyện ngắn : Nguyễn Quang Thân

                                                                                         
Nguyễn đáp một con đò dọc chở gạo và cá khô từ bến thuyền đầu sông Luộc. Chàng đã đi bộ từ quê vợ ở Quỳnh Côi đến ngã ba sông Nhị Hà. Đoạn đường đáng ra chỉ đi mất nửa buổi mà chàng phải bỏ ra một ngày đêm vì bạn bè níu kéo. Khăn xếp, áo lương màu lam, vắt vai cái tay nải cũng màu lam, chàng lững thững trên đường làng như một thầy địa lý. Chàng nghĩ :” Giá làm thầy địa thì tóc mình đâu có bạc sớm thế này !”
Ông tú kép Sinh Từ cùng vợ đang quẩy con lợn nọc, bắt gặp chàng trên đường đến chợ Lĩnh. Thấy Nguyễn , ông quẳng con lợn xuống đất đánh thịch, chào hỏi rối rít. Không từ được lời mời, chàng đành rẽ vào nhà ông tú. Vậy mà lúc quyết định ra đi chàng tự bảo sẽ không báo cho ai. ở nhà ông tú Sinh Từ, chủ khách chỉ uống hết một nậm rượu quê nhưng Nguyễn đã kịp đọc cho ông nghe sáu bài thơ mới làm gần đây thay lời từ biệt Bắc hà. Vậy là một buổi sáng mất toi mà chàng chỉ mới rời nhà ông anh vợ được hai dặm đường. Ông tú tiễn chàng, gạt nước mắt bảo: “Bác ra đi chuyến này làm gì cũng được, chỉ xin đừng để người ta đánh què mà mất một người tài.” Nguyễn cười buồn nói : “Tài ăn khoai cả vỏ! Nếu không bị đánh què chắc chẳng đi hết kiếp văn chương!” Ông tú dậm chân, khóc nhìn theo. Tính ông vốn bộc bạch thế.
Gần tối, Nguyễn đến địa phận Duyên Hà. Chàng đã định bụng ghé thăm ông cử Nhạc, bèn rẽ vào cái ngõ trúc. Ngọn trúc kết thành vòm mát rượi trên đầu. Tháng tư, ong bay vo ve quanh chàng.
Đêm đó, hai người thức đến canh hai. Khi Nguyễn cởi khăn xếp ra, ông cử nhìn chàng, hốt hoảng :” Ba mươi tuổi mà đầu đã bạc thế ư ? Bọn nhà thơ thời nay nó hèn, tóc chúng nó không bạc như tóc chú đâu!“ Nguyễn không đáp. Bà cử Nhạc cũng là người hay chữ, tính nết lại thích đùa. Bà bảo: “Về kinh gặp nữ sĩ mà mang cái đầu bạc thế kia chắc là không xong rồi. Hay là để tôi nhuộm cho. Giã lá đắng cay mà nhuộm thì cứ là đen nhánh.” Nguyễn chua chát :” Khéo đầu cô ấy còn trắng hơn cả đầu tôi đấy, bà chị ạ. ” Chàng chợt buồn, nhớ tới mối tình của mình.
Bên nậm rượu và hai cái chén chũm cau đời Khang Hy, ông cử ngồi uống với khách. Khác với ông tú Sinh Từ đã một thời chít khăn đầu rìu đi học võ mưu đánh Tây Sơn, ông cử Nhạc không xuất, không xử mà chỉ ngồi đọc thơ biên tái đời Đường. Ông nói : “Tôi chỉ trung với vua Nghiêu. Phù nhi bất tranh, tôi không thi bơi với thuồng luồng. ”Mười năm lưu lạc quê người, Nguyễn chỉ kết thân với hai người đó. Một người muốn kéo chàng vào chỗ binh đao. Người kia khuyên chàng ẩn mình sau ngõ trúc. Chàng chơi vơi ở giữa. Mười năm! Làm thằng con trai “vô lại”, chẳng nên cơm cháo gì, chỉ chuốc lấy một cái đầu trắng toát giữa tuổi ba mươi. Một thân thể gầy còm vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Một tâm tư rối bời, lạc lối. Một bầu đoàn thê tử nheo nhóc. Và một mối tình như trăng non, gió thoảng. Ba mươi tuổi, chàng tưởng đã quỵ dưới gánh nợ đời. Nhưng chàng không ngã. Chàng lại ra đi, tay nải bên vai. Thư kiếm vô thành, sinh kế xúc, chàng rất đắc ý với câu thơ của mình.
Ông cử Nhạc  hỏi : “Lần này chú định đi đâu?” Nguyễn đáp: “Em về quê.” Ông cử nói: “Thế là phải. Vua Quang Trung chết được ba năm rồi.” Nguyễn ngẩng đầu: “Nhưng tiếng gươm đao còn loảng xoảng khắp nơi. Chưa ai chịu tra gươm vào vỏ.” Ông cử làm thinh một lúc. Rồi ông đặt tay lên vai Nguyễn : “Đó không phải là việc của chú. Núi Hồng Lĩnh đẹp, chết đói ở đó cũng thơm.” Nguyễn buồn rầu : “Trời cho em cái chân hạc, cắt ngắn đi làm sao được ?”Ông cử bảo: “Đời người có hai lần vui. Một lần đang ngạt trong bụng mẹ mà thoát ra khóc được một tiếng. Một lần được ngủ một giấc dài, không bị vợ con đánh thức. Thế là đời.” Nguyễn cười: “Tiếc là em chỉ mới được hưởng một lần.” Từ đó đến canh hai, mỗi người uống ba chén rượu nếp, nhìn nhau mà không nói câu nào nữa.
Bà cử dậy sớm thổi cơm nếp, gói cho Nguyễn một nắm. Hai ông bà tiễn chàng tận bến đò. Khác với vẻ mặt đăm chiêu của chồng, bà vui vẻ bảo: “Nhờ anh cho tôi gửi lời thăm cô Xuân Hương. Thơ anh thì phải đạo mà thơ cô ấy lại tục! Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. Khiếp! Bà nhìn ông cử thăm dò. Thấy ông không nói gì, bà tiếp : “Cứ nỗi nhớ với niềm thương nỉ non như bọn làm thơ hiện nay thì nghe êm tai thật. Nhưng dám đưa cái hỏm hòm hom ra mà giỡn mặt vua quan với bọn cơ hội, bọn đạo đức giả thì cũng sướng cho cánh đàn bà hèn mọn chúng tôi.” Nguyễn đỏ mặt, tuy trên cổ chàng nổi nhiều đường gân xanh. Chàng nói: “Bà chị ơi, đời này chỉ có tình người với cái ấy là thật, còn ra, cái gì cũng giả. ”
Đúng thế, Nguyễn tự nghĩ, chính chàng cũng có dám sống thật đâu? Miệng thương người nghèo mà trước đây chàng vẫn ung dung sống trong lầu son gác tía của cha mẹ. Cha chàng luôn nói thương dân mà vẫn gom từng miếng đất của đám dân nghèo Nghi Xuân vốn đã suốt đời kiết xác để vun quén cho con cháu. Chàng muốn mộng mơ mà vẫn giữ khẩu khí  trung quân, lòng tin cạn đến đáy mà cứ cố hướng về giấc mộng khôi phục thời hoàng kim của tiên triều. Chàng ăn chực ở độ mười năm mà chỉ biết than thân, chứ đâu có dám cầm giỏ đi mò ốc đỡ vợ được một bữa.
Chàng nhớ tới con rắn mối quen thuộc vẫn leo quanh bờ rào nơi quê vợ, tiếng ếch nhái kêu rên trong ao cạn, những con giun chui từ lỗ lên bò loằng ngoằng trên nền nhà ẩm ướt. Chàng đã làm gì ? Đã làm gì ? Chẳng làm gì hết. Chàng chỉ làm được mấy bài thơ tự thán. Lại còn rưng rưng cảm động khi được mời làm chủ buổi tế tư văn giữa đám hào mục thối nát ấy nữa chứ !
Bà cử đặt vào tay chàng một tờ hoa tiên viết chữ. Bà nói:”Cho tôi gửi Hồ nữ sĩ. Nói hộ là đừng cười lời thơ quê kệch. Ước sao được mấy búp sen tự tay cô ấy hái để ướp chè!” Nguyễn chua chát : “Hoa để tặng người mình sợ, e bà chị chẳng có phần đâu. ” Bà cử nói : “Cô ấy thì sợ ai !”
Thuyền đã vào sông Nhị Hà. Nguyễn vẫn nhìn thấy hai vợ chồng ông cử đứng nhìn theo. Tuy hai người không phải Uông Luân, nước sông Nhị không sâu ba ngàn trượng. Nhưng tình thương của hai người đối với chàng chẳng kém người xưa !
Nguyễn đưa tay cởi mối giây lạt, mở cánh cửa ngõ tre. Trên đầu chàng một khoảng trống cao vời, màu xanh không tận của thơ Lý Bạch. Bầu trời hiện ra giữa những tán cây vây quanh khu vườn và mấy gian nhà tranh. ở phường Khán Xuân mà chàng chỉ thấy hơi thu ngự trị. Đất ẩm ướt, cây mát lạnh, hồ Tây lãng đãng và buồn. Hay chính lòng chàng ẩm và lạnh ? Những ngày ở Thăng Long với anh và cha, đi học, đi thi, đi càn quấy “dẫm lên hoa rụng”, ôm mộng công hầu, say mê đèn sách và cả cung kiếm, tất cả buổi trưa đời, chàng đã để lại sau lưng
Chàng đang sống lại mùa hè năm đó, lúc đang là một ông quan võ ở Thái nguyên. Chàng ghé qua Thăng Long trên đường về Sơn Tây thăm anh là quan Tả thị lang bộ Binh, kiêm Hiệp Trấn xứ Đoài. Thăng Long đối với   chàng còn quen thuộc hơn cả núi Hồng Lĩnh và bến Giang Đình ở Nghi Xuân. Chàng cởi áo lãnh binh, thử làm lính một hôm. Như các chú lính, chàng lê la quán rượu. Cũng say sưa, cũng đập phá, cũng chọc ghẹo như ai. Không ai nhận ra chàng. Chàng đã xa kinh thành mấy năm. Cha chàng chỉ còn là một hào quang mờ dần, chỉ được người ta nhắc tới giữa những danh gia vọng tộc đang chia lìa, xâu xé và chán nản trước giông bão thời cuộc.
Nhưng rượu và thú vui tửu quán không an ủi được chàng, không trả lại cho chàng thời thơ trẻ, cái thời mê chơi giữa lũ “đồng du hiệp thiếu”! Chàng uể oải rời quán rượu, một mình trên con đường nhỏ ven hồ. Trước mặt chàng có ba chàng trai, nhìn qua lưng và vai cũng biết là học trò, đang lẽo đẽo theo sau một cô gái. Nắng chiếu lên vạt áo tứ thân và chiếc lưng ong. Cô gái không đẹp. Nhưng cô đang giận. Chàng cảm nhận được cơn giận ấy trong dáng đi của cô. Ba chàng học trò đang buông những lời chọc ghẹo cợt nhả và những câu thơ thối sau lưng cô gái. Như hết chịu nổi, nàng đứng lại, đọc to bằng giọng Nghệ trọ trẹ rất quen thuộc với chàng :”Này khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ !”... Xong câu đầu của bài tứ tuyệt, nàng đọc tiếp ba câu sau. Tim chàng se lại vì liên tài. Chàng vừa chạm phải ngọn lửa bỏng rát và hiếm hoi của tài năng. Chàng bước dấn lên, bảo ba cậu học trò cũng bằng cái giọng xứ Nghệ ít khi được chàng sử dụng: “Xéo đi, không nước hồ sẽ thối hoắc vì thơ của các ông đấy.” Rồi chàng phá lên cười, tiếng cười sảng khoái của một ông quan võ giữa đám lính. Ba chàng học trò bám tay nhau rẽ vào một lối nhỏ.
Đêm ấy, trong ba gian nhà tranh Cổ Nguyệt Đường, Nguyễn Du đã được ăn trầu của Hồ xuân Hương. Những miếng trầu têm theo kiểu Nghệ, hơi thô, không bay bướm như trầu cánh phượng nhưng  hạt cau đỏ thắm như son. Trong cơi trầu là một bài thơ nôm viết trên tờ hoa tiên làng Bưởi:

Quả.   Này          Có    Đừng
cau   của        phải      xanh
nho  Xuân               duyên   như
nhỏ  Hương     nhau lá
miếng  đã      thì         bạc
giầu quệt     thắm      như
hôi    rồi        lại vôi. . .
       
        Nhiều năm đã trôi qua, hôm nay Nguyễn phân vân đứng trước ngõ Cổ Nguyệt Đường. Hương hoa trong vườn không thoảng mùi hương ngày trước. Chàng tưởng mình đang lạc bước vào cổng chùa.
U già ra đón chàng. Bà vẫn nhận ra Nguyễn. Trước đây, khi chàng tới ngâm vịnh với nữ sĩ, việc đầu tiên bà làm là ra ngay đầu ngõ, kéo cánh cổng khoá lại, không cho khách đến sau vào nhà. Danh tiếng cô chủ lan xa, tài tử kinh kỳ đều ghé qua nhà nàng khi họ lên Hồ Tây vãn cảnh. Nhưng bà lão biết rõ mà cũng rất lấy làm lạ, không hiểu vì sao nàng chỉ thật chân tình với mỗi ông quan võ Nguyễn Du mà ông ta lại đã có vợ rồi!
Bà lão khóc :”Cô đi làm lẽ người ta rồi ông ơi !”
Nguyễn không nói gì. Chàng đứng im như một cây trúc trên mảnh sân mọc rêu vì ít người qua lại. Chàng gầy đến nỗi như lẫn vào cây cỏ quanh mình. Chàng đang cảm nhận được qua da thịt và sờ mó tận tay nỗi đau của đời người, Của chính đời chàng và người đàn bà tài hoa mệnh bạc. Chàng khóc. Có thể ba trăm năm nữa mới có người khóc chàng. Nhưng giờ đây chàng đang khóc cho một người đàn bà, cho một mối tình. Những giọt nước mắt chắt ra từ thân thể gầy còm của chàng. Chàng nhớ đã viết tặng nàng khi hai người cùng đi hái sen ven Hồ Tây: Hoa tặng người mình sợ - Gương tặng người mình yêu... Nhưng nàng đã tặng hoa cho chàng, người mình yêu. Còn gương sen tuổi xuân của mình, nàng đưa cho người lấy nàng làm lẽ ! Nàng đã không biết sợ.
Chàng không muốn nấn ná ở ngôi nhà tranh thân thiết có tên Cổ Nguyệt Đường nữa. Chàng cũng không muốn lưu lại Thăng Long. Chàng phải về! Về với Hồng Lĩnh, sông Lam của chàng. Để làm gì ư ? Để sống. Chàng phải sống như một con người có quyền được sống. Lần đầu tiên trong đời, chàng không nghĩ tới Vua, đến mộng trung quân mà nghĩ tới bản thân mình. Chàng muốn sống như một kẻ lê dân trong thập loại chúng sinh.
Nguyễn bước ra khỏi bóng những tán cây. Nhiều năm sau, khi đặt bút viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thêm một dòng lạc thảo đề tặng Xuân Hương, người đã dạy cho chàng không biết sợ. Nhưng rồi chàng lại xoá đi ã

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét