Đào Dục Tú
Không biết còn có đất nước nào, như nước Việt , có đá đầu non tạo hình người phụ nữ bồng con chờ chồng, đá vọng phu ? Nàng Tô Thị xứ Lạng cũng như người đàn bà vô danh hóa đá đỉnh đèo trên một khúc ruột miền trung, từ xa xưa đã hóa thân trong những suy tưởng của người đời về lòng trung trinh của người phụ nữ Việt trong cảnh binh đao giặc dã và chia ly diễn ra triền miên dễ có đến ba phần tư lịch sử đất nước, kể từ thời vua Hùng lập quốc Văn Lang !
Bài thơ Vọng Phu của nhà thơ Chế Lan Viên chỉ là góp thêm một ” ý tưởng thơ” vào dòng suy tưởng hữu thủy vô chung của người Việt:
Đầu nươc đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng
Đâu chẳng sông Thương đâu chẳng Kỳ Cùng
Là tượng đá của những thời binh lửa
Nàng Vọng Phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông.
Quả là như vậy. Nàng Vọng Phu huyền thoại, nàng Vọng Phu dân gian, nàng Tô Thị xứ Lạng cùng cơ man người vợ chờ chồng trong cuộc đời thực, khi đất nước lâm vào vòng binh đao khói lửa, thù hận, chia lìa nào có khác gì nhau ở nỗi đau buồn vọng phu họ mang trong tâm suốt cả một đời người . Nàng Vọng Phu thời “Tùng tùng trống đánh ngũ liên- Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” không khác gì hàng triệu nàng Tô Thị thời “đêm nam ngày bắc” hay “đêm bắc ngày nam” đã trải nghiệm và chiêm nghiệm suốt một phần tư thế kỷ 20.
Nỗi đời , như không ít độc giả phụ nữ châu Âu đọc cuốn sách dịch “Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc” ra đời hơn nửa thế kỷ trước đã thốt lên kinh ngạc, kính phục đấy nhưng không sao hình dung được, không sao hiểu nổi chỉ riêng chi tiết “rất con người”: Người đàn bà sống “không chồng” mười mấy năm. . .
Nỗi đời thật “vô tiền khoáng hậu” đâu đã mất trong ký ức biết bao bà mẹ Việt anh hùng, biết bao người phụ nữ Việt trung hậu đảm đang việc nhà việc nước , dù thời gian “nước chẩy qua cầu” đã trên dưới nửa thế kỷ và biết bao nhiêu người trong số họ đã về cõi thiên thu! Chinh phụ ngâm không phải khúc ngâm mang nỗi sầu nhân thế của một thời nào ,” Nỗi khổ này đâu của riêng ai ” ! .
Hóa đá chờ chồng hay chờ chồng hóa đá không chỉ là cảm thức cổ xưa của người Việt từ thời ” Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt” “Bóng cờ tiếng trống xa xa- Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng” (Chinh Phụ Ngâm) mà dường như đã trở thành ý niệm nhân bản, một giá trị tinh thần siêu việt xuyên suốt thời gian:
Một mình với mây, một mình với gió
Mùa đông một mình, mùa xuân hay hạ, một mình
Người ra đi chắc gì quay lại nữa
Trên đầu non lòng đá vẫn kiên trinh
Chỉ có cánh chim khuya bay qua vai đá của nàng
Hàng vạn vành trăng hết tròn lại khuyết
Sóng gợi nhớ sóng xui quên nối tiếp
Mỗi một phút đợi chờ sâu một bể thời gian
Thơ tượng hình đá vọng phu trên mặt bể thời gian vô thủy vô chung không hình khối không mầu sắc; nhưng hình như cũng chính vì vậy mà ” tòa thiên nhiên” (chữ của cụ Nguyễn Du tả nàng Kiều. . . tắm tiên “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà- Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên “) trong tâm tưởng cứ mãi mãi ám ảnh người đời.
Trên mặt bể thời gian, những thăng trầm thế cuộc, những đổi dời bãi bể nương dâu dường như không vọng động tới nỗi cô đơn tuyệt đỉnh Vọng Phu vời vợi đầu non. Xưa và nay đời nào cũng vậy, bóng vút qua của cuộc đời trần thế, của sự sống hữu thể, hữu sinh, hữu hình là “Cánh chim khuya bay qua vai đá của nàng “. Tiếng va động cánh chim vào gió lộng trời cao như có như không, thảng thốt mơ hồ chỉ càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng tuyệt đối. Đá vọng phu, bức thông điệp tình yêu thủy chung tình yêu vĩnh cửu giữa bảo tàng thiên nhiên mới kỳ ảo làm sao ! Bức thông điệp tình yêu ấy đã được thi nhân truyền đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật:
Không hóa thạch kẻ ra đi hóa thạch kẻ đợi chờ
Xói mòn những non cao không xói mòn lòng chung thủy
Đá đứng đấy giữa mưa nguồn và chớp bể
Đợi một bóng hình trở lại giữa đơn côi
Lẽ thường kẻ ra đi là dấn thân vào thế cuộc phù trầm, chiến cuộc tử sinh đầy may rủi, trước mặt họ là thành bại khó lường. Cái bất trắc được mất nhục vinh thuộc về họ. Chỉ còn lại người thiếu phụ bồng con đi tìm chồng ,cũng có nghĩa đi tìm tình yêu và hạnh phúc trần thế, chỉ còn lòng chung thủy kiên trinh của con người hóa thạch trên đỉnh non kia là vĩnh viễn không thay đổi bất chấp thời gian dầu dãi nắng mưa cùng phong ba bão táp thừa sức bào mòn mọi hy vọng, kỳ vọng.
Thơ Chế Lan Viên ở bài này không sử dụng một thủ pháp nghệ thuật tân kỳ nào, ngoại trừ nghệ thuật đối sánh thường thấy , ví như ” Đầu nước đá ôm con cuối nước đá đợi chồng” hay “Không hóa thạch kẻ ra đi hóa thạch kẻ đợi chờ” chẳng hạn. Liên tưởng đối sánh cũng là một cách hữu hiệu làm nổi bật ý tưởng thơ ” Không hóa đá kẻ ra đi hóa đá kẻ đợi chờ” ” Xói mòn những non cao cao không xói mòn lòng chung thủy”. . .
Tứ thơ đá Vọng Phu về thân phận người vợ người mẹ người phụ nữ Việt trên quê hương xứ sở vốn hòa hiếu thanh bình vì “lịch sử chọn làm điểm tựa”, nên buộc phải gánh chịu quá nhiều cuộc trường chinh chống ngoại địch nội thù, xưa nay cũng có nhiều người viết. Nhưng quả là chỉ có đá Vọng Phu của Chế Lan Viên-người nổi tiếng thi đàn Việt từ tuổi mười sáu với tập thơ Điêu Tàn “kinh dị” (chữ Hoài Thanh chăng ? )mới thổi hồn vào đá và cho tòa thiên nhiên giữa trời một sức sống tâm linh huyền diệu như thế ,đến thế
Vọng Phu – bức thông điệp tình yêu kiên trinh thủy chung, cũng là thông điệp niềm tin hy vọng của con người ở một đất nước chinh chiến chia ly đã trở thành nỗi ám ảnh truyền kiếp suốt trường kỳ lịch sử . / .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét