Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Văn chương kể lại sự thật





Nhà văn Julian Barnes


Tiểu thuyết, về cơ bản là một hình thức hiện thực chủ nghĩa ngay cả khi nó được diễn dịch theo phương thức kỳ ảo nhất. Tiểu thuyết không thể trừu tượng như âm nhạc được. Có lẽ nếu tiểu thuyết bị ám ảnh bởi lý thuyết (như Tiểu thuyết Mới ở Pháp) hay trò chơi ngữ nghĩa (xem Finnegans Wake), nó có thể thôi không còn hiện thực nữa, nhưng như thế đồng thời nó cũng không còn thú vị nữa.
Julian Patrick Barnes (sinh 19 tháng 1 năm 1946 tại Leicester) là một nhà văn Anh đương đại độc đáo. Những đóng góp của ông đã từng được ghi nhận qua nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Somerset Maugham cho tác phẩmMetroland, Medicis Prix cho Flaubert’s Parrot và Femina Prix cho Talking It Over.

Man Booker không phải là giải thưởng xa lạ với Barnes, bởi ông đã từng được đề cử 3 lần với Flaubert’s Parrot (1984), England, England (1998) và Arthur & George (2005). Tuy nhiên, phải đến năm 2011, ông mới chính thức được vinh danh với cuốn The Sense of an Ending.

Nhân dịp The sense of Ending ra mắt độc giả Việt Nam với tên gọi Nghe mùi kết thúc (dịch giả Nghiêm Quỳnh Trang), chúng tôi xin trích dịch cuộc trò chuyện giữa Barnes và Shusha Guppy để hiểu rõ hơn những quan niệm về nghề của nhà văn Anh này. Cuộc phỏng vấn được đăng trên tạp chí The Paris Review, số Mùa Đông năm 2000, No 165.

***

* Shusha Guppy: Sartre từng viết một tiểu luận có tên Qu’est-ce que la littérature (Văn chương là gì)? Với ông, văn chương là gì?

- Barnes: Có rất nhiều câu trả lời. Nói ngắn gọn nhất, văn chương là cách tốt nhất để kể sự thật; nó là một quá trình tạo ra những lời nói dối lớn lao, đẹp đẽ, chặt chẽ, nói lên nhiều sự thật hơn bất cứ mớ dữ kiện thực tế nào. Ngoài ra, văn chương có thể là rất nhiều thứ, chẳng hạn như niềm khoái cảm trong ngôn ngữ, sự chơi với ngôn ngữ; nó cũng là một cách thức gần gũi đến kỳ lạ để giao tiếp với những người mà anh sẽ chẳng bao giờ gặp mặt. Trở thành một nhà văn mang lại cho anh ý thức về cộng đồng lịch sử, điều mà tôi thấy đang tồn tại khá yếu ớt trong con người xã hội bình thường ở nước Anh đầu thế kỷ XXI. Ví dụ, tôi chẳng hề cảm thấy bất kì mối ràng buộc đặc biệt nào với thế giới của Nữ hoàng Victoria hay với những người can dự vào Nội chiến Anh hoặc Cuộc chiến Hoa hồng, nhưng lại cảm thấy rất rõ một sự ràng buộc rất đặc biệt ở nhiều nhà văn và nghệ sĩ với những giai đoạn, những sự kiện đó.

Shusha Guppy: Ông có ngụ ý gì khi nói “văn chương kể lại sự thật”?

Barnes: Tôi nghĩ một cuốn sách vĩ đại – bỏ qua những phẩm chất khác như nghệ thuật kể chuyện, xây dựng nhân vật, phong cách v.v… – là một cuốn sách mô tả thế giới theo một cách thức chưa từng có; và người đọc nhận thấy nó đã nói lên những sự thật mới – về xã hội, hay về con đường mà đời sống tình cảm được dẫn dắt, hoặc là cả hai – những sự thật chưa từng có, chắc chắn không phải đến từ những hồ sơ pháp quy hay các văn bản chính phủ, hay từ báo chí hoặc ti vi. Ví dụ, ngay cả những người lên án Bà Bovary, cho rằng cuốn sách cần bị cấm, cũng phải công nhận sự chân thực của bức chân dung về kiểu phụ nữ ấy, trong kiểu xã hội ấy mà trước đó họ chưa từng gặp trong văn chương. Đó là lý do vì sao tiểu thuyết lại nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng ở văn chương, có một sự thành thực tối cao, mang ý nghĩa tiên phong, điều làm nên sự lớn lao của nó. Hiển nhiên điều này ở mỗi xã hội là khác nhau. Trong một xã hội áp bức, sự thật mà văn học muốn nói lên thuộc về một trật tự khác, và đôi khi nó còn được đánh giá cao hơn những thành tố khác trong một tác phẩm nghệ thuật.

S.Guppy: Văn học có thể có rất nhiều hình thức: tiểu luận, thơ ca, hư cấu, báo chí, tất cả chúng đều nỗ lực để nói lên sự thật. Ông từng là một cây bút tiểu luận và là nhà báo có tài trước khi bắt đầu viết tiểu thuyết hư cấu. Tại sao ông lại chọn văn chương hư cấu?

Barnes: Nói thành thật thì tôi nghĩ khi viết báo, tôi nói ra ít sự thật hơn là khi viết tiểu thuyết. Tôi vừa viết văn vừa viết báo và thích thú với cả hai, nhưng nói trắng ra, khi anh viết báo, công việc của anh là đơn giản hóa thế giới, khiến nó trở nên dễ hiểu ngay trong một lần đọc; còn khi sáng tác văn chương hư cấu, công việc của anh lại là phản ánh trạng thái phức tạp của thế giới một cách trọn vẹn nhất, là nói ra những điều không thể hiểu thẳng tuột như khi anh đọc những bài báo tôi viết, là tạo nên thứ mà người ta hi vọng có thể bộc lộ những lớp sâu hơn của sự thật ở lần đọc thứ hai.

S.Guppy: Metroland có tính chất tự truyện khá rõ ràng, giống như hầu hết những sáng tác đầu tay. Có phải ngay từ đầu ông đã định viết theo cách đó không?

Barnes: Tôi không chắc lắm. Tất nhiên phần đầu tiên của cuốn sách có mối liên hệ gần gũi với thời thiếu niên của tôi, đặc biệt là không gian diễn ra sự kiện và tâm lý nhân vật. Sau đấy tôi bắt đầu hư cấu và nhận ra mình có thể làm được. Phần thứ hai và thứ ba chủ yếu là hư cấu. Có một chi tiết lý thú thế này- năm năm trước, khi cuốn sách của tôi được xuất bản tại Pháp, tôi được một đoàn làm chương trình truyền hình của Pháp đưa đến một địa điểm nào đó ở phía Bắc Paris để thực hiện phỏng vấn. Họ ngồi với tôi trong công viên – tôi nghĩ chỗ đó là công viên Parc de Montsouris, ít nhất là nó cũng chả quen thuộc gì với tôi cho lắm. Thế là tôi hỏi họ, “Tại sao các anh lại phỏng vấn tôi ở đây?” và họ nói, “Vì chỗ này, theo như sách của ông, chính là nơi ông mất tân”. Đúng là kiểu Pháp! “Nhưng tôi chế ra hết đấy”, tôi trả lời, và họ rất kinh ngạc. Thật là thú vị, bởi cuốn sách khởi đầu chủ yếu bằng phương thức tự thuật, đã chuyển sang hư cấu mà chẳng có bất kỳ ai để ý đến điều đó.

S.Guppy: Chuyển sang sự hư cấu như vậy, ông hi vọng đạt tới điều gì? Ông muốn truyền đạt điều gì trong cuốn tiểu thuyết ấy?

Barnes: Metroland là câu chuyện về sự thất bại. Tôi muốn viết câu chuyện về khát vọng tuổi trẻ cuối cùng đi đến một kết cục thỏa hiệp như thế nào. Tôi muốn viết một tiểu thuyết nằm ngoài truyền thống của Balzac, nghĩa là, thay vì kết thúc với người hùng đứng trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố mà anh ta biết, hay ít nhất là tin rằng, mình sẽ chinh phục nó, cuốn sách lại kết thúc với nhân vật phi anh hùng chẳng hề chinh phục được thành phố mà chỉ có thể chấp nhận những luật lệ của thành phố đó.

Ẩn dụ trung tâm của tác phẩm là Metroland – một khu dân cư được hình thành vào thời kỳ hệ thống tàu điện ngầm phát triển vào cuối thế kỉ 19 ở London. Ý tưởng của tôi là có một đường hầm nối, và những chuyến tàu xuyên Châu Âu sẽ chay từ Manchester và Birmingham, đón khách tại London và tiếp tục đi qua những thành phố lớn của châu lục. Vậy nên vùng ngoại ô London này, nơi tôi lớn lên, đã được hình dung trong hy vọng, trong khao khát về những chân trời rộng mở, những hành trình vĩ đại. Nhưng thực tế thì hy vọng đó chưa bao giờ thành hiện thực. Đó chính là nền tảng của cuốn sách: ẩn dụ về sự tuyệt vọng của Chris, nhân vật chính trong tác phẩm, và của cả những nhân vật khác nữa về cuộc đời.

S.Guppy: Balzac không phải là hình mẫu tiểu thuyết gia mà ông hướng đến. Dường như ông phải lựa chọn giữa Balzac và Flaubert hơn là giữa Tolstoy và Dostoyevsky. Alain Robbe-Grillet không thích Balzac vì ông ấy nghĩ rằng thế giới của Balzac quá trật tự và gắn kết; trong khi thế giới của Flaubert phản ánh bản chất hỗn loạn, bất khả đoán của thế giới. Ông có cảm thấy như vậy không?

Barnes: Nếu thế giới này bị phân chia thành một bên là kiểu Balzac còn một bên là kiểu Flaubert, thì tôi thuộc về thế giới thứ hai. Một phần là bởi ở thế giới theo kiểu Flaubert, tính nghệ thuật nhiều hơn. Theo cách nào đó thì Balzac là một tiểu thuyết gia tiền hiện đại. Bà Bovary lại là tiểu thuyết đích thực đầu tiên của thời hiện đại, ý tôi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết liền mạch. Vào thế kỉ 19, rất nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là ở Anh, được xuất bản dưới hình thức truyện dài kì trên tạp chí; tác giả viết tiểu thuyết tình trạng luôn bị người của xưởng in thúc đòi bản thảo. Một tiểu thuyết Anh có phẩm chất tương tự như Bà Bovary nhưng có cấu trúc và kết cấu thô sơ hơn là cuốn Middlemarch của George Eliot. Điều này, theo tôi, là vì tác phẩm của Eliot được cấu trúc theo hình thức truyện dài kỳ. Tôi chắc rằng về khả năng mô tả xã hội thì Balzac và Flaubert hoàn toàn ngang hàng nhau. Thế nhưng, về mặt xử lý nghệ thuật (artistic control) – bao gồm khả năng kiểm soát giọng trần thuật và sử dụng hình thức đối thoại gián tiếp tự do – Flaubert là người mở ra một lối viết mới. Ông như muốn nói : “Nào, giờ thì chúng ta bắt đầu lại từ đầu”.

S.Guppy: Một hình thức mới khá thời thượng là lấy một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử và dựng lên một đài hư cấu xung quanh nó. Ví dụ như The Blue Flower [Bông hoa xanh] của Penelope Fitzgerald, dựa trên cuộc đời của Novalis, hay cuốn sách đoạt giải Prix Goncourt năm ngoái, La Bataille [Trận đánh], dựa trên trận Evleu của Napoleon. Phải chăng ông là người khởi đầu cho kiểu viết này với cuốn Flaubert’s Parrot [Con vẹt của Flaubert]?

Barnes: Hay có lẽ Flaubert mới là người mở đầu khuynh hướng này vớiSalammbô? Hay Walter Scott?…Với câu hỏi của anh, tôi muốn nói thế này: tôi không hư cấu hóa Flaubert. Tôi cố gắng tái tạo chân thực hình ảnh của ông ở mức cao nhất.

Chắc chắn tiểu thuyết dựa trên sự kiện lịch sử đang là một khuynh hướng văn học tại thời điểm này. Tuy vậy nó không phải là quá mới. John Banville đã viết về Kepler nhiều năm trước. Gần đây hơn có Peter Ackroyd viết về Chatterton, Hawksmoor và Blake. Blake Morrison vừa mới xuất bản một tiểu thuyết về Gutenberg. Tôi nghĩ sự nổi lên của khuynh hướng này một phần nhằm thỏa mãn nhu cầu “lấp chỗ trống”. Đối với người đọc phổ thông, nhiều tác phẩm lịch sử nặng tính lý thuyết và quá mức hàn lâm. Các sử gia tin vào thứ đức hạnh tưởng tượng của tự sự, nhân vật, phong cách v.v… như Simon Schama là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các sách tiểu sử cũng rất phổ biến. Đấy có lẽ là chỗ mà phần độc độc giả của thể loại văn chương phi hư cấu muốn ghé vào, thế nên các tác giả của loại tiểu thuyết tiểu sử chỉ cần lang thang ở góc phố, hi vọng cám dỗ được vài độc giả đức hạnh phá giới .

S.Guppy: Nhưng tiểu thuyết lịch sử theo kiểu truyền thống –như The King Must Die [Nhà vua phải chết] của Mary Renault, một trường hợp điển hình – vẫn bị xem là cuốn sách ba xu đấy thôi.

Barnes: Tôi nghĩ rằng đấy là bởi các tiểu thuyết lịch sử cũ, vốn luôn cố gắng để tái hiện theo kiểu mô phỏng cuộc đời và thời đại của một nhân vật, về cơ bản là bảo thủ, trong khi tiểu thuyết lịch sử kiểu mới quay về quá khứ, nhận thức một cách thận trọng những gì đã xảy ra và cố gắng tạo một liên hệ rõ ràng với độc giả của ngày hôm nay.

S.Guppy: Có phải ông định nói mình thuộc về truyền thống hiện thực chủ nghĩa?

Barnes: Tôi luôn thấy mấy cái nhãn hiệu thật vô nghĩa và khó chịu – dù thế nào đi nữa thì chúng ta cũng đã cạn kiệt những nhãn hiệu kể từ sau chủ nghĩa hậu hiện đại. Một nhà phê bình từng gọi tôi là “tiền-hậu hiện đại” – theo tôi thì nó không rõ ràng và chẳng có ích lợi gì. Tiểu thuyết, về cơ bản là một hình thức hiện thực chủ nghĩa ngay cả khi nó được diễn dịch theo phương thức kỳ ảo nhất. Tiểu thuyết không thể trừu tượng như âm nhạc được. Có lẽ nếu tiểu thuyết bị ám ảnh bởi lý thuyết (như Tiểu thuyết Mới ở Pháp) hay trò chơi ngữ nghĩa (xemFinnegans Wake), nó có thể thôi không còn hiện thực nữa, nhưng như thế đồng thời nó cũng không còn thú vị nữa.

S.Guppy: Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi về hình thức. Ông từng nói rằng sẽ cố gắng làm cho mỗi tác phẩm của mình trở nên khác biệt. Khi ông phá vỡ khuôn thước của tự sự truyền thống, tôi cảm giác ông phải thay đổi không ngừng – ông không thể cứ liên tục, nói thế nào nhỉ, tìm những nhân vật và sự kiện lịch sử mới và dựng những câu chuyện xung quanh chúng như thế được.

Barnes: Có thể chứ. Tôi nhớ hồi những năm 60, chúng tôi được một thầy giáo văn chương rất thông minh, khi đó còn trẻ tuổi, mới từ Cambridge chuyển về, dạy về Ted Hughes. Thầy tôi bảo “Tất nhiên ai cũng lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra khi Ted Hughes chẳng còn con thú nào cả để đưa vào thơ”. Chúng tôi nghĩ đấy là một câu nói dí dỏm nhất mình từng được nghe. Nhưng tất nhiên là Ted Hughes chẳng bao giờ hết những con thú cả; ông ta có thể hết những thứ khác, nhưng các con thú thì không. Nếu người ta muốn tiếp tục viết về những hình tượng lịch sử, họ luôn luôn có thể tìm thấy đối tượng của mình.

S.Guppy: Nhưng chẳng phải là ai cũng muốn thử cái gì đó mới mẻ sao?

Barnes: Mọi thứ không diễn ra như vậy. Tôi không hề cảm thấy bị sức ép vì những thứ mình đã viết trong quá khứ. Nói một cách thô thiển, tôi không cảm thấy sức ép vì mình đã viết được Flaubert’s Parrot nên nhất định mình phải viết“Tolstoy’s Gerbil” [Con chuột nhảy của Tolstoy]. Tôi không tự nhốt mình trong chiếc hộp mà chính mình tạo ra. Khi viết The Porcupine, tôi cố ý sử dụng một phương thức tự sự truyền thống bởi tôi cảm thấy bất kì mánh lới nào cũng có thể làm mạch truyện tôi đang cố gắng kể lại trở nên xao lãng. Với một nhà văn, cuốn tiểu thuyết chỉ thực sự bắt đầu khi anh ta tìm ra một hình thức tương hợp với câu chuyện. Tất nhiên chị có thể vặn lại và bảo, “Tôi tự hỏi đâu là những hình thức mới tôi có thể tìm cho cuốn tiểu thuyết của mình”, nhưng đấy là một câu hỏi rỗng cho đến khi nào ý tưởng đích thực xuất hiện; những sợi dây điện hình thức và nội dung chập vào nhau và tóe lửa. Chẳng hạn, cuốn Talking It Over nương vào một câu chuyện mà tôi được nghe năm hay sáu năm trước. Thế nhưng nó chỉ là một giai thoại, một khả năng, một ý tưởng thuần túy không hơn cho đến khi tôi cảm thấy rõ một hình thức riêng biệt cần thiết cho câu chuyện riêng biệt ấy.

S.Guppy: Có lẽ vì mối bận tâm của ông với hình thức, nhiều nhà phê bình đã so sánh ông với Nabokov và Calvino, những nhà văn chơi với hình thức để sáng tạo ra không gian văn xuôi của riêng họ. Họ có phải là những người mà ông chịu ảnh hưởng?

Barnes: Ảnh hưởng là thứ khó định nghĩa. Tôi đã đọc hầu hết sáng tác của Nabokov và một số của Calvino. Tôi có thể nói hai điều: Thứ nhất, người ta thường có khuynh hướng phủ nhận sự ảnh hưởng. Để viết cuốn tiểu thuyết như một mệnh lệnh nhất quyết của nội tâm, tôi phải vờ như nó không chỉ biệt lập khỏi mọi thứ tôi viết trước đó, mà còn biệt lập khỏi bất kì thứ gì mà bất kỳ người nào trên thế giới này đã từng viết trong lịch sử. Đấy là một sự tự dối mình kỳ quặc, một sự tự tôn thô thiển, nhưng đồng thời đó cũng là điều cần thiết để sáng tạo. Thứ hai, khi được hỏi về sự ảnh hưởng, một nhà văn có xu hướng đưa ra một danh sách các tác phẩm/tác giả mà anh ta đọc và rồi đến lượt mình, độc giả hay nhà phê bình tự quyết định xem nhà văn kia chịu ảnh hưởng ai hay cuốn sách nào. Có thể hiểu được điều này. Nhưng theo tôi, anh dường như cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một cuốn sách mà anh chưa từng đọc, bởi ý tưởng về thứ gì đấy mà anh mới chỉ nghe qua. Anh có thể bị ảnh hưởng từ nguồn thứ cấp, hay từ một nhà văn anh chẳng hề ngưỡng mộ nếu họ đang làm điều gì đó đủ táo bạo. Ví dụ, tôi có đọc vài tiểu thuyết và nghĩ, “Cuốn sách thực sự chưa tới, chưa đã” hay “Thực ra nó có phần nhạt nhẽo”; nhưng rất có thể sự thái quá hay sự táo bạo về hình thức ở đó lại gợi ý rằng một điều như thế – hoặc một biến thể của nó – trong trường hợp khác lại có thể gây được hiệu quả

S.Guppy: Ông sáng tạo những nhân vật của mình như thế nào? Họ dựa phần nhiều vào những người ông biết hoặc từng gặp, hay là ông hư cấu những nhân vật ấy ngay từ đầu? Tính cách của họ phát triển như thế nào theo mạch tự sự?

Barnes: Rất ít các nhân vật của tôi dựa trên những người tôi biết. Làm vậy thì cứng nhắc quá. Một cặp nhân vật được xây dựng nương theo những người tôi chưa từng gặp. Petkanov trong The Porcupine [Con nhím] rõ ràng có liên hệ với Todor Zhivkov, ông trùm trước đây của Bulgaria và ngài Jack Pitman trongEngland, England thì có dính dáng đến Robert Maxwell. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm hiểu con người Maxwell – nó sẽ chẳng giúp gì cho cuốn tiểu thuyết của tôi cả. Cùng lắm là ta lấy một nét ở đây và một nét ở kia, chỉ thế thôi. Có thể những nhân vật phụ – những nhân vật ngay từ đầu chỉ cần được xây dựng bằng đôi ba nét chấm phá – có thể được lấy toàn bộ từ đời thực; nhưng tôi không ý thức khi làm vậy. Sự sáng tạo nhân vật, như ta thấy ở hầu hết tác phẩm hư cấu, là một hỗn chất của cảm xúc chủ quan và sự kiểm soát khách quan. Nabokov khoe rằng ông quất vào các nhân vật của mình như lũ tù khổ sai; những tiểu thuyết gia bình dân đôi khi lại lên gân (cứ như kiểu làm vậy chứng tỏ họ là nghệ sĩ) rằng một nhân vật nào đó “chạy trốn cùng họ” hay “sống thay đời sống của chính anh ta/chị ta”. Tôi chẳng thuộc trường phái nào cả: tôi thả lỏng dây cương của mình với nhân vật, nhưng dù gì tôi vẫn giữ một dây cương.

S.Guppy: Trong tập truyện Cross Channel [Băng qua eo biển], ông già trong truyện ngắn Tunnel [Đường hầm] nói rằng để trở thành một nhà văn anh cần từ khước cuộc đời theo nghĩa nào đó. Ông có nghĩ rằng mình phải lựa chọn giữa văn chương và cuộc đời không?

Barnes: Không, tôi không nghĩ chúng ta có thể chọn lựa. “Hoặc cuộc đời hoàn hảo, hoặc là sáng tác hoàn hảo” – với tôi, đó là một tuyên ngôn làm dáng theo kiểu của William Butler Yeats. Tất nhiên nghệ sĩ có hi sinh – các chính trị gia, thợ làm phó-mát hay các bậc phụ huynh cũng thế. Nhưng nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống – làm cách nào mà nghệ sĩ có thể tồn tại nếu không ngừng đắm mình trong cái bình thường của đời sống? Vấn đề là anh có thể dấn sâu tới đâu. Flaubert từng nói nghệ sĩ nên lội vào đời sống như lội xuống biển cả vậy, nhưng chỉ là tới thắt lưng mà thôi. Một số bơi quá xa tới mức quên đi ý định ban đầu của mình là làm một nghệ sĩ. Hiển nhiên, làm một nhà văn bao gồm cả việc dành rất nhiều thời gian cho bản thân, và làm một tiểu thuyết gia đòi hỏi những thời kỳ cô độc dài hơn khi anh làm một nhà thơ hay một nhà soạn kịch. Với tiểu thuyết gia, sự dao động sáng tạo giữa cô độc và dấn thân phải diễn ra bên trong. Nhưng chẳng phải cùng lúc chúng ta vẫn, một cách thường xuyên và hàm ơn, quay trở về với hư cấu để thấy được bức tranh chân thực nhất về cuộc đời hay sao?

ĐỨC ANH trích dịch

VĨNH BIỆT THẦY HOÀNG NHƯ MAI



 GS Hoàng Như Mai đã ra đi




TS VÕ VĂN NHƠN

 Vĩnh biệt thầy, chúng em sẽ nhớ mãi đến hình ảnh của thầy, đến mái tóc nghệ sĩ, đôi mắt sáng cùng giọng ngâm thơ hào sảng, truyền cảm của thầy và đặc biệt là tấm chân tình của thầy dành cho những học trò nhỏ của mình.


Chiều nay - 27.9, tôi được tin thầy Hoàng Như Mai vừa từ trần. Biết là tin buồn rồi sẽ đến nhưng không khỏi bàng hoàng, thảng thốt bởi mới trưa thứ Ba vừa rồi vào bệnh viện thăm thầy, dù phải thở bằng máy thầy vẫn cố gắng ra dấu nhận biết...


Bàng hoàng, thảng thốt còn bởi một phần đời của tôi đã gắn bó với thầy, từ lúc học ĐH, làm khóa luận tốt nghiệp với thầy ở khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cho đến lúc được thầy hướng dẫn làm luận án tiến sĩ ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Sống chí tình với học trò


Thầy Hoàng Như Mai đã đạt được các danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp giáo dục. Thầy đã được Nhà nước phong học hàm giáo sư (GS) ở đợt sớm nhất, đã được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), huân chương Lao động hạng Nhất. Nhưng đối với học trò, thầy rất gần gũi, chí tình. GS Nguyễn Lộc trong bài phát biểu nhân dịp mừng thọ 80 tuổi của thầy (năm 1997) cũng nhấn mạnh đến cái tình dành cho nhiều thế hệ sinh viên đó của thầy: “Nhưng có lẽ vượt lên trên tất cả chính là cái tình của thầy. Thầy Hoàng Như Mai là một người sống chí tình với học trò, với bạn bè xung quanh và với cuộc sống, được học sinh hết sức quý mến”.

GS Nguyễn Lộc kể hồi còn chiến tranh, nhiều sinh viên khoa Ngữ văn được bố trí vào Nam công tác. Chuyện đi Nam lúc bấy giờ được tổ chức hết sức bí mật nhưng nhiều người trước khi đi cũng tìm mọi cách để gặp được thầy, trước là để thăm thầy, sau đó là để nhận ở thầy một lời khuyên bảo. Khi ra chiến trường rồi, họ cũng không quên viết thư về báo tin cho thầy và tâm sự cùng thầy. Những lá thư ấy bao giờ thầy cũng giữ hết sức trân trọng. Năm 1986, Trường ĐH Tổng hợp làm lễ mừng 30 năm ngày thành lập, GS Hoàng Như Mai được mời về thăm lại khoa Ngữ văn. Thầy đã xúc động làm bài thơ Trở về khoa Ngữ văn, trong đó thầy viết:

Nhớ khi Ký Phủ, Đồng Văn

Mấy phen mì độn, mấy lần đạn bom

Thầy cô, người mất người còn

Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường

Ba mươi năm, một chặng đường

Về đây có cả buồn thương vui mừng.

Lớp sinh viên chúng tôi sau năm 1975 khi được học tập, gần gũi với thầy đã cảm thấy rất rõ cái tình đó của thầy. Trong các thầy cô ngày đầu giải phóng vào Sài Gòn giảng dạy, có lẽ thầy là người nhận được nhiều thư của sinh viên nhất. Nhiều bạn do hoàn cảnh phải sống nơi xứ lạ quê người cũng viết thư liên lạc thường xuyên với thầy. Những chuyện đó hơn 30 năm sau thầy vẫn còn nhớ như in. Tôi nghĩ đó không chỉ là do thầy có trí nhớ phi thường mà còn là tấm lòng sâu nặng đối với học trò.



GS - NGND Hoàng Như Mai trong một buổi mừng thọ
tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM


Một tâm hồn nghệ sĩ

Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng, chúng tôi được học với rất nhiều thầy cô từ Hà Nội vào như Trần Đình Hượu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Hải Hà… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là thầy Hoàng Như Mai với phong thái rất nghệ sĩ của thầy. Và đặc biệt là đôi mắt rất sáng của thầy. Những bài giảng của thầy rất thuyết phục, bởi với tư cách là người trong cuộc, với giọng đọc thơ ngân rung truyền cảm, thầy đã làm chúng tôi như sống lại không khí hào sảng của buổi đầu kháng chiến chống Pháp qua cảm hứng lãng mạn anh hùng trongNgày về của Chính Hữu, Nhà tôi của Yên Thao, Tây tiến của Quang Dũng. Các nhà văn sống cùng thời với thầy như Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương... như hiện ra trước mắt chúng tôi bằng xương bằng thịt qua hồi ức của thầy. Cả Màu tím hoa sim quen thuộc của Hữu Loan cũng hấp dẫn hơn qua lời bình gan ruột của thầy.

Sau này khi tìm hiểu về cuộc đời của thầy, chúng tôi càng thấy thân thuộc hơn với thầy. Hóa ra trước cách mạng thầy cũng đã từng băn khoăn tìm kiếm lẽ yêu đời, đã một thời thấy học hành không có ích gì trong thời buổi rối ren, loạn lạc ấy nên đã bỏ ĐH Y rồi ĐH Luật để đến các Thư viện Quốc gia, Thư viện Viễn Đông bác cổ đọc sách về chủ nghĩa Mác. Và ngay sau Cách mạng Tháng Tám đã viết những cuốn như Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong xã hội tư bản, Lênin và Cách mạng Tháng 10… cho tủ sách Vỡ lòng của Nhà xuất bản Hàn Thuyên.

Chúng tôi cũng thấy thầy gần gũi với miền Nam của chúng tôi vì biết thầy đã từng cùng với các nghệ sĩ Sĩ Tiến, Đào Mộng Long, Thu Hà, Phan Ninh… thành lập đoàn kịch Độc Lập để tham gia phong trào Nam tiến sau Cách mạng Tháng Tám, đã viết vở kịch Dòng sông biên giới nói về nỗi đau chia cắt đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, vào TP.HCM công tác, thầy lại viết vở kịch Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982) để ca ngợi nhà thơ Nam Bộ Nguyễn Đình Chiểu. Thầy cũng rất yêu cải lương, đặc sản của Nam Bộ và đã viết sách nghiên cứu về cải lương, về soạn giả Trần Hữu Trang, tác giả của các vở Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt nổi tiếng.


Tận tâm trong sự nghiệp trồng người


Nhưng trước sau, sự nghiệp cả đời của thầy vẫn là nghề dạy học. Bắt đầu bằng sự nể nang bạn bè nên dạy giúp môn Văn học Việt Nam và Văn học Pháp ở Trường Trung học tư thục Đông Hải ở thị xã Hải Dương năm 1943, sau đó như một cái duyên, thầy đã gắn bó suốt đời với ngành giáo dục. Trong kháng chiến, thầy được Tỉnh hội Việt Minh tỉnh Thái Bình cử làm hiệu trưởng Trường Trung học Chuyên khoa tư thục Phan Thanh, rồi sau đó làm hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc và đã từng đưa các giáo sinh của trường sang học ở Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc).

Hòa bình lập lại, thầy đảm nhiệm chức hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp Trung ương, sau đó dạy ở khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Với giáo trình Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1960, thầy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Sau ngày giải phóng miền Nam, thầy được mời thỉnh giảng ở ĐH Văn khoa Sài Gòn và đến năm 1980 thầy về dạy ở khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM).

Đã có biết bao thế hệ sinh viên, học sinh được thầy đào tạo, nhiều người hiện đảm trách vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, nhiều người là GS ở các trường ĐH và cơ quan nghiên cứu, nhiều người trở thành các văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo có tên tuổi.

Vĩnh biệt thầy, chúng em sẽ nhớ mãi đến hình ảnh của thầy, đến mái tóc nghệ sĩ, đôi mắt sáng cùng giọng ngâm thơ hào sảng, truyền cảm của thầy và đặc biệt là tấm chân tình của thầy dành cho những học trò nhỏ của mình.

____________

(*) TS Võ Văn Nhơn là trưởng bộ môn Văn học Việt Nam, khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.


Quán bên đường







Thơ : Trang Thế Hy
Nhạc : Phạm Duy

Ngày xưa ngày xửa ngày xưa
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe mầu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ.
À a a nhớ nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học
Thèm đi học...


Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao.


Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui
Nhà em phải chăng là đây?
Dè đâu chẳng may là quán
Em bẹo hình hài đem bán...
Rồi em hỏi anh: làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi.
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau.


Bánh ngọt cùng mời ăn
Nhớ chăng củ khoai ngon
Bánh tươm vàng như nắng
Bánh này mình chưa cắn
Sao mà miệng cay đắng?
Rồi xin một nụ cười thôi
Cười ư? Anh đã vùi quên nụ cười
Thì xin vài giọt lệ rơi
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi
Trước khi từ giã hỏi nhau buồn hay là vui
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời

Yêu thương muộn màng






TRUYỆN NGẮN CỦA NGÔ THUÝ NGA



Hoài đứng bên cửa sổ, nhìn mông lung ra phía ban công, một vài ngôi sao thưa thớt, leo lét thứ ánh sáng nhòe trên không trung, không lọt nổi xuống mặt đất. Mảnh trăng mỏng the lé như ngọn lúa. Hoài nhớ da diết cái làng quê trong ký ức, nhưng hình như nó mờ nhòa quá đỗi. Mờ nhòa như ánh sáng nhỏ nhoi của mảnh trăng ngoài kia. Hoài từ bỏ nó ra đi hơn mười năm nay. Bỏ lại mảnh đất vẫn quen với tên gọi “nẻ chân chim”, Hoài thích thú khi đi lạc vào thế giới đô thị náo nhiệt, sục sôi người qua lại cứ như một lễ hội lớn ở quê nhà. Để rồi giờ đây, lại quay quắt nhớ, lại muốn trở về, chỉ để ngắm lại đồng lúa mênh mông, xanh mướt màu của bình yên. Chỉ để nói với bố mẹ một lời hối lỗi, chẳng mong được thứ tha, nhưng ít ra cũng sẽ thấy nhẹ lòng.

***

Vợ chồng Hoài ly hôn tính đến nay không biết đã bao lâu. Thời gian qua, hình như chưa khi nào Hoài cảm thấy hối hận vì quyết định của mình. Hoài là người có khát vọng. Hoài không thể cứ bó buộc ở nhà, chiếc tạp dề luôn đeo trên người, và làm việc chẳng khác nào một con ô sin. Không! Cuộc sống của Hoài không thể là như vậy. Hoài phải làm việc, phải là người phụ nữ thành đạt. Hoài phải đạt được ước mơ lớn lao của mình. Đó mới chính là con người Hoài. Vì vậy mà…Hoài chấp nhận ly thân. Đôi khi, Hoài chợt nghĩ, không biết cái gì đã gắn kết Hoài và chồng Hoài với nhau - một sự khập khiễng không giới hạn. Vợ chồng Hoài đã có với nhau một mụn con, nhưng đứa bé, Lệ Quân lại ra đời không như gia đình Hoài mong muốn. Ngày mang thai, đi siêu âm, bác sĩ cho biết là con trai. Vợ chồng Hoài, cả ba mẹ chồng nữa, đã mừng rơn. Thế nhưng, khi đứa bé chào đời lại là con gái. Cái tên Quân của con bé bây giờ cũng là tên ngày xưa ông bà nội đặt cho đứa cháu đích tôn, khi nó còn chưa chào đời. Không ai buồn đặt lại cái tên khác cho con bé. Hoài chỉ đổi tên lót từ Minh thành Lệ. Từ đó, sống với nhau thêm vài năm nữa thì vợ chồng li hôn. Chồng Hoài chuyển về ở hẳn với ba mẹ.

Giờ đây, con Hoài đã tới tuổi dậy thì. Nhưng Hoài luôn có cảm giác nó khôn trước tuổi. Lệ Quân cực thông minh, học giỏi và rất láu cá. Tính khí nó y hệt như con trai. Thích chơi những trò chơi cảm giác mạnh. Thích mày mò, tháo gỡ những vật dụng trong nhà rồi lắp lại như cũ. Rồi cũng không biết do vô tình hay do cái suy nghĩ cố hữu trong đầu Hoài, mỗi lần sắm đồ cho con bé, Hoài hay lựa những bộ đồ kiểu con gái con trai đều mặc được, nhưng hợp với con trai hơn. Không giống với những đứa trẻ khác, con gái Hoài có tính tự lập từ nhỏ. Nó không thích ngủ với ba mẹ. Và cái gì cũng thích tự làm. Những điều đó như vô hình đẩy mẹ con Hoài xa nhau hơn.

***



Ngày 15 tháng 9

Ba mẹ mình không cần mình. Ba mẹ chỉ biết cãi nhau, có bao giờ ba mẹ nghĩ đến cảm giác của mình. Mình ghét mẹ. Mình thương ba mà cũng ghét ba.

Sau này, mình nhất định sẽ không lấy chồng. Mình ghét cái cảnh cãi nhau. Mình ghét cái cảm giác làm con như mình.

Ngày 21 tháng 9

Hôm nay, mình đã rất sợ. Tự nhiên đang học thể dục, rồi mình thấy mình ra rất nhiều máu ở quần. Linh đã đưa mình về nhà bạn ý, mẹ bạn ý dẫn mình vào nhà tắm thay đồ. Lần đầu tiên mình bị ra nhiều máu đến thế, mình sắp chết rồi. Mình biết mình bị bệnh nặng lắm. Nhưng mình không dám nói với ba mẹ. Mình sợ ba mẹ lo lắng. Và mình biết nếu có nói, mẹ cũng chẳng quan tâm đến mình…

Ngày 25 tháng 9

Sao mẹ chẳng bao giờ cho mình đi du lịch? Bạn Linh vừa được đi Đà Lạt với ba mẹ mấy ngày luôn, nghe bạn ý kể mà mình thích khiếp. Mẹ bạn Linh còn tặng cho mình một giỏ hoa bất tử nữa, nhưng mẹ đã vứt chúng khi mình mang về nhà. Mẹ bảo treo mấy thứ đó lên nhà rồi ung thư mà chết. Mình không tin, cũng không sợ chết. Nhưng mình không muốn cãi lời mẹ. Mình muốn làm một người con ngoan để ba mẹ yên tâm làm việc.

Ngày 2 tháng 10

Sao mình không là con trai chứ? Nếu mình là con trai, ba mẹ, và cỏ ông bà sẽ yêu mình thật nhiều. Lâu lắm rồi mẹ chưa cho mình về thăm ông bà. Ba thì ở riết bên ấy. Nhưng mà ông bà ghét con gái lắm. Mình muốn được là con trai. Hôm nay tự nhiên mình sợ ngủ một mình. Ước gì có mẹ ngủ cùng. Mà thôi, mẹ còn công việc mà…



Hoài chết lặng trước những trang nhật ký của con gái. Cuối mỗi trang ngắn, nó đều vẽ một bông hoa hồng, phía dưới có hàng chữ: con trai Lệ Quân tặng mẹ. Hoài không ngăn được những dòng nước mắt, không biết đã muộn màng hay chưa…

***



Lệ Quân tròn xoe mắt khi nghe mẹ nói sẽ đi Đà Lạt. Nó rối rít chuẩn bị đồ đạc, rồi giục Hoài đi ngủ sớm để lấy sức. Đã lâu lắm rồi, hôm nay hai mẹ con mới gần nhau. Hoài ôm nó, vờ nhắm mắt ngủ. Dòng nước mắt Hoài bò qua thái dương và rơi hút vào tóc. Cảm giác tội lỗi vẫn bủa vây lấy Hoài, cứa vào lòng thành những vết cắt đau. Con bé trở người luôn. Hoài biết nó không ngủ được. Vì hồi hộp chuyến du lịch ngày mai. Hay vì nó thấy mẹ nó hôm nay lạ quá. Hay vì nó hạnh phúc quá, vui quá khi được mẹ quan tâm, yêu thương. Nó dụi dụi đầu vào ngực Hoài, khuôn mặt như thiên thần. Lần đầu tiên Hoài ngắm con gái mình lâu đến thế. Nhìn ra ngoài ban công, trăng rải ánh sáng rộng thênh thang. Đêm nay dường như sao cũng mọc nhiều hơn, lung linh hơn. Và Hoài nghe thấy hương thơm dìu dịu mùi thiên lý. Hoài thấy mình may mắn vì vẫn còn cảm xúc với cuộc sống đời thường, chưa bị công việc làm tật nguyền đi xúc cảm. Hoài thầm cảm ơn đứa con gái ngoan đã cho Hoài dừng lại và thở. Dừng lại và nhìn ra xung quanh mình. Để Hoài biết rằng không những công việc, tiền bạc quan trọng, mà có những thứ khác cũng quan trọng không kém. Để Hoài biết rõ hơn mình cố gắng vì cái gì. Và…để Hoài kịp dừng lại trước khi trượt dài trên con dốc xơ cứng.

***



Căn phòng không rộng, gọn gàng và được bài trí đơn giản. Nằm trên giường, mở cửa sổ, và cánh cửa phụ, mẹ con Hoài có thể quan sát những chuyển động của thiên nhiên. Sáng sớm se lạnh, hai mẹ con Hoài nằm rốn trên giường, nhìn sương rơi như mưa xuân bay lất phất ngoài trời. Thời tiết Đà Lạt như khoảnh khắc giao mùa giữa đông và xuân, vào mấy ngày tết ở miền Trung quê Hoài. Hoài ôm con bé trong lòng, tâm trí đeo đuổi dự định tết năm nay sẽ đưa cả gia đình về quê ăn tết, lòng lâng lâng hạnh phúc.

Ăn sáng xong, Lệ Quân kéo tay Hoài đòi lên Thiền Viện Trúc Lâm ở ngay bên cạnh. Hoài chiều con bé, và thú thật, tự nhiên cũng muốn lên chùa, như để lòng lắng dịu những chen đua, cạnh tranh, và cả những ma mãnh trong công việc. Tiếng chuông chùa thi thoảng vọng lại làm không khí và quang cảnh nơi đây như nhuốm màu linh thiêng. Tâm hồn con người cũng như tĩnh lặng hơn. Hoài không thể dối lòng rằng mình đang cảm thấy thanh thản hơn, lòng bình yên hơn.

- Con đã cầu xin gì thế, nói mẹ nghe được không?

- Con không cầu gì cả, chỉ để tiếng chuông vọng vào trong đầu thôi.

Hoài nhìn con bé ngạc nhiên. “Con muốn ngày nào cũng được lên chùa nghe tiếng chuông. Mỗi lúc như thế, con thấy lòng bình lặng và không suy nghĩ gì cả. Con muốn sau này…”- Lệ Quân để lửng câu nói, lo lắng đưa mắt nhìn Hoài.

Bất giác, một cảm giác lo sợ mơ hồ ôm riết lấy suy nghĩ của Hoài. Dòng nhật ký hôm nào của con bé lại hiện lên rõ rệt. Sau này, nhất định mình sẽ đi tu. Mình biết là ba mẹ sẽ buồn, nhưng rồi một lúc nào đó, ba mẹ sẽ chấp thuận mong ước của mình. Mình tin giấc mơ luôn lặp lại của mình là đúng.

Hoài muốn ôm con bé vào lòng. Đã quá muộn chưa cho một người mẹ vô tâm, vô trách nhiệm như Hoài? Và đã quá muộn chưa để Hoài nhận ra và níu kéo yêu thương sắp vượt quá tầm tay? Hoài nhìn con bé, vẫn cái phong cách con trai không thay đổi ấy, chiếc áo thun, chiếc áo khoác buông không cài khóa bên ngoài, chiếc quần jean rộng, đôi dày thể thao đầy cá tính. Hoài lại nhìn nhanh xuống mặt hồ đằng kia. Mặt hồ một màu xanh biếc, vẫn yên ả trôi. Xung quanh cũng một màu xanh biếc, lặng yên đứng. Trên ngọn đồi, lớp sương đang tan dần như làn khói lam chiều bốc ra trên mái nhà tranh lấm tấm đen ở quê nhà…

PHÍA CHÂN TRỜI. MỘT CHẤM



mình cứ lang thang mình

treo mình lên xà nhà
bóng dài trên đất
những con nhện giăng tơ bóng tối
cơn mưa náo nhiệt ào qua

thấy mình như một gã chiên
nhờ người chăn như chăn kiến
cái vòng tròn hư ảo
suốt một đời đụng râu vào
rồi quay lui

con đường ổ trâu ổ gà
vệt bánh xe nham nhở
gù ghì như dã thú
người với người với người song đôi

với tay là chạm mây trời
sự thật ngay dưới chân đụng hoài không tới
may còn có em
thật hơn mặt đất
tiếng thở dài méo đêm…

đi tìm những vùng chân lý
gặp hỗn mang quá khứ
mình cứ lang thang mình
lang thang cả tầng sâu ký ức
vọng về cơn xanh nhạt nhòa…

còn chấm đen phía chân trời

phía chân trời
một chấm…

Văn Công Hùng

PHỐ TRÔI NGHIÊNG VỀ PHÍA NGÀY MƯA





Phố những ngày mưa
Người vẫn đi về qua phố
Những vòng xe hối hả, lặng thinh
Phố thênh thang không nhớ nổi nụ cười.
Phố những ngày mưa
Trời vào Thu nồng nàn hương hoa sữa
Những "con đường có lá me bay"
Người yêu nhau nên phố cũng dịu dàng.

Vào Thu. Phố nơi em không ngớt những cơn mưa. Những hàng cây rũ buồn bên phố, gió như roi quất vào da thịt. Phố vào Thu, mênh mang trong lòng, mênh mang cùng phố. Nếu chỉ có bước chân em thì có lẽ phố buồn đến rũ rượi, bởi những bước chân vô định, bởi những lo toan nên thấy trống vắng, phố như không người, hối hả, ngược xuôi...

Sáng nay, em gặp đôi tình nhân trên phố. Họ yêu nhau, họ đón đưa nhau. Nhìn vào họ mà phố bớt quạnh hiu. Em chợt nghĩ, nơi thành phố anh đang ở, sẽ có những con đường thật đẹp, trời vào Thu cũng trong xanh hơn, ở nơi đó, chắc hẳn có nhiều đôi tình nhân đón đưa nhau!? Nơi anh ở, phố có dịu dàng!?

Phải rồi, nếu tình yêu được trao và được nhận thì cuộc sống cũng đẹp hơn nhiều, phố sẽ rộn ràng, mùa Thu cũng sẽ ngát hương hoa! Em vẫn trao đi những nồng nàn vốn có, vậy mà, sao phố vẫn cô đơn?!

Phố những ngày mưa! Nơi em, phố trôi nghiêng, nỗi nhớ cũng trôi nghiêng... phía anh không đợi! Anh có về qua phố sáng nay!?

Anh có về qua phố sáng nay
Có gọi tên em nồng nàn nỗi nhớ?
Anh có gặp đôi tình nhân trên phố
Nhớ đến em... da diết một nụ cười!...


Vũ Viễn Thanh

Nhiếp ảnh- Vũ Anh Thư


Dấu chấm hỏi




Người đàn ông già



Một góc London



Vũ Anh Thư


Tuổi trẻ tôi là hạt mầm xanh đang ươm trong vườn nắng chan hòa rực rỡ. Tôi muốn tự do chọn hướng tương lai của mình. Tôi có thói quen hay hoài bão – bay xa tiến về phía trước.. Nơi đó là chân trời kiến thức vô bờ tỏa sáng. Tôi tìm niềm vui không thể thiếu khi chính tôi tự tin - suy nghĩ lại những khoảnh khắc qua, mọi hình ảnh chính kiến xảy ra. Tôi muốn ghi lại giây phút ấy...Và nhiếp ảnh chính là điều thú vị nhất.
Vũ Anh Thư
( Trích nhật ký sáng tác)

NƠI TRÚ ẨN AN TOÀN


Một người vì quá sợ hãi đã quyết định đào một cái hố nhảy xuống để trốn. Ban đầu chỉ là một cái lỗ nhỏ đủ cho y giấu hai tay mình cốt không ai biết y làm gì. Sau đó là một cái hốc lớn vùi hai chân để không ai thấy y đi đâu. Vẫn chưa an toàn. Y quyết định chôn toàn thân. Đất phủ rào rào lên mặt y. Thân thể y đã lọt thỏm bất động dưới cái hố.
Nhưng nỗi sợ hãi cứ tiếp tục dâng lên. Y thấy một họng súng vô hình đang ngắm vào giữa trán và đỉnh ót y. Thế là y quyết định chôn luôn gương mặt. Đất xé ào ào, từ từ ngập lên cổ, lên cằm, lên miệng, lên mũi và lên mắt. Rồi y không còn nhìn thấy. Cả người y khuất vùi trong lòng đất.
Nhưng khi đã ở trong đất, y vẫn không hết sợ. Y tiếp tục đào loằng ngoằng những đường hầm liên thông ngoắt ngoéo để chạy trốn. Y đào đến đâu nỗi sợ hãi theo ngự trị đến đó. Không bao giờ y thoát ra phía bên trên hay bên ngoài nó cả.
Khi y chết bạn bè chỉ biết và chỉ thấy một miệng hố sâu thăm thẳm nơi y bắt đầu đào xuống. Nhưng không ai đủ cam đảm thử thách độ sâu của cái hố sợ hãi để xác định biết y đang nằm ở cái ngách nào trong cái hố của mình mà móc xác y lên.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

BỤI TRÍ THỨC, BỤI VỈA HÈ






Bà giả bán quạt - Bút sắt vỉa hè của họa sĩ Phan Ngọc Minh


Không biết từ bao giờ, ngạn ngữ hiện đại có câu “Bụi trí thức, bụi vỉa hè”. Trí thức mà lại so sánh với vỉa hè ư?

Thực ra không phải vậy! “Trí thức bụi” có nghĩa trí thức… dễ hòa nhập. Trí thức không sa-lông, kính cận, có thể đi làm bằng xe hơi nhưng vẫn cà phê ở… vỉa hè vì thích không khí “văn nghệ quần chúng” ở đây. Cũng có nhiều trí thức, đặc biệt là văn nghệ sĩ, mặc quần jeans, áo pun, mũ nồi trông hầm hố… bụi bặm hết sức! Nhìn bề ngoài kẻ không biết có thể kết luận “bụi quá”, “phủi quá”. Nhưng tài năng và tri thức của “anh bụi” đó nếu người biết chuyện thì đã phải tâm phục khẩu phục. Như vậy, hình như xoay câu nói trên thì anh trí thức nào đó vẫn muốn cộng vào mình một chút ít bình dị, dân dã. Nói cách khác, "tính vỉa hè", "tính bụi" ở đây cũng giống như hai món ăn quen và ghiền: mắm tôm, cá kho. Với hai món này, từ hạ đẳng đến thượng lưu cỡ nào cũng dùng được!

Nhưng ở cái câu ngỡ “trí thức = bụi” đó theo tôi còn tồn lưu một nghĩa khác. Nghĩa này cần một cái "nhìn nghiêng" mới thấm được chất ý vị. Đó là "bụi" mà "không bụi" hay "chưa hẳn bụi". Vẫn còn chút gì như phẩm giá, lương tri, trung can của "cái bụi". Những hạt bụi ý thức được phận mình trong tương quan nhân sinh - trời đất. Vẫn muốn sống ngay thẳng và cương cường. Ví dụ trên vỉa hè thi thoảng ta vẫn gặp một thùng nước đá mát lạnh của một chị tiểu thương để bên đường cho những người cơ nhỡ, nắng rát ban trưa đến uống. Hay những bữa cơm độ nhật cho người qua đường rát mặt mưu sinh cơm áo. Một em bé bán vé số cương quyết gửi thối lại cho khách bởi "đói cho sạch, rách cho thơm". Tuyệt đối không nhận của “bố thí” vì chưa bao giờ “hạt bụi” đó là kẻ ăn xin.

Cũng có những tấm gương người tốt việc tốt ẩn dòng đời xuất hiện khi “giữa đường gặp việc bất bằng chẳng tha”. Những “bụi vỉa hè” như thế làm cuộc sống đáng yêu hơn, đáng sống hơn. Và khi cộng chất “trí thức” vào ấy như cộng vào một thái độ, một bản lĩnh. Không phân biệt nghèo hèn, sang cả.

Tôi cũng đã từng gặp trên vỉa hè Hà Nội một bác cắt tóc là kho chuyện kể từ "đêm trước bao cấp" qua "đổi mới". Ở Hội An, một ông già bán nước chè ngồi bên hè phố cổ gần suốt cuộc đời mình như một chứng nhân năm tháng. Bao nhiêu bức ảnh của ông cùng gánh nước của mình chu du khắp thế giới còn cụ thì chưa bao giờ rời lề vỉa hè của mình.

Họa sĩ Phan Ngọc Minh kể cho tôi nghe những chuyến đi vẽ vỉa hè của ông. Gần như ông say mê trước những "nghệ nhân lam lũ" khi họ say mê làm việc mưu sinh trên vỉa hè. Đó là một anh thương binh vá xe đạp, bác gánh hàng rong, người đàn bà và những con tò he bằng đất sét, chị gái quẩy gánh cá rong ruổi về chợ...Nghệ thuật đôi khi ẩn sâu trong dáng vẻ tất bật và lam lũ. Dưới con mắt biết khám phá, đôi khi "vỉa hè" đẹp như một sáng tạo mới của... thượng đế!

Nhưng rồi cũng có những kẻ nhân danh trí thức nhưng trình độ là vỉa hè, là bằng cấp giả, là "bụi thật". Bởi thế mới xuất phát thêm câu “lưu manh giả danh trí thức”. Ôi là cái ngạn ngữ hiện đại. Nó phù du, tếu táo nhưng thâm thúy, độc địa. Cứ trúng là trúng phăm phắp. Không sơ xuyển, không sai, không trốn đi đâu được cả. Bởi vậy mới biết nhân gian là những nhà thơ vĩ đại!...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

BÀI HỒNG







Có lúc nước mắt hiếm
Như sa mạc
ngụm cuối cùng

Khi hai bờ môi nẻ khô vực thẳm
Những chiếc răng mộ bia dựng sẵn

Trắng góc trời
chờ tới lượt

Ta gọi tên mình
Lưỡi chết
Cứ bật nhầm tên ai đó...

Thì ra Em
Đóa hồng úa
Phơi cánh rã

Mười năm...
Hai mươi...
Ba mươi năm...

Mới chết
Trên ngực
Đêm qua...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

GIẢI MÃ CHUYỆN NGƯỜI SÀI GÒN LÀM TỪ THIỆN




“Ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện, trong khi ở TPHCM, tỷ lệ này lên tới 66%”.

Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa lâu năm, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM) đã có những chia sẻ thú vị về văn hóa từ thiện của người Sài Gòn.

Xuất phát từ tính cách truyền thống của người Việt vùng Nam Bộ

Giáo sư có thể chia sẻ cảm nhận chung của mình về các hoạt động từ thiện tại TP.HCM?
Tôi thấy hoạt động từ thiện tại Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng nổi trội hơn hẳn so với khu vực phía Bắc cả về quy mô, mức độ và có những nét đặc trưng riêng rõ rệt. Điều này không chỉ thấy qua cảm nhận của nhiều người, mà còn được khẳng định bằng những số liệu điều tra. Nghiên cứu “Đóng góp từ thiện tại Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương ở Hà Nội thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Châu Á gần đây cho thấy tại thời điểm khảo sát, ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp đang tham gia ít nhất vào một hoạt động từ thiện, trong khi ở TP.HCM tỷ lệ này lên tới 66%. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt động từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 - 9 lần so với các doanh nghiệp ở Hà Nội.



Giáo sư Trần Ngọc Thêm: “Vì có nguồn gốc từ những tính cách văn hóa như trọng nghĩa, hào hiệp, bao dung nên người Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng thường không hay tính toán”.

Theo Giáo sư, các hoạt động thiện nguyện tại TP.HCM xuất phát từ những yếu tố nào?

Theo tôi, những hoạt động này xuất phát từ những đặc trưng tính cách của người Nam Bộ. Trong cuốn sách “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” xuất bản gần đây, tôi đã chỉ ra rằng, do Nam Bộ vốn là một vùng đất giàu có, điều kiện tự nhiên phong phú, thời tiết không biến động nhiều nên người Nam Bộ không phải tích cốc phòng cơ, không phải quá lo lắng về miếng ăn chỗ ở, khác hẳn với vùng đồng bằng sông Hồng, nơi có thời tiết khí hậu thất thường, lại thêm đất chật người đông. Ngay từ cách đây ba thế kỷ, tổ tiên của người Việt ở Nam Bộ, vốn đều là những di dân từ miền Trung, cho nên dù không quen biết nhau, nhưng ra đường họ vẫn tự nguyện giúp đỡ và bao bọc nhau ở nơi xứ người. Khi dân số đông lên, người Nam Bộ cũng không cần phải sống co cụm thành làng xã khép kín như ở miền Bắc, họ rất dễ di chuyển, dễ thay đổi chỗ ở, do vậy mà vẫn duy trì đức tính hào hiệp tương trợ giúp đỡ bất kỳ ai gặp khó khăn.

Từ những điều kiện tự nhiên và xã hội đó đã hình thành nên tính trọng nghĩa, tính hào hiệp, tính bao dung, tính mở thoáng như những đặc trưng tính cách của người Việt vùng Tây Nam Bộ. Tinh thần trọng nghĩa khinh tài thể hiện rất rõ qua “Lục Vân Tiên” của cụ Nguyễn Đình Chiểu, qua hàng loạt tiểu thuyết phong tục và thế sự của Hồ Biểu Chánh… Chỉ ở Tây Nam Bộ mới có truyền thống để những lu nước và những chiếc gáo ven đường cho khách bộ hành uống đỡ khát; để những bó lá dừa khô nhỏ trước ngõ cho người đi đêm hết đuốc lấy thắp sáng lối đi…

Các phong trào xóa đói giảm nghèo, làm nhà tình thương, xây nhà tình nghĩa… xuất phát từ Nam Bộ thời gian qua; văn hóa hoạt động từ thiện ở TP.HCM hiện nay chính là sự phát triển tất yếu từ những tính cách truyền thống của người Việt vùng Nam Bộ.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, cũng xuất hiện một bộ phận làm từ thiện để thông qua đó đánh bóng tên tuổi mình, quảng cáo cho công ty của mình. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng ở TP.HCM, những trường hợp này không nhiều.



Nhiều mảnh đời cần được giúp đỡ tại Sài Gòn

Không chỉ là chuyện “con cá” với “cần câu”

Văn hóa hoạt động từ thiện ở TP.HCM có những biểu hiện như thế nào, thưa ông?

Biểu hiện như thế nào ư? Rất đa dạng. Từ những thùng trà đá miễn phí ven đường, những nồi cháo từ thiện trong các bệnh viện, những bữa cơm chay từ thiện, những quán cơm giá rẻ ở rải rác nhiều nơi cho đến những bộ quần áo, những cuốn sách, những ngôi nhà, những trại trẻ mồ côi, những lớp học chữ, những lớp học nghề…

Vì có nguồn gốc từ những tính cách văn hóa như trọng nghĩa, hào hiệp, bao dung nên người Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng thường không hay tính toán. Đặc tính của người Nam Bộ là cái gì không đáng lấy tiền thì giúp luôn. Ví dụ như khi vào một cửa hàng dịch vụ nào đó ở TP.HCM, những cái lặt vặt họ không tính tiền, dù mình có nài nỉ họ cũng không lấy. Người bất hạnh, người lạ, thường được giúp đỡ tận tình.

Gần đây, dư luận đang ồn ào quanh mô hình cơm từ thiện có mức giá 2.000 đồng. Có người nói rằng đây chỉ là “con cá” chứ không phải là “cần câu”. Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ, hoạt động từ thiện cần phải rất đa dạng để đáp ứng những nhu cầu đa dạng khác nhau. Với những người khỏe mạnh, có sức vóc nhưng chưa có công ăn việc làm thì cái họ cần là việc làm. Ở TP.HCM đã có không ít các lớp dạy nghề, dạy chữ được mở ra để trao cho họ cái “cần câu”; có những doanh nghiệp, công ty tư nhân sẵn sàng giúp đỡ bằng cách nhận vào làm việc hoặc giới thiệu việc làm. Có những doanh nghiệp giúp luôn cả chỗ ở, bữa ăn.

Với những người có việc làm rồi nhưng thu nhập không cao, họ phải dè xẻn chi tiêu thì những bữa cơm với mức giá 2.000 đồng có thể giúp họ tiết kiệm được thêm chút ít để chi tiêu vào việc khác hoặc gửi về giúp người thân.

Với những người không nơi nương tựa lại rơi vào cảnh ốm đau, cái họ cần là “con cá” chứ không phải “cần câu”. Hoặc với những người gặp tai nạn bất ngờ, gặp thiên tai, lũ lụt…, trong phút chốc mất trắng tất cả, cái người ta cần ngay tức thì là manh áo, gói mỳ. Khi bão qua rồi thì việc giúp dựng lại nhà, cung cấp cho họ dụng cụ để lao động mới là cấp thiết.

Như thế, vấn đề không phải là lựa chọn cứng nhắc “con cá” hay “cần câu”, mà là mọi thứ cần phải đúng lúc, đúng chỗ. Chỉ có đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ thì hoạt động từ thiện mới đem lại hiệu quả thiết thực.



“Nói cơm 2.000 đồng hay những hoạt động từ thiện khác khiến người ngoại tỉnh ỷ lại là không đúng” - Giáo sư Trần Ngọc Thêm (Ảnh: Thanh Phương)

Giáo sư có nghĩ rằng các hoạt động từ thiện tại Sài Gòn nói chung và mô hình cơm 2.000 đồng nói riêng có thể khiến cho dân ngoại tỉnh ỷ lại không?

Tôi nghĩ cơm 2.000 đồng là một mô hình hiệu quả vì những người tổ chức đã tính toán kỹ: họ không cung cấp cả 3 bữa cơm trong một ngày, cả 7 ngày trong một tuần. Một tuần chỉ có 3 bữa cơm 2.000 đồng vào những ngày nhất định (như thứ 2 - 4 - 6). Thành ra kẻ muốn lợi dụng cũng khó có thể lợi dụng được. Những bữa cơm như thế giúp người nghèo cảm thấy ấm lòng và tin tưởng hơn vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, giúp họ thêm tinh thần và nghị lực để sống, để làm việc.

Nói cơm 2.000 đồng hay những hoạt động từ thiện khác khiến người ngoại tỉnh ỷ lại là không đúng. Bởi lẽ, dân ngoại tỉnh nhìn chung là những người có ý chí. Họ đến thành phố thường là với mục đích để kiếm tiền gửi về quê giúp gia đình chứ không phải đến vì bữa cơm 2.000 đồng. Những quán cơm xã hội này không làm thay đổi số lượng của dân nhập cư. Trước đó, họ vẫn tìm vào thành phố để mưu sinh. Hiện nay vẫn có rất nhiều người nhập cư không biết có những quán cơm được trợ giá trong thành phố.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện

Giáo sư nhận thấy hoạt động từ thiện tại TP.HCM còn vướng phải khuyết điểm nào?

Tôi thấy bên cạnh những hoạt động thiện nguyện rất có ý nghĩa, song cũng có một số nhỏ lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để mưu lợi cho bản thân.

Ví dụ, một người đứng ra nấu một nồi cháo từ thiện, sau đó nhờ sinh viên tình nguyện mang vào bệnh viện để phát cho mọi người. Khi hoạt động này lớn mạnh thì sẽ có các mạnh thường quân muốn hỗ trợ, vì có nhiều người muốn làm từ thiện nhưng do bận việc nên không thể tham gia trực tiếp được. Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng người nhận tiền đóng góp của các mạnh thường quân để trực tiếp đứng ra làm từ thiện có thể trục lợi. Thực hư thế nào không rõ, cách làm này tạo nên những ngờ vực không đáng có. Việc đóng góp “hòm công đức” ở nhiều nơi cũng rơi vào tình trạng như vậy.



Nhóm từ thiện đến phát cháo cho người vô gia cư

Vậy theo Giáo sư làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Chúng ta nên chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện. Cần có những quy chế và luật định. Nhà nước cần ban hành những quy định chặt chẽ để bắt buộc các tổ chức từ thiện phải minh bạch và công khai số tiền đóng góp của các mạnh thường quân cũng như những khoản thu chi trong quá trình hoạt động của mình.

Làm được như vậy thì mạnh thường quân và người dân mới không nghi ngờ. Chẳng hạn, khi bắt buộc công khai tên và số tiền đóng góp, nếu một mạnh thường quân nào không thấy tên họ xuất hiện đúng với số tiền đã đóng góp thì họ có thể sẽ lên tiếng hoặc sau đó sẽ không tiếp tục đóng góp vào địa chỉ này nữa.

Điều cuối cùng mà Giáo sư muốn chia sẻ về các hoạt động từ thiện tại TP.HCM là gì?
Về cơ bản các hoạt động từ thiện tại TP.HCM đang đi đúng hướng. Những đức tính tốt đẹp của người Nam Bộ cần được duy trì, những phẩm chất tốt đẹp của con người cần được phát huy. Những mô hình như “Hiệp sĩ đường phố” xuất hiện ở Bình Dương và TP.HCM (cũng là một dạng từ thiện – từ thiện bằng xương máu) cần được nhân rộng. Có rất nhiều mô hình từ thiện có ý nghĩa khác đang nảy sinh và trở thành phổ biến. Song cũng có thể có những hoạt động không đúng hướng gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Vì vậy, cần có Nhà nước can thiệp và định hướng để những hoạt động thiện nguyện được khuyến khích nhiều hơn, được lan tỏa và thu hút nhiều người hơn cùng tham gia.

Minh Vương

DÂN CHỦ “ ĐA NGUYÊN BA SỌC “ CỦA ĐỖ THÁI NHIÊN



xichloviet
Tôi chẳng biết Đỗ Thái Nhiên là ai cho đến khi đọc được bài viết về “bất tuân dân sự” của y và tôi có ấn tượng ngay với tay này.

Ấn tượng không phải bởi cái cái lý luận cùn luôn hướng vào cái đích chống cộng bằng mọi giá của y, ấn tượng không phải vì y có đặc điểm chống cộng nổi bật gì so với những tay tự nhận là trí thức ba sọc khác, mà ấn tượng bởi ngạc nhiên vì cái ngu dốt và hoang tưởng khó hiểu của một tay chống cộng chuyên nghiệp, là trí thức cờ vàng.

Trong bài viết về bất tuân dân sự, Đỗ Thái Nhiên (ĐTN) dẫn ra ý tưởng của một người Mỹ tên Henry David Thoreau viết ra trong luận án Civil Disobedience từ năm 1849 mô tả việc chống lại chính quyền nhưng trong phạm vi luật pháp, để ca tụng lời kêu gọi “ bất tuân dân sự” của Thích Quảng Độ, một thầy chùa ham hố quyền lực và thích làm chính trị đang bị quản chế tại VN.

Không cần biết bối cảnh và luật pháp VN, không cần biết cái uy tín của “lời kêu gọi “ đến đâu, chỉ cần phát hiện ra hơi hám tư tưởng của một người Mỹ là Đỗ Thái Nhiên vồ lấy mặc nhiên xem đó là khuôn vàng thước ngọc và viết một bài đưa Thích Quảng Độ lên trời xanh.

Y viết : “Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ tích cực làm cho lịch sử Việt Nam hạnh thông bằng một chương trình hành động xây dựng trên hai yếu tố: Thế hành động và lực hành động” “ ….. Bất Tuân Dân Sự là một công trình tim óc tuyệt hảo được Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ mang cống hiến cho dòng sử Việt trong thời kỳ đất nước lâm nguy. “

Lời kêu gọi “bất tuân dân sự “ của Thích Quảng độ cụ thể là : Kêu gọi đồng bào cả nước trong suốt tháng 5/2009 thực hiện như sau :

- Đồng bào Quốc Nội: biểu tình tại gia, công nhân đình công, thương buôn bãi thị, sinh viên, học sinh bãi khóa…
- Đồng bào Quốc Ngoại: ngưng du lịch Việt Nam, ngưng gửi tiền về Việt Nam, ngoại trừ trường hợp khó khăn khẩn cấp.


Nếu thực hiện đúng theo lời kêu gọi của Thích Quảng Độ thì CS sẽ tự sụp đổ trong vòng 1 tháng mà không cần đến những biện pháp nào.

Đỗ Thái Nhiên đã vuốt đuôi Thích Quảng Độ bằng một bài viết dài và khẳng định “bất tuân dân sự sẽ thắng”:

“ …….Không thể có thắng lợi nếu không có ý chí phản kháng. Ý chí phản kháng là dấu hiệu mạnh mẽ nhất, cao cấp nhất của nhân cách. Ba suy nghĩ vừa trình bày là sự khẳng quyết Bất Tuân Dân Sự sẽ thắng. Bất Tuân Dân Sự là một công trình tim óc tuyệt hảo được Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ mang cống hiến cho dòng sử Việt trong thời kỳ đất nước lâm nguy. (trích bài bất tuân dân sự của ĐTN)

Không hiểu trong đầu của Đỗ Thái Nhiên, cái lý trí nó nằm ở đâu để cho ba cái sọc nó đè vào sợi dây thần kinh suy luận, cho nên y mới có thể viết lên được những điều hoang tưởng chính trị để bốc thơm Thích Quảng Độ trơ tráo đến như thế. Ý tưởng này chỉ có thể so sanh với ý tưởng “cách mạng đua xe” của tên võ biền tâm thần của Lỹ Tống mà thôi.

Hội chứng hoang tưởng cờ vàng không chỉ nằm trong đầu những kẻ mù quáng a dua chống cộng điên cuồng mà nó nhiễm cả vào giới trí thức cờ vàng chuyên nghề kích động như Đỗ Thái Nhiên.

Đọc một số bài biết của Đỗ Thái Nhiên ai cũng nhận thấy tay này là tay chống cộng sa lông có tư tưởng chống cộng chết bỏ, chống cộng lấy được, cho nên rất khéo dùng môi mép và ra sức sưu tầm những liều kích thích để “thuốc” những người thích khẩu vị cờ vàng.

Mới đây sau buổi họp hạ mình trần tình thành khẩn tha thiết “nhận lỗi” vô cùng hèn nhát của bộ sậu báo Người Việt, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Etcetera, Đỗ Thái Nhiên đã liên tục cổ vũ cho cái mà y gọi là “dân chủ đa nguyên không chấp nhận CS” để biện minh cho những thế lực cờ vàng đang áp lực lên tờ báo Người Việt buộc tờ báo này phải đi đúng lề và xác định “lằn ranh ba sọc” mà cờ vàng đã vạch ra.

Bài viết dưới đây ghi lại cuộc phỏng vấn để mọi người nhận xét cái tư tưởng và kiến thức của một “luật sư” cờ vàng nó như thế nào. Những chữ in nghiêng là bình luận và chú thích của XLV.

Xem video tại đây

Etcetera: Thưa ông Đỗ Thái Nhiên, ông đến tham gia nhưng ông không nêu ý kiến cá nhân lên cái buổi hội luận rất là đặc biệt ngày hôm nay. Xin ông cho biết sắp tới ông sẽ làm việc gì để bày tỏ suy nghĩ về vấn đề này?

ĐTN: Sắp tới tôi sẽ viết 1 bài vừa thuật lại cái phiên họp hôm nay của báo Người Việt vừa nói lên cảm nghĩ riêng của tôi. Cái cảm nghĩ quan trọng nhất là chúng ta đang đấu tranh cho dân chủ đa nguyên chúng ta phải hiểu biết rạch ròi thế nào là đa nguyên. Đa nguyên ở đây không có nghĩa là trung lập giữa thiện và ác , đa nguyên ở đây không có nghĩa trắng với đen trộn với nhau, đa nguyên ở đây phải là đa nguyên sinh hoạt trên căn bản lương hảo của người dân. Cho nên đa nguyên là đa ý kiến đa tư tưởng nhưng mà những tư tưởng đó phải là ý kiến lương hảo, chứ không phải ý kiến lương hảo pha trộn với tư tưởng trộm cướp trắng đen mà bảo như vậy là đa nguyên.

Đỗ Thái Nhiên muốn dạy cho mọi người hiểu thế nào là đa nguyên theo tiêu chuẩn cờ vàng. Y có ý giải thích gán ghép rằng phải đa nguyên mới là dân chủ, theo y, đa nguyên là đa tư tưởng đa ý kiến, nhưng Đỗ Thái Nhiên lại ra điều kiện ý kiến đó phải ”lương hảo “ theo đúng tiêu chuẩn ba sọc đã đề ra mới được.

Etcetera : Như vậy thì thưa ông ĐTN ông nghĩ sao về ý kiến của ông Nguyễn Gia Kiểng nó có vẻ đối lập lại với ý kiến của ý kiến của Song Hào hai ý kiến nó hoàn toàn trái ngược nhau ông có cho đó là đa nguyên hay không?

ĐTN: (phút 1.54 tỏ ra lúng túng ấm ớ rõ rệt ) Ô thì nếu… nếu… nếu …nếu… nếu … nếu (cà lăm tới 6 chữ nếu ) đa nguyên về mặt chính trị hiện nay thì rõ ràng đảng CS đã phạm quá nhiều tội ác với dân tộc VN đảng CS đã bị dư luận ghi nhận là tàn ác với quần chúng và thấp hèn với ngoại bang, với giặc, thì đó CS không thể nào là một nguyên trong sinh hoạt dân chủ đa nguyên.

Câu hỏi độc như nọc rắn hổ của Etcetera làm cho ĐTN ú ớ đến nghẹn họng phải cà lăm đến 6 chữ “nếu” mới phọt ra được ý tưởng nói lên bản chất của y như là một phản xạ hoang dã. Đối với y thì “đa” nhưng không được phép có “nguyên CS” . Nhưng chắc chắn phải có “nguyên cờ vàng” ( vì cờ vàng “lương hảo” phải không Đỗ Thái Nhiên? . )

Etcetera : Ông là 1 luật sư đồng thời ông có rất nhiều bài viết để phê bình bình luận nói chung. Trên diễn đàn của trang mạng nói chung có rất nhiều ý kiến phổ biến bên này hoặc bên khác . Trong trường hợp báo NV cũng phổ biến ý kiến của ông và ý kiến của người khác thì ông có muốn nghe những ý kiến khác của ông hay không?

ĐTN: Tôi lắng nghe mỗi ý kiến nhưng ý kiến nào bên vực cho tội ác thì tôi nghe và không chấp nhận.

Khỏi nói ai cũng biết y trả lời như thế nào, dân cờ vàng chuyên nghề chống cộng như Đỗ Thái Nhiên thì bất cứ ý kiến nào “có lợi cho CS” sẽ là “bênh vực tội ác. Mà cứ nói ngược với ý tưởng cờ vàng là có lợi cho CS rồi, thế nên Đỗ Tất Nhiên “không thể chấp nhận” chẳng có gì lạ .

Etcetera : Và ông phản biện lại?

ĐTN : Dạ

Etcetera : Và ông cần một diễn đàn để mà đăng hai cái đó để ông có cơ hội phản biện lại hay không ?

ĐTN: Tôi… tôi… tôi… tôi ( Lại nuốt nhằm hột bí, cà lăm ấp úng đến 4 chữ tôi ) nhắc lại trong diễn đàn của sinh hoạt dân chủ đa nguyên không có chấp nhận những ngôn ngữ. Những truyền bá của tội ác.

Có nghĩa là Đỗ Thái Nhiên không dám phản biện. Bởi vì có lý lẽ đâu mà phản biện khi trong đầu chỉ có ba sọc in những bài tố cộng thuộc lòng 37 năm qua thì lấy đâu thực tế và lý lẽ để phản biện. Không phản biện được thì cách dễ nhất để thoát thân là đổ cho nó là CS, là tội ác không thể chấp nhận, không thèm nói chuyện. Thế là xong.

Etcetera : Ai là người có thẩm quyền để đánh giá bài này tốt bài kia không tốt theo cái tiêu chuẩn nào ông có thể cho biết không?

ĐTN : Ồ, ở đây nói về cái tiêu chuẩn của thiện và ác trong dân chủ đa nguyên thì đây là… là… là …là …là …( lại ấp úng cà lăm đến 5 chữ “là” ) một vấn đề rộng lớn và bao la không thể trả lời một cách vắn tắt nhưng . . . . . một cách vắn tắt thì đảng CS đã gây quá nhiều tội ác đối với lịch sử VN cho nên đảng CS không thể chấp nhận như một nguyên trong sinh hoạt dân chủ đa nguyên.

Bố Đỗ Thái Nhiên và cả bầy cờ vàng cũng không thể giải thích được câu hỏi này được vì nó khó quá. Không thể giải thích vắn tắt nhưng ….. một cách vắn tắt là CS tàn ác – bó tay với tay này luôn. Ú ớ giải thích về cái “tiêu chuẩn” cờ vàng của đa nguyên ba sọc thuộc lòng bao năm qua mà khi bị truy vấn thì cứ rối như gà mắc tóc, cà lăm ấm a ấm ớ tìm đường chạy đạn .

Etcetera : Chúng ta nói về dân chủ đa nguyên và nói về dân chủ tự do rất nhiều nhưng ý tưởng tôi cho rằng nếu ngăn cản một tiếng nói trong một xã hội như thế này thì có phần nào đi ngươc lại với tự do ngôn luận hay không thưa ông?

ĐTN : Ồ, tất cả các lọai tự do, đều phải có giới hạn của nó, tự do của người này bị giới hạn bởi tự do của những người xung quanh. Tự do truyên bá tư tưởng, nói cụ thể đi, tự do truyền bá tư tưởng cộng sản nó đụng chạm đến quyền tự do sinh sống trong một xã hội tự do của những người nạn nhân của cộng sản.
Cho nên cứ không phải là tự do là mình có thể truyền bá bất kỳ loại tư tưởng nào.

Mọi vấn đề Đỗ Thái Nhiên đều phải vác CS vào mới có trớn trả lời. Đỗ Thái Nhiên đã quên phéng đi lời của chính mình trong bài viết dạy đời Tú Gàn rằng: ” Chế độ dân chủ là chế độ đối thoại. Đối thoại giữa người dân với người dân, giữa ngươi dân với cơ quan công quyền và giữa các cơ quan công quyền với nhau. Đối thoại dân chủ không chấp nhận mọi hình thức vu khống hay nhục mạ những người có ý kiến dị biệt. Đối thoại dân chủ có chủ đích giúp cho người dân tìm ra giải pháp tốt đẹp nhất cho từng tình huống xã hội. (Trích bài Tú Gàn tên đặc công truyền thông của ĐTN).

Kiểu ăn nói lươn lẹo, bất lương ( không lương hảo như cách nói của ĐTN) như thế này thì rao giảng về đa nguyên ba sọc thế nào được hả ông ĐTN?

Etcetera : trong trường hợp báo NV là một cơ quan ngôn luận thì họ nói rằng họ có thể tạo ra diễn đàn nhưng họ cũng bị phụ thuộc trong cái chính nghĩa quốc gia và những ý kiến của các hội đoàn chống cộng. Ông có nghĩ rằng họ đang ở trong một cái thế rất khó khăn để chọn lựa một thái độ nào hay theo ông thì có ý kiến báo NV nên chọn thái độ nào ?

ĐTN : Tôi . . .tôi. . . tôi. . .tôi.. ( ấp úng đến 4 cái tôi mới thành lời ) không nói rằng là, tôi không đặt vấn đề chống cộng hay không chống cộng nhưng tôi đặt vấn đề quyền lợi dân tộc. Trong rất nhiều thập niên vừa qua đảng CS đã có những hành động đi ngược lại với quyền lợi dân tộc vì vậy đảng CS bây giờ không xứng đáng sinh hoạt dân chủ đa nguyên để được truyền bá tư tưởng cộng sản, để được tung hô đảng cộng sản cho đến chừng nào họ quay về với quyền lợi dân tộc.

Lại một câu hỏi khó làm ĐTN né muốn chết, và trả lời. . . . “trớt quớt”, Câu hỏi làm cho Nhiên té chúi nhũi nhưng cố vịn vào cái “quyền lợi dân tộc” để ngồi dậy cho nó có chính nghĩa. Cứ bị truy vấn là cà lăm là sao vây ông Đỗ Thái Nhiên? Một cuộc phỏng vấn mà liên tục cà lăm chứng tỏ tay này hoặc là kém cỏi hoặc là tráo trở thiếu lương thiện.

Etcetera : Về mặt lý thuyết thì rất đúng nhưng trong cộng đồng hiện nay rất là khó mà có thể phân biệt ai là người cộng sản, ai là người không và chúng ta rằng cái sự giao thoavà HK nó cũng rất là mạnh mẽ. Do đó những vấn đề chụp mũ hay không biệt rõ đôi khi nó lại đi quá giới hạn hoặc là mình không đúng đắn trong việc đánh giá một con người, ông nghĩ sa về tình trạng cộng đồng?

ĐTN: Ồ cái điều anh nói vừa rồi là đúng tuy nhiên có những lời lẽ, có những hành động quảng bá tư tưởng CS, ủng hộ chế độ CS như bài viết của anh Sơn Hào là sự kiện hiển nhiên không thể chấp nhận được.

Một câu hỏi mà bất cứ cao thủ cờ vàng nào cũng bó tay đừng nói chi thợ chống cộng sa lông Đỗ Thái Nhiên. Có thể nói CS và tay sai nó tràn ngập hải ngoại dưới con mắt dân cờ vàng nhưng chẳng có ai chỉ ra được nó là ai và đang ở đâu. Nhưng nó cứ lởn vởn quấy nhiễu làm các bố mất ăn mất ngủ, biết nó ngồi đó rung đùi cười khểnh chọc tức nhưng không vạch mặt chỉ tên nó được. Chửi vu vơ thì không ăn thua, mà nói đích danh thì nó kiện tội “không vú”. Đúng là nỗi khổ mang tên cờ vàng.

Etcetera : Và câu hỏi cuối, trong tình hình này ông nghĩ rằng nếu phải góp ý với báo người Việt để rút kinh nghiệm thì ông sẽ đóng góp với họ như thế nào?

ĐTN : Tôi tha thiết muốn đóng góp với bào NV và đóng với tất cả các thành viên của cộng đồng VN tại hải ngoại đặc biệt là cộng đồng VN tại Hoa Kỳ. Chúng ta, những điều khó khăn của người Việt tại Hoa Kỳ và người Việt hải ngoại tức là chúng ta vừa phải quyết tâm loại trừ điều ác trong sinh hoạt chính trị vừa phải tôn trọng dân chủ đa nguyên, và dĩ nhiên biên giới giữa thiện và ác nó không phải dễ dàng phân biệt cho nên đó là điều mà trường hợp báo người việt và các hội đoàn khác đang gặp phải.

Chuyên gia chống cộng như Đỗ Thái Nhiên mà còn quá khó để phân biệt được “thiện ác” có nghĩa là khó xác định được lằn ranh ba sọc thì làm sao mà những thành viên ba sọc có thể phân biệt được đây? Báo người Việt cũng “lầm lỡ” không phân biệt được “ thiện ác “ thì trách gì nhau chứ ?

Đề nghị Đỗ Thái Nhiên viết một cuốn tự điển phân biệt “thiện ác” theo chuẩn ISO ba sọc để dân cờ vàng lấy đó là làm chuẩn khỏi tốn sức biểu tình.

Etcetera : Liên quan đến chúng tôi thì có thời gian ông cũng đã từng viết bài phê bình và tham gia việc chống báo vietweekly. Tuy nhiên là những người làm báo có tinh thần độc lập và tự do theo khuynh hướng báo chí của mình Tôi về VN tìm hiểu thông tin chính gốc chính nguồn theo ông cái khuynh hướng đó ông đồng ý hay là phản đối

ĐTN: Thứ nhất tôi không phản đối sự việc người Việt Hải ngoại về VN, họ có thể về VN thăm gia đình, thậm chí họ có thể về VN để du lịch, bởi vì tôi thấy rằng dù gì đi nữa người Việt hải ngoại vẫn còn duy trì cái bản chất văn hóa VN cao cấp hơn là văn hóa người Việt trong nước sau nhiều thập niên thui chột bởi chế độ giáo dục xuống cấp. Giáo dục ở đây là giáo dục học đường và giáo dục xã hội như là báo chí tuyên truyền và để để để nâng cao cái trình độ văn hóa, để nâng cao sinh hoạt văn hóa, để cho văn hóa VN về nguồn đây là một công việc lớn cấn một số người lớn lao và số người lớn lao theo tôi có thể phần nào vực dậy cái văn hóa tốt đẹp của VN xưa chính là người Việt Hải Ngoại.

Chưa thấy tay nào loạn ngôn như tay này. Không hiểu cái “văn hóa cao cấp hơn” của người Việt Hải ngoại theo Đỗ Thái Nhiên nó như thế nào. Văn hóa lai Mỹ chăng? Hay là văn hóa cờ vàng ? Hay là văn hóa cúi đầu nô lệ? . Mang về VN cái văn hóa cúi gập mình sì sụp vái lạy bức tượng lính Mỹ thành kính hơn cả lạy bố để cải tạo người dân trong nước chăng?

Làn sóng người Việt về VN ào ạt làm nhức nhối cờ vàng ghê lắm nhưng đúng là đánh không được tha làm phước. Ai cũng đã từng biết những ca sĩ, văn nghệ sĩ và những nhân vật nổi tiếng về VN bị cờ vàng phản ứng ra sao rồi. Đỗ Thái Nhiên cho rằng cần “Để cho văn hóa VN về nguồn” Nhưng cũng chỉ vì tội về nguồn mà ông Nguyễn Cao Kỳ chết cũng không yên. Ông Phạm Duy bị đào mồ cuốc mả cả họ và quá khiếp sợ cái chốn “gió tanh mưa máu” của cờ vàng.

Etcetera : Như vậy việc tiếp cận của các nhà báo, các nhà giáo dục, của tất cả người dân đối với vấn đề VN hiện nay theo ông không có cái gì……

ĐTN : (ngắt lời ) không có vấn đề miễn là trình bày một cách trung thực đâu là tội ác, đâu là tay sai trung quốc đâu là quyền lợi dân tộc đang bị xói mòn.

Khổ nỗi cái “trung thực” nào nó cũng chọt ngay vào cái “nỗi đau cờ vàng” thì làm sao các ngài ba sọc chịu nổi. Trung thực mà nó vượt qua “lằn ranh quốc cộng” thì làm sao đây hả ông luật sư ba sọc? Cờ vàng có can đảm nhìn nhận cái “trung thực” không?

Etcetera : Cá nhân ông có điều kiện ông có cơ hội ông có thể đối thoại và đi về VN để nhìn mắt thấy tai nghe sau đó trở về đây ông có cái đánh giá chính xác hơn là chưa từng biết hoặc chưa từng thấy hay không?

ĐTN : (ấp úng ) A…..

Etcetera : (hối thúc ) Có cần không?

ĐTN : Có những trường hợp cần có những trường hợp không cần, cái này là câu chuyện dài . Ví dụ vấn đề luật pháp mình phê bình VN là luật rừng thì mình phải lấy ra từng mảng một luật rừng chỗ nào hoặc là cái guồng máy giáo dục của VN là guồng máy giáo dục thoái hóa thì phải vô từng chương trình, phải vô từng môn học chúng ta mới nói rõ ràng thoái hóa ở điểm nào và làm thế nào để trở nên tiến hóa.

Đối với Đỗ Thái Nhiên mỗi lần bí, tịt ngòi thì nó trở thành “cái chuyện dài “ . Tố khổ vu vơ thì quá tầm thường hãy để cho Ngô Kỷ và Lý Tống tố đủ rồi. Xin mời Đỗ Thái Nhiên phân tích giùm giáo dục VN nó thoái hóa như thế nào và Đỗ Thái Nhiên biết gì hệ thống về giáo dục VN ? Có thể nói không sợ sai rằng nếu bê nguyên xi cái kiến thức cờ vàng trước 1975 của trí thức Đỗ Thái Nhiên về VN thì chắc chắn cái bằng luật sư của Nhiên cũng chỉ có nước đi bán vé số mà thôi. Điều chắc chắn rằng giáo dục VN không bao giờ dạy xem giặc như bố, chẳng có người Việt trong nước nào mọp người sì sụp vái lạy cầu xin dưới chân tượng thằng lính đã từng giết hại dân mình.

Etcetera : xin cám ơn LS Đỗ Thái Nhiên

XLV: Đỗ Thái Nhiên và dân cờ vàng nói chung dư biết rằng còn CS thì chẳng bao giờ có được cái “đa nguyên ba sọc”, do đó họ phải chống cộng đến cùng, chống cộng cho đến khi khô nước bọt, chống đến chết. Cái “đa nguyên ba sọc không có nguyên cộng sản “ vẫn là giấc mơ cờ vàng bấy lâu nay không bao giờ từ bỏ. Cờ vàng luôn mơ rằng: “ Con không làm được cháu ta thay” . Thế nhưng khốn khổ cho họ là các thế hệ cờ vàng đều “tre tàn măng lụi” mà Việt gian nó cứ càng ngày càng nhởn nhơ trêu ngươi ngay tại cái thủ đô tỵ nạn của cờ vàng.

Nỗi đau vẫn còn đó !






Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn- Nơi an nghỉ của 10 vạn Liệt sĩ

38 năm chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ám ảnh, ký ức, và mất mát đau thương còn đó. Vết thương chiến tranh tuy lành sẹo nhưng vẫn không ngừng âm ỉ, nhức nhối. 38 năm sau chiến tranh, đất nước và con người Việt Nam đã gắng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để chung sống hòa bình. Nhắc lại những ký ức đau thương trong chiến tranh, chúng ta không nhằm khơi lại mối thù đã qua, mà chỉ nhằm khẳng định một điều: bạo lực và chiến tranh không phải là phương thức giải quyết các vấn đề của thế giới đương đại.Trên 58.325 quân nhân Mỹ tử trận tại chiến trường Việt Nam, nỗi đau ấy cũng lớn lao trong lòng người dân nước Mỹ, nhưng những người dân Mỹ có biết đâu chỉ riêng nghĩa trang Trường Sơn của Việt Nam đã có tới trên 10 vạn nấm mộ liệt sĩ của Việt Nam yên nghỉ. Người Mỹ đâu có biết dưới màu cỏ xanh của Thành cổ Quảng Trị, từng tấc đất đều có máu thịt của những người chiến sĩ, những người dân đã hy sinh vì nước, dưới lòng sông Thạch Hãn, Ba Lòng, còn bao nhiêu hài cốt của những người con yêu dấu của Đất Mẹ Việt Nam còn ở đó? Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, người đã chiến đấu và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngay trên chiến trường Quảng Trị cũng đề nghị: “Có rất nhiều việc phải tiếp tục làm sau chiến tranh. Hiện ở Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia nhưng vẫn còn rất đông đồng đội của chúng tôi nằm đâu đó nơi bìa rừng, cửa biển, lòng sông… Chúng tôi sẽ mở một cuộc hành quân mới, đó là cuộc hành quân của những cựu chiến binh Quảng Trị đi tìm hài cốt liệt sĩ và đưa các anh trở lại quê hương. Mấy chục năm rồi, các anh nằm lại ở mảnh đất xưa kia là chiến trường khốc liệt trong sự mòn mỏi đợi chờ của người thân để hôm nay, tất thảy nghẹn ngào xúc động khi điều mong mỏi lớn nhất là được tìm thấy và quy tập mộ các anh về đất mẹ . Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm sâu sắc trong việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Cần lắm những tấm lòng như thế dành cho những người đã ngã xuống cho bình yên của đất nước hôm nay!

Những Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, Hàng Dương, Bến Được… Khắp xã, huyện, tỉnh thành nào, cũng có nghĩa trang riêng. Vẫn chưa đủ, vẫn còn bao người mà phần mộ chưa được tìm thấy, quy tập sau 38 năm nước nhà đã thống nhất ,theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng, cả nước hiện vẫn còn gần 300.000 liệt sĩ chưa được quy tập và khoảng 330.000 liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định danh tính. Chỉ riêng chuyện ấy thôi, thì nỗi đau của những người dân nước Mỹ vì chiến tranh Việt Nam, đâu có thấm gì. Không thể nói khác được từ tấc đất của sông núi Việt Nam, đều có máu xương của người Việt Nam đổ xuống trong cuộc chiến tranh giữ nước, ký ức đầy bi thương và hùng tráng. Tất cả mọi người dân Việt đều nhận ra rằng: phải biết nâng niu và quý trọng cuộc sống của ngày hôm nay. Đất nước được hoà bình là dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng một cái giá quá đắt, đó là sinh mạng của hàng triệu triệu người và cả những thanh niên ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Làm sao chúng ta không yêu Tổ quốc Việt Nam, làm sao chúng ta không mong muốn hoà bình cho đất nước Việt Nam và hoà bình trên trái đất này? Sau 30 năm chiến đấu hy sinh, qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của tổ quốc Việt Nam đã ngã xuống hay mãi mãi chịu mang thương tật. Với tinh thần Uống nước nhớ nguồn, ơn trả nghĩa đền làm trọn nghĩa vụ với các Liệt sĩ đã hy sinh. Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IV đã chỉ rõ: “… Săn sóc và giúp đỡ chu đáo thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Tích cực chữa bệnh và thương tật, bồi dưỡng sức khỏe cho thương binh, cung cấp phương tiện và dụng cụ chuyên dùng cần thiết, tổ chức tốt việc dạy nghề và bố trí công việc thích hợp cho thương binh, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ…” . Những người lính của chúng ta sau cuộc chiến trở về với ruộng đồng, về với những công việc quen thuộc, với gia đình thân yêu và luôn nhớ về cuộc chiến đầy hào hùng nhưng cũng đầy mất mát và đau thương. Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến thương binh, liệt sỹ. Người khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Người luôn nhắc nhở toàn đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Bác Hồ đã nói về thương bệnh binh: “Tàn nhưng không phế”, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh bộ đội cụ Hồ”, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Nhân dân ta, Tổ quốc ta đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ. “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống tốt đẹp và ngày càng tỏa sáng của dân tộc ta. Kế tục truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh – Liệt sĩ toàn quốc, để Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh và người có công với nước. phát động nhiều phong trào để đền ơn đáp nghĩa: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, xây dựng nhà tình nghĩa, lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ…Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại được những người thân yêu nhất của mình. Những hy sinh và công lao to lớn đó đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ hy sinh cho tổ quốc mãi trường tồn. Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ: Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với đất nước. Giai đoạn 2005 – 2011, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành trên 15 nghìn tỉ đồng, riêng năm 2011 là gần 25 nghìn tỉ đồng để thực hiện các chính sách ưu đãi, chăm lo cho trên 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên cả nước đã ủng hộ gần 2.600 tỉ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cả nước đã có trên 400.000 căn nhà tình nghĩa được xây tặng các gia đình chính sách. Hàng ngàn vườn cây, ao cá, giếng nước tình nghĩa và trên 700.000 sổ tiết kiệm với hơn 500 tỉ đồng được trao tặng cho các gia đình chính sách.Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công với nước còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo và vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta, nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để được hưởng chế độ và đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính… đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta”. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi liên quan, thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước. Đặc biệt quan tâm chăm lo công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và thân nhân.

Và… 38 năm sau chiến tranh, số phận của những người lính Mỹ trong quân đội gây chiến và xâm lược Việt Nam liệu có còn bị bóng ma chiến tranh ám ảnh? cuộc sống của họ ra sao sau thời gian tham chiến tại Việt Nam? Không có những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, niềm vinh quang, lòng yêu nước hay bài học đạo đức thường thấy ở các đài tưởng niệm chiến tranh, Bức tường Chiến tranh Việt Nam chỉ là ký ức buồn đau của quá nhiều người Mỹ thời trai trẻ. Người ta có thể gặp lại những ký ức nhức nhối khi tới thăm Bức tường Chiến tranh Việt Nam tại Washington DC ghi Họ tên của hơn 58.000 lính Mỹ tử trận tại cuộc chiến tranh Việt Nam được khắc lên đá hoa cương.
Vào đầu năm 1988, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ buộc phải chính thức thừa nhận rằng 15% cựu chiến binh Mỹ từ chiến tranh VN trở về, nghĩa là khoảng 50.000 người vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà nguyên nhân của căn bệnh này là do họ đã tham chiến ở VN và tất nhiên đã từng gây tội ác dù là trực tiếp hay gián tiếp. Ngày càng có nhiều hồi ký chiến tranh về “người thật, việc thật”, ghi chép lại cuộc chiến và những cơn ác mộng khủng khiếp từng ám ảnh những người lính viễn chinh Mỹ. Các nhà xã hội học Mỹ đã khẳng định bình quân mỗi ngày có ba cựu chiến binh Mỹ tự sát bằng những cách thức ghê rợn, có lẽ để xóa đi mặc cảm tội lỗi.




Trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tháng 3-2007 tại tiểu bang Texas, các học giả Mỹ đã phân tích những nguyên nhân thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh này, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa. Cuộc hội thảo này đã đi đến kết luận: sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của Mỹ trên chiến trường. Không ai phủ nhận sức mạnh số một về kinh tế, quân sự, kỹ thuật của Mỹ. Nhưng, đó không phải là sức mạnh vô địch.
Lịch sử chiến tranh đã chứng minh, sức mạnh của đồng đô-la và bom đạn Mỹ không khuất phục được tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Học giả Giêm Bru-tơn phát biểu, những nỗ lực của Hoa Kỳ ở Việt Nam phản ánh sự thiếu chuẩn bị về văn hóa cho chiến trường. Đây chính là một phần của văn hóa Mỹ, vốn không chú trọng tới yếu tố văn hóa trong các cuộc xung đột quốc tế. Còn học giả Vê-rôn nhận xét, từ cuộc chiến Việt Nam, có thể rút ra một trong những bài học quí giá là cần phải hiểu rõ kẻ thù của mình… Điều đó người Mỹ đã không làm được ở Việt Nam nên phải gánh chịu nhiều thương tổn. Bao nhiêu năm sau chiến tranh, những người lính Mỹ trở lại thăm Việt Nam, họ vui mừng trước những thay đổi tích cực của Việt Nam. Họ thấy người Việt Nam không chỉ là những người anh hùng trong chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn là những người nỗ lực hết mình vì sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh. John Merson đã tự thú nhận “Tôi biết tôi vẫn không phải là một người anh hùng. Nói cho cùng, tôi chỉ là một người sống sót.” Trước khi tham gia chiến tranh Việt Nam, anh hùng trong ý tưởng của ông là sự chiến đấu cho Tổ quốc mình. Nhưng suy nghĩ ấy đã khác khi ông gặp và âm thầm giúp người dân Việt Nam. Hành động đó có thể đi ngược lại với lí tưởng sống, có thể trái với những điều một lính Mỹ được huấn luyện nhưng nó lại khiến ông có cảm giác “mình như một người anh hùng”.
Vết thương chiến tranh Việt Nam vẫn len lỏi tới từng gia đình Mỹ, che phủ hành lang quyền lực tại Oa-sinh-tơn và chia rẽ xã hội Mỹ. Cựu phóng viên chiến trường G.Gan-lô-guây (J.Galloway) nói: hãy hỏi chuyện các gia đình vừa đón hài cốt cha anh họ trở về, hãy gặp những người ngày đêm đến đứng trước bức tường tưởng niệm lính Mỹ tại Oa-sinh-tơn, hãy đến thăm những cựu binh bị thương tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam để xem chiến tranh đã thực sự chấm dứt hay chưa?
Cái chết không phải là địa ngục, địa ngục chỉ thực sự bắt đầu khi người lính trở về nhà. Hội chứng chiến tranh VN đã khiến họ không hòa nhập được với cuộc sống bình thường, bị ám ảnh bởi cuộc chiến, về cái chết và cả những gì họ đã làm, họ mang tâm hồn bị tổn thương bởi chiến tranh. Những người lính Mỹ sau khi trở về mang một thân thể tàn tạ, ý chí mệt mỏi, mất lòng tin vào đất nước, sống không có mục đích. Họ rơi vào bế tắc với nỗi đau không thể bù đắp được. Cái chết về thể xác không đáng sợ bằng cái chết của tâm hồn, của lương tâm và ý chí.Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến VN vào mùa xuân năm 1975 đã làm phá sản sự phản kích lớn nhất của Mỹ vào các lực lượng cách mạng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phá vỡ phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản quan trọng ở Đông Nam Á mà Mỹ đã đổ nhiều công sức tạo dựng, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn về nhiều mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, Và nói như tướng Taylor – một nhà chiến lược quân sự Mỹ: “Trong suốt cả cuộc chiến tranh này, chúng ta (người Mỹ) không có một anh hùng nào cả, chúng ta chỉ là những lũ ngốc… Giá như người Mỹ sớm nhận thức ra vấn đề này thì…”.
Cựu binh Jim Doyle và David Curry chỉ là hai trong số hàng chục nghìn người bị dằn vặt trong cảm giác tội lỗi. Jim Doyle đã bị đẩy tới chiến trường Việt Nam khi mới 18 tuổi, mặc dù may mắn sống sót trở về, nhưng đến giờ người cựu binh này vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh: “Chiến tranh là địa ngục. Nó tác động ghê gớm đến con người như một vết thương không thể hàn gắn”, và, “Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, chiến tranh không chỉ lấy cắp thời thanh niên của tôi mà còn đeo đuổi, ám ảnh suốt cuộc đời tôi”. Cũng giống như Jim Doyle, cựu nhân viên tình báo Mỹ David Curry cũng không thể thoát khỏi những sợ hãi, căng thẳng về tâm lý khi hồi tưởng về quá khứ chiến tranh. Đến nay, ông vẫn không tin mình đã từng tham chiến tại Việt Nam. Nó như một giấc chiêm bao, chợt đến, chợt đi. Ông nói: “Tất cả những hồi tưởng của quá khứ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi cho đến ngày nay và nó khiến tôi thực sự xúc động. Không một người nào ở thế hệ chúng tôi từng sống những ngày tháng đó lại không xúc động, dù có nhiều khi tôi không tin rằng chúng tôi từng có thời gian ở đó”.
Sau khi chiến tranh kết thúc, ngày càng có nhiều hồi ký chiến tranh Việt Nam với những lời thú tội và sám hối thật lòng xuất hiện ở Mỹ. Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại chiến trường xưa để tìm cách làm vơi đi những mặc cảm tội lỗi. Trường hợp của hai anh em nhà Frederic Whitehurst (còn gọi là Fret) với hành trình 35 năm lưu giữ cuốn nhật ký của liệt sỹ bác sỹ Đặng Thùy Trâm và cuộc hành trình 39 năm lưu giữ kỷ vật của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm của cựu binh Hom-mơ Xtet-đi chỉ là những ví dụ điển hình về sự sám hối tội lỗi. Nhiều tờ báo ở Mỹ đánh giá, đối với những người Mỹ, việc phổ biến quyển nhật ký Đặng Thùy Trâm do cựu sỹ quan Hoa Kỳ Frederic Whitehurst từng tham chiến tại Việt Nam lưu giữ trong mấy chục năm qua và những cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa ông và gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm tại Hà Nội ”đã giúp khép lại một phần nào đó nỗi đau của một thế hệ người Mỹ mang trên mình vết thương chiến tranh”. Còn Hom-mơ, sau khi bắn chết và chôn cất chiến sỹ giải phóng quân Hoàng Ngọc Đảm trong một vụ đụng độ giáp lá cà (ngày 18-3-1969 tại chiến trường Gia Lai) đã đem kỷ vật của người chiến sỹ này về nước Mỹ và gìn giữ suốt 39 năm. Sau những năm sống trong nỗi ám ảnh, người cựu binh này đã quay lại Việt Nam, tìm về gia đình chiến sĩ Đảm để tạ tội và xin được đi tìm hài cốt chiến sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Và, ông ta đã khóc bên nấm mồ của người chiến sỹ giải phóng quân. Những giọt nước mắt thành thật và đầy hối hận giữa rừng núi âm u thật thê thảm, nhưng nó đã giúp người cựu binh già này phần nào vơi đi những ám ảnh tội lỗi hành hạ ông bấy lâu nay.
Những người lính Mỹ mang trong mình khát vọng được trở thành anh hùng nhưng lại vô tình làm mất đi cảnh yên vui, hạnh phúc của bao gia đình, bao người dân Việt Nam vô tội. Khát vọng anh hùng mù quáng ấy đã làm cho họ như điên như dại và chính John Merson cũng nhiều lần đặt câu hỏi “Tại sao những người trên chiến trường lại trở nên điên dại như vậy?”. Ông cũng chỉ ra những sai lầm trong chiến lược của Mỹ khi “lấy thân thể của chúng tôi để làm suy yếu lượng địch”. Cho tận tới về sau này khi trở về nước, những người lính Mỹ tham gia chiến đấu tại Việt Nam cũng sống trong dày vò và tâm lí rối loạn nặng nề. Họ dễ cáu giận và cô độc. Manus Campell được lệnh gọi nhập ngũ. Thuộc lực lượng Tiểu đoàn 1, binh đoàn Thủy quân lục chiến 4 của quân đội Hoa Kỳ, năm 1966, tân binh Manus sang Việt Nam, đóng quân ở chiến trường Quảng Trị, Đông Hà “Tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn về sự khủng khiếp của chiến tranh. Toàn mất mát, đổ vỡ và nỗi đau. Sẽ chẳng có chiến thắng thực sự cho bất kỳ một cuộc xâm lược nào. Đặc biệt, những người dân vô tội luôn là nạn nhân của các cuộc chiến. Cả những gia đình của những cựu chiến binh Việt Nam hay gia đình của cựu chiến binh Mỹ cũng đều phải gánh chịu những nỗi đau”. Kể từ sau chiến tranh Việt Nam, nhiều cựu binh Mỹ không thể sống nổi và họ tự sát bởi sự ám ảnh bắn giết, chết chóc. Có hàng ngàn trường hợp tự tử. Nhiều cựu chiến binh đã dùng đến rượu và ma túy vì họ không còn muốn sống và chịu đựng thêm được nữa. Họ không muốn kể bất cứ câu chuyện nào về chiến tranh cho bất cứ ai. Tôi chỉ muốn làm điều gì đó nơi chính mảnh đất Việt Nam để có thể khắc phục lầm lỗi của mình và cuộc chiến tranh phi nghĩa và nhắn gửi thông điệp hòa bình của mình. Năm 2009, Manus thành lập tổ chức phi chính phủ gọi là HIVOW (Helping Invisible Victims of War) nhằm giúp đỡ những nạn nhân bị tác động bởi chiến tranh. Từ đó, ông gắn bó hầu hết thời gian Huế, và tới Hội An. Merson viết “Sự tổn thương về tinh thần của người lính là việc dễ nhận thấy sau mỗi cuộc chiến tranh”. Vậy, những người lính Mỹ ngày xưa đã sợ hãi điều gì? Họ có thực sự mạnh như nhiều người nghĩ? Họ sợ hãi chính không khí nơi họ sống, chính mặt đất họ nằm, nước họ uống, nỗi sợ ấy len lỏi trong những đường làng, ngõ xóm, thôn ấp mà họ đi qua. John Merson cho rằng chính họ, những người lính Mỹ đã “kế thừa” của quân đội Pháp việc đem nỗi sợ hãi sang đất nước Việt Nam. Họ đã làm cho cả những người mẹ, những em bé nhìn họ với ánh mắt sợ hãi. Nhưng nếu nỗi sợ đó luôn bám đuổi theo họ thì những con người Việt Nam chân chất, hiền lành kia lại có thể vượt qua được nỗi sợ hãi và trở lại làm những công việc thường ngày.
Hình ảnh chiếc trực thăng đưa những người Mỹ cuối cùng rời khỏi nóc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn buổi trưa ngày 30-4-1975 vẫn ám ảnh nước Mỹ cho đến hôm nay. Đối với họ, cuộc chiến tranh này vẫn còn chưa thực sự kết thúc vì những hậu quả nó để lại thật sâu sắc và dai dẳng.Thế giới đã bước sang giai đoạn mới của lịch sử, trong đó, hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế chủ yếu của thời đại, tư duy sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề quốc tế đã trở nên lỗi thời. Lịch sử chiến tranh khẳng định với nhân loại một điều: chiến tranh và bạo lực cường quyền không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc khoét sâu hận thù giữa các dân tộc và chia rẽ thế giới. Tuy nhiên, các thế lực hiếu chiến không nghĩ như vậy, họ vẫn đang xoay xở mọi cách để gây ra các cuộc chiến tranh nhằm trục lợi từ những cuộc chiến đó. Vì thế, những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi nó không chỉ lý giải về sự thất bại của cường bạo trước sức mạnh chính nghĩa mà còn cảnh tỉnh những người vẫn mơ hồ tin vào cái gọi là sứ mệnh “mở rộng dân chủ” như vẫn thường được tuyên truyền. Chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình vẫn luôn là mục tiêu và khát vọng cháy bỏng của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới./.

Hoa Kỳ một ngày tháng 7
AMARI TX

Nghe lời Khổng Tử



Hai vợ chồng nhà nọ ngồi dưới đèn đọc sách. Một con muỗi cứ vo ve xung quanh ông chồng. Anh chàng này luôn giơ tay đập muỗi, vợ thấy vậy thì dè bỉu: “Anh đúng là đồ dơ bẩn, không bao giờ chịu tắm rửa gì hết nên đến đâu cuốn muỗi theo đến đó. Anh ngồi chỗ nào muỗi cũng toàn chích anh không”. Chồng cười:

- Bởi vì con muỗi nó nhớ lời Khổng Tử đấy.

- Lời gì?

- Phải “gần quân tử, xa tiểu nhân”!

Hệ lụy thực từ “thế giới ảo”




Trong khoảng mười năm trở lại đây ở Việt Nam, internet đã có sự phát triển mang tính bùng nổ, tạo nên một “thế giới ảo”, mà đối với không ít người, thế giới đó đã trở thành một nhu cầu thực. Nhưng, xét từ những hệ lụy mà internet đưa tới, liệu có nên coi đó chỉ là “thế giới ảo” hay không, nhất là với văn chương – nghệ thuật?

1. Cách đây khoảng 10 năm, nhiều người mới chỉ hình dung về internet như một môi trường để trao đổi thông tin bằng thư điện tử, trò chuyện trực tuyến, truy cập để đọc các website, tra cứu thông tin bằng các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, với việc áp dụng các tiến bộ công nghệ, đã giúp internet phát triển không chỉ ở phạm vi ngày càng lan rộng, tạo điều kiện để mỗi người có thể chiếm lĩnh và tạo lập không gian cá nhân một cách dễ dàng, mà với những sản phẩm như blog, mạng xã hội, trang mạng cá nhân, internet còn tạo dựng nên một “không gian ảo” với sự hỗ trợ của các công cụ internet đã làm tăng tính giao tiếp giữa người chủ các website và “công chúng ảo”. Ðặc biệt từ các blog, mạng xã hội đến website đều cung cấp khả năng nhận được phản hồi và bình luận (feedback, comment) từ người đọc. Tất nhiên, ở phương diện này, người làm chủ các blog, mạng xã hội, website có thể kiểm soát các phản hồi bằng cách kiểm duyệt hoặc xóa các phản hồi ngoài tầm kiểm soát, hoặc ngoài ý muốn…

Có thể nói sự phát triển, phổ biến của internet tại Việt Nam đã đem lại một phương thức mới, tạo nên một không gian mới của văn chương – nghệ thuật. Nói cách khác, các thành tựu của công nghệ đã tạo điều kiện và tác động mạnh mẽ đến đời sống văn chương – nghệ thuật. Nếu chỉ giới hạn trong không gian phổ biến bằng tiếng Việt, trong khoảng mười năm vừa qua, đã có không ít website văn chương của một nhóm người hoặc một cá nhân đã được thực hiện tại Việt Nam và ở nước ngoài. Không chỉ là thú chơi nhất thời, một số website văn chương đã có quy mô, sự phong phú gần như là một sản phẩm báo chí, có thời gian tồn tại kéo dài trong nhiều năm (trước Cách mạng Tháng Tám 1945, một số tờ báo có giá trị văn học – văn hóa cũng chỉ tồn tại khoảng dưới 5 năm). Ðiều đó cho thấy, đến một thời điểm nào đó, những website này cũng sẽ có thể trở thành một loại hiện tượng cần đề cập trong văn học sử. Và trong khi ở một website chuyên về văn học đầu tiên đã phải đóng cửa do sự thay đổi chính sách của cơ quan chủ quản thì nhiều website của các nhà văn hoặc nhóm nhà văn khác vẫn tiếp tục tồn tại với bài vở được cập nhật hằng ngày. Ðấy là chưa kể đến các blog và trang mạng xã hội của một số người cầm bút, mà căn cứ vào tác phẩm đã công bố, có thể thấy có người đã hoặc sẽ trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

2. Với những biểu hiện mang tính hiện tượng đó, nhiều người đã nói về một “nền văn học ảo”, một “nền văn học mạng”. Nhưng liệu việc sự phổ biến của văn học trên mạng internet là một sự thay đổi mang tính bản chất hay chỉ là sự mở rộng phương thức phổ biến văn chương? Một điều dễ thấy là rất nhiều văn bản các loại lúc đầu chỉ xuất hiện và tồn tại dưới dạng “ảo”, nhưng rốt cuộc lại chinh phục thế giới thực dưới dạng sách giấy. Ðó là con đường của không ít tác giả mới viết hoặc các bloger, lúc đầu tạo lập nên tên tuổi và công chúng trên internet, sau đó xuất bản tác phẩm dưới dạng sách giấy, để rồi cuối cùng chinh phục công chúng thực bằng doanh số thực. Ðó cũng là trường hợp của một số nhà văn mở rộng hoạt động sang “thế giới ảo”, rồi sau đó thu thập các văn bản “ảo” xuất bản thành sách giấy, tạo nên những hiện tượng “best-seller” (sách có nhiều độc giả). Bản thân điều đó đã cho thấy cái đích cuối cùng của các “công dân mạng viết văn” vẫn là thế giới thực với công chúng và doanh số thực.

Có thể nói “thế giới ảo” đã cung cấp một phương thức tồn tại mới cho văn chương. Nhìn từ bản chất, một trong các quy luật tồn tại mang tính phổ biến cho mọi cộng đồng người và mọi thời đại chính là sự xung đột giữa những nhu cầu cá nhân và những chế định mang tính xã hội (là xã hội nói chung chứ không riêng lĩnh vực văn chương). Những chế định xã hội là các chuẩn mực tồn tại dưới dạng quy ước, cao nhất là đã được luật hóa để áp dụng trong toàn xã hội nhằm bảo đảm khả năng chung sống và tính văn minh của xã hội. Ðơn cử như việc ở bất cứ xã hội nào, kể cả ở các quốc gia được cho là tự do nhất, đều có các điều luật liên quan đến việc hạn chế những sản phẩm mang tính khiêu dâm, trừng phạt những hành vi xâm hại tới an ninh quốc gia, cũng như an ninh và sự an toàn của mỗi cá nhân. Tất nhiên, xem xét một cách biện chứng, các chế định này thường “đi sau” nhu cầu cá nhân và nhu cầu cá nhân luôn có khuynh hướng phát triển theo hướng đa dạng hóa, vượt ra ngoài khuôn khổ của các chế định xã hội. Trong giới hạn nhất định, có thể nói sự phổ biến trên mạng là một lối thoát cho xung đột, hay đó là một cách thức giải tỏa một số “nút thắt” trong thế giới thực. Với thế giới thực, khả năng công bố tác phẩm và giới thiệu tác giả là có hạn, trong khi nhu cầu viết của người cầm bút lại vô cùng phong phú, internet cung cấp một không gian cho người viết, tự do và đơn giản hơn nếu xuất hiện trong môi trường thực. Họ có thêm không gian cho thể nghiệm mới và những cách tân cả về nội dung và nghệ thuật. Bên cạnh đó, internet còn giúp gia tăng khả năng giao tiếp giữa người viết và công chúng, giúp người viết có thể nhận được phản hồi tức thời từ phía độc giả để kịp thời điều chỉnh hoạt động sáng tác.

3. Vậy là với ý nghĩa nhất định, “thế giới ảo” đã bù đắp được một số phương diện của thế giới thực; đặc biệt, nó đem tới cho người tham gia vào thế giới đó một cảm giác về sự tự do khi nó giúp người viết vượt ra khỏi một số chế định về xã hội. Trong thế giới thực, khi đề cập những vấn đề như quan hệ tình dục, đánh giá những hiện tượng xã hội hoặc một số vấn đề lịch sử,… cả người viết văn lẫn người biên tập và xuất bản đều phải có sự cân nhắc, trong khi đó, trong thế giới của internet, những rào cản đó dường như là không còn tồn tại. Chính vì vậy, sự tồn tại của “thế giới ảo” luôn đi kèm với những mặt trái, chạm đến những cái ngưỡng. Trước hết, đó là cái ngưỡng mang tính bản chất của sáng tạo. Nói gì thì nói, một sáng tạo nghệ thuật vẫn cần (phải) là một sáng tạo mang tính cá nhân trong một hình thức hoàn chỉnh. Cộng đồng văn chương mạng từng chứng kiến không ít “cái chết” của những dự án cách tân theo kiểu biến tất cả mọi thứ trao đổi trên internet thành một tiểu thuyết vô tận, không có hồi kết. Bên cạnh đó là cái ngưỡng của các chuẩn mực văn hóa. Công chúng đã chứng kiến không ít hành động “cách tân” của văn chương mạng (chính xác hơn của những thứ văn chương không thể công bố ở đâu khác ngoài mạng!) bằng cách đưa những lớp ngôn ngữ tục tĩu, thậm chí đưa cả tên tuổi của các nữ đồng nghiệp vào những sáng tạo thơ ca đầy tục tĩu đó.

Như vậy, “văn chương ảo” đang chơi một trò chơi hai mặt. Một mặt, “thế giới ảo” tạo nên tâm thế ở người tham gia các mức độ khác nhau của sự vô trách nhiệm. Người ta có thể núp dưới một tên giả, một biệt hiệu. Người ta cũng có thể thực hiện một website về bản chất là một tờ báo nhưng lại không hề bị kiểm soát của luật báo chí như những sản phẩm báo chí khác. Nhiều người đã có ảo tưởng về tính dân chủ của không gian ảo nhưng quên rằng, thực chất mỗi nhận xét, mỗi phản hồi đều có thể được người chủ trang web hoặc bloger kiểm duyệt, định hướng giữ lại những gì có lợi cho mình và loại bỏ những gì khác biệt, từ đó tạo nên hiệu ứng đám đông và thực hiện các toan tính cá nhân. Cũng không khó để nhận ra rằng, những tranh luận trong môi trường văn học ảo đang bị biến thành một cái chợ, khi mà người ta có thể thoải mái moi móc đời tư với những câu chuyện vô bằng cớ và tận dụng hiệu ứng tâm lý đám đông để triệt hạ đối thủ. (Có thể coi trường hợp một hiện tượng sáng tác thơ mới được tổ chức hội thảo gần đây là một thí dụ. Ðành rằng, thơ của tác giả này có vấn đề về nội dung, nghệ thuật cũng như cách mà ông ta thần bí hóa công việc viết lách của mình. Dẫu vậy, cách mà các công dân mạng phê phán cũng hết sức có vấn đề, đậm mầu sắc “bỏ bóng đá người”). Quan trọng hơn nữa, một số công dân mạng lợi dụng hình thức “ảo” để vô trách nhiệm về mặt phát ngôn nhưng nạn nhân của họ lại là những con người thật và hệ lụy của những cuộc “tấn công” cũng lại là rất thật. Nguy hại hơn, không chỉ giới hạn trong phạm vi văn chương, những blog và website cá nhân này còn vươn cả sang những lĩnh vực khác như đời sống kinh tế, chính trị. Lợi dụng danh nghĩa những nhận xét, bình luận, cảm nhận cá nhân; đánh vào tâm lý “thích chuyện lạ” của con người, họ thậm chí còn đề cập thiếu trách nhiệm vào những quyết sách lớn của Nhà nước hoặc uy tín của những con người cụ thể trong bộ máy quyền lực. Khi đó, những hệ lụy của “thế giới ảo” sẽ là khôn lường. Ðiều đó cho thấy, đã đến lúc cần có một phương thức quản lý theo hướng “thực hóa thế giới ảo”, buộc các chủ thể của “thế giới ảo” phải “giải ảo” và chịu trách nhiệm về các phát ngôn – thông tin của mình. Ðồng thời mỗi người khi tham gia vào “thế giới ảo” cũng cần phải trở thành những “người tiêu dùng thông tin thông thái”.
LÊ ANH