Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Nỗi đau vẫn còn đó !






Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn- Nơi an nghỉ của 10 vạn Liệt sĩ

38 năm chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ám ảnh, ký ức, và mất mát đau thương còn đó. Vết thương chiến tranh tuy lành sẹo nhưng vẫn không ngừng âm ỉ, nhức nhối. 38 năm sau chiến tranh, đất nước và con người Việt Nam đã gắng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để chung sống hòa bình. Nhắc lại những ký ức đau thương trong chiến tranh, chúng ta không nhằm khơi lại mối thù đã qua, mà chỉ nhằm khẳng định một điều: bạo lực và chiến tranh không phải là phương thức giải quyết các vấn đề của thế giới đương đại.Trên 58.325 quân nhân Mỹ tử trận tại chiến trường Việt Nam, nỗi đau ấy cũng lớn lao trong lòng người dân nước Mỹ, nhưng những người dân Mỹ có biết đâu chỉ riêng nghĩa trang Trường Sơn của Việt Nam đã có tới trên 10 vạn nấm mộ liệt sĩ của Việt Nam yên nghỉ. Người Mỹ đâu có biết dưới màu cỏ xanh của Thành cổ Quảng Trị, từng tấc đất đều có máu thịt của những người chiến sĩ, những người dân đã hy sinh vì nước, dưới lòng sông Thạch Hãn, Ba Lòng, còn bao nhiêu hài cốt của những người con yêu dấu của Đất Mẹ Việt Nam còn ở đó? Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, người đã chiến đấu và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngay trên chiến trường Quảng Trị cũng đề nghị: “Có rất nhiều việc phải tiếp tục làm sau chiến tranh. Hiện ở Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia nhưng vẫn còn rất đông đồng đội của chúng tôi nằm đâu đó nơi bìa rừng, cửa biển, lòng sông… Chúng tôi sẽ mở một cuộc hành quân mới, đó là cuộc hành quân của những cựu chiến binh Quảng Trị đi tìm hài cốt liệt sĩ và đưa các anh trở lại quê hương. Mấy chục năm rồi, các anh nằm lại ở mảnh đất xưa kia là chiến trường khốc liệt trong sự mòn mỏi đợi chờ của người thân để hôm nay, tất thảy nghẹn ngào xúc động khi điều mong mỏi lớn nhất là được tìm thấy và quy tập mộ các anh về đất mẹ . Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm sâu sắc trong việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Cần lắm những tấm lòng như thế dành cho những người đã ngã xuống cho bình yên của đất nước hôm nay!

Những Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, Hàng Dương, Bến Được… Khắp xã, huyện, tỉnh thành nào, cũng có nghĩa trang riêng. Vẫn chưa đủ, vẫn còn bao người mà phần mộ chưa được tìm thấy, quy tập sau 38 năm nước nhà đã thống nhất ,theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng, cả nước hiện vẫn còn gần 300.000 liệt sĩ chưa được quy tập và khoảng 330.000 liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định danh tính. Chỉ riêng chuyện ấy thôi, thì nỗi đau của những người dân nước Mỹ vì chiến tranh Việt Nam, đâu có thấm gì. Không thể nói khác được từ tấc đất của sông núi Việt Nam, đều có máu xương của người Việt Nam đổ xuống trong cuộc chiến tranh giữ nước, ký ức đầy bi thương và hùng tráng. Tất cả mọi người dân Việt đều nhận ra rằng: phải biết nâng niu và quý trọng cuộc sống của ngày hôm nay. Đất nước được hoà bình là dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng một cái giá quá đắt, đó là sinh mạng của hàng triệu triệu người và cả những thanh niên ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Làm sao chúng ta không yêu Tổ quốc Việt Nam, làm sao chúng ta không mong muốn hoà bình cho đất nước Việt Nam và hoà bình trên trái đất này? Sau 30 năm chiến đấu hy sinh, qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của tổ quốc Việt Nam đã ngã xuống hay mãi mãi chịu mang thương tật. Với tinh thần Uống nước nhớ nguồn, ơn trả nghĩa đền làm trọn nghĩa vụ với các Liệt sĩ đã hy sinh. Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IV đã chỉ rõ: “… Săn sóc và giúp đỡ chu đáo thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Tích cực chữa bệnh và thương tật, bồi dưỡng sức khỏe cho thương binh, cung cấp phương tiện và dụng cụ chuyên dùng cần thiết, tổ chức tốt việc dạy nghề và bố trí công việc thích hợp cho thương binh, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ…” . Những người lính của chúng ta sau cuộc chiến trở về với ruộng đồng, về với những công việc quen thuộc, với gia đình thân yêu và luôn nhớ về cuộc chiến đầy hào hùng nhưng cũng đầy mất mát và đau thương. Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến thương binh, liệt sỹ. Người khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Người luôn nhắc nhở toàn đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Bác Hồ đã nói về thương bệnh binh: “Tàn nhưng không phế”, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh bộ đội cụ Hồ”, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Nhân dân ta, Tổ quốc ta đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ. “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống tốt đẹp và ngày càng tỏa sáng của dân tộc ta. Kế tục truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh – Liệt sĩ toàn quốc, để Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh và người có công với nước. phát động nhiều phong trào để đền ơn đáp nghĩa: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, xây dựng nhà tình nghĩa, lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ…Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại được những người thân yêu nhất của mình. Những hy sinh và công lao to lớn đó đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ hy sinh cho tổ quốc mãi trường tồn. Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ: Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với đất nước. Giai đoạn 2005 – 2011, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành trên 15 nghìn tỉ đồng, riêng năm 2011 là gần 25 nghìn tỉ đồng để thực hiện các chính sách ưu đãi, chăm lo cho trên 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên cả nước đã ủng hộ gần 2.600 tỉ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cả nước đã có trên 400.000 căn nhà tình nghĩa được xây tặng các gia đình chính sách. Hàng ngàn vườn cây, ao cá, giếng nước tình nghĩa và trên 700.000 sổ tiết kiệm với hơn 500 tỉ đồng được trao tặng cho các gia đình chính sách.Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công với nước còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo và vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta, nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để được hưởng chế độ và đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính… đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta”. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi liên quan, thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước. Đặc biệt quan tâm chăm lo công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và thân nhân.

Và… 38 năm sau chiến tranh, số phận của những người lính Mỹ trong quân đội gây chiến và xâm lược Việt Nam liệu có còn bị bóng ma chiến tranh ám ảnh? cuộc sống của họ ra sao sau thời gian tham chiến tại Việt Nam? Không có những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, niềm vinh quang, lòng yêu nước hay bài học đạo đức thường thấy ở các đài tưởng niệm chiến tranh, Bức tường Chiến tranh Việt Nam chỉ là ký ức buồn đau của quá nhiều người Mỹ thời trai trẻ. Người ta có thể gặp lại những ký ức nhức nhối khi tới thăm Bức tường Chiến tranh Việt Nam tại Washington DC ghi Họ tên của hơn 58.000 lính Mỹ tử trận tại cuộc chiến tranh Việt Nam được khắc lên đá hoa cương.
Vào đầu năm 1988, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ buộc phải chính thức thừa nhận rằng 15% cựu chiến binh Mỹ từ chiến tranh VN trở về, nghĩa là khoảng 50.000 người vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà nguyên nhân của căn bệnh này là do họ đã tham chiến ở VN và tất nhiên đã từng gây tội ác dù là trực tiếp hay gián tiếp. Ngày càng có nhiều hồi ký chiến tranh về “người thật, việc thật”, ghi chép lại cuộc chiến và những cơn ác mộng khủng khiếp từng ám ảnh những người lính viễn chinh Mỹ. Các nhà xã hội học Mỹ đã khẳng định bình quân mỗi ngày có ba cựu chiến binh Mỹ tự sát bằng những cách thức ghê rợn, có lẽ để xóa đi mặc cảm tội lỗi.




Trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tháng 3-2007 tại tiểu bang Texas, các học giả Mỹ đã phân tích những nguyên nhân thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh này, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa. Cuộc hội thảo này đã đi đến kết luận: sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của Mỹ trên chiến trường. Không ai phủ nhận sức mạnh số một về kinh tế, quân sự, kỹ thuật của Mỹ. Nhưng, đó không phải là sức mạnh vô địch.
Lịch sử chiến tranh đã chứng minh, sức mạnh của đồng đô-la và bom đạn Mỹ không khuất phục được tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Học giả Giêm Bru-tơn phát biểu, những nỗ lực của Hoa Kỳ ở Việt Nam phản ánh sự thiếu chuẩn bị về văn hóa cho chiến trường. Đây chính là một phần của văn hóa Mỹ, vốn không chú trọng tới yếu tố văn hóa trong các cuộc xung đột quốc tế. Còn học giả Vê-rôn nhận xét, từ cuộc chiến Việt Nam, có thể rút ra một trong những bài học quí giá là cần phải hiểu rõ kẻ thù của mình… Điều đó người Mỹ đã không làm được ở Việt Nam nên phải gánh chịu nhiều thương tổn. Bao nhiêu năm sau chiến tranh, những người lính Mỹ trở lại thăm Việt Nam, họ vui mừng trước những thay đổi tích cực của Việt Nam. Họ thấy người Việt Nam không chỉ là những người anh hùng trong chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn là những người nỗ lực hết mình vì sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh. John Merson đã tự thú nhận “Tôi biết tôi vẫn không phải là một người anh hùng. Nói cho cùng, tôi chỉ là một người sống sót.” Trước khi tham gia chiến tranh Việt Nam, anh hùng trong ý tưởng của ông là sự chiến đấu cho Tổ quốc mình. Nhưng suy nghĩ ấy đã khác khi ông gặp và âm thầm giúp người dân Việt Nam. Hành động đó có thể đi ngược lại với lí tưởng sống, có thể trái với những điều một lính Mỹ được huấn luyện nhưng nó lại khiến ông có cảm giác “mình như một người anh hùng”.
Vết thương chiến tranh Việt Nam vẫn len lỏi tới từng gia đình Mỹ, che phủ hành lang quyền lực tại Oa-sinh-tơn và chia rẽ xã hội Mỹ. Cựu phóng viên chiến trường G.Gan-lô-guây (J.Galloway) nói: hãy hỏi chuyện các gia đình vừa đón hài cốt cha anh họ trở về, hãy gặp những người ngày đêm đến đứng trước bức tường tưởng niệm lính Mỹ tại Oa-sinh-tơn, hãy đến thăm những cựu binh bị thương tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam để xem chiến tranh đã thực sự chấm dứt hay chưa?
Cái chết không phải là địa ngục, địa ngục chỉ thực sự bắt đầu khi người lính trở về nhà. Hội chứng chiến tranh VN đã khiến họ không hòa nhập được với cuộc sống bình thường, bị ám ảnh bởi cuộc chiến, về cái chết và cả những gì họ đã làm, họ mang tâm hồn bị tổn thương bởi chiến tranh. Những người lính Mỹ sau khi trở về mang một thân thể tàn tạ, ý chí mệt mỏi, mất lòng tin vào đất nước, sống không có mục đích. Họ rơi vào bế tắc với nỗi đau không thể bù đắp được. Cái chết về thể xác không đáng sợ bằng cái chết của tâm hồn, của lương tâm và ý chí.Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến VN vào mùa xuân năm 1975 đã làm phá sản sự phản kích lớn nhất của Mỹ vào các lực lượng cách mạng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phá vỡ phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản quan trọng ở Đông Nam Á mà Mỹ đã đổ nhiều công sức tạo dựng, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn về nhiều mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, Và nói như tướng Taylor – một nhà chiến lược quân sự Mỹ: “Trong suốt cả cuộc chiến tranh này, chúng ta (người Mỹ) không có một anh hùng nào cả, chúng ta chỉ là những lũ ngốc… Giá như người Mỹ sớm nhận thức ra vấn đề này thì…”.
Cựu binh Jim Doyle và David Curry chỉ là hai trong số hàng chục nghìn người bị dằn vặt trong cảm giác tội lỗi. Jim Doyle đã bị đẩy tới chiến trường Việt Nam khi mới 18 tuổi, mặc dù may mắn sống sót trở về, nhưng đến giờ người cựu binh này vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh: “Chiến tranh là địa ngục. Nó tác động ghê gớm đến con người như một vết thương không thể hàn gắn”, và, “Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, chiến tranh không chỉ lấy cắp thời thanh niên của tôi mà còn đeo đuổi, ám ảnh suốt cuộc đời tôi”. Cũng giống như Jim Doyle, cựu nhân viên tình báo Mỹ David Curry cũng không thể thoát khỏi những sợ hãi, căng thẳng về tâm lý khi hồi tưởng về quá khứ chiến tranh. Đến nay, ông vẫn không tin mình đã từng tham chiến tại Việt Nam. Nó như một giấc chiêm bao, chợt đến, chợt đi. Ông nói: “Tất cả những hồi tưởng của quá khứ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi cho đến ngày nay và nó khiến tôi thực sự xúc động. Không một người nào ở thế hệ chúng tôi từng sống những ngày tháng đó lại không xúc động, dù có nhiều khi tôi không tin rằng chúng tôi từng có thời gian ở đó”.
Sau khi chiến tranh kết thúc, ngày càng có nhiều hồi ký chiến tranh Việt Nam với những lời thú tội và sám hối thật lòng xuất hiện ở Mỹ. Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại chiến trường xưa để tìm cách làm vơi đi những mặc cảm tội lỗi. Trường hợp của hai anh em nhà Frederic Whitehurst (còn gọi là Fret) với hành trình 35 năm lưu giữ cuốn nhật ký của liệt sỹ bác sỹ Đặng Thùy Trâm và cuộc hành trình 39 năm lưu giữ kỷ vật của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm của cựu binh Hom-mơ Xtet-đi chỉ là những ví dụ điển hình về sự sám hối tội lỗi. Nhiều tờ báo ở Mỹ đánh giá, đối với những người Mỹ, việc phổ biến quyển nhật ký Đặng Thùy Trâm do cựu sỹ quan Hoa Kỳ Frederic Whitehurst từng tham chiến tại Việt Nam lưu giữ trong mấy chục năm qua và những cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa ông và gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm tại Hà Nội ”đã giúp khép lại một phần nào đó nỗi đau của một thế hệ người Mỹ mang trên mình vết thương chiến tranh”. Còn Hom-mơ, sau khi bắn chết và chôn cất chiến sỹ giải phóng quân Hoàng Ngọc Đảm trong một vụ đụng độ giáp lá cà (ngày 18-3-1969 tại chiến trường Gia Lai) đã đem kỷ vật của người chiến sỹ này về nước Mỹ và gìn giữ suốt 39 năm. Sau những năm sống trong nỗi ám ảnh, người cựu binh này đã quay lại Việt Nam, tìm về gia đình chiến sĩ Đảm để tạ tội và xin được đi tìm hài cốt chiến sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Và, ông ta đã khóc bên nấm mồ của người chiến sỹ giải phóng quân. Những giọt nước mắt thành thật và đầy hối hận giữa rừng núi âm u thật thê thảm, nhưng nó đã giúp người cựu binh già này phần nào vơi đi những ám ảnh tội lỗi hành hạ ông bấy lâu nay.
Những người lính Mỹ mang trong mình khát vọng được trở thành anh hùng nhưng lại vô tình làm mất đi cảnh yên vui, hạnh phúc của bao gia đình, bao người dân Việt Nam vô tội. Khát vọng anh hùng mù quáng ấy đã làm cho họ như điên như dại và chính John Merson cũng nhiều lần đặt câu hỏi “Tại sao những người trên chiến trường lại trở nên điên dại như vậy?”. Ông cũng chỉ ra những sai lầm trong chiến lược của Mỹ khi “lấy thân thể của chúng tôi để làm suy yếu lượng địch”. Cho tận tới về sau này khi trở về nước, những người lính Mỹ tham gia chiến đấu tại Việt Nam cũng sống trong dày vò và tâm lí rối loạn nặng nề. Họ dễ cáu giận và cô độc. Manus Campell được lệnh gọi nhập ngũ. Thuộc lực lượng Tiểu đoàn 1, binh đoàn Thủy quân lục chiến 4 của quân đội Hoa Kỳ, năm 1966, tân binh Manus sang Việt Nam, đóng quân ở chiến trường Quảng Trị, Đông Hà “Tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn về sự khủng khiếp của chiến tranh. Toàn mất mát, đổ vỡ và nỗi đau. Sẽ chẳng có chiến thắng thực sự cho bất kỳ một cuộc xâm lược nào. Đặc biệt, những người dân vô tội luôn là nạn nhân của các cuộc chiến. Cả những gia đình của những cựu chiến binh Việt Nam hay gia đình của cựu chiến binh Mỹ cũng đều phải gánh chịu những nỗi đau”. Kể từ sau chiến tranh Việt Nam, nhiều cựu binh Mỹ không thể sống nổi và họ tự sát bởi sự ám ảnh bắn giết, chết chóc. Có hàng ngàn trường hợp tự tử. Nhiều cựu chiến binh đã dùng đến rượu và ma túy vì họ không còn muốn sống và chịu đựng thêm được nữa. Họ không muốn kể bất cứ câu chuyện nào về chiến tranh cho bất cứ ai. Tôi chỉ muốn làm điều gì đó nơi chính mảnh đất Việt Nam để có thể khắc phục lầm lỗi của mình và cuộc chiến tranh phi nghĩa và nhắn gửi thông điệp hòa bình của mình. Năm 2009, Manus thành lập tổ chức phi chính phủ gọi là HIVOW (Helping Invisible Victims of War) nhằm giúp đỡ những nạn nhân bị tác động bởi chiến tranh. Từ đó, ông gắn bó hầu hết thời gian Huế, và tới Hội An. Merson viết “Sự tổn thương về tinh thần của người lính là việc dễ nhận thấy sau mỗi cuộc chiến tranh”. Vậy, những người lính Mỹ ngày xưa đã sợ hãi điều gì? Họ có thực sự mạnh như nhiều người nghĩ? Họ sợ hãi chính không khí nơi họ sống, chính mặt đất họ nằm, nước họ uống, nỗi sợ ấy len lỏi trong những đường làng, ngõ xóm, thôn ấp mà họ đi qua. John Merson cho rằng chính họ, những người lính Mỹ đã “kế thừa” của quân đội Pháp việc đem nỗi sợ hãi sang đất nước Việt Nam. Họ đã làm cho cả những người mẹ, những em bé nhìn họ với ánh mắt sợ hãi. Nhưng nếu nỗi sợ đó luôn bám đuổi theo họ thì những con người Việt Nam chân chất, hiền lành kia lại có thể vượt qua được nỗi sợ hãi và trở lại làm những công việc thường ngày.
Hình ảnh chiếc trực thăng đưa những người Mỹ cuối cùng rời khỏi nóc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn buổi trưa ngày 30-4-1975 vẫn ám ảnh nước Mỹ cho đến hôm nay. Đối với họ, cuộc chiến tranh này vẫn còn chưa thực sự kết thúc vì những hậu quả nó để lại thật sâu sắc và dai dẳng.Thế giới đã bước sang giai đoạn mới của lịch sử, trong đó, hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế chủ yếu của thời đại, tư duy sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề quốc tế đã trở nên lỗi thời. Lịch sử chiến tranh khẳng định với nhân loại một điều: chiến tranh và bạo lực cường quyền không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc khoét sâu hận thù giữa các dân tộc và chia rẽ thế giới. Tuy nhiên, các thế lực hiếu chiến không nghĩ như vậy, họ vẫn đang xoay xở mọi cách để gây ra các cuộc chiến tranh nhằm trục lợi từ những cuộc chiến đó. Vì thế, những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi nó không chỉ lý giải về sự thất bại của cường bạo trước sức mạnh chính nghĩa mà còn cảnh tỉnh những người vẫn mơ hồ tin vào cái gọi là sứ mệnh “mở rộng dân chủ” như vẫn thường được tuyên truyền. Chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình vẫn luôn là mục tiêu và khát vọng cháy bỏng của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới./.

Hoa Kỳ một ngày tháng 7
AMARI TX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét