Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Mê hoang



Phạm Xuân Đài





NGHE TIẾNG NƯỚC CƯỜI

Mở cửa ra anh đất trời rất lạ
em đoán mùa hạ về với bình minh
áo cánh em phơi qua đêm ngoài giậu
con chuồn chuồn kim ghé xuống tỏ tình

Mở cửa ra anh xem mặt trời mọc
nhìn con sâu nhỏ đo đoá hồng vàng
nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc
sao lại tiếc nhau một chút mê hoang

Mở cửa ra anh đón vào mùa hạ
bàn ghế cong mình gỗ dương gỗ âm
nắng đã theo em vào sau cánh cửa
mùa hạ tung tăng trên cả chiếu nằm

Mở cửa ra anh quơ tay gọi gió
thả chân mặt hồ nghe tiếng nước cười
hai ta mỗi người một đầu mùa hạ
mình căng sợi nắng khai mạc cuộc chơi

Một bài thơ của thi sĩ Trần Mộng Tú, là một nỗi rạo rực, một cái gì ẩn kín vừa sống dậy, một vũ điệu tung tăng tinh quái chợt biến chợt hiện rất khó nắm bắt, nhưng vô cùng quyến rũ... Tôi tự nhủ: Bình tĩnh nào. Thơ Trần Mộng Tú tài hoa nhưng không bí hiểm, từ từ xem lại “cái đó” là gì...

A, cái áo cánh em phơi qua đêm... con chuồn chuồn kim ghé xuống... tỏ tình
Rồi lại cái gì đây nữa: Sao lại tiếc nhau một chút mê hoang, chao ôi !...
Đến bàn ghế trong nhà cũng thức dậy trong cơn động tình mà mùa hè đang thúc gọi bàn ghế cong mình gỗ dương gỗ âm
Và rồi đến cái thế giới “sau cánh cửa”, mùa hạ hay là cái gì tung tăng trên cả chiếu nằm ?
Không, tất cả chỉ là chuẩn bị, là khai tấu khúc cho nghi lễ này:
hai ta mỗi người một đầu mùa hạ
mình căng sợi nắng khai mạc cuộc chơi

Đỉnh điểm của bài thơ chỉ thực sự bắt đầu ở hai câu thơ chót, cuộc chơi chỉ bắt đầu trong chói chang mùa hạ, của ngoại giới lẫn tâm hồn và thân xác khi mình căng sợi nắng.

Nhưng trong toàn bài thơ đầy những từ ngữ ẩn dụ chuẩn bị cho khai mạc cuộc chơi, hai chữ mê hoang ở khổ thơ thứ hai theo tôi đóng một vai trò then chốt. Nó cũng chỉ là một ẩn dụ, nhưng ngầm chứa nhiều trạng thái, nhiều ý tứ phong phú đến độ như là một bảng chỉ đường vào cõi hoan lạc mà mùa hè vừa đột ngột mang về.


Cần xem lại ý tứ cả bốn câu của khổ thơ thứ hai.

Mở cửa ra anh xem mặt trời mọc
nhìn con sâu nhỏ đo đoá hồng vàng
nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc
sao lại tiếc nhau một chút mê hoang

Khởi đầu là “anh” mở cửa ra xem mặt trời mọc và gặp con sâu đo trên đóa hồng vàng. Sâu đo là loại sâu không có chân để bò; để di chuyển, nó uốn cong người lên rồi phóng cái đầu tới trước, cả thân hình nó lại nằm thẳng trên mặt phẳng, sau đó lại cong người lên và phóng tới, nó “đi” mà giống như nó đang đo khoảng cách vậy. Vì “khả năng đo đạc” ấy của con sâu, tác giả gán cho nó công việc đo thời gian, và kết quả là nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc, ngắn lắm.

Nhưng con sâu đo này cũng to gan thật, nó biết gì về gang với tấc mà dám bảo cuộc đời chỉ trong gang tấc ? Cả người nó, phóng một cái rồi nằm sóng soài ra, bất quá chỉ tiến được vài ba phân. Nhưng con sâu sẽ trả lời, công việc cả đời của tôi là đo, đo ngang đo dọc mãi thì còn chiều dài nào mà tôi không biết ! Cuộc đời ấy à, tôi biết rất rõ, chỉ là trong gang tấc.

Nhưng gang tấc là gì ?
Là những đơn vị đo chiều dài, ngày xưa. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ tôi có thấy cái “thước ta” trong nhà ông nội tôi, nó ngắn lắm, chỉ bằng độ 40 xăng-ti-mét của thước tây, trong đó cũng có chia ra từng tấc khoảng 4 hay 5 xăng-ti-mét. Tôi nhớ đại khái thế. Thời đó, khoảng năm 1944 tôi đi học trường làng, cả làng tôi hình như chưa có nhà nào biết dùng thước tây. Cô tôi có tổ chức mướn thợ về dệt vải và thao (một loại lụa thô) tại nhà, và tất cả sản phẩm đều được đo bằng thước ta.

Không phải nhà nào cũng có thước, tôi biết điều ấy vì thỉnh thoảng những nhà trong xóm khi có việc gì cần đo đạc thường đến mượn thước của cô tôi. Đấy là khi đo những vật cần chính xác, còn thông thường người ta chỉ đo bằng gang tay. Với bàn tay của mình, một người có thể có ba đơn vị đo lường: từ ngón tay cái, xòe thẳng ngón trỏ ra, khoảng cách đó là một gang; cũng thế, với ngón tay giữa, cũng một gang nhưng dài hơn một chút; gang dài nhất là từ ngón cái đến ngón út được xòe tối đa. Chẳng có quy định thống nhất một gang là dài bao nhiêu, đó là lối đo cá nhân, mỗi người dùng chính bàn tay của mình để đo hầu có một khái niệm khoảng cách cho riêng mình thôi. Với bàn tay của người Việt Nam, một gang trung bình là 20 xăng-ti-mét (20cm).

Trong cách đo này, hình như con người có mô phỏng thiên nhiên. Hãy quan sát một người đang đo chiều dài một cái bàn với bàn tay của mình : y hệt như con sâu đo. Thoạt tiên cũng khum bàn tay lại với ngón cái dí sát vào vật được đo, đó là hình ảnh con sâu đang cong mình lên sắp sửa phóng tới. Tiếp theo bàn tay xòe ra nằm bẹp xuống bàn, ấy là một gang tay đã được thực hiện, người ta đếm một. Rồi ngón cái di chuyển đến điểm mới, bàn tay lại cong lên và lại phóng tới, người ta đếm hai. Cứ thế, bàn tay khum lên rồi xẹp xuống, thoăn thoắt tiến tới cho đến lúc chiều dài của cái bàn được tính xong là bao nhiêu gang.

Và tiếng Việt có chữ kép “gang tấc” để chỉ một khoảng cách rất ngắn. Với người lính ở trận tiền thì “cái chết trong gang tấc”. Với hai người yêu nhau tuy phải cách xa nhau nhưng “trái tim chỉ trong gang tấc”.

Con sâu đo, dù chỉ đo bằng chính thân mình nhỏ bé của nó, cũng đã dám buông lời ngạo nghễ: nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc.
Nhưng cũng nhờ lời ấy của con sâu mà dẫn đến câu then chốt của khổ thơ “sao lại tiếc nhau một chút mê hoang” khi biết rằng chiều dài cuộc đời thật ra có được bao nhiêu đâu.

Mê hoang là một chữ của ngôn ngữ thơ, nó gợi lên một trạng thái khác thường trong đời sống của con người. Mê là ngược với tỉnh, thần trí lúc mê không còn sáng suốt mà ai trong chúng ta cũng đã trải qua, ví dụ mê ngủ, khi ốm nặng có thể rơi vào mê man, mê sảng không còn ý thức. Trong nghĩa rộng nó còn có nghĩa yêu mến một cái gì rất mãnh liệt, như say mê, đam mê một môn nghệ thuật, trong tình yêu thì có mê gái, mê trai, mê đắm...
Nhưng mê hoang là chữ ít gặp trong ngôn ngữ thường ngày, lại làm gợi lên một cảm xúc khác lạ nếu được đặt một cách đắc địa trong một ngữ cảnh văn hay thơ.

Nhưng hoang là gì? Hoang theo nghĩa thường dùng nhất là một nơi chốn không ai héo lánh tới, như đất hoang, nhà hoang; rộng hơn là vùng thiên nhiên chưa được khai phá như hoang dã, hoang vu; một cuộc sống chưa đạt đến chỗ văn minh như hoang rợ, hoang sơ; hoặc vi phạm vào một nề nếp của xã hội như người đàn bà không chồng mà có chửa thì gọi là chửa hoang, đứa con không thừa nhận là con hoang; một lối sống không theo giáo dục của gia đình thì gọi là hoang đàng.
Có nhiều cách dùng chữ hoang lắm, nhưng đại để là chỉ tình trạng chưa khai phá, chưa văn minh, hoặc không theo lề luật đã được mọi người công nhận.

Chữ hoang trong mê hoang có theo những cách hiểu vừa nêu không? Tôi nghĩ cũng theo nghĩa đó, nhưng lại nằm trong một lãnh vực và môi trường khác, ít ai để ý đến, đó là vùng tâm sinh lý của con người, đó là ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác.
Thật thế sao, trong con người chúng ta cũng có những chỗ hoang, vùng hoang sao?

Một quá trình dài trong lịch sử của mình, các dục vọng của con người được khuyến cáo, dạy dỗ, thậm chí bắt buộc phải kìm nén lại, vì hầu như nền văn minh cổ xưa nào cũng thấy tham vọng, dục vọng là cái xấu xa tội lỗi. Và cái được kiểm soát ngặt nghèo nhất lại chính là cái ham muốn mạnh mẽ nhất: tình ái, tình dục. Nhu cầu ấy bị cho vào khuôn phép, nhất thiết không được buông thả. Nhớ lại cách đây không xa lắm, chỉ mới trong nửa đầu thế kỷ 20 thôi, nền luân lý nho giáo ở Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ nam nữ như thế nào: nam nữ thọ thọ bất thân. Lớp người trẻ vừa lớn lên, nhất là người nữ, được dạy dỗ kỹ lưỡng tứ đức tam tòng, đã được chỉ định cách ăn mặc sao cho kín đáo, ngôn ngữ cử chỉ phải nghiêm chính không được lả lơi, và cuối cùng việc hôn nhân là phải “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” chứ không được tự do luyến ái.

Trong một nền giáo dục như vậy có nhiều nhu cầu tự nhiên của một con người mới lớn bị cấm đoán. Tình cảm tươi đẹp của người thiếu nữ bị chặn lại, có thể nói là bị khóa chặt lại: tâm hồn họ có một vùng hoang vắng họ không dám bén mảng vào. Thân thể một người con gái dậy thì có biết bao điều mới lạ xinh tươi họ phải nhốt lại với áo xống mớ ba mớ bảy: lại thêm một vùng hoang vắng được giáo điều tạo lập ra.

Mà không phải chỉ phái nữ. Chính tôi, từ khi là một thằng bé con cũng bị kiểm duyệt liên tục trong cuộc sống trong nhà. Không được nói tục thì hẳn nhiên rồi, lời ăn tiếng nói của “con nhà” thì phải tỏ ra có được dạy dỗ. Nhưng tôi còn bị theo dõi chặt chẽ ở một vùng ngôn ngữ khác là các bài hát, mà một đứa bé năm sáu tuổi chỉ suốt ngày nghêu ngao theo người lớn thôi. Tôi nhớ khoảng năm 1943, 44 hai bà chị của tôi hay hát Buồn Tàn Thu lắm, nhưng nếu tôi bắt chước :

Còn nhớ năm xưa
Kề má say sưa
Nhưng năm tháng qua dần
Mùa thu chết bao lần...

thì bị cảnh cáo ngay: “Ê, Minh. Không được hát câu đó.” Đó là lệnh, không tuân theo thì bị đòn, nên tôi tự động xa lánh những câu mà mãi sau lớn lên tôi mới hiểu tại sao tôi bị cấm: kề má say sưa là động tác ái tình. Thời đó hẳn nhiên các bà chị của tôi cũng chưa ai có kinh nghiệm kề má cả, nhưng các bà hiểu đó là cái gì nên không muốn cậu em 5 tuổi “biết về nó” quá sớm !

Ảnh hưởng của các cấm kỵ như vậy sâu đậm hơn là mình tưởng. Mãi về sau lớn lên, đã “hoang” nhiều rồi mà những cấm kỵ vẫn còn theo mình. Tôi nhớ trong đám cưới của anh Tạ Ký khoảng năm 1962 tại Sài Gòn (lúc đó tôi đã học năm thứ hai Đại học sư phạm tại Đà Lạt), tôi và một đám bạn bè làm ồn ào ở một bàn riêng biệt với những tiếng hô : “Một, hai, ba... Dô!” Bỗng tôi bắt gặp từ một bàn khác một cặp mắt nhìn tôi, hơi nhíu mày và lắc đầu nhè nhẹ. Tôi khựng lại ngay. Cặp mắt của anh Cao Huy Thuần. Ông bố của anh Thuần và bố của tôi là bạn cùng dạy tại một trường tiểu học thời chúng tôi còn nhỏ xíu, hai gia đình rất thân với nhau, cùng một nề nếp giáo dục như nhau, đến nỗi anh Thuần, hơn tôi vài tuổi, mấy mươi năm sau vẫn có thể “can thiệp, nhắc nhở” khi tôi lao vào chỗ nhậu nhẹt ồn ào ấy. Cái nhíu mày của anh có kết quả ngay lập tức, chứng tỏ cái mẫu số chung giữa anh và tôi về giáo dục gia đình vẫn còn nguyên ngay cả khi chúng tôi đã bước vào đời.

Dĩ nhiên một nền giáo dục chặt chẽ như thế có những cái hay và cái dở của nó. Nó tạo nên những con người tề chỉnh, nhưng ngẫm cho cùng, cũng nghèo nàn. Khi nhỏ tôi có sống ở thôn quê mấy năm, và tôi cũng làm bạn với những đứa nhỏ con các nông dân quen biết với gia đình tôi. Khi tôi đi học vỡ lòng tại trường làng thì những đứa bạn chơi đùa ấy của tôi vì nhà nghèo quá vẫn không được đi học. Và lắm khi tôi có cảm giác mơ hồ là tôi thèm sự hồn nhiên của chúng nó. Chúng tôi đã bày đủ trò chơi trong vườn nhà ông nội tôi, nào buôn bán, cúng tế (tôi biết những tiếng hưng, bái, bình thân là do đám bạn này), nhồi đất nặn tượng, biến chế những khóm mít hái trong vườn với muối và gừng vừa ăn vừa xuýt xoa chảy nước mắt... nhớ lại, đó là chuỗi thời gian hào hứng của tuổi thơ. Nhưng có một điều tôi không học được từ chúng, đó là cái ngôn ngữ nguyên sơ của chúng. Chúng gọi tên từng bộ phận trong cơ thể người nam và người nữ đúng với tên nguyên thủy; những cảnh giao phối của loài vật xung quanh chúng gọi bằng tên thật của động tác tự nhiên, không mắc cỡ, không ngập ngừng. Nhưng tôi thì chịu, không bao giờ có thể gọi theo chúng nó, dù là nói thầm trong miệng cũng không dám. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy về phương diện ngôn ngữ, tôi nghèo nàn hơn đám bạn thôn quê của tôi rất nhiều, tôi đã bị ngăn cấm, cản trở từ mọi phía để giữ tư cách “con nhà” của gia đình.

Đó là mất hay là được ? Sự cấm đoán đó từ nhỏ đã tạo nên bản chất thứ hai trong người tôi, cho đến bây giờ dù trưởng thành đã lâu và đủ tư cách để có những quyết định cho chính mình, có những ranh giới tôi vẫn không thể vượt qua. Có phải nhờ thế tôi có lối nói lối viết thanh tao hơn, và do đó rất có thể là nhạt nhẽo hơn so với nhiều cây bút khác ? Sự thanh tao trong ngôn ngữ có nhất thiết biểu hiện sự thanh tao trong tâm hồn tôi không ? Tôi nghi ngờ lắm ! Nếu tôi tự cho phép mình nói và viết một cách bỗ bã thì liệu điều tôi viết có đạt đến một cái gì đó có giá trị hơn không ?

Nói chung, những người trẻ tuổi khi lớn lên trong xã hội, cả nam lẫn nữ đều bị những điều kiêng kỵ như thế cả. Nhất là phái nữ, sự cấm kỵ nặng nề hơn phái nam nhiều. Kết quả là luôn luôn, cái kề má say sưa vẫn là hình ảnh tuyệt vời với họ nhưng nhiều khi vẫn làm họ đỏ mặt một mình. Một sự cấm kỵ truyền kiếp đã ăn sâu vào căn tính chúng ta như một huyền bí ẩn giấu rất khó bạch hóa bình thường trong cuộc sống. Nhờ thế sự sống hấp dẫn hơn chăng, huyền nhiệm hơn chăng ? Có phải chính vì thế một vùng trong linh hồn lẫn thể xác của chúng ta vẫn là hoang vắng như một ngôi đền linh thiêng vốn ít ai dám bén mảng vào ? Và danh tính của nó khi con người ghé mắt nhìn vào thì đó là cõi Mê Hoang, vừa mê cuồng, say đắm, vừa hoang dã hoang vu, càng sợ càng dấn bước vào...


Phút mê hoang chính là phút mà con người được giải phóng khỏi những cấm đoán o ép để sống thật với mình, sống thật với những vùng bấy lâu mình đã “bỏ hoang” chẳng cày xới. Tâm hồn sống với yêu đương, thể xác sống với đụng chạm, ôi những vùng đất hoang mới khai phá để thể nghiệm biết bao là say đắm, mình đang mê hay đang tỉnh đây?
Hai chữ mê hoang nghe như có ma lực của một hoan lạc vượt khỏi các câu thúc kéo dài quá lâu. Con sâu đo nó đang cười con người đấy :

nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc
sao lại tiếc nhau một chút mê hoang

Trần Mộng Tú khuyến khích chúng ta nên thành thật hơn với chính chúng ta. Những kiêng kỵ truyền kiếp phải được thu hẹp lại để thưởng thức “chút mê hoang” của cuộc đời. “Sao lại tiếc nhau” như một lời trách móc về thái độ quá rụt rè đối với cuộc sống, “chút mê hoang” ấy như một chén rượu nồng và ấm và ngọt ngào, hãy ngửa cổ cạn đi để thể hiện đầy đủ chính ta trong cuộc nhân sinh này.

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Phê phán Bốn Lý thuyết Báo chí









Jennifer Ostini và Anthony Y. H. Fung


(Người dịch Hà Hữu Nga)


Việc phân loại các hệ thống báo chí quốc gia trong 40 năm qua đều đã dựa trên công trình Bốn Lý thuyết Báo chí (Four Theories of the Press) nổi tiếng. Trong khi cách tiếp cận này đã bị các học giả quốc tế phê phán về chủ nghĩa duy tâm và tình trạng nghèo nàn của chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng nó vẫn còn được giảng dạy ở khắp nơi trong các khóa học báo chí giới thiệu trên cả nước và chỉ có ít lý thuyết gia tham gia vào việc xây dựng cơ sở lý thuyết vớinguồn dữ liệu trong các môi trường quốc tế. Mặc dù báo chí phụ thuộc vàobối cảnh và bị ràng buộc bởi cấu trúc báo chí và các chính sách của nhà nước, nhưng nó cũng còn là một sản phẩm văn hoá tương đối độc lập của các nhà báo chật vật xoay xở giữa tính chuyên nghiệp và sự kiểm soát của nhà nước.

Bài viết này đề xuất một mô hình mới kết hợp tính tự chủ của các hoạt động báo chí cá nhân vào các yếu tố cấu trúc chính trị và xã hội - tương tác có thể mô tả chính xác hơn các thông lệ báo chí theo trật tự quốc tế mới. Với sự hiểu biết về nền tảng của thực tiễn báo chí và các chính sách của nhà nước ở 4 quốc gia / thành phố, sự đa dạng của các phương tiện truyền thông đa quốc gia về một sự kiện cụ thể được thể hiện dưới ánh sáng của mô hình mới. Mô hình mới này giải thích các biến thể báo chí không thể bộc lộ rõ ​​ràng bằng cách sử dụng một mô hình báo chí chính sách nhà nước. Trật tự thế giới đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua. Khi mọi người kỷ niệm sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và hi vọng một thiên niên kỷ mới, có vẻ như có rất ít người đã suy nghĩ xem chúng ta có thể giải thích lại các trật tự xã hội, truyền thông và thông tin của chúng ta bằng cách sử dụng các lý thuyết và khuôn khổ mới. Nhiều khuôn khổ cũ - bao gồm cả các lý thuyết truyền thông như Bốn Lý thuyết - đã lỗi thời và không áp dụng được cho phân tích đương đại. Trật tự mới đã hủy bỏ quyền giải thích của các lý thuyết này. Chúng ta cần những ý tưởng mới để giải thích cho sự phát triển của các loại hình phương tiện truyền thông quốc tế hóa và đa dạng của chúng ta ngày nay. Các mô hình lý thuyết này phải vượt khỏi chính sách nhà nước vàphương thức định chuẩn của Bốn Lý thuyết như một quan niệm về việc “báochí nên là gì và phải là gì” (Siebert, Peterson, & Schramm, 1956).


Các mô hình lý thuyết không nên bị giới hạn bởi các quan điểm hệ tư tưởng thống trị và gắn với các khối lịch sử nhất định - cụ thể là các khối thuộc chủ nghĩa Cộng sản và Chiến tranh Lạnh - và sau đó trở nên trống rỗng và vô dụng với sự sụp đổ của các khái niệm này. Việc đưa ra mô hình các hệ thống phương tiện truyền thông sẽ cứu sống cuộc kiểm tra lịch sử và chủ nghĩa kinh nghiệm, cũng như việc giải thích đầy đủ cái trật tự mới kia chínhlà một mối quan tâm hệ trọng. Cần phải xem xét lại các công trình và khái niệm về các mô hình truyền thông trước đây và nỗ lực phát triển một mô hình mới để giải thích cho các hệ thống truyền thông toàn cầu ngày nay. Sau đó, sẽ đề xuất các ý tưởng, phương pháp kiểm nghiệm mô hình truyền thông này dựa trên phân tích nội dung bao trùm của truyền thông đa quốc gia vềmột sự kiện cụ thể.


Điểm lại lịch sử các mô hình truyền thông


Mô hình Bốn Lý thuyết là một sự kết hợp tuyến tính của hai chiều kích dựa trên các hệ thống nhà nước: độc đoán và tự do. Siebert (1956) đề cập đến chiều kích độc đoán như nguyên mẫu khởi thủy và phổ biến nhất của tất cả các chiều kích. Bằng cách đó, ông muốn nói rằng chiều kích này tiếp tục tác động đến thực tiễn báo chí ngay cả khi chính phủ có thể chính thức đưa vàocác hệ thống khác. Từ quan điểm về cấu trúc-chức năng luận, điều đó giả định rằng nhà nước có một sự quan tâm cơ bản trong việc duy trì và ổn định cơ cấu quyền lực có lợi cho mình. Trong mô hình này, lý thuyết tự do được coi là lý tưởng, trong đó chức năng chính của xã hội là thúc đẩy lợi ích của các cá nhân thành viên (Siebert et al., 1956, trang 40). Việc tuân thủ các lý tưởng tự do liên quan đến một sự ngờ vực bẩm sinh về vai trò của chính phủ và nhà nước. Giám sát nhà nước trở thành chức năng xã hội cơ bản của các phương tiện truyền thông (Wright, 1986). Mô hình Cộng sản Liên Xô được coi là một ứng dụng cực đoan của những ý tưởng độc đoán – trongđó, các phương tiện truyền thông hoàn toàn phụ thuộc vào các quyền lợi và chức năng của nhà nước. Mô hình trách nhiệm xã hội dựa trên ý tưởng chorằng các phương tiện truyền thông có một nghĩa vụ đạo đức đối với xã hộitrong việc cung cấp thông tin đầy đủ cho công dân để đưa ra các quyết định sáng suốt. Ngược lại, lý thuyết tự do lập luận rằng “công dân…có quyền không được cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lạc, nhưng giả định ngầm định đó là tính hợp lý của công dân và mong muốn của công dân về sự thật sẽ khiến cho công dân không được cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lạc” (Siebert và cộng sự, 1956, trang 101).

Xem xét lại mô hình Bốn lý thuyết

Tầm quan trọng của Kinh tế Chính trị: Lowenstein (Merrill & Lowenstein, 1971/1979) lập luận rằng mô hình Bốn Lý thuyết nguyên bản thiếu sự linh hoạt cần thiết để phân tích hệ thống báo chí hiện đại và đã mở rộng thànhmô hình Năm Lý thuyết bằng cách bổ sung thêm một thể loại dựa trên quyền sở hữu. Để mô tả chính xác hơn tình hình chính trị vào thời điểm đó, ông đã đổi tên mô hình Cộng sản Liên Xô là mô hình tập trung - xã hội trong ấn bảncuốn sách vào năm 1971, và đặt tên là độc đoán - xã hội trong ấn bản thứ hai. Bằng cách sử dụng thuật ngữ độc đoán - xã hội, mô hình của ông loại bỏ các ý nghĩa tiêu cực của nhãn Cộng sản và thay thế nó bằng một khái niệm liên kết nó với lý thuyết trách nhiệm xã hội. Lý thuyết trách nhiệm xã hội được gắn nhãn lại là tự do - xã hội như là một nguồn gốc từ lý thuyết tự do. Khái niệm tập trung - xã hội, trong đó một nhà nước hoặc báo chí công cung cấp nguồn lực để đảm bảo tinh thần hoạt động của triết học tự do, đã được sử dụng để mô tả thể loại mới thứ năm (Merrill & Lowenstein, 1971/1979, trang 164).


Việc bổ sung yếu tố thứ năm này dựa trên cấp độ quyền sở hữu cho phép phân loại các hệ thống báo chí dựa trên quyền sở hữu tư nhân, sở hữu nhiều bên, hoặc sở hữu của chính phủ. Tuy nhiên, nó không giải thích đượcsự khác biệt hoặc bổ sung thêm nhiều năng lực phân tích hơn vào các thểloại hiện có. Mô hình Bốn Lý thuyết nguyên bản dựa trên quyền sở hữu của báo chí cũng như các chức năng, và do đó, việc dán nhãn các thể loại quyền sở hữu rõ ràng của Lowenstein dường như lại trở nên vô dụng. Hachten (1981, trang 61) cũng đề xuất Năm Lý thuyết hoặc khái niệm về báo chíbằng cách nhấn mạnh vào chính trị và kinh tế: kinh tế chính trị độc đoán,kinh tế chính trị phương Tây, kinh tế chính trị cộng sản, kinh tế chính trị cách mạng, và kinh tế chính trị phát triển hay thế giới thứ ba. Quan niệm về chủ nghĩa độc đoán của Hachten tương tự như của Siebert et al. (1956) và Lowenstein (Merrill & Lowenstein, 1971/1979). Tuy nhiên, khái niệm phương Tây của ông bao gồm cả các mô hình tự do và trách nhiệm xã hội với đặc tính xác định là dường như không có các kiểm soát độc đoán của chính phủ (Hachten, 1981, trang 64).


Theo khái niệm Cộng sản, truyền thông là công cụ phục vụ như những công cụ mặc khải (bằng cách tiết lộ các mục đích và mục tiêu của các nhà lãnh đạo đảng) cũng như các công cụ thống nhất và đồng thuận (trang 67). Sự khác biệt chính giữa hệ thống độc đoán và Cộng sản là quyền sở hữu. Trong các hệ thống độc đoán, báo chí có thể được tư nhân sở hữu trái ngược với sở hữu nhà nước trong các hệ thống của Cộng sản. Hachten đã xác định khái niệm mang tính cách mạng như là truyền thông đại chúng bất hợp pháp và lật đổ bằng cách sử dụng báo chí và phát thanh truyền hình để lật đổ chính phủ hoặc kiểm soát quyền lực của những người cai trị bên ngoài, xa lạ(trang 69-70). Ông thừa nhận rằng các ví dụ về loại báo chí này khó xác định và chỉ gợi ý ví dụ về các hệ thống báo chí ngầm thời nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng (trang 70).


Cuối cùng, mô hình phát triển đã xuất hiện từ sự kết hợp của ý tưởng cộng sản, chống Hoa Kỳ và các lý tưởng về trách nhiệm xã hội (Hachten, 1981, trang 72). Hachten đã nhìn thấy đặc điểm nổi bật của khái niệm này như là một ý tưởng cho rằng các quyền cá nhân phải phụ thuộc vào các mục tiêu lớn hơn trong việc xây dựng quốc gia và do đó phải hỗ trợ chính quyền. Khái niệm này cũng được xem là phản ứng tiêu cực đối với mô hình phương Tây. Tuy nhiên, phân loại của Hachten không bao giờ đạt được sự phân biệt rõ ràng về các hệ thống báo chí, vì các chiều kích phân tích được xác định theocả hệ thống nhà nước (độc tài, phương Tây, cộng sản) và các chức năng của truyền thông (cách mạng và phát triển).


Akhavan-Majid and Wolf (1991) cho rằng sai lầm cơ bản của Bốn Lý thuyếtnguyên bản là nó đã bỏ qua vai trò tác động kinh tế trong các hệ thống truyền thông. Họ lập luận rằng một số yếu tố đã dẫn đến, không phải là sai lệch khỏi chuẩn mực tự do ở Hoa Kỳ, mà là những thay đổi cơ bản đối với cấu trúc truyền thông Hoa Kỳ, là thứ cần phải có một mô hình giải thích mới. Những yếu tố này bao gồm sự tập trung ngày càng tăng và tập hợp quyền sở hữu cũng như sự phụ thuộc của lý tưởng tính đa dạng và độc lập vàoviệc tìm kiếm sự đồng hợp và lợi nhuận (Akhavan-Majid & Wolf, 1991, trang 139). Thay vì mô hình tự do như sự giải thích cho các hệ thống truyền thôngHoa Kỳ, Akhavan-Majid và Wolf đề nghị một mô hình nhóm quyền lực ưu tú,được xem là đối lập với mô hình tự do. Lý do chính là truyền thông Hoa Kỳđược đặc trưng là tập trung vào các hệ thống truyền thông phụ, tích hợp với các nhóm quyền lực ưu tú khác (như doanh nghiệp lớn và tầng lớp tinh hoa quản lý của chính phủ) cùng luồng kiểm soát hai chiều giữa chính phủ và báo chí (trang 142). Những đặc điểm truyền thông này được coi là làm giảm sự đa dạng của các ý kiến, các đại diện và làm giảm vai trò giám sát của truyền thông.

Chủ nghĩa duy tâm và các lý thuyết báo chí

Nhiều lý thuyết báo chí đã phản ánh chủ nghĩa duy tâm phương Tây và vị thế vô địch của viễn cảnh dân chủ phương Tây. Công trình của Picard (1985) cũng không phải là ngoại lệ. Ông đã xem xét các thể loại quan hệ báo chí và nhà nước trước đây và thêm một khái niệm nữa, đó là lý thuyết xã hội chủ nghĩa dân chủ về báo chí. Lý thuyết này cho rằng mục đích của báo chí là tạo môi trường thể hiện quan điểm của công chúng và thúc đẩy các cuộc tranh luận chính trị và xã hội cần thiết cho sự phát triển liên tục của quản trị dân chủ (trang 67). Theo lý thuyết này, vai trò của nhà nước là đảm bảo khả năng sử dụng báo chí của công dân cũng như khả năng bảo vệ và quảng bátính đa nguồn và đa dạng truyền thông (trang 67). Akhavan-Majid and Wolf (1991, trang 141) coi mô hình của Picard như là một nỗ lực nhằm quy định phương tiện khôi phục các yếu tố dân chủ-tự do thiết yếu (đa nguồn, đa dạng, dễ tiếp cận và dễ tham gia của công chúng) vào hệ thống báo chí Hoa Kỳ. Picard lập luận rằng sự khác biệt cơ bản giữa lý thuyết này và các lý thuyết khác là lý thuyết xã hội chủ nghĩa dân chủ coi truyền thông như là các tiện ích công cộng hơn là các công cụ của nhà nước hoặc các tổ chức tư nhân. Tuy nhiên, ông đã gộp các ý tưởng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm xã hội và tự do dân chủ vào lý thuyết phương Tây.

Cân bằng kiểm soát kết cấu và trách nhiệm cá nhân

Altschull (1984/1995) đã tiến xa hơn Bốn Lý thuyết. Mặc dù không muốn phân loại các loại truyền thông một cách giáo điều và cố gắng tránh những sai lầm mà các nhóm loại trừ lẫn nhau hoặc thấu hiểu tập thể, ông đã xác định ba thể loại truyền thông: thị trường, cộng đồng và tiên tiến (trang 419).Bằng những thuật ngữ đơn giản và lý tưởng hóa, các hệ thống thị trường hoạt động không có sự can thiệp từ bên ngoài - như là những kẻ dẫn chứng bằng các tài liệu của xã hội, chứ không phải là các tác nhân thay đổi. Các hệ thống Công xã cộng đồng phục vụ nhân dân bằng cách phản ánh mong muốn của một đảng chính trị hoặc chính phủ, chứ không phải là bản thân các tác nhân thay đổi. Trong các hệ thống tiên tiến, truyền thông có vai trò là đối tác của chính phủ (trang 426). Theo loại hình học truyền thông của Altschull, tất cả các hệ thống truyền thông đều tìm kiếm sự thật và cố gắng có trách nhiệm với xã hội. Chỉ trong các hệ thống thị trường thì truyền thôngmới được coi là không có vai trò giáo dục chính trị và văn hoá. Tất cả mọi hệ thống đều tìm cách phục vụ nhân dân nhưng theo những cách khác nhau. Hệ thống thị trường tập trung vào sự công bằng trong khi thực sự hỗ trợ chochủ nghĩa tư bản. Các hệ thống cộng đồng phục vụ bằng cách cố gắng sửa đổi các quan điểm để hỗ trợ cho học thuyết chính xác (p. 429), còn các hệ thống tiên tiến cố gắng thúc đẩy thay đổi và hòa bình. Altschull (trang 427) đã có đóng góp đáng kể trong việc xác định niềm tin về các hệ thống truyền thông như các bài viết về đức tin phi lý, không phải do lý trí, mà thường được tổ chức với niềm đam mê của những tín đồ thực sự. Do đó, rất nhiều vấn đề (đặc biệt là ở cấp độ quốc tế) không thể giải quyết được bởi vì đó lànhững mớ xung đột đức tin chứ không phải là lý trí.


Hạn chế của các mô hình trước đó


Vấn đề cơ bản với nhiều mô hình truyền thông được thảo luận ở đây là đơn thuốc mà các tác giả này cố gắng áp đặt cho các hệ thống hiện tại - nghĩa là họ cố gắng kê toa chứ không mô tả các hiện tượng xã hội bằng cách sử dụng một cơ sở thực nghiệm để điều tra. Các lý thuyết về báo chí từ Siebert et al. (1956) trở đi đã tập trung vào các lý thuyết có tính định chuẩn dựa trên cơ cấu truyền thông đại chúng truyền thống. Các lý thuyết định chuẩn thiếunăng lực giải thích vì chúng dựa trên những điều nên là như vậy, chứ không nhất thiết liên quan đến sự vật thực sự ra sao. Như đã thảo luận ở trên, mô hình Bốn Lý thuyết nguyên bản bị hạn chế bởi hệ tư tưởng và hoàn cảnh lịch sử khởi đầu của nó. Những thay đổi chính trị trên thế giới đã cho thấy các hạn chế về năng lực giải thích của mô hình. Ví dụ, Liên bang Xô viết đã không còn tồn tại và chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc rất khác với những tưtưởng Chiến tranh lạnh về Chủ nghĩa Cộng sản.

Ngoài ra, mô hình Bốn Lý thuyết (được phát triển trong bối cảnh phương Tây) đã đưa ra một phương thức tiến hóa trong đó các hệ thống báo chí sẽ chuyển từ chế độ Cộng sản qua độc tài đến chủ nghĩa tự do rồi tiếp đếntrách nhiệm xã hội. Định đề này đã bị thực tiễn chứng minh là giả, một chiều,tuyến tính, và phần nào chính tri thức luận dân tộc trung tâm đã làm sói mòncơ sở của mô hình. Các mô hình tiếp theo cũng dựa trên cùng một giả định,hoặc giống như vậy, chẳng hạn như mô hình phát triển chính trị của Hachten (1981), đều gặp phải những vướng mắc tương tự. Mô hình của Picard (1985) minh họa vấn đề tập trung độc quyền vào các mối quan hệ giữa báo chí và nhà nước. Cách tiếp cận này bỏ qua sự tương tác ở cấp độ vi mônăng động giữa các tổ chức, các nhà báo và nhà nước. Akhavan-Majid and Wolf (1991) đã cung cấp yếu tố thiếu hụt mang tính quyết định của kinh tếhọc cho mô hình nhưng lại được vận hành ở cấp độ vĩ mô chứ không phải làcấp độ phân tích vi mô. Việc xem xét về phương diện kinh tế học truyền thông là rất quan trọng để nhận thức được đầy đủ các hệ thống báo chí nhưng các hoạt động truyền thông, báo cáo phóng sự và các quyết định biên tập lại không hoàn toàn được quyết định bởi cơ sở kinh tế của các nhà tư bản và của nhà nước (Williams, 1977).


Việc tập trung chủ yếu vào nền kinh tế và nhà nước đã bỏ qua thực chất bán tự chủ của báo chí vốn cũng vận hành dựa trên tính chuyên nghiệp của bản thân lĩnh vực này. Mặt khác, theo cách tiếp cận tân Marxist, nền kinh tế báo chí cần được phân tích trong “trường hợp đầu tiên”, chứ không phải trong phân tích cuối cùng (Hall, 1982). Theo cách phê phán này, phân tích về nhà nước và nền kinh tế vẫn còn là một bước đầu quan trọng, nhưng không phải là mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu truyền thông. Trong một phân tích về kinh tế chính trị của báo chí, Murdoch (1982) gợi ý khả năng kết hợp cả mô hình “chủ định” và “các mô hình cấu trúc” (trang 118-150).


Bốn Lý thuyết về báo chí chỉ tập trung vào các nhân tố cấu trúc và bỏ quaquyền tự chủ cá nhân của nhà báo, tính chuyên nghiệp, và các giá trị lâu dài.Việc tập trung chủ yếu vào truyền thông truyền thống cũng loại trừ các loại hình truyền thông mới và các hình thức biến đổi của truyền thông truyền thống (McQuail, 1994). Vấn đề đặt ra là cần xây dựng một mô hình mới gắn kết các yếu tố cấu trúc và thực tiễn chuyên môn trong khi vẫn cho phép tíchhợp các loại hình và cấu trúc truyền thông mới, và điều quan trọng là có thể kiểm nghiệm bằng thực nghiệm.


Đi tìm một mô hình truyền thông mới


Các yếu tố cấu trúc: Cũng như các mô hình trước, yếu tố cấu trúc chính sẽ được tính đến chính là hệ thống chính phủ với các phụ hệ thống kinh tế, chính trị và văn hoá. Các hệ thống chính trị khác nhau thường được dán nhãn chung là tư bản, xã hội chủ nghĩa, dân chủ hoặc độc tài. Các nhãn tổng quát này không tính đến các biến thể của chủ nghĩa xã hội với tư cách là các cấu trúc kinh tế gắn liền với chính sách công và các cơ cấu chính trị của chính phủ; và các nhãn này cũng không tính đến dân chủ với các giá trị củachủ nghĩa tư bản và định hướng lợi nhuận của nó. Trong mô hình này, những ràng buộc về cấu trúc áp đặt cho báo chí và các nhà báo được thể hiện (như đề xuất trong nhiều mô hình khác) như một chiều kích: một cùng đích về quy mô được gọi là dân chủ và một cùng đích khác là độc tài. Dân chủ chỉ đơn giản được xác định trong bối cảnh truyền thông là tự do chính trị cho giới truyền thông tự do chỉ trích các chính sách của nhà nước và chủ yếu hoạt động không có kiểm soát của chính phủ trong một thị trường tự do tư tưởng, không loại trừ khả năng kiểm soát thị trường không nhìn thấy được. Chủ nghĩa độc đoán được xác định là một hệ thống thực thi sự tuân thủ nghiêm ngặt của giới truyền thông đối với chính quyền. Những trở ngại có thể là chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh truyền thông đó, chế độ độc tài được vận hành như là sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung của nhà nước và thiếu vắng tự do để công chúng chỉ trích chính sách của nhà nước.


Các yếu tố chuyên nghiệp: Chiều kích thứ hai của mô hình này đại diện cho các yếu tố chuyên nghiệp như là các giá trị báo chí cá nhân và sự tự chủ của cá nhân các nhà báo trong các cơ quan truyền thông. Các nhà xã hội học truyền thông Windahl và Rosengren (1976, 1978) cho rằng vấn đề chuyên nghiệp hóa có thể được tiếp cận bằng hai quan điểm chính: chuyên nghiệp hoá cá nhân và chuyên nghiệp hóa tập thể. Chuyên nghiệp hóa cá nhân là một hình thức xã hội hoá. Các cá nhân hành nghề truyền thông với tư cách cá thể nội tại hóa một quan điểm tích cực về giáo dục và đào tạo cho công việc, các yêu cầu đặc biệt để vào nghề, và quan niệm là nghề này phải được tự chủ và tự điều chỉnh. Chuyên nghiệp tập thể là một quá trình liên quan đến toàn bộ nghề nghiệp như vậy, và như là một lý tưởng phụng sự.Chuyên nghiệp hoá tập thể có các thuộc tính như sự tồn tại của một hiệp hội chuyên nghiệp, đào tạo các thành viên, bộ quy tắc ứng xử hoặc đạo đức, mức độ tự chủ, đòi hỏi độc quyền đối với một số loại hình công việc và sự thể hiện của một lý tưởng phụng sự. Mặc cho các quá trình xã hội hoá khác nhau, thì thế giới quan của cá nhân các nhà báo được nuôi dưỡng theo hai loại hình chuyên nghiệp vẫn không thể được cho là phù hợp với độc giả. Trong một số trường hợp, thậm chí còn tồn tại một sự khác biệt đáng kể giữa thế giới quan của các nhà báo và lập trường của giới truyền thông. Vì vậy, sự thể hiện có trong nội dung truyền thông chính là sự tương tác giữa các giá trị báo chí tập thể và cá nhân.

Các giá trị cá nhân chuyên nghiệp cụ thể được quan tâm ở đây bao gồm dưới góc độ chủ nghĩa bảo thủ - chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa bảo thủ được vận hành khi các nhà báo chống lại sự thay đổi nhanh chóng, tránh các thái cực, và ủng hộ hiện trạng xã hội. Theo nghĩa này, các nhà báo có thể hy sinhquyền tự trị và các giá trị nghề nghiệp của mình để phụng sự cho chính sách của nhà nước, cho lập trường truyền thông và quá trình xã hội hoá môi trường của họ. Chủ nghĩa tự do được vận hành khi các nhà báo ủng hộ thay đổi xã hội và cải cách xã hội, ủng hộ chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh và tự do ngôn luận (McQuail, 1994). Các nhà báo được cho là tự do gắn bó mạnh mẽ với thế giới quan riêng của họ, với quy tắc nghề nghiệp, và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của họ. Các hệ thống báo chí quốc gia có thể được phân loại là dân chủ-bảo thủ, dân chủ-tự do, độc tài-bảo thủ, hoặc độc tài-tự do.


Các hệ thống truyền thông bảo thủ-dân chủ là những hệ thống trong đó hệ thống chính trị thì dân chủ nhưng các giá trị chuyên nghiệp của đa số các nhà báo lại bảo thủ - nghĩa là hệ thống chuyên môn mà họ hoạt động nhấn mạnh đến việc ủng hộ hiện trạng xã hội. Ngược lại, trong một hệ thống dân chủ-tự do, bất đồng chính kiến ​​và tự do ngôn luận là những giá trị được hỗ trợ bởi cả hệ thống chính trị và các cá nhân các nhà báo trong hệ thống đó. Các hệ thống bảo thủ-độc đoán chính thức kiểm soát nội dung báo chí và các giá trị chuyên môn trong các tổ chức truyền thông ủng hộ cho các câu thúc như vậy. Các hệ thống độc tài-tự do là những hệ thống trong đó cácchính sách chính thức đàn áp những bất đồng quan điểm, nhưng các cá nhân trong các tổ chức truyền thông lại ủng hộ cải cách xã hội và thể hiện sựủng hộ đó trong thực tiễn báo chí.


Trường hợp kiểm nghiệm


Một nghiên cứu trường hợp đã được sử dụng để kiểm tra mô hình mới trong bối cảnh truyền thông thực sự đưa tin về một sự kiện cụ thể. Một đổi mới quan trọng là mô hình được kiểm nghiệm bằng cách sử dụng dữ liệu từ việc đưa tin quốc tế về một sự kiện chứ không phải là đưa tin thuần túy trong nước. Các yêu cầu cho việc lựa chọn sự kiện là nó được các phương tiện truyền thông của một số quốc gia khác nhau (hệ thống nhà nước) đưa tin,liên quan đến các giá trị báo chí của cá nhân các nhà báo và liên quan đến các nhà nghiên cứu. Sự kiện được chọn là cuộc tranh cãi năm 1996 giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quyền sở hữu quần đảo Điếu Ngư hoặc Senkaku ở Biển Đông Hải. Cuộc tranh cãi này đã dẫn đến những om sòmngoại giao và các cuộc biểu tình dân sự ở Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Những cuộc biểu tình địa phương này đã đụng đến các vấn đề chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa quân phiệt của Trung Quốc và Nhật Bản - những vấn đề có thể được cho là liên quan đến các giá trị báo chí cá nhân. Mẫu bao gồm các loại tin tức báo chí từ Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, và Hoa Kỳ. Tin tức của truyền thông Mỹ cũng được bao gồm trong đóbởi vì các tác nhân chính - Nhật Bản và Trung Quốc - đã nhìn thấy những vấn đề hiện tại liên quan đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sau Thếchiến II.

Khi các mô hình phân loại trước đó của các hệ thống truyền thông quốc gia được xem xét, thì chỉ có rất ít hoặc không có chỗ cho sự biến đổi giữa các quốc gia không rơi vào mô hình Cộng sản Xô viết truyền thống của Liên Xô hay mô hình dân chủ phương Tây. Ngay cả khi các mô hình dựa trên các yếu tố kinh tế như của Altschull (1984) và Akhavan-Majid and Wolf (1991)cũng được đưa vào, thì truyền thông trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩalại được xếp vào cùng một thể loại mặc dù có sự khác biệt rõ ràng. Ví dụ, mô hình Bốn Lý thuyết đặt truyền thông Hồng Kông, Nhật Bản và Hoa Kỳvào cùng một thể loại, giống như các mô hình của Hachten (1981), Altschull (1984/1995), Akhavan-Majid và Wolf (1991). Mô hình của Picard (1985) nhóm các hệ thống truyền thông Hồng Kông và Nhật Bản vào cùng một thể loại với truyền thông Hoa Kỳ được xác định là phương Tây (sự kết hợp củacác mô hình trách nhiệm xã hội và các mô hình tự do).

Phương pháp


Nghiên cứu này dựa vào việc phân tích nội dung tin tức của truyền thôngHồng Kông, Nhật Bản, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ về vấn đề này trong giai đoạn từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 30 tháng 9 năm 1996. Mặc dù việc lựa chọn giai đoạn này là tùy tiện, vì phần lớn các sự kiện và các tin tức đã diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 9 khi tàu tuần tra của Nhật Bản ngăn cản các tàu Đài Loanđánh bắt cá trong khu vực gần quần đảo này, và ngày 26 tháng 9 khi một nhà báo từ Hồng Kông bị chết đuối trong khi một phần của một đội tàu Hồng Kông cố gắng tiếp cận các hòn đảo phản đối sự hiện diện của người Nhậttrên đó.


Mẫu. Tin tức của truyền thông ở Hồng Kông đã được mở rộng do tính chấtbức xúc của các cuộc biểu tình. Mẫu gồm bảy tờ báo Hồng Kông. Một loạt báo đã được lựa chọn để xem xét cả các chiều kích cấu trúc và cá nhân của mô hình. Các báo đó là tờ South China Morning Post, một tờ báo tiếng Anh có uy tín trước đây rất thân với người Anh nhưng hiện nay có xu hướng chấp nhận một giọng điệu trung lập; Nhật báo Phương Đông, một tờ báotiếng Trung nổi tiếng, thân Trung Quốc; tờ Minh Báo, đại diện cho báo chí trí thức bảo thủ; hai cái gọi là cơ quan Trung Quốc, Văn Hối Báo và Đại Công Báo; Apple Daily, một tờ báo lá cải nổi tiếng của Trung Quốc; và Tạp chí Kinh tế Hồng Kông, tờ báo phê phán công khai nhất ở Hồng Kông. Mẫu của Nhật Bản bao gồm hai tờ báo hàng ngày bằng tiếng Anh, Asahi Evening News và Japan Times.


Cả hai đều hướng tới các cộng đồng nói tiếng Anh trong nước, và cả hai đềuchuyển tải tài liệu được dịch từ các phương tiện truyền thông tiếng Nhật địa phương cũng như các tài liệu từ các hãng thông tấn quốc tế. Hiện tại mẫu Trung Quốc chỉ gồm China Daily. Tuy nhiên, đây là một nguồn quan trọng bởi vì nó là cơ quan thông tấn chính thức bằng tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc. Hệt như vậy, các bài viết và ý kiến ​​trong đó đều được coi là thể hiện quan điểm ​​và chính sách của chính phủ khi chính phủ mong muốnchúng được thể hiện cho cộng đồng nước ngoài cả trong và ngoài Trung Quốc. Mẫu Hoa Kỳ bao gồm các bài viết từ New York Times, Wall Street Journal, Minneapolis / St. Paul Star Tribune, Associated Press, và Financial Times-Scripps Howard News Service.


Lược đồ mã hóa được phát triển để kiểm tra thái độ chung về bài báo; các chủ đề bài báo; bài báo coi cái gì là các vấn đề liên quan; những ai được coi là các tác nhân chính; cấp độ hành động liên quan, tức là nó có được coi là một hành động của nhóm quốc tế, của chính phủ, cá nhân, hoặc hành độngchính trị hoặc xã hội hay không; và giải pháp đề xuất và tác nhân, có nghĩalà, những người được xem là đủ điều kiện để hành động trong tình huống này. Các bài báo cũng được mã hoá cho sự vi phạm chính trị của họ, nếu có, và vị trí của bài viết trong báo. Độ tin cậy của bộ mã hóa Intercoder đối với mẫu Hồng Kông là 87%.

Các kết quả

Thái độ và chủ đề là những thành phần quan trọng của mô hình vì chúng đã làm sáng tỏ các yếu tố chuyên nghiệp. Bằng cách sử dụng một mô hình có tính đến đạo đức chuyên nghiệp cá nhân bên cạnh các yếu tố cấu trúc, có thể tạo nên một bức tranh rõ ràng hơn dựa trên hoạt động thực tế của các hệ thống truyền thông. Bằng cách sử dụng các mô hình đã thảo luận trước đó trong bài báo, thì truyền thông Hồng Kông và Hoa Kỳ tương tự nhau trên cơ sở các yếu tố cấu trúc. Trong khi các chiều kích cấu trúc của các quốc gia được kiểm nghiệm được giả định và phân loại theo các thể loại khác nhau (như độc đoán hoặc dân chủ) theo các mô hình khác nhau, thì các chiều kích chuyên môn và cá nhân không được thể hiện trong các mô hình này.Các dữ liệu làm sáng tỏ những chiều cạnh cá nhân và chuyên nghiệp này vàcác mối liên hệ của họ với chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa tự do.


Thái độ. Chủ nghĩa bảo thủ được vận hành trong bối cảnh thái độ chung trong các thông cáo báo chí về tranh chấp quyền sở hữu quần đảo Điếu Ngư / Senkaku được xác định là có thái độ ủng hộ chính quốc gia của mình và chống lại các quốc gia khác. Nhìn vào dữ liệu hỗ trợ cho quốc gia của mình và thể hiện thái độ tiêu cực đối với các nước khác, thì Trung Quốc và Nhật Bản là những nước bảo thủ nhất, với Hồng Công ít bảo thủ hơn, và Hoa Kỳ không hề bảo thủ. Tuy nhiên, khi trường hợp ngược lại được kiểm định(chống lại một quốc gia và ủng hộ một quốc gia khác) thì các khác biệt trở nên ít rõ ràng. Việc đưa tin ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy không có thái độ tiêu cực đối với đất nước của chính mình và cũng không thái độ ủng hộ nước khác. Kết quả của Hoa Kỳ có thể được giải thích bởi 100% các bài viết đều trung lập; có nghĩa là, ở đó không có chuyện xác định lập trườngủng hộ hoặc chống đối. Điều thú vị là mặc dù phần lớn kết quả cho thấy các phương tiện truyền thông Nhật Bản là bảo thủ, thì 9,75% các bài báo có chứa tình cảm chống Nhật Bản.


Chủ đề. Trong bối cảnh nhận thức về chủ đề của vấn đề, chủ nghĩa bảo thủ gắn liền với ý tưởng về chủ quyền, yêu sách lịch sử và nghĩa vụ đạo đức. Trên cơ sở này, các phương tiện truyền thông Trung Quốc và Nhật Bản xếp hạng là bảo thủ hơn các phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ và Hồng Kông. Chủ nghĩa tự do gắn liền với những ý tưởng về các yêu sách hiện đại và chính trị, các khái niệm về nghĩa vụ xã hội và nhận thức về vấn đề này như là một vấn đề cá nhân. Trên cơ sở này, truyền thông Hoa Kỳ được xếp hạng là tự do nhất, tiếp theo sau là truyền thông Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông. Tuy nhiên, nếu một thể loại quan tâm cá nhân duy nhất là chủ đề chính bị cô lập khỏi các thể loại khác, thì truyền thông Hồng Kông và Hoa Kỳ xếp hạng là tự do nhất. Điều này rất quan trọng bởi vì chủ nghĩa cá nhân là một các xác định chính của quan niệm về chủ nghĩa tự do.

Tác nhân chính. Hai loại nữa được xem xét cùng nhau vì chúng đo lường các giá trị cá nhân của nhà báo bằng cách sử dụng cùng một quá trình vận hành của chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa tự do. Các thể loại này là những nhận thức về các tác nhân chính về vấn đề và cấp độ hành động. Chủ nghĩa bảo thủ có liên quan đến ý tưởng về chính phủ là tác nhân chính trong các tình huống xã hội và chính trị, còn chủ nghĩa tự do thì gắn liền với những ý tưởng về các nhóm xã hội hoặc chính trị cũng như các cá nhân là những tác nhân quan trọng. Trong danh mục các tác nhân chính, thì truyền thông Trung Quốc và Nhật Bản là những người bảo thủ nhất, tiếp theo sau là các thành viên của truyền thông ở Hoa Kỳ, sau đó là Hồng Kông. Tuy nhiên, theo quy mô tự do, thì truyền thông Mỹ tự do nhất, tiếp theo sau là Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc. Trong hạng mục kiểm nghiệm cấp độ hành động, thìtruyền thông Nhật Bản và Trung Quốc là bảo thủ nhất, sau đó là truyền thông của Hoa Kỳ và Hồng Kông. Tuy nhiên, nếu các yếu tố liên quan đến chủ nghĩa tự do được coi là cùng một mô thức xảy ra như trong thể loại tác nhân, thì truyền thông Hoa Kỳ xếp hạng là tự do nhất, theo sau là Nhật Bản, Hồng Kông, sau đó là truyền thông Trung Quốc.


Hãng. Về thể loại hãng, chủ nghĩa bảo thủ có liên quan đến việc duy trì nguyên trạng và việc chấp nhận hãng thuộc về quốc gia của riêng mình.Hãng được xác định ở đây là thứ mà quốc gia được coi là có đủ điều kiện hành động. Chủ nghĩa tự do gắn liền với việc coi hãng thuộc về các tác nhânkhác ngoài quốc gia của mình. Về thể loại này, truyền thông Trung Quốc và Nhật Bản hầu hết đều coi hãng là thuộc quốc gia của họ, trong khi truyền thông Hồng Kông và Hoa Kỳ ít coi hãng là thuộc quốc gia của họ. Ngược lại, truyền thông Hoa Kỳ và Hồng Kông coi số lượng hãng lớn nhất thuộc về các quốc gia khác. Do đó, truyền thông Hoa Kỳ và Hồng Kông tự do hơn so vớitruyền thông Trung Quốc và Nhật Bản.


Thảo luận

Dựa trên những kết quả này, có thể xác định rõ các thái cực bảo thủ và chủ nghĩa tự do của các nhà báo. Rõ ràng là các giá trị của các nhà báo Mỹ như được thể hiện trong việc đưa tin bài liên quan đến cuộc tranh cãi về quyền sở hữu quần đảo Điếu Ngư / Senkaku là tự do, trong khi giá trị của các nhà báo Trung Quốc là bảo thủ. Truyền thông Nhật Bản rõ ràng là ít bảo thủ hơn truyền thông Trung Quốc, trong khi phần lớn các thể loại đều bảo thủ hơn truyền thông Mỹ và phần nào bảo thủ hơn truyền thông Hồng Kông. Bằng cách sử dụng mô hình kết hợp các giá trị báo chí và các hệ thống nhà nước,cũng như các dữ liệu thu được từ nghiên cứu trường hợp, thì các hệ thống truyền thông của Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Hoa Kỳ có thể được phân biệt như thể hiện trong hình 2. Dữ liệu phân biệt rõ ràng các quốc gia có cùng các yếu tố cấu trúc nhưng trong đó cá nhân các nhà báo lại hoạt động theo các cấp độ tự chủ chuyên nghiệp khác nhau. Hệ thống Nhật Bản được cho là bảo thủ-dân chủ, trái ngược với hệ thống dân chủ-tự do của Hoa Kỳ. Truyền thông Trung Quốc là một hệ thống bảo thủ-độc đoán so với hệ thống tự do-độc đoán của Hong Kong. Điều này tương phản mạnh mẽ với cách thức mà các mô hình trước đây từ Bốn Lý thuyết trở đi đều có xu hướng nhóm các hệ thống truyền thông Hồng Kông, Nhật Bản và Hoa Kỳ với Trung Quốc được thể hiện như là một sự tương phản rõ ràng, hoặc hoàn toàn bị bỏ qua. Ngoài việc đưa ra một cấp độ khác biệt lớn hơn giữa các hệ thống truyền thông, thì mô hình này cung cấp một mối liên hệ giữa các yếu tố cấu trúc và thực tiễn chuyên môn thiếu hụt trong các mô hình định chuẩn trước đó, là những mô hình quy giản độ bao phủ của truyền thông thành một chiều kích cấu trúc duy nhất.


KẾT LUẬN


Việc nghiên cứu so sánh các hệ thống truyền thông và sự phát triển các phương trâm của báo chí có lịch sử lâu dài trong lĩnh vực truyền thông đại chúng. Dominick (1994) cho rằng đó là vì ý nghĩa của các mối quan hệ tự dogiữa chính phủ và giới truyền thông. Trong bất kỳ phân tích nào về các hệ thống quốc gia, thì các cấu trúc và thể chế truyền thông của họ cũng nhưcác mối quan hệ với các cấu trúc kinh tế và chính trị phải là một phần của bức tranh vì những mối quan hệ và cấu trúc này đều hợp thành một thể thống nhất với nội dung, việc phân phối và tiếp nhận thông tin trong một xã hội. Các mô hình trước đây mô tả hoặc lý thuyết hóa các hệ thống truyền thông quốc gia đều đã giới hạn năng lực phân tích của họ bằng cách nhấn mạnh đến đặc điểm Chiến tranh Lạnh của các hệ thống chính trị. Các mô hình kết hợp các quan điểm kinh tế đã làm tăng năng lực phân tích của các mô hình này nhưng lại bỏ qua những tác nhân thực sự tham gia vào quá trình sản xuất của truyền thông. Việc kết hợp các hệ thống giá trị của các nhà báo cá nhân như là một cấp độ phân loại cho phép phân biệt giữa các quốc gia mà nếu không sẽ được phân loại tương tự dựa trên cơ sở nhà nước hoặc hệ thống kinh tế. Mô hình mới này kết hợp các chiều kích tự chủ báo chí cá nhân và các cấu trúc của chính sách nhà nước. Do đó làm tăng sự hiểu biết về các hệ thống báo chí và các xã hội tạo ra các hệ thống này.


Vẫn còn một câu hỏi chủ chốt là: Cách tiếp cận này có thể được khái quát hóa qua các vấn đề, truyền thông và các quốc gia hay không? Các lý thuyết của các hệ thống báo chí quốc gia vẫn chủ yếu chỉ là lý thuyết; có nghĩa làcác cấm đoán mang tính phương châm và định chuẩn. Bằng cách sử dụng phân tích nội dung của tin tức truyền thông về một sự kiện thực tế, mô hình mới này đã vượt qua được các cấm đoán để mô tả và phân tích thực nghiệm. Báo chí vẫn là trung tâm điểm vì về phương diện truyền thống,chúng liên quan chặt chẽ với cơ cấu quyền lực chính trị và thể hiện rõ ràng các ràng buộc về thể chế và cơ cấu khác nhau đang hoạt động để sản xuất tin tức. Mặc dù là nghiên cứu xuyên quốc gia và khảo sát lịch sử, nhưng báo chí vẫn là nguồn có thể tiếp cận dễ dàng nhất cho nghiên cứu của chúng tôi, mô hình được đề xuất cho phép phân tích các hình thức và cấu trúc truyền thông cụ thể khác trong chừng mực hai cấp độ phân tích không phải là phương tiện phụ thuộc. Tức là các hệ thống nhà nước hoạt động ở cấp chính trị trên các hệ thống truyền thông, và các giá trị báo chí được kết hợp với nhà báo cá nhân chứ không phải dựa vào bản thân phương tiện. Do đó, mô hình này có thể áp dụng dễ dàng trong các bối cảnh truyền thông và quốc gia khác, nơi mà các vấn đề tồn tại vượt qua các ranh giới quốc gia đó.

Tương tự, quá trình vận hành của chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa tự do đềudựa trên các giá trị báo chí cá nhân vượt xa phạm vi của những vấn đề cụ thể. Nghĩa là, phương pháp được sử dụng ở đây có thể được sử dụng hầu như với bất kỳ vấn đề nào, miễn là một loạt tờ báo của mỗi quốc gia (hoặc các phương tiện truyền thông khác) và một loạt các bài báo từ mỗi tờ báo (hoặc các phương tiện khác) được kết hợp vào mô hình để giảm hiệu ứng khác biệt do những khác biệt về báo chí cá nhân và cho phép phân tích các điểm tương đồng và khác biệt ở cấp quốc gia. Để nghiên cứu thêm, cần áp dụng phương pháp và mô hình cho các vấn đề khác nhau trong một nhóm quốc gia để xem liệu những phân biệt có được có đảm bảo được các vấn đềxuyên suốt không.
___________________________________________


Nguồn: Ostini, Jennifer and Anthony Y. H. Fung (2002). Beyond the Four Theories of the Press: A New Model of National Media Systems. Mass Communication & Society, 2002, 5 (1), 41–56.


Tài liệu dẫn


Akhavan-Majid, R., & Wolf, G. (1991). American mass media and the myth of libertarianism: Toward an “elite power group” theory. Critical Studies in Mass Communication, 8, 139–151.


Altschull, H. (1995). Agents of power: The media and public policy. New York: Longman. (Original work published 1984)


Dominick, J. R. (1994). The dynamics of mass communication. New York: McGraw-Hill.


Hachten, W. (1981). The world news prism. Ames: Iowa State University.


Hall, S. (1982). The rediscovery of ideology. In J. Curran, M. Gurevitch, & J. Woollacott (Eds.), Mass communication and society (pp. 56–90). London: Edward Arnold.


McQuail, D. (1994). Mass communication theory: An introduction. London: Sage.


Merrill, J., & Lowenstein, R. (1979). Media, messages and men: New perspectives in communication. New York: Longman. (Original work published 1971)


Murdoch, G. (1982). Large corporations and the control of the communications industries. In M. Gurevitch, T. Bennett, J. Curran, & J. Woollacott (Eds.), Culture, society and the media (pp. 118–150). London: Methuen.


Picard, R. (1985). The press and the decline of democracy: The democratic socialist response in public policy. Westport, CT: Greenwood.


Siebert, F., Peterson, T., & Schramm, W. (1956). Four theories of the press: The authoritarian, libertarian, social responsibility, and Soviet communist concepts of what the press should be and do. Urbana: University of Illinois.


Williams, R. (1977). Marxism and literature. Oxford, England: Oxford University Press.


Windahl, S., & Rosengren, K. E. (1976). The professionalization of Sweden journalists. Gazette, 22(3), 140–149.


Windahl, S., & Rosengren, K. E. (1978). Newsmen’s professionalization: Some methodological problems. Public Opinion Quarterly, 55, 466–473.


Wright, C. R. (1986). Mass communication: A sociological perspective (3rd ed.). New York: Random House.

KHÔNG NÊN HỒ ĐỒ VỚI "THẤU CẢM"





HOÀNG TUẤN CÔNG

MInh hoạ: ST



Tuần qua, báo chí và mạng xã hội bình luận sôi nổi về đề thi ngữ văn THPT năm 2017, với đoạn văn đọc hiểu, trích dẫn từ sách “Thiện, Ác và Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017). Xin trích:



“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.
Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.
Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”.


Rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, nhưng có thể tổng hợp thành mấy quan điểm chủ yếu như sau:


-Thứ nhất: “Thấu cảm” là một “từ lạ”, không có trong tiếng Việt, cũng không có trong tiếng Hán, và không được bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận. (“Một thạc sỹ công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thú nhận: “Chưa từng nghe từ này bao giờ”- báo “Tiền phong”). Vì tiếng Việt không có cái gọi là “thấu cảm”, nên cách hiểu, cách giảng về “thấu cảm” của TS Đặng Hoàng Giang là vô nghĩa.


-Thứ hai: Từ “thấu cảm” tuy không thông dụng, nhưng đã được dùng trong thực tế và được từ điển tiếng Việt ghi nhận. Tuy nhiên, cách giải thích của tác giả Đặng Hoàng Giang mang nặng tính suy diễn, chủ quan, phi lý.


- Thứ ba: Không có vấn đề gì đáng phải bàn cãi trong đoạn văn đọc hiểu và đề thi môn ngữ văn.


Trước tiên, xin nói về từ “thấu cảm”.


Có thể nói, “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex (Vietlex) là cuốn từ điển duy nhất (đến thời điểm này mà chúng tôi biết) có ghi nhận từ “thấu cảm”. Sách này đưa ra hai cách giải thích như sau: “thấu cảm • 透感 đg. thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc” (theo bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt, NXB Đà Nẵng, 2015); “thấu cảm • đg. cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc : thấu cảm lòng nhau” (bản không chú chữ Hán, NXB Đà Nẵng, 2007).


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc Vietlex thu thập và chú chữ Hán cho từ “thấu cảm” là thiếu thận trọng, thậm chí không đúng, vì đây không phải là từ có trong tiếng Hán. Mặt khác, cách giải nghĩa của Vietlex theo kiểu lắp ghép máy móc, tuỳ tiện của “từ điển Vũ Chất” (kiểu như “giao hợp” = giao lưu và hợp tác!). Nghĩa là theo quan điểm này, thì ngay cả khi “thấu cảm” đã được từ điển tiếng Việt ghi nhận, cũng không có nghĩa là đúng.


Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?


Theo chúng tôi, cần thấy rằng, từ Việt gốc Hán không dứt khoát phải là một từ có trong tiếng Hán, được dùng với nghĩa của tiếng Hán. Từ gốc Hán còn là những từ “có sự vay mượn hoàn toàn hay một phần ý nghĩa từ tiếng Hán. Khi vay mượn và biến đổi theo những nghĩa không có trong tiếng Hán thì ngữ tố đó được gọi là Hán Việt Việt dụng” (ví dụ các từ: lịch sự, tử tế, thông cảm-HTC chú); “Những từ được người Việt tạo thành từ việc kết hợp các từ tố gốc Hán (với ba mặt hình-âm-nghĩa) theo kiểu của người Việt và chỉ có người Việt sử dụng. Những đơn vị này không xuất hiện trong từ vựng của tiếng Hán, tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng như khối từ vựng văn ngôn của các nước này thì được gọi là từ Hán Việt Việt tạo.” (“Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển”-Trần Trọng Dương, NXB Từ điển bách khoa-2014).


Như vậy, căn cứ tiêu chí mà các nhà ngôn ngữ nói chung, tác giả Trần Trọng Dương nói riêng đưa ra để phân loại, thì “thấu cảm” thuộc nhóm từ “Hán Việt Việt tạo”. Quá trình sản sinh từ “Hán Việt Việt tạo” diễn ra cách nay ít nhất cũng đã hơn nửa thiên niên kỷ. Cụ thể, theo tác giả “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển”, thì (cho đến thời điểm này) từ “Hán Việt Việt tạo” xuất hiện trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi được coi là sớm nhất.


Về từ “thấu cảm”, Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Ts Hán Nôm Trần Trọng Dương cũng chia sẻ ý kiến với chúng tôi như sau: “Xét về mặt lý thuyết, "thấu cảm" không có gì sai về từ pháp (cấu trúc từ) của Hán văn, và không có gì sai về cơ chế sản sinh từ vựng của tiếng Việt. Nguyên lý này dựa trên cảm thức ngôn ngữ, và tri thức Hán văn của người bản ngữ, để có thể tiếp tục làm giàu thêm kho từ vựng phong phú của tiếng Việt. Ví dụ: về cấu trúc tương đương, thấu hiểu >>> thấu cảm >>> thấu thị >>> thấu đáo. Giống như, lâm tặc> hải tặc> tin tặc> cát tặc”.


Quả vậy, về từ “thấu hiểu”, “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng như sau: “thấu hiểu • 透曉 đg. hiểu một cách sâu sắc, tường tận: thấu hiểu lòng nhau”; “Hán ngữ đại từ điển” giảng: “thấu hiểu: hiểu một cách triệt để, tường tận” (nguyên văn: “triệt để hiểu ngộ 徹 底 曉 悟”). Theo đó, với từ “thấu cảm”, thì “thấu” ở đây là “thông thấu” 通透 (Hán điển giảng: “thông thấu = thấu hết; hiểu rõ” [nguyên văn “通透 (penetrating): 通徹, 明白”]; “cảm” 感 nghĩa là sự rung động, nhận biết bằng giác quan, hoặc bằng cảm tính về sự vật, hiện tượng nào đó. Bởi vậy, “thấu cảm” có thể được hiểu là sự cảm nhận, hiểu biết một cách sâu sắc, tường tận về trạng thái tâm lý, hoặc cảnh ngộ… của ai đó. Tuy nhiên, “cảm” trong “thấu cảm” là cảm nhận mang tính chất cảm thông, chia sẻ, chứ không phải là cảm nhận nói chung. Theo đó, phương pháp định nghĩa phổ biến trong từ điển giải thích là dùng “từ bao”. Nghĩa là phải thể hiện được mối quan hệ trực tiếp của nội dung định nghĩa với yếu tố thể hiện ở đầu mục từ. Bởi vậy, từ cách tạo từ đến lời giảng của Vietlex: “thấu cảm: cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc”; hoặc “thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc”, hoàn toàn không có gì là bất thường, ngô nghê. Ví dụ thêm, từ “cân xứng” 斤稱 (Hán ngữ = tương xứng相稱) là một từ “Hán Việt Việt tạo” (đã có trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi). Từ điển của Vietlex giảng: “cân xứng • 斤稱 cân đối và phù hợp với nhau. Đn: tương xứng”. Tuy nhiên, “cân xứng” cũng có thể được giảng là “cân đối và tương xứng”, mà không bị xem là cách ghép từ và giải thích theo kiểu máy móc của “từ điển Vũ Chất”. Hoặc “cách điệu” 格調, được “Hán Việt từ điển” của Đạo Duy Anh giảng là: “cách-thức và thanh-điệu của văn-chương”…


Theo ngữ liệu của Vietlex, thì “thấu cảm” đã xuất hiện trong văn học xuất bản từ năm 1941. Đó là truyện ngắn “Những nỗi lòng” (nằm trong tập truyện ngắn “Nằm vạ” của Bùi Hiển):


“Anh viên chức đạc điền trước nhà, bác thợ may hàng xóm, chị bán cháo bánh canh thường ngày cung cấp cho tôi món quà sáng thơm ngon ngầy ngậy, họ sống ra sao, lo nghĩ những gì, họ yêu ai và ghét những ai? Tại sao cô em gái tôi thương yêu nhất đời lặng lẽ khóc hai lần giữa ngày mồng một Tết? Tôi không hề biết, không hề biết!
Tâm hồn tôi trở nên lo lắng. Tôi sống chăm chú, vểnh tai và giương mắt như con nai rừng rậm, tôi muốn cho linh giác thẳng căng, để mà THẤU CẢM, một cách lẹ làng tế nhị, sự thầm kín ủ trong những nỗi lòng”.


Ngoài ra, cũng theo ngữ liệu (do Trung tâm từ điển học Vietlex cung cấp cho chúng tôi), “thấu cảm” còn xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm khác, như:


-“Tối đen, yên ắng. Bóng tối trở nên lạnh. Đã đến lúc phải về rồi, Kiên thầm nghĩ và phóng tay ngồi dậy. Chẳng hiểu sao cậu cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình. Như THẤU CẢM được lòng Kiên, Phương khẽ nói:
- Chẳng sợ đâu. Đằng nào cổng trường cũng đóng rồi. Đợi tối khuya cụ lao công gà gật, ta trèo tường biến”. [Bảo Ninh. Nỗi buồn chiến tranh”. 1990].


-“Thuật lắng nghe một vấn đề, không phải chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt, để ý những cử chỉ nhỏ của người nói, để dễ tạo cho mình một THẤU CẢM về sự kiện, tâm trạng và âm vang trong cơ thể người kể”. [Thế Bảo Tịnh. Hà Nội mới cuối tuần. 1996]


-“Không nhận thức rõ ràng nguồn gốc tư tưởng nhân đạo đậm đà bản sắc dân tộc này thì sẽ dẫn tới sự đối lập cực đoan giữa cá nhân và xã hội, giữa cái tôi và cái ta, giữa chủ thể đạo đức và chủ thể trí tuệ, không dễ gì THẤU CẢM được “sự thật bên trong” của những câu thơ “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng.” [Nguyễn Thanh Hùng. Văn nghệ. 1996]


-“Cha mẹ lại cũng cần THẤU CẢM với trẻ, nhớ lại cái thuở tuổi mới lớn của mình để hiểu những phản ứng của trẻ bây giờ, nhưng vẫn phải có trách nhiệm giám sát, cố vấn”. [Đỗ Hồng Ngọc. Kiến thức ngày nay. 1997]


-“Thiên nhiên thật thiên vị, dường như đã dồn hết cả tinh tuý của đất trời về phía Tây Hồ. Đã có biết bao mùa thu đến rồi đi qua, vậy mà cứ mỗi một mùa thu về lại dậy trong tôi những cảm giác mới lạ, THẤU CẢM bằng cả tâm hồn”. [Báo Doanh nghiệp chủ nhật. 1997]


-“Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về giao tiếp quản lý. Đó là sự giao tiếp luôn hướng vào quần chúng, đồng cảm ở mức độ THẤU CẢM với họ, để ứng xử phù hợp - sáng tạo và cách mạng, như đồng chí Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh rất giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho quần chúng hiểu được, nhớ được, làm được”. [Nguyễn Liên Châu. Giáo dục & Thời đại chủ nhật. 1999].


Dĩ nhiên, ngữ liệu thống kê trên đây của Vietlex không có nghĩa năm 1941 là thời điểm (hoặc mới là thời điểm) xuất hiện từ “thấu cảm”; hoặc đến nay chỉ chừng ấy tác giả, tác phẩm sử dụng từ này.


Như vậy, có thể “thấu cảm” chưa được sử dụng rộng rãi và biết đến nhiều trong đời sống hàng ngày, hãy còn xa lạ với học sinh phổ thông, nhưng không phải là quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là người cầm bút, càng không phải là “từ lạ” do TS Đặng Hoàng Giang “sáng chế” ra.


Trở lại hai chữ “thấu cảm”. Tiếng Việt mượn nhiều từ gốc Hán vào kho tàng từ vựng của mình, đồng thời cũng tự tạo ra nhiều từ mới bằng các từ hoặc yếu tố gốc Hán. Qua quá trình sử dụng, có những từ bị “rụng” bớt nghĩa, hoặc chuyển nghĩa (thêm nghĩa mới). Những từ này nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt, trở thành tài sản của người Việt, mà không dứt khoát phải phụ thuộc vào người Hán. Người Hán nói “cảm thông”, ta cũng nói “cảm thông” với nghĩa tương đương, nhưng lại có thêm từ “thông cảm” với nghĩa khác cách dùng của Hán. Hán nói “tương xứng”, ta cũng nói “tương xứng”, nhưng lại có thêm “cân xứng”. “Tương xứng” và “cân xứng” của ta cũng không đồng nghĩa trong mọi trường hợp.


Tiếng Việt uyển chuyển và phong phú là thế. Bởi vậy, ngay cả khi “thấu cảm” không có trong tiếng Hán, hoặc chưa có bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận từ “thấu cảm”, thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là từ này không có trong tiếng Việt. Điều đáng hoan nghênh là “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex đã bám sát, phản ánh kịp thời đời sống ngôn ngữ, sưu tầm ngữ liệu một cách bài bản, rồi bổ sung từ “thấu cảm” vào từ điển từ năm 2007[1].


Tóm lại, theo chúng tôi, dù thông dụng, hay chưa thông dụng, chúng ta cũng nên nhìn nhận từ “thấu cảm” một cách công bằng như bao từ “Hán Việt Việt tạo” đã sinh ra trong quá trình phát triển, làm giàu thêm cho tiếng Việt. Nghĩa là nếu đoạn văn đọc hiểu trích từ “Thiện, Ác và Smartphone” có vấn đề, hãy đưa ra lý lẽ để bác bỏ, phê phán chính nó, chứ không nên và không thể “tẩy chay”, loại trừ luôn từ “thấu cảm”[2].


Hoàng Tuấn Công/6/2017


Chú thích:


[1] Công bằng mà nói, nếu so sánh cách dùng từ “thấu cảm” trong kho ngữ liệu của Vietlex, với cách “tán” của TS Đặng Hoàng Giang, thì “thấu cảm” thực ra mang nghĩa giản dị, dễ hiểu hơn nhiều. Nghĩa là tác giả “Thiện, Ác và Smartphone” đã gán thêm cho “thấu cảm” nhiều nghĩa rất bí hiểm, linh diệu. Ví dụ, đoạn văn trong “Nỗi buồn chiến tranh”, khi “thấu cảm được lòng Kiên”, thì Phương vẫn quan sát và cảm nhận bằng giác quan của chính mình, chứ đâu phải nhìn bằng “con mắt của người khác”? Hay, Phương chỉ “thấu cảm” trạng thái tâm lý của Kiên trong cảnh ngộ cụ thể (“cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình”), chứ đâu phải là “sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” của Phương về con người Kiên (tức hiểu biết tất cả tâm tính, niềm vui, nỗi buồn, hay thiện ác trong một con người). Từ chỗ “thấu cảm” được “nỗi tiếc nuối cay đắng” trong lòng Kiên, Phương đã nói lời chia sẻ, an ủi, cảm thông.


Hoặc trong đoạn văn của Thế Bảo Tịnh: “Thuật lắng nghe một vấn đề, không phải chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt, để ý những cử chỉ nhỏ của người nói, để dễ tạo cho mình một THẤU CẢM về sự kiện, tâm trạng và âm vang trong cơ thể người kể”, chúng ta thấy rõ, cách lắng nghe đế thấu cảm là vận dụng cùng lúc các giác quan (tai mắt) của chính mình; và cũng chỉ “thấu cảm” về “sự kiện, tâm trạng” của người kể chuyện trong lúc đó, chứ đâu phải hiểu “thấu đáo, trọn vẹn” người đang kể chuyện! Ấy là chưa kể đến những ví dụ về sự thấu cảm của tác giả Đặng Hoàng Giang cũng chưa thể gọi là “thấu cảm” được.


Ý kiến riêng của tôi, đề thi môn ngữ văn THPT năm 2017 có "vấn đề", Trường hợp lấy đoạn trích trong “Thiện, Ác và Smartphone” và yêu cầu thí sinh chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong cách hiểu từ “thấu cảm” của tác giả, lại là chuyện khác. Tuy nhiên, đó không phải là yêu cầu phù hợp với trình độ của học sinh THPT.


[2] Xin tham khảo thêm một số ngữ liệu do Vietlex thu thập (chúng tôi viết hoa THẤU CẢM là để nhấn mạnh và dễ quan sát):


-Tức là, đối với một nhà lãnh đạo, THẤU CẢM không có nghĩa là việc cố gắng hùa theo cảm xúc của những người khác, lấy cảm xúc của họ làm cảm xúc của mình, với mục đích làm hài lòng mọi người; trái lại, nó mang ý nghĩa chỉ về việc trong tiến trình đưa ra các quyết định sáng suốt, nhà lãnh đạo ấy biết ân cần quan tâm đến những tâm tư tình cảm - cũng như đến nhiều yếu tố khác nữa - của các nhân viên mình. [misa.com.vn. 17/12/2012.]


-Nét khác biệt giữa hai người quản lý kia chính là sự THẤU CẢM. Người thứ nhất quá đỗi lo lắng về "số phận" của chính bản thân, đến độ không thiết đoái hoài gì đến nỗi lo âu của các nhân viên mình. Người thứ hai thì bằng trực giác mà biết được những cảm giác của các nhân viên anh, hiểu được những nỗi lo sợ họ đang mang trong lòng, và anh đã tìm cách dùng lời lẽ mà động viên họ. [misa.com.vn. 17/12/2012.]


-Những người có khả năng THẤU CẢM đều bắt nhịp được với những gì tinh tế được biểu hiện qua ngôn ngữ cơ thể; họ có thể nghe ra được thứ thông điệp nằm sâu bên dưới lớp vỏ ngôn từ. Trên hết, họ có được một cách nắm bắt sâu xa về cả sự tồn tại lẫn tầm quan trọng của những nét khác biệt giữa các nền văn hoá hay giữa các dân tộc với nhau. [misa.com.vn. 17/12/2012.]


-Bạn đời sẽ thể hiện cảm xúc dễ tổn thương nhiều hơn thay vì cảm xúc phản ứng (ví dụ tức giận), từ đó càng gợi lên sự THẤU CẢM giữa hai vợ chồng.
Điều này cũng giúp các cặp vợ chồng biết tìm hiểu và cảm thông hơn về hoàn cảnh gia đình của nhau. Nó gợi lên sự THẤU CẢM về các nhu cầu chưa đạt được và lý do tại sao hoàn cảnh hiện tại dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ. Các cặp vợ chồng cũng cần tò mò về nhau trong vấn đề này vì tò mò cũng tạo điều kiện để tăng sự THẤU CẢM giữa đôi bên. [doanhnhansaigon.vn. 22/11/2015].


-Bổ sung thêm một số thông tin khoa học giúp các bạn nhỏ nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của những vận động tự nhiên đối với cuộc sống loài người, thông qua những tình tiết suy tư của ếch xanh, tôi mong cuốn sách gợi dậy những hạt mầm THẤU CẢM với tự nhiên, biết rung động trước một chiếc lá chao nghiêng, một hạt mưa rơi lan toả sóng trên mặt nước… [Kim Yến. tiepthithegioi.vn. 30/11/2016]


-Nghe tiếng loài vật, con người nhận ra loài vật có sinh mệnh, tâm hồn, tình cảm, cảm giác, ngôn ngữ do vậy, các nhân vật trong truyện THẤU CẢM với động vật, chia sẻ cảm giác bị đau với chúng. [Trần Thị Ánh Nguyệt. tapchisonghuong.com.vn. 16/01/2017]

EM BIẾT KHÔNG





Em biết không! Mình chỉ là cỏ dại
Ôm đời nhau qua những giấc mơ dài
Ta bỗng thấy đường đi còn xa ngái
Nhánh hoa đời sẽ rơi xuống nay mai


Em biết không! Mình chỉ là đá cuội
Bao ngàn năm nghe chim hót trên nguồn
Ta lặng lẽ nhìn mây mù quanh suối
Rồi nghẹn ngào nghe gió réo mưa tuôn

Em biết không! Mình chỉ là hạt bụi
Đã từ lâu rơi trong quán trọ này
Và đã khóc nhiều đêm buồn tiếc nuối
Vạn lý sầu treo trên đám mây bay

Em biết không! dù mình ở nơi nào
Hãy cùng vui cùng sưởi ấm đời nhau
Ta đưa nhau lên đỉnh đồi xưa vắng
Ru ngậm ngùi quên hết nỗi niềm đau

Em biết không! Mình còn chút mơ này
Để còn mong còn nhớ những chiều say
Trong chiêm bao ta hóa thành đôi bướm
Bay chập chờn quay quắt sợ ngày mai…

Xuân Mai

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Nghịch lý không: Thủ tướng chưa hiểu rõ “chế độ ta”?




Nguyễn Đình Ấm

VTV1 19h đưa tin, vào ngày 26/6/2017 tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng, trả lời cử tri Nguyễn Văn Điển về xử lý vụ Đồng Tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “ Ở chế độ chúng ta mà bắt giam Công an mấy chục người, làm sao có chuyện như vậy?... Mà cái tội bắt giam người trái pháp luật đó phải được điều tra, xử lý nghiêm túc cũng như tội phá hoại tài sản…”

Tôi hơi giật mình trước phát biểu này của Thủ tướng. Bởi thời gian qua tôi ngưỡng mộ, thấy Thủ tướng gần dân, thấu hiểu phần nào tình cảnh của người nông dân khi ông yêu cầu xem xét chế độ thu hồi đất đai, dừng các công trình thương mại trong sân golf Tân Sơn Nhất…
Lẽ nào,Thủ tướng chưa hiểu rõ “xã hội ta” đang “vỡ trận” bởi các quốc nạn nhất thiết phải ngăn chặn: Tham nhũng kinh khủng, phá rừng, cát tặc, ô nhiễm môi trường, lạm phát cấp phó, “quy trình”, cả họ làm quan, hot girl - đại gia phạm tội “thi đua” đào tẩu, ăn tàu vỏ thép, quân đội sử dụng đất quốc phòng sai mục đích khắp nơi,

Thưa Thủ tướng, dưới “chế độ ta” sao quân đội nhận hơn 200 ha đất của dân để làm sân bay nhưng 36 năm sau không làm lại không trả cho dân sản xuất, sinh sống mà để hoang, đầu cơ, cán bộ tư lợi rồi chuyển cho DN sai mục đích, trong khi đất đai là nguồn sống gần như duy nhất của người nông dân.

Tại sao bà con kiện cả bao năm trời mà “chế độ ta” không giải quyết? Tại sao khi cụ Kình và nhân dân theo yêu cầu của cán bộ “chế độ ta” ra đồng để xác định mốc giới thì bị Phó Công an huyện bất ngờ đạp khiến ông cụ vỡ xương chậu, rồi ném lên xe đưa lên Hà Nội giam giữ, đồng thời tuyên bố là “đối tượng nguy hiểm, gây rối trật tự công cộng”? (Theo tường thuật của cụ Kình).

Ở thôn Hoành có giặc giã nào đang tàn hại dân mà “chế độ ta” lại đưa cả đội cảnh sát cơ động vũ khí đến tận răng xông vào đây? Với mục đích gì nếu không phải để sẵn sàng trấn áp họ?
Người dân yêu cầu đội cảnh sát tập trung một chỗ, chăm nuôi tử tế như là “vật bảo tín” để phòng khi chính quyền tiếp tục ra tay trấn áp thì liệu đây có phải là “bắt giữ người trái pháp luật” không? Hay chỉ là hành vi tự vệ ôn hòa – vốn được cả những người bị giữ phải lên tiếng cảm ơn khi ra về?.

Xin hỏi và lại… xin hỏi Thủ tướng
Xin hỏi Thủ tướng, nếu bà con thôn Hoành không giữ các cán bộ, chiến sĩ thì vụ việc sai trái, bất công ở đây có bị “chìm xuồng” như ngàn vạn vụ khác trên khắp dải đất hình chữ S này? Hiện nay Thủ tướng có biết ở “chế độ ta” còn bao nhiêu người oan sai kể cả “lão thành cách mạng” kiện 10 năm - 20 năm , thậm chí là lâu hơn nữa mà không được giải quyết thấu đáo?
Bản thân Thanh tra chính phủ cũng chẳng phải vừa “rút kinh nghiệm” việc tiếp dân “không hiệu quả”, người tiếp khiếu nại “không làm gì cũng chẳng sao…” đấy thôi.

Lại xin hỏi Thủ tướng, dưới chế độ nào mà nhà kinh doanh bất động sản chỉ trả cho người dân trả từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu/m2 đất, sau đó qua tay nhà đầu tư thì lên mức vài trăm triệu đồng/m2? Những người không chịu chấp hành quyết định bất công này bị “chế độ ta” đối xử như những kẻ thù của chế độ.

Chỉ tính riêng tại Văn Giang, chỉ vì 500 ha đất để đại gia xây nhà kinh doanh mà nhiều người bị ngồi tù, bao nhiêu người bị sách nhiễu, bị sa thải, chuyển công tác đến chỗ khó khăn, tước mất quyền công dân, bị khủng bố tinh thần...
Tại Phúc Đồng (quận Long Biên - Hà Nội), đại gia Vincom được Công an yểm trợ làm việc thất đức, 5h sáng giáp tết Đinh Dậu bất thình lình đem xi măng đổ lấp nghĩa trang cổ của hàng nghìn năm của dân chỉ để làm đẹp con đường đã rộng thênh thang vào khu chung cư của họ… Phía Bắc là vậy, trong Nam cũng không hề yên bình khi tại quận Cái Răng (Cần Thơ), hai mẹ con bà Phạm Thị Lài… phải trần truồng giữa thanh thiên bạch nhật vẫn bị đội cưỡng chế lấy bao tải úp chói.
Tình cảnh bi thương nêu trên là không thể nào kể siết ở “chế độ ta”.

Kết

Thủ tướng có thấy nghịch lý không khi một người nông dân không chịu giao cho DN vài chục, vài trăm trăm mét đất để họ kinh doanh kiếm lời thì bị cầm tù, trong khi đại gia lấy cả 157ha đất an ninh quốc phòng kinh doanh mặc cho sân bay tắc nghẽn. Hay một tỉnh miền núi Yên Bái nhiều trẻ em không có đôi dép đi trong mùa lạnh giá, vừa rồi chính Thủ tướng phải cấp cho 460,7 tấn gạo cứu đói nhưng một giám đốc sở, Công an tỉnh,... mà đền đài, dinh thự nhìn trên cao như kinh thành Huế!

Nếu Thủ tướng vẫn chưa hiểu, thì bất công vẫn diễn ra và sự phản kháng vẫn âm ỉ tích tụ chờ ngày bộc phát. Lúc đó, e rằng, Thủ tướng có hiểu thì đã quá muộn.

'Đào núi và lấp biến'




Anh Văn

“Đào núi, lấp biển” từng được coi là minh chứng vô tận cho sức người trong hoạt động cải tạo tự nhiên để làm kinh tế, nay trở thành một câu nói minh họa cho sự phát triển kinh tế thiếu bền vững.

Không chỉ Hạ Long, mà cả những điểm di sản hay vùng sinh thái du lịch khác cũng bị xâm hại nghiêm trọng. Sơn Đoong (Quảng Bình), Kinh đô (Huế), rừng Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Phú Quốc (Kiên Giang),…

Từ tư nhân đến quân đội “đào núi”

Vào năm 2014, cảnh tượng công trường phá núi khai thác đá ở Vịnh Hạ Long đã được một flycam ghi nhận được. Chính quyền Hạ Long lúc đó phải mất 10 tháng (2015) mới đưa ra được mức phạt…. 17 triệu đồng dành cho vi phạm này.

Quan điểm của ông Giám đốc doanh Minh Anh (nơi gây ra sai phạm) là: di sản không nuôi được con người thì di sản chẳng để làm gì. Kết quả, ông dùng mìn để xẻ núi đá vôi như hình ảnh đã được ghi nhận.

“Đào núi, lấp biển” từng được coi là minh chứng vô tận cho sức người trong hoạt động cải tạo tự nhiên để làm kinh tế, nay trở thành một câu nói minh họa cho sự phát triển kinh tế thiếu bền vững.

Gần đây, cũng liên quan đến vụ “xẻ núi” trong khu vực đệm Vịnh Hạ Long, nhưng xuất phát lại từ Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân- và dù chính quyền sau đó xác minh rằng, không phải khai thác đá mà là do công trình quốc phòng thuộc quản lý của đơn vị quân đội nêu trên (ranh giới đất quốc phòng và được phép của Bộ Quốc phòng), nhưng sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh lại ra quyết định “phê bình” và yêu cầu chấm dứt hoạt động. Điều đó gián tiếp công nhận rằng, hoạt động trên thuần về phục vụ kinh tế hơn là mang tính quốc phòng của đơn vị, và thực tế - bên cạnh xây dựng công trình quốc phòng là “tận thu tài nguyên đá”.

Quân đội - dù không hưởng cơ chế “chủ đạo của nền kinh tế”, nhưng lại hưởng được đặc ân là “vì mục đích quốc phòng”, dẫn sai phạm hàng loạt liên quan đến sử dụng sai mục đích.

Cách đây 10 năm (2007), báo chí chính thống từng lên tiếng về việc, trung tâm tiệc cưới White Palace (Q. Phú Nhuận – Tp. Hồ Chí Minh) được dựng lên trên đất của quốc phòng, chủ đầu tư là công ty Tây Nam (Quân khu 7), nhưng hoạt động kinh tế lại không phục vụ cho quốc phòng (tức sử dụng sai mục đích). Khiến cho tiền thuế trng sử dụng đất (thuê đất) bị mất trắng. Dẫn đến sự va chạm về mặt quản lý và cách thức sử dụng đất đúng mục đích của phía dân sự (chính quyền địa phương) và bên quân đội (Bộ Quốc phòng). Và bên Quốc phòng luôn vịn cớ “vì mục đích quốc phòng” để đấu lý với chính quyền dân sự!

Câu chuyện Quảng Ninh nối tiếp câu chuyện Tp. Hồ Chí Minh đã trở thành một thực trạng đáng lo ngại liên quan đến các doanh nghiệp đeo hàm, làm kinh tế trên nguồn tài nguyên quốc gia. Mà một trong những nguồn tài nguyên đó là đất đai – khoáng sản và vùng biển.

Bàn tay con người, đaị diện cho ý chí chủ đầu tư và sự hiệp đồng tác chiến của chính quyền đã khiến cho rừng bị chảy máu, và núi bị xói lở. Nó núp dưới bình phong đầy chất nhân đạo: phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Hệ quả xấu càng nhân hai khi rơi vào tay các doanh nghiệp quân đội dưới mác: phục vụ kinh tế - quốc phòng. Điều này hàm nghĩa, lợi dụng danh nghĩa quân đội làm vỏ bọc để làm trái pháp luật trở thành xu hướng được đẩy mạnh, “nguồn thuế và tài nguyên” trở thành nạn nhân khi gánh vai trò động lực kinh tế của quân đội.

Trách ai bây giờ?

Sự buông lỏng quản lý từ địa phương, sự tha hóa biến chất của quân đội có phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng “dời núi, lấp biển” trái pháp luật nêu trên?

Không! Thực chất, gốc rễ của vấn đề chính là đến từ văn kiện Đại hội XI của ĐCS, khi xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và trên từng địa bàn”. Nghĩa là mọi chính sách phát triển ở địa phương đều có cổ phần của quân đội, đặc ân này trở thành một “bảo kiếm” giúp cho quân đội “đào núi và lấp biển” mà không ngại sự quản lý hay thậm chí chế tài ở địa phương.

Đó cũng là cách làm chiều lòng nhà quân đội, đem lại những giá trị kinh tế nhất thời. Và cái gọi là “bền vững” trong môi trường bền vững (hệ sinh thái, đa dạng sinh học), kinh tế bền vững (tăng trưởng, phát triển, hiệu quả), xã hội bền vững (bản sắc văn hóa, khả năng tiếp cận, sự ổn định) chưa bao giờ được định hình trong quan điểm làm kinh tế theo kiểu “cào bằng” của đội ngũ quân đội.

Vừa qua, liên quan đến vụ golf Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng chủ trương tổ chức thanh tra toàn bộ đất quốc phòng tại TP.HCM. Nhưng đây chỉ là một động thái hiếm hoi nhất trong 64 tỉnh thành trên cả nước, xuất phát từ tâm điểm nóng của dư luận vừa qua mà thôi. Do đó, nó chỉ giải quyết phần ngọn, còn gốc rễ, là phải từng bước buộc quân đội thoái dần ra khỏi các hoạt động kinh tế, trở về chuyên môn chính là tập luyện và bảo vệ tổ quốc. Bắt đầu từ việc rút quân đội ra khỏi nhiệm vụ kinh tế từ văn kiện ĐH Đảng.

Lỗi 404- Đừng lấy tay che mặt trời



Tác giả: Lê Ngọc Sơn- Nghiên cứu bậc tiến sĩ, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức


.404 là “lỗi” thường gặp của các tờ báo ở Việt Nam, thường được gọi vui là “tứ bất tử”, để chỉ tình trạng một bài báo nào đó bỗng dưng… bất đắc kỳ tử. Đằng sau triệu chứng 404 này liệu có phản ánh một căn bệnh nào đó của xã hội đương đại?


Thế, Quyền, Tiền, và… 404


Việc 404 xuất hiện dày đặc và liên tục trong rất nhiều vụ việc có sự dấn thân của báo chí cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về sự can thiệp vào sự chuyên nghiệp của báo chí. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này: lỗi chuyên môn, tác nghiệp, bài báo sau khi đăng lên đã được phát hiện các sự cố và buộc phải gỡ bỏ; sự can thiệp của những nhóm lợi ích kinh tế/chính trị, muốn làm sai lệch hoặc che giấu sự thật để đoạt lợi (về tiền bạc, danh dự, trốn tránh trách nhiệm pháp lý). Với những người làm nghề báo lâu năm, đặc biệt là ở cấp quản lý (ban biên tập), thì hầu hết cho rằng lỗi 404 xuất phát từ nguyên nhân thứ hai – sự nhúng tay của một bộ phận nào đó có thế, có quyền, và cả… có tiền.


“Quyền” là thứ mà kẻ nắm trong tay công vụ có thể dùng nó để can thiệp hoặc gây ảnh hưởng đến các tờ báo, hoặc sinh mệnh chính trị của lãnh đạo các tờ báo, hoặc cơ quan chủ quản. “Thế” là những kẻ thân hữu, có sự quen biết nào đó với những nhân vật có quyền lực. Và “tiền” là công cụ của những kẻ tài phiệt, dùng để can thiệp và xé toạc các tờ báo (nếu có cơ hội). Khi sự tác quái của cả “quyền”, “thế” và “tiền” cùng song hành, cộng với sự tiếp tay, thiếu bản lĩnh, thậm chí là bạc nhược của một số tờ báo sẽ là tác nhân gây ra sự “đột tử” những đường link báo chí. Cứ thế, như những cơn mưa kích hoạt “vạt nấm” 404 nảy nở, sinh sôi.


Thực tế, chúng ta đã thấy bên cạnh nhiều tờ báo bản lĩnh, giữ vững tính chiến đấu với tiêu cực, với cái xấu, tham ô tham nhũng, thì vẫn có những tờ báo vì lợi ích của mình đã phải khuất phục trước các thế lực khác. Chuyện một số báo làm sai lệch phát biểu của Thủ tướng, không nhắc đến việc Vincom xây dựng các tòa cao ốc (làm căn hộ và văn phòng) tại khu Triển lãm Giảng Võ ở Hà Nội là một chuyện tương tự như vậy. Người trong nghề biết rõ chuyện có những tập đoàn, doanh nghiệp phân công người phụ trách đi gỡ tất cả các bài báo phản ánh các vấn đề tiêu cực của tập đoàn, doanh nghiệp đó… Trong những trường hợp này, gỡ bài báo là việc bị sỉ nhục đối với báo chí và lý tưởng nghề báo. Một khi đồng tiền đâm toạc tờ báo, có nghĩa đạo đức nghề nghiệp đang bên bờ vực tiêu vong. Với người làm báo chân chính, đạo đức tiêu vong có nghĩa lý tưởng nghề nghiệp chỉ còn là mớ khẩu hiệu tự vuốt ve an ủi tâm hồn.


Sáng tạo không thể dựa trên cấm đoán


Rút bài báo trong trường hợp trên cũng có nghĩa là can thiệp trắng trợn vào sự công chính. Nó là những ví dụ tiêu biểu cho một xã hội mà ở đó sự công chính không được đặt lên trên hết, nơi tiền – quyền, hay mối quan hệ có thể lấn át sự công bằng xã hội. Điều đó làm sâu sắc thêm dấu vết của một xã hội thiếu thốn các chuẩn mực. Mà một xã hội thiếu chuẩn mực (về công chính) sẽ là một xã hội vô vọng với công bằng, phát triển lành mạnh.


Nếu vì một lực lượng quyền lực nào đó can thiệp vào hoạt động báo chí để trục lợi cho nhóm lợi ích, thì việc gây nên các sự cố 404 càng đáng lên án. Trong thời buổi mà bạn đọc ở thế chủ động và thông tuệ hơn, chính 404 gợi ý cho họ về những bàn tay lua xua phía sau sự cố “đường link tự dưng lăn ra chết”. Về lâu dài, việc này tạo ra thế đi thụt lùi của xã hội. Thực tế các nước tiên tiến cho thấy, một xã hội sáng tạo và phát triển dựa trên tự do, chứ không phải chú trọng vào sự cấm đoán. Cấm đoán là hành vi đặc trưng của những kẻ sợ hãi cái mới, mà sợ hãi cái mới có nghĩa là cản bước sự tiến bộ, vì cái mới (kể cả thách thức mới) là yếu tố kích thích sự phát triển.


Những người lạc quan thì tin rằng, rồi cũng sẽ đến một ngày xã hội đạt đến mức phát triển nhất định, mà ở tầm mức đó người ta sẽ ý thức được rằng: không thể vì sợ nắng mà người ta cố đưa tay che khuất mặt trời. Việc đưa tay che lấy mặt trời là những hành động ngô nghê và ngạo mạn, trên hết nó là kết quả của sự vô minh. Những người thích đùa thì ví von rằng, trong khi thế giới đang chạy đua với cách mạng công nghiệp 4.0, thì ở ta muốn “đi tắt đón đầu”, thực hiện đại nhảy vọt lên… 404. Đó là một sự đùa mang lại những tiếng cười ra nước mắt. Thế nên, dù 404 là kết quả của sự chi phối của thế lực kinh tế, hay là sự can thiệp từ nhóm lợi ích chính trị nào đó, thì việc can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của báo chí là một hành động lỗ mãng, cần phải được chặn lại. Nền pháp quyền cần trao cho báo chí các công cụ pháp lý thực chất để tự vệ trước sự can thiệp của các nhóm lợi ích, để báo chí thực hiện tốt vai trò và chức năng giám sát và phản biện xã hội của mình. Điều đó sẽ góp phần cân chỉnh, cùng tiến lên một xã hội văn minh, phát triển.


Lê Ngọc Sơn – Nghiên cứu bậc tiến sĩ, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đứ
c

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

mộ người nam bắc





Em -- vợ lính và cũng là mẹ lính
Mùi áo chồng và cả mùi áo con
Mùi chinh chiến, mùi duyên tình Trời định
Để một đời: Em 2 chữ sắt son
Khi anh sống, áo treillis bùn đất
Lúc dựng cờ, áo thẫm máu, đất nâu
Con bé dại hỏi mẹ câu ... ba mất
Nghĩa là gì ... người thức trắng đêm thâu
Ngày khôn lớn, Mẹ vẫy tay con trẻ
Bước hành quân theo nối tiếp Cha Anh
Lòng quả phụ khấn thầm câu lòng mẹ
Ơn Trời cao xin ban phúc ơn lành
Mười năm sau Mẹ lên rừng phương Bắc
Thăm con giờ "tù cải tạo" khổ sai
Khấn hồn thiêng mà rưng rưng nước mắt
Phù hộ con, anh trong tấm thẻ bài ...
Chữ quả phụ chỉ riêng anh hiểu được
Chữ mất con, em xa xót trong lòng
Trắng khăn tang một lần em đã bước ...
Xuống mộ sâu rồi chia cách vợ chồng
Anh và con -- cả cuộc đời em đấy
Bao tháng năm 2 di ảnh bên em
Hồn ai đó vấn vương ngàn lau sậy
Mộ 2 người Nam -- Bắc lạnh sương đêm.


Như Thương

cách mạng thi ca việt nam+ tình dục



trần nghi hoàng




Cả chục năm gần đây, giới văn học bất kể trong lẫn ngoài nước, bỗng cùng nhau người trước kẻ sau, lũ lượt hô hào rầm rộ ồn ào náo động nhất định làm cách mạng cho thi ca và tình dục. Đúng ra, chủ đề “tình dục” chỉ bị quí vị này lợi dụng! Họ không có thâm ý cũng như nhã ý (và nhất là không có khả năng!) làm cách mạng tình dục gì sốt! Vấn đề là, họ chỉ muốn mang “tình dục” hoặc những con chữ, những ngôn ngữ nói về “tình dục” vào chữ nghĩa thi ca!



Chuyện như thế thì tôi thấy chả có gì là nghiêm trọng và đáng nói tới. Chuyện “tình dục” ấy mà! Nó là một thứ nhu cầu bình thường như bao thứ nhu cầu căn bản. (ăn, ngủ, đụ, ỉa). Và sau khi con người ý thức (hay nhận ra hoặc tự nhận) là mình đã tiến bộ văn minh, con người ta còn có thêm những nhu cầu “sinh tử” khác như: suy tưởng, phát biểu, tự do… Và bất cứ thế lực hay món gì ngăn cản những nhu cầu này, đều phải nhận lấy một hậu quả khó lường do những cuộc “cách mạng”, “lật đổ” diễn ra..


Chuyện nó chẳng ra làm sao, hà cớ cứ bận tâm. Những quí vị đạo đức (thật và đa số giả) thích càm ràm về những chuyện này, xem ra, đã “nhàn cư vi bất thiện”. Tôi nói “bất thiện” là vì quí vị đang “xâm phạm gia cư bất hợp pháp”!


Mấy cái vụ mà một số quí thi sĩ Việt Nam quốc nội và hải ngoại đang tận lực cổ võ, để phát huy kia [tòan] là những vụ rất “riêng tư”. Chẳng hạn như “thủ dâm”, “làm tình”… Bộ không phải là những chuyện mà (hầu như) những con người bình thường đều phải “làm” nó ở một nơi kín đáo, vắng vẻ, riêng tư… Ngay cả người Mỹ, là những người được xem là “tự do” và “tiến bộ” về quan điểm trong lãnh vực tình dục, cũng phải có những tờ báo riêng, hay những trang web riêng… để “xả xú bắp” về chuyện “tình dục”. Playboy, Playgirl đại loại…


Nhưng người Việt Nam chúng ta thì khác. Bởi chúng ta có nhiều thứ “truyền thống” đáng nể luôn luôn đè nặng trên đầu. Với truyền thống dân tộc bốn-năm ngàn năm văn hiến, người Việt rất khoái làm “cách mạng”. “Cách mạng” đối với người Việt Nam đồng nghĩa với “bắt chước”.


Trong lãnh vực thi ca, người Việt Nam khởi nghĩa cuộc cách tân bằng phát động phương pháp nhại thơ Maiakovski và mấy thứ Nga-Tàu thời XHCN! Bây giờ, thời kinh tế thị trường, khi thấy thứ thi ca biến thái “cách mạng cách tân” của các “thi sĩ” trong nước với trạng huống bắt chước lạc đường, thì một số “thi sĩ” Việt hải ngoại cũng hoảng hốt làm những cú nước rút đề hầu mong theo cho kịp cái đà cách tân vĩ đại của “anh chị em ta” trong nước!


Nói đúng kiểu Việt Nam “truyền thống”, thì: ' Người Việt chúng ta không thèm làm (cách mạng) thì thôi, đã làm(cách mạng) thì bắt buộc là phải “qua mặt” Tụi Nó. Tụi Nó ở đây, tất nhiên là những con người của những quốc gia khác trên thế giới, đã khám phá sau khi khám xét kỹ lưỡng, và khám nghiệm một cách đàng hoàng. Tất yếu là đã trải qua đúng theo những chu kỳ của một cuộc sáng tạo để thành công và thành danh. Thành công có nghĩa là được thế giới con người công nhận là một phát minh mới trong lãnh vực văn hóa. Và sau đó tất nhiên là sự vụ thành danh.


Truyền thống Việt Nam chúng ta, bất kể trong hay ngoài nước, không nhất thiết và có thể tuyên ngôn một cách không cường điệu và cưỡng bức tí nào hết, là không thèm hoặc không cần phải trải (nghiệm) qua những thứ chu kỳ ấu trĩ đó! Dân tộc Việt Nam bốn-năm nghìn năm văn hiến là một dân tộc của thi ca mà lại! Cứ phong thanh nghe đâu đó trên thế giới đang có một phong trào thơ đang phát động, thì “bổn phận” đương nhiên của những thi sĩ và không thi sĩ Việt Nam là phải liền tức thì phát động cái phong trào “nghe đồn” trên thành một “phong trào” to lớn rền vang và rền vang một cách ngang nhiên vô tội vạ!


“Tiên hạ thủ vi cường” – “Bắn chậm thì chết”. Những “thi sĩ” cách tân hiện đại của Việt Nam ta, là những tay súng “chớp giật, sao băng”. Từ thơ 'Tân Hình Thức', nhảy qua thơ' Nhại Lạ'i (tức thơ nhại thơ). Bước vào đường cùng và đường cụt, thì ngõ thoát hiện ra sáng ngời trước mắt là thơ 'Nhai Lại,' tức thơ Recycle… Cuộc biến chuyển cách tân thơ thập phần ngoạn mục đủ sắc màu ái ố hỉ nộ. Và bây giờ là bay bổng lên bằng 'Thơ Sex Siếc'. Sau cách 'Tân Hình Thứ'c là công cuộc' Tẩy Rửa Nội Dung'
.
Song le, “xấu đẹp tùy người đối diện”. Cuộc cách mạng nào chẳng đổ máu hoặc mực, phải không? Cũng như, có người thích Paris, (vẫn) ngợi ca Paris như những tay văn nghệ thời cuối thế kỷ XIX. Nhưng đâu ít những người khác chê bai Paris thậm tệ.


Xin đọc vài dòng thơ của Kenneth Koch, một thi sĩ Mỹ, viết về Paris:
' WHAT PEOPLE SAY ABOUT PARIS?'

They often begin by saying, “Paris! How I wish I were there!”
Someone said, “Paris where good Americans go when they die.”
“Pit pat, pit pit patter,” say the raindrops
Falling on Paris in Apollinaire’s poem “La Pluie.”
“I was so happy in Paris,” I said. “It was like
Loving somebody. The first three times I left there, I cried.”
“I don’t like Paris.” say some. And others, “Paris is getting nice again.”
“If you don’t meet anyone but concierges and waiters,
How can you like any place?” Another says, “The French do nót have friends,
They have relatives. “ A Frenchman says, “Le francais n’est pas interlligent,
Il est rapide.” “Paris is ruined,” say certain, all the time.
Paris was at its best in the noneteenth century.”
“Paris was wonderful between the wars.” “Old Paris is no more,”
Said Baudelaire. “The form of a city
Changes more quickly, alas! Than a mortal’s heart!”


Paris hả? Rất nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam ta đã từng đem Paris vào văn chương thi ca. Paris trở thành cái tên của vùng đất hứa mà anh chị văn nghệ sĩ nào đã tới được Paris, là coi như đã thành tựu viên mãn. Đã được ấn chứng là một văn nghệ sĩ thứ thiệt, thời thượng và thời cuộc!

Tôi cứ tưởng như đó là chuyện của người Việt Nam bốn-năm nghìn năm văn hiến và văn hóa. Đâu ngờ, người Mỹ giang hồ cưỡi ngựa chăn bò hai trăm năm lập quốc, phú cường hùng cường và văn minh điện toán tàu ngầm hỏa tiển cung trăng, lại cũng cứ bị cái Paris nó ám ảnh. Dĩ nhiên, như đã nói “xấu đẹp tùy người đối diện”, “người vầy người khác”. Nhưng cuộc lý luận lý giải sẽ trường giang bất tận và không kết thúc! Ủa? Anh muốn thích Paris thì anh cứ thích! Tôi thì thấy Paris bây giờ cũng rạc rày như Đà Lạt của Việt Nam. Những dáng sắc hương hoa của văn hóa văn học, của thơ mộng thơ ngây và thơ thẩn đã tàn rụi theo năm tháng. Ừa rồi sao? So what? Tôi vẫn cứ thích Paris. Thì mặc mẹ anh cứ thích Paris. Tôi thì không cũngso what? Cuộc tranh cãi sẽ trở thành vô duyên, thậm chí vô bổ và kết quả thì vô hậu và sẽ vô cùng dai dẳng chẳng đi đến cái thành La Mã nào. Vậy thì, phe thích làm thơ 'sex siếc', thích bày của quí và những cơn động tình (tưởng tượng) của mình lên giấy, cứ việc tự nhiên cho! Ngược lại, phe “chi hồ giả dã” gì đó, cứ tiếp tục “gáo tra dài cán”, xí quên “giáo đa thành oán”, đừng nên tiếp tục vọng động! Tuy nhiên, mọi thứ đều có cái “giới hạn” của nó! Cái giới hạn vô hì'nh nhưng hết sức chặt chẽ. Mời đọc chơi vài dòng của Joseph Brodsky: 'TO URANIA
I.K.

Everything has its limit, including sorrow.
A windowpane stalls a stare; nor does a grill abandon
A leaf. One may rattle the keys, gurgling down a swallow.
Lonelines cubes a man at ran dom.
. . . . . . . . .
And what is space anyway if not the
body’s absence at every given
point? That’s why Urania’s older than sister Clio!
(Joseph Brodsky
sách đã dẫn; trang 21)



Mọi thứ đều có cái giới hạn của nó. Ngay cả những nỗi niềm đau khổ! Mỗi khối cô đơn nằm trong sự hiện hữu của mỗi con người. Nhưng cái khối cô đơn kia, và ngay cả cái sự hiện hữu của con người, cũng đều có những giới hạn của chúng nó. Thế thì ô hô ai tai! Mặt mày xụi lơ ngó ngoài liếc trong không tìm ra cứu cánh. Có khi, chính cứu cánh là cái phương tiện vãng lai tưởng chừng thập phần hiện hữu, nhưng lại rồi thập phần chẳng hiện hữu gì hết! Đã nói, mọi thứ đều có giới hạn của nó mà. Cái gì hiện hữu rồi cũng có lúc không hiện hữu nữa. Có những phương ngôn tục ngữ hay phong dao đồng dao từ thời xa xưa, vẫn còn giá trị hữu ích cho con người muôn đời. Thí dụ như câu “Thái quá bất cập” – Cái gì mà nhiều quá, quá đáng thì cũng sẽ không khá được. Bắt chước, thoạt kỳ thủy chẳng có gì là xấu. Nhưng trong sự bắt chước phải biết tiêu hóa. Sử dụng của người khác, nhưng đã được “thích hợp” hóa với bản chất của mình. Chẳng hạn như những chữ “xà bông” mà tiếng Việt chúng ta đang xài, vốn dĩ là từ chữ “savon” của tiếng Pháp. Hoặc những chùm từ như “tam sao thất bổn”, cứ nói hoặc viết ra, là hầu như người Việt Nam nào cũng hiểu đến thất thoát sai lạc trong sự vụ truyền miệng rỉ tai. Giới hạn của mỗi sự việc nó khác nhau. Phải tinh tế và mẫn cảm để nhận ra cái lằn ranh này. Mà một người là “thi sĩ thực sự”, thi hai bản năng “tinh tế” và “mẫn cảm” hầu như phải có là điều tất nhiên.


Đọc 'Kinh Karma' hay 'Kinh Tố Nữ', tôi không thấy có sự tục tĩu hay nhớp nhúa trong những trang tình kinh nói trên. Ngay cả' Nhục Bồ Đoàn' của Lý Ngư, tôi đọc được văn chương và tính ẩn dụ bên trong những câu chữ nói về nhục cảm thân xác. Bởi tự hai cuốn 'Tình Kinh', hoặc tác phẩm 'Nhục Bồ Đoàn', đã đưa ra cái chuyên đề để lý giảI: “Tình Dục”. Nhưng đọc những câu thơ “bày biện” của một số quí vị thi sĩ đang thời từ trong nước tới hải ngoại, tôi chỉ thấy được một điều là quí vị đang “thủ dâm Ngôn Ngữ”. Tuy nhiên, bày biện cũng có nhiều cách bày biện. Bày biện có thẩm mỹ, có kỹ thuật và nhất là phải giữ cho được cái tính Thơ, thì tôi thấy rất là hiếm hoi. Xin kể hầu một câu chuyện về hai chữ “bày biện”: Một bà góa kia chồng mất đã được đúng năm. Bà vẫn luôn thương nhớ ông chồng bạc mệnh. Vào ngày giỗ đầu của chồng, bà làm một bữa cổ thực thịnh soạn, mời bà con, làng xóm đến dự. Khi quan viên đã tề tựu đông đủ, bà cứ lăn ra mà khóc trước bàn thờ chồng, kể lễ nỗi niềm thương tiếc. Bà khóc và khóc tỉ tê khổ não. Đứa con gái mười lăm tuổi của bà khuyên can bà thế nào cũng không được. Mấy bà khách bà con an ủi thế nào bà cũng cứ hiên ngang mà khóc. Mới đầu, nhịp khóc còn nhẹ nhàng, rấm rứt. Khi bắt trớn được, bà khóc vật vã, lăn lộn trước bàn thờ. Hai tay bà cứ đấm thùm thụp lên mặt đất. Đầu bà gục hất tung xoay túi bụi. Thời đó, cách nay đã khá là lâu, đàn bà mặc váy maxi nhưng ứ thèm mặc lót bên trong mấy cái món lỉnh kỉnh rườm rà. Nên bà góa ta sau một hồi “chổng mông” lăn lộn khóc, váy nó cứ tuồn tuột dần và điều tất nhiên đã xảy ra: bà “bày biện” ra cái món của quí đã cả một năm rồi “tiu nghỉu” của bà. Đứa con gái mười lăm tuổi thẹn quá, bèn nói với bà: “Mẹ ơi! Mẹ mời bà con hàng xóm tới nhà giỗ bố, lại cứ “bày biện” ra như thế kia, nom kỳ cục quá mẹ à!” Bà góa ta vừa khóc, vừa đưa tay quẹt nước mắt, hắng giọng bảo con gái: “Thì mẹ mời bà con hàng xóm tới nhà ăn giỗ bố, phải “bày biện” ra mời bà con hàng xóm người ta xơi chứ! Con nói năng chi lạ, chẳng có lễ giáo lịch sự gì cả.”.

Mời xơi thì mời. Bà con hàng xóm có dám xơi hay không, lại là một chuyện khác cần phải nghiên cứu và “ấn chứng” lại! Cũng như, làm cách mạng thì đã là người Việt Nam, ai lại không thích? Truyền thống dân tộc mà! Làm thơ hả? Người Việt Nam nào chả biết làm thơ. Lại truyền thống thêm cái bản sắc dân tộc trống đồng và cây đa đầu đình lũy tre cuối xóm! Nhưng làm cách mạng “kiểu” như thế nào, “cách tân” ra làm sao và cho cái gì, để đi đến đâu, thì là những câu hỏi, những cật vấn rườm rà không cần thiết!


Còn nữa. Cái tạng của hầu hết văn nghệ sĩ Việt Nam ta nó như 'vầy'… Cứ có một chút danh, một vài tác phẩm thì bèn thành ngay một cục thiên tài, độc nhất vô nhị trong cõi trần ai. Do đó, dân tộc Việt Nam ta, dù ở trong nước hay đang lưu vong hải ngoại, đều là những Nhà Cách Mạng và những Thi Sĩ. Và ai cũng là độc nhất. Đó là truyền thống văn hóa Việt Nam.


Tô Hoài chép chuyện Nguyễn Tuân và Nguyễn Sáng: “Nguyễn Sáng đến chơi, mùng ba Tết. Hai người uống vui, câu chuyện xoay quanh nghệ thuật. Bốc lên, Nguyễn Sáng hét: “Chỉ có một thằng Sáng thôi. Còn thì cứt hết!” Nguyễn Tuân giơ tay ra cửa: “Đi ngay!” Nguyễn Sáng vẫn hăng: “Nguyễn Tuân à, đừng tưởng bở! Ông không biết viết tiểu thuyết. Truyện không có nhân vật, vứt đi!” “Anh ra khỏi đây ngay.” Nguyễn Sáng lập cập xuống thang. Gặp tôi, Nguyễn Sáng nước mắt đầm đìa. Nguyễn Sáng bảo con gái tôi: “Người ta đuổi chú. Năm mới mà chú bị người ta đuổi.” Ngồi một lúc, tỉ tê hỏi mới ra câu chuyện những cái tài cái tai gặp nhau. Nguyễn Sáng nói một câu sắc rợn: “Nó cũng khinh người bỏ mẹ, lại bảo mình khinh người!” “Lúc nãy có nói thế với Nguyễn Tuân không?” “Chưa nói hết câu, nó đã tống mình đi rồi. Tức quá, đi luôn”.. (Tô Hoài; Cát Bụi Chân Ai; Hồi ký. T(hanh Văn xuất bản 1990; Trang 178) .


Tinh thần cách mạng và tinh thần thi ca dâng cao lên rồi, hai thứ này nó phối trí và phối hợp với nhau thành “tường đồng vách sắt”, có thể chống đỡ bất cứ cuộc tấn công nào! Dù bom nguyên tử hay đạn thủy lôi! Vả lại, ngoài hai tinh thần cách mạng và thi ca ra, mỗi một văn nghệ sĩ Việt Nam là một “thiên tài”. Chúng ta có vô số thiên tài và trùng điệp những ngọn cô phong…. Mặc cho mưa gió nghìn trùng. Đâu rồi cách mạng cho thi ca và tình dục của người Việt?. (*).. []


------------- . .
(*) bản đã được BBT Hội Luận biên tập ;và tác giả đồng ý so với bản trước đây in trên trang mạng khác. (BBT/ Hội Luận).




trần nghi hòang
(Virginia)