Tác giả: Lê Ngọc Sơn- Nghiên cứu bậc tiến sĩ, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức
.404 là “lỗi” thường gặp của các tờ báo ở Việt Nam, thường được gọi vui là “tứ bất tử”, để chỉ tình trạng một bài báo nào đó bỗng dưng… bất đắc kỳ tử. Đằng sau triệu chứng 404 này liệu có phản ánh một căn bệnh nào đó của xã hội đương đại?
Thế, Quyền, Tiền, và… 404
Việc 404 xuất hiện dày đặc và liên tục trong rất nhiều vụ việc có sự dấn thân của báo chí cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về sự can thiệp vào sự chuyên nghiệp của báo chí. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này: lỗi chuyên môn, tác nghiệp, bài báo sau khi đăng lên đã được phát hiện các sự cố và buộc phải gỡ bỏ; sự can thiệp của những nhóm lợi ích kinh tế/chính trị, muốn làm sai lệch hoặc che giấu sự thật để đoạt lợi (về tiền bạc, danh dự, trốn tránh trách nhiệm pháp lý). Với những người làm nghề báo lâu năm, đặc biệt là ở cấp quản lý (ban biên tập), thì hầu hết cho rằng lỗi 404 xuất phát từ nguyên nhân thứ hai – sự nhúng tay của một bộ phận nào đó có thế, có quyền, và cả… có tiền.
“Quyền” là thứ mà kẻ nắm trong tay công vụ có thể dùng nó để can thiệp hoặc gây ảnh hưởng đến các tờ báo, hoặc sinh mệnh chính trị của lãnh đạo các tờ báo, hoặc cơ quan chủ quản. “Thế” là những kẻ thân hữu, có sự quen biết nào đó với những nhân vật có quyền lực. Và “tiền” là công cụ của những kẻ tài phiệt, dùng để can thiệp và xé toạc các tờ báo (nếu có cơ hội). Khi sự tác quái của cả “quyền”, “thế” và “tiền” cùng song hành, cộng với sự tiếp tay, thiếu bản lĩnh, thậm chí là bạc nhược của một số tờ báo sẽ là tác nhân gây ra sự “đột tử” những đường link báo chí. Cứ thế, như những cơn mưa kích hoạt “vạt nấm” 404 nảy nở, sinh sôi.
Thực tế, chúng ta đã thấy bên cạnh nhiều tờ báo bản lĩnh, giữ vững tính chiến đấu với tiêu cực, với cái xấu, tham ô tham nhũng, thì vẫn có những tờ báo vì lợi ích của mình đã phải khuất phục trước các thế lực khác. Chuyện một số báo làm sai lệch phát biểu của Thủ tướng, không nhắc đến việc Vincom xây dựng các tòa cao ốc (làm căn hộ và văn phòng) tại khu Triển lãm Giảng Võ ở Hà Nội là một chuyện tương tự như vậy. Người trong nghề biết rõ chuyện có những tập đoàn, doanh nghiệp phân công người phụ trách đi gỡ tất cả các bài báo phản ánh các vấn đề tiêu cực của tập đoàn, doanh nghiệp đó… Trong những trường hợp này, gỡ bài báo là việc bị sỉ nhục đối với báo chí và lý tưởng nghề báo. Một khi đồng tiền đâm toạc tờ báo, có nghĩa đạo đức nghề nghiệp đang bên bờ vực tiêu vong. Với người làm báo chân chính, đạo đức tiêu vong có nghĩa lý tưởng nghề nghiệp chỉ còn là mớ khẩu hiệu tự vuốt ve an ủi tâm hồn.
Sáng tạo không thể dựa trên cấm đoán
Rút bài báo trong trường hợp trên cũng có nghĩa là can thiệp trắng trợn vào sự công chính. Nó là những ví dụ tiêu biểu cho một xã hội mà ở đó sự công chính không được đặt lên trên hết, nơi tiền – quyền, hay mối quan hệ có thể lấn át sự công bằng xã hội. Điều đó làm sâu sắc thêm dấu vết của một xã hội thiếu thốn các chuẩn mực. Mà một xã hội thiếu chuẩn mực (về công chính) sẽ là một xã hội vô vọng với công bằng, phát triển lành mạnh.
Nếu vì một lực lượng quyền lực nào đó can thiệp vào hoạt động báo chí để trục lợi cho nhóm lợi ích, thì việc gây nên các sự cố 404 càng đáng lên án. Trong thời buổi mà bạn đọc ở thế chủ động và thông tuệ hơn, chính 404 gợi ý cho họ về những bàn tay lua xua phía sau sự cố “đường link tự dưng lăn ra chết”. Về lâu dài, việc này tạo ra thế đi thụt lùi của xã hội. Thực tế các nước tiên tiến cho thấy, một xã hội sáng tạo và phát triển dựa trên tự do, chứ không phải chú trọng vào sự cấm đoán. Cấm đoán là hành vi đặc trưng của những kẻ sợ hãi cái mới, mà sợ hãi cái mới có nghĩa là cản bước sự tiến bộ, vì cái mới (kể cả thách thức mới) là yếu tố kích thích sự phát triển.
Những người lạc quan thì tin rằng, rồi cũng sẽ đến một ngày xã hội đạt đến mức phát triển nhất định, mà ở tầm mức đó người ta sẽ ý thức được rằng: không thể vì sợ nắng mà người ta cố đưa tay che khuất mặt trời. Việc đưa tay che lấy mặt trời là những hành động ngô nghê và ngạo mạn, trên hết nó là kết quả của sự vô minh. Những người thích đùa thì ví von rằng, trong khi thế giới đang chạy đua với cách mạng công nghiệp 4.0, thì ở ta muốn “đi tắt đón đầu”, thực hiện đại nhảy vọt lên… 404. Đó là một sự đùa mang lại những tiếng cười ra nước mắt. Thế nên, dù 404 là kết quả của sự chi phối của thế lực kinh tế, hay là sự can thiệp từ nhóm lợi ích chính trị nào đó, thì việc can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của báo chí là một hành động lỗ mãng, cần phải được chặn lại. Nền pháp quyền cần trao cho báo chí các công cụ pháp lý thực chất để tự vệ trước sự can thiệp của các nhóm lợi ích, để báo chí thực hiện tốt vai trò và chức năng giám sát và phản biện xã hội của mình. Điều đó sẽ góp phần cân chỉnh, cùng tiến lên một xã hội văn minh, phát triển.
Lê Ngọc Sơn – Nghiên cứu bậc tiến sĩ, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét