Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

cách mạng thi ca việt nam+ tình dục



trần nghi hoàng




Cả chục năm gần đây, giới văn học bất kể trong lẫn ngoài nước, bỗng cùng nhau người trước kẻ sau, lũ lượt hô hào rầm rộ ồn ào náo động nhất định làm cách mạng cho thi ca và tình dục. Đúng ra, chủ đề “tình dục” chỉ bị quí vị này lợi dụng! Họ không có thâm ý cũng như nhã ý (và nhất là không có khả năng!) làm cách mạng tình dục gì sốt! Vấn đề là, họ chỉ muốn mang “tình dục” hoặc những con chữ, những ngôn ngữ nói về “tình dục” vào chữ nghĩa thi ca!



Chuyện như thế thì tôi thấy chả có gì là nghiêm trọng và đáng nói tới. Chuyện “tình dục” ấy mà! Nó là một thứ nhu cầu bình thường như bao thứ nhu cầu căn bản. (ăn, ngủ, đụ, ỉa). Và sau khi con người ý thức (hay nhận ra hoặc tự nhận) là mình đã tiến bộ văn minh, con người ta còn có thêm những nhu cầu “sinh tử” khác như: suy tưởng, phát biểu, tự do… Và bất cứ thế lực hay món gì ngăn cản những nhu cầu này, đều phải nhận lấy một hậu quả khó lường do những cuộc “cách mạng”, “lật đổ” diễn ra..


Chuyện nó chẳng ra làm sao, hà cớ cứ bận tâm. Những quí vị đạo đức (thật và đa số giả) thích càm ràm về những chuyện này, xem ra, đã “nhàn cư vi bất thiện”. Tôi nói “bất thiện” là vì quí vị đang “xâm phạm gia cư bất hợp pháp”!


Mấy cái vụ mà một số quí thi sĩ Việt Nam quốc nội và hải ngoại đang tận lực cổ võ, để phát huy kia [tòan] là những vụ rất “riêng tư”. Chẳng hạn như “thủ dâm”, “làm tình”… Bộ không phải là những chuyện mà (hầu như) những con người bình thường đều phải “làm” nó ở một nơi kín đáo, vắng vẻ, riêng tư… Ngay cả người Mỹ, là những người được xem là “tự do” và “tiến bộ” về quan điểm trong lãnh vực tình dục, cũng phải có những tờ báo riêng, hay những trang web riêng… để “xả xú bắp” về chuyện “tình dục”. Playboy, Playgirl đại loại…


Nhưng người Việt Nam chúng ta thì khác. Bởi chúng ta có nhiều thứ “truyền thống” đáng nể luôn luôn đè nặng trên đầu. Với truyền thống dân tộc bốn-năm ngàn năm văn hiến, người Việt rất khoái làm “cách mạng”. “Cách mạng” đối với người Việt Nam đồng nghĩa với “bắt chước”.


Trong lãnh vực thi ca, người Việt Nam khởi nghĩa cuộc cách tân bằng phát động phương pháp nhại thơ Maiakovski và mấy thứ Nga-Tàu thời XHCN! Bây giờ, thời kinh tế thị trường, khi thấy thứ thi ca biến thái “cách mạng cách tân” của các “thi sĩ” trong nước với trạng huống bắt chước lạc đường, thì một số “thi sĩ” Việt hải ngoại cũng hoảng hốt làm những cú nước rút đề hầu mong theo cho kịp cái đà cách tân vĩ đại của “anh chị em ta” trong nước!


Nói đúng kiểu Việt Nam “truyền thống”, thì: ' Người Việt chúng ta không thèm làm (cách mạng) thì thôi, đã làm(cách mạng) thì bắt buộc là phải “qua mặt” Tụi Nó. Tụi Nó ở đây, tất nhiên là những con người của những quốc gia khác trên thế giới, đã khám phá sau khi khám xét kỹ lưỡng, và khám nghiệm một cách đàng hoàng. Tất yếu là đã trải qua đúng theo những chu kỳ của một cuộc sáng tạo để thành công và thành danh. Thành công có nghĩa là được thế giới con người công nhận là một phát minh mới trong lãnh vực văn hóa. Và sau đó tất nhiên là sự vụ thành danh.


Truyền thống Việt Nam chúng ta, bất kể trong hay ngoài nước, không nhất thiết và có thể tuyên ngôn một cách không cường điệu và cưỡng bức tí nào hết, là không thèm hoặc không cần phải trải (nghiệm) qua những thứ chu kỳ ấu trĩ đó! Dân tộc Việt Nam bốn-năm nghìn năm văn hiến là một dân tộc của thi ca mà lại! Cứ phong thanh nghe đâu đó trên thế giới đang có một phong trào thơ đang phát động, thì “bổn phận” đương nhiên của những thi sĩ và không thi sĩ Việt Nam là phải liền tức thì phát động cái phong trào “nghe đồn” trên thành một “phong trào” to lớn rền vang và rền vang một cách ngang nhiên vô tội vạ!


“Tiên hạ thủ vi cường” – “Bắn chậm thì chết”. Những “thi sĩ” cách tân hiện đại của Việt Nam ta, là những tay súng “chớp giật, sao băng”. Từ thơ 'Tân Hình Thức', nhảy qua thơ' Nhại Lạ'i (tức thơ nhại thơ). Bước vào đường cùng và đường cụt, thì ngõ thoát hiện ra sáng ngời trước mắt là thơ 'Nhai Lại,' tức thơ Recycle… Cuộc biến chuyển cách tân thơ thập phần ngoạn mục đủ sắc màu ái ố hỉ nộ. Và bây giờ là bay bổng lên bằng 'Thơ Sex Siếc'. Sau cách 'Tân Hình Thứ'c là công cuộc' Tẩy Rửa Nội Dung'
.
Song le, “xấu đẹp tùy người đối diện”. Cuộc cách mạng nào chẳng đổ máu hoặc mực, phải không? Cũng như, có người thích Paris, (vẫn) ngợi ca Paris như những tay văn nghệ thời cuối thế kỷ XIX. Nhưng đâu ít những người khác chê bai Paris thậm tệ.


Xin đọc vài dòng thơ của Kenneth Koch, một thi sĩ Mỹ, viết về Paris:
' WHAT PEOPLE SAY ABOUT PARIS?'

They often begin by saying, “Paris! How I wish I were there!”
Someone said, “Paris where good Americans go when they die.”
“Pit pat, pit pit patter,” say the raindrops
Falling on Paris in Apollinaire’s poem “La Pluie.”
“I was so happy in Paris,” I said. “It was like
Loving somebody. The first three times I left there, I cried.”
“I don’t like Paris.” say some. And others, “Paris is getting nice again.”
“If you don’t meet anyone but concierges and waiters,
How can you like any place?” Another says, “The French do nót have friends,
They have relatives. “ A Frenchman says, “Le francais n’est pas interlligent,
Il est rapide.” “Paris is ruined,” say certain, all the time.
Paris was at its best in the noneteenth century.”
“Paris was wonderful between the wars.” “Old Paris is no more,”
Said Baudelaire. “The form of a city
Changes more quickly, alas! Than a mortal’s heart!”


Paris hả? Rất nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam ta đã từng đem Paris vào văn chương thi ca. Paris trở thành cái tên của vùng đất hứa mà anh chị văn nghệ sĩ nào đã tới được Paris, là coi như đã thành tựu viên mãn. Đã được ấn chứng là một văn nghệ sĩ thứ thiệt, thời thượng và thời cuộc!

Tôi cứ tưởng như đó là chuyện của người Việt Nam bốn-năm nghìn năm văn hiến và văn hóa. Đâu ngờ, người Mỹ giang hồ cưỡi ngựa chăn bò hai trăm năm lập quốc, phú cường hùng cường và văn minh điện toán tàu ngầm hỏa tiển cung trăng, lại cũng cứ bị cái Paris nó ám ảnh. Dĩ nhiên, như đã nói “xấu đẹp tùy người đối diện”, “người vầy người khác”. Nhưng cuộc lý luận lý giải sẽ trường giang bất tận và không kết thúc! Ủa? Anh muốn thích Paris thì anh cứ thích! Tôi thì thấy Paris bây giờ cũng rạc rày như Đà Lạt của Việt Nam. Những dáng sắc hương hoa của văn hóa văn học, của thơ mộng thơ ngây và thơ thẩn đã tàn rụi theo năm tháng. Ừa rồi sao? So what? Tôi vẫn cứ thích Paris. Thì mặc mẹ anh cứ thích Paris. Tôi thì không cũngso what? Cuộc tranh cãi sẽ trở thành vô duyên, thậm chí vô bổ và kết quả thì vô hậu và sẽ vô cùng dai dẳng chẳng đi đến cái thành La Mã nào. Vậy thì, phe thích làm thơ 'sex siếc', thích bày của quí và những cơn động tình (tưởng tượng) của mình lên giấy, cứ việc tự nhiên cho! Ngược lại, phe “chi hồ giả dã” gì đó, cứ tiếp tục “gáo tra dài cán”, xí quên “giáo đa thành oán”, đừng nên tiếp tục vọng động! Tuy nhiên, mọi thứ đều có cái “giới hạn” của nó! Cái giới hạn vô hì'nh nhưng hết sức chặt chẽ. Mời đọc chơi vài dòng của Joseph Brodsky: 'TO URANIA
I.K.

Everything has its limit, including sorrow.
A windowpane stalls a stare; nor does a grill abandon
A leaf. One may rattle the keys, gurgling down a swallow.
Lonelines cubes a man at ran dom.
. . . . . . . . .
And what is space anyway if not the
body’s absence at every given
point? That’s why Urania’s older than sister Clio!
(Joseph Brodsky
sách đã dẫn; trang 21)



Mọi thứ đều có cái giới hạn của nó. Ngay cả những nỗi niềm đau khổ! Mỗi khối cô đơn nằm trong sự hiện hữu của mỗi con người. Nhưng cái khối cô đơn kia, và ngay cả cái sự hiện hữu của con người, cũng đều có những giới hạn của chúng nó. Thế thì ô hô ai tai! Mặt mày xụi lơ ngó ngoài liếc trong không tìm ra cứu cánh. Có khi, chính cứu cánh là cái phương tiện vãng lai tưởng chừng thập phần hiện hữu, nhưng lại rồi thập phần chẳng hiện hữu gì hết! Đã nói, mọi thứ đều có giới hạn của nó mà. Cái gì hiện hữu rồi cũng có lúc không hiện hữu nữa. Có những phương ngôn tục ngữ hay phong dao đồng dao từ thời xa xưa, vẫn còn giá trị hữu ích cho con người muôn đời. Thí dụ như câu “Thái quá bất cập” – Cái gì mà nhiều quá, quá đáng thì cũng sẽ không khá được. Bắt chước, thoạt kỳ thủy chẳng có gì là xấu. Nhưng trong sự bắt chước phải biết tiêu hóa. Sử dụng của người khác, nhưng đã được “thích hợp” hóa với bản chất của mình. Chẳng hạn như những chữ “xà bông” mà tiếng Việt chúng ta đang xài, vốn dĩ là từ chữ “savon” của tiếng Pháp. Hoặc những chùm từ như “tam sao thất bổn”, cứ nói hoặc viết ra, là hầu như người Việt Nam nào cũng hiểu đến thất thoát sai lạc trong sự vụ truyền miệng rỉ tai. Giới hạn của mỗi sự việc nó khác nhau. Phải tinh tế và mẫn cảm để nhận ra cái lằn ranh này. Mà một người là “thi sĩ thực sự”, thi hai bản năng “tinh tế” và “mẫn cảm” hầu như phải có là điều tất nhiên.


Đọc 'Kinh Karma' hay 'Kinh Tố Nữ', tôi không thấy có sự tục tĩu hay nhớp nhúa trong những trang tình kinh nói trên. Ngay cả' Nhục Bồ Đoàn' của Lý Ngư, tôi đọc được văn chương và tính ẩn dụ bên trong những câu chữ nói về nhục cảm thân xác. Bởi tự hai cuốn 'Tình Kinh', hoặc tác phẩm 'Nhục Bồ Đoàn', đã đưa ra cái chuyên đề để lý giảI: “Tình Dục”. Nhưng đọc những câu thơ “bày biện” của một số quí vị thi sĩ đang thời từ trong nước tới hải ngoại, tôi chỉ thấy được một điều là quí vị đang “thủ dâm Ngôn Ngữ”. Tuy nhiên, bày biện cũng có nhiều cách bày biện. Bày biện có thẩm mỹ, có kỹ thuật và nhất là phải giữ cho được cái tính Thơ, thì tôi thấy rất là hiếm hoi. Xin kể hầu một câu chuyện về hai chữ “bày biện”: Một bà góa kia chồng mất đã được đúng năm. Bà vẫn luôn thương nhớ ông chồng bạc mệnh. Vào ngày giỗ đầu của chồng, bà làm một bữa cổ thực thịnh soạn, mời bà con, làng xóm đến dự. Khi quan viên đã tề tựu đông đủ, bà cứ lăn ra mà khóc trước bàn thờ chồng, kể lễ nỗi niềm thương tiếc. Bà khóc và khóc tỉ tê khổ não. Đứa con gái mười lăm tuổi của bà khuyên can bà thế nào cũng không được. Mấy bà khách bà con an ủi thế nào bà cũng cứ hiên ngang mà khóc. Mới đầu, nhịp khóc còn nhẹ nhàng, rấm rứt. Khi bắt trớn được, bà khóc vật vã, lăn lộn trước bàn thờ. Hai tay bà cứ đấm thùm thụp lên mặt đất. Đầu bà gục hất tung xoay túi bụi. Thời đó, cách nay đã khá là lâu, đàn bà mặc váy maxi nhưng ứ thèm mặc lót bên trong mấy cái món lỉnh kỉnh rườm rà. Nên bà góa ta sau một hồi “chổng mông” lăn lộn khóc, váy nó cứ tuồn tuột dần và điều tất nhiên đã xảy ra: bà “bày biện” ra cái món của quí đã cả một năm rồi “tiu nghỉu” của bà. Đứa con gái mười lăm tuổi thẹn quá, bèn nói với bà: “Mẹ ơi! Mẹ mời bà con hàng xóm tới nhà giỗ bố, lại cứ “bày biện” ra như thế kia, nom kỳ cục quá mẹ à!” Bà góa ta vừa khóc, vừa đưa tay quẹt nước mắt, hắng giọng bảo con gái: “Thì mẹ mời bà con hàng xóm tới nhà ăn giỗ bố, phải “bày biện” ra mời bà con hàng xóm người ta xơi chứ! Con nói năng chi lạ, chẳng có lễ giáo lịch sự gì cả.”.

Mời xơi thì mời. Bà con hàng xóm có dám xơi hay không, lại là một chuyện khác cần phải nghiên cứu và “ấn chứng” lại! Cũng như, làm cách mạng thì đã là người Việt Nam, ai lại không thích? Truyền thống dân tộc mà! Làm thơ hả? Người Việt Nam nào chả biết làm thơ. Lại truyền thống thêm cái bản sắc dân tộc trống đồng và cây đa đầu đình lũy tre cuối xóm! Nhưng làm cách mạng “kiểu” như thế nào, “cách tân” ra làm sao và cho cái gì, để đi đến đâu, thì là những câu hỏi, những cật vấn rườm rà không cần thiết!


Còn nữa. Cái tạng của hầu hết văn nghệ sĩ Việt Nam ta nó như 'vầy'… Cứ có một chút danh, một vài tác phẩm thì bèn thành ngay một cục thiên tài, độc nhất vô nhị trong cõi trần ai. Do đó, dân tộc Việt Nam ta, dù ở trong nước hay đang lưu vong hải ngoại, đều là những Nhà Cách Mạng và những Thi Sĩ. Và ai cũng là độc nhất. Đó là truyền thống văn hóa Việt Nam.


Tô Hoài chép chuyện Nguyễn Tuân và Nguyễn Sáng: “Nguyễn Sáng đến chơi, mùng ba Tết. Hai người uống vui, câu chuyện xoay quanh nghệ thuật. Bốc lên, Nguyễn Sáng hét: “Chỉ có một thằng Sáng thôi. Còn thì cứt hết!” Nguyễn Tuân giơ tay ra cửa: “Đi ngay!” Nguyễn Sáng vẫn hăng: “Nguyễn Tuân à, đừng tưởng bở! Ông không biết viết tiểu thuyết. Truyện không có nhân vật, vứt đi!” “Anh ra khỏi đây ngay.” Nguyễn Sáng lập cập xuống thang. Gặp tôi, Nguyễn Sáng nước mắt đầm đìa. Nguyễn Sáng bảo con gái tôi: “Người ta đuổi chú. Năm mới mà chú bị người ta đuổi.” Ngồi một lúc, tỉ tê hỏi mới ra câu chuyện những cái tài cái tai gặp nhau. Nguyễn Sáng nói một câu sắc rợn: “Nó cũng khinh người bỏ mẹ, lại bảo mình khinh người!” “Lúc nãy có nói thế với Nguyễn Tuân không?” “Chưa nói hết câu, nó đã tống mình đi rồi. Tức quá, đi luôn”.. (Tô Hoài; Cát Bụi Chân Ai; Hồi ký. T(hanh Văn xuất bản 1990; Trang 178) .


Tinh thần cách mạng và tinh thần thi ca dâng cao lên rồi, hai thứ này nó phối trí và phối hợp với nhau thành “tường đồng vách sắt”, có thể chống đỡ bất cứ cuộc tấn công nào! Dù bom nguyên tử hay đạn thủy lôi! Vả lại, ngoài hai tinh thần cách mạng và thi ca ra, mỗi một văn nghệ sĩ Việt Nam là một “thiên tài”. Chúng ta có vô số thiên tài và trùng điệp những ngọn cô phong…. Mặc cho mưa gió nghìn trùng. Đâu rồi cách mạng cho thi ca và tình dục của người Việt?. (*).. []


------------- . .
(*) bản đã được BBT Hội Luận biên tập ;và tác giả đồng ý so với bản trước đây in trên trang mạng khác. (BBT/ Hội Luận).




trần nghi hòang
(Virginia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét