Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời - 3





Đào Văn Bình

Muốn trừng trị, trừng phạt phải biết sai phạm ở chỗ nào biến thành “Xử lý phải có địa chỉ rõ ràng”. Đó là tiếng Việt điên khùng của ông Tiến Sĩ Nguyễn Viết Chức đăng trên VOV ngày 30/3/2017 (ĐVB)

H.

- Hải cảng trở thành cảng biển cũng giống như phi cảng trở thành cảng bay.

- Hạm đội trở thành đội tàu. Thí dụ: Hạm Đội 7 trở thành Đội Tàu Số 7

- Hầm trú ẩn trở thành Bunker/Boong- ke

- Hàng đầu, đứng đầu trở thành top. Chữ này thấy nhan nhản trên các diễn đàn ở hải ngoại.

- Hành động, chuyển động (move) trở thành động thái trong khi tử điển Việt Nam trước và sau 1975 không hề có hai chữ “động thái”. Đây là sự bịa đặt chữ nghĩa một cách bát nháo.

- Hành trình khám phá các vụ án trở thành hành trình phá án tức bác bỏ bản án của tòa dưới. Lên kế hoạch, lập kế hoạch truy bắt/truy nã hung thủ/bắt trọn ổ trở thành lên kế hoạch phá án.

- Hào hứng, hấp dẫn, sôi nổi (cuộc đua, trận đá bóng, trình diễn văn nghệ…) trở thành kịch tính. Rồi giá vàng lên xuống cũng “kịch tính”. Thậm chí vụ thảm sát tại tòa soạn báo hí họa Charlie Hebdo (Paris) cũng “đầy kịch tính”. Có lẽ phải cho ông nào sáng chế ra hai chữ “kịch tính” này vào bệnh viện tâm thần để chữa trị mới được.

- Hay đẹp trở thành kinh điển. Một trận đấu hay, đẹp trở thành một trận đấu kinh điển. Đau đầu quá!

- Hết hàng trở thành cháy hàng. Hết vé trở thành cháy vé. Hết phòng trở thành cháy phòng, trình diễn hết mình trở thành cháy hết mình. Hết săng trở thành cháy săng! Đúng là loại ngôn ngữ đường phố và bát nháo quá đỗi. Cả nước có mấy chục ngàn ông “Tiến Sĩ”, bao nhiêu viện ngôn ngữ, bao giải thưởng văn chương….mà không thấy ai lên tiếng về vấn đề này.

- Hiện ra (trên màn ảnh) trở thành hiển thị. Tôi không hiểu sao trong nước thích dùng tiếng Tàu, trong khi bao tiếng thuần Việt lại không dùng.

- Hiểu ngầm trở thành mặc định. Sao dùng chữ khó quá? Giới bình dân chịu sao thấu? Hơn thế nữa, từ điển Việt Nam trước và sau 1975, kể cả Hán- Việt Từ Điển của Đào Duy Anh cũng không có hai chữ “mặc định”.

- Hình ảnh lấy ra từ máy thu hình biến thành hình ảnh chiết xuất từ camera. Sao dùng chữ lai căng và khó khăn quá vậy? Hai chữ “chiết xuất” được dùng cho phòng thí nghiệm.

- Hình dáng trở thành ngoại hình. Có hình dáng đẹp trở thành Có ngoại hình đẹp. Hình như những người sáng chế ra những từ ngữ lạ lùng này không được đi học từ thuở nhỏ hoặc không hề đọc văn chương, sách truyện Việt Nam.

- Hỗ tương, qua lại, lẫn nhau trở thành tương tác. Thích dùng chữ cầu kỳ, khó khăn trong khi kiến thức chẳng bao nhiêu.

- Hồi đáp, trả lời trở thành phản hồi. Phản là quay ngược, hồi là lui lại, trả lại. Hai chữ này ghép với nhau không hề có nghĩa là trả lời hay hồi đáp mà chỉ là dùng chữ kiểu cọ, hoàn toàn vô nghĩa.

- Hợp chất, vật liệu tổng hợp/hỗn hợp trở thành composite

- Hợp tác, người hùn hạp, cùng đứng chung, cùng làm ăn buôn bán với mình (partner) trở thành đối tác (làm việc đối nghịch với mình) như đối phương, đối thủ, đối đầu, đối thoại, đối lập, đối kháng... Từ điển Việt Nam trước và sau 1975 đều không có hai chữ “đối tác”. Tự Điển Hán- Việt của Đào Duy Anh cũng không có hai chữ “đối tác”. Chỉ vì ngu dốt tiếng Việt cho nên đã dịch “partner” thành “đối tác”.

- Hư hỏng, xập xệ, đã cũ, không được như trước nữa trở thành xuống cấp. Thí dụ: Bộ ngực bà ta đã xệ, không còn căng nữa trở thành bộ ngực bà ta đã xuống cấp. (Nếu dùng hai chữ này trong các màn diễu cợt, chọc cười khán gỉa hoặc chuyện tiếu lâm thì được)

- Huy hiệu trở thành logo.

K.

- Kẹt xe trở thành ùn tắc, ách tắc.

- Kết hợp, tổng hợp biến thành tích hợp. Hai chữ tích hợp không có trong từ điển tiếng Việt của Miền Nam trước đây.

- Khách trở thành khách mời. Tức là có những vị khách không mời mà đến.

- Khoảng cách/ chiều dài /mức độ trở thành cự ly

- Khởi đầu, mở đầu, mở màn trở thành kích hoạt. “Triều Tiên kích hoạt chiến thuật đó bằng việc ra thông báo cấm tất cả người Malaysia…” (Báo VnExpress). Đúng là dốt hay nói chữ, bịa chữ trong khi tự điển Việt Nam không hề có hai chữ “kích hoạt”.

- Không khí lạnh sẽ tràn vào phía bắc biến thành không khí lạnh tăng cường giống như đổ thêm quân vào trận chiến. Các chữ “trời sẽ lạnh thêm” vừa dịu dàng, vừa dễ hiểu không chịu dùng mà lại thích “tăng cường”.

- Không thể tưởng tượng được (unimaginable) biến thành không tưởng (utopia). Trong nước tiếng Việt quá kém, không phân biệt được thế nào là không thể tưởng tượng được thế nào là không tưởng. Không thể tưởng tượng được là sự kiện đã xảy ra nhưng ngoài dự đoán, ước đoán của mình. Thí dụ: “Thật không thể tưởng tượng được Đức đã thắng Ba Tây 7- 1 trong trận bán kết 2004”. Còn không tưởng là không bao giờ xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra. Thí dụ: “Trung Quốc mơ chiếm hết Biển Đông, khống chế Á Châu rồi đánh gục Mỹ. Đúng là chuyện hão huyền, không tưởng.”

- Khu nghỉ mát/nghỉ dưỡng trở thành resort. Du lịch trở thành “đi tour”. Trong nước cũng như hải ngoại, một số lớn danh từ tiếng Việt sẽ chết để nhường chỗ cho tiếng Anh. Bố mẹ thích dùng tiếng Anh ba rọi như thế thì mở Trường Việt Ngữ để làm gì?

- Khu vực chăm sóc bệnh nhân nguy kịch/khu vực chăm sóc đặc biệt (critical care, intensive care) trở thành Khu vực chăm sóc tích cực. Chăm sóc bệnh nhân mà cũng có tiêu cực và tích cực nữa sao? Bệnh viện có biết bao nhiêu là bác sĩ mà không có tới một ông có thể dịch “critical care” ra tiếng Việt? Rồi Bộ Y Tề để làm gì ? Sao không dịch tất cả các thuật ngữ Y Khoa từ tiếng Anh ra tiếng Việt để phổ biến cho tất cá các bệnh viện trong nước? Thật đáng buồn. Trong nước có một “bệnh dịch” là đua nhau tặng hoa và chụp hình để trình diễn, trong khi tình trạng tồi tệ thì phớt lờ rồi báo cáo láo để lừa dối cấp trên và dân chúng.

- Khu vực đi bộ trở thành không gian đi bộ. Không gian ở ngoài trái đất làm sao có thể đi bộ ở đó được. Nhưng khu vực đi bộ đó chúng ta có thể tạo một không khí yên tĩnh hay một môi trường thoải mái, tươi mát cho người đi bộ. Nhà bếp chật hẹp trở thành “không gian nấu ăn chật hẹp” (Đài Tiếng Nói Việt Nam).

Đúng là tiếng Việt điên khùng! Từ xưa đến giờ người ta nói, “Tạo một khung cảnh/ một bầu không khí ấm cúng cho gia đình” chứ người ta không nói. “Tạo một không gian ấm cúng cho gia đình”. Người nào dùng hai chữ “không gian” ở đây tức là không được cắp sách đến trường, không đọc sách vở của tổ tiên.

- Kích thích (kinh tế, tiêu thụ) trở thành kích cầu trong khi trong tự điểnViệt Nam hoàn toàn không có hai chữ kích cầu mà chỉ có: kích thích, kích hỏa, kích động như kích động nhạc.

- Kiểm soát không lưu trở thành quản lý bay

- Kỹ nghệ trở thành công nghiệp/công nghệ. Xin nhớ công nghệ là kỹ nghệ chế tạo máy móc. Còn kỹ nghệ là chế tác, sản xuất lớn theo khoa học. Chẳng hạn kỹ nghệ sản xuất rượu bia, kỹ nghệ gái điếm, kỹ nghệ sản xuất xe hơi…. Miền Nam trước đây có Trường Kỹ Sư Công Nghệ để đào tạo kỹ sư chế tạo máy móc.

L.

- Lạ lùng trở thành ngỡ ngàng. Thí dụ: Đẹp lạ lùng trở thành đẹp ngỡ ngàng. Người viết văn như thế này chắc chắn chưa được cắp sách đến trường. Ngỡ ngàng là tình cảm không ưng ý hay trái với dự đoán của minh. Thí du: 1) Sau 25 năm từ Mỹ trở về tôi thật ngỡ ngàng khi thấy cô nữ sinh khả ái năm xưa nay trở thành một bà già tiều tụy. 2) Tôi thật ngỡ ngàng khi cô ta nói cô ta là hoa hậu nhưng mở miệng nói ra toàn chuyện thô tục. (Vì tôi cứ ngỡ cô ta là hoa hậu thì phải ăn nói lịch sự)

- Lạc tay lái, lạc bánh lái trở thành mất lái, mất phanh

- Làm cho vững chắc thêm (bằng cách đóng thêm cột, thêm ván, đắp thêm đất..,) trở thành gia cố chẳng hạn “gia cố các bờ kè”, “gia cố các thuyền” sao dùng chữ khó khăn và lạ hoắc như vậy? Chắc phiên dịch từ tiếng Tàu có từ thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông. Trong tự điển Hán- Việt của Đào Duy Anh không có hai chữ “gia cố”.

- Làm điếm trở thành làm gái. Như vậy làm trai là làm đĩ đực chăng? Nếu nói “làm gái” để chỉ gái điếm thì chúng ta phải hiểu câu nói này như thế nào, “Làm gái thì phải biết công- dung- ngôn- hạnh.”

- Làm điệu, làm dáng, điệu bộ trước ống kính trở thành tạo dáng, thả dáng. Những hình ảnh làm điệu, làm bộ, làm dáng này lan tràn các báo điện tử lớn như VOV, VnExpress, VietnamPlus, Thanh Niên, Tiền Phong… đều là những quảng cáo trá hình cho các cô người mẫu, ca sĩ để kiếm tiền. Đúng là một nền báo chí rẻ tiền.

- Làm hồ sơ giả (để lấy tiền) trở thành chi khống, làm hồ sơ khống.

- Làm việc trở thành thi công. Công nhân đang làm việc trở thành công nhân đang thi công. Tại sao công nhân phải thi đua với nhau? Trên thế giới này làm gì có chuyện đó. Công nhân làm hết giờ thì nghỉ hay về nhà. Nếu làm thêm (overtime) thì phải trả theo giờ phụ trội, gấp đôi. Điên khùng hay sao mà thi đua?

- Lạnh buốt, lạnh cắt da trở thành rét đậm rét hại, giống như một bà nhà quê nói tiếng Việt vậy.

- Lề thói, thói quen, cách thức, cố tật… trở thành văn hóa. Thí dụ: Văn hóa đái bậy ỉa bậy, văn hóa nhận phong bì của bác sĩ, văn hóa du côn, văn hóa tham nhũng, văn hóa chửi thề, văn hóa nói dối, văn hóa ẩm thực, văn hóa xấu hổ, văn hóa khinh bỉ…trong khi văn hóa là cái gì tốt đẹp nhất biểu tượng của một dân tộc.

- Lệ phí, phí tổn cắt cụt chỉ còn phí như thu phí qua cầu. Thậm bán vé xe buýt (xe chuyên chở công cộng) cũng gọi là thu phí. Đúng là ngôn ngữ điên khùng. Từ ngàn xưa đến giờ người ta nói: sở phí, học phí, lệ phí, kinh phí, chi phí, chiến phí…nề nếp đâu vào đó. Nay phá nát tiếng Việt.

- Lịch trình cắt cụt chỉ còn lịch. “Lịch thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017” (VietnamPlus). Lịch là cuốn sách ghi ngày tháng của một năm. Lịch trình là thời biểu ghi rõ ngày nào làm cái gì giống như thời khóa biểu. Hai chữ này không thể thay thế cho nhau.

- Liên lạc trở thành liên hệ. Liên lạc là dùng thư từ, điện thoại, điện thư để liên lạc, có thể là thăm hỏi, lấy tin, làm ăn, buôn bán. Còn liên hệ là có một mối giao tình, hợp tác, dính líu với nhau. Do đó người ta nói “mối liên hệ vợ chồng” chứ không ai nói, “Mối liên lạc vợ chồng”.

- Lò lửa trở thành chảo lửa. Thí dụ: Chảo lửa Trung Đông. Xin nhớ cho lò lửa khác chảo lửa Hơn thế nữa không ai nói chảo lửa mà chỉ nói chảo dầu. Trên thế giới này làm gì có chảo lửa? Chỉ có chảo dầu thôi.BBC Việt ngữ thích dùng lại tiếng Việt bát nháo này.

- Lõa thể, cởi truồng trở thành nude

- Lợi dụng/nhân cơ hội trở thành tranh thủ. Thí dụ:”Nhân cơ hội mỗi năm có một tháng nghỉ phép...” trở thành “Tranh thủ mỗi năm có một tháng nghỉ phép…” Tranh thủ ở trong nước còn có nghĩa là “cố gắng” chẳng hạn như “ Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”.

- Lợi tức trở thành thu nhập. Thuế lợi tức trở thành thuế thu nhập trong khi theo Từ Điển Việt Nam trong nước “thu nhập” là động từ chỉ việc thu nhận tiền bạc chứ tự thân “thu nhập” không phải số tiền kiếm được do buôn bán hay do lương bổng. Tôi xin bà con ở ngoại ngoại đừng dùng hai chữ “thu nhập” nữa vì nó không phải là “lợi tức” (income).

M.

- Mánh lới, thủ đoạn trở thành chiêu trò. Thí dụ: “Chiêu trò rút tiền của bà Sáu Phấn” (Báo Thanh Niên). Đây là ngôn ngữ của bọn buôn lậu, mánh mung.

- Mặt chưa trang điểm trở thành mặt mộc

- Máy bay riêng, máy bay đặc biệt (của tổng thống chẳng hạn) trở thành chuyên cơ tức máy móc đặc biệt.

- Máy điện tử trở thảnh điện toán (Tôi có máy điện tử từ năm 1995 nhưng có bao giờ tính toán hoặc làm toán trên máy điện tử đâu.)

- Máy hình, máy thu hình trở thành camera. Thí dụ: Gắn camera xử phạt vi phạm dọc trục buýt BRT (Báo An Ninh Thủ Đô). Câu văn vừa lai căng vừa lủng củng. Câu văn không lai căng và gẫy gọn sẽ là: “Gắn máy thu hình phạt vi phạm dọc theo tuyến xe chuyên chở công cộng BRT”

- Máy tự chụp hình trở thành chụp hình tự sướng, thật thô tục quá đỗi!

- Metro! (Metro Bà Quẹo, Metro Bình Phú) Cả nước không biết dịch metro là “xe điện ngầm” cho nên các trạm xe điện ngầm đều trương bảng “metro”. Tinh thần nô lệ như thế mà đòi độc lập tự chủ.

- Minh họa (illustrated) được dùng loạn xạ. Trong nước không hiểu hai chữ “minh họa” là gì. Minh họa có nghĩa là vẽ ra, chẳng hạn như truyện bằng tranh, hình bìa và một số trang trong một cuốn truyện do một họa sĩ vẽ , người Mỹ gọi là “illustrated”. Còn nếu là bức ảnh thì nhà xuất bản sẽ ghi chú “photograph by…” tức “hình của”. Ngày nay, tất cả những tấm hình đi kèm với một bải viết nào đó mà không ăn nhập chi với đề tài, mà chỉ lấy một hình tượng trưng - đều được ghi chú là “minh họa”. Đúng là điếc không sợ súng! Chẳng hạn bài viết có đề tài “Đánh Ghen” mà không có một bức họa/tranh nào về đánh ghen cả, tác giả có thể lấy một bức hình hai người đàn bà đang túm tóc nhau, nhưng không được ghi chú “hình ảnh minh họa” mà có thể ghi, ”Đây là hình đánh ghen được đăng trên báo ABC” hoặc “Đây là hình ảnh tượng trưng các bà đánh ghen”.

- Môi giới, dắt mối trở thành cò. Tại bệnh viện cũng có “cò” để môi giới với y tá, bác sĩ chữa bệnh cho đàng hoàng, nếu không cho mày ra nghĩa địa. Nhiều báo còn dùng hai chữ “cò mồi”. Cò mồi là cùng băng đảng nhưng đóng giả để lường gạt người ta, hoàn toàn khác với môi giới, dắt mối để kiếm tiền.

- Mới sinh được tám tháng trở thành tám tháng tuổi. Cây đa cổ thụ 100 năm trở thành Cây đa cổ thụ 100 năm tuổi. (Bắt chước tiếng Anh thêm chữ old vào)

- Món hàng bán được giá, có giá trị trở thành “giá trị kinh tế cao”. Thích dùng chữ khó khăn.

- Một con hổ trở thành một cá thể hổ

- Một con khỉ Voọc trở thành một cá thể Voọc

- Một con bò, 1300 con bò trở thành “1300 cá thể bò nhập khẩu từ Mỹ” (Báo Tiền Phong). Cứ cái điệu viết văn nhảm nhí như thế này, trong tương lai gần sẽ là: Mẹ tôi đi chợ mua một cá thể gà. Đám cưới rất lớn có tới chục cá thể heo quay. Chục cá thể lợn xổng chuồng làm tôi đuổi hết hơi. Bán cho tôi một cá thể ngựa. Mạo tự “con” để chỉ các con vật, đồ vật như : Con chó, con mèo, con chim, con cá, con trâu, con bò, con dao, con quay, con thoi, con cúi, con diều…rồi sẽ chết trong ngôn ngữ Việt Nam. Người nào dùng hai chữ “cá thể” ở đây chắc chắn không được cắp sách đến trường. Cá thể là đơn lẻ khác với tập thể. Thí dụ: Làm ăn cá thể. Nó không phải là mạo tự để chỉ các con vật, đồ vật.

- Một số hình ảnh, một loạt hình ảnh trở thành chùm ảnh (giống như chùm khế ngọt). Một số bài thơ trở thành chùm thơ. Nếu vậy một mớ sách vở sẽ trở thành một chùm sách vở!

- Mũ/nón an toàn trở thành mũ/nón bảo hiểm. (Bảo hiểm là bỏ tiền ra để nhờ một công ty trả tiền mình trong trường hợp có tai nạn, nhà cháy, hàng hóa hư hỏng v.v..)

- Mức nợ tối đa trở thành nợ trần giống như nợ trần gian, nợ đời. Chữ “ceiling” của Mỹ nghĩa bóng ở đây có nghĩa là chạm mức tối đa chứ không phải trần nhà. Bất cứ ở quốc gia nào, một danh từ đều có nghĩa đen và nghĩa bóng. Thí dụ: Hot issues không phải là “những đề tài nóng” mà là những vấn đề được bàn cãi sôi nổi thường xuất hiện trong những cuộc bầu cử, sau bầu cử thì lại ”chìm xuồng”.

- Muốn trừng trị, trừng phạt phải biết sai phạm ở chỗ nào biến thành “Xử lý phải có địa chỉ rõ ràng”. Đó là tiếng Việt điên khùng của ông Tiến Sĩ Nguyễn Viết Chức đăng trên VOV ngày 30/3/2017.

(Còn tiếp)

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Gặp Phật giết Phật?



Đã sang ngày mới, ánh hừng đông đang chậm rãi ló dạng, bóng đêm đang tan dần... Đâu là khoảng cách giữa sáng và tối? Đâu là thời điểm của ngày và đêm?... Những câu hỏi, những hoài nghi chất chứa như thùng thuốc súng đang chực chờ bùng nổ... Thời điểm chưa chín muồi, nước vẫn chưa sôi... Tôi lặng lẽ mở cửa căn phòng, cho sương đêm thấm dần qua tà áo mỏng... Nhìn trời, nhìn tôi, nhìn những hoài nghi miên viễn, vô tận... Lặng lẽ, chậm rãi...


Tiếng Tổ Lâm Tế văng vẳng bên tai "Phùng Phật sát Phật"... Phật là ai? Có thể gặp Phật ở đâu? Giết ai? Giết cái gì? Ai giết? Ai bị giết? Đâu là hành động giết?...




Thế gian vẫn đang say giấc nồng. Trong vô vàn những giấc mơ chập choạng giữa sáng và tối, ai đang mơ những giấc mơ đẹp và mỉm cười mãn nguyện? Ai đang vẫy vùng trong tuyệt vọng với ác mộng vừa đi qua? Thế nào là mộng đẹp? Thế nào là ác mộng? Thế nào là mộng? Thế nào là thực? Thế nào là ngủ? Thế nào là thức? Thế nào là một giấc ngủ chập chờn? Thế nào là chìm sâu vào vô thức không tên?...


Gặp Phật giết Phật? Phật là Thái tử Tất Đạt Đa cắt ái từ thân, xuất gia tìm đạo, giác ngộ và giải thoát? Không, ông ta đã chết từ rất lâu rồi. Làm sao có thể giết một người đã chết? ... Cũng như làm sao giết được người trong mộng? Làm sao giết được một giấc mơ ngay trong cơn mơ?....


Gặp Phật giết Phật? Phật là giáo chủ một tôn giáo. Nhưng Tôn giáo là gì? Chúng phải chăng cũng chỉ như một học thuyết triết học, một đường lối, một quan điểm sống... như bao học thuyết triết học khác, quan điểm sống khác... Vậy Đức Phật khác gì Jesus, Mohamed, Platon, Aristote...? Hay chúng là một tổ chức? Nhưng tổ chức là gì ngoài trò chơi chính trị của những con người trần thế tạo dựng ra, nhằm tranh giành quyền lực, phe phái, địa bàn hoạt động, tín đồ đi theo...?


Gặp Phật giết Phật? Phật là sự tỉnh thức trong mỗi chúng ta. Nếu đó là sự tỉnh thức, thì giết hay không giết, ca ngợi hay chê bai, đả kích hay tán thán... đâu có làm sự tỉnh thức tăng hay giảm, trường tồn hay mất đi... Như mặt trời là mặt trời, đâu vì vài áng mây đen che phủ mà nói mặt trời lặn hay mọc, mất đi hay sống lại?


Hãy nhìn vào đám đông. Trong vô số người tự xưng là đệ tử Phật, bao nhiêu người thực sự hiểu Phật? bao nhiêu người núp bóng Phật để tìm cầu lợi dưỡng? bao nhiêu người đi theo Phật như một đàn cừu ngu ngốc cuồng si? bao nhiêu người như một con vẹt nhại lại tiếng nói của người khác mà tưởng như đã nắm sự thật trong tay? bao nhiêu người đang liếm lại những tàn dư của quá khứ đã được thải ra mà tưởng như sơn hào hải vị?...


Thế nào là hiểu Phật? Phật có cần ta lạy lục Ngài chăng? Phật có khả năng ban cho ta điều gì chăng? Phật có cần ta quảng diễn giáo lý của Ngài như con vẹt chăng? Phật có cần ta khư khư chấp thủ giáo điều để rồi tự hào là vật tế cho chân lý chăng? Phật có cần ta phải hy sinh bản thân chỉ để phân định đúng sai với những người mù về màu sắc chăng?...


Thế nào là Phật tử? Tôi vẫn thấy đâu đó những người khoác áo thầy tu, hoặc thường xuyên đi chùa, hoặc tham gia sinh hoạt các khoá tu, tham gia vào các CLB Phật tử, thân cận và gần gũi chùa chiền.... và đương nhiên nghĩ rằng mình đã là Phật tử. Rồi từ suy nghĩ đó, tự khoác cho mình chiếc áo quan toà, phán xét đúng sai, phán xét phải trái, hả hê khi thấy người này người kia am hiểu giáo lý không bằng mình... Để rồi khi chính mình rơi vào hoàn cảnh bất như ý thì tâm tư, hành động và lời nói cũng chẳng khác chính người mà mình đang chê cười là bao.


Thế nào là tín đồ? Tôi vẫn thấy đâu đó, rất nhiều người, với tâm niệm thành khẩn, với sự kính ngưỡng thiết tha... về chùa tu học. Niềm tin là cần thiết, nhất là giữa vô vàn các cơn gió độc mà cơ thể lại mong manh. Nhưng tin cái gì? Tin vào Phật mà không biết Phật? Tin vào Pháp mà không hiểu Pháp? Tìn vào Tăng mà không biết Tăng... ngoài cái định nghĩa Phật, Pháp, Tăng khô cứng trong sách vở với những lời giảng thuyết sáo rỗng của mấy ông thầy tu? Thà đừng tin còn hơn là cuồng tín. Vì khi người ta chưa tin hoặc không tin, người ta có thể học hỏi, trải nghiệm và khám phá. Còn cuồng tín? Chúng như một thành trì không có cửa. Bít bùng, không lối thoát, sống mãi với đáy giếng tối om và tự tin với bầu trời nhỏ bé. Không có lối thoát nào cho những kẻ cuồng tín. Già mà cuồng tín còn có thể chấp nhận. Trẻ mà cuồng tín thì thật đáng thương.


Thế nào là cuồng tín? Như một đứa trẻ được sinh ra trên một thân cây chuối lênh đênh giữa dòng. Chúng sống với thân cây chuối ấy, chúng ăn và sinh hoạt trên thân cây chuối ấy. Đất liền của chúng là cây chuối, bầu trời của chúng là cây chuối. Cha mẹ của chúng là cây chuối mà bạn bè của chúng cũng là cây chuối. Mãi mãi, không bao giờ chúng có thể chấp nhận một khái niệm "đất liền" khác ngoài cây chuối, vì chúng hiểu buông cây chuối tức là chết. Tại sao tín đồ phần đa là cuồng tín? Vì ngay từ khi sinh ra, chúng đã được tiêm nhiễm những quan điểm như vậy, giáo điều như vậy, lý luận như vậy... và chúng tự tin rằng những điều chúng đã biết là tất cả bầu trời, là tất cả vũ trụ. Ai xâm phạm cái biết ấy là xâm phạm bầu trời của chúng, làm tổn hại đến niềm tin tín ngưỡng của chúng, đe doạ sự sinh tồn của chúng. Chúng phải bảo vệ những điều chúng đã biết, vì điều đã biết là tất cả những gì mà cuộc sống của chúng được đặt tên.


Đã ba mươi năm học Phật, tôi chưa từng có ý niệm mình là một Phật tử. Vì tôi không biết Phật, không hiểu hết về Phật... nên đâu dám lạm xưng mình là con Phật. Không gì bất hiếu hơn việc ngay cả con mà không biết cha mình là ai. Và cũng không gì bất hạnh hơn cho người cha, khi ngay cả đứa con của mình cũng không hiểu mình. Để tránh cho tôi và cũng để tránh cho Phật, tôi chỉ coi mình là người tìm kiếm. Tìm kiếm cái gì? Tìm kiếm điều chưa biết.


Thế nào là cái đã biết cần phải vượt qua? Vì khư khư nắm giữ cái đã biết tức là tự coi cái đã biết là tất cả thiên hà vũ trụ. Không gì kiêu căng ngạo mạn hơn là tự coi mình biết tất cả mọi thứ trên đời. Vượt qua cái đã biết là chính là bản chất của sự khiêm cung, không phải là dăm ba lời lẽ nhún nhường sáo rỗng và giả tạo. Vượt qua cái đã biết, nghĩa là không khư khư cho cái đã biết của mình là duy nhất đúng, nghĩa là sẵn sàng đối thoại với tất cả những chiều hướng đối lập, nghĩa là cái đã biết chỉ là một chặng đường rất nhỏ trong hành trình dài tít tắp, vô tận. Thấu hiểu rằng cái đúng của ngày hôm qua chưa chắc đã là cái đúng của ngày hôm nay, cũng như cái sai của ngày hôm nay chưa chắc là cái sai của ngày mai... Ta mở lòng đón nhận tất cả mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi hành động thuận hay nghịch với cái ta đã biết.


Thế nào là tìm kiếm điều chưa biết? Là sẵn sàng quăng mình vào những trường hợp đối lập, để suy tư, để trải nghiệm, để sáng tạo, để khám phá... Đúng và Sai chỉ là tương đối, chân trời nhận thức cần được mở rộng, lắng nghe mà không phán xét, quan sát mà không để tư kiến xen tạp. Nhìn, ngẫm và cho phép mình thử để sai, thử để tìm tòi cái đúng. Một người luôn luôn và sẵn sàng dung nạp điều chưa biết, kể cả điều đó có khác biệt, thậm chí đối lập với lý tưởng, ước mơ hoặc quan điểm mà mình có cảm tình... là người không bao giờ dừng lại ở bất kỳ chặng đường nào. Tất cả mọi chặng đường đều chỉ là "hoá thành", cái thấy của Phật Thích Ca hơn 2000 nghìn năm trước cũng rất có thể chỉ là một "hoá thành" thử nghiệm sự tìm kiếm trong ta mà thôi.


Phật không cần ta giết, nhưng giáo lý trong sách vở của Ngài cần phải thử nghiệm. Sự thật của quá khứ không có nghĩa là chân lý của hiện tại. Thời gian, không gian, hoàn cảnh, con người, môi trường đã thay đổi... thì giáo thuyết ấy cần phải vượt qua. Khư khư nắm giữ những gì trong kinh điển để lại, chưa chắc đã là một Phật tử ưu tú. Vì sao? Vì ai trong chúng ta dám cho rằng mình đã thấu hiểu được tri kiến Phật? Nếu không hiểu Phật, mà khư khư chấp thủ giáo lý, giáo luật... có trong sách vở tưởng như là của Phật thì cùng lắm cũng chỉ gọi là kẻ thủ thư xuất sắc, nếu không muốn nói là loài mọt vô tri.





Đồng hồ đã điểm bốn giờ sáng, tiếng chuông chùa ngân nhẹ giữa căn phòng tịch liêu. Tôi lặng lẽ pha trà, cho tiếng nhạc bổng trầm đưa tôi về với dòng sông của người lái đò Tất Đạt. Tôi vào vai người khách qua sông, lắng nghe Tất Đạt - người lái đò - nói với Thiện Hữu - anh chàng sa môn cần mẫn - giữa những âm ba của con nước thuỷ triều khi thăng khi giáng:
Kiến thức có thể truyền được nhưng trí tuệ thì không. Người ta có thể tìm thấy nó, sống trong nó, được thêm sức mạnh vì nó, làm nên những phép lạ nhờ nó, nhưng người ta không thể truyền dạy nó được. Tôi đặt nghi vấn về điều này từ hồi còn trẻ, và chính nghi vấn đó đã làm cho tôi xa lánh mọi thầy học. Có một ý tưởng tôi suy ra, Thiện Hữu, mà có lẽ bạn cũng lại cho là một trò đùa hay một sự điên rồ nữa: ấy là trong mọi sự thật, điều ngược lại cũng đúng không kém. Chẳng hạn, một sự thật chỉ có thể diễn tả và gói trọn trong danh từ nếu sự thật chỉ có một mặt. Mọi điều, nếu được suy tưởng và diễn tả thành danh từ thì đều là phiến diện, chỉ là nửa phần sự thật, nó thiếu hẳn tính cách toàn vẹn, tròn đầy, nhất thể. Khi đức Phật dạy về thế giới, Ngài phải phân chia thành Khổ đế và Niết Bàn, thành Vọng và Chân, thành khổ đau và giải thoát. Người ta không thể làm khác hơn, không có phương pháp nào khác cho những người giảng dạy. Nhưng thế giới tự nó, ở trong ta và xung quanh ta, thì lại không bao giờ phiến diện. Không bao giờ một người hay một sự việc lại thuần khổ hay thuần lạc, không bao giờ một người lại thuần là thánh thiện hay thuần tội lỗi; chỉ dường như thế bởi vì chúng ta bị mắc phải một ảo tưởng rằng thời gian là một cái gì có thực. Thời gian không thực có, Thiện Hữu. Tôi đã luôn luôn trực nhận điều này. Và nếu thời gian không thực có, thì đừng tưởng tượng ngăn chia cõi đời này với cõi vô cùng, ngăn chia thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, tất cả cũng chỉ là một ảo tưởng …
Nước đang đi về 100 độ, làn khói mỏng bay cao như báo hiệu dòng nước đang chuyển hoá sang thể hơi. Tôi nhấc nhẹ ấm nước, pha vào bình trà nhỏ. Ngồi yên, nhắm mắt, ... Một ly trà nóng vào buổi sáng sớm đang chờ tôi, cũng có thể tôi đang chờ trà tan đều trong ấm trà nóng hổi...



Read more: http://www.suynghiem.vn/2017/06/gap-phat-giet-phat.html#ixzz4jwoj5J2w

Cách tồn tại riêng trong nghề-Một kiểu người Việt



Tìm hiểu về Nguyễn Công Hoan , người ta không khỏi nhận ra một sự éo le rõ rệt . Một mặt , đây là một trong những cây bút hàng đầu của nền văn học dân tộc trong thế kỷ XX , một đô vật lực lưỡng trong trường văn trận bút . Mặt khác , đó hình như lại là cây bút đặt rất ít sự nghiêm chỉnh vào sáng tác . Như ông đã kể , có lần ông mang truyện của mình tặng cho người khác để người đó bán cho các báo lấy tiền . Lại như cái cảnh ông vừa chơi bài vừa viết truyện , hoặc viết tiểu thuyết đăng báo mà không thuộc hết tên nhân vật , phải để trống rồi nhờ toà soạn điền hộ . Người đời vốn ranh mãnh có làm như vậy đi chăng nữa thì cũng giấu biệt đi không muốn cho ai biết . Trong khi đó , Nguyễn Công Hoan lại bô bô kể hết cả ra trong sách . Qua những phát biểu trực tiếp cũng như qua cách làm việc của ông , thấy toát lên cái ý chẳng qua do lọc lõi thạo đời thì viết cho mọi người cùng đọc chứ trong bụng chả buồn để tâm gì đến nghĩa lý với lại vai trò rắc rối mà người ta thường gán cho nghề nghiệp này . Đại khái ông không phải trăn trở nhiều khi ngồi trước trang giấy , thảng hoặc đôi lần có để ý đến ý nghĩa xã hội của công việc ( như khi viết Bước đường cùng ) thì cũng là làm vội làm vàng chứ chưa phải đã dồn hết vào đấy tất cả tâm sức vốn có .


Nguồn cảm hứng nào đã thúc đẩy Nguyễn Công Hoan kể chuyện mình theo kiểu như vậy ?
Chúng tôi có cảm tưởng điều đầu tiên ông muốn truyền đạt tới mọi người , ấy là viết văn phải có năng khiếu và sự thành công không thể do ý chí hay day tay mắm miệng mà có được .Vốn thích đề cao những gì gọi là tự nhiên ông chúa ghét những nhà văn nào quan trọng hoá nghề nghiệp của mình và lấy sự viết lách ra để lừa bịp . Sự dông dài tuỳ tiện mà ông hay nói , đúng hơn sự đùa bỡn mà ông cố ý phô ra , là một cái gì quán xuyến trong ông , nó buộc người ta sau đó phải hiểu dần ra những điều đơn giản mà ông muốn nói việc viết văn cũng là một việc thường như mọi việc khác trên đời hoặc gán cho văn chương có lắm ý nghĩa đâu đâu tức là chẳng hiểu gì về nó cả .
ở chỗ này có thể nói cách làm của Nguyễn Công Hoan trùng khít với một xu thế của tư duy hiện đại ấy là nhìn đời sống ở một khoảng cách gần gũi , phi huyền thoại hoá nó , làm cho mất đi cái vẻ thiêng liêng giả tạo mà con người trung đại thích dùng để tự tô vẽ .
Đồng thời sự phi huyền thoại hoá này còn đi gần tới một quan niệm khác cũng chỉ thấy ở con người hiện đại ấy là nhấn mạnh tính chất trò chơi của cuộc đời , và cho rằng trong trò chơi , cả ý nghĩa nghiêm chỉnh lẫn cái vẻ hư vô của kiếp nhân sinh có dịp bộc lộ . Chơi để sống cho nhẹ nhàng và nếu có phải chết cũng là chết một cách thoải mái .
Trong tiếng Việt chữ chơi hay gợi ra cái ý ham vui gặp chăng hay chớ chả cần để tâm vào việc gì mà tha hồ làm nhanh làm ẩu làm hàng giả bịp bợm . Có thể nói Nguyễn Công Hoan chơi với nghĩa khác . Chơi ở đây thuộc về một cái gì nằm trong cách nhìn đời trong ý thức của con người nó giúp cho một cây bút như tác giả Bước đường cùng thêm hào hứng trong sự sáng tạo , khi viết tìm thêm được những trò hóm nghịch lôi cuốn bạn đọc .
Truy nguyên về tận nguồn gốc, có thể bảo cái sự nhởn nhơ ở Nguyễn Công Hoan còn thuộc về hồn cốt dân tộc mà ông thấm nhuần trong dòng máu mình .
Rải rác trong các đoạn trên chúng ta đã nhắc qua một số đặc điểm làm nên cách nhìn đời sống của Nguyễn Công Hoan qua các truyện ngắn truyện dài đã in : Thích sự tự nhiên và luôn luôn tự nhắc nhở mình là phải giữ bản sắc . Không tin lắm ở sách vở mà thích đề cao một sự khôn ngoan trời cho. Trong khi gắng gỏi học theo mọi người thì bề ngoài lại tỏ ra không coi cái gì là quan trọng và xem thường mọi chuyện .Lấy sự cười đùa làm vui tự nhiên , bài bác những sự quan trọng hoá giả tạo song lại sẵn sàng để tâm và tỏ ra rất thích thú với những sự sắp đặt tinh xảo v...v.... Đến Đời viết văn của tôi thì chúng ta lại gặp cái tinh thần đó trong chính con người Nguyễn Công Hoan . Trong khi nhìn lại đời mình , nhà văn hiện ra như một cá tính cụ thể , mà trong đó đồng thời thấy bao hàm những con người khác những cuộc đời khác . Xét theo nghĩa này , cuốn sách là một bộ phận hợp thành không thể thiếu trong sự nghiệp đồ sộ của tác giả ./.


Vương Trí Nhàn

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

Bài Thơ chửi kinh thiên động địa :Tau chưởi





Tác giả: Trần Vàng Sao

.

Tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan

Tau cũng có chân có tay
tau cũng có đầu có óc
có miệng có mắt
có ông bà
có cha mẹ
có vợ con có ngày sinh tháng đẻ
có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần
rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả

Tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu

Tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không

Tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi

Tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời
cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì
con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi

Tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
hết nối dõi tông đường

Tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp

Tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu

Tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
hà hơi trún nước miếng cho bây
bây ỉ thế ỉ thần
cậy nhà cao cửa rộng
cậy tiền rương bạc đống
bây ăn tai nói ngược
ăn hô nói thừa
đòn xóc nhọn hai đầu
ngậm máu phun người
bây bứng cây sống trồng cây chết
vu oan giá hoạ
giết người không gươm không dao
đang sống bây giả đò chết
người chết bây dựng đứng cho sống
bây sâu độc thiểm phước
bây thủ đoạn gian manh
bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét
lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm
lúc như thầy tu vào hạ
lúc như con nít đói bụng đòi ăn
hai con mắt bây đứng tròng
bây bắt hết mọi người trước khi chết phải hô
cha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bây
sống dai đời đời kiếp kiếp
phải quỳ gối cúi đầu
nghe bây nói không được cãi
phải suốt đời làm người có tội
vạn đợi đội ơn bây
đứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống
thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu
bây làm cho mọi người tránh nhau
bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng

đồ phản động
đồ chống đối
đồ không đá bàn thờ tổ tiên
đồ không biết đốt chùa thiêu Phật

thượng tổ cô bà bây
mụ cô tam đợi mười đời bây

tau xanh xương mét máu
thân tàn ma dại
rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch
mả ông bà cố tổ bây kết hết à

Tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm
bây ăn chi mà ăn đoản hậu
ăn quá dã man
bây ăn tươi nuốt sống
mà miệng không dính máu
người chết bây cũng không chừa
năm năm mười năm hai mươi năm
xương chân xương tay sọ dừa vải liệm
bây nhai bây khới bây mút
cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột
bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho

Cha mẹ cố tổ bây
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi

Bây giết người như thế
bây phải chết như thế
ác lai thì ác báo

Tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi

Bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây

Tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm

Tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu

Tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa

Tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được

Tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
không bà không con
không phúng không điếu
không tưởng không niệm
không mồ không mả
tuyệt tự vô dư

Tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

CÂY DỪA VÀ SỰ BÌNH ĐẲNG





Hơn hai mươi năm trước, tôi đi lao động ở Vân Nam. Khí hậu ở đây nóng nực, các loài cây trái vùng nhiệt đới không thiếu thứ gì; chỉ dừa là không thấy có. Theo ghi chép của dã sử, chuyện này có căn nguyên của nó. Nghe nói trước Tam quốc, Vân Nam trồng đầy dừa, dân tộc ít người sống yên vui dưới tán lá rừng dừa. Ai cũng biết, mọi bộ phận của cây dừa đều dùng được, cùi dừa ăn thay cơm, nước dừa để uống, dầu dừa làm thức ăn, thân dừa cho gỗ, tơ lá dừa làm sợi dệt quần áo thô. Cây dừa thỏa mãn hầu hết nhu cầu hàng ngày, dân ở đây cũng không cần làm nông, sống rất an nhàn.

Đùng một cái Gia cát Lượng kéo quân đến. Ông ta muốn giáo hóa dân chúng ở đây. Ông ta bắt họ phải sống theo cách sống của chúng ta: Làm những việc ta làm, mặc quần áo như ta mặc, phục tùng chế độ của ta. Việc này lúc đầu không thành công lắm. dân chúng chẳng thấy cách sống của ta hay ho ở chỗ nào. Trước tiên, xuân trồng thu hái, mệt chết người, ít nhất là vất vả hơn hái dừa nhiều lắm; thứ nữa là quần áo người Hán không hợp vùng đất này. Lấy ngay ông Gia Cát làm thí dụ, quần là áo lụa tốt thật đấy, nhưng mặc vào chỉ để ủ mồ hôi và ủ chấy rận; cái mũ quan chẳng che được nắng cũng chẳng che được mưa, chỉ khiến ong khoái chui vào làm tổ. Ở vùng này nóng nực, kiếm vài cái lá dừa che cái chỗ cần che là xong. Còn về chế độ của người Hán thì quá ư rắc rối. Ông Gia Cát múa môi uốn lưỡi trẹo cả quai hàm, tất nhiên lôi cả Khổng Mạnh ra để viện dẫn nhưng chẳng ma nào nghe. Ông không nghĩ rằng lí lẽ mình sai mà đổ hết tội vạ cho cây dừa: Thế là ông ra lệnh trong một đêm chặt bằng sạch dừa Vân Nam, để cho cái lũ dân man di này nghe thủng được đạo lí của thánh hiền. Không còn dừa nữa, lời ông ta nói có người nghe.

Cách giải thích của tôi là thế này, ông Gia Cát không phải một mình đi nam chinh, ông còn đem theo đầy đàn lính tráng, cây dao chặt dừa cũng có thể chặt người được, chuyện chặt dừa cho thấy rằng ông ta có đủ người để sai bảo, cũng đủ dao rìu để chặt chém. Dân chúng hiểu cái lẽ đó thế là họ sợ ông Gia Cát. Tôi nói vậy, bạn cứ việc không tán thành – Tôi biết bạn sẽ nói, Gia Cát Lượng là người hiền, ông ta không trắng trợn dùng vũ lực để đe dọa người ta; cho nên tôi cũng chẳng cố chấp làm gì.

Về việc này, dã sử giải thích thế này: Bọn man di có những vật lạ, cho nên vênh váo dám cả gan coi thường cả Thiên triều; khi không còn vật lạ nữa là chúng nó trở nên dễ bảo ngay. Có nghĩa là, dân Vân Nam thời đó phạm cái tội ngạo ngược, thiếu đạo đức. Ông Gia Cát chặt cây dừa là để sửa cho họ cái tính ấy, là làm điều tốt cho họ. Tôi thì cho rằng cách nghĩ như vậy thật là kinh tởm. Người ta có mấy thứ hay, sống đang dễ chịu, tinh thần cũng thoải mái, thế gọi là ngạo ngược; cứ phải phá bỏ cái hay của người ta đi khiến người ta phải đau đớn, thế thì không phải là ngạo ngược? – Tôi nghĩ đây là ý kiến của người viết dã sử, ông Gia Cát không phải là người như vậy.

Đọc dã sử đừng nên coi là thật, nhưng thực tế, Vân Nam nay chẳng còn dừa, trước kia thì có. Cho nên có thể là ông Gia Cát Lượng đã chặt. Nếu làm thế không phải là dã man thì cần phải có cách giải thích có đạo lí hơn. Tôi nghĩ khi chặt dừa, ông ta có thể nghĩ thế này: Người ta sinh ra đã bình đẳng, nhưng nay thì không bình đẳng nữa. Tứ Xuyên dừa không mọc được, dân phải trồng lúa vất vả; Vân Nam có dừa, dân sống rất dễ chịu. Hãy để cho dừa mọc đầy Tứ xuyên, đó là một cách đạt đến công bằng, nhưng do điều kiện tự nhiên, khó mà làm được. Vì thế phải chặt sạch dừa Vân Nam, thế mới công bằng. Nếu không công bằng, có hai cách có thể san cho bằng: Nâng cao lên là tốt nhất, nhưng khó thực hiện. Ví như có những người có đủ chân tay, nhưng có người sinh ra đã bị khuyết tật, một đạo lí làm cho công bằng là cho người khuyết tật thành người bình thường. Chẳng dễ chút nào. Có một cách làm công bằng là kéo xuống, biến những người bình thường thành người khuyết tật thì dễ hơn nhiều, chỉ cần cho một gậy, một tiếng kêu thảm thiết, thế là xong. Ông Gia Cát làm theo cách kéo xuống, khổ cho tôi không được ăn dừa. Hồi ở Vân Nam khi thấy nhạt miệng, tôi gặm quả đu đủ, nhạt nhẽo vô vị, nhưng tôi không trách cây đu đủ. Cây này cũng không mọc ở các tỉnh phía trong, nếu quả nó quá ngon thì ông Gia Cát cũng chặt sạch rồi.

Đề tài bài viết này của tôi là cây dừa, nhưng thực ra là nói vấn đề bình đẳng, treo đầu dê bán thịt chó là thế. Đó là dụng ý của tôi. Theo lẽ phải ai sinh ra cũng bình đẳng, điểm này ai cũng đồng ý. Nhưng thực ra là không bình đẳng, mà cái bất bình đẳng lớn nhất là có người có cây dừa, có người không có. Triết gia người Anh, Bertrand Russell đã nói, cái bất bình đẳng lớn nhất là sự chênh lệch về tri thức – có người thông minh; có người dốt. Vấn đề là ở chỗ đó. Ở đây nói tri thức là hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là tri thức khoa học mà còn bao gồm cả tố chất văn hóa, sự thưởng thức nghệ thuật vân vân. Loại cây dừa đó mọc trong não người, nó không chỉ đem lại cho người ta lợi ích vật chất mà còn cả hạnh phúc về tinh thần. Cái chênh lệch của vế sau này tôi gọi là sự chênh lệch về năng lực hạnh phúc. Có những tác phẩm người này thưởng thức được nhưng người kia không hiểu, có nghĩa là có người có năng lực hạnh phúc nổi trội hơn. Cái năng lực nổi trội này là thứ dễ gây tâm lí đố kị nhất. Cách loại trừ sự nổi trội này là nhè vào đầu người thông minh gõ một gậy, cho ngu đi một chút. Nhưng gõ nhẹ không ăn thua, gõ mạnh thì phòi óc ra, mà đó không phải là chủ ý của chúng ta. Một cách khác là: Mỗi khi có sự tranh chấp giữa người thông minh và người ngu, chúng ta cứ bênh người ngu, bảo người ngu có lý. Lâu dần, người thông minh cũng thành ngu. Cách này hiện đang được sử dụng.

Vương Tiểu Ba (Trung Quốc) – Lê Thanh Dũng (dịch)

Bộ xương người trị giá một tỷ đôla





Phan Huy Đường
Nguyên tác : Un squelette d'un milliard de dollars [1]

199x, Tổng thống Liên bang Hoa-kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Richard Steel, người giàu nhất nước Mỹ, kể như giàu nhất thế giới, Nhà Tỷ-Phú, nhảy lên máy bay phản lực riêng, phóng qua thành phố Hồ Chí Minh, cầm đầu một bộ tham mưu đồ sộ, chí ít cũng hơn trăm mạng. Ông đã dành cho mình mọi phương tiện để thành công. Những người có ít nhiều khả năng phục vụ hữu hiệu mục tiêu của ông đều có mặt. Một mục tiêu không tưởng, chẳng khác chuyện vác đá vá trời : tìm bằng được John, con ông, đã mất tích từ năm 1972 trong một trận dội bom vĩ tuyến 17. John là con trai duy nhất của ông. Ông sẽ tìm nó. Ông sẽ mang hài cốt nó về Mỹ, như ông đã hứa với vợ khi bà lâm chung. Ðứa nhỏ sẽ an nghỉ bên cạnh mẹ trong lăng mộ của gia tộc Steel. Tỷ-Phú đã quyết tâm, không có gì ngăn cản được. Suốt đời, ông chưa hề cho phép bất cứ ai, bất cứ điều gì bó tay ông. Ông là kẻ hiếu thắng. Ông luôn luôn thắng.
Cả bộ tham mưu nín thinh. Như bị ý chí quyết liệt của Tỷ-Phú thôi miên, mọi người đã làm việc cật lực. Nhưng chẳng ai tin chiến dịch này sẽ thành công. Tỷ-Phú hớp cạn ly whisky :
– Mọi chuyện cho ngày mai đã sẵn sàng chưa, đại tá Wood ?
Ðại tá chỉ huy bộ tổng tham mưu. Xưa kia, ông làm việc cho bộ quốc phòng, chuyên trách vấn đề tù binh và lính Mỹ biệt tích trong chiến tranh, lãnh đạo phái đoàn Mỹ trong tất cả những cuộc điều đình với chính phủ Việt Nam. Ông đã phân tích tỉ mỉ, từng cái một, bốn ngàn hồ sơ mà tụi Việt đã trao cho Mỹ trước khi Mỹ bãi bỏ cấm vận. Không hề có một dấu vết về John Steel. Tỷ-Phú đã thuê ông để điều khiển toàn bộ chiến dịch.
Ðại tá càu nhàu :
– Mọi sự đã xong, kho, nhà cửa, dụng cụ, hệ truyền thông. Tổng hành dinh đã sẵn sàng hoạt động từ một tuần nay. Ông có thể liên lạc trực tiếp với cả thế giới qua vệ tinh. Ông có thể theo sát mọi công việc tại trận. Bộ chỉ huy nằm trong một cánh của biệt thự. Quyển Thánh Kinh của bà đặt trên bàn thờ nhà nguyện, cạnh phòng ngủ của ông. Hôm qua, tôi đã kiểm soát lại mọi chuyện. Tất cả vẫn đâu vào đấy.
– Thế còn chiến dịch quảng cáo ?
– Sáng mai, đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí quốc gia và địa phương sẽ có mặt tại cuộc họp báo của ông. Khoảng gần nghìn người. Chúng ta đã mua một trăm ngày quảng cáo trên trang đầu của tất cả các báo, mua quyền phát tin hàng giờ trên đài phát thanh, gửi thông điệp trên tivi mỗi tối, đúng giờ cao điểm. Chúng ta đã thuê tất cả những bảng quảng cáo trên đất nước này và dựng thêm khắp nơi. Không một ai có thể không biết tới lời cầu mua của chúng ta. Sáng mai, bắt đầu. Ông chỉ còn một chuyện phải làm, chọn người đàn bà phục vụ.
Ðại tá đưa cho Tỷ-Phú một quyển an-bum :
– Ðã mua hết. Không ngại sida hay bệnh tật. Bác sĩ của ông đã khám xét tất cả. Họ đều còn trinh và lành mạnh. Người ông chọn sẽ được đưa tới biệt thự ngay tối nay. Cô ta sẽ không được ra khỏi nhà với bất cứ lý do nào. Biệt thự này được canh gác rất nghiêm ngặt.
Tỷ-Phú lướt mắt nhìn quyển an-bum. Quả nhiên, các cô gái đều trẻ đẹp. Ông không quan tâm lắm. Ông không ham mê nữ sắc, chỉ theo lệnh của bác sĩ, làm tình mỗi ngày để bảo đảm sự cân bằng thể lực và tâm lý, thế thôi. Tỷ-Phú liếc qua những lý lịch, ngừng lại trước cô gái đầu tiên biết nói tiếng Anh lưu loát.
Ðại tá ho.
– Ngừng lại lúc này vẫn còn kịp. Tôi không tin ý của ông. Tôi quản lý hồ sơ này hơn hai mươi năm rồi. Kế hoạch của ông thật là điên khùng… Khả năng thành công họa may là một phần triệu.
– Ờ, tôi mua khả năng ấy. Tôi đã trích ra một tỷ đôla để mua nó. Tổng sản lượng quốc dân của nước này là 150$ một đầu người. Chúng ta dư tiền mua cái một phần triệu ấy. Tôi cho anh 100 ngày để tìm ra nó. Chúng ta sẽ thành công. Hãy dẹp đầu óc quan liêu đi, những đống hồ sơ, những toan tính chính trị, những chiến lược chiến thuật thật khôi hài tội nghiệp. Tôi không điều tra, tôi không điều đình, tôi hành động. Tôi mua. Lầu Năm Góc của các anh đã thất bại, nhưng tôi sẽ thành công.
Sáng hôm sau, toàn bộ báo chí quốc gia và địa phương tụ lại trong phòng họp báo của Tỷ-Phú. Tỷ-Phú chẳng phải loại người nói suông, chịu mất thời giờ. Ông vào thẳng cốt lõi vấn đề :
– Tôi đã dành một ngân sách một tỷ đôla để tìm con tôi, John Steel, phi công trong Không lực Hoa Kỳ, biệt tích trong trận đánh ngày 24 tháng 12 năm 1972 trên vĩ tuyết 17. Người nào giúp được tôi tìm lại nó hay hài cốt của nó, tôi cho người ấy làm triệu phú suốt đời. Tôi sẽ trọng thưởng mọi nguồn tin chính đáng. Ngoài ra, tôi mua 150$ tiền mặt tất cả những bộ xương hoang. Tôi nhấn mạnh, tất cả, bất kể là xương đàn ông, đàn bà hay trẻ con. Cứ tìm chúng, cứ mang tới cho tôi, tôi sẽ thanh toán sòng phẳng. Văn phòng chúng tôi sẽ mở cửa 24 giờ trên 24, đúng 100 ngày. Mọi người tới đó sẽ được đón tiếp tử tế.
Và ông rời phòng họp.
Tin loan đi như lửa bốc. Mỗi sáng, báo chí đều đăng trên trang đầu chân dung của John Steel, kích thước, những nét đặc thù của chàng, địa chỉ, số điện thoại, số fax của Trung Tâm Tìm Kiếm, một bản đồ dẫn đường, những trạm xe ca trong các tỉnh lân cận, giờ xe lửa khởi hành, máy bay cất cánh… giá chẵn 150$ cho nguyên bộ xương, bảng giá lẻ cho từng khúc. Mỗi giờ, đài phát thanh lại loan bố tin cầu mua. Mỗi tối, đài truyền hình lại nhắc nhở. Nội một đêm, áp-phích phủ cả Hà Nội, Sàigòn, các tỉnh lẻ và ngay cả những làng mạc hẻo lánh. Một cái đầu lâu… 150$… một lời thầu… vang vọng triệu triệu lần trong cả nước. Người người tranh luận say sưa, từ Bộ chính trị tới dân khố rách áo ôm trong những chòi nghèo nàn, kinh tởm nhất. Có người ủng hộ, có người chống. Chẳng ai nghĩ tới chuyện cấm đoán. Phải công nhận, đó là chuyện nhân đạo. Người Việt vốn biết thờ tổ tiên, tưởng niệm người chết, không thể ngăn cản việc này. Với lại, quan trọng hơn cả, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam gặp dịp may lớn thế. Một tỷ đôla đổi lấy một bộ xương ! Mà ai ai cũng có quyền thử lòng số phận, kẻ quyền lực cũng như dân đen. Chưa bao giờ người ta được hưởng công lý và dân chủ đến thế.
Hôm đầu, không ai đến Trung Tâm.
Hôm thứ hai, lúc đêm xuống, một gã khả nghi, tóc tai bù xù, mặt nấp sau bộ râu rậm rạp, lẻn vào phòng tiếp khách, một túi vải bẩn trên vai. Trong đó, có một bộ xương khá lớn. Hắn dốc túi vải, lĩnh 150$ thủ túi, và biến.
Tỷ-Phú ra lịnh xét nghiệm ngay bộ xương. Trong phòng thí nghiệm được đặc biệt xây cất cho việc ấy, Giáo sư Smith và đồng nghiệp có đầy đủ những dữ liệu, máy móc để xác nhận từng đốt xương của John. Ở đây, có tất cả những hình ảnh, những rađiô-X của John từ thuở sơ sinh tới ngày biệt tích. Hình dáng, kích thước của từng cái xương đã được chụp ảnh, đo đếm, tính toán, và lưu trữ trong một căn cứ dữ liệu dưới dạng hình và dạng số. Một ống kính chụp ảnh bộ xương, rồi chuyển cho một định trình thông minh nhân tạo - chạy trên một máy tính vận động theo cấu trúc của mạng óc - xác định có khúc xương nào là của John Steel hay không.
Giáo sư :
– Không phải nó. Bộ xương này kể cũng lạ. Với hình dáng ấy, nó có thể là một người Mỹ cũng như một người Việt Nam. Theo máy tính là nửa này nửa nọ. Có lẽ là một thằng lai. Mình làm gì với nó bây giờ ?
– Cứ để nó qua một bên. Ðó là thằng đầu. Một thằng lính vô danh chân chính. Kiếm được John rồi, tôi sẽ tặng cho nó một ngôi mộ tại Hoa Thịnh Ðốn xứng đáng với bi kịch của nó.
Ngày thứ ba, một đám người rách rưới đến trước quầy. Họ đều được tiếp đón tử tế, trả tiền đàng hoàng đúng theo bảng giá đã công bố : 150$ cho một bộ xương nguyên vẹn, 10$ cho một cái sọ, 5$ cho xương chày… 10 xu cho những đốt xương nhỏ.
Hệ thống phân loại do Ðại tá thiết kế bắt đầu hoạt động, đổ xương đàn bà, trẻ con vào những kho riêng biệt. Xương đàn ông được nhập kho ngay cạnh sở chỉ huy, nối liền với phòng thí nghiệm bằng những toa xe tự động chạy trên đường rầy. Những con RôBô thông minh phân chia xương xẩu theo 214 loại xương người : xương sọ, xương sống, xương đòn, xương vai, xương cẳng tay… Rồi sàng lọc sơ bộ, xương Việt Nam đưa vào kho đồ phế thải, xương Mỹ đưa qua máy điện tử để xem xét một lần cuối.
Như trong các nước nghèo, thuật rỉ tai truyền miệng hữu hiệu kỳ diệu. Chưa hết một tuần mà thiên hạ đều biết rằng Tỷ-Phú là người trọng tín, tiền trao cháo múc. Một biển người liền bu quanh Trung Tâm, người này mang tới một cái sọ, người nọ mang theo xương chày, xương sườn, xương bánh chè, xương trụ, xương đùi, một đốt xương tay… Chỉ việc tới quầy, trao xương dưới một máy ảnh, là có liền đôla thủ túi… Chỉ có xương chó, xương mèo, xương khỉ… mới bị trả lại.
Từ khắp nơi những dòng người dài đằng đẵng đổ về Trung Tâm. Chưa bao giờ người ta cuốc đất, đào non, bới rừng đến thế… Thỉnh thoảng, có đàn bà, trẻ con bị trúng mìn và bom nổ tung. Tỷ-Phú bồi thường gia đình hậu hĩ, mua xương họ gấp đôi giá thường. Bới cả ký ức loài người cũng chưa bao giờ thấy được một mật độ xương người đặc như thế trên từng thước vuông đất. Có đủ thứ xương, đàn ông đàn bà con nít phụ lão trẻ sơ sinh Việt Lào Khmer Thái-Lan Cao-Ly Úc Tân-Tây-Lan Pháp trắng đen vàng đỏ nâu, vượn cổ Úc châu… và vài khúc xương Mỹ. Tỷ-Phú gửi xương người Tây Âu cho chính phủ nước họ, xương thiên cổ vào viện bảo tàng. Xương còn lại chất vào kho, đàn ông với đàn ông, đàn bà với đàn bà, phụ lão với phụ lão, trẻ sơ sinh với trẻ sơ sinh. Có xương rõ ràng còn mới, cạo rửa chưa sạch, còn dính sợi gân, mẩu thịt. Chẳng sao. Tỷ-Phú không muốn làm bất cứ ai nản lòng, cứ trả tiền, không cãi cọ nửa lời.
Một tháng sau, kho đã chật ních. Ðại tá :
– Làm sao bây giờ ? Ta chất chúng trong kho dành cho người Mỹ ?
– Không được. Anh hãy mua những thửa ruộng quanh đây mà chất. Chúng ta làm đến đâu rồi ?
– Hơn bốn trăm nghìn bộ.
– Tuyệt. Vượt kế hoạch rồi đấy. Khả năng thành công của anh sẽ vượt tỷ lệ một phần triệu. Nếu khả năng ấy có thực, chúng ta sẽ chụp được nó.
Những thửa ruộng tức khắc biến thành kho lộ thiên. Phương Bắc, đàn ông. Phương Nam, đàn bà. Phương Ðông, con nít. Phương Tây, trẻ sơ sinh. Lúc đầu, chỉ là những ngọn đồi khiêm tốn.
Ngày qua ngày, xương cốt rải rác trên đất Việt tuôn về Trung Tâm. Chẳng bao lâu, những ngọn đồi biến thành núi, thấy rõ từ xa hàng cây số. Hệ thống đường rầy chi chít nhanh chóng lan rộng. Bốn còn đường nhựa trắng láng từ Trung Tâm phóng tới chân trời. Bây giờ, đi vào Trung Tâm như đi miền núi, phải băng qua một hốc sâu giữa hai bức trường thành xương cốt.
Một phóng viên đăng trên tờ New York Times bức hình công trường đồ sộ này dưới tựa : “Vì tình phụ tử, công trình ngông cuồng nhất của nhân loại”. Vài ông triết gia già nua của Châu Âu già cỗi cất lời phản đối. Họ chẳng hiểu biết gì cả về kinh tế thị trường. Ðược đào tạo kỹ hơn, vài cậu triết gia trẻ cũng thuộc thế giới ấy đã khéo bình tới bình lui đúng theo chuẩn media. Vài nghệ sĩ Việt đã thất thanh tố cáo xì-căng-đan. Một dân biểu quốc hội cả gan đề nghị thành lập ban điều tra. Chính phủ Việt Nam hoảng hốt tuyên bố quanh co về Nhân Quyền, nghĩa vụ nhân bản. Nó chẳng thể không phản ứng, cũng chẳng thể làm hơn. Nhờ tỷ đôla nọ, cả tỉnh đã hết thất nghiệp. Cả nước cũng bớt đói.
Ðã tới hai phần ba kế hoạch. Ðã bắt đầu thiếu đất để chất xương. Trên mấy hếch-ta còn lại, Tỷ-Phú sai cất lò hoả thiêu. Ông điều khiển sát mọi công việc. Ngày nào ông cũng tham dự những đợt sàng lọc. Ông ít ăn, mỗi đêm chỉ ngủ non bốn tiếng. Ông làm việc không ngừng từ mờ sáng tới đêm. Sau mười giờ tối, ông mới nhường quyền cho Ðại tá, trở về nhà. Ông tắm ào, ngốn một khúc bánh mì thịt, tu nửa chai whisky, làm tình với người đàn bà phục dịch, rồi rút vào nhà nguyện, cầu Chúa, và tưởng niệm, giao cảm với vợ. Mỗi đêm, ông lại nhớ con. Một chàng trai trẻ thế, to lớn thế, đẹp thế, thông minh thế. Với cặp mắt xanh thế. Một cuộc đời đầy tương lai, đầy hứa hẹn như thế. Chỉ mới hôm qua, chưa đầy hai mươi năm. Từ ấy, đêm nào ông cũng đặt tay trên Thánh Kinh, thề tìm lại nó. Mỗi sáng, mới 4 giờ, ông đã có mặt ở phòng chỉ huy.
Ngày thứ tám mươi, thủy triều xương cốt bắt đầu suy giảm. Tới ngày thứ chín mươi, nó cạn trông thấy. Những xương cũ càng lúc càng hiếm. Tỷ-Phú càng chăm chú quan sát hơn. Không mệt mỏi, ông khuyến khích, cổ vũ, động viên người làm :
– Nếu quả thực khả năng thành công là một phần triệu thì chính là ở lúc này.
Ngày tiền định lần tới. Những kẻ bán xương càng lúc càng thưa. Mỗi ngày nhiều lắm còn được dăm chục. Họ mang đến những bộ xương mới toanh hay đã có ít nhất cả trăm năm. Ngày áp chót, chỉ còn một lão ăn mày mang tới quầy một ngón chân mới lóc sơ chút thịt. Nhân viên cho hắn mười xu cuối cùng còn lại trên số tiền một tỷ đôla.
Ðó là ngày thứ một trăm. Suốt ngày, không có ai tới. Ngồi trong ghế bành, Tỷ-Phú nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường. Mũi kim lặng lẽ quay. Ráng chiều thiêu đốt văn phòng. Những tủ gỗ hồng rực ánh lửa. Ðồng hồ báo hiệu ngày tàn. Tỷ-Phú thở dài, đẩy lui ly whisky, đứng dậy.
Ba tiếng gõ nhẹ vang lên trên cánh cửa. Người phiên dịch len vào văn phòng, bước nhẹ như bông :
– Có một ông lão xin gặp ông chủ.
– Cho ống ấy vài đôla và vứt xương của ông ấy vào một đống. Chiến dịch đã kết thúc rồi.
– Ông ấy không có xương để bán. Ông chỉ muốn trao lại cho ông chủ cái này.
Người phiên dịch xòe bàn tay đưa ra một gói nhung đen. Tỷ-Phú nhặt lấy nó, chán nản. Ông hững hờ mở xem. Ông thấy một thánh giá bằng bạch kim, có một trái tim ngọc đỏ khảm ở giữa. Tỷ-Phú rùng mình. Con trai ông đã chết. Nó chẳng thể nào chịu rời chiếc thánh giá này. Mẹ nó đã đặt mua cho lễ rửa tội của nó tại hiệu kim hoàn lớn nhất Paris. Tỷ-Phú ngả mình xuống ghế bành, khẽ nói :
– Ðưa người ấy vào.
Ðó là một cụ già mảnh khảnh, mày tóc bạc phơ, chòm râu nhọn trắng phau, khẳng khiu trong bộ đồ nhà quê màu đất đỏ Cao Nguyên, rộng thùng thình. Cụ chống gậy tre dịu dàng bước tới, dừng chân trước bàn giấy. Tỷ-Phú dang tay mời ngồi. Cụ lắc đầu.
– Ông tìm thấy thánh giá này ở đâu ?
– Nó là của tôi.
– Ông biết con trai tôi ở đâu không ?
– Biết.
– Hãy chỉ cho tôi. Tôi sẽ đổ vàng ngập nhà ông suốt ba đời.
Ông cụ lắc đầu. Tỷ-Phú :
– Vậy thì ông muốn gì, xin cho tôi biết.
– Người hãy đốt những núi xương kia. Hãy trải tro tàn trên đất Việt, từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau. Làm xong, hãy tới nhà ta, ở làng Nhân, chân núi Bình. Ta sẽ trả lại hài cốt đứa con trai cho người.
– Nội bảy ngày nữa, tôi sẽ tới.
Cụ già không trả lời, quay đầu, chậm chạp bước ra khỏi phòng. Chiếc gậy tre của cụ vang trên sàn gỗ, khô khan, đều đặn, như báo hiệu bức màn sân khấu sắp mở.
Tỷ-Phú liền triệu tập bộ tham mưu của mình. Ông hạ lệnh đốt hết xương trong nội sáu ngày. Ðại tá tái mặt :
– Làm sao nổi ! Những lò thiêu đã chạy hết ga. Dân chúng đang than phiền mùi hôi và khói. Chúng tôi phải chật vật hết sức mới vỗ yên được phần nào chính quyền.
– Câm đi ! Cái gì mà làm không nổi ? Chúa đã tạo được cả thế giới này trong bảy ngày. Tại sao chúng ta lại không đốt được đống xương kia trong thời gian ấy ? Hãy tăng các đơn vị lên bốn lần, nhân lương bổng lên gấp hai, và tổ chức ngay sản xuất liên tục. Nếu thiếu lò thiêu thì mua gỗ, than, dầu lửa mà đốt. Cần bao nhiêu ngọn lửa nhóm bấy nhiêu. Tôi muốn, bảy ngày nữa, máy bay cất cánh, trải đống tro khốn nạn kia từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mâu. Tuân lệnh !
Bới cả ký ức loài người cũng chưa bao giờ thấy được lửa và khói nhiều đến thế trên một mảnh đất. Một hỏa ngục, lúc nhúc đàn ông, đàn bà, trẻ con nhọ nhem đen ngòm. Người nối người thành xiềng, thành xích, đan chéo nhau, siết chặt những lò thiêu, những cồn lửa trong một cái lưới mênh mông chập chờn. Xương cốt chuyền từ tay này qua tay kia, từ những núi xương tới những miệng lửa hừng hực. Khói ngộp trời, dày đặc, cay, khét. Ngay từ ngày thứ ba, không ai phân biệt được ngày với đêm nữa. Bóng người ngọ nguậy, giần giật trong bóng đêm. Sáu ngày sáu đêm liền, khói đen ập xuống cả tỉnh, nặng như chì, bào mặt, chích mắt, cào cổ họng. Người ta chui vào nhà, chặn cửa ra vào, cửa sổ. Và khấn. Trẻ sơ sinh im thin thít. Trái đất chỉ còn là một lời cầu nguyện mênh mông, đen ngòm, bị lửa thiêu tí tách liên miên.
Ðến chiều thứ sáu, những lò thiêu, những cồn lửa, những lời cầu nguyện dần tắt. Một mặt trời máu phụt đốt bầu trời, rồi bóng đêm tràn ngập mặt đất. Từ phương Ðông một luồng gió ấm dâng lên, nhẹ nhàng lùa tan khói. Vài ngôi sao nhợt nhạt bắt đầu lấp lánh. Ánh trăng lạnh lùng soi sáng cõi vô ngôn.
Chợt có tiếng gà gáy, chó sủa xa xa. Một trẻ thơ mơ khóc. Mặt trời run rẩy, ngượng ngùng, hé mặt vén màn sương. Tiếng máy rù rì đơn điệu nơi chân trời. Đoàn phi cơ hú rách bầu trời, trải sau đuôi những dải tro xám mênh mông. Trận mưa tro tuôn xuống cõi trần. Không mảnh đất nào thoát thân. Không khí đặc sệt. Tro bám vào cây, cành, hoa, trái. Tro len lỏi vào nhà. Tro làm mắt mù, mũi nghẹt. Tro chét bùn đầy cuống họng. Suốt ngày, từ Bắc chí Nam, cả nước quằn quại trong cơn bão lốc màu tro xám, trong tiếng may bay rú. Về chiều, cơn bão lắng đi, rồi đêm lặng lẽ trở lại.
Hôm sau, Tỷ-Phú đến gặp cụ già :
– Ông lão, tôi đã thực hiện điều ông mong muốn. Xin trao lại hài cốt con tôi.
Ông lão dịu dàng nhìn Tỷ-Phú, nhè nhẹ nói :
– Ta cảm ơn người. Hôm nay đồng bào ta mới tìm lại được nấm đất tổ tiên. Nơi an nghỉ của người chết là nơi có người đang xây dựng những nền văn minh. Hãy đón con người về. Nó nằm dưới cái miếu trong vườn của ta.
Tỷ-Phú lao vào trong vườn. Dưới gốc cây đa, có một cái miếu bằng đất nung. Trong miếu, vài thanh nhang đang cháy. Tỷ-Phú sai người làm đào mả. Họ vác xẻng cuốc tiến tới.
Gần ngay đó, một đứa bé, tựa lưng vào một rễ cái của cây đa, lặng lẽ nhìn. Tỷ-Phú bước tới nó, cúi mình đưa cho nó một đôla. Ðứa bé hất tay Tỷ-Phú, nhảy ra xa, chạy nấp sau lưng ông cụ. Nón lá của nó rơi vào huyệt đạo. Tỷ-Phú nhặt chiếc nón lá, bước về phía đứa bé. Ông rùng mình. Sau màn nước mắt, mắt đứa trẻ bừng lửa, xanh biếc căm thù.
Tỷ-Phú nhấm nháp whisky, nhìn cỗ quan tài sang trọng. Hài cốt con ông an nghỉ ở đó. Một lần nữa, ông lại thắng. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của một người cha, ông đã thực hiện nguyện vọng cuối cùng của vợ. Máy bay phản lực của ông đợi ông cả tuần nay. Nhưng ông chưa thể đi được. Ông không thể rời xứ này mà không biết con mình đã chết ra sao. Ông đã sai người phiên dịch điều tra tại làng Nhân ở chân núi Bình.
Người phiên dịch len lỏi như mèo vào văn phòng.
Tỷ-Phú quay chiếc ghế bành lại :
– Thế nào ?
– Tôi đã làm tất cả những gì phải làm. Tốn cả núi của. Người ta đã kể hết.
– Tốt lắm. Anh thuật lại đi.
– Ông nhất định muốn biết mọi chuyện ?
– Ðúng. Tôi muốn biết tất cả.
– Họ đã giết cậu ấy. Cậu đã kịp nhảy dù ra ngoài trước khi máy bay nổ. Cậu bị gãy chân trái. Có lẽ cậu đã bò rất lâu trong rừng. Ông già bắt gặp cậu nằm ngất xỉu trên một bờ suối và tha về nhà. Không ai biết cậu đã sống bao lâu trong nhà ông lão. Một buổi chiều, cậu rời chỗ ẩn, đi ra suối. Một đứa trẻ thấy cậu. Nó báo động cả làng. Người ta tức khắc bắt cậu. Làng ấy đã từng bị dội bom liên miên. Có nhiều người chết, căm thù ngất trời. Dân làng liền thành lập một toà án nhân dân. Họ kết án tử hình cậu và con gái ông lão. Họ bắn cậu tại trận. Cô gái có mang nên được tạm tha. Khi thằng bé ra đời, người ta trao nó cho ông già, và dắt cô đi.
– Cảm ơn anh, anh về đi. Chớ hé một lời nào cho bất cứ ai về chuyện này nhe. Ðó là lệnh của tôi, anh hiểu chứ ?
– Tất nhiên rồi, thưa ông.
Tỷ-Phú nhấm nháp whisky. Ông lặng nhìn cỗ quan tài sang trọng. Hài cốt con ông an nghỉ ở đó. Một nỗi đau dịu dàng tràn ngập lòng ông. Ông ngồi bất động hàng giờ đằng đẵng. Ðột nhiên ông lắc đầu, đứng dậy, kêu người đàn bà phục dịch :
– Em làm ơn giúp anh nhé.
Ông mở quan tài. Họ khiêng xương bỏ vào lò thiêu. Trong khi bộ xương cháy rụi, họ đặt hài cốt người lính vô danh vào trong quan tài.
Ngày hôm sau, Tỷ-Phú lại đến gặp cụ già. Ông ôm trong lòng một hũ tro. Cụ già đang ngồi dưới bóng cây đa. Ðứa bé đứng sau lưng cụ, hai tay gầy còm ôm cổ cụ. Mắt nó xanh, xanh biếc căm thù. Tỷ-Phú thở dài :
– Cụ ơi, xin trả lại cụ nắm tro tàn của con cụ. Ðúng thế, nơi đây mới là ngôi nhà cuối cùng của nó. Xin vĩnh biệt.
– Vĩnh biệt. Chúc người luôn luôn được bình an.
Tỷ-Phú nhìn đứa bé mắt xanh một lần cuối. Ông bước đi, bình thản, vững vàng. Ông cảm thấy bình yên lạ lùng.
Tỷ-Phú mang bộ xương người lính vô danh về Mỹ, an táng nó long trọng bên cạnh mả vợ ông, trong ngôi mộ tổ tiên ông. Ông cưới người đàn bà phục dịch. Họ đã từng hạnh phúc. Họ đã từng có đông con. Trong đám hậu duệ đông đảo của con người ấy, đã từng có nhiều phụ nữ, nhiều đàn ông lừng danh trong văn chương, văn học, được người đời quý trọng, yêu mến. Một trong những người đàn bà ấy đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Liên bang Hoa Kỳ.

Tác giả tự dịch, 2003

[1] Nguyên tác : Un squelette d’un milliard de dollars, Terre des éphémères, Philippe Picquier, Paris, 1994. Bản dịch tiếng Anh, Nina McPherson : The Billion Dollar Skeleton, In Story, USA, Autumn 1994 và The Other Side of Heaven, Curbstone Press, USA, 1995.

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Cái GỐC của sự NHẦM LẪN lớn nhất đe dọa Loài người (GDP và GNH, cái nào thực sự cần hơn ?)



MỘT là, Hạnh phúc sung sướng của nhân dân phụ thuộc chỉ tiêu chính là TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI (Gross Domestic Products, GDP), tức thước đo sự Giầu có và Phát triển của đất nước (điều này là đang được sử dụng phổ biến để đánh giá một nước, không cần giải thích thêm);

HAI là Hạnh phúc sung sướng của nhân dân phụ thuộc TỔNG HẠNH PHÚC QUỐC DÂN (Gross National Happiness, GNH), tức người dân sống Dễ chịu (hygge), Thỏa mãn với cuộc sống của mình. Điều này được xác định là: Sống chân thật, hướng thiện; phát triển bền vững, môi trường sống yên lành, văn hóa tốt đẹp, không trộm cắp, không chiến tranh, không nghiện hút, xì ke ma túy, không đi tranh chấp xâm chiếm các nước khác . . .


Cái GỐC của sự NHẦM LẪN lớn nhất đe dọa Loài người
(GDP và GNH, cái nào thực sự cần hơn ?)

Hiện nay các nước tử tế trên thế giới hầu như đang phân thành hai phe lớn, một phe do Hoa Kỳ đứng đầu, một phe đi theo Trung quốc. Nếu các phe chỉ cạnh tranh đua tài trong hòa bình nhân đạo vì mục tiêu đem lại HÒA BÌNH, HẠNH PHÚC, SUNG SƯỚNG hơn cho nước mình và cho cả Loài người thì là quá tốt. Nhưng xem ra thế giới đang rất lúng túng, hoang mang, đứng trước khả năng xẩy ra Đại chiến thế giới thứ III, đe dọa tiêu diệt Loài người, mà nguyên nhân chính lại là do mâu thuẫn giữa 2 phe lớn này. Vậy là tại sao ? Nhiều người cho rằng, đây chính là một sự NHẦM LẪN LỚN NHẤT của các nước, chứ chắc chắn không phải mục tiêu của các nước lớn là TIÊU DIỆT lẫn nhau, hay tiêu diệt cả Loài Người !
Nếu cố gắng làm rõ SỰ NHẦM LẪN chung đó thì hy vọng có thể xua tan được nguy cơ xẩy ra ĐẠI HỌA nói trên.

Trước hết hãy xác định, có đúng là Liên hiệp quốc bình chọn 10 nước HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI là đã chính xác hay không ? Điều này còn phụ thuộc quan điểm chính kiến người bình chọn. Nhưng chúng ta cần dựa vào tính đại diện chính thức cho tất cả các nước có mặt và có quyền bình đẳng trong Tổ chức Liên hiệp quốc.Vậy là, quan niệm về hạnh phúc sung sướng của 10 nước HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI nói trên là đã được Thế giới chính thức thừa nhận. Song trên thực tế, dường như 2 phe lớn vừa nhắc tới lại không phấn đấu theo cái quan niệm và mục đích chung đã được cả thế giới thừa nhận này.
Nguyên nhân tồn tại một thực tế quá ngược đời đó, chính bởi thế giới vẫn có những cách nhìn khác nhau về HẠNH PHÚC SUNG SƯỚNG. Có thể nêu ra 2 quan điểm CHỦ CHỐT đánh giá HẠNH PHÚC SUNG SƯỚNG của người dân một nước trên thế giới:

MỘT là, Hạnh phúc sung sướng của nhân dân phụ thuộc chỉ tiêu chính là TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI (Gross Domestic Products, GDP), tức thước đo sự Giầu có và Phát triển của đất nước (điều này là đang được sử dụng phổ biến để đánh giá một nước, không cần giải thích thêm);

HAI là Hạnh phúc sung sướng của nhân dân phụ thuộc TỔNG HẠNH PHÚC QUỐC DÂN (Gross National Happiness, GNH), tức người dân sống Dễ chịu (hygge), Thỏa mãn với cuộc sống của mình. Điều này được xác định là: Sống chân thật, hướng thiện; phát triển bền vững, môi trường sống yên lành, văn hóa tốt đẹp, không trộm cắp, không chiến tranh, không nghiện hút, xì ke ma túy, không đi tranh chấp xâm chiếm các nước khác . . .

Nhiều người còn quan niệm rằng, DÂN CHỦ, TỰ DO hay CHUYÊN CHÍNH, ÁP ĐẶT chỉ là giải pháp thực hiện mà thôi. Bởi nếu ÔNG VUA, hay ĐỘC ĐẢNG LÃNH ĐẠO mà tâm huyết hết lòng vì dân, có quan điểm Hạnh phúc, sung sướng theo GNH, rất cương quyết lãnh đạo cả nước thực tâm phấn đấu theo MỤC TIÊU GNH thì kết quả sẽ rất khác với DÂN CHỦ, TỰ DO chỉ nhằm cạnh tranh đẩy mạnh GDP lên gây bao mâu thuẫn, xung đột, thậm chí gây chiến tranh đẫm máu như vẫn đang xẩy ra từ nhiều thế kỷ nay (nhằm đạt GDP cao hơn các nơi khác!). Để chứng minh cái ý vừa nêu, có thể đưa ra 2 ví dụ rất điển hình: Một là nước Bhutan nhỏ bé loại nhất thế giới đã được nằm trong danh sách 10 nước HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI, có chế độ ÔNG VUA lãnh đạo (ông vua đời thứ 4 hiện nay của Bhutan mới 28 tuổi, đã tốt nghiệp tại Đại học Oxford bên Hoa Kỳ), đăng quang tháng 11, 2008, vẫn đang đi theo quan niệm Hạnh phúc sung sướng theo GNH nói trên. Còn trước Đại chiến thế giới thứ II, một nước hùng mạnh của Châu Âu, là nước Đức đi theo chế độ Tư bản (Tự do dân chủ), nhưng nhân dân chưa đủ tầm trí tuệ và thông tin đã – tự do dân chủ - bầu Hít le lên lãnh đạo, với mục đích đẩy GDP của Đức lên nhất thế giới, đã đưa nước Đức và thế giới đến một THẢM HỌA tầy trời là Đại chiến thế giới thứ II như đã thấy. Vậy đây là sự NHẦM LẪN của nhân dân Đức, chứ đâu có phải Nhân dân Đức muốn như vậy! Nhưng nhân dân Bhutan có thông minh hơn nhân dân Đức không ? Không phải, mà là những ông vua của Bhutan có lòng nhân từ bác ái của đạo Phật, đã biết quan sát tránh những sai lầm của thế giới, trong đó ông vua hiện nay của Bhutan đã tốt nghiệp đại học bên Hoa Kỳ (Einstein, nhà khoa học tự nhiên lừng danh toàn cầu cũng đã nói rằng, Loài người rồi sẽ đi theo Đạo Phật) .

Xin mở ngoặc nói thêm: (Đầu năm 1945, khi Việt Nam còn đang đấu tranh chống phát xít Nhật, thì Mỹ đã ủng hộ và giúp đỡ Việt minh. Nếu sau khi Việt nam dành được độc lập, mà Pháp và Mỹ - không quá vì tập trung chủ đích đẩy mạnh GDP nước mình lên – mà ủng hộ Việt minh, chấp nhận lời đề nghị của Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa xin gia nhập Liên hiệp Pháp, và Mỹ chấp nhận vào đầu tư phát triển kinh tế tại Việt nam ngay từ năm 1946 (tức hiểu được và chấp nhận động cơ muốn vì GNH của Hồ Chí Minh), thì Việt nam có thể đã trở thành CON RỒNG thứ 6 trên thế giới rồi, làm gì có 30 năm chiến tranh dã man tàn bạo tại Việt nam sau đó, và chính Thực dân Pháp và Can thiệp Mỹ do NHẦM LẪN, nên đã thua! ) Hiện nay cả 2 phe lớn trên thế giới vẫn ĐẠI NHẦM LẪN, vì vẫn ra sức vận dụng hết cỡ mọi giải pháp mà mình cho là hữu hiệu hơn, tài giỏi hơn, bất kể hậu quả nay ĐÃ LƯỜNG ĐƯỢC của chúng là thế nào, để đạt được CÁI MỤC ĐÍCH CHÍNH là đẩy mạnh GDP của nước mình lên cao hơn nữa!

Vậy chả nhẽ như thế là sẽ BẾ TẮC hay sao ? Không phải. Xin đi vào những sự NHẦM LẪN RÕ HƠN, CỤ THỂ HƠN.

Nước Mỹ hình thành chủ yếu từ 2 loại người chính: 1/ Từ những người HAM MUỐN KHÁM PHÁ những vùng đất MỚI xuất phát từ mọi miền trên thế giới; 2/ Từ những người tài năng, dũng cảm nhưng bị thua thiệt tại các chính quốc văn minh thời trước chủ yếu là của Châu Âu. Chính vì vậy, nước Mỹ chủ yếu là tập hợp của những người tài giỏi, sáng tạo, dũng cảm, không bị vướng đến cái GỐC dân tộc, nhưng lại mang theo được những cái tinh hoa của dòng máu cha ông của họ, và lâu nay, do NHẦM LẪN, chỉ quan tâm đến cái GDP của cuộc sống mà thôi. Cái thứ họ mang theo quan trọng nhất là thể chế Tự do dân chủ đua tài, do đa đảng phái cạnh tranh nhau lên lãnh đạo. Chính vì xuất sứ từ nơi cái tư duy về GDP nó lẫn át hết cái tư duy về GNH, nên chính những người tài giỏi, sáng tạo mới này trên đất Mỹ đã đẩy cái GDP của nước này lên đứng đầu thế giới. Do đó, nước Mỹ đã từng không cần chiến tranh để chiếm đoạt thêm đất đai, tài nguyên, rừng biển, mà chỉ cần HÒA BÌNH và cần các nước MỞ CỬA HỘI NHẬP CHO LÀM ĂN TỰ DO THÔNG THƯƠNG là họ có thể chiến thắng (tức có GDP cao hơn tất cả các nước)! Nhưng chính vì những nước cũng theo đường lối ra sức đẩy mạnh phát triển GDP, nhưng lại bị thua thiệt (do thiếu trí tuệ hơn, kém tài năng sáng tạo hơn, thể chế chính trị sai lầm hơn, thiếu tài nguyên, đất đai, rừng biển. . .) nên đã sinh ra cái tư duy cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí bành trướng, xâm chiếm dã man các nước khác. Đó là nguyên nhân GỐC RẾ nẩy ra chiến tranh mà Hoa Kỳ bị lôi kéo vào. Một khi đã BỊ thì phải CHỐNG TRẢ, đã bị tham tàn độc ác, thì cũng lây bệnh tham tàn độc ác, đã bị đánh lừa thì cũng tự nhiên sinh ra căn bệnh mưu mẹo, đánh lừa . . ., tức là đã bị lây nhiễm cả những cái xấu xa từ những nơi lạc hậu, nên đã tạo ra bao sự NHẦM LẪN. Đây chính là nước Hoa Kỳ hiện nay.

Nước Trung hoa thì NGƯỢC HẲN LẠI: Xuất phát từ rất nhiều nhóm người chuyên tranh giành quyền bính thống trị lẫn nhau trong nước hàng chục thế kỷ trước công nguyên (xem trong Vikipedia). Cái bản chất tranh giành, xâm chiếm, đứng đầu thống lĩnh kiểu Vua chúa đã thành bản tính, đặc thù dân tộc trên cả vùng đất Trung hoa hàng chục thế kỷ nay rồi. Chính từ vùng đất có đặc điểm đó đã nẩy sinh chủ thuyết Khổng tử nổi tiếng (dậy con người phải TRUNG QUÂN, TAM TÒNG TỨ ĐỨC, tức không thể Tự do dân chủ chống lại Vua Chúa và đua tài được) và Mưu lược Tôn tử (dậy người ta cách thức đối sử rất mưu lược, thủ đoạn với nhau, mục tiêu cao nhất là “KHÔNG ĐÁNH MÀ VẪN THẮNG”, còn thắng để làm gì ? Vì GDP hay vì GNH, thì lại là câu chuyện, hay mục đích mà Vua Chúa quyết định). Chính vì chủ nghĩa Phong kiến ở Trung quốc có những lý luận “tài giỏi, thông minh” như vậy nên chủ nghĩa Phong kiến đã tồn tại quá lâu trên đất Trung quốc. Do đó có 2 hậu quả rõ nhất: Một là những đặc điểm dân tộc nói trên nó đã biến thành bản năng của chính con người Trung quốc, kể cả nhiều lãnh đạo (trừ những ai đã bôn ba hải ngoại, như Tôn Trung Sơn, hay Tưởng Giới Thạnh . . .); Hai là Trung quốc đã bị lạc hậu quá xa so với phương Tây. Nay muốn đuổi kịp, chủ yếu trên chính mặt trận tăng GDP, thì Trung quốc đã đành phải vận dụng tối đa sở trường tài giỏi cũ của mình. Tuy nhiên, nói như vậy vẫn chưa đủ, chưa rõ đặc điểm quan trọng nhất của nước Trung hoa: 1/ Chính vì trong thời đại hội nhập hiện nay mà chạy theo trào lưu thi đua Tự do Dân chủ cạnh tranh theo luật pháp quốc tế thì đến bao giờ mới đuổi kịp (về GDP), nên TQ buộc lòng phải nhắm mắt chuyên chính tàn bạo, vi phạm Nhân quyền và Luật pháp quốc tế. 2/ Nhưng tại sao TQ lại dám trắng trợn vi phạm Luật pháp quốc tế ? Bởi Trung quốc là nước rất lớn, trên 1,3 tỷ dân, gần gấp đôi Châu Âu, và Đông Nam Á . . .Nhưng tại sao Trung quốc lại thành một nước lớn như vậy ? Nếu dựa tìm theo các yếu tố lịch sử (trong các trang mạng có cả), thì lúc đầu Trung quốc chỉ nằm trọn vẹn bên trong bức Vạn lý trường thành. Phía Tây là mấy nước vẫn độc lập; đông bắc là vùng Mãn Châu Lý cũng độc lập, phía Nam từ Phúc kiến trở xuống là các nước nhỏ thuộc dòng Bách Việt. Có nghĩa cái TÀI LỚN NHẤT CỦA TQ là "KHÔNG ĐÁNH MÀ VẪN THẮNG”, vẫn thâu tóm thống trị được các nước độc lập chung quanh, và cái chính là muốn GDP sẽ đứng đầu thế giới. Đúng là tài thật đấy! Nếu phía Bắc TQ không có Thành Cát Tư hãn Mông cổ ngăn chặn, phía Đông không mắc biển, phía Tây không mắc núi cao sa mạc, phía Nam không bị Việt nam anh hùng chặn lại . . . thì ngày nay TQ có thể đã to lớn hơn nhiều nữa. Và điều gì chứng minh được rằng, sau khi TQ chiếm lĩnh được toàn bộ Biển Đông, thì TQ khống đánh chiếm các nơi khác nữa ?
Sự ngược nhau giữa Mỹ và TQ còn thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực, ví dụ: Mỹ thì cần ngăn chặn người nước ngoài nhập cư vào nước họ, trong khi tại TQ thì ngược lại, người TQ tìm mọi cách ra đi. Mỹ thì muốn xây thành, đường biên để chặn người xứ Mecico tràn lên, còn Việt Nam mà có điều kiện thì cũng phải xây thành để chặn người TQ tràn xuống! Chỉ đến nay, TQ mới bị thế giới văn minh thế kỷ XXI kết tội là nước BÀNH TRƯỚNG, XÂM LƯỢC.

Vậy hai nước đứng đầu hai Phe và đều lấy GDP làm MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU kiểu như hiện nay thì Thế giới sẽ ra sao đây ?

Để giải quyết có lý, có tình, cần nêu thêm mấy ý nữa:

1. Trước đây, rất nhiều Đại đế cũng đã bành trướng xâm lược rộng khắp Á Âu để trở thành nước to lớn, nhưng vì đã rất thất nhân tâm, nên đều bị nhân dân thế giới chặn lại, nên đã bị tự tan rã hoặc bị các nước xúm vào đánh bại. Nếu khi đó sức mạnh của các Đại đế còn lạc hậu hơn sức mạnh của Trung quốc hiện nay rất nhiều, nhưng sức mạnh của các nước còn lại khi đó cũng rất yếu tương tự, nhưng sức mạnh của chính nghĩa cuối cùng bao giờ cũng lớn hơn. Cho nên hiện nay sức mạnh của phe Dân chủ cũng vượt hơn hẳn sức mạnh của phe Đại đế tại thế kỷ này.
2. Cho rằng mục tiêu hiện nay vẫn là lấy tăng trưởng GDP làm đầu, thì ta vẫn thấy ngay, hiện nay biện pháp thực hiện là RẤT TồI, rất kém HIỆU QUẢ THIẾT THỰC (chỉ lấy ví dụ trước đây Hoa Kỳ chỉ cần dùng 2 quả bom nguyên tử là phát xít Nhật đã đầu hàng, vậy tại sao hiện nay trong kho các nước lớn phấn đấu theo GDP mà cần có đến hàng mấy chục, mấy trăm quả bom hạt nhân và thừa ế vũ khí hiện đại như vậy ? Tại sao các anh dám móc tiền của Dân Mỹ, dân TQ, dân Nga ra mà tiêu hoang phí dư thừa quá đáng như vậy ?
3. Tại sao những anh học sinh cấp 3 và đại học (các nước Dân chủ hiện nay) mà cứ nể mặt, thậm chí e dè “sợ hãi” đối với một anh học sinh giỏi cấp I trước đây (TQ giỏi thời phong kiến) thì cũng là một loại SAI LẦM nữa về tư duy . . .;
4. Cái SAI LẦM LỚN NHẤT hiện nay là các biện pháp Sai lầm của cả 2 phe nên đã tiêu diệt chính cái MỤC TIÊU GDP vẫn có vẻ HỢP LÝ. VẬY CÁI MỤC TIÊU HIỆN NAY CỦA CẢ 2 PHE CÓ LẼ LÀ CÁI GÌ ĐÓ KHÔNG CHỈ là NHẦM LẪN, mà còn CỰC KỲ MỜ ÁM, TộI LỖI ! Nó không chỉ vì NHÂN DÂN (tức vì GDP), mà còn vì danh dự, địa vị cá nhân, vì lòng tham không đáy, vì sự nhầm lẫn, mục tiêu bè phái, vì muốn cả mục tiêu tiêu thụ sản phẩm chiến tranh và vũ khí đạn dược đang rất thừa ế . . .của chính các nhà tư bản chiến tranh đầu sỏ thì phải !
Xin lưu ý: Điều đầu tiên trong mấy chục điều ghi trong Phật học (mà Einstein đã bị thuyết phục) là: “Sở dĩ người ta đau khổ chính vì đeo đuổi mãi những thứ Nhầm lẫn”

Cho nên:
Tăng vô hạn mục tiêu GDP, phát triển thiếu cân nhắc Cách mạng khoa học công nghệ, chính là vô tình đã tàn phá Trái đất, tiêu diệt Loài người (Đúng vậy, ai cũng biết rồi !!!).

Vì vậy, nhân dân toàn thể giới hãy đồng lòng đồng loạt lên tiếng khuyên nhủ, thuyết phục các Vị lãnh đạo cả 2 phe cố tạo ra ĐỘT BIẾN TƯ DUY, hãy đồng tâm nhất loạt quay về với lòng NHÂN ĐẠO, TỪ BI, quay về với mục tiêu văn minh sáng suốt GNH mà Liên hiệp quốc đã nhất trí nêu ra.Cố gắng không cần để sau Đại chiến thứ III mới có được ĐỘT BIẾN TƯ DUY như năm 1945. Kính đề nghị Liên hiệp quốc và Hội đồng bảo an mở rộng chủ trì tiến hành ngay dợt ĐỘT BIẾN TƯ DUY MỚI này:

GNH thực sự cần hơn GDP, hãy dùng “vũ khí phần mềm”này để tiêu diệt kẻ thù NHẦM LẪN, ngu dốt và tham lam, điên dại cho mục đích cứu Loài người.

Hà nội, ngày 22,5,2017
Tư duy Tập thể
(Trích từ trang mạng TIẾN CÙNG NHÂN LOẠI
- vuduyphu.com đưa trên Google)

___________________
Vào 07:07 1 tháng 6, 2017, Can Bui đã viết:
Kinh chuyen tiep tay.

---------- Forwarded message ----------
From: Nhon My nhonmy@yahoo.com [DiendanDanToc]
Date: 2017-05-31 17:23 GMT-05:00
Subject: [DiendanDanToc] Lời Khóc Gọi Khẩn Cấp của Tập Hợp Quốc Dân Việt

K/c. Để phổ biến

Khóc xin Toàn Thể Quốc Dân Việt CẦU NGUYỆN & TỔNG BIỂU TÌNH ÔN HÒA đồng loạt toàn quốc mọi ngày suốt năm 2017

Lm Nguyễn Văn Lý hiệp nhất nối kết & khóc gọi tại Việt Nam, ngày 22 tháng 5 năm 2017

CHIẾC BÈ





A Lan Nhã

Một người đang đi trên con đường xa dài, đến một vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi. Vùng nước dài rộng, nhưng không có thuyền để vượt qua, và cũng không có cầu bắc từ bờ này qua bờ bên kia.

Anh ta suy nghĩ: “Đây là vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Nay ta hãy thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá, cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn”.

Nghĩ rồi, rồi anh ta bèn thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá cột lại thành chiếc bè, và nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, anh ta suy nghĩ: “Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn”.

Và, tri ân chiếc bè như thế, không ngần ngại, anh ta đội chiếc bè trên đầu và tiếp tục cuộc hành trình của mình, mặc người đời xì xào, bàn tán!

(Kinh Trung bộ, tập I, kinh Ví dụ con rắn - Alagaddùpama sutta. HT.Thích Minh Châu Việt dịch)

Bàn thêm:

Tri ân là điều đáng quý, nhưng tri ân theo kiểu anh chàng trong câu chuyện kể trên thì thật ngốc. Bởi, sở dụng của chiếc bè là đưa người qua sông, qua vùng nước để đến bờ bên kia - đáo bỉ ngạn.

Bờ bên này là chỉ cho thân kiến, sự chấp chặt vào bản ngã, tham đắm các dục - các dục vui ít, khổ nhiều, đầy chướng ngại, hiểm nguy và kinh hãi. Bờ bên kia là Niết bàn, tịch tịnh an vui, đoạn trừ tham ái chấp thủ. Chiếc bè là pháp tu, là Bát chánh đạo.

Người tu tập rõ biết vô minh, tham ái, chấp thủ chính là đầu mối của khổ, là nguyên nhân của sinh tử luân hồi. Cần phải chân chính nhận rõ cái “tôi”, cái “của tôi” và “tự ngã của tôi”, diệt trừ tham ái, chấp thủ. Các pháp tu chính là phương tiện giúp chúng ta có được cái nhìn chân chính ấy. Nhưng khi chúng ta đạt được mục đích cũng chính là lúc chúng ta từ bỏ phương tiện, vì còn nắm giữ (dù là pháp hay phi pháp), cũng đều là trạng thái chấp thủ, bất an và kinh hãi như Đức Phật đã dạy.

Trong nhà thiền phân biệt hai cách tu: một là dùng pháp, và hai là pháp dùng.

Dùng pháp tức là nương vào các phương pháp tu tập (phương tiện) để tu trì, như tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, ăn chay, giữ giới v.v… để đoạn trừ tham ái, chấp thủ, vô minh, thấu rõ được các pháp vốn là giả hợp, tự tại trước vô thường, trút sạch được cái “tôi”, đạt đến cứu cánh niết bàn. Cái tôi và cái của tôi được trút sạch, không còn bám giữ, tức “xả pháp”, thì cũng đâu còn bám vào phương tiện.

Còn pháp dùng, tức cũng giống kẻ ngu đội chiếc bè trên đầu kia, bị phương tiện trói buộc, không thể đạt đến cứu cánh. Bởi tự thân các phương pháp tu tập không phải là mục đích, nó là “ngón tay chỉ trăng” chứ không phải “mặt trăng”. Người tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền… mà còn nghĩ mình làm thế để được làm Phật là người bị pháp dùng chứ không phải dùng pháp. Người dùng pháp phải hiểu rõ rằng đó chỉ là những phương tiện để chúng ta thấy rõ được bản tâm của mình. Một khi còn bị cái “tôi” sai sử trói buộc, tức chúng ta còn đầy dẫy những sự mê lầm, không thể có được cái nhìn chân chính.

Chúng tôi xin mở ngoặc để đưa ra một ví dụ dễ hiểu. Như ở đời, người ta dùng tiền làm phương tiện trao đổi. Nỗ lực "chánh mạng" làm ra tiền để phục vụ cho đời sống là dùng tiền. Còn khi vì bất chấp thủ đoạn, lường gạt, chèn ép để đạt được tiền bằng mọi cách, hay vì tiền mà làm bất kỳ điều gì là bị tiền dùng, bị sai sử bởi đồng tiền. Người như thế thật đáng thương!

Chúng ta vẫn thuờng nghe: Được cá thì quên nơm, được ý thì quên lời, nên phải nương nơi lời mà đạt ý. Đạt ý mà vẫn còn chấp lời thì chưa thể gọi là liễu ngộ. Đức Phật vì muốn diễn bày thật nghĩa nên phải dùng vô số phương tiện; chúng ta phải nương theo phương tiện để ngộ lẽ chân thật chứ không phải khư khư ôm lấy phương tiện và mắc kẹt vào đó. Những người chỉ biết đem phương tiện (pháp) ra để hý luận, tranh cãi mà không biết nương vào đó để tu tập thì không những không đạt được chút ích lợi nào, mà ngược lại còn bị vướng vào muộn phiền, khổ não.

Do đó, Phật dạy: Pháp còn phải bỏ huống hồ phi pháp!

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Lục lộ ngâm khúc






Thuở lục lộ nổi cơn gió bụi
Khách đi đường lắm nỗi truân chuyên
“Thăng” kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai quy hoạch cho nên nỗi này?


Phố Sài Thành người dày như kiến
Đường Sài Thành xe bện như sông
Sáng ra phải đến cửa công
Nửa đêm xuất phát vẫn không kịp giờ!


Xe cứ nổ vật vờ chẳng tiến
Còi cứ kêu mà kiến chẳng bò
Mặc cho pô-lít hét hò
Đường ta ta cứ vừa dò vừa “din”.


Lý Thái Tổ một nghìn năm trước
Có chiêm bao chẳng được thế này:
Triệu người mặt đỏ hây hây
Bước đi một bước giây giây lại dừng.



Lòng thiếp tựa bừng bừng lửa đốt
Dạ chàng như xát bột ớt cay
Hết giờ, tan lớp rồi đây
Con thơ ngóng mẹ, bạn bầy ngóng… bia.


Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy lao xao những nước cùng xe
Thương hai con mắt cay xè
Bia chàng, con thiếp ai về trước ai?


Chàng tuổi trẻ vốn dòng Đoàn đội
Xếp trống kèn theo hội “lăng xăng”
Số chàng không giáng thì thăng
Qua kỳ Đại nghị mà thành Thượng thư.


Chí làm trai sá gì xe ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
Thượng phương bảo kiếm đã trao
Nhậm chức chàng “nổ” ào ào gió thu.


Bằng tiến sỹ gió ù ù thổi
Mặt thượng thư trăng rõi rõi soi
Thượng thư – Tiến sỹ mấy người
Nào ai đáng mặt, nào ai đáng tầm?


Ngòi dưới cầu tàu “ngâm” mấy chiếc
Người trên đường ngày chết mấy trăm
Tức thì “chém gió” phăm phăm:
“Chặn ngay tai nạn, sang năm giảm liền!”


Lại thương nỗi phố phường xe kẹt
Chàng nêu gương xe buýt mà đi
Công văn chàng ký tức thì
Công chức lục lộ định kỳ phải theo!


Dù thiên hạ mè nheo, đả kích
Cấm mô tô bình bịch từ đây
Một lần gươm báu ra tay
“Nhất nhung đại định” việc này phải xuôi!


Chàng đã quyết , lòng người chưa quyết
Xe cấm đi, nhưng việc phải đi
Ai hay giữa chốn kinh kỳ
Đón con, chợ búa xe gì, hỡi ai?


Chàng từ đi vào nơi Đà Nẵng
Xuống phi trường là xắn quần lên
Tướng quân tả hữu hai bên
Tiền hô hậu ủng tiến lên công trường.


Hỏi Ban trưởng tên Cương họ Đặng
Phi trường xây mấy tháng nữa xong?
“Dạ thưa, đang rối bòng bong
Cuối năm chưa thể hoàn công, khánh thành”


Tức thì trận lôi đình bỗng nổ
Rút mô bai chàng xổ một bài
“Hai sim hai sóng on lai”
Lệnh ngay xếp Tổng tìm ngài thay Cương.


Thương thay nỗi đoạn trường họ Đặng
Tưởng ngọt ngào mà đắng oan gia.
Bóng cờ tiếng trống dần xa
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.



Chàng từ buổi giữa dòng trảm lính
Tiếng thơm bay bá tính đều ca
Mặt chàng đỏ tựa ráng pha
Giọng chàng xủng xoảng như là thép gang.


Tiếng tụng ca ùng oàng như pháo
Báo giấy in rồi báo “on lai”
Đồng thanh chỉ có một bài:
Thượng thư Đệ nhất là ngài Thăng Thiên!


Có ngờ đâu thế sự đảo điên
chuyên xưa cũ nhãn tiền lộ ra
sáu ba ngàn tỷ thôi mà
cớ sao lại phải tán gia bại quyền!


Nhận kỷ luật đảng thật là phiền
lòng nơm nớp đợi phiên hầu tòa
" Nhóm lợi ích" mà không lo
thì ngài có thể nhập kho sọc rằn


(ST)

THẾ NÀO LÀ THÔNG MINH





Người thông minh, trí tuệ không phải là người điều gì cũng biết, điều gì cũng muốn phô trương, thế hiện. Mà người thông minh là người biết sử dụng khả năng của mình đúng lúc, đúng chỗ và với đúng người.

Có câu chuyện kể rằng:

Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.

Đầu tiên, tiều phu ra câu đố: “Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”. Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.

“Tôi cũng không biết!”, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm: “Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi”. Học giả vô cùng sửng sốt, không nói được lời nào.

Khôn ngoan và trí tuệ không phải bạn học cao hay thấp, càng không do bạn có ít hay nhiều kiến thức, nó thực sự ở thái độ của bạn đối với tri thức như thế nào. Chúng ta đều biết rằng, khoa học hiện nay là sự tiến bộ dần dần, con người không ngừng nhân thức lại mới, tìm kiếm những tri thức mới. Chỉ khi có những điều mới mẻ được tạo thành thì xã hội mới phát triển được. Nhưng cũng có những người, cho rằng mình đã “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” mà không chịu tiếp nhận, họ cứ muốn ôm giữ mãi những thứ cũ rích mà họ có được rồi tự ảo tưởng rằng mình trí tuệ hơn người.

Chẳng phải khi Darwin đưa ra thuyết tiến hóa, rằng tổ tiên của con người là loài vượn cổ, đã có rất nhiều người phản đối và lăng mạ ông, con người thời bấy giờ đều cho rằng điều đó là vô lý và không thể chấp nhận nổi. Nhưng ngày nay thì sao, thuyết tiến hóa đã nghiễm nhiên trở thành chân lý của nhân loại. Rất có thể, sau một thời gian, nó lại không còn đúng nữa, và con người lại đón nhận một “tổ tiên mới”. Ai có thể chắc chắn được điều gì chứ?

Hay như câu chuyện về Galileo với câu nói bất hủ “Dù sao thì Trái Đất vẫn quay” thì sao? Chẳng phải nó cũng “đi ngược” chân lý mà con người tôn sùng từ rất lâu rồi hay sao?

Những điều bạn cho là đúng ngày hôm nay, rất có thể ngày mai lại không còn đúng nữa. Vậy nên con người cần có một tâm thái rộng mở để đón nhận những cái mới và khiêm tốn học hỏi, đó mới là người trí tuệ.

Như vị học giả kia, tự cho rằng mình có khả năng, thông tường tri thức, mà xem thường người tiều phu, không ngờ lại tự làm trò cười.

Có câu “kiến thức của con người chỉ là một giọt nước trong biển cả mênh mông”, thế nhưng có nhiều người không hiểu được điều đó, thường hay cho rằng mình có khả năng và trí tuệ hơn người mà thích thể hiện và phô diễn.

Người xưa đã dậy rằng: “Sông càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết càng khiêm nhường”

Nước sâu chảy không nghe một tiếng động, nước nông, nước cạn sẽ chảy thành tiếng róc rách. Người nông cạn, khoa trương sẽ giống như nước cạn, chỉ nghe thấy ồn ào mà không có nội hàm bên trong. Còn người cao minh, khiêm nhường sẽ giống như một nguồn nước sâu, lặng lẽ mà uyên bác. Vậy bạn muốn mình là nguồn nước sâu hay là một dòng nước cạn?

nguổn : Đại Kỷ Nguyên