Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Bộ xương người trị giá một tỷ đôla





Phan Huy Đường
Nguyên tác : Un squelette d'un milliard de dollars [1]

199x, Tổng thống Liên bang Hoa-kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Richard Steel, người giàu nhất nước Mỹ, kể như giàu nhất thế giới, Nhà Tỷ-Phú, nhảy lên máy bay phản lực riêng, phóng qua thành phố Hồ Chí Minh, cầm đầu một bộ tham mưu đồ sộ, chí ít cũng hơn trăm mạng. Ông đã dành cho mình mọi phương tiện để thành công. Những người có ít nhiều khả năng phục vụ hữu hiệu mục tiêu của ông đều có mặt. Một mục tiêu không tưởng, chẳng khác chuyện vác đá vá trời : tìm bằng được John, con ông, đã mất tích từ năm 1972 trong một trận dội bom vĩ tuyến 17. John là con trai duy nhất của ông. Ông sẽ tìm nó. Ông sẽ mang hài cốt nó về Mỹ, như ông đã hứa với vợ khi bà lâm chung. Ðứa nhỏ sẽ an nghỉ bên cạnh mẹ trong lăng mộ của gia tộc Steel. Tỷ-Phú đã quyết tâm, không có gì ngăn cản được. Suốt đời, ông chưa hề cho phép bất cứ ai, bất cứ điều gì bó tay ông. Ông là kẻ hiếu thắng. Ông luôn luôn thắng.
Cả bộ tham mưu nín thinh. Như bị ý chí quyết liệt của Tỷ-Phú thôi miên, mọi người đã làm việc cật lực. Nhưng chẳng ai tin chiến dịch này sẽ thành công. Tỷ-Phú hớp cạn ly whisky :
– Mọi chuyện cho ngày mai đã sẵn sàng chưa, đại tá Wood ?
Ðại tá chỉ huy bộ tổng tham mưu. Xưa kia, ông làm việc cho bộ quốc phòng, chuyên trách vấn đề tù binh và lính Mỹ biệt tích trong chiến tranh, lãnh đạo phái đoàn Mỹ trong tất cả những cuộc điều đình với chính phủ Việt Nam. Ông đã phân tích tỉ mỉ, từng cái một, bốn ngàn hồ sơ mà tụi Việt đã trao cho Mỹ trước khi Mỹ bãi bỏ cấm vận. Không hề có một dấu vết về John Steel. Tỷ-Phú đã thuê ông để điều khiển toàn bộ chiến dịch.
Ðại tá càu nhàu :
– Mọi sự đã xong, kho, nhà cửa, dụng cụ, hệ truyền thông. Tổng hành dinh đã sẵn sàng hoạt động từ một tuần nay. Ông có thể liên lạc trực tiếp với cả thế giới qua vệ tinh. Ông có thể theo sát mọi công việc tại trận. Bộ chỉ huy nằm trong một cánh của biệt thự. Quyển Thánh Kinh của bà đặt trên bàn thờ nhà nguyện, cạnh phòng ngủ của ông. Hôm qua, tôi đã kiểm soát lại mọi chuyện. Tất cả vẫn đâu vào đấy.
– Thế còn chiến dịch quảng cáo ?
– Sáng mai, đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí quốc gia và địa phương sẽ có mặt tại cuộc họp báo của ông. Khoảng gần nghìn người. Chúng ta đã mua một trăm ngày quảng cáo trên trang đầu của tất cả các báo, mua quyền phát tin hàng giờ trên đài phát thanh, gửi thông điệp trên tivi mỗi tối, đúng giờ cao điểm. Chúng ta đã thuê tất cả những bảng quảng cáo trên đất nước này và dựng thêm khắp nơi. Không một ai có thể không biết tới lời cầu mua của chúng ta. Sáng mai, bắt đầu. Ông chỉ còn một chuyện phải làm, chọn người đàn bà phục vụ.
Ðại tá đưa cho Tỷ-Phú một quyển an-bum :
– Ðã mua hết. Không ngại sida hay bệnh tật. Bác sĩ của ông đã khám xét tất cả. Họ đều còn trinh và lành mạnh. Người ông chọn sẽ được đưa tới biệt thự ngay tối nay. Cô ta sẽ không được ra khỏi nhà với bất cứ lý do nào. Biệt thự này được canh gác rất nghiêm ngặt.
Tỷ-Phú lướt mắt nhìn quyển an-bum. Quả nhiên, các cô gái đều trẻ đẹp. Ông không quan tâm lắm. Ông không ham mê nữ sắc, chỉ theo lệnh của bác sĩ, làm tình mỗi ngày để bảo đảm sự cân bằng thể lực và tâm lý, thế thôi. Tỷ-Phú liếc qua những lý lịch, ngừng lại trước cô gái đầu tiên biết nói tiếng Anh lưu loát.
Ðại tá ho.
– Ngừng lại lúc này vẫn còn kịp. Tôi không tin ý của ông. Tôi quản lý hồ sơ này hơn hai mươi năm rồi. Kế hoạch của ông thật là điên khùng… Khả năng thành công họa may là một phần triệu.
– Ờ, tôi mua khả năng ấy. Tôi đã trích ra một tỷ đôla để mua nó. Tổng sản lượng quốc dân của nước này là 150$ một đầu người. Chúng ta dư tiền mua cái một phần triệu ấy. Tôi cho anh 100 ngày để tìm ra nó. Chúng ta sẽ thành công. Hãy dẹp đầu óc quan liêu đi, những đống hồ sơ, những toan tính chính trị, những chiến lược chiến thuật thật khôi hài tội nghiệp. Tôi không điều tra, tôi không điều đình, tôi hành động. Tôi mua. Lầu Năm Góc của các anh đã thất bại, nhưng tôi sẽ thành công.
Sáng hôm sau, toàn bộ báo chí quốc gia và địa phương tụ lại trong phòng họp báo của Tỷ-Phú. Tỷ-Phú chẳng phải loại người nói suông, chịu mất thời giờ. Ông vào thẳng cốt lõi vấn đề :
– Tôi đã dành một ngân sách một tỷ đôla để tìm con tôi, John Steel, phi công trong Không lực Hoa Kỳ, biệt tích trong trận đánh ngày 24 tháng 12 năm 1972 trên vĩ tuyết 17. Người nào giúp được tôi tìm lại nó hay hài cốt của nó, tôi cho người ấy làm triệu phú suốt đời. Tôi sẽ trọng thưởng mọi nguồn tin chính đáng. Ngoài ra, tôi mua 150$ tiền mặt tất cả những bộ xương hoang. Tôi nhấn mạnh, tất cả, bất kể là xương đàn ông, đàn bà hay trẻ con. Cứ tìm chúng, cứ mang tới cho tôi, tôi sẽ thanh toán sòng phẳng. Văn phòng chúng tôi sẽ mở cửa 24 giờ trên 24, đúng 100 ngày. Mọi người tới đó sẽ được đón tiếp tử tế.
Và ông rời phòng họp.
Tin loan đi như lửa bốc. Mỗi sáng, báo chí đều đăng trên trang đầu chân dung của John Steel, kích thước, những nét đặc thù của chàng, địa chỉ, số điện thoại, số fax của Trung Tâm Tìm Kiếm, một bản đồ dẫn đường, những trạm xe ca trong các tỉnh lân cận, giờ xe lửa khởi hành, máy bay cất cánh… giá chẵn 150$ cho nguyên bộ xương, bảng giá lẻ cho từng khúc. Mỗi giờ, đài phát thanh lại loan bố tin cầu mua. Mỗi tối, đài truyền hình lại nhắc nhở. Nội một đêm, áp-phích phủ cả Hà Nội, Sàigòn, các tỉnh lẻ và ngay cả những làng mạc hẻo lánh. Một cái đầu lâu… 150$… một lời thầu… vang vọng triệu triệu lần trong cả nước. Người người tranh luận say sưa, từ Bộ chính trị tới dân khố rách áo ôm trong những chòi nghèo nàn, kinh tởm nhất. Có người ủng hộ, có người chống. Chẳng ai nghĩ tới chuyện cấm đoán. Phải công nhận, đó là chuyện nhân đạo. Người Việt vốn biết thờ tổ tiên, tưởng niệm người chết, không thể ngăn cản việc này. Với lại, quan trọng hơn cả, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam gặp dịp may lớn thế. Một tỷ đôla đổi lấy một bộ xương ! Mà ai ai cũng có quyền thử lòng số phận, kẻ quyền lực cũng như dân đen. Chưa bao giờ người ta được hưởng công lý và dân chủ đến thế.
Hôm đầu, không ai đến Trung Tâm.
Hôm thứ hai, lúc đêm xuống, một gã khả nghi, tóc tai bù xù, mặt nấp sau bộ râu rậm rạp, lẻn vào phòng tiếp khách, một túi vải bẩn trên vai. Trong đó, có một bộ xương khá lớn. Hắn dốc túi vải, lĩnh 150$ thủ túi, và biến.
Tỷ-Phú ra lịnh xét nghiệm ngay bộ xương. Trong phòng thí nghiệm được đặc biệt xây cất cho việc ấy, Giáo sư Smith và đồng nghiệp có đầy đủ những dữ liệu, máy móc để xác nhận từng đốt xương của John. Ở đây, có tất cả những hình ảnh, những rađiô-X của John từ thuở sơ sinh tới ngày biệt tích. Hình dáng, kích thước của từng cái xương đã được chụp ảnh, đo đếm, tính toán, và lưu trữ trong một căn cứ dữ liệu dưới dạng hình và dạng số. Một ống kính chụp ảnh bộ xương, rồi chuyển cho một định trình thông minh nhân tạo - chạy trên một máy tính vận động theo cấu trúc của mạng óc - xác định có khúc xương nào là của John Steel hay không.
Giáo sư :
– Không phải nó. Bộ xương này kể cũng lạ. Với hình dáng ấy, nó có thể là một người Mỹ cũng như một người Việt Nam. Theo máy tính là nửa này nửa nọ. Có lẽ là một thằng lai. Mình làm gì với nó bây giờ ?
– Cứ để nó qua một bên. Ðó là thằng đầu. Một thằng lính vô danh chân chính. Kiếm được John rồi, tôi sẽ tặng cho nó một ngôi mộ tại Hoa Thịnh Ðốn xứng đáng với bi kịch của nó.
Ngày thứ ba, một đám người rách rưới đến trước quầy. Họ đều được tiếp đón tử tế, trả tiền đàng hoàng đúng theo bảng giá đã công bố : 150$ cho một bộ xương nguyên vẹn, 10$ cho một cái sọ, 5$ cho xương chày… 10 xu cho những đốt xương nhỏ.
Hệ thống phân loại do Ðại tá thiết kế bắt đầu hoạt động, đổ xương đàn bà, trẻ con vào những kho riêng biệt. Xương đàn ông được nhập kho ngay cạnh sở chỉ huy, nối liền với phòng thí nghiệm bằng những toa xe tự động chạy trên đường rầy. Những con RôBô thông minh phân chia xương xẩu theo 214 loại xương người : xương sọ, xương sống, xương đòn, xương vai, xương cẳng tay… Rồi sàng lọc sơ bộ, xương Việt Nam đưa vào kho đồ phế thải, xương Mỹ đưa qua máy điện tử để xem xét một lần cuối.
Như trong các nước nghèo, thuật rỉ tai truyền miệng hữu hiệu kỳ diệu. Chưa hết một tuần mà thiên hạ đều biết rằng Tỷ-Phú là người trọng tín, tiền trao cháo múc. Một biển người liền bu quanh Trung Tâm, người này mang tới một cái sọ, người nọ mang theo xương chày, xương sườn, xương bánh chè, xương trụ, xương đùi, một đốt xương tay… Chỉ việc tới quầy, trao xương dưới một máy ảnh, là có liền đôla thủ túi… Chỉ có xương chó, xương mèo, xương khỉ… mới bị trả lại.
Từ khắp nơi những dòng người dài đằng đẵng đổ về Trung Tâm. Chưa bao giờ người ta cuốc đất, đào non, bới rừng đến thế… Thỉnh thoảng, có đàn bà, trẻ con bị trúng mìn và bom nổ tung. Tỷ-Phú bồi thường gia đình hậu hĩ, mua xương họ gấp đôi giá thường. Bới cả ký ức loài người cũng chưa bao giờ thấy được một mật độ xương người đặc như thế trên từng thước vuông đất. Có đủ thứ xương, đàn ông đàn bà con nít phụ lão trẻ sơ sinh Việt Lào Khmer Thái-Lan Cao-Ly Úc Tân-Tây-Lan Pháp trắng đen vàng đỏ nâu, vượn cổ Úc châu… và vài khúc xương Mỹ. Tỷ-Phú gửi xương người Tây Âu cho chính phủ nước họ, xương thiên cổ vào viện bảo tàng. Xương còn lại chất vào kho, đàn ông với đàn ông, đàn bà với đàn bà, phụ lão với phụ lão, trẻ sơ sinh với trẻ sơ sinh. Có xương rõ ràng còn mới, cạo rửa chưa sạch, còn dính sợi gân, mẩu thịt. Chẳng sao. Tỷ-Phú không muốn làm bất cứ ai nản lòng, cứ trả tiền, không cãi cọ nửa lời.
Một tháng sau, kho đã chật ních. Ðại tá :
– Làm sao bây giờ ? Ta chất chúng trong kho dành cho người Mỹ ?
– Không được. Anh hãy mua những thửa ruộng quanh đây mà chất. Chúng ta làm đến đâu rồi ?
– Hơn bốn trăm nghìn bộ.
– Tuyệt. Vượt kế hoạch rồi đấy. Khả năng thành công của anh sẽ vượt tỷ lệ một phần triệu. Nếu khả năng ấy có thực, chúng ta sẽ chụp được nó.
Những thửa ruộng tức khắc biến thành kho lộ thiên. Phương Bắc, đàn ông. Phương Nam, đàn bà. Phương Ðông, con nít. Phương Tây, trẻ sơ sinh. Lúc đầu, chỉ là những ngọn đồi khiêm tốn.
Ngày qua ngày, xương cốt rải rác trên đất Việt tuôn về Trung Tâm. Chẳng bao lâu, những ngọn đồi biến thành núi, thấy rõ từ xa hàng cây số. Hệ thống đường rầy chi chít nhanh chóng lan rộng. Bốn còn đường nhựa trắng láng từ Trung Tâm phóng tới chân trời. Bây giờ, đi vào Trung Tâm như đi miền núi, phải băng qua một hốc sâu giữa hai bức trường thành xương cốt.
Một phóng viên đăng trên tờ New York Times bức hình công trường đồ sộ này dưới tựa : “Vì tình phụ tử, công trình ngông cuồng nhất của nhân loại”. Vài ông triết gia già nua của Châu Âu già cỗi cất lời phản đối. Họ chẳng hiểu biết gì cả về kinh tế thị trường. Ðược đào tạo kỹ hơn, vài cậu triết gia trẻ cũng thuộc thế giới ấy đã khéo bình tới bình lui đúng theo chuẩn media. Vài nghệ sĩ Việt đã thất thanh tố cáo xì-căng-đan. Một dân biểu quốc hội cả gan đề nghị thành lập ban điều tra. Chính phủ Việt Nam hoảng hốt tuyên bố quanh co về Nhân Quyền, nghĩa vụ nhân bản. Nó chẳng thể không phản ứng, cũng chẳng thể làm hơn. Nhờ tỷ đôla nọ, cả tỉnh đã hết thất nghiệp. Cả nước cũng bớt đói.
Ðã tới hai phần ba kế hoạch. Ðã bắt đầu thiếu đất để chất xương. Trên mấy hếch-ta còn lại, Tỷ-Phú sai cất lò hoả thiêu. Ông điều khiển sát mọi công việc. Ngày nào ông cũng tham dự những đợt sàng lọc. Ông ít ăn, mỗi đêm chỉ ngủ non bốn tiếng. Ông làm việc không ngừng từ mờ sáng tới đêm. Sau mười giờ tối, ông mới nhường quyền cho Ðại tá, trở về nhà. Ông tắm ào, ngốn một khúc bánh mì thịt, tu nửa chai whisky, làm tình với người đàn bà phục dịch, rồi rút vào nhà nguyện, cầu Chúa, và tưởng niệm, giao cảm với vợ. Mỗi đêm, ông lại nhớ con. Một chàng trai trẻ thế, to lớn thế, đẹp thế, thông minh thế. Với cặp mắt xanh thế. Một cuộc đời đầy tương lai, đầy hứa hẹn như thế. Chỉ mới hôm qua, chưa đầy hai mươi năm. Từ ấy, đêm nào ông cũng đặt tay trên Thánh Kinh, thề tìm lại nó. Mỗi sáng, mới 4 giờ, ông đã có mặt ở phòng chỉ huy.
Ngày thứ tám mươi, thủy triều xương cốt bắt đầu suy giảm. Tới ngày thứ chín mươi, nó cạn trông thấy. Những xương cũ càng lúc càng hiếm. Tỷ-Phú càng chăm chú quan sát hơn. Không mệt mỏi, ông khuyến khích, cổ vũ, động viên người làm :
– Nếu quả thực khả năng thành công là một phần triệu thì chính là ở lúc này.
Ngày tiền định lần tới. Những kẻ bán xương càng lúc càng thưa. Mỗi ngày nhiều lắm còn được dăm chục. Họ mang đến những bộ xương mới toanh hay đã có ít nhất cả trăm năm. Ngày áp chót, chỉ còn một lão ăn mày mang tới quầy một ngón chân mới lóc sơ chút thịt. Nhân viên cho hắn mười xu cuối cùng còn lại trên số tiền một tỷ đôla.
Ðó là ngày thứ một trăm. Suốt ngày, không có ai tới. Ngồi trong ghế bành, Tỷ-Phú nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường. Mũi kim lặng lẽ quay. Ráng chiều thiêu đốt văn phòng. Những tủ gỗ hồng rực ánh lửa. Ðồng hồ báo hiệu ngày tàn. Tỷ-Phú thở dài, đẩy lui ly whisky, đứng dậy.
Ba tiếng gõ nhẹ vang lên trên cánh cửa. Người phiên dịch len vào văn phòng, bước nhẹ như bông :
– Có một ông lão xin gặp ông chủ.
– Cho ống ấy vài đôla và vứt xương của ông ấy vào một đống. Chiến dịch đã kết thúc rồi.
– Ông ấy không có xương để bán. Ông chỉ muốn trao lại cho ông chủ cái này.
Người phiên dịch xòe bàn tay đưa ra một gói nhung đen. Tỷ-Phú nhặt lấy nó, chán nản. Ông hững hờ mở xem. Ông thấy một thánh giá bằng bạch kim, có một trái tim ngọc đỏ khảm ở giữa. Tỷ-Phú rùng mình. Con trai ông đã chết. Nó chẳng thể nào chịu rời chiếc thánh giá này. Mẹ nó đã đặt mua cho lễ rửa tội của nó tại hiệu kim hoàn lớn nhất Paris. Tỷ-Phú ngả mình xuống ghế bành, khẽ nói :
– Ðưa người ấy vào.
Ðó là một cụ già mảnh khảnh, mày tóc bạc phơ, chòm râu nhọn trắng phau, khẳng khiu trong bộ đồ nhà quê màu đất đỏ Cao Nguyên, rộng thùng thình. Cụ chống gậy tre dịu dàng bước tới, dừng chân trước bàn giấy. Tỷ-Phú dang tay mời ngồi. Cụ lắc đầu.
– Ông tìm thấy thánh giá này ở đâu ?
– Nó là của tôi.
– Ông biết con trai tôi ở đâu không ?
– Biết.
– Hãy chỉ cho tôi. Tôi sẽ đổ vàng ngập nhà ông suốt ba đời.
Ông cụ lắc đầu. Tỷ-Phú :
– Vậy thì ông muốn gì, xin cho tôi biết.
– Người hãy đốt những núi xương kia. Hãy trải tro tàn trên đất Việt, từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau. Làm xong, hãy tới nhà ta, ở làng Nhân, chân núi Bình. Ta sẽ trả lại hài cốt đứa con trai cho người.
– Nội bảy ngày nữa, tôi sẽ tới.
Cụ già không trả lời, quay đầu, chậm chạp bước ra khỏi phòng. Chiếc gậy tre của cụ vang trên sàn gỗ, khô khan, đều đặn, như báo hiệu bức màn sân khấu sắp mở.
Tỷ-Phú liền triệu tập bộ tham mưu của mình. Ông hạ lệnh đốt hết xương trong nội sáu ngày. Ðại tá tái mặt :
– Làm sao nổi ! Những lò thiêu đã chạy hết ga. Dân chúng đang than phiền mùi hôi và khói. Chúng tôi phải chật vật hết sức mới vỗ yên được phần nào chính quyền.
– Câm đi ! Cái gì mà làm không nổi ? Chúa đã tạo được cả thế giới này trong bảy ngày. Tại sao chúng ta lại không đốt được đống xương kia trong thời gian ấy ? Hãy tăng các đơn vị lên bốn lần, nhân lương bổng lên gấp hai, và tổ chức ngay sản xuất liên tục. Nếu thiếu lò thiêu thì mua gỗ, than, dầu lửa mà đốt. Cần bao nhiêu ngọn lửa nhóm bấy nhiêu. Tôi muốn, bảy ngày nữa, máy bay cất cánh, trải đống tro khốn nạn kia từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mâu. Tuân lệnh !
Bới cả ký ức loài người cũng chưa bao giờ thấy được lửa và khói nhiều đến thế trên một mảnh đất. Một hỏa ngục, lúc nhúc đàn ông, đàn bà, trẻ con nhọ nhem đen ngòm. Người nối người thành xiềng, thành xích, đan chéo nhau, siết chặt những lò thiêu, những cồn lửa trong một cái lưới mênh mông chập chờn. Xương cốt chuyền từ tay này qua tay kia, từ những núi xương tới những miệng lửa hừng hực. Khói ngộp trời, dày đặc, cay, khét. Ngay từ ngày thứ ba, không ai phân biệt được ngày với đêm nữa. Bóng người ngọ nguậy, giần giật trong bóng đêm. Sáu ngày sáu đêm liền, khói đen ập xuống cả tỉnh, nặng như chì, bào mặt, chích mắt, cào cổ họng. Người ta chui vào nhà, chặn cửa ra vào, cửa sổ. Và khấn. Trẻ sơ sinh im thin thít. Trái đất chỉ còn là một lời cầu nguyện mênh mông, đen ngòm, bị lửa thiêu tí tách liên miên.
Ðến chiều thứ sáu, những lò thiêu, những cồn lửa, những lời cầu nguyện dần tắt. Một mặt trời máu phụt đốt bầu trời, rồi bóng đêm tràn ngập mặt đất. Từ phương Ðông một luồng gió ấm dâng lên, nhẹ nhàng lùa tan khói. Vài ngôi sao nhợt nhạt bắt đầu lấp lánh. Ánh trăng lạnh lùng soi sáng cõi vô ngôn.
Chợt có tiếng gà gáy, chó sủa xa xa. Một trẻ thơ mơ khóc. Mặt trời run rẩy, ngượng ngùng, hé mặt vén màn sương. Tiếng máy rù rì đơn điệu nơi chân trời. Đoàn phi cơ hú rách bầu trời, trải sau đuôi những dải tro xám mênh mông. Trận mưa tro tuôn xuống cõi trần. Không mảnh đất nào thoát thân. Không khí đặc sệt. Tro bám vào cây, cành, hoa, trái. Tro len lỏi vào nhà. Tro làm mắt mù, mũi nghẹt. Tro chét bùn đầy cuống họng. Suốt ngày, từ Bắc chí Nam, cả nước quằn quại trong cơn bão lốc màu tro xám, trong tiếng may bay rú. Về chiều, cơn bão lắng đi, rồi đêm lặng lẽ trở lại.
Hôm sau, Tỷ-Phú đến gặp cụ già :
– Ông lão, tôi đã thực hiện điều ông mong muốn. Xin trao lại hài cốt con tôi.
Ông lão dịu dàng nhìn Tỷ-Phú, nhè nhẹ nói :
– Ta cảm ơn người. Hôm nay đồng bào ta mới tìm lại được nấm đất tổ tiên. Nơi an nghỉ của người chết là nơi có người đang xây dựng những nền văn minh. Hãy đón con người về. Nó nằm dưới cái miếu trong vườn của ta.
Tỷ-Phú lao vào trong vườn. Dưới gốc cây đa, có một cái miếu bằng đất nung. Trong miếu, vài thanh nhang đang cháy. Tỷ-Phú sai người làm đào mả. Họ vác xẻng cuốc tiến tới.
Gần ngay đó, một đứa bé, tựa lưng vào một rễ cái của cây đa, lặng lẽ nhìn. Tỷ-Phú bước tới nó, cúi mình đưa cho nó một đôla. Ðứa bé hất tay Tỷ-Phú, nhảy ra xa, chạy nấp sau lưng ông cụ. Nón lá của nó rơi vào huyệt đạo. Tỷ-Phú nhặt chiếc nón lá, bước về phía đứa bé. Ông rùng mình. Sau màn nước mắt, mắt đứa trẻ bừng lửa, xanh biếc căm thù.
Tỷ-Phú nhấm nháp whisky, nhìn cỗ quan tài sang trọng. Hài cốt con ông an nghỉ ở đó. Một lần nữa, ông lại thắng. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của một người cha, ông đã thực hiện nguyện vọng cuối cùng của vợ. Máy bay phản lực của ông đợi ông cả tuần nay. Nhưng ông chưa thể đi được. Ông không thể rời xứ này mà không biết con mình đã chết ra sao. Ông đã sai người phiên dịch điều tra tại làng Nhân ở chân núi Bình.
Người phiên dịch len lỏi như mèo vào văn phòng.
Tỷ-Phú quay chiếc ghế bành lại :
– Thế nào ?
– Tôi đã làm tất cả những gì phải làm. Tốn cả núi của. Người ta đã kể hết.
– Tốt lắm. Anh thuật lại đi.
– Ông nhất định muốn biết mọi chuyện ?
– Ðúng. Tôi muốn biết tất cả.
– Họ đã giết cậu ấy. Cậu đã kịp nhảy dù ra ngoài trước khi máy bay nổ. Cậu bị gãy chân trái. Có lẽ cậu đã bò rất lâu trong rừng. Ông già bắt gặp cậu nằm ngất xỉu trên một bờ suối và tha về nhà. Không ai biết cậu đã sống bao lâu trong nhà ông lão. Một buổi chiều, cậu rời chỗ ẩn, đi ra suối. Một đứa trẻ thấy cậu. Nó báo động cả làng. Người ta tức khắc bắt cậu. Làng ấy đã từng bị dội bom liên miên. Có nhiều người chết, căm thù ngất trời. Dân làng liền thành lập một toà án nhân dân. Họ kết án tử hình cậu và con gái ông lão. Họ bắn cậu tại trận. Cô gái có mang nên được tạm tha. Khi thằng bé ra đời, người ta trao nó cho ông già, và dắt cô đi.
– Cảm ơn anh, anh về đi. Chớ hé một lời nào cho bất cứ ai về chuyện này nhe. Ðó là lệnh của tôi, anh hiểu chứ ?
– Tất nhiên rồi, thưa ông.
Tỷ-Phú nhấm nháp whisky. Ông lặng nhìn cỗ quan tài sang trọng. Hài cốt con ông an nghỉ ở đó. Một nỗi đau dịu dàng tràn ngập lòng ông. Ông ngồi bất động hàng giờ đằng đẵng. Ðột nhiên ông lắc đầu, đứng dậy, kêu người đàn bà phục dịch :
– Em làm ơn giúp anh nhé.
Ông mở quan tài. Họ khiêng xương bỏ vào lò thiêu. Trong khi bộ xương cháy rụi, họ đặt hài cốt người lính vô danh vào trong quan tài.
Ngày hôm sau, Tỷ-Phú lại đến gặp cụ già. Ông ôm trong lòng một hũ tro. Cụ già đang ngồi dưới bóng cây đa. Ðứa bé đứng sau lưng cụ, hai tay gầy còm ôm cổ cụ. Mắt nó xanh, xanh biếc căm thù. Tỷ-Phú thở dài :
– Cụ ơi, xin trả lại cụ nắm tro tàn của con cụ. Ðúng thế, nơi đây mới là ngôi nhà cuối cùng của nó. Xin vĩnh biệt.
– Vĩnh biệt. Chúc người luôn luôn được bình an.
Tỷ-Phú nhìn đứa bé mắt xanh một lần cuối. Ông bước đi, bình thản, vững vàng. Ông cảm thấy bình yên lạ lùng.
Tỷ-Phú mang bộ xương người lính vô danh về Mỹ, an táng nó long trọng bên cạnh mả vợ ông, trong ngôi mộ tổ tiên ông. Ông cưới người đàn bà phục dịch. Họ đã từng hạnh phúc. Họ đã từng có đông con. Trong đám hậu duệ đông đảo của con người ấy, đã từng có nhiều phụ nữ, nhiều đàn ông lừng danh trong văn chương, văn học, được người đời quý trọng, yêu mến. Một trong những người đàn bà ấy đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Liên bang Hoa Kỳ.

Tác giả tự dịch, 2003

[1] Nguyên tác : Un squelette d’un milliard de dollars, Terre des éphémères, Philippe Picquier, Paris, 1994. Bản dịch tiếng Anh, Nina McPherson : The Billion Dollar Skeleton, In Story, USA, Autumn 1994 và The Other Side of Heaven, Curbstone Press, USA, 1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét