" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017
Cách tồn tại riêng trong nghề-Một kiểu người Việt
Tìm hiểu về Nguyễn Công Hoan , người ta không khỏi nhận ra một sự éo le rõ rệt . Một mặt , đây là một trong những cây bút hàng đầu của nền văn học dân tộc trong thế kỷ XX , một đô vật lực lưỡng trong trường văn trận bút . Mặt khác , đó hình như lại là cây bút đặt rất ít sự nghiêm chỉnh vào sáng tác . Như ông đã kể , có lần ông mang truyện của mình tặng cho người khác để người đó bán cho các báo lấy tiền . Lại như cái cảnh ông vừa chơi bài vừa viết truyện , hoặc viết tiểu thuyết đăng báo mà không thuộc hết tên nhân vật , phải để trống rồi nhờ toà soạn điền hộ . Người đời vốn ranh mãnh có làm như vậy đi chăng nữa thì cũng giấu biệt đi không muốn cho ai biết . Trong khi đó , Nguyễn Công Hoan lại bô bô kể hết cả ra trong sách . Qua những phát biểu trực tiếp cũng như qua cách làm việc của ông , thấy toát lên cái ý chẳng qua do lọc lõi thạo đời thì viết cho mọi người cùng đọc chứ trong bụng chả buồn để tâm gì đến nghĩa lý với lại vai trò rắc rối mà người ta thường gán cho nghề nghiệp này . Đại khái ông không phải trăn trở nhiều khi ngồi trước trang giấy , thảng hoặc đôi lần có để ý đến ý nghĩa xã hội của công việc ( như khi viết Bước đường cùng ) thì cũng là làm vội làm vàng chứ chưa phải đã dồn hết vào đấy tất cả tâm sức vốn có .
Nguồn cảm hứng nào đã thúc đẩy Nguyễn Công Hoan kể chuyện mình theo kiểu như vậy ?
Chúng tôi có cảm tưởng điều đầu tiên ông muốn truyền đạt tới mọi người , ấy là viết văn phải có năng khiếu và sự thành công không thể do ý chí hay day tay mắm miệng mà có được .Vốn thích đề cao những gì gọi là tự nhiên ông chúa ghét những nhà văn nào quan trọng hoá nghề nghiệp của mình và lấy sự viết lách ra để lừa bịp . Sự dông dài tuỳ tiện mà ông hay nói , đúng hơn sự đùa bỡn mà ông cố ý phô ra , là một cái gì quán xuyến trong ông , nó buộc người ta sau đó phải hiểu dần ra những điều đơn giản mà ông muốn nói việc viết văn cũng là một việc thường như mọi việc khác trên đời hoặc gán cho văn chương có lắm ý nghĩa đâu đâu tức là chẳng hiểu gì về nó cả .
ở chỗ này có thể nói cách làm của Nguyễn Công Hoan trùng khít với một xu thế của tư duy hiện đại ấy là nhìn đời sống ở một khoảng cách gần gũi , phi huyền thoại hoá nó , làm cho mất đi cái vẻ thiêng liêng giả tạo mà con người trung đại thích dùng để tự tô vẽ .
Đồng thời sự phi huyền thoại hoá này còn đi gần tới một quan niệm khác cũng chỉ thấy ở con người hiện đại ấy là nhấn mạnh tính chất trò chơi của cuộc đời , và cho rằng trong trò chơi , cả ý nghĩa nghiêm chỉnh lẫn cái vẻ hư vô của kiếp nhân sinh có dịp bộc lộ . Chơi để sống cho nhẹ nhàng và nếu có phải chết cũng là chết một cách thoải mái .
Trong tiếng Việt chữ chơi hay gợi ra cái ý ham vui gặp chăng hay chớ chả cần để tâm vào việc gì mà tha hồ làm nhanh làm ẩu làm hàng giả bịp bợm . Có thể nói Nguyễn Công Hoan chơi với nghĩa khác . Chơi ở đây thuộc về một cái gì nằm trong cách nhìn đời trong ý thức của con người nó giúp cho một cây bút như tác giả Bước đường cùng thêm hào hứng trong sự sáng tạo , khi viết tìm thêm được những trò hóm nghịch lôi cuốn bạn đọc .
Truy nguyên về tận nguồn gốc, có thể bảo cái sự nhởn nhơ ở Nguyễn Công Hoan còn thuộc về hồn cốt dân tộc mà ông thấm nhuần trong dòng máu mình .
Rải rác trong các đoạn trên chúng ta đã nhắc qua một số đặc điểm làm nên cách nhìn đời sống của Nguyễn Công Hoan qua các truyện ngắn truyện dài đã in : Thích sự tự nhiên và luôn luôn tự nhắc nhở mình là phải giữ bản sắc . Không tin lắm ở sách vở mà thích đề cao một sự khôn ngoan trời cho. Trong khi gắng gỏi học theo mọi người thì bề ngoài lại tỏ ra không coi cái gì là quan trọng và xem thường mọi chuyện .Lấy sự cười đùa làm vui tự nhiên , bài bác những sự quan trọng hoá giả tạo song lại sẵn sàng để tâm và tỏ ra rất thích thú với những sự sắp đặt tinh xảo v...v.... Đến Đời viết văn của tôi thì chúng ta lại gặp cái tinh thần đó trong chính con người Nguyễn Công Hoan . Trong khi nhìn lại đời mình , nhà văn hiện ra như một cá tính cụ thể , mà trong đó đồng thời thấy bao hàm những con người khác những cuộc đời khác . Xét theo nghĩa này , cuốn sách là một bộ phận hợp thành không thể thiếu trong sự nghiệp đồ sộ của tác giả ./.
Vương Trí Nhàn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét