Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Về đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu


Về đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu

Hoàng Tuấn Công

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Mừng thọ GS Vũ Khiêu


Thư của ông Hoàng Minh Tuyển (hmtuyenvkttv@gmail.com) gửi Tuấn Công thư phòng: “Tôi là Hoàng Minh Tuyển, Phó ban liên lạc họ Hoàng Việt Nam. Tuy chưa một lần gặp anh nhưng tôi thường vào Thư Phòng và rất thích các bài viết (....) Chúng tôi đang băn khoăn về câu đối Thủ Tướng tặng cho cụ Vũ Khiêu không biết dịch thế nào cho phải:

Sơn Hà Linh Khí Tại
Kim Cổ Nhất Hiền Nhân


Xin anh cho biết câu đối này có chỉnh không? Hình như sai luật đối? Về nghĩa có vẻ hơi bị đề cao quá phải không anh?
Nhân đây cũng đề nghị anh cho biết ý nghĩa đôi câu đối “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tặng GS Vũ Khiêu.
Mong anh cắt nghĩa thấu đáo. Cảm ơn anh nhiều.


HTC: Cảm ơn ông Hoàng Minh Tuyển đã quan tâm đến chuyện chữ nghĩa củaTuấn Công thư phòng.

Thưa ông, thú thực ban đầu chúng tôi cũng không tin có một đôi câu đối như vậy tặng GS Vũ Khiêu. Sau khi tìm hiểu mới thấy báo chí có đưa tin chính thức, kèm ảnh với lời chú thích “Ngày 17/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tặng hoa, chúc mừng Thượng thọ Giáo sư Vũ Khiêu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư Vũ Khiêu câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân". Ảnh: Đức Tám – TTXVN -Thể thao văn hóa.vn).
Vì ông yêu cầu cắt nghĩa “thấu đáo” nên chúng tôi cũng xin trả lời cặn kẽ như sau:
-Về mặt hình thức: đây là bức “Trung đường liên” (中堂聯). Tức hình thức câu đối viết vào một tấm biển lớn hình vuông hoặc chữ nhật, đặt ở vị trí trang trọng giữa phòng khách, (phân biệt với "Doanh liên" 楹聯 -câu đối treo hai bên cột trụ). Xem ảnh thấy rõ phía dưới bức “Trung đường liên” là tượng bán thân của GS Vũ Khiêu. Như vậy, đôi dòng chữ "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân"giống như lời đề từ, lời bình cho bức tượng cụ Vũ Khiêu vậy.
Chúng tôi gọi "Trung đường liên" là căn cứ vào hình thức trình bày. Nhưng, xét đến thể loại, có lẽ chỉ nên gọi đây là bức "Trung đường" (dạng bức trướng) thì đúng hơn. Vì như ông Hoàng Minh Tuyển đã tinh ý nhận xét, hình như “sai luật đối” hoặc đối “không chỉnh”. Tuy nhiên, đây là đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu-một bậc thầy về cổ văn, chúng ta chẳng thể hồ đồ kết luận. Bởi vậy về mặt thể loại, chúng tôi thử đưa ra mấy cách phân tích và loại trừ như sau:


Sơn-Hà Linh-Khí Tại
Kim-Cổ Nhất Hiền-Nhân


Những từ có gạch nối là từ ghép, không thể tách rời nhau. Nếu xếp vào diện danh từ đối với danh từ thì “sơn hà” có thể đối với “kim cổ”. Hai vế chỉ có hai từ"tại" và "nhất" là từ đơn. Theo luật “đối lời”, trước tiên muốn đối được, chúng phải đứng đối xứng với nhau ở vị trí giữa vế nọ với vế kia. Tuy nhiên, chữ “tại” đứngcuối vế đầu, chữ “nhất” đứng giữa vế sau nên không thể có chuyện đối được. Tiếp đến, hai chữ “linh khí” ở vế đầu không thể đối với chữ “nhất” ở vế hai, vì một đằng là từ ghép (linh khí), một đằng là từ đơn (nhất); một đằng là danh từ, một đằng là số từ đóng vai trò làm tính từ trong câu. Như vậy, ta thấy rằng: hai chữ “linh khí” ở vế thứ nhất không tìm được “đối” (thủ) ở vế thứ hai. Vế trên còn sót lại chữ “tại” ở vị trí cuối cùng cũng chẳng biết “đối đáp” với ai, vì ở vế dưới hai chữ cuối cùng là từ ghép “hiền- nhân”.
Như vậy, xét yêu cầu phải đối từng cặp từ, đối ý, đối lời, bằng trắc đối nhau...thì hai câu "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" hoàn toànkhông đối và không phải là câu đối.
Phải chăng, ý tác giả: "sơn hà" với "kim cổ" là đối lời, còn "linh khí tại" với"nhất hiền nhân" là đối ý? Tuy nhiên, cách đối này chỉ phù hợp với dạng câu đối phú dài dằng dặc có khi tới mấy chục chữ. Ví như câu đối của Tam Nguyên Yên Đổ khóc vợ, mỗi vế có tới 34 chữ:
-Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc;
-Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm”
Trong đó: “Nhà chỉn cũng nghèo thay” và “Bà đi đâu vội mấy” là đối ý, có thể chấp nhận được trong thể loại câu đối phú. Tuy nhiên, người hay chữ không lạm dụng đối ý nhiều. Bởi vậy ta thấy số chữ còn lại của cụ Nguyễn Khuyến dù “cách cú” nhưng xét từng chữ đều vừa đối ý vừa đối lời rất chỉnh; thành ngữ, từ láy, bằng trắc đối nhau chan chát rất tài tình. Trong khi câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" hai cặp từ “sơn hà” với “kim cổ” chỉ là đối “cưỡng”. Mỗi vế còn lại 3 chữ: “linh khí tại” và “nhất hiền nhân” gọi là “đối” với nhau chẳng qua do mỗi cụm từ đảm nhận một ý mà thôi.

Nói thế hóa ra Thủ tướng đã tặng, và Nhà nghiên cứu văn hóa GS Vũ Khiêu-Chuyên gia câu đối, phú, văn tế, chúc văn... đã nhận món quà Mừng thọ Trăm tuổi là một đôi câu đối thất luật? Theo tôi, chưa đủ căn cứ để kết luận như vậy. Vì sao? Vì rất ít khả năng tác giả kém tới mức soạn đôi câu đối mỗi vế 5 chữ mà rốt cuộc chỉ có hai cặp từ tạm đối được với nhau. Bởi vậy, có thể đây vốn chỉ là hai câu ca ngợi GS Vũ Khiêu chứ tác giả không có ý làm câu đối. Việc nó “bỗng” trở thành đôi “câu đối” là do người trình bày. Thế rồi người viết bài, đưa tin cứ ngỡ (hoặc căn cứ vào thông tin của Ban tổ chức?) một (hoặc hai) câu văn chia làm hai vế, trình bày theo chiều dọc, hai bên “đối xứng”, mỗi bên có số chữ bằng nhau là “câu đối”. Nếu vậy, sai sót là do khâu biên tập của các báo: Thể thao văn hóa, Đại đoàn kết, Tạp chí Sông Hương...khi đồng loạt đăng bài, ảnh, kèm chú thích “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư Vũ Khiêu câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân".


Về nội dung: Tuy không được thấy nguyên văn chữ Hán, nhưng chúng tôi đoán(gọi là đoán, nhưng có thể nói là chính xác tới 99,9%, vì khó có chữ khác lọt vào đây) mặt chữ như sau: 山河靈氣在, 今古一賢人 = Sơn hà linh khí tại, Kim cổ nhất hiền nhân.

Trước tiên, căn cứ từ điển, chúng tôi xin giải nghĩa từng từ như sau:
*Vế đầu trong câu:
-Sơn hà 山河= núi sông (ở đây được hiểu như đất nước, giang sơn)
-Linh khí 靈氣, Đào Duy Anh giải nghĩa: “Cái khí thiêng”. Hán ngữ đại từ điển (Tàu) đưa ra mấy nghĩa đáng chú ý: 1.Thông tuệ hoặc tú mỹ đích khí chất (có khí chất thông tuệ và đẹp tốt); 2.Tiên nhân đích khí chất (có khí chất của người tiên); 3.Chỉ mỹ hảo đích danh thanh (ý chỉ người có thanh danh tốt đẹp lắm)
-Tại 在 : ở; còn; còn sống.
*Vế sau trong câu:
-Kim cổ 今古: từ xưa tới nay.
-Nhất 一: đứng đầu; một; duy nhất.
-Hiền nhân 賢人: bậc tài đức kiêm toàn.


Sau đây là một số cách hiểu:
1.Cách hiểu thứ nhất: Sơn hà linh khí tại = Khí chất tốt đẹp của GS Vũ Khiêu sẽ còn mãi với núi sông; Kim cổ nhất hiền nhân = GS Vũ Khiêu là người đứng đầu trong các bậc hiền nhân từ xưa tới nay ( nhất hiền nhân = hiền nhân đứng đầu, đứng thứ nhất).Ở đây, có thể do yêu cầu của thể lọai câu đối, tác giả lược bớt chữ "đệ" trong "đệ nhất", dùng chữ "nhất" với vai trò tính từ: đứng đầu, đầu tiên.
2.Cách hiểu thứ hai: Sơn hà linh khí tại = Linh khí sơn hà ở đây = Khí thiêng của non sông đất Việt chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu (Hoặc: Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân = Kim cổ một người hiền = Từ xưa tới nay, chỉ có một hiền nhân, đó là cụ Vũ Khiêu (nhất hiền nhân = chỉ có một người là hiền nhân). Cấu trúc của "nhất hiền nhân" này rõ ràng và thông dụng hơn trong ngữ pháp Hán văn so với cách hiểu thứ nhất.


1.Về cách hiểu thứ nhất:
- Theo chúng tôi, nội dung bức trướng phù hợp với “cung bái” (kính viếng), hơn là "cung hạ” (kính mừng). Vì sao? Vì chỉ với người đã khuất, người ta mới nói ra cái ý như "Kiều rằng: những đấng tài hoa, Thác là thể phách, còn là tinh anh".“Tinh anh” hay “linh khí” chỉ có thể tồn tại mãi mãi một khi nó lìa khỏi “quán trọ”“thể phách”. Các bức hoành phi trên bàn thờ, người ta cũng hay dùng những câu như: “Hạo khí trường tồn” (Khí chất tốt đẹp còn mãi trường tồn) “Anh thanh như tại” (Thanh danh đẹp tốt vẫn như lúc còn sống) để xưng tụng, tưởng nhớ người đã khuất. Hoặc đôi câu đối thờ: “Vạn cổ đan tâm minh nhật nguyệt, Thiên thu nghĩa khí tráng sơn hà” (Muôn thuở lòng son cùng nhật nguyệt, Ngàn năm nghĩa khí tựa sơn hà). Ở đây “Sơn hà linh khí tại” có thể được hiểu: dù (cụ, ông, ngài) đã chết nhưng tài năng, đức độ, sự nghiệp vẫn còn sống mãi với non sông đất nước. Chết mà như còn sống vậy!


Chúng ta có thể ví dụ trong văn cảnh khác. Khi Bác Hồ còn sống, có thể hô:“Hồ Chí Minh muôn năm!”. Nhưng chỉ sau khi mất, người ta mới (có thể) đưa ra câu khẩu hiệu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Hoặc khi Bác còn sống, thiếu nhi hát: “Ngày ngày chúng cháu ước mong, Mong sao Bác sống muôn đời...” [1] Nhưng các cháu không thể hát mừng: “Bác còn sống mãi với non sông đất nước, Bác còn sống mãi với đàn cháu yêu thương...” [2] khi thực tế Bác vẫn còn sống và đang đi thăm các cháu.


Nói tóm lại, với bất cứ người nào, khi đang còn sống, dẫu muốn đề cao đến mấy cũng không ai nói "gở", ca ngợi là ông (cụ, ngài...) vẫn đang “còn sống” với (như) cái gì đó. Thế nên, trong Truyện Kiều, đoạn Từ Hải chết đứng, Nguyễn Du mới viết: "Khí thiêng khi đã về thần, Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng". Linh khí sống mãi với núi sông tức đã về cõi “bất tử”, về với tổ tiên, với cát bụi và thế giới cỏ cây, phiêu du mây nước rồi. Còn nếu muốn chúc thọ thì chúc sống lâu trăm tuổi, sống lâu muôn tuổi, trăm năm có lẻ, thọ như tùng bách...như ta vẫn thường nghe.
Đến đây, có bạn đọc sẽ nói rằng: cụ Vũ Khiêu năm nay đã 100 tuổi, đằng nào mà chẳng đến lúc...Câu đối hay như vậy, mừng trước để Cụ đọc, sau này thờ luôn cũng chẳng sao. Người ta vẫn đóng thọ đường, xây dựng sinh phần trước đấy thôi. Đây cũng là một ý tốt. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên tắc chưa chết thì chưa thắp hương, chưa phúng viếng. Thậm chí đã chết nằm đó rồi, nhưng chưa phát tang thì cũng chưa thể bái lạy, khấn vái.


- Vế thứ hai "Kim cổ nhất hiền nhân" (Từ xưa cho tới nay, cụ là bậc hiền nhân duy nhất, đứng đầu) cũng là cách xưng tặng dành cho người đã chết. Vì sao? Tục ngữ Việt Nam có câu "Bảy mươi chưa què chớ khoe rằng tốt" (Xưa, bảy mươi là "ngấp nghé miệng lỗ"-Nhân sinh thất thập cổ lai hy). Tục ngữ gốc Hán cũng nói rằng "Cái quan định luận" (蓋棺定論), nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài lại, (sau khi chết) mới có thể bàn luận đúng sai, hay dở về một con người nào đó. Đến đây, có bạn đọc lại nói rằng, cụ Vũ Khiêu nay đã ở tuổi 100, con người, sự nghiệp của Cụ đã rõ, đánh giá, tôn vinh lúc này cũng là được rồi. Tuy nhiên, dù bất thành văn nhưng cũng là luật. Nhà tu hành khổ hạnh “Đã được ba tháng ba năm” nhưng “Còn một ngày nữa mà không hoàn thành” (vì phạm giới) thì cũng không thể nào đắc đạo. Con người ta có khi xấu nay, tốt mai hoặc tốt nay xấu mai. Nhiều trường hợp đã “cái quan” rồi, đã “định luận” rồi, vậy mà có khi hàng trăm năm sau đang còn phải “luận định” lại. Bởi vậy, nếu câu "Kim cổ nhất hiền nhân" không dành cho người đã chết thì cách xếp thứ bậc, ca ngợi người sống như vậy cũng là trái.


“Hiền nhân, quân tử” là khái niệm của Nho gia, một danh xưng chưa bao giờ có giấy chứng nhận. Hán ngữ Đại từ điển (Tàu) định nghĩa “Hiền nhân: Tài đức kiêm lược đích nhân 德才兼备的人” (Người có tài và đức gọi là hiền nhân) Từ điển tiếng Việt định nghĩa “hiền nhân”: người có đức lớn, tài cao theo quan niệm thời trước. Hán Việt từ điển, mục từ “Hiền” (賢) Đào Duy Anh giải nghĩa: “Người có đức hạnh, tài năng”, nhưng phần trích dẫn từ ngữ, hai chữ “hiền nhân” 賢人 lại chỉ được giải thích là: “Người có đức”. Tài đến mức nào, đức lớn đến mức nào thì được gọi là hiền nhân? Không có sách nào quy định. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của chúng ta, hiền nhân tất phải là bậc tài cao, đức lớn; hình ảnh, nhân cách, tài năng, tư tưởng của họ có ảnh hưởng quan trọng tới nhân quần, tác động lớn tới thời đại (Trong văn chương Việt, còn một khái niệm "hiền nhân, quân tử" khá "độc đáo" nữa. Đó là"Hiền nhân, quân tử ai mà chẳng, Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo"-Hồ Xuân Hương. Chúng tôi xin loại trừ "hiền nhân" này)


Ở đây chúng tôi xin không bàn đến chuyện GS Vũ Khiêu có phải là "hiền nhân" hay không. Nhưng nếu nói rằng GS Vũ Khiêu đứng đầu (hoặc duy nhất) trong các bậc hiền nhân từ xưa tới giờ (Kim cổ nhất hiền nhân) e rằng không còn là chuyện “đề cao quá” như ông Hoàng Minh Tuyển nói nữa, mà là phạm thượng! Vì sao? Xin lấy một ví dụ nhỏ để liên tưởng: Trong bài thơ “Bác ơi”, Tố Hữu viết:“Bác đã lên đường theo tổ tiên, Mác-Lê-nin thế giới Người Hiền”. Bài thơ này đã được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông. Vậy“Cứ trong ý tứ mà suy”, Hồ Chủ tịch, Mác-Lê-nin là những “người hiền”, những “người hiền tiền bối” và là bậc thầy vĩ đại của cụ Vũ Khiêu. Thế mà cụ Vũ Khiêu lại được tôn xưng là “Cổ kim nhất hiền nhân”, đứng đầu, duy nhất “thế giới người hiền” từ xưa tới nay, chẳng phải là “phạm thượng” lắm sao?
Trong văn chương hay thực tế có một số danh xưng như “Thiên hạ đệ nhất kiếm”, “Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”... nhưng “nhất”ở đây là “nhất”, duy nhất trong một phạm vi, thời điểm (không gian và thời gian) nhất định nào đó. Nếu nói ai “nhất”, (hoặc duy nhất) từ cổ chí kim là điều cực khó. Đặc biệt “nhất hiền nhân” một khái niệm khó đo đếm, so sánh lại càng không có cơ sở. Phải chăng, tác giả muốn nói: nước Việt có nhiều hiền nhân, nhưng chỉ có GS Vũ Khiêu đáng gọi là "nhất hiền nhân" từ cổ chí kim vì Cụ đang minh mẫn ở tuổi 100, lại được phong Anh hùng, được Giải thưởng Hồ Chí Minh, xưa nay chưa ai từng có?


2.Về cách hiểu thứ hai:
Sơn hà linh khí tại = Linh khí non sông ở đây = Khí thiêng của non sông Việt Nam chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu. Hoặc Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân =Kim cổ một người hiền = Từ xưa tới nay, chỉ có một hiền nhân (đó là cụ Vũ Khiêu).


Cách hiểu này có vẻ không “sái”, phù hợp với “cung hạ”. Tuy nhiên, căn cứ vào chữ nghĩa vẫn không tránh khỏi "phạm thượng". Vì sao? Vì ý thứ nhất “Khí thiêng của non sông Việt Nam chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu” khiến người ta liên tưởng đến lời điếu văn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch...” Phải chăng, vốn ý tác giả muốn dùng từ "nguyên khí" nhưng nó lại thành "linh khí": Sơn hà nguyên khí tại (Cụ Vũ Khiêu là nguyên khí, hiền tài của quốc gia, sơn hà) ?
Ý thứ hai: Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi hiền nhân là Cụ (Vũ Khiêu).Kiểu tôn xưng “vô tiền khoáng hậu”, đứng trên tất cả các bậc hiền nhân này càng không ổn.


Riêng câu “Kim cổ nhất hiền nhân” theo chúng tôi còn có thể hiểu theo cách thứ 3: Người thông hiểu chuyện cổ kim, xưa nay nhất chính là bậc Hiền nhân Vũ Khiêu. Và cách thứ 4: Từ cổ chí kim, chỉ có bậc hiền nhân mới đáng gọi là tôn quý.Tuy nhiên, 2 cách hiểu, nhìn nhận, đánh giá này càng không có cơ sở.



Trong Hán tự có hiện tượng gọi là đồng âm, dị tự, dị nghĩa. Tức là đọc giống nhau, nhưng tự dạng (tự hình) và nghĩa khác nhau. Thế nên đến đây, ông Hoàng Minh Tuyển hoặc bạn đọc có thể sẽ thắc mắc: 99,9% là mặt chữ Hán dịch ngược trong đôi "câu đối" phiên âm Quốc ngữ như phương án đã phân tích, vậy còn 0,1% khả năng là gì? Theo chúng tôi, có hai chữ đáng chú ý, đó là "hà" 河 trong "sơn hà" 山河 và "cổ" 古 trong "kim cổ" 今古:
-Vế đầu: Ngoài chữ "hà" 河 nghĩa là sông, còn có một chữ "hà" 霞nghĩa là ráng mây. Sơn hà 山霞 có thể hiểu là ráng mây chiều tà trên rặng núi. Sơn hà linh khí tại 山 霞 靈 氣 在 nghĩa là Linh khí chỉ còn như ráng mây chiều tà trên đỉnh núi.
-Vế thứ hai: Ngoài chữ "cổ" 古 là xưa, còn có một chữ "cổ" 鼓 nghĩa là"cái trống, đánh trống". Kim cổ 今鼓 nghĩa là cái trống ngày nay, hoặc ngày nay có cái trống. Kim cổ nhất hiền nhân 今鼓一賢人 nghĩa là: ngày nay cái trống kêu to thì được gọi là hiền nhân (!)

Thật vô lý! Thế nên, khả năng có 0,1% có chữ Hán khác "lọt vào" chúng tôi xin được loại bỏ hoàn toàn.
Như vậy, tuy chữ nghĩa "sờ sờ" ra đó, nhưng chữ có nghĩa đen, nghĩa bóng; có nghĩa gốc, nghĩa ngọn; lại có chơi chữ, chiết tự, “ý tại ngôn ngoại” nên chúng tôi chẳng dám chủ quan ấn định một cách hiểu duy nhất nào đó. Ngược lại đã thử tìm hiểu, xem xét dưới nhiều góc độ để tìm ra một cách hiểu hợp lý, tích cực nhưng xem ra vẫn chưa thấy ổn với cách hiểu nào. Có lẽ do kiến thức hạn hẹp của mình nên cách hiểu hay, hiểu đúng của tác giả câu đối chúng tôi chưa thể nhìn ra?


Về đôi câu đối: “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng”, mà ông Hoàng Minh Tuyển hỏi. Theo chúng tôi, đây là đôi câu đối Nôm rất chỉnh, có nhịp điệu, đối nhau chan chát, nghe rất hay, và có thể hiểu: GS Vũ Khiêu là một Triết gia Cách mạng; là một Nghệ sĩ Anh hùng. Tuy nhiên, "rằng hay thì thật là hay", nhưng nghe...có vẻ không đúng và ... “hở miếng”. Vì sao ? Vì:


-GS Vũ Khiêu là người có nghiên cứu về triết học chứ không phải là, (chính là)"Triết gia"-Nhà triết học. Vì Nhà triết học phải là người đề xuất học thuyết, tư tưởng, chứ không phải là Nhà nghiên cứu về học thuyết, tư tưởng của Nhà triết họcnào đó. "Triết gia" chính là cách gọi tắt "Triết học gia"-Nhà triết học. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) giải nghĩa: “Triết gia-nhà triết học-các triết gia Hi Lạp cổ đại”.


Có lẽ, ý tác giả đôi câu đối muốn dùng chữ “triết nhân” chăng? (triết 哲 với nghĩa người hiền trí, có trí tuệ thông minh, sáng suốt, như: hiền triết, tiên triết...). Đào Duy Anh giải nghĩa: “Triết nhân: người hiền trí”. Hán ngữ đại từ điển:“哲人:智慧卓越的人” (Triết nhân: trí tuệ trác việt đích nhân -Triết nhân: người có trí tuệ trác việt). Như vậy, nếu có chăng, GS Vũ Khiêu chỉ có thể được gọi là “triết nhân” chứ không thể là “triết gia” (Đây chỉ là ví dụ về cách sử dụng chữ nghĩa. Chúng tôi không có ý cho rằng GS xứng đáng được gọi là triết nhân)
-GS Vũ Khiêu là Nhà nghiên cứu văn hóa, chứ không phải “Nghệ sĩ”. Vì GS không chuyên sáng tác, cũng chẳng biểu diễn môn nghệ thuật nào. Từ điển tiếng Việtđịnh nghĩa: "Nghệ sĩ: 1.người chuyên hoạt động [sáng tác hoặc biểu diễn] trong một bộ môn nghệ thuật. nghệ sĩ nhiếp ảnh-tâm hồn nghệ sĩ;2.danh hiệu thường dùng để gọi diễn viên hay ca sĩ có tài năng xuất sắc”. Phải chăng, ý tác giả muốn nói: GS Vũ Khiêu là một “Anh hùng” mang tâm hồn, phong cách “Nghệ sĩ”?


Cuối cùng, chúng tôi cho rằng, hai từ “trong” và “giữa” trong đôi câu đối“Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” hơi tối nghĩa và thiếu chặt chẽ. Nó khiến người ta có thể hiểu thành:


-“Triết gia trong cách mạng = GS Vũ Khiêu chỉ xứng đáng là một “Triết gia” trong (số) những người làm chính trị, cách mạng.
- Nghệ sĩ giữa anh hùng = GS là một “Nghệ sĩ” đứng giữa hàng ngũ những người “Anh hùng” chứ không phải bản thân GS là “Anh hùng”. Hoặc: GS chỉ đáng được gọi là “Nghệ sĩ” trong hàng ngũ những người “Anh hùng” mà thôi. Như thế hóa ra, “Triết gia” hay “Nghệ sĩ” ở đây đều hoàn toàn “nghiệp dư” hay sao? Nếu bỏ hai từ “trong” và “giữa” đi, đôi câu đối sẽ chặt chẽ, dễ hiểu, kín kẽ hơn (dù có vẻ không hay): Triết gia Cách mạng; Nghệ sĩ Anh hùng (Triết gia làm Cách mạng, Nghệ sĩ lại Anh hùng)


Các cụ xưa dạy văn giống võ ở chỗ: câu chữ, quyền cước tung ra dù mạnh mẽ, đẹp mắt đến mấy nhưng sơ hở, thiếu kín kẽ, thì kể như chưa hay, chưa giỏi. Thậm chí là nguy hiểm.


Trở lại với vấn đề đang bàn. Ông Hoàng Minh Tuyển quan tâm tới đôi câu đối và chữ nghĩa Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu là có lý. Bởi chuyện tôn xưng tên tuổi, danh hiệu của Nhà nước với một cá nhân không đơn giản biểu hiện tình cảm mà còn thể hiện tôn ty trật tự trong xã hội. Đặc biệt đối với những người có danh vọng; hình ảnh, tên tuổi của họ có ảnh hưởng trong xã hội lại càng không thể khinh suất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cách nay hơn 500 năm, chỉ là chuyện xưng hô trong triều đình, quân doanh thôi, nhưng vua Lê Thánh tông từng phải chấn chỉnh: “Sắc Lễ bộ yết bảng cho trăm quan và các quân rằng: Kể từ nay, nếu không phải là bậc túc nho danh vọng, tuổi cao đức lớn thì không được gọi bừa là "tiên sinh". (Đại Việt sứ ký toàn thư-Bản kỷ thực lục-Quyển VIII-Kỷ nhà Lê).
Danh quá kỳ thực dễ gây nên sự huyễn hoặc, đảo điên và gieo mầm loạn. Bản thân người được tặng, nếu có liêm sỉ cũng sẽ không dám nhận. Bởi vậy, ông Mạnh tử mới nói rằng: “Thanh văn quá tình, quân tử sỉ chi - 聲 聞 過 情 君子 恥 之(Danh quá thực tình là điều người quân tử lấy làm hổ thẹn) Thế nhưng, một điều khó hiểu là tại sao GS Vũ Khiêu vẫn mãn nguyện ngước nhìn "mười chữ vàng" vấn vít trên nền vân mây cùng đôi rồng chầu phía trên bức tượng đồng của chính ông?


Chúc thọ, mừng tặng quà sao cho có ý nghĩa, mãn nguyện người trao, vui lòng, hợp ý người nhận, trên dưới trông vào đều ngợi khen là việc khó. Mừng tặng bằng chữ nghĩa lại càng khó hơn. Có vẻ như hai đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu “trục trặc” trong khâu nào đó chăng?


Đến đây, chắc hẳn sẽ có “kẻ chê, người cười” HTC rằng: nói người khác "phạm thượng" nhưng bản thân mình còn "phạm thượng" hơn! Điều này không phải không có lý. Tuy nhiên, câu chuyện chữ nghĩa với ông Hoàng Minh Tuyển và bạn đọc khiến tôi nhớ đến một câu chuyện chữ nghĩa khác. Lê Thánh tông là ông vua nổi tiếng hay chữ. Thơ văn của ông gồm cả chữ Hán và chữ Nôm: Thiên Nam dư hạ, Sĩ hoạn trâm quy, Xuân vân thi tập, Hồng Đức quốc âm thi,... Ông có những vần thơ Nôm tinh tế, mẫu mực, cổ kính mà rất hiện đại như: “Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc, Sườn núi chim gù ẩn lá xanh”. Thế nhưng có một triều thần dám thẳng thừng chê văn thơ của ông là "phù hoa, vô dụng" (xưa tội này có thể bị chém đầu). Người đó là Nguyễn Bá Ký!

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Ký chết. Trước đó, Bá Ký cho rằng vua làm văn không chú ý tới kinh, sử, dâng sớ khuyên can. Vua dụ rằng: "Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh sử, lại chuộng lối học phù hoa, vô dụng, chỉ ngụ ý ở ngoài mây khói. Nếu ta ưa chuộng văn hoa, không lấy gốc kinh, sử thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói, thì trong bốn chữ "phù hoa vô dụng" kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi, thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, người đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý".
Đến đây chết, vua sai Tư lễ giám quan Phạm Hổ đem sắc đến dụ rằng: "Ngươi thờ vua trung thành, giữ mình chính trực, sớm tối ở bên ta, nay được 6 năm, lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn chưa thôi!" (Đại Việt sử ký toàn thư-Bản kỷ thực lục, Quyển XII-Kỷ nhà Lê).


Câu chuyện này góp phần giải thích tại sao, Lê Thánh tông không chỉ là ông vua giỏi mà còn được tôn là vị Minh Quân. Ông là vua sáng nên có nhiều tôi hiền. Và dù Bá Ký chê thế nào, Lê Thánh tông vẫn là một trong những ông vua hay chữ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.


Tôi chẳng dám ví mình giống như Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Ký. Nhưng có lẽ khi mải bàn chuyện chữ nghĩa đã không tránh khỏi tội “phạm thượng”, "khi quân" như Bá Ký. Tuy nhiên, ngày xưa, Bá Ký chẳng những không bị mất đầu mà còn được ngợi khen có lòng trung, thì ngày nay câu chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng có đến tai Thủ tướng và GS Vũ Khiêu, tôi tin rằng, dẫu không được khen ngợi thì các vị cũng chẳng nỡ trách phạt.
Cuối cùng chúng tôi dám mong sẽ được GS Vũ Khiêu-Bậc thầy về cổ văn, hoặc chính tác giả câu đối Chúc thọ GS giảng giải tường tận những chữ nghĩa mà chúng tôi và độc giả còn băn khuăn, chưa biết hiểu thế nào cho đúng, cho hay!
Như vậy, trong khả năng kiến thức hạn hẹp, chúng tôi đã cố gắng giải thích. Nếu phải thất vọng, mong ông Hoàng Minh Tuyển và bạn đọc thông cảm cho, và tiếp tục quan tâm đến chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng.


HTC Thanh Hóa 28/9/2014


Chú thích:
-[1] và [2] Lời các Bài hát Thiếu nhi, ca ngợi Hồ Chủ tịch.

Tiên Lãng Đại Cáo "Hịch anh Vươn"


Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân đội, công an lo trừ bạo
Như nước Việt Nam ta từ trước
Vốn giành nền độc lập đã lâu
Núi sông, đồng ruộng đã chia
Từ Bắc chí Nam đã ổn.

Từ Hồ, Huỳnh, Tôn, Nguyễn bao đời xây nền độc lập
Đến Lê, Trần, Nguyễn, Trương mỗi người đầu nước một thời
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Cho nên:

Mai Văn Dâu tham công nên thất bại;
Trần Dụ Châu thích lớn phải tiêu vong;
Vinashin bắt sống Thanh Bình
Tòa Sài Gòn giết tươi Kim Phượng
Việc xưa xem xét,
Chứng cứ còn ghi.

Vừa rồi:

Nhân luật đất chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cẩu quan thừa cơ gây hoạ
Bọn giang hồ còn ỷ thế làm càn
Ép dân đen mất đất phải vào tù
Vùi con đỏ hết nghề đi cầu thực
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
...

Anh Vươn:

Xã Vinh Quang dấy nghĩa
Huyện Tiên Lãng nương mình
Ngẫm cướp ngày há đội trời chung
Căm mọt nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn lấn biển, sách thủy nông suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ kinh tế đắn đo càng kỹ.
Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi
Vừa khi thu hoạch đến tay,
Chính lúc ruồi xanh kéo tới.

Lại ngặt vì:

Minh chúa như sao buổi sớm,
Liêm quan như lá mùa thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
Tấm lòng lấn biển, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
Đắp đập, đắp đê, thường chăm chằm mỗi mùa bão tới.

Thế mà:

Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi.
Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối.
Phần vì giận quân thù ngang dọc,
Phần vì lo vận nước khó khăn,
Hải Phòng Thành tiền hết mấy tuần,
Tiên Lãng Huyện người không một đội.
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan.
Nhân dân bốn cõi một nhà, mạng xã hội ngọn cờ phấp phới
Báo chí một lòng giúp sức, hoà nước đầm chén rượu ngọt ngào.
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
Anh em mai phục, lấy ít địch nhiều.

Trọn hay:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Quyền lực thứ 4 sấm vang chớp giật,
Mạng xã hội chém trúc chẻ tro bay.
Sĩ khí đã hăng
Tinh thần càng mạnh.
Trung Thoại, Văn Hiền nghe hơi mà mất vía,
Hữu Ca, Văn Liêm, nín thở cầu thoát thân.
...

Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt,
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công.
Tưởng chúng biết lẽ ăn năn nên đã thay lòng đổi dạ
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính lại còn chuốc tội gây oan.
Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian.

Bởi thế:

Thằng nhãi con Phích, Hiền múa mép không ngừng
Đồ nhút nhát Thoại, Ca đem dầu chữa cháy
...

Ngày mồng năm, xã Vinh Quang, hoa cải nổ rền
Ngày mười hai, họp báo UB, Văn Hiền phá nhà còn cãi
Ngày mười hai, Văn Phích đổ vấy Văn Anh nhầm lẫn
Ngày mười bảy, Phó Tổng Trung Thoại gắp lửa bỏ tay dân
Thuận đà báo chí đua nhau hỏi xoáy
Bí nước giặc đáp xoay tựa chửi nhau
Lại thêm trên mạng bốn mặt ép thêm
Hẹn cùng đầu năm diệt giặc
Phóng viên kén người hùng hổ
Biên tập chọn kẻ vuốt nanh
Bài ra mãi, sâu mọt có nhờn?
Nước khuấy động, quan trên đã tỏ?

Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.
Trái, phải hai lề góp sức ra tay,
Blog, Forum cũng không kém phần sôi nổi
Vinh Quang, Tiên Lãng, giang hồ ra chặn đầy đường
Hải Phòng, Việt Nam, phóng viên cũng không nao núng.
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ

Bị đánh khắp nơi, quan Hải Phòng đề nghị báo ngừng tin
Thua ở truyền thông, báo bản địa đường cùng đăng nhảm
...

Lũ cẩu quan thất thế, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Nhưng ỷ thế bao che, vẫn lộng hành cho lũ sài lang
...

Xã tắc bao giờ vững bền?
Giang sơn bao giờ đổi mới?
Càn khôn bĩ, thái khi nào?
Nhật nguyệt hối, minh chưa rõ!
Ngàn năm vết nhục nhã chưa tan
Muôn thuở nền thái bình đe dọa!
Mong trời đất tổ tông linh thiêng lặng thầm phù trợ chúng con!

Than ôi!

Một lần hi sinh mìn nổ
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả dõi theo,
Mong được duy tân khắp chốn.

Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay.


Nguồn: Tác giả vô danh trên internet.

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

LUẬN THUYẾT VỀ TÌNH YÊU của OSHO


Osho (Bhagwan Shree Rajneesh)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Osho

"Rajneesh" Chandra Mohan Jain


Osho (11 tháng 12 năm 193119 tháng 1 năm 1990) tên thật là Chandra Mohan Jain (Tiếng Hindi: चन्द्र मोहन जैन), còn được gọi là Acharya Rajneesh từ những năm 1960 trở đi, sau đấy ông tự gọi mình là Bhagwan Shree Rajneesh trong thập niên 1970 và 1980, rồi cuối cùng lấy tên Osho năm 1989. Ông là nhà thần bí và bậc thầy tâm linh người Ấn Độ. Lời dạy có tính tổng hợp và điều hòa (syncretic) các tôn giáo khác nhau của ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thiền định, nhận biết, tình yêu, sự sáng tạo và hài hước - những phẩm chất được Osho xem như bị dập tắt bởi sự tuân thủ các hệ thống niềm tin tĩnh, truyền thống tôn giáo và xã hội hóa. Ông là một trong những người có sức ảnh hưởng rất lớn đến tôn giáo thế giới. Lời dạy của ông đã có một tác động nhất định đến phong trào New Age ở phương Tây,[2][3] và sự nổi tiếng của họ đã tăng lên đáng kể từ khi ông qua đời.[4]

Osho từng là giáo sư triết học tại Đại học Jabalpur và đi khắp Ấn Độ trong những năm 1960 để thuyết giảng trước đông đảo quần chúng. Quan điểm của ông chống lại tôn giáo được thể chế đã gây ra nhiều tranh cãi. Ông cũng chủ trương một thái độ cởi mở hơn với tình dục, và vì thế mà ông có biệt danh là sex guru - đạo sư tình dục ở Ấn Độ và sau này là trên báo chí quốc tế[5]. Trong thực tế, các bài nói về tình dục của Osho chiếm tỉ lệ nhỏ so với những chủ đề mà ông nói tới.

Trong năm 1981, Osho chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ và các đệ tử của ông đã thành lập một cộng đồng quốc tế ở đây, nó có tên là Rajneeshpuram, thuộc bang Oregon. Trong thời gian khoảng 1 năm, lãnh đạo của cộng đồng có những mâu thuẫn với cư dân địa phương chủ yếu liên quan đến vấn đề sử dụng đất đai. Osho có một bộ sưu tập lớn xe ô tô Rolls-Royce do các đệ tử giàu có tặng, điều này gây ra nhiều tai tiếng cho ông, bởi vì ít có vị lãnh đạo tinh thần nào sở hữu tài sản giá trị theo kiểu như vậy - tuy nhiên với Osho, bộ sưu tập này chỉ giống như một trò đùa của ông. Cộng đồng ở Oregon suy sụp trong năm 1985 và Osho phát hiện ra lãnh đạo cộng đồng ở đây đã phạm phải một số tội ác nghiêm trọng, trong đó có việc làm bẩn thực phẩm của người dân ở The Dalles. Osho bị bắt giữ ngay sau đó và phải chi trả tiền cho hành vi vi phạm cư trú. Ông bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ[6][7]. Một phần dưới áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ, 21 quốc gia từ chối cho ông nhập cảnh. Ngày nay các trung tâm tu học do ông thành lập có tên Osho International Meditation Resort.

Tình yêu

Trạng thái cao nhất của tình yêu không phải là mối quan hệ chút nào, nó đơn giản là trạng thái của bản thể bạn.

Cũng như cây có mầu xanh, tình yêu là việc yêu.

Cây không xanh vì người đặc biệt nào, không phải là khi bạn tới thì chúng mới trở nên xanh. Hoa cứ lan toả hương thơm của nó dù có ai tới hay không, dù có ai ca ngợi hay không.
Không, hoa cứ lan toả hương thơm của nó. Đó là trạng thái của bản thể, không phải là mối quan hệ.


Tình yêu là phép màu duy nhất. Tình yêu là chiếc thang từ địa ngục lên cõi trời.. Tình yêu bị bỏ lỡ, bạn bỏ lỡ cả cuộc đời mình. Tình yêu là cái nhìn thấu tỏ vào Người yêu.. Người hỏi về Thượng đế đơn giản nói trái tim người đó vẫn không nở hoa trong tình yêu.
Khi tình yêu đã thấm nhuần vào tim bạn, Thượng đế ở đó; tầm nhìn của tình yêu là tầm nhìn của Thượng đế.


Tình yêu đem tới mầu sắc: mầu xám đột nhiên trở thành cầu vồng, bùng nổ thành nghìn lẻ một mầu sắc, và cái xám xịt đờ đẫn trở thành phiêu diêu. Tình yêu thay đổi toàn bộ bầu khí hậu của bản thể bên trong của bạn – và với thay đổi đó toàn thể sự tồn tại được thay đổi. Không cái gì thay đổi ở bên ngoài – nhưng một khi bạn đầy tình yêu, bạn có sự tồn tại hoàn toàn khác sẵn có cho bạn.
Khi tình yêu được bừng lên, thế thì phép màu xảy ra – ngay cả trong cái nhìn cũng có âm nhạc; trong âm thanh, có im lặng chói sáng. Tình yêu là phép thần.
Tình yêu là “giai điệu thiêng liêng.” Trái tim, đập rộn ràng trong tình yêu, trở thành chiếc sáo trên môi của Thượng đế… và bài ca được sinh ra. Bài ca đó là tôn giáo.

Khi bạn được sinh ra trong tình yêu, tôn giáo được sinh ra trong bạn – và thế thì toàn thể cuộc sống của bạn là giai điệu, là bài ca hay.

Khi tình yêu được sinh ra, bạn có trung tâm. Một khi tình yêu được sinh ra, bạn được định tâm – và mọi thứ rơi vào hài hoà với trung tâm. Bạn trở thành dàn nhạc, hài hoà đẹp đẽ. Nó bị giấu kín trong bạn: bạn đã mang nó vào trong thế giới, nó vẫn chưa biểu lộ ra. Kabir nói hãy biểu lộ nó ra – để tình yêu của bạn được biểu lộ. Trong biểu lộ đó sẽ là lời cầu nguyện của bạn.

Tiêu chí của tình yêu: làm cho người khác điều bạn muốn được làm cho mình.
Tình yêu là điểm dừng giữa hai nốt: Sống và chết , là khoảng tối lung linh!
Và khoảng tối đó là tình yêu – nơi chết và sống gặp gỡ, nơi chết và sống ôm choàng lấy nhau, nơi sống và chết có chuyện tình, nơi sống và chết đi tới cực thích. Do đó, có hấp dẫn vô cùng trong yêu, bởi vì nó là cuộc sống… và cũng có cả sợ, bởi vì nó là chết nữa. Khi bạn làm tình với người đàn bà hay người đàn ông, bạn không bao giờ đi toàn bộ vào trong điều đó. Bạn đi xa hơn thế, bởi vì nó là cuộc sống – thế rồi bạn bắt đầu ngần ngại, thế rồi bạn không đi xa thêm nữa, bởi vì thế thì cái chết cũng có đó. Nó là điểm dừng giữa hai nốt, và nó tối – khoảng tối giữa hai nốt.


Tình yêu tuôn chảy chỉ từ ai đó là không ai cả. Tình yêu trú ngụ chỉ trong cái không. Khi bạn trống rỗng, có tình yêu.

Khi bạn đầy bản ngã, tình yêu biến mất. Tình yêu và bản ngã không thể cùng tồn tại được. Tình yêu có thể tồn tại với Thượng đế nhưng không thể tồn tại cùng bản ngã, bởi vì tình yêu và Thượng đế là đồng nghĩa.

Tình yêu và bản ngã là không thể ở cùng nhau được. Cho nên hãy là cái không. Đó là nghĩa của việc thành khiêm tốn, nhu mì.

Yêu không biết buồn. Nếu bạn vẫn biết buồn, bạn không biết yêu. Yêu không biết buồn, không buồn rầu.– bởi vì yêu là siêu việt lên trên sống và chết, cả hai. Nó đi ra ngoài sống và chết, cả hai. Nó là chỗ dừng giữa hai nốt. Nó cao hơn sống, nó cao hơn chết… làm sao có thể có buồn được? Và nó là chỗ dừng, im lặng… làm sao có thể có buồn được
Tình yêu làm bạn thành không ai cả, tình yêu lấy đi mảnh đất của bạn, tình yêu phá huỷ bản ngã của bạn toàn bộ. Nó triệt tiêu, nó giết chết bạn hoàn toàn, và nó cho bạn cuộc sống mới – cuộc sống không bản ngã nào: cuộc sống khiêm tốn, cuộc sống đơn giản, cuộc sống mà Thượng đế có thể sống qua. Bạn trở thành cây tre hổng… và âm nhạc của ngài bắt đầu tuôn chảy qua bạn



Yêu, nhưng đừng cho phép tình yêu của bạn trở thành thèm khát. Yêu, nhưng đừng cho phép tình yêu của bạn trở thành gắn bó. Yêu, nhưng đừng cho phép tình yêu của bạn trở thành phụ thuộc, thành nô lệ. Và thế rồi… thế rồi yêu vô cùng. Thế thì không có sợ hãi. Và yêu, bạn sẽ có khả năng đi qua bờ bên kia không khó khăn gì.

Dùng tiền, nhưng đừng trở nên bận tâm về tiền.Không trốn khỏi tiền, không trốn khỏi vợ con bạn và rời bỏ họ và đi lên hang động Himalaya – Tình yêu là thay đổi triệt để trong cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn. Cái đầu chỉ giống như sóng trên đại dương; tình yêu như chiều sâu. Trong chiều sâu không có sóng, và trong sóng không có chiều sâu. Ý nghĩ giống như sóng chỉ trên bề mặt. Không có cách nào cho sóng biết chiều sâu trong khi vẫn còn là sóng. Sóng có thể biết chiều sâu, nhưng thế thì nó phải biến mất trong chiều sâu. Nó sẽ không còn là sóng nữa, nhưng thế rồi nó có thể quay lại bề mặt. Nhưng thế thì sóng đó tự nó sẽ trở thành người Baul; không sóng khác nào sẽ nghe nó. Các sóng khác sẽ gọi sóng đó là điên bởi vì nó sẽ nói về chiều sâu, còn các sóng này chỉ biết chiều nông, chúng không biết chiều sâu.

Tình yêu là kinh nghiệm – mang tính tồn tại, như hương vị. Nếu bạn chưa nếm muối, không có cách nào giải thích nó cho bạn. Nếu bạn đã nếm nó, không có cách nào quên nó. Làm sao giải thích cho ai đó khác người chưa bao giờ biết cái gì mặn? Nói cái gì đây? Không phải là bạn không biết – bạn biết chứ, nó ở ngay trên đầu lưỡi bạn. Bạn biết mặn là gì, nhưng làm sao nói nó cho ai đó khác được? Điều duy nhất là đưa cho người kia chút muối. Và vẫn còn không có kinh nghiệm yêu là vẫn còn chết – bởi vì chỉ người yêu mới vứt đi những cái ta chết.
Chỉ người yêu mới chuyển động, bởi vì chỉ người yêu mới năng động. Logic là chết; tình yêu là sống.
Logic thuộc về quá khứ; tình yêu thuộc về tương lai. Logic chỉ đi vào trong vòng tròn cũ lặp đi lặp lại mãi. Tình yêu đi vào lãnh thổ mới. Là bản thân mình thì không bao giờ tĩnh tại, ở trong tình yêu cũng không bao giờ tĩnh tại. Nó bao giờ cũng cực lạc – không tĩnh tại mà cực lạc: bên ngoài tĩnh tại, bên ngoài đứng yên.



Bản ngã và tình yêu

Tại giai đoạn này tôi muốn trao cho bạn nguyên lí thứ nhất. Nếu bạn muốn biết chân lí cơ bản về tình yêu, điều kiện tiên quyết đầu tiên là hãy chấp nhận tính thiêng liêng của dục, hãy chấp nhận cái thiêng liêng của dục theo cùng cách bạn chấp nhận sự tồn tại của Thượng đế - với trái tim cởi mở. Và bạn càng chấp nhận dục đầy đủ hơn với trái tim và tâm trí cởi mở, bạn lại càng được tự do khỏi nó hơn. Nhưng bạn càng kìm nén nó nhiều bạn sẽ càng trở thành bị gắn với nó, giống như là anh nông dân kia, người đã trở thành nô lệ cho quần áo mình. Phạm vi của việc chấp nhận của bạn là phạm vi của tuyên bố của bạn. Sự chấp nhận toàn bộ về cuộc sống, về tất cả những cái là tự nhiên trong cuộc sống, về tất cả những cái Thượng đế trao cho trong cuộc sống, sẽ dẫn bạn tới thực tại cao nhất của điều thiêng liêng - tới những đỉnh cao còn chưa được biết tới, tới những đỉnh cao siêu phàm. Tôi gọi sự chấp nhận đó là hữu thần. Và đức tin đó trong cái Thượng đế trao chính là cánh cửa đi tới giải thoát.

Tôi coi những người hay giáo huấn kìm giữ con người không cho chấp nhận rằng cái mà là tự nhiên trong cuộc sống và trong sự phối hợp thiêng liêng, là kẻ vô thần. “Hãy phản đối cái này; hãy kìm nén cái kia. Tự nhiên là tội lỗi, xấu, dâm đãng. Hãy bỏ cái này; bỏ cái kia.” Tất cả những điều này thiết lập nên chủ nghĩa vô thần, như tôi hiểu nó. Những người thuyết giảng từ bỏ cũng là kẻ vô thần.

Bạn hãy chấp nhận cuộc sống dưới dạng tự nhiên và thuần khiết của nó và phát triển mạnh tính đầy đủ của nó. Bản thân tính đầy đủ sẽ nâng bạn lên, dần từng bước. Và chính cùng việc chấp nhận dục này sẽ nâng bạn lên những đỉnh cao thanh thản mà bạn không có khả năng nào tưởng tượng ra được. Nếu dục là than, chắc chắn một ngày nào đó sẽ tới khi nó tự biểu lộ bản thân là kim cương. Và đó là nguyên lí thứ nhất.

Điều nền tảng thứ hai tôi muốn nói cho bạn là về cái gì đó mà nền văn minh, văn hoá và tôn giáo ngay bây giờ, đã làm thành chai cứng bên trong chúng ta. Và đó là bản ngã, cái ý thức rằng “tôi đây”.

Bản chất của năng lượng dục thúc dục nó phải tuôn chảy hướng tới tình yêu, nhưng hàng rào của cái “tôi” đã bao quanh nó như bức tường và do vậy tình yêu không thể tuôn chảy. Cái “tôi” rất mạnh mẽ, cả trong người xấu cũng như người tốt, trong kẻ xấu xa cũng như trong người thánh thiện. Người xấu có thể xác nhận cái “tôi” theo nhiều cách, nhưng người tốt cũng khua cái “tôi” to lắm: họ muốn lên tận trời; họ muốn được giải thoát; họ đã từ bỏ thế giới này; họ đã xây dựng đền đài; họ không phạm tội lỗi; họ muốn làm điều này; họ muốn làm điều nọ. Nhưng cái “tôi” đó, cái dấu hiệu chỉ dẫn đó, bao giờ cũng hiện diện.

Bản ngã của người ta càng mạnh càng khó cho người đó hợp nhất với bất kì ai. Bản ngã len vào giữa; cái “tôi” tự xác nhận nó. Đó là bức tường. Nó tuyên bố, “Anh là anh còn tôi là tôi.” Và do vậy thậm chí kinh nghiệm thân mật nhất cũng không đem mọi người lại gần lẫn nhau. Thân thể có thể gần nhau nhưng mọi người vẫn còn xa nhau. Chừng nào vẫn còn cái “tôi” bên trong, cảm giác về người khác này không thể nào tránh được.

Một hôm Sartre nói một điều tuyệt vời: “Người khác là địa ngục.” Nhưng ông ấy đã không giải thích thêm gì nữa tại sao người khác lại là địa ngục, hay thậm chí tại sao người khác lại là người khác. Người khác là người khác bởi vì tôi là tôi, và trong khi tôi là tôi, thì thế giới bao quanh là người khác - khác và xa lạ, bị cô lập - và không có quan hệ nào.

Chừng nào còn có cảm giác tách bạch này, tình yêu không thể nào được biết tới. Tình yêu là kinh nghiệm của sự hợp nhất. Việc phá huỷ các bức tường, sự trộn lẫn của hai năng lượng là điều kinh nghiệm tình yêu là gì. Tình yêu là niềm cực lạc khi các bức tường giữa hai người bị đập vụn, khi hai cuộc sống gặp nhau, khi hai cuộc sống hợp nhất.

Khi sự hài hoà như vậy tồn tại giữa hai người tôi gọi nó là tình yêu. Và khi nó tồn tại giữa một người và đám đông, tôi gọi nó là sự giao cảm với Thượng đế. Nếu bạn có thể trở nên được hội nhập với tôi trong kinh nghiệm như vậy - để cho tất cả các rào chắn đều tan chảy, để cho sự thẩm thấu xảy ra tại mức độ tâm linh - thế thì đó là tình yêu. Và nếu sự hợp nhất như vậy xảy ra giữa tôi và mọi người khác và tôi làm mất đi căn cước của mình trong cái Tất cả, thế thì sự đạt tới đó, sự hội nhập đó, là với Thượng đế, với Đấng toàn năng, với Đấng toàn trí, với Tâm thức Vũ trụ, với Điều tối cao hay bất kì cái gì bạn muốn gọi nó. Và do vậy, tôi nói rằng tình yêu là bước đầu tiên và rằng Thượng đế là bước cuối cùng - cái đích cuối cùng và cao quí nhất.

Làm sao có thể xoá đi bản thân mình được?

Chừng nào tôi còn chưa làm tan biến bản thân mình đi, làm sao người khác hợp nhất được với tôi? Người khác được tạo ra do phản ứng với cái “tôi” của tôi. Tôi càng hô to “tôi” thì sự tồn tại của người khác càng trở nên mạnh hơn. Người khác là tiếng vọng của cái “tôi”.

Và “tôi” là gì? Bạn đã bao giờ nghĩ một cách bình thản về nó chưa? Nó có ở trong chân bạn, tay bạn, trong đầu bạn hay tim bạn không? Hay nó chỉ là bản ngã?

Cái “tôi” của bạn là gì và ở đâu, cái bản ngã của bạn ấy? Cái cảm giác về nó có đấy, ấy vậy mà lại chẳng tìm thấy nó ở chỗ đặc biệt nào cả. Bạn hãy ngồi im lặng một lúc mà tìm cái “tôi” đó. Bạn có thể ngạc nhiên, nhưng mặc cho việc tìm kiếm ráo riết bạn sẽ không tìm thấy cái “tôi” của bạn ở đâu cả. Khi bạn tìm kiếm sâu sắc bên trong bạn sẽ hiểu rõ là không có cái “tôi”. Như vậy, không có bản ngã. Khi có chân lí về cái ta thì cái “tôi” không có đó.

Nhà sư Nagsen rất được kính trọng đã được Hoàng đế Malind vời vào triều đình.

Sứ giả tới Nagsen và nói, “Thưa hoà thượng Nagsen, hoàng đế muốn gặp ngài. Tôi đến đây để mời ngài.”

Nagsen đáp, “Nếu ông ấy cần ta tới, ta sẽ tới. Nhưng, ta xin lỗi, không có người nào như Nagsen ở đây cả. Đấy chỉ là cái tên, chỉ là cái nhãn tạm thời mà thôi.”

Người đưa tin báo lại cho hoàng đế rằng Nagsen là người rất kì lạ: ông ta đã trả lời ông ta sẽ tới, nhưng lại nói rằng không có Nagsen như thế ở đó. Hoàng đế cũng ngạc nhiên với điều kì lạ đó.

Nagsen tới đúng hẹn, trong chiếc xe hoàng gia, và hoàng đế ra đón ông ấy tận cổng. “Hoà thượng Nagsen, ta đón chào ông đây!”

Nghe thấy điều này, nhà sư cười phá lên. “Tôi chấp nhận lòng hiếu khách của bệ hạ như Nagsen, nhưng xin hãy nhớ không có ai tên là Nagsen cả.”

Hoàng đế nói, “Ông cứ nói kiểu thách đố. Nếu ông không phải là ông, thế thì ai đang chấp nhận lời mời của ta? Ai đang đáp lại sự đón chào này?”

Nagsen nhìn ra sau mình và hỏi, “Đây chẳng phải là chiếc xe mà tôi đã tới sao?”

“Đúng đấy, nó là chính chiếc xe ấy đấy.”

“Xin hãy tháo ngựa ra.”

Việc này được thực hiện.

Vừa chỉ vào ngựa, nhà sư vừa hỏi, “Đây có phải là chiếc xe không?”

Hoàng đế nói, “Làm sao ngựa lại có thể được gọi là xe?”

Theo dấu hiệu của nhà sư, ngựa được dẫn đi, và thanh gióng xe được dùng để buộc ngựa cũng được dỡ ra.

“Các thanh gióng này có phải là xe của bệ hạ không?”

“Tất nhiên là không rồi, đây là những gióng xe chứ không phải xe.”

Nhà sư lại tiếp tục, ra lệnh bỏ bớt từng bộ phận một, và mỗi lần hỏi hoàng đế phải trả lời, “Đây không phải là chiếc xe.”

Cuối cùng chẳng còn lại gì nữa.

Nhà sư hỏi, “Bây giờ chiếc xe của bệ hạ đâu rồi? Từng bộ phận của nó đã được lấy đi và bệ hạ đều nói, ‘Cái này không phải là xe.’ Thế thì hãy nói cho thần, bây giờ chiếc xe của bệ hạ đâu rồi?”

Sự khải lộ làm hoàng đế giật mình.

Nhà sư tiếp tục. “Bệ hạ vẫn theo được ý thần chứ? Chiếc xe là sự lắp ghép; nó là một tuyển tập những thứ nào đó. Chiếc xe không có bản thể riêng của nó. Xin bệ hạ hãy nhìn vào bên trong. Bản ngã của bệ hạ ở đâu? Cái ‘tôi’ của bệ hạ ở đâu?”

Bạn sẽ thấy rằng cái “tôi” đó chẳng có ở đâu cả. Nó là sự biểu lộ của nhiều năng lượng; có thế thôi. Bạn hãy nghĩ về từng và mọi chi, về từng và mọi khía cạnh của bản thân bạn, và thế rồi khử bỏ dần mọi thứ, từng thứ một. Chung cuộc, cái không sẽ còn lại. Tình yêu được sinh ra từ cái không đó. Cái không đó là Thượng đế.

Trong làng một người mới mở cửa hàng cá với tấm biển lớn: “Bán cá tươi ở đây.”

Ngay ngày đầu tiên một người bước vào cửa hiệu và đọc, “Bán cá tươi ở đây.” Anh ta cười to, “’Cá tươi’ ư? Cá ươn bán ở mọi chỗ khác chắc? Phỏng có ích gì mà viết cá ‘tươi’?”

Chủ tiệm cho rằng anh ta phải; thêm vào đó, ‘tươi’ gây ra ý tưởng về ‘ươn’ cho khách hàng. Ông ta xoá đi chữ “tươi” trong biển hiệu. Tấm biển bây giờ ghi là “Bán cá ở đây.”

Một cụ bà, đến thăm cửa hàng ngày hôm sau, đọc to, “’Bán cá ở đây’ sao? Ông còn bán cá ở nơi nào đó khác chăng?”

Chữ “ở đây” bị xoá đi. Bây giờ tấm biển đọc là “Bán cá.”

Ngày thứ ba một khách hàng khác tới cửa hiệu và nói, “’Bán cá’ à? Có ai cho không cá đâu?”

Chữ “bán” lại bị xoá đi. Bây giờ chỉ còn lại mỗi chữ “cá”.

Một người có tuổi tới và nói với chủ hiệu, “’Cá’ à? Người mù, ngay từ xa, cũng có thể biết được mùi của cá được bán ở đây.”

Chữ “cá” bị loại bỏ đi. Tấm biển bây giờ để trống.

Một khách qua đường hỏi, “Sao tấm biển lại trống huếch thế kia?”

Tấm biển cũng bị bỏ đi nốt. Chẳng còn lại gì sau tiến trình khử bỏ dần; mọi từ đều đã bị loại bỏ, từng từ một. Và cái còn lại đằng sau là cái không, cái trống rỗng.

Tình yêu chỉ có thể được sinh ra từ cái trống rỗng. Chỉ cái trống rỗng mới có khả năng hội nhập với cái trống rỗng khác; chỉ cái không mới có thể hợp nhất toàn bộ với cái không khác. Không phải hai cá nhân, mà là hai chân không mới có thể gặp gỡ, bởi vì bây giờ không có rào chắn. Tất cả mọi thứ khác đều có tường bao; chân không không có gì cả.

Cho nên điều thứ hai cần phải nhớ là ở chỗ tình yêu được sinh ra khi tính cá nhân tan biến, khi cái “tôi” và “người khác” không còn nữa. Bất kì cái gì còn lại thế thì đều là mọi thứ, vô giới hạn - nhưng không cái “tôi”. Với sự đạt tới đó, tất cả mọi rào chắn đều vỡ vụn và xảy ra sự ùa tới của những sông Hằng đã sẵn sàng.

Chúng ta đào giếng. Nước đã có đó rồi, bên trong; không phải mang nó từ đâu tới cả. Chúng ta chỉ đào đất và đá lên và bỏ chúng đi. Chúng ta đang làm đích xác điều gì vậy? Chúng ta tạo ra cái trống rỗng để cho nước vốn ẩn bên trong có thể tìm ra không gian để đi vào, không gian để nó tự biểu lộ ra trong đó. Cái mà đang ở bên trong đó mong muốn có chỗ; nó muốn có không gian. Nó khẩn cầu cái trống rỗng - cái mà nó chưa có - để cho nó có thể đi ra, để cho nó có thể phụt ra. Nếu chiếc giếng đầy những cát và đá, khoảnh khắc chúng ta vét bỏ cát và đá đi, nước sẽ sủi lên. Tương tự, con người tràn đầy tình yêu, nhưng tình yêu lại cần không gian để xuất đầu lộ diện. Chừng nào trái tim và tâm hồn bạn còn nói “tôi” thì bạn vẫn còn là chiếc giếng cát và đá, và dòng suối tình yêu sẽ không sủi lên trong bạn.

Tôi đã từng nghe rằng ngày xưa có một cây đại thụ uy nghi, với cành lá xum xuê trải rộng ra hướng lên trời. Khi nó đang trong độ ra hoa, bướm ong đủ loại, đủ mầu, đủ kích cỡ, dập dìu quanh nó. Khi nó nở hoa và kết quả, chim chóc từ những mảnh đất xa xôi tới và hót trong nó. Các cành cây, như những bàn tay giang rộng, ban phúc lành cho tất cả những ai tới và ngồi dưới bóng chúng. Một cậu bé hay tới chơi dưới nó, và cây đại thụ này nảy sinh lòng yêu mến với cậu bé này.

Tình yêu giữa cây đại thụ này và cậu bé là có thể, nếu cái lớn không nhận biết rằng nó là lớn. Cái cây này không biết nó là lớn; chỉ con người mới có loại tri thức đó. Cái lớn bao giờ cũng có bản ngã như mối quan tâm chủ chốt của nó, nhưng với tình yêu thì không ai là lớn hay là nhỏ cả. Tình yêu ôm choàng bất kì ai tới gần.

Cho nên cái cây này đã nẩy sinh tình yêu với cậu bé này, người hay tới chơi gần nó. Cành của nó thật cao, nhưng nó uốn xuống và hạ chúng xuống thấp để cho cậu bé có thể hái hoa và hái quả. Tình yêu bao giờ cũng sẵn sàng cúi mình; bản ngã không bao giờ sẵn sàng cúi mình cả. Nếu bạn lại gần bản ngã, cành của nó thậm chí sẽ còn vươn cao lên hơn nữa; nó sẽ cứng rắn thêm để cho bạn không thể nào đạt tới nó được.

Đứa bé vui đùa tới, và cái cây hạ thấp cành của nó xuống. Cây rất hài lòng khi đứa bé hái hoa; toàn bộ bản thể nó tràn ngập với niềm vui sướng của tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng hạnh phúc khi nó có thể cho cái gì đó; bản ngã bao giờ cũng hạnh phúc khi nó có thể lấy.

Cậu bé lớn lên. Đôi khi cậu ngủ trong lòng cây, đôi khi cậu ăn quả của nó, và đôi khi cậu đội vòng miện bằng hoa của cây và hành động như một ông vua rừng rậm. Người ta trở thành giống như ông vua khi hoa của tình yêu có đó, nhưng người ta trở nên nghèo nàn và khốn khổ khi gai của bản ngã hiện diện. Việc thấy cậu bé đeo vương miện hoa và nhẩy múa làm tràn ngập lòng cây niềm vui sướng. Nó lắc lư chòm lá trong tình yêu; nó hát ca trong gió thoảng. Đứa bé càng lớn hơn nữa. Nó bắt đầu trèo lên cây để đung đưa trên các cành cây. Cây cảm thấy rất hạnh phúc khi đứa bé nghỉ ngơi trên cành của nó. Tình yêu hạnh phúc khi nó đem tới nguồn an ủi cho ai đó; bản ngã chỉ hạnh phúc khi nó đem tới điều bực dọc.

Với thời gian qua đi, gánh nặng của những nghĩa vụ khác xảy đến cho cậu bé. Tham vọng lớn lên; nó phải qua các kì thi; nó có bạn bè để tán gẫu và đi chơi, cho nên nó không tới cây thường xuyên nữa. Nhưng cây vẫn chờ đợi khắc khoải cậu bé tới. Nó cất tiếng gọi từ trong linh hồn mình, “Lại đây đi. Lại đây đi cậu bé. Ta đang đợi con.” Tình yêu chờ đợi ngày và đêm. Và cái cây chờ đợi. Cái cây cảm thấy buồn khi cậu bé không tới. Tình yêu buồn bã khi nó không thể chia sẻ; tình yêu buồn bã khi nó không thể cho được. Tình yêu biết ơn khi nó có thể chia sẻ. Khi nó có thể là kẻ buông xuôi, một cách toàn bộ, thì tình yêu là hạnh phúc nhất.

Khi cậu bé lớn lên, cậu ngày càng ít ra chơi với cây. Người trở nên lớn, người có tham vọng lớn lên, thì thấy ngày càng ít thời gian dành cho tình yêu. Chàng trai bây giờ mê mải trong các việc trần thế.

Một hôm, trong khi chàng trai đi ngang qua, cái cây nói với nó, “Ta đợi con mà con không tới. Ta trông đợi con hàng ngày.”

Chàng trai nói, “Cây có gì nào? Tại sao ta lại phải tới với cây? Cây có tiền không? Ta đang kiếm tiền đây.” Bản ngã bao giờ cũng có động cơ. Chỉ nếu có mục đích nào đó cần phải được đáp ứng thì bản ngã mới tới. Nhưng tình yêu lại không động cơ. Tình yêu là phần thưởng của riêng nó.

Cái cây giật mình nói, “Con sẽ tới ta chỉ nếu ta cho cái gì đó sao?” Cái mà không cho đi được thì không phải là tình yêu. Bản ngã tích cóp, nhưng tình yêu lại cho vô điều kiện. “Chúng ta không có cái bệnh tật đó, và chúng ta vui sướng,” cái cây nói. “Hoa nở trên chúng ta. Nhiều quả trưởng thành trên chúng ta. Chúng ta cho bóng mát. Chúng ta đung đưa trong làn gió thoảng, và ca lên những bài ca. Chim hồn nhiên nhẩy nhót trên cành chúng ta và hót líu lo thậm chí chúng ta chẳng có tiền. Cái ngày mà chúng ta dính líu với tiền, chúng ta sẽ phải đi tới đền đài như các anh, những con người yếu đuối vẫn làm, để học cách kiếm được an bình, để học cách tìm ra tình yêu. Không, chúng ta không có bất kì nhu cầu nào về tiền cả.”

Chàng trai nói, “Thế thì sao ta phải tới cây? Ta sẽ đi tới nơi có tiền. Ta cần tiền.” Bản ngã cứ đòi hỏi tiền bởi vì nó cần quyền lực.

Cái cây nghĩ một lúc rồi nói, “Đừng đi đâu khác nữa, con yêu. Hãy hái quả của ta và bán đi. Con sẽ kiếm tiền theo cách đó.”

Chàng trai lập tức tươi lên. Anh ta trèo lên cây và hái hết quả cây; thậm chí cả quả còn xanh cũng bị rung cho rơi xuống. Cái cây cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù vài cành và nhánh cây đã bị gẫy, cho dù nhiều lá đã rụng xuống đất. Đau đớn cũng làm cho tình yêu hạnh phúc, nhưng thậm chí sau khi đau đớn, bản ngã cũng chẳng hạnh phúc. Bản ngã bao giờ cũng ham muốn hơn nữa. Cây không để ý rằng chàng trai thậm chí đã chẳng hề quay lại để cám ơn nó. Nó đã được lời cám ơn của nó rồi khi chàng trai chấp nhận lời đề nghị hái và bán quả của nó.

Chàng trai không quay lại sau một thời gian dài. Bây giờ chàng ta đã có tiền và chàng ta bận rộn làm ra nhiều tiền hơn từ số tiền đó. Chàng ta đã quên mất tất cả về cái cây. Nhiều năm trôi qua. Cái cây buồn bã. Nó nóng lòng mong đợi sự trở lại của chàng trai - giống như người mẹ có bầu vú căng đầy sữa nhưng đứa con thì lại bị lạc. Toàn bộ con người của người mẹ cầu khẩn đứa con; người mẹ tìm kiếm điên dại về đứa con mình để cho nó có thể tới làm nhẹ bớt cho mình. Đấy cũng là tiếng khóc thầm của cái cây đó. Toàn bộ bản thể nó đau đớn quằn quại.

Sau nhiều năm, bây giờ đã là người lớn, chàng trai tới với cây.

Cái cây nói, “Lại đây, con ta. Lại đây ôm lấy ta.”

Người này nói, “Chấm dứt cái trò uỷ mị ấy đi. Đấy là trò trẻ con. Ta không còn là trẻ con nữa.” Bản ngã coi tình yêu là điên khùng, như chuyện hão huyền ngây thơ.

Nhưng cái cây vẫn mời anh ta: “Lại đây đi, hãy đánh đu trên cành ta. Hãy lại nhẩy múa. Hãy lại chơi với ta.”

Người này nói, “Chấm dứt cái lời vô dụng này đi! Ta cần xây một ngôi nhà. Cây có thể cho ta ngôi nhà được không?”

Cái cây than: “Ngôi nhà sao! Ta không có nhà.” Chỉ con người mới sống trong nhà. Không ai khác sống trong nhà cả ngoài con người. Và bạn có chú ý tới điều kiện của anh ta sau việc giam hãm của mình trong bốn bức tường không? Nhà anh ta càng lớn con người càng trở nên nhỏ bé hơn. “Chúng ta không ở trong nhà, nhưng con có thể chặt cành ta - và thế thì con có thể có khả năng làm một ngôi nhà.”

Không phí chút thời gian nào, người này đem rìu tới và chặt rời tất cả các cành của cái cây này. Bây giờ cây chỉ còn là cái thân trơ trụi. Nhưng tình yêu không để ý đến những điều như thế - cho dù mọi cành của nó có bị chặt rời vì người nó yêu. Tình yêu là việc cho; tình yêu bao giờ cũng sẵn sàng cho.

Người này thậm chí chẳng bận tâm tới việc cám ơn cây. Anh ta làm nhà mình. Và ngày tháng bay đi trong nhiều năm.

Cái thân cứ chờ đợi và chờ đợi mãi. Nó muốn gọi người ấy, nhưng nó không có cành cũng chẳng có lá để đem cho nó sức mạnh. Gió thổi qua, nhưng nó thậm chí cũng chẳng thể xoay xở để gửi gió một thông báo. Và linh hồn nó vẫn vang vọng với lời cầu nguyện duy nhất: “Hãy lại đây. Hãy lại đây, con ta. Hãy lại đây.” Nhưng chẳng cái gì xảy ra cả.

Thời gian qua đi và người này bây giờ đã già. Một lần ông ta đi ngang qua và ông ta tới đứng cạnh cây.

Cái cây hỏi, “Ta có thể làm được gì nữa cho con? Con đã tới sau một thời gian rất, rất lâu.’

Ông già nói, “Cây còn có thể làm được cái gì khác cho ta? Ta muốn đi tới những mảnh đất xa xôi để kiếm được nhiều tiền hơn. Ta cần một chiếc thuyền để du hành.”

Mừng rỡ, cái cây nói, “Nhưng điều đó không thành vấn đề, tình yêu của ta. Hãy chặt thân ta ra, và làm chiếc thuyền từ đó. Ta sẽ rất sung sướng nếu ta có thể giúp con đi tới những mảnh đất xa xôi để kiếm tiền. Nhưng xin con hãy nhớ, ta bao giờ cũng chờ đợi con trở về.”

Người này đem tới một cái cưa, cưa thân cây ra, làm chiếc thuyền và dương buồm ra đi.

Bây giờ cái cây chỉ còn là cái gốc nhỏ bé. Và nó chờ đợi cho người yêu trở về. Nó chờ đợi, nó chờ đợi và nó chờ đợi mãi. Người này sẽ chẳng bao giờ trở lại; bản ngã chỉ tới khi có cái gì đó kiếm được và bây giờ cây chẳng có gì cả, hoàn toàn không còn gì để cho nữa. Bản ngã không tới nơi không có gì để được. Bản ngã là kẻ ăn xin vĩnh viễn, trong trạng thái đòi hỏi liên tục, còn tình yêu lại là từ thiện. Tình yêu là ông vua, hoàng đế! Có ông vua nào vĩ đại hơn tình yêu không?

Một đêm tôi đã nghỉ lại gần gốc cây đó. Nó thì thào với tôi, “Người bạn đó của tôi vẫn chưa trở lại. Tôi rất lo nghĩ về hoàn cảnh ông ta bị chết đuối hoặc bị lạc. Ông ta có thể bị lạc ở một trong những quốc gia xa xăm đó. Ông ta có thể không còn sống nữa. Tôi ước ao biết được tin tức về ông ta làm sao! Vì tôi cũng gần hết đời mình rồi, tôi muốn được thoả mãn với ít nhất vài tin tức về ông ấy. Thế thì tôi có thể chết một cách hạnh phúc. Nhưng ông ấy sẽ không tới cho dù tôi có gọi ông ấy. Tôi chẳng còn lại gì để cho còn ông ấy chỉ hiểu ngôn ngữ của việc lấy.”

Bản ngã chỉ hiểu ngôn ngữ của việc lấy; ngôn ngữ của việc cho là tình yêu.
Tôi không thể nói điều gì nhiều hơn thế. Hơn nữa, chẳng có gì nhiều để nói hơn là điều này: nếu cuộc sống trở thành giống như cái cây đó, vươn rộng cành của nó ra xa và rộng để cho tất cả mọi người đều có chỗ trú ẩn trong bóng râm của nó, thế thì chúng ta sẽ hiểu tình yêu là gì. Không có kinh sách, không sơ đồ, không từ điển về tình yêu. Không có bộ nguyên tắc nào cho tình yêu cả.

Tôi tự hỏi tôi có thể nói gì về tình yêu! Tình yêu mới khó diễn đạt thế. Tình yêu chỉ có đó. Bạn có thể đã thấy nó trong mắt tôi nếu bạn tới và nhìn vào chúng. Tôi tự hỏi liệu bạn có thể cảm thấy nó khi cánh tay tôi giang ra ôm choàng hay không.

Tình yêu.

Tình yêu là gì?

Nếu tình yêu không được cảm thấy trong mắt tôi, trong cánh tay tôi, trong cái im lặng của tôi, thế thì nó chẳng bao giờ có thể được hiểu từ lời tôi cả.
Tôi lấy làm biết ơn vì việc kiên nhẫn lắng nghe của các bạn. Và cuối cùng, tôi cúi mình trước điều Tối cao ngụ trong tất cả chúng ta.

Trích từ "Từ dục tới Siêu tâm thức"

Sứ mệnh là một ảo tưởng


Hỏi: Chúng tôi có sứ mệnh để hoàn thành không?

Osho: Không, không ai có sứ mệnh nào để hoàn thành cả. Các nhà truyền giáo là những người nguy hiểm. Họ đã gây đủ hại rồi. Bạn phải hoàn thành bản thân mình. Không sứ mệnh gì cả.

Để Thượng đế chăm nom cho người khác. Bạn chỉ hoàn thành bản thể riêng của bạn. Đừng cố cải biến bất kì ai. Đừng cố là người làm tốt hơn, và đừng nghĩ rằng bạn có sứ mệnh và mọi người khác phải tuân theo nó.
Đó là cách toàn thế giới đã từng khổ trong nhiều thế kỉ thế. Nhiều nhà truyền giáo thế tạo ra nhiều xung đột thế; xô đẩy và lôi kéo mọi người từ đây và kia. Để cho họ yên đi!

Không ai có sứ mệnh nào để hoàn thành – nhưng bản ngã bao giờ cũng muốn những điều như vậy: rằng bạn có sứ mệnh để hoàn thành. Mọi người tới tôi và họ nói: “Tại sao Thượng đế đã cho sinh ra tôi?” Người rất quan trọng. Thượng đế đã trao công việc đặc biệt cho họ. Và tôi hỏi họ: “Đi và hỏi cây và chó và mèo xem: chúng cũng phải đang hỏi – tại sao Thượng đế đã cho sinh thành ra chúng ta? Hàng triệu và hàng triệu con vật có đó mà không có sứ mệnh nào.”

Trong thân thể bạn có cả triệu vi trùng – không có sứ mệnh nào. Nếu bạn đặt hai mươi bẩy số không vào sau số năm – đó là tính toán số tế bào sống trong thân thể bạn; và chúng hoàn toàn quên lãng về bạn – rằng bạn tồn tại. Chúng sống cuộc sống riêng của chúng, chúng đi vào trong luồng máu, chúng tận hưởng, chúng yêu, chúng rơi vào tình yêu, chúng xây dựng gia đình, chúng cho sinh ra con cái, chúng hoàn thành các nghĩa vụ – chúng phải nghĩ chúng có sứ mệnh nào đó để hoàn thành.

Bạn là gì trong vũ trụ bao la này? Thậm chí không là một tế bào nhỏ.
Nhưng con người rất bản ngã. Con người không thể cảm thấy thoải mái chỉ là bản thân mình, người đó muốn sứ mệnh lớn lao nào đó được gắn với bản ngã của mình. Không, tôi không thấy sứ mệnh nào cả. Cái toàn thể có thể có cái gì đó nhưng không cá nhân nào có.

Cho nên điều duy nhất bạn có thể làm là bản thân bạn thôi, là bản thân bạn một cách phúc lạc, và qua phúc lạc đó bạn hoàn thành cái gì đó. Nhưng không phải là bạn hoàn thành nó, nó được hoàn thành quan bạn; bạn trở thành phương tiện cho cái toàn thể. Nhưng nó không phải là sứ mệnh. Bạn phải không nhìn vào nó và bạn phải không bận tâm về nó.
Là bình thường thôi. Chính việc cố trở thành phi thường là một loại điên khùng. Chỉ bình thường và bạn là thiêng liêng. Cố trở thành phi thường và bạn điên.

Osho

ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI: INTERNET VÀ CÁI GIÁ ĐẮT PHẢI TRẢ


ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI: INTERNET VÀ CÁI GIÁ ĐẮT PHẢI TRẢ


Nhìn sâu hơn thì Internet đặt ra nhiều sự đánh đổi: bận rộn hơn nhưng kém sâu sắc đi, giao tiếp rộng rãi thêm song cũng hời hợt hơn, nhận nhiều thông tin nhưng cũng bị “giấu” nhiều thông tin. Sống trong thời đại Internet quả đem lại cho ta nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Trong đời sống hiện đại, kết nối với Internet hầu như là một nhu cầu “không thể thiếu” đối với ngày càng nhiều người. Chúng ta vào Internet vì công việc, vì muốn tìm kiếm thông tin, nhằm thư giản, hoặc để “sinh hoạt xã hội” (chăm sóc Facebook, viết blog). Những công cụ như máy tính điện tử, điện thoại khôn ngoan… quả có giúp ta tăng gia năng suất trong việc làm, liên lạc với nhau nhanh chóng và dễ dàng hơn, và nhiều việc quan trọng khác nữa. Tuy nhiên, cùng với các lợi ích là một số “mặt trái” của Internet: những trang web dâm ô, xách động bạo lực, nhiều thông tin sai, không thể kiểm chứng, hoặc những đả kích, vu khống cá nhân…

Thêm bận rộn nhưng giảm chiều sâu

Từ vài thập niên qua, những phương tiện “công nghệ số” (máy tính điện tử, điện thoại khôn ngoan…) đã cho chúng ta một cách mới, vô cùng mạnh mẽ, để theo đuổi “tính bận rộn” của mình. Chúng thường được quảng cáo như giải pháp cho cuộc sống đầy “stress” của xã hội hiện đại.

Đắm chìm trong thế giới Internet, chúng ta có thể quan sát “đám đông”, nhưng sự quan sát ấy không đem cho chúng ta “minh triết” (dùng chữ của một nhà nghiên cứu), nó cho ta sự “khôn lanh”, biết tin này, chuyện nọ… song đó không phải là minh triết sâu sắc. Sự sâu sắc làm giàu thêm liên hệ của chúng ta với đồng loại, cung cấp chất liệu và sự viên mãn cho đời sống. Chính nó làm phong phú hơn mọi hành động của chúng ta.

Hiển nhiên, “bận rộn” và “sâu sắc” không luôn luôn là xung khắc. Nhiều lúc chúng ta có thể nhanh nhẹn quay từ việc này sang việc nọ, nhưng tập trung hoàn toàn vào công việc trước mắt. Chẳng hạn một bác sĩ giải phẩu mỗi ngày có thể mổ từ ca này sang ca khác, song trong ca nào thì ông cũng tập trung chú ý 100% . “Bận rộn” trên “không gian số” thì khác sự bận rộn của một bác sĩ như thế. Từ màn hình, hàng chục công việc vẫy gọi chúng ta: nào là thư điện tử, nào là bài đang viết, biểu đồ đang xem, bài báo đang đọc, một trận bóng đá trực tuyến, v.v.. Như một đứa trẻ chơi lò cò, chúng ta nhảy từ việc này sang việc nọ. “Công nghệ số” làm tăng năng suất, nhưng chính nó là trở ngại cho sự tập trung liên tục ̶ một sự tập trung cần thiết cho những phát minh cơ bản, thật có bề sâu. Như nhà bình luận Mỹ William Powers[1] nhận xét: Sự kết nối qua Internet chính là kẻ thù của sự sâu sắc.

Với thư điện tử, chúng ta có thể liên lạc với bạn bè, thân quyến thường hơn, song hầu hết những “thư” này ngắn hơn, vội hơn, so với thư viết tay (hoặc đánh máy) ngày xưa. Xu hướng này rất rõ rệt trong giới trẻ: Họ ngày càng ít dùng thư điện tử mà chuyển sang nhắn tin qua điện thoại (texting). Đàng khác, “đối thoại” trên Internet là đối thoại qua ngôn ngữ và hình ảnh… song lắm khi một cái nhìn trong im lặng lại mang nhiều ý nghĩa hơn.

Chúng ta đang dần dần mất đi một giá trị vô cùng to lớn, một lối nghĩ suy, một cách trải nghiệm thời gian. Ấy là chiều sâu. Chiều sâu của tư tưởng và cảm nhận, chiều sâu trong hành động, và nhất là chiều sâu trong liên hệ giữa chúng ta. Bởi lẽ một cuộc sống viên mãn không thể thiếu chiều sâu, mất chiều sâu là một mất mát rất lớn.

Kết nối rộng rãi nhưng mong manh

Nếu bạn có một điện thoại di động, hoặc một máy tính nối kết với Internet, một địa chỉ email, thì bạn có thể tiếp xúc với hàng triệu cá nhân, tổ chức, và ngược lại, hàng triệu cá nhân, tổ chức có thể tiếp xúc với bạn. Hiện tượng này cho nhiều người ấn tượng là xã hội, thậm chí cả nhân loại, đang kết nối chặt chẽ hơn, hiểu biết nhau hơn. Có thật thế không?

Mark Granovetter (một nhà xã hội học người Mỹ) phân biệt hai loại liên hệ trong xã hội: “liên hệ mạnh” và “liên hệ yếu”. Những liên hệ mạnh là những liên hệ gia đình, bạn thân, xóm giềng gần gũi, vững bền, khó cắt, còn những liên hệ yếu là những liên hệ xã giao ngoài mặt, phiến diện, cắt bỏ dễ dàng. Theo Granovetter, chính những “liên hệ mạnh” mới là căn bản cho “vốn xã hội”, một thành tố quan trọng cho phát triển và tăng trưởng. Nhìn qua cách phân loại này, Malcolm Gladwell (tác giả của nhiều sách bán chạy nhất ở Mỹ) cho rằng Internet có làm dày đặc thêm liên hệ, nhưng đó là những liên hệ yếu, không phải mạnh. Những liên hệ yếu chẳng phải là hoàn toàn vô ích, nhưng chúng chỉ hữu ích cho những thư giản hời hợt, không thể được dựa vào để động viên, phối hợp để thực hiện những công tác đòi hỏi hi sinh và kiên trì. Một xã hội gắn kết với nhau bằng những liên hệ yếu là một xã hội không nhiều đoàn kết, nhất là những đoàn kết để hi sinh lâu dài vì sự nghiệp chung.

Một đặc tính nữa của những liên kết dựa trên Internet: Càng chằng chịt liên kết với người khác, chúng ta càng hướng ngoại (trái ngược với hướng về nội tâm của chính chúng ta). Chúng ta liên lạc thường hơn qua Internet, có những “bạn” trên Facebook mà ta không biết tên thật, sống ở đâu, chưa từng gặp mặt ngoài đời. Nhiều người bỏ nhiều thời giờ “chăm sóc” trang Facebook của mình hơn là tiếp xúc với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đang sống ngay bên cạnh. Khi sự liên lạc với người ở một châu lục khác cũng dễ dàng như với người sống bên cạnh thì sự cận kề (không gian hoặc huyết thống) mất đi nhiều ý nghĩa. Chẳng những cuộc sống nội tâm sẽ bị tổn hại, những liên hệ với những người gần gũi ta cũng sẽ bị tổn hại. Trong thế giới Internet, chúng ta có nhiều người quen nhưng ít người thân.

Tính “hướng ngoại” còn ảnh hưởng đến “thang giá trị” mà chúng ta dùng để tự đánh giá: những người có Facebook, có blog, thường tự đáng giá bằng con số “bạn” mà mình có trên Facebook, số người đến xem blog của mình, và số “comment”.

Cũng trong chiều hướng này, Evgeny Morozov[2] cho rằng toàn cầu hóa sẽ làm loãng đi sự quan tâm của trí thức đến những vấn đề của quốc gia họ. Một trí thức thượng thặng của Nga, Trung Quốc, Brazil… chẳng hạn, thường “thân thiết”, trao đổi, cộng tác với đồng nghiệp ờ các đại học, các trung tâm nghiên cứu, ở London, New York, Cambridge, Berkeley.. hơn là với trí thức ở chính quê hương của mình.

Lọc lừa và nặc danh

Oái oăm là trong số những người chỉ trích Internet mạnh mẽ nhất lại là những người đã có những đóng góp nền tảng cho sự phát triển của “không gian ảo”. Hai tác giả nổi bật là Eli Pariser[3] và Jaron Lanier.[4]

Theo Eli Pariser (cây bút chủ lực của tạp chí Wired chuyên về công nghệ số), những công cụ tìm kiếm (như Google) mà ai cũng cho là cực kỳ hữu ích để mở mang kiến thức, lại có tác dụng giam hãm người sử dụng trong một thứ “bong bóng” (chữ của Pariser) vô hình. Ông cho biết, khi bạn “Google” một đề tài nào đó thì Google sẽ căn cứ vào sở thích của bạn (mà Google suy đoán qua những tìm kiếm trước đây của bạn) để hiển thị kết quả, và theo thứ tự mà Google đoán là phù hợp với bạn.

Ví dụ: nếu bạn là một người Mỹ có khuynh hướng chính trị bảo thủ (căn cứ vào những bài, những thông tin mà bạn đã tìm qua Google trước đây) thì Google sẽ hiển thị cho riêng bạn những bài, tin, viết theo quan điểm bảo thủ lên đầu kết quả tìm kiếm. Như thế, càng ngày bạn càng chìm sâu trong thế giới của những người bảo thủ: đọc của nhau, mà không được biết gì về các quan điểm khác.[5] Tất nhiên, tình trạng y hệt cũng xảy ra cho những người có tư duy “tiến bộ” (hoặc một chân dung sở thích nào đó mà Google “đoán”, với một công thức bí mật mà công ty này thường xuyên điều chỉnh).

Jaron Lanier, một người tiên phong khác trong ngành “thực tế ảo” (virtual reality) còn mạnh mẽ chỉ trích Internet hơn cả Eli Pariser Ông nói cách giật gân: Facebook, Google là những “công ty gián điệp” (theo nghĩa bóng) bởi vì mô hình kinh doanh của họ hoàn toàn dựa vào việc thu thập, sắp xếp, đúc kết, rồi bán những thông tin về mọi mặt của cả tỷ người khắp nơi trên thế giới[6]! Lanier vạch ra một tệ nạn nữa của Internet, đó là những phản hồi (“comment”) nặc danh. Vì thế, đi xa hơn Pariser, Lanier cho rằng Internet còn là một “công cụ khủng bố”. Một tác giả xuất hiện trên Internet là lập tức bị một đám đông nặc danh ném đá, chê bai! Lanier phát hiện một mâu thuẫn nội tại của Internet: nó đe doạ sự tư riêng (thông tin – đúng hay sai – về đời tư, quá khứ của mỗi người đều có thể bị ai đó tung lên Internet) bởi chính tính nặc danh của nó.

Thay lời kết

Không ích lợi gì để đặt câu hỏi: Vậy thì Internet là tốt hay xấu cho đời sống chúng ta? Nó đã hiện hữu, xu hướng “số hoá” của mọi sinh hoạt là không thể cưỡng. Cũng không thể kết luận rõ ràng rằng “thế giới ảo” là tốt hay xấu: nó có cả hai mặt, vừa tăng năng suất trong công việc, vừa biến đổi mọi hoạt động của chúng ta. Điều quan trọng mà chúng ta có thể làm được là tìm sự cân bằng giữa “đời sống ảo” (trên Internet) và “đời sống thật”. Chúng ta không nên quên những người thân, bạn bè, sống chung quanh ta, chúng ta cần dành cho mình những “khoảng lặng”, cố gắng đi vào chiều sâu trong suy nghĩ, trong cảm giác, trong hành động. “Tiếp cận” thông tin, dù ngày càng phong phú, chẳng bao giờ là đồng nghĩa với minh triết và trải nghiệm.

Về phía những người có trách nhiệm lãnh đạo (nói chung, không chỉ là nhà nước), Morozov[7]đặt ra một danh từ mới “không tưởng không gian ảo” (cyber-utopianism) để gán cho tư duy xem Internet là tâm điểm. Đối với những người có tư duy này, mọi việc đều xoay quanh Internet, công nghệ Internet (và tiềm năng của nó) là tâm điểm mọi hoạt động ở bất cứ nơi nào, bất kể môi trường xã hội và lịch sử ra sao. Đó là một lỗi lầm cần tránh.

———————————————————-

Chú thích:

[1] William Powers, 2010, Hamlet’s BlackBerry: Building a Good Life in the Digital Age, New York: Harper.
[2] Evgeny Morozov, 2011, Tne Net Delusion: The Dark Side of Internet Freedom, New York: PublicAffairs
[3] Eli Pariser, 2011, The Filter Bubble: What the Intertnet is Hiding from You, New York: Penguin.
[4] Jaron Lanier, 2011, You Are Not a Gadget: A Manifesto, New York: Vintage. Xem thêm: Ron Rosenbaum, 2013, “What Turned Jaron Lanier Against the Web?”, Smithsonian Magazine, tháng giêng.
[5] Đây cũng là nhược điểm “chết người” của phe bảo thủ ủng hộ Mitt Romney trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Dự đoán của họ hoàn toàn sai lầm vì họ chỉ đọc, chỉ lấy tin từ những nhà báo, nhà bình luận bảo thủ như họ.
[6] Không chỉ những người có tài khoản với họ (kể cả Gmail) nhưng bất cứ ai đã sử dụng Google hoặc được Facebook của người nào đó nói đến
[7] Sách đã dẫn

BẢY ĐIỀU HOANG TƯỞNG VỀ HẠNH PHÚC



Gần như tất cả chúng ta đều mắc phải cái mà tôi gọi là những điều hoang đường về hạnh phúc – những niềm tin rằng những thành tựu nào đó ở người lớn (hôn nhân, con cái, công việc, sự giàu có) sẽ làm chúng ta hạnh phúc mãi mãi và những thất bại nào đó ở người lớn hoặc những nghịch cảnh (những vấn đề sức khỏe, ly dị, có ít tiền) sẽ làm chúng ta mãi mãi bất hạnh.



Tuy nhiên, những bằng chứng nghiên cứu tiết lộ rằng không có công thức thần kì nào cho hạnh phúc và cũng không chắc con đường nào dẫn đến bất hạnh. Thay vì đem lại hạnh phúc hoặc bất hạnh mãi mãi, những sự kiện lớn hoặc những thời điểm khủng hoảng trong cuộc sống có thể là những cơ hội cho sự đổi mới, sự phát triển hoặc những thay đổi ý nghĩa. Bạn chào đón những lúc đó như thế nào mới thật sự quan trọng.

1. Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi cưới đúng người

1 trong những điều hoang đường nhất về hạnh phúc đó là chúng ta sẽ hạnh phúc khi chúng ta tìm thấy người bạn đời lý tưởng và khi chúng ta nói “Con đồng ý.”Nhưng hôn nhân sẽ không làm chúng ta hạnh phúc mãnh liệt. Các nghiên cứu cho thấy hôn nhân nâng cao hạnh phúc chỉ kéo dài trung bình trong 2 năm. Thật không may, khi 2 năm đó hết và thỏa mãn mục tiêu của chúng ta là tìm thấy đối tác lí tưởng, nhưng không làm chúng ta hạnh phúc như chúng ta kỳ vọng, chúng ta thường cảm thấy phải có điều gì đó sai trái với chúng ta hoặc chúng ta phải là người duy nhất cảm nhận theo cách này.

2. Tôi không thể hạnh phúc khi những mối quan hệ của tôi đã đổ vỡ

Khi 1 mối quan hệ tan vỡ, phản ứng của chúng ta thường bị phóng đại. Nỗi sợ ly dị đặc biệt sâu sắc: Chúng ta cảm thấy như thể chúng ta không bao giờ có thể hạnh phúc trở lại, rằng cuộc đời của chúng ta bây giờ đã kết thúc. Tuy nhiên, con người có khả năng phục hồi xuất sắc, và nghiên cứu cho thấy mức độ hạnh phúc thấp xuất hiện 1 vài năm trước ly dị. Sau 4 năm đổ vỡ hôn nhân, con người hạnh phúc hơn đáng kể so với khi họ từng ở trong hôn nhân.

3. Tôi cần 1 người yêu

Nhiều người trong chúng ta tin rằng không có 1 người yêu sẽ làm chúng ta đau khổ mãi mãi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy người độc thân không hạnh phúc ít hơn so với người đã kết hôn, và những người độc thân được phát hiện thấy là tận hưởng niềm hạnh phúc lớn và ý nghĩa trong những mối quan hệ khác và ở những thứ họ theo đuổi. Thật không may, tin vào điều hoang đường này có thể có hại: Không nhận ra sức mạnh của khả năng phục hồi và những phần thưởng của tình trạng độc thân (như có nhiều thời gian hơn cho bạn bè hoặc tham gia vào những công việc và những cuộc phiêu lưu) có thể dẫn chúng ta đến 1 mối quan hệ tồi.

4. Có được công việc mơ ước sẽ làm tôi hạnh phúc

Gốc rễ của điều hoang đường này là sự nhận thức sai rằng, dù bây giờ chúng ta không hạnh phúc thì chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc khi giành được công việc mơ ước đó. Tuy nhiên, chúng ta gặp phải 1 vấn đề, khi đạt được công việc có vẻ như hoàn hảo đó không làm chúng ta hạnh phúc như chúng ta mong đợi và khi hạnh phúc đó quá ngắn ngủi. Quá trình thích nghi giải thích cho kinh nghiệm không được chào đón này- sự thật là con người có khả năng trở nên quen thuốc với hầu hết những thay đổi trong cuộc sống. Thật không may, nếu chúng ta tự thuyết phục rằng 1 kiểu công việc nào đó sẽ làm chúng ta hạnh phúc thì khi đó nhận thức sai lầm về sức mạnh của sự thích nghi có thể thúc đẩy chúng ta vứt bỏ những công việc tốt. Do đó, 1 bước quan trọng đầu tiên là hiểu rằng mọi người trở nên quen thuộc với sự mới lạ, thú vị và những thử thách của 1 công việc mới. Nhận thức mới này đề xuất với chúng ta 1 lời giải thích thay thế cho tình trạng phiền muộn với nghề nghiệp của chúng ta. Không có gì sai trái với công việc hoặc với động cơ làm việc hoặc với đạo đức nghề nghiệp của chúng ta. Sự thật là chúng ta đang trải nghiệm về 1 quá trình xuất hiện 1 cách tự nhiên ở con người.

5. Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi giàu và thành công

Nhiều người trong chúng ta tin rằng nếu chúng ta không hạnh phúc bây giờ thì chúng ta sẽ hạnh phúc khi chúng ta đạt đến 1 mức độ giàu có và thành công nào đó. Tuy nhiên, hạnh phúc đó tỏ ra khó nắm bắt hoặc ngắn ngủi, chúng ta khổ sở vì những cảm xúc trộn lẫn, thất vọng, chán ngán và thậm chí trầm cảm. Khi chúng ta đạt được phần lớn những thứ mà chúng ta từng muốn đạt được, cuộc sống có thể trở nên chán ngắt và thậm chí trống rỗng. Có rất ít thứ để trông mong. Nhiều người thành công không hiểu quá trình thích nghi tự nhiên này và có thể đi đến kết luận rằng họ thậm chí cần nhiều tiền hơn để có hạnh phúc thực sự. Họ không nhận ra là chìa khóa để có hạnh phúc không phải ở chúng ta thành công như thế nào, mà có lẽ là những gì chúng ta làm với sự thành công của chúng ta; nó không phải là thu nhập của chúng ta cao thế nào, mà là chúng ta phân phối nó như thế nào.

6.Tôi sẽ không bao giờ phục hồi lại sau 1 cuộc chẩn đoán ý khoa kinh khủng

Khi những nỗi sợ tồi tệ nhất về sức khỏe của chúng ta được nhận ra, chúng ta không thể tưởng tượng sẽ vượt qua được giai đoạn khóc lóc và tuyệt vọng. Chúng ta không thể tưởng tượng sẽ trải nghiệm hạnh phúc trở lại. Nhưng phản ứng của chúng ta và linh tính về tình huống tồi tệ này bị thống trị bởi 1 trong những điều hoang đường về hạnh phúc.

Phần lớn những gì có thể làm để đương đầu với các kết quả kiểm tra dương tính với bệnh tật nhằm gia tăng cơ hội sống của chúng ta sẽ không phải hoàn toàn đau khổ và vô nghĩa – quả thật, nó có thể là 1 khoảng thời gian cho sự phát triển và ý nghĩa – với hàng trăm nghiên cứu đã chứng minh.

Khoa học cho thấy chúng ta có quyền quyết định kinh nghiệm của chúng ta là gì và không là gì. Xem xét điều đó suốt mỗi phút trong ngày của bạn, bạn đang lựa chọn để chú ý đến 1 số thứ và chọn lựa bỏ qua, xem nhẹ, kìm nén hoặc rút lui khỏi hầu hết những thứ khác. Những thứ bạn chọn để tập trung chú ý trở thành 1 phần của cuộc sống của bạn và những thứ còn lại rơi ra ngoài. Ví dụ, bạn mắc 1 căn bệnh mãn tính và bạn có thể dành hầu hết thời gian trong ngày chìm đắm vào căn bệnh, rằng nó đã hủy hoại cuộc đời bạn như thế nào, hoặc bạn có thể dành thời gian trong ngày để tập trung vào tập thể dục hoặc kết nối với khía cạnh tâm linh của bạn. Chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta đơn giản bằng cách thay đổi những thái độ của chúng ta.

7. Những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời tôi đã hết.
Cho dù chúng ta đang trẻ, ở tuổi trung niên hoặc già, thì hầu hết chúng ta tin rằng hạnh phúc giảm dần theo tuổi tác, rơi rụng nhiều hơn với mỗi thập kỉ cho đến khi chúng ta đạt đến thời điểm mà cuộc đời của chúng ta được đặc trưng bởi nỗi buồn và mất mát. Do đó, chúng ta có thể ngạc nhiên khi biết những gì mà nghiên cứu kết luận. Người già hơn thực sự hạnh phúc và thỏa mãn hơn với cuộc sống của họ so với người trẻ hơn; họ trải nghiệm nhiều cảm xúc tích cực và ít cảm xúc tiêu cực hơn, và trải nghiệm cảm xúc của họ ổn định hơn và ít nhạy cảm hơn trước những thăng trầm của điều tiêu cực và stress hằng ngày.

Dù chính xác là khi nào hạnh phúc đạt đỉnh điểm vẫn chưa rõ – thì 3 nghiên cứu gần đây chứng minh rằng đỉnh điểm của trải nghiệm cảm xúc tích cực xuất hiện ở những độ tuổi 64, 65 và 79. Rõ ràng, độ tuổi thanh niên không phải là thời điểm vui vẻ, tươi sáng nhất của cuộc sống.

Tại sao như vậy? Khi chúng ta bắt đầu nhận ra rằng những năm tháng của chúng ta là có giới hạn, về cơ bản chúng ta thay đổi quan điểm của chúng ta về cuộc sống. Thời gian ngắn hơn thúc đẩy chúng ta hướng đến hiện tại nhiều hơn và đầu tư thời gian (tương đối hữu hạn) của chúng ta và nỗ lực vào những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống. Ví dụ, khi chúng ta già hơn thì những mối quan hệ ý nghĩa nhất của chúng ta được ưu tiên hơn việc gặp gỡ những người mới hoặc chấp nhận những mạo hiểm; chúng ta đầu tư nhiều hơn vào những mối quan hệ đó và loại bỏ những quan hệ không hỗ trợ. Theo ý nghĩa đó, chúng ta trở nên thông minh hơn về cảm xúc khi chúng ta già.

ĐỨA TRẺ CỦA RỪNG TRE




THIÊN DI









Cô thường đi lang thang trong cái công viên cách nơi cô sống chừng năm cây số, mỗi buổi tối nơi đó lại đông nghịt người tới tập thể dục.

Đây là nơi cô tìm đến mỗi khi chán nản, hòa lẫn vào dòng người như bất tận; những cặp đôi quấn lấy nhau trên những băng ghế đá trong góc tối. Cô nhấn chìm mình trong đó, như người ta trầm mình xuống một đại dương hỗn loạn. Tiếng trẻ con hòa lấy tiếng người lớn, tiếng cười lẫn vào tiếng la hét và những hồi còi không ngớt của bảo vệ. Chúng như từng đợt sóng ào đến, tan đi rồi lại tiếp tục dập đến. Cô mặc cho mình chìm xuống trong lúc chân đang bước đi, đôi mắt nhìn mông lung, ánh sáng và bóng tối xen kẻ.

Mỗi khi thấy cô đơn cô lại tới công viên, cô cần một nơi thật đông đúc và ồn ào để cho bản thân không phải suy nghĩ về bất cứ việc gì; trong cái đại dương dữ dội ấy cô thấy bản thân mình yên tĩnh.

Một giải pháp đáng buồn.

Sau khi đã đi chán chê cô lại leo lên xe phóng ra đường, nhìn thành phố lập lòe trong những ánh đèn đủ màu sắc, hứng gió đêm tan vào làn tóc xõa. Cô nhìn khung cảnh xung quanh mà như nhìn vào chốn không người, ảm đạm. Màu sắc của những ngọn đèn không chạm đến trí óc, chúng như tiếng vọng lại từ vực sâu chỉ thì thầm khe khẽ. Cô cứ chạy không mục đích như vậy, không muốn về nhà mà cũng chẳng biết đi đâu, tựa như một cái lông vũ nương theo chiều gió.

Buổi sáng làm việc, sáu ngày trong tuần, quay cuồng với đủ thứ số liệu, vài cuộc trò chuyện ấm ớ với những người đồng nghiệp mà cô phải cố tỏ ra thân thiện; cái cười khả ố của gã trưởng phòng, đôi mắt của gã khiến cô sởn gai ốc, một nỗi thèm khát công khai không hề xấu hổ. Đôi khi gã cố tình đụng chạm vào cô, mỗi lần như vậy khiến cô sởn hết gai ốc vì kinh tởm. Những buổi chiều về nhà cô chỉ muốn nằm một chỗ chờ ngày trôi qua và tất cả chìm vào dĩ vãng, ngủ một giấc thật sâu và không bao giờ tỉnh lại nữa. Nhưng rồi ngày mai vẫn tới, cô vẫn sống, vẫn tiếp tục làm cái mình không hề thích, vẫn bấu víu vào cái thành phố rộng lớn mà lạnh lẽo này.

Những ngày chủ nhật cô nằm cả ngày ở căn phòng trọ chật hẹp trên lầu hai, ngồi dựa vào tường hút thuốc rồi nhìn mãi cánh cửa đang mở, một đoạn lan can sơm màu xanh biển nhạt. Đôi khi vài bóng người lướt ngang qua, cô mỉm cười chào vài người và tảng lờ những người còn lại.

Nhỏ bạn cùng phòng nhìn cô một cách lo lắng, cô đáp lại bằng cái vẻ mặt bình thản, u buồn của mình.

- Có chuyện gì với mày vậy?

Có lần nhỏ hỏi.

Cô nhìn nhỏ rồi nhìn bàn tay mình, những ngón tay thon đều úp lên đầu gối.

- Tao không biết, tao chán, cô ngập ngừng, mà cũng không biết mình chán gì…

- Kiếm người yêu đi.

- Để làm gì?

Nhỏ nhún vai.

Cô cười nhạt châm một điếu thuốc, khói phả bồng bềnh.

Cuộc đời là một vòng xoay bất tận tới nhàm chán…



Đôi khi cô nhớ tới những ngày mình ở quê, khi đó cô còn là một con bé mới mười mấy tuổi, không có lo nghĩ gì rõ ràng. Gần nhà cô có một khu rừng tre rất rộng, những buổi chiều không đi học cô hay đi lang thang trong đó cả giờ liền, ngồi dưới những gốc tre, nghe gió đưa xào xạc những lá cành ở trên đầu, lá tre phủ một lớp dày dưới mặt đất. Cô có thể ngồi đó mãi. Có một thằng nhóc nhà gần đó cũng vào rừng tre suốt, thỉnh thoảng cô gặp nó, cả hai đã từng rất vui vẻ. Cô không còn nhớ mặt nó, cũng không biết nhà nó ở đâu cả hai gọi nhau mày tao một cách đơn giản.

Mùa hè chặt tre làm diều, tháng sáu tháng bảy đi hái măng, đốn tre làm kiếm; khi còn nhỏ cô quậy phá như một đứa con trai, lang thang cả ngày tới chiều muộn mới ló mặt về nhà. Lúc cha còn sống ông vẫn hay đánh cô vì tội đi chơi về trễ. Màu xanh của lá tre bao phủ tuổi thơ cô.

Lên 13 cha mất, cô phải phụ giúp mẹ để lo cho thằng em mới năm tuổi. Cô không vào rừng tre chơi nữa, mỗi buổi chiều cô vừa học bài vừa nấu cơm và trông em. Thằng nhóc kia cũng bỏ đi phương nào, chẳng bao giờ cô thấy mặt nó trong xóm. Tre vẫn mọc đều đặn, lớn lên, xanh tươi và khô héo, phủ cả một vùng rộng lớn; tiếng chúng xào xạc mỗi buổi tối vọng đến phòng cô như một lời nhắc nhở. Thỉnh thoảng cô nhìn về phía rừng tre, đôi mắt buồn bã, cái buồn của một đứa trẻ vừa mới lớn lên một chút, cái buồn mênh mông không điểm nhấn.

Ngày cô đi, tre nở hoa lác đác trong rừng, hoa tre không đẹp cũng không có hương thơm, nở xong cả cây tre khô kiệt mà chết. Cô thấy chính mình cũng đang chết, chết trong lòng, chết khi tóc hãy còn xanh, khi ngực còn đang phập phồng hơi thở.

Một phần của tuổi thơ đã chết trong cô.

Năm ấy cô 20 tuổi.



Giờ cô đã 24, đối với nhiều người cuộc sống của cô không có gì đáng phàn nàn, tốt nghiệp loại khá, kiếm được việc làm ổn định, mỗi tháng đều đặn gửi tiền về cho gia đình, lễ tết về quê. Cô là một bánh răng điển hình, sáng bóng trong bộ máy khổng lồ của thành phố; làm việc mỗi ngày, tiêu xài mỗi tháng và mỗi năm lại càng lọc lõi, sỏi đời hơn. Thành phố đã dạy cho cô những điều đó, một nơi chốn trải rộng đến bất tận từ cao đến thấp, phân tầng một cách khắc nghiệt; chật chội mà cũng mênh mông đến vô chừng.

Hai năm trước người ta đã đốn khu rừng tre đi, những gốc tre nằm chỏng chơ đơn độc. Tuổi thơ cô thế là hết, tan thành tro bụi cuốn theo gió hay làm khói bốc về trời. Ngày về cô đứng trước khu rừng khóc tấm tức, lâu lắm rồi không khóc, nước mắt chảy ra mặn chát.

Chẳng biết từ bao giờ cô trở nên lạc lối, lạc lối trong sự hiển nhiên của những việc phải làm và không nên làm, trước mặt cô là một con đường thẳng tấp vậy mà cô vẫn lạc. Chân bước đi về phía trước còn trí óc mãi vẩn vơ không định hướng, cô chỉ đi theo người trước mặt một cách máy móc.

Rồi cô tập hút thuốc lá, cắt tóc ngắn và không về quê nếu không cần thiết. Mỗi lần về quê cô phải nhịn thuốc lá, cô ghét điều đó, mẹ mà biết được cô hút thuốc sẽ chết giấc mất. Có lần khi về quê nửa đêm cô ra ngoài bờ sông hút thuốc, vừa hút vừa khóc thầm. Thấy thương mẹ mà cũng thương cho chính cô.



Rồi anh đến trong những tháng ngày bơ vơ ấy, hết sức tình cờ. Cô gặp anh trong một lần lang thang ở công viên; hai người ngẫu nhiên ngồi xuống cùng một băng ghế trống, anh mỉm cười chào cô và cô cười lại. Không ai đứng lên, hôm đó công viên còn đông đúc hơn bình thường. Ngày quốc tế thiếu nhi cả con nít lẫn các cặp đôi đều gia tăng mạnh mẽ.

Một lúc lâu không ai nói gì, cô rít thuốc một cách sành sỏi, quay quay cái Zippo dỏm trong tay; anh nhìn xung quanh với đôi mắt buồn ngủ, thỉnh thoảng lại ngáp dài. Cô quan sát anh. Anh mặc áo khoác đen không cài dây kéo, bên trong để lộ cái áo thun đỏ thẫm đã bay màu, quần lửng, dép lào tất cả chẳng ăn nhập gì nhau. Kiểu người không quan tâm chuyện ăn mặc. Khuôn mặt anh bị một phần mái tóc che mất, bàn tay thô cứng đang vào nhau, bắp chân rắn chắc. Nhìn anh có vẻ gì đó quen thuộc dù cô khá chắn cả hai chưa gặp nhau trước đó bao giờ.

Đây không phải là một cảm giác hiếm hoi, đôi khi ta thấy thân quen với những con người xa lạ

"Quốc tế thiếu nhi gì, quốc tế sản xuất thiếu nhi thì có," cô nghe anh lầm bầm.

Cô phì cười.

- Có gì làm anh khó chịu hả?

- Vậy cô không thấy khó chịu à? Thì ngoài đường người ta đang bán hoa hồng và trong này thì đầy các cặp đôi. Rốt cuộc thì cứ như Valentine của tháng 6.

- Đúng vậy thật, mà tôi không quan tâm.

Cô phà ra một hơi thuốc rồi vứt nửa điếu xuống đất.

- Bọn họ cần lý do để ra khỏi nhà, nếu không có ngày này họ sẽ vơ lấy những ngày khác. Chỉ vì họ có ai đó để đi cùng ra đường.

Anh ngẫm nghĩ một lúc, ngồi xích gần hơn một chút, cô nhích ra ngoài thêm một chút, khoảng cách vẫn giữ nguyên.

- Ra đường vào mấy ngày này đúng là xốn mắt, anh nhận xét.

- Vì anh có một mình nên anh thấy vậy thôi, cô nhếch mép.

- Cô không thấy vậy à?

- Không.

Anh nheo mắt.

- Cô nên thấy vậy đi!

- Vì sao?

- Có cảm xúc, dù là sự ghen tỵ cũng là một điều tốt. Nó phân biệt con người với một cái máy.

- Vậy à?

Cô trả lời lơ đãng và nghĩ gã quái này đang lảm nhảm gì vậy, cô chẳng cần ai dạy bài học nào về cuộc sống, nhất là khi đang ở trong cái đại dương đông đúc này và ngồi kế một người xa lạ.

Cô đã học đủ rồi!

- Cô cũng nên bỏ thuốc lá đi, cái đó không tốt đâu?

Cô nhăn mặt gắt.

- Sao anh không im đi. Tôi làm gì thì có ảnh hưởng gì tới anh.

Cô mồi một điếu thuốc mới.

- Anh thấy khó chịu là việc của anh đừng có lôi tôi vào. Tôi không quan tâm tới mấy cặp tình nhân vớ vẩn ở đây, cũng chả quan tâm tới ngày quốc tế gì hết, tôi chỉ muốn vứt mình ở đâu đó thôi. Sao không để yên cho tôi, tôi hút thì liên quan gì tới anh? Nếu không thích thì biến chỗ khác.

Gằn giọng, cô rít vội một hơi rồi ho sù sụ.

- Thấy chưa? Đã có chút cảm xúc rồi đó, anh mỉm cười, đừng cố kìm nén cứ xả ra hết đi!

Cô bật cười vừa cười vừa ho.

Anh và cô đã quen nhau như vậy.



Hai người ngồi xích lại gần hơn.

- Anh làm quen với gái như vậy à? Làm cho họ khó chịu rồi chọc họ cười.

- Không, làm gì có. Chỉ là tôi đang khó chịu, tôi tới công viên là để khuây khỏa, thế rồi gặp phải một đống những cặp tình nhân và họ chiếm hết ghế. Cuối cùng khi tìm được một cái thì phải chia sẻ nó với một người lạ và cô ta cứ phả khói vào mặt tôi cả buổi.

Giọng anh ta đều đều không cảm xúc hay điểm nhấn cứ như tường thuật lại một câu chuyện nào đó vậy.

- Nên tôi nghĩ phải làm cho ai đó bực mình mới được, anh nhìn cô cười nhạt, làm cho người khác bực mình là cách nhanh nhất để giải tỏa sự bực bội của bản thân.

Vứt điếu thuốc cô mỉm cười thoải mái. Hai người trò chuyện với nhau về đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất. Cả hai có nhiều điểm chung: tính mỉa mai, sự bất cần và âm nhac thập niên 60-70. Cô than vãn với anh về công việc nhàm chán của mình, những người đồng nghiệp giả tạo. Anh nói với cô về sự suy tàn của văn mình nhân loại và những album của The Beatles, cái chết của Jonh Lennon. Tất cả các đề tài ấy cô đều có những nhận xét riêng, hai người trò chuyện với nhau rất hợp.

Cô hỏi, chau mày.

- Anh bao nhiêu tuổi rồi vậy? Anh nói chuyện giống như mấy ông già vậy, như cái thời đại này không dành cho anh.

- Tôi 24, bằng tuổi cô.

Rồi anh chép miệng, chắc đúng là thời đại này không dành cho tôi thật, nó quá bình thường; một sự bình thường bị trầm trọng hóa tới mức quái dị.

- Anh đang nói gì vậy?

- Nói nhảm thôi, làm ra vẻ cao siêu, đại loại vậy; cô biết đó, giống như mấy thằng cha văn nghệ sĩ mỗi lần được phỏng vấn trên ti vi.

Hôm đó cô đã cười rất nhiều.

- Cho tôi số điện thoại đi động của anh đi, cô nói trước khi hai người chia tay.

- Không, tôi không có.

- Thật à?

- Thật, tôi không có điện thoại di động, cũng không muốn có.

- Vậy muốn tìm anh người ta làm thế nào?

- Thì cứ tới nhà tôi mà tìm thôi.

Anh nhún vai rồi chỉ vu vơ về phía sau.

- Tôi sống ngay gần công viên này, cái nhà kế bên thảm cỏ. Tôi thấy không có lý do gì để có một cái. Điện thoại bàn là đủ rồi.

- Vậy cho tôi số bàn đi.

Anh cho số. Cô mỉm cười chào anh rồi ra về, khi bước đi cô vẫn còn cảm thấy ánh mắt anh đang nhìn mình, cái nhìn bình thản.

Hôm đó cô đi ngủ với một nụ cười trên môi, một gã kỳ lạ, cô đã nghĩ vậy.



Từ đó mỗi lần tới công viên cô đều gọi anh ra và bao giờ anh cũng xuất hiện, bất kể sáng trưa, chiều hay tối. Dường như anh rỗi rãi cả ngày để có thể đi lang thang với cô bất cứ khi nào cô thấy buồn chán.

- Anh làm nghề gì vậy? Thấy anh rảnh cả ngày!

Có lần cô hỏi anh, khi ấy cả hai đang đi cạnh nhau trong công viên, con đường quanh co qua những khóm hoa đủ màu sắc được cắt tỉa cẩn thận.

- Nếu không thích thì không trả lời cũng được, cô nói thêm rít nhanh một hơi rồi vứt điếu thuốc xuống đất.

Mỗi lần gặp nhau cô luôn thấy không thoải mái khi hút thuốc trước mặt anh.

- Có làm gì đâu, tôi đang thất nghiệp, nghỉ từ hồi ba tháng trước, anh trả lời bình thản.

- Sao vậy?

- Chán, mỗi ngày cứ tới chỗ làm, làm việc mà mình không thích, cười với những kẻ mà mình không ưa. Tôi không chịu nổi, một ngày nọ tôi nghĩ phải biến đi không thì mình sẽ rỉ sét hết, vậy là tôi nghỉ.

Giống y như tình trạng của cô hiện này có điều cô vẫn phải đi làm mỗi ngày, cô cười nhạt.

- Vậy anh muốn làm gì?

- Tôi không biết, anh đột ngột dừng lại, tôi vẫn đang suy nghĩ.

Cũng giống như cô.

Hai người ngồi xuống một băng ghế đá, trời chiều đã ngả về đêm, vài câu lạc bộ khiêu vũ bắt đầu mở loa, tiếng nhập xập xình, những cặp đôi trung niên nhún nhảy từ những bước khập khiễng của người mới tập tới những bước sành sõi của kẻ đã thuần thục. Cô ngâm nga theo nhạc, tiếng Tây Ba Nha, vài giai điệu rất quen thuộc.

- Nhiều khi tôi cũng muốn bỏ quách cái việc đang làm cho rồi, rời khỏi thành phố này, đi đâu thật xa, quên hết mọi thứ.

- Ai cũng muốn vậy mà, anh nheo mắt nhìn hai đứa nhóc ở phía xa đang la hét vào mặt nhau, tôi không thích thành phố này: quá ồn ào, quá náo nhiệt. Tôi vẫn nghĩ về quê mình, nhưng khi xa nó một thời gian dài, sống ở đây tôi nhận thấy mình không còn phù hợp với quê hương nữa. Mỗi lần về quê tôi lại càng thấy xa lạ hơn. Cảm giác như không còn chỗ nào thân thuộc nữa.

- Anh với tôi rất giống nhau đó, cô hít vào một hơi ngả người vào băng ghế đá lạnh toát, nói chuyện với anh rất dễ chịu.

- Tôi cũng thấy vậy.

Cả hai im lặng một lúc, cô đuổi theo những ý nghĩ của riêng mình. Đôi khi cô tự hỏi sao mình lại ghét thành phố này, cô đã từng rất thích nó: đông đúc, nhộn nhịp, đủ mọi trò vui. Có lẽ cô ghét nó cũng chính vì vậy, vì nó đã thay đổi con người cô, một sự thay đổi không thể nào cưỡng lại được.

- Anh có người yêu chưa? Cô hỏi, một ý nghĩ bất chợt bật thành lời.

- Chưa, còn cô

- Đã từng có.

- Vậy giờ anh ta đâu rồi?

- Đâu đó trong thành phố này thôi.

Cô nói, mồi một điếu thuốc, rít một hơi rồi vứt bỏ.

Ngày lụi dần nhường chỗ cho đêm, đèn sáng, người tràn ra đường; khói bụi mù mịt bị gió lạnh ban đêm thổi bạt đi mất. Anh thì thầm nói cho cô nghe, giữa tiếng nhạc xập xình, về một bộ phim mà anh thích, thật tình cờ cô cũng rất thích bộ phim ấy, hai người bàn luận sôi nổi.

Cô kể cho anh nghe về gia đình mình, người mẹ đang bệnh và đứa em học hết cấp 3 và sắp sửa lên thành phố, những gánh nặng, bao nhiêu lo toan đang đổ xuống cô, cô thấy chán nản, có khi thức dậy giữa đêm rồi khóc một mình mà không hiểu vì sao. Rồi cô nhận xét hình như lần nào gặp anh cô cũng toàn than thở về đời mình.

- Có sao đâu tôi cũng thích nghe mà, anh đáp lại kèm theo một cách nhếch mép.

Trong công viên có một nơi trồng rất nhiều trúc, những bụi trúc vươn tán lòa xòa che cho con đường quanh co bên dưới, nơi đó không có ánh đèn và yên tĩnh, tối tối những cặp tình nhân rúc vào đó, thì thâm nói chuyện với những cánh tay ôm siết. Ban ngày cô và anh hay đi tới đó, cô thích ngắm nhìn những cành trúc trong ánh sáng ban ngày hơn. Nhìn mắt lá đan vào nhau, nắng trong rọi xuống, xuyên qua kẽ lá lấp loáng nằm trên mặt đất.

Chúng làm cô nhớ tới khu rừng tre ngày xưa ở dưới quê, khi lớn lên ta buộc phải hài lòng với những thứ nhỏ nhoi mà mình có được. Tuổi thơ cô từ một cánh rừng tre bạt ngàn, xanh huyền ảo teo tóp lại thành một con đường vài với chục cây trúc nhỏ nhoi mỗi ngày được chăm bón kỹ càng.

Và đó là thứ mà người ta gọi là ký ức, một bức tranh nghèo nàn sắc màu so với thực tế; chúng ta ai cũng có cái gì đó để nhớ và đáng buồn thay càng về sau chúng càng nhỏ lại để cuối cùng trở thành một mẫu vô nghĩa chìm vào lãng quên.

Cô nói điều này cho anh nghe.

- Cô đa sầu đa cảm hơn vẻ bề ngoài nhiều, anh cười.

Cô đỏ mặt ngại ngùng và đánh vào lưng anh một cái.



- Lúc này mày nhìn vui vẻ hơn hồi trước, nhỏ bạn cùng phòng có lần nhận xét, có chuyện gì hả? Tìm được anh nào rồi phải không? Thấy nữ tính hơn trước nhiều.

Cô xua tay lắc đầu nhưng mặt đỏ bừng lên.

Vài người ở chỗ làm cũng nhận xét vậy, cô giật mình nhìn bản thân thật lâu trong gương. Cô có gì khác lạ so với mọi khi? Chính cô cũng không biết, lâu rồi cô không nhìn bản thân mình, không trang điểm hay tô son đánh phấn gì. Lâu rồi cô quên mất chính mình mà cứ mãi nghĩ về những việc xung quanh. Soi mói tấm gương một lúc cô quyết định đi chăm sóc lại mái tóc khô cứng và xác xơ của mình.

- Mái tóc này rất hợp với cô, nhìn rất xinh.

Anh nhận xét, rồi dùng tay vuốt tóc cô.

Cô cười.

Từ đó cô lại càng chú ý tới bản thân hơn, cô bắt đầu chăm sóc làn da, bờ môi; rồi trang điểm, chú ý tới cách ăn mặc. Cô cũng bỏ thuốc dần dần.

Những người xung quanh lại được dịp bàn tán nhiều hơn.

Thấy cô với bộ dạng mới gã trưởng phòng lại càng bạo dạn, có lẽ gã tưởng cô làm đẹp vì hắn, đàn ông thường dễ dàng tưởng tượng ra những chuyện như thế. Gã càng lấn tới cô càng quyết liệt hơn. Một lần khi gã cố tình sờ soạng cô cô đã thẳng tay tát gã một phát ngay vào giờ nghỉ trưa. Sự việc khá ồn ào.

Hôm sau cô được chuyển qua bộ phận khác không phải làm việc với gã nữa, gã vẫn không hề hấn gì, chú của gã là giám đốc. Nhưng từ đó công việc của cô cũng xuống dốc, cô bị giao cho những việc khó, bị cô lập, cô không nói chuyện được với ai ở chỗ làm.

Buồn và vui đến với cô cùng một lúc. Yên bình và hoang hoải cùng ập tới vùi dập cô đến ngẩn ngơ.



- Tôi muốn nghỉ việc! Cô nói trong khi tựa đầu vào vai anh.

- Tại sao?

- Mệt mỏi quá, đủ thứ chuyện dồn ép, cô vẫn chưa nói với anh về gã trưởng phòng, tôi muốn bỏ hết cho rồi.

- Vậy thì bỏ đi, đừng ngại.

- Nhưng con gia đình, ai sẽ lo cho gia đình tôi?

- Vậy thì đừng bỏ.

Cô ngồi thẳng dậy gắt.

- Anh nói chuyện kiểu gì vậy? Tôi đang nói nghiêm túc…

- Vậy cô muốn được trả lời như thế nào? Anh nói mà không nhìn cô.

- Muốn tôi nói rằng mọi chuyện sẽ ổn và rồi cô sẽ lo được hết cho tất cả à? Làm gì có chuyện đó, thậm chí nó còn chẳng phải là một giải pháp nữa kìa, chỉ là một sự trốn tránh. Cô muốn cái gì? Hy sinh vì gia đình của mình để rồi sau đó than khóc vì sự hy sinh đó à? Vậy thì đừng có hy sinh hãy ích kỷ một lần đi. Mẹ cô cũng chẳng muốn cô hy sinh vì bà đâu, đặc biệt là kiểu hy sinh này. Đừng có hy sinh một cách ích kỷ như vậy, nếu cô hy sinh thì cô không phải là nạn nhân, cô chỉ là một người chấp nhận bất công về mình. Cô đã tự nguyện làm điều đó thì còn đòi hỏi gì nữa. Nếu ghét một cái gì đó hãy vứt bỏ nó, nếu thích thì giữ nó bên mình, lấp lửng chỉ làm cô chậm lại thôi.

Anh nói một hơi như trút hết giận dữ trong mình ra ngoài.

Im lặng, cô sững sờ nhìn anh không biết nói gì. Anh vẫn bình thản đan hai bàn tay vào nhau, không nhìn cô mà nhìn về phía trước, đôi mắt anh trống rỗng trải ra đến mênh mông.

Một lúc sau cô đứng lên ra về, vừa chạy xe trên đường cô vừa khóc, nước mắt mặn chát phủ nhòe quanh cảnh trước mặt. Tối hôm đó cô gọi điện về cho mẹ kể hết những bức bối trong lòng, cô khóc với mẹ như một đứa trẻ.

Hai ngày sau cô chính thức thôi việc, vừa tìm việc mới cô vừa nhận những công việc bán thời gian: sáng chạy bàn cho quán cà phê, chiều bán hàng ở một nhà sách; rồi thêm những việc làm thời vụ. Công việc bận rộn cuốn cô đi không cho cô một giây phút ngơi tay. Cô không còn thời gian để đi công viên nữa, cũng không gặp hay liên lạc với anh.

Từ lúc bỏ việc cảm giác chán nản trong cô vơi dần đi, không còn những buổi tối ngồi một mình rít thuốc; không còn nỗi buồn mênh mông khi thức dậy. Lần đầu tiên trong đời, cô thấy thoải mái và sung sướng khi bỏ cuộc, khi đầu hàng một cái gì đó. Vì cô từ bỏ một thứ không đáng để chiến đấu và để dành sức cho những thứ đáng giá hơn.

Và cô biết, anh đã đúng.



Một buổi sáng rảnh rỗi hiếm hoi cô tới công viên và gọi cho anh. Giọng nói máy móc của tổng đài thông báo số điện thoại không tồn tại, cô bấm lại hai ba lần kết quả vẫn như vậy. Ngồi ngẩn ngơ một lúc cô đứng lên đi lòng vòng công viên, tìm về hướng anh đã từng chỉ và nói nhà mình ở đó. Hướng ấy không có ngôi nhà nào cả, chỉ có một cái cây to lớn vươn bóng mát che phủ một vùng rộng lớn. Cô ngồi xuống gốc cây và thiếp đi lúc nào không biết.

Trong giấc ngủ cô mơ thấy anh, anh nắm tay dẫn cô đi trên con đường quanh co trồng những bụi trúc của công viên. Cô không thấy mặt anh, cũng không nghe được tiếng anh nói. Càng đi những bụi trúc càng lớn hơn và dày hơn. Đến một lúc nào đó cô thấy mình đang đứng giữa khu rừng tre ngày xưa còn anh và cô thì trở thành những đứa trẻ 12, 13 tuổi. Anh quay mặt lại, cô reo lên thích thú, anh là thằng nhóc ngày xưa trong khu rừng tre. Anh dẫn cô chạy sâu hơn vào rừng và cả hai chơi đùa với nhau như ngày còn nhỏ.

Rồi khi chiều muộn anh lại dẫn cô ra khỏi rừng tre, hai người từ từ lớn lên trở lại như ban đầu.

- Vậy anh chỉ là tưởng tượng của tôi, cô hỏi trong mơ.

- Có quan trọng không?

- Có chứ, nếu đúng vậy thì tôi chỉ tự huyễn hoặc mình, tự yêu bản thân.

Anh cười, nụ cười diu dàng; bàn tay anh luồn vào tóc cô.

- Không, điều đó có nghĩa là tự cô đã luôn có câu trả lời cho mình; tự cô đã cứu giúp mình không cần đến ai khác. Có nghĩa là cô rất mạnh mẽ.

- Sau này anh có còn xuất hiện nữa không?

- Tôi không biết, chỉ có cô mới trả lời được câu hỏi đó thôi.

Thức dậy, cô ngồi ngẩn ngơ bên thân cây to lớn ấy một lúc rồi ra về với một nụ cười mỉm. Lòng cô thấy bình yên vô hạn.

Cô vẫn không biết anh có thực sự tồn tại hay không, rằng suốt thời gian nói chuyện với anh có phải cô chỉ tự độc thoại với chính bản thân mình; nhưng cô nhận ra câu trả lời không còn quan trọng nữa. Đối với cô anh chính là quê hương, cái quê hương từng là một thằng nhóc ham chơi, lấm lem đất cát giờ trở thành một chàng trai xa xôi, kỳ lạ. Đó là quê hương ở trong cô, đổi khác và lớn lên từng ngày như chính cô vậy.

Nhưng bao giờ cũng vậy, ở bên anh rất đỗi yên bình; giống như khi cô đi sâu vào khu rừng tre vẫn tỏa bóng mát trong ký ức của cô.

Đó là chốn an yên bất diệt…



THIÊN DI

LỪA GẠT NGƯỜI VÔ THỨC




Giác Hạnh Tâm dịch


Dương Trung là người giúp việc của Đới Hiến Khả, nhà Đới Hiến Khả rất giàu có, ông lệnh cho Dương Trung giúp ông phụ trách kinh doanh một nông trang; Dương Trung kinh doanh rất nỗ lực, lợi nhuận mà anh thu hoạch cũng rất nhiều. Sau đó, Đới Hiến Khả chết đi, để lại một đứa con trai tên là Bá Giản, tuổi còn rất nhỏ, nó rất vui vẻ và thích sống vật vờ với những thiếu niên không tốt, ăn uống phung phí; không được mấy năm thì toàn bộ gia sản bị phá sạch, chỉ còn lại nông trang kia mà người giúp việc Dương Trung đã kinh doanh. Bá Giản đi đến nông trang nương nhờ Dương Trung, Dương Trung bèn thanh lý tài sản nông trang và giao lại tất cả cho Bá Giản. Bá Giản rất vui mừng, lại tiêu hoang giống như trước kia; Dương Trung khóc và khuyên Bá Giản đừng xài tiền bừa bãi, Bá Giản không chịu nghe.
Có một hôm đám thiếu niên bất thiện mà Bá Giản giao lưu trước kia, lại đến nhà tìm Bá Giản để tụ tập, ăn uống và cờ bạc trong nhà. Dương Trung, trong tay cầm con dao đi về phía trước, kéo một đứa thiếu niên cầm đầu trong bọn ra và nói: “Tôi phục vụ chủ nhân đã hơn ba mươi năm, sau khi chủ nhân chết, tiểu chủ nhân thì trẻ tuổi, không hiểu biết, các anh là những “Cô hồn các đảng” thừa cơ hội dụ hoặc nó để làm hỏng việc; bây giờ gia sản nhà họ Đới đã bị phá hết rồi, may mà tôi giữ gìn nông trang của người chủ, lẽ nào các anh muốn cho toàn bộ tài sản của nhà họ Đới còn có bấy nhiêu bị phá hết sao? Bây giờ, trước tiên tôi chặt cái đầu của anh, rồi sau đó lại đi đến quan phủ tự thú để báo đáp hương hồn người chủ nhà của tôi ở trên Trời!” Sau khi những người này nghe xong thì tâm phục và khẩu phục xuống đất, hướng về Dương Trung nhận tội, và nói: “Chúng tôi từ nay trở đi cũng không dám đến nhà họ Đới nữa!”. Dương Trung bèn lấy ra một số vải vóc biếu họ.
Sau khi tháo gỡ bế tắc cho họ, Dương Trung khóc và xin lỗi tiểu chủ nhân rằng: “Cử động vừa rồi của lão bộc e rằng đã làm tiểu chủ nhân giật mình, mong tiểu chủ nhân từ đây về sau sửa đổi lại hết những thói quen từ trước, không nên kết giao với bạn ác, chỉ nghe kiến nghị của lão bộc thì lão bộc nhất định giúp đỡ tiểu chủ nhân hết tâm hết sức, chỉ cần hai, ba năm thì sản nghiệp của nhà họ Đới sẽ được khôi phục và hưng thịnh; nếu không như thế, lão bộc lúc đó sẽ nhảy xuống biển tự sát, vì lão bộc thực tại là không nhẫn tâm thấy tương lai của tiểu chủ nhân sẽ chết đói và mất mặt với nhà họ Đới vậy!” Sau khi nghe xong, Bá Giản rất cám ơn và hổ thẹn, chỉ đáp ứng lại bằng cách khóc mà thôi. Quả nhiên thời gian chưa được mấy năm Dương Trung đã khôi phục toàn bộ tài sản nhà, đất ban đầu của nhà họ Đới. Sau đó, lão bộc Dương Trung sống rất thọ mà vẫn khỏe mạnh.


Giải thích: người không có kiến thức, phải nên đánh thức họ tùy theo việc, cảnh cáo họ bằng nghĩa lý, khai mở họ bằng thiện và ác, khiến họ được giác ngộ, không để họ vì bị mê hoặc mà đọa lạc. Làm sao có thể để họ bị lừa bịp một cách dễ dàng còn chúng ta vì đó mà làm ngơ sao? Kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói: “Người vì mê loạn không hiểu biết, nếu kẻ nào khiến chúng sanh vì si mê lầm đường thì sau khi chết kẻ đó phải đọa vào địa ngục vô gián.”

Ngày tháng yên bình




" ...Tôi thực sự có quãng thời gian sống yên bình và hạnh phúc tuy ngắn ngủi và nó đã mất đi khi tôi tiếp tục dấn thân..."




Từ nhỏ, tôi đã thể hiện là một đứa bé thông minh, độc lập và năng động. Tôi có thể một mình vui vẻ chơi với những đồ chơi của mình mà không cần một đứa trẻ nào. Sự thông minh và năng động của tôi cũng được thể hiện trong suốt quá trình học tập ở nhà trường. Tôi luôn là học sinh xuất sắc và là tâm điểm của lớp tôi. Thế nhưng, chỉ đến năm lớp 11 tôi đã sớm nhận ra sự sự ảo tưởng, phù du của danh lợi và sớm trở thành một kẻ- mà bạn bè tôi từng bảo : yếm thế.

Ba tôi mất, cũng là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được sự ân hận : tôi đã phụ lòng kỳ vọng của ông dành cho tôi. Ở tuổi 24, với mọi người có lẽ là quá trẻ nhưng tôi luôn cảm giác một sự sống thừa thải ở tôi. Sự ra đi của ba tôi cùng với lòng ân hận đã đưa tôi đến với nghề cầm bút, cho dù lúc đó tôi không có mấy hứng thú với văn chương. Tôi từ bỏ công việc hiện có của mình, cùng mối tình đầu sâu đâm nhưng oan trái chỉ vì ý thức gia cấp nặng nề của gia đình người tôi yêu thương. Tôi viết truyện ngắn đầu tay " Hai mùa mưa" và được đăng ngay trên tạp chí của Hội văn học -nghệ thuật tỉnh. Rồi truyện ngắn thứ hai " Cảm ơn hoa hồng"...gây được sự chú ý và đến truyện ngắn thứ 3 : Niềm vui của Trọc xù, tôi đã chính thức vào làm biên tập viên bộ môn Văn học của Hội. Và tôi đã quyết định cưới vợ hy vọng tạo cho mình thêm động lực dấn thân vào con đường văn chương, tạo lập danh tiếng duy trì cái " nghiệp" của gia đình tôi.

Sống trong cái thơ giới của những người làm nghệ thuật- thế giới mà lúc nhỏ tôi luôn luôn kính trọng vì đó là thế giới của ba tôi- chưa được hai năm, tôi lại sớm thất vọng bởi những con người mang sứ mệnh cao đẹp ấy phần đông cũng chỉ là những kẻ " xôi thịt" " hèn mạt"...và đam mê hư danh. Có lẽ, đây mới là thời gian chính thức cho tôi nhìn được cuộc đời. Đi đến đỉnh điểm khi chỉ vì một chút hiểu lầm trong việc chuẩn bị đại hội lần đầu tiên ( sau 11 năm thành lập) mà những người bạn trở mặt nhau, những kẻ cơ hội len chân vào kết vây cánh rồi đấu đá nhau bằng những hành vi thật dơ bẩn. Thế là , tôi quyết định bỏ việc.

Tôi về sống ở căn hộ tập thể của cơ quan  vợ tôi. Ngày đó, vợ tôi mang thai đã hơn 4 tháng. Tôi không có chút lòng u uất nào như trước đây mà thật sự cảm thấy yên ổn với cuộc sống yên bình nghèo khó. Mỗi sáng, tôi thức dậy thật sớm, trở về với thói quen của thời thanh niên, đi  bài quyền rồi tắm rửa, vệ sinh cá nhân và nhóm bếp chuẩn bị buổi ăn sáng cho vợ tôi. Bữa ăn sáng thật đơn giản, khi thì một chén cơm nếp, khi chỉ là cơm nguội chiên lại..nhưng chúng tôi thật sự vui vẻ. Vợ tôi ngày đó thật hạnh phúc khi được tôi chăm sóc từng bữa ăn. Ăn sáng xong vợ tôi đi làm, tôi ở nhà thả gà cho ăn xong thì đào mấy con trùng làm mồi đi câu, kiếm chút thức ăn tươi cho cả ngày. Chúng tôi chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là từ đồng lương còm cõi của một nhân viên kế toán một công ty cấp 3 của huyện. Tôi từ bỏ thói quen cà phê ngày 3 cử, tập quấn thuốc rê... và hạn chế mọi giao tiếp nếu có thể( Tôi là người giao du rất rộng rãi, cũng may là đó chúng tôi sống ở huyện cách xa thị xã 20km). Tôi đi chợ, nấu cơm, giặt đồ cho vợ...khiến mấy đứa bạn vào thăm tôi không khỏi bất ngờ. Nhiều đứa hỏi tôi : mầy thực sự chấp nhận cuộc sống như thế hay sao? Tôi chỉ cười và đáp lại : hiện giờ tao thấy ổn hơn bao giờ hết.

Thế rồi, vào một buổi chiều anh Tấn Hùng cùng nhà văn Xuân Sắc vào thăm tôi. Khi ngồi uống cà phê, anh  Hùng mới đưa cho tôi xem quyết định nhận tôi vào làm việc ở Báo Tây ninh. Tôi khá bất ngờ, khi thấy mức lương khởi điểm của tôi cao gấp đôi mức lương của tôi ở Hội Văn Nghệ. Tôi không hề nhờ xin việc nhưng tôi biết mọi việc là do anh Tấn Hùng sắp xếp- anh là phóng viên của Báo nhưng đầy máu văn nghệ văn gừng.

Tôi nhận quyết định và trả lời để suy nghĩ thêm có nên đi làm hay không?

Tối hôm đó, tôi đưa cho vợ tôi xem quyết định của Báo Tây ninh. Vợ tôi không dấu được sự vui mừng cho dù bảo tùy tôi quyết định. Chỉ còn tháng nửa là vợ tôi sinh khiến tôi không khỏi phân vân.

Chiều hôm sau, tôi ra báo thì gặp ngay chú Sáu Tâm- tổng biên tập báo ngay bậc thềm cửa. Tôi và ông cũng chỉ biết nhau trong một hai lần ông vào dự sinh hoạt câu lạc bộ sáng tác, không có mối giao tình nào, Thế nhưng, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi ông lên tiếng hỏi thăm tôi : Vợ mầy chừng nào sanh? Tôi chưa kịp trả lời ông đã kéo tôi vào phòng làm việc của ông. Chúng tôi trò chuyện với nhau khoảng chừng 5 phút, câu chuyện cũng chỉ xoay quanh việc thăm hỏi vợ con tôi. Ông không hề đá động đến việc cái quyết định ông đã ký và công việc của tôi. Khi tôi chào ông về, lúc đó ông mới nói : Nếu đồng ý đi làm thì xem như lương được lãnh ngay tháng này nhưng cứ ở nhà lo khi nào vợ sanh xong rồi đi làm.

Có lẽ, chính vì câu nói này của ông mà tôi đã quyêt định đi làm và chỉ gắn bó với Báo Tây ninh do ông lãnh đạo và cùng trải qua bao sóng gió.

Tôi không có gì để nuối tiếc cho quãng đời làm phóng viên Báo cũng như sự đổ vỡ gia đình của tôi. Chỉ là khi nhìn lại, tôi nhận ra thời gian ngắn ngủi bên vợ tôi trong những ngày tôi thất nghiệp lại là quãng đời bình yên duy nhất tôi đã có.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Đông Phương giáo chủ đã nói như thế



Ta ngồi nghênh ngang bên chén rượu, thưởng ngoạn cảnh Đông Phương giáo chủ sử dụng “Qùy hoa bảo điển” để thêu bức tranh hoa. Thầm nghĩ: Đạt đến cảnh giới võ công tuyệt đỉnh như Đông Phương giáo chủ thì triệt hạ mấy tay cao thủ võ lâm làm sao khoái lạc bằng thêu một bức tranh hoa. Chỉ những kẻ đạt đến bậc thần thánh mới tìm kiếm sự lạc thú trong tao nhã.

Đột nhiên, một kẻ trông tao nhã khác thường cười cười hiện ra.
– Sai rồi, sai rồi… chỉ có thần thánh mới biết đến lạc thú một cách tao nhã! Kẻ tầm thường chỉ biết đến lạc thú bẩn thỉu, kẻ đạo đức giả thì chối bỏ lạc thú.

Không cần phải đợi ta hỏi han, kẻ ấy cũng nghênh ngang tu chén rượu trong tay ta:
– Ta là Đông Phương Sóc, Đông Phương giáo chủ ngươi vừa xem chỉ là một phiên bản mô phỏng sự thần thánh của ta!

Ta cất tiếng hỏi:
– Thế nào là lạc thú bẩn thỉu?
Đông Phương Sóc phỉ nhổ:
– Là những kẻ ăn mà không biết thế nào là ngon, đắm chìm trong sắc dục mà không biết đến vẻ đẹp của chữ tình, cuồng sát mà không biết đến sự cao đẹp của nghĩa cử. Những kẻ đó đáng biến thành phân bón. Phân bón không tao nhã nhưng còn có giá trị để nuôi dưỡng những bông hoa tao nhã.

Ta cất tiếng hỏi tiếp:
– Thế nào là kẻ đạo đức giả?
Đông Phương Sóc nhếch mép cười khảy:
– Chúng như những quả trứng không bao giờ được thụ tinh, chúng không có linh khí nhưng vẫn cố tỏ ra sáng chói. Nhưng dù sáng lấp lánh chúng vẫn là những quả trứng vô dụng không bao giờ được thu tinh. Một quả trứng thụ tinh có thể nở thành con, chúng có thể đơn độc đối mặt với sinh tồn. Nhưng một quả trứng không được thụ tinh, chúng không sống mà chỉ đợi ngày thối rữa. Đám đạo đức giả giống những quả trứng vô dụng ấy. Tiếc thay thời nay loài người lại cho phép quá nhiều quả trứng không được thụ tinh.

– Thế những kẻ biết đến lạc thú tao nhã đều xuất phát từ những quả trứng được thụ tinh sao? – Ta ngơ ngác hỏi.
Đông Phương Sóc ngửa mặt cười hô hố như kẻ điên:
– Sai rồi, sai rồi, sai toét rồi! Từ một quả trứng có thể nở ra chim, có thể nở ra bò sát. Nhưng ta chỉ muốn bàn với người về chim. Cái giống loài chim, chỉ những con nào có thể cô độc chao liệng trên bầu trời, không dễ dàng lao đầu vào chút thức ăn thừa vung vãi trên mặt đất, không bị vô thức bay theo một đội hình nào đó trên bầu trời mà đám triết gia đầu trứng gọi là “quy luật tự nhiên”, thì con chim ấy có sự thần thánh.

Ta nhún vai:
– Điệu cười của ông làm ông kém vẻ tao nhã!
Đông Phương Sóc gầm to và biến thành một con rồng rực rỡ hào qua. Con rồng như dải lụa vàng bay thẳng lên không trung. Nó lượn một vòng quanh Trái Đất rồi thả xuống những cơn mưa hào quang vàng rực rỡ.
– Ta đây, Đông Phương giáo chủ, không còn bị giới hạn bởi cái lạc thú tao nhã. Ta không cần sự thần thánh tầm thường của những kẻ tự đắc với sự cao quý của mình. Ta là linh khí của vũ trụ, ta tạo ra sự cao quý và tầm thường, ta tạo ra sự tao nhã và bẩn thỉu, ta tạo ra lạc thú và đạo đức. Nhưng sự tầm thường, bẩn thỉu và đạo đức không được phép trèo cao hơn sự cao quý, tao nhã và lạc thú. Chúng chỉ được phép làm phân bón nuôi dưỡng mà thôi.

Bỗng nhiên một con ruồi bay đến đậu vào gần chén rượu, ta xua tay phủi phủi, chả thèm giết sợ sự nhơ bẩn của chúng sẽ làm ta nôn mửa.
– Thế thì đám ruồi này thì sao? Chúng bẩn thỉu nhưng vẫn cứ bay bay trước mặt ta, ngứa mắt lắm!
Đông Phương Sóc khè một hơi vào con ruồi, chúng bị thiêu đốt thành tro.
– Ruồi nhặng ăn phân để sống và cố leo cao lên mâm cỗ của loài người. Nhưng cho dù chúng có đậu trong đống phân hay trong mâm xôi thì chúng cũng chỉ là ruồi nhặng mà thôi. Chúng chẳng bao giờ tiến hóa, chúng không có ích, chúng còn không bằng những quả trứng chưa được thụ tinh. Chúng cần bị tiêu diệt. Chúng không chịu nổi sự tao nhã, hương thơm và ánh sáng chói lòa. Dưới hào quang của ta chúng chỉ còn là đống tro tàn, rồi cũng trở thành cát bụi cả mà thôi

Ta thở một hơi dài:
– Haizzz… Ta chẳng được uống rượu gì cả! Ông thuyết giáo dài quá…
Đông Phương Sóc biến lại thành một kẻ trông có vẻ tao nhã:
– Không có gì là lãng phí! Uống xong chén rượu này, ngươi có thể viết lại lời ta. Ngươi có thể viết thành một bài viết bán cho mấy tờ lá cải rẻ tiền cũng được dăm ba trăm uống rượu. Kể cả không bán được cho báo lá cải, ngươi vẫn có thể dùng mấy lời tao nhã của ta mà kiếm chút hư danh, hư danh ấy sẽ giúp ngươi kiếm tiền tốt hơn. Nếu hư danh cũng không thể kiếm được thì ngươi cũng có thể sử dụng lời của ta để trấn yểm những kẻ tầm thường, bẩn thỉu và đạo đức như lũ trứng thôi, ruồi nhặng và đám chim vô não.

Ta nốc một hơi rượu, hình ảnh của Đông Phương Sóc mờ dần mờ dần. Giụi mắt tỉnh dậy, không còn thấy Sóc đâu nữa, chỉ còn đám bụi vàng lả tả rơi trong ánh nắng hắt vào chén rượu. Ta đập trán than trời:
– Ôi trời, quên mất! Ta quên hỏi rốt cuộc Đông Phương Sóc có dẫn đao tự cung như Đông Phương Bất Bại không nữa!

Hà Thủy Nguyên