Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

LUẬN THUYẾT VỀ TÌNH YÊU của OSHO


Osho (Bhagwan Shree Rajneesh)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Osho

"Rajneesh" Chandra Mohan Jain


Osho (11 tháng 12 năm 193119 tháng 1 năm 1990) tên thật là Chandra Mohan Jain (Tiếng Hindi: चन्द्र मोहन जैन), còn được gọi là Acharya Rajneesh từ những năm 1960 trở đi, sau đấy ông tự gọi mình là Bhagwan Shree Rajneesh trong thập niên 1970 và 1980, rồi cuối cùng lấy tên Osho năm 1989. Ông là nhà thần bí và bậc thầy tâm linh người Ấn Độ. Lời dạy có tính tổng hợp và điều hòa (syncretic) các tôn giáo khác nhau của ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thiền định, nhận biết, tình yêu, sự sáng tạo và hài hước - những phẩm chất được Osho xem như bị dập tắt bởi sự tuân thủ các hệ thống niềm tin tĩnh, truyền thống tôn giáo và xã hội hóa. Ông là một trong những người có sức ảnh hưởng rất lớn đến tôn giáo thế giới. Lời dạy của ông đã có một tác động nhất định đến phong trào New Age ở phương Tây,[2][3] và sự nổi tiếng của họ đã tăng lên đáng kể từ khi ông qua đời.[4]

Osho từng là giáo sư triết học tại Đại học Jabalpur và đi khắp Ấn Độ trong những năm 1960 để thuyết giảng trước đông đảo quần chúng. Quan điểm của ông chống lại tôn giáo được thể chế đã gây ra nhiều tranh cãi. Ông cũng chủ trương một thái độ cởi mở hơn với tình dục, và vì thế mà ông có biệt danh là sex guru - đạo sư tình dục ở Ấn Độ và sau này là trên báo chí quốc tế[5]. Trong thực tế, các bài nói về tình dục của Osho chiếm tỉ lệ nhỏ so với những chủ đề mà ông nói tới.

Trong năm 1981, Osho chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ và các đệ tử của ông đã thành lập một cộng đồng quốc tế ở đây, nó có tên là Rajneeshpuram, thuộc bang Oregon. Trong thời gian khoảng 1 năm, lãnh đạo của cộng đồng có những mâu thuẫn với cư dân địa phương chủ yếu liên quan đến vấn đề sử dụng đất đai. Osho có một bộ sưu tập lớn xe ô tô Rolls-Royce do các đệ tử giàu có tặng, điều này gây ra nhiều tai tiếng cho ông, bởi vì ít có vị lãnh đạo tinh thần nào sở hữu tài sản giá trị theo kiểu như vậy - tuy nhiên với Osho, bộ sưu tập này chỉ giống như một trò đùa của ông. Cộng đồng ở Oregon suy sụp trong năm 1985 và Osho phát hiện ra lãnh đạo cộng đồng ở đây đã phạm phải một số tội ác nghiêm trọng, trong đó có việc làm bẩn thực phẩm của người dân ở The Dalles. Osho bị bắt giữ ngay sau đó và phải chi trả tiền cho hành vi vi phạm cư trú. Ông bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ[6][7]. Một phần dưới áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ, 21 quốc gia từ chối cho ông nhập cảnh. Ngày nay các trung tâm tu học do ông thành lập có tên Osho International Meditation Resort.

Tình yêu

Trạng thái cao nhất của tình yêu không phải là mối quan hệ chút nào, nó đơn giản là trạng thái của bản thể bạn.

Cũng như cây có mầu xanh, tình yêu là việc yêu.

Cây không xanh vì người đặc biệt nào, không phải là khi bạn tới thì chúng mới trở nên xanh. Hoa cứ lan toả hương thơm của nó dù có ai tới hay không, dù có ai ca ngợi hay không.
Không, hoa cứ lan toả hương thơm của nó. Đó là trạng thái của bản thể, không phải là mối quan hệ.


Tình yêu là phép màu duy nhất. Tình yêu là chiếc thang từ địa ngục lên cõi trời.. Tình yêu bị bỏ lỡ, bạn bỏ lỡ cả cuộc đời mình. Tình yêu là cái nhìn thấu tỏ vào Người yêu.. Người hỏi về Thượng đế đơn giản nói trái tim người đó vẫn không nở hoa trong tình yêu.
Khi tình yêu đã thấm nhuần vào tim bạn, Thượng đế ở đó; tầm nhìn của tình yêu là tầm nhìn của Thượng đế.


Tình yêu đem tới mầu sắc: mầu xám đột nhiên trở thành cầu vồng, bùng nổ thành nghìn lẻ một mầu sắc, và cái xám xịt đờ đẫn trở thành phiêu diêu. Tình yêu thay đổi toàn bộ bầu khí hậu của bản thể bên trong của bạn – và với thay đổi đó toàn thể sự tồn tại được thay đổi. Không cái gì thay đổi ở bên ngoài – nhưng một khi bạn đầy tình yêu, bạn có sự tồn tại hoàn toàn khác sẵn có cho bạn.
Khi tình yêu được bừng lên, thế thì phép màu xảy ra – ngay cả trong cái nhìn cũng có âm nhạc; trong âm thanh, có im lặng chói sáng. Tình yêu là phép thần.
Tình yêu là “giai điệu thiêng liêng.” Trái tim, đập rộn ràng trong tình yêu, trở thành chiếc sáo trên môi của Thượng đế… và bài ca được sinh ra. Bài ca đó là tôn giáo.

Khi bạn được sinh ra trong tình yêu, tôn giáo được sinh ra trong bạn – và thế thì toàn thể cuộc sống của bạn là giai điệu, là bài ca hay.

Khi tình yêu được sinh ra, bạn có trung tâm. Một khi tình yêu được sinh ra, bạn được định tâm – và mọi thứ rơi vào hài hoà với trung tâm. Bạn trở thành dàn nhạc, hài hoà đẹp đẽ. Nó bị giấu kín trong bạn: bạn đã mang nó vào trong thế giới, nó vẫn chưa biểu lộ ra. Kabir nói hãy biểu lộ nó ra – để tình yêu của bạn được biểu lộ. Trong biểu lộ đó sẽ là lời cầu nguyện của bạn.

Tiêu chí của tình yêu: làm cho người khác điều bạn muốn được làm cho mình.
Tình yêu là điểm dừng giữa hai nốt: Sống và chết , là khoảng tối lung linh!
Và khoảng tối đó là tình yêu – nơi chết và sống gặp gỡ, nơi chết và sống ôm choàng lấy nhau, nơi sống và chết có chuyện tình, nơi sống và chết đi tới cực thích. Do đó, có hấp dẫn vô cùng trong yêu, bởi vì nó là cuộc sống… và cũng có cả sợ, bởi vì nó là chết nữa. Khi bạn làm tình với người đàn bà hay người đàn ông, bạn không bao giờ đi toàn bộ vào trong điều đó. Bạn đi xa hơn thế, bởi vì nó là cuộc sống – thế rồi bạn bắt đầu ngần ngại, thế rồi bạn không đi xa thêm nữa, bởi vì thế thì cái chết cũng có đó. Nó là điểm dừng giữa hai nốt, và nó tối – khoảng tối giữa hai nốt.


Tình yêu tuôn chảy chỉ từ ai đó là không ai cả. Tình yêu trú ngụ chỉ trong cái không. Khi bạn trống rỗng, có tình yêu.

Khi bạn đầy bản ngã, tình yêu biến mất. Tình yêu và bản ngã không thể cùng tồn tại được. Tình yêu có thể tồn tại với Thượng đế nhưng không thể tồn tại cùng bản ngã, bởi vì tình yêu và Thượng đế là đồng nghĩa.

Tình yêu và bản ngã là không thể ở cùng nhau được. Cho nên hãy là cái không. Đó là nghĩa của việc thành khiêm tốn, nhu mì.

Yêu không biết buồn. Nếu bạn vẫn biết buồn, bạn không biết yêu. Yêu không biết buồn, không buồn rầu.– bởi vì yêu là siêu việt lên trên sống và chết, cả hai. Nó đi ra ngoài sống và chết, cả hai. Nó là chỗ dừng giữa hai nốt. Nó cao hơn sống, nó cao hơn chết… làm sao có thể có buồn được? Và nó là chỗ dừng, im lặng… làm sao có thể có buồn được
Tình yêu làm bạn thành không ai cả, tình yêu lấy đi mảnh đất của bạn, tình yêu phá huỷ bản ngã của bạn toàn bộ. Nó triệt tiêu, nó giết chết bạn hoàn toàn, và nó cho bạn cuộc sống mới – cuộc sống không bản ngã nào: cuộc sống khiêm tốn, cuộc sống đơn giản, cuộc sống mà Thượng đế có thể sống qua. Bạn trở thành cây tre hổng… và âm nhạc của ngài bắt đầu tuôn chảy qua bạn



Yêu, nhưng đừng cho phép tình yêu của bạn trở thành thèm khát. Yêu, nhưng đừng cho phép tình yêu của bạn trở thành gắn bó. Yêu, nhưng đừng cho phép tình yêu của bạn trở thành phụ thuộc, thành nô lệ. Và thế rồi… thế rồi yêu vô cùng. Thế thì không có sợ hãi. Và yêu, bạn sẽ có khả năng đi qua bờ bên kia không khó khăn gì.

Dùng tiền, nhưng đừng trở nên bận tâm về tiền.Không trốn khỏi tiền, không trốn khỏi vợ con bạn và rời bỏ họ và đi lên hang động Himalaya – Tình yêu là thay đổi triệt để trong cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn. Cái đầu chỉ giống như sóng trên đại dương; tình yêu như chiều sâu. Trong chiều sâu không có sóng, và trong sóng không có chiều sâu. Ý nghĩ giống như sóng chỉ trên bề mặt. Không có cách nào cho sóng biết chiều sâu trong khi vẫn còn là sóng. Sóng có thể biết chiều sâu, nhưng thế thì nó phải biến mất trong chiều sâu. Nó sẽ không còn là sóng nữa, nhưng thế rồi nó có thể quay lại bề mặt. Nhưng thế thì sóng đó tự nó sẽ trở thành người Baul; không sóng khác nào sẽ nghe nó. Các sóng khác sẽ gọi sóng đó là điên bởi vì nó sẽ nói về chiều sâu, còn các sóng này chỉ biết chiều nông, chúng không biết chiều sâu.

Tình yêu là kinh nghiệm – mang tính tồn tại, như hương vị. Nếu bạn chưa nếm muối, không có cách nào giải thích nó cho bạn. Nếu bạn đã nếm nó, không có cách nào quên nó. Làm sao giải thích cho ai đó khác người chưa bao giờ biết cái gì mặn? Nói cái gì đây? Không phải là bạn không biết – bạn biết chứ, nó ở ngay trên đầu lưỡi bạn. Bạn biết mặn là gì, nhưng làm sao nói nó cho ai đó khác được? Điều duy nhất là đưa cho người kia chút muối. Và vẫn còn không có kinh nghiệm yêu là vẫn còn chết – bởi vì chỉ người yêu mới vứt đi những cái ta chết.
Chỉ người yêu mới chuyển động, bởi vì chỉ người yêu mới năng động. Logic là chết; tình yêu là sống.
Logic thuộc về quá khứ; tình yêu thuộc về tương lai. Logic chỉ đi vào trong vòng tròn cũ lặp đi lặp lại mãi. Tình yêu đi vào lãnh thổ mới. Là bản thân mình thì không bao giờ tĩnh tại, ở trong tình yêu cũng không bao giờ tĩnh tại. Nó bao giờ cũng cực lạc – không tĩnh tại mà cực lạc: bên ngoài tĩnh tại, bên ngoài đứng yên.



Bản ngã và tình yêu

Tại giai đoạn này tôi muốn trao cho bạn nguyên lí thứ nhất. Nếu bạn muốn biết chân lí cơ bản về tình yêu, điều kiện tiên quyết đầu tiên là hãy chấp nhận tính thiêng liêng của dục, hãy chấp nhận cái thiêng liêng của dục theo cùng cách bạn chấp nhận sự tồn tại của Thượng đế - với trái tim cởi mở. Và bạn càng chấp nhận dục đầy đủ hơn với trái tim và tâm trí cởi mở, bạn lại càng được tự do khỏi nó hơn. Nhưng bạn càng kìm nén nó nhiều bạn sẽ càng trở thành bị gắn với nó, giống như là anh nông dân kia, người đã trở thành nô lệ cho quần áo mình. Phạm vi của việc chấp nhận của bạn là phạm vi của tuyên bố của bạn. Sự chấp nhận toàn bộ về cuộc sống, về tất cả những cái là tự nhiên trong cuộc sống, về tất cả những cái Thượng đế trao cho trong cuộc sống, sẽ dẫn bạn tới thực tại cao nhất của điều thiêng liêng - tới những đỉnh cao còn chưa được biết tới, tới những đỉnh cao siêu phàm. Tôi gọi sự chấp nhận đó là hữu thần. Và đức tin đó trong cái Thượng đế trao chính là cánh cửa đi tới giải thoát.

Tôi coi những người hay giáo huấn kìm giữ con người không cho chấp nhận rằng cái mà là tự nhiên trong cuộc sống và trong sự phối hợp thiêng liêng, là kẻ vô thần. “Hãy phản đối cái này; hãy kìm nén cái kia. Tự nhiên là tội lỗi, xấu, dâm đãng. Hãy bỏ cái này; bỏ cái kia.” Tất cả những điều này thiết lập nên chủ nghĩa vô thần, như tôi hiểu nó. Những người thuyết giảng từ bỏ cũng là kẻ vô thần.

Bạn hãy chấp nhận cuộc sống dưới dạng tự nhiên và thuần khiết của nó và phát triển mạnh tính đầy đủ của nó. Bản thân tính đầy đủ sẽ nâng bạn lên, dần từng bước. Và chính cùng việc chấp nhận dục này sẽ nâng bạn lên những đỉnh cao thanh thản mà bạn không có khả năng nào tưởng tượng ra được. Nếu dục là than, chắc chắn một ngày nào đó sẽ tới khi nó tự biểu lộ bản thân là kim cương. Và đó là nguyên lí thứ nhất.

Điều nền tảng thứ hai tôi muốn nói cho bạn là về cái gì đó mà nền văn minh, văn hoá và tôn giáo ngay bây giờ, đã làm thành chai cứng bên trong chúng ta. Và đó là bản ngã, cái ý thức rằng “tôi đây”.

Bản chất của năng lượng dục thúc dục nó phải tuôn chảy hướng tới tình yêu, nhưng hàng rào của cái “tôi” đã bao quanh nó như bức tường và do vậy tình yêu không thể tuôn chảy. Cái “tôi” rất mạnh mẽ, cả trong người xấu cũng như người tốt, trong kẻ xấu xa cũng như trong người thánh thiện. Người xấu có thể xác nhận cái “tôi” theo nhiều cách, nhưng người tốt cũng khua cái “tôi” to lắm: họ muốn lên tận trời; họ muốn được giải thoát; họ đã từ bỏ thế giới này; họ đã xây dựng đền đài; họ không phạm tội lỗi; họ muốn làm điều này; họ muốn làm điều nọ. Nhưng cái “tôi” đó, cái dấu hiệu chỉ dẫn đó, bao giờ cũng hiện diện.

Bản ngã của người ta càng mạnh càng khó cho người đó hợp nhất với bất kì ai. Bản ngã len vào giữa; cái “tôi” tự xác nhận nó. Đó là bức tường. Nó tuyên bố, “Anh là anh còn tôi là tôi.” Và do vậy thậm chí kinh nghiệm thân mật nhất cũng không đem mọi người lại gần lẫn nhau. Thân thể có thể gần nhau nhưng mọi người vẫn còn xa nhau. Chừng nào vẫn còn cái “tôi” bên trong, cảm giác về người khác này không thể nào tránh được.

Một hôm Sartre nói một điều tuyệt vời: “Người khác là địa ngục.” Nhưng ông ấy đã không giải thích thêm gì nữa tại sao người khác lại là địa ngục, hay thậm chí tại sao người khác lại là người khác. Người khác là người khác bởi vì tôi là tôi, và trong khi tôi là tôi, thì thế giới bao quanh là người khác - khác và xa lạ, bị cô lập - và không có quan hệ nào.

Chừng nào còn có cảm giác tách bạch này, tình yêu không thể nào được biết tới. Tình yêu là kinh nghiệm của sự hợp nhất. Việc phá huỷ các bức tường, sự trộn lẫn của hai năng lượng là điều kinh nghiệm tình yêu là gì. Tình yêu là niềm cực lạc khi các bức tường giữa hai người bị đập vụn, khi hai cuộc sống gặp nhau, khi hai cuộc sống hợp nhất.

Khi sự hài hoà như vậy tồn tại giữa hai người tôi gọi nó là tình yêu. Và khi nó tồn tại giữa một người và đám đông, tôi gọi nó là sự giao cảm với Thượng đế. Nếu bạn có thể trở nên được hội nhập với tôi trong kinh nghiệm như vậy - để cho tất cả các rào chắn đều tan chảy, để cho sự thẩm thấu xảy ra tại mức độ tâm linh - thế thì đó là tình yêu. Và nếu sự hợp nhất như vậy xảy ra giữa tôi và mọi người khác và tôi làm mất đi căn cước của mình trong cái Tất cả, thế thì sự đạt tới đó, sự hội nhập đó, là với Thượng đế, với Đấng toàn năng, với Đấng toàn trí, với Tâm thức Vũ trụ, với Điều tối cao hay bất kì cái gì bạn muốn gọi nó. Và do vậy, tôi nói rằng tình yêu là bước đầu tiên và rằng Thượng đế là bước cuối cùng - cái đích cuối cùng và cao quí nhất.

Làm sao có thể xoá đi bản thân mình được?

Chừng nào tôi còn chưa làm tan biến bản thân mình đi, làm sao người khác hợp nhất được với tôi? Người khác được tạo ra do phản ứng với cái “tôi” của tôi. Tôi càng hô to “tôi” thì sự tồn tại của người khác càng trở nên mạnh hơn. Người khác là tiếng vọng của cái “tôi”.

Và “tôi” là gì? Bạn đã bao giờ nghĩ một cách bình thản về nó chưa? Nó có ở trong chân bạn, tay bạn, trong đầu bạn hay tim bạn không? Hay nó chỉ là bản ngã?

Cái “tôi” của bạn là gì và ở đâu, cái bản ngã của bạn ấy? Cái cảm giác về nó có đấy, ấy vậy mà lại chẳng tìm thấy nó ở chỗ đặc biệt nào cả. Bạn hãy ngồi im lặng một lúc mà tìm cái “tôi” đó. Bạn có thể ngạc nhiên, nhưng mặc cho việc tìm kiếm ráo riết bạn sẽ không tìm thấy cái “tôi” của bạn ở đâu cả. Khi bạn tìm kiếm sâu sắc bên trong bạn sẽ hiểu rõ là không có cái “tôi”. Như vậy, không có bản ngã. Khi có chân lí về cái ta thì cái “tôi” không có đó.

Nhà sư Nagsen rất được kính trọng đã được Hoàng đế Malind vời vào triều đình.

Sứ giả tới Nagsen và nói, “Thưa hoà thượng Nagsen, hoàng đế muốn gặp ngài. Tôi đến đây để mời ngài.”

Nagsen đáp, “Nếu ông ấy cần ta tới, ta sẽ tới. Nhưng, ta xin lỗi, không có người nào như Nagsen ở đây cả. Đấy chỉ là cái tên, chỉ là cái nhãn tạm thời mà thôi.”

Người đưa tin báo lại cho hoàng đế rằng Nagsen là người rất kì lạ: ông ta đã trả lời ông ta sẽ tới, nhưng lại nói rằng không có Nagsen như thế ở đó. Hoàng đế cũng ngạc nhiên với điều kì lạ đó.

Nagsen tới đúng hẹn, trong chiếc xe hoàng gia, và hoàng đế ra đón ông ấy tận cổng. “Hoà thượng Nagsen, ta đón chào ông đây!”

Nghe thấy điều này, nhà sư cười phá lên. “Tôi chấp nhận lòng hiếu khách của bệ hạ như Nagsen, nhưng xin hãy nhớ không có ai tên là Nagsen cả.”

Hoàng đế nói, “Ông cứ nói kiểu thách đố. Nếu ông không phải là ông, thế thì ai đang chấp nhận lời mời của ta? Ai đang đáp lại sự đón chào này?”

Nagsen nhìn ra sau mình và hỏi, “Đây chẳng phải là chiếc xe mà tôi đã tới sao?”

“Đúng đấy, nó là chính chiếc xe ấy đấy.”

“Xin hãy tháo ngựa ra.”

Việc này được thực hiện.

Vừa chỉ vào ngựa, nhà sư vừa hỏi, “Đây có phải là chiếc xe không?”

Hoàng đế nói, “Làm sao ngựa lại có thể được gọi là xe?”

Theo dấu hiệu của nhà sư, ngựa được dẫn đi, và thanh gióng xe được dùng để buộc ngựa cũng được dỡ ra.

“Các thanh gióng này có phải là xe của bệ hạ không?”

“Tất nhiên là không rồi, đây là những gióng xe chứ không phải xe.”

Nhà sư lại tiếp tục, ra lệnh bỏ bớt từng bộ phận một, và mỗi lần hỏi hoàng đế phải trả lời, “Đây không phải là chiếc xe.”

Cuối cùng chẳng còn lại gì nữa.

Nhà sư hỏi, “Bây giờ chiếc xe của bệ hạ đâu rồi? Từng bộ phận của nó đã được lấy đi và bệ hạ đều nói, ‘Cái này không phải là xe.’ Thế thì hãy nói cho thần, bây giờ chiếc xe của bệ hạ đâu rồi?”

Sự khải lộ làm hoàng đế giật mình.

Nhà sư tiếp tục. “Bệ hạ vẫn theo được ý thần chứ? Chiếc xe là sự lắp ghép; nó là một tuyển tập những thứ nào đó. Chiếc xe không có bản thể riêng của nó. Xin bệ hạ hãy nhìn vào bên trong. Bản ngã của bệ hạ ở đâu? Cái ‘tôi’ của bệ hạ ở đâu?”

Bạn sẽ thấy rằng cái “tôi” đó chẳng có ở đâu cả. Nó là sự biểu lộ của nhiều năng lượng; có thế thôi. Bạn hãy nghĩ về từng và mọi chi, về từng và mọi khía cạnh của bản thân bạn, và thế rồi khử bỏ dần mọi thứ, từng thứ một. Chung cuộc, cái không sẽ còn lại. Tình yêu được sinh ra từ cái không đó. Cái không đó là Thượng đế.

Trong làng một người mới mở cửa hàng cá với tấm biển lớn: “Bán cá tươi ở đây.”

Ngay ngày đầu tiên một người bước vào cửa hiệu và đọc, “Bán cá tươi ở đây.” Anh ta cười to, “’Cá tươi’ ư? Cá ươn bán ở mọi chỗ khác chắc? Phỏng có ích gì mà viết cá ‘tươi’?”

Chủ tiệm cho rằng anh ta phải; thêm vào đó, ‘tươi’ gây ra ý tưởng về ‘ươn’ cho khách hàng. Ông ta xoá đi chữ “tươi” trong biển hiệu. Tấm biển bây giờ ghi là “Bán cá ở đây.”

Một cụ bà, đến thăm cửa hàng ngày hôm sau, đọc to, “’Bán cá ở đây’ sao? Ông còn bán cá ở nơi nào đó khác chăng?”

Chữ “ở đây” bị xoá đi. Bây giờ tấm biển đọc là “Bán cá.”

Ngày thứ ba một khách hàng khác tới cửa hiệu và nói, “’Bán cá’ à? Có ai cho không cá đâu?”

Chữ “bán” lại bị xoá đi. Bây giờ chỉ còn lại mỗi chữ “cá”.

Một người có tuổi tới và nói với chủ hiệu, “’Cá’ à? Người mù, ngay từ xa, cũng có thể biết được mùi của cá được bán ở đây.”

Chữ “cá” bị loại bỏ đi. Tấm biển bây giờ để trống.

Một khách qua đường hỏi, “Sao tấm biển lại trống huếch thế kia?”

Tấm biển cũng bị bỏ đi nốt. Chẳng còn lại gì sau tiến trình khử bỏ dần; mọi từ đều đã bị loại bỏ, từng từ một. Và cái còn lại đằng sau là cái không, cái trống rỗng.

Tình yêu chỉ có thể được sinh ra từ cái trống rỗng. Chỉ cái trống rỗng mới có khả năng hội nhập với cái trống rỗng khác; chỉ cái không mới có thể hợp nhất toàn bộ với cái không khác. Không phải hai cá nhân, mà là hai chân không mới có thể gặp gỡ, bởi vì bây giờ không có rào chắn. Tất cả mọi thứ khác đều có tường bao; chân không không có gì cả.

Cho nên điều thứ hai cần phải nhớ là ở chỗ tình yêu được sinh ra khi tính cá nhân tan biến, khi cái “tôi” và “người khác” không còn nữa. Bất kì cái gì còn lại thế thì đều là mọi thứ, vô giới hạn - nhưng không cái “tôi”. Với sự đạt tới đó, tất cả mọi rào chắn đều vỡ vụn và xảy ra sự ùa tới của những sông Hằng đã sẵn sàng.

Chúng ta đào giếng. Nước đã có đó rồi, bên trong; không phải mang nó từ đâu tới cả. Chúng ta chỉ đào đất và đá lên và bỏ chúng đi. Chúng ta đang làm đích xác điều gì vậy? Chúng ta tạo ra cái trống rỗng để cho nước vốn ẩn bên trong có thể tìm ra không gian để đi vào, không gian để nó tự biểu lộ ra trong đó. Cái mà đang ở bên trong đó mong muốn có chỗ; nó muốn có không gian. Nó khẩn cầu cái trống rỗng - cái mà nó chưa có - để cho nó có thể đi ra, để cho nó có thể phụt ra. Nếu chiếc giếng đầy những cát và đá, khoảnh khắc chúng ta vét bỏ cát và đá đi, nước sẽ sủi lên. Tương tự, con người tràn đầy tình yêu, nhưng tình yêu lại cần không gian để xuất đầu lộ diện. Chừng nào trái tim và tâm hồn bạn còn nói “tôi” thì bạn vẫn còn là chiếc giếng cát và đá, và dòng suối tình yêu sẽ không sủi lên trong bạn.

Tôi đã từng nghe rằng ngày xưa có một cây đại thụ uy nghi, với cành lá xum xuê trải rộng ra hướng lên trời. Khi nó đang trong độ ra hoa, bướm ong đủ loại, đủ mầu, đủ kích cỡ, dập dìu quanh nó. Khi nó nở hoa và kết quả, chim chóc từ những mảnh đất xa xôi tới và hót trong nó. Các cành cây, như những bàn tay giang rộng, ban phúc lành cho tất cả những ai tới và ngồi dưới bóng chúng. Một cậu bé hay tới chơi dưới nó, và cây đại thụ này nảy sinh lòng yêu mến với cậu bé này.

Tình yêu giữa cây đại thụ này và cậu bé là có thể, nếu cái lớn không nhận biết rằng nó là lớn. Cái cây này không biết nó là lớn; chỉ con người mới có loại tri thức đó. Cái lớn bao giờ cũng có bản ngã như mối quan tâm chủ chốt của nó, nhưng với tình yêu thì không ai là lớn hay là nhỏ cả. Tình yêu ôm choàng bất kì ai tới gần.

Cho nên cái cây này đã nẩy sinh tình yêu với cậu bé này, người hay tới chơi gần nó. Cành của nó thật cao, nhưng nó uốn xuống và hạ chúng xuống thấp để cho cậu bé có thể hái hoa và hái quả. Tình yêu bao giờ cũng sẵn sàng cúi mình; bản ngã không bao giờ sẵn sàng cúi mình cả. Nếu bạn lại gần bản ngã, cành của nó thậm chí sẽ còn vươn cao lên hơn nữa; nó sẽ cứng rắn thêm để cho bạn không thể nào đạt tới nó được.

Đứa bé vui đùa tới, và cái cây hạ thấp cành của nó xuống. Cây rất hài lòng khi đứa bé hái hoa; toàn bộ bản thể nó tràn ngập với niềm vui sướng của tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng hạnh phúc khi nó có thể cho cái gì đó; bản ngã bao giờ cũng hạnh phúc khi nó có thể lấy.

Cậu bé lớn lên. Đôi khi cậu ngủ trong lòng cây, đôi khi cậu ăn quả của nó, và đôi khi cậu đội vòng miện bằng hoa của cây và hành động như một ông vua rừng rậm. Người ta trở thành giống như ông vua khi hoa của tình yêu có đó, nhưng người ta trở nên nghèo nàn và khốn khổ khi gai của bản ngã hiện diện. Việc thấy cậu bé đeo vương miện hoa và nhẩy múa làm tràn ngập lòng cây niềm vui sướng. Nó lắc lư chòm lá trong tình yêu; nó hát ca trong gió thoảng. Đứa bé càng lớn hơn nữa. Nó bắt đầu trèo lên cây để đung đưa trên các cành cây. Cây cảm thấy rất hạnh phúc khi đứa bé nghỉ ngơi trên cành của nó. Tình yêu hạnh phúc khi nó đem tới nguồn an ủi cho ai đó; bản ngã chỉ hạnh phúc khi nó đem tới điều bực dọc.

Với thời gian qua đi, gánh nặng của những nghĩa vụ khác xảy đến cho cậu bé. Tham vọng lớn lên; nó phải qua các kì thi; nó có bạn bè để tán gẫu và đi chơi, cho nên nó không tới cây thường xuyên nữa. Nhưng cây vẫn chờ đợi khắc khoải cậu bé tới. Nó cất tiếng gọi từ trong linh hồn mình, “Lại đây đi. Lại đây đi cậu bé. Ta đang đợi con.” Tình yêu chờ đợi ngày và đêm. Và cái cây chờ đợi. Cái cây cảm thấy buồn khi cậu bé không tới. Tình yêu buồn bã khi nó không thể chia sẻ; tình yêu buồn bã khi nó không thể cho được. Tình yêu biết ơn khi nó có thể chia sẻ. Khi nó có thể là kẻ buông xuôi, một cách toàn bộ, thì tình yêu là hạnh phúc nhất.

Khi cậu bé lớn lên, cậu ngày càng ít ra chơi với cây. Người trở nên lớn, người có tham vọng lớn lên, thì thấy ngày càng ít thời gian dành cho tình yêu. Chàng trai bây giờ mê mải trong các việc trần thế.

Một hôm, trong khi chàng trai đi ngang qua, cái cây nói với nó, “Ta đợi con mà con không tới. Ta trông đợi con hàng ngày.”

Chàng trai nói, “Cây có gì nào? Tại sao ta lại phải tới với cây? Cây có tiền không? Ta đang kiếm tiền đây.” Bản ngã bao giờ cũng có động cơ. Chỉ nếu có mục đích nào đó cần phải được đáp ứng thì bản ngã mới tới. Nhưng tình yêu lại không động cơ. Tình yêu là phần thưởng của riêng nó.

Cái cây giật mình nói, “Con sẽ tới ta chỉ nếu ta cho cái gì đó sao?” Cái mà không cho đi được thì không phải là tình yêu. Bản ngã tích cóp, nhưng tình yêu lại cho vô điều kiện. “Chúng ta không có cái bệnh tật đó, và chúng ta vui sướng,” cái cây nói. “Hoa nở trên chúng ta. Nhiều quả trưởng thành trên chúng ta. Chúng ta cho bóng mát. Chúng ta đung đưa trong làn gió thoảng, và ca lên những bài ca. Chim hồn nhiên nhẩy nhót trên cành chúng ta và hót líu lo thậm chí chúng ta chẳng có tiền. Cái ngày mà chúng ta dính líu với tiền, chúng ta sẽ phải đi tới đền đài như các anh, những con người yếu đuối vẫn làm, để học cách kiếm được an bình, để học cách tìm ra tình yêu. Không, chúng ta không có bất kì nhu cầu nào về tiền cả.”

Chàng trai nói, “Thế thì sao ta phải tới cây? Ta sẽ đi tới nơi có tiền. Ta cần tiền.” Bản ngã cứ đòi hỏi tiền bởi vì nó cần quyền lực.

Cái cây nghĩ một lúc rồi nói, “Đừng đi đâu khác nữa, con yêu. Hãy hái quả của ta và bán đi. Con sẽ kiếm tiền theo cách đó.”

Chàng trai lập tức tươi lên. Anh ta trèo lên cây và hái hết quả cây; thậm chí cả quả còn xanh cũng bị rung cho rơi xuống. Cái cây cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù vài cành và nhánh cây đã bị gẫy, cho dù nhiều lá đã rụng xuống đất. Đau đớn cũng làm cho tình yêu hạnh phúc, nhưng thậm chí sau khi đau đớn, bản ngã cũng chẳng hạnh phúc. Bản ngã bao giờ cũng ham muốn hơn nữa. Cây không để ý rằng chàng trai thậm chí đã chẳng hề quay lại để cám ơn nó. Nó đã được lời cám ơn của nó rồi khi chàng trai chấp nhận lời đề nghị hái và bán quả của nó.

Chàng trai không quay lại sau một thời gian dài. Bây giờ chàng ta đã có tiền và chàng ta bận rộn làm ra nhiều tiền hơn từ số tiền đó. Chàng ta đã quên mất tất cả về cái cây. Nhiều năm trôi qua. Cái cây buồn bã. Nó nóng lòng mong đợi sự trở lại của chàng trai - giống như người mẹ có bầu vú căng đầy sữa nhưng đứa con thì lại bị lạc. Toàn bộ con người của người mẹ cầu khẩn đứa con; người mẹ tìm kiếm điên dại về đứa con mình để cho nó có thể tới làm nhẹ bớt cho mình. Đấy cũng là tiếng khóc thầm của cái cây đó. Toàn bộ bản thể nó đau đớn quằn quại.

Sau nhiều năm, bây giờ đã là người lớn, chàng trai tới với cây.

Cái cây nói, “Lại đây, con ta. Lại đây ôm lấy ta.”

Người này nói, “Chấm dứt cái trò uỷ mị ấy đi. Đấy là trò trẻ con. Ta không còn là trẻ con nữa.” Bản ngã coi tình yêu là điên khùng, như chuyện hão huyền ngây thơ.

Nhưng cái cây vẫn mời anh ta: “Lại đây đi, hãy đánh đu trên cành ta. Hãy lại nhẩy múa. Hãy lại chơi với ta.”

Người này nói, “Chấm dứt cái lời vô dụng này đi! Ta cần xây một ngôi nhà. Cây có thể cho ta ngôi nhà được không?”

Cái cây than: “Ngôi nhà sao! Ta không có nhà.” Chỉ con người mới sống trong nhà. Không ai khác sống trong nhà cả ngoài con người. Và bạn có chú ý tới điều kiện của anh ta sau việc giam hãm của mình trong bốn bức tường không? Nhà anh ta càng lớn con người càng trở nên nhỏ bé hơn. “Chúng ta không ở trong nhà, nhưng con có thể chặt cành ta - và thế thì con có thể có khả năng làm một ngôi nhà.”

Không phí chút thời gian nào, người này đem rìu tới và chặt rời tất cả các cành của cái cây này. Bây giờ cây chỉ còn là cái thân trơ trụi. Nhưng tình yêu không để ý đến những điều như thế - cho dù mọi cành của nó có bị chặt rời vì người nó yêu. Tình yêu là việc cho; tình yêu bao giờ cũng sẵn sàng cho.

Người này thậm chí chẳng bận tâm tới việc cám ơn cây. Anh ta làm nhà mình. Và ngày tháng bay đi trong nhiều năm.

Cái thân cứ chờ đợi và chờ đợi mãi. Nó muốn gọi người ấy, nhưng nó không có cành cũng chẳng có lá để đem cho nó sức mạnh. Gió thổi qua, nhưng nó thậm chí cũng chẳng thể xoay xở để gửi gió một thông báo. Và linh hồn nó vẫn vang vọng với lời cầu nguyện duy nhất: “Hãy lại đây. Hãy lại đây, con ta. Hãy lại đây.” Nhưng chẳng cái gì xảy ra cả.

Thời gian qua đi và người này bây giờ đã già. Một lần ông ta đi ngang qua và ông ta tới đứng cạnh cây.

Cái cây hỏi, “Ta có thể làm được gì nữa cho con? Con đã tới sau một thời gian rất, rất lâu.’

Ông già nói, “Cây còn có thể làm được cái gì khác cho ta? Ta muốn đi tới những mảnh đất xa xôi để kiếm được nhiều tiền hơn. Ta cần một chiếc thuyền để du hành.”

Mừng rỡ, cái cây nói, “Nhưng điều đó không thành vấn đề, tình yêu của ta. Hãy chặt thân ta ra, và làm chiếc thuyền từ đó. Ta sẽ rất sung sướng nếu ta có thể giúp con đi tới những mảnh đất xa xôi để kiếm tiền. Nhưng xin con hãy nhớ, ta bao giờ cũng chờ đợi con trở về.”

Người này đem tới một cái cưa, cưa thân cây ra, làm chiếc thuyền và dương buồm ra đi.

Bây giờ cái cây chỉ còn là cái gốc nhỏ bé. Và nó chờ đợi cho người yêu trở về. Nó chờ đợi, nó chờ đợi và nó chờ đợi mãi. Người này sẽ chẳng bao giờ trở lại; bản ngã chỉ tới khi có cái gì đó kiếm được và bây giờ cây chẳng có gì cả, hoàn toàn không còn gì để cho nữa. Bản ngã không tới nơi không có gì để được. Bản ngã là kẻ ăn xin vĩnh viễn, trong trạng thái đòi hỏi liên tục, còn tình yêu lại là từ thiện. Tình yêu là ông vua, hoàng đế! Có ông vua nào vĩ đại hơn tình yêu không?

Một đêm tôi đã nghỉ lại gần gốc cây đó. Nó thì thào với tôi, “Người bạn đó của tôi vẫn chưa trở lại. Tôi rất lo nghĩ về hoàn cảnh ông ta bị chết đuối hoặc bị lạc. Ông ta có thể bị lạc ở một trong những quốc gia xa xăm đó. Ông ta có thể không còn sống nữa. Tôi ước ao biết được tin tức về ông ta làm sao! Vì tôi cũng gần hết đời mình rồi, tôi muốn được thoả mãn với ít nhất vài tin tức về ông ấy. Thế thì tôi có thể chết một cách hạnh phúc. Nhưng ông ấy sẽ không tới cho dù tôi có gọi ông ấy. Tôi chẳng còn lại gì để cho còn ông ấy chỉ hiểu ngôn ngữ của việc lấy.”

Bản ngã chỉ hiểu ngôn ngữ của việc lấy; ngôn ngữ của việc cho là tình yêu.
Tôi không thể nói điều gì nhiều hơn thế. Hơn nữa, chẳng có gì nhiều để nói hơn là điều này: nếu cuộc sống trở thành giống như cái cây đó, vươn rộng cành của nó ra xa và rộng để cho tất cả mọi người đều có chỗ trú ẩn trong bóng râm của nó, thế thì chúng ta sẽ hiểu tình yêu là gì. Không có kinh sách, không sơ đồ, không từ điển về tình yêu. Không có bộ nguyên tắc nào cho tình yêu cả.

Tôi tự hỏi tôi có thể nói gì về tình yêu! Tình yêu mới khó diễn đạt thế. Tình yêu chỉ có đó. Bạn có thể đã thấy nó trong mắt tôi nếu bạn tới và nhìn vào chúng. Tôi tự hỏi liệu bạn có thể cảm thấy nó khi cánh tay tôi giang ra ôm choàng hay không.

Tình yêu.

Tình yêu là gì?

Nếu tình yêu không được cảm thấy trong mắt tôi, trong cánh tay tôi, trong cái im lặng của tôi, thế thì nó chẳng bao giờ có thể được hiểu từ lời tôi cả.
Tôi lấy làm biết ơn vì việc kiên nhẫn lắng nghe của các bạn. Và cuối cùng, tôi cúi mình trước điều Tối cao ngụ trong tất cả chúng ta.

Trích từ "Từ dục tới Siêu tâm thức"

2 nhận xét: