Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Ăn tim



Truyện ngắn

Đỗ Quyên

Những trái tim đó của ai cũng được.

***

Từ lâu, Chun Hey Gyo đã là một cô gái không xấu, dáng mỏng như lá bài, kiểu đi chao chao dẫu đôi chân rất thẳng. Rõ ràng là mặt đất dưới chân Hey Gyo phải bị nghiêng như thế nào đó mỗi lúc cô rảo bước. Khi trái tim của Hey Gyo được ăn, cô hai mươi nhăm tuổi. Cô yêu không nhiều. Tình yêu nào cũng rành mạch, không chen lấn nhau. Đó là cái khó bậc nhất của việc yêu. (Mặc dù yêu không phải là một việc). Trên con tim của cô, các xa lộ theo đó mỗi chàng trai tìm đến song song với nhau.

Người yêu đầu là một bác sĩ tâm lý. Mỗi khi hôn lên ngực Hey Gyo, anh thường dụi cằm vào bầu vú phải, như lấy đà, rồi quay liền sang bầu trái mà đậu môi. Răng, từng chiếc từng chiếc, rà rà lên núm, khiến trái tim cô gái đập nhanh, gấp, nhưng bình tĩnh. Giống một chiếc xe ô tô bị cảnh sát rượt đuổi nhầm. Biết bị nhầm, xe vẫn cứ chạy; như chọc chơi vậy. Thế là mạo hiểm. Chun Hey Gyo thích mạo hiểm trong đường tình hay không, chắc chỉ cô biết, vì vị bác sĩ tâm lý đó không coi người tình là người bệnh. Anh không còn thừa tâm lý để hành nghề khi yêu. Kẻ nào hay nghĩ rằng trong ngành y, bác sĩ tâm lý là người bị bệnh nghề nghiệp nặng nhất thì là vấn đề của kẻ ấy. Không có anh trong đó! Nhờ khai phá của người bác sĩ trẻ, trái tim hiểu vì sao cô chủ của nó thích được răng đàn ông cà cà nơi núm vú trái. Vẫn chuyện “vú đàn bà quà đàn ông” thôi. Sau khi tim Chun Hey Gyo được ăn, người bác sĩ chuyển nghề. Thấy bảo vì anh có nghề khác kiếm tiền hơn? Lúc đó anh vẫn độc thân. Giờ cũng vậy. Nghề bác sĩ lúc nào cũng là nghề tốt miếng tốt tiếng.

Yêu thật sự tới người thứ ba thì Hey Gyo lấy anh ta làm chồng. Trái tim người phụ nữ này không bị cuộc sống hôn nhân làm thay hình đổi dạng. Cô sống cho chồng và cậu con trai bằng trí óc và chân tay của mình. Đến cả nước mắt cô cũng không phải tiêu tốn cho họ nữa là. Thật ra, chính những cú tình lẻ mới làm tim cô co thắt tới phát mệt. Lại là vận động suông. Nó méo mó đi, chẳng đưa đến các dòng máu ấm nào nuôi cuộc tình. Phải rồi. Không có máu dồn đến, sao gọi là tình? Như bờ sông không có phù sa thì gọi là bờ gì, sông gì? Đó là nói về con tim. Còn núm vú có cái lý của nó mà lý của con tim không thể nào thấu nổi. Ngay cả chuyện “Vú là gì?” tới nay trí óc vẫn chưa biết thấu đáo về giới tính của nó; nói gì đến núm vú.

…Nhiều tháng chia tay với người bác sĩ tâm lý… Tối thứ bảy nọ, Chun Hey Gyo một mình đến đám cưới của chị bạn quen sơ. Thế cũng mạo hiểm. Trong bộ áo váy, hai núm vú của cô ngọ ngoạy nhìn sang nhau. Hey Gyo biết vậy. Vào phòng cưới mà hai bầu vú những muốn tự khẳng định như thể chúng đang trong phòng tắm hay ngoài bãi biển! Chúng muốn có cánh ngay lúc đó. Nếu như không có bầu ngực trái che chắn, chắc con tim sẽ xấu hổ lắm.

- Xin lỗi… Hey Gyo, nhớ tôi không?

Một tiếng Hàn giọng Nhật của người Canada trắng thuần chủng. Không quay sang nhận lấy thứ tiếng Hàn đó. Chun Hey Gyo đã biết trước sẽ có nó tại tiệc cưới, ngay khi đang trang điểm ở nhà. Hai núm vú hướng về phía người đàn ông, nhìn đáp lễ. Cái bên trái nhấp nháy, như con mắt hiếng.

***

Nhà văn ăn-tim-viết-sách cho biết, những quả trái tim của ai cũng được. Ông không câu nệ trong hay ngoài nước Úc, giới tính, nghề nghiệp, sắc tộc, tuổi tác… Mà chọn theo gu của ông.

“Cần nhất nó phải tươi, còn thoi thóp co bóp thì tuyệt. Thế thôi. Đương nhiên phải là tim của chính những người tôi muốn. Còn muốn kiểu loại gì thì tùy. Khó nói trước. Lắm khi sách nó chọn tim. Nhưng thường là tim mình ăn vào thế nào thì đẻ ra sách nấy. Vâng, đó là hai điều kiện vàng. Các hai núi vàng, tôi cũng không đổi. Tôi kinh tởm các con tim khô lạnh. Kể cả từ thời chưa phát hiện mình có khả năng ăn tim để rồi viết sách. Hồi nhỏ, mỗi lần thăm bảo tàng động vật hay vào phòng thí nghiệm nhà trường, tôi đều nôn ói cho đến tận mật xanh hoặc bất tỉnh khi nhìn các lọ ướp những quả tim, bất luận của người hay không phải của người. Cha mẹ đưa tôi sang cả Anh quốc, đến các bác sĩ hàng đầu, cũng không chữa trị nổi. Một nông trại nho rộng lớn phải đi đời. Rồi hai cụ cũng qua đời theo. Tôi còn lại, lớn lên… Lớn lên với chứng bệnh, thành nhà báo. Là chuyên gia phỏng vấn, giao thiệp bạn viết đó đây đã dẫn tôi đến việc biết mình có cái tài “ăn” oái oăm này. Vâng, chuyện phỏng vấn phỏng véo kiếm ăn đã đưa tới chuyện viết văn rong chơi. Đang còn là chơi thôi. Đến nay được ba, bốn cuốn-sách-tim, “tiền nhuận bút chả bõ dính nhà băng”. Bà vợ cũ của tôi hay nói, rồi phẩy ngón út trái lên. Tôi lại nghĩ, ăn những thứ khác thì không sao; ăn trái tim người ta mà kiếm bộn bạc về tay mình, tệ quá! Phải không? Tất nhiên, tôi đang cần tiền. Sống vất vưởng thế này…

Phải minh định một điều. Với các nhà-văn-tim khác không biết sao, nhưng với tôi không nên suy diễn theo kiểu truyện cổ anh em nhà Grimm rằng, hoàng hậu đinh ninh ăn tim gan Bạch Tuyết rồi mụ chắc từ nay mình đẹp nhất đời; hay theo lối các võ sĩ thời xưa phải ăn tim đối phương quả cảm giúp thêm khí phách và chiến thắng thì mới vinh quang. Vì tôi quan niệm trong nghiệp văn không có kẻ thù. A, trong nghề báo thì có đấy, kẻ tình địch luôn ở mọi nơi đối với thứ nghề kinh doanh chữ.

Vẫn đang nói về các quả tim, bạn ạ. Ngay khi nó bị bệnh, hay là tim của người bị bệnh gì đó, tôi đâu ngại. Những trái tim kém may mắn cũng sẽ cho tôi dinh dưỡng thông tin về chủ nhân. Có thể lại nhiều và quý là đằng khác. À, thoạt đầu tôi cứ nghĩ, áp dụng cách chữa chứng mồ hôi quá nhiều do cơ thể suy nhược là ăn tim lợn và uống nước canh, thì có thể tạo hiệu ứng nào đó trong khi tôi ăn tim người. Song, dường như tôi chẳng thấy gì đặc biệt khi quan sát kỹ vận hành của các giọt mồ hôi của mình. Tôi vốn bị táo bón từ nhỏ. Ngay khi chưa viết-văn-tim, hằng ngày cũng phải ăn trái cây. Nho chẳng hạn. Trước kia, ở tòa soạn tờ The Kangaroo, khi các đồng nghiệp đi hút thuốc tôi bắt đầu rút trái cây từ ngăn tủ ra. Họ xuống đến hàng hiên tòa nhà, rút thuốc, châm lửa. Tôi ra tới hành lang, nhìn xuống, nhai trái cây. Họ nói về bài vở đang dở dang, và thường chuyển nhanh qua thời tiết. Cuối cùng vẫn chuyện gia đình rồi mốt, nếu có phụ nữ trong đám đó; nếu toàn đàn ông, đoạn kết rất linh tinh lộn xộn, thường là chuyện may rủi của một văn nghệ sĩ trai nào đó. Tôi trên này, một mình. Nhâm nhi trái cây và đau đáu về cuốn sách đang viết. Tất nhiên. Một mình.

Quên chưa kể, tôi có thói mút tay từ nhỏ. Và thường được các cô cậu bồi bàn nhớ dai vì cách liếm các ngón tay rất ngon lành. Thói tật gì cũng có cớ thể hiện. Tôi để ý rất nhiều người Việt coi việc xỉa răng bằng tăm như một thói quen sau bữa ăn. Tất nhiên trong đó lý do vệ sinh là chính, mãi thành thói quen tâm lý. Khi đó tâm can họ mãn nguyện lắm thì phải. Ra khỏi tiệm ăn, lên xe ô tô ngồi sau tay lái mà cái tăm còn nhong nhong trên miệng. Xỉa răng gì, có mà mút tăm thì có! À, nghe nói có một số người già ở Việt Nam xỉa răng xong ưa đưa lên mũi để ngửi. Tại thị trấn này, tôi thì hay mục kích vụ “hửi tăm” ở một bà cụ, má của chủ tiệm Ba Mùa. Thì vẫn biết đó là chuyện cá nhân, như một thú nhâm nhi thói tật thôi. Luận điểm nọ cho rằng, mút ngón tay là thói quen ở vài dân tộc, di căn từ bẩm sinh bú tí mẹ. Lại có trường phái khẳng định mút tay liên quan tới phương tiện ăn. Mà phương tiện ẩm thực của con người, cũng như phương tiện giao thông và nhiều chuyện khác, đều học lỏm từ loài vật. Ngu gì mà không học lóm! Chỉ có loài vật ngu mới không chịu học từ con người. Bộ môn Phỏng sinh vật ra đời vì thế. Dân châu Âu ăn bằng nĩa vì bắt chước gấu dùng các móng tay vọc đồ ăn; một số nước châu Á thì dùng đũa là cọp-pi mỏ chim; các xứ theo đạo Hồi (Ấn Độ, Mã Lai, châu Phi) là khôn nhất vì ăn bốc, nhái theo khỉ. Nhiều người tưởng chúa tể lãnh vực mút hẳn là dân ăn bốc? Không đúng, theo tôi. Suốt các bữa ăn, tức là suốt một phần không nhỏ cuộc đời, các ngón tay đã mút họ. Vậy không còn khái niệm họ mút ngón tay nữa. Người Âu- Úc rất hay mút ngón tay khi ăn. Xấu quá! Ha ha… Trong đó có tôi. Trời, có lần thăm Thổ Nhĩ Kỳ, tôi ngồi đối diện một cô gái, chắc người Ý, dân sang trọng ra trò mà kết thúc đĩa spaghetti bằng ngón tay trỏ thanh tú. Hai ngón tay trỏ của tôi khi đó dựng cả dậy. Chúng tìm thấy bạn gái. Như muốn động tình.

Vâng, tôi vẫn nhớ là đang nói chuyện ăn trái cây đấy chứ… Khi mút các ngón tay dính nước trái cây, dường như tôi tiêu hóa đến hết những con tim. Tôi chắc chắn trong Tòa soạn, thậm chí cả cái tỉnh Sunshine này, chẳng có tay văn sĩ nào mang chứng ăn thịt người để viết sách, ngoài tôi. Cả tiểu bang Melbourne không nói làm gì. Trời, lên trung tâm Melbourne City những ngày gió lớn trong nắng chiều thì biết tay nhau. Không, đúng ra là biết tim nhau. Hì hì… Bạn hỏi gì? Thì mã tầm mã mà. (Tôi không thú vị khi ví mình là ngưu đâu! Là đàn ông, tôi muốn được làm ngựa!). Vâng. Tim sẽ tìm thấy tim. Máu thịt đòi gặp máu thịt. Qua cung cách, cái nhìn của kẻ ăn thịt đồng loại là biết nhau ngay. Một bậc thầy của tôi ở Nam Phi cũng có khiếu ăn tim, nhờ vậy viết được tự điển bốn thứ tiếng. Khi qua đây thăm tôi, ngài đã chỉ mánh tìm nhìn đồng nghiệp đồng sàng qua ánh mắt trong nắng xiên xiên. Tinh sắc của con người đổ lên cái nhìn. Chúng tôi ăn-thịt-người nên mang cái nhìn của quạ, của cọp. (Bà bạn gái của tôi thì ăn chân, thế mà cũng có ánh mắt như vậy. Lạ!). Thứ nữa, loại như tụi tôi tất nhiên thường phả ra hơi thở rất khó chịu. Tôi có hoa quả bù lại nhân tính cho hơi thở. Không hiểu ở các vị khác, lại là ăn các thứ khác tim, thì sao. Tôi và người bạn gái không yêu nhau qua hơi thở, nên cũng chả biết! Với ông thầy Nam Phi, đó là xì-gà Havana. Ổng giàu, có tiếng tăm, đặt được xưởng sản xuất xì-gà riêng cho mình. Một quan chức khá nổi danh trong chính trường Mexico, cũng xơi tim sinh sách- sách của ông này vớ vẩn thôi, toàn về di dân bất hợp pháp, chứ văn vẻ gì- thì lại khử hôi mồm khi đi hôn các cô buôn phấn bán hương. Bạn cười? Nghe cái cười, tôi biết bạn hiểu. Gã quan chức ấy đến với các cô chỉ để hôn, chẳng ham gì khác. Bạn bảo sao? À ừ. May mà các hoa không biết mục đích tìm hoa của lão già nửa dê nửa chuột! Nào có đâm hoa chọc hoét gì cho cam. Hít hít mút mút thôi mà! Chán hơn cả bà má hửi tăm! Ha ha ha! Không hiểu sao tôi kinh tởm gã chính khách viết văn ấy. Xin lỗi, có lẽ tôi bất công. Trong làng văn ăn tim, nghe nói có nhiều cách khử hôi miệng. Già Lev Tolstoy nói đúng đấy, “Có bao nhiêu trái tim có bấy nhiêu cách yêu”, nên có bấy nhiêu mùi hôi ở miệng chúng tôi. Nhờ vậy, sách chúng tôi làm ra sẽ mang khẩu vị riêng. Chắc giới phê bình và một số độc giả phải ngửi thấy chứ? Cái hôi thối chân thật của những chữ nghĩa bật ra từ máu thịt tươi sống”.

***

Tony Stewart là người làm chứng hôn nhân, một nghề thuộc hàng chuyên nghiệp trong vùng. Tiền kiếm được không cao lắm, nhưng đều. Xứ sở mà chính sách bảo lãnh vị hôn thê là quốc sách mà. Tony Stewart độc thân. Người ngoại đạo thì lạ. Ốc không mang nổi mình ốc lại còn đòi… Nhưng với nhà văn ăn tim của chúng ta, chuyện này sáng tỏ như tất cả những gì hiện ra dưới ánh sáng mặt trời và mặt trăng. Nhà văn mất bốn năm lùng tìm tim của Tony Stewart. Sau một lần leo núi, bị trượt và lăn như một tảng đá biết kêu, chàng trai tưởng như khỏe đẹp đầy nam khí đã thành pho tượng. Vô sinh. Rồi trở thành người khai sáng thủ tục cho các đôi uyên ương.

“Tâm sự của một Người Chủ Hôn Lễ (*)

Tony Stewart là một người chủ lễ cưới. Đây là tâm sự ông muốn gửi đến độc giả của báo The VIP- các cô dâu chú rể trong vùng Nam Fornia- nhân mùa cưới: 

Ngày 17/4/1988

“Em sẽ đồng ý lấy anh chứ”?- “Em đồng ý!”- Đó là câu hỏi và câu trả lời rất phổ biến. Đó còn là lời thổ lộ, cam kết mà không một ai coi nhẹ. Mười bốn năm nay, tôi hướng dẫn các buổi lễ thành hôn. Và tôi thích được là một phần của Ngày Quan Trọng Nhất trong đời sống các lứa đôi; dù biết đó là ngày-của-họ và là hôn-lễ-của-họ. Có một hoặc hai điều kiện pháp lý cần thiết. Bất kỳ tiền thù lao nào cũng được định giá ứng với: hai cuộc viếng thăm, một buổi diễn tập và buổi lễ chính thức. Một khi tiền thù lao đã được chúng ta đồng ý, sẽ không hề có bất kỳ “chi phí ẩn” nào khác! Tất nhiên, điều quan trọng là bạn cần cân nhắc và biết kết hợp hài hòa các yêu cầu văn hóa vào buổi hôn lễ của mình. Tôi thực sự thích thú và sẵn sàng tham gia sắp xếp kế hoạch cho Ngày Của Bạn: Có những lễ cưới được làm tại các công viên đầy ong bướm trong địa phương. Những cặp uyên ương khác lại dùng Ngày Của Họ trong các khu vực trang nghiêm và gọn đẹp quanh nhà thờ. Nhiều đôi lứa chọn lựa một phòng cưới cao rộng trong các lâu đài tiếp tân lộng lẫy. Lại có không ít hôn lễ được thực hiện trang trọng nơi bờ suối sau khi khách cưới đã vui chung ở phòng cưới cao sang cạnh đó. Cũng có đôi ba cặp làm Ngày Của Mình ấm cúng và khoáng đạt trên một con tàu nơi sông biển. Các khả năng thì vô hạn và không có quy định nào! Đó là Lễ Cưới của-bạn và tôi, một trong các Người Chủ Hôn Lễ chuyên nghiệp- mong muốn được làm Người Chủ Hôn Lễ của bạn, để giúp bạn có một ngày yêu dấu và không thể quên.

Tony Stewart

Người Chủ Hôn Lễ”

“Chàng” Tony yêu hết họ, những cô dâu mà chàng làm chứng. “Ông” Stewart cũng vậy. Ông còn yêu thuần thục hơn chàng! Tony Stewart đan lồng hài hòa và kín đáo tư tình vào công vụ. Chả có lỗi gì, khi trong vai một ông vua tự phong, một vị tộc trưởng tự ban sắc. Tony Stewart chỉ yêu bằng con tim. Không hề bằng chân, tay, ngực, bụng, cơ quan sinh sản, hậu môn, mông, môi miệng, ánh mắt, nụ cười, hơi thở, tai, mũi, khuôn mặt, đầu, râu tóc và làn da. Không kể chỗ kín, các chỗ hở của Tony Stewart cũng chẳng phát tia sáng của nam tính. Chưa thấy cô dâu nào vấp ngã trong nhà thờ hay trên bãi cỏ dưới ánh mắt dẫn đường của người làm chứng hôn nhân này. Bàn tay của Tony Stewart mới nhạt làm sao! Sau loại ánh mắt với ánh mắt, nếu loại giao hợp thứ hai của nam nữ là tay với tay (và cuối cùng- theo quan niệm truyền thống- loại thứ ba, bằng bộ phận sinh nở) thì ở những cái tay Tony Stewart phải tốn thêm một ký lô muối dội thẳng vào. Trong trắng. Cao thượng. Xa cách. Dị nhân. Các ảnh cưới mà Tony Stewart sắm vai nhân chứng đều được nằm âu yếm, cẩn trọng trong các album. Ông vua không ngai không mỹ nữ trên long sàng, chỉ trên giấy chứng hôn thú, đã sắp xếp hình ảnh theo ngày tháng cưới. Thế là công bằng. Không kỳ thị.

Gần ba trăm phụ nữ đã sống hòa thuận trong tim Tony Stewart. Các chú rể, họ là thân chủ- người chi tiền- của Tony Stewart và là người đàn ông trên đời, là chồng của những người vợ trên giấy của Tony Stewart. Nếu như phải ra tòa, ông sẽ cãi: gần 600 người đó là bạn, đúng tinh thần tâm sự của bài quảng cáo. Bác sĩ pháp y cứ việc mổ xẻ tim Tony Stewart. Gần 300 phụ nữ đã sống hòa thuận trong trái tim ấy! Rõ ràng họ chỉ có thể là bạn của ông. Ông không phải là vua, và cũng chỉ là đàn ông tựa như chuyển hệ. Còn họ, những đàn bà.

***

Cuối cùng thì một nhà thơ cũng đã chết. Lưu Trầm Thu. Đó không là tên thật của anh, mà tên vợ anh. Anh yêu vợ lắm. Yêu đến mức ôm vợ trong thơ suốt đời. Ôm luôn tên của vợ làm bút danh. Thế là yêu hạng thi nhân. (Cũng không hiếm trong ngành văn chương. Hà Thành có nhà tùy bút Nguyễn Liệt Na là một.) Nhưng yêu tới cỡ thế này thì chỉ ở thi hào thi bá: Khi cầu hôn, thề “Anh chỉ có thể chết được khi các trang bản thảo thơ xếp chồng lên cao bằng em!”. Thơ thương Lưu Trầm Thu, nhưng than ôi, trời hại anh.

Thu vợ không phải là người thấp. Nhìn dáng đi là biết, không tung tẩy vẻ tất bật những chuyện không đâu như những người lùn. Đây là một người bé nhỏ, thật là bé nhỏ. Cơ bắp, xương thịt tỷ lệ thân thể là của một người bình thường ở tầm một mét hai. Thế thôi. Như trên màn hình trang đời, ông Tạo thu cô lại bảy lăm phần trăm vậy. Ở những người đàn bà lùn, nữ tính an phận tỏa trong cộng đồng lùn. Thu vợ từng có những giấc mơ hội nhập vào họ. Trong hai, ba lần mơ cô yêu một chàng lùn đẹp trai thổi sáo tuyệt chiêu. Ở tuổi dậy thì, khi chiều cao của các cô gái con nhà lam lũ thường được hiểu là tới chậm, Thu vợ còn được gọi là “Hoa khôi tí tị tì ti”. Khuôn mặt chị trong những ngày vấn vành tang đùng đục vẫn ánh lên nét hoa.

-Con giời đè!- Bà ngoại rủa mỗi khi cô bé làm trái ý.

-Bà cứ nói vậy cháu nó ế mất. Hăm hai hăm ba rồi còn gì… – Người mẹ tiếp lời.

-Sao mẹ mày không bắt nó chịu ông Đôn đi?- Bà già vẫn một giọng.

-Bác ấy già yếu quá. Về đấy thì bằng như làm lẽ…

Cô bé từ trong bếp vụt chạy ra sau vườn.

Năm năm nữa.

-Cứ nói cho nó nghe thấy nhục mà bỏ đi.

-Cho khuất mắt.

-Thằng bố nó mà nghe còn tức hơn.

-Cho càng tức; đi cho nhẹ thân. Rõ ghét từ cha chí con.

-Của tội của nợ.

Cô gái từ vườn rảo bước đến bờ sông. Bước thấp bước cao giữa trời mù sương. Một dấu phẩy bơi trên trang giấy trắng đục. Thấp lùn cũng là một cái tội cái nợ? Tội: nhúng nước rửa cho hết. Nợ: trôi theo dòng, tan đi. Dấu phẩy nhấp nhô và dòng sông Hồng cuộn chảy. Dấu phẩy chìm dần trong dòng máu lớn.

Những người đàn ông lấy làm lạ. Người trí thức cân nhắc, “Nhìn con bé từ đầu đến chân chẳng sợ mất nhiều thời gian”. Dân lãng mạn tiếc, “Giá mà em cao thêm bốn mươi phân nữa…”. Kẻ thô tục nuốt nước bọt, “Lờ em be bé lá tre non…”. 

-Anh cứu em làm gì? Em hận lắm!

-Em biết không, những khi nghe người ta lăng mạ em, anh bèn về nhà nằm mơ. Mơ rằng khi nào anh xin cưới em làm vợ, sẽ hứa trước em là anh chỉ có thể chết được khi các trang bản thảo thơ xếp chồng lên phải cao bằng em!

Cô gái cả cười. Lần đầu tiên chiều cao của cô có giá.

Cô hỏi người con trai to và mạnh hơn dòng nước đỏ ngầu từng ôm níu lấy cô:

-Thơ cao lắm hay sao mà em được đo với nó hở anh?

-Em là tầm thơ của anh.

Họ thành Thu vợ Thu chồng. Họ hạnh phúc. Hạnh phúc quá sẽ như giấc ngủ say, thế nào cũng tự đánh thức bằng những cơn sảng.

-Em người ngợm bằng cái thước kẻ thế này mà anh còn cho cưới xin về làm vợ đàng hoàng. Đời em mong gì hơn. Nói dại miệng trời vả nhé, thà anh sứt tai gãy gọng gì đi, anh ngu si gì đi, em yên lòng! Đằng này…

-…..

-Em giữ trinh tiết cho anh là một lẽ. Mà anh còn tân cho em, càng làm em khổ. Sao anh không yêu dăm ba người đi, vợ nọ con kia rồi cuối cùng hẵng đến với em! Tới một ngày kia, anh biết các cô khác, chân dài mặt đẹp, thế nào anh cũng bỏ em thôi! Mà đàn bà con gái ngoài đường chân có dài thì dài, “múi mít” cũng chỉ có một, chả đẹp chả thơm bằng của nhà đâu!

-…

-Anh bảo thơ nó sẽ giữ anh cho em. Em chả tin. Thế ra thơ không mê gái lạ à? Nhưng em có cách của em. Anh muốn biết không? Ông Trời ông Phật không cho em thân hình bằng chị bằng em thì tấm lòng em phải to khỏe này, phải cao đẹp này. Gấp đôi họ. Thế có đủ chưa? Thì em sẽ cho nó gấp ba. Lòng em lúc nào cũng bao phủ, chăm sóc anh, làm tình với anh.

Vợ bé chồng to dẫn nhau đến chùa Trong động Hương Tích, thề: “Có trời xanh Phật cao đây, con thề bên nhà con là con sẽ không ăn nằm với ai ngoài nhà con!”.

Lưu Trầm Thu thường sang phố, bên kia sông. Nơi có bạn có hội. Mỗi khi viết xong một tập thơ, anh chở thơ qua đó ngâm vịnh cả tháng. Rồi lại vất vưởng chở thơ về cho vợ. Lần ấy, chắc giời đi đâu vắng, để mưa bão lớn thế không biết. Thu chồng từ bên phố về đến đúng xế ngang chùa làng bên thì đành chôn chân dưới cây đa giữa đồng. Sấm to. Sét lớn. Nhà thơ không thể nương cửa Phật lánh nạn. Đời cũng là đạo ở anh, Lưu Trầm Thu phải giữ mình với vợ đang ngồi bậu cửa chờ, và phải giúp ni cô đang hành đạo sau cổng chùa. Người nữ này si mê anh từ ngày còn là học trò.

Chắc rồi Thu vợ sẽ chẳng lấy ai làm chồng? Kiếm đâu ra ở đời một người đàn ông nữa thông minh và to khỏe, từ sống cho đến chết thủy chung với vợ. Lại là vợ tí hon. Kiếm đâu ra một người chồng nữa biết làm thơ để có thể xếp các trang bản thảo của mình lên tiếp với người quá cố?

Sau khi nhà thơ ra đi, nước sông Hồng vẫn ngầu đục bời bời, mà ven sông Hồng thì buồn lắm. Người trí thức chẳng có thời gian để nhìn đi đâu, dù chỉ là cái nhìn dấu phẩy; dân lãng mạn thả đời theo các em chân dài; kẻ thô tục đã hết cả nước bọt. Vậy, Thu vợ sẽ yên thân với cánh đàn ông. Còn đám phụ nữ? Người mẹ và người bà vẫn còn sống chống mắt coi hạnh phúc của con và của cháu trong hồi sau. Ni cô không còn ở ngôi chùa làng bên nữa; sư ông trụ trì cũng không biết gì hơn. Người đàn bà trong Thu vợ liệu có thức giấc vì lời thề chùa Hương? Mà thôi, Lưu Trầm Thu, hãy yên nghỉ. Chỉ nội cái việc văn chương dò hỏi như thế trong khi gái góa trở tang cũng đã là một thứ văn chương vô ý!

***

Người bác sĩ tâm lý đã vô tình làm máu thịt Chun Hey Gyo trở thành thực phẩm thứ nhất cho văn chương.

Đầu tiên, nhà-văn-tim nếm Chun Hey Gyo để tạo ý đồ, dựng dàn bài và, khó nhất, lấy giọng điệu. Theo ông, đây là thủ tục nhưng vẫn cần ngẫu hứng. Không có ba đỉnh này, không làm nên tam giác tiểu thuyết. Cũng hồi hộp không khác khi làm thơ là bao. Giọng điệu là từ cao xanh dội xuống; ngay cả với các tiểu thuyết trần thuật, tả chân theo đường thẳng. Ý đồ của một cuốn sách là nền tảng có ngay dưới lòng đất mà nhà tiểu thuyết sinh sống. Dàn bài? Nó dàn trải trên khắp mặt tường nền nhà ăn nằm hàng ngày với người viết. Ba thứ đó lần này có mã số ẩn náu trong con tim Hey Gyo. Nếu biết thế, chắc gì chàng bác sĩ đã yêu cô hào hứng đến vậy. Chúng ta có thể than rủa thay cho chàng:

“Sách truyện là thế ư? Tại sao lão ta phải để ngòi bút leo lên đầu vú của nàng, theo các mạch máu về hành hạ con tim tội nghiệp của nàng, chỉ vì cái giọng điệu văn vẻ chết tiệt đó! Ta ị vào cái thứ chữ nghĩa nô lệ thể chất con người! Văn học là nhân học đâu phải theo trò gán ghép ấy! Gì nữa đây? Cái dáng đi lềnh lệch của nàng đã làm xiêu đổ lòng ta! Không một cô người mẫu nào được trời tặng món quà đó. Đến cả nghề y khoa hiện đại của ta cũng chưa nghĩ tới mối liên hệ giữa trái tim và dáng đi ở một con người, thế mà thằng cha mọt sách mượn vía chữ đã khai thác. Mị dân! Phù thủy! Vô nhân bản!”.

Không nói cũng biết, tim của ngài Stewart thì làm nhiệm vụ của người thợ cày cho một tiểu thuyết gia: tìm chi tiết, kiếm nhân vật, rồi thế mà viết. Sòn sòn là đô sòn! Mỗi ngày cứ việc đẻ ra năm, bảy trang, ví dụ vậy. Ừ, mỗi cô dâu- nhất là các cô dâu da màu và lai- tận tụy hóa thân trong cơ thể nhà văn của chúng ta để tái sinh nơi trang sách. Họ làm vậy đâu phải để chiều lòng nhà văn, hay để muốn dự phần vào kho tàng nhân vật tiểu thuyết của nhân loại! Lý do chỉ là họ đòi đền bù sự lạm dụng của người chủ hôn lễ Tony Stewart. Nhưng họ đã nhầm, không một sự liên hệ nào giữa cá nhân họ, từ tên tuổi, hoàn cảnh sống cho tới cá tính của họ hay của vị hôn phu của họ ánh được lên các trang văn. Nếu thắc mắc với các chuyên gia phê bình về mối quan hệ hiện thực và tưởng tượng, chắc chắn họ sẽ được giải thích qua loa: “Hừm, có phải đời thế nào thì vào văn thế nấy đâu, mấy bà?”.

Tiêu hóa hai con tim trôi chảy. Cái thứ ba thì không. Trong cơ thể cũng như trên bản thảo, nhà văn của chúng ta thấy sinh sự mỗi khi ăn nhà thơ Lưu Trầm Thu. Có thể tại vì đồng nghiệp ăn nhau? Cũng khó mà biết. Trước, trong hai cuốn sách, nhà văn cũng may mắn xơi tái cả một cây đại thụ của văn học Pháp mà có sao đâu! Hay vì thời gian này, ông ăn uống thất thường? Cơm đường cháo chợ, như người Việt hay nói. Thoạt đầu nhà-văn-tim này mất cảm giác ngon miệng trong ba bữa thường nhật. Khi ông bước vào quán ăn Tàu ưa thích nhất ở Sunshine, nước bọt không còn tiết ra nữa. Trước, bắt chước người Trung Hoa, thường là ông phải chạy đi nhổ đại một, hai bãi nước bọt ở góc khuất nào đó. Ông cho là vì mệt mỏi, nên chưa để tâm. Tới khi có các biểu hiện một-một giữa việc ăn tim nhà thơ họ Lưu với sức khỏe của ông và tình trạng của văn bản, nhà văn chần chừ mãi mới đi khám bệnh. Khi viết hai cuốn sách kia, cơ thể ông thay đổi gần giống như khi ông ăn Chun Hey Gyo và Tony Stewart. Cảm hứng cũng từa tựa. Sau Lưu Trầm Thu, khác hẳn. Cứ nhâm nhi một tí họ Lưu là như ngậm sâm trong miệng; nhiều lần ông viết quên cả bà chủ bút, sếp của ông, đứng sau lưng. Quên cả bà chủ nhà, vợ ông, đứng sau lưng. Thậm chí cả bà bạn gái- đứng trước mặt, trên màn hình- ông cũng quên luôn. Cho nên, ông coi việc khám phá và kiếm về được trái tim Thu chồng như một vận may to nhất trong đời viết văn ăn thịt đồng loại của mình.

Nhà-văn-tim tìm đến một nữ bác sĩ tim mạch không nổi tiếng. Ông tránh người bác sĩ quen thuộc, vị giáo sư tim mạch đầu đàn của Đại học Monash. Phần vì đâu còn đủ tiền trả, phần vì linh cảm sự lạ ở Lưu Trầm Thu. Ông ngộ rằng nghề viết của mình có những chốn linh thiêng mà khoa học không nên can thiệp. Ông bắt đầu thấy hối hận vì cái tật nhát chết: ngay khi gia nhập làng văn lạ lùng này ông đã mua ngay bảo hiểm nhân thọ với giá cao và neo trang văn vào bệnh án của bác sĩ tim mạch. Ông bắt đầu ngừng việc mỉa mai các cây bút Á Đông khi họ không tách bạch việc ăn thịt đồng loại với các thực phẩm khác. Và nể phục họ, bằng bản năng kín đáo truyền thống, đã không san sẻ với người ngoại đạo- kể cả vợ chồng hay bạn chăn gối- mọi uẩn khúc xung quanh hành vi ăn người viết sách.

-Vì lý do nghề nghiệp, tôi khó có thể kể về một số điều kiện sinh hoạt đặc biệt của mình, thưa bác sĩ. Mong cảm thông- Nhà văn thấp giọng, năn nỉ…

-Ông yên tâm. Ở đây, chúng tôi bảo đảm quyền thông tin cá nhân cho đến nhịp đập cuối cùng trên con tim bệnh nhân cuối cùng của mình.

Nhà văn ăn tim cười, một điệu cười không có biểu hiện gì để gây hại. Bình thường ông sẽ cười ruồi. Một cái cười ruồi bay thẳng vào mặt đối phương, và vo ve trong đầu họ suốt cả ngày. Trừ bà chủ bút, các đồng nghiệp đều ngán ông tới cổ là vì vậy.

-Ông dư biết, trái tim là bộ phận quan trọng bậc nhất của thân thể. Nó được ví như cơ xưởng làm việc ngày đêm không nghỉ, bơm máu đi khắp cơ thể, mang theo ôxy và chất dinh dưỡng tới mọi nơi. Khi quá trình này bị gián đoạn hoặc hoạt động bất thường, toàn bộ cơ thể sẽ rệu rã, thậm chí tử vong. Đấy là lúc bệnh tim xuất hiện…

Nghe chỉ đến đó, tất nhiên, ông nhà văn của chúng ta đã ói ra. (Không phải vì nhìn thấy một con tim khô lạnh). Lần đầu tiên ông hiểu vì sao có những kẻ nhảy chồm lên bóp cổ người đối diện. Ói quả là một biện pháp ngăn chặn án mạng. Thân thể con người thật nhân đạo!

-Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị bệnh tim, nhưng nạn nhân chính của căn bệnh hiểm nghèo này là cao niên và nam giới.

Sau nửa tiếng chịu cực hình, nhà văn ra về. Bình an vô sự, cho cả hai bên. “Thế mới biết dân phương Đông có tài chịu đựng!”. Chỉ còn hai mươi đô la cuối cùng của tuần đó, ông thưởng cho mạng sống của mình một chầu quán Tàu Sunshine, dù chẳng tiết được tí nước miếng nào. Tháng sau, qua xét nghiệm và khám lần hai, nhà văn được biết nơi trái tim ông động mạch vành tạm thời bị thắt lại. Biến thành một người thí nghiệm bất đắc dĩ và chơi ú tim với bà bác sĩ, ông vui mừng xiết bao khi khẳng định được Lưu Trầm Thu là sự kiện trong thế giới chữ nghĩa của mình, và bụng bảo dạ, “mà cũng là vấn đề của văn học nói chung”. 

Cuối cùng, vấn đề đó nó là thế này… Tất cả đời thực của Lưu Trầm Thu trở thành cuộc đời nhân vật Sam Bithoor trong truyện. Một minh họa cho phép ánh xạ một-một. Các khác biệt chỉ là chi tiết vặt mà chính nhà văn cũng không can thiệp. Hoặc đó là biến dạng sau khi địa phương hóa từ Việt Nam qua Ấn Độ. Thu chồng thì là Sam chồng, Thu vợ là Sam vợ (có mập hơn Thu vợ dăm bảy ký lô và nhỉnh hơn chừng dăm ba phân), sông Hồng thì thành sông Hằng, chùa Hương thành Mandhar Devi, v.v…

Ngày và đêm, viết trong một năm rưỡi, nhà văn ăn tim của chúng ta không còn thói ngưng để đọc lại từng chương theo thói quen. Khi xong câu cuối cùng, ông hình dung thấy cái gờn gợn bám vào hai bàn tay suốt một năm rưỡi bỗng từ từ biến mất. Như đứa trẻ lấm lem vừa xây xong lâu đài cát, ông xòe hai bàn tay ra nhìn. Không còn gì trong đó.

Bạn sẽ quan tâm việc ông nhà văn có ngạc nhiên về sự trùng hợp của nhà thơ họ Lưu ngoài đời và nhân vật Sam Bithoor trong sách? Nếu ở hai, ba cuốn sách trước, hay ở một cuốn sách khác của tác giả khác, thì ông nhà văn ăn tim cũng sẽ ngạc nhiên. Nhiều khả năng ông sẽ tu chỉnh cuốn sách của mình, hoặc la lối cuốn sách của tác giả kia. Bây giờ thì không. Ông hóm hỉnh, nháy cái mắt xanh lơ, trả lời trong buổi ra mắt sách mà ông tưởng tượng. “Lưu Trầm Thu đã thành Sam Bithoor là qua hai bàn tay của tôi. Vâng, qua trái tim của tôi. Điều đó mới đáng để tâm. Sau đó họ giống nhau hay khác nhau thế nào, là theo ý Phật!”.

Sam Bithoor giống Lưu Trầm Thu thì không lạ cho lắm. Thi nhân, xứ sở nào cũng có. Và cuồng si giống nhau. Tư chất, điệu bộ khác là mấy. Dưới ánh mặt trời chung này. Ừ thì những ánh trăng có thể khác nhau ở mỗi vùng trời đất. Sự sống và cái chết của các nhà thơ chỉ là những bản sao lục của nhau. Lạ, là ở Thu vợ và Sam vợ. Những người thiếu thước tấc còn khó kiếm hơn các thi sĩ. Họ ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng. Lại là những người đàn bà. Bị giời hành hạ, đè nén. Ác và hèn, ở chỗ trời hành hạ, đè nén họ trước, rồi theo đà đó bọn đàn ông hành hạ, đè nén tiếp. Trên cái thể xác và tinh thần thiếu hụt. Những người đàn bà tí hon có gương mặt, tính nết như nhau, số phận như nhau càng hiếm. Thu vợ và Sam vợ chính là hai chị em song sinh từ hai cha hai mẹ!

Những người viết ăn tim người sinh ra sách văn học không nhiều bằng các loại người viết tương tự khác. Thoạt tiên, cứ tưởng có thể suy luận giản đơn rằng công việc văn chương chủ yếu xuất phát từ con tim, nên cần tim hơn; số lượng nhà văn ăn tim sẽ nhiều hơn. Nếu thế thì hai với hai đã thành năm từ thời Pythagoras! Thực tế, cho đến nay, qua theo dõi, tình thế ngược lại. Trong cái làng văn ăn thịt người đẻ sách, có phải cứ muốn ăn tim là ăn được, muốn không ăn tóc thì không ăn đâu! Hoặc đó là cái nghiệp mạng; hoặc đó là sự khó hiểu đáng nể của giới cầm bút.

Cuốn tiểu thuyết “ăn” Chun Hey Gyo, Lưu Trầm Thu và Tony Stewart được chào đời với bìa sách có ba trái tim xếp lại thành một hòn núi. Núi tim. Một họa sĩ ở Nam Dương vẽ. Chắc vì lý do kiện tụng bản quyền nên sách phải in ở New Zealand chứ không ở Úc. Thuộc vào loại bán chạy trong năm ở Nam bán cầu nhờ tiếp thị của nhà xuất bản biết ăn theo thân xác của tác giả đột tử như một xì-căng-đan tình ái. Nghệ thuật của cuốn sách ra sao? Đâu là nơi trả lời? Chẳng lẽ chờ Hollywood ghé mắt sang? Ừ, biết đâu họ sẽ lấy được vô khối nước mắt và đô la của khán giả từ đấy.

Melbourne, 2006- Vancouver, 2008 & 2013

Từ cuộc đổi mới 1986


Từ cuộc đổi mới 1986


Tác giả: Trần Đình Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng)


Có nhiều cột mốc đổi mới quan trọng trong lịch sử 85 năm của Đảng. Nhiều cột mốc quan trọng diễn ra trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến, bằng sự đổi mới đúng đắn và sáng tạo của mình, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ.

Đại hội Đảng lần thứ 11, tháng 1/2011.


Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tới nay, 40 năm xây dựng đất nước trong hòa bình, Đảng luôn có tinh thần đổi mới, luôn chỉnh đốn, tự phê bình, tự chỉ trích để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng trong những thời điểm ngặt nghèo của lịch sử.



Nhìn lại lịch sử 85 năm, một cột mốc phải nhắc đến, đó là sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến tháng 7 năm 1976, Bộ Chính trị đã thông qua QH quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tháng 12/1976, Đại hội Đảng lần thứ IV đã quyết định đổi tên Đảng từ Đảng Lao động VN thành Đảng Cộng sản VN và đề ra Đường lối chung và Đường lối xây dựng nền kinh tế XHCN nhằm 4 mục tiêu.

Đó là “Xây dựng “Chế độ làm chủ tập thể XHCN thể hiện một cách tập trung ở sự làm chủ tập thể của nhân dân lao động (mà nòng cốt là liên minh công nông) chủ yếu bằng nhà nươc XHCN đưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân”.

“Xây dựng nền sản xuất lớn XHCN”, “Xây dựng nền văn hóa mới”, “Xây dựng con người mới XHCN”. Trên tinh thần ấy, ngày 18/12/1980, QH quyết định sửa đổi Hiến pháp 1959, ban hành bản Hiến pháp 1980.

Sau hơn 5 năm (1976-1982), thực tiễn tình hình đất nước gặp rất nhiều khó khăn.

Đại hội lần thứ V họp trong 5 ngày (từ 27 đến 31/3/1982) tuy có một vài sửa đổi về chủ trương cụ thể nhưng vẫn kiên trì 4 mục tiêu mà Đại hội IV đã đề ra.

Nhưng tình hình đất nước những năm 1980 tiếp tục rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng.

Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra vào 1986 thực sự trở thành cột mốc đổi mới toàn diện đất nước.


Theo Văn kiện Đại hội VI, Đảng nhận định “đối với nước ta đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. Đại hội VI đã thể hiện rõ tầm nhìn trí tuệ và bản lĩnh cách mạng của Đảng ta – một Đảng chân chính cách mạng dày dặn kinh nghiệm – nên đã dũng cảm nhận ra những sai lầm thiếu sót sau 10 năm thực hiện NQ Đại hội IV và V (1976-1986).

Văn kiện chỉ rõ, sau khi thống nhất đất nước, do chưa nhận thức đầy đủ về thời kỳ quá độ và do tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, Đai hội IV chưa xác định những mục tiêu của chặng đường đầu tiên.

“Trước hết cơ cấu đầu tư thường chỉ xuất phát từ lòng mong muốn đi nhanh, không tính tới điều kiện và khả năng thực tế, không kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu công nghiệp với nông nghiệp thành một cơ cấu hợp lý, chưa sử dụng có hiệu quả những khả năng mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài” – trích theo văn kiện Đại hội VI.

Đó là “đã có những biểu hiện nóng vội muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi XHCN, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh. Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, ít chú ý những đặc điểm tính chất của từng ngành, từng nghề để lựa chọn hình thức tổ chức thích hợp, có xu hướng muốn tổ chức ngay những hợp tác xã quy mô lớn, không chú ý đến khả năng trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý và năng lực của cán bộ…”.

Đó là sai lầm về quản lý nhà nước “thể hiện ở nhiều khuyết điểm trong cải tạo XHCN, quản lý kinh tế, xã hội, đấu tranh tư tưởng, văn hóa và trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù… chưa thiết lập và giữ vững trật tự XHCN trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, đã để cho pháp luật và kỷ cương của nhà nước bị vi phạm ngày càng phổ biến”.

Đây là lần đầu tiên một đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã dũng cảm công khai thừa nhận “những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” đã mắc “bệnh chủ quan, duy ý chí… vừa “tả khuynh, vừa hữu khuynh”.

Kể từ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được mở ra từ ĐH VI, một chặng đường dài ngót 30 năm, bên cạnh những thành tựu cũng có những khuyết điểm.

Những sai lầm khuyết điểm hiện nay dường như đã được báo từ 30 năm trước. Đáng chú ý có những sai lầm khuyết điểm không còn là hiện tượng đơn lẻ, ở một số ngành, địa phương và cơ sở, không chỉ ở cấp thấp mà ở cả tất cả các cấp, các ngành, từ trên xuống dưới.

Nếu như cách đây 30 năm Đảng nhận định đổi mới là có ý nghĩa sống còn thì nay là sửa chữa sai lầm và khuyết điểm, là chống “giặc nội xâm”: sự suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, quan liêu, tham nhũng, bất chấp kỷ cương phép nước của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao, cấp chiến lược, trong quá trình đổi mới lại đang là “thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta” như NQ TƯ 4 (khóa XI) đã chỉ ra.

NQ TƯ 4 có thế coi là một cái mốc thể hiện tinh thần dũng cảm, tự phê bình, tự chỉ trích, tự chỉnh đốn, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh để tiếp tục đưa công cuộc đổi mới toàn diện đất nước tiến lên một cách bền vững.

Hội nghị TƯ 10 mới đây đã một lần nữa thể hiện Đảng CSVN thức trách nhiệm cao về sứ mệnh lịch sử của mình trước nhân dân – dân tộc, thể hiện một bước tiến mới về thực hành dân chủ trong Đảng.

————–

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/219643/tu-cuoc-doi-moi-1986.html

Có khi nào bế tắc giữa đường đời?



Giữa đường đời, có khi nào bạn cảm thấy bế tắc trên chính con đường mình đã chọn? Có khi nào nhìn lại, bạn không biết mình đã đi được bao xa, còn bao nhiêu bước nữa phải cố gắng, và bạn đánh mất lý do để bước tiếp? Những lúc như vậy, không ít thì nhiều, chắc chắn đã từng xảy đến với bạn. Không sao, bởi bạn không phải là người duy nhất trải qua điều này. Điều quan trọng hơn chính là cách bạn quyết định vượt qua điều đó như thế nào. Và sự chọn lựa sẽ quyết định cuộc sống của bạn. Vĩ mô hơn, những sự chọn như vậy sẽ quyết định đến sự tương lai của cả một xã hội.

Sự bế tắc trên đường đời và những lối thoát không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay. Trong Sa Hành Đoản Ca, Cao Bá Quát cũng diễn tả một vấn đề tương tự qua một hình ảnh rất xác thực: bước đi trên bãi cát. Người lữ khách bước trên bãi cát dài: “Đi một bước như lùi một bước..” Đi mãi, đi mãi, lầm lũi bước không biết đi về đâu. Không phải ai trong đời cũng tìm được cho mình một mục đích sống để phấn đấu. Vậy nhưng cuộc sống vẫn cứ trôi, và con người vẫn phải sống. Vẫn cứ lầm lũi đi tiếp, vẫn những ngày bước trên con đường quen thuộc về nhà mà tưởng mình lạc lối. Sự bế tắc giữ chân người trong bùn lầy, càng xoay xở càng lún sâu, để rồi trói chặt số phận mình ở chốn tầm thường.

Nhưng cũng có những người lựa chọn vượt ra khỏi vũng sình ấy. Họ chọn thay đổi, thay đổi cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ dũng cảm chấp nhận thử thách, bỏ lại đằng sau những thứ quen thuộc để chọn một con đường mới. Họ chấp nhận liều lĩnh và thử thách để phá vỡ cuộc sống an toàn đến tẻ nhạt mình đang có.

Đang là giảng viên một trường Đại học có tiếng tại Hà Nội, sở hữu công việc ổn định, một địa vị cao trong xã hội và một mức lương đáng mơ ước của nhiều người, Tô Phước Thịnh lại quyết định chọn một con đường không-giống-ai. Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của người thân, ông quyết định từ bỏ công việc giảng viên để chuyển sang…. kinh doanh tào phớ, một thức quà truyền thống. Bằng sự sáng tạo và lòng đam mê cùng óc kinh doanh tuyệt vời, Tô Phước Thịnh giờ đây sở hữu trong tay chuỗi cửa hàng Tofu nổi tiếng khắp đất nước, thu về 500 triệu đồng một tháng.

Khi nhận ra cơ hội mà bản thân mong chờ, ông đã không ngần ngại từ bỏ chỗ đứng an toàn để chọn một con đường đầy rủi ro. Khi đưa ra quyết định táo bạo đó, có lẽ Tô Phước Thịnh cũng đã sợ hãi. Nhưng: “Dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là chiến thắng được nỗi sợ của chính mình.” Ông đã vượt qua tất cả những rào cản là nỗi lo sợ và định kiến của mọi người, quyết định chọn một con đường mới với một mặt hàng hoàn toàn mới. Và quyết định thay đổi đã đền đáp cho Tô Phước Thịnh rất xứng đáng, bởi bây giờ, cuộc sống của ông đã không còn tầm thường nữa. Ông đã có cùng quyết định với Robert Frost trong bài thơ nổi tiếng Con Đường Không Có Dấu Chân Người:


“Hai con đường cắt nhau giữa rừng
Và tôi chọn con đường không có dấu chân người
Điều đó đã tạo nên sự khác biệt.”

Vậy tại sao chỉ một số ít người dám tạo nên sự khác biệt? Điều này xuất phát từ bản năng của con người. Một trong nhu cầu lớn nhất của mỗi người chính là nhu cầu được an toàn. Mỗi người đều có một “vành đai an toàn” cho riêng mình, và việc bứt khỏi vành đai an toàn đó không có vẻ là một sự lựa chọn sáng suốt cho đa số mọi người. Vô tình, chúng ta đang đối mặt với một kẻ thù đang âm thầm níu bước chân ta: sự tầm thường. Sự tầm thường như một sợi xích vô hình, khiến mỗi bước chân của ta trở nên nặng nhọc hơn. Nhưng sự nguy hiểm của tầm thường nằm ở chỗ chúng ta sẽ dần quen với sức nặng của dây xích đó, đến nỗi ta không còn để ý đến sự hiện diện của nó nữa.

Khi bạn thất bại, thất bại và thất bại, đến khi bạn ở dưới đáy vực sâu, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài trèo lên. Nhưng nếu bạn tầm thường, mọi thứ vẫn ở trong sức chịu đựng của bạn, và bạn không có động lực để thay đổi. Cuối cùng, bạn chấp nhận một cuộc sống bế tắc, tù túng. Bạn để cho những ước mơ của mình ở ngoài tầm với một gang tay mà không cố gắng kiễng chân lên để với tới. Chỉ để có được một cảm giác an toàn, để tiếp tục đối mặt với những lo sợ hiện tại và không phải đứng trước những thách thức mới của cuộc sống.

Trong một giờ văn nói về việc “chọn lựa con đường không có dấu chân người”, một học sinh đã viết rằng mặc cho những bậc vĩ nhân khai phá những con đường mới, em chỉ mong muốn có một cuộc sống bình thường: học xong cấp ba, lên đại học, ra trường và kiếm một công việc ổn định. Xét cho cùng, người học sinh này chỉ nói thay cho tiếng nói của phần đông những người trong xã hội hiện nay, mong muốn có một cuộc sống “an cư lạc nghiệp”. Nhưng những bậc vĩ nhân cũng có những khởi điểm hết sức bình thường. Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại người Mỹ đã từng bị thầy giáo phê vào sổ “chỉ có thể đi chăn vịt”. Walt Disney từng bị biên tập nhiều tờ báo sa thải vì “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay ho”. Trước khi trở thành tỷ phú nhờ bảy tập truyện Harry Potter, J.K.Rowling là một phụ nữ thất nghiệp, ly hôn và nuôi con bằng trợ cấp xã hội.

Chúng ta cũng là con người, cũng có trí óc và những tham vọng, tại sao chúng ta không thể trở thành những bậc vĩ nhân như vậy? Nhiều người sẽ nói rằng: “Họ là những người có IQ cao ngất ngưởng.” ”Họ sinh ra trong gia đình có truyền thống học rộng.” “Còn tôi, gia đình tôi thậm chí không có điều kiện cho tôi đi học xa.” Thoạt nghe, những lý do đó có vẻ rất hợp lý. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta dễ dàng nhân ra chúng không hơn gì những lời biện minh.

Nick Vujicic, chàng trai cụt cả hai tay hai chân từ lúc sinh ra, bằng nghị lực phi thường của mình vẫn sống một cuộc sống bình thường, thậm chí trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng mang lại cảm hứng cho hàng ngàn người trên khắp thế giới. Nick đã từng nói: anh cho rằng khuyết tật của mình chính là một sứ mệnh mà Thượng Đế trao cho, bởi chính khuyết tật đó đã tạo điều kiện để anh gặp và truyền cảm hứng được cho nhiều người đang gặp khó khăn trong cuộc sống hơn.

Thái độ sống tích cực của Nick khiến ta phải xấu hổ, ta chợt nhận ra những lý do biện minh cho sự nhụt chí của mình thật hồ đồ và vô căn cứ. Shakespeare từng nói: “Thường xuyên biện bạch cho một lỗi lầm chỉ làm lỗi lầm đó nghiêm trọng hơn.” Dẹp bỏ những định kiến sai lầm đánh giá thấp bản thân, và bạn sẽ tìm thấy một lối ra cho những ngõ cụt trong cuộc sống của mình. Bạn làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ!

Nếu đối với mỗi cá nhân, việc thiếu can đảm để xóa những “con đường mòn” trong cuộc sống sẽ khiến con người ta không đạt được mục đích sống và dễ dàng lâm vào bế tắc thì đối với xã hội, sự chấp nhận tầm thường của phần đông mọi người càng đem lại nguy cơ lớn hơn nữa. Thử tưởng tượng nếu tất cả mọi người đều mang tâm lý sợ rủi ro, co ro trong vị trí an toàn hiện có. Nhân loại sẽ mãi mãi không biết trái đất quay quanh mặt trời, hình học phi Euclide sẽ không bao giờ ra đời và bộ môn hình học sẽ mãi được giới hạn trên những mặt phẳng, thậm chí có khi bây giờ con người vẫn chỉ sử dụng điện một chiều.

Sự sáng tạo và cống hiến, không chấp nhận tầm thường của những bậc vĩ nhân cũng chính là sự đấu tranh thúc đẩy nền văn minh loài người phát triển. Và giờ đây, chúng ta, những con người của thế kỷ XXI, nếu chúng ta mãi để cho những nỗi sợ hãi lấn át, xã hội sẽ mãi mãi không phát triển được.

“Kẻ thù của vĩ đại là tốt.” – Một câu nói rất ngắn nhưng mang những triết lý rất sâu xa. Nếu chúng ta mãi chấp nhận cái “tốt”, sẽ chẳng ai phấn đấu cho cái vĩ đại. Trong xã hội hiện đại, mỗi cá thể càng phải tin tưởng vào bản thân mình, dẹp bỏ những nỗi lo sợ và phấn đấu vì những mục tiêu trong cuộc sống. Có như vậy, mới thấy cuộc sống là một cuộc đua kỳ thú, không phải một ngõ cụt không lối thoát.



Night Poem

Sài Gòn cuối đông







Sài gòn một bóng đi về
Nắng buông lối cũ gió luồn nẻo xưa.

Sài gòn vắng lạnh từng thương nhớ
Ký ức hoang vu vẩn bên đường.

Người xưa cũ mờ dần trong xa vắng
Bỏ quên ta như khúc đời rơi...

Ta ngồi chắp lại từng năm tháng
Bao nẻo yêu thương bấy nỗi buồn.

Hồn ta bóng tà dương đã nhuộm
Hạc trắng bay về chốn tịch liêu...
23.1.2015
VõKimNgân

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Đọc "Gieo Gió Thì Gặt Bão" của Ông Nguyễn Hy Vọng




Nguyễn Mạnh Quang



Vâng lời Chúa dạy (Luke 19:27: Hãy mang những kẻ thù của Ta ra đây, những người không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt Ta) các con chiên luôn xem những người không tin Chúa của họ là kẻ thù, và trù rủa mỗi khi có cơ hội. Bài "Gieo Gió Thì Gặt Bão" của ông Nguyễn Hy Vọng được gửi tới gửi lui ra các diễn đàn trong mấy ngày gần đây (xem phần phụ đính) là hành động trù rủa, và hù dọa thiên hạ chứ không có bất cứ mục đích nào tốt đẹp cả.

Ông Nguyễn Hy Vọng cũng là một cây viết của các trang báo Đạo Chúa như dunglac.org, vietcatholic.net, chungnhanduckito.net, dongcong.net,… cho nên tiếng nói của ông, dù là tầm phào hay thấp kém cũng được lan rộng và ảnh hưởng. Vì thế chúng tôi chịu khó phản hồi ông, và cố gắng ngắn gọn trong bài này.

Xin thêm một chú thích ở đây: “Gieo gió gặt bão” là câu nói dân gian của đạo làm người bên Á Đông, ảnh hưởng triết lý “nhân quả” của nhà Phật. Ông Nguyễn Hy Vọng không nên tin vào đó, coi chừng bi "lạc đạo", mà nên tin “Chúa phạt” hay “Chúa thưởng” thì mới đúng là người Công Giáo chân chính chứ!

Thánh kinh là con rắn hai đầu. Có những câu mô tả Chúa như là bậc thánh hiền, nhưng lại cũng có hàng tá câu bất nhân, thất đức. Những người đi dụ đạo chỉ lẩy mấy câu nổi cộm ra mà khoe, người dân lương hiền lành, nghe chí phải nên thường nói “đạo nào cũng dạy điều tốt”. Đến khi biến thành chiên rồi, thì cơn mê muội đã ngập não, dẫu có đọc những câu bá đạo đến đâu đi nữa cũng cho là “bí tích”, “mầu nhiệm”, “các câu nói trong thánh kinh không thể hiểu theo nghĩa đen”, hay “loài người không thể hiểu được!”,… Chẳng hiểu thánh kinh để cho ai đọc? Những kiểu giảng giải bao che quanh quẹo để bào chữa như thế khác nào “cỏ mọc giữa đường, ngả hai bên.”

Chẳng hạn Chúa Giê-su dạy "phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho người khủng bố hành hạ các con"(Matthew 5: 44), nhưng Giê-su lại phán:

“Kẻ nào không theo ta, ở với ta, là chống đối ta. (Matthew 12:30) và “Hãy mang những kẻ thù của Ta ra đây, những người không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt Ta.” Luke 19:27 :

Chúa Giê-su cũng dạy: "Người nào nguyền rủa anh em sẽ bị xuống hỏa ngục" (Matthew 5: 22), nhưng chính Giê- su lại đi nguyền rủa những người không chịu theo Giê-su: Nếu ngươi không tin ta là con Thượng Đế, ngươi sẽ chết trong tội lỗi của ngươi.

(và còn những mâu thuẫn khác, xin đọc Giê Su Là Ai? Giảng Dạy Những Gì? (Trần Chung Ngọc)

Nhiều con chiên viết những bài như ông Nguyễn Hy Vọng dưới đây, đều có chứng bệnh kinh niên: “Chân mình lấm cứt mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”, hoặc lời Chúa dạy "Hãy lấy cây xà trong mắt ngươi ra trước rồi hãy lấy hạt bụi trong mắt người khác ra sau." (Lc 6: 39-45, Matthew 7: 1-5).


Đối với 11 “hạt bụi” trong mắt người, mà ông Nguyễn Hy Vọng đã có công viết ra (nhưng không có tài liệu dẫn chứng): • John Lennon, • Tancredo Neves, • Cazuza, • Marilyn Monroe, • Bon Scott, • Christine Hewitt, • Voltaire… thì xin ông 

hãy nhìn các “cây xà” trong mắt ông sau đây (có dẫn chứng đầy đủ):

Cây xà thứ 1. Chúa Giê-su - Lúc còn sống, Chúa nguyền rủa từ cây sung, cây vả (Matthiew 21, 18-21, xem chi tiết), đến bầy heo (Matthew 8: 28 – 34, xem chi tiết) cũng bị rủa, nghĩa là “chửi chó mắng mèo”, còn rủa sả người khác thì không thiếu chi. Nhưng tội lớn nhất là Giê-su đã nhiều lần bất hiếu với mẹ (Mathiơ 12:46-50, xem chi tiết), và còn dạy người khác cũng bất hiếu đối với cha mẹ "Lại một môn đồ khác thưa cùng Ngài rằng: Lạy Chúa, xin Chúa cho phép tôi về chôn cha tôi trước đã. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy theo ta, để kẻ chết chôn kẻ chết" (Mathiơ 8:21-22)

Chúa Giê-su cũng rất bạo động: “Giêsu đi thẳng vào đền thờ, đuổi hết những người mua bán ra ngoài, lật đổ bàn của những kẻ đổi tiền, và ghế của những kẻ bán chim bồ câu (Matthiew 21: 18-21)


Chưa qua 33 tuổi, Chúa Giê-su bị chính quyền Đế Quốc Lã Mã bắt và xử tử bằng cách đóng đinh vào thập giá rồi đem cắm trên Núi Sọ để phơi nắng phơi mưa cho đến chết cùng với hai tên tử tội khác.


Ảnh http://www.jesus-story.net/death.htm

Chúa Giê-su chết rất thảm thương như thế. Sao ông Nguyễn Hy Vọng không thấy cái cây xà Thập tự nằm ngay mí mắt của ông được nhỉ?

Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói "Gieo Gió thì Gặt Bão", hay "Chúa phạt", hay “tại vì Giêsu là người không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không? Coi chừng ông bị vạ tuyệt thông, tôi không cứu được đâu.

- Các Giáo Hoàng Ca-tô bị chết nhục nhã, chết bất đắc kỳ tử vì nhiều thứ tội, từ dâm dục đến bị tranh giành chức vị. Sử gia Matthew Bunson nêu đích danh 15 giáo hoàng dâm tặc bị nội bộ hoặc bị dân chúng sát hại vì phẫn nộ, trang 29 trong sách The Pope Encyclopedia:

Cây xà thứ 2.- Giáo Hoàng John VIII (872-882): Bị hạ độc và đánh cho chết. "Gieo Gió thì Gặt Bão chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?

Cây xà thứ 3.- Giáo Hoàng Adrian III, St (884-885): Tin đồn bị hạ độc. "Gieo Gió thì Gặt Bão chăng?"Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị hạ độc như vậy” không?

Cây xà thứ 4.- Giáo Hoàng Stephen VI (896-897): Bị bóp cổ hay thắt cổ."Gieo Gió thì Gặt Bão chăng?"Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?

Cây xà thứ 5.- Giáo Hoàng Leo V (903): Bị ám sát. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói“tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị ám sát như vậy” không?

Cây xà thứ 6.- Giáo Hoàng John X (914-928) Chết ngạt vì bị đè dưới gối. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị người ta đè ngạt như vậy” không?

Cây xà thứ 7.- Giáo Hoàng Stephen VII (VIII) (928-942): Có lẽ bị ám sát. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị ám sát như vậy” không?

Cây xà thứ 8.- Giáo Hoàng Stepen VIII (IX) 939-942): Bị tùng xẻo và chết vì những vết thương. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị chết thê thảm như vậy” không?

Cây xà thứ 9.- Giáo Hoàng John XII (955-964): Bị đột quỵ trong khi ... với một người tình, hoặc bị sát hại bởi người chồng của người tình đó. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị chết như vậy” không?

Cây xà thứ 10.- Giáo Hoàng Benedict VI (973-974): Bị bóp nghẹt chết bởi một linh mục. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị linh mục khác bóp chết như vậy” không?

Cây xà thứ 11.- Giáo Hoàng John XIV 983-984): Bị bỏ đói cho chết hoặc bị hạ độc. "Chúa phạt chăng?"Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị chết đói như vậy” không?

Cây xà thứ 12.- Giáo Hoàng Gregory V (996-999): Tin đồn bị hạ độc, cũng có thể bị bệnh sốt rét. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị chết như vậy” không?

Cây xà thứ 13.- Giáo Hoàng Sergius IV (1009-1012): Có lẽ bị ám sát. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị chết ám sát như vậy” không?

Cây xà thứ 14.- Giáo Hoàng Clement II (1046-1047): Tin đồn bi hạ độc. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị hạ độc như vậy” không?

Cây xà thứ 15.- Giáo Hoàng Damasus II (1048): Tin đồn bị ám sát. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị ám sát như vậy” không?

Cây xà thứ 16.- Giáo Hoàng Boniface VIII (1294-1303): Chết vì bị hành hạ khi bị giam tù ở Anagni của Pháp. "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị hành hạ trong tù như vậy” không?

Nhà xuất bản chú thích: Danh sách này không bao gồm các ngụy giáo hoàng (có tới 39 ngụy giáo hoàng), người thường xuyên chết do bạo động hoặc hành hình, chẳng hạn như GH. Boniface VII (974, 984-985), người đã bị sát hại bởi một đám đông và bị bỏ lại dưới tượng Marcus Aurelius để người qua đường đâm thêm. [N.B. This list does not include the antipopes, who routinely died by violence or execution, such as Boniface VII (974, 984-985), who was murdered by a mob and left under a statue of Marcus Aurelius to be stabbed by passerby] [1]

- Còn nhiều giáo hoàng khác cũng chết bất đắc kỳ tử một cách khốn nạn hay bị ám sát hụt, được kể trong các nguồn tài liệu khác. Các giáo hoàng đó là:

Cây xà thứ 17.- Alexander VI (1492-1503): Chết khá đột ngột vào ngày 18 tháng 8 năm 1503, cái chết của ông ngay lập tức được qui kết do đầu độc.. [2] "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị đầu độc như vậy” không?

Cây xà thứ 18.- Pius XI (1922-1939): Chết trong mờ ám được cho là bị mưu sát mà Hồng Y Eugenio Pacelli là thủ phạm chính để được lên ngôi vị giáo hoàng. [3] "Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị chết trong mờ ám như vậy” không?

Cây xà thứ 19.- John Paul I (1978): Bị đầu độc chết bằng một ly cà phê vào 11 giờ khuya ngày 28/9/1978.[4]"Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị đầu độc như vậy” không?

Cây xà thứ 20.- Giáo Hoàng John Paul II (1978-2005) bị bắn trọng thương ở ngay Quảng Trường St Peter gày 13/5/1981, phải nằm điều tri mất nhiều ngày mới bình phục. Sự kiện này làm cho ông khiếp sợ, không còn tin tường vào sự quan phòng của Chúa Ki-tô toàn năng nữa. Vì thế mà ông và vị giáo hoàng kế nhiêm là Benedict XVI (2005-2013) mới phải sử dụng cả một đạo quân cận vệ và an ninh hộ tống mỗi khi di chuyển ra khỏi phòng để đi đến chỗ làm việc, phòng tiếp khách hay các nơi khác ở trong khuôn viên Điện Lateran. Ngoài ra còn dùng chiếc xe Popemobile (chống đạn) vì không tin sự quan phòng của Chúa nữa (Xin xem "Lòng Căm Thù của Nhân Dân Thế Giới Đối Với Nhà Thờ Vatican") Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì Giáo Hoàng này là người không tin Chúa nên mới bị bắn như vậy” không?

- Thứ tư là có rất nhiều con chiên hết sức ngoan đạo, thờ Chúa Bố Jehovah, Chúa Con Jesus hết tâm hết trí đến độ cam phận “làm tôi tớ hèn mọn cho Giáo Hội La Mã” mà cũng vẫn chết bất đắc kỳ tử một cách vô cùng nhục nhã. Đậy là trường hợp của:

Cây xà thứ 21.- Benito Mussolini (1883-1945), một con chiên ngoan đạo, bị nhân dân Ý tóm cổ và đập chết, như sau:

“Cuối tháng 4/1945, nhìn thấy rằng sự thất bại toàn bộ sắp xẩy ra, Mussolini định trốn sang Thụy Sĩ, nhưng nửa đường bị bắt và bị hành hình ở gần Hồ Como bởi các thành viên của Đảng Cộng Sản. Xác của hắn được đem về Milan treo ngược tòng teng trên cái trụ tại một trạm xăng để cho nhân dân nhìn rõ và cũng là để xác nhận cái chết cả tên bạo chúa này.” (“In late April, 1945, with total defeat looming, Mussolini attempted to escape to Switzerland, only to be captured and summarily executed near Lake Como by Communist Italian partisans. His body was taken to Milan where it was hung upside down at a petrol station for public viewing and to provide confirmation of his demise.”)[5]

"Chúa phạt chăng?" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì tên bạo chúa này là người không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?

Cây xà thứ 22.- Hai bố con Ngô Đình Khôi + Ngô Đình Huân bị Việt Minh tóm cổ và đập chết rồi chôn chung với ông Phạm Quỳnh ở môt đường mương trong làng Cổ Bi (gần kinh thành Huế) vào cuối tháng 8/1945.[6] Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì hai người này không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?

Cây xà thứ 23.- Sáng 2/11/1963, hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, bạo chúa phản thần tam đại Việt gian, bi quân dân miền Nam lôi ra đâm chết, rồi thưởng cho mấy phát súng ân huệ trong khi di chuyển từ Nhà Thờ Cha Tam ở Chợ Lớn về Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội ở Đường Võ Tánh, Gia Định.


Ông Nguyễn Hy Vọng có nói "Gieo Gió thì Gặt Bão!" cho hai ông này chưa, và có dám nói “tại vì hai người này không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?

Cây xà thứ 24.- Con chiên ngoan đạo Ngô Đình Cẩn bị xử bắn ở trong khám Chí Hòa Sàigòn vào sáng sớm ngày 9/5/1964. "Gieo Gió thì Gặt Bão!" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì ông này không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?


Cây xà thứ 25.- Con chiên Phan Quang Đông cũng bị xử tử tại Huế vào ngày 9/5/1964. "Gieo Gió thì Gặt Bão!" Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì ông này là người không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?

Cây xà thứ 26.- Con chiên Ngô Đình Lệ Thủy (1945-1967) bị tai nạn xe hơi chêt thảm vào ngày 12/4/1967 tại Longjumeau, Pháp. Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì cô này không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?

Cây xà thứ 27.- Con Chiên Ngô Đình Lệ Quyên (1959-2012) cũng lại bị tai nạn xe hơi chết thảm vào ngày 16/4/2012 tại Rome. Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì cô này không tin Chúa nên mới bị chết thảm như vậy” không?




Cây xà thứ 28.- Ngôi mả của con chiên ngoan đạo Ngô Đình Khả (bố ruột của các con chiên ngoan đạo Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luỵện) bị sét đáng làm cho nứt ngang.[7] Ông Nguyễn Hy Vọng có dám nói “tại vì ông Ngô Đình Khôi không tin Chúa nên mồ mả mới bị sét đánh như vậy” không?

Còn biết bao trường hợp khác nữa. Muốn nói cho cùng, thì phải dùng đến cả hàng ngàn trang giấy mới có thể nói hết được.

Hỏi là hỏi vậy thôi, tôi không đành lòng bắt ông trả lời. Chỉ xin ông cứ ở nhà lo lần chuỗi đọc kinh, vào nhà thờ quỳ gối ăn năn, chỉ nghe lời nào lành của Chúa thôi, đừng bao giờ bị ám ảnh bởi những lời sắt máu của Chúa mà trù rủa thiên hạ mãi. Nhất là đừng bao giờ léng phéng đi lấy những "hạt bụi" trong mắt người khác, có người sẽ lấymấy cây xà trong mắt ông thì ông sẽ bị quáng bất tử.

Chúc ông tỉnh thức.

Nguyễn Mạnh Quang

______________________

CHÚ THÍCH

[1] Matthew Bunson, The Pope Encyclopedia (New York: Crown Trade Paperback, 1995), p. 29.

[2] Matthew Bunson, Ibid., p. 14.

[3] Paul L. Wlliams, The Vatican Exposed (New York: Prometheus Books, 2003), pp. 53-54.

[4] Charlie Nguyễn, Công Giáo Huyền Thoại Và Tội Ác (Garden Grove, CA: Giao Điểm, 2001), tr. 291.

[5] Theo Wikipedia, the free encyclopedia.

[6] Nguyễn Trân, Công Và Tội (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1992), tr 29-30.

[7] Nguyễn Trân, Sđd., tr 483-484.

_________________

Phụ Đính:

Vào Chủ Nhật, ngày 01 tháng 2 năm 2015, Trần Vinh <tranvinh1951@gmail.com> đã viết:

From: "Tuong-Giang TN vinavid1@yahoo.com [BTGVQHVN-2]" <BTGVQHVN-2@yahoogroups.com>
To: BTGVQHVN-2@yahoogroups.com 
Sent: Saturday, 31 January 2015, 13:34
Subject: [BTGVQHVN-2] GIEO GIÓ, GẶT BÃO - Nguyễn Hy Vọng.

GIEO GIÓ thì GẶT BÃO

1- John Lennon, ca sĩ của ban nhạc The Beatles, Anh quốc. Trong lúc được tạp chí American Magazine phỏng vấn, John Lennon nói:

“Thiên Chúa Giáo sẽ không còn, sẽ biến mất. Tôi không có gì phải tranh cãi về điều đó. Tôi chăc chắn như thế. Ông Giêsu thì được, nhưng những kẻ theo Ông thì quá ngay ngô (ý muốn nói là bị Ông Giêsu lừa gạt). Ngày nay, chúng tôi, ban nhạc The Beatles nổi tiếng hơn Ông Giêsu.” (1966)

Sau khi John Lennon tuyên bố lời trên đây, hắn bị bắn sáu lần. Không biết sau khi bị bắn sáu lần, John Lennon có ăn năn hay không? Nhưng mọi người đã biết ‘The Beatles’ đã chết.

2- Tancredo Neves, người Ba tây (Brazil). Trong lúc vận động tranh cử tổng thống, hắn tuyên bố:

“Nếu tôi có được 500,000 người trong đảng bầu cho, thì ngay cả Thượng Đế cũng không thể đẩy tôi ra khỏi chưc vụ tổng thống.”

Tancredo Neves được số phiếu hắn muốn, nhưng một ngày trước ngày nhận chức tổng thống, hắn lăn ra chêt mà không ai biết lý do tại sao.

3- Cazuza, viết nhạc, ca sĩ, nhà thơ. Trong một buổi trình diễn ở Canecio (Rio de Janeiro), lúc hút thuốc lá, hắn thổi khói thuốc vào không khí và nói:

“Thượng Đế, phần đó cho ngươi.”

Hắn bị bịnh liệt kháng (Aids), chêt ở tuổi 32, trong tình trạng cực kỳ đau đớn và rên siết mãi mới chết được.

4- Một nhà báo hỏi người thiết lập chiêc tàu Titanic, về sự an toàn của chiêc tàu, thì kẻ thiêt lập chiêc tàu, nói:“Ngay cả Thượng Đế cũng không thể đánh chìm được nó.”

Kết quả ra sao, mọi người đã biêt.

5- Marilyn Monroe, diễn viên điện ảnh. Trong một xuất trình diễn, được Billy Graham đến thăm. Bill Graham nói, Chúa Thánh Thần sai ông đến để nói với cô. Nghe xong, Marilyn Monroe, nói: “Tôi không cần Giêsu của ông”.

Một tuần sau, người ta thấy xác Marilyn chết cô đơn trong một chung cư.

6- Bon Scott, ca sĩ của ban nhạc AC/DC. Một bản nhạc hắn ca vào năm 1979, có câu:

“Đừng ngăn cản tôi. Tôi đang đi xuống tận cùng; xuống con đường cao tốc đến hỏa ngục.”

Ngày 19/2/1980, Bon Scott chết vì ngẹt thở, do cơn ói mửa của hắn.

7- Năm 2005, thành phố Campinas, Ba tây (Brazil), có một nhóm bạn lái xe đến đón một cô bạn của họ… Người mẹ cùng đi với cô con gái đến chiếc xe. Người mẹ lo lắng khi thấy bạn của con gái bà say rượu. Bà nắm tay đứa con gái, lúc đó đã ngồi vào xe:

“Con gái của mẹ. Con hãy xin Chúa cùng đi với con và xin Ngài che chở con.”

Đứa con gái trả lời:

“ÔngTa có đi thì vào cốp xe, trong xe không còn chỗ cho Ông ta.”

It giờ sau, tin tức cho biêt chiêc xe bị tai nạn, không người nào sống sót. Chiêc xe bị hư hại đến độ, không ai có thể nhận biêt đó là xe loại gì, nhưng có một điều làm cho những người cảnh sát hêt sức ngạc nhiên, là cốp xe không bị hư hỏng; theo họ, điều đó không thể xảy ra trong một tai nạn khủng khiếp như thế; và có một điêù làm cho mọi người càng ngỡ ngàng hơn, là trong cốp xe có một hộp trứng, nhưng không một quả trứng nào bị vỡ.

8- Christine Hewitt (người Jamaica ), là nhà báo và hoạt náo viên. Cô nói:

“Thánh Kinh là quyển sách tồi tệ nhât thế giới đã được viêt.”

Tháng sáu năm 2006, cô bị cháy rụi trong khi cô lái chiếc xe của cô.

9- Năm 1954, sau khi chiếm Miền Bắc, một toán công an Cộng sản vào nhà dòng kín Bùi Chu lục soát. Khi đến Nhà Nguyện, lúc các nữ tu chầu Mình Thánh, một tên công an cộng sản lớn tiếng la lối: “Chúa của các ngươi ở đâu?”

Nữ tu chỉ Nhà Tạm trên bàn thờ, tên công an này lấy súng mang trên người nhắm Nhà Tạm, bắn, làm chén thánh và Mình Thánh Chúa đổ ra vương vãi. Bắn xong, hắn vẫn đứng yên, chỉa súng vào Nhà Tạm như muốn bắn tiếp. Các nữ tu vô cùng đau lòng vì Mình Thánh Chúa bị xúc phạm, nên quỳ xuống, van xin anh đừng bắn nữa; nhưng khi chạm đến anh, mới biết linh hồn anh lià xác từ lúc nào rồi.

10- Năm 1963, sau khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị một số tướng tá phản bội lật đổ, một số người bên lương tràn vào tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên, Huế, đập phá “tàn tích gia đình trị”. Khi thấy bức tượng Thánh Gioan Tẩy Giả, Quan Thầy của Tổng Thống Diệm, một thanh niên trèo lên vác búa đập vỡ mặt mũi bức tượng, nhưng hắn bị trật chân ngã xuống và chết ngay lập tức. Sự kiện này xẩy ra trước mắt nhiều người chứng kiến.

11- Voltaire là kẻ chống Thiên Chúa và đánh phá Hội Thánh Công Giáo rất quyết liệt. Không một lời gian dối và vu oan nào mà ông tởm gớm. Ông chiêu tập một nhóm lấy tên là “Beelzebub” ( tên của tướng quỷ ). Năm 1753 ông đã lên án Thiên Chúa: "20 năm nữa Thiên Chúa về hưu, vì không còn ai phục vụ Ngài."

20 năm sau, năm 1773, Voltaire tắt thở trong cái chết thê thảm. Ông thấy những hình ảnh làm ông run sợ, ông hét lên: "Một bàn tay đang kéo tôi đến với Thiên Chúa...Qủy băt tôi...Tôi trông thấy hỏa ngục." Ông tru tréo như thú vật hung dữ. Ông lấy móng tay cấu xé thịt mình ra từng miếng. Một bà gìa thường giúp người hấp hối; sau khi chứng kiến cái chêt của Voltaire, đã nói:

"Khi ấy tôi ở gần giường của Voltaire đang hấp hối, tôi không muốn nhìn thấy một người vô đạo chêt nữa.”

Một người khác cũng chứng kiến cái chêt của Voltaire, nói:

"Nếu quỷ có thể chết được, cũng không chêt dữ như Voltaire."

Kết

Nhân loại đã phạm tội và đáng bị phạt hoả ngục đời đời. Tội lỗi đời đời của nhân loại không ai có thể gánh vác, nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban Người Con duy nhất của Ngài là Chúa Cứu Thế Giêsu, xuống trần để cứu chuộc nhân loại.

Những ai tin vào Chúa Cứu Thế Giêsu thì được cứu, những ai không tin sẽ bị án phạt. Những kẻ chống lại Thiên Chúa và Giáo Hội Công Giáo, như: đảng Cộng sản, nhóm Giao điểm, những kẻ tôn thờ Satan, quyền lực, tiền của, phủ thủy, đồng bóng, cầu cơ, bói toán, bùa ngãi.… đừng tưởng rằng Thiên Chúa chưa trừng phạt mà nghĩ rằng không có Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng hằng hữu. Thiên Chúa muốn trừng phạt ai vào lúc nào, ở đời này hoặc ở đời sau là quyền của Ngài.

Những kẻ chống lại Thiên Chúa và Hội Thánh Công Giáo, hãy trở về với Thiên Chúa trước khi quá muộn, vì mọi phàm nhân đều phải chết và không biết giờ chết. Nhưng khi lià đời, thì không phàm nhân nào thoát khỏi bị xét xử:

“Đừng để bị lừa dối, Đức Chúa Trời không chịu khinh thường mãi đâu, vì ai gieo điều gì sẽ gặt điều ấy.” (Galatians 6: 7)

Lạy Chúa Giêsu,

Con van xin Chúa thương xót con trong mọi nơi, mọi lúc và nhất là trong giờ con lâm chung. Amen.

Nguyễn Hy Vọng

Hoa đào


Hình ảnh về cây bưởi trăm triệu hút khách ở Hà Nội
- Cây bưởi cảnh có một không hai với giá “khủng” này đang thu hút sự chú ý của nhiều dân chơi cây cảnh. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện để rinh về chơi Tết.

Chậu bưởi “Khủng” này thuộc quyền sở hữu của nghệ nhân Chu Văn Mạnh (Mỹ Đình, Hà Nội). Cây bưởi này được ông Mạnh mua từ năm ngoái. Và mới được mang từ Mỹ Đình về Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội) cách đây gần một năm



Cây bưởi nổi bật nhất trong vườn cây cảnh của nghệ nhân Chu Văn Mạnh, cạnh quốc lộ 32, hướng Hà Nội – Sơn Tây. Bà Vân Anh – vợ ông Mạnh cho biết ngày nào cũng có khách đến thăm vườn, ai đi qua cũng phải trầm trồ khen ngợi.



Sở dĩ giá cây “khủng” vì gốc bưởi ước tính đã khoảng 70 đến 80 năm tuổi.



Thợ làm vườn và khách khứa đến thăm vườn ngồi uống trà và trò chuyện với chủ đề xung quanh cây bưởi giá trăm triệu này.



Đối với dân chơi cảnh lâu năm, để gặp được một cây bưởi đẹp như thế này rất khó. Vì năm nay nhuận một tháng nên cây có đủ cả hoa, quả và lộc, chứ mọi năm thì không được đầy đủ như vậy.



Cây cao khoảng 3 mét, tán có đường kính gần 2 mét với 68 quả mang ý nghĩa “lộc phát”. Đây cũng là một trong những lí do chủ vườn không muốn bán dù có khách đã trả tời 80 triệu đồng.



Anh Trọng – người làm thuê tại vườn cho biết cách chăm sóc cây khá đơn giản, chỉ cần ngày hai lần tưới nước đều đặn là được. Tuy nhiên nước phải tưới vào lúc sáng sớm và chiều muộn như vậy cây sẽ phát triển tốt hơn.



Cây thuộc giống bưởi diễn, quả to vừa phải, vàng ươm nhìn rất đẹp mắt.



Với kinh nghiệm hơn 10 năm chơi cây cảnh, ông Chu Văn Mạnh vừa nhìn là đã quyết định mua cây bưởi về chơi. Vườn cây của ông Mạnh hiện tại có 3 công nhân chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc cây cảnh.



Nhiều ngỏ lời muốn thuê về chơi tết với giá 40 triệu đồng, song chủ vườn không muốn cho thuê vì lo người chơi không biết cách chăm sóc cây.


Nguyễn Tuyết
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/219018/hinh-anh-ve-cay-buoi-tram-trieu-hut-khach-o-ha-noi.html

MỘT NGƯỜI BẦU TRỜI CHIẾC LÁ VÀ DÒNG SÔNG



 CUNG TRẦM TƯỞNG



L’homme, un creux toujours future,


Người, một lỗ hổng luôn luôn ở phía trước
Một người soi bóng xế mùa xuân,
Nhìn lá trôi sông luống tần ngần.
Hỏi người dưới có phong ba lắm?
Thế sự trên này còn vướng chân.
Thân xác tôi da liền thịt gắn,
Hình bóng người tôi kiếm triền miên.
Sẽ mấy trần ai người nhuốm phải?
Hân hoan pha lấm mấy ưu phiền?
Sóng vỗ người đau quằn chín khúc;
Nửa hình dị điểu, nửa hình tiên;
Chú bé già nua, ông lão sữa;
Dưới vết nhăn nheo dáng trẻ hiền.
Phải thế chăng tuy hai mà một?
Cái rành rành một lại là hai?
Hay ta là khách đi chung vé
Lẫn bóng xen chân một chuyến dài?

Lá cuốn mây trôi sông lấp lánh,
Nhìn người sóng sánh tưởng mình say.
Người lân la lối tôi thơ thẩn,
Lúi húi đong đo mộng đấu đầy.
Đá tõm rơi sâu dòng nước xoáy,
Hình người èo uột vỡ lênh đênh,
Lênh đênh nghìn mảnh trời nhăn vỡ,
Chiếc lá trôi sông cuốn bập bềnh…

Ngày vui thanh sắc mau phai rụng,
Phút buồn ủ lại mãi màu tro.
Thường tình phép toán chia là vậy,
Tôi muốn tìm tôi để chuyện trò.
Tôi bỏ dòng sông đi choáng váng,
Mất người bản rập hoá bơ vơ,
Máu se loang loãng như vơi nửa,
Trời hắt hiu phơi chiếc kính mờ.

Tôi chẳng là tôi khi mất bóng:
Lá bọc sương mù, lá sẽ rơi.
Tôi hằng muốn với xa thân thể,
Soi bóng dòng sông kiếm một người.
Giăng bóng mình đi đo dáng bóng
Một người ngoại trú chửa hề thân;
Một người sẽ ấm ran hơi thở
Của chính người đang bước tần ngần.

CUNG TRẦM TƯỞNG.



Bản Tiếng Anh

A Man by the Riverside

Cung Tram Tuong

Translation by Cung Tram Tuong and Anthony Schmitz

There was a man who, in late spring, looked at his shadow

on the river.

A leaf drifted downstream.

The sight left him uncertain and confused.

He stared at the shadow and said to himself,

“I am trapped in a clangorous world.

Can my life be simpler?

Or do the waves distort me?

Do they twist me into something that is half an angel,

half a beast?

Is my face grotesque?

a child’s smile entwined in an old man’s cry;

The glow of youth shining dimly from a worn face.”

My thoughts continue, a shadow conversation,

concerning fate and a calculus of man.

“Can two be merely a reflection, a doubling of one?

Is one nothing but me, split into two Is?

In the end am I two I’s and one I’s?

A totality of three?”

The talk grew more intimate.

The man bent close and asked,

“Isn’t our path the same?

Haven’t we set out on the same long journey?

That can only end in that place where the river vanishes

in the sea?”

The leaf drifted amid the reflected clouds.

The man said, “It makes me seasick

to watch you tossed upon the waves.

You look like a peasant,

pushing a meager harvest in a cart.

That is stacked with dreams.

It is the path I used to tread.”

A stone fell from nowhere. The shadow exploded.

A thousand pieces drifted amid the shattered clouds.

But the river carried the leaf, unscathed.

I could not help but ask myself,

“What am I? What does this shadow means?”

A full day of joy vanishes

more quickly than a moment’s sorrow.

The embers of pain never cool.

If there were no river and no shadow

I would lose all sense of myself.

I would stand naked in the harshest light

and feel as if half my blood were gone.

I would be lost even in your home,

my eyes, two dulled and clouded mirrors.

Lose sight of shadow on the river

and I wither, then fall like a leaf,

enshrouded in mist.

My only desire becomes this:

To reach the shadow

that is the shell of the man I’ve never known,

the man who breathes the very breath,

the essence,

of the man confused and uncertain,

who walks along the inexhaustible river.

Journal of the Asian American Renaissance

Những đứa trẻ không đổ vừa khuôn





Bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng trong một lớp học, hoặc trong một sân chơi. Những đứa trẻ ‘không đổ vừa khuôn’ thường ngồi một mình một góc, chơi một mình một trò, chọc phá các bạn khác, chống đối các kỉ luật, lơ đãng và hay hỏi những thứ không ai hiểu nổi…


Chúng bao giờ cũng bị coi là thành phần ngoại vi, hoặc người ta không thèm để ý đến, hoặc người ta phát cáu và đuổi ra khỏi lớp học, hoặc bất lực và mặc kệ chúng muốn làm gì thì làm.

Lẽ dĩ nhiên, là cha mẹ, ai cũng muốn con mình là con ngoan trò giỏi, đi học được cô giáo khen, đi chơi chan hòa với bạn bè, ở nhà nghe lời bố mẹ, ra đường tự tin lễ phép. Và họ thường so sánh: tại sao các bạn khác được như thế, mà con mình thì không. Họ không mệt mỏi tìm những biện pháp để nhốt chúng vào một cái khuôn nào đó, nhưng càng muốn nhốt chúng lại càng muốn trồi ra, trượt đi.

Thực ra, trong quá trình tiếp xúc với rất nhiều trẻ con, tôi nhận thấy một tiềm năng rất to lớn ẩn bên trong những đứa trẻ không đổ vừa khuôn. Về bản chất, chúng là những đứa trẻ tốt một cách thái quá: hiền lành thật thà một cách thái quá, năng động một cách thái quá, thông minh một cách thái quá, sáng tạo và giàu tưởng tượng một cách thái quá, nhạy cảm và mơ màng thái quá…

Vì những thái quá đó, chúng trật ra khỏi mọi khuôn khổ, phép tắc, bị tách khỏi đám đông. Ở trường, người ta gọi chúng là nhóm học sinh cá biệt, hoặc với đủ các thứ danh hiệu hay ho: trẻ tự kỉ, kẻ phá bĩnh vô phương cứu chữa, hoặc khủng hơn, trẻ hư hỏng, sao quả tạ… Chúng là nỗi kinh hoàng của giáo viên và đối tượng gièm pha của các bạn trong lớp và nỗi thất vọng, bất lực, đau khổ của phụ huynh.

Dưới áp lực khủng khiếp của kiểm tra, thi cử, thành tích, những đứa trẻ không đổ vừa khuôn thường là những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau. Trong khi các thang bậc đánh giá cố gắng nén tất cả các đứa trẻ vào một cái khuôn, thì người ta không có cách nào nhốt những đứa trẻ không đổ vừa khuôn vào bất cứ một cái rọ chung nào.


Làm thế nào để có một kì thi chung cho những đứa thiên tài chọc phá, những thi sĩ đắm mình trong thế giới nội tâm, những kẻ mơ mộng hão huyền, những đứa trẻ có tư duy phê phán quá xuất sắc, những kẻ luôn ấp ủ trong đầu một ý tưởng đột phá, những đứa trẻ viết tay trái cực chậm và xấu nhưng bộ não lại chạy với tốc độ quá nhanh? Và thế là, chúng luôn đứng bét trong các kì thi chuẩn mực, và thật khó có một sân chơi nào phù hợp với chúng.

Những môn học hữu hạn trong nhà trường cũng không đáp ứng nổi nhu cầu của chúng. Một nhịp điệu cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào làm chúng cảm thấy chán nản. Lũ bạn bè luẩn quẩn với những trò chơi tẻ nhạt không thuyết phục được chúng. Và thế là, tuy thuộc những loại không đổ vừa khuôn rất khác nhau, song chúng đều có một điểm chung đó là sự cô đơn. Chúng chẳng những không hòa nhập với những đứa trẻ vừa khuôn, mà cũng chẳng tìm được tiếng nói chung với những đứa trẻ không đổ vừa khuôn như chúng.

Cảm giác cô đơn, đôi khi rất cần thiết để chúng tự xác lập mình như một cái tôi khác biệt. Ý thức mình là khác biệt khiến cho chúng dám đi trên con đường mà chúng lựa chọn. Trong khi những đứa trẻ khác thường rất dễ bị cuốn vào dòng chảy của các áp lực và trào lưu thời thượng, những kẻ cô đơn ý thức được rất rõ mình cần gì.

Những đứa trẻ vừa khuôn thường trở thành những kẻ a dua a tòng phụ thuộc vào kẻ khác, thì những kẻ cô đơn thường tự tạo cho mình một sân chơi với những luật lệ riêng. Những thiên tài nghệ thuật, những bộ óc trác tuyệt về khoa học, thậm chí những nhà lãnh đạo lừng danh chẳng phải đã từng là những đứa trẻ không đổ vừa khuôn hay sao? Chẳng phải con đường họ đi trong suốt cuộc đời luôn luôn là một hành trình đầy liều lĩnh, thậm chí gàn dở và luôn luôn cô đơn hay sao?

Nhưng cảm giác cô đơn cũng có thể khiến chúng trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương. Vì lẽ đó, bên trong những vẻ ngoài vô cảm, lì lợm, khó ưa, rất có thể là một trái tim mỏng manh cần được che chở. Chúng vô cùng nhạy cảm với những định kiến, sự phân biệt đối xử, sự áp đặt, nhạo báng… và luôn trong tư thế tự vệ, xù lông như một con nhím hoặc thu mình lại trong vỏ ốc.


Dường như chả có một công thức nào trong việc tiếp cận một đứa trẻ không đổ vừa khuôn, bởi chúng bao giờ cũng là một bản thể vô cùng phức tạp, thất thường. Cảm giác về sự cô đơn tạo nên một bức tường ngăn chúng với đồng loại, khiến cho chúng thật khó có thể giãi bày với kẻ khác, và thậm chí có khi tạo nên cho chúng một lớp vỏ bọc trái ngược hoàn toàn với bản chất bên trong.

Như mọi đứa trẻ khác, chúng mong muốn được quan tâm và yêu thương. Nhưng cách mà chúng làm để thu hút sự chú ý của người khác nhiều khi dễ gây nên sự hiểu lầm: chúng luôn đòi hỏi thái quá, muốn làm nổi bật sự hiện diện của bản thân trong cuộc sống bằng những hành động ngược đời, dại dột. Thay vì tỏ ra ngoan ngoãn tuân phục, chúng lại muốn chiếm cảm tình của người khác bằng sự chống phá. Đôi khi, một hành động phá phách ngạo ngược nhất của những đứa trẻ không đổ vừa khuôn lại xuất phát từ một động cơ không gì chính đáng và dễ thương hơn: được tôn trọng và yêu thương.

Chỉ có những trái tim co dãn mênh mông, một con mắt có khả năng nhìn xuyên thấu tâm can kẻ khác, cùng với một sự bình tĩnh và khả năng kiềm chế vô hạn độ mới chịu đựng nổi những cung bậc cảm xúc luôn luôn thái quá và những đòi hỏi nhiều khi phi lý của những đứa trẻ không đổ vừa khuôn.

Sự giáo dục, nói chung, chẳng bao giờ có công thức. Không có một công thức chung nào để có thể thuyết phục, cảm hóa vài tỉ con người sinh ra vào những giờ khắc khác nhau, trong những không gian và điều kiện khác nhau. Không có một dây chuyền sản xuất nào có thể sản xuất ra những sản phẩm giáo dục hoàn hảo như nhau. Không có một chương trình nào có thể làm hài lòng tất cả các mong đợi khác nhau của phụ huynh lẫn học sinh.

Làm giáo dục, có nghĩa là bạn luôn phải đương đầu với thách thức, nhưng lại chỉ có thể dựa vào bản thân. Bạn phải hiểu biết về con người nói chung, nhưng bạn không được phép bỏ qua mỗi cá thể. Mỗi cá thể luôn là độc lập, riêng biệt, không hoàn hảo, thất thường, thái quá, vì vậy không thể nhốt chúng vào một khuôn. Khi không thể nhốt vào một khuôn, bạn đừng trông đợi vào một phác đồ điều trị nào mà người khác chỉ định, bạn phải tự tìm ra cách điều trị đối với mỗi trường hợp khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất, nền tảng của tất cả, luôn là một sự lắng nghe đầy kiên nhẫn, tôn trọng và cảm thông.

Nguyễn Thị Ngọc Minh – Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

NHỮNG CẢN ĐƯỜNG TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ BIẾN ĐỔI XÃ HỘI: PHÊ BÌNH CỦA PHẬT GIÁO VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI VÀ TOÀN CẦU HÓA






GSTS. K.T.S. Sarao *

Nguyên Định dịch




Từ “phát triển bền vững” đã trở nên phổ biến rộng rãi sau khi được 
sử dụng trong báo cáo năm 1987 của Ủy ban Thế giới Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển, Tương lai chung của chúng ta, thường được gọi là Báo cáo Brundtland. Trong báo cáo này, sự cần thiết cho việc kết hợp giữa phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ công bằng xã hội và hòa nhập được giới thiệu lần đầu tiên. Định nghĩa Phát triển bền vững trong báo cáo Brundtland được sử dụng nhiều nhất là: 
“Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại 
mà không ảnh hưởng đến khả năng của thế hệ tương lai để đáp ứng 
nhu cầu của họ” (Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển: Chương 2). Tiếp theo hội nghị Rio +20 (với Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển ) và tài liệu đúc kết được gọi là Tương lai chúng tôi muốn, Chương trình nghị sự 21, và Kế hoạch Johannesburg về Thực thi ( JPOI ), Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, tạo điều kiện hợp tác khuôn khổ LHQ để đảm bảo rằng các chuyên viên, chương trình, nguồn lực hỗ trợ chiến lược toàn cầu, khu vực và quốc gia đều nhằm đến các khối xây dựng phát triển bền vững. 
Nếu xem xét các mối quan tâm nêu lên bởi Hội đồng ECOSOC, có thể nói rằng xã hội loài người ngày nay đang đi dần về ngày tận thế, chủ yếu bởi vì nó đã đi theo những gì Phật giáo gọi là con đường sai lầm (agatigamana) để phát triển. Một e ngại như vậy cũng được nói lên trong cuốn sách nổi tiếng Các giới hạn tăng trưởng xuất bản năm 1972. Cuốn sách này kiểm tra năm biến số (dân số thế giới, công nghiệp, ô nhiễm, sản xuất lương thực, và cạn kiệt tài nguyên) trên mô hình máy tính về tăng trưởng kinh tế và dân số theo cấp số nhân với nguồn cung cấp tài nguyên hữu hạn. Những phát hiện được tìm ra là ngay cả khi nguồn tài nguyên mới được khai thác trong thời gian tới, dự trữ hiện tại thay đổi, các nguồn lực vẫn hữu hạn và cuối cùng sẽ bị cạn kiệt. Cuốn sách dự báo rằng những thay đổi trong sản xuất công nghiệp, sản xuất lương thực, và ô nhiễm đều đi dần đến sự sụp đổ kinh tế và xã hội sẽ diễn ra trong thế kỷ hai mươi mốt (xem Meadows và Meadows năm 2004; Hecht 2008). 

Cuộc khủng hoảng này chính xác như thế nào khi lòai người phải đối mặt? Ai và những gì phải chịu trách nhiệm? Làm thế nào điều này có thể tránh được? Quan điểm Phật giáo về cuộc khủng hoảng đó là gì? Một nỗ lực được thực hiện trong bài viết này để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Ở chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong đó giá trị đạo đức không được xem là quan trọng vì bị kiểm soát và điều hành bởi chủ nghĩa tiêu thụ và các thương gia. Trong hệ thống như vậy mục tiêu công khai của các tổ chức tài chính là kiếm tiền cho chính họ, điều mà các nhà kinh tế học gọi là tối đa hóa lợi nhuận nhưng luôn biến hóa thành chiếm đọat quyền sở hữu của cải. Tuy nhiên, như đã chỉ ra bởi Amartya Sen, “một sự rời xa tối đa hóa lợi nhuận không nhất thiết là điều lành, cũng như các tình cảm đạo đức không luôn luôn là cao quý. Một số điều man rợ tồi tệ nhất trên thế giới đương đại đã được thực hiện bởi những kẻ phân biệt chủng tộc hiến mình hầu làm hại một số người khác, thậm chí với chi phí lớn hoặc rủi ro cho bản thân họ. Trên thực tế, quá trình này vẫn tiếp tục hiện nay với sự kiên trì không ngừng... Sự từ bỏ cuộc sống chỉ vì mình có thể đi đôi với bạo lực nhằm đạt đến lợi ích cho một nhóm hay cộng đồng (nhưng lọai trừ những người khác), và ngay cả với sự cố ý gây thiệt hại trên một nhóm hoặc cộng đồng khác” (1997 : 6). Sản xuất và phân phối hàng hóa được độc quyền bởi các tổ chức lớn và thông qua việc sử dụng phương tiện thông minh tạo ra ham muốn vô độ cho quần chúng nhằm sở hữu nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
 Quảng cáo và áp lực tâm lý dưới những hình thức khác nhau được sử dụng để tăng cường sự thèm muốn tiêu thụ tối đa và lối sống tiêu thụ quá lố đang được quảng bá rầm rộ. Khách hàng bị dụ dỗ mua hàng càng nhiều càng tốt, bất kể họ có cần hay không hay liệu có đủ tiền để trả. Do đó, mọi thứ được mua không phải vì người ta cần dùng mà vì lòng ham muốn chúng. Trong thực tế, xã hội tiêu dùng được đặc trưng bởi niềm tin tưởng rằng việc sở hữu nhiều thứ là phương tiện chính để đạt hạnh phúc; do đó, tiêu thụ được chấp nhận “như một cách tự phát triển, tự thực hiện, và tự hoàn thiện” ( Benton 1997: 3). 

Trong thực tế, chủ nghĩa tiêu thụ đã ăn sâu vào cuộc sống hiện đại mà các học giả như David Loy (1997 : 283 ) xem nó là một tôn giáo thế giới mới có quyền lực nằm trong kỹ thuật chuyển đổi cực kỳ hiệu quả. Tôn giáo này, theo Loy, hoạt động trên nguyên tắc không những tăng trưởng và tăng cường thương mại thế giới sẽ có lợi cho tất cả, mà tăng trưởng cũng sẽ không bị hạn chế bởi các giới hạn vốn có của một hành tinh hữu hạn. Sai lầm cơ bản là nó làm cạn kiệt hơn là xây dựng “vốn đạo đức” ( Loy 1997: 283 ). Như đã chỉ ra bởi Erich Fromm, hệ thống kinh tế hướng về lợi nhuận không còn được xác định bởi câu hỏi: Điều gì tốt cho con người? mà được xác định với câu hỏi: Điều gì tốt cho sự phát triển của hệ thống? Hơn nữa, tiêu thụ có tính cách mập mờ: Nó làm giảm lo lắng, bởi vì những gì người ta đã có không thể bị lấy đi, nhưng nó cũng đòi hỏi người đó ngày càng tiêu thụ hơn nữa, bởi vì tiêu thụ trước đó đã hòan tất sự thỏa mãn. Trên thực tế, hệ thống hướng về lợi nhuận toàn cầu hóa này hoạt động trên nguyên tắc rằng tính vị kỷ, ích kỷ, tham lam là điều kiện tiên quyết cơ bản cho sự hoạt động của hệ thống; và sẽ dẫn đến sự hòa hợp, hòa bình. Tuy nhiên, tính vị kỷ, ích kỷ và tham lam không phải là bẩm sinh trong bản chất con người cũng như không được thúc đẩy bởi nó. Chúng đa phần là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội. Hơn nữa, tham lam và hòa bình loại trừ lẫn nhau (Fromm 2008: 5-8, 23). Từ quan điểm Phật giáo, sản xuất nhiều của cải vật chất, tiêu thụ nhiều và lòng thèm muốn (taṇhā) không nhất thiết dẫn đến gia tăng hạnh phúc. Đạo Phật dạy rằng để đi đến giai đoạn cao nhất của phát triển con người, người ta không khao khát sở hữu. Hơn nữa tác động của chủ nghĩa tiêu thụ lên tâm lý và tinh thần của người tiêu dùng đi ngược lại với sự bền vững môi trường, đặc biệt là sự mất mát quan trọng của nhận thức về thế giới tồn tại bên ngoài lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Như đã chỉ bởi Fritjof Capra, “nỗi ám ảnh của chúng ta về tăng trưởng kinh tế và hệ thống giá trị cơ bản đã tạo ra môi trường vật lý và tinh thần; trong đó cuộc sống trở nên cực kỳ không lành mạnh. Có lẽ khía cạnh bi thảm nhất của cảnh tiến thoái lưỡng nan xã hội này là hệ thống kinh tế đang gây ra mối nguy hiểm cho sức khỏe không chỉ bởi quá trình sản xuất mà còn do tiêu thụ nhiều hàng hóa được làm ra; rất nhiều quảng cáo để duy trì tăng trưởng kinh tế” (1983: 248). Tương tự như vậy, Erich Schumacher, tác giả sách Nhỏ là đẹp, đã cảnh báo thái độ sống tìm cách theo đuổi đến cùng của cải, có nghĩa là chủ nghĩa vật chất không phù hợp với thế giới này, bởi vì nó không bao hàm nguyên tắc hạn chế, trong khi môi trường sinh sống bị giới hạn nghiêm ngặt. Thái độ như vậy, ông chỉ ra, mang trong nó những hạt giống của sự hủy diệt. Thái độ duy vật chất là con quái vật của đạo đức, tinh thần và siêu hình vì “tiến hành các hoạt động kinh tế của con người như người ta thực sự không lo lắng gì cả. Một hệ thống hoàn toàn mới của tư tưởng dựa trên sự chú ý đến con người thay vì hàng hóa là cần thiết. Nó có thể được tóm gọn trong cụm từ “sản xuất của quần chúng, chứ không phải là sản xuất hàng loạt” (Schumacher 1973 : 17-18, 56, 119 ). Kết quả cuối cùng của việc này là chúng ta cần phải xem xét nghiêm túc không chỉ thái độ và lối sống của chúng ta mà ngay cả chính sách chi phối việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo, khoa học và công nghệ, quy mô cũng như định hướng của công nghiệp hóa.

Ngoài sự thực là các nước phát triển chủ yếu thông qua công ty đa quốc gia, các tổ chức tài chính và pháp lý toàn cầu tiếp tục khai thác các nước đang phát triển. Một trong những lỗ hổng lớn của hệ thống tiêu dùng toàn cầu hóa hiện nay là nó thúc đẩy cạnh tranh hơn hợp tác. Thái độ cạnh tranh, thù địch hoặc cảm giác liên tục phải chống lại cái gì đó không chỉ tạo ra xung đột và sự oán giận mà còn gây tác dụng phụ không lành mạnh. 
Như Bertrand Russell một lần chỉ ra, “Điều duy nhất sẽ cứu nhân loại là hợp tác, và bước đầu tiên hướng tới hợp tác nằm trong trái tim của các cá nhân” (1954 : 204). Các cá nhân có kỹ năng hợp tác có nhiều sáng tạo hơn và tâm lý điều hòa tốt hơn. Ở cấp quốc tế, đối kháng lẫn nhau giữacác quốc gia có kết quả không chỉ trong việc hàng tỷ đô la bị lãng phí mỗi năm, trong việc sản xuất vũ khí mà còn một mảnh lớn nguồn nhân lực khoa học công nghệ bị hướng vào công nghiệp chiến tranh. Đáng buồn thay, không chỉ các nhà kinh tế e ngại với thời gian khi chúng ta dừng lại vũ khí sản xuất, nhưng ngay “ý kiến cho rằng Nhà nước cần tạo ra nhà ở, những điều hữu ích và cần thiết khác cho dân chúng thay vì vũ khí, cũng dễ dàng bị buộc tội gây nguy hiểm cho tự do và sáng kiến cá nhân” 
(Fromm 1955: 5).

Như đã nêu trên, chủ nghĩa tư bản hiện đại kèm theo toàn cầu hóa gây nên sự tham lam và ích kỷ, thành công cá nhân được đánh giá cao hơn trách nhiệm xã hội. Các nhà lãnh đạo chính trị và giám đốc điều hành doanh nghiệp thường có những quyết định vì tư lợi. Hơn nữa, “công chúng cũng rất ích kỷ khi chỉ chú tâm đến vấn đề riêng tư mà ít chú ý đến những gì vượt qua lĩnh vực cá nhân... Do đó người mạnh mẽ, thông minh hơn, hoặc gặp may nhiều hơn ... cố gắng tận dụng lợi thế đối với những người yếu kém, hoặc bằng vũ lực và bạo lực hoặc bằng các đề nghị... Xung đột trong xã hội không thể biến mất khi tham lam ngự trị tâm hồn con người” (Fromm 2008: 10-11, 114). Một xã hội được thúc đẩy bởi tham lam mất khả năng nhìn thấy những điều trong lành và chúng ta không biết khi nào là đủ. “Niềm hy vọng chỉ theo đuổi sự giàu có mà không lưu tâm đến các câu hỏi tinh thần, đạo đức; chúng ta có thể thiết lập hòa bình trên trái đất,… là niềm hy vọng không thực tế, không khoa học, và không hợp lý... Những nền tảng của hòa bình không thể dựa trên nhu cầu lớn về tài nguyên thế giới hạn chế, và khiến cho giới giàu có va chạm không những với người nghèo (những người yếu đuối và kém tự vệ) mà còn với những người giàu khác” ( Schumacher 1973: 18-19 ). Về vấn đề này, có thể nói Phật giáo xem lòng tham (tâm tham- lobha: Morris và Hardy 1995-1900: iv.96 ) và tính ích kỷ như những khổ đau hàng đầu (vị kỉ- avaññattikāma:Morris và Hardy 1995-1900: ii.240 iv.1 ; asmimāna Oldenberg 1879 -1883 : i.3; Rhys Davids và Carpenter 1890-1911: iii.273; Trenckner và Chalmers 1888-1896: i.139, 425; Morris và Hardy 1995-1900: iii.85 ). 

Phật giáo không ngại sự giàu có và thịnh vượng miễn là chúng được mua và sử dụng phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Vấn đề thực sự nằm trong xu hướng con người đi tìm điều Đức Phật gọi là tham ái (taṇhā). Trong hệ thống kinh tế hiện nay, theo Schumacher, bất cứ điều gì không đem đến lợi nhuận (economic) đều bị xóa sạch (1973 : 27). Theo quan điểm của Phật giáo, lợi nhuận một mình không thể là biện pháp đầy đủ cho một cái gì đó gọi là kinh tế. Ngoài việc tính đến lợi nhuận của một hoạt động, nhất định, ảnh hưởng của nó đối với con người và môi trường, bao gồm các cơ sở tài nguyên, cũng không kém phần quan trọng.

Một lỗ hổng khác của hệ thống người tiêu dùng toàn cầu hóa hiện nay là sự nới rộng phân chia giữa người giàu và người nghèo. Theo Báo cáo phát triển con người của Liên Hợp Quốc năm 1992, tỷ lệ người giàu chiếm 83% trên thế giới, còn tỷ lệ người nghèo chỉ chiếm 1.4% (xem Elgin 1993: 42). Sẽ không thực tế để mong đợi hòa hợp tinh thần, tâm lý và xã hội trong một thế giới vẫn còn chia rẽ vật chất như vậy. 

Là thành viên của một gia đình nhân loại chung, mỗi cá nhân phải có quyền dự phần một cách hợp lý vào các nguồn lực của thế giới, hầu thực hiện những nhu cầu cơ bản của mình; để chứng minh tiềm năng là một thành viên sản xuất và được tôn trọng trong gia đình toàn cầu. Điều này có nghĩa rằng, nhu cầu cấp thiết cho việc tiếp cận bình đẳng nguồn tài nguyên không chỉ giữa các quốc gia, mà còn giữa những con người không phân biệt giới tính và quốc tịch. Vì sự tuyệt vọng của người nghèo đã được xem là thuộc trách nhiệm ở mức độ nào đó từ việc lạm dụng các nguồn lực hạn chế. Cho nên bình đẳng kinh tế và công bằng xã hội rất quan trọng. Tuy nhiên, xã hội giàu có là vấn đề thực sự của thế giới ngày nay. Ví dụ, sự ra đời của một em bé Mỹ được ước tính như một mối đe dọa lớn hơn năm mươi lần cho môi trường, so với sự ra đời của một em bé Ấn Độ (Jones 1993: 14). Nghiên cứu cũng như các tài liệu đã chỉ ra rằng nạn đói thế giới gây ra bởi tình trạng khan hiếm lương thực là một huyền thoại, vì lượng thực phẩm sản xuất trong thế giới hiện nay đủ cung cấp cho khoảng tám tỷ người với chế độ ăn uống đầy đủ. 

Nguyên nhân chính là kinh doanh nông nghiệp trên thế giới bị phá hỏng bởi sự bất bình đẳng (xem Capra 1983: 257-258). “Nếu không có cuộc cách mạng công bằng, thế giới sẽ gặp những cuộc xung đột kinh niên do cạn kiệt nguồn tài nguyên; điều này sẽ khiến những hợp tác khó có thể đạt mức độ cần thiết” ( Elgin năm 1993 : 42). Về việc này, Phật giáo khuyến khích phân bố rộng nhu cầu cơ bản để không ai thiếu thốn, vì thiếu thốn là nguyên nhân gốc rễ của xung đột xã hội. Do đó, khi nói về nguyên nhân của xung đột xã hội, Đức Phật chỉ ra rằng,“hàng hóa không làm cho sự nghèo khó cơ cực lớn hoành hành; do đói nghèo ngày càng tăng, trộm cắp hoành hành cũng tăng lên, do trộm cắp lây lan nên bạo lực tăng trưởng nhanh chóng, do bạo lực phát triển nên sự tàn phá của cuộc sống trở nên phổ biến” (Rhys Davids và Carpenter 1890-1911 : iii.67 ). Từ góc độ Phật giáo, một xã hội lý tưởng sẽ theo phương châm của hạnh phúc và phúc lợi cho số lượng tối đa người dân (bahujanahitāya bahujanasukhāya: Oldenberg 1879-1883 : i.21 ). Xã hội như vậy, người ta không tìm kiếm sự hài lòng của chính mình mà lại trở thành một nguồn đau khổ (aghabhūta) cho những người khác (Feer 1884-1898: iii.189). Tích trữ tài sản dưới mọi hình thức không được xem trọng trong Phật giáo (Morris và Hardy 1995-1900 : iii.222). Nếu người giàu sang hưởng thụ tất cả tài sản của mình bằng cách chỉ cho chính mình, nó sẽ là nguồn gốc thất bại cho anh ta (Fausböll 1985: 102). Trong thực tế, một người nào đó làm việc vì lợi ích của sự giàu có (dhanahetu, Fausböll 1985: 122), sự ham làm giàu (dhanatthiko, Fausböll 1985: 987 ; bhogataṇhā, Sarao 2009: 355), hoặc tự hào về giàu sang, khoe khoang tài sản (dhanatthaddho, Fausböll 1985: 104) được coi là người thất bại, ngu dốt, làm hại chính mình và người khác. 
Như vậy, trong cách tiếp cận của Phật giáo về phát triển kinh tế xã hội, tiêu chuẩn chính trị hoạch định chính sách phải là hạnh phúc cho tất cả thành viên của xã hội như một đoàn thể, tức là sản xuất nên hướng tới phục vụ nhu cầu thực sự của người dân chứ không phải ngược lại. 

Hệ thống hiện nay tin rằng thực hiện các nhu cầu vật chất của nhân loại sẽ dẫn đến hòa bình và hạnh phúc. Nhưng đây là quan điểm sai lầm. Fromm nói, một động vật hài lòng khi các nhu cầu sinh lý, cơn đói, cơn khát, nhu cầu tình dục được thỏa mãn vì được bắt nguồn từ các yếu tố sinh hóa học trong cơ thể, nhưng chúng có thể trở nên điên tiết nếu không được thỏa mãn. Vì con người cũng là động vật, những nhu cầu này cần được thỏa mãn; nhưng con người là con người, sự hài lòng những nhu cầu bản năng này không đủ làm cho người ta hạnh phúc, khi hạnh phúc phụ thuộc vào sự hài lòng của những nhu cầu và niềm đam mê đặc biệt của con người. Những nhu cầu thiết yếu mà nền văn minh hiện đại không đáp ứng là “nhu cầu liên hệ, siêu việt, sâu sắc, nhu cầu có một bản sắc, sự cần thiết cho một khung định hướng và sự đam mê” (Fromm 1955: 25, 28, 65, 67, 134). Theo quan điểm Phật giáo, vấn đề kinh tế và đạo đức 

không thể tách rời nhau bởi vì sự thỏa mãn chỉ các nhu cầu kinh tế 
nếu không phát triển tâm linh thì không bao giờ dẫn đến bình an trong quần chúng
( còn tiếp)