Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Đức “Dũng” trong đạo Phật




I. Định danh:
Từ điển Hán - Việt của Thiều Chửu, NXB Văn hóa – Thông tin, 2005, tr.55, định nghĩa:
“Dũng là mạnh”.
“Dũng là gan tợn hơn người”
(Dũng cảm không chùng trước việc nguy hiểm)
Từ điển Hán - Việt Trần Văn Chánh, NXB Trẻ, TP. HCM, 1997, tr. 292, thì ghi:
“Dũng là dũng cảm, gan dạ, gan góc, mạnh dạn, mạnh bạo, bạo dạn”.
(Dũng khí là tinh thần can đảm).
Từ điển Anh – Việt của Viện Ngôn ngữ học, NXB TP.HCM, 1997 (bản đã tu chỉnh) chuyển dịch:
“Dũng: Bravery; Courage (nghĩa là can đảm)
Dũng khí: Bravery; Courage.
Dũng cảm: Valiant (quả quyết);
Dauntless (không nản lòng, không sợ hãi)”
Khi Từ Hải trong truyện Kim Vân Kiều, hiên ngang chết đứng bởi loạn tên của phục binh Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều đã khóc rằng:
“Khóc rằng: Trí, dũng có thừa
Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này”
Như thế ý nghĩa của từ “Dũng” phổ biến trong xã hội, trong quần chúng, là ý nghĩa biểu lộ sự gan dạ, dám nghĩ, dám làm.

II. Chữ Dũng trong Khổng học, Lão – Trang kinh:
Học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, trong “Đại Cương Triết Học Trung Quốc”, NXBTP.HCM, tập II, 1992, lý luận:
“Dục lập, dục đạt thì phải “lực hành” mà muốn lực hành thì phải có Dũng. Cho nên ở Chương Hiến vấn, Khổng Tử đã nói: ‘Kẻ nhân tức hữu Dũng’...
Nhân mà tới một mức cao, để có thể giúp đời được thì lại cần phải có trí... Nếu không sáng suốt thì chẳng giúp được người mà còn hại cho mình nữa” (tr. 309)
“Bậc trí thì không mê hoặc; bậc nhân thì không lo lắng; bậc dũng thì không sợ sệt”. (tr. 311)
Học giả Nguyễn Duy Cần trong “Trang Tử Tinh Hoa”, NXB Thanh niên, 1999, diễn đạt:
“Chân nhân – Chí nhân, thần nhân, và thánh nhân - là hạng người ‘Vô kỷ, Vô công, Vô danh’” (tr. 141)
Họ làm tất cả vì cuộc đời mà không bị vướng mắc vào tự ngã, vào công trạng, vào danh tiếng.
Tác giả Nguyễn Duy Cần đề cập tiếp đến các đặc điểm của bậc chân nhân và kết luận: “Có lẽ vì thế mà những công trình vĩ đại văn hóa của những bậc vĩ nhân Đông Phương ngày xưa đã để lại cho đời, phần nhiều đều là vô danh, thật rất khác xa với cái hạnh của người đời nay...” (tr.145) . Và, “nhờ được thế mà lòng họ luôn vững vàng, cử chỉ điềm đạm, gương mặt luôn bình thản”. (tr. 146)
Cùng lập luận ấy, nhận thức ấy, học giả Nguyễn Duy Cần, trong tập sách “Cái Dũng Của Thánh Nhân”, NXB Thuận Hóa, 1993, tr. 9, 10 đã viết:
“Bất kỳ là tôn giáo hay luân lý nào, nếu bàn đến chỗ cùng cực của nhân cách, đều lấy tính điềm đạm (điềm tĩnh) làm căn bản... Cái Dũng của thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của điềm đạm”
Phương Chi, vua Lý Thánh Tông, Việt Nam, trước khi đi chinh phạt Chiêm Thành, đã rút ra một bài học từ giáo lý nhà Phật để lại làm cẩm nang hành động cho Thái phi Ỷ Lan rằng: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định” (giữ tâm yên lặng, bất động trước các biến động của cuộc đời).
Nay thử tìm hiểu thêm nội dung của “cái – gọi – là Dũng cảm” biểu hiện trong Phật giáo.

III. Dũng cảm trong giáo lý nhà Phật:

Thật tế ở đời, các cá nhân thường có các điều kiện sống khác nhau, biểu hiện tình cảm và nhận thức ở nhiều cấp độ khác nhau, hành xử với các quyết tâm, nỗ lực bất đồng. Ba lãnh vực tâm thức của tình cảm, lý trí và ý chí như là ba nhân tố cơ bản tổ hợp nên nhân tính, nhân cách của mỗi người qua các thời điểm; chúng có mối liên hệ mật thiết, cơ hữu với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau, mà không độc lập, tách biệt nhau. Có thể nói rằng tâm thức của mỗi người là sự tổ hợp của: Tình + Trí (hay ý) + Chí – đức dũng cảm là thuộc hành hoạt của ý chí - . Vì thế nên Trang Tử đã nói:
“Lặn xuống đáy biển mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ, báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mệnh và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân...” (“Cái Dũng Của Thánh Nhân”, Nguyễn Duy Cần, NXB Thuận Hóa, 1993, tr. 11)
Vào thời kỳ chấn hưng Phật giáo cận đại, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Gia đình Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ sau 1945) đã sinh hoạt với châm ngôn:
Từ bi, Trí tuệ và Dũng cảm (hay gọi là Bi + Trí + Dũng). Đây là nền giáo dục nâng cao phẩm cách con người của Tình + Ý + Chí. Châm ngôn trên nói rõ là: Phật tử mở rộng tình thương, tôn trọng sự sống; Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật; và Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường giải thoát khổ đau cho tự thân và cho tha nhân. Cái Dũng của giáo dục tuổi trẻ Việt Nam của Phật giáo là thế. Đấy là ngôn ngữ (Dũng) của thời đại.
Nếu tìm hiểu trong kho tàng tâm lý học của Theravada và Phật giáo phát triển (tâm lý A-Tỳ-Đàm, Câu Xá, Duy Thức) thì không có nguyên gốc thuật ngữ nào của Phật giáo gọi là Dũng, Dũng cảm, hay Dũng khí. Nhưng nếu đi vào kinh tạng thì nhà học Phật sẽ tìm thấy từ tương đương:
Đức Phật đã dạy trong nhiều kinh của Nam tạng và Bắc tạng rằng: Có bốn nhân tố tâm lý là gốc của mọi hành động sai lầm dẫn đến khổ đau, ưu não cho mình và người là Tham, sân, si và sợ hãi.
Đức Phật cũng dạy có bốn nhân tốë tâm lý giúp con người đi ra khỏi tâm lý sai lầm, đi ra khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não là:
Vô tham, vô sân (từ), vô si (hay minh, trí tuệ) và vô úy (không sợ hãi, hay định tỉnh, như như bất động; hay không dao động).
Vô úy là thái độ sống của người Phật tử chân chính giữa dòng đời vô thường, biến động. Thái độ sống ấy biểu hiện một cách tự nhiên của những tâm hồn nhuần thấm từ bi và trí tuệ. Không có một nỗ lực khác thường nào ở đây để được ngợi ca là can đảm, hay dũng cảm. Chính vì thế mà thái độ sống điềm nhiên ấy thật sự mang bản chất dũng cảm, đúng nghĩa Dũng cảm, bởi dũng cảm luôn có mặt ngay trong tâm thức từ bi, trí tuệ: Có trí tuệ là có dũng cảm; có từ bi là có dũng cảm; và có trí tuệ là có từ bi và dũng cảm – Đây là đặc tính trí tuệ của Phật giáo, của cái thấy biết như thật sự vật và tư duy về như thật sự vật. Rất thật! Thế nên, dưới thời đại Lý, Trần, khi Phật Giáo giữ vai trò chủ đạo Văn hóa, thì Dân tộc Việt Nam đã làm hưng khởi lên sức mạnh Dũng cảm của dòng dõi bậc Thánh, đầy đủ sức mạnh để bình Chiêm, thắng Tống và ba lần đại phá quân Nguyên – Mông. Cái sức mạnh mà Quốc sư Vạn Hạnh đã để lại trong một bài thiền thi của Ngài rằng:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
(“Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt, thu sang rụng rời.
Sá chi suy thịnh việc đời,
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành,”)
Cái sức mạnh mà bài Kinh ngắn (250 chữ) Bát Nhã Tâm Kinh trong thời khóa tụng sớm, chiều hằng ngày của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam – cốt lõi của giáo lý Bát Nhã, Đại thừa Phật giáo – đã nói:
“... Bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa, cố tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa, cố đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”
(Việt dịch: Bồ tát an trú và trí tuệ vô ngã tròn đầy, nên tâm không vướng ngại; vì không vướng ngại, nên không sợ hãi, rời xa các tâm tưởng mộng mị sai lầm, cuối cùng được giải thoát hoàn toàn khổ đau. Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai đều an trú vào trí tuệ ấy mà thành bậc đại giác ngộ.)
Sở đắc của chư vị Bồ tát, chư vị Thiền sư xưa nay là sở đắc chỉ một trí tuệ ấy. Sự đóng góp của chư vị Bồ tát và chư vị Thiền sư xưa nay là sự đóng góp chỉ xây dựng một nền Văn hóa vô ngã, vô úy ấy.
Quả thế, nếu con người thường thấy rõ sự thật không có tự ngã của thân tâm mình, không có tự ngã của mọi hiện hữu, thì tâm lý sẽ không vướng mắc vào nội tâm, ngoại cảnh, sẽ tự do tự tại. Trong trạng thái tâm lý của trí tuệ, tự do tự tại ấy, một sức mạnh tâm thức không hạn lượng sẽ bung khởi mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Thần lực, Thần thông (iddhimantu: supernatural powers) sẽ được sử dụng để cứu đời, phục vụ đời. Cái Dũng, hay vô úy, của Phật giáo cũng chỉ nhằm để cứu khổ tự thân và cuộc đời. Đấy là mục đích đầu tiên và sau cùng của một đệ tử Đức Phật. Không có ý nghĩa nào khác hơn thế.

HT THÍCH THIỆN CHƠN

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

NGÁN NGẪM





Mỗi ngày càng thêm ngán ngẫm, có mắt lại muốn mù, có tai lại muốn điếc để khỏi phải thấy, phải nghe sự giả dối đang dần trở thành khuôn mẫu cuộc sống. Từ kinh doanh đến giáo dục, từ bệnh viện đến nghị trường...người ta thản nhiên nói những lời giả dối mà mặt không hề đổi sắc.

Một Hoàng Khải silk sau mấy mươi năm lừa lọc làm giàu thản nhiên thừa nhận việc đánh tráo hàng, chẳng khác nào bảo người tiêu dùng chỉ là một lũ dân ngu, xem luật pháp nước Việt chẳng đáng mấy đồng xu.Một tấm gương làm giàu sáng giá. Lạy chi cái tay tỉ phú nước ngoài khi đã có tỉ phú Việt Hoàng Khải


Một vị Đại tá Đào Thanh Hải đại diện luật pháp ngang nhiên trước quốc hội trả lời " chỉ giằng co mà cụ Kình bị gãy xương" như đang đứng trước một đám người dốt nát, chẳng có ai am hiểu về xương hay nhân chủng học

Tham nhũng là quốc nạn nói mãi thành quen, mấy mươi năm tràn lan khắp xứ, từ bé thành lớn từ ít thành nhiều cho nên giờ đút củi vào lò đốt không chừng cái lò chịu không nổi mà cháy luôn

Xã hội hóa giáo dục để rồi biến giáo dục thành môi trường đầu tư của cô thầy, của phụ huynh và của học sinh khiến mục tiêu của sự học không còn để trở thành người hữu ích cho xã hội mà chỉ với cái mục đích là để tồn tại, làm giàu và hưởng thụ.Có bà bác sĩ,  có ông kỹ sư, có cụ tiến sĩ, có ngài giáo sư ...hùng hồn bảo " vứt vào sọt rác cái câu Tiên Học Lễ Hậu Học Văn"

Tư nhân hóa bệnh viện để rồi ' nhà thương thí" cũng biến mất. Lâm bệnh nhập viện với người dân lao động đồng nghĩa với "nhập nợ" với bán đất bán nhà, Lương y như từ mẩu mà xã hội bây giờ con từ mẹ, kể tội mẹ là chuyện bình thường rồi vẫn chường mặt ra trước trăm ngàn người mà hò hét kiếm tiền như anh chàng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với hàng triệu triệu fan hâm mộ

Nơi nơi, nhà nhà làm từ thiện mà dân miền núi vẫn còn đói. Chùa chiền, thánh thất, nhà thờ càng đẹp, càng rộng ,càng sang mà đạo lại càng suy.
Cái sung sướng, cái hạnh phúc dồn dần về cho một số ít người mà sự giả dối được bảo vệ bởi quyền và tiền mệnh danh chân lý'

Ngày ngày nghe hết tăng trưởng này đến tăng trưởng nọ chỉ riêng có đạo đức là suy đồi.Không bao lâu nữa con người tăng trưởng thành rô bốt thì chẳng còn có cái đạo đức để phải lo suy đồi thành con vật.

Đã lâu không viết chỉ bấy nhiêu dòng mà đã thấy ngán ngẫm chữ với nghĩa rồi

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

HÃY BÀY TỎ CÁI TÔI "SỰ THẬT"




Người Tây Phương cho là bầy tõ cái tôi là bình thường, là lành mạnh. Giữa chỗ đông người họ âu yếm nhau, hôn nhau do bởi sự hành hoạt cái tôi mà ra.

Thế nên trong sinh hoạt công cộng họ ít quan tâm tới đời tư của nhau, ít ngồi lê, đôi mách là vậy.


Ngược lại, Đông Phương, nhất là Tầu và Việt Nam cho rằng cái tôi cần phải dấu đi mới là khiêm nhường, mới là người tốt. Dấu đi, dấu đi, dấu đi nữa cho tới khi nào nó thành bệnh, như đã nói như trên.

Người Đông Phương nói chung, người Việt Nam nói riêng, ngoài mặt thì nói cần phải khiêm nhường, nhưng trong lòng người nào cũng có một cái “tôi” tức cái ngã của họ to như “thái sơn thiên cổ” (Tức Núi lớn ngàn Năm), mà họ không biết. Cũng chỉ vì cái thói quen dấu cái “tôi” xuống đáy lòng cho kỹ. Thế nên khi đối diện với một người hay nói từ “tôi”, hoặc ngay cả khi đọc được người nào hay viết là “tôi” thì họ sẽ rất khó chịu và chủ nhân bị phê bình ngay. Phản ứng này quả là vô ích.

Thế nên người Việt Nam khó đến hợp tác với nhau là vì vậy. Nguyên nhân là do dấu cái tôi ở trong lòng quá kỹ, quá lâu, khiến cái tôi trở thành biến thái, giả dối, nhưng tai hại nhất là sự kèn cựa, đố kỵ

Người Việt chúng ta từ nay hãy bầy tỏ cái “tôi” một cách thoải mái, không nên e dè gì nữa. Miễn cái tôi đó trình bầy được sự thật, cái tôi đó không triệt hạ ai, nói xấu sau lưng ai, là cái tôi tốt. Cái tôi miệt hạ, nhận xét sai lạc, tô vẽ sau lưng người khác, cái tôi đố kỵ, đạp đổ là cái tôi nên tránh.

Bầy tỏ cái “tôi” và chấp nhận những cái “tôi” vô hại của những người chung quanh mình một cách thoải mái, sẽ khiến người Việt đến được với nhau dễ dàng hơn.

.

Trần Tiểu Sinh

NGÀY Ý THỨC VỀ CĂNG THẲNG




Nguyên Giác


Chữ “căng thẳng” là dịch sát nghĩa của chữ “stress” trong tiếng Anh. Ai cũng biết rằng căng thẳng là cội nguồn của rất nhiều tai họa. Căng thẳng ở tấm mức quốc tế sẽ dẫn tới, nặng là chiến tranh, nhẹ là cấm vận. Căng thẳng ở tầm mức xã hội là biểu tình, là rút dao, nổ súng. Căng thẳng ở tầm mức gia đình hễ nặng bạo lực gia đình, nhẹ sẽ là bể chén dĩa, và khi bất khả hòa giải là sẽ ly tan, chỉ hại cho đàn con.


Căng thẳng cũng có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm. Theo Mayo Clinic, hội chứng căng thẳng có thể tác động vào cơ thể của bạn, vào suy nghĩ của bạn, vào cảm thọ của bạn, và vào cả thái độ của bạn. Căng thẳng không hóa giải được sẽ gây bệnh, như cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh mập phì và bệnh tiểu đường.


Đó là lý do có một ngày được chọn là Ngày Quốc Tế Ý Thức Về Căng Thẳng. Ngày này trong năm 2017 là mới hôm Thứ Tư ngày 1 tháng 11/2017. Cũng là ngày để các bác sĩ nhắc nhở mọi người cảnh giác về các sát thủ tàng hình đang len lén bước theo các cảm xúc căng thẳng khó đối trị.


Nhưng ý thức là một chuyện, còn khi căng thẳng tới bằng đôi cánh sát thủ tàng hình dĩ nhiên là khó đối trị. Có biết bao nhiêu chuyện trên đời này làm chúng ta căng thẳng. Thí dụ, ra đường, đụng xe. Chạy nhanh một chút, bị cảnh sát phạt. Buổi sáng nổ máy xe, thấy chết bình điện, phải gọi xe kéo tới tiệm sửa xe. Hay khi nghe tin một người thân từ trần. Hay khi nghe chuông điện thoại, nhấc lên nghe, biết tin quê nhà bão lớn, khu phố mấy đứa em đang ở bị ngập lụt, chờ ghe tới cấp cứu. Và vân vân…


Cõi này tất nhiên là bất như ý. Vấn đề là, làm sao kham nhẫn?


Đối phó căng thẳng không khéo là sẽ bệnh. Theo trang WebMD, căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh, và rồi bệnh liên hệ căng thẳng đó chiếm tới 90% toàn bộ các chuyến đi tới phòng mạch để khám bệnh của dân Mỹ. Trong đó, căng thẳng tính chung làm kinh tế Mỹ trung bình mất 600 tỷ đôla/năm.


May mắn vô cùng tận, Đức Phật có phương thuốc thần diệu: Đạo Phật là để nhận ra khổ, và bước vào con đường thoát khổ.


Do vậy, sá gì căng thẳng trong xã hội đời thường… Trí thức quốc tế đã nhận ra sức mạnh tuyệt vời của Phật Giáo, và từ đó Thiền tỉnh thức (Mindfulness) được dùng như công cụ hiệu lực để đối trị căng thẳng.


Vâng, cả các chính trị gia cũng nhận ra như thế. Như bên Anh quốc: hẹn nhau dự một hội nghị thượng đỉnh cấp Bộ Trưởng và Dân Biểu, tới ngồi bên nhau, cùng lim dim mắt, thở phì phò…


Báo Anh quốc The Guardian, số báo ngày 13/10/2017, với bài viết nhan đề “'Way ahead of the curve': UK hosts first summit on mindful politics” (Đi trước vòng cung: Anh quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về chính trị tỉnh thức)…


Một số Bộ Trưởng chính phủ Anh quốc và Sri Lanka (Tích Lan), một dân biểu trong Đảng Likud của Israel, nhiều chính khách từ hai nước trên và Thụy Điển cùng với chính khách từ 15 quốc gia cùng tới tòa nhà Hạ Viện Anh Quốc tuần sau đó để thảo luận xem có Mindfulness có thể giúp được gì cho các nền chính trị quốc tế và cấp quốc gia. Chính khách cao cấp nhất của chính phủ Anh quốc dự thượng đỉnh này là Bộ Trưởng Thể Thao Tracey Crouch.


Đặc biệt, thượng đỉnh về Thiền tỉnh thức này có tham dự của Dân biểu Hoa Kỳ Tim Ryan, người viết sách và tích cực quảng bá Thiền này từ lâu và dự kiến sẽ là ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2020. Và cũng đặc biệt, có tham dự của Giáo sư y khoa Jon Kabat-Zinn, người ứng dụng Thiền Phật Giáo để trở thành phương pháp Tình thức để giảm căng thẳng MBSR nhằm chữa các bệnh kinh niên.


Thực tế, MBSR khi ứng dụng để giảm đau tại các bệnh viện, rồi dùng luyện tâm trong quân đội, thư giãn trong công ty, giữ bình lặng trong giáo dục... đã được sửa đổi cho thích nghi với nhiều thành phần ở nhiều môi trường khác nhau. Và có khi các phiên bản Thiền tập mới lại mang tên khác nhau.


Theo The Guradian thống kê, từ năm 2013, đã có 145 dân biểu Anh quốc tham dự một khóa dài 8 tuần lễ để thực tập Thiền tỉnh thức.


Nếu muốn tu giải thoát, sẽ rất là gian nan, cần tận lực không ngừng. Nhưng sẽ rất đơn giản hơn, nếu bạn chỉ muốn giảm căng thẳng, hay giảm đau, hay chữa một vài bệnh.


Sau đây là một số hướng dẫn thực tập căn bản về Thiền tỉnh thức, tổng hợp từ nhiều trang y tế. Bạn có thể chọn cách nào thích nghi, hay xoay chuyển, hay tuần tự thay đổi. Và nên tập suốt ngày, nghĩa là, bất cứ khi nào nhớ tới. Tới khi quen rồi, chỉ cần vài hơi thở, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng và các bực dọc sẽ bay biến rất nhanh. Tuy cội nguồn từ Phật giáo, nhưng khi ứng dụng vào y khoa đã gỡ bỏ các yếu tố tôn giáo để thích nghi cho mọi thành phần.


Nếu bạn đang ngồi làm việc trong hãng, hay đang ngồi học ở bệnh viện, có thể ngồi thẳng lưng, mắt chỉ hé mở hướng về phía trước, hơi thở diụ dàng, hướng tâm vào hai lòng bàn chân đang áp sát mặt đất. Giữ hơi thở như thế vài phút sẽ thấy nhẹ nhàng, giúp tăng trí nhớ, lòng vui hơn. Hướng tâm vào dưới hai lòng bàn chân là lời khuyên của nhiều bác sĩ, hẳn là có diệu dụng về sức khỏe.


Nếu bạn đang nằm, thí dụ, sắp ngủ, có thể nằm duỗi người ra, hình dung bắp thịt từ dưới ngón chân lên đỉnh đầu buông xả hết theo hơi thở nhẹ nhàng, cứ như người chết.


Khi bạn ngồi, hay đang đi bộ ngoài hành lang, hãy hít thở sâu, hơi thở nhẹ nhàng, hơi thở tự nhiên, thư giãn toàn thân, không cố gắng gì, thở dài biết thở dài, thở ngắn biết thở ngắn.


Khi bạn đang đi đứng nằm ngồi, hãy cảm nhận về không khí chung quanh, lạnh hay ấm, có ảnh hưởng làm ấm hay lạnh tới làn da và cơ thể của bạn hay không, hãy đón nhận cảm thọ đó, đừng bực dọc, và đừng ưa thích, chỉ để tự nhiên nhận ra.


Khi bạn đi đứng nằm ngồi, hãy nhận ra các niệm khởi trong tâm, lặng lẽ nhận ra như thể bạn đang lùi ra xa để nhìn về sân khấu, nhận ra khi niệm khởi và nhìn cho tới khi niệm biến mất… và rồi tương tự với tất cả niệm. Dần dần, niệm sẽ giảm, tâm bạn sẽ dịu dàng, lặng lẽ…


Bạn có thể cảm thấy khó chịu nơi nào đó trong thân, hãy chú ý về nơi đó của cơ thể, hãy nhận ra nơi đó cảm thọ (như ngứa, nhức, đau, tê…) khởi lên, nhận ra cảm thọ biến đổi (nhiều hơn, hay giảm bớt) và nhận ra cảm thọ biến mất; và có thể bạn cần có hành động thích nghi, thí dụ gãi nhẹ, hay xoa bóp nhẹ nơi đau nhức đó. Hay đơn giản làm việc khác.


Bạn không nên phản ứng tức khắc khi gặp một tình hình bất chợt xảy ra. Hãy tỉnh thức, ngưng giây lâu, suy nghĩ tìm giải pháp. Thí dụ, nhấc điện thoại lên, bị người bên kia đầu dây mắng xối xả… Bạn chớ phản ứng gấp, hãy tỉnh giác, từ từ nghe và suy tính…


Có những khi căng thẳng, bạn tập thể dục hay chạy bộ vài phút, cũng đủ để bình lặng trở lại.


Hãy giữ tâm tỉnh thức với hiện tại; chớ luyến tiếc hay bực dọc gì về quá khứ; chớ mơ tưởng lạc quan hay bi quan về tương lai.


Đôi khi, hãy lặng lẽ lắng nghe hay ngửi mùi hương, chớ phê phán gì, chỉ nghe là nghe và chỉ ngửi là ngửi. Bạn sẽ nhận ra những giây phút tỉnh thức và hạnh phúc khác lạ, nhưng chớ giải thích gì làm chi, cũng chớ níu kéo hay xua đẩy các cảm thọ buồn/vui, ưa/ghét.


Hãy tỉnh thức với từng cử chỉ đang làm trong hiện tại, và giữ tâm thư giãn, sống với “tâm đang là” chớ không phải sống với “tâm phải là” và cũng chớ sống với “tâm cần là.”


Hãy ý thức về các thức ăn thích nghi với cơ thể, và khi ăn hãy nhai thật chậm, tỉnh thức.


Có khi bạn ngồi, hay nằm, hãy thở nhẹ nhàng, và hướng tâm scan cơ thể, hướng tâm rất chậm nghĩ về từng nơi trên cơ thể, chậm chậm từ chân hướng lên đầu. Chỉ cảm thọ từng nơi thôi.


Có những ngày, không đối trị được căng thẳng, vì trong đời có khi bạn phải hứng chịu những sân si vô lý từ người khác (kể cả người mà bạn quý trọng hay yêu thương), bạn hãy đứng dậy đi bộ vài phút ngoài trời, quan sát cảm thọ trên từng làn da.


Tập Thiền tỉnh thức một thời gian, bạn sẽ cảm thấy dễ tập trung tư tưởng hơn, dễ giữ tâm bình lặng thư giãn hơn, tự biết cách đối trị căng thẳng. Lúc đó, hãy tìm kinh sách Phật giáo để đọc, để hiểu tận tường hơn về giáo lý giải thoát – và bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng tận trong từng khoảnh khắc một.


Như thế, trong khi thế giới chỉ có một Ngày Ý Thức Về Căng Thẳng trong một năm, bạn sẽ có trọn năm toàn bộ tới 365 Ngày Hạnh Phúc Với Tỉnh Thức

KHÁT VỌNG VÀ NIỀM VUI



hãy trở thành một người làm vườn giỏi và thông minh cho linh hồn của bạn.
WASS ALBERT

KHÁT VỌNG VÀ NIỀM VUI


Làm thỏa mãn tất cả mọi khát vọng của bạn: đây là nghệ thuật lớn nhất của đời sống người. Người nào làm được, người ấy hạnh phúc. Nhưng muốn làm được, bạn hãy có ít khát vọng thôi.

Khát vọng là vườn cây của linh hồn người. Nó có rễ, có thân và ở thời điểm đỉnh niềm vui nở hoa. Mục đích của mọi cái rễ là mang lại hoa. Nhưng một người làm vườn tốt phải chăm sóc kỹ lưỡng mọi cây cối trong vườn của mình. Chỉ được phép trồng những loại cây có hoa đẹp mang hương sắc. Hoặc sẽ dâng những loại quả thơm ngon. Cỏ dại, cây dại đừng để nó quấy rầy.

Và cũng đừng trồng những cây mà đất. vị trí, khí hậu của vườn không thích hợp với sự phát triển của nó. Bởi nó sẽ không có khả năng nở hoa. Một người làm vườn thông minh và giỏi cần làm như thế.

Tóm lại bạn hãy trở thành một người làm vườn giỏi và thông minh cho linh hồn của bạn.

Bạn hãy biết vui sướng với hoa tuyết, hoa tím và hoa lúa mỳ. Với sự bình thản của rừng. Nếu bạn một mình: hãy là một mình. Nếu bạn không một mình: hãy vui vì không cần một mình. Hãy mong ước cái ngày mai mang tới, và hãy vui với cái hôm nay đang có.

Tất cả các loại đất đều trồng được một loại hoa nào đấy. Mỗi ngày đều có một niềm vui riêng. Hãy rèn luyện đôi mắt của bạn để có thể nhìn thấy những điều này.

NGUYỄN HỒNG NHUNG dịch từ nguyên bản tiếng Hungary

( Budapest. 2017. június 22.)

Thượng tầng kiến trúc và hạ tầng kinh tế ngày nay




Trong chưa tới mười năm Hãng Apple đã bán hơn 1 tỷ iPhone trên khắp thế giới.
http://bfmbusiness.bfmtv.com/entreprise/1-milliard-d-iPhone-vendus-en-9-ans-quels-produits-font-mieux-qu-Apple-1034396.html
Khi iPhone 7 chào đời, nội tuần đầu, Apple bán được hơn 10 triệu cái, cũng trên khắp thế giới. Khách hàng phải ghi tên sắp hàng trước mới mua được.
Để hoàn thành một cái iPhone, người ta sử dụng nguyên liệu, linh kiện tới từ khoảng 150 quốc gia, cuối cùng lắp ráp tại Trung Quốc rồi bán khắp thế giới.
Một cái iPhone dùng khoảng 250 000 bằng sáng chế (brevets).
https://www.igen.fr/iPhone/2016/12/le-cout-invisible-et-eleve-des-licences-de-brevets-dans-les-smartphones-98303
e tutti quanti.
Tư bản toàn cầu hoá là như thế.
Thế nghĩa là gì ?
1/ Ba bốn chục năm qua, lực lượng sản xuất đã phát triển và xã hội hoá với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử.
Đòn bẩy của sự phát triển đó đương nhiên là kiến thức khoa học, cũng đang bùng nổ với một tốc độ chưa từng thấy.
Đưa kiến thức khoa học vào những quy trình sản xuất, quản lý, kinh doanh, để không ngừng phát triển lực luợng sản xuất, theo Marx cách đây hơn 150 năm, là "nhiệm vụ" lịch sử của phương thức sản xuất tư bản. Ít có "sản phẩm" nào có tính chất xã hội cao bằng kiến thức khoa học : nó do vô vàn người tạo ra, xuyên qua vô vàn thế kỷ và nó là của bất cứ ai có khả năng học, tiếp thu, sử dụng và phát triển nó.
2/ Một thị trường tương xứng
Một lực lượng sản xuất như thế đòi hỏi một thị trường tương xứng để tồn tại, phát triển : thị trường toàn cầu ở cả hai khâu :
a/ thị trường hàng hoá, vừa để mua nhanh và rẻ tất cả những phương tiện sản xuất cần thiết, vừa để bán sản phẩm với giá cao nhất, mang lại tỷ lệ lời cao nhất. Không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có thể một mình đáp ứng đòi hỏi trên.
b/ thị trường sức lao động, để "mua" vừa nhanh vừa rẻ tất cả những người làm thuê có những kiến thức và kỹ năng đủ mặt, đủ trình độ, để sản xuất sản phẩm loại ấy.
Thị trường tương xứng với lực lượng sản xuất ở mức mới này được gọi là thị trường toàn cầu và nền kinh tế nó biểu hiện thì gọi là kinh tế thị trường toàn cầu hoá. Nó là hình thái đã hình thành, còn đang phát triển của phương thức sản xuất tư bản ở mức toàn cầu xuyên qua nhiều thượng từng kiến trúc như : OMC, UE, các hiệp ước kinh tế chính trị giữa các vùng địa lý, giữa các lục địa, v.v. Thế thôi. Cũng đủ chết người, không ít, và tha hoá con người, cũng không ít. Nhưng chẳng thể vòng tránh được.
3/ Một hình thái quan hệ sản xuất "mới"
Một lực lượng sản xuất như thế đòi hỏi một hình thái quan hệ sản xuất tương xứng để tồn tại, phát triển : Tư bản tài chính – Người làm thuê.
Từ thế kỷ 19 cho tới nửa đầu thế kỷ 20, ở Châu Âu, người ta quen hình dung quan hệ sản xuất tư bản dưới hình thái : Chủ Xí Nghiệp – Công Nhân (Patron–Ouvriers). Dễ hiểu : đó là thời đại tư bản công nghiệp ở mức Quốc Gia thống trị những nền kinh tế. Tư bản thường hiện thân như những nhà máy đồ sộ với hàng nghìn công nhân và một ông chủ, vừa là Chủ tư bản đích thực của xí nghiệp (Tư bản sở hữu), vừa là Giám đốc chỉ huy toàn bộ sinh hoạt sản xuất và kinh doanh của xí nghiệp (tư bản chức năng). Hình thái tư bản này khó có khả năng dung dưỡng và phát triển những lực lượng sản xuất mới kiểu trên. Tuy vậy, nó vẫn còn tồn tại ở mức rất đáng kể. Ở Pháp, còn có vài ông chủ tư bản lớn cỡ quốc tế kiểu ấy.
Hình thái tư bản thống trị thế giới ngày nay, tư bản tài chính, đã hình thành ngay trong thế kỷ 19 ở Châu Âu, xuyên qua những ngân hàng và những công trình đồ sộ đòi hỏi vốn đầu tư không cá nhân nào có được : những đường xe lửa xuyên lục địa, những Kênh Suez, e tutti quanti.
Tư bản tài chính có mấy đặc điểm sau :
a/ nó là một số tiền khổng lồ có thể vượt PIB của nhiều quốc gia trên trái đất này.
b/ quyền xử dụng nó không tuỳ thuộc quyền lực chính trị của Nhà Nước nào, mà là quyền lực "tư nhân", quyền lực "tư hữu", nhưng không là quyền lực của ông chủ lớn nhất nào. Ngoại lệ : tư bản nhà nước, Fonds Souverains, đặc biệt các "nước dầu lửa", Na Uy, Trung Quốc… :
https://www.google.fr/search?client=firefox-b&dcr=0&q=fond+souverain+classement&sa=X&ved=0ahUKEwj_1unUspjXAhXJ1qQKHWqYBUMQ1QIIgQEoAg&biw=1101&bih=622
c/ chủ đích thực của nó đông lúc nhúc, thành ra vô danh, vô diện, vô lực.
Ta đang nhân chuyện iPhone tán gẫu, vậy lấy Hãng Apple làm thí dụ. Chủ của nó là ai ? Bạn nào cho tôi một dáp án thoả đáng, tôi ngả mũ chào. Nó thế này :
https://www.zonebourse.com/APPLE-4849/societe/
– 99.99% chủ nhân của Apple có thể thay tên đổi dạng bất cứ lúc nào. Những Tim Cook, Steve Jobs, về mặt này, chỉ là tiểu chủ vặt, rêu rao cho bàn dân ồ mê ly, mê ly đời ta thôi.
– 10 chủ nhân lớn nhất (từ 6.64% cổ phiếu tới 0.80% cổ phiếu !) không là ai cả, là những công ty kiểu Apple đằng sau đó có một đống chủ nhân như… Apple !
Marx đã từng nhận định sắc bén, than ôi triết : Tư Bản, tự nó là một thực thể xã hội tính (le capital, en soi, est un être social) : nó do lao động của nhiều người mà hình thành, nó vận động được nhờ lao động phối hợp của nhiều người.
Quá trình xã hội hoá của tư bản cũng là quá trình vô nhân hoá nó : 1 cổ phiếu của Steve Jobs trong Apple = 1 cổ phiếu của… The Vanguard Group, Inc. Thế thôi.
d/ Vai trò đặc thù của Tư bản chức năng
Trong hoàn cảnh như thế, ai có thể làm sếp những Hãng kiểu Apple ?
Những người khiến nó có khả năng sản xuất, buôn bán, có lời, phát triển, qua đó khiến tiền của các ông chủ đích thực của tư bản tài chính ung dung tiến bước trên con đường : Tiền → Tiền' ; Tiền' > Tiền .
Ông Steve Jobs thuộc loại người như thế. Ông chỉ là chủ của 0.5% cổ phiếu của Apple :
http://www.boursier.com/actualites/economie/les-petits-secrets-de-steve-jobs-enfin-reveles-10393.html
nhưng ông là lãnh đạo hành sự tối cao, không ai phản đối, của Apple trong nhiều năm. Steve Jobs, Tim Cook và những người cộng tác viên của họ trong ban lãnh đạo (executive board) của Apple là hiện thân của tư bản chức năng, là những người có khả năng thúc đẩy tư bản vận động, tiền đẻ ra tiền. Họ có quyền lực không nhờ làm chủ nhiều cổ phiếu mà nhờ tài năng : sáng tạo, tổ chức, quản lý, quảng cáo, buôn bán… Ở một số nước, Pháp chẳng hạn, một trong những tài năng quyết định là tài năng xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ với… quyền lực chính trị và tài chính !
Càng ngày hai bộ mặt xưa kia thống nhất của tư bản, Tư bản sở hữu và tư bản chức năng, càng tách rời nhau. Tư bản sở hữu dĩ nhiên nắm quyền quyết định cuối cùng trong Ban Quản Trị (Conseil d'administration) của Hãng : ai gom được nhiều cổ phiếu nhất theo phe mình, người ấy quyết định. "Anh" Tư bản sở hữu có thể đuổi tổng giám đốc bất cứ lúc nào. Nhưng sau đó, làm gì để khiến tiền đẻ ra tiền ? "Thuê" một anh tư bản chức năng khác ! "Anh" Tư bản sở hữu, xét cho cùng, là một đống tiền vô danh vô diện, không có khả năng điều khiển cụ thể một Hãng lớn nhỏ nào cả. Ngược lại, anh tư bản chức năng, dù chỉ là chủ của một cổ phiếu thôi[1], là người cần thiết để đảm bảo sự vận hành của tư bản.
Tình hình trên đặt ra một câu hỏi : phải chăng quá trình phát triển của phương thức sản xuất tư bản đã khai sinh ra một giai cấp mới, hoàn toàn không có định nghĩa trong quan hệ sản xuất của Marx : giai cấp tư bản chức năng ?
Nếu có, "Mâu thuẫn" tay ba giữa tư bản sở hữu, tư bản chức năng và người làm thuê sẽ vận động thế nào ? Điều chắc chắn, đó không là chuyện chữ nghĩa hão : chỉ nhìn những hục hặc túi bụi giữa bộ chưởng bộ kinh tế và tài chính Pháp Macron (thời Hollande), đại diện cho Nhà Nước Pháp, chủ 20% cổ phiếu của Hãng Renault, với Tổng giám đốc của Renault-Nissan, ông Carlos Ghosn, cũng đủ thấy : không phải chuyện đùa và không phải ông Macron thắng ! Có nhiều ví dụ khác.
Mâu thuẫn giữa tính xã hội ngày càng sâu rộng của lực luợng sản xuất và tính tư hữu trong quan hệ sản xuất có thể vận hành ra sao ? Điều chắc chắn, mâu thuẫn này, ngày nay, bao gôm mâu thuẫn giữa quyền lực kinh tế phi quốc gia của tư bản tài chính và quyền lực chính trị quốc gia ở mọi nước. Nó thể hiện rõ trong mâu thuẫn giữa chủ quyền quốc gia định đoạt đường lối kinh tế của một nước với những rằng buộc của những hiệp định siêu quốc gia trong những tổ chức quốc tế. Thí dụ : mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc của Liên Hiệp Châu Âu (Union Européenne) với thượng tầng kiến trúc của từng nước trong UE trong quyền lập pháp. Coi tình hình ngày càng hỗn loạn của UE trong mấy năm qua thì thấy.


Phan Huy Đường
2017-10-29




[1] theo luật pháp của Pháp, anh tổng giám đốc (Directeur Général, PDG) một hãng phải có ít nhất một cổ phiếu mới có tư cách đại diện giới chủ đối với người làm thuê.

CÁI TÔI CỦA NGƯỜI VIỆT



Những người có thực tài rất khiêm nhượng, vì họ không so sánh với người khác.. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình. Và thường thường thất vọng.

CÁI TÔI CỦA NGƯỜI VIỆT

Từ Thức



Tại sao cái tôi, cái ‘’ égo ‘’ của người Việt lớn thế ? Tôi gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khản cổ : tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế ?

Một lần ngồi nhậu với 5 ông, có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. Những ông như vậy, nhan nhản. Nói ‘’ ông ‘’, vì hầu như đó là một cái bệnh độc quyền của đàn ông. Như ung thư vú là bệnh của đàn bà.

In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo. Làm vài bài thơ, câu trên vần (hay không) với câu dưới, nghĩ mình là Beaudelaire, Nguyễn Du tái sinh. Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ , ăn nói như lãnh tụ, đi đứng , tắm rửa như lãnh tụ. Viết vài bài lăng nhăng, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, trí thức, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên ( hay đi xuống ). Học gạo được cái bằng ( chưa nói tới chuyện mua được cái bằng ), nghĩ mình đã kiếm ra điện và nước nóng.


TÔI, TÔI, TÔI

Một ông bạn in một tấm danh thiếp khổ lớn, dầy đặc những chức tước, trong đó có ‘’ nhà nghiên cứu ‘’.. Những người quen không biết ông ta nghiên cứu cái gì, lúc nào. Tôi đáng nhận là nhà nghiên cứu hơn, vì thỉnh thoảng vẫn vào Google tìm mẹo trị mắc xương cá, hay cách nấu canh hẹ tầu hũ.

Nghĩ cũng lạ, cái TÔI to tổ bố ở một xứ như VN. VN, xứ của văn hoá Phật giáo, một tôn giáo coi cái ngã là hư cấu, cái tôi không có thực. Nơi chịu ảnh hưởng Lão giáo, những người đã ra suối rửa tai khi nghe thiên hạ nhắc tới tên mình. Nơi người công giáo thực hành đạo nhiệt thành, và Công giáo coi vị tha, nghĩ tới người khác, là đức tính hàng đầu.

Không lẽ người Việt không hiểu tôn giáo mình đang theo ?

Có ai đã gặp một người Nhật vỗ ngực : tôi, tôi, tôi. Nói chuyện với người Nhật, trong những cơ hội hơi chính thức, chưa gì họ đã mang giấy bút ra ghi chép. Làm như những điều bạn nói là khuôn vàng, thước ngọc.

TÔI LÀ CHÂN LÝ

Nước Việt nghèo , chậm tiến, lạc hậu. Đáng lẽ người Việt phải khiêm nhượng, biết người, biết mình. Nhưng không, trong tự điển cá nhân của người Việt không có chữ khiêm tốn. Nhiều lần tôi gân cổ cãi với bạn bè, về nhà nghĩ : không chừng nó có lý. Tại sao không nhìn nhận ngay ? Bởi vì cái tôi nó lớn quá.

Ở đâu cũng có những cái tôi, nhưng ở người Việt, nó đạt một tỷ số đáng ngại. Mỗi lần, hiếm hoi, gặp một người đồng hương có khả năng nhưng khiêm tốn, tôi nghĩ bụng : ông nội này mất gốc rồi.

Thảo luận với người Việt rất khó, vì ai cũng nghĩ là mình nắm chân lý trong tay. Nghĩ khác là xúc phạm ông ta, xúc phạm Chân lý, bôi nhọ sự thật. Phải căm thù, phải tiêu diệt, phải triệt hạ, phải tố cáo , chụp mũ.

Cái tôi lớn, phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm ? Trong cái kiêu hãnh lố bịch của người ‘’ mang dép râu mà đi vào vũ trụ ‘’ có cái tự ti của những người vẫn mang dép râu ở thế kỷ 20, 21.

Trong y học, égocentrisme là một cái bệnh, pathologie . Và trong 9 trên 10 trường hợp, những người có mặc cảm tự cao, tự đại ( complexe de supériorité ) là để che đậy tự ti mặc cảm ( complexe d’infériorité ).

Những người có thực tài rất khiêm nhượng, vì họ không so sánh với người khác.. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình. Và thường thường thất vọng.

Khi một nghệ sĩ thoả mãn với tác phẩm của mình, anh ta hết là nghệ sĩ. Anh ta không tìm tòi nữa, anh ta về hưu. Như một công chức, một tài xế xe đò về hưu.

ĐÈN DẦU VÀ ĐÈN ĐIỆN

Thomas Edison nói nếu hài lòng với đèn dầu, tìm cách cải thiện đèn dầu, sẽ không bao giờ kiếm ra đèn điện. Người Việt ta dễ thoả mãn quá, dễ kiêu hãnh quá, dễ ‘’ tự sướng’’ quá. Hậu quả là cái gì của ta nó cũng nho nhỏ. Cùng lắm là xinh xắn, dễ thương, nhưng đồ sộ, vĩ đại thì không có. Không thể có. Tham vọng nhỏ, thành quả nhỏ.

Pablo Picasso khi thành công, được ca tụng ở ‘’période rose ‘’ ( thời kỳ hồng ), nếu thỏa mãn, sẽ không có ‘’période bleue’’, thời kỳ xanh. Nếu thoả mãn với ‘’période bleue ‘’ sẽ không có tranh trừu tượng, đưa hội họa đi vạn dặm. Một giai thoại : Picasso mời bạn bè ăn tiệm. Cuối bữa ăn, gọi tính tiền. Chủ tiệm nói xin miễn chuyện tiền bạc, được tiếp Picasso là hân hạnh rồi. Pablo vẽ vài nét trên tấm khăn phủ bàn, tặng chủ tiệm. Ông này nói xin maître ký tên. Picasso trả lời : tôi chỉ trả bữa cơm, không muốn mua tiệm ăn.

Nếu Picasso là người Việt, sẽ thấy đời mình đã quá đủ để thoả mãn : vua biết mặt, chúa biết tên, chữ ký đáng ngàn vàng, chỉ việc ngồi hưởng và chiêm ngưỡng dung nhan mình. May mắn cho hội họa, ông ta là người Tây Ban Nha, hỳ hục tìm tòi cho tới chết.

Mỗi lần nghe, hay coi Jean Marie Le Clézio, Patrick Modiano trong những chương trình văn học trên France Culture, hay trên France 5, ít người nghĩ họ đã chiếm giải Nobel Văn chương.

Họ khiêm nhượng, ngập ngừng, do dự, gần như cáo lỗi sắp sửa nói những điều tào lao.

Le Clézio, Nobel 2008, khoanh tay, chăm chú nghe một tác giả vừa chân ướt chân ráo vào nghề, nói về một cuốn sách đầu tay. Modiano, Nobel 2014, tìm chữ một cách khó khăn, ngượng ngập, ít khi chấm dứt một câu, như muốn nói : thôi, bỏ qua đi, những điều tôi muốn nói chẳng có gì đáng nghe. Ông ta thực sự ngạc nhiên không hiểu tại sao có người nghĩ đến mình để trao giải. Ông ta nói có người đọc sách của mình đã là một phép lạ.

NGƯỜI VÀ TA

Những năm đầu ở Pháp, có thời tôi cư ngụ Rue Marcadet, Paris. Bên cạnh là một cặp vợ chồng già, hiền lành, bình dị như một cặp thư ký hay công nhân về hưu. Mỗi lần gặp ở thang máy, bà vồn vã chào, hỏi thăm đủ chuyện. Thỉnh thoảng ông mời vào nhà, uống trà, hỏi chuyện về Phật giáo mà ông nói đọc nhiều, nhưng có điều không hiểu. Thí dụ ông muốn so sánh khái niệm về Niết bàn của Phật giáo với thiên đàng của Thiên Chúa giáo.

Ông là một người công giáo thuần thành, nhưng muốn tìm hiểu về những tôn giáo khác.

Tuyệt nhiên không bao giờ ông bà nói về mình. Nếu không coi TV , chắc không bao giờ tôi biết bà là Yvonne Loriot, danh cầm hàng đầu của Pháp, chiếm giải nhất 7 lần khi học ở Conservatoire de Paris, trước khi trở thành một giáo sư âm nhạc có uy tín.

Ông là Olivier Messaien, một trong những tác giả nhạc cổ điển lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20.. Rất nhiều các nhạc sư, nhạc trưởng nổi tiếng ở Âu Châu , như Pierre Boulez, Iannis Xenakis hãnh diện là đệ tử của ông. Tác phẩm opéra ‘’Saint-Francois d’Assise‘’ của ông được trình diễn trên khắp thế giới, được đón nhận như những tác phẩm của Mozart, Beethoven..

Ông bà sống trong một căn nhà bình dân, ăn uống đơn giản như một cặp vợ chồng nghèo. Tiền bản quyền nhạc đem tặng- một cách kín đáo- các hội từ thiện, hay giúp trùng tu nhà thờ Notre Dame de Lorette gần nhà. Những lúc rảnh rỗi, bà theo ông vào rừng, thu thanh để nghiên cứu tiếng chim hót.

Ai biết hai ông bà già, lễ độ, gần như vụng về, đang xếp hàng mua ổ bánh mì, là những nhân vật chiếm chỗ lớn trong bất cứ một tài liệu nào về âm nhạc cổ điển cận đại , tuần trước còn là thượng khách của hoàng gia Thụy Điển.

Khi nào ta có những người như Modiano, Le Clézio, Messaien- chưa nói tới tài năng, chỉ nói tới thái độ khiêm tốn – VN sẽ là một dân tộc trưởng thành. Trong khi chờ đợi, chúng ta tiếp tục leo lên nóc nhà, gào : tại sao tôi tài giỏi quá như vậy. Khi gào mỏi, leo xuống, đóng áo thụng vái nhau.

Đó cũng là một trò vui, nếu hậu quả không nghiêm trọng. Chúng ta đều đồng ý với nhau là đất nước đang trên bờ vực thẳm, không thể nhẫn tâm khoanh tay nhìn. Nhưng chúng ta không ngồi nổi với nhau, vì cái TÔI nó lớn quá. Lớn hơn cả vận mệnh dân tộc..

Từ Thức

( Paris, tháng 10. 2017 )

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Ngôi nhà 34 Hoàng Diệu chứng nhân của Lịch sử





Tác giả: theo FB Lưu Trọng Văn

.


—————-



Sáng qua trước khi ra sân bay về Sài Gòn, gã đi qua phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Ngôi nhà 34, tầng hai sáng đèn. Gã biết nơi ấy đang có lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ 103 tuổi – vợ của cụ Trịnh Văn Bô nhà tư sản dân tộc đã hiến cho chính phủ Hồ Chí Minh 5147 lượng vàng khi mà ngân khố quốc gia trống rỗng.

Gã tính vào để thắp nén nhang cho người đàn bà yêu nước từng tuyên bố: tôi cho chính phủ 1000 lượng vàng để chính phủ đút lót cho mấy tư lệnh của Tưởng Giới Thạch chỉ huy quân Trung Quốc tại VN lúc đó chỉ vì muốn tránh đổ máu cho đồng bào và chiến sĩ của ta.



Nhưng rồi gã nghĩ, thôi mình chỉ là anh dân hãy như bao người dân khác qua đường nhìn vào và lặng lẽ có lời cầu khấn cho một con người giàu có nhưng tử tế và yêu dân, yêu nước ở thời kì quá thiếu vắng những người như thế là được rồi.

Gã từng học cùng lớp với Minh Châu – con gái tướng Hoàng Văn Thái, 30 năm ở trong ngôi nhà 34 kia, nhưng chưa bao giờ gã bước vào ngôi nhà đó.

Bây giờ đi qua ngôi nhà 34, lúc này, gã cảm thấy buồn.

Một câu hỏi được đặt ra: vì sao tướng Thái, người cùng tướng Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, người từng nhiều năm là tổng tham mưu trưởng chỉ huy quân đội đánh các loại giặc lại có thể không áy náy, hơn 30 năm cho đến khi mất, ở trong ngôi nhà của một người yêu nước đã cống hiến hầu hết gia sản cho đất nước, đang khó khăn về nơi ở như thế.

Tướng Thái quá biết cái cam kết của mình với ông bà Bô khi mượn nhà cho gần nhà tướng Giáp và tướng Văn Tiến Dũng đang ở cho tiện việc chỉ huy quân đội chỉ trong hai năm. Tại sao sau cái hạn hai năm ấy lại không chủ động trả nhà?

Và tại sao suốt 30 năm liền ông bà Bô đòi nhà được biết bao vị lãnh đạo cấp cao nhất như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… đồng ý phải trả nhà cho ông bà Bô mà vẫn không trả nhà?

Tướng Thái thừa biết nếu trả nhà thì mình được cấp biệt thự ở những con phố như Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế ngay lập tức, nhưng vẫn không tự thấy không phải về đạo lý mà chủ động ra đi.

Buồn là buồn chỗ đó.

Tướng Thái là anh hùng của các cuộc chiến.

Tướng Thái được ghi nhận là tướng gần gũi thân cận với tướng Giáp, người được quân đội tôn vinh.

Vậy thì vì sao?

Không khó trả lời.

Ngôi nhà này có khuôn viên 3000 m2 diện tích sàn 300 m2 là một trong những biệt thự đẹp nhất, sang trọng nhất và lớn nhất, trên con phố đẹp nhất thủ đô.

Vâng, cám dỗ đó không dễ mà từ bỏ.

Cám dỗ. Biết bao người hùng không tiếc máu xương cho giành độc lập dân tộc nhưng đã không vượt qua được cám dỗ vật chất.

Nếu tướng Thái quyết định trả nhà như cam kết và cùng gia đình rời nhà, chắc chắn ngôi nhà ấy vẫn không được trả lại cho ông bà Bô vì một chính sách bất đạo lý hơn bất cứ bất đạo lý nào là chính sách cải tạo tư sản và quốc hữu hoá,( thực tế trước khi mất vào năm 1986, tức là sau 34 năm ở trong ngôi nhà ấy, tướng Thái có yêu cầu gia đình trả lại nhà cho quân đội quản lí thì nhà đã không hề được trả lại cho ông bà Bô) thì gã nghĩ dù sao giờ đây tướng Thái đã được nhắc đến như một tấm gương đẹp của một anh hùng, một tướng tài đức của quân đội không… bất tín.

Buồn.

Gã hiểu vì sao Mandenla lãnh tụ Nam Phi được cả thế giới tôn vinh. Không chỉ vì ông yêu nước chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đấu tranh cho công bằng mà còn vì tính nhân văn của ông sáng ngời.

Khi người da đen bị áp bức giành chính quyền từ tay người nhà giàu da trắng, ông không hề có bất cứ cuộc cải tạo tư sản, địa chủ nào hết. Ông đã mua lại các tài sản của người giàu để chia lại cho người nghèo với giá mà người giàu đồng tình. Ông phân biệt rõ có người giàu yêu nước, tử tế để tôn vinh và mời họ làm lãnh đạo đất nước.

Còn đất nước của gã theo dòng chảy khác. Cải tạo tuốt. Tịch thu tuốt nhân danh cái gọi là công bằng cho người nghèo.

Bi kịch của đất nước từ đây đâu chỉ của riêng những Nguyễn Thị Năm, những Trịnh Văn Bô…

Và như thế câu chuyện ngôi nhà 34 Hoàng Diệu là câu chuyện chứng nhân một thời của Lịch sử mà bài học của nó vẫn còn rất nóng hổi cho đến hôm nay. Bài học của Đạo lý.

Ở VN ai sợ mạng xã hội?



Có thể chỉ ra hẳn một tầng lớp, có thể lấy ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông làm ví dụ, ông không dùng mạng xã hội Facebook hay Zalo, Viber... “vì bởi tham gia vào mạng xã hội sẽ mất thời gian, đau đầu về những chuyện phải theo dõi xem ai có chọc ngoáy, nói xấu, bình phẩm mình trên mạng không rồi việc các comment của người này, người khác...”.
Hehe. Ông này làm nghề tư vấn về an toàn tình dục nhưng biện pháp duy nhất ông khuyên mọi người là nên... tự sướng như ông. Tự sướng thì sẽ an toàn!
Và vì sao ông ta sợ "chọc ngoáy, nói xấu, bình phẩm mình"? Cái này mới là vấn đề.
Tầng lớp mà mình nói đến họ không sợ đếch gì hết, họ có sử dụng mạng, email thì đã có nội bộ sao mà sợ lộ bí mật quốc gia?
Vậy thì sợ là sợ cái gì?
Sợ dùng mạng xã hội làm... cách mạng chăng?
Còn lâu.
Làm cách mạng cần hội đủ 3 yếu tố: Một là, phải có tư tưởng (cương lĩnh) thuyết phục. Hai là, phải có lực lượng: Ba là, phải có tiềm lực kinh tế. Cả ba thứ đó thì cái bọn ngồi trong phòng, nhìn lên tường, chém bằng bàn phím không có lấy một xu đi đò thì cách với mệnh cái gì?
Vả lại, thời buổi này, người ta nhận ra và loại trừ hết. Cứ nhìn cái bọn ở nước ngoài chống cộng lãi nhãi đi lại mấy quan điểm cũ rích bây giờ đâu còn đất sống? Ha.
Nói thật, họ chỉ sợ mỗi một điều thôi.
Đó là mạng xã hội là nơi giám sát họ. Mọi lời nói, mọi hành động, mọi việc làm... đều bị người dùng mạng xã hội phơi bày ra.
Họ sợ lộ biệt phủ, lâu đài, sợ lộ tài khoản ở Thụy Sỹ, lộ nhà ở Mỹ, Canada... sợ lộ bồ nhí, con riêng...
Đặc biệt sợ lộ cái... ngu.
Thế thôi.

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Người Việt thờ ơ dân chủ và thích quân đội?




http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41667806#


Một thăm dò quốc tế vừa cho thấy đa số người Việt Nam chỉ ưa thích "vừa phải" hệ thống chính trị dân chủ nhưng đồng thời cũng ủng hộ một chính phủ do quân đội nắm quyền.


Trung tâm Nghiên Cứu PEW, trụ sở tại Washington D.C, công bố khảo sát đã làm ở 38 quốc gia (www.pewglobal.org/2017) để hỏi người dân nghĩ gì về dân chủ.
Ba mức độ khác nhau


Báo cáo này phân loại người trả lời khảo sát thành ba nhóm.


Đầu tiên là những người "ủng hộ dân chủ hết lòng" nếu họ ủng hộ hệ thống chính trị do dân bầu, phản đối cai trị của giới chuyên gia (kỹ trị), và không ưa một lãnh đạo mạnh hay quân đội nắm quyền.


Nhóm thứ nhìn là người trả lời "ủng hộ dân chủ vừa phải" (less-committed democrats) nếu họ cho rằng nền dân chủ đại diện thì tốt nhưng cũng thích ít nhất một hình thức chính quyền phi dân chủ (như quân đội).


Loại thứ ba là những người "phi dân chủ" vì không thích chế độ dân chủ đại diện và ủng hộ ít nhất một hình thức phi dân chủ khác.


Chiếu theo xếp loại này, khảo sát tại Việt Nam cho thấy chỉ có 8% được xem là "ủng hộ dân chủ hết lòng", còn kém hơn cả 9% "phi dân chủ".


Còn lại, 79% người Việt được thăm dò được xem là "ủng hộ dân chủ vừa phải", nghĩa là vừa ủng hộ nền dân chủ đại diện nhưng cũng thích ít nhất một hình thức phi dân chủ.


Nền dân chủ đại diện hay dân chủ đại nghị được sự ủng hộ cao nhất tại Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Đức, Hà Lan và các nước Bắc Âu, trong đó có Thụy Điển là cao nhất, nơi 52% người dân hoàn toàn ủng hộ dân chủ (xem bảng cuối bài).


Trong 38 nước được khảo sát, Việt Nam là nước ủng hộ mạnh nhất cho một chính quyền quân nhân.


Khi được hỏi về chính quyền quân nhân (military rule), tới 29% người Việt Nam xem đây là thể chế "rất tốt", 41% coi là "hơi tốt" và chỉ có 3% xem là "rất xấu".


Khác biệt thế hệ


Khảo sát nói rằng một nguyên do có thể vì hoài niệm quá khứ ở riêng Việt Nam, nơi 46% người Việt trên 50 tuổi được hỏi đã thể hiện quan điểm ủng hộ một chính quyền quân nhân, trong khi chỉ có 23% người trong độ tuổi 18 đến 29 ủng hộ.


Người Việt được khảo sát cũng thích một chính quyền "kỹ trị", tức là để các chuyên gia, thay vì người do dân bầu, quyết định theo cách mà họ nghĩ tốt cho đất nước.


Khảo sát cho thấy Việt Nam có vẻ 'lạc điệu' với thế giới khi chuẩn toàn cầu của PEW cho thấy 78% người trả lời câu hỏi coi 'dân chủ đại diện' là rất tốt, và chỉ có 17% coi là thể chế xấu.


Các câu hỏi trong khảo sát liên quan Việt Nam
Mức độ tin tưởng của bạn về việc chính phủ làm điều tốt cho đất nước - nhiều, một chút, không nhiều, không hề?
Nhiều Một chút Không nhiều Không hề
31 51 16 1

Hệ thống dân chủ mà ở đó, công dân - chứ không phải viên chức do dân bầu - sẽ bỏ phiếu trực tiếp về những vấn đề lớn của quốc gia để quyết định có trở thành luật pháp hay không
Rất tốt Hơi tốt Hơi xấu Rất xấu
28 45 12 4

Hệ thống dân chủ, mà ở đó đại diện do dân bầu sẽ quyết định ra luật pháp.
Rất tốt Hơi tốt Hơi xấu Rất xấu
33 54 4 2

Một lãnh đạo mạnh có thể quyết định mà không bị can thiệp của quốc hội hay tòa án?
Rất tốt Hơi tốt Hơi xấu Rất xấu
9 33 30 17

Chuyên gia, thay vì người do dân bầu, quyết định theo cách mà họ nghĩ tốt cho đất nước?
Rất tốt Hơi tốt Hơi xấu Rất xấu
17 50 17 5

Quân đội cai trị đất nước?
Rất tốt Hơi tốt Hơi xấu Rất xấu
29 41 19 3

Khảo sát tại Việt Nam cho thấy chỉ có 8% được xem là "ủng hộ dân chủ hết lòng", còn kém hơn cả 9% có quan điểm "phi dân chủ"