Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Ngôi nhà 34 Hoàng Diệu chứng nhân của Lịch sử





Tác giả: theo FB Lưu Trọng Văn

.


—————-



Sáng qua trước khi ra sân bay về Sài Gòn, gã đi qua phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Ngôi nhà 34, tầng hai sáng đèn. Gã biết nơi ấy đang có lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ 103 tuổi – vợ của cụ Trịnh Văn Bô nhà tư sản dân tộc đã hiến cho chính phủ Hồ Chí Minh 5147 lượng vàng khi mà ngân khố quốc gia trống rỗng.

Gã tính vào để thắp nén nhang cho người đàn bà yêu nước từng tuyên bố: tôi cho chính phủ 1000 lượng vàng để chính phủ đút lót cho mấy tư lệnh của Tưởng Giới Thạch chỉ huy quân Trung Quốc tại VN lúc đó chỉ vì muốn tránh đổ máu cho đồng bào và chiến sĩ của ta.



Nhưng rồi gã nghĩ, thôi mình chỉ là anh dân hãy như bao người dân khác qua đường nhìn vào và lặng lẽ có lời cầu khấn cho một con người giàu có nhưng tử tế và yêu dân, yêu nước ở thời kì quá thiếu vắng những người như thế là được rồi.

Gã từng học cùng lớp với Minh Châu – con gái tướng Hoàng Văn Thái, 30 năm ở trong ngôi nhà 34 kia, nhưng chưa bao giờ gã bước vào ngôi nhà đó.

Bây giờ đi qua ngôi nhà 34, lúc này, gã cảm thấy buồn.

Một câu hỏi được đặt ra: vì sao tướng Thái, người cùng tướng Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, người từng nhiều năm là tổng tham mưu trưởng chỉ huy quân đội đánh các loại giặc lại có thể không áy náy, hơn 30 năm cho đến khi mất, ở trong ngôi nhà của một người yêu nước đã cống hiến hầu hết gia sản cho đất nước, đang khó khăn về nơi ở như thế.

Tướng Thái quá biết cái cam kết của mình với ông bà Bô khi mượn nhà cho gần nhà tướng Giáp và tướng Văn Tiến Dũng đang ở cho tiện việc chỉ huy quân đội chỉ trong hai năm. Tại sao sau cái hạn hai năm ấy lại không chủ động trả nhà?

Và tại sao suốt 30 năm liền ông bà Bô đòi nhà được biết bao vị lãnh đạo cấp cao nhất như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… đồng ý phải trả nhà cho ông bà Bô mà vẫn không trả nhà?

Tướng Thái thừa biết nếu trả nhà thì mình được cấp biệt thự ở những con phố như Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế ngay lập tức, nhưng vẫn không tự thấy không phải về đạo lý mà chủ động ra đi.

Buồn là buồn chỗ đó.

Tướng Thái là anh hùng của các cuộc chiến.

Tướng Thái được ghi nhận là tướng gần gũi thân cận với tướng Giáp, người được quân đội tôn vinh.

Vậy thì vì sao?

Không khó trả lời.

Ngôi nhà này có khuôn viên 3000 m2 diện tích sàn 300 m2 là một trong những biệt thự đẹp nhất, sang trọng nhất và lớn nhất, trên con phố đẹp nhất thủ đô.

Vâng, cám dỗ đó không dễ mà từ bỏ.

Cám dỗ. Biết bao người hùng không tiếc máu xương cho giành độc lập dân tộc nhưng đã không vượt qua được cám dỗ vật chất.

Nếu tướng Thái quyết định trả nhà như cam kết và cùng gia đình rời nhà, chắc chắn ngôi nhà ấy vẫn không được trả lại cho ông bà Bô vì một chính sách bất đạo lý hơn bất cứ bất đạo lý nào là chính sách cải tạo tư sản và quốc hữu hoá,( thực tế trước khi mất vào năm 1986, tức là sau 34 năm ở trong ngôi nhà ấy, tướng Thái có yêu cầu gia đình trả lại nhà cho quân đội quản lí thì nhà đã không hề được trả lại cho ông bà Bô) thì gã nghĩ dù sao giờ đây tướng Thái đã được nhắc đến như một tấm gương đẹp của một anh hùng, một tướng tài đức của quân đội không… bất tín.

Buồn.

Gã hiểu vì sao Mandenla lãnh tụ Nam Phi được cả thế giới tôn vinh. Không chỉ vì ông yêu nước chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đấu tranh cho công bằng mà còn vì tính nhân văn của ông sáng ngời.

Khi người da đen bị áp bức giành chính quyền từ tay người nhà giàu da trắng, ông không hề có bất cứ cuộc cải tạo tư sản, địa chủ nào hết. Ông đã mua lại các tài sản của người giàu để chia lại cho người nghèo với giá mà người giàu đồng tình. Ông phân biệt rõ có người giàu yêu nước, tử tế để tôn vinh và mời họ làm lãnh đạo đất nước.

Còn đất nước của gã theo dòng chảy khác. Cải tạo tuốt. Tịch thu tuốt nhân danh cái gọi là công bằng cho người nghèo.

Bi kịch của đất nước từ đây đâu chỉ của riêng những Nguyễn Thị Năm, những Trịnh Văn Bô…

Và như thế câu chuyện ngôi nhà 34 Hoàng Diệu là câu chuyện chứng nhân một thời của Lịch sử mà bài học của nó vẫn còn rất nóng hổi cho đến hôm nay. Bài học của Đạo lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét