Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

VÌ LỊCH SỬ VÀ CÔNG LÝ, CHÚNG TÔI LÊN TIẾNG




Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là “Vụ án Xét lại chống Đảng”, một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.

Nhà văn Vũ Thư Hiên thay mặt nhóm để lên tiếng, vào đúng ngày 27/7/2017

Lấy nguyên về Fb Vũ Thư Hiên.

---




VÌ LỊCH SỬ VÀ CÔNG LÝ, CHÚNG TÔI LÊN TIẾNG
Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là “Vụ án Xét lại chống Đảng”, một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ.

Năm 1956, tại Đại hội 20 Đảng cộng sản Liên Xô, Bí thư thứ nhất Nikita Khrushev đã đọc báo cáo quan trọng về chống tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương “cùng tồn tại trong hoà bình” giữa hai hệ thống cộng sản và tư bản. Đường lối mới đã được hầu hết các đoàn đại biểu tán đồng tại Đại hội các đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moskva với 81 thành viên tham dự năm 1960.
Đoàn đại biểu Đảng Lao Động (Cộng sản) Việt Nam (viết tắt theo tên mới ĐCSVN) do Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh cùng với Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và các ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh tham dự đã ký vào bản Tuyên bố chung Hội nghị trên. Đường lối mới này đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kịch liệt lên án, gọi là “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”.

Sự thay đổi trong nhận định về quan hệ quốc tế đã phân hoá nội bộ một số đảng cộng sản. Trong ĐCSVN cũng xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau. Một bên ủng hộ “cùng tồn tại trong hoà bình”, phản đối sự rập khuôn đường lối giáo điều tả khuynh của ĐCSTQ, mở rộng dân chủ trong đảng cũng như trong xã hội, chủ trương hòa bình thống nhất đất nước, phát triển kinh tế đa thành phần.
Bên kia, theo đường lối của ĐCSTQ, chủ trương chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, duy trì xã hội chuyên chính phi dân chủ, đẩy mạnh cải cách xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế kinh tế thị trường, kiên định chủ trương thống nhất đất nước bằng bạo lực.
Cuộc đấu tranh trong nội bộ diễn ra âm thầm nhưng căng thẳng đã kết thúc bằng nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 ĐCSVN họp năm 1963, đi ngược lại Tuyên bố chung Maskva 1960 đã được đoàn đại biểu Việt Nam long trọng ký kết. Nghị quyết 9 (phần đối ngoại), về thực chất là bản sao đường lối của ĐCSTQ đã khởi đầu cho cuộc trấn áp những đảng viên bất đồng chính kiến bị chụp mũ “chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Cần lưu ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh không tham gia biểu quyết nghị quyết này.

Toàn văn Nghị quyết 9 được giữ trong tình trạng tuyệt mật, nhưng nội dung tinh thần được phổ biến cho các đảng viên và trí thức. Vì có quá nhiều tranh cãi nội bộ nên Đảng tuyên bố cho phép bảo lưu ý kiến khác biệt. Thái độ cởi mở này chỉ là biện pháp để phát hiện những người không tán thành.
Nhiều ý kiến bất đồng được biểu lộ công khai như những bài viết của các ông Hoàng Minh Chính - Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, ông Trần Minh Việt, phó Bí thư Thành ủy kiêm phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội. Những tâm thư của nhiều đảng viên lão thành gửi đến Bộ Chính trị, phản đối đường lối đối ngoại thân Trung Quốc, tranh luận về đường lối giải phóng miền Nam bằng bạo lực, nóng vội trong cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa và tất cả các ý kiến phát biểu trái chiều tại các cuộc học tập đều được thu thập để rồi trấn áp khốc liệt vào cuối năm 1967.

DIỄN BIẾN SỰ KIỆN.

ĐCSVN gọi tắt vụ án này là “Vụ Xét lại chống Đảng” diễn ra năm 1967, nhưng đến tháng 3 năm 1971 mới báo cáo Bộ Chính trị, tháng 1 năm 1972 mới đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20 (khóa III). Theo ông Nguyễn Trung Thành (vụ trưởng Vụ Bảo vệ đảng thuộc Ban tổ chức Trung ương) là người trực tiếp thi hành thì Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ nhân danh Bộ Chính trị chỉ đạo việc bắt giữ và giam cầm.

Chiến dịch khủng bố đã bắt đầu vào ngày 27 tháng 7 năm 1967 và kéo dài bằng các cuộc bắt bớ, giam cầm, quản chế nhiều năm các cán bộ trung cao cấp mà không hề xét xử hay tuyên án.

Những người bị giam cầm nhiều năm gồm có:
- Hoàng Minh Chính tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, viện trưởng Viện Triết học.
- Đặng Kim Giang, thiếu tướng phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội, thứ trưởng Bộ Nông Trường.
- Vũ Đình Huỳnh bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vụ trưởng vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, vụ trưởng Ban thanh tra Chính phủ .
- Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng Cục 2 (Cục Tình báo quân đội).
- Lê Minh Nghĩa, chánh văn phòng Bộ Quốc phòng.
- Đỗ Đức Kiên, đại tá cục trưởng Cục tác chiến.
- Hoàng Thế Dũng, tổng biên tập Báo Quân đội Nhân Dân.
- Nguyễn Kiến Giang, tỉnh ủy viên tỉnh ủy Quảng Bình, phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật.
- Trần Minh Việt phó bí thư Thành ủy Hà Nội, phó Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính thành phố Hà Nội. Vụ trưởng vụ Tài vụ Bộ Công nghiệp nhẹ.
- Phạm Viết phó tổng biên tập Báo Thời Mới (sau sáp nhập vào tờ Thủ đô Hà Nội thành tờ Hà Nội Mới).
- Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, vợ ông Phạm Viết.
- Phạm Kỳ Vân phó tổng biên tập Tạp chí Học Tập.
- Trần Thư, tổng thư ký báo Quân Đội Nhân Dân.
- Hồng Sĩ, trung tá Công an, đặc trách công tác phản gián, Hải Phòng.
- Trần Châu nhà báo, Việt Nam Thông tấn xã.
- Lưu Động nhà báo, trưởng ban Nông nghiệp Báo Nhân Dân.
- Vũ Thư Hiên nhà báo, báo Ảnh Việt Nam, (con trai cả ông Vũ Đình Huỳnh, không đảng).
- Huy Vân, đạo diễn điện ảnh.
- Phan Thế Vấn, bác sĩ, nguyên cán bộ nội thành Hà Nội.
- Vũ Huy Cương biên kịch điện ảnh (không đảng).
- Nguyễn Gia Lộc, cán bộ nghiên cứu Viện Triết học.
- Phùng Văn Mỹ, cán bộ nghiên cứu Viện Triết học.
- Bùi Ngọc Tấn, nhà báo (không đảng).
… và nhiều người khác không phải đảng viên cũng bị đảng Cộng sản Việt Nam trấn áp với nhiều mức độ khác nhau.

Những cán bộ cấp cao không bị bắt nhưng bị khai trừ Đảng là:
- Ung Văn Khiêm bộ trưởng bộ Ngoại giao.
- Bùi Công Trừng chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
- Nguyễn Văn Vịnh thứ trưởng bộ Quốc phòng.
- Lê Liêm thứ trưởng bộ Văn hóa.
- Minh Tranh, phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật.

Một số người đang học tập, công tác ở Liên Xô đã ở lại tỵ nạn như:
- Lê Vinh Quốc đại tá Chính ủy sư đoàn 308
- Nguyễn Minh Cần phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội
- Đỗ Văn Doãn tổng biên tập Báo Quân đội Nhân Dân.

Nhiều người không bị bắt giam đã bị đày ải, trù dập như các ông:
- Minh Tranh phó giám đốc Nhà Xuất bản Sự Thật,
- Các nhà báo Đặng Đình Cẩn, Mai Hiến, Trần Đĩnh, Mai Luân
… Và rất nhiều người khác nữa.

Trong cuộc trấn áp được mở rộng, bất kỳ người nào có quan điểm ít nhiều khác với đường lối của đảng, đều bị quy kết là “xét lại” và bị trừng phạt với những mức độ khác nhau.
Sự trừng phạt nặng nề còn tiếp diễn vào cuối thập niên 90 đối với ông Nguyễn Trung Thành, người trực tiếp thụ lý vụ này khi ông cùng ông Lê Hồng Hà (Chánh văn phòng Bộ Công an) viết kiến nghị đề nghị Bộ Chính trị xem xét giải oan cho các nạn nhân.

NHỮNG NĂM THÁNG TÙ ĐẦY OAN ỨC VÀ HỆ LỤY

Người được coi là “đầu vụ” là ông Hoàng Minh Chính. Ông bị qui tội vì đã gửi cho hội nghị Trung ương hai bản kiến nghị, bản thứ nhất phê phán Bộ Chính trị đã từ bỏ nguyên tắc đồng thuận với bản Tuyên bố Moskva 1960, bản thứ hai phê phán đường lối quốc tế sai trái của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Lần đầu, ông bị bắt tù 6 năm rồi quản chế tại gia. Lần thứ hai ông bị bắt giam từ 1981 đến 1987. Lần thứ ba từ 1995 đến 1996. Tổng cộng ông bị 12 năm tù giam và 8 năm quản chế. Là một sĩ quan thương binh, trong thời gian đó, ông phải chịu nhục hình và những hành vi xúc phạm nhân phẩm.
Các ông Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh bị qui là hai người trong “ba kẻ đầu vụ”. Cả hai cùng với ông Trần Minh Việt,… bị giam 6 năm và chịu thêm 3 năm lưu đầy biệt xứ, ở những địa phương khác nhau. Khi bị bắt, họ bị giam tại xà lim Hỏa Lò, bị cùm chân và trong phòng giam không có ánh sáng. Nơi giam cầm các ông trong nhiều năm đều là các khu biệt giam, không được giao tiếp với bất kỳ ai.
Ông Đặng Kim Giang cũng bị bắt lần thứ hai năm 1981, trên đường đi đến khu biệt giam ở Nam Định thì lên cơn nhồi máu cơ tim phải đưa thẳng vào bệnh viện công an và bị giam giữ tại đây cho đến khi bệnh tình nguy kịch, trả về nhà một thời gian thì mất.
Người bị giam lâu thứ hai là ông Vũ Thư Hiên, với 9 năm giam liên tục trong các nhà tù và trại tập trung, có những năm bị giam chung với tù hình sự.
Ông Phạm Viết, năm 1967 đang nghỉ công tác dài hạn để điều trị bệnh tim thì bị bắt, giam vào xà lim Hỏa Lò. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ ông Viết người từng bị bắt 3 lần khi hoạt động nội thành Hà nội trong kháng chiến chống Pháp, là người phụ nữ duy nhất trong vụ này đã bị tù 2 năm rưỡi vì tội không giao nộp bản luận văn phó tiến sĩ “Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” của ông Trần Minh Việt viết tại trường đảng Liên Xô. Bản này lúc đó bị vu cho là “bản cương lĩnh chính trị của tổ chức chống Đảng.”
Thương tâm nhất trong vụ này là ông Phạm Kỳ Vân, phó tổng biên tập tạp chí Học Tập. Ông Kỳ Vân bị bắt khi đang điều trị sơ gan cổ chướng, bệnh tình trở nên trầm trọng, ông được tha về để chết. Vợ ông bị chết đuối, con gái đi Thanh niên Xung phong hy sinh trên đường Trường Sơn, con gái khác chết khi sinh nở. Người con trai út tuyệt vọng treo cổ tự vẫn. Cả gia đình không một người nào còn sống.
Còn rất nhiều người khác bị trấn áp theo nhiều cách khác nhau mà chúng tôi không thể kể ra hết: bị quản thúc với những cấm đoán ngặt nghèo, bị đưa đi cải tạo lao động, bị tước quyền công dân, tước bỏ các chính sách đãi ngộ. Họ bị đuổi khỏi cơ quan, đơn vị công tác và còn bị cấm họ làm cả những nghề kiếm sống thông thường như sửa chữa máy thu thanh, làm việc trong các cơ sở in ấn, sửa chữa đồng hồ, kể cả chữa xe đạp hay cắt tóc.
Ban tổ chức Trung ương còn có chủ trương phân biệt đối xử với con em, gia đình những người bị đàn áp: không được kết nạp vào đảng, không được đề bạt lên vị trí quản lý, không được học các trường đại học được coi là quan trọng, ngoài các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thư viện…, không được cử đi công tác học tập nước ngoài, không được phân công về công tác tại Hà Nội và làm việc tại các bộ ngành trung ương, cơ quan quan trọng.
Hàng trăm lá đơn khiếu oan, về thực chất là những thư tố cáo đã được gửi tới các cơ quan công quyền cao nhất của nhà nước và đảng cộng sản trong suốt 50 năm qua, yêu cầu xét xử trước một phiên tòa công minh, đòi công khai vụ việc trước dư luận, bồi thường cho những thiệt hại về vật chất, tổn thương về tinh thần, phục hồi danh dự cho các nạn nhân… Tất cả những đòi hỏi chính đáng ấy chỉ được trả lời bằng sự im lặng.

NHẬN ĐỊNH CỦA NHỮNG NẠN NHÂN CÒN SỐNG VÀ THẾ HỆ KẾ TIẾP.

50 năm đã trôi qua kể từ khi những nạn nhân đầu tiên của vụ “xét lại chống Đảng” bị bắt ngày 27 tháng 7 năm 1967. Các ông Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang và nhiều người khác đã qua đời, mang theo đau thương và uất hận. Những người gây ra tấn thảm kịch lớn nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam – Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Trường Chinh… cũng đã chết.

Liên Xô, và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tan rã. Trung Quốc và Việt Nam tuy danh xưng là xã hội chủ nghĩa nhưng trong thực tế đang đương đầu với các thách thức của giai đoạn tư bản bán khai, trước mọi tệ nạn như hối mại quyền thế, tham nhũng, lạm dụng luật pháp, chênh lệch giàu nghèo, vi phạm quyền dân chủ,… chưa từng có.

Vụ “Xét lại chống Đảng” cũng như nhiều vụ án oan đã xảy ra trong quá khứ như: Cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, Cải tạo tư bản tư doanh, Hợp tác hóa, tập trung cải tạo những người tham gia quân lực và chính quyền Việt Nam Cộng hòa… chưa được các thế hệ cầm quyền kế tiếp chính thức sửa sai và nghiễm nhiên cho rằng việc xử lý trước đây là đúng.

50 năm là một thời gian quá dài cho những oan ức và bất công. Khi sự kiện này xảy ra, những người cầm quyền hiện nay còn quá trẻ, thậm chí có người còn chưa ra đời, hiển nhiên không phải là thủ phạm nhưng họ không thể phủi tay cho rằng mình không có trách nhiệm giải quyết những vụ việc xảy ra trong quá khứ. Là chính quyền kế thừa, họ phải có trách nhiệm với những việc còn tồn tại theo đúng pháp luật, sòng phẳng với lịch sử. Đó là điều phải làm nếu họ còn có ý muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và lấy lại niềm tin của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân ông Đặng Kim Giang, bà Lê Hồng Ngọc, phu nhân ông Hoàng Minh Chính, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phu nhân ông Phạm Viết, người phụ nữ duy nhất bị tù trong vụ này, ông Vũ Thư Hiên, ông Phan Thế Vấn và nhiều nhân chứng khác còn sống trong vụ này hiện đều đã ở tuổi gần đất xa trời. Những nhân chứng cuối cùng rồi cũng sẽ không còn, nhưng ký ức về vụ trấn áp sẽ còn sống mãi với thời gian.

Lịch sử không thể bị tẩy xoá.
Con cháu những nạn nhân đó dù chỉ là những đứa trẻ khi cha anh bị bắt, chẳng biết “xét lại” là gì, nhưng cũng nếm đủ những khổ cực của cuộc trấn áp tàn bạo nhắm vào thành viên gia đình những người không chịu cúi đầu. Đến nay, họ cũng đã về già nhưng mãi mãi không thể nào quên được những năm tháng đau thương ấy.
Cho tới nay chúng tôi vẫn còn như thấy trước mắt hình ảnh tướng Đặng Kim Giang, chỉ huy hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm trong chiếc quan tài hở hoác dưới ngôi nhà tranh dột nát ở ngõ Chùa Liên Phái. Bà vợ ông vừa khóc vừa giã gạch non trộn với cơm nếp, trát kín những kẽ hở của chiếc quan tài ấy.

Chúng tôi không thể quên hình ảnh ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên Bí thư của chủ tịch Hồ Chí Minh, thành viên Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội từ năm 1925, trước khi ĐCSVN ra đời, bị công an dùng dây thừng trói giật cánh khuỷu khi còng sắt bập vào cổ tay ứa máu mà không vừa. Khi đó ông đã về hưu được vài năm.
Chúng tôi không thể quên nấm mồ của ông Phạm Viết, nằm cô quạnh trên sườn đồi heo hút ở cạnh nhà tù Phú Sơn, Thái Nguyên. Ông là người sỹ quan thương binh đã chiến đấu nhiều năm quên mình trong nội thành Hà Nội. Ở tuổi 44, ông lìa đời mà không được có một người thân bên cạnh dù vợ con đã khẩn thiết yêu cầu được chăm sóc ông những ngày cuối đời.
Chúng tôi mãi mãi không thể quên những gì đã thấy, đã biết, đã ghi nhớ.
Và nhân đây chúng tôi cũng muốn gửi tới rất nhiều người đã đồng cảm và giúp đỡ chúng tôi trong suốt nửa thế kỷ qua lời cảm ơn chân thành. Sự chia sẻ trong tình người dù âm thầm hay công khai đã giúp chúng tôi có thêm nghị lực sống.
Bản lên tiếng này cũng là một nén hương muộn cho những nạn nhân đã khuất. Nhưng máu thịt của họ, tinh thần của họ vẫn còn đây, trong chúng tôi.
Chúng tôi cũng gửi bản lên tiếng này tới các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước để nói rằng những thế hệ nối tiếp của các nạn nhân trong “vụ Xét lại chống Đảng” sẽ còn tiếp tục lên tiếng cho tới khi vụ này được công khai trước toàn dân, cho tới khi lẽ công bằng được lập lại cho những nạn nhân còn sống và đã khuất.
Trước sau, lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng.

Hà Nội, ngày 27.7.2017

Dưới đây là danh sách những nạn nhân còn sống và gia đình cũng như thân nhân các nạn nhân đã khuất cùng ký tên vào bản lên tiếng này. Danh sách này còn kéo dài do không có điều kiện liên hệ trực tiếp.
- Bà Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân ông Đặng Kim Giang và gia đình.
- Bà Lê Hồng Ngọc, phu nhân ông Hoàng Minh Chính và gia đình.
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phu nhân ông Phạm Viết và gia đình
- Bà Đinh Thị Bích Đào, phu nhân ông Phùng Văn Mỹ và gia đình.
- Bà Nguyễn Thị Oanh, phu nhân ông Lưu Động (tên thật là Nguyễn Xuân Canh) và gia đình.
- Ông Vũ Thư Hiên, con trai ông Vũ Đình Huỳnh và gia đình.
- Ông Phan Thế Vấn và gia đình.
- Ông Trần Đĩnh và gia đình
- Ông Trần Việt Trung, con trai ông Trần Châu và gia đình.
- Bà Minh Sơn, con gái ông Trần Minh Việt và gia đình
- Nguyễn Thị Giáng Hương, con gái ông Trần Thư và gia đình.

…………………

Nơi gửi :
Gửi tới mọi người Việt Nam và các ông, bà :
- Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam
- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
- Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,
- Ông Nguyến Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

https://www.facebook.com/thuhienvu222222/posts/10213606819748618


Chú thích ( nguồn Wikipedia)
Vũ Thư Hiên sinh ngày 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội, cha là Vũ Ðình Huỳnh và mẹ là Phạm Thị Tề đều là thành viên của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của Ðảng Cộng sản Ðông Dương.
Ông thuở nhỏ đi học, hay vào Phủ chủ tịch chơi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến, hay nhờ những việc lặt vặt.
Năm 1946, đi ca hát, đóng kịch trong một đội Tuyên truyền xung phong.
Năm 1949, đi bộ đội.
Năm 1953, công tác trong lĩnh vực điện ảnh.
Từ 1955 đến 1958, đi học viết kịch bản điện ảnh tại Liên Xô.
Năm 1959, làm việc cho Xưởng phim Việt Nam tại Hà Nội.
Năm 1960, làm biên tập viên và phóng viên Báo Ảnh Việt Nam.
Từ năm 1967 đến 1976, trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, ông bị chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bí mật bắt và giam giữ sau khi đã bắt cha ông (Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng trước đó. Công an chìm bắt giữ ông lên ôtô và đưa về nhà tù Hỏa Lò ngay trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội. Mãi về sau gia đình ông mới hay tin. Ông bị giam 9 năm, trong đó bị giam trong xà lim cá nhân bốn năm rưỡi, qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây) và Tân Lập (Phú Thọ), Phong Quang (Hoàng Liên Sơn). Chính quyền thả ông không án cũng như không xét xử.
Ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của chính quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam.
Năm 1977, làm công nhân cao su.
Năm 1979, làm kỹ thuật hóa.
Năm 1989, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1991, làm kinh doanh.
Năm 1993, ông qua Nga với tư cách phiên dịch cho công ty xuất nhập khẩu Vũng Tàu-Côn Đảo VIECO (hợp tác với tổ hợp Minh Phụng) rồi ở lại làm đại diện cho công ty ở Moskva. Tại đây ông bắt đầu viết cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày về chín năm bị giam cầm, trong đó ông muốn chia sẻ với người đọc những điều suy ngẫm về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản.
Cuối năm 1995, sau một vụ tấn công mà ông cho là của mật vụ VN, ông thấy không thể ở Moskva lâu hơn nữa, nên tìm cách qua Ba Lan. Ðến cuối năm 1996, sau một chuyến đi Paris, trở về Ba Lan ông được mật báo về tình hình nguy hiểm có thể xảy ra cho ông nếu nấn ná ở lại nước này để hoàn thành cuốn hồi ký[cần dẫn nguồn]. Do đó ông quyết định qua tỵ nạn tại Pháp. Tại đây, ông đã hoàn thành tập hồi ký Đêm giữa ban ngày.
Năm 1997, xuất bản hồi ký Đêm giữa ban ngày tại Hoa Kỳ vào tháng 4.
Ông ở Strassbourg (Pháp) 1 năm, Bern (Thuỵ Sĩ) 1 năm, Đức 2 năm (2000-2001) sau khi đến Pháp theo lời mời của International Parliament of Writers, German PEN Club và Uỷ ban Nhân quyền thành phố Nuremberg[2]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Có những phân tích chỉ ra rằng cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày có nhiều tình tiết mà Vũ Thư Hiên đã hư cấu để nâng cao uy tín của cá nhân cha con ông, hoặc hạ thấp uy tín những người có mâu thuẫn với gia đình ông, ví dụ như:
  • Trong "Ðêm giữa ban ngày", Vũ Thư Hiên nói rằng ông quen và được kính nể bởi nhiều cán bộ cao cấp, tướng lãnh, các nhà văn tên tuổi. Nhưng chuyện này là vô lý vì lúc đó, Vũ Thư Hiên chỉ là một phóng viên trẻ khoảng 30 tuổi, không thể có chuyện các nhân vật cao cấp lại chia sẻ với ông nhiều câu chuyện "bí mật" mà ông viết trong cuốn hồi ký này. Việc nhắc đến các nhân vật quan trọng đó có thể là để nâng cao "uy tín" của các câu chuyện mà Vũ Thư Hiên tự kể trong cuốn hồi ký[3]
  • Vũ Thư Hiên viết rằng ông đi xem bói, thầy bói bảo cha ông là người Tính ra thì thời Tây Tây bắt, thời Nhật Nhật bắt, đến đời ta cũng không yên. Con người sao mà khốn khổ thế! cương cường quá, thẳng thắn quá, nên mới bị tại vạ. Cự môn đắc địa gặp Hỏa tinh, Thất sát...". Trong tử vi, Cự môn không thể gặp Thất sát, nhân vật thày bói của Vũ Thư Hiên nhiều khả năng là hư cấu[4]
  • Trang 232, Vũ Thư Hiên viết "Vào những năm này, những cựu tù nhân Sơn La kể lại, Lê Đức Thọ một hồi được Cousso lấy ra làm tạp dịch tại nhà y... Nhưng cả hai (Vũ Đình Huỳnh và Tướng Ðặng Kim Giang) im lặng. Với một Lê Đức Thọ quyền sinh sát như thế, giữ im lặng là phải". Tuy nhiên, ở thời điểm năm 1960 (thời điểm mà Vũ Thư Hiên nói rằng câu chuyện này diễn ra), thì Lê Đức Thọ mới chỉ là ủy viên trung ương, là phó của Lê Văn Lương (ủy viên dự khuyết bộ chính trị) về công tác tổ chức. Với chức vụ đó thì không thể có chuyện Lê Đức Thọ có "quyền sinh sát" như Vũ Thư Hiên viết được[5]
  • Vũ Thư Hiên đã "tự thăng cấp" cho nhiều nhân vật bị bắt trong vụ án mà ông có dính líu để người đọc nghĩ vụ án đó thêm phần quan trọng. Chẳng hạn, Lê Liêm, Bùi Công Trừng.... chỉ là ủy viên dự khuyết trung ương thì Vũ Thư Hiên lại viết thành ủy viên trung ương chính thức. Nguyễn Minh Cần chỉ là phó chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội, đã bỏ sang Liên Xô từ mấy năm trước thì được ông Hiên gán cho chức danh "Phó Bí thư thành ủy Hà Nội"[6]

Đạo hiếu và nhà Chu



Sách Luận ngữ có câu: Tử viết: Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.


Câu này về sau được một tác giả thời Thanh quảng diễn thành bài thơ Đệ tử quy:

Phép người con, Thánh nhân dạy
Hiếu đễ trước, kế cẩn tín.
Yêu bình đẳng, gần người nhân
Có dư sức, thì học văn…


Sách về Đệ tử quy của TS Thái Lễ Húc ngày nay giảng đoạn kinh “nhập môn” này như sau:
Chúng ta hồi tưởng lại lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc triều đại nào có lịch sử lâu nhất, quốc vận hưng thịnh nhất. Đó là triều nhà Chu. Bao nhiêu năm vậy? 800 năm. Vậy xin hỏi: Tại vì sao triều nhà Chu có thể kéo dài đến được 800 năm? Dựa vào cái gì vậy? “Hiếu” và “Đễ”. Chúng ta chỉ đọc qua “Triều nhà Chu 800 năm”, biết được lẽ đương nhiên mà không biết được sở dĩ nhiên…
Triều nhà Chu, khai quốc là Chu Văn Vương, Chu Võ Vương. Ông nội của Chu Văn Vương là Thái Vương. Thái Vương sinh ra ba người con trai, anh cả là Thái Bá, anh thứ hai là Trung Dung, người thứ ba là Vương Quý. Vương Quý sinh ra Chu Văn Vương. Chu Văn Vương lại sinh ra Chu Võ Vương và Chu Công. Khi Chu Văn Vương mới được sinh ra, Thái Vương vừa nhìn thấy đã cảm thấy Chu Văn Vương có tướng Đế Vương, có tướng Thánh Chủ. Thế nhưng phụ thân của Chu Văn Vương xếp ở hàng thứ ba. Kết quả là bác lớn và bác kế của ông nhận ra khi phụ thân thấy cháu nội thì trên mặt vui vẻ, họ hiểu rõ phụ thân của họ muốn đem ngôi vua truyền cho đứa cháu nội này. Các bác rất hiểu tâm cảnh của phụ thân, cho nên họ không nói không rằng, dựa vào lý do giúp phụ thân đi hái thuốc, liền cùng hẹn nhau với em kế của ông là Trung Dung cùng nhau đi lên núi. Sau khi đi rồi thì họ không trở lại nữa. Bởi vì họ hy vọng phụ thân có thể làm tốt được ý nguyện của mình, không cần phải bận lòng bởi họ là con lớn, để có thể trực tiếp truyền ngôi cho Vương Quý là con trai thứ ba, sau đó Vương Quý truyền ngôi cho Chu Văn Vương.


Ở đoạn này TS Thái Lễ Húc nói chưa hết thông tin. Thái Vương nhà Chu là Cổ Công Đản Phụ có 3 người con: Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch (Vương Quý). Trong cách gọi tên xưa thì con cả là Thái (Mạnh), con thứ là Trọng, con thứ ba là Quý. Thái Bá và Trọng Ung đã hiểu ý cha, cùng nhau rời đi, nhưng không phải lên núi mà là đi về vùng đất Kinh. Về sau Thái Bá là vị vua khởi đầu của nước Ngô là Ngô Thái Bá. Thái Bá mất, không có con nên em là Trọng Ung lên tiếp ngôi.


Chu Văn Vương đối với phụ thân của ông là Vương Quý đều là sáng sớm, buổi trưa, buổi tối, một ngày ba lần thăm hỏi, nên gọi là “thần hôn định tỉnh” (sáng thăm tối viếng). Ba lần thăm viếng phụ thân, vừa đến thì xem thần sắc của phụ thân, tiếp theo là xem tình hình ăn uống của phụ thân. Nếu như phụ thân ăn uống được rất tốt, ông liền cảm thấy rất là an tâm. Nếu như phụ thân ăn được rất ít thì ông rất lo lắng. Do bởi có được thân giáo như vậy, cho nên con trai của ông là Võ Vương và Chu Công cũng học được rất tốt. Chu Võ Vương cũng rất là hiếu kính đối với Chu Văn Vương. Có một lần Chu Văn Vương bị bệnh, Chu Võ Vương hầu ở bên cạnh mười hai ngày không hề cởi áo giải đãi, mũ trên đầu cũng không lấy xuống, hầu hạ phụ thân ông mười hai ngày nghiêm túc. Do bởi hiếu tâm như vậy, phụ thân ông rất mau khỏi bệnh…
Có một lần Chu Võ Vương bị bệnh, Chu Công liền ở ngay trước mặt của tổ tông họ, vào lúc đó gọi là Thái miếu, viết ra một văn kỳ thọ, mong cầu giảm bớt đi thọ mạng của chính mình để cho huynh trưởng của ông có thể trường thọ… Cho nên khi Chu Công đọc xong văn kỳ thọ, chí thành có thể cảm thông, vì vậy sức khỏe của Chu Võ Vương liền được hồi phục. Bài văn cầu thọ này còn để ở trong Thái miếu.
Trải qua một khoảng thời gian, Chu Võ Vương qua đời, tiếp theo là Chu Thành Vương kế vị. Chu Công giúp đỡ ông. Bởi vì Thành Vương vẫn còn trẻ, kết quả Chu Võ Vương giúp Chu Thành Vương chọn được mấy vị thầy giáo, Thái sư là Khương Thái Công, Thái Bảo chính là Chu Công.


Chỗ này cần chỉnh lại thông tin một chút. Thái sư của Chu Thành Vương là Chu Công. Còn Thái bảo là Thiệu Công. Khương Thái Công Lã Vọng không làm thầy vua Chu Thành Vương vì có lẽ ông đã quá già sau cuộc chiến với Trụ Vương (lúc Văn Vương gặp Lã Vọng thì ông đã 80 tuổi) và ông đã về cai quản đất phong của mình là nước Tề, không ở trong triều đình Chu nữa.


Vào lúc đó quốc gia có những lời giảo ngôn, đều nói là: “Có phải Chu Công muốn đoạt lấy thiên hạ hay không?”. Có rất nhiều lời đồn đại như vậy. Chu Công không đợi cháu của ông lên tiếng. Chính ông tự mình dời đến Sơn Đông, để cho cháu ông dễ làm người, không nên bị những lời sàm ngôn này ảnh hưởng… Sau này Thành Vương xem được sắc thư của ông trong chiếc rương quý mới hiểu rõ lòng trung thành và nhiệt tình của ông, rất hối hận và sai người đi đón ông về.


Đoạn này cũng có điều cần bàn. Các tư liệu khác nói rằng khi bị tiếng oan Chu Công đã dời đến nước Sở, chứ không phải Sơn Đông. Các sử gia sau nay cho rằng vì Chu Công được phong ở nước Lỗ nên ông lui về ở nước Lỗ ở vùng bán đảo Sơn Đông mới hợp lý. Thực ra Chu Công không về nước Lỗ vì nước Lỗ đã có con của ông là Lỗ Bá Cầm cai quản. Nơi Chu Công lui về chỉ có thể là Lạc Ấp – Đông Đô của nhà Chu, nơi an trí đám ngoan dân của nhà Thương sau cuộc nổi loạn của Vũ Canh. Lạc Ấp thì tất nhiên không phải ở Sơn Đông. Nhưng tại sao các sách lại chép thành Chu Công lui về nước Sở?
Chu Công không có liên quan gì đến nước Sở của Sở Hùng ở vùng sông Dương Tử cả. Gọi là Sở bởi Sở = Sủy = Thủy = Nước = Nác = Lạc. Nước Sở ở đây tức là đất Lạc hay Lạc Ấp, Lạc Việt. Nơi Chu Công lui về là vùng Lạc Việt, hay Bắc Việt ngày nay.
Các sách giảng về câu của Khổng Tử trong Luận ngữ đã lấy chuyện khởi đầu của nhà Chu làm gương về hiếu đễ. Có lẽ Khổng Tử còn sống cũng sẽ lấy chuyện này mà giảng vì ông đánh giá rất cao nhà Chu, thường nói mình “nằm mộng gặp Chu Công”. Cách ứng xử của các vị vua đầu triều Chu thực sự là tấm gương sáng ngàn đời về đạo hiếu đễ.




Thật trùng khớp khi câu chuyện về đạo hiếu này cũng in đậm trong truyền thuyết Việt. Đó là câu chuyện chàng Lang Liêu, không phải là con cả của vua Hùng, nhưng nhờ có tấm lòng hiếu thảo động tới trời nên đã làm ra bánh chưng bánh dày, thành kính dâng lên thờ cúng cha mẹ và tiên tổ và được truyền ngôi báu của nước Văn Lang.
Lang Liêu chế ra bánh chưng bánh dày không ai khác chính là Chu Văn Vương. Văn Vương là người đã viết ra Kinh Dịch, được truyện Việt Nam kể hình tượng hóa bằng bánh chưng bánh dày – bánh trăng bánh giời hay đạo Âm Dương. Chi tiết Lang Liêu được nhận ngôi mà không phải là con cả tương tự chuyện Thái Bá và Trọng Ung nhường lại ngôi cho Vương Quý.
Tác giả Đệ tử quy đã hơi quá khi sửa câu nói của Khổng Tử từ “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ” thành “Thủ hiếu đễ”. Khổng Tử không nói lấy Hiếu làm đầu, làm căn bản, vì mô hình con người quân tử của Khổng Tử rộng hơn, bao trùm hơn đạo Hiếu. Hiếu đễ là quan trọng hàng đầu đối với nhân sinh hạnh phúc. Nhưng để thành nghiệp cho một vương triều 800 năm thì không thể thiếu những phẩm chất được kể sau: “Cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”.
Chu Văn Vương khi là Tây Bá hầu của nhà Ân đã được biết là người rất có “thánh đức”, được lòng nhân dân và các chư hầu. Trong khi đó Trụ Vương ngày càng bạo ngược, lòng người ngày càng nghiêng về hướng Tây. Thánh đức của Văn vương chính là từ đức tính “phiếm ái chúng” (yêu tất cả), thể hiện ví dụ như bằng hình tượng con Lân, biểu tượng của nhà Chu: Chân con lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống. Hình tượng này rất đúng với tư tưởng “phiếm ái chúng” của Khổng Tử.
Chu Văn Vương cũng là điển hình cho đức “nhi thân nhân” (gần người nhân) trong câu chuyện Văn Vương gặp Lã Vọng. Lã Vọng vốn là một ông lão cao tuổi, đóng vai một người câu cá ven đường khi gặp Văn Vương. Thế mà Văn Vương đã mời ông về giúp sức, gây dựng cơ nghiệp cho nhà Chu. Lã Vọng sau được phong là Khương Thái Công, người cầm đầu quân đội nhà Chu tiến đánh, tiêu diệt Trụ Vương. Sự tích Văn Vương gặp Lã Vọng là một điển hình về tinh thần “cầu hiền” xưa.




Truyền thuyết Việt cũng có chuyện “cầu hiền” tương tự. Đó là khi giặc Ân tấn công nước ta (cũng là Ân – Trụ Vương), vua Hùng cho sứ giả đi loan tin khắp nơi tìm người tài giỏi giúp nước. Ở làng Phù Đổng có cậu bé ba tuổi xung phong ra diệt giặc được vua cho đúc gậy sắt, ngựa sắt, nón sắt… Tinh thần cầu hiền ở chỗ không nề hà gì việc là cậu bé hay ông lão. Cứ có tài năng là được giao trọng trách.
Chuyện Thánh Dóng và Lã Vọng đánh giặc Ân là cùng một chuyện. Dóng = Vọng. Có lẽ Thánh Dóng thọ 103 tuổi như Lã Vọng mới đúng, bỏ đi 100 thành còn 3 tuổi. Thánh Dóng đánh giặc Ân ở Vũ Ninh là chuyện Khương Thái Công Lã Vọng giúp Vũ Vương phạt Trụ diệt Ân.
Câu “hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” ở đây có thể hiểu là tùy theo năng lực mà học lấy tri thức. “Văn” ở đây không phải là văn nghệ, văn hóa. Hiểu vậy thì tư tưởng của Khổng Tử thành tầm thường quá: Có thời gian rảnh thì đi xem văn nghệ?!
Văn của thời kỳ này là kiến thức khoa học, mà thời này được đúc kết trong Dịch học. Chính Dịch lý là ánh sáng soi đường cho gia tộc Chu có được thiên hạ từ tay Trụ Vương và dẫn dắt cả thiên hạ Trung Hoa đi lên văn minh. Chu Văn Vương – Lang Liêu là người đã viết nên Kinh Dịch nên mới có danh hiệu là Văn Vương, mở ra nước Văn Lang huy hoàng kéo dài trong 800 năm.


Xin ghi lại chuyện này với bài thơ Hiếu với trời đất:


Tôi nghe kể chuyện nước Văn Lang
Lang Liêu dâng cha chẳng bạc vàng
Mà tấm lòng thành gói trời đất
Vuông tròn đúc đủ tình thế gian.


Âm dương một đạo để ngàn đời
Rọi sáng đường đi cả tộc người
Bánh chưng bánh dày vui ngày Tết
Tưởng nhớ Lang xưa với sách trời.




Theo Bách Việt Trùng cửu

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

HÔN NHÂN

HÔN NHÂN
(Theo ý On Marriage của Kahlil Gibran)


Hãy yêu nhau hôm nay
và mãi mãi
Nhưng chúng ta sẽ không trói buộc nhau
Tình như gió nhởn nhơ ca hát
Giữa khoảng cách hai ta
không một vướng mắc nào

Ta sẽ rót cho nhau đầy chén rượu
Nhưng này em ta chẳng uống chung ly
Mỗi giọt rượu một hương thơm riêng biệt
Mỗi chiếc ly riêng ánh pha lê

Anh sẽ xẻ cho em chén cơm anh có
Em đơm cho đầy vào bát của anh
Nhưng ta sẽ chẳng cùng ăn chung bát
Một bát cho em một bát cho anh


Như bản nhạc cùng rung lên bài hát
Mỗi nốt đàn có một tiết tấu riêng
Nốt thấp nốt cao từng phần âm điệu
Như tính tình anh và hạnh kiểm em

Như cây cột trong nhà thờ riêng rẽ
Ðứng cách nhau cả một bức tường
Mỗi chiếc cột có riêng một góc
Vẫn chung vai giữ vững giáo đường

Anh sẽ là cây tùng cho em là liễu
Mình mọc cạnh nhau
mà không lấn sang nhau
Trong một chỗ riêng tư ta càng gần gũi
Không lấy bóng mình mà che mất đời nhau

Cho nhau trái tim
nhưng đừng cất giữ
Ðừng biến nhau thành sở hữu riêng tư
Hồn là bờ bãi
Tình yêu là biển
Hãy để biển luân lưu hạnh phúc
giữa hai bờ



Trần Mộng Tú

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Chết vì ngu và tham




Tác giả: Tô Văn Trường

Có lẽ viết, nói và nghệ thuật ngôn từ thì Việt Nam ta là cường quốc số 1 trên thế giới. Cũng chẳng biết từ bao giờ và từ đâu mà các cụm từ có tiếp đầu ngữ “an ninh” xuất hiện và được sử dụng nhiều đến thế? Nhưng phải công nhận chính những cụm từ ấy, tiêu biểu như “an ninh năng lượng” đã “giải vây”, tạo lối thoát và đường rút cho nhiều chủ trương, chương trình, dự án,…khi gặp bế tắc, thua lỗ. Suy cho cùng thì “giải vây” trong nhiều trường hợp cũng chính là “giải ngân” cho những khoản chi vô tội vạ của các nhóm lợi ích mà thôi.
...Nghĩ lại, nếu không bỏ ra hàng núi tiền để đầu tư bất chấp rủi ro thì lấy đâu ra tiền bỏ vào cái “túi tham nhũng không đáy”! Định hướng lớn của chúng ta sai từ lâu rồi và ngày càng lún sâu vào cái sai đó mà không muốn rút ra. Nguyên nhân của cái ngu này là tham! (TVT)


——————- .
Trong bài báo mới đây “Lại bàn về giá điện ở Việt Nam” tôi đã viết “những giải pháp cải cách chính ngành điện nhằm hạ giá thành, giảm hao tổn, cải tiến công nghệ, tạo khung pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh” … ngẫm suy có thể áp dụng cho bất kỳ ngành kinh tế nào của Việt Nam.
Doanh nghiệp nhà nước phần lớn làm ăn thua lỗ
Hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hoặc dùng vốn nhà nước (như các công trình giao thông…) đều lỗ nặng hoặc suất đầu tư cao vọt (như 1km đường đắt gấp mấy lần công trình cùng loại ở các nước khác). Kiểu làm ăn này đâu chỉ ở ngành năng lượng và giao thông mà ở hầu hết các ngành mà doanh nghiệp nhà nước mưu chiếm lĩnh đỉnh cao, nhưng thua lỗ kéo dài.
Doanh nghiệp nhà nước sử dụng phần lớn tài sản của kinh tế nội địa và cả tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia, nhất là hầm mỏ, không dành cho dân,- dù dân là chủ. Cứ tưởng kinh tế công hữu sẽ có CNXH… nên cố làm bằng mọi giá. Cuối cùng, lại ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế. Ngay Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân cũng cố nèo Hợp tác xã và kinh tế nhà nước cùng là… nền tảng. Toàn say sưa với câu chữ cho tròn, “sáo rỗng” mà không đi vào thực chất. Nguồn gốc là ở chỗ kinh doanh mà nếu lỗ, đều do nhà nước chịu (tức là dân chịu) thì tránh sao khỏi tính toán sai, làm ẩu, thậm chí như vậy mới dễ kiếm lợi riêng.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đang rộ lên thông tin “2 tỷ USD bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn” làm tôi lại trạnh lòng nghĩ đến Singapore. Họ chủ yếu nhập dầu thô về tinh luyện rồi xuất khẩu thành phẩm kiếm lời, trị giá hàng mấy chục tỉ USD mỗi năm, tạo ra khoảng 5% GDP, thuộc hàng 1 trong 3 trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới.
Còn Việt Nam dùng dầu thô của chính mình để tinh luyện, được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, chưa đáp ứng nổi 100% nhu cầu xăng dầu trong nước, thế mà ngay cả chuyên gia WB cũng thấy lạ: hết Dung Quất rồi Nghi Sơn lại có vấn đề về tài chính, bù lỗ triền miên càng đẩy đất nước lún sâu vào nguy cơ “vỡ trận tài chính”.
Ngẫm suy, người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao Nhà nước phải bỏ ra hàng núi tiền (cũng là tiền thuế của dân) xây nhà máy lọc dầu để chịu lỗ lại tác động xấu đến môi trường, thay vào đó cứ nhập xăng dầu như trước mà dùng, để số tiền đó đầu tư cách nào khác cho sinh lời, thì có lợi hơn cho đất nước không???
Việt Nam không cần làm nhà máy lọc dầu.
Ngay từ đầu những năm 1990, nhiều chuyên gia ngành dầu khí đã khuyên cáo chưa nên xây dựng nhà máy lọc dầu nhưng lãnh đạo cấp cao chỉ đạo phải đảm bảo tự chủ an ninh năng lượng, lỗ cũng phải làm! Ngẫm suy, tư duy đảm bảo an ninh năng lượng ở thời điểm trước 2000 dù có ấu trĩ nhưng có lẽ khi ấy các nhà quản lý các cấp vẫn còn “trong sáng”. Bây giờ thì chắc chả ai nói đến “an ninh” gì nữa, chỉ cần làm mọi cách để lôi kéo được dự án khủng, vay được nhiều tiền cho “chi tiêu” trước mắt, tội vạ con cháu chịu.
Theo tôi hiểu, các điểm chính, chưa nên xây dựng nhà máy lọc dầu ở VN là:

Ở thời điểm năm 1990, các nhà máy lọc dầu ở Singapore có tổng công suất đảm bảo cung cấp đủ nguồn xăng dầu cần thiết cho VN kể cả tính đến tương lai sau 2010, đồng thời tất cả các nhà máy owe Sing đều đã hết thời gian khấu hao, do đó giá bán sản phẩm có thể linh động điều chỉnh mà vẫn có lãi.

Singapore nằm ở vị trí đắc địa về trung chuyển, lại có cảng nước sâu. Nó cũng nằm ở vị trí quan trọng trong khu vực có mỏ dầu: lớn nhất là Indonesia sau đó là Malaixia, Brunei.

Về thuế lợi tức ở Singapore thấp nhất thế giới khoảng 17%, chỉ cao hơn Hong Kong 1 chút là 16,5%, trong khi ở Mỹ là 35%, ở châu Âu còn cao hơn. Thái Lan là 30%, Việt Nam 32-50% (cho hoạt động dầu khí). Thuế cá nhân ở VN cho người nước ngoài là 20% nhưng cho người trong nước là 35%. Thuế ở Singapore thấp hơn nhiều.
Về giảm giá dầu thô, theo nguyên tắc không ảnh hưởng gì đến Dung Quất. Giá giảm thì giá đầu vào của Dung Quất cũng giảm. Dung Quất chỉ cần cộng thêm phí dịch vụ gia công dầu thô thành xăng. Dung Quất lỗ vì phí dịch vụ gia công và phí chuyên chở từ nơi có dầu thô tới nhà máy lọc dầu và từ Dung Quất đến người tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cao.

Kịch bản lạc quan nhất cho trường hợp nhà máy lọc dầu ở VN sử dụng toàn nguyên liệu dầu thô của Việt Nam thì IRR là 7%, tức là nhà máy hết khấu hao sau 15 năm. Trong khi chúng ta đang “mơ” giá sản phẩm ổn định suốt 15 năm để đảm bảo hòa vốn thì các nhà máy ở Singapore ung dung bán được đồng nào là đút túi đồng ấy.
Thực tế trường hợp sử dụng toàn nguyên liệu dầu thô của Việt Nam chỉ được vài năm đầu cho nhà máy lọc dầu vì nguồn dầu của VN không đủ nhiều, chưa kể mấy năm nay tính ra bán dầu thô còn có lãi hơn, Chính phủ đang cần tiền. Đấy là chưa kể “kịch bản lạc quan” không thể xảy ra ở VN với cung cách quản lý “định hướng XHCN”. Ngay cả kịch bản giá dầu đang từ 100 đô/thùng rớt xuống 40 đô/thùng (thậm chí dưới 40 đô) thì thời điểm cuối 1990 không nhà kinh tế nào trên thế giới có thể tưởng tượng được.

Trong khi đó, từ giữa năm 1990 (khi PVN bắt đầu nghiên cứu khả thi cho dự án Lọc dầu Dung Quất) đến năm 2004 (dự án bắt đầu giai đoạn thiết kế tổng thể) giá thành thiết bị công nghệ lọc dầu tăng gần gấp đôi, vị trí đặt nhà máy không thích hợp. Sai từ tổng thể xác định các tiêu chí ban đầu, thế nên không lỗ mới là lạ.
Chính vì thế mà Dung Quất và Nghi Sơn không có tương lai. Làm sao có thể cạnh tranh với Singapore và Malaixia. Ngay hiện nay, Singapore đã bắt đầu gặp khó vì phải cạnh tranh với Malaixia, dù thuế lợi nhuận của Malaixia là 25% cao hơn Singgapore. Malaixia có dầu, lại giá lao động và mọi thứ rẻ hơn.

Tư duy đảm bảo an ninh năng lượng chứng tỏ ở thời điểm 1990-2000 lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa hiểu muốn phát triển thì phải tham gia toàn cầu hóa và các hiệp định kinh tế đa phương (2007 Việt Nam mới gia nhập WTO). Bây giờ thì lại mua điện của Trung Quốc, nhập thiết bị, công nghệ nhiệt điện thế hệ cũ từ Trung Quốc chắc tin ông bạn “16 chữ vàng” giúp VN ổn định an ninh năng lượng.
Dân gian có câu “Ngu thì chết chứ bệnh tật gì đâu!” quá đúng ! Việt Nam bấn loạn về nợ công, nợ xấu đại vấn đề vì không biết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tức là thấy thiên hạ có gì thì VN cũng phải có, mà không tính đến quy luật của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã, sự phục vụ vv…
Lời kết
Nghĩ lại, nếu không bỏ ra hàng núi tiền để đầu tư bất chấp rủi ro thì lấy đâu ra tiền bỏ vào cái “túi tham nhũng không đáy”! Định hướng lớn của chúng ta sai từ lâu rồi và ngày càng lún sâu vào cái sai đó mà không muốn rút ra. Nguyên nhân của cái ngu này là tham!
Lọc dầu Dung Quất do VN tự đầu tư, được ưu đãi nhiều vì là dự án lọc dầu đầu tiên, lỗ thì đổ cho chúng ta chưa có kinh nghiệm. Lọc dầu Nghi Sơn ta đã có kinh nghiệm hơn, liên doanh với Cô oét, Nhật Bản để lợi dụng vốn và kinh nghiệm của họ. Nhưng rồi vẫn kêu lỗ, nhưng mà là ta lỗ do “bạn” quá khôn, chỗ nào khó nhằn thì đẩy sang chủ nhà, chứ chắc chắn là “bạn” đời nào chịu lỗ.
Tôi vẫn nhớ Thánh Anthony khi Ngài trả lời câu hỏi của một người mù: “Trí tuệ mẫn tiệp như ngài có phải chịu khổ điều gì không?”. Ngài chỉ thọ được 36 tuổi, nhưng xem ra, câu trả lời của vị Thánh nổi tiếng của Thiên chúa giáo vẫn còn linh nghiệm đến muôn đời : “Khổ nhất là khi ta định hướng sai”.
Dầu nhiều, chẳng thấy giầu đâu ?
Đường sai, hướng lạc khoét sâu cái nghèo
Khéo múa mép vụng tay chèo
“Quất-Sơn” * dùng chuột bắt mèo mới hay ?

—————
* Dung Quất và Nghi Sơn là 2 nhà máy lọc dầu làm ăn thua lỗ.

Nghề kiếm tiền





Nghề kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, tức là có sự ràng buộc về văn hóa, đạo đức, nghĩa vụ kinh doanh,… Còn nghề kiếm tiền thì không cần, mong sao kiếm được nhiều tiền, còn làm gì sau đó là câu chuyện khác.

Người kiếm tiền nhiều hơn người kinh doanh

Trong trà dư rượu tửu, bạn bè tôi thường ví von rằng toàn xã hội đang chạy đua vào cuộc kiếm tiền hơn là kinh doanh khi mà người người kiếm tiền, nhà nhà kiếm tiền.

Kinh doanh về cơ bản cũng là kiếm tiền nhưng có sự ràng buộc về văn hóa, đạo đức, nghĩa vụ kinh doanh,… còn kiếm tiền thì không cần, mong sao kiếm được nhiều tiền, còn làm gì sau đó là câu chuyện khác, tùy thích.

Hiện tại người kiếm tiền đơn thuần nhiều hơn là người kinh doanh. Nền tảng triết lý kinh doanh và kiếm tiền đã không được rành mạch nên hệ lụy đang gây ra cho xã hội, đã và đang làm “mất sướng” người kinh doanh, giúp người kiếm tiền hả hê.

Kiếm tiền được thể hiện ở nhiều phương pháp, chân chính và phi pháp, … và với nhiều phương thức, miễn làm sao kiếm được tiền, nhiều tiền.

Ở nội dung bài viết này chưa đi sâu vào việc kiếm tiền nêu trên, chỉ xoay quanh phương pháp kiếm tiền của một bộ phận công chức, viên chức ngồi ở vị trí làm việc làm khó người dân, doanh nghiệp để ăn tiền.

Việc kiếm tiền này có sự đầu tư ban đầu hay dựa vào thế lực của người có quyền sắp đặt vị trí dễ làm ra tiền bắt người dân, doanh nghiệp phải đưa tiền, đã góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội, và gián tiếp phá hoại chủ trương, chính sách của nhà nước.

Hiện tượng “tham nhũng vặt” nhưng phổ biến này đang gây nhức nhối cho xã hội nhưng biện pháp ngăn chặn chưa được tương xứng.

Để so sánh về tiền thì giới doanh nhân không thể so bì với “một bộ phận không nhỏ” công chức, viên chức có quyền. Có quyền ở đây không có nghĩa là làm chức to.

Người viết không dám nêu cụ thể, nhưng ở nơi nào có nhiều “cò” hoạt động là nơi đó dễ kiếm tiền, nhiều người cũng biết nhưng không làm gì được. Lỗi là người dân mang tiền đến chứ họ không yêu cầu và hệ lụy là người kinh doanh chân chính ngày càng sụt giảm, vì người kiếm tiền ngày càng phát triển ở nhiều cấp, nhiều nơi.

Tìm nguyên nhân để hạn chế việc bôi trơn, tiêu cực, phát triển kinh doanh thì các cơ quan chức năng đã nói nhiều nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, do sợ đụng chạm dây mơ, rễ má, mà sau nay đã phố biến với cụm từ “lợi ích nhóm”.

Nghề kiếm tiền tăng thì nghề kinh doanh sẽ giảm

Người viết có dịp chứng kiến cán bộ lãnh đạo tỉnh nọ nói chuyện với nhau là ngày nghỉ ông đi “cuốc đất” ở đâu mà tắt điện thoại. Người viết ngu ngơ còn hỏi lại là về quê trồng rau, thì họ cười, không phải mà là đánh ô tô đi chơi golf.

Thành phần chơi golf hiện nay là doanh nhân, khách nước ngoài và đặc biệt là công chức, viên chức. Nếu cấm hay chi li thu nhập các công chức, viên chức chơi golf thì các sân golf sẽ mất một nguồn thu đáng kể. Một số người chơi golf mất một cơ hội giao lưu có chủ ý để moi thông tin, dự án, đặc ân trong kinh doanh, đầu tư và chính sách từ các quan chức trên sân golf.

Ngoại giao, thể dục chỉ là cái cớ của một số người dựa vào chơi golf. Môi trường sân golf cũng thuận lợi cho việc cá độ, việc giả vờ thua độ. Để góp phần vào công cuộc chống tham nhũng cần có quy định yêu cầu công chức, viên chức phải giải trình tiền đâu ra để chơi golf và các loại trò chơi cần phải nhiều tiền khác.

Người chơi golf hầu hết là có ô tô, có đầy đủ đồ chơi, và chắc chắn phải có tiền gấp nhiều lần thu nhập chính đáng của công chức, viên chức hưởng lương.

Nghề kiếm tiền tăng thì nghề kinh doanh sẽ giảm và ngược lại, hệ lụy xã hội, là làm nản chí người có tâm huyết phụng sự xã hội thông qua việc kinh doanh. Nghề kiếm tiền thông qua việc “bôi trơn” và biến chứng của nó đã làm đảo lộn đạo đức xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm ra của cải, phát triển, đẩy mạnh sản xuất.

Muốn xã hội phát triển là phải phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa nghề kiếm tiền ngoài luồng của một số bộ phận công chức, viên chức. Muốn vậy các cơ quan quản lý nhà nước phải phân định được ranh giới, tiêu chí của nghề kinh doanh và nghề kiếm tiền.

Chuyện tưởng dễ nhưng sẽ rất khó khăn với một bộ phận cán bộ đang làm công tác quản lý miệng nói liêm chính nhưng lại là những con sâu kiếm tiền siêu hạng.

Đảng viên và người dân phải mạnh tay lôi những cán bộ công chức tham tiền thoái hóa ra khỏi bộ máy nhà nước. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây mất lòng tin của người dân đối với nhà nước đều do cán bộ viên chức thoái hóa gây ra mà kiếm tiền nhờ vào vị trí công việc chỉ là điểm khởi đầu.

Cũng xin được cập nhật thêm là nhà nước phải nghiên cứu để công chức, viên chức có thu nhập, yên tâm ở vị trí công tác của mình, và nếu có thu nhập thêm ngoài luồng trong thời kỳ quá độ thì cũng được minh bạch ở mỗi cơ quan, đơn vị, dù rất khó khăn ở từng vị trí công tác, nhưng sẽ làm được.

Ví dụ ở nhiều nhà hàng tiền “bo”, tiền “típ” được để vào hộp chung rồi được chia đều sau mỗi ca làm việc mà họ còn minh bạch được thì không có lí do gì ở những cơ quan, đơn vị toàn người có học lại không làm được.

Việc mạnh ai nấy lo liên quan đến thu nhập ngoài lương của cán bộ, viên chức cần được chấm dứt trong các cơ quan công quyền, cần được bàn thảo nghiêm túc với các giải pháp hữu hiệu mà thời gian qua làm chưa tốt.

NGUYỄN XUÂN LAM

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Phật Giáo Chưa Bao Giờ Có Ảo Tưởng, Ảo Giác, Nói Chi Tới Thời Thượng -





Phật Giáo Sẽ Giúp Mở Cửa Bản Thể Như Thế Nào?

Trần Ngẫu Hồ


LTS: Tòa soạn đăng bài này chỉ vì có liên quan đến một bài chúng tôi đăng trước đây để tự cảnh giác về việc dẫn chứng một vài câu nói được truyền tụng sâu rộng, thích hợp với lời dạy của Đức Phật: "03. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền." Ngoài ra chúng tôi không có ý kiến về nội dung khác trong triết lý Phật giáo. (SH)



Cuối tháng 5 vừa rồi, xuất hiện hai bài viết liên can tới Phật Giáo, một của nhà văn Đông La (ĐL), bài: “Đạo Phật Bị Lộn Ngược Theo Con Mắt Thịt Của Trần Mạnh Hảo” mà ông ĐL đã viết để chỉnh sửa ông nhà văn Trần Mạnh Hảo (TMH) về những nhận xét sai lạc của ông ta về Phật Giáo (PG), và khi đọc kỹ thì tôi lại thấy ông ĐL đã giơ cao mà đánh khẽ, tôi thấy ông ĐL vẫn còn giữ lòng nhân, chưa nêu hết cái thiếu tri thức về Phật giáo của ông nhà văn đã vô tình hay cố ý làm giảm giá trị của PG này. Tôi sẽ phân tách những sự không hiểu biết về Phật giáo của ông nhà văn này qua những dòng dưới đây.

Còn bài kia là bài: “Phật Giáo Với Những Ảo Tưởng Thời Thượng” của tác giả Trần Trọng Sỹ. Vừa đọc tựa đề của bài này, tôi cảm thấy hơi có gì quá đáng trong đó, nhưng khi đọc kỹ nội dung của toàn bài, thì thấy ông này không có ý dè bỉu, chê bai gì Phật Giáo cả, mà ngược lại tác giả còn bầy tỏ sự trân trọng với Phật Giáo nữa là khác. Nôi dung của bài viết cho thấy ý của tác giả muốn kêu gọi những trích dẫn nhận xét của những nhà khoa học lớn trên thế giới về những giá trị của Phật Giáo cần phải thận trọng và cần có dẫn chứng nguồn đường hoàng, chứ không nên nhắm mắt dẫn chứng đại, khi chính mình chưa đưa ra được nguồn một cách rõ ràng.

Nếu tôi hiểu đúng ý tác giả là như vậy, thì tựa đề là: “Phật Giáo Với Những Ảo Tưởng Thời Thượng” lại có vẻ bao quát, thâu gồm và ám chỉ toàn thể những gì thuộc về Phật Giáo, mà lẽ ra với nội dung của bài viết để kêu gọi sự trích dẫn cần thận trọng hơn, thì chỉ nên đề là: “Phật Tử Với…” hay những “Hành Giả Phật Giáo Với Những Ảo Tưởng Thời Thượng…”, thì có vẻ thích hợp hơn. Có lẽ tác giả muốn gây sự chú ý cho người đọc chăng?

Với thiện ý kêu gọi sự thận trọng này của tác giả, cá nhân tôi, thấy đây là một thái độ đúng đắn của một người viết trí thức. Thế nên, tôi là một Phật Tử bình phàm, cũng mong có được sự góp ý để làm sáng tỏ thêm cho vấn đề.

Cũng như cố giáo sư Trần Chung Ngọc (TCN), và giáo sư sử học Nguyễn Mạnh Quang (NMQ), sự đóng góp tri thức của tác giả Trần Trọng Sỹ về những bài viết về sự thật của Catô Lích, về thời sự, về giá trị của Phật Giáo là những vốn kiến thức rất đáng trân trọng, rất cần thiết và rất quý báu cho cộng đồng đọc sách ở hải ngoại cũng như quốc nội. Xin được tuyên dương thiện ý của nhà phê bình Trần Trọng Sỹ trong những công tác nêu lên những sự thật thời sự, lịch sử này.

Thế nên, để góp ý với tác giả Trần Trọng Sỹ, và cũng để gây sự chú ý của người đọc, bằng cách lật ngược chủ đề, song song với việc để mong làm sáng tỏ giá trị của Phật Giáo đối với khoa học với chủ đề:

“Phật Giáo Chưa Bao Giờ Có Ảo Tuởng, Ảo Giác, Nói Chi Tới Thời Thượng?”

Bài viết này của tôi không có ý đối nghịch gì với tác giả Trần Trọng Sỹ cả, và trong ý nghĩa góp ý này, nếu có sự thiếu sót, mong có sự chỉ dậy từ các vị thức giả, xin được cám ơn trước.

Đồng thời tôi cũng muốn giới thiệu một phần bài nói chuyện của Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách mang tựa: “Khi Vật lý Gõ Cửa Bản Thể Học”.

Trong bài này có một vài đoạn tôi cũng muốn phân tách, vì bài viết rất hay của ông, và cũng vì nó cũng có liên hệ tới chủ đề tôi muốn nói hôm nay. Bằng những sự phân tách mang tính xác định, với chủ đề:

“ Phật Giáo Sẽ Giúp Mở Cửa Bản Thể Như Thế Nào? ”.

Trước hết, xin được nêu rõ tà ý của nhà văn Trần Mạnh Hảo, bằng sự lạc dẫn những giá trị của Phật Giáo.

Phần 1: Nhà văn Trần Mạnh Hảo đã lạc dẫn dư luận về giá trị của Phật Giáo như thế nào khi diễn giải sai ý nghĩa, giá trị của dục lạc trong Phật Pháp?

Tôi đã đọc kỹ bài: “Thời Đức Phật, nhiều người tin rằng tình dục rất thánh thiện” (http://www.nguoiduatin.vn/thoi-duc-phat-nhieu-nguoi-tin-ran…), thì nhận thấy sự đối thoại những vị này với nhau về những lời dậy của Phật trong vấn đề tình dục rất chừng mực, rất trôi chảy và khai thông, nghĩa là không có những nhận xét cực đoan nào trong đó, nhưng ông TMH đã dẫn chứng chỉ một đoạn cực đoan trong câu hỏi và che lấp toàn bộ câu hỏi của nhà báo, xong lại phân tách sai lạc về vấn đề tình dục theo cái hiểu nông cạn, và rồi dẫn tới kết luận luôn là: “…Cho nên về nguyên tắc DỤC KHÔNG THỂ DIỆT vì DỤC là bản năng con người, chỉ có thể TIẾT DỤC mà thôi…”

Câu hỏi của nhà báo, mà chính ông ta, người hỏi, cũng biết, là để dành cho những người thoát ly gia đình, đi theo con đường giải thoát giác ngộ của đức Phật, câu trả lời cho người ký giả Mỹ của nhà Sư cũng theo chiều hướng đó. Và trong đó, nhà Sư có nhắc nhở rằng với những dục lạc thế gian của thường nhân thì Phật Giáo không cấm đoán.



Nhưng khi trưng dẫn, ông TMH cố tình để sát câu hỏi và câu trả lời ngay kế cận nhau, sau khi đã gọt hết những ý đã giải thích chúng:

Với mục đích để cho người đọc (TMH) thấy Phật Giáo là một tôn giáo bất bình thường, quá quắt, không đáng để nương tựa vào, cố tình hướng dẫn độc giả tới kết luận, Phật Giáo đã xem dục tình thế gian là cái gì ghê tởm qua ý trích dẫn của ông TMH.

Xin đọc kỹ trưng dẫn và ý tưởng cố tình bóp méo khi trưng dẫn của ông nhà văn này: <Trích>:

“Đọc kinh Phật ta thấy một số điều cực đoan, quá trớn được cho là lời Phật dạy… Ví dụ như câu nói về diệt dục rất cực đoan, rất dung tục sau đây lại được gán cho lời Phật dạy:

Ký giả Mỹ Simon Alex hỏi vị sư Tích Lan Bhante Gunaratana câu nói dưới đây có phải lời Phật dạy không: “Thà rằng đưa dương vật vào miệng một con rắn độc hay một con rắn hổ mang kinh tởm có lẽ còn tốt hơn là đưa nó vào một người đàn bà". Nhà sư thường đi giảng kinh Phật trên khắp các đại học danh tiếng trên thế giới thừa nhận rằng đúng là lời này có ghi trong kinh Phật.

(Trích bài :'Thời Đức Phật, nhiều người tin rằng tình dục rất thánh thiện' (http://www.nguoiduatin.vn/thoi-duc-phat-nhieu-nguoi-tin-ran…) (Ký giả Simon Alev của tờ "Giác ngộ là gì" (What is Enlightenment) của Hoa Kỳ phỏng vấn một nhà sư Tích Lan, ngài Bhante Gunaratana về chủ đề Phật giáo và tình dục.)

Dục nghĩa là ham muốn, mà ham muốn lớn nhất trong dục là ái dục, tức tình yêu trai gái. Dục (ham muốn) là bản năng của sinh vật nói chung, con người nói riêng. Khát nước đòi uống là dục, đói đòi ăn là dục, ham muốn ái tình là dục, thở khí oxy vào để sống là dục, tham giàu là dục, tham chức quyền là dục (nằm trong bản năng thống trị kẻ khác của sinh vật), tham sống sợ chết là dục, ham muốn được giải thoát, được giác ngộ cũng có thể được coi là dục…

Nói tóm lại, DỤC phần lớn là bản năng tự nhiên, sinh ra đã có trong con người. Cho nên về nguyên tắc DỤC KHÔNG THỂ DIỆT vì DỤC là bản năng con người, chỉ có thể TIẾT DỤC mà thôi. Ngay đến cả Đức Thích Ca Màu Ni sau khi giác ngộ thành Phật lúc 35 tuổi, cho tới khi Ngài viên tịch năm 80 tuổi vẫn còn bị DỤC đeo đẳng; vì Ngài vẫn chưa thoát khỏi vô thường đói ăn khát uống, còn phụ thuộc vào các hành như phải thở, phải ăn, phải uống, phải làm các hành vi trao đổi chất của con người, thì sao lại đề ra tiêu chí DIỆT DỤC cực đoan như thế? Nên nhớ là Đức Phật tổ năm 80 tuổi đã viên tịch vì ngộ độc thức ăn; chính Ngài khi tại thế cũng chưa thoát khỏi vô thường… Sau khi viên tịch, Ngài nhập Niết Bàn. Còn Niết Bàn là gì, ở đâu, tồn tại trong dạng thức nào thì Phật không nói. Chúng sinh phải tự tìm ra Niết Bàn trong tâm mình khi đã giác ngộ thoát khỏi tham, sân, si, đạt tới cõi từ bi hỉ xả…

Việc một số kinh sách được gán cho là lời Phật dậy (ngụy tạo) có thái độ lên án gay gắt, thậm chí phỉ nhổ, nguyên rủa hành vi tính giao của con người là một sự vô lối, một ứng xử thiếu văn hóa người, mà thiếu văn hóa người thì cũng thiếu văn hóa Phật…Thử hỏi ai trong chúng ta, kể cả Đức Thế Tôn không được sinh ra bởi hành vi giao phối giữa cha và mẹ mình?” <Hết trích>

Đọc kỹ tôi thấy trong đoạn văn trên của ông TMH là đã giảng giải sai lạc giá trị của Phật giáo hơn là làm sáng tỏ vấn đề giải thích về Dục Lạc của đời thường, hơn nữa ngay cả một người Phật Tử trung bình, ai ai cũng đều biết Phật đã dạy ngũ giới, và nhấn mạnh nhiều tới lý nhân quả để răn dậy, cảm hóa chúng sinh Phật Tử.

Lý nhân quả và ngũ giới là những pháp chừng mực, thăng bằng trong Phật Pháp nhưng ông TMH hoàn toàn không nhắc tới, ông chỉ trích dẫn theo kiểu “đoạn chương thủ ý” và giải thích Phật Giáo theo cái thấy hạn hẹp, lạc dẫn, bôi bác nên tôi kết luận là tà ý vì thế.

Đã có kiến thức hạn hẹp, giới hạn về Phật Giáo, ông TMH lại cố với để giải thích những ý nghĩa cao xa của Phật Giáo bằng những nhận định cẩu thả, tô vẽ một cách kém cỏi,về đức Phật. Về đức Phật, ông TMH viết: <Trích>:

“Ngay đến cả Đức Thích Ca Màu Ni sau khi giác ngộ thành Phật lúc 35 tuổi, cho tới khi Ngài viên tịch năm 80 tuổi vẫn còn bị DỤC đeo đẳng; vì Ngài vẫn chưa thoát khỏi vô thường đói ăn khát uống, còn phụ thuộc vào các hành như phải thở, phải ăn, phải uống, phải làm các hành vi trao đổi chất của con người, thì sao lại đề ra tiêu chí DIỆT DỤC cực đoan như thế? Nên nhớ là Đức Phật tổ năm 80 tuổi đã viên tịch vì ngộ độc thức ăn; chính Ngài khi tại thế cũng chưa thoát khỏi vô thường…Sau khi viên tịch, Ngài nhập Niết Bàn. Còn Niết Bàn là gì, ở đâu, tồn tại trong dạng thức nào thì Phật không nói. Chúng sinh phải tự tìm ra Niết Bàn trong tâm mình khi đã giác ngộ thoát khỏi tham, sân, si, đạt tới cõi từ bi hỉ xả…<Hết trích>.

Viết như thế này thì ông TMH chẳng những đã tỏ ra mình thiếu tri thức Phật pháp thấy rõ, và lại còn quá liều lĩnh nữa. Vì với chỉ một người vừa mới thoát ly gia đình theo Phật để mong tìm đến giải thoát khỏi tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), và cuối cùng để thành Phật để được tự do tự tại, thì cũng đã được giáo dục bằng cả rừng kinh điển với những lời giảng của chính đức Phật, từ đơn giản đến những uyên áo, thâm sâu. Song song với việc tiết độ bằng cả hàng trăm những giới luật khe khắt, người tu sĩ được giáo dục ngay từ đầu rằng, phải xem những nhu cầu như ăn, uống, ngủ nghỉ chỉ là những phương tiện và phải giảm thiểu để vừa đủ để tồn tại, và càng đơn giản những nhu cầu này thì càng tốt. Người tu sĩ, nam cũng như nữ chỉ khởi đầu giữ bên mình với ba y (y phục thay đổi) và một bát (để ăn và uống).

Điều chính là phải thực tập thiền định để đạt được trí tuệ từ đó. Trí tuệ là giá trị chính của các thiền sinh sơ cơ mới gia nhập Phật Giáo.

Về cái ăn thì không bao giờ được biến nó thành cái dục ăn, không những vậy, những vị xuất gia này phải không được dùng ngũ vị tân, tức hành, tỏi, tiêu, dấm, ớt hoặc bất cứ thứ gì với ý định để làm cho đĩa đồ ăn thành hương vị thơm, ngon hơn bình thường. Nhất là không được sát hại sinh vật để biến thành thức ăn khoái khẩu cho mình.

Thời đức Phật và cũng có lẽ ngay hiện tại trong một vài tông phái, người tu sĩ chỉ ăn một ngày một bữa, và sau đó chỉ là lao động, học tập và thiền định.

Bia rượu, và những chất kích thích thì cấm tuyệt. Với một người sơ cơ, mới gia nhập vào gia đình Phật Giáo còn phải vậy, huống chi bậc đại thánh đã giải thoát, giác ngộ như đức Phật, được xem như một vị thầy của các loài Trời và loài Người. Hiểu như vậy ta mới thấy cái sự thiếu tri thức của ông TMH khi dám cả gan đặt bút viết: Cho tới khi Ngài viên tịch năm 80 muơi tuổi vẫn còn bị dục đeo đẳng!?!

Ông TMH tuyệt đối không hiểu Niết Bàn là gì khi viết: “Sau khi viên tịch, Ngài nhập Niết Bàn. Còn Niết Bàn là gì, ở đâu, tồn tại trong dạng thức nào thì Phật không nói.”

Thật ra, chẳng phải ngài nhập Niết Bàn sau khi viên tịch như ông TMH hiểu, mà ngài đạt trạng thái Niết Bàn ngay sau sát na nhìn thấy sao mai xuất hiện trên bầu trời ở sau canh 4, sau khi đã đắc lậu tận thông và sau sự từ chối quyết liệt hành vi mời mọc dục lạc của 3 nàng con gái đẹp tuyệt trần.

Từ sau sát na đại ngộ đó, ngài bước khỏi tọa cụ và tuyên xưng trước nhân loại ngài là Phật đã thành.

Vì ngài đã Niết Bàn lúc còn thân người nên kinh sách gọi đó là trạng thái Hữu Dư Niết Bàn,

Thế nên trong lúc đi giảng pháp hóa độ chúng sinh ngài luôn luôn hoặc xưng là “Ta” hoặc “Như Lai”. Từ Như Lai được giải thích như sau: “Lai là tới, Như là Đại Định Vô Sanh”. Người tới từ Đại Định Vô Sanh chính là người đang ở trong Đại Định Vô Sanh vậy.

Nếu không đạt được Hữu Dư Niết Bàn - giải thoát ngay trong hiện đời, hành giả sẽ không thể thể nhập Vô Dư Niết Bàn khi không còn thân mạng, tức đã qua đời.

Đây là điểm tích cực và thực tế của Phật Giáo mà không một tôn giáo nào có.



Đại Định Vô Sanh là trạng thái không còn sinh sinh, diệt diệt trong tâm, là trạng thái lúc nào cũng ở trong thiền định, là trạng thái sạch hoàn toàn tham, sân, si, và các lậu uẩn vi tế, là trạng thái thường xuyên rỗng lặng và sáng suốt với trí giác (Như Như), Phật Tánh với lòng đại bi. Đại Định Vô Sanh chính là trạng thái Niết Bàn Hữu Dư, chính là giải thoát, là trạng thái các chư Phật nỗ lực đạt tới.

Trong tác phẩm: “Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang” (Từ đây xin được viết tắt là TNVTTVTTBB), vừa mới được xuất bản tháng 02/2017, tôi đã giải thích một cách đơn sơ nhưng tạm đầy đủ những vấn đề như Niết Bàn, thiền định, Đại Định Vô Sanh, hoặc sự yên lặng của đức Phật về những vấn đề siêu hình như:

Sau khi ngài nhập diệt là còn hay mất? Vũ Trụ có tạo ra, và cai quản bởi vị Thượng Đế nào không? Vũ Trụ là hữu hay vô hạn, thế giới Big Bang Sinh Diệt này từ đâu mà ra? Còn nhiều vấn đề phi hữu hóc búa khác cũng được giải thích trong tác phẩm này. Mong ông Trần Mạnh Hảo tìm mua và đọc, ông có thể mua sách ở địa chỉ email này: TheTrangVuTru@yahoo.com.

Trong cuốn: “Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II”, trang 265 ,Giáo Sư Trần Chung Ngọc đã viết:

“Ken Tanaka, một giáo sư của viện Phật học Berkeley phát biểu rằng: Rõ ràng là Giáo Hoàng không chịu làm bài tập, nghĩa là không chịu tìm hiểu cặn kẽ, và đã trình bày một quan điểm quá đơn giản về Phật Giáo.”

Tôi cũng thấy ông Trần Mạnh Hảo có quá ít kiến thức về Phật Giáo mà lại với quá cao, khi nhận xét về những vấn đề uyên áo của Phật Giáo như Niết Bàn, sự Giải Thoát của Đức Phật, sự im lặng của Đức Phật, thì thật là khôi hài và thật là tội nghiệp.

Sau cùng, tôi đề nghị ông Trần Mạnh Hảo sau này muốn viết về Phật Giáo thì nên trang bị cho mình những kiến thức căn bản về Phật Giáo, nhất là nếu có thể được, ông TMH nên thực hành thiền tánh không của Phật Giáo trước khi viết về Phật Giáo, chỉ để đỡ lộ những khiếm khuyết của chính mình, và cũng để dư luận, người đọc đỡ phải đọc những lời diễn giải lạc dẫn, ngớ ngẩn, bôi bịa của ông về Đức Phật và Phật Giáo mà thôi. Cám ơn ông nhiều lắm.

Phần 2: Phật Giáo chưa bao giờ có ảo giác, ảo tưởng, nói chi tới thời thuợng?

Tôi là một người có trong số những nguời trích dẫn những nhận định của các nhà khoa học nhận xét về Phật Giáo, trong bài: http://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/3529-Phat-giao-Ki-to-giao-doi-chieu-qua-nhung-nhan-dinh-dien-hinh-cua- danh-nhan-tri-thuc-the-gioi.html.

của ông GS Trần Chung Ngọc.

Và trong tác phẩm: “Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang”, tôi đã dùng bài trích dẫn được cho là của Einstein và của Egerton C.Baptist này, trong đó 2 vị này tuyên bố như sau:

Einstein: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi ý nghĩa về Thượng Đế và tránh nói đến những giáo lý và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể mà không rời nhất thể. Phật giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những nhu cầu hiện đại của khoa học thì đó là Phật Giáo”.

[The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism.] (trang 175 TNVTTVTTBB).

Và của Egerton C. Baptist: “Phật giáo bắt đầu ở nơi khoa học chấm dứt”. (Tr.141 TNVTTVTTBB).

Nên tôi nghĩ mình có nhiệm vụ góp ý với những phê bình về điều này.

Tháng trước, tôi gặp lại anh bạn đã mua ủng hộ tôi tác phẩm “TNVTTVTTBB” của tôi ở SJ, anh Tiến Sỹ Trần T, trong lúc ngồi nói chuyện tôi có nhắc tới trích dẫn nhận xét của nhà bác học Einstein về Phật Giáo, nhưng anh bạn tôi ngắt lời tôi và nói trong tâm trạng như thất vọng: “Báo cho anh một tin buồn là điều mà anh trích dẫn nói là của Einstein thì người ta khám phá ra là tin giả rồi!”. Tôi cười trả lời anh: “Tin đó là giả hay là thật, thì đối với thực tế không có gì là quan trọng cả, vì như anh đã nhận xét, cuốn sách của tôi là một cuốn sách đầu tiên anh đã đọc từ đầu tới cuối một cách liên tục, trong vòng một ngày, trong khi đó, anh tự nhận là một người đọc chọn lựa và khó tính mà?

Nếu Einstein, hoặc những nhà khoa học nào đó, có những nhận xét như vậy về Phật Giáo, thì chứng tỏ là họ có hiểu sâu về Phật Giáo, và như vậy thì tốt cho họ, vì họ chẳng những là những người toàn triệt, đã giỏi về khoa học lại còn rành rẽ về đạo học, bản thể học. Còn nếu họ hoặc ông Einstein không tuyên bố như vậy, thì giá trị của Phật Giáo cũng vẫn thế, nghĩa là chẳng thay đổi gì cả”.

Vâng, đúng vậy, sở dĩ tôi trích dẫn hai lời nhận định như trên từ bài viết: http://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/3529-Phat-giao-Ki-to-giao-doi-chieu-qua-những-nhận-dinh-dien-hinh-cua-mot-so-danh-nhan-tri-thuc-the-gioi.html”

Trong bài này, trừ phần đầu, GS TCN đã phê bình, nhận xét về Catô Lích, còn phần sau, GS TCN đã trích dẫn tóm tắt những nhận xét rất tích cực của hàng mấy chục các nhà khoa học, trí thức, cả những người chức sắc Catô Lích nữa về Phật Giáo, tất cả đều bày tỏ sự ngưỡng mộ chân thành, cảm phục cao độ của họ về những giá trị chân thật của Phật Giáo, và vì thế nên tôi thấy sự ngưỡng mộ của các khoa học gia, trí thức tây phương với Đức Phật và Phật Giáo là có thật.

Nhưng điều cốt yếu nhất là người trích dẫn có tư duy sâu xa đủ để thấy, hiểu những trưng dẫn của mình là đúng với giá trị của Phật Giáo hay chăng? Xin được nhấn mạnh, những điều đó được đưa ra để nhận định có đúng với giá trị thật sự của Phật Giáo hay chăng? Chứ không phải là nhờ những nhận định của những nhà khoa học đó mà Phật Giáo trở thành có giá trị, và tôi thấy hai nhận định của 2 vị trên đây với giá trị Phật Giáo là chính xác.

Phần trích dẫn của hai vị này được đặt ở chương cuối của cuốn sách.

Trang 7 của TNVTTVTTBB dẫn lời của Phật trong kinh Viên Giác, trang 8 lời nhận định tóm lược của tác giả Trần Ngẫu Hồ:

“Cuối cùng chỉ còn một sự thật này: Chỉ có cái bất sinh diệt ‘Vô Sanh’, và cái sinh sinh, diệt diệt mà thôi”.

Việc đặt những nhận định của những vị trí thức trong lãnh vực khoa học này ở gần sau cùng của cuốn sách cho thấy, người viết không dựa vào đó để làm sáng tỏ những điều mình viết, tôi đã chứng minh sự hiện hữu của Vũ Trụ Thực Hữu, Phi Hữu trước Big Bang bằng giải thích tâm thành tựu của hai vị Phật đầu tiên của nhân loại là ngài Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Ma Ha Ca Diếp. Tâm đó là tâm rỗng lặng hồn nhiên, là tâm trong trạng thái Đại Định Vô Sanh.

Tôi sẽ tóm lược những chương chính trong tác phẩm để chứng minh Vũ Trụ là một Đại Định phi hữu, thực hữu.

Chương 4 (TNVTTVTTBB trang 55), nêu 2 nhận định của 2 nhà khoa học Eisenberg và Trịnh Xuân Thuận cho rằng Vũ Trụ Thế Giới của chúng ta, bao gồm cả con người đều ra từ Big Bang, Trang 58 của TNVTTVTTBB, trưng dẫn lời nhận định của GS Trịnh Xuân Thuận như sau:

“Tôi (TXT) muốn thêm vào: “Khoa học đã phát hiện ra một khía cạnh khác, mối liên kết của vũ trụ này: Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ Big Bang…”

Và trang 65 của TNVTTVTTBB viết: <Trích> …“Tóm lại, vì: Trong mỗi chúng ta, vừa mang một lịch sử của sự khởi đầu, chúng ta đã biến đổi, kết hợp, chập lên nhau và tiến hóa từ những hạt bụi đầu tiên (tức là trong mỗi chúng ta đều có dấu ấn của Big Bang, sinh ra từ Big Bang, tức khởi đầu của sinh diệt, chúng ta sẽ làm rõ nghĩa, chính chúng ta hàm chứa Big Bang ở những trang sau).

Và nay, trong mỗi chúng ta lại đều có hàm chứa một cái trước khởi đầu. Đó là Đại Định Vô Sanh, thì rõ ràng Đại Định Vô Sanh chính là Vũ Trụ Đại Định, tức là cái vũ trụ trước khi có vũ trụ sinh diệt hay theo cách gọi của những nhà khoa học là Big Bang.

Đại Định Vô Sanh là nỗ lực và đích đến của Đức Phật Thích Ca. Và cũng là của tất cả con người chúng ta về sau.

Chúng ta là từ Big Bang mà ra, thế hệ sinh sinh, diệt diệt biến hóa từ Big Bang, sinh sinh, diệt diệt không ngừng nghỉ kể từ sau Big Bang, trong tất cả con người chúng ta lại có cái không sinh diệt là Đại Định Vô Sanh, vậy thì quá rõ ràng trước Big Bang là một Vũ Trụ Đại Định (Đại Định của tất cả con người gộp lại), thật là dễ hiểu, như chuyện bày trước mắt.” <HếtTrích>

Như vậy, thể trạng của Vũ Trụ là một Đại Định Phi hữu, nhưng thực hữu đã có từ trước đức Phật, đã có từ trước khi Big Bang xảy ra, điều còn lại là chứng minh đuợc điều đó.

Và tôi đã chứng minh một cách đơn giản như sau:

Con người đã nhận biết thế giới Big Bang qua cái thức của con người, không có cái thức của con người thì thế giới sinh diệt Big Bang không thể nhận biết, nên nơi trang 64 TNVTTVTTBB đã viết:

“Vì thế nên con người, vừa là đại diện sinh động của sinh diệt (tức Big Bang) và đồng thời cũng lại là gốc tích sau cuối của sinh diệt, lại vừa đóng vai trò chính thức, tiền phong và rõ nét của tiến hóa.

Và nay, ta lại đồng ý với nhau trong mỗi con người đều có thể đạt được Đại Định Vô Sanh, và sống trong Đại Định Vô Sanh để giải thoát ra khỏi sinh diệt khi đang sống trong sinh diệt (tức Big Bang) .

Chúng ta có thể thấy sự kiện này qua những trường hợp đại diện rõ ràng như ngài Phật Thích Ca, ngài Ma Ha Ca Diếp, và các vị tổ của thiền tông. (Tuy vậy, theo thực tế, như sự xác định và sự chỉ dậy của đức Thích Ca thì Đại Định Vô Sanh hay Phật Tánh đều đã có sẵn trong mỗi con người sinh diệt là chúng ta).

Và các ngài đã sống trong Đại Định Vô Sanh khi đang còn mang thân xác hữu hình (Thân xác sinh sinh diệt diệt). Thì rõ ràng là trước Big Bang (Hay trước các sinh diệt) phải là một Vũ Trụ Đại Định.

Hay nói khác đi, Đại Định Vô Sanh là mẫu số chung cho tất cả các chúng sinh cùng tướng trạng trên trái đất chúng ta” …

Tôi nghĩ, sự luận trình như vậy đã rõ ràng và đầy đủ để thấy là trước Big Bang là một Vũ Trụ Đại Định, và muốn thể nhập vào Vũ Trụ đó, thì con người chúng ta phải đạt được trạng thái Đại Định Vô Sanh, là trạng thái mà đức Phật thích Ca đã nỗ lực đạt được.

Vậy Đại Định Vô Sanh là gì? Đó là trạng thái thường xuyên trong thiền, khi nào tâm ta không có những tạp niệm mà nhà Phật gọi là những tư tưởng sinh sinh, diệt diệt (nổi lên, rồi lại chìm xuống) trong tâm ta, thì đó là trạng thái thiền, đó là trạng thái rỗng lặng, hồn nhiên, như như và trạng thái này chính là bản thể của Vũ Trụ trước khi Big Bang xảy ra.

Tình cờ, tôi đọc bài: “Khi Vật Lý Gõ Cửa Bản Thể Học” của Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách (NTB), viết năm 2013, và sau khi đọc kỹ bài này, tôi cảm thấy luận trình về thể trạng của Vũ Trụ trước Big Bang là một Đại Định rỗng lặng là đúng.

Ông NTB viết: <Trích> “Lấy ví dụ, cái bàn này là một hạt hạ nguyên tử, nó không nằm yên. Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn nơi khác thì nó không có mặt. Nếu dùng thước để đo, ban đầu chúng ta đo, nó dài 3m, nhưng sau đó, chúng ta đo lại thì chỉ còn 2,5m, lần sau nữa thì lại 3,5m. nó xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên, không tuân thủ theo quyết định luận của Newton.

Dĩ nhiên, tính ngẫu nhiên này chỉ xuất hiện trong mức độ nhỏ nhất của vật chất. Mức độ này rất nhỏ, chúng ta không thể tưởng tượng được, mức độ đó phải được cộng thêm với 17 con số 0 nữa mới thành một centimet. Đó là mức độ nhỏ nhiệm nhất của vật chất, với mức độ đó, người ta hy vọng nếu khám phá được quy luật vật chất thì sẽ khám phá được thế giới, bởi nó là viên gạch cuối cùng của ngôi nhà vụ trụ, nhưng người ta không ngờ đến mức đó, hành tung của vật chất lại không như chúng ta chờ đợi. Do đó hàng loạt vấn đề triết học được đặt ra về tự tính của thế giới. Heisenberg nói: cái thiên nhiên, cái nature dường như xuất hiện theo cách chúng ta hỏi nó. Bởi vì khi thì nó xuất hiện theo dạng từng hạt, lúc thì xuất hiện theo dạng sóng, về mô hình, hai dạng này không tương thích với nhau. Nhưng nếu chúng ta mở một thí nghiệm khảo sát hạt thì nó có vai trò của hạt thật. Nhưng nếu chúng ta đo để xem vật chất có phải là sóng hay không thì nó cũng là sóng thật. Thiên nhiên là gì thì chưa biết, nhưng dường như nó trả lời theo cách mà chúng ta hỏi nó. Thế thì ý thức con người có ảnh hưởng gì lên thiên nhiên?

Ngày trước, người ta nói thực tại là gì không biết, nhưng nó luôn tồn tại độc lập, không bị ý thức con người ảnh hưởng lên nó. Con người dù có chết đi nữa thì thực tại vẫn là thực tại. Nhưng bây giờ, ở hạ nguyên tử thì ý thức xem ra có thể tác động lên được. Dường như thực tại là cái gì đó “nói chuyện” với ý thức, và có những nhà khoa học đi xa hơn, họ nêu lên vấn đề: phải chăng khi ý thức khảo sát thực tại thì chính lúc đó ý thức “tạo tác” ra thực tại, phải chăng thực tại là một sản phẩm do ý thức bày ra. Cho nên ngày nay mối quan hệ giữa thực tại và ý thức đã được đặt ra…<Hết Trích>.

Nhưng tận cùng của vật chất là Không, đúng như với lời dậy của đức Phật cho ông Anan trong kinh Lăng Nghiêm:

“Này ông Anan, nếu ông lấy một vi trần (Một hạt bụi nhỏ nhất bay trong không khí, chỉ thấy được qua khe nắng) chẻ ra làm 7 lần ông sẽ có một cực vi, ông lại lấy 1 cực vi này chẻ ra làm 7 lần ông sẽ có một siêu vi, nếu ông chẻ 1 siêu vi này làm 7 lần thì ông sẽ có một lân hư trần, và nếu ông chẻ lân hư trần này 7 lần thì sau cùng sẽ là hư không (cái không).”

Tôi sẽ triển khai, giải thích cái Không này chính là Bản Thể ở những trang sau.

Trong bài: “Khi Vật lý Gõ Cửa Bản Thể Học”, Ông Tiến Sỹ NTB viết: “…Khi nào chúng ta nhìn thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn đi nơi khác thì nó không có mặt..”.

Xin được mạn phép thêm thắt làm sáng tỏ hơn những câu của T/S NTB theo cách thế của Phật Pháp xem sao nhé:

“Khi nào chúng ta nhìn nó (với cái tâm đi tìm xem nó là gì?) thì nó sẽ có mặt”

“Khi nào chúng ta không nhìn nó (tương đương với tâm không: không nhìn thì với vật đó tâm ta là tâm không đi tìm) thì nó không có mặt”

“Khi nào chúng ta tìm nó (với sự chăm chú) thì nó sẽ là hạt cho chúng ta đo.”

“Khi nào cúng ta tìm nó với tâm hăm hở, ào ạt, hồ hởi thì chúng sẽ là sóng”

Như vậy, vật chất chẳng phải là hạt, cũng chẳng là sóng (mà đúng thật là không). Nhưng chỉ vì tâm của hành giả, lúc đi tìm nó như thế nào mà nó trở thành hạt hay là sóng.

Cũng vậy, chẳng phải là vật chất lúc đo được 3m (theo thí dụ của T/S NTB), lúc sau lại đo được 2m5.

Mà là tâm của hành giả lúc đo (Đang ở trạng thái sinh diệt: Tư luơng, tìm hiểu) nó khác nhau nên thành ra lúc 3m, lúc 2m5.

Có giống không? Sự kết luận của ngài Lục Tổ (638-713) năm nào, cách nay tới hơn 13 thế kỷ?

Tôi thấy giống lắm, ngài nói khi nghe 2 ông Tăng tranh cãi gió động, hay phướn động khi nhìn thấy cờ bay:

“Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động. Mà do tâm hành giả động”.

“Phải rồi, vì do tâm của hành giả động nên đã quyết đoán và tranh cãi gió làm chủ tể, hay phướn làm chủ tể.

Hãy đưa cho ta xem cái gì được gọi là gió? Cái gì là phướn? Cái cột, cái dây treo hay miếng vải là Phướn? Cái Không khí hay sự chuyển động của không khí là Gió? Đi tìm ngay chính chúng cũng đã chưa ra chủ tể, sao các ông lại tranh nhau (cái tưởng là) chủ tể của chúng mà làm gì?

Vã lại, chúng chỉ nương nhau mà tạm có thôi. Gió chẳng nổi lên sao phướn lay động? Cũng nhờ phướn lay động nên gió thành “thấy được rõ đang động” (cây, cỏ, vật chất lay cũng trong phạm trù của phướn). Cũng vì Tâm của các ông động nên không thấy được cái gốc không động của vấn đề, chứ tuyệt nhiên (chia chẻ tận cùng) thì chúng chỉ là không mà thôi.

Càng tranh luận, càng giành phần đúng về mình thì tâm càng động”.

Cũng thế, tận cùng của vật chất là Không, vậy mà các ông (Khoa Học Gia) cố tìm nó nên “tâm sinh diệt đi tìm” của các ông đã tương tác (mạnh) lên nó, cái không đó, nên nó thành ra hạt hay sóng cho các ông đo. Tâm tương tác mạnh lên nó (hăm hở nhiều, hồ hởi nhiều) thì nó thành sóng, tâm tương tác yếu lên nó thì nó thành hạt. Chứ các ông khi không nhìn (Tương đương với không đi tìm, sinh diệt) thì nó có hiện ra đâu? Nó là Không mà các ông đo đạc cái gì đây?

Trong TNVTTVTTBB tôi viết: Giữa tâm sinh diệt và phi hữu có một lằn ranh mong manh, mơ hồ. Nay ta thấy rõ tâm đi tìm của ta có thể ảnh hưởng lên nó (cái lân hư này, tức cực vi) nên nó lúc là hạt, lúc là sóng như bản báo cáo của T/S NTB.

Nhưng tới phạm vi vi mô, phạm vi hạt thì thấy tâm sinh diệt rõ hơn. Trong bản báo cáo của Tiến Sỹ NTB, (xin được cám ơn Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách).

Và với sự giải thích như trên, chúng ta đi tới giải trình và kết luận về Bản Thể như sau:

Bản thể là sự thật sau cùng, sự thật này chính là “Cái Không” sau cùng của vật chất. Cũng là cái Không không xuất hiện, trong sự không nhìn của các Khoa Học Gia, trong bài viết của ông NTB. Cái Không này cũng là cái Không mà Đức Thích Ca dậy cho ông Anan, cũng chính là cái Không (rỗng lặng, hồn nhiên) mà ngài đã “kiến tánh” ở ngay sau sát na nhìn thấy sao mai hiện trên bầu trời, mà sau này tôi đặt là Kiến Tánh Vô Sanh, rồi sau đó ngài hợp Kiến Tánh Vô Sanh với Đại Định để trở thành Đại Định Vô Sanh, tức trạng thái thường xuyên không rời Thiền, trạng thái rỗng lặng hồn nhiên thường xuyên để trở thành Phật.

Ngang đây, chúng ta hãy thử dùng những giá trị của Phật Giáo để giải trình Bản Thể và Thực Tại:

Kinh Kim Cang, lời Phật dậy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng, phi tướng ắt kiến như lại”. Câu này đã được giải thích nhiều trên dư luận bởi các thiền giả. Nhưng xin được mạo muội giải thích theo cái “thấy” của tôi như sau:

“Những gì thuộc về hình tướng, có hình tướng, đều là giả hữu (giả có) mà thôi. Nếu ai mà thấy được cái không tướng (phi tướng - tướng thật) trong cái tướng, thì là thấu triệt (hiểu) được Đại Định Vô Sanh.

Lai là đến, Như là Đại Định Vô Sanh. Vậy nên, thấy (kiến) như lai, là thấy được Đại Định Vô Sanh. Người đến từ Đại Định Vô Sanh là người đang trong Đại Định Vô Sanh vậy.”

Xin được nêu vài thí dụ để hiển lộ giá trị của không tướng trong thế trần (để dễ hiểu hơn về cái phi tướng trong kinh Kim Cang):

Tôi khoe bạn một bộ ly uống trà từ đầu đời Lý, mà tôi mới sưu tầm, mua được. Tôi và bạn đều trầm trồ những đường nét vẽ trên cái ly, và hoàn toàn không quan tâm tới cái gì chứa được nước trà để mà mình đem lên miệng uống?

Sự cột tâm, chạy theo những nét vẽ trên ly là sự chạy theo hữu tướng, không để ý tới, quan tâm tới cái gì đựng nước trà cho ta uống là không biết tới cái phi hữu của cái ly, đúng không? Chính cái chỗ không của cái ly mới giúp cho chúng ta uống được trà, chứ nếu cái không của cái ly bị đặc, bị chiếm hữu, chúng ta đâu còn xử dụng cái ly đó được nữa? Ngay cả chỉ một chút dơ, đất bám trên cái vành ly, tức cái không của ly đã bị xâm phạm, ta cũng không muốn uống nữa là huống chi.

Cái không của cái tách trà đời Lý, cái không của cái ly bằng thủy tinh rẻ tiền thì cũng chẳng khác nhau, cái không của tách bằng thủy tinh thì cũng giúp ta uống được trà vậy.

Từ cái Không của cái tách trà, ta suy rộng ra những thứ khác cũng vậy thôi, ta cũng nương sống vào cái Không của cái chén ăn cơm, đôi giầy, cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái xa lộ. v..v.. Buổi sáng lái xe ra xa lộ, không cần biết hôm đó xa lộ đông xe bao nhiêu, miễn xa lộ còn cái Không của xa lộ là ta chạy xe được. Cái Không của xa lộ chỉ cần bị chiếm đóng một chút, bởi một cái tai nạn nào đó là cả xa lộ kẹt cứng, hoặc mưa lớn, đất chuồi, hoặc ngập lụt một đoạn nhỏ là cái Không của xa lộ xem như bị chiếm đóng, thế là cả xa lộ coi như hết xài. Chỉ sau khi khai thông những thứ này, thì cái Không của xa lộ mới xài lại được.

Con người chúng ta cũng có cái Không này, bao tử, bọng tiểu mà chẳng Không thì làm sao mà có “tinh thần” ăn uống?

Kinh mạch chẳng Không thì máu huyết sao lưu thông? Lỗ mũi, lỗ tai chẳng Không làm sao hít thở, nghe ngóng?

Thế nên nói vạn vật đồng nhất thể, là ở cái thể Không này, hay cái Phi Tướng (Vô Tướng) trong kinh Kim Cang.

Cái Không này không thể bị hủy diệt bởi bất cứ thứ gì, căn nhà của ta có bị cháy tiêu nhưng cái Không của căn nhà làm sao mà cháy được? Bằng cớ là dọn sạch tro tàn của căn nhà cháy đi, thì căn nhà mới lại có thể được cất lên ngay tại cái chỗ cháy đó và ta vẫn nương vào cái Không của căn nhà mà sống đó thôi. Bom Nguyên Tử cũng chẳng tiêu hủy được cái Không (Nhưng có điều phải đợi cho phóng xạ tan đi thì cái Không ở đó mới xử dụng lại được, rồi phóng xạ cũng phải tan, nhưng cái Không thì chẳng bao giờ tan). Cái Không có thể kéo cho dài tới đâu cũng được, như xa lộ 101 nối dài các tiểu bang miền Tây nước Mỹ, cái Không có thể nhét vào căn nhà xinh xắn, tủ, chai, lọ. Cái Không có thể uốn nắn theo cầu đường, chẳng những vậy con người còn có thể ép cái Không sát nhau, mà cái Không chẳng dòn gẫy: Bỏ 05 bộ quần áo vào cái bao nylon rồi lấy máy hút hút hết không khí ra, cái Không như dính sát vào nhau, tới nơi, lấy quần áo ra, cái Không lại xuất hiện nơi bộ quần áo, và chúng ta lại mặc vào người lại được.

Cái Không dung chứa cái sống là thế, cái sống nương vào cái Không để mà tồn tại là thế, cái Không không thể bị tiêu hủy bởi bất cứ cái gì. Kể cả thời gian cũng không tiêu hủy được nó. Cái Không lại có trong tất cả chúng ta và vạn vật. Cái Không chẳng bao giờ thay đổi, chẳng mới, chẳng già.

Vậy thì cái Không đấy là Bản Thể của vạn vật, chứ còn cái gì có thể là Bản Thể được nữa?

Nhưng kỳ diệu thay, tất cả chúng ta có thể thể nhập vào cái Vô Tướng này, bằng chính tâm Không của chúng ta (Xin xem trong TNVTTVTTBB). Bản Thể đơn giản, dễ thấy như ngay trước mắt vậy.

Không biết lối giải thích đơn giản của tôi, bạn đọc đã thấy, và hiểu và công nhận Bản Thể chỉ là cái Không đơn sơ đó chưa?

Bây giờ chúng ta giải thích thực tại.

Trong TNVTTVTTBB, tôi đã giải thích thực tại như sau: Nếu nói thực tại là bây giờ thì là không sai, nhưng chỉ đúng trên mặt chữ nghĩa, hiện tượng, chứ chưa hoàn toàn đúng một cách rốt ráo. Vì nói bây giờ là nói tới thời khắc này khác với thời khắc đã qua, như vậy vẫn còn trôi lăn. Trôi lăn sao là thực tại được?

Thực tại phải không còn trôi lăn, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai.

Đức Phật Thích Ca sau khi nhập được vào định phi tưởng, phi phi tưởng xứ định, thì ngài vẫn thấy chúng sinh trong cõi đó còn trong luân hồi, khi xuất định ngài hoang mang cùng cực, vì khi vào cái định cao nhất mà vẫn chưa được rốt ráo, còn trôi lăn, luân hồi. Thì đâu là nơi không còn luân hồi, trôi lăn?

Ngài sau đó nhất quyết đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Và như kinh sách đã tường thuật, sau 49 ngày đêm, và sau khi phát hiện sao mai mọc trên bầu trời, thì ngài đại ngộ Vô Sanh.

Nghĩa là thấy (kiến) được cái rỗng lặng, đại định phải ở ngay trong con người mình, chứ chẳng phải từ ngoài đi vào Định như những ngày xưa nữa, nói rõ hơn là phải thường xuyên ở trong Định, ngay cả khi đối cảnh, tức lúc tiếp xúc với các sinh hoạt, cảnh trần xung quanh mình, muốn vậy, tâm phải không sinh, diệt chạy theo cảnh khi tiếp xúc với cảnh, sự kiện này gọi là “kiến tánh”. Kiến Tánh thường xuyên khi đối cảnh thì gọi là Kiến Tánh Vô Sanh. Rỗng lặng thường xuyên khi đối cảnh, và cả lúc không đối cảnh thì gọi là Đại Định Vô Sanh (Định với Kiến Tánh Vô Sanh), Đại Định Vô Sanh là trạng thái không rời thiền.

Với kết quả đó nên Ngài tuyên xưng ngài là Như Lai, là người đã giải thoát (khỏi luân hồi khổ đau), là người thường xuyên trong Đại Định Vô Sanh (lai là đến đây, như là đại định vô sanh. Đến từ Đại Định Vô Sanh để giảng pháp cho các ông tức phải là đang ở trong Đại Định Vô Sanh vậy).

Vậy Thực Tại là trạng thái không rời thiền định, là Đại Định Vô Sanh, trạng thái rỗng lặng thường xuyên. Là trạng thái sống với không trôi lăn, cuốn hút bởi hữu tướng, luôn luôn thấy cái phi tướng. Không bị ảnh hưởng bởi thời gian.

Cái không trôi lăn, phi thời gian này chính là Thiền.

Sống trong bản thể rỗng rang là sống với tánh không, cái sống này vĩnh cửu không còn bị hủy diệt bởi bất cứ cái gì. Như đã giải thích đơn giản ở trên: Cái Không của căn nhà không bị hủy diệt, khi căn nhà bị hủy diệt, thì cái Không của con người sống với thực tại, với tánh không lại bị hủy diệt được sao? Sống trong tánh không là sống trong cái tâm vô sanh, rỗng lặng, là cái sống phi hữu, nhưng thực hữu, uyên nguyên, trầm mặc, mới là cái sống thật sự vĩnh cửu.

Sự chết theo cách gọi của thế gian chỉ là sự chấm dứt cái duyên sống của thân họ với cái sống sinh sinh, diệt diệt hữu vi mà thôi, khi đang sống với tánh không thì cái tâm vô sanh của họ như thế nào, thì khi chấm dứt cái duyên của thân mạng thì tâm của họ vẫn vậy, không chạy theo hữu tướng sinh diệt, thế nên mới gọi là giải thoát. Khi nào thân mạng của họ chấm dứt họ sẽ vẫn trong cõi Vô Sanh, còn gọi là Vô Dư Niết Bàn, hay Vũ Trụ Đại Định, Bản Thể Vĩnh Cửu.

Vậy xin kết luận: Sống với Thực Tại hay Hiện Tiền chính là Thiền Định, cũng là đang sống mà không rời thiền định, phi thời gian, phi không gian (phi tướng), phi biến đổi, sống lặng lẽ, rỗng rang, hồn nhiên, như như.

Trong bài viết: “KHOA HỌC LÀ TỪ ĐÂU, VÀ Ở ĐÂU TRONG CUỘC SỐNG?”

Gởi đăng ở Blog Đông La, thứ 4, ngày 01/03/2017, tôi nhận định về thiền định như sau:

“ … Các thế hệ chúng ta đều được biết, Einstein đã cất công đi tìm một lý luận để nối kết tất cả các lý luận mà người ta gọi là trường thống nhất, nhưng ông ta đã thất bại. Làm sao mà tìm được sự thống nhất khi đang trong sinh diệt? Mọi sự trong sinh diệt đều trôi lăn, cái mà ta gọi là hiện tại, bây giờ, cũng đang trôi thành cái dĩ vãng, dù chỉ một sát na cũng đã khác rồi. (Điều này thấy rõ, trong cái kết quả khác nhau trong công việc đi tìm đo hạt trong bản báo cáo Vật Lý: “Khi Vật lý Gõ Cửa Bản Thể Học” của Tiến Sỹ NTB).

Không biết sau này người ta có thể tìm ra một sự thống nhất không? Nhưng trong TNVTTVTTBB, tôi đã lý luận để giới thiệu sự thống nhất đó, nhưng đúng nhất, thì tôi chỉ làm rõ, giới thiệu một cách của Phật Giáo để đi vào sự thống nhất:

Đó là thiền tánh không, còn có thể gọi là khoa học thiền định cũng đúng.

Trong từng con người đều có thể thực hiện Đại Định Vô Sanh, để đi vào Vũ Trụ Đại Định, vào cái Bản Thể Vĩnh Cửu, mà căn bản của nó là từ thiền định. Nên trong một nghĩa nào đó thì giá trị của thiền là giá trị của Bản Thể Vô Sanh.

Khi nào các vọng tưởng vắng lặng thì trạng thái thiền xuất hiện, ở lâu trong trạng thái này thì vào định. Vào định quen thuộc, ở lâu trong trạng thái định đó là đại định, phối hợp với Kiến Tánh Vô Sanh (trạng thái rỗng lặng hồn nhiên vô sanh lúc đối cảnh trong đi đứng nằm ngồi) thì gọi là Đại Định Vô Sanh.

Đây là trạng thái giải thoát, trạng thái của niết bàn hữu dư, trạng thái đồng bản thể với vũ trụ đại định. Trạng thái của vũ trụ lúc trước Big Bang xảy ra.

Vì sao thiền tánh không lại là cách sau cùng thống nhất con người lại với nhau? Vì trong thiền ấy có 4 đặc tính là: Thường, Lạc, Ngã, và Tịnh. Dầu chỉ nhập được vào thiền ấy 05 phút, thì ta cũng có những đặc tính đó trong người.

“Thường” là sự thường hằng, tâm như như, không biến đổi, không sinh diệt, không bị chi phối bởi bất cứ gì chung quanh.

“Lạc” là sự khinh an, thoải mái, an lạc trong thanh dịu, nhẹ nhàng.

“Ngã” là sự tự tại, tự tánh, độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ gì cả.

“Tịnh” là sự thanh tịnh, vô nhiễm; từ sự thanh tịnh, lòng bi mẫn thật sự, tình thương vô vị lợi, lòng đại bi phát sinh tới muôn loài, muôn vật.

Với 4 đặc tính này, thấy được giá trị của thiền, mới thấy được vai trò thống nhất của nó, thiền mới là phương cách đem con người lại với nhau, không nghi kỵ nhau, chống báng nhau, nên sẽ dễ dàng cùng nhau hợp tác phát triển xã hội, làm việc cộng đồng. Dường như ở Nhật người ta có áp dụng thiền vào chương trình giáo dục?

Khoa học gia có trí tuệ từ thiền định, sẽ hiểu được những gì thuộc về phi hữu mà những phuơng trình, những bài toán của mình chưa với tới được, biết đâu nhờ thiền định, khoa học gia sẽ tìm ra được sự liên kết giữa thế giới hữu vi (hữu) và vô vi (phi hữu)?

Các vị lãnh đạo có trí tuệ từ thiền định mới khiến họ thương dân, thương nước với lòng từ bi thật sự, họ sẽ cần mẫn với nhiệm vụ, sẽ không còn mơ màng tới tham nhũng, mánh mung tư lợi nữa.

Thế nên trong nhà thiền có câu: “tri không không giác hữu” tức là: “biết không rồi biết có” là vậy.

Giá trị của thiền là cái dễ nhất có thể đem áp dụng cho mọi con người, không cần phải thông minh quán thế gì cả, mà ngay một người ít thông minh cũng có thể thực hành được. Thế nên thiền là phương pháp thống nhất con người lại với nhau. Là tôn giáo tương lai của nhân loại.

Với Kiến Tánh Vô Sanh, có được trí tuệ từ thiền định, tiến tới Đại Định Vô Sanh, để sau cùng thể nhập Vũ Trụ Đại Định, cũng là Niết Bàn Vô Dư, Bản Thể Vĩnh Cữu, bất diệt.

Trên đây, tôi đã dùng những giá trị của Phật Giáo để mà giải trình Bản Thể và Thực Tại, nêu rõ giá trị của Thiền Định, và thiền chính là cách nối kết con người ngồi lại với nhau, an hòa thật sự.

Vậy thì, câu: Einstein tuyên bố (Xin tóm tắt) “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu… Phật Giáo đáp ứng được nhu cầu ấy, nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu hiện đại của Khoa Học thì đó là Phật Giáo”

Và câu: Egerton C. Baptist (Tóm tắt) “Phật Giáo bắt đầu ở chỗ Khoa Học chấm dứt”.

Mà nếu đúng là quý ông này đã nhận định, tuyên bố như trên thì đó là những nhận định trí thức vừa khít với giá trị của Phật Giáo. Chứng tỏ họ là những người có trí tuệ, vừa giỏi về Khoa Học lại vừa tiến gần đến sự rốt ráo, thấu triệt Bản Thể, Thực Tại sau cùng.

Còn nếu họ không có những nhận định như vậy, mà ai đó đã gắn những câu tuyên bố đó cho họ, thì chính họ, là những người đã được hời quá, với một mùa bội thu cho trí tuệ, tư duy và danh tiếng của họ, chứ họ có mất mát gì đâu?

Trần Ngẫu Hồ