Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Nghề kiếm tiền





Nghề kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, tức là có sự ràng buộc về văn hóa, đạo đức, nghĩa vụ kinh doanh,… Còn nghề kiếm tiền thì không cần, mong sao kiếm được nhiều tiền, còn làm gì sau đó là câu chuyện khác.

Người kiếm tiền nhiều hơn người kinh doanh

Trong trà dư rượu tửu, bạn bè tôi thường ví von rằng toàn xã hội đang chạy đua vào cuộc kiếm tiền hơn là kinh doanh khi mà người người kiếm tiền, nhà nhà kiếm tiền.

Kinh doanh về cơ bản cũng là kiếm tiền nhưng có sự ràng buộc về văn hóa, đạo đức, nghĩa vụ kinh doanh,… còn kiếm tiền thì không cần, mong sao kiếm được nhiều tiền, còn làm gì sau đó là câu chuyện khác, tùy thích.

Hiện tại người kiếm tiền đơn thuần nhiều hơn là người kinh doanh. Nền tảng triết lý kinh doanh và kiếm tiền đã không được rành mạch nên hệ lụy đang gây ra cho xã hội, đã và đang làm “mất sướng” người kinh doanh, giúp người kiếm tiền hả hê.

Kiếm tiền được thể hiện ở nhiều phương pháp, chân chính và phi pháp, … và với nhiều phương thức, miễn làm sao kiếm được tiền, nhiều tiền.

Ở nội dung bài viết này chưa đi sâu vào việc kiếm tiền nêu trên, chỉ xoay quanh phương pháp kiếm tiền của một bộ phận công chức, viên chức ngồi ở vị trí làm việc làm khó người dân, doanh nghiệp để ăn tiền.

Việc kiếm tiền này có sự đầu tư ban đầu hay dựa vào thế lực của người có quyền sắp đặt vị trí dễ làm ra tiền bắt người dân, doanh nghiệp phải đưa tiền, đã góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội, và gián tiếp phá hoại chủ trương, chính sách của nhà nước.

Hiện tượng “tham nhũng vặt” nhưng phổ biến này đang gây nhức nhối cho xã hội nhưng biện pháp ngăn chặn chưa được tương xứng.

Để so sánh về tiền thì giới doanh nhân không thể so bì với “một bộ phận không nhỏ” công chức, viên chức có quyền. Có quyền ở đây không có nghĩa là làm chức to.

Người viết không dám nêu cụ thể, nhưng ở nơi nào có nhiều “cò” hoạt động là nơi đó dễ kiếm tiền, nhiều người cũng biết nhưng không làm gì được. Lỗi là người dân mang tiền đến chứ họ không yêu cầu và hệ lụy là người kinh doanh chân chính ngày càng sụt giảm, vì người kiếm tiền ngày càng phát triển ở nhiều cấp, nhiều nơi.

Tìm nguyên nhân để hạn chế việc bôi trơn, tiêu cực, phát triển kinh doanh thì các cơ quan chức năng đã nói nhiều nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, do sợ đụng chạm dây mơ, rễ má, mà sau nay đã phố biến với cụm từ “lợi ích nhóm”.

Nghề kiếm tiền tăng thì nghề kinh doanh sẽ giảm

Người viết có dịp chứng kiến cán bộ lãnh đạo tỉnh nọ nói chuyện với nhau là ngày nghỉ ông đi “cuốc đất” ở đâu mà tắt điện thoại. Người viết ngu ngơ còn hỏi lại là về quê trồng rau, thì họ cười, không phải mà là đánh ô tô đi chơi golf.

Thành phần chơi golf hiện nay là doanh nhân, khách nước ngoài và đặc biệt là công chức, viên chức. Nếu cấm hay chi li thu nhập các công chức, viên chức chơi golf thì các sân golf sẽ mất một nguồn thu đáng kể. Một số người chơi golf mất một cơ hội giao lưu có chủ ý để moi thông tin, dự án, đặc ân trong kinh doanh, đầu tư và chính sách từ các quan chức trên sân golf.

Ngoại giao, thể dục chỉ là cái cớ của một số người dựa vào chơi golf. Môi trường sân golf cũng thuận lợi cho việc cá độ, việc giả vờ thua độ. Để góp phần vào công cuộc chống tham nhũng cần có quy định yêu cầu công chức, viên chức phải giải trình tiền đâu ra để chơi golf và các loại trò chơi cần phải nhiều tiền khác.

Người chơi golf hầu hết là có ô tô, có đầy đủ đồ chơi, và chắc chắn phải có tiền gấp nhiều lần thu nhập chính đáng của công chức, viên chức hưởng lương.

Nghề kiếm tiền tăng thì nghề kinh doanh sẽ giảm và ngược lại, hệ lụy xã hội, là làm nản chí người có tâm huyết phụng sự xã hội thông qua việc kinh doanh. Nghề kiếm tiền thông qua việc “bôi trơn” và biến chứng của nó đã làm đảo lộn đạo đức xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm ra của cải, phát triển, đẩy mạnh sản xuất.

Muốn xã hội phát triển là phải phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa nghề kiếm tiền ngoài luồng của một số bộ phận công chức, viên chức. Muốn vậy các cơ quan quản lý nhà nước phải phân định được ranh giới, tiêu chí của nghề kinh doanh và nghề kiếm tiền.

Chuyện tưởng dễ nhưng sẽ rất khó khăn với một bộ phận cán bộ đang làm công tác quản lý miệng nói liêm chính nhưng lại là những con sâu kiếm tiền siêu hạng.

Đảng viên và người dân phải mạnh tay lôi những cán bộ công chức tham tiền thoái hóa ra khỏi bộ máy nhà nước. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây mất lòng tin của người dân đối với nhà nước đều do cán bộ viên chức thoái hóa gây ra mà kiếm tiền nhờ vào vị trí công việc chỉ là điểm khởi đầu.

Cũng xin được cập nhật thêm là nhà nước phải nghiên cứu để công chức, viên chức có thu nhập, yên tâm ở vị trí công tác của mình, và nếu có thu nhập thêm ngoài luồng trong thời kỳ quá độ thì cũng được minh bạch ở mỗi cơ quan, đơn vị, dù rất khó khăn ở từng vị trí công tác, nhưng sẽ làm được.

Ví dụ ở nhiều nhà hàng tiền “bo”, tiền “típ” được để vào hộp chung rồi được chia đều sau mỗi ca làm việc mà họ còn minh bạch được thì không có lí do gì ở những cơ quan, đơn vị toàn người có học lại không làm được.

Việc mạnh ai nấy lo liên quan đến thu nhập ngoài lương của cán bộ, viên chức cần được chấm dứt trong các cơ quan công quyền, cần được bàn thảo nghiêm túc với các giải pháp hữu hiệu mà thời gian qua làm chưa tốt.

NGUYỄN XUÂN LAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét