" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017
Phật Giáo Chưa Bao Giờ Có Ảo Tưởng, Ảo Giác, Nói Chi Tới Thời Thượng -
Phật Giáo Sẽ Giúp Mở Cửa Bản Thể Như Thế Nào?
Trần Ngẫu Hồ
LTS: Tòa soạn đăng bài này chỉ vì có liên quan đến một bài chúng tôi đăng trước đây để tự cảnh giác về việc dẫn chứng một vài câu nói được truyền tụng sâu rộng, thích hợp với lời dạy của Đức Phật: "03. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền." Ngoài ra chúng tôi không có ý kiến về nội dung khác trong triết lý Phật giáo. (SH)
Cuối tháng 5 vừa rồi, xuất hiện hai bài viết liên can tới Phật Giáo, một của nhà văn Đông La (ĐL), bài: “Đạo Phật Bị Lộn Ngược Theo Con Mắt Thịt Của Trần Mạnh Hảo” mà ông ĐL đã viết để chỉnh sửa ông nhà văn Trần Mạnh Hảo (TMH) về những nhận xét sai lạc của ông ta về Phật Giáo (PG), và khi đọc kỹ thì tôi lại thấy ông ĐL đã giơ cao mà đánh khẽ, tôi thấy ông ĐL vẫn còn giữ lòng nhân, chưa nêu hết cái thiếu tri thức về Phật giáo của ông nhà văn đã vô tình hay cố ý làm giảm giá trị của PG này. Tôi sẽ phân tách những sự không hiểu biết về Phật giáo của ông nhà văn này qua những dòng dưới đây.
Còn bài kia là bài: “Phật Giáo Với Những Ảo Tưởng Thời Thượng” của tác giả Trần Trọng Sỹ. Vừa đọc tựa đề của bài này, tôi cảm thấy hơi có gì quá đáng trong đó, nhưng khi đọc kỹ nội dung của toàn bài, thì thấy ông này không có ý dè bỉu, chê bai gì Phật Giáo cả, mà ngược lại tác giả còn bầy tỏ sự trân trọng với Phật Giáo nữa là khác. Nôi dung của bài viết cho thấy ý của tác giả muốn kêu gọi những trích dẫn nhận xét của những nhà khoa học lớn trên thế giới về những giá trị của Phật Giáo cần phải thận trọng và cần có dẫn chứng nguồn đường hoàng, chứ không nên nhắm mắt dẫn chứng đại, khi chính mình chưa đưa ra được nguồn một cách rõ ràng.
Nếu tôi hiểu đúng ý tác giả là như vậy, thì tựa đề là: “Phật Giáo Với Những Ảo Tưởng Thời Thượng” lại có vẻ bao quát, thâu gồm và ám chỉ toàn thể những gì thuộc về Phật Giáo, mà lẽ ra với nội dung của bài viết để kêu gọi sự trích dẫn cần thận trọng hơn, thì chỉ nên đề là: “Phật Tử Với…” hay những “Hành Giả Phật Giáo Với Những Ảo Tưởng Thời Thượng…”, thì có vẻ thích hợp hơn. Có lẽ tác giả muốn gây sự chú ý cho người đọc chăng?
Với thiện ý kêu gọi sự thận trọng này của tác giả, cá nhân tôi, thấy đây là một thái độ đúng đắn của một người viết trí thức. Thế nên, tôi là một Phật Tử bình phàm, cũng mong có được sự góp ý để làm sáng tỏ thêm cho vấn đề.
Cũng như cố giáo sư Trần Chung Ngọc (TCN), và giáo sư sử học Nguyễn Mạnh Quang (NMQ), sự đóng góp tri thức của tác giả Trần Trọng Sỹ về những bài viết về sự thật của Catô Lích, về thời sự, về giá trị của Phật Giáo là những vốn kiến thức rất đáng trân trọng, rất cần thiết và rất quý báu cho cộng đồng đọc sách ở hải ngoại cũng như quốc nội. Xin được tuyên dương thiện ý của nhà phê bình Trần Trọng Sỹ trong những công tác nêu lên những sự thật thời sự, lịch sử này.
Thế nên, để góp ý với tác giả Trần Trọng Sỹ, và cũng để gây sự chú ý của người đọc, bằng cách lật ngược chủ đề, song song với việc để mong làm sáng tỏ giá trị của Phật Giáo đối với khoa học với chủ đề:
“Phật Giáo Chưa Bao Giờ Có Ảo Tuởng, Ảo Giác, Nói Chi Tới Thời Thượng?”
Bài viết này của tôi không có ý đối nghịch gì với tác giả Trần Trọng Sỹ cả, và trong ý nghĩa góp ý này, nếu có sự thiếu sót, mong có sự chỉ dậy từ các vị thức giả, xin được cám ơn trước.
Đồng thời tôi cũng muốn giới thiệu một phần bài nói chuyện của Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách mang tựa: “Khi Vật lý Gõ Cửa Bản Thể Học”.
Trong bài này có một vài đoạn tôi cũng muốn phân tách, vì bài viết rất hay của ông, và cũng vì nó cũng có liên hệ tới chủ đề tôi muốn nói hôm nay. Bằng những sự phân tách mang tính xác định, với chủ đề:
“ Phật Giáo Sẽ Giúp Mở Cửa Bản Thể Như Thế Nào? ”.
Trước hết, xin được nêu rõ tà ý của nhà văn Trần Mạnh Hảo, bằng sự lạc dẫn những giá trị của Phật Giáo.
Phần 1: Nhà văn Trần Mạnh Hảo đã lạc dẫn dư luận về giá trị của Phật Giáo như thế nào khi diễn giải sai ý nghĩa, giá trị của dục lạc trong Phật Pháp?
Tôi đã đọc kỹ bài: “Thời Đức Phật, nhiều người tin rằng tình dục rất thánh thiện” (http://www.nguoiduatin.vn/thoi-duc-phat-nhieu-nguoi-tin-ran…), thì nhận thấy sự đối thoại những vị này với nhau về những lời dậy của Phật trong vấn đề tình dục rất chừng mực, rất trôi chảy và khai thông, nghĩa là không có những nhận xét cực đoan nào trong đó, nhưng ông TMH đã dẫn chứng chỉ một đoạn cực đoan trong câu hỏi và che lấp toàn bộ câu hỏi của nhà báo, xong lại phân tách sai lạc về vấn đề tình dục theo cái hiểu nông cạn, và rồi dẫn tới kết luận luôn là: “…Cho nên về nguyên tắc DỤC KHÔNG THỂ DIỆT vì DỤC là bản năng con người, chỉ có thể TIẾT DỤC mà thôi…”
Câu hỏi của nhà báo, mà chính ông ta, người hỏi, cũng biết, là để dành cho những người thoát ly gia đình, đi theo con đường giải thoát giác ngộ của đức Phật, câu trả lời cho người ký giả Mỹ của nhà Sư cũng theo chiều hướng đó. Và trong đó, nhà Sư có nhắc nhở rằng với những dục lạc thế gian của thường nhân thì Phật Giáo không cấm đoán.
Nhưng khi trưng dẫn, ông TMH cố tình để sát câu hỏi và câu trả lời ngay kế cận nhau, sau khi đã gọt hết những ý đã giải thích chúng:
Với mục đích để cho người đọc (TMH) thấy Phật Giáo là một tôn giáo bất bình thường, quá quắt, không đáng để nương tựa vào, cố tình hướng dẫn độc giả tới kết luận, Phật Giáo đã xem dục tình thế gian là cái gì ghê tởm qua ý trích dẫn của ông TMH.
Xin đọc kỹ trưng dẫn và ý tưởng cố tình bóp méo khi trưng dẫn của ông nhà văn này: <Trích>:
“Đọc kinh Phật ta thấy một số điều cực đoan, quá trớn được cho là lời Phật dạy… Ví dụ như câu nói về diệt dục rất cực đoan, rất dung tục sau đây lại được gán cho lời Phật dạy:
Ký giả Mỹ Simon Alex hỏi vị sư Tích Lan Bhante Gunaratana câu nói dưới đây có phải lời Phật dạy không: “Thà rằng đưa dương vật vào miệng một con rắn độc hay một con rắn hổ mang kinh tởm có lẽ còn tốt hơn là đưa nó vào một người đàn bà". Nhà sư thường đi giảng kinh Phật trên khắp các đại học danh tiếng trên thế giới thừa nhận rằng đúng là lời này có ghi trong kinh Phật.
(Trích bài :'Thời Đức Phật, nhiều người tin rằng tình dục rất thánh thiện' (http://www.nguoiduatin.vn/thoi-duc-phat-nhieu-nguoi-tin-ran…) (Ký giả Simon Alev của tờ "Giác ngộ là gì" (What is Enlightenment) của Hoa Kỳ phỏng vấn một nhà sư Tích Lan, ngài Bhante Gunaratana về chủ đề Phật giáo và tình dục.)
Dục nghĩa là ham muốn, mà ham muốn lớn nhất trong dục là ái dục, tức tình yêu trai gái. Dục (ham muốn) là bản năng của sinh vật nói chung, con người nói riêng. Khát nước đòi uống là dục, đói đòi ăn là dục, ham muốn ái tình là dục, thở khí oxy vào để sống là dục, tham giàu là dục, tham chức quyền là dục (nằm trong bản năng thống trị kẻ khác của sinh vật), tham sống sợ chết là dục, ham muốn được giải thoát, được giác ngộ cũng có thể được coi là dục…
Nói tóm lại, DỤC phần lớn là bản năng tự nhiên, sinh ra đã có trong con người. Cho nên về nguyên tắc DỤC KHÔNG THỂ DIỆT vì DỤC là bản năng con người, chỉ có thể TIẾT DỤC mà thôi. Ngay đến cả Đức Thích Ca Màu Ni sau khi giác ngộ thành Phật lúc 35 tuổi, cho tới khi Ngài viên tịch năm 80 tuổi vẫn còn bị DỤC đeo đẳng; vì Ngài vẫn chưa thoát khỏi vô thường đói ăn khát uống, còn phụ thuộc vào các hành như phải thở, phải ăn, phải uống, phải làm các hành vi trao đổi chất của con người, thì sao lại đề ra tiêu chí DIỆT DỤC cực đoan như thế? Nên nhớ là Đức Phật tổ năm 80 tuổi đã viên tịch vì ngộ độc thức ăn; chính Ngài khi tại thế cũng chưa thoát khỏi vô thường… Sau khi viên tịch, Ngài nhập Niết Bàn. Còn Niết Bàn là gì, ở đâu, tồn tại trong dạng thức nào thì Phật không nói. Chúng sinh phải tự tìm ra Niết Bàn trong tâm mình khi đã giác ngộ thoát khỏi tham, sân, si, đạt tới cõi từ bi hỉ xả…
Việc một số kinh sách được gán cho là lời Phật dậy (ngụy tạo) có thái độ lên án gay gắt, thậm chí phỉ nhổ, nguyên rủa hành vi tính giao của con người là một sự vô lối, một ứng xử thiếu văn hóa người, mà thiếu văn hóa người thì cũng thiếu văn hóa Phật…Thử hỏi ai trong chúng ta, kể cả Đức Thế Tôn không được sinh ra bởi hành vi giao phối giữa cha và mẹ mình?” <Hết trích>
Đọc kỹ tôi thấy trong đoạn văn trên của ông TMH là đã giảng giải sai lạc giá trị của Phật giáo hơn là làm sáng tỏ vấn đề giải thích về Dục Lạc của đời thường, hơn nữa ngay cả một người Phật Tử trung bình, ai ai cũng đều biết Phật đã dạy ngũ giới, và nhấn mạnh nhiều tới lý nhân quả để răn dậy, cảm hóa chúng sinh Phật Tử.
Lý nhân quả và ngũ giới là những pháp chừng mực, thăng bằng trong Phật Pháp nhưng ông TMH hoàn toàn không nhắc tới, ông chỉ trích dẫn theo kiểu “đoạn chương thủ ý” và giải thích Phật Giáo theo cái thấy hạn hẹp, lạc dẫn, bôi bác nên tôi kết luận là tà ý vì thế.
Đã có kiến thức hạn hẹp, giới hạn về Phật Giáo, ông TMH lại cố với để giải thích những ý nghĩa cao xa của Phật Giáo bằng những nhận định cẩu thả, tô vẽ một cách kém cỏi,về đức Phật. Về đức Phật, ông TMH viết: <Trích>:
“Ngay đến cả Đức Thích Ca Màu Ni sau khi giác ngộ thành Phật lúc 35 tuổi, cho tới khi Ngài viên tịch năm 80 tuổi vẫn còn bị DỤC đeo đẳng; vì Ngài vẫn chưa thoát khỏi vô thường đói ăn khát uống, còn phụ thuộc vào các hành như phải thở, phải ăn, phải uống, phải làm các hành vi trao đổi chất của con người, thì sao lại đề ra tiêu chí DIỆT DỤC cực đoan như thế? Nên nhớ là Đức Phật tổ năm 80 tuổi đã viên tịch vì ngộ độc thức ăn; chính Ngài khi tại thế cũng chưa thoát khỏi vô thường…Sau khi viên tịch, Ngài nhập Niết Bàn. Còn Niết Bàn là gì, ở đâu, tồn tại trong dạng thức nào thì Phật không nói. Chúng sinh phải tự tìm ra Niết Bàn trong tâm mình khi đã giác ngộ thoát khỏi tham, sân, si, đạt tới cõi từ bi hỉ xả…<Hết trích>.
Viết như thế này thì ông TMH chẳng những đã tỏ ra mình thiếu tri thức Phật pháp thấy rõ, và lại còn quá liều lĩnh nữa. Vì với chỉ một người vừa mới thoát ly gia đình theo Phật để mong tìm đến giải thoát khỏi tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), và cuối cùng để thành Phật để được tự do tự tại, thì cũng đã được giáo dục bằng cả rừng kinh điển với những lời giảng của chính đức Phật, từ đơn giản đến những uyên áo, thâm sâu. Song song với việc tiết độ bằng cả hàng trăm những giới luật khe khắt, người tu sĩ được giáo dục ngay từ đầu rằng, phải xem những nhu cầu như ăn, uống, ngủ nghỉ chỉ là những phương tiện và phải giảm thiểu để vừa đủ để tồn tại, và càng đơn giản những nhu cầu này thì càng tốt. Người tu sĩ, nam cũng như nữ chỉ khởi đầu giữ bên mình với ba y (y phục thay đổi) và một bát (để ăn và uống).
Điều chính là phải thực tập thiền định để đạt được trí tuệ từ đó. Trí tuệ là giá trị chính của các thiền sinh sơ cơ mới gia nhập Phật Giáo.
Về cái ăn thì không bao giờ được biến nó thành cái dục ăn, không những vậy, những vị xuất gia này phải không được dùng ngũ vị tân, tức hành, tỏi, tiêu, dấm, ớt hoặc bất cứ thứ gì với ý định để làm cho đĩa đồ ăn thành hương vị thơm, ngon hơn bình thường. Nhất là không được sát hại sinh vật để biến thành thức ăn khoái khẩu cho mình.
Thời đức Phật và cũng có lẽ ngay hiện tại trong một vài tông phái, người tu sĩ chỉ ăn một ngày một bữa, và sau đó chỉ là lao động, học tập và thiền định.
Bia rượu, và những chất kích thích thì cấm tuyệt. Với một người sơ cơ, mới gia nhập vào gia đình Phật Giáo còn phải vậy, huống chi bậc đại thánh đã giải thoát, giác ngộ như đức Phật, được xem như một vị thầy của các loài Trời và loài Người. Hiểu như vậy ta mới thấy cái sự thiếu tri thức của ông TMH khi dám cả gan đặt bút viết: Cho tới khi Ngài viên tịch năm 80 muơi tuổi vẫn còn bị dục đeo đẳng!?!
Ông TMH tuyệt đối không hiểu Niết Bàn là gì khi viết: “Sau khi viên tịch, Ngài nhập Niết Bàn. Còn Niết Bàn là gì, ở đâu, tồn tại trong dạng thức nào thì Phật không nói.”
Thật ra, chẳng phải ngài nhập Niết Bàn sau khi viên tịch như ông TMH hiểu, mà ngài đạt trạng thái Niết Bàn ngay sau sát na nhìn thấy sao mai xuất hiện trên bầu trời ở sau canh 4, sau khi đã đắc lậu tận thông và sau sự từ chối quyết liệt hành vi mời mọc dục lạc của 3 nàng con gái đẹp tuyệt trần.
Từ sau sát na đại ngộ đó, ngài bước khỏi tọa cụ và tuyên xưng trước nhân loại ngài là Phật đã thành.
Vì ngài đã Niết Bàn lúc còn thân người nên kinh sách gọi đó là trạng thái Hữu Dư Niết Bàn,
Thế nên trong lúc đi giảng pháp hóa độ chúng sinh ngài luôn luôn hoặc xưng là “Ta” hoặc “Như Lai”. Từ Như Lai được giải thích như sau: “Lai là tới, Như là Đại Định Vô Sanh”. Người tới từ Đại Định Vô Sanh chính là người đang ở trong Đại Định Vô Sanh vậy.
Nếu không đạt được Hữu Dư Niết Bàn - giải thoát ngay trong hiện đời, hành giả sẽ không thể thể nhập Vô Dư Niết Bàn khi không còn thân mạng, tức đã qua đời.
Đây là điểm tích cực và thực tế của Phật Giáo mà không một tôn giáo nào có.
Đại Định Vô Sanh là trạng thái không còn sinh sinh, diệt diệt trong tâm, là trạng thái lúc nào cũng ở trong thiền định, là trạng thái sạch hoàn toàn tham, sân, si, và các lậu uẩn vi tế, là trạng thái thường xuyên rỗng lặng và sáng suốt với trí giác (Như Như), Phật Tánh với lòng đại bi. Đại Định Vô Sanh chính là trạng thái Niết Bàn Hữu Dư, chính là giải thoát, là trạng thái các chư Phật nỗ lực đạt tới.
Trong tác phẩm: “Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang” (Từ đây xin được viết tắt là TNVTTVTTBB), vừa mới được xuất bản tháng 02/2017, tôi đã giải thích một cách đơn sơ nhưng tạm đầy đủ những vấn đề như Niết Bàn, thiền định, Đại Định Vô Sanh, hoặc sự yên lặng của đức Phật về những vấn đề siêu hình như:
Sau khi ngài nhập diệt là còn hay mất? Vũ Trụ có tạo ra, và cai quản bởi vị Thượng Đế nào không? Vũ Trụ là hữu hay vô hạn, thế giới Big Bang Sinh Diệt này từ đâu mà ra? Còn nhiều vấn đề phi hữu hóc búa khác cũng được giải thích trong tác phẩm này. Mong ông Trần Mạnh Hảo tìm mua và đọc, ông có thể mua sách ở địa chỉ email này: TheTrangVuTru@yahoo.com.
Trong cuốn: “Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II”, trang 265 ,Giáo Sư Trần Chung Ngọc đã viết:
“Ken Tanaka, một giáo sư của viện Phật học Berkeley phát biểu rằng: Rõ ràng là Giáo Hoàng không chịu làm bài tập, nghĩa là không chịu tìm hiểu cặn kẽ, và đã trình bày một quan điểm quá đơn giản về Phật Giáo.”
Tôi cũng thấy ông Trần Mạnh Hảo có quá ít kiến thức về Phật Giáo mà lại với quá cao, khi nhận xét về những vấn đề uyên áo của Phật Giáo như Niết Bàn, sự Giải Thoát của Đức Phật, sự im lặng của Đức Phật, thì thật là khôi hài và thật là tội nghiệp.
Sau cùng, tôi đề nghị ông Trần Mạnh Hảo sau này muốn viết về Phật Giáo thì nên trang bị cho mình những kiến thức căn bản về Phật Giáo, nhất là nếu có thể được, ông TMH nên thực hành thiền tánh không của Phật Giáo trước khi viết về Phật Giáo, chỉ để đỡ lộ những khiếm khuyết của chính mình, và cũng để dư luận, người đọc đỡ phải đọc những lời diễn giải lạc dẫn, ngớ ngẩn, bôi bịa của ông về Đức Phật và Phật Giáo mà thôi. Cám ơn ông nhiều lắm.
Phần 2: Phật Giáo chưa bao giờ có ảo giác, ảo tưởng, nói chi tới thời thuợng?
Tôi là một người có trong số những nguời trích dẫn những nhận định của các nhà khoa học nhận xét về Phật Giáo, trong bài: http://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/3529-Phat-giao-Ki-to-giao-doi-chieu-qua-nhung-nhan-dinh-dien-hinh-cua- danh-nhan-tri-thuc-the-gioi.html.
của ông GS Trần Chung Ngọc.
Và trong tác phẩm: “Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang”, tôi đã dùng bài trích dẫn được cho là của Einstein và của Egerton C.Baptist này, trong đó 2 vị này tuyên bố như sau:
Einstein: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi ý nghĩa về Thượng Đế và tránh nói đến những giáo lý và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể mà không rời nhất thể. Phật giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những nhu cầu hiện đại của khoa học thì đó là Phật Giáo”.
[The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism.] (trang 175 TNVTTVTTBB).
Và của Egerton C. Baptist: “Phật giáo bắt đầu ở nơi khoa học chấm dứt”. (Tr.141 TNVTTVTTBB).
Nên tôi nghĩ mình có nhiệm vụ góp ý với những phê bình về điều này.
Tháng trước, tôi gặp lại anh bạn đã mua ủng hộ tôi tác phẩm “TNVTTVTTBB” của tôi ở SJ, anh Tiến Sỹ Trần T, trong lúc ngồi nói chuyện tôi có nhắc tới trích dẫn nhận xét của nhà bác học Einstein về Phật Giáo, nhưng anh bạn tôi ngắt lời tôi và nói trong tâm trạng như thất vọng: “Báo cho anh một tin buồn là điều mà anh trích dẫn nói là của Einstein thì người ta khám phá ra là tin giả rồi!”. Tôi cười trả lời anh: “Tin đó là giả hay là thật, thì đối với thực tế không có gì là quan trọng cả, vì như anh đã nhận xét, cuốn sách của tôi là một cuốn sách đầu tiên anh đã đọc từ đầu tới cuối một cách liên tục, trong vòng một ngày, trong khi đó, anh tự nhận là một người đọc chọn lựa và khó tính mà?
Nếu Einstein, hoặc những nhà khoa học nào đó, có những nhận xét như vậy về Phật Giáo, thì chứng tỏ là họ có hiểu sâu về Phật Giáo, và như vậy thì tốt cho họ, vì họ chẳng những là những người toàn triệt, đã giỏi về khoa học lại còn rành rẽ về đạo học, bản thể học. Còn nếu họ hoặc ông Einstein không tuyên bố như vậy, thì giá trị của Phật Giáo cũng vẫn thế, nghĩa là chẳng thay đổi gì cả”.
Vâng, đúng vậy, sở dĩ tôi trích dẫn hai lời nhận định như trên từ bài viết: http://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/3529-Phat-giao-Ki-to-giao-doi-chieu-qua-những-nhận-dinh-dien-hinh-cua-mot-so-danh-nhan-tri-thuc-the-gioi.html”
Trong bài này, trừ phần đầu, GS TCN đã phê bình, nhận xét về Catô Lích, còn phần sau, GS TCN đã trích dẫn tóm tắt những nhận xét rất tích cực của hàng mấy chục các nhà khoa học, trí thức, cả những người chức sắc Catô Lích nữa về Phật Giáo, tất cả đều bày tỏ sự ngưỡng mộ chân thành, cảm phục cao độ của họ về những giá trị chân thật của Phật Giáo, và vì thế nên tôi thấy sự ngưỡng mộ của các khoa học gia, trí thức tây phương với Đức Phật và Phật Giáo là có thật.
Nhưng điều cốt yếu nhất là người trích dẫn có tư duy sâu xa đủ để thấy, hiểu những trưng dẫn của mình là đúng với giá trị của Phật Giáo hay chăng? Xin được nhấn mạnh, những điều đó được đưa ra để nhận định có đúng với giá trị thật sự của Phật Giáo hay chăng? Chứ không phải là nhờ những nhận định của những nhà khoa học đó mà Phật Giáo trở thành có giá trị, và tôi thấy hai nhận định của 2 vị trên đây với giá trị Phật Giáo là chính xác.
Phần trích dẫn của hai vị này được đặt ở chương cuối của cuốn sách.
Trang 7 của TNVTTVTTBB dẫn lời của Phật trong kinh Viên Giác, trang 8 lời nhận định tóm lược của tác giả Trần Ngẫu Hồ:
“Cuối cùng chỉ còn một sự thật này: Chỉ có cái bất sinh diệt ‘Vô Sanh’, và cái sinh sinh, diệt diệt mà thôi”.
Việc đặt những nhận định của những vị trí thức trong lãnh vực khoa học này ở gần sau cùng của cuốn sách cho thấy, người viết không dựa vào đó để làm sáng tỏ những điều mình viết, tôi đã chứng minh sự hiện hữu của Vũ Trụ Thực Hữu, Phi Hữu trước Big Bang bằng giải thích tâm thành tựu của hai vị Phật đầu tiên của nhân loại là ngài Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Ma Ha Ca Diếp. Tâm đó là tâm rỗng lặng hồn nhiên, là tâm trong trạng thái Đại Định Vô Sanh.
Tôi sẽ tóm lược những chương chính trong tác phẩm để chứng minh Vũ Trụ là một Đại Định phi hữu, thực hữu.
Chương 4 (TNVTTVTTBB trang 55), nêu 2 nhận định của 2 nhà khoa học Eisenberg và Trịnh Xuân Thuận cho rằng Vũ Trụ Thế Giới của chúng ta, bao gồm cả con người đều ra từ Big Bang, Trang 58 của TNVTTVTTBB, trưng dẫn lời nhận định của GS Trịnh Xuân Thuận như sau:
“Tôi (TXT) muốn thêm vào: “Khoa học đã phát hiện ra một khía cạnh khác, mối liên kết của vũ trụ này: Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ Big Bang…”
Và trang 65 của TNVTTVTTBB viết: <Trích> …“Tóm lại, vì: Trong mỗi chúng ta, vừa mang một lịch sử của sự khởi đầu, chúng ta đã biến đổi, kết hợp, chập lên nhau và tiến hóa từ những hạt bụi đầu tiên (tức là trong mỗi chúng ta đều có dấu ấn của Big Bang, sinh ra từ Big Bang, tức khởi đầu của sinh diệt, chúng ta sẽ làm rõ nghĩa, chính chúng ta hàm chứa Big Bang ở những trang sau).
Và nay, trong mỗi chúng ta lại đều có hàm chứa một cái trước khởi đầu. Đó là Đại Định Vô Sanh, thì rõ ràng Đại Định Vô Sanh chính là Vũ Trụ Đại Định, tức là cái vũ trụ trước khi có vũ trụ sinh diệt hay theo cách gọi của những nhà khoa học là Big Bang.
Đại Định Vô Sanh là nỗ lực và đích đến của Đức Phật Thích Ca. Và cũng là của tất cả con người chúng ta về sau.
Chúng ta là từ Big Bang mà ra, thế hệ sinh sinh, diệt diệt biến hóa từ Big Bang, sinh sinh, diệt diệt không ngừng nghỉ kể từ sau Big Bang, trong tất cả con người chúng ta lại có cái không sinh diệt là Đại Định Vô Sanh, vậy thì quá rõ ràng trước Big Bang là một Vũ Trụ Đại Định (Đại Định của tất cả con người gộp lại), thật là dễ hiểu, như chuyện bày trước mắt.” <HếtTrích>
Như vậy, thể trạng của Vũ Trụ là một Đại Định Phi hữu, nhưng thực hữu đã có từ trước đức Phật, đã có từ trước khi Big Bang xảy ra, điều còn lại là chứng minh đuợc điều đó.
Và tôi đã chứng minh một cách đơn giản như sau:
Con người đã nhận biết thế giới Big Bang qua cái thức của con người, không có cái thức của con người thì thế giới sinh diệt Big Bang không thể nhận biết, nên nơi trang 64 TNVTTVTTBB đã viết:
“Vì thế nên con người, vừa là đại diện sinh động của sinh diệt (tức Big Bang) và đồng thời cũng lại là gốc tích sau cuối của sinh diệt, lại vừa đóng vai trò chính thức, tiền phong và rõ nét của tiến hóa.
Và nay, ta lại đồng ý với nhau trong mỗi con người đều có thể đạt được Đại Định Vô Sanh, và sống trong Đại Định Vô Sanh để giải thoát ra khỏi sinh diệt khi đang sống trong sinh diệt (tức Big Bang) .
Chúng ta có thể thấy sự kiện này qua những trường hợp đại diện rõ ràng như ngài Phật Thích Ca, ngài Ma Ha Ca Diếp, và các vị tổ của thiền tông. (Tuy vậy, theo thực tế, như sự xác định và sự chỉ dậy của đức Thích Ca thì Đại Định Vô Sanh hay Phật Tánh đều đã có sẵn trong mỗi con người sinh diệt là chúng ta).
Và các ngài đã sống trong Đại Định Vô Sanh khi đang còn mang thân xác hữu hình (Thân xác sinh sinh diệt diệt). Thì rõ ràng là trước Big Bang (Hay trước các sinh diệt) phải là một Vũ Trụ Đại Định.
Hay nói khác đi, Đại Định Vô Sanh là mẫu số chung cho tất cả các chúng sinh cùng tướng trạng trên trái đất chúng ta” …
Tôi nghĩ, sự luận trình như vậy đã rõ ràng và đầy đủ để thấy là trước Big Bang là một Vũ Trụ Đại Định, và muốn thể nhập vào Vũ Trụ đó, thì con người chúng ta phải đạt được trạng thái Đại Định Vô Sanh, là trạng thái mà đức Phật thích Ca đã nỗ lực đạt được.
Vậy Đại Định Vô Sanh là gì? Đó là trạng thái thường xuyên trong thiền, khi nào tâm ta không có những tạp niệm mà nhà Phật gọi là những tư tưởng sinh sinh, diệt diệt (nổi lên, rồi lại chìm xuống) trong tâm ta, thì đó là trạng thái thiền, đó là trạng thái rỗng lặng, hồn nhiên, như như và trạng thái này chính là bản thể của Vũ Trụ trước khi Big Bang xảy ra.
Tình cờ, tôi đọc bài: “Khi Vật Lý Gõ Cửa Bản Thể Học” của Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách (NTB), viết năm 2013, và sau khi đọc kỹ bài này, tôi cảm thấy luận trình về thể trạng của Vũ Trụ trước Big Bang là một Đại Định rỗng lặng là đúng.
Ông NTB viết: <Trích> “Lấy ví dụ, cái bàn này là một hạt hạ nguyên tử, nó không nằm yên. Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn nơi khác thì nó không có mặt. Nếu dùng thước để đo, ban đầu chúng ta đo, nó dài 3m, nhưng sau đó, chúng ta đo lại thì chỉ còn 2,5m, lần sau nữa thì lại 3,5m. nó xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên, không tuân thủ theo quyết định luận của Newton.
Dĩ nhiên, tính ngẫu nhiên này chỉ xuất hiện trong mức độ nhỏ nhất của vật chất. Mức độ này rất nhỏ, chúng ta không thể tưởng tượng được, mức độ đó phải được cộng thêm với 17 con số 0 nữa mới thành một centimet. Đó là mức độ nhỏ nhiệm nhất của vật chất, với mức độ đó, người ta hy vọng nếu khám phá được quy luật vật chất thì sẽ khám phá được thế giới, bởi nó là viên gạch cuối cùng của ngôi nhà vụ trụ, nhưng người ta không ngờ đến mức đó, hành tung của vật chất lại không như chúng ta chờ đợi. Do đó hàng loạt vấn đề triết học được đặt ra về tự tính của thế giới. Heisenberg nói: cái thiên nhiên, cái nature dường như xuất hiện theo cách chúng ta hỏi nó. Bởi vì khi thì nó xuất hiện theo dạng từng hạt, lúc thì xuất hiện theo dạng sóng, về mô hình, hai dạng này không tương thích với nhau. Nhưng nếu chúng ta mở một thí nghiệm khảo sát hạt thì nó có vai trò của hạt thật. Nhưng nếu chúng ta đo để xem vật chất có phải là sóng hay không thì nó cũng là sóng thật. Thiên nhiên là gì thì chưa biết, nhưng dường như nó trả lời theo cách mà chúng ta hỏi nó. Thế thì ý thức con người có ảnh hưởng gì lên thiên nhiên?
Ngày trước, người ta nói thực tại là gì không biết, nhưng nó luôn tồn tại độc lập, không bị ý thức con người ảnh hưởng lên nó. Con người dù có chết đi nữa thì thực tại vẫn là thực tại. Nhưng bây giờ, ở hạ nguyên tử thì ý thức xem ra có thể tác động lên được. Dường như thực tại là cái gì đó “nói chuyện” với ý thức, và có những nhà khoa học đi xa hơn, họ nêu lên vấn đề: phải chăng khi ý thức khảo sát thực tại thì chính lúc đó ý thức “tạo tác” ra thực tại, phải chăng thực tại là một sản phẩm do ý thức bày ra. Cho nên ngày nay mối quan hệ giữa thực tại và ý thức đã được đặt ra…<Hết Trích>.
Nhưng tận cùng của vật chất là Không, đúng như với lời dậy của đức Phật cho ông Anan trong kinh Lăng Nghiêm:
“Này ông Anan, nếu ông lấy một vi trần (Một hạt bụi nhỏ nhất bay trong không khí, chỉ thấy được qua khe nắng) chẻ ra làm 7 lần ông sẽ có một cực vi, ông lại lấy 1 cực vi này chẻ ra làm 7 lần ông sẽ có một siêu vi, nếu ông chẻ 1 siêu vi này làm 7 lần thì ông sẽ có một lân hư trần, và nếu ông chẻ lân hư trần này 7 lần thì sau cùng sẽ là hư không (cái không).”
Tôi sẽ triển khai, giải thích cái Không này chính là Bản Thể ở những trang sau.
Trong bài: “Khi Vật lý Gõ Cửa Bản Thể Học”, Ông Tiến Sỹ NTB viết: “…Khi nào chúng ta nhìn thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn đi nơi khác thì nó không có mặt..”.
Xin được mạn phép thêm thắt làm sáng tỏ hơn những câu của T/S NTB theo cách thế của Phật Pháp xem sao nhé:
“Khi nào chúng ta nhìn nó (với cái tâm đi tìm xem nó là gì?) thì nó sẽ có mặt”
“Khi nào chúng ta không nhìn nó (tương đương với tâm không: không nhìn thì với vật đó tâm ta là tâm không đi tìm) thì nó không có mặt”
“Khi nào chúng ta tìm nó (với sự chăm chú) thì nó sẽ là hạt cho chúng ta đo.”
“Khi nào cúng ta tìm nó với tâm hăm hở, ào ạt, hồ hởi thì chúng sẽ là sóng”
Như vậy, vật chất chẳng phải là hạt, cũng chẳng là sóng (mà đúng thật là không). Nhưng chỉ vì tâm của hành giả, lúc đi tìm nó như thế nào mà nó trở thành hạt hay là sóng.
Cũng vậy, chẳng phải là vật chất lúc đo được 3m (theo thí dụ của T/S NTB), lúc sau lại đo được 2m5.
Mà là tâm của hành giả lúc đo (Đang ở trạng thái sinh diệt: Tư luơng, tìm hiểu) nó khác nhau nên thành ra lúc 3m, lúc 2m5.
Có giống không? Sự kết luận của ngài Lục Tổ (638-713) năm nào, cách nay tới hơn 13 thế kỷ?
Tôi thấy giống lắm, ngài nói khi nghe 2 ông Tăng tranh cãi gió động, hay phướn động khi nhìn thấy cờ bay:
“Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động. Mà do tâm hành giả động”.
“Phải rồi, vì do tâm của hành giả động nên đã quyết đoán và tranh cãi gió làm chủ tể, hay phướn làm chủ tể.
Hãy đưa cho ta xem cái gì được gọi là gió? Cái gì là phướn? Cái cột, cái dây treo hay miếng vải là Phướn? Cái Không khí hay sự chuyển động của không khí là Gió? Đi tìm ngay chính chúng cũng đã chưa ra chủ tể, sao các ông lại tranh nhau (cái tưởng là) chủ tể của chúng mà làm gì?
Vã lại, chúng chỉ nương nhau mà tạm có thôi. Gió chẳng nổi lên sao phướn lay động? Cũng nhờ phướn lay động nên gió thành “thấy được rõ đang động” (cây, cỏ, vật chất lay cũng trong phạm trù của phướn). Cũng vì Tâm của các ông động nên không thấy được cái gốc không động của vấn đề, chứ tuyệt nhiên (chia chẻ tận cùng) thì chúng chỉ là không mà thôi.
Càng tranh luận, càng giành phần đúng về mình thì tâm càng động”.
Cũng thế, tận cùng của vật chất là Không, vậy mà các ông (Khoa Học Gia) cố tìm nó nên “tâm sinh diệt đi tìm” của các ông đã tương tác (mạnh) lên nó, cái không đó, nên nó thành ra hạt hay sóng cho các ông đo. Tâm tương tác mạnh lên nó (hăm hở nhiều, hồ hởi nhiều) thì nó thành sóng, tâm tương tác yếu lên nó thì nó thành hạt. Chứ các ông khi không nhìn (Tương đương với không đi tìm, sinh diệt) thì nó có hiện ra đâu? Nó là Không mà các ông đo đạc cái gì đây?
Trong TNVTTVTTBB tôi viết: Giữa tâm sinh diệt và phi hữu có một lằn ranh mong manh, mơ hồ. Nay ta thấy rõ tâm đi tìm của ta có thể ảnh hưởng lên nó (cái lân hư này, tức cực vi) nên nó lúc là hạt, lúc là sóng như bản báo cáo của T/S NTB.
Nhưng tới phạm vi vi mô, phạm vi hạt thì thấy tâm sinh diệt rõ hơn. Trong bản báo cáo của Tiến Sỹ NTB, (xin được cám ơn Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách).
Và với sự giải thích như trên, chúng ta đi tới giải trình và kết luận về Bản Thể như sau:
Bản thể là sự thật sau cùng, sự thật này chính là “Cái Không” sau cùng của vật chất. Cũng là cái Không không xuất hiện, trong sự không nhìn của các Khoa Học Gia, trong bài viết của ông NTB. Cái Không này cũng là cái Không mà Đức Thích Ca dậy cho ông Anan, cũng chính là cái Không (rỗng lặng, hồn nhiên) mà ngài đã “kiến tánh” ở ngay sau sát na nhìn thấy sao mai hiện trên bầu trời, mà sau này tôi đặt là Kiến Tánh Vô Sanh, rồi sau đó ngài hợp Kiến Tánh Vô Sanh với Đại Định để trở thành Đại Định Vô Sanh, tức trạng thái thường xuyên không rời Thiền, trạng thái rỗng lặng hồn nhiên thường xuyên để trở thành Phật.
Ngang đây, chúng ta hãy thử dùng những giá trị của Phật Giáo để giải trình Bản Thể và Thực Tại:
Kinh Kim Cang, lời Phật dậy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng, phi tướng ắt kiến như lại”. Câu này đã được giải thích nhiều trên dư luận bởi các thiền giả. Nhưng xin được mạo muội giải thích theo cái “thấy” của tôi như sau:
“Những gì thuộc về hình tướng, có hình tướng, đều là giả hữu (giả có) mà thôi. Nếu ai mà thấy được cái không tướng (phi tướng - tướng thật) trong cái tướng, thì là thấu triệt (hiểu) được Đại Định Vô Sanh.
Lai là đến, Như là Đại Định Vô Sanh. Vậy nên, thấy (kiến) như lai, là thấy được Đại Định Vô Sanh. Người đến từ Đại Định Vô Sanh là người đang trong Đại Định Vô Sanh vậy.”
Xin được nêu vài thí dụ để hiển lộ giá trị của không tướng trong thế trần (để dễ hiểu hơn về cái phi tướng trong kinh Kim Cang):
Tôi khoe bạn một bộ ly uống trà từ đầu đời Lý, mà tôi mới sưu tầm, mua được. Tôi và bạn đều trầm trồ những đường nét vẽ trên cái ly, và hoàn toàn không quan tâm tới cái gì chứa được nước trà để mà mình đem lên miệng uống?
Sự cột tâm, chạy theo những nét vẽ trên ly là sự chạy theo hữu tướng, không để ý tới, quan tâm tới cái gì đựng nước trà cho ta uống là không biết tới cái phi hữu của cái ly, đúng không? Chính cái chỗ không của cái ly mới giúp cho chúng ta uống được trà, chứ nếu cái không của cái ly bị đặc, bị chiếm hữu, chúng ta đâu còn xử dụng cái ly đó được nữa? Ngay cả chỉ một chút dơ, đất bám trên cái vành ly, tức cái không của ly đã bị xâm phạm, ta cũng không muốn uống nữa là huống chi.
Cái không của cái tách trà đời Lý, cái không của cái ly bằng thủy tinh rẻ tiền thì cũng chẳng khác nhau, cái không của tách bằng thủy tinh thì cũng giúp ta uống được trà vậy.
Từ cái Không của cái tách trà, ta suy rộng ra những thứ khác cũng vậy thôi, ta cũng nương sống vào cái Không của cái chén ăn cơm, đôi giầy, cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái xa lộ. v..v.. Buổi sáng lái xe ra xa lộ, không cần biết hôm đó xa lộ đông xe bao nhiêu, miễn xa lộ còn cái Không của xa lộ là ta chạy xe được. Cái Không của xa lộ chỉ cần bị chiếm đóng một chút, bởi một cái tai nạn nào đó là cả xa lộ kẹt cứng, hoặc mưa lớn, đất chuồi, hoặc ngập lụt một đoạn nhỏ là cái Không của xa lộ xem như bị chiếm đóng, thế là cả xa lộ coi như hết xài. Chỉ sau khi khai thông những thứ này, thì cái Không của xa lộ mới xài lại được.
Con người chúng ta cũng có cái Không này, bao tử, bọng tiểu mà chẳng Không thì làm sao mà có “tinh thần” ăn uống?
Kinh mạch chẳng Không thì máu huyết sao lưu thông? Lỗ mũi, lỗ tai chẳng Không làm sao hít thở, nghe ngóng?
Thế nên nói vạn vật đồng nhất thể, là ở cái thể Không này, hay cái Phi Tướng (Vô Tướng) trong kinh Kim Cang.
Cái Không này không thể bị hủy diệt bởi bất cứ thứ gì, căn nhà của ta có bị cháy tiêu nhưng cái Không của căn nhà làm sao mà cháy được? Bằng cớ là dọn sạch tro tàn của căn nhà cháy đi, thì căn nhà mới lại có thể được cất lên ngay tại cái chỗ cháy đó và ta vẫn nương vào cái Không của căn nhà mà sống đó thôi. Bom Nguyên Tử cũng chẳng tiêu hủy được cái Không (Nhưng có điều phải đợi cho phóng xạ tan đi thì cái Không ở đó mới xử dụng lại được, rồi phóng xạ cũng phải tan, nhưng cái Không thì chẳng bao giờ tan). Cái Không có thể kéo cho dài tới đâu cũng được, như xa lộ 101 nối dài các tiểu bang miền Tây nước Mỹ, cái Không có thể nhét vào căn nhà xinh xắn, tủ, chai, lọ. Cái Không có thể uốn nắn theo cầu đường, chẳng những vậy con người còn có thể ép cái Không sát nhau, mà cái Không chẳng dòn gẫy: Bỏ 05 bộ quần áo vào cái bao nylon rồi lấy máy hút hút hết không khí ra, cái Không như dính sát vào nhau, tới nơi, lấy quần áo ra, cái Không lại xuất hiện nơi bộ quần áo, và chúng ta lại mặc vào người lại được.
Cái Không dung chứa cái sống là thế, cái sống nương vào cái Không để mà tồn tại là thế, cái Không không thể bị tiêu hủy bởi bất cứ cái gì. Kể cả thời gian cũng không tiêu hủy được nó. Cái Không lại có trong tất cả chúng ta và vạn vật. Cái Không chẳng bao giờ thay đổi, chẳng mới, chẳng già.
Vậy thì cái Không đấy là Bản Thể của vạn vật, chứ còn cái gì có thể là Bản Thể được nữa?
Nhưng kỳ diệu thay, tất cả chúng ta có thể thể nhập vào cái Vô Tướng này, bằng chính tâm Không của chúng ta (Xin xem trong TNVTTVTTBB). Bản Thể đơn giản, dễ thấy như ngay trước mắt vậy.
Không biết lối giải thích đơn giản của tôi, bạn đọc đã thấy, và hiểu và công nhận Bản Thể chỉ là cái Không đơn sơ đó chưa?
Bây giờ chúng ta giải thích thực tại.
Trong TNVTTVTTBB, tôi đã giải thích thực tại như sau: Nếu nói thực tại là bây giờ thì là không sai, nhưng chỉ đúng trên mặt chữ nghĩa, hiện tượng, chứ chưa hoàn toàn đúng một cách rốt ráo. Vì nói bây giờ là nói tới thời khắc này khác với thời khắc đã qua, như vậy vẫn còn trôi lăn. Trôi lăn sao là thực tại được?
Thực tại phải không còn trôi lăn, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai.
Đức Phật Thích Ca sau khi nhập được vào định phi tưởng, phi phi tưởng xứ định, thì ngài vẫn thấy chúng sinh trong cõi đó còn trong luân hồi, khi xuất định ngài hoang mang cùng cực, vì khi vào cái định cao nhất mà vẫn chưa được rốt ráo, còn trôi lăn, luân hồi. Thì đâu là nơi không còn luân hồi, trôi lăn?
Ngài sau đó nhất quyết đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Và như kinh sách đã tường thuật, sau 49 ngày đêm, và sau khi phát hiện sao mai mọc trên bầu trời, thì ngài đại ngộ Vô Sanh.
Nghĩa là thấy (kiến) được cái rỗng lặng, đại định phải ở ngay trong con người mình, chứ chẳng phải từ ngoài đi vào Định như những ngày xưa nữa, nói rõ hơn là phải thường xuyên ở trong Định, ngay cả khi đối cảnh, tức lúc tiếp xúc với các sinh hoạt, cảnh trần xung quanh mình, muốn vậy, tâm phải không sinh, diệt chạy theo cảnh khi tiếp xúc với cảnh, sự kiện này gọi là “kiến tánh”. Kiến Tánh thường xuyên khi đối cảnh thì gọi là Kiến Tánh Vô Sanh. Rỗng lặng thường xuyên khi đối cảnh, và cả lúc không đối cảnh thì gọi là Đại Định Vô Sanh (Định với Kiến Tánh Vô Sanh), Đại Định Vô Sanh là trạng thái không rời thiền.
Với kết quả đó nên Ngài tuyên xưng ngài là Như Lai, là người đã giải thoát (khỏi luân hồi khổ đau), là người thường xuyên trong Đại Định Vô Sanh (lai là đến đây, như là đại định vô sanh. Đến từ Đại Định Vô Sanh để giảng pháp cho các ông tức phải là đang ở trong Đại Định Vô Sanh vậy).
Vậy Thực Tại là trạng thái không rời thiền định, là Đại Định Vô Sanh, trạng thái rỗng lặng thường xuyên. Là trạng thái sống với không trôi lăn, cuốn hút bởi hữu tướng, luôn luôn thấy cái phi tướng. Không bị ảnh hưởng bởi thời gian.
Cái không trôi lăn, phi thời gian này chính là Thiền.
Sống trong bản thể rỗng rang là sống với tánh không, cái sống này vĩnh cửu không còn bị hủy diệt bởi bất cứ cái gì. Như đã giải thích đơn giản ở trên: Cái Không của căn nhà không bị hủy diệt, khi căn nhà bị hủy diệt, thì cái Không của con người sống với thực tại, với tánh không lại bị hủy diệt được sao? Sống trong tánh không là sống trong cái tâm vô sanh, rỗng lặng, là cái sống phi hữu, nhưng thực hữu, uyên nguyên, trầm mặc, mới là cái sống thật sự vĩnh cửu.
Sự chết theo cách gọi của thế gian chỉ là sự chấm dứt cái duyên sống của thân họ với cái sống sinh sinh, diệt diệt hữu vi mà thôi, khi đang sống với tánh không thì cái tâm vô sanh của họ như thế nào, thì khi chấm dứt cái duyên của thân mạng thì tâm của họ vẫn vậy, không chạy theo hữu tướng sinh diệt, thế nên mới gọi là giải thoát. Khi nào thân mạng của họ chấm dứt họ sẽ vẫn trong cõi Vô Sanh, còn gọi là Vô Dư Niết Bàn, hay Vũ Trụ Đại Định, Bản Thể Vĩnh Cửu.
Vậy xin kết luận: Sống với Thực Tại hay Hiện Tiền chính là Thiền Định, cũng là đang sống mà không rời thiền định, phi thời gian, phi không gian (phi tướng), phi biến đổi, sống lặng lẽ, rỗng rang, hồn nhiên, như như.
Trong bài viết: “KHOA HỌC LÀ TỪ ĐÂU, VÀ Ở ĐÂU TRONG CUỘC SỐNG?”
Gởi đăng ở Blog Đông La, thứ 4, ngày 01/03/2017, tôi nhận định về thiền định như sau:
“ … Các thế hệ chúng ta đều được biết, Einstein đã cất công đi tìm một lý luận để nối kết tất cả các lý luận mà người ta gọi là trường thống nhất, nhưng ông ta đã thất bại. Làm sao mà tìm được sự thống nhất khi đang trong sinh diệt? Mọi sự trong sinh diệt đều trôi lăn, cái mà ta gọi là hiện tại, bây giờ, cũng đang trôi thành cái dĩ vãng, dù chỉ một sát na cũng đã khác rồi. (Điều này thấy rõ, trong cái kết quả khác nhau trong công việc đi tìm đo hạt trong bản báo cáo Vật Lý: “Khi Vật lý Gõ Cửa Bản Thể Học” của Tiến Sỹ NTB).
Không biết sau này người ta có thể tìm ra một sự thống nhất không? Nhưng trong TNVTTVTTBB, tôi đã lý luận để giới thiệu sự thống nhất đó, nhưng đúng nhất, thì tôi chỉ làm rõ, giới thiệu một cách của Phật Giáo để đi vào sự thống nhất:
Đó là thiền tánh không, còn có thể gọi là khoa học thiền định cũng đúng.
Trong từng con người đều có thể thực hiện Đại Định Vô Sanh, để đi vào Vũ Trụ Đại Định, vào cái Bản Thể Vĩnh Cửu, mà căn bản của nó là từ thiền định. Nên trong một nghĩa nào đó thì giá trị của thiền là giá trị của Bản Thể Vô Sanh.
Khi nào các vọng tưởng vắng lặng thì trạng thái thiền xuất hiện, ở lâu trong trạng thái này thì vào định. Vào định quen thuộc, ở lâu trong trạng thái định đó là đại định, phối hợp với Kiến Tánh Vô Sanh (trạng thái rỗng lặng hồn nhiên vô sanh lúc đối cảnh trong đi đứng nằm ngồi) thì gọi là Đại Định Vô Sanh.
Đây là trạng thái giải thoát, trạng thái của niết bàn hữu dư, trạng thái đồng bản thể với vũ trụ đại định. Trạng thái của vũ trụ lúc trước Big Bang xảy ra.
Vì sao thiền tánh không lại là cách sau cùng thống nhất con người lại với nhau? Vì trong thiền ấy có 4 đặc tính là: Thường, Lạc, Ngã, và Tịnh. Dầu chỉ nhập được vào thiền ấy 05 phút, thì ta cũng có những đặc tính đó trong người.
“Thường” là sự thường hằng, tâm như như, không biến đổi, không sinh diệt, không bị chi phối bởi bất cứ gì chung quanh.
“Lạc” là sự khinh an, thoải mái, an lạc trong thanh dịu, nhẹ nhàng.
“Ngã” là sự tự tại, tự tánh, độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ gì cả.
“Tịnh” là sự thanh tịnh, vô nhiễm; từ sự thanh tịnh, lòng bi mẫn thật sự, tình thương vô vị lợi, lòng đại bi phát sinh tới muôn loài, muôn vật.
Với 4 đặc tính này, thấy được giá trị của thiền, mới thấy được vai trò thống nhất của nó, thiền mới là phương cách đem con người lại với nhau, không nghi kỵ nhau, chống báng nhau, nên sẽ dễ dàng cùng nhau hợp tác phát triển xã hội, làm việc cộng đồng. Dường như ở Nhật người ta có áp dụng thiền vào chương trình giáo dục?
Khoa học gia có trí tuệ từ thiền định, sẽ hiểu được những gì thuộc về phi hữu mà những phuơng trình, những bài toán của mình chưa với tới được, biết đâu nhờ thiền định, khoa học gia sẽ tìm ra được sự liên kết giữa thế giới hữu vi (hữu) và vô vi (phi hữu)?
Các vị lãnh đạo có trí tuệ từ thiền định mới khiến họ thương dân, thương nước với lòng từ bi thật sự, họ sẽ cần mẫn với nhiệm vụ, sẽ không còn mơ màng tới tham nhũng, mánh mung tư lợi nữa.
Thế nên trong nhà thiền có câu: “tri không không giác hữu” tức là: “biết không rồi biết có” là vậy.
Giá trị của thiền là cái dễ nhất có thể đem áp dụng cho mọi con người, không cần phải thông minh quán thế gì cả, mà ngay một người ít thông minh cũng có thể thực hành được. Thế nên thiền là phương pháp thống nhất con người lại với nhau. Là tôn giáo tương lai của nhân loại.
Với Kiến Tánh Vô Sanh, có được trí tuệ từ thiền định, tiến tới Đại Định Vô Sanh, để sau cùng thể nhập Vũ Trụ Đại Định, cũng là Niết Bàn Vô Dư, Bản Thể Vĩnh Cữu, bất diệt.
Trên đây, tôi đã dùng những giá trị của Phật Giáo để mà giải trình Bản Thể và Thực Tại, nêu rõ giá trị của Thiền Định, và thiền chính là cách nối kết con người ngồi lại với nhau, an hòa thật sự.
Vậy thì, câu: Einstein tuyên bố (Xin tóm tắt) “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu… Phật Giáo đáp ứng được nhu cầu ấy, nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu hiện đại của Khoa Học thì đó là Phật Giáo”
Và câu: Egerton C. Baptist (Tóm tắt) “Phật Giáo bắt đầu ở chỗ Khoa Học chấm dứt”.
Mà nếu đúng là quý ông này đã nhận định, tuyên bố như trên thì đó là những nhận định trí thức vừa khít với giá trị của Phật Giáo. Chứng tỏ họ là những người có trí tuệ, vừa giỏi về Khoa Học lại vừa tiến gần đến sự rốt ráo, thấu triệt Bản Thể, Thực Tại sau cùng.
Còn nếu họ không có những nhận định như vậy, mà ai đó đã gắn những câu tuyên bố đó cho họ, thì chính họ, là những người đã được hời quá, với một mùa bội thu cho trí tuệ, tư duy và danh tiếng của họ, chứ họ có mất mát gì đâu?
Trần Ngẫu Hồ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét