Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Đạo hiếu và nhà Chu



Sách Luận ngữ có câu: Tử viết: Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.


Câu này về sau được một tác giả thời Thanh quảng diễn thành bài thơ Đệ tử quy:

Phép người con, Thánh nhân dạy
Hiếu đễ trước, kế cẩn tín.
Yêu bình đẳng, gần người nhân
Có dư sức, thì học văn…


Sách về Đệ tử quy của TS Thái Lễ Húc ngày nay giảng đoạn kinh “nhập môn” này như sau:
Chúng ta hồi tưởng lại lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc triều đại nào có lịch sử lâu nhất, quốc vận hưng thịnh nhất. Đó là triều nhà Chu. Bao nhiêu năm vậy? 800 năm. Vậy xin hỏi: Tại vì sao triều nhà Chu có thể kéo dài đến được 800 năm? Dựa vào cái gì vậy? “Hiếu” và “Đễ”. Chúng ta chỉ đọc qua “Triều nhà Chu 800 năm”, biết được lẽ đương nhiên mà không biết được sở dĩ nhiên…
Triều nhà Chu, khai quốc là Chu Văn Vương, Chu Võ Vương. Ông nội của Chu Văn Vương là Thái Vương. Thái Vương sinh ra ba người con trai, anh cả là Thái Bá, anh thứ hai là Trung Dung, người thứ ba là Vương Quý. Vương Quý sinh ra Chu Văn Vương. Chu Văn Vương lại sinh ra Chu Võ Vương và Chu Công. Khi Chu Văn Vương mới được sinh ra, Thái Vương vừa nhìn thấy đã cảm thấy Chu Văn Vương có tướng Đế Vương, có tướng Thánh Chủ. Thế nhưng phụ thân của Chu Văn Vương xếp ở hàng thứ ba. Kết quả là bác lớn và bác kế của ông nhận ra khi phụ thân thấy cháu nội thì trên mặt vui vẻ, họ hiểu rõ phụ thân của họ muốn đem ngôi vua truyền cho đứa cháu nội này. Các bác rất hiểu tâm cảnh của phụ thân, cho nên họ không nói không rằng, dựa vào lý do giúp phụ thân đi hái thuốc, liền cùng hẹn nhau với em kế của ông là Trung Dung cùng nhau đi lên núi. Sau khi đi rồi thì họ không trở lại nữa. Bởi vì họ hy vọng phụ thân có thể làm tốt được ý nguyện của mình, không cần phải bận lòng bởi họ là con lớn, để có thể trực tiếp truyền ngôi cho Vương Quý là con trai thứ ba, sau đó Vương Quý truyền ngôi cho Chu Văn Vương.


Ở đoạn này TS Thái Lễ Húc nói chưa hết thông tin. Thái Vương nhà Chu là Cổ Công Đản Phụ có 3 người con: Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch (Vương Quý). Trong cách gọi tên xưa thì con cả là Thái (Mạnh), con thứ là Trọng, con thứ ba là Quý. Thái Bá và Trọng Ung đã hiểu ý cha, cùng nhau rời đi, nhưng không phải lên núi mà là đi về vùng đất Kinh. Về sau Thái Bá là vị vua khởi đầu của nước Ngô là Ngô Thái Bá. Thái Bá mất, không có con nên em là Trọng Ung lên tiếp ngôi.


Chu Văn Vương đối với phụ thân của ông là Vương Quý đều là sáng sớm, buổi trưa, buổi tối, một ngày ba lần thăm hỏi, nên gọi là “thần hôn định tỉnh” (sáng thăm tối viếng). Ba lần thăm viếng phụ thân, vừa đến thì xem thần sắc của phụ thân, tiếp theo là xem tình hình ăn uống của phụ thân. Nếu như phụ thân ăn uống được rất tốt, ông liền cảm thấy rất là an tâm. Nếu như phụ thân ăn được rất ít thì ông rất lo lắng. Do bởi có được thân giáo như vậy, cho nên con trai của ông là Võ Vương và Chu Công cũng học được rất tốt. Chu Võ Vương cũng rất là hiếu kính đối với Chu Văn Vương. Có một lần Chu Văn Vương bị bệnh, Chu Võ Vương hầu ở bên cạnh mười hai ngày không hề cởi áo giải đãi, mũ trên đầu cũng không lấy xuống, hầu hạ phụ thân ông mười hai ngày nghiêm túc. Do bởi hiếu tâm như vậy, phụ thân ông rất mau khỏi bệnh…
Có một lần Chu Võ Vương bị bệnh, Chu Công liền ở ngay trước mặt của tổ tông họ, vào lúc đó gọi là Thái miếu, viết ra một văn kỳ thọ, mong cầu giảm bớt đi thọ mạng của chính mình để cho huynh trưởng của ông có thể trường thọ… Cho nên khi Chu Công đọc xong văn kỳ thọ, chí thành có thể cảm thông, vì vậy sức khỏe của Chu Võ Vương liền được hồi phục. Bài văn cầu thọ này còn để ở trong Thái miếu.
Trải qua một khoảng thời gian, Chu Võ Vương qua đời, tiếp theo là Chu Thành Vương kế vị. Chu Công giúp đỡ ông. Bởi vì Thành Vương vẫn còn trẻ, kết quả Chu Võ Vương giúp Chu Thành Vương chọn được mấy vị thầy giáo, Thái sư là Khương Thái Công, Thái Bảo chính là Chu Công.


Chỗ này cần chỉnh lại thông tin một chút. Thái sư của Chu Thành Vương là Chu Công. Còn Thái bảo là Thiệu Công. Khương Thái Công Lã Vọng không làm thầy vua Chu Thành Vương vì có lẽ ông đã quá già sau cuộc chiến với Trụ Vương (lúc Văn Vương gặp Lã Vọng thì ông đã 80 tuổi) và ông đã về cai quản đất phong của mình là nước Tề, không ở trong triều đình Chu nữa.


Vào lúc đó quốc gia có những lời giảo ngôn, đều nói là: “Có phải Chu Công muốn đoạt lấy thiên hạ hay không?”. Có rất nhiều lời đồn đại như vậy. Chu Công không đợi cháu của ông lên tiếng. Chính ông tự mình dời đến Sơn Đông, để cho cháu ông dễ làm người, không nên bị những lời sàm ngôn này ảnh hưởng… Sau này Thành Vương xem được sắc thư của ông trong chiếc rương quý mới hiểu rõ lòng trung thành và nhiệt tình của ông, rất hối hận và sai người đi đón ông về.


Đoạn này cũng có điều cần bàn. Các tư liệu khác nói rằng khi bị tiếng oan Chu Công đã dời đến nước Sở, chứ không phải Sơn Đông. Các sử gia sau nay cho rằng vì Chu Công được phong ở nước Lỗ nên ông lui về ở nước Lỗ ở vùng bán đảo Sơn Đông mới hợp lý. Thực ra Chu Công không về nước Lỗ vì nước Lỗ đã có con của ông là Lỗ Bá Cầm cai quản. Nơi Chu Công lui về chỉ có thể là Lạc Ấp – Đông Đô của nhà Chu, nơi an trí đám ngoan dân của nhà Thương sau cuộc nổi loạn của Vũ Canh. Lạc Ấp thì tất nhiên không phải ở Sơn Đông. Nhưng tại sao các sách lại chép thành Chu Công lui về nước Sở?
Chu Công không có liên quan gì đến nước Sở của Sở Hùng ở vùng sông Dương Tử cả. Gọi là Sở bởi Sở = Sủy = Thủy = Nước = Nác = Lạc. Nước Sở ở đây tức là đất Lạc hay Lạc Ấp, Lạc Việt. Nơi Chu Công lui về là vùng Lạc Việt, hay Bắc Việt ngày nay.
Các sách giảng về câu của Khổng Tử trong Luận ngữ đã lấy chuyện khởi đầu của nhà Chu làm gương về hiếu đễ. Có lẽ Khổng Tử còn sống cũng sẽ lấy chuyện này mà giảng vì ông đánh giá rất cao nhà Chu, thường nói mình “nằm mộng gặp Chu Công”. Cách ứng xử của các vị vua đầu triều Chu thực sự là tấm gương sáng ngàn đời về đạo hiếu đễ.




Thật trùng khớp khi câu chuyện về đạo hiếu này cũng in đậm trong truyền thuyết Việt. Đó là câu chuyện chàng Lang Liêu, không phải là con cả của vua Hùng, nhưng nhờ có tấm lòng hiếu thảo động tới trời nên đã làm ra bánh chưng bánh dày, thành kính dâng lên thờ cúng cha mẹ và tiên tổ và được truyền ngôi báu của nước Văn Lang.
Lang Liêu chế ra bánh chưng bánh dày không ai khác chính là Chu Văn Vương. Văn Vương là người đã viết ra Kinh Dịch, được truyện Việt Nam kể hình tượng hóa bằng bánh chưng bánh dày – bánh trăng bánh giời hay đạo Âm Dương. Chi tiết Lang Liêu được nhận ngôi mà không phải là con cả tương tự chuyện Thái Bá và Trọng Ung nhường lại ngôi cho Vương Quý.
Tác giả Đệ tử quy đã hơi quá khi sửa câu nói của Khổng Tử từ “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ” thành “Thủ hiếu đễ”. Khổng Tử không nói lấy Hiếu làm đầu, làm căn bản, vì mô hình con người quân tử của Khổng Tử rộng hơn, bao trùm hơn đạo Hiếu. Hiếu đễ là quan trọng hàng đầu đối với nhân sinh hạnh phúc. Nhưng để thành nghiệp cho một vương triều 800 năm thì không thể thiếu những phẩm chất được kể sau: “Cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”.
Chu Văn Vương khi là Tây Bá hầu của nhà Ân đã được biết là người rất có “thánh đức”, được lòng nhân dân và các chư hầu. Trong khi đó Trụ Vương ngày càng bạo ngược, lòng người ngày càng nghiêng về hướng Tây. Thánh đức của Văn vương chính là từ đức tính “phiếm ái chúng” (yêu tất cả), thể hiện ví dụ như bằng hình tượng con Lân, biểu tượng của nhà Chu: Chân con lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống. Hình tượng này rất đúng với tư tưởng “phiếm ái chúng” của Khổng Tử.
Chu Văn Vương cũng là điển hình cho đức “nhi thân nhân” (gần người nhân) trong câu chuyện Văn Vương gặp Lã Vọng. Lã Vọng vốn là một ông lão cao tuổi, đóng vai một người câu cá ven đường khi gặp Văn Vương. Thế mà Văn Vương đã mời ông về giúp sức, gây dựng cơ nghiệp cho nhà Chu. Lã Vọng sau được phong là Khương Thái Công, người cầm đầu quân đội nhà Chu tiến đánh, tiêu diệt Trụ Vương. Sự tích Văn Vương gặp Lã Vọng là một điển hình về tinh thần “cầu hiền” xưa.




Truyền thuyết Việt cũng có chuyện “cầu hiền” tương tự. Đó là khi giặc Ân tấn công nước ta (cũng là Ân – Trụ Vương), vua Hùng cho sứ giả đi loan tin khắp nơi tìm người tài giỏi giúp nước. Ở làng Phù Đổng có cậu bé ba tuổi xung phong ra diệt giặc được vua cho đúc gậy sắt, ngựa sắt, nón sắt… Tinh thần cầu hiền ở chỗ không nề hà gì việc là cậu bé hay ông lão. Cứ có tài năng là được giao trọng trách.
Chuyện Thánh Dóng và Lã Vọng đánh giặc Ân là cùng một chuyện. Dóng = Vọng. Có lẽ Thánh Dóng thọ 103 tuổi như Lã Vọng mới đúng, bỏ đi 100 thành còn 3 tuổi. Thánh Dóng đánh giặc Ân ở Vũ Ninh là chuyện Khương Thái Công Lã Vọng giúp Vũ Vương phạt Trụ diệt Ân.
Câu “hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” ở đây có thể hiểu là tùy theo năng lực mà học lấy tri thức. “Văn” ở đây không phải là văn nghệ, văn hóa. Hiểu vậy thì tư tưởng của Khổng Tử thành tầm thường quá: Có thời gian rảnh thì đi xem văn nghệ?!
Văn của thời kỳ này là kiến thức khoa học, mà thời này được đúc kết trong Dịch học. Chính Dịch lý là ánh sáng soi đường cho gia tộc Chu có được thiên hạ từ tay Trụ Vương và dẫn dắt cả thiên hạ Trung Hoa đi lên văn minh. Chu Văn Vương – Lang Liêu là người đã viết nên Kinh Dịch nên mới có danh hiệu là Văn Vương, mở ra nước Văn Lang huy hoàng kéo dài trong 800 năm.


Xin ghi lại chuyện này với bài thơ Hiếu với trời đất:


Tôi nghe kể chuyện nước Văn Lang
Lang Liêu dâng cha chẳng bạc vàng
Mà tấm lòng thành gói trời đất
Vuông tròn đúc đủ tình thế gian.


Âm dương một đạo để ngàn đời
Rọi sáng đường đi cả tộc người
Bánh chưng bánh dày vui ngày Tết
Tưởng nhớ Lang xưa với sách trời.




Theo Bách Việt Trùng cửu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét