" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015
CHÂN TRỜI TƯ DUY THỐNG HỢP VIỆT NAM TRƯỚC THỀM THỜI HẬU HIỆN ÐẠI
I. Tư Duy Thống Hợp Tam Giáo với Nhất Ðiểm Linh Thông
Theo học giả Nguyễn Ðăng Thục trong tác phẩm Lịch sử Tư Tưởng Việt Nam: Ý thức hệ ‘Tam giáo đồng nguyên’ là tư tưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam từ thời Lý Trần (thế kỷ XI – XII), xuất phát từ “phong trào giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ Tàu để xây dựng một nước Việt Nam độc lập ngoài quĩ đạo Trung Hoa lục địa” (1).
Vào thế kỷ XVIII, Lê Quí Ðôn [theo M. Durand, với quan điểm giáo dục hành động thực tiễn để thành công xây dựng hạnh phúc cho dân tộc, với khát vọng cao cả trong một lý tưởng hoà điệäu đại đồng (2)] đã khai triển thuyết ‘Tam giáo đồng nguyên’ đề cao tinh hoa nhân bản của ý thức hệ Thống hợp đời Lý Trần với phương châm: “Tam giáo đồng nhất thể” qua thuyết ‘Lý Khí’’ và tư tưởng “Ðồng qui nhi thù đồ” trong Kinh Dịch. Ông đã khám phá ra điển mẫu tiêu thức sơ nguyên tính sử (historical archetype) ‘Nhất Ðiểm Linh Thông’, đáp ứng xu thế û Tư Duy Thống Hợp cho thời đại [không phân biệt bản sắc, ranh giới của từng tôn giáo, vì mỗi tôn giáo đều đáp ứng một khía cạnh riêng cho đời sống đa phương, đa diện của con người] trong thực tiễn đấu tranh, chống quân xâm lược Bắc phương. Vì vậy, ông chủ trương:
a) Về đời sống tâm linh ông ca tụng ý nghĩa huyền diệu cao sâu của đạo Phật và Lão:
Giáo lý của Phật, Lão chuộng thanh đạm,siêu tịch không để cho sự vật ràng buộc, cũng là cao minh để giữ lấy điều thiện cho mình, mà đàm luận cao xa về đạo đức, nới rọâng về hình thể và thần hồn, đều có ý nghĩa huyền diệu thâm thúy. [Kiến văn — Thiền dật (3)]
b) Về đời sống xã hội ông đề cao tinh thần đạo hành động thực tiễn của Khổng học:
Vận mệnh của con người là do người ta làm ra, chẳng phải mệnh có thể chế ngự được người; cái nguyên lý trời người hợp vào một chẳng qua là thế vậy .[Lý Khí] (4)]
Tóm lại, Nhất-Ðiểm-Linh-Thông phản ánh yếu tính tâm linh con người thống hợp kết tinh của mọi nền văn hoá trong bối cảnh lịch sử của nó như C. Guignon đã minh chứng với hạn từ kép “Crossing point” về quan điểm Ngã thể học (Egoloy) với Heidegger (5). Tâm linh, theo truyền thống Ðông phương, được coi như một thực thể nội tại của con người tiếp giao với nguồn sống vũ trụ; nó biểu hiện thực thể huyền nhiệm tạo nên tâm hồn ta, là nguồn sáng trí huệ hướng dẫn mọi hành động của ta.
Với quan điểm ấy, Lê Quí Ðôn cho rằng con người tự tạo ra cái ‘mệnh’ cho chính mình vì “con người là một tiểu vũ trụ” [Nhân thân nhất tiểu thiên điạ dã (Lý Khí)] (6) và có được cái ‘thần khí’ cá nhân của đời sống tâm linh tồn tại trong trạng thái mộng mị hay ngủ say, luôn luôn giao hoà với thần khí vũ trụ:
Người đang ngủ say, chợt gọi liền tỉnh dây, đó là khí gọi thần về. Ngủ mộng thấy gặp gỡ, nói chuyện, làm việc, mừng giận, sau khi tỉnh dậy đều nhớ biết, đó là Thần động giao với Khí vậy.
[ Nhân đương thục thùy tài hoán tiện tỉnh. Khí triệu kỳ thần dã. Thùy mộng chi trung ngộ hội ngôn thuyết, động tác, hỷ nộ, giác hậu giai năng thử ức, thần động kỳ khí dã (Lý Khí )] (7).
Nhờ thần khí tâm linh huyền nhiệm (đứt đoạn / liên tục) ấy mà con người có được tiềm năng trí huệ với vai trò ngã thể ‘Nhất-điểm-Linh-Thông’ thống hợp, kết tụ mọi tinh hoa tâm linh của thời đại, có khả năng thông suốt, tiên đoán được sự xuất hiện mọi hiện tượng sự vật :
Hoạ hay phúc sắp tới tốt hay xấu ắt biết trước, vì tâm thức con người có một điểm linh thông mà Quỉ (tiềm thức) Thần (siêu thức) gởi vào đấy để bày tỏ vậy.
[Hoạ phúc tương chí, thiện bất thiêïn tất tiên tri chi, cái nhân tâm nhất điểm linh thông nhi quỉ thần thác thủ dĩ thị chi giả (Lý Khí)] (8).
Như vậy, yếu tính của Nhất-Ðiểm-Linh-Thông — Tư duy Thống hợp của các hệ thống văn hóa — là thông suốt toàn triệt mọi căn nguyên hiện tượng sự vật, là ‘thần khí”, nguồn cảm ứng dấy động sáng tạo ngôn ngữ sơ nguyên huyền nhiệm của Tính thể. Như vậy, Nhất-Ðiểm-Linh-Thông được coi như là phù hợp với một Ðiển mẫu Tư duy Thống hợp mới mà F. Capra & D. Steindl-Rast đề nghị trong tác phẩm Nhập Hồn Vũ Trụ (Belong to the Universe) cho thời đại mới của chúng ta với cả một thế hệ các nhân vật tư duy hướng về thời hậu hiện đại.
II . Tư Duy Thống Hợp Việt với Sự Gặp Gỡ Nền Văn Hoá Thứ Ba
Theo J. Brockman, trước thềm thời Hậu Hiện Ðại, ta đã thấy xuất hiện những bậc trí thức sáng tạo định hướng đáp ứng nhu cầu tư duy cho chính thời đại thế hệ của họ. Ðây là giới trí thức của nền Văn Hoá Thứ Ba đang khởi động với các bậc trí thức lớn, là những nhân vật tư duy suy niệm hay khoa học [chứ tuyệt đối không phải là các vị tiên tri siêu hình hay các nhà duy vật khoa học]. Tất cả đều là những nhân vật đầy đủ khả năng nhất trong sứ mạng lèo lái cái xã hội văn minh đa dạng hiện tại với một nền văn hoá cứu rỗi nhất vì họ là những nhà tư tưởng suy nghiệm tinh vi “đại diện mọi giới tri thức trong các lãnh vực sinh học tiến hoá, di truyền học (genetics), khoa học điện toán, thần kinh sinh lý học, tâm lý học, vật lý học” (9). Ðúng ra, theo Brockman:
Ðiều mà chúng ta muốn chứng kiến là sự trao truyền bó đuốc từ một lớp nhân vật tư duy này là những trí thức văn điển truyền thống sang một lớp trí thức mới của một nền văn hoá thứ ba đang khởi động (10).
Ý nghĩa cuộc Cách mệnh Văn Hoá Thứ Ba này chính là điểm khởi đầu cho tư duy khích động về một cuộc Cách mệnh Tâm linh Minh triết trước sự khai mở một thế giới mới (kể cả thế giới ảo với Không gian sống aỏ ‘Cyberspace’). Nền Văn Hoá Thứ Ba trước hết là do sáng kiến của C. P. Snow được đề ra năm 1963 trong tác phẩm ‘Hai nền Văn Hoá’ (The two cultures). Từ sáng kiến trên J. Brockman, trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX, đã tìm kiếm gặp gỡ hầu hết các tư tưởng gia khoa học lưu tâm đến đời sống hiện tại và tương lai nhân loại để tổ chức những buổi hội thảo về nền Văn Hoá Thứ Ba ấy (11). Và tất cả những đề tài của các cuộc gặp gỡ hội thảo trên đã được ông ghi và tập trung lại trong tác phẩm chung ‘Nền Văn Hoá Thứ Ba’ theo tiến trình khám phá sự sống ngoài phạm vi điạ cầu (extraterrestrial life) với ý nghiã sự sống của chính vũ trụ và hướng đi cho thế hệ tương lai. Ta có thể điểm xuyết qua một số điều tổng kết nhận xét chung trong Lời Giới Thiệu của tác phẩm The Third Culture, được tóm lược như sau:
Nền Văn Hoá Thứ Ba gồm có những nhà khoa học và các nhà tư tưởng khác trong thế giới thực nghiệm đã thay thế các nhà trí thưc truyền thống để vạch rõ ý nghĩa thâm sâu của đời sống chúng ta và xác định lại ta là ai và là gì (tr.17).
Ngày nay, các nhà tư tưởng văn hoá thứ ba có khuynh hướng cố gắng trình bày tư tưởng thâm thúy của họ một cách dễ hiểu cho tri thức đại chúng. Ðiều thỉnh cầu của các nhà văn hoá thứ ba không phải chỉ là về khả năng sáng tác; điều mà truyền thống gọi là ‘khoa học’ thì ngày nay được hiểu là ‘văn hoá quần chúng’ (tr. 18).
Nhiệm vụ của giới trí thức bao gồm cả [sứ mạng] truyền thông . Những nhà trí thức không phải chỉ là những người am tường mọi sự vật mà còn thâu thập đúc kết mọi khuynh hướng tư tưởng của thế hệ của mình. Như vậy, một nhà trí thức phải là một tổng hợp gia, một nhà thời sự, một thông tín gia (tr. 19).
Trải qua lịch sử, đời sống trí thức đã được ghi rõ là chỉ có một số ít những người thực sự lưu tâm một cách nghiêm chỉnh đến vấn đề suy tư cho đại chúng. Ðiều mà hiện nay ta chứng kiến được là sự truyền bó đuốc từ nhóm tư tưởng gia trí thức truyền thống sang tay thế hệ mới cho những nhà trí thức của nền Văn Hoá Thứ Ba (tr. 19).
Mở đầu cho thế hệ mới này là tấm gương sáng chói của t hế giới khoa học là Albert Einstein. Và sau đây là những nhà tư tưởng tiêu biểu của cuối thế kỷ XX: những vật lý gia Paul Davy, Murray Gell-Mann, Roger Penrose, Martin Rees, Lee Smolin; những nhà sinh học tiến hoá như Richard Dawkins, Niles Eldedge, Stephen Jay Gould, George C. Williams; các nhà sinh học Brian Goodwin, Stuart Kauffman, Francisco J. Varela, các khoa học gia vi tính Christopher G.Langton, . . (tr. 20).
[Ngoài ra, còn có nhiều khoa học gia các ngành khoa học khác như khoa học xã hội, khoa học nhân văn, trí thông minh và đời sống nhân tạo, hệ thống thích ứng phức tạp, thuyết Siêu tơ trời (Superstrings), Siêu vi kỹ thuật (Nanotechnology), Hệ-gen hay bản chất cấu thể di truyền con người (human genome) với Di-văn-hoá-tử (meme), Không gian sống aỏ Cyberspace) với Thế giới ảo (Virtual world), cũng đóng góp vào nền Văn Hoá Thứ Ba ].
Nền Văn Hoá Thứ Ba cũng nêu lên những vấn đề nền tảng như: Vũ trụ đến từ đâu ? Ðời sống từ đâu mà có ? Trí óc phát sinh từ đâu ? Từ nền Văn Hoá thứ Ba sẽ phát sinh một triết học mới . . . Có những ẩn dụ mới để miêu tả bản ngã, trí óc của ta, miêu tả vũ trụ và tất cả sự vật mà ta biết được. Và chính những nhà tri thức với những ý niệm và ảnh tượng mới ấy họ lèo lái thời đại chúng ta (tr. 20-21)
Tất cả các công trình nghiên cứu về tri thức của nền Văn Hoá Thứ Ba sẽ cùng với Tư duy Thống hợp Siêu xuất đều nhằm mục đích chuẩn bị cho sự thay đổi căn bản trong việc tìm hiểu thân phận con người cũng như các động lực lèo lái biến đổi tri thức luận và phương pháp luận trong phạm vi khoa học, kỹ thuật và văn hoá với sự lưu tâm đến lẽ huyền nhiệm của vũ trụ. Ðây là đường hướng biến dịch liên tục của Ðạo như một Hiện tại Thường hằng luôn luôn phản phục hồi tác, phi tuyến tính, theo tiến trình Thời tính hoá (Temporalization). Mặt khác, đời sống tâm linh của con người không thể nào tách rời sự sống với cái nôi vũ trụ của nó. Nhưng quan trọng trực tiếp hơn cả phải nói là sự suy nghiệm về đời sống tâm linh không thể bỏ qua ngành khoa học về Hệ-gen hay [Bản-chất-Cấu-thể-Di-truyền-Loài-Người] (Human Genome) coi như mật mã di truyền (genetic code) của đời sống cá nhân và đời sống xã hội — điều mà khoa học gia Walter Gilbert (giải thưởng Nobel) coi là ‘phép màu của di truyền học về con người’ [grail of human genetics] (12) — cũng như về khoa Vũõ trụ luận Sinh vật lý học (Biophysical Cosmology) coi nguồn sống chan hoà trong vũ trụ là đặc tính nền tảng sinh hoạt của xã hội loài người.
Tóm lại, trước thềm thời Hậu Hiện Ðại, với sự chuyển biến không gian sống, với con người điển mẫu Cyborg (Người và máy cộng sinh), với “phép màu của di truyền học”, với Siêu vi kỹ thuật (Nanotechnology), tâm linh con người vượt ra ngoài vòng cương tỏa của địa cầu, phiêu bồng với vũ trụ điệu, nhập hồn vũ trụ đạo khai mở một Chân trời mới vang vọng Thời tính hoá[Hiện tại chập chờn giữa Quá khứ và Tương lai], mở đường cho TƯ DUY ÐẠO NỘI TRIỂN SINH (Underway Thinking) với cuộc CÁCH MỆNH TÂM LINH MINH TRIẾT.
III. Tư Duy Thống Hợp với Ðời Sống TÂM LINH MINH TRIẾT.
Theo viễn tượng của khoa học hiện đại thì vị thế con người và tâm linh nhân loại trong vũ trụ ngày nay sẽ được xác định lại theo những chiều kích (dimension) mới với khả năng trí tuệ thoát vượt khỏi vòng cương lãnh của điạ cầu [extraterrestrial intelligence]. Nói một cách khác, Tâm linh chỉ trở thành chiếu diệu với trí huệ toàn năng qua Minh triết như theo cổ thời với phương châm của Khổng môn: “cách vật trí tri”, và ngày nay qua những ngọn hướng đăng cuả mọi ngành khoa học chiếu dọi vào chốn thâm cung bí sử của thế giới Tính thể. Theo nhận định sau đây của D. Kevels và L. Hood, hiển nhiên là đời sống Tâm linh không thể tách rời Minh triết :
Sự khám phá về phép màu sinh học đã phát hiện từ đầu thế kỷ XX, nhưng chỉ mới đây nó mới đạt tới thời kỳ cao độ với điều phát minh mới về ‘Ðề án Bản chất Cấu thể Di truyền Nhân loại’. Tri thức về môn học này chắc chắn sẽ làm đảo lộn mọi hiểu biết về sự phát triển của con người [. . .]. Chúng tôi tin rằng những vấn đề xã hội đạo đức về di truyền học sẽ được phân tích một cách hữu ích tối đa khi chúng được kết hợp với những thực tại hiện tại vàviễn tượng tương lai của khoa học với khả năng kỹ thuật của nó (13).
Mặt khác theo S. Shennan, với tiến trình đời sống văn hoá, con người còn tự tạo hệ kế thừa thứ hai ngoài hệ di truyền mà mọi chủng loại khác không có. Hệ kế thừa thứ hai này — với ý niệm khái quát gói ghém trong hạn từ Hệ-gin-Nhiễm-sắc-thể- văn – hoá [ meme ] — đơn vị di sản thông tin văn hoá — có thể truyền từ người này sang người khác qua sự un đúc của đời sống tâm linh tập thể trong tiến trình luân lưu tàng thức di truyền Văn hoá (Implications of Cultural Inheritance Process) [coi Văn hoá như hệ thống di sản thứ hai] nên ảnh hưởng rất sâu đậm đến hành động của một cá nhân, có thể lấn át hẳn cả hệ gin di truyền (14). Do đó Văn hoá chính là cơ sở cấu thành đời sống xã hội và ta có thể coi “meme” là “gin di truyền chủng loại xã hội”.
Những điều trên đây đều hướng về tiếng gọi cho một cuộc Cách Mệnh Tư Duy nền tảng với Tư duy Nội-Triển đề cập ngay đến cả nền tảng đáy thẳm của sự hiểu biết 0hiện tại liên quan đến sử tính (historicity) và sử mẹânh (historicism theo định nghĩa của R. Aron trong Philosophie de l’histoire, 301), ràng buộc thân phận con người với vũ trụ tính huyền nhiệm của Ðạo trong một Hệ thống Sinh động mở (Open Living System) của đời sống xã hội. Ðó chính là yếu tính của cuộc Cách mệnh TÂM LINH MINH TRIẾT, tất yếu gắn liền với cuộc CÁCH MỆNH VĂN HOÁ THỨ BA, có thể làm đảo lộn mọi giá trị nhân bản truyền thống VĂN HOÁ DUY NHÂN với ý nghĩa đề cao con người là trung tâm tinh hoa độc nhất của vũ trụ với Tri thức Phê phán Khoa học luận (Epistemology) và Khoa học Liên lập (Interdisciplanary Science), nhất là với sự xuất hiện môn Tân Sinh học với đối tượng là những hệ thống phức tạp với những qui tắc năng động, đột khởi, bất thường, biến động như vũ điệu với không gian hình thái (Morphospace), không gian hình thành sắc thái cho muôn vật (15).
Ðó cũng là điều tại sao trong tác phẩm Sự Chấm Dứt Sứ Mệnh Lịch Sử và Con Người Cuối Cùng — trước quan điểm sự nghiệp thống hợp Khoa học Xã hội Nhân văn đã hoàn tất viễn tượng chuyển hướng mới — ta nhận thấy :
Fukuyama đã gạt bỏ mọi quyền lựa chọn về các quyền lực thống trị thời cận đại, như đường hướng và phương tiện sản xuất của Marx, kích thích tính dục của S. Freud, và sự thích ứng với hoàn cảnh của C. Darwin” (16).
Thực vậy, với mạng lưới thông tin thịnh hành vào đầu thập niên 90, một Không-gianï-sống-ảo [điện-tử] (Cyberspace) và Thế giới ảo (virtual world) xuất hiện, tất cả đã làm rúng động đời sống tâm linh của toàn thể loài người. Theo T. Jordan:
Không gian sống ảo [điện tư]û có thể gọi là miền đất aỏ (virtual land) với đời sống ảo và xã hội ảo [với con người ảo] vì đời sống và xã hội ấy không hiện hữu như là thực tại hữu hình (vật lý), như xã hội thực sự của chúng ta . . . Trong thế giới ảo này, mọi người sống đồng thời với đời sống thực [thường nhật]. Không gian sống ảo và đời sống ảo của nó cần đến thể thức văn hoá, chính trị và kinh tế được phân tích cho những hệ quả xã hội và ý nghĩa của chúng (17).
Như vậy, trong tương lai Tư duy Thống hợp của Nhất-Ðiểm-Linh-Thông chẳng những là Tư duy Thống hợp tư tưởng Khoa học với tư tưởng Huyền nhiệm mà còn thống hợp cả với đời sống tâm linh giao hoà giữa hai thế giới Thực và Aỏ — giữa người thực và người aỏ, giữa xã hội thực và xã hội aỏ — với con người điển mẫu Cyborg (người và máy cộng sinh) được trang bị hệ trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence), tự sáng tạo trên tiến trình sinh hoá, mở đường hội nhập vào trí thông minh vũ trụ, ngoài không gian địa cầu (cosmic intelligence, extraterrestrial intelli-gence) qua Cửa Thiên Ðàng của Không-gian-sống-ảo [The Pearly Gates of Cyber-space], khám phá không gian tâm linh mới cho đời sống đích thực của bản ngã con người thời Hậu hiện đại — rất thuận lợi cho dân tộc Việt Nam ta nếu ta khám phá được hướng đi tiền phong của tư duy tương lai nhân loại đặt cơ sở nền tảng cho khoa Tương Lai Tác Vận Học (Futuroperology).
Tóm lại, không gian sống ảo đã trở thành một thực tại mới cho đời sống tinh thần, đặc biệt cho trí tưởng tượng và ngay cả cho sự hiểu biết mới về chính ‘tự ngã’của ta (18). Chính cái sắc thái tương quan thiết yếu của không gian sống ảo có thể coi là một ẩn dụ hữu hiệu cho công cuộc thăng tiến đời sống cộng đồng nhân loại (19).
Tất cả những điều nhận xét trên đã chứng tỏ một cách hiển nhiên: sự tiến hoá khoa học và kỹ thuật ngày nay đã làm đảo lộn, biến đổi (transformation) mọi phạm vi sinh hoạt và nhận thức của con người. Nói một cách khác, đời sống của ‘mem’ (meme = di tử văn hóa) đã lấn át đời sống của ‘gen’ (gene = di tử sinh học), đặc biệt là làm đảo lộn cả thế giới tâm linh với sự sáng tạo Không gian Sống Aỏ ‘Cyberspace’. Mặt khác, xu hướng Toàn cầu hoá (Globalization) với thuyết quốc gia đa văn hoá (multiculture) vào thời đại Hai Ngàn đã đặt ra những vấn nạn nan giải cho mọi dân tộc nhược tiểu về vấn đề ‘bảo tồn bản sắc dân tộc’ (national identity), nếu như các dân tộc này không chứng minh và làm nổi bật được tinh hoa bản sắc độc đáo của mình [trong đó có số phận dân tộc Việt Nam], biết rằng tinh hoa bản sắc của một dân dân tộc chỉ được nhận diện qua tinh hoa của nền Văn Hoá Dân tộc (National Culture) kết tinh nơi Văn Hiến (Cultural Performance) thể hiện qua đời sống Tâm Linh Minh Triết (Illuminating Spiritual Wisdom Life) với vị thế hiên ngang của dân tộc ấy, trước sự xuất hiện của bất cứ chính sách ‘Ðế quốc Văn hoá’ (Cultural Imperalism) nào.
Với tính cách thống hợp theo tinh thần “Ðồng qui nhi thù đồ = Ðường lối khác nhau nhưng đều qui về một ngả” và “Nhất dĩ quán chi = Cái Một bao quát toàn thể” (Khổng Tử) [ chẳng khác gì câu phương ngôn Tây phương “Mọi con đường đều dẫn tới La Mã” và vấn đề “Thống hợp Ða / Nhất“ (Fusion of One / Multiple) của Platon] cũng như là ‘giao điểm của các hệ văn hóa’ theo tinh thần thâu hoá (acculturation) mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống sơ nguyên (archetypical identity) của dân tộc mình theo tinh hoa cấu trúc hệ thống mở “Quần long vô thủ” hay “họ Hadron’, Nhất Ðiểm Linh Thông có thể được coi như điển mẫu một Tiêu thức Sơ nguyên Tính sử (Historical Archetype) đáp ứng cho bất cứ nền Văn Hoá Dân Tộc nào.
Minh triết (Illuminating Wisdom) là Trí huệ (Perfect Insight) gắn liền với Tác vận (Operation), với Kiện tính (Facticity), với Hiển hữu tính thể (E ksistenz), với ý thức về con người gắn liền với đời sống Cộng đồng , xác định yếu tính cho bản ngã của con người với bổn phận làm người. Trong tác phẩm Những Vấn đề Căn bản cuả Hiện tượng luận, Heidegger đã đề cập đến vấn đề bản ngã như sau :
Bản ngã chỉ tự tiết lộ trong trách nhiệm — bản ngã không phải là ý thức về một ngã thể (ego) tổng quát mà là ngã thể trong từng trường hợp riêng của tôi coi như ngã thể kiện tính cá biệt (BBP, 137).
Theo ngôn ngữ của đạo sĩ Maharishi, Tâm linh Minh triết là “nguồn suối của Tính thể thường hằng, sự luân lưu của cuộc đời, của trí tuệ, của sáng tạo, của thanh tịnh và của hạnh phúc “ (20).Và như vậy: Nó đem lại cho đời sống sự an bài tự do trường cửu, hỗ trợ thêm năng lực sáng tạo vô biên, dung hoà những giá trị trừu tượng tuyệt đối của Chân đế huyền nhiệm với giá trị cụï thể tục đế của thế gian (21 ).
Nói một cách khác, tinh thần đời sống lý tưởng cá nhân thế tục thực tiễn và đời sống hoàn hảo của cộng đồng nhất thiết mang tính cách đồng bộ, không tách rời nhau trong tinh thần minh triết. Và đó chính là điềøu mà ta cũng đã thấy được đề cập tới trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền III, năm 2003 với nhận định sau đây:
Như vậy, lăn lộn trong cuộc nổi trôi của đời sống, chúng ta ước ao có được cái nhìn [nhân bản] với một niềm tin phổ biến là nhân loại có được khả năng tiến tới những điều lý tưởng cao cả nhất.
Ðời sống cá nhân được tiếp nối với đời sống liên lập khiến cho đời sống ta thêm phong phú, càng khuyến khích ta làm cho phong phú thêm đời sốõng cho người khác, và đem lại hy vọng về một cuộc đời thanh bình, công bằng với những cơ hội may mắn cho mọi người (22).
IV. KẾT LUẬN
Lý tưởng một cuộc Cách mệnh Tư duy trên nền tảng Tâm Linh Minh Triết chỉ thực hiện được khi nền văn minh thế giới này đạt tới trình độ vô ngã như đạo sĩ Radhakrishnan đã quan niệm trong tác phẩm Một Quan Ðiểm Lý Tưỏng về Ðời Sống (An Idéalist view of Life) như sau:
Thế giới này tự hình thành bằng cách tự lột xác (self-destruction). . . Sự cố kết trong tâm hồn cá nhân và hoà điệu với ngoại cảnh , cả hai đều cần thiết cho sự tồn sinh (23).
Vả lại trong đời sống tâm linh, “Con đường tư duy không thể được vạch ra như một con đường mòn quen thuộc” (WCT, 169) như giữa vùng sa mạc hoang liêu hay chốn rừng sâu vực thẳm — nhất là cho đa số nhân loại cho đến nay chưa từng làm quen với tư duy, hay nói cho đúng “ta vẫn chưa từng tư duy” (WCT, 4). Chỉ khi nào ta dấn bước với những vấn nạn về tư tưởng nền tảng [ để tác vận ] thì đó mới thực là ta bước vào con đường ‘hành trình vương giả’ của Tư duy. Ðồng thời “Tư duy tựï nó cũng là đường đi” (WCT, 168). Con đường đi này, theo Heidegger, là con đường dẫn tới Tính thể, con đường xoay vần Tính thể, khai mở Chân trời Siêu thức, được mệnh danh là con đường TƯ DUY-[ÐẠO-NỘI]-TRIỂN-SINH hay TƯ DUY NỘI TRIỂN (Under[way] thinking), từ đó Tư Duy Dấy Ðộng (Enthinking) tự khơi động, đún đẩy giữa làn ranh Âm / Dương, Thực / Ảo, Không – Sắc / Sắc – Không, giữa Vũ và Trụ, giữa Quá khứ và Tương lai— chẳng khác gì nương theo những luống cày đã tự triển khai trên nền tảng đáy thẳm (ab-ground) với ảnh tượng “một cánh đồng mông mênh bát ngát, nơi muôn vàn hạt giống đang tranh đua đâm chồi nảy lộc” (24) khai phóng cho Tương lai.
Nơi Chân trời TÂM LINH MINH TRIẾT, với Tư Duy Nội Triển, hiện tượngï yếu tính hóa (Essentialization) của Chân tính tự dấy động trong biến cố tự xoay vần đún đẩy để tự thành (Enowning) và Chân như tự bừng sáng lên trong NHẤT–ÐIỂM-LINH-THÔNG, nơi Vương quốc Tư duy Vô hình Vô ảnh cuả nó (Invisible Kingdom of Thinking) chẳng khác gì hạt kim cương long lanh tự chiếu diệu, tự tiết lộ trước ánh bình minh vừa ló dạng vượt qua bức màn đêm đáy thẳm (ab-ground) dày đặc. . . , rồi tiếp tục vươn tới chân trời xa chơi vơi, chờn vờn nơi Chân trời Thống hợp các ‘Chân trời Chân Không Diệu Hữu’, giữa hư và thực, giữa thực và aỏ, khai mở vòm trời chiếu diệu mới cho Ðời sống Huyền nhiệm [The Life Divine, Sri Aurobhindo] với sự khai phóng Tính thể như một ‘âThông Ðiệp Sinh Mệnh Gởi Trao’ [The Fateful Sending] (LH/ BW, 231) cho thế giới Tính sử (Being-historical world) của một nhân loại lý tưởng với một nền Nhân Bản Toàn Triển trong cảnh giới TÂM LINH MINH TRIẾT, như dòng suối chảy trôi theo âm thanh vang vọng hồn nhiên trong vũ trụ; và:
Cuộc đời bày ra hình thức chẳng khác gì một bản nhạc âm điệu du dương [giữa cảnh thực và aỏ] — nhưng đâu phải do các nốt bổng trầm tiếp nối theo nhau, mà là do chủ đề nhạc cảnh tạo nên âm điệu ấy (25 ; tpdn).[Như vậy ] nguồn suối của cuộc đời con người chẳng khác gì ngọn sóng cả cuả một đại dương hằng cửu thuộc Ðại Ngã Vũ trụ, ngọn sóng mang theo nó toàn thể đại dương của đời sống vũ tru ï( 6)
Mạc Ngọc Pha
CHÚ THÍCH
1. Thục, Nguyễn Ðăng, Lịch sử Tư tưởng Việt Nam (LSTTVN), t. VI, 1992, 133-4.
2. LSTTVN, t. VII, 8-9.
3. Ðôn, Lê Quí, Vân Ðài Loại Ngữ , theo Thục, NÐ, Ibid., 27.
4. Ibid., 79.
5. C. Guignon, Heidegger & The Problem of Knowledge, i983, 86.
6. Ðôn, Lê Quí, Vân Ðài Loại Ngữ I, 71.
7. Ibid., 53.
8. Thục, NÐ, LSTTVN, t.VII , 77
9. J. Brockman, The Third Culture, 1995, 20.
10. Ibid., 19.
11. Ibid., 20.
12. D.Kevels & L. Hood, The Code of Codes, 1992, tr.VII.
13 . Ibid., tr. VII – VIII
14. S. Shenna, Genes, Memes and Human History, 2002, 7.
15. B. Goodwin, Biology Is Just a Dance, in The Third Culture [Brockman (ed.)], 1995, 96.
16. E. Breisach, On the Future of History, 1992, 52.
17. T. Jordan, Cyborpower, 1999, 1-2.
18. M. W ertheim, The Pearly Gates of Cyberspace, 1999, 100.
19. Ibid., 232.
20. Maharishi, Science of Being and Art of Living. 1995, 61.
21. Ibid., 81.
22. Tuyên Ngôn Nhân Quyền III, ISH:: What is Humanism?, 4/5
23 . Radhakhrishnan, An Idealist View of Life, 1964,243.
24 . H-G. Gadamar, Heidegger’s Ways (HV), 137.
25. H-G. Gadamar, Truth & Method, 223.
26 . Maharishi [SBAL], XVIII.
DI NGÔN VỀ GIÁO DỤC CỦA ALBERT EINSTEIN
Albert Einstein là một khoa học gia và triết gia của thế kỷ 20. Trong thế kỷ đó tên ông đồng nghĩa với thiên tài. Sinh thời ông cũng từng là giáo sư đại học, thể hiện mối quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ qua nhiều bài viết và diễn văn. Trong quyển Ideas and Opinions, Ý tưởng và Quan điểm, tập hợp những suy nghĩ của Albert Einstein về nhiều khía cạnh cuộc sống từ khoa học, xã hội, chính trị đến văn học, nghệ thuật, có một phần về giáo dục. Đương nhiên thế giới chúng ta đang sống đã chuyển sang thế kỷ 21 với vô vàn thay đổi nhanh chóng trong mọi mặt đời sống xã hội, mà nói đến giáo dục là nói đến tương lai tính bằng thập kỷ – mười mấy hai ba bốn chục năm nữa. Có thể có người coi quan điểm giáo dục cách nay sáu bảy chục năm đã lỗi thời. Nhưng vì tôi đồng quan điểm với Einstein nên tôi xin trích dẫn ý kiến của ông.
“Động cơ quan trọng nhất đối với lao động trong nhà trường và trong cuộc đời là niềm vui trong công việc, niềm vui trong kết quả của lao động đó, và hiểu biết về giá trị của kết quả đó đối với cộng đồng. Tôi nhận ra nhiệm vụ quan trọng nhất được nhà trường giao phó khi đánh thức và củng cố sức mạnh tâm lý của một chàng trai trẻ. Chỉ riêng một nền tảng tâm lý như thế đủ dẫn tới niềm khao khát hân hoan đối với của cải cao quí nhất của con người, là tri thức và kỹ năng bậc nghệ sĩ”.
Einstein đã phát biểu như trên nhân lễ kỷ niệm 300 năm giáo dục đại học tổ chức ở Albany, New York, ngày 15 tháng 10, 1936, trong một bài diễn văn có tiêu đề “On Education”, bàn về giáo dục. Trong phần mở đầu, rồi lập lại ở phần kết, ông khiêm tốn coi mình là người không hẳn có chuyên môn về sư phạm, mà chỉ có kinh nghiệm riêng và niềm tin cá nhân, với tư cách một người học và một người dạy. Ông nói nếu là vấn đề khoa học thì người không chuyên môn và thiếu căn cứ chỉ nên im lặng. “Tuy nhiên, với những việc liên quan đến con người thiết thực thì khác. Ở đây hiểu biết về chân lý mà thôi thì không đủ; ngược lại hiểu biết này phải được liên tục làm mới lại bằng sự cố gắng không ngừng, nếu không kiến thức sẽ mất đi. Giống như một bức tượng cẩm thạch đứng trong sa mạc và luôn bị nguy cơ vùi lấp trong gió cát. Những bàn tay chăm chút phải luôn hoạt động để giữ cho bức tượng tiếp tục tồn tại trong ánh thái dương. Tôi xin góp tay vào công việc đó”.
Khi mời Einstein phát biểu người ta không đặt cho ông vấn đề đại học nên chú trọng ngành tài chính ngân hàng hay khoa học kỹ thuật, nhưng hẳn là người ta trông mong ông có ý kiến về việc đào tạo thế hệ tương lai cái gì và như thế nào. Sau khi dành 5/6 trang nói về ý nghĩa và tinh thần của một nền giáo dục có giá trị, Einstein nói: “ Tôi đã nói đầy đủ về việc thanh niên nên, theo quan điểm của tôi, được giáo dục trong tinh thần như thế nào. Nhưng tôi chưa nói gì về việc lựa chọn ngành học, hay phương pháp dạy học. Nên chú trọng ngôn ngữ hay giáo dục kỹ thuật trong khoa học?
Câu trả lời của tôi là: Tất cả những điều đó đều có tầm quan trọng bậc hai. Nếu một thanh niên rèn luyện cơ bắp và thể lực dẻo dai bằng thể dục và đi bộ, thì sau này anh ta thích hợp với mọi lao động chân tay. Điều này cũng tương tự như rèn luyện trí tuệ và thể dục tinh thần và thủ thuật. Cho nên định nghĩa của bậc thông thái về giáo dục không sai: “Giáo dục là cái còn lại, nếu người ta lỡ quên hết mọi thứ đã học ở trường.” Vì lý do này tôi không hào hứng đứng hẳn về một phe nào trong cuộc tranh chấp giữa những người chủ trương một nền giáo dục lịch sử triết học cổ điển hay một nền giáo dục trọng tâm là khoa học tự nhiên.
Mặt khác, tôi muốn phản đối ý kiến cho rằng trường học cần dạy trực tiếp kiến thức chuyên môn và những thành tựu mà người ta có thể sử dụng trực tiếp trong đời sống. Nhu cầu cuộc sống nhiêu khê đến nỗi sự huấn luyện chuyên môn trong nhà trường không có vẻ khả thi. Ngoài ra, hơn thế, tôi thấy rất khó chịu khi đối xử với một cá nhân như một công cụ vô hồn. Nhà trường nên luôn đặt mục tiêu là thanh niên tốt nghiệp với một nhân cách hài hòa, chứ không chỉ là một chuyên gia. Quan điểm này của tôi cũng áp dụng cho cả những trường kỹ thuật, nơi sinh viên chuyên chú theo đuổi một nghề chuyên môn nhất định.
Điều quan trọng bậc nhất là phát triển khả năng tư duy và phán đoán độc lập, chứ không phải có được kiến thức chuyên môn. Nếu một người am hiểu tường tận nền tảng môn học của mình và học được cách suy nghĩ và làm việc độc lập, anh ta chắc chắn tìm ra con đường cho mình, và hơn nữa sẽ có thể điều chỉnh bản thân mình cho thích nghi với sự tiến bộ và những thay đổi, tốt hơn hẳn so với những người được đào tạo chuyên môn với kiến thức cụ thể chi tiết”.
Mười sáu năm sau, trong bài Nền giáo dục cho tư duy độc lập đăng trên New York Times số 5 tháng 10, 1952, Einstein lại viết:
“Đào tạo một người một ngành chuyên môn thì không đủ. Được đào tạo như vậy người đó có thể trở thành một cái máy hữu dụng chứ không phải một nhân cách phát triển hài hòa. Điều thiết yếu là sinh viên đạt được hiểu biết và cảm nhận sinh động các giá trị. Anh ta phải có một nhận thức sâu sắc về những điều đẹp và tử tế. Nếu không, anh ta – với kiến thức chuyên môn – sẽ gần giống với một con chó được huấn luyện giỏi hơn là một con người phát triển hài hòa. Sinh viên phải học để hiểu những động lực sống của nhân loại, những ảo tưởng và những khổ đau của họ để có được mối quan hệ đúng với từng cá thể đồng loại và với cộng đồng nhân loại.
Những điều cao quí này được truyền giao cho thế hệ trẻ thông qua tiếp xúc trực tiếp với người dạy – hoặc chí ít cũng là chủ yếu – chứ không phải thông qua sách vỡ. Chính điều này tạo lập và bảo tồn văn hóa một cách căn cơ. Tôi nghĩ đến điều này khi khuyến cáo “nhân văn” là ngành học quan trọng, chứ không phải kiến thức chuyên môn khô khan trong các môn sử và triết.
Quá nhấn mạnh vào hệ thống cạnh tranh và chuyên môn hóa chưa thuần thục ở mức độ hữu dụng tức thì, bao gồm cả kiến thức chuyên môn hóa, giết chết tâm hồn mà toàn bộ đời sống văn hóa phụ thuộc vào.
Một điều cũng rất quan trọng đối với một nền giáo dục có giá trị đó là phát triển tư duy phê phán độc lập ở những người trẻ, một sự phát triển bị tác hại lớn do chồng chất lên sinh viên quá nhiều kiến thức và môn học quá khác biệt (hệ thống điểm). Quá tải tất yếu dẫn tới nông cạn. Dạy học nên là một hoạt động mà điều được truyền giao được tiếp nhận như món quà quí giá chứ không phải như một bổn phận nhọc nhằn”.
Đó là bài viết cuối cùng của Einstein đề cập đến giáo dục. Ông mất 3 năm sau đó. Có thể coi đây là di ngôn giáo dục của ông.
Tuổi thu
Tản văn của Nguyễn Hồng Nhung
Muốn tặng một người bạn yêu dấu tuổi Thu, đang cùng đi trên một con đường không thấy tận cùng, không đoạn bắt đầu, luôn luôn đời như thể chỉ bắt đầu từ đoạn giữa, giữa con đường, giữa ngổn ngang bất an những âu lo hàng ngày trần thế, giữa ngụp lặn nổi chìm mọi âm thanh nức nở hoặc nỉ non sao thoát những nỗi đau đời người!
Xuân vừa hết, hè bắt đầu sang, vậy mà ta viết về tuổi Thu- khi lá bắt đầu ươm vàng, xoay tròn cuống, ngả theo gió tan tác muốn bay đi…
Muốn tặng một người bạn yêu dấu tuổi Thu, đang cùng đi trên một con đường không thấy tận cùng, không đoạn bắt đầu, luôn luôn đời như thể chỉ bắt đầu từ đoạn giữa, giữa con đường, giữa ngổn ngang bất an những âu lo hàng ngày trần thế, giữa ngụp lặn nổi chìm mọi âm thanh nức nở hoặc nỉ non sao thoát những nỗi đau đời người!
Từng ngày sống hiện tại của bạn chỉ còn lại là những ký ức nhân gian ngày mỗi xa vời, xa lắc. Lạ thế! những ký ức còn đọng nguyên cảm xúc nhưng hết rồi sức sống động lay chuyển cả tâm hồn rực lửa khi nao. Chỉ còn lại như âm hưởng đọng vu vơ từ tưởng tượng giấc mơ, và hình hài của nó như những cánh hoa ép trong cuốn sổ đã đen vàng mỏng dính.
Tuổi Thu muốn đưa bạn đi, đến những miền dày hơn, thẳm hơn, không khép lại như trang sách đã đọc xong, mà mở ra như bầu trời hút sâu chào đón. Té ra bạn của tôi bằng lòng đến sát giới hạn của những niềm vui ngập nắng , chỉ để mong được lẳng lặng chìm xuống biển câm của ẩn náu chẳng bến bờ.
Trong một ngày tuổi Thu xuất hiện, mọi con sông, mọi cây cầu, mọi góc phố, mọi thủ đô, mọi quốc gia đều giống hệt nhau, mọi xúc cảm tưởng chỉ ngập tràn trong những tương tư khắc khoải xa cách, nhớ mong, hy vọng thầm kín hay bày tỏ nổ tung… bỗng giống hệt nhau, chẳng ở kia, chẳng ở đây…bởi cùng lúc chúng hiện nguyên hình chỉ là cảm giác, về những giới hạn mình đều đã đi qua.
Và kìa, còn hãi kinh hơn nữa, không phải cảm giác của chúng mình đâu, chỉ là muôn vàn mùi vị đã nếm trải của những kẻ đã đi trước chúng ta lâu lắm rồi, mới hôm qua, hay triệu triệu năm về trước…
Lẳng lặng nhận ra mọi điều, khi tuổi Thu cập bến, lúc mọi thân yêu bấu víu đột nhiên chỉ còn mong manh hơi nước, nhạt nhòa vương víu, như sương chiều lan tỏa, hay nhập nhoạng đêm về…
Không buồn chút nào, bạn nhỉ? Khói thuốc mơ hồ tỏa ra từ điếu thuốc sắp tàn chỉ để giữ nụ cười cuối cùng bạn muốn giữ trên môi. Bởi vì mình đã đi hết con đường đâu, con đường vô tận?
Xác thân này hôm nay chỉ là tấm áo manh quần giữ hơi ấm chốc lát, phút giây bạn tạm dừng chân trên con đường hành hương hun hút quay trở về nhà.
Giữa con đường, dù mình tình cờ gặp nhau, mắt cùng lạc vào những bến bờ Xuân về hoa nở, Hạ dâng trái đời ngọt lịm, dù quên cất bước, chân vẫn phải đặt tới bến Thu để nhận ra cuộc hành trình còn dài lắm, hay mới chỉ bắt đầu, bạn hỡi, đến những tầng trùng điệp xa xôi, giữa Sự Sống mênh mang vĩnh hằng này?
N. H. N
( Budapest. 2013.05. 20)
Tín ngưỡng cô hồn ở Nam Bộ
TRẦN PHỎNG DIỀU
Theo giải thích của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ thì cô hồn là những người chết oan, chết trẻ, những người chết bất đắc kỳ tử, chết do tác động của những nghiệp xấu…, những người này không được đầu thai trở về một kiếp khác mà linh hồn họ cứ vất vưởng nơi trần gian không được siêu thoát; khác với những người chết già, chết bình thường, sau khi qua đời được chuyển kiếp, đầu thai thành kiếp khác.
Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích: “Cô hồn: cái hồn cô đơn, không có ai đơm cúng”1. Như vậy, cô hồn còn là những linh hồn của người chết nhưng không được ai thờ cúng. Chính vì không được cúng kiếng nên họ đói, hay phá phách người trần, bằng cách làm cho người trần gian phải ốm liệt giường, không dậy được, thuốc thang cũng không khỏi; chỉ khi nào cúng quảy cho họ thì người trần gian mới được tai qua nạn khỏi. Tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam, các nhà nghiên cứu nhận định, “Trong thế giới các vong hồn, còn có những hồn ma chết xấu (do mũi tên hòn đạn, ngã núi, hổ vồ, chết trôi sông, chết không mồ mả…) lang thang đây đó, không nơi nương tựa, gọi là cô hồn. Các cô hồn thường đói khát, thiếu thốn hại người, gia súc gia cầm, rình rập các lễ cúng để kiếm miếng ăn, được gọi là ma đói. Không chỉ có các hồn ấy nghiễm nhiên thành ma đói, ma dữ. Vong hồn có gia đình, người thân còn sống nhưng không được ai quan tâm cúng lễ cũng trở thành ma đói”2.
Một số nơi, dân gian Nam Bộ còn tin rằng các cô hồn này nếu muốn được đầu thai thì họ phải bắt đủ một trăm mạng người thế vào chỗ của mình. Đó là lý do một bộ phận dân Nam Bộ rất sợ cô hồn và thường xuyên cúng bái. Vì cô hồn được coi là một dạng ma quỷ nên người ta không thờ cúng trong nhà. Người ta thường làm một cái miếu nhỏ để thờ cô hồn. Cái miếu nhỏ này hoặc được đặt ở ngã ba sông để cúng cô hồn là những người chết đuối, hoặc được đặt ở ngã ba đường để cúng những người chết vì tai nạn giao thông. Đôi khi miếu cô hồn còn được đặt trong khuôn viên của một ngôi đình để cho Thành hoàng quản thúc và hưởng lộc cúng của con người.
Miếu cô hồn rất đơn sơ, được làm bằng mái lá vách đất hoặc cũng có khi được xây bằng xi măng nhưng thường rất nhỏ, trong đó có bài vị là một tấm giấy đỏ dán vào vách trên đó có hai chữ cô hồn được viết bằng chữ Hán, một lư hương, một lọ hoa và ba chung nước. Mỗi buổi chiều, dân làng gần đó đến miếu cô hồn để thắp nhang van vái cho xóm làng được bình yên. Vào ngày cúng cô hồn, ngày 2 và 16 âm lịch mỗi tháng, người ta đem lễ vật đến miếu cô hồn để cúng. Thức cúng cũng rất đơn giản, tương xứng với tầm vóc của ngôi miếu. Đôi khi đó chỉ là một dĩa bánh men, hoặc vài ba trái quýt là xong. Nếu được đặt ở đình, miếu cô hồn cũng được phối hưởng trong những dịp kỳ yên; còn ngày thường thì đã có thủ từ đốt nhang, vả lại đã có Thành hoàng quản thúc nên không sợ cô hồn ra ngoài quấy phá dân làng.
Miếu cô hồn không phải để thờ cụ thể một người nào. Đối tượng được thờ thường là vô danh và qua nhiều giai đoạn thời gian khác nhau. Thông thường, ở con đường hay khúc sông nào thường xuyên xảy ra tai nạn, có tính chất lặp lại nhiều lần thì người ta mới lập miếu thờ. Vì người ta cho rằng, do người chết trước đó không được đầu thai, trở nên cô đơn, vất vưởng nên mới bắt người, làm người chết thường xuyên. Cô hồn còn có dạng là một hố chôn tập thể như trong chiến tranh, hay xây dựng một công trình nào mà tốn hao xương máu nhiều người, hoặc có khi đó là những kẻ hậu sinh cúng tế anh linh của những tiền bối vào Nam khai khẩn. Lúc bấy giờ, sơn lam chướng khí còn nhiều, ao tù nước đọng, muỗi mòng rắn rết khắp nơi là mầm mống gây bệnh cho con người, trong khi đó điều kiện y tế lại chưa phát triển, những bệnh thông thường của ngày nay trước kia cũng có thể gây tử vong cho con người. Chẳng những vậy, có những bệnh còn lây truyền nhiễm cho nhiều người, dẫn đến những trận dịch lớn làm chết nhiều người. Do vậy, con người của thời buổi ấy cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh đương thời, họ cho rằng những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những người khuất mặt khuất mày gây ra nên họ mới làm lễ cúng cầu xin các vị ấy để mong được cuộc sống bình an cho gia đình mình, cho làng xóm mình. Văn tế cô hồn làng Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp còn lưu lại đến ngày nay là một ví dụ điển hình. Đây là bài văn tế do dân làng Mỹ Trà dùng để cúng tế vong hồn của những người buổi đầu vào khai khẩn vùng đất hoang Nam Bộ. Được cúng tế là những người đã bỏ máu xương mình để tạo lập cho hậu thế vùng đất màu mỡ như ngày nay. Những người đến cư ngụ sau này được thừa hưởng công sức của tổ tiên nên họ mang nặng trong lòng ân đức đó mới đặt ra văn tế. Nội dung bài văn tế như sau:
Hỡi ôi! Quê hương đâu tá, tên họ là chi, oan khốc thay mấy kẻ số hèn, phách quế mơ màng cơn nước lửa, ác nghiệp bấy những người mạng bạc, hồn mai ngầy ngật lúc binh đao, kìa mấy kiếp ngậm van, sa xuống đất nọ ngàn đời nuốt thảm. Canh Thìn trước e dè cơn gió dữ, dưới suối vàng biết mấy muôn mạng thiệt thòi. Giáp Tuất trước chan chứa buổi mưa sầu, trong cung nước biết bao hồn oan khốc. Đã thương kẻ thịt xương chôn bụng sấu, lại đau người hồn phách gởi răng hùm, dật dờ nội cỏ ngàn dâu, trải ngày tháng nào ai điếu tế. Ngơ ngẩn chân trời mặt bể, dầu sớm trưa ít kẻ quảy đơm. Cửa nhà nhờ hoa cỏ ngụ nương, cơm nước cậy gió mưa lần lựa.
Ôi! Tay lưới luân hồi, giăng triêu cuốn tịch. Trái cân tạo hóa lọc tử lừa sanh, cầm ve thét tiếng thê bi, ca dế dạo cung ly biệt. Tai mắt cũng loài người, nên tưởng đến, dễ xui tín chủ động lòng thương. Chẩn tế này hương đốt thấu cùng chăng, khuyên với cô hồn soi lễ bạc.
Hỡi ôi! Thương thay! Thượng hưởng!3.
Một biến thể khác của tục cúng cô hồn là cúng tam tai. Theo đó thì những người bị xui rủi, những người ốm đau bệnh tật mà thuốc thang không hết thì người ta cho là bị âm binh quở, bị cô hồn phá vì vậy phải cúng để giải nạn. Việc cúng này có thể do chính tay người bị xui rủi, bệnh tật cúng hoặc cũng có thể nhờ người thân của mình cúng. Cúng tam tai có hai dạng: cúng trên bờ và cúng dưới nước. Cũng trên bờ phần lớn là dành cho những người ở thành thị. Giờ cúng thường là buổi tối. Địa điểm cúng nhất định phải là ngã ba, ngã tư đường. Thức cúng gồm có trái trứng vịt luộc, miếng thịt luộc và con tôm luộc, gọi là tam sanh, đôi khi có thêm một ít tiền lẻ, giấy tiền vàng bạc và ba cây nhang. Khi định giờ cúng xong, người ta đến địa điểm đã được khảo sát, sau đó bày thức cúng lên một tàu lá chuối, rồi thắp nhang, khấn vái, cầu mong tai qua nạn khỏi, rồi lấy những đồng tiền lẻ rải xung quanh; xem như bỏ đi những điều xui xẻo, rồi ra về, không được đem bất cứ thứ gì về, nếu không sẽ không có tác dụng. Cúng tam tai là dịp tốt cho trẻ con ở xóm, chúng canh từng phút, từng giây ở buổi cúng, đợi đến khi cúng xong chúng chạy đến tranh lượm thức ăn và giành nhau những đồng bạc lẻ. Người lớn thường quan niệm những đồng tiền này là đồng tiền xui nên chẳng ai dám lượm, ai cũng sợ rước xui xẻo, bệnh tật về nhà. Duy chỉ trẻ con là không sợ. Trẻ con mặc nhiên được ma quỷ, thần thánh xem là trẻ chăn trâu, mà trẻ chăn trâu là con cháu của Thần Nông ma quỷ nào dám bắt.
Ở nông thôn, cúng tam tai thường có bè chuối thả trôi sông. Cúng ở gia đình, bè chuối thường làm rất nhỏ. Người ta lấy thân của cây chuối chặt ra, ghép lại thành chiếc bè, trên đó có trang trí cờ, hoa như bè thật. Trên bè có bộ tam sanh và ít đồng bạc lẻ. Chiếc bè được đặt cạnh bờ sông, sau khi các nghi thức cúng vái xong thì người ta thả bè xuống nước. Bè trôi càng nhanh, càng xa thì người bệnh mau hết bệnh. Chiếc bè như là một phương tiện chuyên chở bao điều xui xẻo, bệnh tật mà người ta tống khứ lên nó. Vì vậy, hễ dòng nước đưa chiếc bè này tắp vào bờ cầu nhà ai thì người ta lập tức phát nước cho nó trôi đi nơi khác. Ai cũng sợ bệnh tật và những điều không may sẽ vào nhà mình. Cứ thế nó trôi mãi, trôi mãi cho đến khi nó gặp những đứa trẻ tắm sông kéo nó vào lấy thức ăn và tiền trên đó.
Nếu cúng với qui mô lớn, ở phạm vi xóm làng thì người ta sẽ tổ chức ở đình, với sự tham gia của nhiều người hơn. Thông thường, người ta định sẵn một ngày trong năm để làm lễ cúng. Đến ngày cúng, người ta đặt chiếc thuyền cúng ngay giữa sân của cơ sở thờ tự, ngay gian chính điện, mặt hướng ra sân. Chiếc thuyền này được làm rất công phu từ nhiều ngày trước đó. Đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó người ta lấy tre trúc đan lại làm khung thuyền, xung quanh thân thuyền được dán bằng giấy màu đủ loại, vừa cho kín đáo vừa cho ra vẻ chiếc thuyền hơn. Trên thuyền còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo thuyền, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dùng cho những người nghèo ở cõi âm mặc. Bên hông thuyền có ghi ngày tháng năm cúng, xung quanh thuyền và trên cabin có treo cờ, kết dây, trang trí hoa màu nên trông chiếc thuyền rất đẹp. Kế chiếc thuyền là một bàn hương án được đặt hướng về chính điện của cơ sở thờ tự, với rất nhiều lễ vật được bày biện gọn gàng, ngăn nắp, bao gồm các vật phẩm để cúng như: gà luộc, gạo, muối, bánh, trái cây và mấy lá bùa trừ tà.
Đến giờ hành lễ, những người chịu trách nhiệm trong cuộc lễ đứng trước gian chính điện của cơ sở thờ tự thắp nhang khấn vái các vị thần, sau đó đến lượt đoàn lân múa ra mắt thần; một dạng múa trình lễ. Xong đâu đó, người chỉ huy cuộc lễ ra lệnh khiêng thuyền đi, lập tức bốn thanh niên vào cuộc, mỗi người một góc nâng thuyền lên đưa ra cửa cơ sở thờ tự. Ngoài cửa đã được bố trí sẵn xe, người ta bắt đầu đặt chiếc thuyền này lên xe đó, cuộc tuần hành qua các khu phố bắt đầu. Đi đầu là người chỉ huy cuộc lễ, kế đến là đoàn lân vừa đi vừa múa, sau đó là thuyền cúng, sau cùng là chiếc xe ba gác dùng để đựng các vật phẩm mà cư dân quanh vùng cúng. Trong giờ phút này, cả khu phố nhộn nhịp hẳn lên, hầu như nhà nào cũng đặt một bàn cúng trước nhà mình. Trên bàn cúng gồm có bánh men, gạo, muối và một ít tiền. Cạnh bàn cúng là một cái bếp cà ràng đỏ rực than, được gia chủ cho vài nắm muối hột vào. Tiếng muối nổ đôm đốp khắp hang cùng ngõ hẻm, khói trong lò than bay nghi ngút, người xem đông như trẩy hội, tiếng trống, tiếng chiêng vang dội càng thôi thúc thêm nhiều người đến xem. Đoàn xe có nhiệm vụ đi khắp khu phố, đến những nhà có đặt bàn thờ cúng để lấy tiền, lấy gạo, muối… Xong tất cả, đoàn quay trở lại cơ sở thờ tự làm lễ cáo yết thánh thần để chuẩn bị cho cuộc hạ thủy con thuyền.
Đến giờ đã định, người ta lại đưa con thuyền trở ra sân, khiêng xuống bờ sông, đặt lên một chiếc ghe, chạy đến ngã ba sông, sau đó để vào con thuyền một ít tiền lẻ, bánh, gạo, muối, thịt heo hoặc gà, vài lá bùa rồi thả nó ra giữa dòng nước, để nó đem theo những điều xui rủi, tai ương của xóm làng, khu phố về một nơi vô định nào đó. Sau đó, mọi người quay về, xem như buổi lễ đã xong. Số gạo muối mà đoàn thu thập được trên đường có lúc lên đến vài xe ba gác. Số đó được chia cho những người tham gia cuộc lễ và dùng để phân phát cho người nghèo. Kể từ hôm đó, người ta tin rằng, mình đã tống khứ được mọi điều xui rủi, xua đi những ôn hoàng dịch lệ để bắt đầu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngày xưa, người dẫn đầu đoàn không phải là ông lân như bây giờ, mà thay vào đó là một người vẽ mặt vằn vện, ăn mặc như thầy pháp để dọc đường trấn giữ tà ma, diệt trừ quỷ dữ.
Tục cúng cô hồn ở Nam Bộ đã có từ lâu đời, theo bước chân của những đoàn quân Nam tiến. Tục lệ này giúp người ta có niềm tin vững chắc trong đời sống tâm linh của mình, từ đó có thêm sức mạnh tinh thần để mà vui sống, thể hiện nét đẹp nhân văn trong đời sống văn hóa của cư dân vùng này. Đồng thời nó cũng có tác dụng khuyến thiện trừ ác. Cho nên, những ai sống không tốt với xóm làng, lưu manh, ngang ngược… người đời sẽ gọi họ là đồ cô hồn sống, những thứ âm binh. •
Chú thích:
Đào Duy Anh (2005), Hán Việt từ điển, Nxb Văn Hóa Thông Tin , tr.91.
Lê Như Hoa (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, tr143-144.
Bài văn tế này do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp cung cấp.
Camper Bike: tự do vừa ngủ vừa run
Phát Tưởng lược dịch
.
Hình từ trang này
Một trong những điểm hấp dẫn nhất của nhà bé tí là thoát khỏi gánh nặng tiền thuê nhà. Bé nữa thì muốn đi đâu thì đi. Bé, bé nữa thì có thể kéo đi sau một cái xe. Và muốn tự do tuyệt đối thì cái xe ấy là… xe đạp.
Một căn nhà tí tẹo được kéo sau một chiếc xe đạp sẽ cực kỳ tiết kiệm, vì không cần nhiên liệu để di chuyển, chỉ cần người đạp xe có đủ sức mà đạp (từ từ). Mà đạp xe là tập thể dục, tốt thôi. Rồi thấy đâu có cảnh đẹp, dừng xe lại, chui vào nhà nấu ấm trà, là nấu.
.
Đây là một ngôi nhà cắm trại kéo trên xe đạp, do nghệ sĩ Kevin Cyr “sáng tác”. Đầu tiên chỉ là một dự án nghệ thuật của anh, thế rồi thành một cấu trúc hữu dụng thực sự.
.
.
.
Kevin từng đi chơi ở Bắc Kinh, thấy người Trung Quốc chở được gần như là mọi thứ trên xe đạp. Duy có nhà là chưa thấy chở. Điều đó làm trí tưởng tượng của anh lóe lên. Anh phác thảo ra một ngôi nhà trên xe đạp, rồi dần dà làm ra thật luôn.
.
Cả chiếc xe với căn nhà nặng gần 200kg, cho nên di chuyển có chút khó khăn. Kevin cho biết thường anh chỉ chợp mắt một lát trong nhà, nhưng thích thì cũng có thể ở lỳ trong đó cả ngày. “Tuy nhiên cũng hơi sợ vì nó cao quá, giường lại lênh khênh những 2.7m. Mỗi lần leo lên cả căn nhà lắc lư chao đảo.”
.
Có trở thành một giải pháp nhà ở thực sự hay không có lẽ còn phải cải tiến nhiều, đầu tiên là làm cho gia chủ không run rẩy mỗi khi trèo lên giường ngủ. Nhưng trước mắt, ta cứ tạm thưởng thức ý tưởng kỳ thú, đầy tự do và bay bổng này đã.
.
.
.
.
Can đảm
Chữ can viết thế này 肝, chúng ta còn đọc là gan, chính là cái lá gan trong bụng chúng ta. Nằm kế bên gan là túi mật, chứa dịch mật của gan sinh ra, Hán Việt đọc là đảm.
Văn hóa Á Đông của chúng ta coi là người có gan to, mật lớn là người dũng cảm, mạnh mẽ, không sợ gì. Chúng ta có từ can trường, hay Nôm hóa hoàn toàn là gan dạ (trường = ruột, dạ), cũng có nghĩa tương tự.
Ở phương Tây từ thời Hy Lạp cổ, người ta lại quan niệm khác về dịch mật. Y học cổ nói rằng có mật vàng tiếng Hy Lạp gọi là kholi, và mật đen gọi là melainkholi (ghép thêm chữ melan là màu đen). Không như bên mình, người ta không cho rằng tính dũng cảm liên quan gì tới mật cả. Người bị nhiều mật vàng sẽ hay cáu giận. Còn người nhiều mật đen thì hay buồn.
Quan niệm này tới nay còn sót lại trong từ vựng của các ngôn ngữ châu Âu. Tiếng Anh có chữcholeric nghĩa là hay cáu giận, hay chữ melancholy là nỗi sầu muộn. Một vài chữ khác có thành phần “chole” đều nguồn gốc ít nhiều liên quan tới mật, ví dụ như cholera hay cholesterol.
Tính Cách Tương Đối Trong Các Khái Niệm Nhân Quyền, Tự Do Và Dân Chủ
Lý Thái
Nhân quyền là một khái niệm rất tương đối, vì thế nó dễ bị lạm dụng. Trước tiên, khi dùng từ “nhân quyền” người ta phân biệt với “thú quyền”. Nhưng nếu chỉ có như thế thì có nghĩa gì khi con người tự cho mình có quyền gài bẫy bắt các thú vật làm thức ăn cho mình sống. Chỉ có như thế thì con người từ xưa nay vẫn dùng “nhân quyền” để chà đạp “thú quyền”. Trong thực tế, “nhân quyền” dường như chỉ được nói đến trong tương quan giữa người và người trong ý nghĩa "mọi người sinh ra đều bình đẳng", “đừng xem tôi như con vật”.
Nhưng mọi người có khả năng khác nhau, không có bản chất giống nhau, không có tài năng giống nhau, không có tâm tính giống nhau, không có sức khỏe giống nhau. Do đó sự phân chia công việc, lao động tay chân, lao động trí thức cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau. Ngay cả trong cùng một nhóm làm việc chuyên môn giống nhau, người ta cũng cần phải có người giữ những chức vụ khác nhau để có thể vận hành công tác. Chức vụ khác nhau và lương bỗng khác nhau. Nhưng làm sao biết mức lương nào mới đúng cho mỗi chức vụ? Những người có quyền đứng ra phân định mức lương cho các chức vụ chắc chắn không thể cùng một lúc là đại diện thực sự của mọi chức vụ khác nhau. Vậy thì làm sao có một người nào hay một nhóm người nào có thể phân định công bằng sự phân phối giữa công việc và lương bỗng?
Ở giới hạn nào, ở hoàn cảnh nào thì con người bị xem là mất bình đẳng, là bị bóc lột? hay mất quyền làm người? Sự phân định giới hạn này thật là một việc khó khăn. Chỉ có những người cảm thấy mình bị thua thiệt sẽ cùng nhau đứng lên đòi hỏi những người được hưởng đồng lương cao hơn nhường lại bớt số lợi nhuận mà công ty có được. Chính vì do sự cảm nhận, sự bất công thường mang tính cách chủ quan của nó, và sự đòi hỏi của một nhóm người đối với nhóm người khác luôn luôn xảy ra. Vì tính cách phức tạp mỗi ngày một tăng do mức sống của xã hội ngày càng phát triển, những đòi hỏi của người dân mỗi ngày một khác, có thẻ gây nguy cơ mâu thuẫn với quyền lợi hoặc an sinh chung của xã hội. Và sự tranh luận giữa những nhóm lợi ích với nhau và và lợi ích chung của các nhóm có thể trở thành vấn đề chung quanh những cụm từ "nhân quyền", "dân chủ" và "tự do".
Những định nghĩa mơ hồ
Trang Luật Khoa Tạp Chí đưa ra định nghĩa như sau:
“nhân quyền là quyền được sống như một con người. Đó không phải là những quyền mà một người kiếm được, được ban cho, hay được kế thừa từ người khác. Chúng là những quyền cố hữu, cơ bản mà một người nghiễm nhiên được hưởng và được bảo vệ, và các tổ chức và cá nhân khác phải thừa nhận và tôn trọng. Nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cho phép chúng ta triển nở đầy đủ và phát huy được hết phẩm chất người của mình.”
Tạp chí này còn nói nhân quyền không tùy theo dân tộc, không phụ thuộc văn hóa.
Trên vi.wikipedia, mục Nhân Quyền viết: Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.[1][2]
Với những định nghĩa mơ hồ như trên, các từ ngữ “nhân phẩm”, “tự do cơ bản” là những khái niệm trừu tượng và khó ai có thể đưa ra một giới hạn cụ thể. Như vậy làm sao hiểu những từ ngữ này một cách phổ quát được. Định nghĩa mênh mông như vậy, con người có thể đòi hỏi một cách không giới hạn tất cả những gì một con người có thể nghĩ ra.
Xã hội ngày càng có nhiều nhu cầu ưu tiên khác, như ràng buộc về vai trò của thành viên trong xã hội, hoặc về an ninh của một cộng đồng, tùy theo kích cỡ, mạnh yếu, phong tục tập quán, lịch sử của nó. Từ đó một thành viên trong cộng đồng có bổn phận phải nhượng bộ một số quyền vì các quyền lợi chung. Do đó, định nghĩa về nhân quyền vẫn là một khái niệm tùy tiện Tùy tiện từ cả hai phía, từ người ở dưới muốn vượt rào, và từ người ở trên muốn kềm chế xuống dưới.
Ngày xưa, cha mẹ cho con đi học, chỉ mong được thầy cô chiếu cố đến con của mình. Con bị thầy cô đánh đòn không dám cho cha mẹ hay, vì thường là bị la rầy thêm mà thôi, nghĩa là bố mẹ đồng tình với học đường: “thương cho roi cho vọt”. Con cái ở nhà với cha mẹ cũng thế. Mặc dù cha mẹ đều thương con, hy sinh cho con, và ngược lại. Nhưng cả xã hội không ai lên án cha mẹ nào đánh con cả, ngay cả bắt ép con mình về tình duyên, hay nghề nghiệp. Thuở đó có ai cho thế là vi phạm nhân quyền đâu.
Ngay cả ở Âu Mỹ, giềng mối luân lý ngày xa xưa cũng không khác ở ta bao nhiêu, và người ta có thể tìm trong xã hội của họ những trường hợp vi phạm nhân quyền đến mức ác độc chỉ vì bảo vệ danh dự của mình một cách máy móc theo quan điểm luân lý xã hội. Chuyện kể, có một đứa con gái trong một gia đình trung lưu, mang bầu bất ngờ. Cha mẹ cô, vì muốn giữ danh dự cho gia đình, bắt cô ở trên gác để tránh tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Sau đó, đứa bé ra đời, cũng phải ở trên căn gác cho đến 4, 5 tuổi vẫn không biết nói vì chưa hề tiếp xúc với xã hội. Nó sợ gặp người lạ và bị nhiều chứng bệnh tâm lý khó trị. Ngày nay, nếu ai biết được có gia đình như thế, chắc chắn sẽ đem gia đình trung lưu đó ra tòa.
Khái niệm thực tế hơn
Những người kém quyền lực đã dần dần chống đối người ở thế thượng phong để đòi quyền bình đẳng. Bây giờ nhân quyền bắt đầu rõ thêm chút nghĩa là “anh không có quyền bắt tôi làm việc này việc nọ quá mức, hay cấm tôi việc này việc nọ, hay hành hạ tôi”.
Có rất nhiều trường hợp, cuộc sống của người dân phải chiu nằm trong tay bọn cường hào ác bá (không phải chỉ có ngày xưa, nay cũng vậy) họ cần được lên tiếng tự vệ. Đồng thời, trong xã hội không phải ai lúc nào cũng hiền lành cả. Có cơ hội thì người ta lại làm “ẩu”, “lấn lướt kẻ khác” để được thêm lợi lộc.
Vậy thì làm sao tiết chế các hành động của họ: hạng quan lại cường hào ác bá, và hạng dân gian lưu manh xảo trá, trộm cướp? Làm sao giảm bớt hay ngăn ngừa các điều kiện xấu để họ vẫn là người hiền lương? Thế nào là quá mức? Mức độ nào là mất nhân phẩm? vân vân...
Những nước giàu mạnh cũng như hạng quan lại. Nhiều cơ hội họ đóng vai nhân đạo, nhưng có vô số cơ hội để họ làm cường hào ác bá. Một mặt họ có những cơ quan từ thiện mang những thức ăn, quần áo, thuốc men thừa thải,... đem cho các nước nghèo, một mặt họ có những công ty chế các chiếm hạm, những chiếc máy bay điều khiển từ xa, các súng ông, đạn dược, các loại bom, hỏa tiễn, các chất khai quang độc hại, đủ loại mà họ có thể nghĩ đến để buôn bán hoặc để làm vốn liếng răn đe những nước yếu thế hơn vì họ có thể giết người hàng loạt. Vậy ai có thể đứng trên họ mà bảo phải tôn trọng nhân quyền?
Dân Chủ:
Không phải là những định nghĩa mơ hồ như của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, hay của những tạp chí Luật Khoa như kể trên, mà là những gì cụ thể trong xã hội hiện đại mà họ đang sống. Đó là mức lương họ lãnh đối với phẩm và lượng lao động sản xuất, số giờ làm việc trong ngày, và sự phân phối lợi nhuận, sự phân phối tài nguyên,... Đó là một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ mà nhà cách mạng xã hội lừng lẫy Karl Marx đã vẽ được một con đường chính cho lịch sử nhân loại. Đó là cuộc tranh đấu cho nhân quyền một cách thực tiễn và vĩ đại hơn cả. Ngày nay chúng ta được nghe đến những cụm từ như mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, được nghỉ bệnh có lương, được bồi thường tai nạn lao động,… đều là do kết quả đấu tranh của Marx để lại. Trong bài viết "Tại Sao Ông Hồ Và Titô Được Tôn Vinh Trong Số Các Nhà Lãnh Đạo Cộng Sản?" ý kiến này được tác giả Nguyễn Mạnh Quang tóm tắt như sau:
"Nhờ có hai ông Marx, Engels và những người sử dụng chủ nghĩa Cộng Sản của hai ông để tranh đấu cho quyền lợi của giới lao động mà đời sống của họ ngày nay không còn bị bóc lột và khốn khổ như hồi thế kỷ 18 và 19 nữa. Ngày nay, chính quyền của hầu hết các quốc gia trên thế giới dù có độc tài hay chuyên chế toàn trị đến đâu đi nữa cũng đều đã ban hành các đạo luật về lao động với những điều khoản bảo vệ quyền lợi của người công nhân."
Ảnh trong bài "Human Rights: A Marxian perspective"
Xã hội ngày một tiến lên, và khái niệm nhân quyền lại được khai triển sang lãnh vực tâm lý, niềm an lạc trong các mối tương quan xã hội, nghĩa là đi ngoài giới hạn vật chất. Khi bị thiệt hại về tinh thần, bị nhục nhã, bị ly gián khỏi cộng đồng, bị xa lánh,... người ta cũng bị tổn thương về nhân quyền không khác chi bị đánh đập về thể chất. Người ta nói đến các từ ngũ "tội mạ lỵ, phỉ báng"
Điều 45 của bộ Dân Luật California định nghĩa tội mạ lỵ phỉ báng (libel) như sau:
Civ. Code § 45 defines libel as “a false and unprivileged publication by writing, printing, picture, effigy, or other fixed representation to the eye, which exposes any person to hatred, contempt, ridicule, or obloquy, or which causes him to be shunned or avoided, or which has a tendency to injure him in his occupation.” ...
“Mạ lỵ phỉ báng bằng bài viết là một sự phổ biến không đúng sự thật và không được đặc miễn bằng bài viết, ấn phẩm, hình ảnh, hình nộm, hay hình thức phô diễn rõ ràng, nhắm làm cho bất cứ người nào bị hận thù, khinh bỉ, nhạo báng, lăng nhục, hay tạo ra các lý do cho người đó bị xa lánh, tránh né và phương hại đến nghề nghiệp của họ ."
Đây cũng là một trân chiến mới, xét cho cùng, nó cũng thuộc phạm vi nhân quyền nữa đấy. Càng ngày, những việc có thể tổn hại đến nhân phẩm càng nhiều và phức tạp thêm ra. Ở Hoa Kỳ, các tòa án phải mất nhiều thời gian để xử những vụ án mạ lỵ, phỉ báng này. Tổn thất tiền bạc cho những người bị kết tội thường là rất lớn. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài thường hay bị vướng vào cái tội chụp mũ, mạ lỵ phỉ báng. So với khái niệm bảo vệ nhân quyền lúc ban sơ, thời Karl Marx, thì những chuyện "bảo vệ nhân phẩm" sau này càng ngày càng trở nên nhiều sắc thái phức tạp. Vì tính chất tào lao của các vụ kiện, nhưng tổn hại thì giờ và tiền bạc và nhân phẩm không thể qui ra vật chất một cách dễ dàng, những kẻ bị kết tội phải trả thêm một số tiền rất nặng để "cảnh cáo". Trong vụ kiện vu khống, mạ lị, ông Đỗ văn Phúc, phải bồi thường 1.900.000 USD cho ký giả Triều Giang. Trong số đó có 900.000 USD là tiền bồi thường thiệt hại, nhưng tiền phạt để làm gương (examplary damages) đến 1 triệu USD. Tác giả Lữ Giang có tường thuật nhiều bài về những vụ kiện tương tự: - Lại chuyện nón cối, Posted 19/08/10; - Chụp mũ hết thời, Posted on May 20, 2013; - Nhìn lại một vụ án đáng buồn, Ngày 15.1.2015.
Nói tóm lại, tất cả những điều luật ta có ngày nay là kết quả của những sự đấu tranh dài dẵng qua thời gian và không gian, kinh nghiệm tích lũy, của những người bị thua thiệt về bất cứ hình thức nào trong xã hội. Vì thế, hiểu về nhân quyền có nhiều khía cạnh và rất tương đối, chứ không thể nói như trang tạp chí Luật Khoa ở trên.
Chỉ cần đưa ra các giới hạn, các định nghĩa thích đáng cho những vấn đề cụ thể đó thôi cũng đã khó khăn đến mức nào. Nhưng ai có quyền phẩm định tiết chế ở mức độ nào, và phương pháp chế tài nào thích hợp cho mỗi mức độ? Tại sao có một số người được quyền đứng ra phân định việc đó? Người ta nghĩ đến chế độ đại diện, và khái niệm “Dân Chủ”.
Gần đây nhất, trên chương trình văn nghệ Paris By Night số 114, ông Nguyễn Ngọc Ngạn giới thiệu dân biểu Hubert Võ của tiểu bang Texas. Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ngọc Ngạn, ông Hubert Võ nói lương dân biểu ở Texas chỉ có 600 đô một tháng, tức 7 ngàn 200 đô một năm, Cũng nên biết ở Mỹ, lương dân biểu thay đổi theo từng địa phương. Ở Texas, dân biểu lãnh lương thấp nhất trong các tiểu bang Hoa Kỳ, nhưng tiền Per Diem của họ mỗi ngày được tới 190 đô la, khá hơn các tiểu bang khác. Ông Ngạn liền đưa ra một phán đoán chính trị: “Trong các xã hội dân chủ, như Mỹ của chúng ta là tiên phong, người ta giàu rồi mới làm chính trị; còn các nước chậm tiến và tham nhũng, thì làm chính trị để làm giàu”, và có vẻ đắc ý trong câu khẳng định đó. Điều mà ông Ngạn muốn nói đến là mặt vật chất xã hội, ý của ông muốn nói, những dân biểu đã giàu sẵn sẽ “không cần tham nhũng” khi làm việc cho dân. Điều này có thể đúng về mặt lý thuyết. Nhưng thực tế ra sao?
Thứ nhất, về mặt chính trị, kẻ được bầu vào dân biểu khi đang giàu, có thực sự đại diện cho đa số dân chúng đã ngu ngơ bỏ phiếu cho họ chăng, và có chắc họ sẽ bênh vực quyền lợi cho kẻ nghèo hay chăng? Nên biết rằng tất cả các quốc gia trên thế giới, kẻ nghèo luôn luôn chiếm đa số. Những dân biểu giàu mới làm chính trị ở Mỹ có làm thay đổi tỷ lệ những người giàu và người nghèo trên đất Mỹ chưa?
Cũng nên biết rằng kẻ giàu luôn có cả một khối bạn bè thân thiết của giới thượng lưu luôn muốn duy trì tình trạng ăn trên ngồi trước của họ trong xã hội. “Dân Chủ” giữa họ có lẽ bảo đảm, nhưng dân chủ cho dân nghèo đều do họ ràng buộc khéo léo bằng các đạo luật do họ nghĩ ra trong điều kiện mà hoàn cảnh cho phép, miễn là giới giàu của họ không bị mất thế trong xã hội. Hoàn cảnh của những nước giàu mạnh đương nhiên rộng rãi hơn những nước nhỏ và nghèo. Về mặt chính trị, điều này không thể hiện được chút gì cho khái niệm Dân Chủ cả.
Trong khi ở các nước cho là chậm tiến, nếu kẻ nào nghèo mà được bầu làm dân biểu, thì người đó mới hiểu được những bức bách của kẻ nghèo. Về mặt chính trị, đó mới đúng là dân chủ. Nhưng nếu hệ thống luật pháp không được tôn trọng thì cơ hội để người đại diện bị sa ngã vào tham nhũng là điều khó tránh khỏi.
Thứ hai, nói về mặt đạo đức, khi những kẻ giàu, bất cứ là do việc làm thiện hay không thiện, có nhiều tiền, to miệng, muốn làm chính trị, họ được quảng cáo nhiều hơn những người khác. Rốt cuộc, họ được bầu làm đại diện. Vậy có gì bảo đảm họ là những người đạo đức? Nếu họ không phải là người đạo đức, làm sao chắc chắn họ sẽ tranh đấu cho những giá trị chân thiện mỹ trong khi họ nắm quyền?
Tự Do:
Trở lại vấn đề, những người “nhân chi sơ tính bản ác” và vấn đề tiết chế các hành động sai phạm của họ trong xã hội. Những người này sẽ chống đối tất cả các mức độ tiết chế và phương pháp chế tài mà họ đang bị chi phối, cho đến khi họ được “tự do” hành động theo ý muốn. Khái niệm “nhân quyền” bây giờ lại được đặt ra cùng với khái niệm “Tự Do”.
Tại sao không thể có tự do tuyệt đối? Thực tế là ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cho dù gọi nó là thiên đàng hay địa ngục, cho dù gọi nó là tiên tiến hay lạc hậu, cũng vẫn có những nhà tù. Có pháp luật thì phải có nhà tù để giam hãm những kẻ có hành động có hại đến những người khác. Những người vi phạm là những người không tôn trọng tự do của kẻ khác, không biết tôn trọng những giá trị mà xã hội anh ta đang sống cùng chia sẻ, hoặc không cần biết hay không hiểu biết về an ninh chung của cộng đồng mình chung sống.
Sống trên đời, khó ai tránh được tất cả những tai nạn đến từ mọi phia, mà yếu tố con người là phức tạp nhất. Những người bị thiên tai, như động đất, bão lụt,.. hay bị thú dữ tấn công đều được mọi người khác thương tình, giúp đỡ, viện trợ. Nhưng một người bị người khác làm tổn thương thì lại là một vấn đề: không phải ai cũng bằng lòng giúp cho ta đòi lại công bằng, vì những mâu thuãn trong quyền lợi của người khác. Cũng có khi ta nghĩ rằng ta bị oan, nhưng thực tế lại không phải vậy. Những yếu tố con người rất nhạy cảm và rất khó xử.
Và tại sao luôn có luật sư bào chữa, dù bị cáo rõ ràng là một kẻ tội phạm? Ở đời có nhiều chuyện mà một người không thể nào kinh nghiệm tất cả, biết tất cả, tài giỏi tất cả. Các công tố viên cũng là người, các nguyên cáo cũng là người, nạn nhân cũng là người, và tội nhân cũng là người. Tất cả đều có thể có những điều sơ sót, sai quấy, cố tình hay vô tình, làm cho một tội phạm trở thành anh hùng, hoặc làm cho một người vô tội phải bị án tù chung thân hay bị kết liễu cuộc đời. Trên báo chí Mỹ, chẳng thiếu gì những trường hợp bắt tù oan cho những công dân, giam họ đến 60 năm cho tới khi khoa học tiến bộ, thử DNA mới phát hiện ra nhiều oan sai!
Kết luận:
Từ những mối liên quan có khi hỗ tương có khi loại trừ lẫn nhau giữa các khái niệm sơ lược ở trên, xã hội luôn xảy ra những cuộc chiến phân định giới hạn “nhân quyền”, “tự do” giữa người vi phạm, và hạnh phúc chung của xã hội. Cuộc chiến đó không bao giờ ngưng, vì những mâu thuẫn và tính cách tương đối nêu trên. Cho nên định nghĩa “tự do”,“dân chủ”, “nhân quyền” luôn luôn là vấn đề tương đối vì tính cách chủ quan trong tầm mắt của mình. Tùy theo trào lưu xã hội mà quyền lợi của một số người nào đó có thể được tăng thêm hay giảm bớt.
Người ở trong những nhóm xã hội khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau tùy theo trình độ phát triển về nhiều phương diện khác nhau. Chỉ có những người sống trong cùng một hoàn cảnh mới biết rõ nhu cầu đó. Với trình độ phát triển ý thức dân chủ của của đa số người dân ở Việt Nam ngày nay, họ sẽ có những phản ứng thích hợp, thực tế và đúng chỗ, nếu cuộc sống bình thường của chính họ thực sự bị chà đạp.
Không thể dùng một định nghĩa nào đó trong sách vỡ ai đó của một tổ chức nào đó mà đòi áp dụng cứng nhắc vào một tổ chức xã hội khác. Không thể chỉ vì sự chênh lệch quan niệm về các khái niệm nhân quyền, dân chủ, tự do mà người ở một xã hội này xúi bẩy một xã hội kia để tạo ra phong trào "đòi này đòi nọ". Thực tế, những việc làm đó không đem lại kết quả tốt đẹp, mà chỉ là những trò chơi chính trị mà thôi. Đó là một hành động "kiếm chuyện" chứ không phải là một "ý thức" tiến bộ, hoặc phát xuất từ những động lực có tính nhân bản.
Lý Thái
Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015
TỨ TƯỢNG Chương 3. Tứ Tượng với nền học thuật tư tưởng Trung Hoa
Dịch có Tứ Tượng thì Thiên Văn Trung Hoa cũng có Tứ Viên. Đó là: Tử Vi Viên, Thái Vi Viên, Thiên Thị Viên, Thiếu Vi Viên.[1]
Nhị Thập Bát Tú trên trời cũng được chia thành 4 chòm sao:
a. Chòm Thanh Long phía Đông gồm 7 sao: Giác 角, Cang 亢, Đê 氐, Phòng 房, Tâm 心, Vĩ 尾, Cơ 箕.
b. Chòm Chu Tước phía Nam gồm 7 sao: Tỉnh 井, Quỉ 鬼, Liễu 柳, Tinh 星, Trương 張, Dực 翼, Chẩn 軫.
c. Chòm Bạch Hổ phía Tây gồm 7 sao: Khuê 奎, Lâu 婁, Vị 胃, Mão 昴, Tất 畢, Chủy 觜, Sâm 參.
d. Chòm Huyền Võ phía Bắc gồm 7 sao: Đẩu 斗, Ngưu 牛, Nữ 女, Hư 虛, Nguy 危, Thất 室, Bích 璧.
Dịch có Tứ Tượng thì một năm cũng có bốn mùa, thế giới cũng có bốn phương, bốn biển, xã hội có Tứ Dân (Sĩ, Nông, Công, Thương), luân lý có Tứ Duy (Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ)… Dịch cho rằng chu kỳ biến hóa của vũ trụ quần sinh sẽ trải qua bốn thời kỳ:
1. Nguyên: Căn nguyên Trời làm cho vạn vật trổ sinh.
2. Hanh: Nhờ căn nguyên ấy, nhờ nguồn sống vô biên ấy vạn vật lớn mạnh, sẽ phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực.
3. Lợi: Nhờ vậy sẽ có những ứng dụng vô biên, và sẽ được thoải mái, thảnh thơi, toại ý.
4. Trinh: Cuối cùng sẽ đi đến chỗ thành tựu, đến chỗ hoàn thiện.
Bốn giai đoạn biến hóa
Chu kỳ biến dịch ấy sẽ theo tiết tấu sau: SINH, TRƯỞNG, LIỄM, TÀNG.
Theo Dịch thì Tứ Tượng cũng ứng vào Tứ Đức ở nơi người. Đó là: NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ.
Dịch có Tứ Tượng thì Phật giáo cũng có Tứ Đại. Đó là: ĐỊA, THỦY, HỎA, PHONG.
Dịch chia chu kỳ biến hóa của vũ trụ, vạn hữu thành bốn thời kỳ (Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh) thì Ấn Độ cũng chia chu kỳ biến hóa của thế giới hiện tượng này thành bốn thời kỳ:
a. Krita Yuga (Kim đại): 4800 năm trời hay 1,728,000 năm đất: 4800 x 360.
b. Treta Yuga (Ngân đại): 3600 năm trời hay 1,296,000 năm đất: 3600 x 360.
c. Dwapara Yuga (Đồng đại): 2400 năm trời hay 864,000 năm đất: 2400 x 360.
d. Kali Yuga (Thiết đại): 1200 năm trời hay 432,000 năm đất: 1200 x 360.
Đơn giản các năm nói trên để lấy tỷ lệ, ta sẽ có:
Kim đại lâu bằng 4.
Ngân đại lâu bằng 3.
Đồng đại lâu bằng 2.
Thiết đại lâu bằng 1.
Đó chính là bốn con số ta thấy trong Hà Đồ, hoặc trong Tétractys của Pythagore.
Vẽ thành đồ bản những nhận xét trên ta sẽ có như sau:
Thiệu Khang Tiết đã triệt để áp dụng thuyết Âm Dương, Tứ Tượng vào học thuyết của ông. Ông viết: «Cái lớn của sự động gọi là Thái Dương, cái nhỏ của sự động gọi là Thiếu Dương; cái lớn của sự tĩnh gọi là Thái Âm, cái nhỏ của sự tĩnh gọi là Thiếu Âm.
Thái Dương làm mặt trời, Thái Âm làm mặt trăng; Thiếu Dương làm các ngôi sao, Thiếu Âm làm các khoảng cao mờ trên trời: Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần giao với nhau mà cái thể của trời được bao quát hết vậy.
Thái Nhu làm nước, Thái Cương làm lửa, Thiếu Nhu làm đất, Thiếu Cương làm đá: Thủy, Hỏa, Thổ, Thạch giao với nhau mà cái thể của đất được bao quát hết vậy.
Mặt Trời làm nóng, Mặt Trăng làm lạnh, Tinh làm ngày, Thần làm đêm: Nóng, lạnh, tinh, thần giao với nhau mà sự biến của trời được bao quát hết vậy.
Nước làm mưa, Lửa làm gió, Đất làm sương, Đá làm sấm: Mưa gió, sương, sấm thần giao với nhau mà sự hòa của đất được bao quát hết vậy.
Nóng biến cái tính của vật, lạnh biến cái tình của vật, ngày biến cái hình của vật, đêm biến cái thể của vật: Tính, tình, hình, thể giao với nhau mà sự cảm của giống động vật và thực vật được bao quát hết vậy.
Mưa hóa sự chạy của vật, gió hóa sự bay của vật, sương hóa loài cỏ của vật, sấm hóa loài cây của vật: Sự chạy, sự bay, loài cỏ, loài cây giao với nhau mà sự ứng của giống động vật và thực vật được bao quát hết vậy.
Người ta đối với nóng lạnh, ngày đêm không có lúc nào mà không biến; đối với mưa, gió, sương, sấm không có lúc nào mà không hóa; đối với tính, tình, hình, thể không có lúc nào mà không cảm; đối với sự chạy, sự bay, loài cỏ, loài cây không có lúc nào mà không ứng.
Bởi thế mắt trông rõ sắc vạn vật, tai nghe rõ tiếng của vạn vật, mũi ngửi rõ khí của vạn vật, miệng rõ mùi của vạn vật. Loài người như thế cho nên linh hơn vạn vật là phải vậy.»
Thiệu Khang Tiết còn lấy cái thể và cái dụng của Tứ Tượng mà lập thành số, thành đồ, cho nên bao giờ cũng lấy số 4 mà phối hợp nhau, như là: Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần; Thủy, Hỏa, Thổ, Thạch, làm cái thể và cái dụng của trời đất; lấy Nóng, Lạnh, Ngày, Đêm; Mưa, Gió, Sương, Sấm, làm sự biến và sự hóa của đất trời; lấy Tính, Tình, Hình, Thể; Chạy, Bay, Cỏ, Cây, làm sự cảm và sự ứng của vạn vật; lấy Nguyên, Hội, Vận, Thế; Tuế, Nguyệt, Nhật, Thì, làm cái trước và cái sau của trời đất. Ông theo cái lý số 4 ấy mà tính, cho Nhật là Nguyên, Nguyệt là Hội, Tinh là Vận, Thần là Thế, và ông theo phương pháp nạp Âm mà tính từ năm Giáp Thìn là năm nguyên niên đời vua Nghiêu, đến năm Kỷ Mùi là năm thứ 5 đời vua Mục Vương nhà Chu, ghi rõ lúc hưng, lúc vong, thời trị, thời loạn, trong khoảng thời gian ấy, để làm chứng thực cho sự học của mình…[2]
Đổng Trọng Thư thì lại áp dụng Tứ Tượng vào cách trị dân. Đại khái Đổng Trọng Thư cho rằng: Trời có Xuân, Hạ, Thu, Đông: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu sát, Đông tàng, thì Vua Chúa cũng phải có đủ bốn vẻ là yêu, ghét, vui, giận, lại phải biết lúc khen, lúc thưởng, lúc phạt, lúc hình, để tương ứng với bốn mùa Trời, bốn vẻ của Trời, bốn tác động của Trời.[3] Thế là bắt chước Trời, bắt chước Bốn Mùa mà giáo dưỡng cho nhân loại được trở nên thành toàn.
CHÚ THÍCH
[1] Hữu Tứ Viên dĩ trấn tứ phương: Tử Vi, Thiên Thị, Thái Vi, Thiếu Vi dã…. Tứ Viên tức Tứ Tượng dã. 有 四 圍 以 鎮 四 方 : 紫 微, 天 市, 太 微, 少 微 也 ... 四 圍 即 四 象 也 .
[2] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển 2, trang 109-110.
[3] Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Triết Học Sử, trang 525.
Ngoại giao Con đường Tơ lụa và sự xuyên tạc lịch sử
Tác giả: Tansen Sen | Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang
Gần đây, các báo đài bắt đầu đưa tin về khái niệm đầy lãng mạn “Con đường Tơ lụa” lịch sử mà các đoàn lữ hành trên lưng lạc đà đã đi qua giữa những ngọn núi và sa mạc Trung Á, cũng như tọa đàm về việc tái lập các mạng lưới hàng hải trên Ấn Độ Dương mà Đô đốc hải quân Trung Quốc Trịnh Hòa đã bảy lần dẫn hạm đội của mình băng qua. Nhằm nhấn mạnh vai trò lịch sử của Trung Quốc như là biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy các tuyến đường thương mại cổ xưa, gần đây nhất là trong các chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới các nước Trung và Nam Á.
Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ trong chiến dịch dựa trên lịch sử này của Trung Quốc: lịch sử đang bị bóp méo.
Tháng Chín năm 2013, chưa đầy một năm sau khi đảm nhận vị trí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến chính sách đối ngoại mới được gọi là “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa.” Trong một bài diễn văn tại Đại học Nazarbayev ở Kazakhstan, nhằm kêu gọi hợp tác và phát triển khu vực Á-Âu thông qua sáng kiến Con đường Tơ lụa mới này, Tập Cận Bình đã nêu ra năm mục tiêu cụ thể: tăng cường hợp tác kinh tế, cải thiện kết nối đường bộ, xúc tiến thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho chuyển đổi tiền tệ, và thúc đẩy sự giao lưu giữa người dân với nhau.
Một tháng sau, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 16 được tổ chức ở Brunei, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất việc xây dựng một “Con đường Tơ lụa trên biển” thế kỷ 21 để cùng nhau thúc đẩy hợp tác hàng hải, kết nối, nghiên cứu khoa học và môi trường, và các hoạt động khai thác hải sản. Vài ngày sau đó, trong bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia, Tập Cận Bình đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng này và tuyên bố Trung Quốc sẽ đóng góp kinh phí để “phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác hàng hải trong một nỗ lực chung nhằm xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển của thế kỷ 21,” kéo dài từ bờ biển Trung Quốc đến Địa Trung Hải.
Trong cả hai bài phát biểu trên, Tập Cận Bình đều nhấn mạnh mối liên kết hữu nghị trong lịch sử giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực và ám chỉ rằng những đề xuất của ông đều hướng đến việc thiết lập lại các mối quan hệ hữu nghị cổ xưa trong một thế giới toàn cầu hóa và hiện đại. Tại Kazakhstan, ông cho rằng sứ thần Tây Hán Trương Khiên đã “gánh vác sứ mệnh hòa bình và hữu nghị,” đồng thời mở ra cánh cửa liên lạc Đông-Tây và thiết lập nên “Con đường Tơ lụa.” Tại Indonesia, ông đã tán dương Đô đốc Trịnh Hòa nhà Minh vì đã để lại “những câu chuyện đẹp về mối giao lưu hữu nghị giữa dân tộc Trung Quốc và Indonesia.”
Thế nhưng, Tập Cận Bình đã không hề đề cập đến những bi kịch xung đột và nỗ lực nhằm truyền bá một trật tự thế giới dĩ Hoa vi trung (lấy Trung Quốc làm trung tâm – NBT). Đồng thời, nhằm khắc họa quá khứ như là một giai đoạn lịch sử không tưởng, mục đích chuyến đi của sứ thần Trương Khiên tới các nước được gọi là Tây Vực cũng bị bóp méo.
Nhà Hán đã phái Trương Khiên đi tìm đồng minh nhằm chống lại Liên minh Hung Nô hùng mạnh, địch thủ hàng đầu của Đế chế Tây Hán. Với các chính sách bành trướng, nhà Hán đã góp phần biến những người Hung Nô du mục thành một thực thể bán nhà nước[1] vốn đã luôn đối đầu với các lực lượng người Hán. Năm 138 TCN, nhà Hán phái Trương Khiên tới Trung Á để tìm người Nguyệt Chi[2] theo hành trình của người Hung Nô trước đó. Tuy nhiên, sứ mệnh của ông đã thất bại, ông bị người Hung Nô cầm tù và bị ép hôn với một nữ nhân trong tộc. Trốn thoát sau 10 năm bị giam cầm, ông nhận ra rằng người Nguyệt Chi không hề quan tâm đến việc thành lập liên minh quân sự (với nhà Hán để chống người Hung Nô). Đóng góp duy nhất của Trương Khiên cho triều đình nhà Hán là biểu tấu về các thể chế và tộc người trong khu vực Trung Á.
Tương tự, hình ảnh của Đô đốc Trịnh Hòa như là một sứ thần của hòa bình và hữu nghị cũng có vấn đề. Trên thực tế, Đô đốc Trịnh Hòa đã sử dụng vũ lực trong bảy chuyến thám hiểm từ năm 1405 đến năm 1433 tại các vùng lãnh thổ mà nay là Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, và Ấn Độ, nhằm phong chư hầu và kiểm soát hành lang chiến lược trên Ấn Độ Dương. Trịnh Hòa đã can thiệp vào việc triều chính của Sri Lanka và Indonesia, sau đó đưa tù nhân về Nam Kinh, kinh đô nhà Minh. Thực tế ban đầu Hoàng đế Vĩnh Lạc phái Trịnh Hòa ra biển Tây là để nhằm truy lùng đứa cháu trai đã bị chính Vĩnh Lạc soán ngôi, đồng thời truyền bá nền văn minh Trung Hoa. Trong quá trình thám hiểm, Trịnh Hòa đã thu phục rất nhiều vị vua chúa về làm chư hầu dưới trướng của Vĩnh Lạc cùng với các vật phẩm triều cống. Các chuyến đi này sau đó đã bị dừng lại bởi chúng hóa ra là quá tốn kém và, dưới góc nhìn của các triều thần, đã trao quyền quá mức cho một hoạn quan như Trịnh Hòa.
Đế chế Hán đã sử dụng chiến thuật tương tự tại Trung Á, đặc biệt là tại các vị trí chiến lược trên những tuyến đường thương mại. Do đó, chẳng có tuyến đường bộ hay hàng hải nào, gọi chung là Tuyến đường Tơ lụa, cho thấy sự giao lưu hòa bình hoặc thúc đẩy tình hữu nghị thông qua sự hiện diện của Trung Quốc như các bài phát biểu đã nêu.
Cũng có một vấn đề với thuật ngữ “Con đường Tơ lụa” hay “Tuyến đường Tơ lụa.” Nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen đặt ra thuật ngữ này vào năm 1877 để chỉ các tuyến đường bộ thương mại cổ xưa xuyên qua Trung Á. Kể từ đó, nhiều tuyến đường kết nối Trung Quốc với thế giới bên ngoài đều được gọi là “Con đường Tơ lụa” hay “Tuyến đường Tơ lụa,” cho dù tơ lụa không phải là sản phẩm đầu tiên, cũng không phải là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trên bất kỳ tuyến đường nào. Ngoài ra, được các học giả Trung Quốc ra sức sử dụng, thuật ngữ này đã đề cao vai trò của Trung Quốc trong các tương tác liên khu vực cận đại một cách vô căn cứ. Điều này là kết quả của việc phớt lờ các ảnh hưởng ngoại lai tới xã hội và kinh tế Trung Quốc trong suốt 2000 năm qua.
Có lẽ, như nhiều người Trung Quốc khác, quan điểm của Tập Cận Bình về Con đường Tơ lụa được định hình bởi hệ thống giáo dục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận việc phân tích phê phán và diễn giải xác đáng các nguồn sử liệu. Có thể Tập Cận Bình chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc gia đình xuất thân gần kinh đô Tây An của Trung Quốc cổ đại, hay còn được biết đến trong lịch sử là Trường An, địa danh được sử sách công nhận là điểm khởi đầu của con đường tơ lụa trên bộ. Hoặc Tập Cận Bình không nhận thức được những phản ứng tiêu cực mà việc sử dụng chủ nghĩa tượng trưng văn hóa Trung Quốc trong lĩnh vực chính sách đối ngoại đã gây ra ở ngoại quốc. Hoặc cũng có thể ông kiên quyết tiến hành sáng kiến này đến cùng, với sức mạnh kinh tế Trung Quốc đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua.
Thế nhưng, một số quốc gia vẫn sẵn sàng chấp nhận những câu chuyện lịch sử bị bóp méo vì những lý do kinh tế.
Ví dụ, năm ngoái Chính phủ Sri Lanka đã tiếp nhận một bức tượng Trịnh Hòa mạ vàng như một món quà từ Hiệp hội Quản lý Du lịch Quốc tế của Trung Quốc. Hai bên tuyên bố rằng Trịnh Hòa và các cuộc thám hiểm của ông đại diện cho những mối quan hệ thương mại và hòa bình cổ xưa giữa Trung Quốc và Sri Lanka. Các chi tiết lịch sử quan trọng đã bị bỏ qua như việc Trịnh Hòa đã thay đổi chế độ vốn có trong khu vực; bắt cóc quốc vương Alaskawera; áp giải ông này về Nam Kinh như một tù nhân. Trịnh Hòa cũng chiếm đoạt Xá lợi răng Phật nổi tiếng tại Kandy, một biểu tượng xa xưa về chủ quyền của Sri Lanka.
Xung đột quân sự cũng đã xảy ra ở Indonesia, nhưng một số tờ báo của quốc gia này lại hoan nghênh đề xuất của Tập Cận Bình và ghi nhận rằng các đề xuất này có thể mang lại “những cơ hội to lớn cho sự phát triển của khu vực.” Một thực tế đã không được nhắc tới là vào năm 1407, Trịnh Hòa đã thay đổi chế độ trên đảo Sumatra bằng cách bắt cóc Trần Tổ Nghĩa, thủ lĩnh địa phương người Trung Quốc bị triều đình nhà Minh coi là cướp biển. Sau khi bị hành hình công khai ở Nam Kinh, Trần Tổ Nghĩa bị thay thế bởi một người đại diện cho lợi ích của triều đình nhà Minh trong khu vực. Cũng năm đó, Trịnh Hòa còn can thiệp vào công việc nội bộ của Vương quốc Majapahit trên đảo Java, dường như để làm suy yếu cường quốc khu vực này của Đông Nam Á.
Cũng giống như những xung đột diễn ra trong các khu vực khác với cùng một mục đích là mở ra một trật tự thế giới hài hòa dưới trướng Trung Hoa Thiên tử, những can thiệp quân sự này mới là mục tiêu của các cuộc thám hiểm do Trịnh Hòa dẫn đầu.
Với dòng tiền và đầu tư dồi dào, sáng kiến Con đường Tơ lụa của chính phủ Trung Quốc có thể thúc đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Á và châu Âu, miễn là các nước này tự nguyện tuyên bố có mối liên kết với đế chế Trung Quốc cổ đại. Còn đối với Trung Quốc, sự thành công của sáng kiến này sẽ mở ra con đường mới cho việc đầu tư nguồn dự trữ tiền tệ khổng lồ của mình, đánh dấu một bước tiến lớn trong công cuộc tái lập trật tự thế giới Trung Quốc cổ đại được biết đến dưới tên gọi thiên hạ, đó là, mọi nơi được biết đến trên thế giới này đều thuộc về một thiên mệnh hoàng đế của Trung Hoa. Trật tự thế giới mới này sẽ không chỉ đơn giản là luận điệu suông, mà còn mang những ý nghĩa quan trọng về địa chính trị.
Tansen Sen (Thẩm Đan Sâm) là phó giáo sư tại trường Đại học Baruch, Đại học Tổng hợp Thành phố New York. Chuyên ngành của ông là lịch sử và các tôn giáo châu Á, ông đặc biệt quan tâm về lĩnh vực quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, thương mại Ấn Độ Dương, Phật giáo, và khảo cổ học về Con đường Tơ lụa. Ông là tác giảcuốn “Buddhism, Diplomacy, and Trade: The Realignment of Sino-Indian Relations, 600-1400” (University of Hawai’i Press, 2003) và đồng tác giả (với Victor H. Mair) của cuốn “Traditional China in Asian and World History” (Association for Asian Studies, 2012).
Tác giả: Tansen Sen | Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang
Thậm chí người Mỹ cũng không tin cậy các phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ
Thậm chí người Mỹ cũng không tin cậy các phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ
Kichbu theo topwar.ru
Viện xã hội hội học của Hoa Kỳ Gallup đã tiến hành một cuộc khảo sát thường lệ đối vớiđất nước về sự tin cậy của người dân Hoa Kỳ đối với phương tiện truyền thông của Mỹ. Đó là nói về sự tin cậy/ không tin cậy giới truyền thông Hoa Kỳ. Đối với các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ kết quả thu được thật đáng thất vọng.
Hóa ra rằng chỉ có khoảng 40% người Mỹ xem các phương tiện truyền thông tin tức của Hoa Kỳ đưa thông tin ở trong nước và trên thế giới đầy đủ, chính xác và đúng sự thật. Đây là chỉ số kỷ lục thấp nhất trong lịch sử của các cuộc điều tra như vậy. Mười năm trước, hơn 54% số người được hỏi ở Hoa Kỳ tin tưởng vào các phương tiện truyền thông của họ. Vào giữa những năm chín mươi, mức độ tin tưởng vào phương tiện truyền thông của công dân Mỹ vượt trên 60%.
Các chuyên gia Mỹ gắn kết các chỉ số này không phải với việc rằng các phương tiện truyền thông tin tức ở Mỹ trở nên kém khách quan hơn, mà với việc rằng internet phát triển mạnh mẽ, và công dân Hoa Kỳ tự mình có khả năng so sánh tính khách quan của thông tin trongcác nguồn khác nhau.
Thật khó để xem nhiều ấn phẩm của Mỹ là khách quan ngay sau khi trên một loạt phương tiện truyền thông hàng đầu của Mỹ nhân rộng "tin mới" rằng máy bay MH-17 của Malaysiabị bắn rơi bởi Nga (quân đội Nga) trên lãnh thổ Ucraina. Đồng thời, báo chí Mỹ đã phổ biến "những "tin tức" này chỉ vài phút sau khi được biết về vụ tai nạn của máy bay Boing. Và đây chỉ là ví dụ duy nhất về "tính khách quan". Điều này cũng có thể bao gồm cả các phóng sự của CNN về việc rằng tại Odessa các cốt cán của antimaydan "đã tự thiêu", các bài báo của The Washington Post, biện minh cho những biểu tượng của Đức Quốc xã của các chiến binh tiểu đoàn "Azov".
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)