Dịch có Tứ Tượng thì Thiên Văn Trung Hoa cũng có Tứ Viên. Đó là: Tử Vi Viên, Thái Vi Viên, Thiên Thị Viên, Thiếu Vi Viên.[1]
Nhị Thập Bát Tú trên trời cũng được chia thành 4 chòm sao:
a. Chòm Thanh Long phía Đông gồm 7 sao: Giác 角, Cang 亢, Đê 氐, Phòng 房, Tâm 心, Vĩ 尾, Cơ 箕.
b. Chòm Chu Tước phía Nam gồm 7 sao: Tỉnh 井, Quỉ 鬼, Liễu 柳, Tinh 星, Trương 張, Dực 翼, Chẩn 軫.
c. Chòm Bạch Hổ phía Tây gồm 7 sao: Khuê 奎, Lâu 婁, Vị 胃, Mão 昴, Tất 畢, Chủy 觜, Sâm 參.
d. Chòm Huyền Võ phía Bắc gồm 7 sao: Đẩu 斗, Ngưu 牛, Nữ 女, Hư 虛, Nguy 危, Thất 室, Bích 璧.
Dịch có Tứ Tượng thì một năm cũng có bốn mùa, thế giới cũng có bốn phương, bốn biển, xã hội có Tứ Dân (Sĩ, Nông, Công, Thương), luân lý có Tứ Duy (Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ)… Dịch cho rằng chu kỳ biến hóa của vũ trụ quần sinh sẽ trải qua bốn thời kỳ:
1. Nguyên: Căn nguyên Trời làm cho vạn vật trổ sinh.
2. Hanh: Nhờ căn nguyên ấy, nhờ nguồn sống vô biên ấy vạn vật lớn mạnh, sẽ phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực.
3. Lợi: Nhờ vậy sẽ có những ứng dụng vô biên, và sẽ được thoải mái, thảnh thơi, toại ý.
4. Trinh: Cuối cùng sẽ đi đến chỗ thành tựu, đến chỗ hoàn thiện.
Bốn giai đoạn biến hóa
Chu kỳ biến dịch ấy sẽ theo tiết tấu sau: SINH, TRƯỞNG, LIỄM, TÀNG.
Theo Dịch thì Tứ Tượng cũng ứng vào Tứ Đức ở nơi người. Đó là: NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ.
Dịch có Tứ Tượng thì Phật giáo cũng có Tứ Đại. Đó là: ĐỊA, THỦY, HỎA, PHONG.
Dịch chia chu kỳ biến hóa của vũ trụ, vạn hữu thành bốn thời kỳ (Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh) thì Ấn Độ cũng chia chu kỳ biến hóa của thế giới hiện tượng này thành bốn thời kỳ:
a. Krita Yuga (Kim đại): 4800 năm trời hay 1,728,000 năm đất: 4800 x 360.
b. Treta Yuga (Ngân đại): 3600 năm trời hay 1,296,000 năm đất: 3600 x 360.
c. Dwapara Yuga (Đồng đại): 2400 năm trời hay 864,000 năm đất: 2400 x 360.
d. Kali Yuga (Thiết đại): 1200 năm trời hay 432,000 năm đất: 1200 x 360.
Đơn giản các năm nói trên để lấy tỷ lệ, ta sẽ có:
Kim đại lâu bằng 4.
Ngân đại lâu bằng 3.
Đồng đại lâu bằng 2.
Thiết đại lâu bằng 1.
Đó chính là bốn con số ta thấy trong Hà Đồ, hoặc trong Tétractys của Pythagore.
Vẽ thành đồ bản những nhận xét trên ta sẽ có như sau:
Thiệu Khang Tiết đã triệt để áp dụng thuyết Âm Dương, Tứ Tượng vào học thuyết của ông. Ông viết: «Cái lớn của sự động gọi là Thái Dương, cái nhỏ của sự động gọi là Thiếu Dương; cái lớn của sự tĩnh gọi là Thái Âm, cái nhỏ của sự tĩnh gọi là Thiếu Âm.
Thái Dương làm mặt trời, Thái Âm làm mặt trăng; Thiếu Dương làm các ngôi sao, Thiếu Âm làm các khoảng cao mờ trên trời: Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần giao với nhau mà cái thể của trời được bao quát hết vậy.
Thái Nhu làm nước, Thái Cương làm lửa, Thiếu Nhu làm đất, Thiếu Cương làm đá: Thủy, Hỏa, Thổ, Thạch giao với nhau mà cái thể của đất được bao quát hết vậy.
Mặt Trời làm nóng, Mặt Trăng làm lạnh, Tinh làm ngày, Thần làm đêm: Nóng, lạnh, tinh, thần giao với nhau mà sự biến của trời được bao quát hết vậy.
Nước làm mưa, Lửa làm gió, Đất làm sương, Đá làm sấm: Mưa gió, sương, sấm thần giao với nhau mà sự hòa của đất được bao quát hết vậy.
Nóng biến cái tính của vật, lạnh biến cái tình của vật, ngày biến cái hình của vật, đêm biến cái thể của vật: Tính, tình, hình, thể giao với nhau mà sự cảm của giống động vật và thực vật được bao quát hết vậy.
Mưa hóa sự chạy của vật, gió hóa sự bay của vật, sương hóa loài cỏ của vật, sấm hóa loài cây của vật: Sự chạy, sự bay, loài cỏ, loài cây giao với nhau mà sự ứng của giống động vật và thực vật được bao quát hết vậy.
Người ta đối với nóng lạnh, ngày đêm không có lúc nào mà không biến; đối với mưa, gió, sương, sấm không có lúc nào mà không hóa; đối với tính, tình, hình, thể không có lúc nào mà không cảm; đối với sự chạy, sự bay, loài cỏ, loài cây không có lúc nào mà không ứng.
Bởi thế mắt trông rõ sắc vạn vật, tai nghe rõ tiếng của vạn vật, mũi ngửi rõ khí của vạn vật, miệng rõ mùi của vạn vật. Loài người như thế cho nên linh hơn vạn vật là phải vậy.»
Thiệu Khang Tiết còn lấy cái thể và cái dụng của Tứ Tượng mà lập thành số, thành đồ, cho nên bao giờ cũng lấy số 4 mà phối hợp nhau, như là: Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần; Thủy, Hỏa, Thổ, Thạch, làm cái thể và cái dụng của trời đất; lấy Nóng, Lạnh, Ngày, Đêm; Mưa, Gió, Sương, Sấm, làm sự biến và sự hóa của đất trời; lấy Tính, Tình, Hình, Thể; Chạy, Bay, Cỏ, Cây, làm sự cảm và sự ứng của vạn vật; lấy Nguyên, Hội, Vận, Thế; Tuế, Nguyệt, Nhật, Thì, làm cái trước và cái sau của trời đất. Ông theo cái lý số 4 ấy mà tính, cho Nhật là Nguyên, Nguyệt là Hội, Tinh là Vận, Thần là Thế, và ông theo phương pháp nạp Âm mà tính từ năm Giáp Thìn là năm nguyên niên đời vua Nghiêu, đến năm Kỷ Mùi là năm thứ 5 đời vua Mục Vương nhà Chu, ghi rõ lúc hưng, lúc vong, thời trị, thời loạn, trong khoảng thời gian ấy, để làm chứng thực cho sự học của mình…[2]
Đổng Trọng Thư thì lại áp dụng Tứ Tượng vào cách trị dân. Đại khái Đổng Trọng Thư cho rằng: Trời có Xuân, Hạ, Thu, Đông: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu sát, Đông tàng, thì Vua Chúa cũng phải có đủ bốn vẻ là yêu, ghét, vui, giận, lại phải biết lúc khen, lúc thưởng, lúc phạt, lúc hình, để tương ứng với bốn mùa Trời, bốn vẻ của Trời, bốn tác động của Trời.[3] Thế là bắt chước Trời, bắt chước Bốn Mùa mà giáo dưỡng cho nhân loại được trở nên thành toàn.
CHÚ THÍCH
[1] Hữu Tứ Viên dĩ trấn tứ phương: Tử Vi, Thiên Thị, Thái Vi, Thiếu Vi dã…. Tứ Viên tức Tứ Tượng dã. 有 四 圍 以 鎮 四 方 : 紫 微, 天 市, 太 微, 少 微 也 ... 四 圍 即 四 象 也 .
[2] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển 2, trang 109-110.
[3] Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Triết Học Sử, trang 525.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét