Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Tính Cách Tương Đối Trong Các Khái Niệm Nhân Quyền, Tự Do Và Dân Chủ



Lý Thái



Nhân quyền là một khái niệm rất tương đối, vì thế nó dễ bị lạm dụng. Trước tiên, khi dùng từ “nhân quyền” người ta phân biệt với “thú quyền”. Nhưng nếu chỉ có như thế thì có nghĩa gì khi con người tự cho mình có quyền gài bẫy bắt các thú vật làm thức ăn cho mình sống. Chỉ có như thế thì con người từ xưa nay vẫn dùng “nhân quyền” để chà đạp “thú quyền”. Trong thực tế, “nhân quyền” dường như chỉ được nói đến trong tương quan giữa người và người trong ý nghĩa "mọi người sinh ra đều bình đẳng", “đừng xem tôi như con vật”.

Nhưng mọi người có khả năng khác nhau, không có bản chất giống nhau, không có tài năng giống nhau, không có tâm tính giống nhau, không có sức khỏe giống nhau. Do đó sự phân chia công việc, lao động tay chân, lao động trí thức cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau. Ngay cả trong cùng một nhóm làm việc chuyên môn giống nhau, người ta cũng cần phải có người giữ những chức vụ khác nhau để có thể vận hành công tác. Chức vụ khác nhau và lương bỗng khác nhau. Nhưng làm sao biết mức lương nào mới đúng cho mỗi chức vụ? Những người có quyền đứng ra phân định mức lương cho các chức vụ chắc chắn không thể cùng một lúc là đại diện thực sự của mọi chức vụ khác nhau. Vậy thì làm sao có một người nào hay một nhóm người nào có thể phân định công bằng sự phân phối giữa công việc và lương bỗng?

Ở giới hạn nào, ở hoàn cảnh nào thì con người bị xem là mất bình đẳng, là bị bóc lột? hay mất quyền làm người? Sự phân định giới hạn này thật là một việc khó khăn. Chỉ có những người cảm thấy mình bị thua thiệt sẽ cùng nhau đứng lên đòi hỏi những người được hưởng đồng lương cao hơn nhường lại bớt số lợi nhuận mà công ty có được. Chính vì do sự cảm nhận, sự bất công thường mang tính cách chủ quan của nó, và sự đòi hỏi của một nhóm người đối với nhóm người khác luôn luôn xảy ra. Vì tính cách phức tạp mỗi ngày một tăng do mức sống của xã hội ngày càng phát triển, những đòi hỏi của người dân mỗi ngày một khác, có thẻ gây nguy cơ mâu thuẫn với quyền lợi hoặc an sinh chung của xã hội. Và sự tranh luận giữa những nhóm lợi ích với nhau và và lợi ích chung của các nhóm có thể trở thành vấn đề chung quanh những cụm từ "nhân quyền", "dân chủ" và "tự do".

Những định nghĩa mơ hồ

Trang Luật Khoa Tạp Chí đưa ra định nghĩa như sau:

“nhân quyền là quyền được sống như một con người. Đó không phải là những quyền mà một người kiếm được, được ban cho, hay được kế thừa từ người khác. Chúng là những quyền cố hữu, cơ bản mà một người nghiễm nhiên được hưởng và được bảo vệ, và các tổ chức và cá nhân khác phải thừa nhận và tôn trọng. Nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cho phép chúng ta triển nở đầy đủ và phát huy được hết phẩm chất người của mình.”

Tạp chí này còn nói nhân quyền không tùy theo dân tộc, không phụ thuộc văn hóa.

Trên vi.wikipedia, mục Nhân Quyền viết: Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.[1][2]

Với những định nghĩa mơ hồ như trên, các từ ngữ “nhân phẩm”, “tự do cơ bản” là những khái niệm trừu tượng và khó ai có thể đưa ra một giới hạn cụ thể. Như vậy làm sao hiểu những từ ngữ này một cách phổ quát được. Định nghĩa mênh mông như vậy, con người có thể đòi hỏi một cách không giới hạn tất cả những gì một con người có thể nghĩ ra.

Xã hội ngày càng có nhiều nhu cầu ưu tiên khác, như ràng buộc về vai trò của thành viên trong xã hội, hoặc về an ninh của một cộng đồng, tùy theo kích cỡ, mạnh yếu, phong tục tập quán, lịch sử của nó. Từ đó một thành viên trong cộng đồng có bổn phận phải nhượng bộ một số quyền vì các quyền lợi chung. Do đó, định nghĩa về nhân quyền vẫn là một khái niệm tùy tiện Tùy tiện từ cả hai phía, từ người ở dưới muốn vượt rào, và từ người ở trên muốn kềm chế xuống dưới.

Ngày xưa, cha mẹ cho con đi học, chỉ mong được thầy cô chiếu cố đến con của mình. Con bị thầy cô đánh đòn không dám cho cha mẹ hay, vì thường là bị la rầy thêm mà thôi, nghĩa là bố mẹ đồng tình với học đường: “thương cho roi cho vọt”. Con cái ở nhà với cha mẹ cũng thế. Mặc dù cha mẹ đều thương con, hy sinh cho con, và ngược lại. Nhưng cả xã hội không ai lên án cha mẹ nào đánh con cả, ngay cả bắt ép con mình về tình duyên, hay nghề nghiệp. Thuở đó có ai cho thế là vi phạm nhân quyền đâu.

Ngay cả ở Âu Mỹ, giềng mối luân lý ngày xa xưa cũng không khác ở ta bao nhiêu, và người ta có thể tìm trong xã hội của họ những trường hợp vi phạm nhân quyền đến mức ác độc chỉ vì bảo vệ danh dự của mình một cách máy móc theo quan điểm luân lý xã hội. Chuyện kể, có một đứa con gái trong một gia đình trung lưu, mang bầu bất ngờ. Cha mẹ cô, vì muốn giữ danh dự cho gia đình, bắt cô ở trên gác để tránh tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Sau đó, đứa bé ra đời, cũng phải ở trên căn gác cho đến 4, 5 tuổi vẫn không biết nói vì chưa hề tiếp xúc với xã hội. Nó sợ gặp người lạ và bị nhiều chứng bệnh tâm lý khó trị. Ngày nay, nếu ai biết được có gia đình như thế, chắc chắn sẽ đem gia đình trung lưu đó ra tòa.

Khái niệm thực tế hơn

Những người kém quyền lực đã dần dần chống đối người ở thế thượng phong để đòi quyền bình đẳng. Bây giờ nhân quyền bắt đầu rõ thêm chút nghĩa là “anh không có quyền bắt tôi làm việc này việc nọ quá mức, hay cấm tôi việc này việc nọ, hay hành hạ tôi”.

Có rất nhiều trường hợp, cuộc sống của người dân phải chiu nằm trong tay bọn cường hào ác bá (không phải chỉ có ngày xưa, nay cũng vậy) họ cần được lên tiếng tự vệ. Đồng thời, trong xã hội không phải ai lúc nào cũng hiền lành cả. Có cơ hội thì người ta lại làm “ẩu”, “lấn lướt kẻ khác” để được thêm lợi lộc.

Vậy thì làm sao tiết chế các hành động của họ: hạng quan lại cường hào ác bá, và hạng dân gian lưu manh xảo trá, trộm cướp? Làm sao giảm bớt hay ngăn ngừa các điều kiện xấu để họ vẫn là người hiền lương? Thế nào là quá mức? Mức độ nào là mất nhân phẩm? vân vân...

Những nước giàu mạnh cũng như hạng quan lại. Nhiều cơ hội họ đóng vai nhân đạo, nhưng có vô số cơ hội để họ làm cường hào ác bá. Một mặt họ có những cơ quan từ thiện mang những thức ăn, quần áo, thuốc men thừa thải,... đem cho các nước nghèo, một mặt họ có những công ty chế các chiếm hạm, những chiếc máy bay điều khiển từ xa, các súng ông, đạn dược, các loại bom, hỏa tiễn, các chất khai quang độc hại, đủ loại mà họ có thể nghĩ đến để buôn bán hoặc để làm vốn liếng răn đe những nước yếu thế hơn vì họ có thể giết người hàng loạt. Vậy ai có thể đứng trên họ mà bảo phải tôn trọng nhân quyền?

Dân Chủ:

Không phải là những định nghĩa mơ hồ như của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, hay của những tạp chí Luật Khoa như kể trên, mà là những gì cụ thể trong xã hội hiện đại mà họ đang sống. Đó là mức lương họ lãnh đối với phẩm và lượng lao động sản xuất, số giờ làm việc trong ngày, và sự phân phối lợi nhuận, sự phân phối tài nguyên,... Đó là một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ mà nhà cách mạng xã hội lừng lẫy Karl Marx đã vẽ được một con đường chính cho lịch sử nhân loại. Đó là cuộc tranh đấu cho nhân quyền một cách thực tiễn và vĩ đại hơn cả. Ngày nay chúng ta được nghe đến những cụm từ như mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, được nghỉ bệnh có lương, được bồi thường tai nạn lao động,… đều là do kết quả đấu tranh của Marx để lại. Trong bài viết "Tại Sao Ông Hồ Và Titô Được Tôn Vinh Trong Số Các Nhà Lãnh Đạo Cộng Sản?" ý kiến này được tác giả Nguyễn Mạnh Quang tóm tắt như sau:

"Nhờ có hai ông Marx, Engels và những người sử dụng chủ nghĩa Cộng Sản của hai ông để tranh đấu cho quyền lợi của giới lao động mà đời sống của họ ngày nay không còn bị bóc lột và khốn khổ như hồi thế kỷ 18 và 19 nữa. Ngày nay, chính quyền của hầu hết các quốc gia trên thế giới dù có độc tài hay chuyên chế toàn trị đến đâu đi nữa cũng đều đã ban hành các đạo luật về lao động với những điều khoản bảo vệ quyền lợi của người công nhân."



Ảnh trong bài "Human Rights: A Marxian perspective"

Xã hội ngày một tiến lên, và khái niệm nhân quyền lại được khai triển sang lãnh vực tâm lý, niềm an lạc trong các mối tương quan xã hội, nghĩa là đi ngoài giới hạn vật chất. Khi bị thiệt hại về tinh thần, bị nhục nhã, bị ly gián khỏi cộng đồng, bị xa lánh,... người ta cũng bị tổn thương về nhân quyền không khác chi bị đánh đập về thể chất. Người ta nói đến các từ ngũ "tội mạ lỵ, phỉ báng"

Điều 45 của bộ Dân Luật California định nghĩa tội mạ lỵ phỉ báng (libel) như sau:

Civ. Code § 45 defines libel as “a false and unprivileged publication by writing, printing, picture, effigy, or other fixed representation to the eye, which exposes any person to hatred, contempt, ridicule, or obloquy, or which causes him to be shunned or avoided, or which has a tendency to injure him in his occupation.” ...

“Mạ lỵ phỉ báng bằng bài viết là một sự phổ biến không đúng sự thật và không được đặc miễn bằng bài viết, ấn phẩm, hình ảnh, hình nộm, hay hình thức phô diễn rõ ràng, nhắm làm cho bất cứ người nào bị hận thù, khinh bỉ, nhạo báng, lăng nhục, hay tạo ra các lý do cho người đó bị xa lánh, tránh né và phương hại đến nghề nghiệp của họ ."

Đây cũng là một trân chiến mới, xét cho cùng, nó cũng thuộc phạm vi nhân quyền nữa đấy. Càng ngày, những việc có thể tổn hại đến nhân phẩm càng nhiều và phức tạp thêm ra. Ở Hoa Kỳ, các tòa án phải mất nhiều thời gian để xử những vụ án mạ lỵ, phỉ báng này. Tổn thất tiền bạc cho những người bị kết tội thường là rất lớn. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài thường hay bị vướng vào cái tội chụp mũ, mạ lỵ phỉ báng. So với khái niệm bảo vệ nhân quyền lúc ban sơ, thời Karl Marx, thì những chuyện "bảo vệ nhân phẩm" sau này càng ngày càng trở nên nhiều sắc thái phức tạp. Vì tính chất tào lao của các vụ kiện, nhưng tổn hại thì giờ và tiền bạc và nhân phẩm không thể qui ra vật chất một cách dễ dàng, những kẻ bị kết tội phải trả thêm một số tiền rất nặng để "cảnh cáo". Trong vụ kiện vu khống, mạ lị, ông Đỗ văn Phúc, phải bồi thường 1.900.000 USD cho ký giả Triều Giang. Trong số đó có 900.000 USD là tiền bồi thường thiệt hại, nhưng tiền phạt để làm gương (examplary damages) đến 1 triệu USD. Tác giả Lữ Giang có tường thuật nhiều bài về những vụ kiện tương tự: - Lại chuyện nón cối, Posted 19/08/10; - Chụp mũ hết thời, Posted on May 20, 2013; - Nhìn lại một vụ án đáng buồn, Ngày 15.1.2015.

Nói tóm lại, tất cả những điều luật ta có ngày nay là kết quả của những sự đấu tranh dài dẵng qua thời gian và không gian, kinh nghiệm tích lũy, của những người bị thua thiệt về bất cứ hình thức nào trong xã hội. Vì thế, hiểu về nhân quyền có nhiều khía cạnh và rất tương đối, chứ không thể nói như trang tạp chí Luật Khoa ở trên.

Chỉ cần đưa ra các giới hạn, các định nghĩa thích đáng cho những vấn đề cụ thể đó thôi cũng đã khó khăn đến mức nào. Nhưng ai có quyền phẩm định tiết chế ở mức độ nào, và phương pháp chế tài nào thích hợp cho mỗi mức độ? Tại sao có một số người được quyền đứng ra phân định việc đó? Người ta nghĩ đến chế độ đại diện, và khái niệm “Dân Chủ”.

Gần đây nhất, trên chương trình văn nghệ Paris By Night số 114, ông Nguyễn Ngọc Ngạn giới thiệu dân biểu Hubert Võ của tiểu bang Texas. Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ngọc Ngạn, ông Hubert Võ nói lương dân biểu ở Texas chỉ có 600 đô một tháng, tức 7 ngàn 200 đô một năm, Cũng nên biết ở Mỹ, lương dân biểu thay đổi theo từng địa phương. Ở Texas, dân biểu lãnh lương thấp nhất trong các tiểu bang Hoa Kỳ, nhưng tiền Per Diem của họ mỗi ngày được tới 190 đô la, khá hơn các tiểu bang khác. Ông Ngạn liền đưa ra một phán đoán chính trị: “Trong các xã hội dân chủ, như Mỹ của chúng ta là tiên phong, người ta giàu rồi mới làm chính trị; còn các nước chậm tiến và tham nhũng, thì làm chính trị để làm giàu”, và có vẻ đắc ý trong câu khẳng định đó. Điều mà ông Ngạn muốn nói đến là mặt vật chất xã hội, ý của ông muốn nói, những dân biểu đã giàu sẵn sẽ “không cần tham nhũng” khi làm việc cho dân. Điều này có thể đúng về mặt lý thuyết. Nhưng thực tế ra sao?

Thứ nhất, về mặt chính trị, kẻ được bầu vào dân biểu khi đang giàu, có thực sự đại diện cho đa số dân chúng đã ngu ngơ bỏ phiếu cho họ chăng, và có chắc họ sẽ bênh vực quyền lợi cho kẻ nghèo hay chăng? Nên biết rằng tất cả các quốc gia trên thế giới, kẻ nghèo luôn luôn chiếm đa số. Những dân biểu giàu mới làm chính trị ở Mỹ có làm thay đổi tỷ lệ những người giàu và người nghèo trên đất Mỹ chưa?

Cũng nên biết rằng kẻ giàu luôn có cả một khối bạn bè thân thiết của giới thượng lưu luôn muốn duy trì tình trạng ăn trên ngồi trước của họ trong xã hội. “Dân Chủ” giữa họ có lẽ bảo đảm, nhưng dân chủ cho dân nghèo đều do họ ràng buộc khéo léo bằng các đạo luật do họ nghĩ ra trong điều kiện mà hoàn cảnh cho phép, miễn là giới giàu của họ không bị mất thế trong xã hội. Hoàn cảnh của những nước giàu mạnh đương nhiên rộng rãi hơn những nước nhỏ và nghèo. Về mặt chính trị, điều này không thể hiện được chút gì cho khái niệm Dân Chủ cả.

Trong khi ở các nước cho là chậm tiến, nếu kẻ nào nghèo mà được bầu làm dân biểu, thì người đó mới hiểu được những bức bách của kẻ nghèo. Về mặt chính trị, đó mới đúng là dân chủ. Nhưng nếu hệ thống luật pháp không được tôn trọng thì cơ hội để người đại diện bị sa ngã vào tham nhũng là điều khó tránh khỏi.

Thứ hai, nói về mặt đạo đức, khi những kẻ giàu, bất cứ là do việc làm thiện hay không thiện, có nhiều tiền, to miệng, muốn làm chính trị, họ được quảng cáo nhiều hơn những người khác. Rốt cuộc, họ được bầu làm đại diện. Vậy có gì bảo đảm họ là những người đạo đức? Nếu họ không phải là người đạo đức, làm sao chắc chắn họ sẽ tranh đấu cho những giá trị chân thiện mỹ trong khi họ nắm quyền?

Tự Do:

Trở lại vấn đề, những người “nhân chi sơ tính bản ác” và vấn đề tiết chế các hành động sai phạm của họ trong xã hội. Những người này sẽ chống đối tất cả các mức độ tiết chế và phương pháp chế tài mà họ đang bị chi phối, cho đến khi họ được “tự do” hành động theo ý muốn. Khái niệm “nhân quyền” bây giờ lại được đặt ra cùng với khái niệm “Tự Do”.

Tại sao không thể có tự do tuyệt đối? Thực tế là ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cho dù gọi nó là thiên đàng hay địa ngục, cho dù gọi nó là tiên tiến hay lạc hậu, cũng vẫn có những nhà tù. Có pháp luật thì phải có nhà tù để giam hãm những kẻ có hành động có hại đến những người khác. Những người vi phạm là những người không tôn trọng tự do của kẻ khác, không biết tôn trọng những giá trị mà xã hội anh ta đang sống cùng chia sẻ, hoặc không cần biết hay không hiểu biết về an ninh chung của cộng đồng mình chung sống.

Sống trên đời, khó ai tránh được tất cả những tai nạn đến từ mọi phia, mà yếu tố con người là phức tạp nhất. Những người bị thiên tai, như động đất, bão lụt,.. hay bị thú dữ tấn công đều được mọi người khác thương tình, giúp đỡ, viện trợ. Nhưng một người bị người khác làm tổn thương thì lại là một vấn đề: không phải ai cũng bằng lòng giúp cho ta đòi lại công bằng, vì những mâu thuãn trong quyền lợi của người khác. Cũng có khi ta nghĩ rằng ta bị oan, nhưng thực tế lại không phải vậy. Những yếu tố con người rất nhạy cảm và rất khó xử.

Và tại sao luôn có luật sư bào chữa, dù bị cáo rõ ràng là một kẻ tội phạm? Ở đời có nhiều chuyện mà một người không thể nào kinh nghiệm tất cả, biết tất cả, tài giỏi tất cả. Các công tố viên cũng là người, các nguyên cáo cũng là người, nạn nhân cũng là người, và tội nhân cũng là người. Tất cả đều có thể có những điều sơ sót, sai quấy, cố tình hay vô tình, làm cho một tội phạm trở thành anh hùng, hoặc làm cho một người vô tội phải bị án tù chung thân hay bị kết liễu cuộc đời. Trên báo chí Mỹ, chẳng thiếu gì những trường hợp bắt tù oan cho những công dân, giam họ đến 60 năm cho tới khi khoa học tiến bộ, thử DNA mới phát hiện ra nhiều oan sai!

Kết luận:

Từ những mối liên quan có khi hỗ tương có khi loại trừ lẫn nhau giữa các khái niệm sơ lược ở trên, xã hội luôn xảy ra những cuộc chiến phân định giới hạn “nhân quyền”, “tự do” giữa người vi phạm, và hạnh phúc chung của xã hội. Cuộc chiến đó không bao giờ ngưng, vì những mâu thuẫn và tính cách tương đối nêu trên. Cho nên định nghĩa “tự do”,“dân chủ”, “nhân quyền” luôn luôn là vấn đề tương đối vì tính cách chủ quan trong tầm mắt của mình. Tùy theo trào lưu xã hội mà quyền lợi của một số người nào đó có thể được tăng thêm hay giảm bớt.

Người ở trong những nhóm xã hội khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau tùy theo trình độ phát triển về nhiều phương diện khác nhau. Chỉ có những người sống trong cùng một hoàn cảnh mới biết rõ nhu cầu đó. Với trình độ phát triển ý thức dân chủ của của đa số người dân ở Việt Nam ngày nay, họ sẽ có những phản ứng thích hợp, thực tế và đúng chỗ, nếu cuộc sống bình thường của chính họ thực sự bị chà đạp.

Không thể dùng một định nghĩa nào đó trong sách vỡ ai đó của một tổ chức nào đó mà đòi áp dụng cứng nhắc vào một tổ chức xã hội khác. Không thể chỉ vì sự chênh lệch quan niệm về các khái niệm nhân quyền, dân chủ, tự do mà người ở một xã hội này xúi bẩy một xã hội kia để tạo ra phong trào "đòi này đòi nọ". Thực tế, những việc làm đó không đem lại kết quả tốt đẹp, mà chỉ là những trò chơi chính trị mà thôi. Đó là một hành động "kiếm chuyện" chứ không phải là một "ý thức" tiến bộ, hoặc phát xuất từ những động lực có tính nhân bản.

Lý Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét